Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Nhà ngoại cảm: lí giải qua lăng kính xác suất


In Email
Read : 8765 times
http://sieuthisaigon.vn/upload/art/stsg_news_large_ppv8932wi989oku.jpgHiện tượng nhà ngoại cảm làm tốn khá nhiều giấy mực của giới báo chí. Mới đây, người ta còn có cả hội thảo khoa học về ngoại cảm! Kinh ngạc hơn, người ta còn làm nghiên cứu khoa học, nhưng chẳng biết làm như thế nào. Những tin tức cho biết có vài nhà ngoại cảm có khả năng tìm mộ đúng, nhưng cũng có nhiều trường hợp tìm một sai. Lí giải hiện tượng này như thế nào? Trong bài này, tôi thử lí giải qua lăng kính xác suất.
Trong thời gian gần đây nước ta có hiện tượng nhà ngoại cảm tìm mộ.  Những thông tin xuất hiện trên báo chí cho thấy một số nhà ngoại cảm có khả năng tìm mộ liệt sĩ rất ấn tượng, với tỉ lệ chính xác cao.  Nhưng cũng có thông tin cho biết một số nhà ngoại cảm có tỉ lệ chính xác chỉ tương đương với ngẫu nhiên.  Tôi cũng từng suy nghĩ về những thông tin đó, và bài này sẽ trình bày vài cân nhắc ban đầu qua lăng kính xác suất.
“Ngoại cảm” có lẽ là dịch từ tiếng Anh là “extrasensory perception” hay viết tắt là ESP.  Theo định nghĩa thì ESP có nghĩa là cảm thụ thông tin qua tâm linh chứ không qua các phương tiện vật lí.  Trong y khoa, cũng có nhiều người tin rằng họ có khả năng ngoại cảm, như họ có thể cầu nguyện cho bệnh nhân khỏi bệnh.  Một số trường hợp điều trị bằng cầu nguyện cũng được nghiên cứu và công bố trên tập san y học, nhưng khách quan mà nói, kết quả từ những nghiên cứu này rất khó diễn giải.  
Cần nói thêm rằng cách đây vài năm xuất hiện một thiếu niên 17 tuổi tên là Natasha Demkina (người Nga) mà người ta cho rằng em có thể nhìn xuyên qua cơ thể con người và biết cơ phận nào có vấn đề.  Natasha Demkina được báo chí mệnh danh là người có cặp mắt X quang (“the girl with X-ray eyes”).  Natasha Demkina ăn nên làm ra ở Nga, với chi phí mỗi lần “chẩn đoán” là 13 USD, và mỗi ngày em chẩn đoán cho khoảng 10 người.  Nhưng khi các nhà khoa học Anh và Mĩ mời em để làm một thử nghiệm khoa học khách quan, thì kết quả cho thấy khả năng chẩn đoán của em không hơn gì xác suất ngẫu nhiên, với rất nhiều trường hợp hoàn toàn sai. 
Hiện tượng nhà ngoại cảm ở Việt Nam xảy ra ở một khía cạnh khác, mà chủ yếu có thể nói là khả năng tìm mộ.  Khả năng tìm mộ của nhiều nhà ngoại cảm đã trở thành đề tài nghiên cứu khoa học của giới khoa học Việt Nam.  Một chuyên gia trong Liên hiệp Khoa học công nghệ - Tin học ứng dụng UIA công nhận khả năng ngoại cảm, và cho rằng “Những người có khả năng ngoại cảm có thể nhìn xuyên qua thời gian và không gian” và có khả năng đối thoại với người quá cố.  Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta không biết chính xác phương pháp mà các nhà ngoại cảm tìm mộ như thế nào.  Chúng ta cũng chưa thấy những bằng chứng khoa học (cân đo đong đếm) về khả năng tìm mộ chính xác đến độ nào. 
Carl Sagan từng nói rằng những hiện tượng bất thường cần có những bằng chứng mạnh để yểm trợ.  Chúng ta thử kiểm định bằng chứng ngoại cảm qua vài thao tác xác suất.  Theo tôi thấy, có thể tiếp cận vấn đề qua lí thuyết xác suất và kiểm định giả thuyết (hypothesis testing).  Chúng ta thử xem khả năng một cá nhân và khả năng ngoại cảm qua lí thuyết xác suất.  Có thể đặt 2 giả thuyết:
  • H1, người đó là một nhà ngoại cảm có khả năng tìm mộ; và
  • H0 là người đó chỉ là một người bình thường như phần lớn chúng ta.
Chúng ta có thể sử dụng dữ liệu thực tế để kiểm định giả thuyết trên.  Thật ra, chúng ta chẳng có nhiều dữ liệu!  Dữ liệu quan trọng chúng ta cần biết là người tin rằng mình là nhà ngoại cảm đã tìm bao nhiêu mộ và bao nhiêu cuộc tìm là thành công.  Tạm gọi số lần tìm mộ là n và số lần thành công là k.  Nếu một cá nhân thật sự có khả năng đối thoại với người quá cố và nhìn xuyên thời gian và không gian, thì xác suất mà người đó tìm mộ đúng phải là 100%.  Nhưng chúng ta chấp nhận yếu tố nhiễu (vì có thể tín hiệu từ thế giới âm có thể bị nhiễu, dẫn đến tiên đoán sai), và chấp nhận xác suất p = 0.8 như là một thước đo cho giả thuyết ngoại cảm H1.  Nói theo ngôn ngữ xác suất nhị phân là:
P(k đúng | H1) = C(n, k) * (0.8)^k *  (0.2)^(n-k)                    [1]
Chú ý: P có nghĩa là xác suất, và dấu “|” có nghĩa là với điều kiện hay nếu; C(n, k) là tổ hợp k lần từ n lần; dấu ^ có nghĩa là lũy thừa.  Kí hiệu trên có thể đọc là: Xác suất mà một người tìm mộ đúng k lần hoàn toàn ngẫu nhiên trong n lần tìm.
Nếu người đó chỉ là một người bình thường (giả thuyết H0), thì xác suất mà tìm đúng mộ trong mỗi lần tìm 1/2 (hay 50%), và trong k lần tìm, xác suất đoán đúng k lần hoàn toàn do ngẫu nhiên phải là:
P(k đúng | H0) = C(n, k) * (0.5)^k *  (0.5)^(n-k)                    [2]
Một cách đơn giản nhất để so sánh 2 giả thuyết là dùng tỉ số của hai xác suất trên, mà thuật ngữ toán gọi là likelihood ratio (LR) hay tỉ số khả dĩ.  Nếu lấy P(k đúng | H1) chia cho P(k đúng | H0) và nếu kết quả cao hơn 1 thì điều này có nghĩa là dữ liệu thực tế nghiêng về giả thuyết người đó là một nhà ngoại cảm hơn là một người bình thường; nếu kết quả thấp hơn 1 thì dữ liệu nghiêng về giả thuyết bình thường.  Trong trường hợp này, chúng ta có:
LR = P(k đúng | H1) / P(k đúng | H0)               [3]
Như nói trên, vấn đề là chẳng ai biết n k.  Nhưng để minh họa, chúng ta thử xem một người đã tìm 50 mộ, và theo UIA, người có khả năng tìm một bằng ngoại cảm có tỉ lệ chính xác khoảng 70%.  Câu hỏi đặt ra là với khả năng tìm đúng 70% như thế, cá nhân đó có thể xem là nhà ngoại cảm hay không?  Chúng ta thử tính:
P(35/50 đúng | H1) = C(50, 35) * (0.8)^35 *  (0.2)^15 = 0.0299
 P(35/50 đúng | H0) = C(50, 35) * (0.5)^35 *  (0.5)^15 = 0.00199
LR = 0.0299 / 0.00199 = 15
Như vậy dữ liệu thực tế của cá nhân đó cho thấy giả thuyết cá nhân là một nhà ngoại cảm có nhiều trọng lượng (cao gấp 15 lần) so với giả thuyết người bình thường.  Tuy nhiên, LR = 15 chưa thể xem là bằng chứng thuyết phục.  Thông thường, chúng ta đòi hỏi LR phải khoảng 1000 mới có thể xác tín được.
Nhưng cách lí giải trên có vấn đề.  Vấn đề là nó tùy thuộc vào 2 giả định mà có thể không phù hợp với thực tế.  Giả định thứ nhất là chúng ta giả định rằng người đó là một tiên tri khá toàn hảo (nên tiên đoán chính xác 80%), mà chưa giả định rằng người đó cũng có … sai vì có thể người đó chỉ đoán một cách ngẫu nhiên.  Giả định thứ hai là xác suất tiên đoán đúng là 50% cho mỗi lần tiên đoán có thể không phù hợp với thực tế vì người đó có thể “thiên vị” dựa vào thông tin trước để đoán (nói theo ngôn ngữ dịch tễ học là biased). 
Trong thực tế, chúng ta biết rằng có nhiều người cũng cho rằng họ là nhà ngoại cảm có khả năng tìm mộ.  Theo thông tin báo chí, có hàng trăm người như thế ở nước ta.  Chúng ta chỉ nghe đến những người nào tiên đoán đúng, mà không biết đến những người tiên đoán sai.  Do đó, cần phải xét đến tổng thể hơn là chỉ chú tâm vào một cá nhân.  Một nhà ngoại cảm nổi tiếng vì đã đoán đúng 5 lần trước đây.  Giả định rằng có N người có thể tìm mộ nhưng họ chỉ là người bình thường.  Trong số N  tiên đoán bởi những người bình thường này, xác suất có ít nhất 1 người tiên đoán đúng là:
P(tối thiểu 1 người đoán đúng 5 lần)
= 1 P(không có người nào đoán đúng 5 lần)
= 1 P(tất cả N người đoán sai ít nhất là 1 lần)
= 1 P(một người đoán sai ít nhất 1 lần)^N
= 1 (1 P(một người đúng 5 lần)^N)
= 1 – (1 – 1/32)^N
Do đó, nếu có 100 người tiên đoán một cách ngẫu nhiên, xác suất có ít nhất 1 người đoán đúng tất cả 5 lần là 1 – (1 – 1/32)^100 = 0.96.  Nói cách khác, xác suất rất cao (96%) là một người có thể tiên đoán đúng 5 lần chỉ là hoàn toàn do ngẫu nhiên.  Điều này cũng có nghĩa là dù một người nào đó tìm mộ đúng 5 lần liền vẫn chưa phải là bằng chứng để nói rằng người đó có khả năng ngoại cảm.
Cố nhiên, những lí giải trên chỉ hợp lí khi giả định là đúng và dữ liệu thực tế cũng đúng.  Thật ra, chúng ta có thể phân tích vấn đề sâu hơn nữa (bằng lí thuyết Bayes chẳng hạn), nhưng thiết nghĩ với những dữ liệu và giả định trình bày trên, chúng ta có lí do hoài nghi việc tìm mộ bằng khả năng ngoại cảm. 
Để có bằng chứng thuyết phục hơn những tính toán xác suất, chúng ta cần phải làm thí nghiệm để thu thập dữ liệu và kiểm định giả thuyết ngoại cảm.  Các chi tiết về kĩ thuật thiết kế một thí nghiệm về ngoại cảm có thể tham khảo các nghiên cứu trước đây trên thế giới.
Chỉ số sáng tạo: Việt Nam cao hơn Nga ? In Email
Nhóm NSEAD vừa công bố kết quả về chỉ số sáng tạo toàn cầu (global innovation idex (1), hay viết tắt là GII). Trong bản phân tích này, họ xếp hạng Việt Nam cao hơn Nga và Ukraina. Có báo nói Việt Nam đứng hạng “trên trung bình”. Tuy nhiên, có hai vấn đề: chỉ số GII không hẳn phản ảnh khả năng sáng tạo, và thứ hạng của Việt Nam cũng không phải trên trung bình, mà có lẽ chỉ trung bình. Bài này sẽ giải thích tại sao …

Một trong những khái niệm kinh tế được nhắc đến nhiều lần trong thời gian gần đây là kinh tế tri thức. Theo định nghĩ phổ biến, một nền kinh tế tri thức là nền kinh tế mà trong đó tri thức là một động lực quan trọng (so với nền kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên). Sản xuất một con chip có thể có giá trị hơn hàng trăm công ruộng. Phát triển một phần mềm máy tính có thể đem lại cho quốc gia hàng triệu USD. Trong nền kinh tế tri thức, sự phát triển kinh tế có liên quan tới mức độ cạnh tranh về công nghệ, và cạnh tranh công nghệ phụ thuộc vào khoa học và nghiên cứu khoa học. Do vậy, trong nền kinh tế tri thức, thể chế, năng suất sáng tạo, nghiên cứu khoa học đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế.
Trên thế giới có nhiều nhóm chuyên đánh giá trình độ sáng tạo và khoa học. Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) có chương trình phát triển các chỉ số và đánh giá kinh tế tri thức mà tôi đã điểm qua trong một bài trước đây. Nhóm Thomson ISI có chương trình kiểm tra và đánh giá năng suất khoa học toàn cầu, và chúng tôi cũng từng có bài phân tích trước đây. Nhóm NSEAD cùng WIPO (một tổ chức quản lí bằng sáng chế quốc tế) và vài công ti kĩ nghệ phát triển chỉ số sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index – GII). Nhóm này vừa mới công bố một báo cáo dài xếp hạng GII cho các nước trên thế giới. Báo cáo này có dữ liệu của Việt Nam, và so sánh với các nước trên thế giới. Do đó, cũng cần nhìn qua kết quả phân tích để biết chúng ta đang đứng nơi nào trên bản đồ sáng tạo toàn cầu.
Chỉ số sáng tạo toàn cầu – GII
Chỉ số sáng tạo toàn cầu là một thước đo về khả năng sáng tạo bao gồm 7 tiêu chuẩn cụ thể. Bảy tiêu chuẩn này bao gồm thể chế (institution), nhân lực và nghiên cứu (human capital & research), cơ sở vật chất, độ tinh vi của thị trường (market sophistication), độ tinh vi trong kinh doanh (business sophistication), hiệu suất khoa học (scientific outputs), và hiệu suất sáng tạo (creative outputs). Mỗi tiêu chuẩn bao gồm nhiều chỉ tiêu cụ thể.
Tiêu chuẩn thể chế bao gồm sự ổn định chính trị, hiệu quả của chính phủ, tự do báo chí, hệ thống giám sát, qui chế luật pháp, chế độ sử dụng nhân lực. Thể chế còn bao gồm môi trường kinh doanh, như thời gian khởi đầu một cơ sở kinh doanh, chi phí khởi đầu một cơ sở kinh doanh, và tỉ lệ thuế tính trên thu nhập cá nhân.
Tiêu chuẩn nhân lực và nghiên cứu ở đây thật ra là giáo dục và phát triển. Các chỉ tiêu trong tiêu chuẩn này bao gồm chi tiêu cho giáo dục, trình độ học vấn trung bình của dân số, tỉ số học trò trên thầy giáo, số sinh viên đại học, số sinh viên đại học ghi danh trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Chỉ tiêu về nghiên cứu bao gồm số nhà nghiên cứu khoa học, ngân sách Nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học, số lượng và chất lượng các trung tâm nghiên cứu.
Tiêu chuẩn cơ sở vật chất là những chỉ tiêu về công nghệ thông tin và năng lượng. Chỉ tiêu về công nghệ thông tin và truyền thông bao gồm hệ thống điện thoại, hệ thống internet và người sử dụng internet, cũng như mức độ điện tử hóa hoạt động của chính phủ. Chỉ tiêu năng lượng là lượng năng lượng tiêu thụ và GDP cho năng lượng và năng lượng tái sinh.
Tiêu chuẩn về sự tinh vi của thị trường bao gồm giá trị hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu và xuất khẩu. Tiêu chuẩn về sự tinh vi trong kinh doanh đo lường nhân lực tri thức, liên kết với sáng tạo, và hấp thu tri thức. Các chỉ số này bao gồm số “công nhân tri thức” (knowledge workers), tức những chuyên gia; chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển; thu nhập từ những bằng sáng chế. Chỉ tiêu tinh vi trong kinh doanh còn bao gồm các chỉ số về xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao, nhập máy tính và phần mềm, đầu tư của nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao.
Tiêu chuẩn về hiệu suất khoa học đo lường mức độ sáng tạo và tác động của tri thức. Sáng tạo tri thức (knowledge creation) bao gồm các chỉ số như số bằng sáng chế đăng kí trong các tổ chức quốc tế, số bài báo khoa học công bố hàng năm. Tác động tri thức (knowledge impact) bao gồm các chỉ số như chi tiêu cho phần mềm máy tính, và tỉ lệ tăng trưởng về GDP trên mỗi cá nhân. Ngoài ra, còn có các chỉ số về sự phổ biến tri thức như tiền thu được từ bằng phát minh, xuất cảng hàng hóa và dịch vụ công nghệ cao. Sau cùng là tiêu chuẩn về hiệu suất sáng tạo. Tiêu chuẩn này bao gồm các chỉ số về số thương hiệu đăng kí, dịch vụ giải trí và văn hóa, số phim sản xuất hàng năm, số lượng nhật báo lưu hành, và xuất khẩu hàng hóa mang tính sáng tạo.
Kết quả phân tích
Qua phân tích thống kê, nhóm NSEAD tóm lược 7 tiêu chuẩn trên trong một chỉ số GII – chỉ số sáng tạo toàn cầu. Chỉ số này có giá trị từ 0 đến 100, với giá trị càng cao tương đương với mức độ sáng tạo càng cao. Có 125 nước cung cấp dữ liệu cho phân tích. Giá trị GII dao động từ 18 (thấp nhất) đến khoảng 64 (cao nhất). Dựa vào GII, có 10 nước được xếp hạng “Top 10” trong năm 2011. Mười nước đó là: Thụy Sĩ (điểm ~64), Thụy Điển (62), Singapore (60), Hồng Kông (59), Phần Lan (57.5), Đan Mạch (57), Mĩ (56.6), Canada (56.3), Hà Lan (56.3), và Anh (56). Như vậy, có 3 nước Á châu trong danh sách “Top 10”.
Việt Nam đứng ở vị trí nào trong bản đồ sáng tạo quốc tế? Theo kết quả phân tích của NSEAD thì Việt Nam đứng hạng 51 (trong số 125). Tuy nhiên, thứ hạng 51 đó không có nghĩa là chỉ số sáng tạo của Việt Nam trên trung bình (như báo Tia Sáng viết), mà chỉ là trung bình mà thôi. Thật vậy, chỉ số GII của Việt Nam là 36.71, và chỉ số này bằng với chỉ số GII trung bình của 125 nước là 36.70 (độ lệch chuẩn 10.76).
Tuy nhiên, xem xét chi tiết từng chỉ số cũng cung cấp thêm vài thông tin thú vị. Nói chung, các chỉ số về thể chế của Việt Nam đều thấp hơn trung bình. Chẳng hạn như chỉ số về môi trường ổn định chính trị của Việt Nam (39.17), thấp hơn trung bình khoảng 0.8 độ lệch chuẩn (Bảng 1). Riêng về chỉ số sáng tạo tri thức, Việt Nam chỉ có điểm 2.9, chỉ bằng 15% so với trung bình toàn cầu là 18.27! Tuy nhiên, hiệu suất sáng tạo của Việt Nam cao hơn thế giới khoảng 0.8 độ lệch chuẩn. Cần nhắc lại rằng chỉ số hiệu số sáng tạo ở đây không phải là số bằng sáng chế mà là số thương hiệu đăng kí và sản phẩm văn hóa (như số nhật báo).

Bảng 1. So sánh một số chỉ số sáng tạo của Việt Nam và trung bình toàn cầu

Chỉ tiêu
Việt Nam
Số liệu của 125 nước
Điểm
Chỉ số Z
Trung bình
Độ lệch chuẩn
Môi trường ổn định chính trị
39.17
-0.81
57.75
22.81
Môi trường giám sát
50.49
-0.54
61.15
19.74
Môi trường kinh doanh
75.13
-0.08
76.29
14.38
Giáo dục
45.15
-0.79
56.07
13.79
Giáo dục đại học
32.08
0.07
31.09
14.16
Nghiên cứu và Phát triển
17.80
-0.67
30.00
18.24
Cơ sở vật chất
29.33
-0.09
30.20
9.64
Sự tinh vi của thị trường
46.99
0.35
42.31
13.24
Sự tinh vi trong kinh doanh
37.51
-0.08
38.59
13.15
Sáng tạo tri thức
2.90
-0.75
18.27
20.45
Ảnh hưởng của tri thức
40.16
0.51
32.92
14.08
Phổ biến tri thức
32.92
0.04
32.22
16.57
Hiệu suất sáng tạo
41.35
0.76
33.04
11.00
Chỉ số sáng tạo toàn cầu
36.71
0.00
36.69
10.76


Việt Nam hơn Nga ?
Một điều thú vị là Hàn Quốc (điểm 53.7) đứng hạng 16, cao hơn Úc (điểm 50, hạng 21) và Nhật (50, hạng 20). Một điểm đáng chú ý và có lẽ gây ngạc nhiên là chỉ số GII của Việt Nam (36.7, hạng 51) đứng trên cả Nga (35.85, hạng 56), Ukraina (35, hạng 60), Philippines (28.98, hạng 91), Iran (28.4, hạng 95).
Thứ hạng của Việt Nam so sánh với Nga và Ukraina làm chúng ta phải xem xét kĩ các chỉ số này. Tôi thử làm một so sánh (xem Bảng 2) một số chỉ số tiêu biểu giữa Việt Nam và Nga thì thấy trong số 13 chỉ số, VN cao hơn Nga 7 chỉ số, nhưng thấp hơn Nga 6 chỉ số. Có một số chỉ số VN thấp hơn Nga mà chúng ta cảm thấy có thể chấp nhận được như thấp hơn về nghiên cứu và phát triển (R&D), giáo dục (kể cả giáo dục đại học). Nhưng có chỉ số VN cao hơn Nga mà chúng ta thấy khó tin: phổ biến tri thức, ảnh hưởng của tri thức, hiệu suất sáng tạo, cơ sở vật chất.

Bảng 2. So sánh một số chỉ số sáng tạo giữa Việt Nam và Nga
Chỉ tiêu
Việt Nam
Nga
VN – Nga
Môi trường ổn định chính trị
39.17
35.85
+
Môi trường giám sát
50.49
40.27
+
Môi trường kinh doanh
75.13
77.3
Giáo dục
45.15
62.03
Giáo dục đại học
32.08
43.33
Nghiên cứu và Phát triển
17.80
29.96
Cơ sở vật chất
29.33
25.8
+
Sự tinh vi của thị trường
46.99
36.37
+
Sự tinh vi trong kinh doanh
37.51
44.87
Sáng tạo tri thức
2.90
33.39
Ảnh hưởng của tri thức
40.16
34.48
+
Phổ biến tri thức
32.92
30.73
+
Hiệu suất sáng tạo
41.35
28.95
+
Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII)
36.71
35.85
+


Tuy chỉ số GII của Việt Nam không khác nhiều so với Thái Lan (37.63), nhưng Thái Lan đứng hạn 48, trên Việt Nam chỉ 3 bậc! Bảng 3 dưới đây so sánh chi tiết giữa Việt Nam và Thái Lan. Trong số 13 chỉ số, VN thấp hơn Thái Lan trong 8 chỉ số. Một điều làm chúng ta ngạc nhiên là giáo dục đại học Việt Nam được đánh giá cao hơn Thái Lan (và điều này rõ ràng là không phù hợp với thực tế).

Bảng 3. So sánh một số chỉ số sáng tạo giữa Việt Nam và Thái Lan
Chỉ tiêu
Việt Nam
Thái Lan
VN – Thái Lan
Môi trường ổn định chính trị
39.17
38.02
+
Môi trường giám sát
50.49
67.28
Môi trường kinh doanh
75.13
79.21
Giáo dục
45.15
48.21
Giáo dục đại học
32.08
26.19
+
Nghiên cứu và Phát triển
17.80
18.51
Cơ sở vật chất
29.33
25.02
+
Sự tinh vi của thị trường
46.99
48.98
Sự tinh vi trong kinh doanh
37.51
50.2
Sáng tạo tri thức
2.90
8.59
Ảnh hưởng của tri thức
40.16
26.96
+
Phổ biến tri thức
32.92
36.25
Hiệu suất sáng tạo
41.35
39.93
+
Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII)
36.71
37.63


Những so sánh trên đây (giữa VN và Thái Lan và Nga) cho thấy chỉ số sáng tạo toàn cầu có vấn đề. Để kiểm tra cách phân tích của NSEAD, chúng ta thử xem xét mối tương quan giữa GII và 13 chỉ tiêu phổ biến trên. Mô hình đơn giản nhất để mô tả mối tương quan này là mô hình hồi qui tuyến tính đa biến (multiple linear regression model). Có thể phát biểu mô hình này là:
GII = b0 + b1X1 + b2X2 + b3X3 + . . . + b13X13
Trong đó, X1 , X2 , X3 … X13 là các chỉ số về sáng tạo tri thức. Ước số b0, b1, b2, b3, . . . b13 được trình bày trong Bảng 4.

Bảng 4. Ước số của mô hình hồi qui tuyến tính
Chỉ tiêu
Kí hiệu
Hệ số
Hằng số (b0)

0.05936
Môi trường ổn định chính trị (b1)
X1
0.03501
Môi trường giám sát (b2)
X2
0.03253
Môi trường kinh doanh (b3)
X3
0.03310
Giáo dục (b4)
X4
0.02994
Giáo dục đại học (b5)
X5
0.03349
Nghiên cứu và Phát triển (b6)
X6
0.03180
Cơ sở vật chất (b7)
X7
0.09566
Sự tinh vi của thị trường (b8)
X8
0.10190
Sự tinh vi trong kinh doanh (b9)
X9
0.10168
Sáng tạo tri thức (b10)
X10
0.08646
Ảnh hưởng của tri thức (b11)
X11
0.08439
Phổ biến tri thức (b12)
X12
0.08288
Hiệu suất sáng tạo (b13)
X13
0.25189


Mô hình này tiên lượng rất chính xác, với hệ số xác định (coefficient of determination) bằng 0.99! Nói cách khác, 13 chỉ số này “giải thích” 99% dao động về GII giữa các quốc gia.
Dựa vào mô hình trên, có thể nói rằng yếu tố hiệu suất sáng tạo (creative outputs) có ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số sáng tạo tri thức toàn cầu (hệ số hồi qui 0.25). Kế đến là các chỉ số như tinh vi của thị trường và tinh vi trong kinh doanh, và cơ sở vật chất. Do đó, tuy nói là “sáng tạo”, nhưng những chỉ số cấu thành nó lại có ít liên quan đến sáng tạo.
Biểu đồ trên đây phản ảnh độ tương quan giữa hiệu suất sáng tạo tri thức và chỉ số sáng tạo toàn cầu. Chúng ta dễ dàng thấy hai chỉ số này có độ tương quan thấp. Chỉ số về sáng tạo tri thức của Việt Nam chỉ 2.9, tức nằm trong nhóm các nước phần lớn là … Phi châu. Thật vậy, số bằng sáng chế từ Việt Nam cực kì thấp. Theo báo cáo của UNESCO, trong thời gian 2000-2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng kí được 19 bằng sáng chế, tức mỗi năm trung bình chỉ 2 bằng sáng chế.  Có năm (như 2002) chẳng có bằng sáng chế nào.  Trong cùng thời gian, Thái Lan đăng kí được 310 bằng sáng chế, Singapore 3644, cao hơn Việt Nam đến 192 lần!  Thật ra, số bằng sáng chế từ Việt Nam cũng thấp hơn Indonesia (85), Philippines (256), và Malaysia (901).
Từ những kết quả phân tích trên, có thể nói rằng chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII) không phải đúng như tên gọi. Thật vậy, có thể nói rằng chỉ số này phản ảnh một phần lớn những đại lượng liên quan đến lượng lưu hành báo chí, giá trị nhập khẩu và xuất khẩu các hàng hóa công nghệ cao. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy “chỉ số sáng tạo toàn cầu” của Việt Nam cao hơn Nga và Ukraina. Nếu phản ảnh đúng nghĩa của sáng tạo – innovation thì Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong vùng, chứ chưa thể so sánh được với một cường quốc khoa học như Nga.
Ghi chú: (1) Có thể xem toán văn báo cáo (trên 300 trang, pdf) ở đây:
http://www.globalinnovationindex.org/gii

Bình thường và bất bình thường



Có lẽ một trong những câu trả lời phỏng vấn gây ra nhiều tranh cãi trong tuần này là câu phát biểu của ngài Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo về điểm 0 của môn sử trong kì thi tuyển sinh đại học toàn quốc năm nay. Bài này không bàn về những lí giải trong cách dạy và học môn sử mà nhiều học giả đã bàn qua, nhưng chỉ muốn nhân dịp này để tìm hiểu điểm thi môn sử ra sao.
Chúng ta thử đọc lại câu trả lời báo chí của ngài Bộ trưởng. Khi được hỏi “Ông nghĩ gì khi kỳ thi ĐH vừa rồi cũng giống như nhiều năm trước, môn sử có hàng ngàn điểm 0?” Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói: “Tôi nghĩ bình thường. Vì thi ĐH là cuộc thi tuyển nên đề thi có sự phân loại rõ ra người giỏi, người khá, người yếu kém để tuyển chọn.” Hai chữ bình thường được hàng chục báo lớn trích ra, và có lẽ hàng ngàn người trích dẫn để … chỉ trích. Công bằng mà nói, tôi nghĩ câu trả lời của ông Bộ trưởng không sai. Không sai về mặt thực tế. Trong bất cứ môn học nào, và trong bất cứ kì thi nào, sẽ có một số thí sinh bị điểm 0 và một số có điểm cao nhất. Còn “một số” là bao nhiêu phần trăm thì còn tùy thuộc vào luật phân bố của điểm thi.
Chính vì thế mà tôi muốn tìm hiểu luật phân bố của điểm thi môn sử năm nay. Tìm dữ liệu này thật là khó khăn, bởi vì Bộ GDĐT không công bố, và báo chí thì mỗi báo nói một phách, chẳng biết đâu mà truy tìm cho đến nơi đến chốn. Ba con số mà chúng ta cần biết là: có bao nhiêu thí sinh dự thi, điểm thi trung bình và độ lệch chuẩn của điểm thi là bao nhiêu. Nhưng chẳng có nơi nào cung cấp những thông tin này. May mắn thay, có báo Pháp Luật TPHCM có một biểu đồ với những dữ liệu cho phép chúng ta có thể ước tính số trung bình và độ lệch chuẩn. Theo số liệu thu thập trên 5233 thí sinh, thì mức độ phân bố điểm thi môn sử như sau:
Điểm
Điểm giữa
Số thí sinh
0
0
128
0.25 – 1.0
0.625
2151
1.25 – 2.0
1.625
1342
2.25 – 3.0
2.625
824
3.25 – 4.0
3.625
456
4.25 – 5.0
4.625
227
5.25 – 6.0
5.625
81
6.25 – 7.0
6.625
21
7.25 –7.5
7.375
3
7.75 – 10
8.875
0
Tất cả

5233

Với những số liệu trên đây, có thể ước tính dễ dàng rằng điểm trung bình là 1.72 và độ lệch chuẩn là 1.315.
Biểu đồ 1 dưới đây phản ảnh sự phân bố của điểm thi. Trục hoành là điểm (từ 0 đến 10), và trục tung là số thí sinh. Biểu đồ này thật ra chỉ là số liệu trong bảng trên được thể hiện qua hình thức đồ thị mà thôi. Nhưng đồ thị này giúp cho chúng ta xác định luật phân bố của điểm thi.

Nhìn qua biểu đồ điểm thi, những ai còn nhớ luật phân bố xác suất sẽ dễ dàng nhận ra rằng đây là một phân bố gamma (gamma probability distribution). Luật phân phối gamma tương đối phức tạp, nhưng tựu trung lại nó được xác định bởi 2 tham số a và b. Tham số a định dáng (shape) của đường biểu diễn, và b xác định độ lệch / cân đối (còn gọi là scale) của đường biểu diễn. Số Trung bình (kí hiệu m) và phương sai (s2) của một biến tuân theo luật phân bố gamma có thể tính từ 2 thông số a và b:
m = ab

s2 = ab2


Qua số liệu trên, chúng ta biết rằng m = 1.72 và s2 = 1.315×1.315 = 1.73. Và, với hai ước số này, chúng ta có thể xác định a = 1.72 và b xấp xỉ bằng 1. Với 2 thông số này, có thể mô phỏng một cách dễ dàng phân bố của điểm môn sử thi năm 2011 như thể hiện trong biểu đồ 2.

Với luật bố này, chúng ta có thể tính bất cứ xác suất nào. Chẳng hạn như xác suất điểm thi dưới 1 là:
P(X < 1) = pgamma(1, shape = 1.72, scale = 1)
và kết quả là 0.349. Nói cách khác, có khoảng 35% thí sinh có điểm môn sử dưới 1. Với luật phân bố này, có thể ước tính cho bất cứ ngưỡng điểm nào (xem bảng dưới đây):

Điểm
Phần trăm
<0.2
3.5
<1.0
34.9
<2.0
67.6
<3.0
85.3
<4.0
93.6
<5.0
97.3
<6.0
98.9
<7.0
99.5
<8.0
99.8
<9.0
99.9


Có thể nói những kết quả trên đây rất phù hợp với số liệu thực tế. Như vậy chúng ta có thể “an tâm” rằng điểm thi thật sự tuân theo luật phân phối gamma. Luật phân bố gamma dĩ nhiên không phải luật phân phối bình thường (normal distribution).
Những kết quả trên cũng có nghĩa là số thí sinh có điểm bằng hoặc gần bằng 0 là khoảng 1.14%, và nếu có 1 triệu thí sinh thì có khoảng 11,400 thí sinh có điểm thi môn sử như thế. Con số này có bất bình thường không?
Một bài báo trên Tuổi Trẻ hé một thông tin thú vị và có thể so sánh để trả lời câu hỏi trên. Theo bài báo nàyTheo thống kê của Trường đại học Sư phạm TP.HCM, thường chỉ khoảng 15% đến 40% số thí sinh đạt yêu cầu (từ 5 điểm trở lên), số bị điểm kém (từ 0 đến 2,5 điểm) thường chiếm khoảng 50%, số điểm khá - giỏi (từ 6,5 đến 10 điểm) khoảng từ 10% đến 20% tùy từng năm.” Nói cách khác, điểm trung bình là khoảng 3.44. Còn điểm thi năm nay là 1.72, tức là chỉ phân nửa so với điểm mấy năm trước. Nhưng cần phải so sánh với sai số chuẩn. Độ lệch chuẩn là 1.315, và với 5233 thí sinh, sai số chuẩn là SE = 1.315 / (5233)0.5 = 0.018. Do đó, chỉ số z = (1.72 – 3.44) / 0.018 = -94.6. Như vậy điểm thi môn sử giảm so với mấy năm trước gần 95 sai số chuẩn! Đó là một sự suy giảm quá lớn.
Nói tóm lại những kết quả phân tích trên đây cho thấy sự phân bố điểm thi môn sử năm nay không bình thường (hiểu theo nghĩa kĩ thuật). Hơn nữa, điểm thi bị giảm quá lớn. Do đó, không thể nói là bình thường được. Lí do tại sao không bình thường thì có thể đọc bài kèm theo đây của Nhà văn Nguyên Ngọc (bản gốc trên website quechoa.info chứ không phải bản biên tập trên SGTT).
NVT
Chú thích: chi tiết kĩ thuật tính toán có thể xem trong trang www.statistics.vn.
===

Giáo sư Văn Như Cương nhầm rồi!

Giáo sư Văn Như Cương viết: “Trong kì thi đại học vừa qua, điểm thi môn Sử thấp một cách thảm hại. Nói chung chỉ độ 4% trên điểm trung bình. Nhiều trường có tới 99% điểm dưới trung bình, mà chủ yếu là điểm 0 và điểm 1. Có trường chỉ 1 thí sinh có điểm 5 là cao nhất. Vẫn biết chuyện dạy Sử và học Sử từ trước đến nay đã có nhiều vấn đề nhức nhối, nhưng một kết quả như năm nay thực sự làm cho xã hội xôn xao, và làm đau đầu các nhà quản lí giáo dục, các nhà sử học, các thầy giáo, học sinh và cha mẹ học sinh…”
Thưa giáo sư Cương, ông nhầm rồi! Có một nhà quản lý giáo dục, mà là người đứng đầu, có trách nhiệm lớn nhất trong các nhà quản lý giáo dục, không hề “đau đầu” như giáo sư tưởng và tin. Trái lại, với cái đầu vô cùng thanh thản, hết sức vui vẻ thoải mái, tuyệt đối bình tĩnh, ông ấy nói: “Đấy là chuyện bình thường”. Chuyện nhỏ xíu ấy mà, gì mà rối lên thế! Thậm chí thấp vậy chứ thấp nữa, chẳng hạn toàn bộ thí sinh thi sử đều bị điểm không, cũng chẳng lay chuyển được sự bình tâm của ông, bởi vì ông đã có một phép mầu, ông đã tìm ra một thủ phạm tuyệt đối và tuyệt vời: Thời đại! Chắc như đinh đóng cột và với một sự liều lĩnh khó tin, ông tuyên bố trước những người đối thoại: “Điểm Lịch sử thấp là vấn đề của thời đại. Các bạn hãy nhìn rộng ra nhiều nước, không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng ấy… Có những thứ do thời đại, do xu thế phát triển tác động. Nhìn kỹ một chút các bạn sẽ thấy môn lịch sử kém thu hút, điểm Lịch sử thấp không phải chỉ ở Việt Nam, ở châu Á. Đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động…” Nghĩa là ngoài “thời đại”, ông còn tìm ra thêm được mấy thủ phạm đích đáng nữa, đều là con đẻ của cái “thời đại” chết tiệt kia: “xu thế phát triển”, “thế hệ này”, “cách mạng khoa học công nghệ”, “sự biến đổi đòi hỏi của thị trường lao động” v.v…
Liều lĩnh khó tin, bởi xin hỏi: nhờ ông “nhìn rộng ra” và chỉ cho biết, dù chỉ một ví dụ thôi, với tất cả các thủ phạm như ông đã dễ dàng phát hiện, có nơi nào trên toàn thế giới có kết quả thi môn lịch sử thê thảm như vừa rồi trong nền giáo dục do ông đảm trách trước quốc dân?
Đây là chuyện hết sức nghiêm túc, nên cũng phải nói với nhau rất nghiêm túc.
Trước hết, chính các thứ thời đại, xu thế, thế hệ, cách mạng khoa học công nghệ, biến đổi thị trường lao động… như ông vừa kể lại đòi hỏi hơn bao giờ hết phải coi trọng  khoa học xã hội nhân văn, trong đó có sử và môn sử (và cả môn văn nữa, mà kết quả vừa rồi cũng chẳng hay ho hơn mấy). Xin nêu một bằng chứng: chính là đứng trước những vấn đề như vậy, mà cách đây mấy năm trường đại học Harvard nổi tiếng của Mỹ đã rà soát lại toàn bộ chiến lược của họ, và nghiêm khắc nhận ra, mặc dầu đã cố gắng rất nhiều, họ vẫn còn coi trọng chưa đủ các môn xã hội nhân văn và quyết chuyển hướng mạnh mẽ hơn nữa vào các môn ấy. Bởi vì đối với bất cứ xã hội nào, ở bất cứ “thời đại” nào, thời đại phát triển của khoa học kỹ thuật công nghệ thì càng khẩn thiết hơn, chính khoa học xã hội nhân văn là hết sức cần thiết để giữ cái nền bền chắc cho xã hội và con người, cho sự phát triển bền vững, cho con người dẫu có khoa học công nghệ cao đến đâu, vật chất nhiều đến đâu, cũng vẫn còn là con người chứ không phải là những cái máy khô cằn, nhất là những cái máy chỉ biết hau háu làm ra tiền và nhai tiền. Giữ cho nhân loại còn là nhân loại, chứ không là một đống những vật tinh xảo mà vô cảm và vô lương. Một xã hội quay lưng lại với các khoa học xã hội và nhân văn là một xã hội suy đồi. Một nền giáo dục trong thực tế liệt khối C xuống hạng bét, để cho “chuột chạy cùng sào mới vào khối C”, là một nền giáo dục suy đồi. Và bế tắc. Buồn thay đó chính là tình trạng thực của nền giáo dục chúng ta hiện nay. Và đừng nói rằng điều đó không liên quan gì đến tội ác gia tăng trong xã hội, và cả trong học đường, làm nhức nhối toàn xã hội, còn những người đứng đầu ngành giáo dục thì bình chân như vại. Tất nhiên vấn đề ở đây lớn hơn vấn đề giáo dục, lớn hơn vấn đề của ngành giáo dục, nhưng muốn nói gì thì nói, ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm chính. Bởi vì nó được sinh ra, xã hội bỏ tiền mồ hôi nước mắt ra nuôi nó, là để nó làm trước hết công việc ấy: giữ cái nền bình ổn lâu dài vững chãi cho xã hội, cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Quả đã đến lúc cần rà soát lại một cách căn bản toàn bộ chiến lược của nền giáo dục này; và câu hỏi căn bản, đầu tiên là: nó định chế ra máy hay đào tạo ra người? Nếu quả nó định đào tạo ra người thì nhất thiết không vì bất cứ lý do gì, vì lý do “thời đại” càng không, có thể để mặc cho khối C lủi thủi như vậy, không thể coi kết quả thảm hại của thi sử năm nay là bình thường. Đấy là thảm họa, bởi vì đấy không chỉ là chuyện kết quả học sử thi sử như thế nào, mà là dấu hiệu con người coi các giá trị tinh thần và nhân văn chẳng còn đáng xu nào! Một thảm họa xã hội!
Mấy hôm nay nhiều người đã bàn tán xôn xao về sự cố này, và nhiều ý kiến đã tập trung vào cách dạy và học sử. Chắc đều đúng. Tuy nhiên hình như cũng chưa đến lõi của vấn đề. Hẳn ai cũng biết trong các môn học ở trường hiện nay, bị học sinh sinh viên chán nhất, ghét nhất, do đó cũng học kém nhất, học một cách đối phó nhất, kết quả tất cũng tệ nhất là môn sử và môn văn – cùng một vài môn khác thuộc cái gọi là “chương trình cứng” – . Vì sao? Rất đơn giản, và chắc cũng không ít người biết rõ nhưng vì lý do này khác đã không nói ra. Thôi thì cho tôi nói thật vậy: vì đó là những môn bị chính trị hóa nhiều nhất, nặng nề nhất! Chính trị chắc chắn không có gì là xấu, trái lại là khác. Rất cần thiết và cũng có thể rất hay. Học chính trị là quá cần thiết chứ, và có thể dạy thật hay nữa. Nhưng sử là sử, văn là văn, chính trị là chính trị, không thể và hoàn toàn không nên lẫn lộn, dùng cái này để làm cái kia, đem cái này làm công cụ cho cái kia. Cũng không phải là “thống soái” để cho tất cả những cái khác, môn khác phải châu vào cúi đầu phục vụ nó. Mỗi cái có chức năng riêng không thể thay thế của nó để làm nên con người ra người. Nói trắng ra, hiện nay người ta chán, ghét học văn, học sử, là vì dạy văn thì có thật sự dạy văn đâu mà là dùng văn để dạy chính trị, chủ yếu để dạy chính trị. Sử cũng hoàn toàn như vậy, không hề khác. Một ví dụ: có lần tôi đã nói với một người hiện có vị trí rất cao trong lãnh đạo đất nước rằng tất cả các đề thi sử tốt nghiệp và thi vào đại học gần 40 năm nay đều chỉ hỏi về lịch sử Việt Nam từ sau năm 1930. Cứ như chỉ từ năm 1930 nước ta mới có cái gọi là lịch sử, còn trước đó … chỉ là tiền sử, là thời man dã, người còn là khỉ vượn gì đó thôi chứ chưa thành người! Ông ấy ngạc nhiên hỏi thật thế sao? Thì anh cứ kiểm tra  mà xem, tôi bảo. Không biết sau đó ông ấy có kiểm tra không, nhưng rồi không thấy ông nói gì nữa … Học sử học văn như thế, thú thật đến tôi cũng chán ghét, và đi thi chưa chắc đã được 0,5 điểm như thí sinh tội nghiệp vừa rồi.
Ông Bộ trưởng hỏi: Thì tin học có gì hấp dẫn đâu nào, tại sao người ta vẫn lao vào học? Một là, hấp dẫn quá chứ, ít nhất nó cũng cho ta thấy con người có thể sáng tạo ra những thứ thông mình đến chừng nào, chẳng thú vị sao? Nhưng còn có điều quan trọng hơn: nó không bị chính trị hóa, không dễ gì chính trị hóa nó như văn và sử.
Vậy đó, sự thật! Còn e dè, sợ “nhạy cảm”, tránh né nhau, kiêng sợ những lực lượng vô hình như thần thánh, không dám nói thật ra thì có thay đổi cách học cách dạy đến mấy, khéo sang năm môn sử lại 99,99% dưới điểm 5 cho mà xem. Và văn cũng không hơn đâu. Nhìn thẳng, nói thẳng một lần cho xong đi, để mà còn tiến lên cùng thiên hạ, để có một nền giáo dục thực sự lành mạnh và hiệu quả, đào tạo con người ra người, cho một đất nước thật sự văn minh.
Gần đây giáo sư Ngô Việt Trung, viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, đã nói rất thẳng thắn: Phải tách khoa học ra khỏi thế quyền. Giáo sư Hoàng Tụy thì nói: Phải “thế tục hóa”nền giáo dục của chúng ta. Ai cũng biết cuộc cách mạng về giáo dục ở chấu Âu đưa đến nền giáo dục hiện đại rực rỡ ngày nay, là kết quả tuyệt vời của cuộc đấu tranh thế tục hóa giáo dục, giải phóng giáo dục ra khỏi kìm chế lâu dài của Nhà thờ. Cần hiểu lời Hoàng Tụy trong ý nghĩa đó.
Nhân nói chuyện sử, xin kể điều này: Ở Pháp có một tổ chức do các nhà sử học độc lập lập ra, tên là CVUH (Comité  de Vigilance face à l’usage public de l’histoire), có thể dịch là Ủy Ban Cảnh giác đối mặt với việc đưa Lịch ra sử dụng trong Công chúng. Vậy đó, lịch sử luôn rất dễ bị lợi dụng, thậm chí bóp méo, cắt xén, cắt nghĩa tùy tiện bởi các thế lực khác nhau nhằm làm công cụ cho những mục đích phi lịch sử. Ở nhà trường, cảnh giác với lợi dụng này càng phải ráo riết hơn. Học lịch sử tuyệt nhiên cũng không cần nhớ thuộc lòng đến mụ mị bất cứ ngày tháng phiền phức và vô ích nào, khi như lời ông Bộ trưởng, chúng ta đang sống trong “thời đại” này, cái thời đại chỉ cần nhẹ tay nhấp chuột là ra tất cả. Học sử là để có cái mà không bất cứ con chuột hiện đại nào nhấp ra được cho ta: nhận ra được biện chứng lạ lùng và tất yếu của lịch sử, để mà biết làm người cho xứng đáng người, làm công dân độc lập, tự chủ, sáng tạo, đầy trách nhiệm của nước Việt và của thế giới. Đặc biệt hôm nay, khi vận mệnh Tổ quốc một lần nữa lại đứng trước thử thách lớn.
NN
Tác giả gửi cho Quêchoa

Bi hài chuyện (một) Đại biểu Quốc hội bàn về lạm phát

Trần Vinh Dự
-
Báo Vneconomy vừa đăng bài nói về chuyện Quốc hội khóa 13 bàn về lạm phát. Ngoài các phát biểu “nghiêm túc” được Vneconomy trích dẫn như của các ông Trần Hoàng Ngân, Huỳnh Ngọc Đáng, Đồng Hữu Mạo, báo này còn trích dẫn phát biểu của ông Đỗ Văn Đương – đại biểu quốc hội của Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Vneconomy, ông Đương phát biểu như thế này:
Tôi không nghĩ lạm phát ở nước ta cao nhất khu vực…Theo tôi phải xem lại chỗ này. Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn.
Tôi thấy gần đây giá cả giảm, giá sắt thép giảm hơn, nhà thu nhập thấp ít người mua hơn, đề ra nhà thu nhập cho người trung bình, tới đây có lẽ là nhà thu nhập cao. Rất nhiều hàng hóa của mình được giảm giá, đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị. Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi không phải là cao nhất
Nếu Vneconomy trích dẫn đúng lời phát biểu của ông nghị này, thì đây có thể được coi là phát biểu thiếu hiểu biết nhất trong từ trước tới nay mà tôi từng biết của quan chức về kinh tế.
Ông Đương đã chứng tỏ không hiểu biết chút gì về lạm phát khi so sánh giá tuyệt đối của Việt Nam và Thượng Hải để nói về lạm phát. Ông cũng chứng tỏ bản thân ông xa rời thực tế một cách kinh ngạc khi cho rằng mặt bằng giá cả ở Việt Nam gần đây giảm.
Theo trang web của Sở Nội Vụ thành phố Hồ Chí Minh, ông Đương có bằng tiến sỹ Luật, từng đảm nhiệm vị trí Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Trang web này cũng đăng Chương Trình Hành Động của ông khi tranh cử (dài tổng cộng 407 chữ), trong đó ghi:
Nếu cử tri tín nhiệm, ủy quyền làm đại biểu Quốc hội và theo dự kiến nếu trúng cử tôi sẽ được phân công làm đại biểu Quốc hội chuyên trách, tôi… thường xuyên gần gũi với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, trước hết là cử tri nơi ứng cử để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, kịp thời có ý kiến với Quốc hội, với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết…dành 100% thời gian cho hoạt động đại biểu Quốc hội; tập trung trí tuệ, phát huy sở trường nghiên cứu, xây dựng chính sách pháp luật, góp phần để các đạo luật thấm sâu tư tưởng dân chủ, công bằng, văn minh; tạo động lực thúc đẩy các quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội vận động, phát triển lành mạnh; bảo đảm quyền của người dân, hợp lòng dân, vì dân”. Và
Cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện … chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; loại bỏ thủ tục hành chính; kiến nghị xây dựng chính quyền đô thị, luật đô thị; trợ cấp đối với người có thu nhập thấp, người nghèo.
Có vẻ như theo Chương Trình Hành Động này, ông hứa với cử tri sẽ gần gũi với dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân, và đưa các tâm nguyện của dân vào các chính sách pháp luật, kinh tế, và xã hội.
Thế nhưng ngay từ phiên họp đầu tiên của Quốc hội Khóa 13, ông lại có một phát biểu thể hiện rất rõ là bản thân ông chẳng hiểu chút nào về vấn đề bức xúc nhất, nóng nhất của Việt Nam trong năm nay, cả trên khía cạnh kinh tế và xã hội.
Điều kỳ lạ hơn là một người thiếu hiểu biết như vậy lại được thành phố Hồ Chí Minh bầu làm đại biểu Quốc hội đại diện cho mình.
Trang web Sở Nội Vụ đăng tải Chương Trình Hành Động của ông có tổng cộng 324 người xem tính đến ngày 07 tháng 8, 2011, tức là sau gần 3 tháng kể từ ngày hồ sơ của ông được đăng lên (ngày 10 tháng 05 năm 2011). Không rõ trong số vài trăm người quan tâm đọc Chương Trình Hành Động này của ông trên website của Sở Nội Vụ, có bao nhiêu người đến từ thành phố Hồ Chí Minh.
__________________________
Nguyễn Quang Lập – Những phát ngôn ấn tượng
+ Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc: Cái gì cần tế nhị trong quan hệ ngoại giao ta phải giữ, nhưng với dân thì không cần đến sự tế nhị mà cần sự tin cậy, thẳng thắn. Cái gì cần mềm mỏng với ngoại giao thì cũng cần mềm mỏng trong “nội giao”, đừng tạo ra những khoảng cách, những xung đột không đáng có giữa CP và nhân dân, cho dù sự cảnh giác là cần thiết.
+ Đại biểu quốc hội Nguyễn Bá Thuyền: Các bộ trưởng cần phải có trái tim nóng, có một cái đầu lạnh và có đôi bàn tay sạch. Có như vậy mới có thể điều hành tốt, tránh cách điều hành sáng đúng chiều sai ngày mai lại đúng.
+ ĐBQH Nguyễn Đình Quyền: khi bàn về vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước, Hiến pháp sửa đổi lần này phải giải mã được rạch ròi tư tưởng “tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân”.
+ ĐBQH Trần Du Lịch: Người dân phải có quyền phúc quyết Hiến pháp.
+ ĐBQH Đỗ Văn Đương: Tôi không nghĩ lạm phát ở nước ta cao nhất khu vực…Theo tôi phải xem lại chỗ này. Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn đồng, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục nghìn. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn…Tôi thấy gần đây giá cả giảm, giá sắt thép giảm hơn, nhà thu nhập thấp ít người mua hơn, đề ra nhà thu nhập cho người trung bình, tới đây có lẽ là nhà thu nhập cao. Rất nhiều hàng hóa của mình được giảm giá, đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị. Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi không phải là cao nhất.
+ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Ta và Trung Quốc cần hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đoàn kết để hai dân tộc cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Hải quân VN có đủ sức đối đầu TQ?

Mới đây, Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam nói rằng trong vòng 6 năm nữa Việt Nam sẽ có một hạm đội tàu ngầm để bảo vệ, Việt Nam cũng sẽ mua thêm máy bay tên lửa để nâng cao khả năng tự vệ của mình.

Danh sách vũ khí quân sự VN đặt mua tử Nga: 6 tàu ngầm Kilo và 12 máy bay SU 30 Sukhoi
Trước một Trung Quốc đang gia tăng hiện đại hóa quốc phòng ngày một nhiều và đặc biệt là lực lượng hải quân, liệu Việt Nam có đủ sức đương đầu với những tấn công từ Trung Quốc nếu có thể xảy ra, bảo vệ chủ quyền trên biển của mình?
Việt Hà phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Đông Nam Á, thuộc Học viện Quốc phòng Canberra, Úc về vấn đề này.

Điểm yếu của TQ

Trước hết đánh giá về thực lực của hải quân Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền trên biển và lãnh thổ của mình, giáo sư Carl Thayer nói:
Việt Nam đã lựa chọn khá thành công chiến lược ngăn chống xâm nhập lãnh hải. Tàu ngầm Kilo là loại tàu quy ước và là loại cực kỳ êm nhẹ, không gây tiếng động, mà Trung Quốc thì yếu kém trong chiến thuật chống tàu ngầm. Một khi các tàu này đi vào hoạt động, bất kỳ lúc nào Trung Quốc đưa tàu chiến xuống vùng đòi chủ quyền của Việt Nam thì họ cũng phải tính đến một thực tế là tàu ngầm của Việt Nam đang phục kích đâu đó và có thể ngăn cản được Trung Quốc. Trong trường hợp có những xung đột nhỏ thì Việt Nam có thể gây ra những tổn thất nặng nề cho Trung Quốc.
Việt Hà: Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam mới tuyên bố là trong vòng 6 năm nữa Việt Nam sẽ có một hạm đội tàu ngầm để bảo vệ chủ quyền của mình, ông đánh giá thế nào về khả năng này của Việt Nam trong vòng 6 năm tới trong tương quan lực lượng với hải quân Trung quốc?
Carl Thayer: 6 tàu ngầm mà Việt Nam mua sẽ không hoạt động ngay cùng lúc, nhìn chung thường là bạn sẽ có một tàu ngoài biển, 1 đang được trang bị thêm, 1 đang trên đường quay lại khu vực tuần tiễu. Nhưng bạn cũng phải tính đến hệ thống rada trên đất liền, hệ thống rà soát khu vực mà Việt Nam đang mua ngày càng nhiều. Đó là loại máy bay SU 30 Sukhoi nhiều chức năng. Bằng cách phát triển các khả năng để dò biết được Trung Quốc đang ở đâu thì Việt Nam có thể tập trung lực lượng của mình ở đó.
Tàu ngầm Kilo là loại tàu quy ước và không gây tiếng động, mà Trung Quốc thì yếu kém trong chiến thuật chống tàu ngầm. Trong trường hợp có những xung đột nhỏ thì Việt Nam có thể gây ra những tổn thất nặng nề cho Trung Quốc.
Carl Thayer
Các hệ thống này không thể ngăn chặn được hoàn toàn việc Trung quốc xâm lược ở tất cả mọi nơi nhưng khi chúng ta nói đến tương lai khai thác dầu của Việt Nam thì Việt Nam hoàn toàn có thể bảo vệ được họat động này của mình. Việc có vũ khí ngăn chặn sẽ giúp Việt Nam tránh khỏi bị Trung Quốc bắt nạt. Trung Quốc sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng những phát triển mới này ở Việt Nam.
Tuy nhiên 6 năm tới thì cũng mới chỉ là bắt đầu bởi Việt nam phải mất một thời gian dài để học cách phối hợp và điều khiển các lực lượng này của mình. Sau 6 năm thì Trung Quốc sẽ phải tính kỹ lưỡng hơn trước khi có bất cứ hành động gì.

Thực lực của VN

000_Hkg464025-250.jpgViệt Hà: Một số các website về quốc phòng của Trung Quốc gần đây có nhận định rằng Việt Nam dù có hạm đội tàu ngầm nguy hiểm nhưng lại có một số hạn chế về nhân lực điều khiển các thiết bị mới cũng như thiếu các thiết bị khác như hệ thống thông tin hay hệ thống chỉ thị mục tiêu và dẫn đường tàu ngầm. Điều này sẽ hạn chế khả năng tác chiến của tàu ngầm, ông đánh giá thế nào về nhận xét này?
Một thủy thủ Pháp trò chuyện với bộ đội biên phòng VN tại cảng Hải Phòng hôm 05/7/2007. Ảnh minh họa. AFP

Carl Thayer: Tất cả những điều đó đều đúng, tuy nhiên chúng ta không thể so sánh toàn bộ hải quân của Trung Quốc với hải quânViệt Nam, mà chúng ta phải so sánh các lực lượng nào mà Trung quốc sẽ sử dụng trong một trường hợp cụ thể. Ví dụ đó là để trừng phạt Việt Nam hay đe dọa Việt Nam. Và lực lượng đó sẽ phải hoạt động ở một dải mở rộng. Tàu Trung Quốc phải đi một đoạn đường dài đến Việt Nam và tàu ngầm  có thể ở bất cứ đâu và có thể gây thiệt hại cho Việt Nam. Nhưng Việt Nam thì không phải quá chậm trong việc học và đưa các công nghệ mới vào.

Chúng ta cũng nhớ là họ đã dùng hệ thống đánh máy bay từ thời Liên Xô cũ như thế nào để chống lại Mỹ. Cho nên chúng ta có thể nói về sự chênh lệch nhưng để nói rõ ý của tôi thì hãy so sánh Anh và Achentina trong cuộc chiến hai nước trước kia trên biển. Chỉ có vài tên lửa Achentina đã làm chìm tàu chiến của Anh. Mặc dù Anh thống trị ở đảo Falkland  nhưng vấn đề là mỗi khi họ gửi tầu chiến đến thì họ phải lo lắng về lực lượng không quân của đối phương.
Cho nên đối với trường hợp Trung Quốc, thì Trung Quốc phải lo lắng cả về tàu ngầm lẫn lực lượng không quân của Việt Nam, và đó là lực lượng đánh chặn. Tất nhiên là trong trận chiến hải quân một chọi một thì Trung Quốc có lực lượng hùng hậu hơn nhưng Việt Nam cũng không hẳn chỉ là phòng thủ, đó là ý tôi muốn nói.
Việt Hà: Trong một lần phỏng vấn trước ông có nói là quân đội Việt Nam bây giờ trang bị không bằng Thái lan, Malaysia, Singapore, mà chỉ hơn Cambuchia, Lào, liệu trong vòng 6 năm tới Việt nam với các trang bị quốc phòng mới, có thể hy vọng vượt lên ngang bằng các nước khác trong khu vực?
Tất nhiên là trong trận chiến hải quân một chọi một thì Trung Quốc có lực lượng hùng hậu hơn nhưng Việt Nam cũng không hẳn chỉ là phòng thủ, đó là ý tôi muốn nói.
Carl Thayer
Carl Thayer: Không có một ai trong khu vực có thể so sánh ngang hàng với Singapore được, đó là một cách biệt rất lớn về công nghệ. Việt Nam tất nhiên là hơn hẳn Lào, Cambuchia và thậm chí Philippines. Để so sánh được với Malaysia cũng rất khó vì kinh tế Malaysia phát triển hơn nhiều và có nhiều tàu chiến hơn. Theo tôi Việt Nam phải có một quyết định quan trọng ngay bây giờ. Việt Nam có lực lượng quân đội thường trực lớn, rất tốt trong tự vệ, nhưng phải tiêu tốn nhiều nguồn lợi, và lại muốn hiện đại hóa không quân, hải quân một lúc. Một quan chức quốc phòng Việt Nam đã viết về vấn đề này và có nói đến việc cắt giảm bộ binh để có tiền cho không quân và hải quân. Đây là một tiến triển tốt.
Tôi không nói là Việt Nam không thể hiện đại hóa quân đội và đạt đến mức độ đó, nhất là khi Việt Nam có quan hệ với nhiều cường quốc trên thế giới và khu vực, và học được kinh nghiệm từ đó. Cuối cùng chúng ta sẽ thấy Việt Nam có các cuộc diễn tập quân sự thật sự chứ không phải chỉ là những họat động đơn thuần như bây giờ, và bằng cách đó sẽ cải thiện khả năng của Việt Nam. Việt Nam sẽ theo dõi Trung Quốc đang làm gì và điều này sẽ thúc đẩy những gì Việt Nam đang làm.
Họ có liên hệ với 60 đến hơn 80 nước trên thế giới, trong khi đại hội đảng vừa rồi cũng có kêu gọi sự mở rộng quan hệ này. Theo tôi, chúng ta sẽ thấy Việt Nam sẽ chuyển theo hướng rất kiên quyết để hiện đại hóa quân đội. Việt Nam sẽ có thể vẫn chưa bằng Thái Lan, Malaysia nhưng có thể ở hạng 3 trong khu vực.

Kết hợp không quân và hải quân

000_Hkg5203489-250.jpgViệt Hà: Với những trang bị quốc phòng mà Việt Nam đang gia tăng, liệu nếu một trận đụng độ với Trung Quốc tương tự như trận Trường Sa năm 1988 xảy ra thì Việt Nam có đủ sức đối đầu để bảo vệ các đảo của mình?
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mua lại của Liên Xô cũ, đang neo đậu tại cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc hôm 04/8/2011. AFP photo.

Carl Thayer: Cuộc đụng độ năm 1988 là khi Trung Quốc có lực lượng hùng hậu hơn nhiều và họ đã sử dụng các lực lượng này để giết quân Việt Nam, những người lính bị cô lập tại các đảo đá. Đó là một ví dụ khủng khiếp về sự cực đoan dân tộc của Trung Quốc. Việt Nam đã thách thức Trung Quốc trong nhiều năm và nhiều nơi, và họ đã phải chịu tổn thất, tôi nghĩ là Việt Nam sẽ cẩn thận hơn, tất nhiên khó mà nói được điều gì.

Cho đến lúc này Việt Nam có nhiều đảo ở biển Đông hơn Trung Quốc, gấp 3 lần, và làm sao có thể biết được một khi họ phát triển quan hệ với Mỹ và các nước khác nữa thì sẽ ra sao. Một khi mà hệ thống thông tin tình báo trao đổi phát triển thì họ sẽ biết trước được Trung Quốc định làm gì. Khi đối đầu trực tiếp thì Trung Quốc có tàu chiến hiện đại hơn và đó là đối đầu mà Việt Nam tìm mọi cách tránh, và đó là lý do mà tàu ngầm là khó nhìn thấy bởi các tàu chiến lớn như tàu của Malaysia vốn có thể thành một mục tiêu dễ thấy.
Với sự kết hợp của tàu ngầm và máy bay Sukhoi và cả tên lửa chống tàu từ đất liền được phát triển khá nhanh trong thời gian qua thì Việt Nam có thể chặn Trung Quốc khỏi những khu vực ưu tiên hàng đầu ngoài khơi.
Carl Thayer
Việt Nam đang ở hạng 3 về trang bị quốc phòng, với sự kết hợp của tàu ngầm và máy bay Sukhoi và cả tên lửa chống tàu từ đất liền được phát triển khá nhanh trong thời gian qua thì Việt Nam có thể chặn Trung Quốc khỏi những khu vực ưu tiên hàng đầu ngoài khơi, không phải là mọi nơi nhưng những nơi trọng yếu nhất.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho đài chúng tôi buổi phỏng vấn này.

Tin thứ Sáu, 12-08-2011

CHÍNH TRỊ-PHÁP LUẬT
- Những phát ngôn ấn tượng- 2 (Quê choa). Bài có nói về phát ngôn ấn tượng của tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Ta và Trung Quốc cần hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đoàn kết để hai dân tộc cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội.
- Phấn đấu ký số 63 (Nhật ký mở – post tiếp lần 2) (Nhát sĩ Tô Hải). “Càng chờ càng thất vọng! Gần một tuần rồi, ngoài cái mẩu tin ngắn ngủi, không lên án, không bình luận. Chẳng thấy một cơ quan nhà nước nào dám có lấy nửa lời tố cáo sự xâm lược rõ ràng về tư tưởng, văn hóa, thông tin – tuyên truyền giữa nước ta của ‘nước lạ’.” Bài nói về tin này: Nhà thầu Chalieco sử dụng thiết bị thu tín hiệu truyền hình từ vệ tinh không phép (TN). Ta đang “hữu nghị, hợp tác” để “cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội” mà sao cụ làm khó hoài vậy?
Hoàng Sa, Trường Sa, lxx, bxxx, dxx (Blog Tuanddk). Cái tựa “tục tĩu”, nhưng … quá hay! Bởi cuộc đời nầy ngày càng nhiều chuyện tệ hại gấp ngàn lần chửi tục, nó bắt ta phải chửi, và chuyện này nằm trong số đó (nên rất có thể sẽ có độc giả nào đó ngồi một mình trên máy tính, phải buột miệng văng ra “Đ.m. chúng mày!!! Lũ rắp tâm bán nước“.)
- “Ông Nhanh giữ lời” !? (DLB) “”Không chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước”? Ông định thực hiện lời hứa bằng cách nào, thưa ông Nhanh? Bằng những tin nhắn thô tục gửi lén lút giữa đêm khuya, hay bằng điệp khúc dọa đuổi học và phá hoại kinh tế gia đình? Phải chăng ở Việt Nam, lòng yêu nước và quyền con người là hàng quốc cấm?”. – Cách hành xử của công an VN  —  (RFA).
- BIỂU TÌNH & HỘI THẢO KHOA HỌC  —  (Mẹ Nấm) “Tôi đã đi biểu tình, đã tiếp xúc với những người cùng tham gia. Có những điều mà nói ra ai cũng hiểu, nhìn thấy ai cũng biết. “Sơn hà nguy biến, xin đừng VÔ CẢM” một thầy giáo già đã mang câu này trong hành trình đi biểu tình. Bác ấy nói với tôi, bác không phải ở Hà Nội, nhưng bác vẫn về đây để tham gia biểu tình, bởi trong số những người học trò của bác, nay đã có người làm trong Bộ Chính trị, và họ dường như chẳng quan tâm mấy đến sự an nguy của dân tộc mình”.
- VRNs: Công an phải thả ngay những thanh niên Công giáo đã bị bắt cóc  —   (Chuacuuthe).  – Thông báo Thánh lễ Cầu nguyện cho thành viên của Cộng đoàn đang bị bắt giữ  —   (Chuacuuthe). – Phỏng vấn Linh mục quản hạt Cầu Rầm về vấn đề đất Nhà thờ Cầu Rầm  —  (NVCL).
- VN kêu gọi đối thoại với Mỹ, EU để giải quyết tranh cãi về nhân quyền  —  (VOA).”Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga khẳng định nhân quyền được tôn trọng tại Việt Nam cả trong hiến pháp lẫn trên thực tế.  Tuần trước, Việt Nam đã bác bỏ những chỉ trích của Mỹ và Liên minh Châu Âu liên quan đến bản án phúc thẩm 7 năm tù của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ về tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’, gọi đó là những phát biểu can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam.”
- US Questions Vietnam’s Human Rights Commitment Over Conviction Of Blogger (RTT News). “The United States has said that Vietnam’s prosecution of individuals for expressing their views contradicts the government’s commitment to the Universal Declaration of Human Rights. Responding to a question about a French-Vietnamese lecturer and blogger who is undergoing trial in Vietnam, US State Department Spokesperson Victoria Nuland warned that ‘Human rights are and will remain a key component’ of the United States’ relationship with Vietnam. No individual should be prosecuted for exercising the right to freedom of opinion and expression, she told reporters.” Tạm dịch: Hoa Kỳ nói rằng, Việt Nam truy tố các cá nhân bày tỏ quan điểm của họ, điều này mâu thuẫn với cam kết của chính phủ Việt Nam đối với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Trả lời câu hỏi về một giảng viên Pháp – Việt và là một blogger đang bị đưa ra xét xử tại Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland cảnh báo rằng “nhân quyền đang và sẽ là một phần quan trọng” trong mối quan hệ Mỹ -Việt. Không cá nhân nào phải bị truy tố do thực hiện quyền tự do bày tỏ ý kiến, bà nói với các phóng viên.
- Châu Âu và Hoa Kỳ phản đối bản án dành cho ông Phạm Minh Hoàng  —  (RFI).   – Giới bảo vệ nhân quyền chỉ trích bản án đối với ông Phạm Minh Hoàng  —  (VOA). Viên chức hàng đầu Liên hiệp Châu Âu chỉ trích việc kết án nhà bất đồng chính kiến Việt - Pháp:  Top EU Official Criticizes Sentencing of French-Vietnamese Dissident (VOA English). – Liên hiệp Châu Âu thúc giục Việt Nam phóng thích blogger bị cầm tù: EU urges Vietnam to release jailed blogger (MSN). – France blasts Vietnam for jailing citizen for blog (Seattle Times).  Pháp chỉ trích Việt Nam vì bỏ tù công dân của họ 3 năm do viết blog chống CS: France criticizes Vietnam for jailing citizen for 3 years over anti-Communist blog (Global Montreal).
- Dọn đường cho cuộc đàn áp các thành viên mạng bauxite Việt Nam?  —  (RFA). Hình trong bài RFA lấy từ trang boxitvietnam.org không phải của trang boxit trong nước.
- TS Nguyễn Hồng Thao: Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa – Kỳ 10: Ý chí khẳng định chủ quyền Việt Nam (TN).
- Hải quân VN có đủ sức đối đầu TQ?  —  (RFA).  – Hải quân trên… núi (TT).  – Tâm tình của cảnh sát biển (DV).
- Việt Nam mua thêm hệ thống tên lửa bờ biển (ĐV/Kommersant, Lenta).
- Thế giới 24h: Ồn ào tàu sân bay Trung Quốc (VNN). – Trung Quốc định dùng tàu sân bay xử lý tranh chấp lãnh thổ  —  (RFI). – Tàu sân bay Trung Quốc gây trở ngại ở châu Á – Thái Bình Dương: The Carrier of Asia-Pacific Troubles (Wall Street Journal). – Pride and prejudice over China’s carrier (Asia Times). Vùng biển không yên tĩnh: Vì sao hải quân Trung Quốc  làm châu Á lo lắng: Troubled Waters: Why China’s Navy Makes Asia Nervous (TIME).
- Mỹ yêu cầu Trung Quốc giải thích tại sao họ muốn có tàu sân bay: US asks China to explain why it wants carrier (Economic Times). – Bài của Bonnie S. Glaser, Brittany Billingsley, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế – Tàu sân bay Trung Quốc có đe dọa lới ích của Hoa Kỳ hay không? Is China’s Aircraft Carrier a Threat to U.S. Interests? - Video tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu các chuyến thử nghiệm trên biển: China’s First Aircraft Carrier Starts Sea Trials (Youtube). - Về tàu sân bay của Trung Quốc, tên và mục đích đã được xác định: Name and purpose to be determined (The Economist). - Tàu sân bay Trung Quốc, nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ trang khu vực Risk of a regional arms race (Joong Ang Daily).
- Trăm năm tàu sân bay trên Thái Bình Dương – Kỳ 1: Kinh nghiệm Ấn – Nhật (TT).
- Báo Philippines: quan điểm chiến lược trong quan hệ đối ngoại: A strategic view of foreign relations (Philippine Star).
- Chánh văn phòng Nội các nhật, ông Yukio Edano nói, Nhật sẽ điều Lực lượng Phòng vệ nếu đảo Senkaku bị xâm lược: Japan to dispatch SDF if Senkaku Islands invaded: Edano (Mainichi Daily News).=>
- Mười điều châu Á cần nghĩ tới: Asia needs to think of 10 things (Gulf News). - Các chuyên gia cảnh báo về sự chuyển dịch cân bằng quyền lực trong khu vực: Experts Warn of Shifting Regional Power Balance (Chosunilbo). – Phân tích: Gia tăng căng thẳng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương: RisingTensions In Asia Pacific Region – Analysis (Eurasia Review).
- Phân tích: Giảm căng thẳng Việt – Trung ở biển Đông: South China Sea: Reducing The China-Vietnam Tension – Analysis (Eurasia Review).
- New Challenges in Predicting China’s Upcoming Political Succession (Brookings).
- Thượng Nghị Sĩ Mỹ Jim Webb sẽ đến Việt Nam và bàn về Biển Đông  —  (RFI). – US Senator Webb to visit Asia (AFP).
<- Đài Loan: Tuyệt đối không để Trung Quốc đặt chân lên đảo Ba Bình (GDVN/Mil).
- Lãnh đạo cấp cao: Mong dân chung tay giữ Biển Đông, hạ lạm phát (GDVN). – Cử tri mong Quốc hội sớm thông qua Luật Biển (DV). Còn cư dân mạng, nếu có mong Quốc Hội thông qua luật biển thì xin mời vote ở cột bên phải.
- Biển Đông: Leo thang căng thẳng không phải là lợi ích (VNN).
- Quan chức an ninh Trung Quốc nêu quan điểm không giống ai (TVN/Lowy Institute).
- Phát ngôn & Hành động: Lợi ích quốc gia, cây gậy và…lợi ích nhóm (TVN).
- Liên quan đến bà Đặng Thị Hoàng Yến: Vụ án ly hôn kỳ lạ: Vì sao VKSND Long An rút kháng nghị ? (NLĐ).
- Trần Minh Quân: Dấu ấn bộ trưởng: Tại sao không? (TVN).
- Đà Nẵng sắp có Chủ tịch UBND mới  —  (BBC).
- Một phó phòng Sở Tư pháp Cần Thơ ăn hối lộ bạc tỉ (NLĐ). “Theo TTXVN, để các thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài được thuận lợi, Tố và Cơ đã dùng tiền hối lộ ông Phạm Thanh Dũng. Qua điều tra, cơ quan chức năng đã chứng minh Bùi Hữu Tố đã đưa tổng cộng 15 bộ hồ sơ xin làm thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho Phạm Thanh Dũng để giải quyết phỏng vấn.” Xót xa cho thân phận phụ nữ Việt Nam ở dưới quê!
- TẠI CÔNG TRÌNH NHÀ MÁY ĐẠM CÀ MAU: Hơn 1.000 lao động Trung Quốc làm việc “chui” (NLĐ) “Ông Lê Thanh Tòng cho biết: ‘Những lần trước chúng tôi đã xử phạt mỗi lần 20 triệu đồng đối với nhà thầu và một lần đề nghị Bộ Công an trục xuất 16 lao động người Trung Quốc không có giấy phép tại công trình Nhà máy Đạm Cà Mau về nước. Tuy nhiên, không hiểu sao cứ mỗi lần kiểm tra, số lao động người Trung Quốc không phép lại tăng hơn so với lần trước‘.”
- Có nhà thầu sử dụng 100% lao động Trung Quốc không phép (TN). “Ông Lê Thanh Tòng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Cà Mau, nói: ‘Họ nói vậy, nhưng theo quy định thì một LĐ muốn sang VN làm việc phải hoàn tất hồ sơ trước đó 20 ngày. Nếu LĐ dưới 3 tháng (không cần cấp phép) thì cũng phải gửi danh sách nhưng đơn vị không thực hiện. Họ cứ lặng lẽ đưa LĐ sang, chúng tôi không hề hay biết. Mỗi lần kiểm tra là mỗi lần họ vi phạm và lần sau số LĐ không phép cứ tăng hơn lần trước‘.”
- Không có chủ trương để nước ngoài khai thác bô xít (VnExpress). “Về băn khoăn phần lớn lao động Trung Quốc tại nhà máy alumin Nhân Cơ không có bằng cấp và giấy phép, Chủ tịch nước cho biết, Chính phủ đã ban hành nghị định về quản lý lao động nước ngoài, tuy nhiên đơn vị sử dụng lao động đã rất lỏng lẻo.”
- Anatoly Tille – Liên Xô – Nhà nước phong kiến trá hình (Kì 6) “Sau khi giành được chính quyền, những người Bolshevik lập tức từ bỏ chính sách “cây gậy và củ cà rốt” truyền thống của giai cấp thống trị, mà thay bằng một chính sách rẻ hơn và hữu hiệu hơn là chính sách cây gậy và LỜI HỨA về củ cà rốt”.
- Mùa thu của con người huyền thoại-Đại tướng Võ Nguyên Giáp tập 2, 3, 4  —  (Cu làng cát).
KINH TẾ
- Tiền đồng Việt Nam suy yếu do nhu cầu về dollar tăng để nhập khẩu vàng: Vietnam Dong Weakens as Dollar Demand Rises for Gold Imports (Bloomberg). – VN chậm trễ trong qui định quản lý vàng  —  (BBC).
- Chứng khoán Mỹ tăng điểm trở lại  —  (VOA).
- Sau những khoản nợ của Mỹ với Trung Quốc  —  (RFA).
<- Trung Quốc ra lệnh giảm tốc độ tàu cao tốc và hoãn các dự án đường sắt mới  —  (RFI) TQ giảm tốc tàu nhanh vì lo thiếu an toàn  —  (BBC).
- Việt Nam không thiếu vàng (TN).  – Cấm xuất khẩu, thị trường vàng hết bị lũng đoạn? (VEF).  – Sẽ chỉ có Ngân hàng Nhà nước được xuất – nhập vàng (DV).
- Tránh TQ gom hàng: Gỡ nút thắt thị trường bán lẻ (VEF).
VĂN HÓA-THỂ THAO
- Ta tỉnh phim trường ngả nghiêng say (Gocomay) “Hôm qua (10.08.2011), thấy trên báo Người Lao Động và trang nhà của nhà văn Phạm Viết Đào (bác Đào trước đây cũng dân cùng ngành Điện ảnh) đăng bài về “Vụ thất thoát 42 tỷ đồng ở Cục Điện ảnh…” và chuyện “Điện ảnh Việt phải “nín thở” chờ… tiền” tài trợ làm phim. Thì tôi thực sự buồn. Sao bây giờ các nghệ sỹ đều xe đẹp, quần lành áo tốt. Tất cả đều thành danh thành đạt với nhiều danh hiệu và giải thưởng cao qúi của nhà nước như vậy mà xưởng phim thì chả khác gì cảnh trong Thăng Long hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan?”.
- Giải thưởng nghệ sĩ: Lắm gian truân! (NLĐ).
- Bốn tượng Phật ngọc lớn nhất VN (NLĐ).
- Nhạc sĩ Hồ Bắc – 40 năm sau “Bến cảng quê hương tôi” (TT&VH). =>
- Vị trí và, ảnh hưởng thơ Nguyên Sa trong văn học Việt  —  (Người Việt).
- Xét tặng giải thưởng, danh hiệu: Cần có những quy định mới (TN).  – Cấp bộ chính thức lên tiếng về vụ xét danh hiệu, giải thưởng (VnMedia).
- Choáng ngợp “Lệ Chi Viên” của Trần Mạnh Hùng (VNN) “Báo chí Đức viết: “Thật cảm động khi khán giả một đất nước xa xôi biết tới một nhân vật lịch sử, hiểu được tình cảm của thế hệ hôm nay đối với người anh hùng trong lịch sử nước nhà”.
- Khi người trẻ Sài Gòn vẽ graffiti (TT).
GIÁO DỤC-KHOA HỌC
- GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: “Không nên thêm 4 chữ cái khác vào tiếng Việt” (VTC).  – THÊM NHÓM KÝ TỰ F, J, W, Z VÀO BẢNG CHỮ CÁI TIẾNG VIỆT: Chưa là nhu cầu cấp thiết (NLĐ).
<- « Sách giáo khoa hiện nay làm học sinh không tin cậy vào môn lịch sử »  —  (RFI).
- Năm học mới: Vẫn căng thẳng trường, lớp, giáo viên (PLTP).  – Thiếu thầy trước ngày khai giảng (TN).
- Đề nghị có luật ngôn ngữ, văn tự (TT).
- Cuộc chiến giành sinh viên: Ngoài công lập chua chát (GDVN).
XÃ HỘI-MÔI TRƯỜNG
- Vụ án nông trường Sông Hậu: Bà Trần Ngọc Sương phản đối cáo trạng (NLĐ).
- Vệ sĩ bắt nóng 2 tên cướp (NLĐ).
- Sonadezi ung dung thu tiền tỉ (NLĐ).  – Ngược đãi sông Đồng Nai. =>
- Muốn đòi bồi thường, phải thu thập ngay chứng cứ (PLTP).
- Qua TQ bán thận, có thể bị cắt trộm nội tạng (TN).  – Man rợ! bào thai bị phá ở Trung Quốc được biến thành thuốc  —  (Vietcatholic).
- Trung Quốc ‘cháy nhà… lòi bất ổn xã hội’ (ĐV).
- Bệnh than tăng trở lại ở miền núi phía Bắc (TT).
- Hà Nội chi 3 tỷ đồng để lập dự án bảo vệ môi trường (VNE).
- Tổ mối là hộp sọ, đất đen là da thịt liệt sĩ! (VTC).  – Nghệ An chấn chỉnh việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm (VOV).
- Chính quyền sao lại đứng nhìn đầm “chết” ? (LĐ).
- 5 vấn đề cần lưu ý dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (ĐV).
QUỐC TẾ
- Hoa Kỳ trả đũa vụ trực thăng bị bắn hạ khiến 30 lính thiệt mạng  —  (RFI).
- Tại Anh, trật tự đã được vãn hồi sau 4 đêm bạo loạn liên tục  —  (RFI).  – Bạo động tại Anh : hồi chuông cảnh báo.  —  (RFI).  – Bạo động làm gia tăng phân hoá xã hội Anh  —  (RFI).
<- Hai miền Triều Tiên khẩu chiến sau vụ pháo kích  —  (VOA).
- Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi viện trợ lương thực vô điều kiện cho Bắc Triều Tiên  —  (RFI).
* VTV1: + Chào buổi sáng – 11/08/2011; +  Tài chính kinh doanh trưa – 11/08/2011; + Cuộc sống thường ngày – 11/08/2011; + Thời sự 19h – 11/08/2011.
* RFA: + Sáng 11-08-2011
Tối 11-08-2011
* RFI: 11-08-2011