Cái gì khiến ông Thủ
tướng Campuchia làm điều đó, hay nói toẹt ra như Tân Hoa Xã: “Thủ tướng
Cambodia đã ủng hộ những quyền lợi thiết yếu của Bắc Kinh”, hoặc nữa như
nhận xét của GS. Carl Thayer khi trả lời đài RFI: “Trung Quốc sử dụng trắng trợn Chủ tịch ASEAN như là kẻ đại điện thừa hành của mình”?
Hẳn chắc không một người nào có chút hiểu biết trên thế giới này mà lại
không nhìn thấy và tìm ngay được câu trả lời gần với sự thật nhất.
Nhưng điều mà chúng tôi
muốn nói ở đây không chỉ có thế. Chúng tôi dám chắc, không sớm thì muộn,
ông Ngoại trưởng Trung cộng Dương Khiết Trì thế nào cũng sẽ phải thân
hành sang Việt Nam, tìm đến ngôi mộ của tử tù Năm Cam để sửa một lễ cúng
và tự mình quỳ xuống khấn khứa vái lạy mấy vái, vì Năm Cam đã từng có
câu nói để đời tổng kết đúng những chiêu cơ bản mà nhà nước Trung Cộng
từ bao lâu nay vẫn áp dụng bài bản và cũng khá thành công đối với không
ít Chính phủ thuộc loại những nước nghèo hoặc những nước đang cố tìm con
đường đầu tư phát triển để giàu lên, ở mọi khu vực trên thế giới chứ
không riêng gì vài ba nước Đông Nam Á. Năm Cam đã nói rành rẽ như sau:
“Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”.
Tuy nhiên, Dương tiên
sinh chớ có vội hý hửng. Bảo cho họ Dương biết để về tâu lại với các
đấng bề trên, rằng chớ có quên một câu châm ngôn khác cũng đang là bài
học sờ sờ đối với Đảng cộng sản của nước các ông: “Tiền mua được tất cả
trừ lòng tin thì không bao giờ mua được”.
Bauxite Việt Nam
|
1. ASEAN bế tắc, vì đâu?
Việt-Long, RFA
Vốn liếng các bên đặt vào Biển Đông ngày càng tăng
cao khi Hoa Kỳ chuyển trục chiến lược trở lại châu Á, nhờ đó Philippines
và Việt Nam chọn lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Thế nhưng…
Hai Ngoại trưởng Việt Mỹ chào hỏi tại hội nghị ASEAN+3 – RFA photo
“Đơn giản thôi: Trung Quốc đã mua đứt!”
Hội nghị Ngoại trưởng khối ASEAN lần thứ 45 đã kết
thúc trong không khí chia rẽ gay gắt khi chạm đến vai trò của Trung Quốc
trong vùng biển chiến lược Nam Trung Hoa, mà Bắc Kinh đã xác định.
Các Ngoại trưởng đã không thể đồng thuận về bản tuyên
bố chung. Và lần đầu tiên từ 45 năm nay, hội nghị đã không đạt được một
văn bản kết thúc.
Sự chia rẽ trong 10 quốc gia thành viên ASEAN xảy tới
sau một loạt sự kiện đụng chạm trên Biển Đông liên quan đến tàu bè của
Trung Quốc trong vùng biển giàu tiềm năng nhiên liệu, gây nguy cơ chiến
tranh.
Ngoại trưởng Hillary Clinton tại hội nghị ASEAN+3 – RFA photo
Philippines tuyên bố lấy làm tiếc về sự thất bại của
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á khi xử lý vấn đề xung khắc ngày càng tệ
hại đó.
Manila chỉ trích Phnom Penh, một đồng minh thân cận
của Trung Quốc, về cách hành xử đối với vấn đề Biển Đông với cương vị
của Cambodia là nước Chủ tịch thường niên của khối ASEAN, trong suốt hội
nghị Ngoại trưởng tuần qua.
Biển Đông đã trở nên khu vực nóng bỏng nhất tại châu
Á, với nguy cơ bùng nổ chiến tranh, chỉ vì Bắc Kinh giành chủ quyền bằng
đường Lưỡi Bò khoanh chiếm gần trọn Biển Đông.
Vốn liếng các bên bỏ vào nơi này đã tăng cao khi Hoa
Kỳ chuyển trục chiến lược trở lại châu Á, nhờ đó mà đồng minh
Philippines và cựu thù Việt Nam của Mỹ chọn lập trường cứng rắn hơn đối
với Trung Quốc.
Sự chia rẽ của khối ASEAN lần này là một điềm gở cho
một khối liên kết muốn hình thành một cộng đồng kinh tế khu vực vào năm
2015, tương tự Liên minh châu Âu. Khối kinh tế ASEAN trong tương lai sẽ
hạ giảm các hàng rào thuế quan, lao động và thị trường tài chính, để
cạnh tranh với Trung Quốc.
Một nhà ngoại giao không muốn nêu tên tiết lộ với báo New York Times về lý do không hình thành được tuyên bố chung: “Rất đơn giản, chỉ là Trung Quốc đã mua đứt chiếc ghế, vậy thôi”.
Hội nghị ASEAN+3 – RFA photo
Nhà ngoại giao chỉ một bài báo của Tân Hoa Xã hôm thứ
năm loan tin Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cám ơn Thủ tướng
Cambodia Hun Xen đã ủng hộ những quyền lợi thiết yếu của Bắc Kinh.
Nhà ngoại giao ẩn danh cũng cho biết Việt Nam và
Philippines đã tỏ ra sẵn sàng thoả hiệp với ý kiến của Cambodia về bản
tuyên bố chung. Rồi hai Ngoại trưởng Singapore và Indonesia nói thêm vào
để thuyết phục Bộ trưởng Hor Namhong, nhưng ông này từ chối, nói rằng
vấn đề nguyên tắc là Hiệp hội không thể chọn bên nào trong các cuộc
tranh chấp song phương. Ông ta gom lại giấy tờ và đùng đùng bước ra khỏi
phòng họp!
Đến Ngoại trưởng Trung Quốc nếu có ở đó cũng sẽ hành xử hệt như vậy và cũng chỉ làm đến như vậy là cùng!
Vai trò của Washington được minh định
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại Hội
nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN – Hoa Kỳ, rõ ràng nhắm vào Trung Quốc,
khi bà nói cuộc xung khắc ở Biển Đông cần được giải quyết không áp chế,
không bức hiếp, không đe doạ và không sử dụng võ lực.
Ảnh hưởng của Trung Quốc, do Ngoại trưởng họ Dương
đại diện, đã thể hiện rõ ở sau hậu trường của những tính toán về Biển
Đông, trên nhiều khía cạnh, đã chia rẽ những nước chịu ơn Bắc Kinh với
những nước đối đầu với Bắc Kinh.
Cambodia là nước nhận viện trợ lớn lao của Trung Quốc, kể cả viện trợ quân sự mới mấy tháng nay.
Indonesia là quốc gia không giành chủ quyền ở biển
Đông, đã cố gắng tạo một văn bản hòa hợp để được đồng thuận vào phút
chót, nhưng cũng không thành công.
Ngoại trưởng Marty Natalegawa ca ngợi Ngoại trưởng Mỹ
Hillary Clinton đã tỏ ra quan tâm mà vẫn dành cơ hội cho các bên nỗ lực
đạt thỏa thuận.
Vào lúc mà một bên là Hoa Kỳ với thế lực áp đảo về
hải quân xưa nay, bên kia là Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, cả
hai cùng tìm cách tăng cường lực lượng hải quân, cuộc tranh chấp trở nên
đáng sợ hơn.
Trung Quốc nhắc đi nhắc lại với giới ngoại giao Hoa Kỳ rằng Biển Đông giàu tiềm năng nhiên liệu không dính dáng gì tới nước Mỹ.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh tại Phnom Penh – RFA photo
Nhưng chính quyền Obama cũng nhiều lần nói rất rõ
rằng quyền tự do lưu thông hàng hải đang lâm nguy ở nơi thủy lộ giao
thương quan trọng nhất trên thế giới.
Thêm vào đó, Ngoại trưởng Hillary Clinton xác định
với báo chí, không thể nào rõ hơn, rằng “Hoa Kỳ là một cường quốc thường
trú của Thái Bình Dương”. Ngụ ý của bà Ngoại trưởng với Trung Quốc
cùng các nước Đông Nam Á là nước Mỹ không những vẫn duy trì sự hiện diện
mà còn gia tăng hiện diện ở nơi này.
Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố:”Chúng ta từng thấy những
trường hợp đáng lo ngại của sự áp chế về kinh tế, sự sử dụng sức mạnh
quân sự có vấn đề, và tàu bè của Nhà nước liên can vào những tranh chấp
giữa các ngư dân”. Sự áp chế về kinh tế ngụ ý nói đến việc Bắc Kinh
quyết định ngưng nhập khẩu chuối và hạn chế du khách đến Philippines,
gây cho xứ này thiệt hại tài chính đáng kể.
Bắc Kinh thắng một nước cờ
Trung Quốc đã minh định rằng chỉ giải quyết tranh
chấp ở biển Đông với từng quốc gia liên quan, không qua một diễn đàn khu
vực. Lập trường đó đã đóng khung cho nội dung tổng quát của bản Quy
tắc ứng xử trên Biển Đông mà Bắc Kinh đồng ý bàn thảo với các quốc gia
ASEAN trong tương lai.
Và Bắc Kinh có vẻ đã thành công đối với Philippines
và Việt Nam để chia ASEAN thành từng cây đũa, khi khối ASEAN không kết
hợp được thành một thực thể pháp nhân để đối đầu với Trung Quốc, theo
đúng ý Bắc Kinh xếp đặt từ lâu, trước cả lúc viện trợ ồ ạt cho Phnom
Penh.
Giới ngoại giao châu Á hôm thứ năm cho biết những yếu
tố chính của bản dự thảo bản Quy tắc ứng xử mà Hoa Kỳ đã thúc giục khối
ASEAN chấp nhận, đã được đồng ý trong buổi họp trong tuần. Những nhà
ngoại giao này không chịu tiết lộ nội dung chi tiết của dụ thảo văn bản.
Chuyến đi một vòng Đông Nam Á của Ngoại trưởng
Clinton tuần qua là để chứng tỏ việc chuyển trục chiến lược của
Washington sang châu Á còn nhắm tới những mục tiêu xa hơn lãnh vực quân
sự.
Ngoại trưởng Clinton trong Hội nghị EAS – RFA photo
Chuyến công du này bị báo chí Hoa lục chỉ trích. Nhân dân nhật báo
hôm thứ năm cho rằng Hiệp ước Mậu dịch Đối tác Xuyên Thái Bình Dương,
TPP, mà Hoa Kỳ đang hình thành với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương
và gạt Trung Quốc ra ngoài, là một nỗ lực làm suy yếu sự hội nhập của
châu Á.
Báo “Tin tức kinh doanh Trung Quốc”, China Business News, nhắc đến “những kẻ thổi phồng đề tài biển Nam Trung Hoa”, ám chỉ Hoa Kỳ.
Hội nghị ở Phnom Penh được tổ chức tại một tòa nhà
hội nghị có những cây cột trắng ngoạn mục, do Trung Quốc kiến tạo cho
vòng hội nghị này.
Ở nơi này, khi được hỏi về việc Hoa Kỳ trợ giúp
Cambodia, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhắc đến sự khác biệt giữa
hai đường lối viện trợ của Hoa Kỳ và của Trung Quốc. Bà nói:
”Chúng ta không nhắm đến những tòa nhà lớn” và bà cho
biết viện trợ của Hoa Kỳ nhằm nuôi sống những người cần được nuôi sống,
bảo đảm sự sống còn của phụ nữ phải sinh nở, và gắng cải thiện cuộc
sống của mọi người, nhất là cuộc sống của các thiếu nhi”.
V.L.
2. Cam Bốt bị tố cáo chiều ý Trung Quốc để phá hoại ASEAN
Trong lịch sử ASEAN, chưa bao giờ một Hội
nghị cấp Ngoại trưởng của khối lại không ra được một bản Tuyên bố chung
cuộc để đúc kết tiến trình đàm phán, thảo luận. Thế nhưng điều không thể
tưởng tượng nổi đó đã xảy ra tại các Hội nghị ASEAN tại Phnom Penh, vừa
kết thúc hôm qua, 13/07/2012. Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, Giáo sư Carl Thayer cho rằng Phnom Penh đã phá hoại nghiêm trọng uy tín của ASEAN.
Ngoại trưởng Cam Bốt Hor Namhong trong lễ bế mạc Hội nghị ASEAN (Reuters)
Nguyên nhân chính là do có bất đồng không thể giải
quyết giữa Philippines và Cam Bốt liên quan đến Biển Đông. Chính quyền
Manila muốn ghi tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc tại bãi đá
Scarborough vào trong bản Tuyên bố chung, một đề nghị đã bị Cam Bốt,
trong tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN bác bỏ. Bất chấp các đề nghị
thỏa hiệp, cả hai bên đều không thay đổi ý kiến, và Cam Bốt quyết định
là Hội nghị sẽ không có được tuyên bố chung.
Trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ RFI, Giáo
sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc đã phê phán thái độ của Cam
Bốt cho rằng Phnom Penh đã phá hoại nghiêm trọng uy tín của ASEAN. Ông
phân tích như sau :
Hành động của Cam Bốt trong tư cách Chủ tịch
ASEAN đã xóa nhòa sự phân biệt giữa Cam Bốt, một trong 10 thành viên của
ASEAN và Cam Bốt, Chủ tịch ASEAN. Lần đầu tiên trong lịch sử của Hiệp
hội Đông Nam Á, các Ngoại trưởng đã phải cùng nhau làm việc trên một
chương trình nghị sự rất nặng nề nhưng lại bị mất đi phương tiện truyền
thống để công bố các quyết định của mình, vì cho đến nay, bản Tuyên bố
chung của Chủ tịch ASEAN có mục tiêu ghi lại các quyết định của toàn
khối [đã không công bố được].
Tình hình bắt nguồn từ hành động của Cam Bốt đã
đẩy ASEAN vào một tình thế chưa từng thấy. Trang web của Ban Thư ký
ASEAN hoàn toàn im hơi lặng tiếng lặng về những vấn đề này.
Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Cam Bốt?
Nói cách khác, sau một tuần thảo luận một loạt
các vấn đề – không chỉ là vấn đề Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) mà thôi –
cả khu vực và phần còn lại của thế giới đều không biết được là ASEAN đã
quyết định những gì. Đây là một đòn nghiêm trọng đánh vào vị thế và uy
tín quốc tế của ASEAN.
Có thể coi là trách nhiệm về việc ASEAN không đạt
được đồng thuận hoàn toàn thuộc về Cam Bốt. Ghi nhận của những người có
mặt tại Phnom Penh cho thấy rằng chính Cam Bốt trong vai trò Chủ tịch
đã tỏ ra bướng bỉnh và không khoan nhượng. Họ liên tục cảnh cáo rằng sẽ
không có Tuyên bố chung để hăm dọa Philippines. Ngay cả khi Indonesia
đứng ra làm trung gian để tìm ra một thỏa hiệp, Cam Bốt cũng không chịu
nhúc nhích, và bỏ ngang cuộc họp.
Rất có thể là tranh cãi về các từ ngữ trong bản
Tuyên bố chung sẽ lan qua và gây nhiễu cho tiến trình đàm phán giữa các
thành viên ASEAN và Trung Quốc trên một bộ Quy tắc Ứng xử (tại Biển
Đông). Cam Bốt đã lộ mặt như là một “con ngựa kềm bước” giúp Trung Quốc.
Điều này sẽ làm cho đàm phán về một bộ Quy tắc Ứng xử COC chung cuộc
với Trung Quốc khó khăn hơn. Chắc hẳn là Philippines, và có thể là một
số nước ASEAN khác, sẽ không còn tin tưởng Cam Bốt trong việc giữ kín
các lập trường đàm phán bí mật của họ.
Định hướng đối ngoại của ASEAN đến nay đi theo
hai chủ trương. Đầu tiên hết là ASEAN cần duy trì quyền tự chủ của khu
vực, chống việc các cường quốc ngoài khối xen vào công việc nội bộ của
minh. Kế đến, ASEAN nhấn mạnh đến khẳng định vai trò “người cầm lái”
hoặc là nhân tố trung tâm của kiến trúc an ninh khu vực. Hành động của
Cam Bốt cho thấy rõ ràng là sự thống nhất và gắn kết của ASEAN, công cụ
giúp khối này cách ly với thế lực bên ngoài, đã bị sứt mẻ nặng nề. Không
những Trung Quốc đã xâm nhập được vào trong ASEAN, mà họ đã làm được
như vậy thông qua đại diện là Cam Bốt. Điều đó sẽ tác động tiêu cực đến
vai trò “người cầm lái” của ASEAN.
Liệu còn nước ASEAN nào tin được Cam Bốt?
Đối với Giáo sư Thayer, hành động của Cam Bốt đã làm
xóa bỏ sự tin tưởng lẫn nhau trong khối, gây trở ngại cho ASEAN trong nỗ
lực tiến tới một Cộng đồng vào năm 2015.
Hành động của Cam Bốt sẽ đầu độc các hoạt động
của ASEAN từ nay cho đến tháng Mười một, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và
các hội nghị cấp cao liên quan sẽ được tổ chức. Cam Bốt đã mất đi vai
trò trung lập của họ với tư cách là Chủ tịch ASEAN, và một số thành viên
ASEAN sẽ nghi ngờ sự điều hành của Cam Bốt trong phần còn lại của năm
2012 này.
Hiện nay đã có một vết rạn thực thụ trong sự
thống nhất của ASEAN, và vết này có thể trở thành một kẽ nứt và cản trở
việc thành lập Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, vốn là một trong ba
trụ cột của Cộng đồng ASEAN, dự kiến có hiệu lực vào năm 2015. Tình
trạng rắc rối vừa qua làm tăng khả năng ASEAN bị tách thành hai nhóm:
các quốc gia lục địa và các quốc gia duyên hải và hàng hải.
Nếu ASEAN muốn trở thành một cộng đồng, họ phải
có được một “nhận thức về chúng ta”, rằng các thành viên chia sẻ với
nhau nhiều điểm chung hơn là với các cường quốc bên ngoài. Nền an ninh
của ASEAN phải được xem như là không thể chia cắt. Hành động của Cam Bốt
trong tuần này cho thấy là nhận thức về một cộng đồng ASEAN rất là mong
manh.
Trung Quốc thắng trước nhưng có thể thua sau
Phải chăng sự cố vừa qua là một chiến thắng của Trung
Quốc trong mưu toan chia rẽ ASEAN và một thất bại của Hoa Kỳ trong mong
muốn tạo dựng một mặt trận ASEAN thống nhất? Về vấn đề này, Giáo sư
Thayer phân tích:
Sự kiện ASEAN bị chia rẽ không phải là lợi ích
của Mỹ. Hoa Kỳ đã quan tâm đến việc phát huy một cách tiếp cận hợp tác
ngoại giao để giải quyết tranh chấp Biển Đông và hỗ trợ một bộ Quy tắc
Ứng xử COC có tính chất ràng buộc. Các Ngoại trưởng ASEAN đã đạt được
thỏa thuận về các yếu tố chính của COC. Đấy là một vấn đề tách biệt với
thất bại trong việc ra Tuyên bố chung.
Trung Quốc có thể là đã chỉ giành được một chiến
thắng kiểu Pyrrhic (tức là thắng trước nhưng lại thua sau). Thất bại của
ASEAN trong việc nêu lên tranh chấp Scarborough Shoal trong Tuyên bố
chung là một thành công tạm thời của Trung Quốc. Nhưng thắng lợi đó có
khả năng bị suy yếu do phản ứng trước việc Trung Quốc sử dụng trắng trợn
Chủ tịch ASEAN như là đại điện thừa hành của mình.
Các Ngoại trưởng ASEAN đã ký tắt công nhận các
yếu tố chính của một Bộ Quy tắc Ứng xử cho Biển Đông. ASEAN đã tiến hành
ít nhất hai cuộc họp không chính thức với Trung Quốc về việc xúc tiến
đàm phán. Các cuộc thảo luận chính thức dự kiến có thể mở ra vào tháng
Chín. Trung Quốc đã bắn tin là họ sẵn sàng đàm phán với các thành viên
ASEAN khi điều kiện “chín muồi”.
ASEAN đã tự dặt ra thời hạn chót là tháng Mười
một năm nay phải đạt được thỏa thuận, để bộ Quy tắc Ứng xử có thể được
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào thời điểm đó thông qua.
Từ nay đến đó con đường còn khó khăn, Trung Quốc
có thể được khuyến khích để xoáy vào khác biệt quan điểm trong ASEAN để
xóa nhòa các điều khoản liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp trong
Bộ Quy tắc Ứng xử của ASEAN.
Lợi ích của Trung Quốc là cho thấy về mặt hình
thức là họ làm việc với các thành viên ASEAN để tiến tới một giải pháp.
Tại sao vậy ? Để khỏi bị Hoa Kỳ thúc bách sau lưng nó.
T.N.