Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Soạn luật như trên trời rơi xuống - Liên Bang Vina

Soạn luật như trên trời rơi xuống

Chủ tịch QH kêu trời trước những quy định của dự thảo luật Nhà ở sửa đổi mà cơ quan soạn luật như từ “trên trời rơi xuống”. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp chiều 21/2 của UBTVQH về dự luật trên. Nhấn hai nội dung : điều kiện cấp phép xây dựng và thủ tục hành chính trong cấp phép xây dựng nhà ở, ông tỏ ra bức xúc.
‘Bắt người dân chạy 15, 20 cái giấy nộp mới đủ. Luật này có cải cách hành chính không?”, Chủ tịch QH hỏi đại diện cơ quan soạn thảo luật.
Dẫn một loạt quy định của dự thảo luật, ông ‘điểm’ ra để được cấp phép xây dựng nhà ở, người dân phải đảm bảo 6-7 điều kiện mà không phải điều kiện nào cũng khả thi.
“Quy định thế này thì không biết dân phải đưa bao nhiêu tiền cho đủ để lấy được cái giấy phép? Chẳng có cái giá nào, thà nói béng đi là đưa tôi 5 hào tôi cho cái giấy phép. Thế này chỉ chết dân thôi”.
Quá bức xúc, Chủ tịch QH cho rằng những người soạn luật đẻ ra các quy định như vậy chả khác nào ‘người trên trời rơi xuống’, lẽ ra phải đưa cuộc sống vào luật để quản lý, đằng này đưa vào luật những thứ trên trời thì ‘ai mà làm được?” – ông hỏi.
Nhấn mạnh quan điểm “quản lý nhưng phải nghĩ đến lợi cho dân”, ông đề nghị các loại giấy phép tính toán cần thiết, rà soát thủ tục bỏ đi những cái không cần thiết.
Ngay cả những giấy phép đi kèm giấy phép xây dựng của các thể loại nhà như giấy phép đảm bảo an toàn phòng hỏa, văn hóa thì ngành xây dựng phải đảm bảo chịu trách nhiệm chứ không thể bắt bắt dân chạy đến từng nơi để xin, không thể để dân phải chịu cảnh ‘mỗi cửa phải xin phép là mỗi cửa cơ hàn’.
Xử lý người quyết đầu tư công sai
Chiều cùng ngày, thảo luận về dự án Luật đầu tư công, các ý kiến nhấn mạnh thẩm quyền và trách nhiệm trong đầu tư công.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng kiên quyết ai ký quyết định đầu tư người đó phải chịu trách nhiệm. Nếu sai phải đền bù và bị xử lý.
Ông phân tích: cơ quan dân cử quyết định chủ trương chứ không quyết định dự án vì phải thảo luận nhiều chiều, nhiều mặt. Cơ quan tập thể chỉ quyết định chủ trương còn người quyết định dự án là cá nhân.
Các dự án quan trọng quốc gia QH quyết định chủ trương, đi liền đó người quyết định dự án là Thủ tướng Chính phủ. Người Người quyết định dự án mới là người phải chịu trách nhiệm. Tương tự, dự án nhóm B, C Bộ trưởng quyết định thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm.
Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, cơ quan nào quyết định nguồn lực cơ quan đó quyết định đầu tư để chấm dứt tình trạng ”một anh” quyết định đầu tư nhưng ”một anh khác” lại quyết định tiền lấy ở đâu. Nếu QH quyết chủ trương đầu tư thì QH cũng quyết luôn nguồn lực.
Ông Hiển cũng cho rằng, đầu tư công không chỉ gồm đầu tư làm cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế XH mà bao gồm cả đầu tư của Nhà nước để làm kinh tế, tạo ra lợi nhuận. Ý kiến của ông được chia sẻ tại phiên họp băn khoăn khi chưa nhìn thấy ”địa chỉ” có thể ”đặt” đầu tư của DNNN vào điều chỉnh.
THEO VIETNAMNET

Truy trách nhiệm Bộ Xây dựng

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chính các quy định, hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã thổi bùng tình trạng tranh chấp liên quan đến diện tích căn hộ ở các khu chung cư cao cấp thời gian qua
Nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa hoàn tất báo cáo đánh giá tính pháp lý của 3 văn bản hướng dẫn cách tính diện tích căn hộ chung cư do Bộ Xây dựng ban hành (Báo Người Lao Động đã phản ánh).
Riêng – chung lẫn lộn
Trong văn bản trả lời Ủy ban Pháp luật, Bộ Xây dựng cho rằng tính diện tích theo cách nào (kích thước thông thủy hoặc từ tim tường bao, tường ngăn chia căn hộ) cũng không ảnh hưởng đến phần thuộc sở hữu chung.
Theo Bộ Xây dựng, phần sở hữu chung đã được Luật Nhà ở và Nghị định 71/2010 (hướng dẫn thực hiện luật này) quy định, đồng thời xác định trong hợp đồng mua bán. Điều 70 Luật Nhà ở và điều 49 Nghị định 71 nêu rõ phần diện tích thuộc sở hữu chung trong chung cư gồm: cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân căn hộ…
“Như vậy, Bộ Xây dựng đã biết rõ tường bao và tường phân chia căn hộ thuộc sở hữu chung. Song, Thông tư 16/2010 vẫn hướng dẫn cách tính diện tích xác định từ tim tường bao, tường phân chia căn hộ; biến sở hữu chung thành sở hữu riêng của các chủ chung cư đối với toàn bộ phần tường chia căn hộ và diện tích tường bao” – nhóm nghiên cứu nhìn nhận.
Không chỉ vậy, Công văn 124/QLN ngày 21-12-2010 của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng về cách tính diện tích chung cư lại hướng dẫn cụ thể: Đối với phương thức xác định kích thước diện tích sàn căn hộ từ tim tường thì diện tích sàn (phần sở hữu riêng) không phải trừ diện tích sở hữu chung như cột, tường chịu lực! Tiếp đó, Công văn 397 ngày 7-11-2013 của Thanh tra Bộ Xây dựng tiếp tục cho rằng với phương thức xác định kích thước từ tim tường bao, tường phân chia căn hộ thì diện tích sàn không phải trừ diện tích chung…
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật khẳng định việc hướng dẫn cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư trong hợp đồng mua bán theo Thông tư 16 và Công văn 124, 397 là trái quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 71. Chính những quy định, hướng dẫn này đã thổi bùng lên tình trạng tranh chấp liên quan đến diện tích căn hộ thời gian qua ở các khu chung cư cao cấp, mà thiệt thòi đều do người dân gánh chịu.
Làm rõ thiệt hại
Theo nhóm nghiên cứu, với trách nhiệm quản lý ngành, Bộ Xây dựng đã quy định mẫu hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, trong đó bắt buộc phải ghi phần diện tích thuộc sở hữu riêng và chung. Tuy nhiên, trên thực tế, các chủ đầu tư khi soạn thảo hợp đồng đều không ghi rõ nội dung này, chỉ ghi diện tích sàn căn hộ mua bán và xác định luôn phần diện tích vốn thuộc sở hữu chung nằm bên trong phạm vi căn hộ thuộc sở hữu riêng; trong phần diện tích chung cũng ghi cả tường, cột chịu lực…
“Như vậy, phần sở hữu chung được tính diện tích 2 lần. Vấn đề đặt ra là Bộ Xây dựng đã kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở như thế nào. Tại sao việc vi phạm này xảy ra thường xuyên khiến dư luận bức xúc nhưng vẫn không xử lý ?” – nhóm nghiên cứu đặt nghi vấn.
“Căn cứ vào Luật Nhà ở thì Bộ Xây dựng không có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết và cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư” – nhóm nghiên cứu khẳng định. Một vị trong nhóm cho biết theo Nghị định 71 thì Chính phủ cũng không hề giao Bộ Xây dựng quy định cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư. Điều này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc ban hành 3 văn bản trái luật kể trên.
Theo nhóm nghiên cứu, nếu tại phiên giải trình sắp tới (dự kiến tổ chức giữa tháng 3-2014), Bộ Xây dựng vẫn một mực bảo vệ quan điểm của mình và không nhận sai thì trong phạm vi, quyền hạn cho phép, Ủy ban Pháp luật có thể yêu cầu bộ xem xét sửa đổi, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ Thông tư 16. Nếu sau 30 ngày mà bộ vẫn không thực hiện thì ủy ban có quyền kiến nghị Thủ tướng bãi bỏ hoặc đình chỉ thông tư này. “Hơn 3 năm qua, Thông tư 16 đã gây ra những thiệt hại như thế nào cho người dân cũng cần phải được xem xét, làm rõ” – nhóm nhấn mạnh.
TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp, đặt vấn đề: “Phiên giải trình phải làm rõ có hay không lợi ích nhóm trong việc ban hành các văn bản kể trên, gây thiệt hại cho người dân. Nếu sau này bãi bỏ các văn bản đó thì thiệt hại mà người dân đang phải gánh chịu sẽ được giải quyết như thế nào?”.
Làm trái chỉ đạo của Chính phủ
Tháng 11-2011, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, sửa đổi nội dung tại Thông tư 16 bảo đảm đúng quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 71. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể về trình tự, cách thức thực hiện và hồ sơ trong trường hợp diện tích căn hộ thực tế khi bàn giao khác với hợp đồng ký kết. Tuy nhiên, từ đó tới nay Bộ Xây dựng không thực hiện theo chỉ đạo này.
Trong cuộc họp tại Bộ Tư pháp mới đây, đại diện Cục Đăng ký thống kê – Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng quy định của Thông tư 16 đã gây ra khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư.
Ngỡ ngàng khi nhận nhà
Nhiều người đang sinh sống tại khu chung cư cao cấp Keangnam (Hà Nội) vừa có thư cảm ơn gửi lãnh đạo Bộ Tư pháp vì đã vào cuộc quyết liệt trong việc vạch rõ cung cách quản lý của Bộ Xây dựng khi ban hành văn bản trái luật, gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
“Khi đặt bút ký vào hợp đồng với Công ty Keangnam Vina, chúng tôi kỳ vọng một môi trường sống văn minh, hiện đại, tiện nghi cho gia đình. Tuy nhiên, khi nhận nhà, chúng tôi mới ngỡ ngàng phát hiện căn hộ mình đã bỏ tiền mua từng mét vuông (3.000 USD/m2) có cả những phần diện tích thuộc sở hữu chung mà chúng tôi không hề được sử dụng cũng bị chủ đầu tư tính tiền. Thuế nhà, phí dịch vụ hằng tháng cũng phải trả cho cả phần diện tích thuộc sở hữu chung này. Điều đáng thất vọng là chủ đầu tư đã viện dẫn cách tính diện tích này của Bộ Xây dựng” – một người dân cho biết.
Theo cư dân Keangnam, việc “tuýt còi” các văn bản của Bộ Xây dựng đã tạo niềm tin cho nhiều người đang sinh sống tại các khu chung cư khác – vốn bị chủ đầu tư “ăn bớt” diện tích – trong việc đòi lại quyền lợi.
Bài và ảnh: Thế Kha
THEO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Liên Bang Vina

Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân làm cho nước ta nghèo, yếu, sức cạnh tranh kém, tiềm lực vươn lên đuối, chính là vì nước ta có khác biệt vùng miền quá lớn.
Khác biệt không chỉ ở tiếng địa phương, văn hóa vùng miền, tính cách con người, mà còn khác ở khí hậu, địa lý, địa chất, thổ nhưỡng. Khác biệt cả ở các tập quán làm nông, làm sản xuất nhỏ, kinh doanh, sử dụng vốn.
Một chính sách nhất quán cho cả nước, chắc chắn là không thể hiệu quả. Chính sách công nghiệp hoặc dịch vụ công nghiệp, nếu hiệu quả ở Tp Hồ Chí Minh, chắc chắn sẽ thất bại ở Lào Cai. Chính sách khuyến khích nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản ở Miền Tây, đương nhiên là vô nghĩa ở Hà Giang.
Trẻ em tp Hồ Chí Minh đã khác trẻ con Hà Nội. Trẻ thành phố khác hẳn trẻ nông thôn. Trẻ nông thôn thì không giống gì trẻ miền núi. Việc bắt hàng triệu đứa trẻ về cơ bản là khác xa nhau ấy, phải học bằng sách giống nhau từ lớp 1 đến lớp 12 là một điều không chỉ không khoa học mà còn hơi ác.
Các chính sách thuế khóa cũng vậy.
Thậm chí cả các chính sách liên quan đến lao động như hộ khẩu, lương cơ bản, bảo hiểm, giáo dục cơ sở, thậm chí an ninh cộng đồng,  cũng không thể hiệu quả ở các vùng miền khác nhau nếu chỉ có một chính sách chung để áp dụng.
Nên tôi nghĩ nước mình nên chăng đi theo mô hình liên bang. Cả nước có độ 8 đến 10 tiểu bang. Cách chia tiểu bang có thể tham khảo hành chính thời Minh Mạng, thời Pháp thuộc (1945-1954), tham khảo mô hình chia vùng từ thời TBT LD và tham khảo các cách chia quân khu. Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh có thể là hai bang mà không cần gắn thêm với tỉnh khác.
Các tiểu bang, tùy vào dân số và vai trò kinh tế chính trị, sẽ có một số lượng cán bộ chủ chốt được vào Trung Ương Đảng. Sẽ có một tỷ lệ phân chia thế nào đấy. Ví dụ Trung Ương Đảng có 125 Trung Ương Ủy Viên, thì mỗi tiểu bang có từ 6 đến 10 ông, tùy theo bang lớn nhỏ, và do các đảng viên địa phương bầu lên như là đại diện của họ.
Các ông Trung Ương Ủy Viên vào TW Đảng sẽ hoạt động như các thượng nghị sỹ. Các ông ấy sẽ phải đấu tranh quyền lợi (chính sách) cho tiểu bang của mình. Thỏa hiệp với ông ở tiểu bang khác để ra chính sách chung cho Liên Bang. TWĐảng cũng sẽ bầu ra Bộ Chính Trị. Bộ Chính Trị sẽ quyết hết các vấn đề lớn của đất nước. Tất nhiên khi hoạt động kiểu thượng nghị viện thế này, chính nhân dân sẽ giám sát các debate chính sách của họp hội nghị TW. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, sẽ tự động được luật hóa. Cực kỳ minh bạch. Động tác này, nói ngắn gọn, chính là thể chế hóa vai trò Đảng (cầm quyền) và luật hóa các nghị quyết TW.
Trung ương Ủy viên cũng không chỉ đến từ các tiểu bang, mà còn đến từ Nội Các chính phủ, tức là các Bộ trưởng. Bộ Trưởng cũng đương nhiên là TW ủy viên. Bộ trưởng sẽ do Thủ tướng chọn và Bộ Chính Trị thông qua. Các bộ trưởng – thượng nghị sỹ aka TW ủy viên này được vào TW mà không cần lá phiếu của địa phương nên sau này địa phương không thể gây sức ép lên họ. Khác với các nghị sỹ đi lên từ tiểu bang, sức ép phải phục vụ lợi ích đia phương khiến cho họ không đầu hàng các nghị sỹ ngồi trong nội các.
Tuy nhiên, bộ trưởng sẽ hoạt động chính trị chuyên nghiệp, đấu tranh cho bộ mình và thỏa hiệp với các bộ khác (chính là chính quyền Liên Bang). Còn chính sách của Bộ, khi được TWD hoặc BCT thông qua, sẽ không do Bộ trưởng triển khai mà Thứ trưởng sẽ toàn quyền triển khai. Thứ trưởng không phải là chính trị gia mà là một chuyên gia-công chức cao cấp.
Các tiểu bang sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với nhau. Ví dụ cạnh tranh thu hút đầu tư. Cạnh tranh về dịch vụ. Ví dụ có bang mạnh về giáo dục, sẽ hút sinh viên giỏi và giàu của cả nước. Hay có bang mạnh về y tế, sẽ chữa bệnh cho người có tiền chi trả của cả nước.
Căn bệnh thành tích địa phương kiểu tỉnh nào cũng phải có sân bay, có cảng, có khu chế xuất lớn, có trường đại học…, tự nhiên hết bệnh.
Các tiểu bang, nếu có đề xuất tốt, các TW ủy viên chiến đấu tốt, sẽ xin được cơ chế đặc khu riêng cho mình. Ví dụ Tiểu Bang Miền Đông Nam Bộ sẽ xin cho Vũng Tàu thành đặc khu, chuyên làm dịch vụ tài chính và casino. Hay Đồ Sơn làm đặc khu giải trí hehehe.
Các tiểu bang, do đặc thù địa lý kinh tế riêng, sẽ sản xuất được các sản phẩm mà họ giỏi nhất. Dẫn đến “ngoại thương” xảy ra giữa các tiểu bang, kích thích phát triển mạnh mẽ.
Chính sách thuế má, từ đó cũng nên khác biệt.
Các doanh nghiệp tư nhân sẽ thực sự phải lao động, cạnh tranh từ tiểu bang đến liên bang, qua đó tích lũy vốn tư bản, vốn công nghệ, vốn lao động và vốn tên tuổi; thay vì chỉ tích lũy vốn quan hệ và cơ hội rít nhanh vơ vội không thèm tích lũy kinh nghiệm, kiến thức và công nghệ như hiện nay. Chỉ khi thành phần kinh tế tư nhân mạnh và hiệu quả, có chiều sâu vốn, công nghệ, quản trị, thì nền kinh tế của đất nước mới có tiềm năng phát triển được. Suốt từ năm 86 đến giờ, kinh tế tư nhân giàu thì giàu thật, nhưng toàn giàu từ cơ hội mua đi bán lại, không đất đai chứng khoán thì cũng mua đi bán lại hết điện thoại lại đến nồi cơm điện mà chả sản xuất ra nổi một cái gì, dù là cái ấm đun nước.
Chính quyền liên bang sẽ dung tiền ngân sách chính phủ để làm hạ tầng lớn hoặc dịch vụ công: đường cao tốc liên tỉnh, xuyên việt, tàu cao tốc, nhà máy điện hạt nhân, mua tàu ngầm, máy bay chiến đấu, chống ma túy, chống buôn phụ nữ… Người đứng đầu chính phủ liên bang sẽ là Thủ tướng. Thủ tướng có ghế trong thượng viện (TWĐ) và BCT. .
Về cơ bản, chính phủ sẽ “bé” lại rất nhiều, nhưng chuyên sâu hơn. Như Bộ Giáo Dục, không còn phải ngồi làm sách giáo khoa cho cả nước, mà chỉ đơn giản là làm chuyên môn, đặt ra các tiêu chuẩn đào tạo, đi kiểm định chất lượng đào tạo ở các tiểu bang, cầm ngân sách chính phủ đi xây trường công ở những bang cần hỗ trơ.
Chính quyền địa phương làm đường nội bang, các công trình cỡ nhỏ phục vụ tiểu bang.
Bộ Chính Trị và TWĐ sẽ bổ nhiệm nhân sự cho hệ thống tư pháp và Ngân hàng quốc gia. Hệ thống tư pháp sẽ có hai cấp chính, tòa án tiểu bang và tòa tối cao.
Việc bổ nhiệm này cứ 4 năm làm một lần, nhưng lệch 3 năm so với bầu cử vào TWĐảng. Ví dụ Trung Ương Đảng bầu (từ các tiểu bang lên) năm 0 thì đến năm 3 sẽ bổ nhiệm.
Quốc hội như hiện nay, vốn chỉ là hình thức, không hiệu quả, sẽ chuyển thành Hạ viện, hạ nghị sỹ đến từ các tiểu bang, nhiệm kỳ chỉ hai năm một lần. Các kiểu nghị đương nghị cảnh tha hồ vào đây mà phát biểu.
Đại khái mô hình là như thế. Thay vì viết một bản nghiêm túc góp ý sửa đổi Hiến Pháp, thì viết lảm nhảm lên blog chơi.
Tình hình khó khăn lắm rồi, chả thay đổi, thì nước mình còn nghèo đói mãi. Suy thoái thế này, có khi đi xuống luôn, chả bao giờ đi lên nữa.
(Một số ý quan trọng của bài này, lấy từ các thảo luận tay đôi với A và B cách đây nhiều năm hehehehehe).
Xem thêm: Giáo Dục và Sản Lượng
Và bài về việc hình thành HN.

Giáo dục và Sản lượng

Nếu các bạn chăm đọc báo, tôi hy vọng là hầu hết các bạn đọc báo, bởi càng ngày càng ít người đọc sách, các bạn sẽ thấy các trí thức, lãnh đạo, học giả hàng đầu xứ sở Vina suốt ngày bàn bạc tâm huyết về tương lai đất nước. Họ viết về mô hình nhà nước này, ví dụ phát triển kia. Họ nói về dân chủ, họ phê phán gốc rễ tiêu cực. Vân vân và vân vân. Toàn những chuyện quốc gia đại sự, toàn những chuyện vĩ mô, thể chế … đau đầu ù tai.
Thế nhưng rất hiếm, hoặc có lẽ không có, dù chỉ một bài viết về sản lượng của nền kinh tế trong 5, 10 và 20 năm nữa.
Càng ngày tôi chỉ càng quan tâm đến sản lượng. Sản lượng không thể nào tăng do kế hoạch, đường hướng, à cả vision của lãnh đạo nữa (cho dù vision ấy dài vật). Sản lượng của cả nền kinh tế là cái mà phải tự tăng từ mỗi cá nhân. Hoặc cùng lắm là từ các nhóm cá nhân tự cộng tác. (Cái này xin hiểu theo ý nghĩa triết học, hehehe, của trường phái tự do cổ điển Áo).
Sản Lượng của cả nền kinh tế đến từ đâu. Vẫn là từ Vốn, Lao Động và Công Nghệ.
Xứ sở Vina chắc hẳn không có tí tẹo công nghệ nào rồi. Bằng chứng là khi thế kỷ 21 đã đi qua hẳn 10 năm chúng ta vẫn chưa tự sản xuất được một cái xe đạp hoàn chỉnh và pháo hoa bắn cho đại lễ vẫn phải nhập khẩu từ một làng Bình Đà Ngoại.
Vốn lại càng không có, ngoại trừ đào mỏ để bán kèm với nông thủy hải sản, chả có vốn ở chỗ nào khác. Mỏ đào mãi sẽ hết, nông thủy hải sản thì phập phù. Và bản chất lúa gạo thủy hải sản để có sản lượng cao (và giá trị gia tăng cao) vẫn cần đến công nghệ.
Vậy tất cả những gì chúng ta có trong tay, để duy trì và (ước muốn) là tăng sản lượng, chỉ là lực lượng Lao Động.
Tôi cũng tin là “sản phẩm xuất khẩu” mang lại nhiều dollar nhất cho chúng ta, vào những giai đoạn khó khăn nhất, từ xưa đến nay chính là xuất khẩu lao động.
Thế nhưng tháp dân số, cũng có nghĩa là lực lượng lao động trong độ tuổi chín muồi, đang đổ dần về phía già nua. Hai hoặc ba mươi năm nữa, chắc chắn người đi làm sẽ ít hơn người nghỉ hưu.
Theo tôi, các duy nhất để tăng chất lượng và số lượng lao động là cải cách lại hế thống giáo dục. Nếu không cải cách giáo dục triệt để, tôi tin chắc là 20 năm nữa tất cả những gì nền kinh tế của chúng ta làm ra cũng không đủ để bỏ vào mồm cả trăm triệu con người chứ đừng nói là giàu mạnh, vượt lên trên bẫy thu nhập trung bình hay là đánh nhau với TQ để đòi lại Hoàng Sa. Hay nói cách khác, cải cách giáo dục hay là chết (cho có vẻ khẩu hiệu).
Cải cách giáo dục là cực khó, tất nhiên rồi, vì hô hào mãi, thực hiện mãi có ra cái gì đâu, càng ngày càng tệ đi. Đấy là vì làm cái mới mà không dựa vào cái cũ, mô hình cũ, giáo trình cũ…
Cách của tôi đại thể như sau. Tôi sẽ nói rất ngắn, bởi các suy nghĩ điên rồ chẳng có cái nào dài.

I. Cắt hệ giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12 ra làm 3 khúc.
Khúc 1:
Đưa lớp 1 hiện nay quay trở lại lớp Vỡ Lòng như ngày xưa. Các lớp vỡ lòng sẽ do phòng giáo dục (cấp quận, thị, huyện) quản lý. Không nằm trong các trường phổ thông, mà nằm rải rác khắp nơi. Mỗi địa điểm chỉ cần 1 hoặc 2 phòng học (tương đương với 2 hoặc 4 lớp sáng-chiều). Giáo viên cố định theo phòng học. Mỗi cô tự quản phòng học và 2 lớp học (sáng-chiều) của mình.
Sách giáo khoa sẽ là bắt buộc và thống nhất trên toàn quốc.
Các em học vỡ lòng sẽ chỉ tập đọc, tập viết, tập làm tính… Môi trường học tập cũng bé tí, các em hằng ngày đến trường chỉ biết các bạn cùng lớp mình và lớp bên cạnh.
Các lớp học phân tán nên cự li đi học sẽ rất gần. Bố mẹ không phải đau đầu đưa đón con, nhất là khi mẹ đi cấy bố vào nhà máy, đường tắc suốt ngày.
Trong trường hợp mà không có cả khả năng đi học như các vùng sâu vùng xa hoặc các hộ nghèo thì các lớp vỡ lòng cũng làm được một việc là xóa mù chữ và mù con số cho trẻ em.
Khúc 2 và Khúc 3:
Cắt các lớp từ 2 đến 8 hiện nay thành Cấp Phổ Thông (tức là sẽ thành lớp 1 đến lớp 7). Nôm na là sau khi học lớp Vỡ Lòng ở làng, ta sẽ lên xã học cấp phổ thông. Bắt đầu từ lớp 1. Đến lớp 7 thì tốt nghiệp.
Dồn các lớp 9,10,11,12 thành Cấp Trung Học và chỉ có ba lớp 8,9 và 10.
Các trường Cấp Phổ Thông sẽ bắt buộc có 7 khối từ lớp 1 đến lớp 7. Không cho làm trường cấp 1,2,3 như hiện nay. Cũng cấm luôn các trường cấp 2, 3 như hiện nay. Tóm lại, trên hệ thống chỉ còn hai loại trường. Trường Cấp Phổ Thông (1 đến 7) và Trung Học (8,9,10).
Do cấp Phổ Thông có tới 7 lớp, mà lớp 1 bước vào đã biết chữ, nên tha hồ cắt giảm các nội dung nặng về học thuật trong sách giáo khoa. Sách giáo khoa lúc này chỉ tập trung vào dạy những gì thực sự thực dụng và những môn xã hội (văn, họa, nhạc, giá trị sống) sẽ đi theo hướng gợi mở để mỗi đứa trẻ có ham muốn trở thành người tốt, chăm chỉ lao động và tôn trọng cá nhân thay vì đi theo tập thể một cách mù quáng. Sách giáo khoa có thể bắt buộc giống nhau, nhưng chỉ cỡ 80%, còn lại là theo vùng miền. Ví dụ những học sinh miền nam, cả đời không biết mùa đông, thì chỉ cần cho các em biết rằng ở miền bắc có mùa đông, chứ không nhất thiết phải yêu thích và hiểu mùa đông rồi mùa xuân hoa đào nở. Lại càng không cần biết có ông đồ già bày giấy đỏ (thực ra cũng thành dĩ vãng rồi).
Sách giáo khoa cấp Trung học sẽ không bắt buộc sử dụng của Bộ như hiện nay (100%) mà có thể chỉ cần theo khung bắt buộc (70%) còn 30% sẽ tự do nhà trường quyết định. Cái này rất quan trọng vì việc học ở Tây Nguyên hay Tây Bắc đương nhiên là khác Hà Nội và Sài Gòn. Học cấp Trung học mà được học thêm về cafe, cao su (với học sinh Dak Lak) đương nhiên là quý hơn học Văn học Pháp hay Lịch Sử Thế Giới. Việc này còn kéo theo thay đổi phương pháp giảng dạy và qua đó tạo sự cạnh tranh giữa các trường cấp Trung học, đặc biệt là giữa các trường elite.
II. Phân khúc lao động
Tốt nghiệp Phổ Thông
+ Nếu học khá (điểm tốt nghiệp hoặc điểm GPA) và có nguyện vọng học tiếp sẽ được học lên lớp 8 (cấp Trung học).
+ Nếu học kém hoặc không có nguyện vọng. Tốt nghiệp luôn sự nghiệp học chữ ở đây và chuyển qua học nghề. Ở đây sẽ xuất hiện các trường sơ cấp và trung cấp nghề. Học 2 năm xong (tốt nghiệp là 16.5 tuổi) có thể tham gia lao động được. Sự thực thì hầu hết các nghề nghiệp mà chúng ta gặp hằng ngày (sửa xe máy, cắt tóc, massage, chữa điện nước …) không cần phải đi học hết lớp 12 rồi mới đi học nghề để làm. Sẽ là một sự lãng phí nguồn lực xã hội không lồ để đào tạo một người (học 12 năm) rồi đi làm nghề photocopy.
+ Trong trường hợp đi nghĩa vụ quân sự thì việc học nghề xong rồi nhập ngũ cũng có lợi cho toàn bộ ngành quốc phòng nói chung.
+ Còn để xuất khẩu lao động thì còn gì bằng nữa.
Tốt nghiệp Trung học
+ Tốt nghiệp trung học xong, nôm na là cầm cái bằng Tú Tài như ngày xưa, là có thể đi làm công chức (cấp thấp) ở công sở. Chả có lý do gì một cô receptiont nghe điện thoại và nhận công văn ở cơ quan cấp Bộ mà phải học đại học hoặc cao đẳng cả. Hay là các cô cán bộ ở Phường suốt ngày làm việc với giấy tờ lẩm cẩm của công dân mà phải có bằng đại học.
+ Nếu cần làm một nghề gì có chuyên môn, ví dụ kế toán hay y tá, thì tiếp tục đi học hệ cao đẳng nghề (2 hoặc 3 năm)
+ Nếu có khả năng và nguyện vọng học cao hơn nữa thì vào đại học như xưa nay vẫn thế.
Liên thông
Nếu những người vì lí do nào đó phải rẽ nhánh từ cấp Phổ Thông đi học nghề, nếu sau này có nhu cầu và khả năng học tiếp, thì sẽ có các hệ liên thông từ trung cấp nghề lên cao đẳng nghề. Nếu muốn đi học đại học thì sẽ thiết kế một chương trình học chuyển đổi kéo dài một năm để chuyển từ cao đẳng thành hết Đại học đại cương.
III. Kiểm định vùng và sách giáo khoa
Sách giáo khoa chỉ do Bộ soạn thảo như hiện nay, lại thống nhất giống nhau trên toàn quốc, đương nhiên là phản khoa học. Khỏi phải bàn nhiều.
Nhưng cho tư nhân làm giáo trình giáo án thì cũng sẽ là tự sát nếu không quản chặt. Vả lại nếu mỗi trường (tư) dạy một kiểu (giả sử sách giáo khoa, giáo trình, giáo án của tư nhân là tốt) thì làm sao học sinh có thể chuyển từ trường này qua trường khác. Thậm chí giáo viên cũng không chuyển trường được.
Giải pháp ở đây là Vỡ Lòng phải giống nhau 100% trên cả nước. Học lên cao dần thì bớt dần sự giống nhau đi. Nhưng sự khác nhau chỉ khác giữa các vùng/miền là chính. Các trường cùng vùng thì nên dạy giống nhau.
Vina có thể chia thành 6 vùng giáo dục: Tây Bắc, Miền Bắc, Miền Trung, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
Mỗi vùng có Hội đồng kiểm định giáo dục vùng. Do hiểu đặc trưng địa lý, kinh tế và văn hoá vùng của mình, hội đồng kiểm định giáo dục vùng sẽ là nơi hiểu nhất nhu cầu học và khả năng dạy của địa phương. Cũng sẽ là nơi giám định khắt khe nhất do ở rất gần địa phương.
Hội đồng kiểm định giáo dục cấp vùng sẽ quyết định, thẩm định và xét duyệt nội dung sách giáo khoa dùng trong vùng. Kiểm định phương pháp và chất lượng giảng dạy (bao gồm cả hạ tầng cơ sở). Đánh giá và phân loại trường.
Tức là tách phần Sgk và thanh tra giáo dục ra khỏi Bộ. Bộ lúc này chỉ quản phần core của sách giáo khoa, cấp kinh phí và quản lý khối trường công lập.
IV. Những suy nghĩ dở
Về nguyên tắc, mô hình giáo dục như trên là một thụt lùi về so với tiến hóa của nhân loại. Nhưng của đáng tội, nó rất phù hợp với sự tiến hóa nửa mùa chất chứa vô cùng nhiều sai sót và khiếm khuyết không thể khắc phục được của nền giáo dục Vina.
Tôi suy nghĩ nhiều: rằng mô hình đào tạo kia có vô nhân đạo hay không? Nhưng có vẻ như nó lại rất nhân đạo hehe. Nó mở ra cơ hội cho tất cả những ai không muốn học (hoặc không có khả năng đi học, ví dụ như nhà nghèo hoặc không có năng khiếu học tập) sớm có cơ hội bước chân vào đời thay vì mài đũng quần trên ghế nhà trường tốn không biết bao nhiêu tài nguyên xã hội. Hơn thế nữa, giới trẻ bây giờ đã chán không muốn học mà vẫn phải đi học. Trong lúc nhà trường lại quá tải. Tất yếu sẽ dẫn đến các việc kiểu như đánh nhau, lột áo nhau rồi quay phim tung lên mạng. Hay đua xe nghiện hút.
Mô hình này cũng giảm bớt sức ép lên các trường cấp III như hiện nay. Trường cấp III quá tải dẫn đến việc dạy dỗ như dở hơi, tác động xấu đến tương lai gần và xa của xã hội là không thể nào kể hết được. Các bạn có tin rằng cứ như thế này mãi thì sẽ đến một ngày nào đó mở TV ra toàn thấy Lậm Văn Sai không?
Mô hình này nó sẽ tự động phân loại cá nhân theo khả năng và ý muốn cá nhân của mỗi công dân trong xã hội ngay từ khi họ bắt đầu có nhận thức thực sự về sự tồn tại của mình và vai trò của mình. Họ gần như được tự do lựa chọn dựa trên điểm số và sở thích làm gì. Ở giai đoạn này thực ra gia đình gần như không gây sức ép gì được, nhà trường lại càng không. Cái khó của mô hình này ở chỗ các trường nghề phải đủ lớn để hứng tới, có lẽ, 2/3 số học sinh, đặc biệt là ở các vùng xa đô thị. Nhưng điều này thị trường tự nó điều tiết được. Đơn giản là vì vùng nào thường gắn với nghề nấy. Ở Hà Nội đương nhiên sẽ không có trường dạy nghề liên quan đến cafe, còn Daklak đương nhiên sẽ không có trường dạy nghề thủy hải sản.
Mô hình này cũng làm giảm sức ép đầu vào cho Đại Học. Chắc chắn lúc đó người ta chỉ học đại học khi đủ điều kiện và thực sự cần học. Các đại học lởm như hiện nay đương nhiên là biến mất. Đại học sẽ dễ chuyển qua làm nghiên cứu nhiều hơn, thay vì chỉ giảng dạy (và giảng dạy cũng như dở hơi) như hiện nay.
Mô hình này cho phép lao động phổ thông tham gia vào thị trường lao động sớm hơn. Thực ra hiện nay ở những miền lạc hậu như miền tây, người ta cũng bỏ học từ lớp 7 lớp 8 để hành nghề tự do, hoặc lên thành phố làm những nghề dễ kiếm tiền mà không cần rèn luyện nhiều như … massage. Vậy nên khi quy việc phổ cập giáo dục bắt buộc xuống hệ phổ thông 7 (cộng vỡ lòng) thì bản chất sẽ công bằng về mặt giáo dục hơn đối với hầu hết người Việt. (Tức là không còn phân biệt đối xử vì bỏ học đi làm nữa).
Với việc địa phương hóa sách giáo khoa và phương pháp dạy học ở trường Trung học, học sinh tốt nghiệp có thể đi làm được ngay, thậm chí sau khi học thêm một khóa huấn luyện ngắn theo kiểu cấp chứng chỉ hành nghề là có thể làm được một vài chuyên môn nhất định.
Vai trò của Bộ Giáo Dục giảm thiểu đi nhiều. Nó sẽ chỉ tập trung vào quản lý chất lượng dạy học của các trường, thay vì ngồi nghĩ hộ hàng chục triệu con người là học cái gì thì tốt cho chúng mày, và chúng mày nên được dạy dỗ ra sao thì tốt cho chúng tao.
Vai trò của hệ thống vỡ lòng sẽ mang lại nhiều lợi ích. Đầu tiên là xóa mù, haizz, thế kỷ 21 mà nói chuyện xóa mù thì quả là kỳ cục, nhưng quả thực là như vậy. Thứ nhì là đứa trẻ khi thực sự đến trường (lớp 1) nó và gia đình sẽ biết là chặng đường tối thiểu cần phải đi chỉ chỉ còn … 7 năm nữa. Sau đó chỉ cần học nghề sơ cấp (hơn 1 năm) hoặc trung cấp (2 năm) là có thể kiếm tiền giúp gia đình được rồi. Đồng thời nếu muốn học lên nữa, khi có điều kiện, thì vẫn còn cửa liên thông lên cao đẳng hoặc đại học. Trong trường hợp học khá hoặc muốn làm công chức, thì con đường 3 năm nữa (trung học) cũng là cái có thể …cố được vì học trung học nói chung vẫn là gần nhà, ăn cơm nhà.
Với mô hình lớp Vỡ Lòng, tuổi đến trường có lẽ không cần bắt buộc là 6 tuổi như hiện nay mà có thể sớm hoặc muộn hơn tùy theo gia cảnh. Nếu bố mẹ muốn con học sớm, hoặc vì phải cho con học sớm thì 5 tuổi đi học cũng được. Hoặc ngược lại. Đồng thời cho phép đúp (học lại) vỡ lòng 2 lần. Kiểu nhồi chữ cho chắc. Tuổi đến trường sớm hơn sẽ giúp tuổi tốt nghiệp trung học và vào đại học sớm hơn, tuổi tốt nghiệp sẽ sớm hơn, thời gian cống hiến cho xã hội dài hơn. Với trường hợp rẽ nhánh sau Phổ thông thì khả năng đi làm trước 16 tuổi là cao (giả sử 4.5 tuổi đã vào Vỡ Lòng), cái này hơi vô nhân đạo theo quan điểm xã hội bình thường, nhưng ở nước nghèo như nước ta, bán vé số từ bé tí, thì 16 tuổi đi làm cũng chả là vấn đề qué gì ghê gớm.
Về việc để tư nhân tham gia làm sách giáo khoa. Cái này tôi đương nhiên là ủng hộ. Các bạn có thể xem thêm mục III ở trên bài viết. Chỉ xin lưu ý thêm ở đây là không thể khoán trắng cho tư nhân làm vì sẽ tai nạn ngay. Tư nhân trình độ không đều, có một số rất giỏi, đa phần là xoàng. Chưa kể rất ít doanh nhân cân bằng được đạo đức và lợi nhuận. Tuy nhiên in the long run, hehehe, thì nên để tư nhân tham gia rộng và sâu vào giáo dục.
Quay lại ý chính của bài viết. Mục đích cải tổ giáo dục (của cá nhân tôi) là để tăng sản lượng của nền kinh tế trong 5, 10 và 20 năm tới. Nếu không cải tổ, chắc chắn chúng ta sẽ gặp vấn đề về chất lượng và số lượng lao động trong 20 năm tới. Có khả năng lúc đó cái làm ra sẽ không đủ để ăn vì người già về hưu nhiều hơn người đang đi làm.
Về tuổi lao động. Theo mô hình hiện nay, ví dụ tính theo lao động có trình độ trung cấp nghề, thì 20 tuổi mới bắt đầu đi làm. Còn theo mô hình của tôi thì khoảng 18 tuổi. Con số này tôi nghĩ là hợp lý. Còn nếu thấp hơn, ví dụ sơ cấp hoặc hành nghề tự do thì hơi khó tính tuổi. Tuy nhiên hiện nay nếu về quê, vùng sâu vùng xa, hoặc thậm chí ngay vỉa hè ở thành phố, sẽ thấy trẻ em đi làm sớm lắm (đánh giày, bán vé số, rửa bát, trông xe).
Nếu các bác đọc báo thì sẽ thấy hiện nay mỗi năm có khoảng 1 triệu học sinh tốt nghiệp cấp III (con số hơi choáng đấy). Trong đó có 100 ngàn là vào được các trường đại học có chất lượng tàm tạm.
Theo mô hình của tôi thì con số 1 triệu học sinh tốt nghiệp cấp III kia sẽ chỉ còn lại tầm 600 ngàn là cùng. Sẽ giảm tải rất nhiều cho hệ thống cấp III hiện nay, tức là hệ Trung học (8,9,10) như trong mô hình của tôi. Giảm tải, tự thân nó, đã làm việc học và dạy học trở nên tốt đẹp hơn. Việc giảm tải này cũng sẽ thúc đẩy sự ra đời của các trường elite kiểu như một số trường boarding đỉnh cao ở Mỹ, ví dụ Phillips Exeter Academy, nơi mà việc dạy và học cực kỳ khoáng đạt và trí tuệ, không giống bất cứ chỗ nào khác trên thế giới.
Về việc dồn 4 lớp 9-10-11-12 thành 8-9-10 thì các bạn đừng lo là nặng. Vì chương trình bây giờ học nặng dã man, phần toán chẳng hạn, phải bằng năm thứ 2 đại học ở Tây. Riêng cắt bớt những cái nặng về Toán Lý Hóa, rồi các phần thừa trong văn học, lịch sử … đi là vừa.
Một điểm nữa, là sau khi áp dụng mô hình này khoảng 20 năm, ta sẽ sửa đổi nó để tái tiếp cận lại với tiêu chuẩn đào tạo văn minh của thế giới. Vì lúc đó nền kinh tế của ta chắc cũng qua được cái bẫy thu nhập trung bình rồi.
Và còn nhiều suy nghĩ nữa …

Ngày 24/2/2014 - Chết chưa phải là đã “hết” - Thế nào là một hệ thống thi cử tốt

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Chết chưa phải là đã “hết”

Thông thường trước cái chết của một con người, trong nhân gian thường có câu cửa miệng rằng “chết là hết”. Câu cửa miệng này thể hiện nhiều trạng thái khác nhau. Hàm ý mỉa mai có, khinh bỉ có, tiếc nuối có, thương xót có…


Nhưng khi một con người lúc sống chỉ biết có mình, sống mưu mô quỉ quyệt với bạn bè đồng chí, đồng nghiệp, dẫm đạp lên dư luận, vơ lợi bất chính cho cá nhân bản thân gia đình và bè cánh, thì thậm chí có chết già chết tự nhiên hay chết do bệnh tật đi chăng nữa ắt sẽ phải nhận được câu nói trên với hàm ý mỉa mai khinh bỉ, với nghĩa nguyền rủa: thế là kẻ đó đã hết cơ hội sống để mà bè cánh kiếm chác, vơ lợi, bất nhân và đẩy người đời đến oan khuất bất công… và thường đi kèm với cụm từ “trời có mắt”.

Mấy ngày gần đây theo dõi trên báo chí cả lề đảng lẫn lề dân, thấy người ta bàn tán nhiều về cái chết của ông Phạm Quý Ngọ khi ông đương chức thứ trưởng bộ công an, nhưng không phải bàn tán về lý do ông ốm đau, bệnh tật... mà chết như những người bình thường khác. Cũng như ít thấy họ thương xót hay khinh bỉ ông mà hầu hết các bài báo, bài viết nhất là trên các trang lề dân chỉ quan tâm đến việc đảng và nhà nước sẽ xử lý vụ việc tử tù Dương Chí Dũng đã tố cáo ông nhận hối lộ của Dũng và một vài người khác với số tiền lên đến hơn một triệu rưỡi USD như thế nào. Dũng cũng tố cáo rằng ông đã mật báo cho Dũng biết trước rằng Dũng sẽ bị bắt, thậm chí còn khuyên Dũng “nên trốn đi đâu đó một thời gian”.

Cũng chẳng biết lời tố cáo của tử tù Dũng nặng ký đến đâu mà được lãnh đạo ngành chống tham nhũng của đảng đặc biệt quan tâm và đã phải hạ cố đến tòa để theo dõi các phiên xét xử anh em nhà Dũng. Và điều đặc biệt là ngay tại phiên tòa xét xử em trai Dũng (Dương Tự Trọng), tòa cũng đã căn cứ vào quyền hạn của mình theo luật định để ra quyết định khởi tố vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”.

Chỉ biết rằng từ khi tòa có quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước đã hơn một tháng nay nhưng chưa thấy tòa hay cơ quan nào khác được luật qui định khởi tố bị can, hay nói cách khác là không thấy nhà nước khởi tố những người đã gây ra vụ án đó – thực hiện hành vi phạm tội làm lộ bí mật nhà nước đó (đây là điều mà bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam qui định bắt buộc), khiến mọi người đang chuyển dần sang bán tín bán nghi rằng hình như kẻ thực hiện tội phạm trong vụ án làm lộ bí mật nhà nước này không phải do người mà là “ma” thì phải nên mới không thấy khởi tố bị can trong hơn một tháng nay. Theo qui định của bộ luật tố tụng hình sự thì chỉ có “người” mới bị coi là “bị can” để mà khởi tố chứ nếu là “ma” thì luật lại không coi là bị can. Do đó ai mà khởi tố bị can “ma” sẽ là phạm pháp.

Trở lại vấn đề phạm tội của Dương Chí Dũng vì nó đã để lại hệ quả nặng nề về kinh tế, xã hội cho đất nước và dân tộc. Con số thất thoát là khủng khiếp. Từ cái sự thất thoát khủng khiếp ấy Tòa án tối cao đã căn cứ để lượng hình xử phạt Dương Chí Dũng và đồng bọn.Tuy có bắt các bị cáo phải bồi hoàn những khoản thất thoát cho nhà nước và Dũng cũng đã lập công chuộc tội bằng cách khai ra số tiền làm thất thoát ấy do Dũng tham nhũng và đem hối lộ. Dũng đã khai hối lộ cho những ai và bao nhiêu tiền mỗi người đều rõ cả. Vậy mà cho đến nay chưa thấy đảng cầm quyền và nhà nước do người của đảng lãnh đạo đi đến những nơi do Dũng chỉ ra để thu hồi khoản tiền đó đem về trả lại cho nhà nước. Mới hay rằng ở Việt Nam mình thật hay, thật lạ. Chuyện hay, chuyện lạ đến mức mà kẻ làm thất thoát tài sản của nhà nước chỉ bị xét xử, bị coi là có tội khi tài sản của nhà nước chẳng còn gì để người được chính phủ đề bạt cất nhắc làm thất thoát được nữa. Và khi kẻ làm thất thoát đã chỉ ra cho đảng và chính phủ chỗ chứa những đồng tiền của nhà nước bị thất thoát ấy, thì đảng, chính phủ lại lừng khừng không dám đến đó để lấy lại?!

Bởi thế đến nay mọi người dân Việt cũng như cộng đồng Quốc tế quan tâm đến những chuyện của Dương Chí Dũng mới chỉ biết đến có vụ khởi tố vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” nhưng lại đang thiếu bị can, còn những vụ án khác như đưa và nhận hối lộ, môi giới hối lộ hay những biện pháp và cách thức thu hồi những khoản tiền tài sản do Dũng đã tham nhũng để đưa hối lộ, môi giới hối lộ cho những kẻ đã nhận hối lộ theo lời khai của Dũng hiện nay vẫn hoàn toàn bị đảng và nhà nước lãng quên.

Một con người bình thường khi chết đi dù được người dân thương xót hay mỉa mai khinh bỉ thì câu nói cửa miệng của mọi người “chết là hết” cũng đúng tuy rằng tâm trạng có khác nhau.

Nhưng một con người như ông Phạm Quý Ngọ đang gánh trọng trách trong ngành công an đặc biệt trong lĩnh vực điều tra tội phạm lại đang bị tố là nhận hối lộ bằng tài sản của nhà nước do chính kẻ đang bị ông Ngọ chỉ đạo điều tra tham nhũng và đem hối lộ. Biết vậy mà ông vẫn nhận số tiền ấy để mật báo cho Dương Chí Dũng biết tin và chạy trốn theo như khai báo của Dương Chí Dũng thì quả là sự chết chưa thể hết chuyện được nếu nhân dân ta có một đảng chân chính và nhiều đảng vì công bằng dân chủ cho đất nước.

Nhiều học giả trí thức cũng đã từng phân tích để làm rõ lời khai của Dương Chí Dụng về ông Ngọ thật đến đâu thì chỉ cần tổng kiểm tra tài sản của gia đình, người thân của ông trong thời gian Dũng đưa hối lộ và các nhân chứng vật chứng, thời gian không gian địa điểm về tin mật báo cho Dũng, sẽ thấy rằng dù ông Ngọ có chết đi cũng không thể xóa được hết chuyện Dương Chí Dũng đã tố cáo về ông Ngọ và những người khác.

Nếu “chết là hết” để đậy vụ làm lộ bí mật lại thì coi chừng có thể Dương Chí Dũng lại là Nguyễn Thanh Chấn thứ hai và nếu Dương Chí Dũng tố cáo sai mà đảng nhà nước lại đậy vụ án lại thì e rằng hương hồn ông Ngọ không thể “ngậm cười nơi chín suối”. Mặt khác nếu coi “CHẾT LÀ HẾT” để đình chỉ vụ án thì chính cơ quan ra quyết định đình chỉ vụ án đã vi phạm vào điều 10 bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam vì điều 10 này qui định “cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội..”

Theo tinh thần này thì dù ông Ngọ có chết đi thì các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật vẫn phải làm rõ những qui định tại điều 10 bộ luật tố tụng hình sự. Vì điều 107 bộ luật này chỉ qui định không khởi tố khi người thực hiện hành vi nguy hiểm đã chết. Nhưng trong vụ án này đã có quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật từ trước khi ông Ngọ chết. Mặt khác theo điều 164 bộ luật tố tụng hình sự thì muốn đình chỉ điều tra vẫn phải ra kết luận điều tra, bản kết luận điều tra phải nêu rõ quá trình điều tra, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra.

Như vậy trong trường hợp này cơ quan pháp luật đã khởi tố vụ án được hơn một tháng ông Phạm Quý Ngọ mới chết, thì vẫn có thể tiến hành tiến hành xác minh làm rõ lời khai của Dương Chí Dũng. Sau khi có kết luận điều tra vẫn phải nêu rõ quá trình điều tra trong đó có cả kết quả xác minh lời khai của Dương Chí Dũng có đúng hay không và nêu lý do đình chỉ vụ án mặc dù nếu có đủ căn cứ chỉ mình ông Ngọ phạm tội thì vẫn phải đình chỉ vì ông Ngọ đã chết.

Theo tinh thần này thì “chết chưa chắc đã hết” được.

Và sẽ không thể hết được nếu như gia đình ông Ngọ không chứng minh được khối tài sản hiện có

Ngược lại cũng không thể hết được chuyện nếu Dương Chi Dũng tố cáo sai vì nhà nước còn phải truy danh cho ông Ngọ để ông khỏi bị hàm oan như bao nhiêu dân thường khác, vì ông là ủy viên trung ương đảng cơ mà!
Đức Thành
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

Thái Lan và Việt Nam: Từng bước tách khỏi Trung Quốc

Thị trường chứng khoán toàn cầu gần đây dường như cho thấy khi Trung Quốc hắt hơi thì thế giới lại bị viêm phổi. Nhưng một số nước châu Á đã tiêm mình chống lại vi-rút con rồng Trung Quốc, và sau đây là hai ví dụ tốt nhất trong các thị trường mới nổi có thể thành công trong khu vực Đông Nam Á.
 
Thái Lan và Việt Nam – cả hai đều là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – hiện đang đi dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong khi hai nước này cung cấp nhiều nhu cầu về nguyên liệu mà Trung Quốc đang khan hiếm, các giá trị gia tăng về công nghệ cũng như hàng tiêu dùng cho phép Thái Lan và Việt Nam xây dựng các ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng nội địa. Cả hai nước đều nhìn thấy tầm quan trọng để duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Hoa Kỳ giữa lúc tinh thần chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc đang ngày càng dâng cao.

Có hai thị trường ở châu Á. Một là Trung Quốc. Hai là mười nước thuộc Hiệp hội các quốc gia ASEAN. Trung Quốc hiện là đối tác lớn thứ tư của ASEAN trong năm 2007 – chỉ đứng sau Liên minh châu Âu (lớn thứ nhất) và Hoa Kỳ (lớn thứ hai). Nhưng sau cuộc khủng hoảng kinh tế của phương Tây hồi năm 2008, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong khi thương mại liên châu Á tăng từ 170 tỷ USD hồi năm 2007 lên đến 320 tỷ UD vào năm 2012.

Đây là những điều đã làm cho vấn đề đầu tư vào thị trường châu Á trở nên thách thức hơn. Tăng trưởng của Trung Quốc trong giai đoạn 1980–2010 trung bình lên đến 10% mỗi năm buộc các nước ASEAN tiếp tục bán hàng cho Trung Quốc và tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế nội địa. Ngoài ra, trong giai đoạn 1999–2013, chi tiêu quân sự của Trung Quốc cũng tăng trung bình 12,45% mỗi năm với phần lớn số tiền dành để bảo vệ ảnh hưởng của Bắc Kinh trong các vùng biển quanh khu vực ASEAN.

Câu hỏi chính được đặt ra ở đây là: Làm thế nào để các nước ASEAN tiếp tục cùng tồn tại song song với Trung Quốc và phát triển thịnh vượng trong bối cảnh mục tiêu chính sách đối ngoại của Trung Quốc là hướng đến kiểm soát thương mại liên châu Á?

Câu trả lời có thể nằm ở tầm vóc quốc gia và cả khu vực.

Thái Lan

Thái Lan đã xây dựng được cơ sở công nghiệp đa dạng với nhiều giới đầu tư trên toàn thế giới. Được biết đến như một con cọp châu Á, nền kinh tế Thái Lan phát triển theo định hướng xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu chiếm 65% GDP. Xuất khẩu của Thái Lan chủ yếu là các mặt hàng như điện tử, xe cộ, máy móc thiết bị cùng với nông thực phẩm như gạo, trái cây, hải sản đông lạnh và cao su. Điểm độc đáo về thị trường xuất khẩu của nước này là sự cân bằng. Trong năm 2012, các đối tác thương mại của Thái Lan là Trung Quốc (12%), Nhật Bản (10%), Mỹ (10%) và EU (9,5%), cộng thêm các nước quanh khu vực như Malaysia, Úc và Singapore. Các tập đoàn ty đa quốc gia lớn của Mỹ, EU và Nhật Bản như Dow Chemical, Toyota, AstraZeneca và Bristol-Myers Squibb đều có cơ sở ở Thái Lan cũng như bán hàng vào thị trường nước này, các nước ASEAN lân cận và trên toàn thế giới.

Các nhà đầu tư Mỹ tại thị trường Thái Lan có thể đầu tư thông qua 55 công ty trên thị trường giao dịch trong đó bao gồm Thai Airways International và Thaicom Public, ba quỹ đầu tư ETFs và một số quỹ khác.

Vào năm 2013, các vụ biểu tình chống chính phủ dẫn đến cuộc bầu cử không phân thắng bại gần đây đã ảnh hưởng ít nhiều đến Chỉ số Thị trường Chứng khoán của nước này (SET). SET đã giảm 6,7% trong năm 2013 sau khi tăng 35,8 % trong năm 2012, và chỉ số thị trường cũng cho thấy số tiền bán ròng của giới đầu tư nước ngoài trong năm 2013 lên đến 6,2 tỷ USD, áp đảo số tiền mua vào 2,5 tỷ USD hồi năm 2012.

Sức mạnh tiềm ẩn của các cơ sở công nghiệp Thái Lan đã giúp đồng baht Thái Lan giữ giá vững trị; chỉ giảm 4,25% (tính đến ngày 13 tháng Hai ) so với đồng đô la Mỹ trong ba tháng qua. Với 88% mặt hàng của nước này xất khẩu ra thế giới (không phải sang Trung Quốc), Thái Lan chắc chắn mang lại nhiều cơ hội đầu tư cho những người muốn đầu tư dài hạn.

Việt Nam

Không giống như Thái Lan, Việt Nam có chung một biên giới và tình trạng thù địch với Trung Quốc. Dường như người dân Việt Nam xưa nay không tin tưởng Trung Quốc. Đó là kết quả đến từ những cuộc xung đột vũ trang kéo dài trong lịch sử hai nước, bao gồm cả cuộc chiến xâm lược do Trung Quốc phát động năm 1979 đã giết chết khoảng 40,000 binh sĩ ở cả hai nước.

Hà Nội đã cố gắng xây dựng sự cân bằng trong mối quan hệ với Bắc Kinh, tuy duy trì mức độ khoảng cách nhưng họ cũng tận dụng các cơ hội để hợp tác với nhau. Việt Nam đồng ý cùng phát triển các nguồn tài nguyên với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ, mặc dù tranh chấp trong vùng đặc quyền kinh tế vẫn tiếp diễn, và đồng thời Việt Nam cũng đang đàm phán về Hiệp định thương mại tự do Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chiến lược của Việt Nam đã được chứng minh được một số thành công. GDP của Việt Nam đã tăng từ 5,2 % trong năm 2012 lên 5,54% trong năm 2013. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là EU, thứ đến là Hoa Kỳ và tiếp theo là các nước ASEAN, Nhật Bản và sau cùng là Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu năm 2012 của Việt Nam là 41% công nghiệp, 22% nông nghiệp, thủy sản và còn lại là năng lượng. Các mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là hàng may mặc, đồ gỗ và thủy sản.

Nền kinh tế Việt Nam hiện đang bùng nổ. Thù nhập bình quân đầu người tại nước này là 1,595 USD trong năm 2012 so với nước láng giềng Campuchia là 945 USD. Đặc biệt đáng chú ý trong những năm gần đây là Việt Nam cố tình trở nên rất thân thiện với Hoa Kỳ. Hãng hàng không Việt Nam Airlines có một số thỏa thuận liên danh với hãng hàng không American Airlines, cho phép khách hàng di chuyển dễ dàng sang Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ. Việt Nam cũng có bốn cảng nước sâu cho phép tàu bè tiếp cận với các thị trường láng giềng trong khu vực châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu. Nước này hiện có hai thị trường chứng khoán theo mô hình phương Tây, một ở Hà Nội và một ở thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ số bán xe ô tô tại Việt Nam cũng đã tăng vọt lên 19,4% trong năm 2013 và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam dự báo chỉ số này sẽ tiếp tục tăng thêm 9% trong năm 2014.

Tuy nhiên, các cơ hội đầu tư ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất hạn chế. Quỹ đầu tư duy nhất là EFT Van Eck Market Vectors, quỹ đầu tư sở hữu cổ phiếu của 29 ngành công nghiệp, các công ty tài chính và dầu khí năng lượng tại Việt Nam. Quỹ đầu tư khác là Dragon Capital từng tuyên bố là nhà đầu tư lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ đứng sau chính phủ Việt Nam, cung cấp hai quỹ cho giới đầu tư nước ngoài. Công ty Quản lý tài sản Việt Nam hiện đang cung cấp bốn quỹ đầu tư đăng ký theo luật đầu tư Cayman, đều cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại Việt Nam hiện đang trên đà gia tăng. Trong năm 2012, ba quốc gia có số tiền đầu tư đứng đầu tại Việt Nam là Nhật Bản với 378 dự án trị giá lên khoảng 5,13 tỷ USD, tiếp đến là Singapore với 138 dự án trị giá 17,2 tỷ USD, và Hàn Quốc với 332 dự án trị giá US 1,17 tỷ USD.

Bằng cách tìm kiếm cơ hội để cung cấp nhiều mặt hàng mà cả ASEAN lẫn các thị trường phương tây đều cần thiết, Thái Lan và Việt Nam hiện đang từng bước thành công trong hướng tách ra khỏi sự ảnh hưởng của con rồng Trung Quốc.

Peter Kohli, Nasdaq 
Thanh Ngân chuyển ngữ, CTV Phía Trước
  © 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

TBT Báo Người cao tuổi lên tiếng về khối tài sản của ông Truyền

(GDVN) - Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa khẳng định, đến thời điểm này Báo Người cao tuổi chưa nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào từ phía ông Truyền.
Ngày 21/2/2014, bài vết trên Báo Người cao tuổi phản ánh về khối tài sản khổng lồ của ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
Dinh thự của ông Trần Văn Truyền trong khuôn viên 3 héc-ta tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Người cao tuổi
Theo bài báo, ngoài một số biệt thự, lô đất sở hữu trước đây, ông Trần Văn Truyền đang triển khai một “dự án gia đình” trên lô đất khoảng 30.000m2 (3 héc-ta) tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre. Trong khuôn viên đó, ông Truyền đã và đang xây dựng một biệt dinh hoành tráng và 4 căn nhà gỗ lợp ngói đỏ, nghe nói có cả tốp thợ Nam Hà thi công nhiều tháng qua. 
Những căn nhà gỗ thuộc nhóm gỗ đặc biệt không dùng đến một cái đinh sắt. Bài viết dẫn nguồn tin từ một số cán bộ ở TTCP và cán bộ ở Bến Tre, ông Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP Hồ Chí Minh là phường Thảo Điền (Quận 2), ở Quận 5, ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lí, sử dụng. Người ta còn đồn rằng cái giường “đặc biệt” của vợ chồng ông có giá trị khoảng nhiều tỉ đồng, v.v…
Trước cáo buộc trên, trả lời báo giới trong nước ông Trần Văn Truyền tỏ ra bức xúc, cho rằng nhiều thông tin trong bài báo không chính xác. 
Trong một diễn biến khác cũng liên quan đến khối tài sản của ông Truyền, ông Cao Văn Trọng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre (nơi ông Truyền đang định cư) có đưa ra nhiều dẫn chứng chứng minh sự thực không phải như báo Người cao tuổi đã phản ánh.
Chiều 22/2, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam xung quanh vụ việc, nhà báo Kim Quốc Hoa, Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi cho hay: “Tôi có nghe ông Truyền lên tiếng trên một số báo sau bài viết của Người cao tuổi. Tuy nhiên đến thời điểm này, bản thân tôi cũng như Báo Người cao tuổi chưa nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào từ phía ông Truyền”.
Ông Kim Quốc Hoa - Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi  (Ảnh: Hà Nội mới)
Nói về thông tin trong bài báo, ông Kim Quốc Hoa khẳng định: “Đã đưa thông tin lên mặt báo thì phải có cơ sở. Còn trong bài viết ngắn mà báo đăng thì có thể thông tin chưa thật đầy đủ, thậm chí có chi tiết chưa chính xác nhưng khối tài sản ấy, nền đất ấy và những tòa nhà ấy, “nhãn tiền” thì không thể chối cãi được”.
Trước câu hỏi của phóng viên về phát ngôn của ông Cao Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre có nói rằng, khối tài sản của ông Truyền không nhiều như báo chí đã phản ánh. Về việc này, ông Kim Quốc Hoa cho biết, hiện tại Báo Người cao tuổi chưa tiếp nhận được thông tin đó nên ông không thể bình luận nhiều hơn.

Thế nào là một hệ thống thi cử tốt

Chữ “tốt” ở đây hiểu là tốt chung cho xã hội, theo các chuẩn mực đạo đức của xã hội, chứ không chỉ tốt riêng cho một nhóm người nào đó. Một hệ thống thi cử tạo ra các bằng cấp rởm thì “tốt” cho nhóm người mua bán bằng cấp rởm, nhưng tồi cho xã hội, bởi vì người bằng cấp rởm sẽ chiếm những vị trí cần trình độ thật và phá hoại xã hội.

Nói một cách lý tưởng, một hệ thống thi cử tốt là một hệ thống có được 10 tính chất cơ bản sau: đúng mục đích (fitness of purpose), ảnh hưởng tốt đến cung cách dạy và học (beneficial effects on teaching and learning practices), công bằng (equity), trung thực (integrity), minh bạch (transparency), khách quan (objectivity), ít sai phạm (error-proof), có hiệu suất chi phí cao (cost-effectiveness), hiệu quả (efficiency), và linh hoạt (flexibility). Tất nhiên, các tính chất này không độc lập với nhau, mà có ảnh hưởng qua lại với nhau và với toàn bộ hệ thống giáo dục nói chung. Để có được 10 tính chất cơ bản này, các hệ thống thi cử cần có được nhiều yếu tố thuận lợi, ví dụ như là được phân tích và nâng cấp thường xuyên, sử dụng công nghệ hiện đại, có được những người có trình độ và tư cách phụ trách, có được tính độc lập nhất định và không bị thao túng, v.v.

Đúng mục đích

Một hệ thống thi cử tốt phải thực hiện được các chức năng mục đích cơ bản của mình. Việc kiểm tra và thi cử có 4 chức năng chính, đó là:

1) Nhằm phát hiện các điểm mạnh điểm yếu của từng học viên, qua đó điều chỉnh việc học tập/ giảng dạy cho thích hợp.

2) Nhằm đánh giá phân loại và đảm bảo chất lượng đầu ra hay đầu vào của các chương trình giáo dục.

3) Nhằm đảm bảo công bằng và hợp lý trong các cuộc tuyển chọn.

4) Nhằm tạo ra sự thi đua phấn đấu.

Đi vào chi tiết hơn, cần xác định mục đích cụ thể của từng kỳ thi là gì và thiết kế kỳ thi cho thích hợp. Và để có một hệ thống thi cử đúng mục đích, thì chương trình giáo dục đi đôi với nó cũng phải đúng mục đích.

Ví dụ: Thử đặt vấn đề về mục đích của kỳ tốt nghiệp PTTH. Những người đến tuổi tốt nghiệp PTTH cũng là đến tuổi trưởng thành, trở thành công dân có quyền bầu cử. Việc giáo dục phổ thông là nhằm chuẩn bị kiến thức văn hóa chung cho các công dân mới, những kiến thức mà họ sẽ cần nhất để làm một công dân tốt trong suốt quãng đời sau của họ bất kể dù họ sẽ làm nghề gì. Và một trong các mục đích chính của kỳ thì tốt nghiệp PTTH nhằm đánh giá mức độ chuẩn bị kiến thức văn hóa chung đó của các công dân mới trưởng thành.

Vậy những kiến thức nào là quan trọng nhất? Việc nhớ các công thức hóa học của một số hợp chất hữu cơ phức tạp mà học sinh chỉ thấy trong sách chứ không được nhìn thấy trong thực tế quan trọng hơn, hay là việc hiểu biết về luật lệ, về quyền công dân quan trọng hơn? Nếu cái thứ hai là quan trọng hơn, thì cần có cả học và thi về tổ chức xã hội và quyền công dân, thay vì học quá sâu một số kiến thức khoa học mà những ai theo chuyên ngành khoa học tương ứng sẽ được học ở đại học còn phần lớn những người còn lại sẽ quên vì không bao giờ dùng đến.

Kiến thức văn hóa phổ thông, hình dung như một thứ “ước số chung lớn nhất” về văn hóa của con người trong một xã hội văn minh, gồm nhiều phần (nhiều môn) khác nhau, và do vậy chương trình học và thi tốt nghiệp ở phổ thông cũng phải đa dạng bao quát nhiều môn. Nếu chỉ thi vài môn mà bỏ các môn còn lại, thì bị chệch mục đích, vì sẽ đánh giá lệch, và học sinh sẽ không học nghiêm túc các môn không phải thi, dẫn đến hổng kiến thức văn hóa chung. Nếu thi dồn tất cả các môn cùng một lúc thì có thể quá nặng, nhưng thi tốt nghiệp có thể trải ra, có những môn thi từ giữa năm hay từ năm trước tùy theo môn đó học đến lúc nào.

Con người có văn hóa là con người biết suy nghĩ và áp dụng kiến thức, chứ không phải chỉ là một “cái sọt” chứa các thứ được nhồi vào theo kiểu học vẹt. Bởi vậy các kỳ thi mà chỉ kiểm tra được xem học sinh có học thuộc lòng được những đoạn nào đó không thay vì kiểm tra được xem học sinh có biết lý luận và kết nối các thông tin lại với nhau không, là trật mục đích đánh giá sự hiểu biết.

Ảnh hưởng tốt đến việc dạy và học

Một trong các định luật của giáo dục là thi sao học vậy. Hệ thống thi lệch lạc thì sẽ dẫn đến việc học và dạy cũng lệch lạc theo. Thi “tủ” thì học “tủ”, thi “vẹt” thì học “vẹt”, chương trình thi nhồi nhét quá nặng thì học sinh cũng phải học một cách nhồi nhét quá nhiều phát mụ mẫm để rồi thi xong thì chữ thầy trả thầy, thi không nghiêm túc thì học cũng sẽ không nghiêm túc, thi môn “không ai cần” thì cả học và thi sẽ đều quấy quá cho xong.

Mục đích trước mắt của phần lớn học sinh và trường học là lập thành tính trong thi cử, chứ không phải là để nhằm có kiến thức, tăng hiểu biết, phát triển tư duy sáng tạo. Muốn học sinh và nhà trường hướng tới học tốt, dạy tốt thự sự, thì hệ thống thi cử phải được thiết kế ra sao để khuyến khích những điều đó.

Ví dụ, muốn khuyến khích học sinh phát huy sự tìm tòi đào sâu suy nghĩ và sáng tạo và khả năng diễn đạt, thì sự khuyến khích đó phải thể hiện trong đề thi và trong cách chấm điểm. Khi chấm điểm, các cách giải không khớp với đáp án nhưng chứa đựng tư duy và kết quả trong đó thì vẫn cần được cho điểm, thậm chí cần cho điểm thưởng nếu là lời giải hay. Và ngoài các đề bài để kiểm tra kiến thức thông thường, cần có thêm đề bài đặc biệt nhấn mạnh về sự tự tìm tòi nghiên cứu sáng tạo và khả năng diễn đạt, ví dụ như thể loại đề bài tự do: học sinh tự chọn một đề tài mà mình thích (liên quan đến chương trình học), rồi viết một bài luận về đề tài đó dựa trên sự tự tìm tòi nghiên cứu, rồi trình bày về đề tài đó ở lớp hoặc trước các giảm khảo. Môn thi đề tài tự do như vậy hay gặp ở bậc đại học, ví dụ như các khóa luận, nhưng nó có thể được mở rộng ra, dùng cả ở bậc phổ thông.

Công bằng

Sự công bằng của một hệ thống thi cử thể hiện qua việc các thí sinh được đối xử bình đẳng, tạo điều kiện như nhau trong kỳ thi, không có người bị phân biệt đối xử (vì giới tính, chủng tộc, thành phần gia đình, v.v.) hay được ưu tiên đặc biệt (ví dụ như con quan thi trượt cũng thành thi đỗ), trừ khi các sự ưu tiên đó được ghi rõ ràng trong luật thi cử và được xã hội công nhận là công bằng hợp lý.

Nếu như các công dân cần được bình đẳng trước luật pháp, phải chịu trách nhiệm về các hành động của bản thân, nhưng không phải “chịu tội thay” người khác dù người đó có là bố mẹ mình, thì các học sinh cũng cần được đối xử bình đẳng tương tự. Một học sinh dù có “lý lịch gia đình xấu” đến đâu thì vẫn là một công dân tương lai của xã hội cần được đối xử bình đẳng như các công dân tương lai khác.

Một sự ưu tiên có thể được coi là hợp lý, nếu nó áp dụng với một loại đối tượng phải chịu điều kiện giáo dục thiệt thòi hơn các đối tượng khác (ví dụ như thí sinh từ các trường làng với điều kiện tồi tàn), để làm cân bằng lại trong việc tạo điều kiện tương đương nhau giữa các thí sinh. Một cách cơ bản hơn để tạo công bằng trong giáo dục không nằm ở việc ưu tiên về điểm thi cho các trường vùng nghèo không được quan tâm đầu tư, mà nằm ở việc nâng cấp đầu tư cho các trường đó, tạo điều kiện học tập tốt hơn cho các học sinh ở đó.

Ưu tiên cho con quan trong thi cử là một hiện tượng phổ biến ở xã hội. Nhưng hiện tượng này thường là một sự mua bán lạm dụng quyền lực đi ngược lại khái niệm công bằng. Con quan đã có được điều kiện về vật chất và giáo dục hơn hẳn con dân thường, nên nếu con dân thường vẫn đạt kết quả thi cao hơn thì tức là có tư chất tốt hơn, cần được tuyển chọn thay vì con quan.

Trung thực

Hiện tượng gian lận trong giáo dục xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Ngay ở Mỹ có đến 70% học sinh sinh viên thú nhận là đã từng gian lận thi cử. (Nguồn: Digital Technologies and Dishonesty in Examinations and Tests, Jean Underwood, Nottingham Trent University, December 2006). Kể cả thi Olympic toán quốc tế (IMO) cũng có các đội tuyển gian lận. Ở Tanzania năm 1998 phải hủy toàn bộ kết quả thi tốt nghiệp trung học và tổ chức thi lại vì gian lận. Các kiểu gian lận trong thi cử phong phú đa dạng đến mức có người gọi nó là “quỷ sứ trăm tay ngàn mắt” (a demon with a thousand faces).

Việc gian lận làm hại cho xã hội, không chỉ cho những người trung thực, mà ngay cả đối với những người gian lận, vì họ làm hại lẫn nhau, như kiểu người bán thịt thì bán thịt chứa đầy chất tăng trọng cho người bán rau ăn, người bán rau lại bán rau phun thuốc độc cho người bán thịt ăn. Bởi vậy, muốn có được một xã hội văn minh, thì cần có các biệt pháp hữu hiệu để ngăn chặn gian lận, nâng cao tính trung thực, trong xã hội nói chung và trong thi cử nói riêng.

Một số nguyên nhân chính khiến người ta gian lận là:

- Ý thức cá nhân. Những người có ý thức cao về danh dự và trung thực sẽ không gian lận dù có cơ hội. Ví dụ như dân Thụy Sĩ trung thực nên ở đó người ta có thể bán báo tự động bằng cách để chồng báo và hộp đựng tiền bên cạnh ai mua báo thì tự lấy báo và tự đút tiền vào hộp, không có ai canh.

- Môi trường xã hội. Người ngay sống ở môi trường gian cũng sẽ thành gian theo.

- Áp lực về kết quả. Áp lực về thành tích có thể khiến cho bản thân các trường, các giáo viên khuyến khích học sinh mình gian lận. Các kỳ thi càng quan trọng (giữa việc có đỗ hay không) càng làm cho người ta muốn gian lận để đạt kết quả.

- Cơ hội và rủi ro trong gian lận. Trông thi lỏng lẻo, điều kiện công nghệ tiện lợi (ví dụ như điện thoại di động cho phép nhắn tin), xử phạt thấp, thì kích thích gian lận tăng.

Hệ thống thi cử không làm thay đổi được ngay lập tức ý thức cá nhân, môi trường xã hội mà chỉ có thể chống gian lận, tăng tính trung thực bằng cách chặn các cơ hội gian lận, xử phạt gian lận cao lên, và một phần nào đó làm giảm áp lực về kết quả. Ví dụ một số biện pháp được đề ra là:

- Cách ly người ra đề cho đến lúc thi, và giám sát chặt chẽ các khâu in và phân phát đề để giảm thiểu khả năng lộ đề. Chặn sóng hay lọc sóng để thí sinh không dùng được các phương tiện liên lạc di động trong khi thi. Sử dụng chứng minh thư “biometric” để không gian lận bằng cách cho người khác đi thi hộ được. Cử người lạ đến coi thi và không báo trước ai sẽ coi thi ở đâu để giảm thiểu thông đồng. v.v.

- Việc chấm thi bằng máy (đối với thể loại thi nào dùng được) có một ưu điểm là hạn chế được gian lận trong chấm thi. Đối với những bài thi cần người chấm, thì có những biện pháp chống gian lận trong quá trình chấm, như là dọc phách và phân bố ngẫu nhiên bài làm cho người chấm (để người chấm không biết được tên người làm bài mà mình chấm, và khó tìm được bài thi mà muốn cho điểm một cách gian lận), không cho phép mang bài thi ra khỏi phòng chấm hay sử dụng phương tiện trao đổi thông tin ra ngoài như điện thoại, v.v.

- Làm giảm nhu cầu gian lận. Ví dụ như cho phép thi lại và bảo lưu kết quả để giảm áp lực cho mỗi lần thi, tạo ra nhiều “lối thoát”, lựa chọn hơn cho người học để người học có thể đạt được một bằng cấp chứng chỉ nào đó có giá trị và phù hợp với năng lực thay vì “được ăn cả ngã về không”. Ví dụ như phân ban ở PTTH để ai không theo được chương trình văn hóa chung vẫn có thể theo được chương trình hướng tới học nghề và có được bằng tốt nghiệp học nghề nào đó.

Việc chạy theo các thành tích hình thức của ngành giáo dục chính là một trong các nguyên nhân cơ bản dẫn đến áp lực gian lận. Không ít nơi mà hiệu trưởng cử người canh gác trong kỳ thi, không phải là để cho học sinh khỏi gian lận, mà là để cho học sinh bên trong được gian lận thoải mái mà người ngoài không vào để bắt quả tang được. Thay đổi tư duy về “thế nào là thành tích” sẽ giảm được nhiều áp lực này. Ví dụ như “kết quả thi PTTH đỗ gần 100%” có phải là thành tích không, khi con số đó có thể lái theo ý muốn của người tổ chức thi (muốn đỗ nhiều lên chỉ việc tạo đề dễ hơn và coi thi lỏng lẻo hơn) chứ không liên quan gì mấy đến chất lượng học sinh.

Khách quan

Con người nào, dù có công bằng và trung thực đến đâu, cũng có một phần chủ quan nhất định chứ không thể hoàn toàn khách quan trong việc đánh giá người khác. Bởi vậy, mọi hệ thống thi cử có người (chứ không phải máy) chấm điểm đều có độ chủ quan nhất định. Độ chủ quan đó tạo nên sự “may rủi” cho thí sinh (điểm số có phần phụ thuộc vào tâm trạng và định kiến của giám khảo), và làm cho kết quả thi bớt chính xác trong việc đánh giá thí sinh. Những hệ thống thi cử mà có độ chủ quan không quá lớn thì có thể chấp nhận được, và theo luật số lớn thì các sự may rủi sẽ bù trừ cho nhau khi một thí sinh thi nhiều môn.

Đối với các kỳ thi quan trọng, để tăng tính khách quan, có thể có những biện pháp như:

- Chấm điểm cho một bài thi không phải là một người, mà là một ban giám khảo (người đánh giá chủ quan theo hướng thấp sẽ bù trừ lại với người đánh giá chủ quan theo hướng cao). Những cuộc thi tài năng (học sinh giỏi quốc gia, trượt băng nghệ thuật, v.v.) thường có ban giám khảo như vậy.

- Có hướng dẫn chi tiết cho các giám khảo về thang điểm và cách cho điểm, các giám khảo thực hiện theo nó, để điểm số của một bài thi không quá phụ thuộc vào việc giám khảo nào chấm, khi mà các bài thi khác nhau là do các giám khảo khác nhau chấm chứ không cùng một giám khảo.

- Với một số môn, trong điều kiện công nghệ cho phép (ví dụ như thi lái xe), thì dùng máy chấm điểm thay vì người chấm điểm.

Minh bạch
Sự minh bạch của một xã hội là yếu tố cần thiết để đảm bảo công bằng và chống tham nhũng gian lận. Đối với các hệ thống thi cử, sự minh bạch thể hiện ở các điểm như:

- Thông báo rõ ràng và kịp thời đến những người cần biết về các thể lệ thi cử, các chính sách liên quan, nơi thi và thời gian thi, những gì được phép hay không được phép trong lúc thi, cách tính điểm, xếp hạng và chọn lựa, danh sách thí sinh, tỷ lệ đỗ, kết quả thi, v.v.

- Công bố các báo cáo về các kỳ thi đã xảy ra, với các đề bài, các số liệu thống kê, các thông tin về các sai phạm và xử lý sai phạm nếu chúng xảy ra, các điểm yếu hay gặp phải ở các thí sinh, v.v.

Ít sai phạm

Sai phạm trong thi cử (như đề bài sai, đáp án sai, chấm điểm sai, v.v.) do lỗi con người tạo ra là điều không thể tránh khỏi 100%. Kể cả đề thi vào trường Ecole Normale Supérieure de Paris, là trường đại học tốt nhất Pháp về mặt nghiên cứu khoa học, do các giáo sư tầm cỡ quốc tế phụ trách, cũng có những câu hỏi bị sai trong những năm gần đây. Một hệ thống tốt là một hệ thống ít xảy ra sai phạm và có cơ chế tốt để xử lý sửa chữa sai phạm kịp thời, chứ không phải là một hệ thống không có sai phạm. Một số biện pháp để giảm thiểu sai phạm là:

- Nâng cao trình độ và tinh thần trách nhiệm của giám khảo, và trả thù lao đúng mức cho việc ra đề và chấm thi (trả thấp quá sẽ dẫn đến làm ẩu, gây ra nhiều lỗi)

- Đối với các đề thi quan trọng, ảnh hưởng đến rất nhiều thí sinh, thì việc ra đề và làm đáp án lại càng phải được làm cần thận, do những người có trình độ rất cao phụ trách.

- Có cơ chế kiểm tra chất lượng (ví dụ kiểm tra chất lượng việc chấm thi), khiếu nại và thanh tra, để tìm ra xà xử lý các sai phạm, rút kinh nghiệm cho những lần sau. Nếu sai phạm quá nghiêm trọng, thì phải hủy kết quả thi và tổ chức thi lại.

Hiệu suất chi phí

Thi cử chỉ là một trong nhiều hoạt động của hệ thống giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Nếu tiêu tốn quá nhiều vào thi cử, thì sẽ ảnh hưởng xấu đến các hoạt động khác. Bởi vậy, việc thiết kế hệ thống thi cử sao cho có hiệu suất chi phí (cost-effectiveness) cao nhất, ít chi phí nhất với cùng một kết quả đạt được, là điều quan trọng. Chi phí ở đây bao gồm không chỉ chi phí do phía tổ chức thi bỏ ra, mà còn bao gồm cả chi phí do người đi thi phải bỏ ra. Và nó bao gồm không chỉ chi phí về vật chất, mà còn cả thời gian, công sức, và hao tổn về tinh thần. Để làm ví dụ minh họa: Ông C.N.R. Rao, trưởng hội đồng tư vấn khoa học cho thủ tướng Ấn Độ, có phát biểu một câu nổi tiếng năm 2011 là “Ấn Độ có hệ một thống thi cử chứ không phải hệ thống giáo dục” (India has an examination system but not an education system), ý nói là hệ thống thi cử của Ấn Độ quá nặng nề, khiến học sinh mất quá nhiều thời gian và sức lực cho thi cử, thay vì học kiến thức thực sự.

Có những biện pháp khác nhau để có thể giảm bớt chi phí thi cử mà vẫn đảm bảo chất lượng: sử dụng các công nghệ hiện đại (ví dụ như chỗ nào có thể thì dùng máy chấm điểm thay vì người chấm điểm, vừa khách quan hơn vừa đỡ tốn kém hơn), đơn giản hóa điểm số (đối với nhiều cuộc thi kiểm tra, việc chấm điểm quá chi tiết như ở Pháp với điểm tối đa là 20 và tính từng 1/4 điểm là không cần thiết mà chỉ làm tốn thời gian của giám khảo, chỉ cần chấm ở các mức điểm như: chưa đạt, trung bình, khá, giỏi như hệ thống của Nga là đủ), thi chung (một hệ thống các trường gần tương đương nhau có cùng chung kỳ thi, thí để sinh thi vào nhiều trường thì cũng chỉ cần thi 1 lần thay vì nhiều lần cho cùng 1 môn thi), đồng bộ hóa (ví dụ như hệ thống thi tiếng Anh TOEIC có tính đồng bộ rất cao, điểm thi ở bất cứ nơi nào cũng được công nhận trên toàn thế giới), linh hoạt hóa, v.v.

Một cách khác để giảm tốn kém thi cử, là tạo giá trị giáo dục cho bản thân kỳ thi: khi học sinh làm bài thi, thì không chỉ đơn thuần là làm bài thi, mà còn học luôn được một kiến thức mới từ việc làm bài thi đó, kết hợp được luôn việc thi với việc học. Ví dụ như một đề thi toán có thể bao gồm việc chứng minh và áp dụng một định lý mới trong toán học (mà học sinh chưa biết), bằng cách chia định lý đó ra thành nhiều bước nhỏ, mỗi bước là một bài tập mà học sinh có thể làm được. Học sinh làm một bài thi như vậy cũng là học luôn được một định lý.

Hiệu quả

Để khỏi chồng chéo với các tính chất cơ bản khác của một hệ thống thi cử tốt, chữ hiệu quả ở đây hiểu theo nghĩa hẹp: hiệu quả của cách ra đề và chấm điểm trong việc đánh giá thí sinh.

Đối với phần lớn các kỳ thi, mà mục đích chính là để đánh giá xếp hạng tương đối giữa các thí sinh, thì đề bài quá dễ hoặc quá khó so với trình độ chung của thí sinh thường đều không phải là đề bài hiệu quả, vì trong cả hai trường hợp điểm của các thí sinh đều quá sát nhau (đều quá thấp hoặc quá cao), cộng thêm với các “nhiễu, sai số” (ví dụ thí sinh bị trừ điểm do chữ xấu) thì không còn dùng để đánh giá phân biệt được trình độ giữa các thí sinh nữa.

Vì lý do hiệu quả, nên ở Pháp và nhiều nơi khác trên thế giới các trường đại học không thi tuyển cùng một đề, mà có phân cấp: các trường “lớn” (elite) thi đề khó hơn, các trường “nhỏ” thi đề dễ hơn. (Ở Pháp chỉ cần tốt nghiệp phổ thông là được nhận vào hệ thống trường đại học tổng hợp mà không cần qua thi tuyển, nhưng có hệ thống “grandes ecoles” chủ yếu đào tạo kỹ sư có thi tuyển đầu vào). Vì trường elite thu hút học sinh giỏi, nếu đề dễ thì toàn điểm cao không phân biệt được chính xác ai giỏi hơn ai để mà tuyển. Ngược lại, các trường nhỏ thu hút chủ yếu là học sinh năng lực vừa phải hoặc yếu, nếu đề khó thì không ai làm được, cũng không phân biệt được ai có năng lực cao hơn ai.

Kiểu ra đề bài dài đến mức “không thể làm hết được”, và có cả câu khó lẫn câu dễ, với tổng số điểm của các bài vượt mức điểm tối đa, có thể là một cách linh hoạt để tăng hiệu quả của kỳ thi: mỗi thí sinh tìm được các bài vừa sức mình để làm và được điểm tương ứng, và không cần làm hết cũng có thể đạt điểm tối đa.

Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả là vấn đề may rủi. Như người ta nói “học tài thi phận”, khi đi thi không thể tránh khỏi yếu tố may rủi: ai “trúng tủ” thì điểm cao, rơi vào phần chưa kịp nắm vững thì điểm thấp. Một cách làm giảm may rủi là tăng tổng thời gian thi và lượng vấn đề được khảo sát trong đề thi sao cho bao phủ tốt hơn toàn bộ chương trình. Tất nhiên, cái giá phải trả cho sự đánh giá chính xác hơn này là chi phí của kỳ thi sẽ tăng lên.

Đối với hình thức thi chọn câu trả lời đúng trong các câu trả lời có sẵn (multiple choice tests), nếu để thí sinh bấm đại vào 1 câu trả lời khi không biết câu trả lời nào đúng thì độ may rủi cao. Cách hạn chế may rủi này là bổ sung câu trả lời “không biết” (hoặc để trống) vào các trả lời có thể: ai “không biết” thì không được điểm nhưng cũng không bị trừ điểm, còn nếu bấm đại vào câu trả lời sai thì bị trừ nhiều điểm. Thí sinh sẽ không bấm đại nếu bị trừ điểm.

Linh hoạt

Sự linh hoạt là một yếu tố rất quan trọng để có được một hệ thống thi cử tốt, vừa hiệu quả trong việc thực hiện các chức năng của nó vừa giảm thiểu được chi phí cho xã hội.

Một ví dụ về sự linh hoạt là hệ thống thi theo tín chỉ: sinh viên có thể tham dự các môn học và thi lấy tín chỉ theo trình tự và nhịp độ thích hợp với từng người (người học nhanh thì thi nhanh, chóng tốt nghiệp, và có thể tốt nghiệp mấy ngành cùng một lúc, người học lực yếu hơn hoặc vừa đi làm vừa đi học có thể thi với tốc độ chậm hơn, v.v.). Một ví dụ khác về sự linh hoạt là các môn lựa chọn: học sinh có thể chọn thi hay không thi môn nào trong số một số môn lựa chọn, như vậy các học sinh phát huy được sở trường của mình, chọn học sâu hơn cái mình thích. Một ví dụ khác nữa là thang điểm với tổng số điểm có thể cao hơn điểm tuyệt đối: để đạt điểm tuyệt đối không cần phải làm hết đề thi, mà chỉ cần làm được một phần lớn trong đó cho tốt.

Có những kỳ thi có nhiều học sinh thi trượt không những đã tốn kém công sức cho việc chuẩn bị thi và mà còn bị suy sụp tinh thần sau kỳ thi, có khi mất hàng năm trời mới hồi phục lại được. Để giảm thiểu sự hao tổn này, cần thiết kế việc thi cử một cách linh hoạt sao cho học sinh dù có bị trượt vẫn đạt được những gì đó chứ không phải “mất trắng, bỏ đi hoàn toàn”, ví dụ như: có thể bảo lưu kết quả để chỉ cần thi lại những môn chưa đạt, kết quả có thể dùng ở nhiều nơi để không đỗ vào nơi đòi hỏi cao có thể được nhận vào nơi đòi hỏi thấp hơn, và có thể có những loại chứng chỉ cho người không đỗ hoàn toàn nhưng “đỗ một phần”, vẫn có giá trị nhất định nào đó.
Nguyễn Tiến Dũng.
Bài viết đã được đăng trên blog của tác giả.
(Học thế nào)