Chiến lược 'đàm phán' và 'đe dọa vũ lực' của Trung Quốc
Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng. Ảnh: T.D. |
"Nếu các nước ASEAN không thống nhất quan điểm, Trung
Quốc sẽ có nhiều lợi thế để thực hiện chiến lược của mình, phân hóa
ASEAN, tiến tới giành quyền kiểm soát thật sự trên Biển Đông", Tiến sĩ
Nguyễn Toàn Thắng phân tích.
> Toàn cảnh vụ Trung Quốc xâm phạm Việt Nam
Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Khoa Pháp luật quốc tế -
ĐH Luật Hà Nội, từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Luật Biển tại
Bỉ. Tòa soạn trích đăng bài viết của ông gửi đến VnExpress nhân sự kiện
tàu Bình Minh 02.
Đánh giá mục đích chiến lược của Trung Quốc
Về phương diện pháp lý quốc tế, Trung Quốc không thể
biện minh cho hành vi vi phạm luật quốc tế của ba tàu hải giám Trung
Quốc. Vậy mà Trung Quốc vẫn "ngang nhiên" cho rằng những tàu đó đang
thực hiện "hoạt động chấp pháp bình thường" trên biển. Kết nối sự kiện
tàu Bình Minh 02 với các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông trong
thời gian qua, có thể thấy rõ cách hành xử và ý định của Trung Quốc.
Thử thái độ Việt Nam và các nước ASEAN:
Với hành động trực tiếp xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
Việt Nam, Trung Quốc đã tiến thêm một bước mới trong "phép thử" Việt
Nam và ASEAN để dần "hiện thực hóa" tham vọng tại Biển Đông, nhằm khẳng
định cái mà Trung Quốc gọi là "chủ quyền" của họ. Mức độ phản ứng của
Việt Nam và ASEAN trong trường hợp này sẽ là cơ sở để Trung Quốc xem xét
các bước đi tiếp theo. Nếu Việt Nam phản ứng không dứt khoát, không
kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình; nếu ASEAN
giữ quan điểm "không can thiệp" và nếu các quốc gia Đông Nam Á chỉ đứng
ngoài "quan sát", Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động tương tự
trong thời gian tới. Với lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015,
ASEAN cần chứng tỏ vai trò của một tổ chức quốc tế khu vực, bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia thành viên.
Vị trí tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp địa chấn. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
Mục tiêu hiện thực hóa "đường lưỡi bò", tiến tới bá chủ trên Biển Đông:
Trong thời gian qua, Trung Quốc thường thực hiện các hành vi "gây hấn"
tại những vùng biển tranh chấp. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai
phá hoại, cản trở hoạt động thăm dò khai thác dầu khí bình thường của
Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đồng thời
"ngang nhiên" tuyên bố đó là "khu vực tranh chấp", "khu vực thuộc quyền
quản lý" của Trung Quốc. Hành động trên cho thấy Trung Quốc đang cố tình
đánh lạc hướng dư luận, khiến cộng đồng quốc tế hiểu lầm Việt Nam và
tình hình trên Biển Đông. Đây là bước leo thang mới của Trung Quốc, thể
hiện rõ tham vọng kiểm soát toàn bộ vùng biển này mà trước hết là mục
tiêu của Trung Quốc trong việc: biến việc tàu hải giám Trung Quốc thực
hiện hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam thành việc tàu thăm dò
Việt Nam xâm phạm vùng biển của Trung Quốc; biến các vùng biển thuộc
quyền chủ quyền của Việt Nam, thiết lập phù hợp với quy định của Công
ước Luật biển năm 1982, thành "vùng biển thuộc quyền quản lý" của Trung
Quốc – một khái niệm chưa từng tồn tại và không được ghi nhận trong Công
ước Luật biển năm 1982; biến khu vực không có tranh chấp, hoàn toàn
thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, thành khu vực
tranh chấp. Trung Quốc đang cố gắng tạo ra tiền lệ về tranh chấp trên
một khu vực vốn không hề có tranh chấp, tiến tới "tranh chấp hóa" toàn
bộ Biển Đông. Đây là chiến lược củng cố và hiện thực hóa yêu sách "đường
lưỡi bò" mà Trung Quốc đã chính thức tuyên bố năm 2009. Vì vậy, Việt
Nam và các nước ASEAN cần có thái độ cương quyết trước "phép thử" của
Trung Quốc.
Chiến lược "đàm phán" và "đe dọa sử dụng vũ lực" của Trung Quốc:
Hành động của Trung Quốc trong vụ Bình Minh 02 là tương đối nhất quán
với cách ứng xử của quốc gia này trong thời gian gần đây. Một mặt, Trung
Quốc thể hiện ý định giải quyết thông qua đàm phán song phương, không
muốn mở rộng vấn đề theo cách mà Trung Quốc gọi là "gây không khí căng
thẳng", mặt khác Trung Quốc tiến hành các biện pháp "gây hấn" trên thực
địa, ra dấu hiệu mạnh mẽ về quân sự để khẳng định vai trò của mình.
Chiến lược này được Trung Quốc áp dụng không chỉ đối với Việt Nam mà đối
với các quốc gia ASEAN khác. Vì vậy, nếu các nước ASEAN không thống
nhất quan điểm, Trung Quốc sẽ có nhiều lợi thế để thực hiện mục tiêu của
mình, phân hóa các nước ASEAN, tiến tới giành quyền kiểm soát thật sự
trên Biển Đông.
Các giải pháp cho Việt Nam
Là thành viên của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước
Luật biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông
(DOC), Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của luật quốc tế, kiên trì
con đường hòa bình, giải quyết các vấn đề phát sinh trên cơ sở bình đẳng
và tôn trọng lẫn nhau. Đối với các tranh chấp trong Biển Đông, Việt Nam
luôn giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và không
có hành động làm phức tạp thêm tình hình.
Tuy nhiên, tại các vùng biển không phải là khu vực
tranh chấp, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc
gia ven biển, Việt Nam có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp
với quy định của Công ước Luật biển năm 1982 để bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp, buộc các chủ thể vi phạm phải tuân thủ và tôn trọng. Điều 73
của Công ước quy định "Trong việc
thực hiện các quyền thuộc chủ quyền (…) của vùng đặc quyền về kinh tế,
quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc
khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng
các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước".
Trước tham vọng kiểm soát Biển Đông, hiện thực hóa
"đường lưỡi bò" của Trung Quốc, Việt Nam cần có những biện pháp thích
đáng ở các cấp độ khác nhau: song phương, khu vực và toàn cầu. Một măt,
chúng ta kiên trì theo đuổi các biện pháp hòa bình, phù hợp với quy định
của luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982, nhưng kiên
quyết, không khoan nhượng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã
được Công ước thừa nhận.
Mặt khác, Việt Nam cần sử dụng hiệu quả cơ chế khu
vực, thông qua vai trò của ASEAN để giải quyết vấn đề Biển Đông. Với tư
cách là tổ chức quốc tế khu vực Đông Nam Á, ASEAN cần có tiếng nói, thể
hiện rõ quan điểm đối với hành vi vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc,
xâm phạm đến quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia thành
viên ASEAN – Việt Nam. Trên thực tế, Trung Quốc đã, đang và sẽ áp dụng
chính sách vừa "xoa dịu", vừa "đe dọa" đối với từng quốc gia thành viên
ASEAN để thực hiện tham vọng tại Biển Đông. Vì vậy, sự đồng thuận của 10
quốc gia ASEAN trong thời điểm này là hết sức cần thiết, và đó sẽ là
một điểm tựa vững chắc để đối phó với chính sách ngày càng leo thang của
Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của các nước
tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc để cộng đồng quốc
tế hiểu đúng về tình hình Biển Đông, hiểu đúng chiến lược "tranh chấp
hóa" Biển Đông của Trung Quốc, cũng như hành vi vi phạm của Trung Quốc
tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Dưới góc độ luật quốc tế, Việt Nam và Trung Quốc có
thể thỏa thuận đưa vụ việc ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế.
Trong trường hợp không có thỏa thuận của Trung Quốc, Việt Nam có quyền
khởi kiện theo cơ chế của Công ước Luật biển năm 1982, buộc quốc gia này
bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.
Tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 sáng 26/5. Ảnh: Mỹ Giang |
Trong vụ Bình Minh 02, tàu hải giám Trung Quốc thực
hiện hành vi cắt cáp, cản trở hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của
tàu Bình Minh 02 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Đối với Việt Nam, hành động của Trung Quốc là vi phạm quyền chủ quyền và
quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với quy định tại các điều 56, 58,
76 và 77 của Công ước Luật biển năm 1982. Trong khi đó, Trung Quốc cho
rằng "việc phía Việt Nam tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí tại
vùng biển do Trung Quốc quản lý đã làm tổn hại lợi ích và quyền quản lý
của Trung Quốc". Hành động của phía Trung Quốc là "hoạt động giám sát và chấp pháp trên biển" trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
Như vậy, tranh chấp phát sinh giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến
việc giải thích và áp dụng các điều 56, 58, 76 và 77 của Công ước về
việc thực hiện quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với hoạt động
thăm dò khai thác nguồn tài nguyên dầu khí ở đáy biển và lòng đất dưới
đáy bên dưới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tranh chấp này
không liên quan đến các tranh chấp được đề cập trong tuyên bố ngày
25/8/2006 của Trung Quốc, cụ thể (i) không liên quan đến vấn đề phân
định biển; (ii) không liên quan đến hoạt động quân sự; (iii) không liên
quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học biển; (iv) không liên quan đến
hoạt động đánh bắt hải sản và (v) không thuộc thẩm quyền của Hội đồng
bảo an. Việt Nam và Trung Quốc đều không có tuyên bố lựa chọn các cơ
quan tài phán nên sẽ được xác định là chấp nhận thẩm quyền của Tòa án
trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước. Vì vậy, Việt Nam có
thể chuẩn bị hồ sơ, khởi kiện Trung Quốc theo thủ tục trọng tài nói
trên.
Tóm lại, việc Trung Quốc cho tàu hải giám căt cáp thăm
dò, cản trở hoạt động của tàu Bình Minh 02 khi tàu này đang hoạt động
trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là hành vi vi phạm
nghiêm trọng Công ước Luật biển năm 1982. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là
bước "khởi đầu" của chiến lược hiện thực hóa "đường lưỡi bò" của Trung
Quốc. Trước nguy cơ này, Việt Nam cần thể hiện thái độ kiên quyết, giải
quyết mọi xung đột, mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn
trọng lẫn nhau và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng đấu tranh không
khoan nhượng, thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi
ích quốc gia, mà cụ thể đã được ghi nhận trong Công ước Luật biển năm
1982.
Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng