Thị trường và Đạo đức (Kì 2)
Phỏng vấn một doanh nhân
Do Tom G. Palmer thực hiện, John Mackey ghi.
Phạm Nguyên Trường dịch
Trong
bài phỏng vấn này, ông John Mackey, doanh nhân, đồng-sáng lập viên và
là đồng-giám đốc điều hành công ty Whole Foods Market, giải thích triết
lí của ông về “chủ nghĩa tư bản tự giác” và chia sẻ những suy nghĩ của
ông về bản chất và động cơ của con người, bản chất của kinh doanh, và sự
khác nhau giữa chủ nghĩa tư bản thị trường tự do và “chủ nghĩa tư bản ô
dù”.
John
Mackey cùng với một người nữa lập ra công ty Whole Foods Market vào năm
1980. Ông đã và đang là người đi đầu trong việc khuyến khích ăn uống
lành mạnh, đối xử tử tế với các loài và sự gắn bó của doanh nghiệp với
cộng đồng. Ông còn là ủy viên lãnh đạo cơ quan nghiên cứu gọi là
Conscious Capitalism Institute.
______________________________________________
Palmer:
John ạ, anh là của hiếm trong thế giới kinh doanh: một doanh nhân không
tỏ ra xấu hổ khi bảo vệ đạo đức của chủ nghĩa tư bản. Anh còn nổi tiếng
vì đã nói rằng đối với chủ nghĩa tư bản thì tư lợi chưa phải là điều
kiện đủ. Ý anh là thế nào?
Mackey:
Qui mọi thứ vào tư lợi là tin vào cái lí thuyết còn khiếm khuyết về bản
chất của con người. Nó nhắc tôi nhớ lại những cuộc tranh luận trong
trường đại học với những người khẳng định rằng tất cả những gì ta làm
đều xuất phát từ tính tư lợi, nếu không ta sẽ không làm. Đấy là quan
điểm không thể bác bỏ được và cuối cùng là vô nghĩa, bởi vì ngay cả nếu
ta làm những việc không liên quan đến quyền lợi của ta thì họ vẫn nói
rằng đấy là quyền lợi của ta, nếu không ta sẽ không làm. Đấy là lí sự
cùn.
Palmer:
Anh nghĩ thế nào mà lại cho rằng những động cơ bên ngoài tư lợi lại là
những động cơ quan trọng đối với chủ nghĩa tư bản?
Mackey:
Tôi không thích câu hỏi này, vì người ta có những định nghĩa khác nhau
về tư lợi và ta thường kết thúc câu chuyện khi nói đến đề tài này, đấy
là lí do vì sao tôi nhắc đến những buổi tranh luận thuở học trò, về
những thứ tư lợi. Tôi muốn nói rằng con người là phức tạp và chúng ta có
nhiều động cơ, tư lợi chỉ là một, nhưng không chắc đã là duy nhất.
Chúng ta được thúc đẩy bởi nhiều thứ, đấy là những thứ chúng ta quan
tâm, trong đó có tư lợi, nhưng tư lợi không phải là tất cả. Tôi nghĩ
rằng bằng một số họat động của mình, phong trào tự do – có thể là do ảnh
hưởng phối hợp của Ayn Rand và nhiều nhà kinh tế học khác – đã tiến gần
đến sự cáo chung về mặt ý thức hệ, mà tôi cho là bất công đối với việc
kinh doanh hay chủ nghĩa tư bản hoặc bản chất của con người.
Nếu
suy nghĩ thì ta sẽ thấy rằng khi còn trẻ và chưa chín về tình cảm chính
là lúc ta tự tư tự lợi nhất. Phần lớn trẻ con và người vị thành niên
đều là những người không muốn dính líu với người khác hoặc quá chú ý đến
mình. Họ hành động vì tư lợi, tất nhiên là theo cách hiểu của họ. Khi
trưởng thành và lớn lên, chúng ta có nhiều khả năng cảm thông, có nhiều
lòng trắc ẩn và yêu thương hơn, chúng ta có đầy đủ cung bậc tình cảm
hơn. Người ta làm việc vì nhiều lí do. Người ta thường phân tách một
cách sai lầm giữa tư lợi hay tính ích kỉ với tinh thần vị tha. Theo tôi
đấy là sai lầm, vì chúng ta là cả hai. Chúng ta là những người tư lợi,
nhưng chúng ta không phải là những người chỉ biết có tư lợi. Chúng ta
còn quan tâm tới những người khác. Chúng ta rất quan tâm đến hạnh phúc
của gia đình mình. Chúng ta thường quan tâm tới cộng đồng của chúng ta
và đến xã hội rộng lớn hơn mà chúng ta đang sống. Chúng ta còn quan tâm
tới đời sống của các sinh vật và môi trường rộng lớn xung quanh. Chúng
ta có những lí tưởng thúc đẩy chúng ta tìm cách làm cho thế giới trở
thành tốt đẹp hơn. Định nghĩa một cách chính xác thì dường như chúng sẽ
mâu thuẫn với tư lợi, đấy là
nói nếu chúng ta không trở lại với lí sự cùn là tất cả những điều chúng
ta quan tâm và ước muốn thực hiện đều là tư lợi tất.
Cho
nên tôi nghĩ rằng tư lợi chưa phải là đủ. Tôi không nghĩ rằng coi tất
cả các hành động đều là tư lợi là một lí thuyết hay về bản chất của con
người. Tôi nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản và việc kinh doanh phải thể hiện
đầy đủ sự phức tạp của bản chất của con người. Tôi còn nghĩ rằng lí
thuyết đó tạo ra những tác hại to lớn cho “mác” kinh doanh và chủ nghĩa
tư bản, vì nó tạo điều kiện cho kẻ thù mô tả chủ nghĩa tư bản và kinh
doanh là ích kỉ, tham lam và bóc lột. Đấy là điều làm tôi lo lắng, Tom
ạ, vì chủ nghĩa tư bản và kinh doanh là lực lượng vĩ đại nhất trong việc
thúc đẩy những điều tốt đẹp trên thế giới. Ít nhất là trong ba trăm vừa
qua đã như thế... thế mà vẫn có người chưa thực sự tin rằng chính chúng
đã tạo ra những giá trị làm người ta kinh ngạc.
Palmer: Ngòai việc theo đuổi tư lợi hay lợi nhuận, kinh doanh còn làm được gì nữa?
Mackey:
Nói một cách tổng quát, doanh nghiệp thành công tạo ra giá trị. Điều
thú vị nhất của chủ nghĩa tư bản là nó dựa hòan tòan vào việc trao đổi
tự nguyện để hai bên đều có lợi. Thí dụ như công ty Whole Foods Market:
chúng tôi tạo ra giá trị cho những người tiêu dùng của chúng tôi thông
qua những hàng hóa và dịch vụ mà chúng tôi cung cấp cho họ. Họ không bị
bắt buộc phải mua bán với chúng tôi, họ làm thế vì họ thích, vì họ nghĩ
rằng sẽ được lợi khi làm như thế. Nghĩa là chúng tôi tạo ra giá trị cho
họ. Chúng tôi tạo ra giá trị cho những người làm việc cho chúng tôi: đấy
là những thành viên trong đội ngũ của chúng tôi. Không có ai là nô lệ
hết. Họ tự nguyện làm việc vì họ thích, đấy là công việc họ muốn làm,
lương chấp nhận được, họ nhận được nhiều lợi ích từ công việc ở Whole
Foods, cả về tâm lí lẫn tiền bạc. Chúng tôi tạo ra giá trị cho các nhà
đầu tư vì thị phần của chúng tôi đã vượt 10 tỉ dollar, mà xuất phát điểm
là con số không! Nghĩa là trong hơn ba mươi năm qua chúng tôi đã tạo ra
cho các nhà đầu tư giá trị là hơn 10 tỉ dollar. Không có cổ đông nào bị
bắt buộc phải giữ cổ phiếu của chúng tôi. Họ làm một cách tự nguyện vì
tin rằng chúng tôi tạo ra giá trị cho họ. Chúng tôi tạo ra giá trị cho
những nhà cung cấp, đấy là những người buôn bán với chúng tôi. Chúng tôi
quan sát họ trong nhiều năm, chúng tôi thấy việc kinh doanh của họ phát
triển, thấy họ phát tài – tất cả đều diễn ra một cách tự nguyện. Họ
giúp cho Whole Foods tiến bộ và chúng tôi giúp họ tiến bộ.
Palmer: Anh gọi triết lí của mình là “chủ nghĩa tư bản tự giác”. Anh định nói gì với cái tên đó?
Mackey:
Chúng tôi sử dụng thuật ngữ này để tách biệt nó khỏi những nhãn hiệu
từng gây ra nhiều sự rối rắm, khi chúng vón cục vào nhau, như “trách
nhiệm xã hội của công ty”, hay như Bill Gates gọi là “chủ nghĩa tư bản
sáng tạo” hoặc “chủ nghĩa tư bản bền vững”. Chúng tôi có một định nghĩa
rõ ràng về chủ nghĩa tư bản tự giác, dựa trên bốn nguyên lí. Nguyên lí
thứ nhất, doanh nghiệp có thể có những mục tiêu cao cả, trong đó có việc
kiếm tiền, nhưng không chỉ giới hạn ở việc kiếm tiền. Mỗi doanh nghiệp
đều có thể có mục tiêu cao hơn. Và nếu bạn nghĩ về chuyện này thì bạn
thấy rằng tất cả các nghề nghiệp trong xã hội của chúng ta đều được thúc
đẩy bởi động cơ mà nếu chỉ giới hạn ở việc tối đa hóa lợi nhuận thì sẽ
không thể nào giải thích nổi. Các bác sỹ là những người được trả lương
cao nhất trong xã hội của chúng ta, nhưng các bác sỹ cũng có mục tiêu –
chữa bệnh cứu người – đấy là đạo đức nghề nghiệp được dạy trong trường
y. Đấy không có nghĩa là nói không có bác sỹ tham lam, nhưng tôi biết là
có nhiều bác sỹ thực sự quan tâm tới bệnh nhân của họ và cố gắng chữa
trị cho họ khi họ ốm đau. Thày giáo cố gắng dạy người, kiến trúc sư thì
thiết kế nhà, luật sư thì tìm cách thúc đẩy công lí và công bằng trong
xã hội của chúng ta. Mỗi nghề đều có một mục tiêu nào đó nằm ngòai việc
tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp cũng vậy. Whole Foods chuyên kinh
doanh thực phẩm, cho nên chúng tôi bán những món ăn tự nhiên và hữu cơ,
chất lượng cao cho người dân, giúp họ sống mạnh khỏe hơn và lâu hơn.
Palmer: Thế còn nguyên lí thứ hai?
Mackey:
Nguyên lí thứ hai của chủ nghĩa tư bản tự giác là nguyên lí những người
có liên quan, mà tôi đã nói bên trên, nguyên lí là bạn phải nghĩ đến
những người có liên quan khác nhau. Doanh nghiệp tạo ra giá trị cho
những người đó và họ cũng là những người có ảnh hưởng tới việc kinh
doanh. Bạn phải nghĩ về sự phức tạp trong việc tạo ra giá trị cho tất cả
những người có liên quan, tương thuộc lẫn nhau đó: người tiêu dùng,
người lao động, nhà cung cấp, nhà đầu tư và cộng đồng.
Nguyên
lí thứ ba là doanh nghiệp phải có những người lãnh đạo có đạo đức và
những người này phải coi mục đích của doanh nghiệp là số một. Họ sẽ cố
gắng thực hiện mục tiêu này và cố gắng tuân theo nguyên lí những người
có liên quan. Như vậy là họ phải thúc đẩy những cuộc thảo luận về kinh
doanh.
Và
nguyên lí thứ tư là bạn phải tạo ra nền văn hóa cổ vũ cho mục tiêu,
người liên quan và ban lãnh đạo sao cho chúng hài hòa với nhau.
Palmer:
Liệu những nguyên lí này có phải là động cơ thúc đẩy bạn mỗi sáng? Bạn
nói: “Ta sẽ kiếm thêm mấy dollar nữa” hay sẽ nói: “Ta sẽ trung thành với
những nguyên lí căn bản của mình”?
Mackey:
Tôi ngờ rằng về mặt này thì tôi là người hơi lập dị, bởi vì đã gần năm
năm nay tôi không nhận một đồng lương nào của Whole Foods. Thưởng cũng
không. Lợi tức từ cổ phần mà tôi được hưởng đều được chuyển cho quĩ gọi
là The Whole Planet Foundation để tạo ra những khỏan vay nhỏ dành cho
người nghèo trên khắp thế giới. Tôi được mục tiêu của Whole Foods khuyến
khích là chính, chứ không phải là tôi có thể kiếm được bao nhiêu tiền
từ việc kinh doanh, hiểu theo nghĩa là bù đắp cho công sức bỏ ra. Tôi
nghĩ là cá nhân mình đã có quá nhiều của cải từ cổ phần của công ty mà
tôi đang nắm giữ tại công ty rồi.
Palmer: Một lần nữa, xin hỏi, anh định nghĩa mục tiêu này như thế nào?
Mackey:
Mục tiêu của Whole Foods là.. vâng, nếu chúng ta có nhiều thời gian
hơn, chúng ta có thể nói hơi dài một chút về mục tiêu cao hơn của Whole
Foods. Tôi mới nói chuyện với nhóm lãnh đạo của chúng tôi cách đây hai
tuần. Điều tôi có thể nói trong ít phút là công ty chúng tôi được xây
dựng xung quanh bảy giá trị cốt lõi. Giá trị cốt lõi thứ nhất là làm cho
khách hàng thỏa mãn và thích thú. Giá trị cốt lõi thứ hai là hạnh phúc
và sự vượt trội của đội ngũ nhân viên. (Nhân tiện nói thêm rằng tất cả
những chuyện này đều có trên website của chúng tôi, chúng tôi công khai
hết). Giá trị cốt lõi thứ ba của chúng tôi là tạo ra của cải thông qua
lợi nhuận và phát triển. Giá
trị cốt lõi thứ tư là trở thành những công dân tốt trong những cộng đồng
nơi bạn đang kinh doanh. Giá trị cốt lõi thứ năm là cố gắng kinh doanh
mà không làm tổn hại đến môi trường. Giá trị cốt lõi thứ sáu là chúng
tôi coi các nhà cung cấp là đối tác của mình và cố gắng tạo lập quan hệ
hai bên cùng thắng (win-win) với họ. Và giá trị cốt lõi thứ bảy là chúng
tôi muốn dạy cho tất cả những người có liên quan về một lối sống mạnh
khỏe và ăn uống có lợi cho sức khỏe. Cho nên mục tiêu cao hơn của chúng
tôi xuất phát trực tiếp từ những giá trị cốt lõi đó. Đấy là: cố gắng
chữa nước Mĩ, dân tộc ta là dân tộc béo phì và ốm yếu, chúng ta ăn những
món ăn khủng khiếp, chúng ta chết vì bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo
đường. Đấy là những bệnh tật do cách sống mà ra – đấy là những căn bệnh
có thể tránh được hay chữa được, cho nên đấy là một trong những mục
tiêu cao cả hơn của chúng tôi.
Mục
tiêu cao hơn tiếp theo của chúng tôi liên quan tới hệ thống sản xuất
nông nghiệp của chúng ta, chúng tôi cố gắng làm cho trở thành hệ thống
sản xuất nông nghiệp bền vững hơn, hệ thống như thế cũng có năng suất
cao hơn.
Mục
tiêu thứ ba liên quan tới quĩ gọi là Whole Planet Foundation, cộng tác
với tổ chức tín dụng có tên là Grameen Trust và những tổ chức tín dụng
nhỏ khác [Ghi chú của biên tập viên: Ngân hàng Grameen Bank và quĩ tín
dụng Grameen Trust thúc đẩy những khỏan tín dụng nhỏ, nhất là cho phụ
nữ, một cách dẫn đến sự phát triển] nhằm giúp xóa đói nghèo trên tòan
thế giới. Chúng tôi hiện có mặt tại 34 nước, hai năm nữa sẽ có mặt tại
56 nước – điều này đã có tác cộng tích cực đối với hàng trăm ngàn người. Mục tiêu thứ tư của chúng tôi là truyền bá chủ nghĩa tư bản tư giác.
Palmer:
Anh đã nói về mục tiêu của doanh nghiệp, thế… tại sao lại phải có lãi?
Kinh doanh không phải là công việc nhằm tối đa hóa lợi nhuận hay sao?
Anh không thể làm tất cả những chuyện đó mà không cần lợi nhuận hay sao?
Anh chỉ cần kiếm đủ tiền để bù đắp chi phí cũng được chứ sao?
Mackey:
Câu trả lời là như thế thì anh sẽ không hiệu quả lắm, vì nếu anh chỉ
kiếm đủ tiền bù đắt chi phí thì ảnh hưởng của anh sẽ rất hạn chế. Hiện
nay công ty Whole Foods có nhiều ảnh hưởng hơn cách đây hai mươi, ba
mươi, mười lăm năm hay mười năm trước đây. Vì chúng tôi có lợi nhuận
cao, vì chúng tôi có thể phát triển và thực hiện những mục tiêu của mình
ngày một tốt hơn, chúng tôi có thể tiếp cận và giúp hàng triệu người
thay vì chỉ giúp được mấy ngàn người. Cho nên tôi nghĩ là lợi nhuận là
tối cần thiết cho việc thực hiện mục tiêu của chúng tôi. Còn nữa, tạo ra
lợi nhuận cũng có nghĩa là cung cấp nguồn vốn mà thế giới đang cần để
có thể cải tiến và tiến bộ - không có lợi nhuận thì cũng không có tiến
bộ. Chúng là những hiện tượng tương thuộc lẫn nhau.
Palmer: Nhưng lợi nhuận lại chui vào túi cổ đông của anh, thế thì lợi nhuận có thực hiện được sứ mệnh của nó hay không?
Mackey:
Đương nhiên là phần lớn lợi nhuận không chui vào túi cổ đông rồi. Chỉ
mấy phần trăm cổ tức mà chúng tôi trả là chui vào túi họ thôi. Hơn chín
mươi phần trăm tiền kiếm được được tái đầu tư vào việc phát triển doanh
nghiệp. Nói chính xác thì phải trả cổ tức cả một trăm phần trăm lợi tức
thì mới đúng, nhưng ngòai REIT (Real Estate Investment Trust) ra thì tôi
không thấy doanh nghiệp nào làm như thế hết. Mọi người khác đều tái đầu
tư. Hơn nữa, lợi nhuận dành cho cổ đông khuyến khích họ đầu tư vào
doanh nghiệp, không có những khoản đầu tư như thế thì bạn sẽ không có
vốn để thực hiện những mục tiêu cao cả hơn. Khả năng tăng vốn của công
ty chứng tỏ rằng bạn có thể tạo được giá trị và tiêu chuẩn đo lường điều
đó là giá cổ phiếu của bạn. Đấy là điều tôi muốn nói khi bảo rằng chúng
tôi đã tạo được giá trị là hơn 10 tỉ dollar trong hơn ba mươi năm qua.
Palmer: Đôi khi người ta nói rằng thị trường tự do tạo ra bất bình đẳng. Anh nghĩ sao về lời khẳng định này?
Mackey:
Tôi nghĩ là không đúng. Nghèo đói cùng cực đã và đang là điều kiện sống
của đa số người trong suốt chiều dài của lịch sử. Người ta đều nghèo và
chết non cả. Hai trăm năm trước 85% dân chúng sống trên trái đất này
chỉ sống với chưa đến một dollar mỗi ngày – 85%! Hiện nay con số này là
20% và đến cuối thế kỉ này thì sẽ là không phần trăm nào. Cho nên đây là
thủy triều lên. Thế giới đang giàu lên. Dân chúng đang thoát nghèo.
Nhân loại đang tiến bộ. Văn hóa đang phát triển. Trí thức đang phát
triển. Chúng ta đang tiến lên theo đường xoáy trôn ốc, đấy là nói nếu
chúng ta không tìm cách tiêu diệt chính mình, đấy dĩ nhiên là một mối
nguy vì người ta đôi khi còn thích cả chiến tranh nữa. Nhân
tiện, xin nói rằng đấy là một trong những lí do vì sao chúng ta phải
khuyến khích kinh doanh, tinh thần dám nghĩ dám làm và làm ra của cải,
như là lối thoát lành mạnh cho năng lượng của con người, thay cho chủ
nghĩa quân phiệt, xung đột chính trị và phá hoại tài sản. Nhưng đây là
một đề tài lớn khác.
Thế
thì nó có làm gia tăng bất bình đẳng không? Tôi cho rằng chủ nghĩa tư
bản không làm gia tăng bất bình đẳng nhiều vì nó giúp người ta ngày càng
thịnh vượng thêm, và không phải đương nhiên là mọi người cùng giàu lên
với tốc độ như nhau, nhưng cuối cùng thì mọi
người đều giàu lên sau một thời gian nào đó. Và chúng ta đã thấy điều
đó, nhất là trong hai mươi năm gần đây chúng ta đã thấy hàng trăm triệu
người Trung Quốc và Ấn Độ thoát nghèo vì họ đã chấp nhận nhiều chủ nghĩa
tư bản hơn. Thực tế là một số người thoát nghèo và thịnh vượng sớm hơn
một số người khác. Nhưng điều đó không phải là nguyên nhân của đói nghèo
– nó xóa nạn nghèo đói. Nó cũng không tạo ta bất bình đẳng theo cách mà
nhiều người nghĩ về thuật ngữ này. Trong suốt chiều dài của lịch sử, tổ
chức nào của xã hội cũng đều có bất bình đẳng cả. Ngay cả chủ nghĩa
cộng sản, với tham vọng là tạo ra xã hội bình đẳng về quyền sở hữu, mà
xã hội còn rất phân tầng và có tầng lớp tinh hoa nhiều đặc quyền đặc
lợi. Cho nên tôi nghĩ không nên trách cứ chủ nghĩa tư bản về hiện tượng
bất bình đẳng. Chủ nghĩa tư bản tạo điều kiện cho người ta thoát nghèo
và ngày càng thịnh vượng thêm, ngày càng khỏe mạnh hơn, thế là tốt lắm
rồi. Đấy là đề tài mà chúng ta phải tập trung vào.
Có
một cách biệt lớn giữa những nước chấp nhận chủ nghĩa tư bản thị trường
tự do và trở thành giàu có và những nước không chấp nhận và vẫn nghèo.
Vấn đề không phải là một số nước trở thành giàu mà vấn đề là những nước
khác vẫn còn nghèo.
Palmer:
Anh phân biệt chủ nghĩa tư bản thị trường tự do với những hệ thống,
trong đó người ta cũng kinh doanh và kiếm lời nhưng lại thường được gọi
là “chủ nghĩa tư bản ô dù”. Sự khác nhau giữa quan điểm đạo đức của anh
với những hiện tượng đang tồn tại tại nhiều nước trên thế giới là gì?
Mackey:
Chúng ta phải có chế độ pháp quyền. Người dân phải có những bộ luật áp
dụng một cách bình đẳng cho tất cả mọi người, và hệ thống công lí phải
coi nó là mục tiêu trước mắt. Chúng ta cần phải coi mọi người bình đẳng
trước pháp luật là mục tiêu quan trọng nhất – không ưu tiên cho người
này hay người kia. Cho nên hiện tượng đang xảy ra tại nhiều nước và tôi
cho là cũng đang xảy ra thường xuyên hơn ở Mĩ, đấy là có sự thiên vị đặc
biệt đối với những người có dây mơ rễ má với bộ máy chính trị. Thế là
sai. Thế là không tốt. Đến mức là xã hội nào cũng bị nạn chủ nghĩa tư
bản ô dù, bạn không còn được sống trong xã hội thị trường tự do nữa và
bạn không tận dụng được sự phồn vinh, làm cho nhiều người không được
thịnh vượng theo đúng khả năng của họ, đấy là nói trong trường hợp xã
hội thị trường tự do đúng nghĩa, và chế độ pháp quyền nâng đỡ cho nó.
Palmer: Xin quay trở lại với Hoa Kì là đất nước mà chúng ta đang sống. Anh có nghĩ rằng ở Mĩ cũng có nạn ô dù không?
Mackey:
Tất cả những khoản tài trợ cho “công nghệ xanh” theo tôi đều là chủ
nghĩa tư bản ô dù cả, thí dụ thế. Người ta tài trợ cho một số doanh
nghiệp, và cuối cùng thì, vì nhà nước làm gì có tiền, họ lấy tiền của
người đóng thuế và phân phối cho những người được bộ máy chính trị ưu
ái. Tôi coi trường hợp công ty General Electric, với những khoản thuế
khóa mà họ trả hiện nay cũng là ô dù; họ được ghi vào luật những khoản
miễn giảm thuế. Và vì họ dính líu sâu vào những kiểu công nghệ năng
lượng thay thế như vậy cho nên sẽ đến lúc họ không phải trả thuế cho
phần lớn các khoản thu nhập của họ chỉ đơn giản là vì họ có những mối
liên kết chính trị. Nó làm tôi bực mình. Tôi nghĩ đấy là những điều
không tốt.
Palmer: Anh có nghĩ là trái đạo đức không?
Mackey:
Có, tôi nghĩ thế. Trái đạo đức… tôi gọi là trái đạo đức. Nhưng bạn sẽ
phải định nghĩa trái đạo đức nghĩa là gì. Chắc chắn là nó trái với quan
niệm đạo đức của tôi và trái với cảm nhận của tôi về đúng sai. Còn nó có
trái với quan niệm đạo đức của người khác hay không thì khó nói. Chắc
chắn là tôi không thích chuyện đó. Tôi phản đối chuyện đó. Nó không
tương thích với quan niệm của tôi về cách thức cai trị xã hội. Những
hiện tượng như thế không thể diễn ra trong thế giới có chế độ pháp quyền
mạnh mẽ.
Palmer: Anh thấy ai là người được lợi nhất từ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do mà anh đi theo?
Mackey:
Mọi người! Mọi người trong xã hội đều được lợi. Đấy là chế độ đã đưa
rất nhiều người ra khỏi cảnh đói nghèo. Đấy là chế độ đã làm cho đất
nước này trở thành giàu có. Chúng ta vốn là những người nghèo rớt mồng
tơi. Mĩ là đất nước của cơ hội, nhưng lúc đó không phải là nước giàu.
Thậm chí nước Mĩ chắc chắn không phải là hoàn hảo, nước này được hưởng
thị trường tự do nhất thế giới trong suốt hai trăm năm, và kết quả là
chúng ta đã từ rất nghèo thành thịnh vượng, đích xác là một nước giàu.
Palmer: Trong tác phẩm Chân giá trị của giai cấp tư sản (Bourgeoise Dignity),
bà Deirdre McCloskey khẳng định rằng chính những thay đổi trong cách
nghĩ của người dân về chuyện kinh doanh và sáng kiến trong làm ăn đã làm
cho thịnh vượng trở thành khả thi đối với quần chúng bình thường. Anh
có nghĩ là chúng ta có thể phục hồi lại sự tôn trọng đối doanh nghiệp
tạo ra tài sản hay không?
Mackey:
Tôi nghĩ là có thể, bởi vì tôi đã chứng kiến những chuyện xảy ra sau
khi Ronald Reagan được bầu. Trong những năm 1970 nước Mĩ rơi vào suy
thoái, không có gì nghi ngờ chuyện này hết; xin hãy xem nạn lạm phát,
lãi suất ngân hàng, GDP, tần số những vụ suy thoái kinh tế, suy thoái
đình đốn cho thấy khiếm khuyết nghiêm trọng của học thuyết Keynes, và
đúng lúc đó, chúng ta có một nhà lãnh đạo mới, ông này tiến hành giảm
thuế và cởi trói cho nhiều ngành công nghiệp bằng cách bãi bỏ một số qui
định và nước Mĩ đã phục hưng, đã hồi sinh, và điều đó đã dẫn dắt chúng
ta suốt ba nhăm năm qua. Đơn giản là chúng ta đã đi theo đường xoáy trôn
ốc của sự phát triển và tiến bộ. Đáng tiếc là gần đây chúng ta lại giật
lùi, ít nhất cũng lùi mất vài bước. Trước hết dưới thời… vâng, tôi có
thể phê phán từng vị tổng thống và chính trị gia, và Reagan cũng không
phải là tuyệt vời theo bất cứ khía cạnh nào, nhưng gần đây ông Bush đã
đẩy nhanh tốc độ thụt lùi, còn Obama thì còn làm nhanh đến nỗi không vị
tổng thống nào trước đó có thể làm được như thế.
Nhưng,
anh biết đấy, tôi là doanh nhân, cho nên tôi là người lạc quan. Tôi
thực sự nghĩ là có thể đảo ngược được xu hướng này. Tôi không nghĩ là
chúng ta đang trong quá trình đi xuống không thể đảo ngược được, nhưng
tôi nghĩ rằng chúng ta phải tạo ra được một số thay đổi quan trọng trong
thời gian sớm nhất. Chúng ta đang phá sản, đấy là một. Nếu chúng ta
không giải quyết vấn đề này một cách thực sự và giải quyết nó mà không
tăng thuế và bóp nghẹt việc làm ăn của Mĩ, nếu chúng ta không giải quyết
chuyện đó thì tôi nghĩ suy thoái là không thể tránh được. Nhưng hiện
nay tôi vẫn hi vọng!
Palmer:
Anh nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản tạo ra sự phục tùng hay là nó tạo ra
không gian cho sự đa dạng? Tôi đang suy nghĩ về những người thích đồ ăn
chế biến theo luật Do Thái hay đồ ăn của người Hồi giáo hoặc những nền
văn hóa hoặc thói quen tình dục của những nhóm thiểu số…
Mackey:
Bằng cách liệt kê những vấn đề đó là anh đã gần như trả lời được câu
hỏi rồi. Rút cục thì chủ nghĩa tư bản chính là người dân hợp tác với
nhau để tạo ra giá trị cho những người khác cũng như cho chính mình. Đấy
là chủ nghĩa tư bản. Đấy dĩ nhiên cũng là tính tư lợi nữa. Cái chính là
có khả năng tạo ra giá trị thông qua hợp tác và làm như thế cho cả mình
lẫn tha nhân. Và nó tạo ra những nỗ lực rất khác nhau vì người ta rất
khác nhau cả về nhu cầu lẫn ước muốn. Như vậy là, nó tạo ra không gian
rộng lớn cho cá tính. Nếu anh sống trong xã hội độc tài, một nhóm lợi
ích nào đó - đấy có thể là giới tăng lữ hay các giáo sư ở trường đại học
hoặc nhóm những kẻ cuồng tín, những người tin rằng họ biết điều gì là
tốt cho tất cả mọi người – có thể áp đặt giá trị của họ cho tất cả những
người khác. Họ có quyền ra lệnh cho người khác. Trong xã hội tư bản bạn
có nhiều không gian cho cá nhân mình hơn. Ở đây có không gian cho hàng
tỉ đóa hoa kheo sắc, đơn giản là vì sự thịnh vượng của con người là mục
đích của chủ nghĩa tư bản, là tác phẩm vĩ đại nhất của nó.
Palmer: Xin cho biết quan niệm của anh về một tương lai công bằng, năng động và thịnh vượng?
Mackey:
Điều tôi muốn thấy trước hết là những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản bắt
đầu hiểu rằng chiến lược mà họ đã và đang sử dụng thực ra là có lợi cho
đối thủ của họ. Họ thừa nhận vai trò quan trọng của nền tảng đạo đức và
họ để cho kẻ thù của chủ nghĩa tư bản mô tả nó như là hệ thống bóc lột,
tham lam, ích kỉ, hệ thống tạo ra bất bình đẳng, bóc lột công nhân, lừa
dối người tiêu dùng và phá hoại môi trường sống, gậm nhấn dần các cộng
đồng. Những người biện hộ cho chủ nghĩa tư bản không biết trả lời như
thế nào vì họ đã công nhận lí do chủ yếu cho sự phê phán của chủ nghĩa
cộng sản rồi. Họ cần phải thoát ra khỏi nỗi ám ảnh về tư lợi và bắt đầu
nhìn thấy những giá trị mà chủ nghĩa tư bản tạo ra không chỉ cho các nhà
đầu tư – mặc dù dĩ nhiên là như thế rồi, mà còn tạo ra giá trị cho tất
cả những người tham gia mua bán với doanh nghiệp: tạo ra giá trị cho
người tiêu dùng, cho công nhân, cho nhà cung cấp, cho toàn thể xã hội,
nó tạo ra cả giá trị cho chính phủ nữa. Ý tôi là chính phủ sẽ ra sao nếu
không có khu vực kinh tế mạnh, tức là khu vực tạo ra công ăn việc làm
và của cải để chính phủ đánh thuế?
Chủ
nghĩa tư bản là nguồn gốc của giá trị. Đấy là bộ máy hợp tác lạ lùng
nhất mà ta thấy trên đời. Và đấy là câu chuyện mà chúng ta cần truyền
bá. Chúng ta phải thay đổi cách trình bày. Từ quan điểm đạo đức, chúng
ta phải thay đổi câu chuyện về chủ nghĩa tư bản để chỉ cho người ta thấy
rằng nó tạo ra giá trị, không phải chỉ cho một vài người mà là cho tất
cả mọi người. Nếu người ta có thể nhìn chủ nghĩa tư bản dưới góc độ của
tôi thì người ta sẽ yêu chủ nghĩa tư bản như tôi yêu vậy.
Palmer: Cám ơn anh đã dành thời gian.
Mackey: Nói chuyện với anh tôi cũng thấy rất vui, Tom ạ.
Nguồn: http://studentsforliberty.org/college/the-morality-of-capitalism/
Thị trường và Đạo đức (Kì 3)
Deirdre N. McCloskey
Tự do và phẩm giá là nền tảng của thế giới hiện đại
Phạm Nguyên Trường dịch
Trong
tiểu luận này, nhà sử học chuyên về lĩnh vực kinh tế và nhà phê bình xã
hội, Deirdre McCloskey, biện luận rằng nếu chỉ dùng “tác nhân kinh tế” –
như nhiều thế hệ các nhà sử học đã từng làm – thì không giải thích được
sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại và thế giới mà nó tạo ra.
Chính sự thay đổi trong cách nghĩ của người dân về kinh doanh, về trao
đổi, về cải tiến và lợi nhuận đã tạo ra chủ nghĩa tư bản hiện đại và
giải phóng phụ nữ, giải phóng những người đồng tính, những người bỏ đạo
và khối quần chúng bị áp bức trước đây, những người mà đời sống đầy rẫy
cảnh tàn bạo, đau đớn và chẳng kéo dài được bao lâu trước khi người ta
phát hiện ra và thương mại hóa ngành nông nghiệp, thuốc chữa bệnh, điện
năng, và những lĩnh vực khác của đời sống tư bản hiện đại.
Deirdre
N. McCloskey là giáo sư kinh tế, lịch sử, tiếng Anh và truyền thông tại
đại học Illinois ở Chicago (University of Illinois at Chicago). Bà đã
cho xuất bản 13 đầu sách về kinh tế học, lịch sử kinh tế, thống kê, tu
từ học, văn học cũng như tập hồi kí có tên là Crossing. Bà là đồng chủ
bút Tạp chí lịch sử kinh tế và thường xuyên viết cho các tạp chí mang
tính hàn lâm. Tác phẩm gần đây nhất của bà, vừa mới được xuất bản có tên
là: Bourgeois Dignity: Why Economics Can’t Explain the Modern World
(tạm dịch: Phẩm giá của giới tư sản: Vì sao kinh tế học không thể lí
giải được thế giới hiện đại).
Sự
thay đổi trong cách người dân tán dương thị trường và cải tiến nó đã
tạo ra cuộc Cách mạng công nghiệp và sau đó là thế giới hiện đại. Lí trí
thông thường trước đây – ngược lại – không có chỗ cho thương mại và cải
tiến, và cũng chẳng có chỗ cho tư tưởng tự do. Câu chuyện của chủ nghĩa
duy vật trước đây nói rằng Cách mạng công nghiệp xuất phát từ nguyên
nhân vật chất, từ đầu tư hay ăn cắp, từ tỉ lệ tiết kiệm cao hay từ chủ
nghĩa đế quốc. Bạn đã nghe nói: “Châu Âu giàu có là do nó có các đế
chế”; “Mĩ được xây dựng trên lưng những người nô lệ”; “Trung Quốc giàu
là do buôn bán”.
Nhưng
nếu, thay vì thế, Cách mạng công nghiệp bùng lên là do những thay đổi
trong cách nghĩ của người dân, đặc biệt là cách họ nghĩ về nhau thì sao?
Giả sử máy hơi nước và máy tính xuất phát từ sự kính trọng đối với
những người có sáng kiến chứ không phải từ việc xếp gạch lên nhau hay là
xếp những xác chết của người Phi châu lên nhau thì sao?
Các
nhà kinh tế học và các nhà sử học bắt đầu nhận thức được rằng đối với
việc kích hoạt cuộc Cách mạng công nghiệp thì điều này có ý nghĩa hơn,
hơn hẳn việc ăn cắp hay tích lũy tư bản – nó đã tạo ra một sự thay đổi
to lớn trong cách nghĩ của người phương Tây về thương mại và sáng kiến.
Người ta bắt đầu thích “sự phá hoại mang tính sáng tạo”, thích ý tưởng
mới thay thế cho ý tưởng cũ. Tương tự như nhạc vậy. Ban nhạc mới có một ý
tưởng mới trong lĩnh vực nhạc rock, và nó sẽ chiếm chỗ của ban nhạc cũ
nếu có nhiều người chấp nhận ý tưởng mới này. Nếu người ta nghĩ rằng bản
nhạc cũ không còn hay nữa thì nó bị “phá hủy” bằng một hành động sáng
tạo. Đấy cũng là cách đèn điện “phá hủy” đèn dầu hỏa và máy tính “phá
hủy” máy đánh chữ. Vì lợi ích của chúng ta.
Lịch
sử chân thực nói như sau: Trước khi người Hà Lan, vào khoảng năm 1600,
hay người Anh, khoảng năm 1700, thay đổi cách suy nghĩ của họ, bạn chỉ
được kính trọng bằng hai cách: trở thành chiến binh hay cố đạo, trong
thành lũy hay trong nhà thờ. Những người chỉ làm mỗi một việc là mua bán
kiếm sống hay cải tiến bị dè bỉu là những kẻ lừa bịp đầy tội lỗi. Năm
1200 một cai tù đã từng cự tuyệt lời cầu xin của một người giàu có, bằng
cách nói: “Đi đi, ông Arnaud Teisseire, ông đắm mình trong cảnh xa hoa
như vậy! Làm sao mà ông thoát tội cho được?”
Năm
1800, thu nhập trung bình mỗi người một ngày trên khắp hành tinh – tính
theo thời giá hiện nay – vào khoảng từ 1 đến 5 dollar. Cho là trung
bình 3 dollar mỗi ngày. Hãy tưởng tượng cuộc sống ở Rio hay Athens hoặc
Johannesburg với 3 dollar mỗi ngày. (Một số người hiện nay thậm chí vẫn
phải sống như vậy). Số tiền đó chỉ mua được ba phần tư li café
cappuccino ở cửa hàng Starbucks. Đấy đã và vẫn tiếp tục gieo vào lòng
người ta nỗi kinh hoành.
Lúc
đó bỗng có sự thay đổi, ban đầu là ở Hà Lan, rồi đến lượt Anh. Những
cuộc cách mạng và phong trào cải cách ở châu Âu từ năm 1517 đến năm 1789
đã tạo điều kiện cho những người bình thường – không phải là giám mục
và quí tộc – lên tiếng. Người châu Âu và sau đó là người ở các châu lục
khác bắt đầu thán phục các doanh nhân như Ben Franklin, Andrew Carnegie
và Bill Gates. Giai cấp trung lưu bắt đầu được coi là những người tốt,
bắt đầu được phép làm những việc tốt và phát đạt. Kể từ đó người dân đã
kí vào Giao kèo của Tầng lớp trung lưu: “Hãy để cho tôi cải tiến và kiếm
tiền trong ngắn hạn, sau khi tôi đã cải tiến, và trong dài hạn tôi cũng
sẽ làm cho bạn trở thành giàu có”, đấy là giao kèo đặc trưng cho những
khu vực giàu có hiện nay như Anh, Thụy Điển và Hồng Công.
Và
đây là điều đã xảy ra. Bắt đầu vào năm 1700 với cột thu lôi của
Franklin và động cơ hơi nước của Watt, say mê với việc cải tiến trong
những năm 1800 và còn say mê hơn trong những năm 2000, phương Tây – vốn
vẫn lẽo đẽo theo sau Trung Quốc và thế giới Hồi giáo trong nhiều thế kỉ -
đã trở thành người sáng tạo đáng kinh ngạc.
Lần
đầu tiên trong lịch sử nhân loại, giai cấp trung lưu được tôn trọng và
tự do và thế là ta có: máy hơi nước, máy dệt vải tự động, dây chuyền lắp
ráp, dàn nhạc giao hưởng, đường sắt, công ty, bãi bỏ chế độ nô lệ, máy
in bằng hơi nước, giấy viết giá rẻ, tỉ lệ người biết đọc biết viết cao,
kính giá rẻ, nền giáo dục đại học hiện đại, nền báo chí hiện đại, hệ
thống nước sạch, xi măng cốt thép, phong trào phụ nữ, đèn điện, thang
máy, ô tô, dầu hỏa, những kì nghỉ hè ở Yellowstone, chất dẻo, mỗi năm có
nửa triệu cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Anh, ngô lai, thuốc kháng
sinh penicillin, máy bay, không khí sạch trong thành phố, quyền công
dân, mổ lồng ngực, và máy tính.
Kết
quả là cuộc sống của những dân bình thường và đặc biệt là những người
rất nghèo đã được cải thiện rất đáng kể. Năm phần trăm người nghèo nhất ở
Mĩ cũng có điều hòa nhiệt độ và ô tô như ba phần trăm người giàu nhất ở
Ấn Độ.
Hiện
nay chúng ta cũng đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng như thế ở
Trung Quốc và Ấn Độ, nơi có tới 40% dân số trên toàn thế giới. Câu
chuyện về kinh tế đáng nói trong thời đại của chúng ta không phải là
cuộc Đại suy thoái hồi năm 2007-2009, dù nó có khó chịu đến mức nào. Câu
chuyện đáng nói là vào năm 1978, Trung Quốc và sau đó, vào năm 1991,
đến lượt Ấn Độ chấp nhận các tư tưởng tự do kinh tế và chào đón quá
trình phá hủy sang tạo. Hiện nay, tính trên đầu người, hàng hóa và dịch
vụ của các nước này gia tăng bốn lần trong vòng một thế hệ.
Hiện
nay, tại nhiều khu vực chấp nhận quyền tự do và phẩm giá của giai cấp
trung lưu, một người trung bình cũng làm ra và tiêu thụ 100 dollar một
ngày. Xin nhớ: hai thế kỉ trước chỉ có 3 dollar một ngày, tính trên cùng
mặt bằng giá cả. Đấy là chưa nói những cải tiến cực kì to lớn trong
nhiều lĩnh vực, từ đèn điện cho tới thuốc kháng sinh. Theo những đánh
giá bảo thủ nhất, thế hệ thanh niên ở Nhật Bản, Na Uy và Italy có điều
kiện vật chất cao gấp 30 lần cụ, kị của họ. Thanh niên ở các nước khác
cũng tiến vào thế giới hiện đại – dân chủ hơn, giải phóng phụ nữ, tuổi
thọ cao hơn, giáo dục tốt hơn, phát triển về mặt tinh thần, bùng nổ về
nghệ thuật – tất cả những hiện tượng này đều gắn bó mật thiết với Sự
kiện Vĩ đại của lịch sử hiện đại: lương thực, giáo dục, đi lại, đã gia
tăng 29 lần.
Sự
kiện Vĩ đại này lớn đến nỗi, vô tiền khoáng hậu đến nỗi, không thể coi
nó là kết quả của những lí do bình thường như thương mại, bóc lột, đầu
tư hay chủ nghĩa đế quốc được. Đấy là cái mà các nhà kinh tế học có thể
giải thích dễ dàng: những việc làm thường nhật. Tất cả những việc làm
thường nhật như thế đã từng diễn ra ở Trung Quốc, ở đế chế Ottoman, ở
Rome và Nam Á. Chế độ nô lệ từng tồn tại ở Trung Đông, buôn bán phát đạt
ở Ấn Độ, Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào những con kênh đào, còn Rome
thì đầu tư vào những con đường. Nhưng Sự kiện Vĩ đại đã không xảy ra.
Dùng những lí do kinh tế để giải thích chắc chắn là rất sai.
Nói
cách khác, chỉ dựa vào chủ nghĩa duy vật kinh tế để giải thích thế giới
hiện đại – dù đấy có là chủ nghĩa duy vật lịch sử cánh tả hay kinh tế
học cánh hữu – thì cũng đều là sai. Tư tưởng về phẩm giá và tự do đã
thành công. Như nhà sử học chuyên về lĩnh vực kinh tế, Joel Mokyr, nói:
“Sự thay đổi về kinh tế trong tất cả các giai đoạn đều phụ thuộc nhiều
vào niềm tin của người dân hơn là phần lớn các nhà kinh tế học vẫn
nghĩ”. Sự thay đổi về vật chất là kết quả chứ không phải là nguyên nhân.
Các ý tưởng hay nói cách khác, ngôn từ đã làm cho chúng ta giàu lên và
cùng với nó là những quyền tự do hiện đại.
Nguồn: http://studentsforliberty.org/college/the-morality-of-capitalism/
Thị trường và Đạo đức (Kì 4)
David Boaz
Cạnh tranh và hợp tác
Phạm Nguyên Trường dịch
Trong tiểu luận này, David Boaz - học giả, đồng thời là một nhà quản lí một viện nghiên cứu (think tank) - chỉ
rõ quan hệ giữa cạnh tranh và hợp tác, tức là quan hệ giữa những hiện
tượng thường được coi là đối ngịch nhau như nước với lửa: xã hội chỉ có
thể được tổ chức theo một trong hai nguyên tắc này mà thôi. Ngược lại,
như Boaz giải thích, trong chế độ thị trường tự do người ta cạnh tranh
nhằm hợp tác với nhau.
_________________________
Những
người bảo vệ thị trường thường nhấn mạnh lợi ích của cạnh tranh. Cạnh
tranh tạo điều kiện cho người ta thường xuyên kiểm tra, thử nghiệm và
thích nghi nhằm đáp ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh. Nó
buộc các doanh nghiệp phải thường xuyên sẵn sàng hành động nhằm phục vụ
người tiêu dùng. Chúng ta có thể thấy - cả bằng phân tích lẫn kinh
nghiệm - rằng hệ thống cạnh tranh tạo ra những kết quả tốt hơn là hệ
thống tập trung hay độc quyền. Đấy là lí do vì sao những người ủng hộ
thị trường tư do – cả trong sách báo lẫn trên truyền hình – đều khẳng
định sự cần thiết của thị trường cạnh tranh và phản đối những biện pháp
cản trở cạnh tranh.
Nhưng có quá nhiều người nghe những lời ca ngợi cạnh tranh và nghe thấy những từ như đối thủ, tàn khốc và cá lớn nuốt cá bé.
Họ thường tự hỏi rằng liệu hợp tác có tốt hơn là thái độ đối kháng gay
gắt như thế hay không. Thí dụ như tỉ phú George Soros từng viết trên tờ the Atlantic Monthly:
“Quá nhiều cạnh tranh và quá ít hợp tác có thể dẫn đến bất bình đẳng
không thể chịu đựng nổi”. Ông nói rằng “quan điểm chủ yếu của ông là …
hợp tác cũng quan trọng không kém gì cạnh tranh và khẩu hiệu “khả năng
sống sót của những người phù hợp nhất” đã làm méo mó sự kiện này”.
Cần
phải ghi nhận rằng hiện nay câu “khả năng sống sót của những người phù
hợp nhất” thường không được những người ủng hộ tự do và thị trường sử
dụng nữa. Nó được đặt ra nhằm mô tả quá trình tiến hóa của thế giới sinh
vật và để nói về khả năng sống sót của những đặc điểm phù hợp nhất với
môi trường; và cũng có thể áp dụng được cho sự cạnh tranh giữa các doanh
nghiệp trên thương trường, nhưng chắc chắn là không phải ngụ ý rằng
trong hệ thống thị trường tự do thì chỉ những người phù hợp nhất mới
sống sót được. Chỉ có những người thù địch với các quan hệ thị trường
mới sử dụng thuật ngữ “khả năng sống sót của những người phù hợp nhất”
để mô tả sự cạnh tranh trên thương trường mà thôi.
Điều
cần phải làm rõ là những người nói rằng con người “được tạo ra là để
hợp tác chứ không phải là để cạnh tranh” đã không hiểu được rằng thương
trường chính là hợp tác. Thực vậy, như sẽ được thảo luận dưới đây, người
ta cạnh tranh để mà hợp tác.
Chủ nghĩa cá nhân và cộng đồng
Tương
tự như thế, những người phản đối chủ nghĩa tự do truyền thống vội vã
lên án những người theo phái tự do là ủng hộ chủ nghĩa cá nhân “đơn
độc”, trong đó mỗi người là một ốc đảo khép kín, chỉ quan tâm đến quyền
lợi của chính mình mà không thèm để ý đến nhu cầu hay ước mong của người
khác. E. J. Dionne, Jr., của tờ the Washington Post
viết rằng những người theo trường phái tự do hiện đại tin rằng “Các cá
nhân bước vào thế giới như những người trưởng thành hoàn toàn, những
người được coi là phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình ngay
từ khi mới lọt lòng”. Nhà báo Charles Krauthammer viết trong mục điểm
sách tác phẩm của Charles Murray: Trở thành người theo trường phái tự do nghĩa là gì
rằng trường phái tự do là “dòng giống của những kẻ cá nhân chủ nghĩa
thô lậu, mỗi người đều sống trong những túp lều trên đỉnh núi với hàng
rào thép gai bao quanh và cái bảng “Không đụng vào” treo bên ngoài”. Tôi
không tưởng tượng nổi vì sao ông ta không viết thêm: “Mỗi người đều
được vũ trang đến tận răng”.
Dĩ
nhiên là chẳng có ai thực sự tin vào kiểu “chủ nghĩa cá nhân đơn độc”
mà các giáo sư và các học giả chế giễu. Chúng ta vẫn sống cùng nhau và
làm việc theo nhóm. Không thể hiểu được là làm sao mà người ta lại có
thể là một người cá nhân chủ nghĩa đơn độc trong cái thế giới hiện đại
phức tạp này: điều đó có phải có nghĩa là bạn chỉ ăn những thứ do mình
trồng cấy được, chỉ mặc những thứ mình dệt được, chỉ sống trong ngôi nhà
do mình tự xây lấy, chỉ sử dụng những loại thuốc tự nhiên mà mình chiết
xuất từ cây cỏ ư? Một số người chỉ trích chủ nghĩa tư bản hay biện hộ
cho việc “quay lại với tự nhiên” – như anh chàng Unabomber[i] hay Al Gore, đấy là nếu ông ta thực sự có ý ám những điều ông viết trong tác phẩm Trái đất trong trạng thái cân bằng (Earth in the Balance)
– có thể tán thành kế hoạch đó. Nhưng chẳng có mấy người theo phái tự
do muốn đi vào ốc đảo trong hoang mạc và từ bỏ lợi ích của điều mà Adam
Smith gọi là Xã hội Vĩ đại, tức là xã hội phức tạp và có năng suất cao
dựa trên sự tương tác giữa những người sống trong xã hội đó. Vì vậy mà
chúng ta có thể nghĩ rằng các nhà báo nhạy bén nên dừng lại, nên nhìn
vào những từ mà họ viết ra và tự nghĩ: “Chắc chắn là ta đã trình bày sai
quan điểm này. Ta phải quay về và đọc lại những tác gia theo trường
phái tự do”.
Trong
thời đại của chúng ta điều bịa đặt như thế - bịa đặt về tình trạng cô
lập và đơn độc – rất có hại trong việc biện hộ cho các quan hệ thị
trường. Chúng ta phải nói rõ là chúng ta đồng ý với George Soros khi ông
nói: “hợp tác cũng quan trọng không kém gì cạnh tranh”. Trên thực tế,
chúng ta cho rằng hợp tác quan trọng đối với sự thịnh vượng của nhân
loại đến mức chúng ta không muốn nói về nó; chúng ta chỉ muốn thiết lập
những định chế xã hội để biến nó thành khả thi mà thôi. Quyền sở hữu,
chính phủ hạn chế, chế độ pháp quyền, là những định chế có mục đích như
thế.
Trong
xã hội tự do, các cá nhân được hưởng những quyền tự nhiên, những quyền
không thể tương nhượng và có nghĩa vụ tôn trọng quyền của những người
khác. Ta còn có những nghĩa vụ khác, đấy là những nghĩa vụ mà ta tự nhận
khi kí kết hợp đồng. Không phải ngẫu nhiên mà xã hội dựa trên quyền
sống, quyền tự do và quyền sở hữu còn tạo ra nền hòa bình và thịnh vượng
về mặt vật chất nữa. Như John Locke, David Hume và các triết gia theo
trường phái tự do cổ điển khác đã chỉ rõ: chúng ta cần một hệ thống các
quyền nhằm tạo ra sự hợp tác xã hội, thiếu nó thì người dân chỉ có thể
làm được những việc vô cùng nhỏ nhặt mà thôi. Hume từng viết trong tác
phẩm Luận về bản chất của con người (Treatise of Human Nature)
rằng những tình huống mà con người phải đối mặt là (1) quyền lợi riêng
tư, (2) lòng hào phóng tất yếu là có giới hạn đồi với tha nhân, (3) sự
giới hạn của những nguồn lực có thể đáp ứng được nhu cầu của chúng ta.
Vì những tình huống như thế mà chúng ta nhất định phải hợp tác với những
người khác và phải có những nguyên tắc công lí – đặc biệt là những
nguyên tắc liên quan tới tài sản và trao đổi – để xác định chúng ta có
thể làm điều đó như thế nào. Những nguyên tắc này xác định ai có quyền
quyết định cách thức sử dụng một tài sản cụ thể nào đó. Không có quyền
sở hữu được xác định một cách rõ ràng thì chúng ta sẽ phải thường xuyên
đối mặt với những xung đột về vấn đề này. Chính thỏa thuận của chúng ta
về quyền sở hữu đã tạo điều kiện cho chúng ta thực hiện những nhiệm vụ
hợp tác và phối hợp phức tạp, nhờ đó chúng ta mới đạt được những mục
tiêu của mình.
Sẽ
là tuyệt vời nếu tình thương - không cần để ý đến quyền lợi và quyền
của cá nhân - có thể thực hiện được nhiệm vụ đó, và nhiều đối thủ của
chủ nghĩa tự do từng đưa ra những quan điểm hết sức quyến rũ về xã hội
dựa trên lòng bác ái phổ quát. Nhưng, như Adam Smith đã chỉ rõ: “Trong
xã hội văn minh [con người] luôn có nhu cầu hợp tác và sự trợ giúp của
rất nhiều người khác”, còn trong suốt cuộc đời, anh ta không thể chỉ kết
thân với một nhóm nhỏ những người mà anh ta cần hợp tác. Nếu chúng ta
chỉ hợp tác trên cơ sở của lòng tốt thì chúng ta không thể thực hiện
được những nhiệm vụ phức tạp. Dựa vào quyền lợi riêng tư của các cá nhân
– trong hệ thống quyền sở hữu và trao đổi được xác định một cách rạch
ròi – là cách tổ chức tốt nhất xã hội phức tạp hơn là một xóm nhỏ.
Xã hội dân sự
Chúng
ta muốn kết hợp với những người khác nhằm đạt được những mục đích mang
tính phương tiện – sản xuất nhiều lương thực hơn, trao đổi hàng hóa,
phát triển công nghệ mới – nhưng chúng ta còn muốn kết hợp với họ là vì
ta cảm thấy có nhu cầu sâu sắc về giao tiếp, về tình bạn, tình yêu và
tình làng nghĩa xóm nữa. Những hội đoàn mà ta cùng với những người khác
lập ra tạo thành cái mà ta gọi là xã hội dân sự. Những hội đoàn này có
rất nhiều hình thức đáng ngạc nhiên – gia đình, nhà thờ, trường học, câu
lạc bộ, hội kín, hiệp hội tự quản, hội đồng hương và rất nhiều kiểu hội
đoàn thương mại như hiệp hội nhà ở, công ty, các tổ chức lao động và
nghiệp đoàn lao động. Tất cả các hội đoàn này đều phục vụ nhu cầu của
con người, dĩ nhiên là theo những cách khác nhau. Có thể định nghĩa xã
hội dân sự một cách rộng rãi như sau: đấy là tất cả những hội đoàn tự
nguyện và hình thành một cách tự nhiên trong xã hội.
Một
số nhà phân tích nói rằng có sự khác biệt giữa những tổ chức thương mại
và những tổ chức phi lợi nhuận, họ lập luận rằng các doanh nghiệp là
một phần của thị trường chứ không phải xã hội dân sự; nhưng tôi theo
truyền thống cho rằng sự khác biệt thực sự là giữa những tổ chức cưỡng
bức – nhà nước – và tổ chức tự nhiên hoặc tự nguyện. Dù một hiệp hội cụ
thể nào đó có được lập ra nhằm thu lợi nhuận hay nhắm tới những mục tiêu
khác thì đặc điểm chủ yếu của nó vẫn là: chúng ta tự nguyện tham gia.
Hiện
nay nhiều người hiểu sai về xã hội dân sự và “mục tiêu của quốc gia”
cho nên chúng ta phải ghi nhớ luận điểm của F. A. Hayek rằng các hiệp
hội trong xã hội dân sự được thành lập để nhằm đạt mục tiêu cụ thể nào
đó, nhưng xã hội dân sự nói chung thì không có bất cứ mục tiêu nào; nó
là kết quả tự phát của tất cả những hiệp hội có mục tiêu nói trên.
Thị trường là hợp tác
Thị
trường là yếu tố thiết yếu của xã hội dân sự. Thị trường xuất hiện từ
hai tác nhân sau đây: hợp tác với người khác thì ta có thể làm được
nhiều việc hơn là làm một mình và chúng ta có thể công nhận điều đó. Nếu
chúng ta là một giống loài mà hợp tác không hiệu quả bằng lao động đơn
độc hoặc chúng ta không nhận thức được lợi ích của sự hợp tác thì chúng
ta sẽ tiếp tục là những người đơn độc và cô đơn. Nhưng còn tệ hơn thế,
vì như Ludwig von Mises giải thích: “Mỗi người sẽ coi tất cả những người
khác là kẻ thù, khao khát thỏa mãn những ham muốn của mỗi người sẽ đẩy
anh ta vào cuộc xung đột không bao giờ dứt với tất cả những người hàng
xóm của anh ta”. Nếu hợp tác và phân công lao động không có khả năng làm
cho các bên cùng có lợi thì cũng không thể nào có được sự đồng cảm và
tình bằng hữu, thị trường cũng không thể nào xuất hiện được.
Thông
qua thị trường, các cá nhân và công ty cạnh tranh để hợp tác một cách
tốt hơn. Hãng General Motors và hãng Toyota cạnh tranh để hợp tác với
tôi nhằm đạt được mục đích đi lại của tôi. Hãng AT&T và hãng MCI
cạnh tranh để hợp tác với tôi nhằm đạt được mục tiêu trao đổi thông tin
giữa tôi với những người khác. Đúng là họ cạnh tranh quyết liệt với nhau
nhằm giành được công việc làm ăn với tôi để tôi có thể hợp tác với một
công ty liên lạc, tức là công ty có thể làm cho tôi yên lòng nhờ vào một
cái máy nhắn tin.
Những
người phê phán nền kinh tế thị trường thường phàn nàn là thị trường
khuyến khích và tưởng thưởng cho tính tư lợi. Trên thực tế, trong hệ
thống chính trị nào thì người ta cũng tự tư tự lợi cả. Thị trường đưa
tính tư lợi của người ta vào những hướng có ích đối với xã hội. Trên thị
trường tự do, người ta đạt được mục tiêu của mình bằng cách tìm xem
những người khác muốn gì và cố gắng cung cấp cái đó. Điều đó có thể có
nghĩa là một số người cùng nhau đan lưới đánh cá hay làm đường. Trong
nền kinh tế phức tạp hơn, điều đó có nghĩa là tìm kiếm lợi nhuận bằng
cách cung cấp hàng hóa hay dịch vụ đáp ứng được nhu cầu hay ước muốn của
người khác. Những người lao động hay doanh nhân đáp ứng tốt nhất nhu
cầu của người khác sẽ được tưởng thưởng, còn những người không làm được
như thế sẽ nhanh chóng nhận ra và cố gắng bắt chước những người thành
công hơn hoặc thử những cách tiếp cận mới.
Tất
cả những tổ chức kinh tế khác nhau mà chúng ta đang thấy trên thương
trường đều là những thí nghiệm nhằm tìm ra cách thức hợp tác để đạt được
những mục tiêu mà mỗi bên đều mong muốn. Quyền sở hữu, chế độ pháp
quyền, chính phủ tối thiểu là để cung cấp không gian tối đa cho người
dân thử nghiệm những hình thức hợp tác mới. Phát triển hợp tác cho phép
giải quyết những nhiệm vụ kinh tế lớn lao mà từng cá nhân hay một vài
người không thể nào làm được. Những tổ chức như hiệp hội nhà ở, quĩ
tương hỗ, công ty bảo hiểm, ngân hàng, hợp tác xã và nhiều hình thức
khác là những cố gắng nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế đặc thù bằng
những hình thức hiệp hội mới. Một số hình thức tỏ ra là kém hiệu quả;
thí dụ, nhiều tập đoàn kinh tế lớn hồi những năm 1960 tỏ ra là không thể
quản lí được và các cổ đông đã bị mất tiền. Sự quay trở lại một cách
nhanh chóng với những qui luật của thị trường đã cung cấp sáng kiến cho
những hình thức mới và có hiệu quả, còn những hình thức không hiệu quả
thì bị loại bỏ.
Trong
nền kinh tế thị trường, hợp tác cũng quan trọng chẳng kém gì cạnh
tranh. Cả hai đều là những thành tố thiết yếu đối với hệ thống tự do và
hầu hết chúng ta đều dành nhiều thời gian để hợp tác với các đối tác,
với đồng nghiệp, với nhà cung cấp và khách hàng hơn là cạnh tranh với
họ. Cuộc đời sẽ trở thành chán ngắt, tàn bạo và ngắn ngủi nếu chúng ta
là những người cô độc. May cho tất cả chúng ta là xã hội thị trường
không phải là như thế.
David Boaz là phó giám đốc Viện nghiên cứu mang tên Cato và là cố vấn hiệp hội sinh viên vì tự do. Ông là tác giả cuốn Triết lí tự do: Lược khảo (Libertarianism: A Primer) và là người biên tập mười lăm cuốn sách khác, trong đó có Người
đọc theo triết lí tự do: những bài viết kinh điển và hiện đại từ Lão Tử
tới Milton Friedman (The Libertarian Reader: Classic and Contemporary
Writings from Lao Tzu to Milton Friedman). Ông đã và đang viết cho những tờ báo lớn như the New York Times, the Wall Street Journal và the Washington Post,
và là nhà bình luận thường xuyên có mặt trên các chương trình truyền
hình cũng như phát thanh; ông còn tham gia viết blog cho các trang mạng
như Cato@Liberty, The Guardian, The Australian, và Encyclopedia Britannica.
Nguồn: The Morality of Capitalism do Tom G. Palmer chủ biên, nhà xuất bản Jameson Books ấn hành, 2011.
Trên mạng: http://studentsforliberty.org/college/the-morality-of-capitalism/
[i] Unabomber,
một người chuyên đánh bom giới trí thức và khoa học gia tên là Ted
Kaczynski, cực lực lên án các cuộc cách mạng kỹ nghệ và kỹ thuật của thế
giới.
Thị trường và đạo đức (Kì 5)
Tom G. Palmer
Chữa bệnh kiếm lời và động cơ của lòng trắc ẩn
Phạm Nguyên Trường dịch
Tác
giả tiểu luận này đưa ra suy nghĩ của mình, trên cơ sở trải nghiệm của
chính ông trong quá trình điều trị bệnh đau lưng. Đây không phải là học
thuyết xã hội, cũng không phải là đóng góp vào môn khoa học xã hội. Đây
chỉ là một cố gắng nhằm làm rõ quan hệ giữa công việc kinh doanh và lòng
trắc ẩn mà thôi. Chữa bệnh kiếm lời[i]
chắc chắn là công việc khủng khiếp và phi đạo đức. Lúc nào tôi cũng
nghe thấy người ta tấn công nó như thế. Thực vậy, tôi đang nghe thấy
người ta tấn công các bệnh viện tư trên sóng của CBC (Hãng phát thanh
& truyền hình Canada – ND). Khi các bác sỹ, y tá và những nhà quản
lí bệnh viện chỉ nghĩ đến thu nhập thì lòng trắc ẩn sẽ được thay thế
bằng tính ích kỉ nhẫn tâm, nhiều người nói như thế. Nhưng tôi vừa ngộ ra
chuyện này sau khi phải đến hai bệnh viện – một bệnh viện tư nhân và
cái kia là bệnh viện họat động phi lợi nhuận[ii] – để chữa bệnh đau lưng.
___________________________________________________________________
Gần
đây tôi bị thóat vị đĩa đệm cột sống, đau không thể tưởng tượng nổi.
Tôi đến gặp một chuyên gia tại một bệnh viện tư trong khu vục, ngay
trong vòng một giờ đồng hồ ông ta đã sắp xếp cho tôi chụp MRI tại một
phòng chụp X-quang tư nhân ở gần đó. Sau đó ông ta lại sắp xếp cho tôi
tiêm thuốc tê để làm giảm viêm dây thần kinh cột sống, đấy chính là
nguồn gốc của cơn đau. Tôi bị đau đến mức gần như không cử động được.
Cái khoa chữa bệnh đau lưng tư nhân trong cái bệnh viện tư mà tôi đến
chữa bệnh gồm tòan những bác sĩ và y tá cực kì tử tế và họ đã cư xử với
tôi một cách nhẹ nhàng. Sau khi cô y tá giảng giải cho tôi thủ tục và
chắc chắn là tôi đã hiểu rõ tất cả các qui định thì bà bác sỹ phụ trách
việc tiêm thuốc tê tự giới thiệu, bà giảng giải từng bước một và sau đó
mới tiến hành công việc với tính chuyên nghiệp cao và sự quan tâm thấy
rõ đối với bản thân tôi.
Sau
đó vài tuần. Tôi vẫn còn đau và yếu, nhưng đã khá hơn rất nhiều. Bà bác
sỹ đề nghị tôi tiêm một mũi nữa. Thật không may là cái khoa chữa bệnh
đau lưng lại đang chữa trị cho những người đã giữ chỗ trước suốt ba tuần
lễ liền. Tôi không muốn chờ lâu và tôi gọi điện cho một vài bệnh viện
nữa trong khu vực. Một bệnh viện công nổi tiếng và được đánh giá cao có
thể tiếp nhận tôi sau hai ngày. Tôi vui mừng xin hẹn gặp bác sỹ sau hai
ngày nữa.
Khi
đến bệnh viện công, trước hết tôi hỏi chuyện mấy ông bà đã về hưu nhưng
lại mặc những bộ đồng phục tình nguyện viên khá gọn gàng. Đấy rõ ràng
là những người nhân đức, đúng như người ta có thể nghĩ về bệnh viện
công. Sau đó tôi mới tập tễnh chống gậy đi vào khoa chữa trị đau lưng,
rồi ngồi xuống bên cạnh một cái bàn. Một cô y tá đi ra, cô gọi tên tôi
và sau khi tôi lên tiếng thì cô ngồi xuống bên cạnh tôi ngay trong phòng
chờ đó. Cuộc phỏng vấn diễn ra giữa đám đông những người lạ mặt như
thế. May là cũng không có câu nào có thể làm người ta lúng túng. Tôi
nhận thấy là những cô y tá khác cũng đang lên giọng hạ lệnh cho các bệnh
nhân xung quanh. Một cô y tá bảo một bà rõ ràng là đang bị đau chuyển
sang một cái ghế khác và sau khi bệnh nhân nói rằng nếu bà cứ được ngồi ở
đấy thì tốt hơn, cô y tá đã chỉ tay vào cái ghế bên cạnh và gằn giọng:
“Không. Ngồi sang kia!”. Khi cô y tá này tiến lại chỗ tôi, tôi nghĩ là
ánh mắt của mình đã cho cô ta thấy rằng tôi không muốn bị đối xử như
những học sinh trong trường giáo dưỡng. Cô ta không nói gì, chỉ lấy tay
ra hiệu cho tôi đi vào phòng khám.
Vị
bác sỹ điều trị bước vào. Không giới thiệu. Không tên tuổi. Không bắt
tay. Ông ta nhìn hồ sơ của tôi, lầm bầm cái gì đó, rồi ông ta bảo tôi
ngồi lên giường, và ông ta cởi quần áo của tôi ra. Tôi bảo ông ta rằng
lần trước tôi được nằm nghiêng, tư thế đó tiện hơn vì ngồi rất đau. Ông
ta bảo rằng thích tôi ngồi. Tôi trả lời rằng tôi thích nằm nghiêng. Ông
ta nói rằng ngồi dễ làm hơn, điều đó đáp ứng cả quyền lợi của tôi lẫn
của ông ta nên tôi đồng ý. Sau đó – không như bà bác sỹ trong bệnh viện
tư – ông ta ấn mạnh mũi kim tiêm và tiêm đau đến nỗi tôi phải la lên.
Sau đó ông ta rút kim, rồi ghi hồ sơ và biến mất. Cô y tá đưa cho tôi tờ
giấy và chỉ lối cho tôi đi ra. Tôi trả tiền rồi biến.
Lợi nhuận và lòng trắc ẩn
Đấy
là những kinh nghiệm nhỏ giúp ta so sánh bệnh viên tư và bệnh viện
công. Nhưng nó có thể nói cho ta biết về động cơ vụ lợi và quan hệ của
nó với lòng trắc ẩn. Không chỉ bệnh viện tư mới hấp dẫn những người tử
tế và có lòng trắc ẩn vì những người tình nguyện già nua trong bệnh viện
công chắc chắn cũng là những người tử tế và có lòng trắc ẩn. Nhưng tôi
nghĩ rằng các bác sỹ và y tá làm việc trong khoa chữa bệnh đau lưng ở
bệnh viện tư được khuyến khích thể hiện lòng trắc ẩn trong khi họ làm
việc. Xét cho cùng, nếu cần chữa nữa hoặc nếu có người tham khảo ý kiến
tôi thì tôi sẽ nghĩ đến bệnh viện tư. Nhưng tôi sẽ không quay lại hay
khuyên ai tới bệnh viện công, tôi nghĩ rằng tôi biết lí do: các bác sỹ
và y tá ở đó chẳng có lí do gì để muốn gặp tôi. Và tôi còn hiểu được vì
sao bệnh viện công lại tiêm tôi nhanh như thế. Tôi ngờ rằng họ chẳng có
mấy khách quay lại lần thứ hai.
Kinh nghiệm
này không nói rằng lợi nhuận là điều kiện cần hay thậm chí điều kiện đủ
để cho người ta thể hiện lòng trắc ẩn, nhân từ hay nhã nhặn. Tôi làm tại
một tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức này sống dựa vào sự ủng hộ của những
nhà tài trợ. Nếu tôi không hoàn thành trách nhiệm thì họ sẽ không tài
trợ cho công việc của tôi nữa. Chuyện là, tôi và các đồng nghiệp của tôi
làm việc ở đây vì chúng tôi và những nhà tài trợ cùng có những mối quan
tâm chung, cho nên công việc diễn ra một cách hài hòa. Nhưng khi nhà
tài trợ, người làm công và “khách hàng” (dù đấy có là người bị đau hay
nhà báo hoặc nhà giáo cần thông tin và kiến thức thì cũng thế) không
chia sẻ những giá trị và mục tiêu như nhau – thí dụ như trong bệnh viện
công bên trên - thì động cơ lợi nhuận sẽ hành động một cách quyết liệt
nhằm làm cho những mục đích của họ trở thành hài hòa. Lợi nhuận kiếm
được trong khuôn khổ pháp luật rõ ràng và có hiệu lực (khác với lợi
nhuận của một tên ăn cắp có hạng) có thể làm cho người ta không còn lãnh
đạm mà có lòng trắc ẩn. Muốn có lợi nhuận thì bác sỹ phải để ý tới
quyền lợi của bệnh nhân bằng cách đặt ông ta hay bà ta vào vị trí của
bệnh nhân, buộc họ phải tưởng tượng được những đau khổ của người khác và
phải có lòng trắc ẩn. Trong nền kinh tế thị trường tự do, động cơ lợi
nhuận có thể trở thành tên gọi khác của động cơ trắc ẩn.
Nguồn: The Morality of Capitalism do Tom G. Palmer chủ biên, nhà xuất bản Jameson Books ấn hành, 2011.
Trên mạng: http://studentsforliberty.org/college/the-morality-of-capitalism/
[i] Để cho đơn giản từ đây sẽ gọi là bệnh viện tư.
[ii] Để cho đơn giản từ đây sẽ gọi là bệnh viện công.