Bùi Tín - Bi kịch ‘đi tắt đón đầu’
Mạng Diễn Đàn Thế Kỷ ngày 12/11/2014 loan tin một nông dân Việt
Nam quê ở Tân Châu, Tây Ninh, vừa được Nhà Vua Campuchia Norodom
Sihamoni phong danh hiệu “Đại tướng quân”. Đó là ông “Hai Lúa” Trần Quốc
Hải.
Cũng theo Diễn Đàn Thế Kỷ, năm 2006 ông Hai Lúa chế tạo một chiếc
trực thăng. Công trình này gây tranh cãi một thời rồi bị “xếp xó”.
Nhưng ông Hai Lúa không bỏ cuộc. Ông say mê sáng chế, cải tiến các máy
nông nghiệp như máy nhổ củ mì, máy làm cỏ đồng ruộng, máy rải phân, cả
máy thu hoạch mủ cao su. Tuy nhiên, theo lời ông kể lại cho một
phóng viên của báo Một thế giới thì ông bị rắc rối với cả trung ương
Hà Nội và địa phương Tây Ninh. Nhà nước khuyên ông: Thôi nhé đừng làm
nữa.
Gia đình ông Trần Quốc Hải |
Diễn Đàn Thế Kỷ thuật lại rằng thế là ông khăn gói sang
Campuchia. Các máy nông nghiệp của ông có khách hàng. Ông còn sửa chữa
nhiều máy nông nghiệp cũ của nước bạn. Một hôm ông đi qua một doanh trại
bộ đội cơ giới có xe bọc thép đã cũ. Ông quan sát nhiều lần và nảy ra
sáng kiến có thể tham gia việc bảo quản, sửa chữa, cải tiến xe bọc thép
BRDM2. Phía Campuchia đồng ý. Thế là ông và cậu con trai Trần Quốc Thanh
lao vào việc. Chẳng bao lâu 5 chiếc xe bọc thép được cải tiến, tiêu thụ
xăng giảm từ 40 lít xuống 25 lít/100km, tháp pháo tự động, Campuchia
rất hài lòng, vì từng có chuyên gia quân sự VN sang sửa nhưng không đạt,
vẫn trục trặc, hư hỏng.
Campuchia đánh giá cao, quý trọng khả năng hiếm có, tinh thần tìm tòi
cải tiến, lối sống giản dị khiêm tốn của ông Trần Quốc Hải, rất trọng
thị dành cho ông tiêu chuẩn ăn, ở, đi lại như cán bộ cấp cao của quân
đội. Gần đây Nhà Vua còn phong cho ông danh hiệu “Đại tướng quân”. Hiện
nay cha con ông đang nhận đóng mới 25 chiếc xe bọc thép cải tiến, nâng 6
bánh lên 8 bánh, có thể di chuyển thuận lợi trên địa hình phức tạp hơn.
Trước đây, hồi tháng 6/2014 mạng Đất Việt thuật lại câu chuyện
một nhà phát minh khác không được trọng dụng trên đất nước mình. Đó là
kỹ sư Phan Bội Trân, học từ Pháp về. Ông ham mê nghiên cứu về tàu ngầm,
mò mẫm làm ra tàu ngầm nhỏ cho ngành thể thao du lịch biển . Chiếc tảu
làm thử đẩu tiên đặt tên là Yết Kiêu 1, dài 3 mét 2, nặng 1 tấn, vỏ bằng
composite, có ống kính viễn vọng, máy cung cấp khí, có bánh lái ở phía
trước, phía sau và chiều ngang, có thể lặn sâu 70 mét trong nửa giờ, tất
cả bộ phận đều làm từ trong nước, trừ động cơ phải nhập. Tàu ngầm tự
tạo cho thể thao, du lịch biển được thử nghiệm từ năm 2010 ở hồ bơi
Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân Sài Gòn. Kết quả được đánh giá là khả
quan, thiết thực. Giá thành chừng 10.000 US$. Sáng chế này cũng không
được trong nước hoan nghênh, bị ế.
Nhân các sự kiện trên, đã có nhiều tờ báo mạng và blogger trong nước
bình luận vì sao chính quyền trong nước không khuyến khích, còn ghẻ lạnh
với các nhà sáng chế phát minh từ nhỏ đến lớn của nước mình. Có blogger
đau xót nhắc rằng một nước có 24.000 tiến sỹ, 10.000 giáo sư mà chưa
sản xuất nổi một chiếc đinh vít hiện đại đúng tiêu chuẩn.
Ai nấy đều rõ Việt Nam là thuộc nhóm đèn đỏ của toàn thế giới về sáng
chế, phát minh, về số lượng các bài nghiên cứu có tính chất tìm tòi,
khai phá về khoa học và kỹ thuật.
Về nhà khoa học, ngoài nhà toán học Ngô Bảo Châu còn ai nữa? Đây là hậu
quả của lối học vẹt, học thuộc lòng, nhồi sọ các công thức chết, không
khuyến khích óc tưởng tượng, suy luận, tự tìm hiểu mọi hiện tượng và sự
vật, tò mò tìm ra cái mới.
Trao đổi chuyện này với một nhà báo Pháp chuyên về kinh tế các nước châu
Á, ông có cách nhìn sâu và độc đáo. Ông bảo cái nguyên nhân của nguyên
nhân là nền kinh tế VN không bình thường, không giống ai. Ông giải
thích:
- Bình thường mở đầu cho phát triển kinh tế trong một nước nông nghiệp
là phải tập trung vào sự nghiệp công nghiệp hóa, từ tích lũy ban đầu rồi
tiến dần lên với quá trình hiện đại hóa. Quá trình đó có khi dài hàng
thế kỷ, với sự hình thành của một đội ngũ ngày càng đông công nhân tay
nghề cao và cán bộ kỹ thuật chuyên sâu, gắn liền với nền giáo dục cung
cấp công nhân và cán bộ kỹ thuật lành nghề, mang tinh thần cải tiến,
sáng chế phát minh kết hợp với nền khoa học kỹ thuật không ngừng đi kịp
với thế giới.
- Sau vài chục năm nền sản xuất đạt mức công nghiệp hóa, hiện đại hóa
cao, vốn tư bản được tích lũy, tích tụ lớn lên dần mới xuất hiện những
nhóm tài phiệt hùng mạnh, những đế chế kinh tê - tài chính đại tỷ phú,
như ở phố Wall Street ở New York, Hoa Kỳ, từ đó sinh ra những ngân hàng
ngày càng lớn để chuyên kinh doanh tiền tệ, cổ phiếu, chứng khoán.
- Về mặt thuần sản xuất ra giá trị của cải thì nông dân, công nhân, lao
động tri thức - kỹ thuật , nhà kinh doanh… mới thật là cái gốc, là
những người làm giàu thêm cho xã hội. Còn giới tài phiệt - ngân hàng chỉ
là kẻ lợi dụng ăn bám vào giới lao động nói trên, lấy của người này
chuyển cho người khác. Cho nên một chế độ tốt là chế độ chăm lo cái gốc,
là ưu tiên cho việc sản xuất ra ngày càng nhiều của cải, đào tạo nhiều
công nhân tay nghề cao, nhiều cán bộ kỹ thuật tài giỏi, có nền khoa học
giáo dục khai phóng khuyến khích tìm tòi, phát minh, sáng chế phong
phú, tạo nên nền sản xuất năng suất không ngừng được nâng cao.
Có vẻ như Bộ Chính trị cầm quyền trong nước đã rất coi nhẹ cái phần gốc
nói trên, cho nên năng suất lao động xã hội rất thấp, công nhân chuyên
nghiệp thiếu trầm trọng, sáng chế phát minh hầu như vắng bóng, kỹ thuật
lạc hậu đến mức tận cùng của khu vực, nền giáo dục vẫn theo kiểu giáo
điều nhồi sọ. Trong khi đó ngân hàng nhan nhản: ngân hàng Nhà nước, ngân
hàng quân đội, ngân hàng xây dựng, gân hàng thương mại, ngạn hàng
ngoại thương, ngân hàng tỉnh, ngân hàng huyện, ngân hàng ngành.
Trong Quốc hội không thấy tiếng nói của nhà khoa học - kỹ thuật, không
ai biết bộ trưởng khoa học và công nghệ là ông nào. Quốc hội vẫn bàn
nhiều đến ngân sách, tiền lương, đến các khoản nợ, nợ quốc gia, nợ của
các cơ sở quốc doanh, nợ của ngành ngân hàng, vẫn chỉ lo các nguồn ODA
và FDI bị giảm bớt do nền kinh tế của trong nước vẫn chưa đủ sức tự phát
triển bình thường.
Phải chăng đây là “nét sáng tạo độc đáo” của Bộ Chính trị các khóa gần
đây, đã tạo nên cho giới lãnh đạo của đảng một cuộc đi tắt, đón đầu
hoành tráng, không cần chờ cho nền kinh tế trải qua thời kỳ tư bản tích
tụ ban đầu để tạo nên cả một hệ thống ngân hàng hùng hậu với những nhóm
tài phiệt - tỷ phú đô-la Mỹ, hầu hết là bà con anh chị em bạn hẩu của
các quan chức ở đỉnh cao quyền lực.
Với chiến lược đi tắt đón đầu như thế, thì phải 40 năm nữa thu nhập
trung bình của người dân VN mới có thể bằng dân Nam Triều Tiên hiện
nay, nhưng ngay bây giờ tài sản của các tỷ phú đô-la VN đâu có thua kém
các tỷ phú Nam Triều Tiên hay Thái Lan.
Một bạn Pháp ghé tai tôi: Dân Việt Nam các ông hiền quá. Sự phi lý quái
đản của nước Việt Nam không thể trông đợi gì ở cuộc cách mạng hoa hồng
hay hoa huệ hay hoa sen mà cần phải có một cú điện chấn (un
electro-choc). Phải chịu đau, choáng váng, xáo trộn một chút, mọi người
thức tỉnh, giật mình, mới có cuộc đổi đời cần thiết và xứng đáng với
dân tộc Việt Nam.
Bùi Tín
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog
được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm
hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)
Càng nhiều luật thì càng bó tự do?
Việc ‘bổ sung’ văn bản luật do cuộc sống đòi hỏi khác xa hoàn toàn
với việc phải ‘làm lại’, ‘sửa chữa’ những điều không đáng sai.
Một trong những bộ luật quan trọng sắp được QH thảo luận tại hội trường
tuần này là Bộ Luật Dân sự sửa đổi. Tuy nhiên, phát biểu tại thảo luận
tổ cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ‘tâm tư’ rằng:
không thể tiếp tục mãi câu chuyện buồn là một bộ luật lớn như Luật Dân
sự mà cứ 10 năm lại thay đổi một lần và, dân sự càng nhiều luật, càng bó
tự do (VietNamNet, 13/11)...
Nếu tính đến năm 2015 thì, có lẽ, nước ta lập ‘kỷ lục’ thế giới vì liên
tiếp trong ba thập niên, cứ 10 năm lại sửa Luật Dân sự một lần (1995,
2005, 2015). Cách làm đó quả là lạ. Câu hỏi đặt ra: Tại sao chuyện đó
không xảy ra ở nhiều nước khác và, việc sửa đi sửa lại nhiều như thế có
thể làm cho người dân hiểu nhầm không?
Những cái sai không đáng xảy ra…
Trước hết, phải xác định dứt khoát rằng ‘tuổi thọ’ của một bộ luật tùy
thuộc hoàn toàn vào tài năng, sự cẩn trọng, tầm nhìn xa của các nhà lập
pháp. Đừng đổ lỗi rằng do cuộc sống thay đổi quá nhanh, thường xuyên
“đẻ’ ra các tình tiết, quan hệ mới, buộc luật pháp phải theo. Thực tế đó
là điều hiển nhiên, chẳng hạn, cách đây 20 năm không có khái niệm về bí
mật cá nhân, quyền riêng tư trong thư điện tử. Thế nhưng, việc ‘bổ
sung’ văn bản luật do cuộc sống đòi hỏi khác xa hoàn toàn với việc phải
‘làm lại’, ‘sửa chữa’ những điều không đáng sai.
Có
một câu chuyện xảy cách đây 227 năm – năm 1787. Khi đó, 55 nhà lập pháp
(phần lớn là trẻ tuổi) của một nhà nước đang hình thành- Hợp Chúng Quốc
Hoa Kỳ- họp để bàn xem nên soạn thảo Hiến pháp như thế nào, A.Hamilton
đã phát biểu rằng: Chúng ta có mặt ở đây để xây dựng một nền tảng pháp
lý (tức Hiến pháp) cho một quốc gia và chúng ta muốn nền tảng đó tồn tại
qua mọi thời đại. Vậy thì, chúng ta phải dự liệu những thay đổi mà các
thời đại đó sẽ tạo ra cũng như phải xác định được những điều không bao
giờ thay đổi.
Nhưng dường như, nguyên tắc kinh điển đó ít khi được các nhà làm luật
nước ta coi trọng. Chẳng hạn, độ tuổi bắt đầu hiểu biết - vị thành niên -
trưởng thành của một đời người hầu như ít khi thay đổi (các nước xác
lập tiêu chí “trưởng thành đầy đủ” trong khoảng từ 18-21 tuổi).
Thế nhưng, nếu giở mấy trang đầu tiên của Luật Dân sự hiện hành, sẽ thấy ngay sự mâu thuẫn khó giải thích.
Chẳng hạn, Điều 21 khẳng định trẻ đủ 06 tuổi là có “hành vi năng lực dân
sự”; thế nhưng trong toàn bộ Luật Dân sự, không hề trao cho trẻ từ 06
đến trước 09 tuổi bất kỳ quyền gì. Phải chăng áp đặt 06 tuổi là căn cứ
cảm tính theo tuổi bắt đầu đi học? Điều 20 cho rằng người chưa thành
niên khi giao dịch dân sự “phải được người đại diện đồng ý”; thế nhưng,
tại Điều 27 lại quy định rằng: “Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ 09
tuổi trở lên phải hỏi ý kiến người đó”(?)
Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để phân biệt quyền của người đại diện và người chưa thành niên khi cứ phải hỏi ý kiến lẫn nhau?
Công việc lập pháp đòi hỏi tính chặt chẽ của ngôn từ, không cho phép bất
kỳ một sự mơ hồ nào trong cách thể hiện của ngôn ngữ. Thế nhưng, Luật
Dân sự có không ít những sai sót trong chuyện này. Ví dụ, Điều 175 định
nghĩa “Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại”(?) Chẳng lẽ tài
sản nào cũng có khả năng sản sinh ra hoa lợi? Hoặc tại Điều 188, Luật
Dân sự quy định về “Quyền chiếm hữu gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới
nước” mà không hề nhắc đến các thứ không phải là gia súc, gia cầm. Chẳng
hạn nuôi gấu lấy mật thì áp dụng vào điều luật nào?...
Có phải “Dân sự càng nhiều luật thì càng bó tự do”?
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, “dân sự càng nhiều luật, càng
bó tự do”(?) Đây là vấn đề cần phải tranh cãi bởi vì thực tiễn cho thấy,
càng có nhiều quy định cụ thể phù hợp với nguyên tắc của luật pháp càng
tốt. Nó sẽ loại trừ các yếu tố mơ hồ, loại trừ những điều luật đa nghĩa
mà quan tòa muốn suy biện thế nào cũng được. Nhất là, ở các lĩnh vực
“cấm – không cấm” được diễn đạt đầy đủ, chi tiết thì người dân (thuộc
tầng lớp không có điều kiện học hành) mới biết rõ để mà chấp hành, tránh
được những vi phạm không đáng xảy ra.
Chẳng hạn, sự kiện một cô giáo phải tự tử vì sự lộng hành, lạm quyền của
hiệu trưởng (VietNamNet, 28/10) là một bằng chứng nhãn tiền: Không có
bất kỳ một điều luật quy trách nhiệm hay có một chế tài nghiêm khắc nào
đối với cấp trên khi cấp trên hành hạ cấp dưới. Cần nhấn mạnh rằng đây
không hề là trường hợp đơn lẻ - ít nhất, theo hiểu biết của người này.
Là một người có hàng ngàn cựu SV làm giáo viên các cấp, tôi đã nghe
nhiều lần về các ‘lãnh chúa’ ở các trường tiểu học và THCS chính là các
vị hiệu trưởng. Tuyệt đại đa số giáo viên không dám phản đối những sai
trái bởi họ sợ rằng nặng thì chuyển đến nơi xa, nhẹ thì bị trù dập. Nhẹ
nhất – riêng cái chuyện khi con nhỏ, bố trí dạy tiết 01 rồi bắt ngồi chờ
đến tiết 5 đã là hình phạt “hợp pháp” mà thâm thúy vô cùng…
Chính vì nguyên tắc cần phải cụ thể hóa các quan hệ dân sự nên đòi hỏi
cái nhìn tổng thể về các quan hệ dân sự vừa … tổng thể, lại vừa phải cụ
thể là vậy.
Những tắc trách đó gây phiền hà cho người dân và mọi cơ quan tố tụng.
Tác hại nhãn tiền là xã hội thiếu ổn định, mặc dù, ai cũng biết, Luật
Dân sự không phải là bộ luật khó nhất.
Hà Văn Thịnh
(Tuần Việt Nam)
Di sản thời Nguyễn Thiện Nhân: Giáo dục hay làm tiền?
“Có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân
tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và
con người Việt Nam” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI).
Có thể nói, khi Việt Nam xác định công cuộc xây dựng quốc gia phụ thuộc
vào yếu tố nhân lực chất lượng cao thì Bộ Giáo dục - nơi đầu não của
chính sách trồng người, nơi được rót đến 20% ngân sách nhà nước - đã làm
gì để “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần
Nghị quyết số 29-NQ/TW”?
Di sản Nguyễn Thiện Nhân
Khó có thể nói hết tầm quan trọng của Bộ Giáo dục, nhưng từ sau Đổi mới
đến nay, qua các đời Bộ trưởng, đầu não quyết sách giáo dục vẫn đang đi
những bước ì ạch, chậm chạp.
Sự
kiên nhẫn và trông chờ của xã hội đối với vấn đề đổi mới giáo dục và
đào tạo con người được Bộ Giáo dục đối đãi lại bằng những quyết định
không giống ai. Từ việc tiến hành các đợt cải cách thi cử, phong trào
chống tiêu cực cho đến đổi mới sách giáo khoa.
Những việc làm đó không đưa đến những thay đổi mang tính toàn diện cho
nền giáo dục nước nhà như kỳ vọng mà càng khiến nó trở nên bê bết hơn.
Nền giáo dục không những không khá lên, mà còn tụt hậu so với các quốc
gia trong khu vực, đặc biệt vẫn chưa thoát khỏi hư học, khi đào tạo
không đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội.
Từ năm 2006 đến nay, nền giáo dục được phổ cập đại trà và thị trường
hóa, hoàn toàn trái ngược với việc cơ cấu nền giáo dục theo mô hình xã
hội học tập. Các ngành và trường liên tục được mở ra, trong khi yêu cầu
xã hội về đội ngũ nhân sự lành nghề hoàn toàn không được đáp ứng. Hơn 70
nghìn cử nhân thất nghiệp và đang tăng phản ánh xác thực nhất chất
lượng đào tạo yếu kém đó.
Khi ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng, ông chính là người liên tục tấn
công vào bệnh thành tích trong giáo dục, nhưng ông lại là người rơi vào
bệnh thành tích khi mở nhiều trường đại học nhất. Ông để lại một di sản
về các trường đại học đại trà, và những phong trào không đến nơi, đến
chốn. Hệ quả là xuất hiện những trường hợp “không thi, tự dưng được báo
trúng tuyển đại học”.
Người giỏi “làm tiền”
Năm 2010, khi ông Nguyễn Thiện Nhân thôi nhiệm và ông Phạm Vũ Luận lên,
cứ tưởng sẽ có một cuộc thay máu trong nền giáo dục. Thế nhưng, ông Bộ
trưởng vốn là một người xuất thân từ ĐH Thương mại, nên có vẻ ông thích
hợp với cách làm tiền trong giáo dục hơn là một người hoạch định chính
sách giáo dục.
Từ khi ông lên nắm quyền Bộ trưởng, ông khiến cho dư luận mất dần sự
kiên nhẫn vốn có, trong khi thế hệ học sinh biến thành những nạn nhân
của cuộc thí nghiệm khổng lồ với các đề án “đổi mới” giáo dục tùy hứng,
thiếu đánh giá tác động, dù rằng ông luôn phủ nhận điều này. Nhưng từ
ban hành văn bản cho đến đưa ra các đề xuất giáo dục thời gian qua đã
không cho thấy như vậy.
Từ việc ngã giá kiểu “buôn tôm, bán tép” với đề án 34.000 tỷ rớt xuống
778,8 tỷ đến việc Bộ Giáo dục đề ra phương án thay đổi hệ thống giáo dục
(5 năm tiểu học, 5 năm THCS, 2 năm THPT) chưa được 8 ngày đã rút lại
(20/8 – 28/8) vì độ “chín” chưa tới. Rồi Bộ rút 2 kỳ thi xuống 1 kỳ thi
chung Quốc gia, tiếp đó dù đã công bố phương án kỳ thi chung quốc gia
với chủ trương bỏ tuyển sinh đại học theo khối và chuyển sinh tuyển sinh
theo môn thi. Nhưng sau đó, chính Bộ lại bất ngờ có công văn đề nghị
xét tuyển theo khối trở lại. Từ miễn thi ngoại ngữ trong thời đại toàn
cầu hóa đến việc bắt buộc phải thi môn này, rồi cụm thi tại địa phương
(ban đầu cấm các thí sinh không dự tuyển ĐH, chỉ xét tốt nghiệp, sau lại
nói không cấm)…, tất cả chỉ diễn ra trong thời gian 2 tháng.
Vậy sự nghiêm túc trong việc nghiên cứu các chính sách của Bộ nằm ở đâu
để phải diễn ra cái tình trạng bất nhất đến thế? Nếu không coi đó là sự
thiếu nghiêm túc trong công tác giáo dục, xa rời thực tiễn giáo dục Việt
Nam, “thí nghiệm trẻ con” thì nên coi nó là gì?
“Miếng bánh” quá ngon
Câu chuyện về kỳ thi Quốc gia với các vấn đề liên quan chưa chấm dứt thì
Bộ Giáo dục lại tiếp tục được nhắc đến với câu chuyện SGK. Theo truyền
thống từ bấy lâu nay, Bộ là người chủ trì biên soạn, in ấn rồi bán SGK.
Nhưng SGK qua nhiều đợt “cải cách” đến nay vẫn chưa có thấy mức độ giảm
tải, mà ngày một nặng nề. Các kiến thức hư học còn nhiều, trọng lượng
sách vở ngày một tăng. Cho nên, nếu có đưa máy tính bảng vào thay thế
sách vở truyền thống mà bỏ quên nội dung sách thì hiệu quả cũng bằng
không. GS Nguyễn Lân Dũng dẫn chứng: Tôi đã mua trên 70 cuốn sách giáo
khoa Sinh học ở bậc phổ thông của các nước và thấy chương trình ở ta
chẳng giống nước nào, vừa nặng lại vừa thấp.
Điều đó, dẫn đến đòi hỏi gay gắt về việc Bộ Giáo dục phải buông mảng SGK
ra thông qua xã hội hóa, trở về với cương vị là người quản lý tầm vĩ mô
trong việc kiểm định, duyệt sách, thay vì vừa đá bóng, vừa thổi kèn như
hiện tại. Thế nhưng Bộ viện lý do là “sợ” thiếu tính chủ động hay đến
thời điểm học mà vẫn không có bộ SGK chuẩn nên muốn giữ độc quyền, trong
khi sự độc quyền đó hoàn toàn không đáp ứng được sự mong đợi của xã
hội.
Không ngoa khi cho rằng, Bộ Giáo dục “cố đấm ăn xôi” để giữ “miếng bánh”
quá ngon này, và việc Bộ xin 778,8 tỷ đồng, trong đó 504,4 tỷ đồng là
ngân sách trung ương (có phát sinh thêm) để in ấn và bán sách trong khi
đó, các cá nhân, tổ chức khác thì buộc tự túc càng khiến cho nghi ngờ về
cái lương tâm giáo dục.
Chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc, cũng không đồng tình
về việc Bộ GD-ĐT vừa biên soạn, vừa thẩm định SGK vì đó là không khánh
quan, áp đặt.
Thế hệ con tin
Trong Hội nghị quán triệt Nghị quyết TW 8 (khóa 11) và tổng kết năm học
2012-2013, ông PTT Vũ Đức Đam cũng từng cho rằng giáo dục phải được đổi
mới, nhưng đổi mới trước nhất vẫn là đổi mới quản lý ở Bộ Giáo dục. Ông
Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không “câu giờ”, không câu dầm để
kéo lui nhưng phải hết sức khoa học và bình tĩnh. Ngay như cả việc thi
tuyển vào ĐH cũng cần phải xem xét một cách cẩn trọng”
Nền Giáo dục Việt Nam vốn đã tối màu, từ khi ông Phạm Vũ Luận lên nắm
quyền Bộ trưởng, ông tiếp tục thương mại hóa nền Giáo dục. Nhưng đó là
một cuộc thương mại chưa thấy lợi cho nền giáo dục, mà chỉ thấy có lợi
cho một nhóm người đứng đằng sau cái đề án, dự án giáo dục đó. Không
thấy sự bình tĩnh và cẩn trọng mà chỉ thiếu sự vội vã và bất nhất.
Ông Bộ trưởng đã chỉ ra rất đúng về những hạn chế của nền Giáo dục Việt
Nam, trong đó: Việc dạy - kiến thức nhiều, kỹ năng ít; Việc học - Thầy
dạy gì, trò học nấy; Thi - Đó là cuộc chạy đua căng thẳng với số phận
chứ không phải là kiểm tra chất lượng.
Nhưng gần 4 năm ông nắm giữ chức vị tư lệnh ngành giáo dục, những hạn
chế đó mà ông nhận ra đến nay phần nào đã được khắc phục hay ít nhất là
khắc chế? Không? Hoàn toàn không? Từ lượng kiến thức cho đến nạn thi cử,
tiêu cực. Chưa kể, vấn nạn giáo viên sư phạm tràn lan ra trường chạy
việc với suất vài chục cho đến vài trăm triệu đồng vẫn chưa được Bộ Giáo
dục đếm xỉa đến dù báo chí, xã hội đã lên tiếng.
Dù ông Phạm Vũ Luận nhấn mạnh đổi mới giáo dục là trận đánh lớn. Nhưng
trận đánh lớn đó các “tướng lĩnh đến binh lính phải quyết tâm, tin vào
chiến thắng, sẵn sàng trả giá” nổi không trước một cách làm không giống
ai ở Bộ của ông? Và nó diễn ra khi ông chỉ còn 1 năm nhiệm kỳ nữa là rời
ghế (2010-2014).
Đó có phải là một cuộc “đặt cược”, với những quyết định đầy nóng vội và
không hề đánh giá một cách đầy đủ các tác động? Và cái giá phải trả
chính là hơn “22 triệu thầy, cô giáo và học sinh, sinh viên”. Rõ ràng,
dù ông cố tình phủ nhận, nhưng với những gì ông thể hiện trong thời gian
qua, đó chính là đánh cược, một “đánh cược” trên một thế hệ học sinh,
sinh viên, giáo viên.
Vô liêm sỉ!
Xã hội không đòi hỏi cá nhân ông Bộ trưởng hay Bộ Giáo dục phải cho ra
kết quả tức thì của việc Đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện, nhưng nó
phải ít nhất thể hiện được tính đổi mới trong đó. Nhưng tính đổi mới
quá ít, trong khi đòi tiền lại quá nhiều. Chính điều đó, khiến cho Bộ
mải tranh giành miếng bánh SGK, vẽ các đề án đổi mới tiền tỷ mà quên
luôn trách nhiệm như chính tên gọi. Làm cho Giáo dục thay đổi liên tục,
và những lần thay đổi đều như một trận đánh đầy bất ngờ nhưng hiệu quả
lại thấp.
Ông Bộ trưởng muốn có sự đồng thuận để tiến hành đổi mới giáo dục, nhưng
đồng thuận thì cũng phải dựa trên cơ sở tin tưởng khoa học chứ không
phải là trên kiểu “làm thì láo mà báo cáo thì hay”. Cá nhân ông và cơ
quan mà ông đang đứng đầu cần hiểu giáo viên cần và muốn gì, học sinh
cần gì và xã hội muốn gì. Chứ không phải ngồi trong phòng lạnh mà ra các
chính sách thiếu thực tế và , khiến xã hội thấy cách “làm tiền” vô liêm
sỉ của Bộ Giáo dục thời kỳ ông quản nhiệm.
Nam Giang
(Việt Nam Thời Báo)
Miến Điện : Aung San Suu Kyi không thể làm Tổng thống
Triển vọng trở thành Tổng thống Miến Điện của bà Aung San Suu Kyi thêm xa vời ? Ảnh ngày 31/10/201 |
Cuối năm 2015, Miến Điện tổ chức bầu cử. Trong tiến trình đấu tranh thúc
đẩy cải cách dân chủ, phe đối lập, với nòng cốt là Liên đoàn Quốc gia
vì Dân chủ, đòi phải sửa đổi Hiến pháp, vốn được ban bố từ thời chế độ
quân sự độc tài, để lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi, có thể trở
thành Tổng thống. Các cuộc thương lượng đang diễn ra. RFI phỏng vấn ông
Maël Raynaud nhà phân tích độc lập, chuyên gia về Miến Điện.
RFI : Xin chào ông Mael Raynaud. Một ủy ban sửa đổi Hiến pháp
đã được thành lập. Ủy ban này phải có ý kiến về hai điều khoản chính gây
vấn đề, đó là điều khoản ngăn cản bà Aung San Suu Kyi trở thành Tổng
thống và điều khoản cho phép quân đội nắm quyền kiểm soát chính quyền.
Vậy ủy ban này có cơ may tạo được một sự thay đổi nào đó hay không ?
Maël Raynaud : Rất tiếc là không. Tôi xin thông báo một tin xấu
mà tôi vừa nhận được. Tôi nói chuyện qua điện thoại với các đồng nghiệp ở
Naypyidaw, thủ đô Miến Điện và được biết : Chính quyền đã ra quyết định
và bà Aung San Suu Kyi sẽ không thể trở thành tổng thống Miến Điện.
Lần này, Quốc hội mà người ta gọi Pythu Hluttaw tại Miến Điện, sẽ không
thay đổi quyết định. Tôi nghĩ là đã quá muộn. Giờ đây, vấn đề cần biết
là đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ - NLD và bà Aung San Suu Kyi sẽ
phản ứng như thế nào, liệu họ có quyết định tẩy chay cuộc bầu cử hay vẫn
tham gia ? Có lẽ họ sẽ tham gia, nhưng lần này, bà Aung San Suu Kyi
không thể trở thành Tổng thống.
RFI : Liệu có thể đạt được một thỏa hiệp trong những điều kiện như vậy hay không ?
Maël Raynaud : Đúng là từ nhiều tháng nay, bà Aung San Suu Kyi
thảo luận, đặc biệt là với Chủ tịch Quốc hội, ông Shwe Mann và họ cố
gắng cùng nhau tìm cách đạt được một sự dàn xếp nào đó, chỉ liên quan
đến Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Nếu Liên đoàn thắng cử, và trường hợp
này dường như chắc chắn sẽ xẩy ra trong cuộc bầu cử vào cuối tháng 10
đầu tháng 11 năm 2015, thì cần phải dàn xếp ra sao để đảng này có thể
chia sẻ quyền lực với các đại diện của quân đội, hiện vẫn là lực lượng
chính trị lớn nhất ở Miến Điện, trong lúc Chủ tịch Liên đoàn, bà Aung
San Suu Kyi lại không nắm chức Tổng thống. Cần phải tìm được một sự cân
bằng và các cuộc thương lượng đang diễn ra. Có nhiều lý do để nghĩ rằng
bằng cách này hay cách khác, sẽ có một giải pháp.
RFI : Vậy bà Aung San Suu Kyi có thể chấp nhận chức vụ gì trong tân chính quyền Miến Điện ?
Maël Raynaud : Theo Hiến pháp 2008, có hai Phó Tổng thống và bà
Aung San Suu Kyi có thể là một trong hai người này. Bà cũng có thể giữ
chức Chủ tịch Quốc hội, thay thế ông Shwe Mann. Đây là hai chức vụ có
nhiều khả năng nhất, và theo tôi, chắc chắn sẽ có một sự dàn xếp, thỏa
hiệp.
RFI : Điều đó có nghĩa là bà Aung San Suu Kyi vẫn luôn luôn là
chính khách dóng vai trò trung tâm trong phe đối lập. Ai có thể thay
thế bà ?
Maël Raynaud : Chắc chắn bà Aung San Suu Kyi vẫn là nhân vật
trung tâm trong phe đối lập và đương nhiên, đại đa số người dân Miến
Điện mong muốn là bà Aung San Suu Kyi trở thành Tổng thống. Tiếc thay,
mong muốn của họ không được đáp ứng.
Điều hiển nhiên là bà Aung San Suu Kyi vẫn là nhân vật chính trong phe
đối lập Miến Điện. Vậy ai có thể thay thế bà ? Rất tiếc là không. Bản
thân bà Aung San Suu Kyi cũng không có năng khiếu đào tạo người thay
thế. Bà có vai trò trụ cột và bà duy trì vị trí này. Chắc chắn, đây cũng
là một vấn đề đối với tương lại của Miến Điện.
RFI : Các cuộc xung đột với các cộng đồng thiểu số cũng đè nặng
lên tương lai Miến Điện. Có một tiến trình tái lập hòa bình đang diễn
ra. Mọi việc hiện nay đến đâu rồi ?
Maël Raynaud : Có hai điểm. Trước tiên - và đây là thông tin tốt
đẹp – là nhìn chung, chính phủ, quân đội và các cộng đồng thiểu số thảo
luận với nhau. Tại Miến Điện hiện nay, không còn có những cuộc xung đột
giống như tình hình trong những năm 1970. Rất tiếc là thỉnh thoàng, đâu
đó, vẫn diễn ra các cuộc đọ súng. Nhưng nhìn trong tổng thể, chiến sự đã
ngưng.
Điểm thứ hai, liên quan đến sự thành công của tiến trình này. Người ta
có thể nghi ngại một chút nào đó. Nhưng rõ ràng cả hai bên đều có những
nỗ lực thực sự. Vấn đề là chính phủ ngay từ đầu đã quyết định cần tiến
xa hơn là việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn đơn giản, bằng cách cố
đạt được một hiệp định chính trị. Điều này rất khó thực hiện. Người ta
sẽ thấy tiến trình này bị chệch choạng ra sao, nhưng vào lúc này, người
ta có thể lạc quan bởi vì chiến sự đã ngưng và đồng thời, người ta cũng
hơi bi quan một chút, bởi vì tiến trình này có vẻ không mang lại kết
quả.
RFI : Từ khi lên cầm quyền, cách nay 18 tháng, ông Thein Sein
đã đóng vai trò như một học sinh giỏi của phương Tây, thực hiện một loạt
các cải cách, đến mức là Hoa Kỳ bãi bỏ trừng phạt. Giờ đây, khả năng
hành động của ông ra sao ?
Maël Raynaud : Không chỉ Mỹ mà cả Liên Hiệp Châu Âu đều bãi bỏ
trừng phạt. Điều thứ nhất mà tôi muốn nói là hãy chấm dứt kiểu nhìn nhận
Miến Điện và Tổng thống Thein Sein như là những người tìm mọi cách để
làm hài lòng phương Tây.
Miến Điện là một nước có 51 triệu dân và có những vấn đề chính trị nội
bộ. Tổng thống Thein Sein phải nghĩ tới người dân, nghĩ tới quân đội
đứng sau lưng ông và ông cũng phải nghĩ tới những nhân vật như bà Aung
San Suu Kyi. Khi tôi nói, ông Thein Sein nghĩ tới những người này, không
có nghĩa là ông nhất thiết đồng ý với họ, nhưng ông phải chú ý tới họ
và mối quan tâm của ông còn hơn nhiều người ngoại quốc.
Ông Thein Sein vẫn có khả năng hành động để tiếp tục thực hiện các cải
cách. Tiến trình cải cách sẽ còn kéo dài hơn một năm, bởi vì trong một
năm nữa, ông có thể rời chức Tổng thống. Nhưng thực ra với mối quan hệ
của ông với phương Tây, rất có thể là Miến Điện sẽ tiếp tục có quan hệ
tốt đẹp với phương Tây, ít ra là cho tới sang năm.
RFI : Phải chăng Hoa Kỳ đã quá vội vã kỳ vọng vào tiến trình này, theo như nhận định của bà Aung San Suu Kyi ?
Maël Raynaud : Tôi hiểu điều bà Aung San Suu Kyi nói, bởi vì bà
nghĩ như vậy và bà cũng có một sự tính toán chính trị nào đó. Nếu bà nói
rằng chính phủ đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì bà sẽ không còn
lập luận gì nữa để chống lại họ về chính trị trong các cuộc bầu cử sẽ
diễn ra vào năm tới. Điều thứ hai, đối với Hoa Kỳ, tại một nước như Miến
Điện, tiến trình chuyển đổi, cải cách rất phức tạp. Hoa Kỳ không có một
sự lựa chọn nào khác là phải đi cùng, hỗ trợ tiến trình này.
Đức Tâm
(RFI)
Tại sao tình hữu nghị Nga-Trung sẽ bền vững
Gần đây, Trung Quốc và Nga đã thách thức trật tự quốc tế bằng cách hậu
thuẫn lẫn nhau trên mặt trận ngoại giao để đối phó vấn đề Ukraine và
Hồng Kông, theo thứ tự tương ứng. Nhưng các quan sát viên phương Tây gần
như đã hiểu lầm những lý do khiến hai nước phải xây dựng các quan hệ
thân thiết với nhau hơn trước. Nga và Trung Quốc được thúc đẩy bởi các
lợi ích vật chất mà hai nước chia sẻ thì ít, nhưng bởi một ý thức thông
thường về cái căn cước dân tộc [national identity] thì nhiều. Cái bản
sắc dân tộc này tự định hình trong cuộc đối kháng chống phương Tây và
trong việc củng cố cách nhìn của mỗi nước về di sản của chủ nghĩa cộng
sản truyền thống.
Moscow
và Bắc Kinh có những bất đồng về trật tự tương lai mà họ dự phóng cho
khu vực riêng của mình. Nhưng cả hai đều nhất trí rằng trật tự địa chính
trị phương Đông chắc chắn xung khắc với trật tự địa chính trị phương
Tây – và chính điều này đã dẫn hai nước đến những quan hệ song phương
gần gũi hơn trước một cách đáng kể.
Một số quan sát viên phương Tây đã nhấn mạnh quá đáng về các căng thẳng
Trung-Xô trong thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời tranh luận rằng quan hệ
giữa Bắc Kinh và Moscow có thể vẫn còn thiếu bền vững vì những chuyển
biến đã diễn ra bên trong hai nước từ thập niên 1990, kể cả tiến trình
dân chủ hóa tại Nga, toàn cầu hóa tại Trung Quốc, và sự trỗi dậy nhanh
chóng của một giai cấp trung lưu có khả năng tiếp cận thông tin bên
ngoài tại cả hai nước. Về việc Trung Quốc và Nga xây dựng các quan hệ
mới, các quan sát viên này tin rằng tình hữu nghị Nga-Hoa chỉ là một
cuộc hôn nhân hờ [a marriage of convenience] sẽ bị các lợi ích quốc gia
khác gạt qua một bên, trong đó phải kể đến các quan hệ hữu hảo với
phương Tây.
Nhưng hầu hết người phương Tây không hiểu được rằng, kể từ những năm
1990, các quan chức Trung Quốc và Nga đã bắt đầu hối tiếc về những căng
thẳng giữa hai nước trong thời Chiến tranh Lạnh. Họ hiểu rằng vấn đề
tranh chấp được gây ra do thiếu sự trùng hợp lợi ích quốc gia thì ít, mà
do bản sắc dân tộc thì nhiều – cái bản sắc dân tộc đã bị méo mó bởi các
đòi hỏi ý thức hệ về quyền lãnh đạo thế giới cộng sản. Moscow phạm phải
sai lầm nghiêm trọng khi chờ đợi Bắc Kinh cam chịu quyền lãnh đạo của
mình, chấp nhận vai trò của một đối tác đàn em. Lãnh đạo Trung Quốc
không chấp nhận vai trò đó, vì điều ám ảnh duy nhất của họ là tính ưu
việt của ý thức hệ Cộng sản Trung Quốc.
Các nhà làm chính sách của hai nước cương quyết không lặp lại các vấn
nạn này. Mặc dù Trung Quốc đang ở trong vị thế là một đối tác nổi bật
trong mối quan hệ này, nhưng họ đã tỏ ra tự chế. Các lãnh đạo tại Moscow
và Bắc Kinh tránh để cho chủ nghĩa dân tộc bá quyền nước lớn
[chauvinistic nationalism] lấn át lợi ích quốc gia của nhau trong một nỗ
lực chung nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của phương Tây trong khu vực của
mỗi nước.
Vì mục đích đó, chính phủ của hai nước chủ ý tập trung vào những chính
sách đối ngoại nhắm tới việc triệt hạ chính nghĩa của phương Tây
[Western legitimacy], đồng thời thận trọng không đưa ra những bình luận
phê phán các tham vọng của nhau trong chính sách đối ngoại. Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình đã mô tả cái gọi là Giấc mộng Trung Hoa [China
Dream] về một trật tự địa chính trị mới tại châu Á do các chính phủ
trong khu vực tạo dựng nên – trong đó Bắc Kinh đóng một vai trò khống
chế. Trong một cung cách tương tự, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rõ
mục đích của mình là tạo ra một Liên minh Á Âu, trong đó các quan hệ
giữa các quốc gia Xô-viết trước đây là do Moscow định đoạt. Nga và Trung
Quốc cáo buộc Mỹ đang thể hiện một não trạng hiếu chiến của thời Chiến
tranh Lạnh bằng cách ra sức ngăn chặn tham vọng chính đáng của hai nước
trong các khu vực ảnh hưởng của họ.
Ít ra có đến sáu lý do để tin rằng quan hệ đối tác ngầm này giữa Nga và
Trung Quốc là bền vững. Một, Putin và Tập đã và đang dựa vào các ý thức
hệ rất giống nhau để biện minh cho chế độ của mình. Cả hai đều nhấn mạnh
niềm tự hào về thời đại xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa dĩ Hoa vi trung
[Sinocentrism] hay chủ nghĩa dĩ Nga vi trung [Russocentrism] vốn đang
tìm cách nới rộng trật tự chính trị trong nước ra bên ngoài, và chủ
nghĩa chống bá quyền [anti-hegemonism].
Mặc dù chủ nghĩa dân tộc Nga có một tố chất bài ngoại [a strain of
xenophobia] trong đó, từng tiếp sức cho lối tuyên truyền mị dân chống
Trung Quốc trong những năm 1990, nhưng Putin đã hạn chế tối đa khía cạnh
dân tộc chủ nghĩa này và tránh trực tiêp nhắc đến sự trỗi dậy của Trung
Quốc. Ý thức hệ dĩ Hoa vi trung [Sinocentrist ideology] có xu thế tương
tự là nuôi dưỡng các căng thẳng với Nga – trong đó có việc thách thức
các đòi hỏi chủ quyền của Nga tại Trung Á gồm lãnh thổ trước đây đã
thuộc về Liên Xô. Nhưng các lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc đã cho
thấy, trong các hội nghị và diễn đàn quốc tế, kể cả tại Tổ chức Hợp tác
Thượng Hải, rằng họ sẵn sàng bày tỏ sự tôn trọng [vùng] ảnh hưởng chính
trị và văn hóa của Nga.
Hai, Trung Quốc và Nga đang tìm cách nêu bật những dị biệt lịch sử với
phương Tây và nhấn mạnh chiến tuyến giữa họ với Mỹ trong thời Chiến
tranh Lạnh. Sách báo bị nhà nước kiểm duyệt tại hai nước ít khi nhắc đến
cuộc tranh chấp Trung-Xô trong Chiến tranh Lạnh. Mặc dù trước đây một
số sử gia Trung Quốc đã nhìn nhận rằng Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ là
do Bắc Triều Tiên xâm lăng Nam Triều Tiên, nhưng các sách giáo khoa mới
nhất đồng loạt đổ lỗi cho Mỹ đã gây ra chiến tranh.
Trong xu thế này, các nhà làm chính sách và các học giả trong cả hai
nước gia tăng lập luận rằng phương Tây không bao giờ thay đổi não trạng
đế quốc thời Chiến tranh Lạnh của mình. (Họ đưa ra bằng chứng bằng cách
cáo buộc phương Tây đã hậu thuẫn cho cái gọi là các cuộc cách mạng màu
tại Ukraine và Hồng Kông.) Luận điệu này ngụ ý là Trung Quốc và Nga vẫn
phải tiếp tục chống lại ảnh hưởng của phương Tây và đóng góp cho việc
kiến tạo một trật tự quốc tế mới.
Ba, cả hai nước đều lập luận rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
năm 2008 chứng tỏ rằng mô hình chính trị và kinh tế của phương Tây đang ở
trên bờ thất bại và là kém ưu việt hơn các mô hình phát triển của họ
(phần sau của tranh luận này có sức thuyết phục tại Trung Quốc nhiều hơn
tại Nga.) Các lãnh đạo tại Bắc Kinh và Moscow đều không cho phép xã hội
dân sự có điều kiện tạo ra một nguy cơ nào cho chế độ của mình, vì thế
trong năm 2014 này đã ra tay đàn áp thô bạo hơn bất cứ thời điểm nào kể
từ đầu thập niên 1990.
Bốn, cả Putin lẫn Tập đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các quan hệ song
phương Nga-Hoa trong việc đối đầu với các mối đe dọa từ ngoài vào. Đây
là một hệ luận [a corollary] của việc hai chính phủ đều nhấn mạnh vai
trò quan trọng của chủ nghĩa cộng sản, dù đó là một ý thức hệ đang thống
trị (tại Trung Quốc) hay như một di sản lịch sử tích cực (tại Nga).
Điều này làm hai nước không còn bao nhiêu đồng minh ý thức hệ ngoài việc
chỉ còn có nhau [các đồng minh ý thức hệ khác là Việt Nam, Cuba và Bắc
Hàn – ND] – và ta không có lý do để tin rằng điều này sẽ thay đổi trong
một tương lai có thể thấy trước.
Năm, Nga và Trung Quốc đã thể hiện thành công một nỗ lực là đứng cùng
một phe trong các tranh chấp quốc tế. Để khỏi xung đột công khai về các
vấn đề khu vực, như các chính sách chủ quyền lãnh thổ và năng lượng của
Việt Nam, cả Trung Quốc lẫn Nga đều ngăn cấm việc bàn luận công khai
các bất đồng quan điểm giữa hai nước, nhờ vậy giảm thiểu sức ép của dân
chúng tại nước này đòi hỏi chính phủ phải lên tiếng phản đối nước kia.
Đồng thời mỗi nước đều vác loa rêu rao mối đe dọa của Mỹ và đồng minh
của Mỹ trong bất cứ tranh chấp nào liên quan tới một trong hai nước.
Chiến dịch này có hiệu quả đến nỗi trong năm nay đôi khi khó phân biệt
giữa sách báo Nga và sách báo Trung Quốc viết về cuộc khủng hoảng tại
Ukraine hay các cuộc biểu tình tại Hồng Kông.
Sáu, hiện có những chiến dịch mà chính phủ hai nước đang tiến hành để đề
cao bản sắc dân tộc. Putin và Tập đã vận dụng mọi nguồn lực có sẵn
trong tay, kể cả chế độ kiểm duyệt gắt gao và cuộc tranh luận sôi nổi từ
trên xuống dưới, để động viên cả nước hậu thuẫn một cuộc tuyên truyền
chính trị inh ỏi nhằm biện minh cho các cuộc đàn áp ở trong và ngoài
nước. Những kêu gọi này đã có hiệu quả vì chúng dựa vào những nỗi bất
bình do lịch sử để lại và sử dụng luận điệu bá quyền nước lớn rất quen
thuộc. Kết quả là, chủ nghĩa dân tộc đã trỗi dậy mạnh mẽ nhất tại hai
nước kể từ điểm cao của Chiến tranh Lạnh.
Luận điệu của Trung Quốc trong việc hậu thuẫn các hành động của Putin
tại Ukraine và luận điệu của Nga tán thành quan điểm của Tập về các vấn
đề Đông Á không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên. Nói đúng ra, đó là một
đặc điểm của một trật tự địa chính trị mới thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Chừng nào những nhà lãnh đạo chính trị chóp bu hiện nay tại Trung Quốc
và Nga còn nắm giữ quyền lực, thì không có lý do gì để kỳ vọng một thay
đổi lớn hoặc trong bản sắc dân tộc của hai nước hoặc trong quan hệ
Nga-Hoa.
Những nước hi vọng tạo ra sự chia rẽ giữa hai quốc gia – trong đó có
Nhật Bản dưới Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe – chắc chắn sẽ thất vọng.
Nói cách khác, không phải là chuyện ngẫu nhiên khi Mỹ không giành được
hậu thuẫn của Trung Quốc trong nỗ lực chống chủ nghĩa bành trướng Nga
tại Ukraine. Dù vấn đề là Bắc Triều Tiên, Iran, hay một thách thức nào
khác đối với phương Tây, ta nên sẵn sàng chứng kiến có thêm nhiều cuộc
đọ sức từ phía Nga-Hoa, chứ không hề giảm bớt.
Tác giả: Gilbert Rozman | Biên dịch: Trần Ngọc Cư
___________
GILBERT ROZMAN là Phó Giảng viên tại Phân khoa Nghiên cứu Đông Á của
Đại học Princeton. Sách mới nhất của ông là The Sino-Russian Challenge
to the World Order (Thách thức Nga-Hoa đối với Trật tự Thế giới).
Nguồn: “Asia for the Asians. Why Chinese-Russian Friendship Is Here To Stay”, Foreign Affairs 29/10/2014
Bản tiếng Việt © 2014 Trần Ngọc Cư & pro&contra
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
Hà Nội: Một gia đình bị giật sập tường vì... hiến ít đất
Khi công an đến hiện trường, bức tường rào có chiều dài khoảng 40m, chiều cao 2m đã bị người dân trong xóm du đổ xuống đường.
Sáng 14.11, hàng chục người dân thôn Tân Phú, xã Phú Cường (huyện Sóc
Sơn, Hà Nội) mang theo cuốc, xẻng, dây thừng đến kéo đổ 40 m tường rào
của ông Nguyễn Văn Chinh (80 tuổi) và bà Trần Thị Sáu (78 tuổi) trước sự
chứng kiến của cán bộ thôn và công an xã Phú Cường. Nguyên nhân được
cho là hộ gia đình này hiến đất làm đường giao thông hơi... ít.
Bà Sáu xót xa trước bức tường bị phá.
Bà Trần Thị Sáu kể, lúc 8h ngày 14.11, một cán bộ thôn Tân Phú vào nhà
bà hỏi: Tình hình thế nào, có con đường này, hai bác có bỏ ra không? Ông
Chinh, bà Sáu trình bày chỗ đất xã cần lấy làm đường trị giá gần 400
triệu đồng, gia đình đồng ý hiến 100 triệu đồng, còn lại đề nghị xã đền
bù. Nghe đến đây, ông cán bộ thôn bỏ ra ngoài gọi điện, một lúc sau có
vài chục người đến kéo đổ tường.
Đoạn video clip do gia đình ông Chinh ghi lại cho thấy lực lượng thôn
Tân Phú có mặt trước và trong khi bức tường rào của nhà ông Chinh, bà
Sáu bị phá.
Khi lập biên bản, Công an xã Phú Cường ghi: Khi công an đến hiện trường
thì thấy bức tường rào có chiều dài khoảng 40m, chiều cao 2m đã bị người
dân trong xóm du đổ xuống đường.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Phú Cường -
xác nhận có sự việc một số người dân “bức xúc” kéo đổ tường gia đình
ông Chinh. Ông Tuấn cho biết thêm, cùng ngày 14.11 đã phân công Bí thư
chi bộ, trưởng thôn và trưởng ban công tác mặt trận phải đến tận cơ sở
vận động người dân cùng gia đình ông Chinh không làm nóng thêm tình hình
để xã tiếp tục giải quyết sự việc.
(Dân Việt)