Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Ngày 01/3/2014 - Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung Quốc: Mối tình tay ba? - Trước khi nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền kí bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ở Thanh tra Chính phủ

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung Quốc: Mối tình tay ba?

Một phần trong chính sách “xoay trục” tại châu Á, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục theo đuổi Việt Nam trong khi Trung Quốc thờ ơ đứng nhìn.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Mười hai 2013, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry thông báo sẽ cung cấp “32,5 triệu USD trong quỹ hộ trợ mới để giúp thực thi luật hàng hải tại các quốc gia Đông Nam Á”. Ngoài ra, ông Kerry cũng nhấn mạnh việc “viện trợ dành các vấn đề hàng hải này không động chạm gì tới những động thái của các nước trong khu vực hay làm căng thẳng thêm những tranh chấp hiện có”. Tuy vậy, thông báo này gần như chắc chắn được hiểu như một phản ứng nhằm đánh vào những động thái bành trướng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại các vùng lãnh thổ có tranh chấp.

Một phần trong chính sách “xoay trục” của Hoa Kỳ là củng cố lại quan hệ của nước này trong khu vực, không chỉ với các đồng minh lâu năm như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Philippines mà với cả các đối tác mới như Việt Nam. Ông Kerry đặt chuyến thăm Việt Nam ngay trong bối cảnh: “Hiện nay, một phần trong chính sách của chúng tôi là tập trung thực hiện chính sách xoay trục ở châu Á bởi đây là khu vực có ảnh hưởng lớn tới tình hình thế giới trong tương lai… Thẳng thắn mà nói, không có nơi nào có thể thể điều này một cách rõ ràng và quan trọng như ở Việt Nam”. Trong số tiền 32,5 triệu USD mà Hoa Kỳ dành cho an ninh hàng hải có tới 18 triệu USD được đặc biệt dành cho Việt Nam, bao gồm cả việc mua năm tàu tuần tra mới để bảo vệ bờ biển của nước này.

Trong bối cảnh Việt Nam có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, các tàu bảo vệ bờ biển này hoàn toàn có khả năng sẽ được sử dụng để tuần tra các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố thuộc lãnh thổ của họ. Điều này không thể góp phần làm giảm đi nỗi sợ hãi ở Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam như một phần trong chiến lược ngăn chặn rộng lớn hơn đối với Trung Quốc.

Mối quan hệ Việt–Mỹ đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Trong tháng Bảy năm 2013, lần đầu tiên Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang chính thức đến thăm Hoa Kỳ, nơi ông và Tổng thống Barack Obama công bố một “quan hệ đối tác toàn diện” giữa hai nước. Mối quan hệ này kêu gọi “sự hợp tác trên một loạt các vấn đề, từ thương mại và hợp tác quân sự tới những vấn đề đa phương như cứu trợ thiên tai, trao đổi khoa học và giáo dục”.

Theo tuyên bố chính thức được đăng tải thì một khía cạnh cụ thể trong bối cảnh “hợp tác toàn diện mới” là “Tổng thống Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang đã nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế … nhằm hỗ trợ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực châu Á–Thái Bình Dương”.

Tại hội nghị ASEAN năm 2010 tại Hà Nội, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã chính thức đưa Hoa Kỳ vào tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông. Bà Clinton đã phát biểu rằng, “Hoa Kỳ, tương tự như các quốc gia khác, cũng có lợi ích quốc gia liên quan đến tự do hàng hải, tiếp cận với vùng biển chung của châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế trong khu vực Biển Đông”. Bà cũng nói thêm “Hoa Kỳ ủng hộ một tiến trình ngoại giao hợp tác của tất cả các bên có tranh chấp nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ mà không cần biện pháp cưỡng chế. Chúng tôi phản đối các nước sử dụng hoặc đe dọa vũ lực trong khu vực Biển Đông”.

Mặc dù bà Clinton cho rằng Hoa Kỳ sẽ không đứng về môt phía trong vụ tranh chấp nhưng trên thực tế, việc bà tuyên bố lợi ích của Hoa Kỳ tại cuộc họp ở Hà Nội ngay sau mối quan hệ Việt–Trung gia tăng căng thẳng dường như là dấu hiệu Hoa Kỳ đang ủng hộ Việt Nam. Một thời gian ngắn trước bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, bà Clinton hứa rằng “chúng ta đang chuẩn bị để đưa mối quan hệ Mỹ–Việt lên một tầm cao mới trong khuôn khổ đoàn kết, hợp tác, và hữu nghị”. Một phần của tuyên bố này bao gồm các cuộc tập trận quân sự mà Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến hành chung hồi tháng Tám năm 2010, một tháng sau khi bà Clinton phát biểu những điều vừa kể.

Tại các diễn đàn đa phương sau đó, việc này đã ngày càng trở nên rõ ràng khi Hoa Kỳ và Việt Nam (cũng như các nước khác) đã hợp tác chặt chẽ hơn nhằm hỗ trợ một “bộ quy tắc ứng xử” trong vùng lãnh thổ có tranh chấp. Về phía Trung Quốc, họ vừa phải chống lại việc đưa vụ tranh chấp vào các diễn đàn đa phương cùng lúc phải đối phó với các mối quan hệ song phương. Sự rạn nứt giữa Trung Quốc với những người ủng hộ và liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đã dẫn đến một thất bại ngoạn mục tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2012, thậm chí kết thúc Hội nghị mà không hề có một thông cáo nào được đưa ra.

Lâu nay Bắc Kinh thường cáo buộc Hoa Kỳ tìm cách chia rẽ Trung Quốc và các nước láng giềng tại châu Á. Trong khi Hoa Kỳ có thể không chủ động kêu gọi các nước châu Á chống lại Trung Quốc nhưng dường như chắc chắn rằng Hoa Kỳ đã đạt được nhiều thành công cũng như lợi ích khi các nước này chìm sâu trong mâu thuẫn với Trung Quốc. Tại một cuộc họp báo trong chuyến viếng thăm Việt Nam hồi năm 2012 của bà Clinton, một quan chức nhà nước cấp cao cho biết một trong những yếu tố “thú vị” trong mối quan hệ Mỹ–Việt  là “sự sâu sắc và tình cảm chống Trung Quốc” ở Việt Nam. Kết quả của điều này “không thể phủ nhận trong trường hợp mối quan hệ của chúng tôi đã được cải thiện đáng kể với Việt Nam”.

Hoa Kỳ có thể đã tận dụng những cảm xúc lẫn lộn đối với Trung Quốc để tăng cường quan hệ với các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngoài chuyến thăm của ông Kerry hồi cuối năm 2013, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến thăm Việt Nam hai lần – một lần vào năm 2010 và lần sau vào năm 2012. Trong quá khứ, hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Robert Gates và Leon Panetta, cũng đã đến thăm Việt Nam lần lượt trong năm 2010 và 2012. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hiện này Chuck Hagel dự kiến ​​sẽ đến thăm Việt Nam vào năm 2014.

Một bản ghi nhớ hồi năm 2011 về sự hiểu biết giữa mối quan hệ Mỹ–Việt đã chỉ ra các lĩnh vực hợp tác quân sự, bao gồm các cuộc đối thoại quốc phòng cấp cao, an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu hộ và các hoạt động nhân đạo khác. Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh, “điểm đáng chú ý” nhất là “cam kết mạnh mẽ” của Hoa Kỳ trong việc giúp Việt Nam đối phó với những hậu quả kéo dài còn lại trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.

Hoa Kỳ và Việt Nam dường như đã lấp đi cuộc chiến tranh kéo dài hàng thập niên của họ khi cả hai nước tăng cường và hướng tới xây dựng mối quan hệ mới. Chiến tranh Việt Nam vẫn còn là chủ đề chính trong những bài phát biểu chính thức nhưng chủ yếu thông qua các ví dụ về việc Hoa Kỳ và Việt Nam cố gắng vượt qua các di chứng đó như thế nào. Hai nước đã tiến hành “hoạt động tìm kiếm chung” các hài cốt binh lính Việt Nam và Hoa Kỳ, những người đã được liệt kê là mất tích sau cuộc Chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng liên tục nỗ lực hỗ trợ Việt Nam đối với chất độc màu da cam trong thời kỳ chiến tranh. Tuy nhiên, giáo sư Carl Thayer lưu ý trong một phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế rằng một phần vì còn “xấu bụng” nên Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ có thể xây dựng “mối quan hệ đối tác toàn diện”, một bước thấp hơn so với mối quan hệ “đối tác chiến lược” giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn còn khá tự tin rằng mối quan hệ giữa họ với Việt Nam có thể chịu được thêm sự cạnh tranh từ phía Hoa Kỳ. Một bài báo trên tờ Nhân dân Nhật báo (đăng lại bởi các trang web tin tức Sohu) chỉ ra rằng mặc dù chấp nhận viện trợ của Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn có ý định tôn trọng sự đồng thuận với Trung Quốc bằng cách cùng bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực. Trung Quốc cũng đã có những bước tiến riêng của họ để tăng cường hợp tác với Việt Nam, bao gồm cả thông báo hồi tháng Mười rằng Trung Quốc và Việt Nam sẽ cùng khai thác các khu vực tranh chấp ở Vịnh Bắc Bộ. Giải thích lô-gíc đằng sau động thái này trên tờ South China Morning Post, giáo sư Su Hao thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc nhận xét rằng “Bắc Kinh thấy Việt Nam có thể trở thành một phần trong chính sách ngăn chặn Trung Quốc của Nhật Bản và Hoa Kỳ”.

Với Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục nhận thấy đối tác này vẫn có thể bị ảnh hưởng nếu trở nên quá thân với phía Hoa Kỳ. Vì vậy, Trung Quốc có thể sẽ thực hiện các biện pháp kiềm chế đối với Việt Nam – biện pháp mà Trung Quốc không có ý định sử dụng trong các vụ tranh chấp với Nhật Bản và Philippines, những nước vốn đã là đồng minh vững chắc của Hoa Kỳ.
Shannon Tiezzie, The Diplomat
Thùy Dương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
   © 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Trước khi nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền kí bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ở Thanh tra Chính phủ

Tổ chức, nhiệm vụ  của TTCP và…

Trong lịch sử 68 năm (23/11/1945 – 23/11/2013) ngành Thanh tra Chính phủ có lẽ ông Tổng TTCP Trần Văn Truyền (nhiệm kì 2007 – 2011) là vị “Tư lệnh ngành” chiếm kỉ lục, giành ngôi “quán quân” về làm công tác cán bộ trước khi về hưu. Chỉ trong một thời gian ngắn ông kí ồ ạt quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp Vụ (và tương tương), nhiều người không có quy hoạch…

Theo Website thanhtra.gov.vn, hệ thống cơ quan TTCP có gần 20 đầu mối trực thuộc, bao gồm:

- 7 vụ chức năng: Trong đó 4 vụ thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) gồm: Vụ I (Vụ Kinh tế ngành), Vụ II (Kinh tế Tổng hợp, Tài chính – Ngân hàng), Vụ III (Vụ Văn xã), Vụ IV (Vụ Giám sát Thẩm định sau thanh tra), Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Pháp chế và Vụ Tổ chức Cán bộ.

- 4 cục: 3 Cục Thanh tra và giải quyết KNTC khu vực gồm miền Bắc (Cục I), miền Trung (Cục II), miền Nam (Cục III) và Cục Chống tham nhũng (Cục IV).

- Các đơn vị hành chính và sự nghiệp công lập: Văn phòng, Trường Cán bộ, Viện Khoa học, Trung tâm Thông tin, Báo, Tạp chí, v.v…

Tổng số cán bộ, công chức (hưởng lương ngân sách) ước khoảng 550 – 600 người. Bộ máy lãnh đạo có Tổng Thanh tra, các Phó Tổng Thanh tra, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Cơ quan, Công đoàn viên chức cơ quan, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan; hầu hết cán bộ, công chức là đảng viên.
Ông Trần Văn Truyền.
Ông Trần Văn Truyền.
Thanh tra Chính phủ là cơ quan quản lí nhà nước cao nhất về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và chống tham nhũng, công cụ sắc bén của Đảng, có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng thể chế bảo đảm cho bộ máy quản lí Nhà nước trong sạch, minh bạch, là tổ chức “thượng phương bảo kiếm” mà mỗi cán bộ, công chức làm nhiệm vụ chuyên ngành phải là một “Bao Thanh Thiên” của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi trong thực hiện nhiệm vụ là yếu tố con người. Ở TTCP, nhiều cán bộ tốt, có bản lĩnh, giữ được nhân cách, thanh đức (đạo đức thanh tra), trung thực, tinh thông nghề nghiệp, song do chính sách tuyển dụng, sử dụng còn tồn tại khuynh hướng lệch lạc, dễ dãi của người đứng đầu, quản lí cán bộ lỏng lẻo, xem xét đánh giá đơn giản, một số cán bộ, công chức kém tu dưỡng, rèn luyện nên cũng xuất hiện “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lí, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…” như Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI chỉ ra. Điển hình nhất gần đây là Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh kí bổ nhiệm chức danh Vụ trưởng Vụ I đối với ông Lê Sỹ Bảy để lại quá nhiều tai tiếng. Trước hết ông Lê Sỹ Bảy tín nhiệm thấp, lại là người đang có nhiều đơn thư tố cáo vạch rõ những sai phạm nghiêm trọng trong tác nghiệp ở một số cuộc thanh tra. Quá trình thăng tiến ông Bảy bộc lộ nhiều bất cập về bằng cấp, niên hạn bổ nhiệm các chức danh, ngạch công chức. Đặc biệt, cách làm độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, áp đặt của 2 ông Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh và ông Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh gây bất bình trong nội bộ, nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo gửi tới lãnh đạo cấp cao và cơ quan báo chí.

Cách làm đó là sự lặp lại, nối tiếp “kiểu bổ nhiệm” cán bộ thiếu quy hoạch, không khoa học, tùy tiện mà người tiền nhiệm của ông Huỳnh Phong Tranh là ông Trần Văn Truyền phạm sai lầm mang tính “lịch sử”.

Sai lầm của “ông Tổng”

Làm Tổng TTCP nhiệm kì trước, một hai năm đầu ông Trần Văn Truyền nổi bật là một vị “Tư lệnh ngành” có bản lĩnh, quyết liệt trong công việc, xử lí hậu quả dư âm về vụ thanh tra dầu khí, vụ án tai tiếng trước đó. Tuy nhiên, càng về sau ông Truyền càng bộc lộ sự chao đảo có phần khó hiểu qua xử lí không ít vụ việc thanh tra ở nhiều doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, đất đai ở một số địa phương (ngâm lâu rồi mới chỉ đạo kí). Trong nội bộ cơ quan TTCP, ông phạm không ít sai lầm về công tác cán bộ, đặc biệt là trước khi nghỉ hưu (năm 2011) ông kí ồ ạt bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, rất nhiều người không có quy hoạch, hoặc non kém về năng lực phẩm chất.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ông Trần Văn Truyền không còn được tái ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương, biết mình sau kì họp thứ I Quốc hội Khóa XII sẽ rời khỏi “Phủ Khai Phong” ở đất Thăng Long, ông chỉ đạo Vụ Tổ chức Cán bộ (do ông Ngô Văn Cao là Vụ trưởng) cấp tập, dồn dập làm nhân sự một cách ồ ạt. Từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011 ông Trần Văn Truyền kí quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ (và tương đương) tại cơ quan TTCP, chỉ trong 2 ngày (1/8 và 3/8) kí bổ nhiệm 26 người, riêng ngày 3/8/2011 kí bổ nhiệm 22 người.

Chấm dứt quyền vẫn “cố” kí bổ nhiệm

Theo lịch của Quốc hội tại kì họp thứ I Quốc hội Khóa XII, ngày 3/8/2011 chương trình Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Đúng 9 giờ hôm đó, Chính phủ mới (Khóa XIII) đã ra mắt, ông Huỳnh Phong Tranh được bầu làm Tổng TTCP, vậy mà chiều và tối hôm đó ông Trần Văn Truyền còn “cố đấm ăn xôi” kí bổ nhiệm cho một loạt người mà trước đó ông đưa vào tầm ngắm, ông chờ đợi “niềm tin và hi vọng” của số người này khá lâu. Vậy là cuối chầu, ông Truyền “ưu ái” cho hàng loạt người từ chuyên viên bỗng trở thành cán bộ cấp vụ. Chỉ trong  ngày 3/8 “lịch sử” ấy, ông kí bổ nhiệm 3 hàm Vụ trưởng ở Văn phòng, 3 hàm Phó Vụ trưởng ở Trường Cán bộ Thanh tra, 3 hàm Cục phó ở Cục III, 2 hàm Phó Vụ trưởng, hàm Vụ phó ở Cục I, 2 hàm Vụ trưởng, hàm Vụ phó ở Tạp chí, nhiều Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, hàm Vụ trưởng, hàm Phó Vụ trưởng ở các cục, vụ, đơn vị trực thuộc. Các cục, vụ, đơn vị có đủ cấp trưởng, cấp phó rồi thì ông đưa chuyên viên lên cấp “hàm” mà cấp này chưa thấy quy định điều khoảng nào trong Luật Cán bộ, công chức.

Việc bổ nhiệm tràn lan trước khi ông Trần Văn Truyền nghỉ hưu tạo ra không khí “cởi mở”, một trào lưu “chạy” cuống quýt ở rất nhiều người, Vụ Tổ chức Cán bộ bò ra làm ngày làm đêm. Hậu quả là bộ máy phình to, quỹ lương tăng đột biến. Hiện tượng tranh quyền (làm Trưởng, Phó đoàn Thanh tra), đố kị, kèn cựa nhau không hiếm. Đáng chú ý là sau khi ông Truyền kí bổ nhiệm nhiều người không có trong quy hoạch, ông thấy “giật mình” liền kí Quyết định số 2100/QĐ-TTCP ngày 3/8/2011 về bổ sung quy hoạch nhằm hợp thức hóa việc làm trái với quy trình, quy chế về công tác cán bộ của chính TTCP. Việc làm trên của ông Truyền là chống lại Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 3/12/2007. Tại Điều 15 Nghị định này quy định cấp cục, vụ, đơn vị thuộc bộ cấp phó không được vượt quá 3 người. Trong khi đó, sau đợt ông Truyền bổ nhiệm năm 2011, nhiều cục, vụ, đơn vị ở TTCP có từ 4 – 6 cấp phó. Cục I có 7 cấp phó và 1 hàm cấp phó. Có một sự thật là, một số cán bộ ngay sau khi được ông Truyền quyết định bổ nhiệm đã mắc sai lầm, khuyết điểm, bị kỉ luật thậm chí bị đi tù như ở Cục I, Trung tâm Thông tin hay ở Vụ III, v.v…

Dư luận xôn xao rằng, những người được ông Truyền để mắt tới đều biết mình phải làm gì, “chạy” như thế nào để tới đích, điều mà ai cũng thấy “cực kì khó nói ra”. Đó là một sự thật.

Ở nước ta, thường vào cuối nhiệm kì, lãnh đạo các bộ, chính quyền các địa phương thường diễn ra xu hướng chạy đua, khi người đứng đầu còn có quyền ngày nào, tranh thủ cất nhắc, bổ nhiệm cũng là cách tranh thủ “thu hoạch”, điển hình cho khuynh hướng đó là ông Trần Văn Truyền ở TTCP trước đây.
Nhóm PVĐT
 

Khi Chủ tịch tỉnh tuyên chiến với “cò dự án”

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến, mới đây đã có một văn bản yêu cầu các cấp chính quyền và người dân nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo, chạy vốn, chạy dự án của một số kẻ cơ hội xuất hiện gần đây trên địa bàn.
Theo văn bản này, hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân đã nói khống có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh để lừa đảo chạy vốn, chạy dự án, chạy chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư…
Thậm chí, một số vụ việc còn có sự tiếp tay của cán bộ chính quyền các cấp, gây thiệt hại về tài sản, tiền của nhà nước, chủ đầu tư và nhân dân; làm mất uy tín của các cấp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu lãnh đạo các sở, ban ngành và địa phương thông tin, tuyên truyền cho các nhà đầu tư biết những thủ đoạn, hành vi lừa đảo của các đối tượng để phòng tránh. Ông Chiến cũng yêu cầu các tổ chức thông báo công khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, kế hoạch đầu tư… để phòng ngừa lừa đảo.
Thông điệp của Chủ tịch Thanh Hóa khiến VnEconomy liên tưởng về một khuyến nghị, được các chuyên gia của Đại học Harvard đưa ra với Chính phủ, cách đây bốn năm.
Kinh tế thân hữu
Vào năm 2009, theo “đặt hàng” của Chính phủ Việt Nam, một nhóm các chuyên gia của Đại học Harvard đã liên tục đưa ra các khuyến nghị chính sách mang tên “Lựa chọn thành công” với kỳ vọng làm thay đổi nhận thức về hàng loạt vấn đề kinh tế quan trọng.
Một trong số các kiến nghị được đưa ra chính là làm thế nào để ngăn chặn những tác động của một “nền kinh tế thân hữu” (crony economy) đã và đang hình thành và phát triển mạnh mẽ, len lỏi vào trong đời sống chính trị và kinh tế quốc gia.
Các chuyên gia Harvard khi đó đã nhấn mạnh rằng, “những người hay nhóm có thế lực chính trị thường lợi dụng các dự án đầu tư công để trục lợi cá nhân và trở lên giàu có một cách bất chính. Với tư cách là chủ đầu tư, nhà nước không thể cho phép các chương trình đầu tư của mình đi chệch khỏi mục tiêu tối đa hóa lợi ích của quốc gia”.
“Khi đầu tư công trở thành đối tượng của các hành vi trục lợi thì một mặt mục tiêu của dự án đầu tư không được thực hiện, đồng thời gánh nặng chi phí sẽ được đặt lên vai của người dân và của nền kinh tế. Trong nhiều trường hợp, dự án được lựa chọn mà không hề căn cứ vào những tiêu chí kinh tế thích hợp. Nhiều cá nhân và nhóm có thế lực chính trị ở Việt Nam đang “hô biến” tài sản quốc gia thành sở hữu cá nhân thông qua những phi vụ đất đai mờ ám và cổ phần nội bộ”, bản khuyến nghị viết.
Sau các khuyến nghị của nhóm chuyên gia Harvard, vấn đề “crony economy” đã được nhiều học giả trong và ngoài nước tiếp tục mổ xẻ, phân tích như là một nguy cơ của nền kinh tế, khi mà các nhóm lợi ích khác nhau có thể gây ảnh hưởng hoặc thậm chí đưa ra quyết định trong quá trình hoạch định và thực thi các chính sách, đặc biệt liên quan đến đầu tư công.
Nhưng trong khi giới học giả tiếp tục đưa ra các khuyến nghị, sự hình thành các nhóm lợi ích là một xu thế, và thông điệp mới đây của Chủ tịch Thanh Hóa chỉ là sự thừa nhận một tình trạng đã trở nên phổ biến trong nền kinh tế. Trong bất cứ lĩnh vực nào, “cò” chỉ xuất hiện khi có môi trường để “cò” phát triển và “hành nghề”.
Giám đốc một công ty xây dựng tên tuổi ở miền Trung nói rằng nếu bây giờ ngồi đợi các tỉnh có dự án và vốn rồi mới vào tham gia đấu thầu là coi như không còn cơ hội. Trên thực tế, chính các nhà thầu đi tìm dự án ở địa phương, chủ động tìm nguồn vốn về và “dí” vào tay lãnh đạo địa phương; trong nhiều trường hợp, lãnh đạo tỉnh thành phải nhận dự án một cách bất đắc dĩ, dù biết rằng nhiều dự án khác cần vốn hơn.
Khái niệm “chạy nguồn” đã trở thành quen thuộc với rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ trong thời gian qua. Thậm chí, để chắc ăn hơn, các doanh nghiệp có thể kết nối với nhau thành một hệ thống, có thể đảm nhận được toàn bộ các công việc của một dự án, từ thiết kế, xây dựng, cung cấp vật liệu, vận hành, bảo trì… Bằng nguồn lực “tổng hợp” như vậy, hiệu quả “chạy nguồn” sẽ cao hơn.
Luật chơi chưa thay đổi
Cuối năm 2013, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong một bài viết đánh giá lại tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đã và đang diễn ra, đã nhận xét rằng dường như quá trình này cho đến nay vẫn mới chỉ là bước đầu, còn “ngổn ngang” và “bộn bề” trên nhiều mặt, từ nhận thức, quan điểm, tư tưởng, đến các giải pháp thực hiện.
Phân tích chi tiết, ông Cung cho rằng thể chế là khâu quan trọng nhất quyết định xu hướng, quy mô và tốc độ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bao gồm ba nội dung chính là “luật chơi”, “cách chơi” và “người chơi”; nhưng trong đó, cách hình thành “luật chơi” và nội dung của “luật chơi” chưa có nhiều thay đổi.
Ví dụ cụ thể nhất là “luật chơi” hiện nay vẫn tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào các văn bản hướng dẫn thi hành luật (nghị định, thông tư) và các quyết định điều hành mang tính hành chính của các cấp có thẩm quyền. Chỉ tính riêng Chính phủ, hàng năm có 3.000 – 4.000 văn bản điều hành được ban hành. Hiệu lực pháp luật đang dựa nhiều vào giải thích và cách thức thực hiện của các bộ, ngành và người có thẩm quyền có liên quan, dẫn tới tình trạng “xin – cho”.
Khá nhiều trong số hàng ngàn văn bản kia trên thực tế đã giải quyết tình huống cho một doanh nghiệp cụ thể, thường là các đề xuất ưu đãi, giảm hoặc hoãn thuế…
Chuyên gia kinh tế nổi tiếng Lê Đăng Doanh, trong một phát biểu khá chua chát về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam, từng nói rằng “xin được lô đất hay cái mỏ đá thì giàu nhanh, đầu tư cho khoa học và công nghệ thì 5-10 năm vẫn chưa thấy gì”.
Chủ tịch Thanh Hóa hẳn cũng từng đối mặt với rất nhiều đề xuất dạng “xin lô đất hay cái mỏ đá”, cho dù có thể ông chưa đọc các khuyến nghị của nhóm chuyên gia Harvard, những khuyến nghị dường như đang dần chìm vào quên lãng. Nhưng dù sao, chỉ đạo mới đây của ông về việc nói không với tình trạng “chạy dự án”, ít ra, cũng đã mang giá trị của một thông điệp.
THEO VNECONOMY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét