Thất bại khi một dân tộc phải dựa dẫm thánh thần mà đi
(PL)- Cái sảy nảy cái ung, nếu không cẩn thận, hệ quả của các lễ hội
không chỉ dừng lại ở sự nhốn nháo mà còn có nguy cơ đẩy dân tộc đến chỗ
yếu đuối, tự ti và bạc nhược.
Ngày tế, lễ với công dân
nhiều quốc gia có văn hóa gần gũi với chúng ta như Nhật, Hàn Quốc, Đài
Loan, Singapore… diễn ra thật thanh bình và giản dị. Vào lúc giao thừa,
người Đài Loan, Nhật Bản cùng nhau quây quần trong nhà. Sáng sớm, họ tới
chùa đánh chuông, cầu mong sự tốt đẹp cho đất nước và người thân. Mọi
sự diễn ra thật bình dị, ấm áp và sang trọng. Họ tin vào những gì họ có
và tin vào ngày mai, cho dù Nhật là quốc gia nằm ở chỗ vỏ Trái đất yếu
nhất, chịu rủi ro cao nhất nhưng phong thái của họ toát lên một vẻ ung
dung tự tại.
Thay vì tiết kiệm, chăm chỉ lao động,
nâng cao năng suất, sáng tạo thì tất cả gửi vào nhang khói, đồ mã, tiền
tiến cúng và những lời cầu khấn ngây ngô.
Lễ hội là tấm gương phản chiếu thái độ
sống của một dân tộc. Cứ đến ngày tết và các lễ sau tết, ngày thi cử thì
cả đất nước ta sôi lên sùng sục. Mọi người đổ đến chùa chiền, miếu mạo
để cầu xin sự phù hộ của thánh thần. Có rất nhiều người đi hàng chục
ngôi chùa, rủ nhau trở thành hội đi chùa, tạo ra một mùa hành hương.
Trong số đó có không ít quan chức nhà nước đi miếu, chùa bằng xe biển số
xanh, nhất là các bà vợ của họ. Họ dâng sớ cầu xin đủ thứ trên đời, nào
cầu an, cầu lộc, cầu tài, cầu tình, cầu duyên, cầu tự và cả những thứ
“độc địa” khác nữa. Hàng triệu con người bỏ thời gian đi tới những nơi
được coi là linh thiêng với thái độ hối hả, lo lắng, sợ sệt, tự ti chen
lẫn khoe mẽ. Nhiều tỉ đồng tan thành mây khói nuôi dưỡng cho niềm tin mơ
hồ nhưng rất mãnh liệt. Lễ hội ở các nơi trên thế giới có thể đông
nhưng bát nháo như ở ta thì cực hiếm. Chúng đan xen rất nhiều thái cực
và nhiều tâm thế. Ngoài ái, ố, hỉ, nộ ra thì còn biết bao nhiêu chuyện
bi hài khác diễn ra trong lễ hội. Người hoan hỉ khi cướp được lộc thánh,
người đau khổ vì cầu chưa xong đã mất tài sản, kể cả mất mạng. Giá như
mọi người biết rằng “lộc thánh” như miếng vải có ấn triện đỏ đỏ, hoa tre
là bùi nhùi ở đầu thanh tre, tiền của chúa là những miếng giấy bản được
in mệnh giá thủ công,… nào đâu phải của “thánh”, của “chúa” mà chỉ là
do một ai đó người trần mắt thịt tạo ra. Rất có thể trong số họ chả
thiếu người bất hảo đã hà hơi thêu dệt nên ảo ảnh, được những người có
thế lực tiếp tay đẩy lên thành thứ “thiêng”.
Hối hả, giành giật, chen chúc, xô xát,
chặt chém, lừa lọc, chửi bới, hối hận, cay cú, máu me,… là trạng thái
tâm thần của lễ hội chúng ta. Từ “phụ mẫu của dân” đến tất cả con dân
của một đất nước phải vin vào thánh thần mà đi tới tương lai thì quả
thật đất nước đang có vấn đề, vượt ra khỏi tâm linh trong sáng mà chuyển
sang một trạng thái cực đoan khác. Không thể kéo dài tình trạng này
được nữa, những người có trách nhiệm cần phải có nhận thức đúng, phải có
thái độ đúng và hành xử đúng.
Bác Hồ nói một quốc gia dốt là một quốc
gia yếu, mà u mê là một biểu hiện của dốt nát. Một dân tộc dựa dẫm thánh
thần không thể nào là một dân tộc mạnh khỏe.
TS NGUYỄN MINH HÒA, ĐH KHXH&NV TP.HCMNguồn: http://phapluattp.vn/thoi-su/that-bai-khi-mot-dan-toc-phai-dua-dam-thanh-than-ma-di-535128.html