Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Chuyện cái nồi cơm điện Hàn Quốc


http://vnreview.vn/goc-nhin-vnreview...an-quoc#page=1

Thứ Năm, ngày 21/05/2015 10:18 GMT +7

Cách đây hơn 30 năm, người Hàn Quốc lên cơn sốt vì nồi cơm điện Nhật. Họ đã làm gì để hạ nhiệt và xóa sổ cơn sốt đó, đồng thời đưa nồi cơm điện Hàn Quốc cạnh tranh ngang ngửa với hàng Nhật?


Hơn 30 năm trước, người Hàn Quốc từng sốt nồi cơm điện Nhật. Đến nay, nồi cơm điện Hàn Quốc đã đáp ứng nhu cầu trong nước và trở thành cơn sốt của các bà nội trợ các quốc gia khác như Trung Quốc, Việt Nam


Theo tài liệu báo chí Hàn Quốc còn ghi lại, hồi năm 1983, Hàn Quốc mở cửa du lịch nước ngoài cho dân chúng. Thành viên của một tổ chức phi chính phủ ở Busan dành cho các bà nội trợ đã tới Nhật Bản dưới dạng chuyến thăm trao đổi văn hóa.

Khi trở về Hàn Quốc, các thành viên của đoàn mua rất nhiều sản phẩm Nhật Bản, gồm nồi cơm điện, máy hút bụi, đài cassette, máy ảnh và nhiều đồ dùng khác. Hồi đó, báo Nhật đưa tin là tổng giá trị của những sản phẩm này vào khoảng 3.000 USD.

Sau khi những thông tin này được loan trên báo Nhật, Hàn Quốc thì lập tức những món quà mà đoàn phi chính phủ mua từ Nhật về bị xem là một sự xúc phạm đến quốc thể. Các sản phẩm Nhật Bản đó bị tịch thu, những người đem về bị phạt vì tội buôn lậu và tổ chức đó cũng bị giải tán. Vụ việc này đã trở thành một tiếng chuông cảnh báo ở Hàn Quốc. Tờ Donga Daily hôm 10/02/1983 có đăng tải một bài báo về cơn cuồng nồi cơm điện Nhật Bản.

Thực tế, Hàn Quốc hoàn toàn có khả năng sản xuất nồi cơm điện. Nhưng các nhà sản xuất Hàn Quốc đã đánh giá thấp sức mua của thị trường nội địa. Họ nghĩ rằng không có thị trường cho nồi cơm điện đắt tiền.

Nhưng sau sự cố "nồi cơm điện", các nhà sản xuất Hàn Quốc đã nhận ra rằng sức mua và kỳ vọng của người dân nước họ đã thay đổi. Vì vậy, nhiều sản phẩm mới với những cải tiến ra đời. Đến nay, sau 30 năm, người Hàn Quốc không còn khao khát nồi cơm điện Nhật Bản vì các thương hiệu nội địa đã đáp ứng nhu cầu thị trường.

Khi biết về câu chuyện này, tôi giật mình vì thấy sao lại giống chúng ta đến vậy. Tất nhiên chỉ giống ở phần đầu, tức là về những cơn sốt hàng Trung Quốc, hàng Nhật, hàng Hàn Quốc... Còn phần kết quả thì lại quá khác biệt.

Ở Việt Nam, việc mua sản phẩm nước ngoài, chưa nói đến đắt tiền, được coi là việc bình thường vì đơn giản là phù hợp túi tiền, phù hợp nhu cầu, chứ nói đến quốc thể thì có khi bị coi là "nâng tầm quan điểm", "quan trọng hóa vấn đề"... Nhiều năm nay, những câu như "ủng hộ hàng Việt Nam", "người Việt dùng hàng Việt" được nhắc đến nhưng thực chất vẫn nói nhiều hơn làm. Tại sao?

Nhiều người kiếm được tiền nhanh hơn người khác thì theo đuổi những sản phẩm chất lượng tốt hơn, những dịch vụ được tùy chỉnh cho bản thân - thường là nhập khẩu từ những nước phát triển. Còn những người ít tiền hơn lại đòi hỏi sản phẩm trong nước phải có chất lượng cao, giá thành rẻ. Giống với việc đòi có một chiếc smartphone chất lượng như iPhone 6 nhưng giá chỉ như Zenfone 2! Tất nhiên, những nhu cầu như vậy là phi thực tế, ngoài khả năng của doanh nghiệp, bất kỳ ở đâu chứ không riêng Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước trước sức ép sinh tồn hoặc muốn thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận nhìn thấy ngay nên bỏ qua việc đầu tư bài bản, lâu dài để cho ra sản phẩm tử tế. Họ chỉ đơn giản nhập linh kiện, sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc về lắp ráp bán lại. Thậm chí, có doanh nghiệp, thương nhân còn nhập nguyên sản phẩm Trung Quốc về "hóa phép" thành sản phẩm "Made in Vietnam" bán lại cho dân mình.

Không biết do yêu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm trong nước là phi lý (như nói ở trên) có trước hay doanh nghiệp làm mất niềm tin với người tiêu dùng trước - giống câu chuyện quả trứng có trước hay con gà có trước – nhưng cho đến tận bây giờ, Việt Nam vẫn còn thiếu lắm những sản phẩm, nhất là những sản phẩm mang tính sáng tạo, công nghệ cao.

Hàn Quốc đã phải mất hơn 30 năm để thuyết phục người dân họ về chất lượng chiếc nồi cơm điện trong nước sản xuất. Chúng ta chắc chắn không cần mất nhiều thời gian như vậy nếu nhận ra rằng đã đến lúc cả doanh nghiệp và người dùng cần thay đổi nhận thức và hành động thay vì nói suông.

Hoàng Thảo