Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Tin khó tin: Ông “Phờ chấm đờ” vừa ăn... mì tôm

LĐO Đào Tuấn (tổng hợp) 

Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Đài Loan tấn công bằng vòi rồng (motthegioi)
Công an ngửa tay. Hoa hậu sai chính tả. Sếp xổ số xổ chuyện số. Và tiến sĩ luận mì tôm. Tin khó tin hôm nay toàn chuyện “cứ bình tĩnh sống” cho dù to đùng có 2 lá cờ trắng!

1. Đánh bắt ở đâu thì được bảo vệ!
Một tàu cá của ngư dân đã bị tàu tuần tiễu của Đài Loan tấn công bằng vòi rồng và đâm ngang sườn khi đánh bắt gần đảo Sơn ca, thuộc quần đảo Trường Sa của VN.
Chủ tàu Nguyễn Thành Biên cho biết hồi đầu năm 2009, anh và bạn thuyền đã bị bắt nhốt 10 ngày ở đảo Phú Lâm khi đang hành nghề ở biển Hoàng Sa. Và anh phải nộp tiền chuộc mình cho bạn chài và tàu cá.
Giờ đây, thì là bị tấn công, đâm va ở Trường Sa.
Tôi không biết anh Biên sẽ còn phải chuyển sang ngư trường nào để an toàn, để được bảo vệ. Bởi biện pháp tự vệ duy nhất của người ngư dân tay không tấc sắt này là .trình báo bộ đội biên phòng cảng.
 Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Đài Loan tấn công bằng vòi rồng (motthegioi)

2. Khi Công an ngửa tay
Tết đến mông rồi các bạn ơi và như thông lệ, các cuộc thăm viếng, những tờ công văn hỗ trợ bắt đầu bay như bướm! 
Ở Hải Phòng, công an xã An Đồng vừa triện củ khoai “xin ít kinh phí” để phục vụ an ninh TTXH dịp tết.
Tôi buồn cười gần chết với chữ “ít”. Giờ đến lạ. “Xin một ít”.  
Dưới bài trên TT, một bạn đọc cắc cớ rằng: Sao giống tiền bảo kê vậy. Tôi nghĩ tội nghiệp. người ta chỉ đi xin, kiểu như xin đá làm nhà, không cho thì cũng không sao đâu.  Huống chi, trong tháng này, đồng chí Trưởng CA trát cái CV đi xin đấy cũng “nghỉ hưu theo quy định” rồi!
 Văn bản “xin ít tiền” của công an xã An Đòng- Hải Phòng (LĐO)
3. Lá cờ trắng của hàng Việt
Có một con số được đưa ra thể hiện sự lệ thuộc nghiêm trọng về kinh tế. 49,52 tỉ USD hàng hóa đã được nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Tỷ lệ tăng so với 1 năm trước đó là hai con số: 13,9%.
Đúng là chúng ta nhập từ chiếc xe Made in China cho đến cả củ hành.
Tại sao hầu hết người tiêu dùng Việt Nam không thích nhưng hàng hóa Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh thị trường VN?
Câu trả lời là cả 3 yếu tố đối với một loạt hàng hóa là giá cả, chất lượng và dịch vụ, hàng Việt đều đã vẫy cờ trắng!
Giá rẻ, Cho những người dân dư giả đến nỗi không mua được hàng Việt vốn luôn “đắt lòi mắt”. Và ngay cả khi có muốn cắn răng thì nhiều loại hàng hóa VN giờ đã “mất tích giang hồ” trên chính đất Việt!
Có ai trả lời giúp B- Phone lừng danh của chúng ta bán được mấy chiếc rồi nhỉ?!
Tôi mở ngoặc trích một câu của nhạc sĩ Tuấn Khanh trên Dân Việt: Đã từng có các bài báo và những lời kêu gọi người Việt hãy mua hàng giúp nhau, cứu nhau và những lúc xốn xang, khốn khó... Nhưng người Việt tự mình không thể gồng gánh nhau, níu nhau sống mà thiếu một chính sách quyết liệt, mà vốn lâu nay người có trách nhiệm vẫn hô hoán với màu sắc sân khấu.
..và tại đây.
Khoai tây TQ được bôi đất để thành khoai Đà Lạt (TTO).
 

4. Thích chém liệt truyện
Chuyện Giám đốc Sở Tài chính Tiền Giang ông Hồ Kinh Kha chém gió "người tàn tật đi xe lăn có thể bán 3.000 tờ vé số/ngày" khiến thiên hạ đúng là cười rớt răng.
Dư luận phản ứng “sếp vé số” lương khủng, ông ra phùng mang trợn mắt bảo hợp lý là đúng quá rồi. Hợp lý là bởi ông cũng từng là “sếp vé số” Tiền Giang.
Khi ông Kha lên Giám đốc Sở Tài chính, cái ngôi được truyền lại cho bà Nguyễn Thị Nhãn, đích thị vợ ông. Bảo vệ cho ngành xổ số, ra chỉ là chuyện... bảo vệ vợ.
Năm 2013, chiếc xe thích khách mấy người dân là xe của xổ số cho Sở Tài chính “mượn”. 
Rồi khi xổ số đưa cán bộ đi Mỹ “học tập kinh nghiệm”, bà Nhãn tham gia dẫn đoàn, mời ông Kha đi. Sếp xổ số lo cho cán bộ, hoá ra là vợ lo cho chồng.
Nhà báo Hữu Danh than rằng ra là chuyện “Tuần trăng mật xa xỉ trên những đôi chân vé số”.
Ai đó khéo nhân cảm hứng cái tên Kinh Kha, có thể biên một thiên gọi là “thích chém liệt truyện” không Nobel văn chương thì cũng đời đời lưu truyền bia miệng!
Một người phụ nữ bị tật nguyền đôi chân hằng ngày bà mang theo cậu con trai mới hơn 2 tuổi bán vé số kiếm sống (TTO) 
5. Cứ sai chính tả đi Kỳ Duyên
Rất ngộ nghĩnh, hoa hậu Kỳ Duyên vừa viết sai chính tả. Đại ý khi lần đầu tiên được gói bánh chưng với bà con dân tộc vùng cao, Kỳ Duyên đã chia sẻ trên mạng xã hội: "Lần đầu tiên bạn Duyên được gói bánh trưng của bà con vùng cao. Cảm ơn các bà các cô đã yêu thương Duyên rất nhiều ạ".
Vâng, chỉ là chuyện bánh chưng với bánh trưng!
Nhưng tôi thì tôi thích cổ cứ sai chính tả đi. Bởi một lỗi chính tả, từ một hành động đẹp, sẽ chỉ khiến hoa hậu của chúng ta ngày càng đẹp hơn, ngày càng ít sai hơn mà thôi.
 Hoa hậu Kỳ Duyên lên núi gói bánh “trưng” với bà con dân tộc (24h)

6. Đứa ăn mì tôm đích thị lười biếng, đại lãn
Cũng là chuyện thần gió, thánh bão, hôm qua tôi tí ọe khi đọc một bài chém những người thích mì tôm tan tác chim muông.
Tác giả, một Phờ chấm đờ (Ph.Đ) luận rằng “mì gói lên ngôi đó là tính lười biếng, đại lãn của một bộ phận giới trẻ hiện nay”- một thế hệ sống hời hợt, lười đọc, lười suy nghĩ... Và nay, với việc ăn mì gói “còn hời hợt, lười biếng ngay cả trong việc chăm sóc cho cuộc sống thể chất hằng ngày của mình”.
Sự lười, dưới con mắt Phờ chấm đờ, tới mức “chưa chắc đã tự tay làm một tô mì tôm ăn ở nhà mà có khi lết ra đến quán rồi tiện thể kêu tô mì tôm”.
Rồi thì “Văn hóa đọc, văn hóa ẩm thực không lẽ cứ mãi để mì tôm và trào lưu quẹt màn hình lấn lướt? Thật đáng lo ngại!”.
Với tư cách là người chúi đầu bàn hình, cũng giật mình phết. Cho dù, nói thật nhé, đọc bài này xong cũng có cảm giác cái ông Phờ chấm đờ cũng vừa... ăn mì tôm!
Thật tiếc là ở ta không có giải ig Nobel.
Xem tại đây.
Bữa cơm của học sinh Kim Bon- Sơn La với thức ăn là...mì tôm. Và cũng chỉ có nửa gói (giaoduc) 
7. Ấn tượng hôm nay: Tự trọng
Tin khó tin hôm nay xin dành mục ấn tượng để tôn vinh lòng tự trọng.
Tuần rồi, cụ ông Lang Văn Tần ở Con Cuông, Nghệ An đã làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. “Thuộc diện hộ khó khăn đặc biệt nhất của bản Liên Sơn nhưng bản thân tôi xét thấy cứ trông chờ vào chính sách này là không thể được”- đơn cụ Tần viết.
Nhìn ngôi nhà ọp ẹp trống huơ trống hoác của ông cụ 83 tuổi, không lương hưu, mất hoàn toàn khả năng lao động, và lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo phải nhờ người viết vì cụ không biết chữ, phải nói thật là tôi thật sự khâm phục.
Những ngư dân bám biển bất kể bị bắt, bị đánh đập, bị đâm va. Những đôi chân không lành lặn bò lê dưới đất bán vé số để có thể ngẩng cao đâu với hai chữ lương thiện. Và cụ ông nghèo xác xơ xin ra khỏi diện hộ nghèo!
Lòng tự trọng đâu phải là của hiếm?
Cụ ông 83 tuổi Lang Văn Tần làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo vì không muốn trông chờ vào chính sách nhà nước! (Dantri)
Căn nhà trống huơ trống hoác của cụ Tần. 

Tin khó tin: Samurai bỏ chạy

LĐO HÀ PHAN (tổng hợp)
Samurai có sang Việt Nam chắc bỏ chạy bởi muốn rửa hận cũng ngán kẻ làm nhục trơ tráo “chả làm gì nhau”. Ở một nơi đốt lửa sưởi xăng, chân trần đạp tuyết, tên lửa bắn không đi và dù được tiền vẫn khóc, tuyết chưa tan hoa đã nát thì Samuarai sớm ôm nhục hồi cố hương...
1.  Samurai đến Bình Định
Một “Samurai” vừa rời Nhật sang Bình Định quý vị ạ!  Thầy Trương Hoài Phương-giáo viên bộ môn Sử trường THPT Chuyên Lê Qúy Đôn – Bình Định đã cầm dao tự mổ bụng mình ngay tại lễ đài kỷ niệm 15 năm thành lập Trường này nhưng đã được ngăn chặn. Những trò làm nhục, trù dập của Ban Giám hiệu trường trên sau khi sai phạm của họ bị thầy Phương phát giác đã biến ông giáo già thành Samurai. Cho đến nay Hiệu trưởng vẫn thách thức “Thanh tra kết luận sai thì tôi nhận sai có sao đâu, chả làm gì được nhau”. Dường như khái niệm tự trọng không còn trong “bộ cánh” Hiệu trưởng và trơ trẽn đã thành thói quen. Những sản phẩm lỗi này còn tồn tại, không ai dám chắc sẽ không thêm Samurai khác.
Thư tuyệt mệnh của “ Samurai” Bình Định ( tamnhin.net)
2 . Tên lửa bắn không đi
 “Bản thân tôi được tham dự một buổi phóng thử tên lửa đầu tiên do Việt Nam sản xuất, ở trường bắn quốc gia. Hôm đó nắng nóng, đến 37 độ C, mà thử bắn đến quả thứ 6 vẫn không thể đi, đến mức một số nhà khoa học đã ngất đi. Thưa quý vị! Đây không phải chuyện hài. Đó là chuyện kể năm 2016 về Công nghiệp hàng không nước nhà của TS Nguyễn Quý Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hàng không vũ trụ Việt Nam! 
Theo các bậc khả kính dù đã có khá nhiều tài sản quý nhất là con người nhưng đến nay ngành này vẫn con số 0 tròn trĩnh. Nhưng chẳng việc gì mặc cảm hay tự ti đâu vì mới năm trước thôi, có những ốc vít còn chưa sản xuất nổi thì tàu bay tàu bò khó mơ lắm. Đến cái xe đạp cùng chưa nội hóa được tất nên sẽ ngoa ngôn nếu trách các bác hàng không vũ trụ. Còn giờ cứ tìm tòi, tiếp tục sáng tạo cho đến khi hơn con số 0? Chờ nhé, thời gian, thời gian và thời gian...
Công nghiệp Hàng không Việt Nam vẫn là con số 0 (fica.vn)
3 . Đốt lửa sưởi xăng
Đốt lửa sưởi xăng! ( 24h.com.vn)
Ở đất nước người ta vẫn thường cưa bom lấy thuốc nổ thì dùng lửa sưởi xăng dầu chắc chẳng lạ gì, nhất là giá lạnh kỷ lục đang làm cái gì cũng muốn teo lại. “ Bom nổ chậm” bình chữa cháy mini bùm bùm mấy phát mà các bác Cảnh sát phòng cháy chữa cháy bảo vẫn chưa sao nên hình ảnh đốt lửa dưới bình dầu cũng thường thôi. Chỉ khi nào ai đấy quy tiên họ mới tỉnh ngộ và nháo nhào đôi lúc. Nhưng tôi tin nếu có cuộc thi những người dũng cảm nhất thế giới, chúng ta hoàn toàn có khả năng chiếm cả ba ngôi đầu. Ai bảo điếc không sợ súng rút lại ngay nhé! Người cưa bom, sưởi xăng dầu hay ai đó buộc dân  lắp bình chữa cháy trên ô tô chẳng điếc đâu.  Chẳng qua họ rất dũng cảm và liều lĩnh, bất chấp tính mạng cùng điều hay lẽ phải vì cái lợi trước mắt hay bảo thủ thôi. Đời kể cũng lạ, chết trước mắt hay chết từ từ chẳng nhát ma được mấy ai. Chỉ hay sợ cái lẽ ra nó phải sợ mình, mơ hồ ảo ảnh.
4. Khóc vì được tiền
Vui sao nước mắt lại trào ( Lao động)
Vui sao nước mắt lại trào! Nhiều người đã ôm chầm nhau khóc khi được tiền. Nhưng những giọt lệ của  hơn 100 CN Cty cổ phần Dệt Mùa đông sau hơn 3 tháng bám trụ đầy mệt mỏi, khổ sở để đòi chế độ và hỗ trợ khi  Cty di dời nhường chỗ cho cao ốc vẫn làm niềm vui nghẹn lại. Rồi sẽ ra sao ngày mai với số tiền vỏn vẹn 5 triệu/ năm làm việc vừa nhận? Nếu quý vị biết rằng họ đã từng nhiều lần bị đánh, ngủ vất vưởng giữa những đêm giá rét, vay mượn khắp nơi... để trụ lại đòi cho được những đồng tiền mặn chát này mới thấy đồng tiền bạc bẽo đến mức nào. À mà không! Tiền đâu có lỗi chỉ ông chủ của tiền mới có thể gây ra lỗi mà thôi.
Xem thêm tại đây
5. Tuyết chưa tan hoa đã nát
Hoa sợ gì nhất? Xin thưa sợ khách thưởng lãm háo hức nhiều ý thức ít. Hoa Hà Nội, Đà Lạt và nay những bông hoa hiếm hoi còn lại trong tuyết Sapa cũng bị thản nhiên giẫm nát.  Đôi lúc cứ nhủ lòng có lẽ khách đường xa vô tình giày xéo thân em nhưng Hoa ơi em trốn đâu cũng không  thoát,  e ấp trong tuyết vẫn chẳng tha. Đến tam giác mạch xuống phố mà họ còn phá, xá gì liễu yếu đào tơ như em.  Anh đào Nhật Bản sang còn lắc đầu lè lưỡi huống gì hoa nội. Mai này Hoa về với  Tết Hà Thành chẳng lẽ cứ mãi gào bài ý thức đâu hay ỉ ôi thương lấy thân Hoa? Thôi thì xin các vị, có giẫm đạp hay giày xéo, vô tình hoặc cố ý cũng còn một chút vấn vương Tràng An đã từng thanh lịch...
Người đời cố tình giày xéo thân hoa (Lao động)
6. Gái tây khoái trai Việt
Lười ư? Không có chí tiến thủ à? Đầy khuyết điểm sao? Các vị nam giới nước nhà đừng nghe những em thích Tây “dìm hàng” mà nhụt chí nam nhi. Hãy nghe gái Tây nêu 10 lý do khiến đàn ông châu Á ( chắc chắn có trai Việt) rất hấp dẫn. Nào là dịu dàng chu đáo, đáng tin cậy, mẹ vợ ưa thích... kể cả chuyện kia cũng được khen tận tâm! Đúng là “bụt chùa nhà không thiêng”. Hy vọng gái Tây này không phải cá biệt. Mẫu đàn ông lý tưởng luôn ở quanh mình, vậy mà không hiểu sao nhiều cô gái không nhận ra.  Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Đừng tưởng lúc nào đồ ngoại cũng hơn đồ nội các em mê Tây nhé ! Nhiều khi nhìn vậy mà không phải vậy đâu. Thôi mau mà về tắm ao ta trước khi hết nước.
Những người đàn ông châu Á hấp dẫn chẳng kém đàn ông ở các châu lục khác. Ảnh: theloveblender. 
7. Ấn tượng hôm nay: Chân trần trên tuyết
Không phải là những đoàn xe xếp hàng xem tuyết, cũng chẳng phải những bức selfie trên tuyết ngập tràn trên mạng hay tuyết phủ từ Sapa vào tới Nghệ An ... mà hình ảnh những đôi chân trần trên tuyết đang đem lại nhiều ấn tượng mạnh nhất. Khi tôi gõ những dòng này, con tôi- những đứa trẻ luôn chăn ấm nệm êm không tin bạn chúng ở vùng cao chân trần trên tuyết. Có lẽ tôi phải thêm một lời nhắn: Cứ đi xem tuyết các bạn ạ, nhưng nhớ mang thêm tấm áo hay đôi giày, chiếc dép cho những đồng bào,  nơi ấy đang rất cần...
Xem thêm tại đây
Nguồn: http://laodong.com.vn/tin-kho-tin/tin-kho-tin-samurai-bo-chay-511764.bld