Tham gia sâu hơn vào cuộc chiến chống khủng bố ở Syria,
Trung Quốc nguy cơ bị IS trả đũa, nhưng nếu không, uy tín và lợi ích của nước
này có thể bị tổn thất.
Tình trạng bạo lực ngày càng tăng ở Syria mấy tuần qua dường
như đang tạo ra không ít sức ép đối với Trung Quốc, buộc nước này phải cân nhắc
tới lựa chọn tham gia sâu rộng và chủ động hơn trong nỗ lực nhằm giải quyết cuộc
khủng hoảng tại đây, theo Bloomberg.
Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đứng ra nhận trách nhiệm cho
hàng loạt vụ tấn công mới nhất ở Beirut và Paris. Chúng cũng tuyên bố là thủ phạm
khiến chiếc máy bay thuộc hãng hàng không giá rẻ của Nga rơi trên bán đảo
Sinai, Ai Cập, hồi cuối tháng trước.
Việc một con tin Trung Quốc bị IS hành quyết hôm 18/11
cho thấy rõ ràng Bắc Kinh cũng nằm trong tầm ngắm của nhóm khủng bố. Bên cạnh
đó, việc Nga triển khai không kích các mục tiêu khủng bố ở Syria còn khiến
Trung Quốc trở nên lạc lõng khi vẫn duy trì quan điểm không can thiệp quân sự
vào cuộc nội chiến ở Syria.
"Có lẽ những sự kiện gần đây đang kéo Trung Quốc lại
gần hơn với cuộc khủng hoảng Syria", Michael Clarke, giáo sư từ Đại học Quốc
gia Australia, nhận định. "Ở một mức độ nào đó, hành động can thiệp của
người Nga và các cuộc tấn công ở Paris đã làm thay đổi cuộc chơi, khiến giải
pháp chính trị ưa thích của Bắc Kinh khó có thể thực hiện được. Cái chết của
công dân Trung Quốc dưới tay IS chắc chắn sẽ tạo thêm những yếu tố mới ảnh hưởng
đến tính toán của Bắc Kinh" liên quan đến vị thế mà họ muốn duy trì quanh
xung đột ở Syria.
Dù quá trình khuếch trương quyền lực của Trung Quốc tại
nước ngoài chủ yếu tập trung vào bảo vệ những lợi ích kinh tế đang phát triển
và cam kết không can thiệp vào vấn đề của quốc gia khác, việc làm ngơ trước cuộc
khủng hoảng ở Syria cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Điều đó sẽ ảnh hưởng tới uy tín của Trung Quốc trên trường
quốc tế với tư cách là một cường quốc đang lên hay thậm chí làm xấu đi hình ảnh
của tầng lớp lãnh đạo trong mắt công chúng, đặc biệt là khi Chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình thường xuyên đề cập tới tham vọng biến sức mạnh kinh tế của nước
này trở thành quyền lực chính trị, chuyên gia nhận xét.
Uy
tín và lợi ích
Sau khi phiến quân IS thực hiện
chuỗi vụ tấn công đẫm máu ở Paris hôm 13/11 khiến ít nhất 130 người thiệt mạng,
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã thúc giục Nga và Mỹ chung tay tiến hành
các chiến dịch không kích nhằm diệt trừ IS. Anh đang cân nhắc góp một phần sức
lực trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Những gì đang diễn ra biến Trung
Quốc thành thành viên có quyền phủ quyết duy nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp
Quốc vẫn ủng hộ việc tìm kiếm một giải pháp chính trị thay vì can thiệp quân
sự.
Đây là
một vị thế không thoải mái đối với Trung Quốc, đặt trong bối cảnh nước này mới
hai lần sử dụng quyền phủ quyết của mình mà không có Nga. Bắc Kinh và Moscow
từng phủ quyết 4 nghị quyết liên quan đến Syria và gần đây nhất là phản đối một
đề xuất được Mỹ ủng hộ nhằm đưa những cáo buộc tội ác chiến tranh chống lại
chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad lên Tòa án Hình sự Quốc tế.
Bắc
Kinh đã không cho thấy nhiều chuyển biến lớn trong hành động cũng như chính
sách sau khi IS tuyên bố hành quyết chặt đầu một công dân Trung Quốc. Trong
phiên họp báo thường kỳ hôm 19/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng
Lỗi tái khẳng định Trung Quốc muốn để "Liên Hợp Quốc thực hiện vai trò
điều phối của mình" trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Trung
Quốc hôm 20/11 lên tiếng ủng hộ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an, lên án IS
là "mối đe dọa chưa từng có đối với hòa bình và an ninh toàn cầu",
cùng lúc kêu gọi nỗ lực nhằm "phá hủy" nơi trú ẩn an toàn của quân
khủng bố ở Iraq và Syria.
Theo
ông Raffaello Pantucci, giám đốc ban nghiên cứu an ninh quốc tế thuộc Viện các
Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh, dù Trung Quốc có thể cung cấp một số hỗ
trợ về hậu cần, nước này vẫn sẽ không cam kết sử dụng vũ lực hay tán thành
những đề xuất làm suy yếu chính quyền Assad.
"Tôi
không nghĩ đó thực sự là một động thái có khả năng thay đổi cục diện cuộc
chơi", Pantucci nói.
Giới
chuyên gia cho rằng chính vì lợi ích toàn cầu ngày càng tăng cao nên Bắc Kinh
có lẽ đang muốn xem xét lại chính sách không can thiệp được cố thủ tướng Trung
Quốc Chu Ân Lai đề ra vào năm 1955. Song, sự mở rộng này cũng khiến Trung Quốc
phải đối mặt thường xuyên hơn với các mối đe dọa khủng bố trên khắp thế giới.
Đáng
chú ý hơn cả là việc ba giám đốc điều hành thuộc Tập đoàn Xây dựng Đường sắt
Trung Quốc cuối tuần trước nằm trong 22 người thiệt mạng sau khi các tay súng
có liên hệ với al-Qaeda tấn công Khách sạn Radisson Blu ở thủ đô Bamako, Mali.
TheoBloomberg,
mọi phân tích chi phí - lợi ích đều dẫn các lãnh đạo Trung Quốc tới quyết định
duy trì một vai trò không quá lớn tại Syria. Nhưng nếu không làm gì cả, hậu quả
sẽ rất khủng khiếp nếu một ngày IS tiến hành các cuộc tấn công quy mô nhằm vào
lợi ích của Trung Quốc.
Song,
hệ quả của một hành động trực tiếp cũng sẽ rất nghiêm trọng. Dù Abu Bakr
al-Baghdadi, thủ lĩnh tối cao của IS, năm ngoái liệt Trung Quốc vào danh sách
20 nước có hành vi "đàn áp" quyền lợi của người Hồi giáo, nhóm này
vẫn chỉ coi Trung Quốc như một phần nhỏ của nỗi tức giận hướng về phương Tây,
quan sát viên Ting Shi nhận định.
Nếu
tham gia tích cực hơn vào cuộc xung đột ở Syria, nguy cơ Trung Quốc phải hứng
chịu các cuộc tấn công trả đũa từ IS là rất lớn, đặc biệt là ở Tân Cương, nơi
an ninh còn bất ổn và tập trung nhiều người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Từ tháng 12 năm ngoái đến nay
đã có ít nhất 300 người Duy Ngô Nhĩ gia nhập IS, tờGlobal
Timesđưa tin. Một
cổng thông tin ở Tân Cương hôm 20/11 xác nhận lực lượng cảnh sát đã tiêu diệt
28 kẻ bị buộc tội khiến 5 cảnh sát và 11 dân thường thiệt mạng trong một vụ tấn
công ở khu vực Aksu. Các đối tượng trên được cho là bị xúy giục bởi "một
tổ chức cực đoan nước ngoài".
Mặt
khác, Trung Quốc cũng không hề muốn theo chân Mỹ can thiệp quân sự vào Trung
Đông, ông Li Guofu, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện nghiên
cứu Quốc tế Trung Quốc, đánh giá. Thay vào đó, họ chọn cách nhấn mạnh vào việc
tăng cường hợp tác toàn cầu để chống khủng bố.
"Bắc
Kinh hiểu rõ rằng cách tiếp cận của Mỹ ở Syria và Trung Đông không đem lại hiệu
quả", Li nói. "Bạn thấy điều gì xảy ra rồi đấy, không kích càng
nhiều, khủng bố càng mạnh".
Vì thế,
theo giáo sư Clarke, ông Tập có lẽ sẽ chọn một vị trí trung lập. "Vấn đề ở
đây là có quá nhiều bên tham gia vào xung đột đã chọn xong phe phái. Điều này
đặt ông Tập vào thế khó", Clarke nói.
"Lời
của Lưu Á Châu có thể làm nhiều người không thoải mái, nhưng con người
chỉ nghe lời hay ý đẹp sẽ không thể thức tỉnh được. Bài phát biểu của
Lưu chính là một tiếng nói khác."
LTS:
Những ngày vừa qua, Nga và Pháp ngay lập tức gia tăng cường độ chiến
dịch không kích nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại
Syria, sau các vụ khủng bố nhằm vào máy bay Nga và các vụ tấn công đẫm
máu ở Paris.
Trong khi đó, hành động của Trung
Quốc - quốc gia có 1 công dân vừa bị IS hành quyết và 3 công dân khác
thiệt mạng trong vụ khủng bố Mali hôm 20/11 vừa qua - vẫn chỉ dừng lại ở
tuyên bố "tăng cường hợp tác với quốc tế".
Chính phủ Trung Quốc né tránh trả lời
vấn đề này, trong khi truyền thông lý giải nguyên nhân là do sự khác
biệt giữa những giá trị cốt lõi về lợi ích quốc gia mà Bắc Kinh cần
"cân, đo, đong, đếm" nếu tham chiến.
Nhân đây, chúng tôi xin giới thiệu
tới quý độc giả bài diễn thuyết của của Thượng tướng Lưu Á Châu - Chính
ủy ĐH Quốc phòng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc - phân tích cách
thức mà xã hội Trung Quốc phản ứng với 1 sự kiện khủng bố phương Tây, cụ
thể là vụ 11/9.
Bài diễn thuyết tướng Lưu nói tại
căn cứ quân sự Côn Minh ngày 10/5/2010 (thời điểm ông vẫn mang hàm Trung
tướng) và được truyền thông Trung Quốc cũng như quốc tế đánh giá là
"chấn động".
Dưới đây, chúng tôi xin trích đăng bài diễn thuyết trên.
---
Tín niệm và đạo đức
Tôi là người kế thừa văn hóa Trung Quốc,
cũng là người phê phán văn hóa Trung Quốc. Trong quá khứ, trước hết tôi
là người kế thừa văn hóa Trung Quốc, sau đó mới là người phê phán. Hiện
tại, tôi là người phê phán, sau mới là người kế thừa văn hóa Trung
Quốc.
Lịch sử phương Tây là quá trình "bỏ ác theo thiện". Lịch sử Trung Quốc lại là quá trình "bỏ thiện theo ác".
Phương Tây cổ đại cấm đủ điều, chỉ có
bản năng con người là không cấm. Trung Quốc cái gì cũng không cấm, chỉ
cấm bản năng của con người.
Người phương Tây dám thể hiện chính mình
và tư tưởng cá nhân, cũng dám "khoe" bản thân lõa thể. Người Trung Quốc
chỉ biết "mặc quần áo". "Mặc quần áo" cho tư tưởng. Mặc quần áo dù sao
cũng dễ hơn cởi quần áo.
Hegel nói: "Trung Quốc không có triết học."
Tôi nhận định Trung Quốc hàng ngàn năm qua chưa từng sinh ra tư tưởng
gia. Tư tưởng gia mà tôi nói tới, là những người có cống hiến trọng đại
cho tiến trình văn minh nhân loại như Hegel, Socrates, Plato...
Lão Đam (Lão Tử) có phải là tư tưởng gia
hay không? Chỉ dựa vào cuốn "Đạo đức kinh" 5.000 chữ có thể trở thành
tư tưởng gia được không? Chưa kể tới "Đạo đức kinh" có vấn đề.
Khổng Tử có thể xem là tư tưởng gia chăng?
Hậu nhân chúng ta "kiểm duyệt" ông thế
nào? Tác phẩm của ông chưa từng cung cấp cho người Trung Quốc một thể hệ
giá trị quan về nội tâm có thể đối kháng được quyền lực thế tục. Cái
ông đem lại là "tất cả xoay vòng quanh quyền lực".
Nếu như Nho học là tôn giáo, thì đó là
"ngụy tôn giáo"; nếu là tín ngưỡng, thì đó là "ngụy tín ngưỡng"; còn nếu
là triết học, thì đó là triết học của xã hội bị "quan trường hóa".
Xét từ ý nghĩa này, Nho học là có tội
đối với người Trung Quốc. Trung Quốc không thể có tư tưởng gia mà chỉ có
chiến lược gia. Xã hội Trung Quốc là một xã hội binh pháp. Dân tộc của
chúng ta chỉ tôn sùng chiến lược gia.
Một nhân vật có sự nghiệp chẳng mấy
thành công như Gia Cát Lượng lại được người ta hoài niệm. Ông không có
hùng tâm tráng chí, dùng người cũng không đúng đắn. Có tư liệu còn chỉ
rõ ông là kẻ lộng quyền.
Nhưng một người như thế lại được nâng lên tầm cao đáng giật mình. Đây cũng là một kiểu phản ánh tâm linh của dân tộc chúng ta.
Trong một hình thái xã hội như thế, có 3 loại hành vi trở nên phổ biến:
1. Ngụy biện
Con trai tôi năm nay (2010-PV) thi đỗ
vào khoa báo chí một trường đại học. Khoa này là một trong những khoa
báo chí xuất sắc nhất ở Trung Quốc. Tôi bèn bảo con trai đưa giáo trình
để tôi xem. Xem xong tôi nói, thứ này không đáng để đọc.
Trong giáo trình có một khẳng định:
Trung Quốc phát minh ra thuốc súng. Sau khi thuốc súng truyền tới châu
Âu đã "phá vỡ những thành trì phong kiến thời Trung cổ" ở châu Âu.
Thật là nực cười, anh phát minh ra thuốc
súng đi phá vỡ "thành trì phong kiến" của người ta, vậy thành trì của
chính anh tại sao không bị phá? Ngược lại còn kiên cố hơn?
Khi thảo luận vấn đề Đài Loan tại ĐH
Quốc phòng, có một quan điểm khá "ăn khách": Đài Loan là một "chiếc
khóa". Nếu không giải quyết được vấn đề Đài Loan thì "chiếc khóa" sẽ
chặn "cửa lớn" của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không có đường ra biển lớn.
Quan điểm này là ngụy biện. Tôi có thể phản bác lại trong một câu.
Tây Ban Nha sau khi trở thành cường quốc
trên biển đã không hề chặn nước láng giềng Bồ Đào Nha cũng trở thành
cường quốc đại dương.
Eo biển Dover (Calais), Pháp chỉ cách
lãnh thổ nước Anh 28 hải lý, Anh có ngăn cản Pháp trở thành cường quốc
trên biển hay không?
Mấu chốt khiến Trung Quốc mất đi đại dương chính là các thế hệ thống trị trong lịch sử không có quan niệm "hải quyền".
2. Đối ngoại mềm mỏng, đối nội tàn nhẫn
Văn minh châu Âu và văn minh Trung Quốc
gần như cất bước cùng nhau, nhưng châu Âu hình thành nhiều quốc gia nhỏ,
trong khi Trung Quốc hình thành một đại đế quốc thống nhất.
Nói tới điều này, chúng ta thường cảm
thấy vui mừng. Kỳ thực, việc châu Âu hình thành nhiều quốc gia chính là
một cách thể hiện lục địa này có tự do tư tưởng.
Mặc dù bọn họ chia thành nhiều nước nhỏ,
nhưng, ít nhiều những gì có liên quan tới văn minh nhân loại đã được
sinh ra từ chính những quốc gia tách rời này.
Còn chúng ta làm được gì cho văn minh thế giới?
Thống nhất giang sơn chắc chắn có liên
hệ tất yếu với thống nhất tư tưởng. Xã hội chiến lược là xã hội mang
tính hướng nội. Tôi từng nghiên cứu kỹ lưỡng những khác biệt giữa
Mỹ-Trung: Trung Quốc ở các sự vụ quốc tế về cơ bản là mềm mỏng, đối với
sự vụ trong nước thì cứng rắn.
Nước Mỹ ngược lại, cứng rắn trong lĩnh vực sự vụ quốc tế, mềm mỏng ở các vấn đề quốc nội.
Tôi không nhớ tôi đọc được vấn đề này
trong cuốn sách nào, nhưng có một kết luận: Đó là do bất đồng văn hóa
quyết định. Văn hóa Trung Quốc là khép kín, hướng nội; văn hóa Mỹ là cởi
mở, hướng ngoại.
Quan niệm "nhất thống" cũng là một tư
tưởng theo kiểu hướng nội. Điều này giải thích vì sao chúng ta là "cừu"
trước các thế lực ngoại xâm, nhưng lại là "sói" trước chính đồng bào của
mình.
[...]
Người Trung Quốc muốn dân mình đánh mình, đó mới gọi là dũng mãnh!
3. Thấp hèn, thô tục
Tinh thần thấp hèn tất dẫn đến hành vi thấp hèn. Tinh thần cao quý sẽ đưa tới hành vi cao quý.
Khoảng 20 năm trước, ở khu tập thể tôi
sống phát sinh một chuyện thế này: Một đôi vợ chồng đòi ly hôn. Ông
chồng đưa "tình mới" về nhà, cãi cọ ầm ĩ. Bà vợ chạy lên nóc nhà định
nhảy xuống.
Người vây xung quanh đứng xem rất đông. Có người hào hứng hét lên: "Nhảy đi! Nhảy đi!" Sau đó bà vợ được cảnh sát cứu xuống, những người xem thậm chí còn thấy tiếc nuối.
Tôi thở dài trở về nhà, bật tivi xem.
Truyền hình đang phát một câu chuyện ở châu Âu. Tại nước nào đó, tôi nhớ
mang máng là Hungary, 70 năm trước có một thợ mỏ trẻ tuổi chuẩn bị làm
đám cưới.
Lần cuối cùng người này xuống mỏ trước
hôn lễ, tai nạn sập hầm xảy ra khiến anh ra đi mãi mãi. Cô dâu không tin
người mình yêu đã ra đi nên mỏi mòn chờ đợi suốt 70 năm.
Gần đây người ta tu sửa lại hầm mỏ đã
phát hiện ra một thi thể chính là chú rể khi trước. Do trong hầm không
có không khí, thi thể chú rể lại ngâm trong nước chứa khoáng chất nên
vẫn giữa được sự trẻ trung như 70 năm trước. Còn cô dâu khi ấy đã trở
thành một bà lão tóc bạc trắng.
Bà ôm thi thể người yêu khóc thảm thiết và đưa ra quyết định tiếp tục hoàn thành hôn lễ.
Đó là một cảnh tượng chấn động lòng
người: Tân nương 80 tuổi trong bộ váy cưới trang trọng màu trắng, tóc bà
cũng trắng như tuyết. Người yêu của bà, vẫn trẻ trung như vậy, được đặt
nằm trong cỗ xe ngựa.
Hôn lễ và tang lễ cử hành đồng thời, khiến bao người phải rơi nước mắt.
Sự kiện dễ dàng khảo nghiệm tiêu chuẩn
đạo đức của dân tộc chúng ta nhất chính là sự kiện 11/9 ở Mỹ. Vụ 11/9 dù
không thay đổi thế giới, nhưng đã thay đổi nước Mỹ. Đồng thời, thế giới
cũng rất khó quay trở về thời điểm "trước 11/9".
Khi vụ khủng bố trên xảy ra, ở đất nước
chúng ta, ít nhất là trong một khoảng thời gian, một bầu không khí "kém
lành mạnh" lan tỏa khắp nơi.
Tối 12/9, có người gọi điện cho tôi nói rằng, sinh viên trường ĐH Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa đang "khua chiêng gõ trống".
Tôi nói đội tuyển bóng đá Trung Quốc
ngày 7/10 mới thi đấu. Đó là trận cuối cùng gặp Các tiểu vương quốc
Ả-Rập thống nhất (UAE), nếu thắng sẽ lọt vào vòng chung kết World Cup.
Một lúc sau tôi mới biết thì ra các sinh
viên Trung Quốc đang ăn mừng tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế
giới (WTC) tại Manhattan bị máy bay khủng bố đâm vào.
Trung Quốc có một đoàn đại biểu nhà báo,
khi ấy đang làm việc tại Mỹ. Khi nhìn thấy tháp đôi bị đâm trúng, nhóm
ký giả này không đừng được đã vỗ tay hoan hô.
Đây là một dạng thẩm thấu văn hóa. Không
thể chỉ trích bọn họ vì hành động như vậy, bởi bản thân họ đã không thể
tự kiểm soát được bản thân nữa. Kết quả nhóm này bị Mỹ tuyên bố "vĩnh
viễn không hoan nghênh".
Tôi ở Không quân Bắc Kinh, mấy ngày ấy
có nhiều người trong bộ đội tới thăm, tôi đều hỏi cách nhìn của họ về sự
kiện 11/9. Tất cả đều nói: "Nổ rất hay".
Về sau tôi mới nói, đó là điều đáng
buồn. Nếu những người như thế yêu Trung Quốc, vậy Trung Quốc còn cứu
được không? Truyền thông thì không cần nhắc tới, vì nơi không có thời sự
nhất ở Trung Quốc chính là trên mặt báo.
Năm 1997, công nương Diana qua đời trong
vụ tai nạn giao thông. Bạn không cần biết Diana là người thế nào, Hoàng
gia Anh ra sao, nhưng chí ít nhân vật này có "giá trị thời sự". Các tờ
báo lớn trên thế giới đều đăng thông tin đó trên trang nhất, chỉ có báo
Trung Quốc không đăng.
Ngày hôm đó, dòng tít lớn nhất trên báo
chí Trung Quốc là "Các trường trung học, tiểu học ở Bắc Kinh khai
giảng". Bài báo này chẳng khác đưa tin "Ngày hôm nay người dân Bắc Kinh
ăn cơm" là mấy, giá trị chỉ có vậy.
Tối ngày thứ hai sau vụ 11/9, tôi xem
chuyên mục "Phỏng vấn tiêu điểm" trên truyền hình với hy vọng được nghe
một số bình luận về sự kiện này. Kết cục, chương trình tối hôm đó nói
về... tăng cường tự thân xây dựng chi bộ đảng ở nông thôn như thế nào.
Anh muốn xem gì? Đều không có. Cái anh
không muốn nghe thì nhất định nói cho anh nghe. "Những cái miệng quốc
gia" (các MC nổi tiếng-PV) đương nhiên không có tội tình gì.
Bao người thiệt mạng trong vụ 11/9 đều
là vô tội. Thứ mất đi là sinh mạng, điều tôn nghiêm nhất trên thế giới.
Bản thân những sinh mạng này không liên quan gì tới chính phủ Mỹ.
Chúng ta đối đãi với người khác bằng
thái độ như vậy, nhưng người ta không dùng thái độ đó đối xử với chúng
ta. Đối chiếu rõ ràng nhất chính là vụ thảm án Dover.
Năm đó, một nhóm người Phúc Kiến trốn
trong xe chở động vật từ eo biển Dover vượt biên vào Anh. Do bị thiếu
không khí vì phải ở trong xe kín vài chục giờ đồng hồ, đa số đều bị ngạt
chết, chỉ còn 2 người sống sót.
Sau khi vụ việc bung bét, Đại sứ quán
Trung Quốc không có lấy một người ra mặt. Cuối cùng, người dân Anh ở
Dover phải đứng ra cử hành đám tang và truy điệu những người thiệt mạng.
Rất nhiều trẻ em đã tới tham gia, trong
tay chúng cầm đồ chơi do Trung Quốc sản xuất. Nhân tiện nhắc tới, trên
thế giới hiện nay có tới 90% đồ chơi là "Made in China".
Phóng viên hỏi các em nhỏ: "Vì sao tới tham gia lễ truy điệu?", đám trẻ trả lời rằng: "Vì bọn họ cũng là người, đồ chơi mà chúng cháu cầm trong tay có thể do một trong số họ góp phần làm ra". Trong cả lễ truy điệu ấy không có một người Trung Quốc nào.
Thế nào gọi là văn minh, thế nào là không văn minh? Tôi vẫn đang suy nghĩ.
Hình ảnh trong vụ khủng bố New York 11/9/2001
Khen ngợi khủng bố mới thực sự là khủng bố
Văn hóa Trung Quốc giáo dục ra người
Trung Quốc. Đầu tiên, xem nhẹ tính mạng của bản thân thì mới coi người
khác và tính mạng của họ như trò đùa. Tự thân không có quyền lực để quý
trọng sinh mạng của mình, cũng không cho phép người khác có.
Lỗ Tấn từng phê phán tâm thái bàng quan
cũng được "luyện" thành từ đó. Người Trung Quốc thấy người khác bị giết,
không ai không hào hứng kích động.
Giai cấp thống trị cũng cố tình đưa
người ra giữa đám đông để hành hình. Giai cấp bị trị thì hưởng thụ cảm
giác "hưng phấn" của nhà thống trị trong đám đông.
Đặc biệt là khi phạm nhân bị xử tử bằng
lăng trì, người xem đông "như rừng như biển" suốt 3 ngày 3 đêm. Ngay cả
quán sá cũng mang ra đó mở hàng, đao phủ tay còn nhuốm máu vẫn cầm bánh
bao rao bán.
Ngày nay không còn lăng trì nữa, nhưng thói quen "xét xử giữa công chúng" vẫn còn.
Ngày xưa người dân đi xem xử tử Đàm Tự
Đồng và nhóm Lục quân tử (sự kiện Mậu Tuất biến pháp 1898-PV) như trẩy
hội thì làm sao trận Giáp Ngọ (1894) không thất bại?
Còn hậu duệ của bọn họ thì thế nào? [...]
Anh thực hiện được "4 hiện đại hóa" thì
có tác dụng gì? Buổi sáng tôi thường xem tivi trong khi tập thể dục. Sản
phẩm "chạy" nhất trong tiết mục quảng cáo của Thời sự Buổi sáng là gì?
Cửa chống trộm.
Đó là bi kịch của một dân tộc. Chúng ta
sống như ở trong lồng. Khi tôi sống tại Thành Đô thì ở trong căn hộ của
mấy đời Chính ủy Không quân trước đó.
Vừa vào nhà nhìn qua thì, trời ơi, như ở
trong ngục vậy! Cửa sổ và ban công đều được lắp các tấm lưới chống
trộm. Tôi cho bỏ hết.
Gần đây có một cuốn sách tiêu đề "Trung
Quốc có thể nói 'Không'". Tôi nói, đúng là anh có thể nói "không", nhưng
anh nói khi đứng sau cánh cửa chống trộm. Đó không phải là dũng cảm, mà
là yếu hèn.
Kiều Lương (Thiếu tướng, tác giả quân đội nổi tiếng Trung Quốc-PV) nói rất hay:
"Những người ái quốc mà đến trông thấy phường trộm cắp chó gà còn phải
tránh đường để đi, lại có hào khí can đảm nói 'không' với các cường quốc
phương xa!"
Cần nhìn nhận nước Mỹ khách quan, toàn diện
Mỹ là quốc gia như thế nào?
Trước đây tôi từng nghe một câu mô tả:
Những gì tốt nhất và tồi tệ nhất trên thế giới cộng lại chính là New
York. Dùng câu này để nói về nước Mỹ ngày nay phải chăng cũng phù hợp?
Thế hệ quân nhân chúng ta là những quân
nhân gánh vác hy vọng tương lai của đất nước. Không thể làm "phái thân
Mỹ", nhưng cũng không thể đơn giản là "phái chống Mỹ", mà phải là "phái
hiểu Mỹ" thành thục.
Biết đối thủ mới chiến thắng được đối
thủ. Hạ thấp đối thủ chính là hạ thấp bản thân. Thác Bạt Hoành (Hiếu Văn
Đế triều Bắc Ngụy-PV) đổi tên nước Nhu Nhiên thành Nhu Nhu, ý là "sâu
bọ", rồi ông bị chính Nhu Nhiên đánh bại, khác nào "không bằng cả sâu
bọ".
Mỹ không mong Trung Quốc hùng mạnh, cũng
giống như Trung Quốc không hy vọng Mỹ "xưng bá". Quan hệ Mỹ-Trung có
xung đột, nhưng cũng có lợi ích chung nhất định.
Làm thế nào để hóa giải xung đột, phát
triển lợi ích chung mới là điều mà các nhà ngoại giao Trung Quốc cần
phải nỗ lực thực hiện.
Trung Quốc muốn phát triển thì không
được đoạn tuyệt giao lưu với thế giới. Thế giới hiện tại vẫn là đơn cực.
Chỉ có Mỹ suy yếu mới xuất hiện thế giới đa cực. Chúng ta không thể
đoạn tuyệt với Mỹ, cũng không thể ôm kỳ vọng lớn vào Mỹ.
Hiện tại không phải là thời cơ thích hợp
nhất để đối đầu với Mỹ. Lợi ích quốc gia phải là chuẩn mực cao nhất cho
hành động của chúng ta.
Chúng ta cần nhẫn nại. Nhẫn nại không phải là mềm yếu. Chỉ có khuất phục mới là mềm yếu.
Mỹ đương nhiên không muốn Trung Quốc
trỗi dậy, không muốn kinh tế Trung Quốc đi lên. Nhưng chúng ta cần nhớ:
Đấu tranh với đối thủ thì anh nhất định phải cho đối phương chứng kiến
cục diện mà họ không muốn thấy nhất.
Người Mỹ hy vọng người Trung Quốc nội
chiến thì chúng ta đã nội chiến thật. Mỹ không "cười lăn cười bò" mới
lạ. Đương nhiên, nếu chỉ "nằm gai nếm mật, nhẫn nại chờ thời" thì cũng
không được.
Trung Quốc trong vai trò nước lớn có thể
giống như một võ hiệp thời cổ đại, giấu mình trong thâm sơn cùng cốc tu
luyện võ công, đợi ngày "quyết chiến" với kẻ địch hay không?
Với nguồn tài nguyên và dân số, cùng với
văn hóa của Trung Quốc, Trung Quốc không có khả năng hùng mạnh như Mỹ,
chưa kể nước Mỹ vẫn đang tiến lên không ngừng.
Vẫn là Mao Trạch Đông nói đúng: "Đánh vẫn phải đánh, đàm vẫn phải đàm, hòa vẫn phải hòa."
Con người cần phải mưu trí. Đấu tranh về
ngoại giao càng cần mưu trí. Phải "dắt mũi" được người khác chứ không
phải bị người ta "dắt mũi".
Khrushchyov (cựu Tổng bí thư đảng Cộng
sản Liên Xô-PV) chính là một người mưu trí. Trong một lần đại hội,
Khrushchyov "to gan" phê phán Stalin.
Có người đưa vụ việc lên báo chất vấn
Khrushchyov rằng ông cũng là một nhân vật trong nhóm quyền lực cốt lõi
thời Stalin cầm quyền, vậy tại sao không đứng ra phê phán từ thời đó?
Đáp lại, Khrushchyov đọc to câu hỏi một lần, sau đó hô lên trước đám đông: "Là ai đã gửi câu hỏi này? Hãy đứng ra đây!..." Ở phía dưới xao động một hồi nhưng không có ai bước ra.
Khrushchyov bèn nói: "Các anh xem,
trong tình hình dân chủ, không cần e sợ như thế này mà đồng chí gửi câu
hỏi còn không dám đứng ra, vậy trong bầu không khí thời kỳ Stalin, có ai
dám đứng lên phê phán ông ấy?"
Cả hội trường liền vỗ tay.
Trong cuộc đấu với nước Mỹ, chúng ta cần
có mưu trí như Khrushchyov. Khi cần ẩn nhẫn thì ẩn nhẫn. Giống như Đặng
Tiểu Bình từng nói với Thủ tướng Canada Pierre Trudeau:
"Taoguangyanghui (chiến lược ngoại
giao 'ẩn nhẫn' của ông Đặng-PV) mà chúng tôi nói đến, bao gồm bất chấp
thể diện cũng phải duy trì quan hệ với quốc gia phát triển nhất trên thế
giới."
Đại ý của Đặng Tiểu Bình là, Trung Quốc
nhất định phải "đồng bước" cùng văn minh thế giới, không được xa rời văn
minh thế giới. Khi cần đấu tranh thì quyết không nhượng bộ.
Sùng bái Mỹ là không đúng, thân Mỹ không đúng và ghét Mỹ cũng không đúng.
Chính phủ Mỹ, các chính khách và người
dân Mỹ có điểm tương đồng, cũng có khác biệt. Anh phải có trí tuệ cao độ
để phân biệt điều đó.
Trong quá khứ, nhân dân Mỹ giúp Trung
Quốc thoát ách thực dân, cống hiến to lớn đưa xã hội Trung Quốc tiến bộ.
Giữa hai nước không có xung đột về lợi ích căn bản.
Ngày nay, lợi ích quốc gia của Mỹ trải
khắp toàn cầu, giữa hai nước đã có xung đột nảy sinh. Nhưng chúng ta vẫn
phải dùng tâm thế đạo đức để đánh giá sự vật, không được kích động.
[...]
Một lính cứu hỏa sử dụng thiết
bị ảnh nhiệt để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trong buổi sáng ngày
12/9/2001, khoảng 24 giờ sau khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào Trung
tâm Thương mại Thế giới (WTC).
Điểm đáng sợ thực sự của nước Mỹ ở đâu?
Mặc dù Mỹ có quân đội hùng mạnh nhất thế
giới, công nghệ tiên tiến nhất, nhưng tôi cho rằng điều này không đáng
sợ. Nghe nói máy bay tàng hình của họ bay qua Trung Quốc rất tự do,
nhưng điều đó cũng không có gì đáng ngại.
Những điều đáng sợ của Mỹ không nằm trong số đó.
Năm 1972, tôi theo học ĐH Vũ Hán. Trong tiết chính trị, một thầy giáo giảng rằng: "Mỹ là đại diện cho các nước tư bản chủ nghĩa 'giãy chết', giống như Mặt trời xuống núi, hơi thở đã rất yếu ớt."
Tôi - một sinh viên công-nông-binh trang bị "tận răng" - lập tức phản bác: "Thưa thầy, em cảm thấy thầy nói không đúng.
Nước Mỹ dù không giống như Trung
Quốc - là Mặt trời mọc đằng Đông lúc 8, 9 giờ sáng, nhưng họ cũng không
phải là hoàng hôn, mà là Mặt trời giữa trưa."
Câu nói của tôi làm thấy giáo giận tím mặt nói: "Em dám nói những lời như vậy ư!"
Thầy giáo không hỏi tôi vì sao trả lời như vậy, nhưng đã dùng ngay một chữ "dám". Tâm lý ở trong đó rất dễ dàng đoán định.
Chính "quốc gia tư bản chủ nghĩa 'giãy
chết'" đã lãnh đạo cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới của thế giới
thập niên 1990 của thế kỷ trước.
Khi tôi tốt nghiệp đại học cũng là lúc
Trung Quốc cải cách mở cửa. Tôi lại có một quan điểm: Mỹ là quốc gia do
hàng nghìn hàng vạn người không yêu tổ quốc của chính mình tập hợp
thành, nhưng bọn họ đều yêu nước Mỹ.
Vào thời đó rất nhiều lãnh đạo một mặt thì mắng Mỹ, nhưng mặt khác lại đưa con cái sang Mỹ học hành. Sự khác biệt rất lớn!
Vậy, điểm đáng sợ của Mỹ là gì? Cá nhân tôi cảm thấy có 3 điểm:
1. Giới tinh anh của Mỹ không thể xem thường
Chế độ cán bộ và cơ chế tranh cử của Mỹ cho phép bảo đảm những nhà quyết sách của nước này là nhóm tinh anh.
Bi kịch của Trung Quốc, từ lớn như quốc
gia cho tới nhỏ như từng cơ quan thì tình trạng phổ biến là, người có tư
tưởng không quyết sách, người quyết sách không có tư tưởng. Người có
đầu óc thì không có chức quyền, có chức quyền thì không đầu óc.
Mỹ thì ngược lại, hệ thống hình tháp của họ vừa hay phù hợp để "nâng" giới tinh hoa lên cao.
Vì vậy, thứ nhất, Mỹ không phạm sai lầm. Thứ hai, Mỹ ít phạm sai lầm. Thứ ba, nếu phạm sai lầm Mỹ cũng nhanh chóng sửa đổi.
Chúng ta phạm sai lầm, đó là thứ nhất. Thứ hai, thường xuyên phạm sai lầm. Thứ ba, phạm sai lầm rồi rất khó sửa sai.
[...]
Đối với một dân tộc hùng mạnh mà nói,
tầm quan trọng của lãnh thổ đã giảm xuống, thay vào đó là theo đuổi
"quốc thế" (vị thế quốc gia-PV).
Người Mỹ không có yêu sách về lãnh thổ
đối với bất kỳ quốc gia nào. Họ không quan tâm tới lãnh thổ, những gì Mỹ
làm trong toàn bộ thế kỷ XX là tạo dựng vị thế.
Thế nào gọi là "tạo thế"? Bên cạnh kinh
tế lớn mạnh chính là lòng dân! Có lòng dân thì quốc gia sẽ có sức "ngưng
tụ", mất đi lãnh thổ cũng có thể lấy về. Không có lòng dân thì anh có
lãnh thổ cũng sẽ để mất.
Nhiều lãnh đạo quốc gia chỉ nhìn 1 bước. Nước Mỹ hành động thường tính trước 10 bước.
Chính vì như vậy, mỗi một sự kiện trọng
đại trên thế giới kể từ sau Thế chiến II đều làm gia tăng vị thế của
nước Mỹ. Nếu chúng ta để họ "dắt mũi" thì rất có khả năng sẽ đánh mất
tất cả "vốn liếng" chiến lược.
Trọng tâm chiến lược của Mỹ sẽ không chuyển dịch sang châu Á, nhưng không có nghĩa là họ không bao vây Trung Quốc.
Rất nhiều người chỉ nhìn vào Mỹ bao vây
Trung Quốc về quân sự, cũng như chỉ nhìn thấy chênh lệch giữa Mỹ-Trung
về công nghệ và vũ khí mà không thấy được ở tầm chiến lược, đặc biệt là
sự mất cân bằng ở bình diện ngoại giao còn nghiêm trọng hơn cả tụt hậu
về khí tài.
Việc ngoại giao của Trung Quốc đối với Mỹ, hoặc là có hình thức mà không có giới hạn, hoặc là có chi tiết mà không có toàn cục.
Sau sự kiện 11/9, Mỹ tấn công
Afghanistan trong vòng 2 tháng, áp sát Trung Quốc từ phía Tây. Áp lực
quân sự từ Nhật Bản,[...], Ấn Độ cũng không giảm.
Nhìn từ bên ngoài, Trung Quốc giành được
một số lợi ích từ vụ 11/9, nhưng những lợi ích này có thể sẽ biến mất
chỉ sau 1,2 năm nữa.
Tôi nhận định sự bao vây chiến lược đối với Trung Quốc là một dạng khác, không phải quân sự mà vượt qua quân sự.
Những năm gần đây, các quốc gia xung
quanh chúng ta đều lần lượt cải cách chế độ xã hội, [...]. Nga, Mông Cổ
đã thay đổi; Kazakhstan cũng vậy, bên cạnh các quốc gia đi trước là Hàn
Quốc, Philippines, Indonesia...
Mối đe dọa này đối với Trung Quốc còn
nguy hiểm hơn đe dọa quân sự. Đe dọa về quân sự chỉ là hiệu ứng trong
thời gian ngắn, trong khi sự bao vây bởi các quốc gia "dân chủ" như trên
mới là ảnh hưởng dài hạn.
2. Nước Mỹ khoan dung và rộng lượng
Bạn nên tới châu Âu trước rồi qua Mỹ.
Bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt lớn: Buổi sáng tại châu Âu trên phố hầu
như không có người, trong khi đường phố ở Mỹ có rất nhiều người tập thể
dục, thậm chí cả ngày đều như vậy.
Tôi có một nhận định: Rèn luyện là một
loại phẩm chất. Rèn luyện thân thể đại diện cho một dạng văn hóa cầu
tiến. Muốn biết một quốc gia có mạnh mẽ hay không thì nhìn vào số lượng
người tập luyện thể dục là rõ.
Người Mỹ có thể lấy quốc kỳ làm quần để mặc lên người. Tôi cũng mua một chiếc như vậy ở Mỹ và mặc thường xuyên.
Tôi mặc nó là để kỳ thị nó, để trút
giận, giống như một dạng giải tỏa và thỏa mãn về tâm lý. Người Mỹ mặc nó
là một kiểu chế giễu, nhưng bản chất khác nhau.
Người Mỹ có thể đốt quốc kỳ của họ giữa
đường phố. Đới Húc (Đại tá không quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu hợp
tác và an ninh hải dương Trung Quốc, bạn của tác giả-PV) nói: "Nếu một quốc gia ngay cả quốc kỳ của mình cũng tự đốt được, thì anh còn lý do gì để đốt quốc kỳ của họ?"
3. Sức mạnh vĩ đại của tinh thần và đạo đức
Đây là điều đáng sợ nhất.
Sự kiện 11/9 là một thảm họa. Khi thảm
họa ập đến, thứ đầu tiên gục ngã là thân thể, nhưng cái đứng vững là
linh hồn. Có những dân tộc khi gặp tai họa, thân thể chưa đổ nhưng linh
hồn đã tiêu biến.
Trong sự kiện 11/9 phát sinh 3 sự việc đều cho phép chúng ta nhìn thấy sức mạnh của người Mỹ.
Thứ nhất, sau khi phần đỉnh tòa nhà WTC
bị máy bay đâm vào, khói lửa bốc lên, tình hình vô cùng nguy cấp. Mọi
người thông qua lối thoát hiểm để ra ngoài nhưng không quá hoảng loạn.
Mọi người đi xuống, nhân viên cứu hỏa
xông lên; đôi bên nhường đường cho nhau, không ai đâm vào ai. Khi có phụ
nữ, trẻ em, người mù tới, mọi người tự giác nhường lối cho họ đi trước.
Thậm chí một chú chó cũng được nhường lối đi.
Nếu tinh thần của một dân tộc không mạnh
mẽ đạt tới trình độ nào đó thì họ tuyệt nhiên không thể có những hành
động như thế. Đối diện với tử vong vẫn bình tĩnh như vậy, nếu không phải
là thánh nhân thì cũng tiệm cận với thánh nhân rồi.
Chuyện thứ hai, ngày tiếp theo sau vụ
11/9, thế giới đã biết đây là hành động của các phần tử khủng bố Ả-Rập.
Rất nhiều siêu thị, nhà hàng của người Ả-Rập bị những người Mỹ phẫn nộ
đập phá. Các thương nhân người Ả-Rập cũng bị tấn công.
Trong thời khắc đó, một nhóm người Mỹ đã
tập hợp lại và tới các siêu thị, nhà hàng của người Ả-Rập để đứng gác,
đến các khu dân cư của người Ả-Rập đi tuần, ngăn chặn bi kịch leo thang.
Đây là một tinh thần như thế nào? Trung
Quốc tự cổ đã có truyền thống báo thù. Tôi sống ở Thành Đô. Đặng Ngải
(tướng Ngụy thời Tam Quốc-PV) phá Thành Đô xong, con trai Bàng Đức
(tướng Ngụy-PV) đem nam phụ lão ấu cả nhà Quan Vũ giết sạch.
Những cuộc báo thù tanh máu không hiếm trong lịch sử Trung Quốc.
Chuyện thứ ba, chiếc máy bay Boeing 767
rơi xuống Pennsylvania vốn dĩ có mục tiêu là Nhà Trắng, sau đó hành
khách trên máy bay chống trả bọn khủng bố mới làm máy bay rơi xuống. Bởi
thời điểm đó bọn họ đã biết tin tòa nhà WTC và Lầu Năm Góc bị máy bay
đâm vào.
Các hành khác đã nhanh chóng quyết định,
không thể không làm gì mà phải quyết tử với khủng bố. Cho dù là trong
tình thế như vậy, họ vẫn làm một việc: Bỏ phiếu thông qua việc "liều
chết" với những tên khủng bố.
Vào thời khắc sinh tử cũng không áp đặt ý
chí của mình lên người khác. Sau đó tập thể đồng tình, họ mới hành
động. Thế nào gọi là dân chủ, đây chính là dân chủ.
Tư tưởng của dân chủ đã ăn sâu vào sinh
mạng, huyết mạch, cốt tủy của họ. Một dân tộc như thế, họ không cường
thịnh thì ai cường thịnh; một dân tộc như thế, họ không thống trị thế
giới thì ai thống trị thế giới.
Ngày 11/9/2011, Tổng thống Mỹ
Barack Obama và phu nhân Michelle thăm lại địa điểm mà chuyến bay số
hiệu 93 đâm xuống Pennsylvania nhân hoạt động tưởng niệm 10 năm vụ khủng
bố.
Tôi thường suy tư rằng: Vũ khí tân tiến,
công nghệ mới nhất, lực lượng vũ trang hùng mạnh nhất thế giới nằm
trong tay những người như thế rất phù hợp. [...] Cho dù nằm trong tay
Trung Quốc, Trung Quốc có thể làm được gì cũng không biết chắc được.
Nước Mỹ có nhiều kinh nghiệm thành công
đáng để chúng ta tham khảo, học hỏi. Sau vụ 11/9, Mỹ không thành lập "Ủy
ban 11/9", cũng không thành lập bộ chỉ huy khẩn cấp gì đó.
Tôi rất phản đối những điều không thực
tế. Sau khi tôi tới Không quân Thành Đô, hoặc là không họp, hoặc là ít
họp. Những cuộc họp không thể tránh thì họp nhanh. Việc đầu tiên tôi làm
là thay đổi "học tập Thường ủy" thành tự học. Cầm văn bản đọc thì gọi
gì là học!
Tôi đấu tranh với thế lực thủ cựu. Sức
lực cá nhân tôi có hạn nhưng không thể không đấu tranh, cho dù sứt đầu
mẻ trán cũng không nản.
Ví dụ, thường ở trong bộ đội tôi không
ăn cơm. Ngày nào về nhà được thì tôi mang theo lương khô chứ không ăn
trong quân. Tôi tới sư đoàn 33, ở Không quân Bắc Kinh cũng như vậy. Nếu
không thể không ăn thì tôi ăn đơn giản.
Dù nói rằng uống nửa lít rượu không đổ
được hồng kỳ, ăn một bữa cơm không sập được giang sơn. Nhưng cái gì
nhiều quá, lãng phí quá, để tích tiểu thành đại thì rất khó nói.
Khi nghiên cứu nước Mỹ, chúng ta nên nắm chắc nội hàm của nó. Không được chỉ nhìn những cái nhỏ, mà phải xem cái lớn.
Có một câu nói hay: Thường nghị luận
khuyết điểm của người khác thì bạn là kẻ dưới đáy chuẩn mực đạo đức;
thường nghị luận khuyết điểm của nhân loại thì bạn chính là tư tưởng
gia.
Lời kết
Qua bài diễn thuyết 3 tiếng đồng hồ ngày
hôm nay, mục tiêu mà tôi theo đuổi là sự giải phóng con người. Nếu nói
rằng tôi đến đây để gặp gỡ mọi người thì không bằng nói rằng mọi người
tới để "nhận biết" tôi.
Tôi đã rất phóng khoáng trao gửi "toàn
bộ bản thân" cho các bạn, tôi thể hiện tư tưởng cá nhân trước các bạn.
Đặc biệt, những điều tôi nói về phương Tây, về nước Mỹ cũng không tách
rời chủ đề cuộc thảo luận này.
Có 2 điều tôi muốn bổ sung. Thứ nhất,
tôi là một người trung thành với chủ nghĩa dân tộc. Mọi điều tôi nói ra
đều vì cái tốt cho quốc gia, dân tộc.
Trong bất cứ tình huống nào, tôi cũng
xem lợi ích dân tộc là tối cao. Vì điều đó, tôi chấp nhận đổ máu, sứt
đầu mẻ trán. Trong đầu tôi vẫn thường hiện lên cảnh tượng trong chiến
tranh Triều Tiên:
Mùa đông năm 1951, đơn vị của cha tôi
tấn công quân Mỹ. Do vũ khí thua kém Mỹ nên buộc phải mai phục trong đêm
tại vị trí gần quân địch nhất. Một liên đội yên lặng chờ đợi cả một
đêm.
Đêm đó trời đổ tuyết lớn, lạnh vô cùng.
Lúc trời sáng, còi hiệu xung phong vang lên, nhưng hơn 100 chiến sĩ mai
phục ở đó không có một ai đứng dậy. Tất cả bọn họ đã chết vì lạnh.
Cho đến chết họ vẫn giữ đội hình chiến
đấu. Về sau Chủ tịch Mao khi nghe báo cáo, ông lập tức bỏ mũ, đứng dậy
rất lâu không nói gì.
Chiến tranh biên giới Trung-Ấn 1962, máy
bay Trung Quốc tiêu diệt một đơn vị của Ấn Độ. Đơn vị này ngày xưa từng
thuộc biên chế quân đội Anh, tham gia cuộc Chiến tranh nha phiến lần
thứ 2, hỏa thiêu Viên Minh Viên.
Chủ tịch Mao nhận tin qua điện thoại, đập bàn đứng dậy, nói: "Quốc nhục trăm năm!"
Đồng thời, mọi người cũng nên nhận thấy, tình hình Trung Quốc so với phương Tây không giống nhau.
Có những việc mặc dù nhìn thấy rồi,
nhưng lại không thể dễ dàng đạt được. Cũng có những việc còn chưa nhìn
thấy. Có những khác biệt về quan niệm chỉ có thời gian qua đi mới rút
ngắn khoảng cách được.
Lần đầu tiên gặp gỡ các cán bộ cấp doanh
trở lên ở căn cứ Côn Minh, tôi đã vô cùng thẳng thắn, mạnh dạn nói
nhiều như vậy. Đó là những thành quả nghiên cứu của tôi. Tôi chịu trách
nhiệm với phát biểu của mình.
Chỗ nào nói đúng, các vị hãy ghi nhớ lấy; còn chỗ nào nói sai, mọi người hãy "vào tai này lọt tai kia", xem như chưa nghe thấy.
Mỗi con người là một cá thể, mỗi cá thể
đều được tự do. Tôi không thể áp đặt tư tưởng của mình lên mọi người.
Tôi cũng không thể yêu cầu tư tưởng của mọi người phải thống nhất đến
một tư tưởng nào đó. Đó là điều không thể.
Thế nhưng chúng ta lúc nào cũng muốn theo đuổi mục tiêu này. Đó là điều hết sức mơ hồ, trên thực tế không thể thực hiện được.
Sự cố xảy ra với máy bay ném bom Nga Su-24 đã bị bắn hạ bởi một máy
bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ trên vùng biên giới với Syria, đã làm xấu
đi nhanh chóng mối quan hệ giữa hai nước.
Vladimir Putin đã đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải gánh chịu những hậu quả
nghiêm trọng trong quan hệ giữa hai nước và gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ
là cú đâm vào lưng.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói rằng Ankara đã nhiều lần
cảnh báo Moscow về việc họ không thể chấp nhận các vi phạm tương tự, và
nói thêm rằng ông sẽ làm tất cả những gì cần thiết để đảm bảo an ninh
biên giới của đất nước.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng máy bay chiến đấu
Thổ Nhĩ Kỳ đã tuân thủ đầy đủ các quy tắc sử dụng vũ lực và sức mạnh
Đây là vụ việc đụng độ quân sự đầu tiên giữa Nga và các nước thành viên NATO trong lịch sử thời hậu Xô Viết.
Theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm thứ ba, các nước thành viên NATO
sẽ tổ chức một cuộc họp “khẩn cấp”: chủ đề chính của cuộc thảo luận sẽ
chính là vấn đề sự cố với máy bay Nga.
Đến lượt mình, Bộ tổng tham mưu Nga nói rằng từ bây giờ trở đi máy
bay ném bom của Nga sẽ được đi kèm với các máy bay chiến đấu trên bầu
trời Syria và trên bờ biển Latakia sẽ được kiểm soát bởi tàu tuần dương
“Moskva”, vốn được trang bị hệ thống phòng không “Fort”, tương tự như
C-300.
“Chúng tôi cảnh báo rằng tất cả các mục tiêu tiềm ẩn mối nguy hiểm
đối với chúng tôi, đều sẽ bị tiêu diệt”, – trích dẫn lời chỉ huy trưởng
Sở chỉ huy của Bộ tổng tham mưu Nga- Sergei Ruda với hãng tin Interfax.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không chắc các tình tiết tăng nặng sẽ
phát triển thành xung đột toàn diện giữa Nga với NATO, bởi vì đó không
phải là điều mong muốn của các bên liên quan trong vụ việc.
CÓ CHĂNG SỰ XÂM LƯỢC CHỐNG LẠI NATO?
Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO kể từ năm 1952.
Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương nói rằng một cuộc tấn công vũ
trang chống lại một hoặc nhiều các nước thành viên của NATO ở châu Âu
hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các nước
trong Hiệp ước.
Trong trường hợp này, Điều 6 nhấn mạnh rằng lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là khu vực, mà tất cả các nước đồng minh phải bảo vệ.
Ngoài ra, Hiệp ước còn quy định tấn công máy bay của bất kỳ nước nào
trong hiệp ước, cũng sẽ là ý do để thúc đẩy cơ chế đảm bảo an ninh tập
thể.
Nếu máy bay của Nga đã thực sự bay trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, điều
này có thể được coi là xâm phạm xâm lược chống lại một quốc gia thành
viên NATO?
Các định nghĩa của sự xâm lược đã được xây dựng tại Nghị quyết 3314 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 14 tháng mười hai năm 1974.
“Xâm lược là việc sử dụng các lực lượng vũ trang của một nhà nước
chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của một quốc
gia” – tài liệu ghi rõ.
Bộ quốc phòng Nga cho đăng tải hình ảnh bản đồ, trên đó thể hiện sự cố của máy bay Su-24
Đây là một tài liệu về cơ bản có tính chất chung chung, và nó không
chỉ rõ liệu có thể xem sử dụng sức mạnh vũ trang chống lại sự xâm phạm
của máy bay quân sự nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC , chuyên gia tại Trung tâm Phân tích
chiến lược và công nghệ – Vasily Kashin đã nói rằng, một tình huống
tương tự như vậy có thể được dẫn ra bởi những hành động và phát biểu của
Ankara vào năm 2012, khi máy bay chiến đấu của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bị
bắn hạ trên lãnh thổ Syria
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul cho biết tại thời điểm đó các máy
bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ bởi lực lượng phòng không của Syria,
thực tế có thể là trên vùng trời Syria, bởi trong một khoảng thời gian
rất ngắn, các máy bay có tốc độ cao có thể bay sang lãnh thổ nước bên
cạnh cũng không có gì là bất thường.
“Đó là thực tế phổ biến cho các máy bay chiến đấu – đôi khi vượt qua
biên giới và lại quay lại lãnh thổ nếu như nó bay với tốc độ như đang
bay trên biển,” – Tổng thống Gul chia sẻ với hãng thông tấn quốc gia
“Anatolia”.
Các chuyên gia Nga bác bỏ khả năng của các mối quan hệ căng thẳng
giữa Nga và NATO, vì theo cách đáng gia của họ, Nga không có ý định sử
dụng bất kỳ hành động quân sự nào.
Nhà Chính trị học Viktor Mizin nói với BBC rằng “không ai muốn phải
làm rối thêm tình hình, đặc biệt là bây giờ, khi tình hình như vậy ở
Trung Đông và đặc biệt là ở Syria đã đang như vậy.”
SU-24 ĐÃ BỊ VÂY BẮT THEO ĐÚNG LUẬT?
Phía Nga khẳng định rằng Su-24 bị bắn rơi ở Syria. Theo Vasily
Kashin, nếu điều này là đúng, thì những hành động của quân đội Thổ Nhĩ
Kỳ đều sẽ thuộc định nghĩa xâm lược được đưa ra bởi Liên Hiệp Quốc.
Trong chương ba của Nghị quyết 3314 Liên Hợp Quốc điều có định nghĩa
xâm lược, cụ thể là “các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang của một
Nhà nước trên đất liền, trên biển hoặc bằng hải quân hay không quân với
một quốc gia khác.”
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga gọi vụ việc là một “hành động thù địch” từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng chiếc máy bay đã bay trong không phận
Thổ Nhĩ Kỳ năm phút, trong thời gian đó các phi hành đoàn đã nhận được
10 lời cảnh báo, nhưng họ không trả lời.
Các chuyên gia Nga cho rằng, xét theo hành trình của máy bay Nga được
Bộ tham mưu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra thì chiếc máy bay này có thể thâm
nhập vào vùng trời trong thời gian rất ngắn, và các máy bay đánh chặn đã
không có thời gian để thực hiện tất cả các thủ tục cảnh báo cần thiết.
Đại diện của Bộ tổng tham mưu Nga- Sergei Rudskoy cũng nói rằng không có
bất kỳ nỗ lực nào của các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ để liên lạc hoặc thiết lập
liên lạc trực quan với các phi hành đoàn Nga (ông cũng nhấn mạnh rằng
chiếc máy bay đã bị bắn hạ trên bầu trời Syria).
Bộ tổng mưu Thổ Nhĩ Kỳ cho đăng tải bức ảnh với đường bay của máy bay
ném bom Nga Su-24 và máy bay chiến đấu F-16. Đường màu đỏ biểu thị đường
đi của Su-24, màu xám – F-16, và màu xanh dương – biên giới Syria và
Thổ Nhĩ Kỳ
Thủ tục đánh chặn các vụ xâm nhập biên giới bằng không phận trong các điều ước quốc tế cũng không được nêu ra rõ ràng.
Vấn đề này đã được xem xét một cách chi tiết tại Công ước Chicago về
Hàng không dân dụng quốc tế, nhưng đó chỉ là đối với các máy bay dân
dụng. Nó bao gồm các thủ tục, và thậm chí cả hệ thống báo hiệu để các
máy bay đánh chặn thông báo cho các máy bay xâm phạm và các phản ứng
tương ứng của máy bay đánh chặn.
Quy định về các máy bay quân sự đã không được tìm thấy, nhưng trong
“Bộ luật Hàng không”, có ghi: “Hội đồng của Tổ chức Hàng không dân dụng
quốc tế, khi áp dụng các tín hiệu cảnh báo chứa trong phụ lục […], có
yêu cầu cấp thiết chính phủ của họ phải để các máy bay [quân sự] tuân
thủ nghiêm ngặt đối với các tín hiệu cảnh báo.”
Một cựu phi công giấu tên của máy bay ném bom Su-24, nói với BBC rằng
trong trường hợp đánh chặn máy bay chiến đấu thì việc đầu tiên là thiết
lập một kết nối đến các tần số cấp cứu. Sau đó, nếu bạn không thể liên
lạc bằng radio, thì cần cố gắng để thiết lập liên lạc trực quan, các thủ
tục được thực hiện, “theo quy định của luật pháp quốc tế.”
“Trong mọi trường hợp, ngăn chặn và tấn công máy bay – đây là việc
rất nghiêm trọng, bởi trước đó cần tuân thủ một số thủ tục,” – ông nói
thêm rằng nó sẽ mất rất nhiều thời gian.
Nga và Hoa Kỳ đã ký một bản ghi nhớ về việc ngăn ngừa sự cố có thể
liên quan đến máy bay quân sự trên bầu trời Syria. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ
đã từ chối ký vào một văn bản tương tự.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga – Igor Konashenkov
nói sau khi nhận được biên bản ghi nhớ phía Mỹ đã cam kết sẽ mang lại
các quy tắc thống nhất cho tất cả các đối tác của mình, hoạt động trên
lãnh thổ Syria.
Pavel Aksenov
BBC phiên bản Nga
PQH dịch
TQ
không hề “vô tư” khi ráo riết rủ rê cộng đồng quốc tế, đầu tư trên 40
tỷ đô la để chuẩn bị cho “Con đường tơ lụa trên biển”. Và, TQ cũng không
ngẫu nhiên ra sức tạo ảnh hưởng mạnh mẽ ở tổ chức UNESCO. LTS: Ngoài
việc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông, TQ còn có nhiều động thái mới
trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông như tiếp
tục đưa giàn khoan Hải Dương 981 lượn lờ trong vùng chồng lấn, TQ cũng
đamg ráo riết vận động các quốc gia khác trong đó có Việt Nam thành lập
“quỹ đầu tư” để tái thiết lập “Con đường tơ lụa trên biển” lên đến 40 tỷ
USD… Để hiểu rõ hơn câu chuyện này, Tuần Việt Nam đã trò
chuyện với GS.TS Nguyễn Tấn Anh, chuyên gia về UNESCO, nguyên Giám đốc
Trung tâm UNESCO Khoa học, Công nghệ và Tư vấn đầu tư phát triển tại
VN, nguyên thành viên của UB điều phối hợp tác Kinh tế Indonsia và các
nước CPC, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Thưa TS. các động thái của TQ hiện nay là chiến thuật và chiến lược gì trong việc giải quyết tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông?GS.TS. Nguyễn Tấn Anh:
Thật ra các động thái này của TQ theo chuyên ngành Khoa học Chính trị
và Khoa học Quân sự gọi là các “kế hoạch”, các “chiến dịch”, các “chiến
thuật” trong một “chiến lược” dài hạn mà TQ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và
rất lâu để độc chiếm Biển Đông.
Các
đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở các bãi đá chiếm của Việt Nam tại Trường
Sa nhằm mục đích áp đặt việc thực thi cái gọi là đường lưỡi bò để chiếm
trọn Biển Đông. Trong ảnh là Đá Chữ Thập của Việt Nam bị Trung Quốc
chiếm và cải tạo đất, xây thành đảo nhân tạo - Ảnh: CSIS/IHS Jane’s
Tùy
theo tình hình và điều kiện khách quan và chủ quan mà TQ có thể triển
khai các “kế hoạch”, các “chiến dịch”, các “chiến thuật” sao cho có
“hiệu quả” hay để “chiến thắng”. Ở đây chúng ta phải thừa nhận TQ làm gì
cũng có “kế hoạch” rất bài bản bên cạnh các “chiến thuật” gây bất ngờ
cho đối phương dù đối phương có thể đã biết trước ý đồ của TQ.
Ấn
Độ đã hoàn toàn bị bất ngờ khi bị TQ tấn công vào năm 1962. Liên Xô là
siêu cường trong thế kỷ 20 cũng đã bị TQ bất ngờ tấn công vào tháng
3/1969 vào đảo Damansky trên sông Ussuri. Việt Nam cũng từng bị bất ngờ
hồi cuối thập niên 1979 và hồi năm 1988 khi họ chiếm quần đảo Hoàng Sa.
TQ
rất giỏi “nghi binh” với dư luận thế giới. Năm 2014, TQ đưa giàn khoan
HD 981 xuống vùng biển của VN, họ đã tập trung dư luận vào đó. Cũng
trong thời điểm này, họ đã tập trung nhân lực, vật lực âm thầm xây đảo
nhân tạo ở Biển Đông.
Khi cả thế giới nhận ra thì bãi cạn kia đã
biến thành đảo với diện tích 1.200 ha! Theo tính toán của chuyên gia Nga
Vasily Kashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ, diện
tích đảo do TQ xây dựng lớn hơn tất cả các hòn đảo tự nhiên trong vùng
cộng lại.
Mặc dù đã tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa thậm chí cả khu
vực biển Đông (tức “đường chín đoạn”) là thuộc TQ nhưng chưa có một
quốc gia nào trên thế giới chính thức công nhận. Với các động thái này
TQ muốn khẳng định với thế giới thông qua LHQ, một tổ chức Liên chính
phủ mà TQ có nhiều quyền hạn hơn các nước cùng tranh chấp ở Biển Đông.
Đây là màn mở đầu của TQ trong tiến trình pháp lý để chính thức tuyên bố chủ quyền lãnh hải của TQ ở biển Đông.
Động
thái tiếp theo có thể họ sẽ đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra các tổ
chức quốc tế khác bên cạnh việc tiếp tục củng cố hồ sơ “Con đường tơ lụa
trên biển” để trình lên UNESCO. Nên nhớ, UNESCO đã công nhận dự án con
đường này rồi. Theo ông, có phải các động thái liên tục đưa giàn khoan Hải Dương 981, giàn khoan Hưng Vượng hay tàu Đông Phương Hồng 2,… ra Biển Đông chỉ làm nhiệm vụ như TQ công bố không? GS.TS. Nguyễn Tấn Anh: Không ai ngây thơ nghĩ như vậy!
Các
chuyên gia nghiên cứu quốc tế về biển Đông đều khẳng định, TQ đang che
đậy một số mục đích khác mà trong đó là “khảo cổ”, tức là xây dựng cơ
sở hạ tầng nhằm “ngụy tạo” chứng cứ trên Biển Đông để củng cố hồ sơ pháp
lý và khoa học nhằm khởi kiện Việt Nam ra Tòa án Công lý quốc tế của
LHQ [1] và đệ trình “Con đường tơ lụa trên biển” lên UNESCO để công nhận
là “Di sản thế giới” của TQ. Thông qua đó xác lập chủ quyền lãnh hải
của TQ ở Biển Đông. Đây là “đường đi” tới mục đích độc chiếm biển Đông
của TQ… Được biết TQ đã phản đối quyết liệt Nhật Bản trình di
sản lên UNESCO. Ông có biết, thế giới đã có tiền lệ dùng ảnh hưởng của
tổ chức UNESCO để phục vụ cho mục đích khẳng định chủ quyền hay mục đích
chính trị nào khác chưa? GS.TS. Nguyễn Tấn Anh:
Trong bài phỏng vấn lần trước, tôi đã đưa ra 2 trường hợp điển hình sử
dụng “con đường UNESCO” là tranh chấp đền Preah Vihear giữa Thái Lan và
CPC và trường hợp Palestine. Tôi vắn tắt nhắc lại thế này.
Tranh
chấp ngôi đền Preah Vihear nằm giữa biên giới Thái Lan và CPC kéo dài từ
lâu. Năm 2007, CPC làm hồ sơ đệ trình lên UB di sản thế giới của UNESCO
đề nghị công nhận di sản cho đền Preah Vihear. Ngày 7/6/2008, Ủy ban di
sản thế giới của UNESCO đã tiến hành họp tại Canada và thông qua công
nhận ngôi đền này là di sản văn hóa thế giới. Mặc nhiên đây được xem là
di sản thế giới thứ ba của Campuchia.
Theo điều 4 của Công ước
quốc tế về di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO, quốc gia
nào trình hồ sơ lên UNESCO phê chuẩn thì di sản đó thuộc quốc gia làm hồ
sơ trình. Vì Campuchia đã làm hồ sơ gửi lên UNESCO nên ngôi đền đã
thuộc về Campuchia, quân đội Thái Lan phải lập tức rút ra khỏi vùng đó.
Tất nhiên chủ quyền lãnh thổ vùng có ngôi đền cũng mặc nhiên được công
nhận cho Campuchia.
Gần đây nhất là trường hợp nhà nước Palestine.
Sau nhiều lần đi con đường LHQ không thành, Palestine đã chuyển qua “đi
đường” UNESCO. Ngày 31/10/2011, UNESCO đã bỏ phiếu công nhận Palestine
là thành viên đầy đủ của UNESCO, mở đường cho việc xem xét công nhận độc
lập cho Palestine.
Nguyên tắc thông qua của UNESCO là “đa số
thắng thiểu số”, các quốc gia đều bình đẳng “one vote–one country” cho
nên Hoa Kỳ là siêu cường cũng chỉ 1 phiếu. Hoa Kỳ, Israel và vài nước
đồng minh phản đối quyết liệt nhưng với kết quả 107 phiếu thuận, 14
phiếu chống, 52 phiếu trắng, nhà nước Palestine đã thành công bước đầu.
Mới đây, chính TQ đã phản đối quyết liệt hồ sơ 23 địa điểm Nhật Bản
trình lên UNESCO xem xét để ghi vào danh sách Di sản thế giới bao gồm
những mỏ than, nhà máy thép, xưởng đóng tàu… Đây là những địa điểm tiêu
biểu cho việc Nhật Bản trở thành quốc gia châu Á đầu tiên bước vào thời
đại công nghiệp hiện đại trong giai đoạn 1850 đến 1910. Chính TQ là nước
phản đối mạnh mẽ nhất.
Mặc dù 23 địa điểm Nhật đề nghị đều nằm trên lãnh thổ và lãnh hải của
Nhật song TQ cương quyết phản đối với lý do “quá khứ quân phiệt” của
Nhật. Có 7 địa điểm bị TQ phản ứng kịch liệt vì có khoảng 60.000 nhân
công TQ và Triều Tiên bị ép làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Một địa
điểm là đảo Hasima ở ngoài khơi Nagasaki có mỏ than dưới biển, nơi bị TQ
quyết liệt chống tới cùng.
Tôi dẫn ra các trường hợp này để thấy, TQ không hề “vô tư” khi ráo
riết vận động, rủ rê cộng đồng quốc tế, đầu tư trên 40 tỷ đô la để chuẩn
bị cho “Con đường tơ lụa trên biển”.
Và, cũng không phải ngẫu nhiên TQ ra sức tạo ảnh hưởng mạnh mẽ ở tổ chức UNESCO.
Khi
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ vừa mới tuyên bố cắt kinh phí đóng góp 22% kinh
phí cho tổ chức này, TQ lập tức tuyên bố sẵn sàng đóng góp thay Hoa Kỳ!
Khả năng nhiệm kỳ sắp tới TQ sẽ tranh chức Tổng Giám đốc UNESCO, thậm
chí là Chủ tịch của Liên hiệp các Hội UNESCO thế giới trong đại hội sắp
tới được tổ chức vào cuối tháng 7 này tại Bắc Kinh mà TQ đã cố tình
“tranh giành” từ Châu Phi mặc dù nhiều nước thành viên kể cả các quan
chức cao cấp của UNESCO lên tiếng phản đối. Rõ ràng TQ hiểu rất rõ vai
trò của UNESCO và đang tận dụng tối đa ảnh hưởng, sức mạnh của TQ tại
đây! Tôi hiểu là, TQ dùng“Con đường tơ lụa trên biển” qua con
đường UNESCO như là “vũ khí” trong cuộc chiến tranh giành lãnh hải ở
Biển Đông, có đúng không? GS.TS. Nguyễn Tấn Anh:
TQ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thông qua “Con đường tơ lụa
trên biển” để xác lập chủ quyền hợp pháp trên Biển Đông. “Con đường” này
vừa “văn minh” và vừa “hòa bình” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và
giúp cho TQ đạt được cả hai mục đích chính trị và kinh tế.
“Con đường tơ lụa trên bộ” vĩ đại tan rã vào thập niên 1400 bằng
hàng loạt sự kiện đáng buồn. Tại TQ, nhà Minh lên nắm quyền đã khống chế
con đường tơ lụa. Việc bắt nộp thuế cao đã khiến nhiều thương gia phải
tìm đến con đường vận chuyển khác. Chính vì thế, từ thế kỷ thứ
VII, với sự phát triển của ngành hàng hải, “Con đường tơ lụa trên biển”
(The Maritime Silk Route) ra đời bởi các thương gia Ả Rập. Sau đó, các
quốc gia như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan lần lượt kéo đến TQ buôn bán
qua đường biển với tốc độ nhanh, an toàn hơn.
Như
chúng ta đã biết “Con đường tơ lụa” là một tuyến đường thông thương
quan trọng của nhân loại trong suốt một thời gian dài lịch sử. Nhờ có
con đường tơ lụa, những vùng đất, nền văn hóa mới được tìm ra và là động
lực cho sự phát triển của cả châu Á, châu Âu trên nhiều lĩnh vực.
UNESCO là tổ chức thiên về văn hóa nên quan tâm đến dự án này là điều
bình thường. Liệu UNESCO có quan tâm đến việc xem xét và công nhận “Con đường tơ lụa trên biển” này là di sản thế giới không? GS.TS. Nguyễn Tấn Anh:
Không chỉ quan tâm mà còn “đặc biệt” quan tâm. Từ những năm 1990, một
số nước trong đó có cả TQ và Nhật Bản đề xuất đệ trình nhiều dự án,
UNESCO không chỉ “đặc biệt” quan tâm mà còn có nhiều dự án đa quốc gia
đầy tham vọng để tái hiện một cách đầy đủ “Con đường tơ lụa” cả trên bộ
lẫn trên biển qua nhiều quốc gia khác nhau. Điển hình là Dự án “The
Digital Silk Road Project” (Dự án số hóa Con đường tơ lụa) nhằm nghiên
cứu, thu thập tư liệu, dữ liệu về văn hóa, lịch sử mà chưa bị phá hủy từ
“cổ chí kim” cho đến ngày nay để lưu giữ làm tư liệu cho tương lai.
Đây
là một dự án nghiên cứu kết hợp công nghệ tin học với nghiên cứu văn
hóa. Đặc biệt, các thành viên thực hiện dự án này phải dùng nhiều phương
pháp điều tra khác nhau bắt đầu từ việc “số hóa” các di vật khảo cổ
“thật” và xây dựng dữ liệu bằng số hóa đến việc tổ chức triển lãm các
nguồn tư liệu đã được số hóa và có chú giải về các tư liệu đó.
Bên
cạnh đó với đề xuất của từng quốc gia riêng rẻ, các di sản đã từng nằm
trên hai “Con đường tơ lụa” đó đã được UNESCO xem xét và công nhận.
“Thương cảng Hội An” của VN cũng là một trong các di sản nằm trên “Con
đường tơ lụa trên biển” mà UNESCO cũng đã công nhận. Đặc biệt, 6/2014
vừa qua UNESCO đã chính thức ghi nhận “Con đường tơ lụa trên bộ (The
Silk Road) “chỉ” đi qua 3 quốc gia “cùng hợp tác” đệ trình là Trung Quốc
Kazakhstan và Kyrgyzstan là di sản thế giới. Còn nữa Duy Chiếnthực hiện
[1]
Toà án Công lý Quốc tế (tiếng Anh: International Court of Justice –
ICJ) là một phân ban trực thuộc Liên Hiệp Quốc, được thành lập vào năm
1945 với tiền thân là Toà án Thường trực Công lý Quốc tế (Permanent
Court of International Justice) có từ năm 1922. Tòa bắt đầu chính thức
nhận hồ sơ, thụ lý và giải quyết tranh chấp các vấn đề giữa các quốc gia
thành viên có liên quan, cũng như làm công tác cố vấn pháp luật cho Đại
Hội đồng Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cũng như các
ủy ban khác trực thuộc Liên Hiệp Quốc như đã ghi rõ trong Hiến chương
Liên Hiệp Quốc từ 1946.
Tòa án công lý Quốc tế tọa lạc tại thành phố Den Haag (La Haye – tiếng Pháp), Hà Lan.
Nguồn: Tuanvietnam
Anh Chủ tịch nói lời cay đắng rồi phóng biển xanh qua sở thú ngắm cá sấu
massage. Trong khi đó vua Đinh mặt rồng phừng phừng lửa giận, tuốt gươm
thét lớn: Tình yêu non sông gấm vóc cái kim tiêm à!
Chào mừng bạn trở lại với Tin khó tin
Bà con phấn khởi bấm nhiều nút lai...
Hôm qua, dân gian có thơ thế này:
An Giang, trong một buổi chiều
Bà con phấn khởi bấm nhiều nút lai...
Chả là hôm qua, Thứ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn đã làm bà con,
không chỉ ở An Giang “bấm like kịch liệt” khi trong một bài phỏng vấn,
ông đã khẳng định quá xác đáng. Rằng nói gương mặt “Chủ tịch kênh kiệu”
hay “ông Chủ tịch không gần dân”, đó là một nhận xét đầy cảm tính. Với
nhận xét đó, chúng tôi chưa thấy đủ yếu tố và đến mức độ để cơ quan chức
năng xử lý người ta vi phạm hành chính.
Chủ tịch An Giang: Cái gì mình tha thứ được thì tha thứ (ảnh Tuyên giáo An Giang)
Và việc nhiều cơ quan (16 cơ quan thưa các bạn!) cùng vào cuộc xác
minh, họp hành, ra quyết định xử phạt hành chính và kỷ luật Đảng là việc
làm tùy tiện và có dấu hiệu lạm quyền. Xem thêm tại đây
Trong khi đó, Vương chủ tịch mặc dù nói lời cay đắng là “khổ sở”,
nhưng vẫn kiên định quan điểm: Cái gì mình tha thứ được thì tha thứ,
quan trọng là người làm sai biết sửa. Xem thêm tại đây
Giá như ông Chủ tịch nghĩ xa hơn cái sống mũi thì hiểu ngay rằng
người làm sai phải biết sửa chính là cái bộ máy 16 cơ quan nhà ông đang
ăn hiếp những người dân lành chỉ vì 2 chữ kênh kiệu và một cái bấm like.
Giá như ông thật sự cầu thị thì đã hiểu được rằng người có quyền tha
thứ phải là người dân An Giang chứ không phải cái mặt 5 triệu. Dê nhầm nhà, danh sách nghèo lỗi đánh máy, nhà tình nghĩa… xây nhầm địa chỉ
Tôi nói thật là đã suy nghĩ về hoàn cảnh của người bí thư chi bộ trong bàn tin này. Xem thêm tại đây
Ngôi nhà 3 tầng của đồng chí “bí thư hộ nghèo” (Ảnh Doisongphapluat)
Ông có vợ mắc bệnh nan y - một thứ bệnh mà có thể, tài sản sẽ lần
lượt đội nón ra đi - không ngoại trừ cả việc rơi xuống hộ nghèo. Nhưng
hoàn cảnh không phải là lý do để một người có chức có quyền có thể lợi
dụng chính sách.
Bởi nếu một người có nhà 3 tầng, có tiền mua ô tô mà lại hưởng chính
sách hộ nghèo, có nghĩa là có một người nghèo và đói mất đi một bát cơm
trong mỗi bữa ăn. Có nghĩa là lẽ công bằng đang què thêm một chân.
Ông bí thư có thể nói ông nghèo - nhưng cái nghèo, nếu có, là nghèo
lòng tự trọng. Chỉ an ủi là nghèo tự trọng là căn bệnh không ít phổ
biến.
Đấy, vừa hôm qua, huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu vừa lá lành đùm lá
rách cho một người dân ở huyện Hồng Dân. Chỉ có điều, đó là đùm nhầm,
chỉ có điều cái lá đó không rách, có điều, cái lá đó mọc trên cây gia
tộc của đồng chí Bí thư huyện ủy Phước Long. Xem thêm tại đây
Những “người hùng đóng thuế” xây trụ sở 100 tỉ ở Quảng Nam (Ảnh Thanh Niên)
Con dê đi nhầm nhà, bản danh sách lỗi đánh máy và nhà tình nghĩa… xây
nhầm địa chỉ. Chao ôi, những người làm chính sách mà quay sang viết văn
thì với trí tưởng tượng phong phú thế này chẳng mấy đất Việt sẽ có tên
trên bản đồ Nobel thế giới. Lò đào tạo đâm kim chuyên nghiệp thì có
Hôm qua, đi qua siêu xa lộ 10 làn đường đang dùng để “phơi tép” ở Hà
Tĩnh, PV báo Giao thông đã đến với những vùng mà người dân đang hàng
ngày “đánh đu với tử thần” khi qua lại trên những chiếc cầu phao tạm bợ
đã lên lão, những con đò bám dây hay những cây cầu siêu vẹo sập lúc nào
không biết.
Nơi đó, có những đứa trẻ đã chết. Nơi đó, 240 tỉ của cái siêu xa lộ có thể xây được cả chục cây cầu. Xem thêm tại đây
Tượng đài kim tiêm (Ảnh Dân trí)
Hôm qua, PV Thanh Niên đã đến với những khổ sở, lạc hậu, nghèo đói,
phía sau của những trụ sở hành chính trăm tỉ ở Nam Giang, Quảng Nam để
thấy rằng chính những người dân đang phải trèo lội suối bòn ruộng mót
nương từng xu các để đóng thuế lấy tiền ngân sách xây trụ sở. Xem thêm tại đây
Những con người cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho giời ấy, nhìn
trụ sở nguy nga hoành tráng mà không tưởng lâu đài cung điện thì mới là
lạ chứ.
Ấy thế mà, Thưa các bạn, cơn sốt lâu đài, bảo tàng, tượng đài hóa ra
bịt được chỗ này lại lòi ra chỗ khác. Sơn La chưa qua Đắc Nông đã tới. Xem thêm tại đây
Tôi gạch đầu dòng giúp bạn 2 chi tiết không thể bỏ qua này. Đắc Nông
từng định “huy động từ doanh nghiệp, công nhân viên chức, học sinh trong
toàn tỉnh”. Và thứ 2: Cái tượng đài 146 tỉ đấy, tương đương với 1/10
ngân sách toàn tỉnh thu trong một năm.
Bạn hỏi tượng đài xây xong rồi để làm gì?
Chẳng may hết vốn giữa chừng thì nó có thể bị bỏ hoang như bảo tàng
Vịnh Mốc (Quảng Trị). Nơi mà 5,5 tỉ bạc đang thử thách dưới nắng mưa. Xem thêm tại đây
Còn nếu có cách để “huy động sức dân” và tiền ngân sách thì nó có thể
trở thành bãi đáp cho các anh “họ nghiên” như tượng đài vua Đinh Tiên
Hoàng trong quảng trường ngàn tỉ ở Ninh Bình. Xem thêm tại đây
Tôi nói thật, sau khi Dân trí đưa mấy cái ống tiêm dưới chân nhà vua
đứng cắp kiếm lên báo, tôi chỉ mong ngài còn sống, thế nào mặt rồng cũng
phừng phừng lửa giận, tuốt gươm “cẩu đầu trảm” cho phát - cái lũ phạm
thượng.
Xe biển xanh ngành thuế đi “uống nước” ở tiệm massage (Ảnh Doanhnghiep)
Giáo dục tình yêu non sông gấm vóc cái gì. Có mà thành lò đào tạo đâm ven xỏ kim chuyên nghiệp thì có. Xe biển xanh đi “uống nước” trong tiệm massage
Nhân câu chuyện sẽ có hơn 4.000 biên chế nhà nước phải giảm trong năm
2016 - một chỉ tiêu cụ thể thật sự thể hiện quyết tâm của Chính phủ,
báo điện tử VNN hôm qua đã đặt ra một câu hỏi khó: sao nghề công chức
lúc nào cũng hot? Xem thêm tại đây
Cũng lạ, lương thì 3 cọc 3 đồng mà sao có đến 2,8 triệu công chức, mà
sao ai cũng muốn lao vào con đường công chức, thậm chí phải “nã đạn” cả
trăm triệu chỉ để vào được bộ máy nhà nước.
Tờ báo trả lời, rằng đó là cái tâm lý “một người làm quan cả họ được
nhờ”, rằng mục tiêu là để “làm quan và đổi đời”. Chưa kể thực tế từng
được công khai tại nghị trường: Hậu duệ rồi mới đến quan hệ và tiền tệ.
Và hôm qua, các công chức ngành thuế Hải Dương đã trả lời giúp câu
hỏi này. Đây, ngay trong giờ hành chính, bằng xe biển xanh, họ đi “uống
nước” trong tiệm massage tên gọi “Nhật Nguyệt Lầu” suốt 2 tiếng rưỡi
đồng hồ. Xem thêm tại đây
Bài báo dài ơi là dài, đáng chú ý có lời giải thích của một quan chức
ngành thuế: “Ngày hôm ấy ở cơ quan có một số đồng chí đi làm việc trên
Hà Nội, chắc là trên Hà Nội “khó” có chỗ để xe nên các đồng chí vào…
“chỗ đó”.
Còn “Massage cũng là bình thường mà, đến chị còn đi nữa là” và “việc
sử dụng xe công vụ đi “giải trí” trong giờ hành chính là hoàn toàn “bình
thường”.
Tôi nghĩ mai tờ Doanh nghiệp sẽ phải tung ra cái clip thôi, chứ từ
năm ngoái, ngành thuế đã quyết tâm xử lý nghiêm công chức thuế bỏ vị trí
công việc, hoặc làm việc riêng trong giờ rồi. Xem thêm tại đây
Biết đâu họ vào đó để kiểm tra… môn bài lầu xanh. Đẩy “bộ phận không nhỏ” sang láng giềng
Tờ Tuổi trẻ, trong một sự liên tưởng thi vị nói đến chuyện “con cá
sấu lim dim sưởi nắng trong một ngày đúng ra phải là đông giá". Bạn sẽ
ngạc nhiên. Chẳng có gì lạ cả. Vì Hà Nội thì làm gì có tham nhũng.Xem thêm tại đây
Tướng Trần Văn Độ: Chưa
có một cơ quan, địa phương nào tự mình phát hiện ra ở trong cơ quan, địa
phương có tham nhũng (Ảnh Quochoi)
Bài báo, theo tôi có một câu cực đắt: “Ai cũng bức xúc, ai cũng than
phiền về tham nhũng. Song ít ai dám công khai vạch mặt nguyên nhân và
dũng cảm chống tham nhũng. Rất đơn giản: hóa ra chúng ta rất sợ hãi tham
nhũng, tựa như sợ hãi con cá sấu ngủ trưa kia”.
Nhưng tôi nghĩ còn có một câu trả lời nữa, cho con cá sấu bình thản
sưởi nắng- điều mà ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đã nhắc tới trước nghị
trường: Người tham nhũng đang xử lý người chống tham nhũng.
Hôm qua, trong khi tướng Độ, một thẩm phán đeo cành tùng lấy thực
tiễn ra nói chuyện “Chưa có một cơ quan, địa phương nào tự mình phát
hiện ra ở trong cơ quan, địa phương có tham nhũng” nhất là trong thời
điểm "hoàng hôn nhiệm kỳ" sắp hết nên thôi khỏi làm gì nữa, nhường lại
cho nhiệm kỳ sau. Xem thêm tại đây
Thì Hà Nội cũng nhân đà “Sông Tô trắng trẻo mịn màng” tiếp tục cho
nhân dân thư giãn với khẳng định: Không có cán bộ nào nhận quà sai quy
định. Xem thêm tại đây
Tôi chỉ ước ngay ngày mai các địa phương sẽ nô nức nhập Tràng (an) để
học hỏi kinh nghiệm đặng cuối năm sẽ đẩy “bộ phận không nhỏ” sang láng
giềng. Khi ấy, cả nước sẽ: "Không có cán bộ nào mua dâm". Không cán bộ
nào không hoàn thành nhiệm vụ. Không cán bộ nào cắp ô. Không cán bộ nào
kê khai không trung thực. Không cán bộ nào giàu bất thường.
Tôi muốn hỏi các bạn một điều rằng phải chăng khi ấy ngay cả cá sấu
trong vườn thú Thủ lệ cũng sẽ biết kêu meo meo và vẫy đuôi như chó nữa?
"...Có thể nói cực đoan, cuồng tín, và hận thù là nguyên nhân của mọi
tai họa. Nó vừa là hệ quả vừa là nguyên nhân dẫn đến bạo lực và khủng
bố, xung đột và chiến tranh. Khi cực đoan và hận thù đã trở thành tâm
thức (state of mind) thì càng nan giải..."
Muốn chống khủng bố và chấm dứt bạo lực, không chỉ dùng bạo lực, mà phải
vận dụng cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm để hóa giải. Bạo lực sẽ tiếp
nối bạo lưc, hận thủ sẽ đẻ ra hận thù, như một cái vòng luẩn quẩn nguy
hiểm (vicious circle).
Người ta có thể tiêu diệt hay bắt sống những tên khủng bố tại Paris, có
thể ném bom tiêu diệt các căn cứ IS ở Syria, nhưng khó lòng chấm dứt
được khủng bố. Chừng nào cực đoan và hận thù còn tồn tại, nó sẽ sản sinh
ra tiếp các nhóm khủng bố mới.
Như bệnh ung thư đã di căn, người ta không thể dùng dao kéo cắt bỏ hết
được, mà phải kết hợp hóa xạ trị và thay đổi cách sống, may ra mới cứu
vãn được tính mạng. Khi cực đoan và hận thù đã trở thành tâm thức, bạo
lực và khủng bố có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi, trong quan hệ quốc gia
quan hệ xã hội, cũng như trong gia đình (domestic violence).
Vì vậy, muốn xóa bỏ tân gốc khủng bố và bạo lực, phải đánh thức lòng
nhân ái và sự tử tế của con người, để thay thế cho cực đoan và thù hận.
Phải vận dụng năng lượng tích cực thay thế cho năng lượng tiêu cực đang
xói mòn các giá trị cốt lõi của con người.
Cực đoan và cuồng tín thường có nhiều biểu hiện khác nhau, nhưng điển
hình nhất là mấy dấu hiệu phổ biến sau đây (common indicators):
1- Không chịu lắng nghe, mà chỉ muốn người khác nghe theo mình (chủ
quan, võ đoán). Khi phải nghe ý kiến người khác thì chỉ thích nghe những
gì giống mình, còn bác bỏ những gì khác mình, không cần biết đúng sai,
hay dở.
2- Bảo thủ, cứng nhắc, không chịu thay đổi, dị ứng với cái mới và sự
khác biệt. Hay định kiến và cố chấp, không thích tranh luận và phản
biện. Luôn khẳng định và phủ định, luôn cho mình là đúng, ai không giống
mình là sai…
3- Độc quyền, độc đoán và độc ác, không có lòng nhân ái vị tha, không
chịu hợp tác và thỏa thuận. Tham lam vô độ, không muốn chia sẻ quyền
lợi. Tính cá nhân cao, tính cộng thấp, chỉ quan tâm đến lợi ích riêng
hay lợi ích nhóm...
“Terror in Little Saigon”: Sống trong sợ hãi?
Gần đây, khi PBS chiếu bộ phim tài liệu “Terror in Little Saigon”
(3/11/2015) dư luận trong nước và ngoài nước (đặc biệt là cộng đồng
người Việt hải ngoại) lại ồn ào, lật lại một trang sử đau buồn đã diễn
ra cách đây 2-3 thập kỷ, như một vết thương cũ chưa lành.
Đằng sau những tranh cãi ồn ào (ai là thủ phạm) có một sự thật đáng
buồn: Sau chiến tranh, người Việt (trong nước và hải ngoại) vẫn tiếp tục
“sống trong sợ hãi”, vẫn chưa thoát khỏi bóng ma chiến tranh như “tù
binh của quá khứ”. Vì vậy, họ không thể hòa giải, không phải chỉ giữa
hai phía, mà còn ngay trong lòng cùng một cộng đồng.
Những người Việt cực đoan và thù hận, dù đứng về phía nào trong sân khấu
chính trị (cộng sản hay chống cộng), họ đều giống nhau. Cực đoan thường
dẫn đến độc tài và chuyên quyền; Cuồng tín dẫn đến bảo thủ và lú lẫn;
Thù hận dẫn đến bạo lực và xung đột; Tham lam dẫn đến tham nhũng và
chiếm đọat. Đó mới là những thứ cần phải chống.
Người ta nói không thể thay đổi được quá khứ, nhưng có thể tạo dựng lại
tương lai. Nhưng phải minh bạch về quá khứ, mới tha thứ được cho nhau
và hòa giải dân tộc, để cùng đối phó với nguy cơ mới đang đe dọa lợi ích
chung của dân tộc. Tại sao người Đức có thể hòa giải được (sau chiến
tranh và sau thống nhất) mà người Việt lại không làm được?
Phải chăng tư tưởng cực đoan và lòng hận thù, là di chứng của một cuộc
chiến đẫm máu và tàn khốc (cả chiến tranh cục bộ lẫn nội chiến) vẫn còn
đeo đẳng cả hai phía, làm vô hiệu hóa những nỗ lực và cơ hội hòa giải.
Nhiều năm sau chiến tranh, người Việt trong nước và hải ngoại vẫn là nạn
nhân của cực đoan và hận thù, của bạo lực và khủng bố.
Điều cần nói là có một số người trong chính quyền Mỹ lúc đó đã bảo vệ và
dung túng cho những người Việt chống cộng cực đoan, dùng bạo lực để đe
dọa và giết hại các nhà báo gốc Việt không cùng quan điểm, bất chấp luật
pháp. Cộng đồng người Việt phải liều mạng vươt biên để định cư tại Mỹ
một đất nước có tự do dân chủ, nhưng họ vẫn “sống trong sợ hãi” vì bị
chính đồng bào của họ khủng bố. Đó là một sự thật trớ trêu khó phủ nhận.
Đã 4 thập kỷ sau chiến tranh, và 2-3 thập niên sau những vụ giết hại 5
nhà báo gốc Việt tại Mỹ. Những tư liệu mới thu thập mà Frontline và
ProPublica đã sử dụng trong phim “Terror in Little Saigon”, dù chưa đầy
đủ, nhưng đã bạch hóa được một phần trang sử đau buồn mà nhiều người vẫn
chưa quên. Họ không dám nói ra vì “sống trong sợ hãi”.
Không phải chỉ có những vụ khủng bố và giết hại 5 nhà báo gốc Việt ở Mỹ
đã bị bưng bít (bởi những động cơ bất lương), mà còn 73 nhà báo gồm
nhiều quốc tịch khác nhau đã bị “mất tích” (tức bị giết kín) trong chiến
tranh Việt Nam, vẫn bị bưng bít và trôi vào quên lãng, không được các
chính phủ (Mỹ và Việt Nam) hợp tác tìm kiếm (như MIA).
Khi vụ khủng bố tòa báo Charlie Hebdo (tại Paris) xảy ra, Tổng Thống
Obama đã hứa giúp nước Pháp “đưa bọn khủng bố ra trước công lý”. Nhưng
đối với bọn khủng bố giết hại 5 nhà báo gốc Việt trên đất Mỹ, ông đã làm
gì? Đối với 73 nhà báo quốc tế (trong đó có cả nhà báo Mỹ) bị mất tích
trong Chiến tranh Việt Nam, ông và chính quyền đã làm gì?
Những ý kiến phản đối bộ phim “Terror in Little Saigon” có nhiều động
cơ, trong đó có tâm trạng hoảng sợ vì những gì được bưng bít lâu nay có
thể bị tiết lộ. Ví dụ, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một cựu lãnh đạo của Mặt
Trận cho biết “K-9” là có thật, do ông Phạm Văn Liễu điều phối, mục tiêu
ám sát đầu tiên là chính ông (Nguyễn Xuân Nghĩa), mục tiêu thứ hai là
Đỗ Ngọc Yến (chủ báo Người Việt), nhưng ông Trần Khánh Vân đã lãnh đạn
thay.
Khi có người bị giết hại chỉ vì bất đồng chính kiến (hay để bịt miệng),
thì người ta im lặng một cách khó hiểu. Khi có những nhà báo có uy tín
điều tra quá khứ, đánh động lương tâm để giúp nhau tìm ra thủ phạm, thì
người ta hoảng sợ. Tâm trạng này giống một dạng tâm thần hoang tưởng,
không dám đối diện với sự thật (dù đã 2-3 thập niên trôi qua).
Tuy không thể thay đổi được quá khứ, nhưng cố tình bưng bít sự thật lịch
sử, dù núp dưới bất kỳ chiêu bài nào, đều là bất lương và tội lỗi. Với
tinh thần đó, những người tử tế và khách quan cần ủng hộ ProPublica và
Frontline (và những người khác) tiếp tục điều tra để làm rõ sự thật,
không phải chỉ để an ủi thân nhân những người bị giết hại (hay mất
tích), mà còn để khép lại quá khứ, như một vết thương chiến tranh vẫn
chưa thành sẹo.
“Terror in Paris”: Một bước ngoặt mới?
Sau vụ khủng bố kinh hoàng tại New York (11/9/2001), mở màn cuộc chiến
chống khủng bố, có người ví vụ khủng bố tại Paris (13/11/2015) là một
bước ngoăt tương tự, làm thay đổi cuộc chơi (game changer). Khác với vụ
tấn công tòa báo Charlie Hebdo (14/1/2015), đây là một cuộc tàn sát đẫm
máu, làm 129 người chết và hơn 350 người khác bị thương.
Đối với Paris, đây không phải lần đầu, cũng không phải lần cuối. Chưa
biết tiếp theo sẽ là nơi nào, Brussels hay Berlin hay London? Các nước
Phương Tây tấn công IS chỉ là duyên cớ trực tiếp để IS trả thù, và làn
sóng di cư vào châu Âu chỉ là cơ hội tốt để IS lợi dụng. Ai cũng biết IS
không đẻ ra từ chân không và không hề đơn độc.
Theo Tổng thống Nga Putin (tại hội nghị G20) có hơn 40 quốc gia tài trợ
cho IS, trong đó có một số quốc gia trong nhóm G-20. Một số quốc gia
“chơi con bài IS” nhằm thực hiện mưu đồ chính trị của mình. Lẽ ra phải
tiêu diệt IS ngay từ đầu khi mới hình thành thì người ta lại lợi dụng
nó, nuôi dưỡng nó, cung cấp vũ khí cho nó để dùng nó chống lại một số
quốc gia khác. Không biết lời cáo buộc này chính xác tới đâu, đó là một
phần sự thật.
Có thể hệ thống tổ chức của IS nay hiệu quả hơn. Có thể hệ thống an ninh
của Pháp và Châu Âu lơ là cảnh giác và chủ quan trước những thách thức
mới. Nhưng dù các chính phủ có thắt chặt an ninh và phối hợp tình báo
hiệu quả hơn, hay phối hợp hành động mạnh tay hơn, thì cuôc chiến chống
khủng bố vẫn đầy phức tạp và chưa nhìn thấy lối thoát.
Chừng nào các quốc gia còn theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tranh
chấp nhau. Chừng nào các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo còn chia rẽ và
hận thù, không muốn hòa giải, từ chối dân chủ hóa, thì còn miếng đất màu
mỡ cho cực đoan và bạo lực. Muốn ngăn chặn khủng bố diễn ra tại New
York hay Paris, phải ngăn chặn từ gốc, và từ trước.
Điều đáng lo ngại là nhiều thanh thiếu niên từ các nước khác nhau, gồm
nhiều thành phần (kể cả sinh viên và trí thức) vẫn tiếp tục nghe theo
tiếng gọi “thánh chiến” của thế lực Hồi giáo cực đoan, đầu quân làm
những kẻ đánh bom cảm tử. Vậy cái gì thúc đẩy họ từ bỏ cuộc sống bình
thường để trở thành cực đoan (radicalized) và liều chết?
Cuộc chiến chống khủng bố phải là cuốc chiến toàn diện, trên phạm vi
toàn cầu, chống lại tư tưởng cực đoan và hận thù, là nguyên nhân chủ yếu
dẫn đến bạo lực và khủng bố, xung đột và chiến tranh. Vì vậy, các quốc
gia phải đồng lòng phối hợp, vận dụng cả sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm,
mới có thể hóa giải được nó tận gốc. Cuôc chiến chống khủng bố rất tốn
kém và còn khó khăn hơn cả chống du kích trong rừng rậm nhiệt đới.
Để đối phó với mấy tên khủng bố tại Boston hay Paris, nước Mỹ hay nước
Pháp phải huy động mấy ngàn quân và chi phí nhiều triệu đô la. Đây là
một sự bất cập về tương quan lực lượng và là một điểm yếu mà bọn khủng
bố sẽ khai thác như một thế mạnh. Để đối phó với một tiểu đoàn khủng bố
tại Đông Nam Á (như thủ tướng Singapore nói) thì các nước ASEAN cần bao
nhiêu quân và bao nhiêu tiền (trong khi Biển Đông như thùng thuốc súng).
Xã hội đầy bạo lực và rủi ro: Thập diện mai phục?
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (Việt Nam) có làm môt bộ phim với cái tên hay
“Sống trong sợ hãi” (Living in Fear). Đao diễn Trương Nghệ Mưu (Trung
Quốc) cũng làm một bộ phim với cái tên hay “Thập diện mai phục” (Flying
Daggers). Tên của hai bộ phim này có thể được dùng để mô tả tâm trạng
bất an hiện nay của người Việt (và người Trung Quốc).
Không phải ngẫu nhiên mà 64% người giàu Trung Quốc (có tài sản trên 1,6
triệu USD) đã hoặc định di cư khỏi Trung Quốc (theo Elizabeth Economy at
Council on Foreign Relations). Không phải ngẫu nhiên mà tỷ phú Lý Gia
Thành “bỏ chạy” khỏi Trung Quốc. Tâm Trạng bất an của người Trung Quốc
(và người Viêt) là do bạo lực và rủi ro trong xã hội.
Tại sao sau chiến tranh, được giải phóng rồi, hoặc vượt biên rồi, mà
người Viêt vẫn “sống trong sơ hãi”? Có lẽ vì cực đoan và bạo lực, là di
họa của chiến tranh, vẫn chưa thực sự chấm dứt, như bóng ma của quá khứ
tiếp tục ám ảnh họ. Trong khi ở hải ngoại có “Terror in Little Sài Gòn”,
thì ở trong nước còn nhiều loại terror khủng khiếp hơn.
Đó là tai họa do bom mìn chưa nổ và chất độc da cam (do chiến tranh để
lại). Đó là nạn trộm cướp, giêt người, hiếp dâm ngày nào báo chí cũng
đưa tin (“cướp, giết, hiếp”). Đó là tai nạn giao thông, chết nhiều như
sóng thần (theo bộ trưởng Giao thông). Đó là ngộ độc thưc phẩm do sử
dụng vô tội vạ các chất độc hại (từ Trung Quốc). Chưa bao giờ có nhiều
người mắc bệnh ung thư như hiện nay (theo Bộ Y Tế). Nhưng chính phủ và
quốc hội vẫn bất lực, vì ngộ độc thực phẩm “phải lăn ra chết thì mới xử
lý được!” (theo bộ trưởng Nông nghiệp).
Đối tượng dễ tổn thương nhất là phụ nữ và trẻ em, có thể bị dụ dỗ hoặc
bắt cóc để bán sang Trung Quốc. Trẻ em đến trường có thể gặp nguy hiểm
vì bạo lực học đường. Tội phạm “vị thành niên” ngày càng gia tăng. Khi
giáo dục và văn hóa xuống cấp, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của cực đoan
và vô cảm, dễ bị cám dỗ bởi ma túy và bạo lực.
Đối tượng dễ bị bắt nạt nhất (và cũng dễ phản kháng bằng bạo lực) là
nông dân. Trường hợp Đoàn Văn Vươn là một ví dụ điển hình. Để chống lại
nhóm lợi ích địa phương cướp đoạt ruộng vườn và thành quả lao động của
mình, anh đã bị đẩy vào “bước đường cùng”, buộc phải dùng bạo lực để tự
vệ, vì mất hết lòng tin vào chính quyền. Những kẻ bắt trộm chó bị những
người nông dân đánh chết vô tội vạ cũng là môt ví dụ (chỉ có tại Việt
Nam).
Một đặc điểm khác của các quốc gia độc tài (cộng sản hay không cộng sản
cũng vậy) là sử dụng bạo lực để trấn áp những người bất đồng chính kiến,
bằng cách bỏ tù hoặc dùng côn đồ để đánh đập họ. Mục tiêu chính là
khủng bố tinh thần, làm cho mọi người sợ hãi. Stalin, Hitler, Mao, hay
Polpot là những nhà lãnh đạo kiệt xuất trong việc tẩy não khiến hàng
triệu trí thức sẵn sàng giết chóc và hy sinh cho những lý tưởng cực đoan
và đầy thù hận.
Khủng hoảng Biển Đông: Một thùng thuốc súng?
Khủng hoảng Biển Đông đã xảy ra sau khi Trung Quốc đem dàn khoan HD 981
vào hải phận Việt Nam tại Biển Đông, bồi đắp các đảo nhân tạo và xây
dựng hạ tầng quân sự trên các đảo đó, tạo ra một bước ngoặt mới. Hành
động bành trướng bằng bạo lực này là hệ quả tất yếu của chủ nghĩa dân
tộc cực đoan, con đẻ của chủ nghĩa bá quyền Đại Hán.
Cực đoan và bạo lực vốn là thương hiệu của đảng CS Trung Quốc. Mao chủ
tịch đã từng nói, “quyền lực đẻ ra trên nòng súng”. Trong mấy thập kỷ
sau khi giành đươc chính quyền, đảng CS Trung Quốc đã gây ra những thảm
họa như “Đại Nhảy vọt” (Great Leap forward) và Cách mạng Văn hóa”
(Cultural Revolution) làm mấy chục triệu người chết.
Chắc mọi người vẫn chưa quên thảm họa diệt chủng tại Campuchia do Khmer
Đỏ gây ra, có bàn tay của đảng CS Trung Quốc. Người Việt Nam (và Triều
Tiên) cũng phải gánh chịu những hậu quả tệ hại do chịu ảnh hưởng nặng nề
bởi chủ nghĩa Mao đầy cực đoan và bạo lực, cho đến tận ngày nay. Chỉ có
người Miến Điện là may mắn “Thoát Trung”.
Những gì đang diến ra tại Biển Đông chỉ là sự tiếp nối của lịch sử. Hay
nói khác đi là lịch sử đang lặp lại. Chỉ có “Thoát Trung” mới thoát khỏi
định mệnh (karma) và cái vòng kim cô về ý thức hệ đã kìm kẹp và kéo lùi
lịch sử Viet Nam nhiều thập kỷ. Biển Đông vừa là nguy cơ vừa là cơ hội
để “Thoát Trung”. Bỏ qua cơ hội này chắc không còn cơ hội nào khác.
Hành đông của Trung Quốc tại Biển Đông có thể tóm tắt: Trong khi đe dọa
(intimidate), cưỡng đoạt (coerce) và bắt nạt (bully) các nước nhỏ yếu
(Việt Nam, Philippines), Trung Quốc thách thức Mỹ, nhưng tránh đối đầu,
vì muốn chia quyền với Mỹ (major power diplomacy). Họ bất chấp luật
pháp, vì muốn thay đổi luật chơi và thay đổi nguyên trạng.
Sách lược hai mặt này Trung Quốc có hiệu quả, chừng nào họ phân hóa được
ASEAN bằng “cái gậy và củ cà rôt”, bằng đàm phán song phương để vô hiệu
hóa ASEAN. Họ đã vận dụng tối đa “vùng xám” (gray area) để thao túng
bằng cách khoanh vấn đề (localized) để vô hiệu hóa Mỹ và cắt lát nhỏ vấn
đề (salami slice), để biến thành việc đã rồi (fait’accompli).
Trong khi Obama hoãn chuyến thăm Việt Nam thì Tập Cận Bình đã đến Hà Nội
và đọc diễn văn tại Quốc Hội VN (6/11/2015). Tuy Obama đã bật đèn xanh
cho hải quân Mỹ cho tàu USS Lassen vào vùng biển 12 hải lý quanh đảo
Subi reef tại Biển Đông, nhưng lại trương biển “đi lại vô hại” (innocent
passage). Đây này là một tín hiệu yếu của Mỹ (vẫn là “tiếng kèn ngập
ngừng”), làm bạn bè đồng minh thất vọng, trong khi Trung Quốc mừng thầm.
Có thể nói Trung Quốc dùng thủ đoạn và sức mạnh nước lớn để uy hiếp và
bắt nạt các nước nhỏ (như Việt Nam và Philippines) cũng là môt loại
khủng bố. Ngư dân Việt Nam đang “sống trong sợ hãi”, vì hàng ngày bị tàu
thuyền Trung Quốc khủng bố trên Biển Đông. Họ đang bị tước đoạt quyền
đánh cá ngay trên vùng biển vốn là của mình. Nếu bị dồn đến bước đường
cùng, ngư dân Việt có thể liều mạng lao thuyền chứa chất nổ vào tàu
Trung Quốc.
Việt Nam đã thành lập lữ đoàn tàu ngầm 189 có căn cứ tại Cam Ranh, với 6
tàu ngầm “Kilo class 636.3-MV” trong đó 4 chiếc đã được chuyển giao và
đang hoạt động, còn 2 chiếc nữa sẽ được chuyển giao trong năm 2016. Đây
là các tàu ngầm tấn công được trang bị tên lửa Klub diệt hạm “3M-54E1”
và đối đất “3M-14E” (có tầm bắn 300 km).
Hạm đội tàu ngầm non trẻ gồm 6 chiếc tàu “Kilo 636”, cùng với 32 máy bay
chiến đấu đa năng thế hệ 4 “Su-30MK2” là lực lượng răn đe hiện đại có
khả năng gây tổn thất lớn cho đối phường (anti-access/area denial
capabilities). Nếu xảy ra xung đột tại Biển Đông, Viêt Nam có thể buộc
phải tự vệ bằng chiến lược “cùng hủy diệt” (mutually assured
destruction).
Nếu bị dồn đến bước đường cùng, các tàu ngầm Kilo có thể hoạt động như
“U-Boat” của Đức trong Đai Chiến II, tấn công các tàu chở dầu và chở
hàng của Trung Quốc trên Biển Đông, gây tổn thất lớn cho đối phương và
khủng hoảng thị trường quốc tế, làm các hãng bảo hiểm hàng hải (như
Lloyd’s insurance) và các nhà đầu tư nước ngoài hoảng loạn, buộc đối
phương phải nghĩ lại và cộng đồng quốc tế phải can thiệp để tìm giải
pháp qua đàm phán.
Nhưng vấn đề không phải là tiềm lực quốc phòng, mà là ý chí chính trị
của lãnh đạo và sự đồng lòng của toàn dân. Nếu đồng lòng, Việt Nam đã
từng thắng Pháp và Mỹ. Nếu chia rẽ, Viêt Nam đã từng mất Hoàng Sa
(1974), mất Gac-Ma và một phần Trường Sa (1988), và nay có thể mất nốt
Trường Sa và toàn bộ Biển Đông vào tay Trung Quốc.
NLD thắng cử tại Myanmar: Những bài học nào?
Ngày 8/11/2015 sẽ đi vào lich sử Myanmar khi tổng tuyển cử tự do đầu
tiên (sau 25 năm) đã được tổ chức thành công. Đảng NLD của bà Aung San
Suu Kyi đã giành được hơn 2/3 số ghế (348 ghế) tại quốc hội, nhiều hơn
19 ghế so với 329 ghế cần thiết để giành chiến thắng tuyệt đối. Kết quả
này đồng nghĩa với việc đảng NLD sẽ kiểm soát cả thượng viện và hạ viện,
và có quyền chọn Tổng thống, chấm dứt nhiều thập niên cầm quyền của
quân đội (mặc dù quân đội vẫn còn nắm giữ 25% số ghế và mấy bộ chủ
chốt).
Kết quả to lớn này đã làm nhiều người ngạc nhiên (kể cả bà Aung San Suu
Kyi). Nhưng ngạc nhiên hơn cả là thái độ của quân đội: chấp nhận thất
bại và sẵn sàng hợp tác. Đây là điều hiếm có. Tướng Min Aung Hlaing nói
quân đội sẽ “làm điều gì tốt nhất để hợp tác với chính phủ mới trong
giai đoạn hậu bầu cử”. Tổng thống Thein Sein cũng cam kết “sẽ tôn trọng
quyết định và lựa chọn của nhân dân và sẽ chuyển giao quyền lực như thời
gian đã định”.
Ngày 12/11/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện trưc tiếp cho bà
Aung San Suu Kyi để chúc mừng và ca ngợi “nỗ lực không mệt mỏi và sự hi
sinh sau rất nhiều năm để thúc đẩy một Myanmar hòa nhập, hòa bình và
dân chủ”. Ông cũng bày tỏ hi vọng kết quả bầu cử sẽ dẫn đến một “tương
lai hòa bình và thịnh vượng hơn” cho Myanmar.
Bắc Kinh cũng không thể không “bắt tay” với chính quyền mới do đảng NLD
của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, mặc dù bà Aung San Suu Kyi là một
trong những chính khách Myanmar đã công khai phản đối Trung Quốc xây
thủy điện Myitsone tại Myanmar, khiến công trình có kinh phí 3,6 tỷ USD
này vừa khởi công đã bị đình chỉ. Tháng 6/2015, lãnh đạo Trung Quốc (Tập
Cận Binh) đã đón tiếp trọng thị bà Aung San Suu Kyi trong chuyến thăm
TQ, với tư cách là thủ lĩnh đảng đối lập NLD. Đó là một nước cờ khôn
ngoan.
Trung Quốc buộc phải hợp tác với chính quyền tương lai của Naypyidaw, vì
họ có những lợi ích sống còn tại đây. Myanmar là điểm mấu chốt trong
chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, là cửa ngõ tốt
nhất để Trung Quốc tiếp cận Ấn Độ Dương, kết nối Đông Nam A với Nam Á.
Myanmar còn là điểm cuối của Hành lang Kinh tế kết nối Trung Quốc với Ấn
Độ, Bangladesh và Myanmar, và là một mắt xích quan trọng của tuyến
đường bộ cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan. Dự án đường ống dẫn dầu
Trung Quốc-Myanmar trị giá hàng tỷ nhân dân tệ, sẽ nối Vân Nam với Ấn Độ
Dương qua Myanmar.
Có 3 bài học chính về Myanmar:
Một là, Myanmar đã thoát Trung thành công. Thoát Trung không có nghĩa là
chống Trung Quốc hay quay lưng lại, mà là điều chỉnh lại mối quan hệ
với Trung Quốc để bình đẳng hơn, độc lập hơn, không bị lệ thuộc, dựa
trên lợi ích quốc gia (chứ không phải trên ý thức hệ “viển vông”). Thực
tế là Trung Quốc cần Myanmar cũng như Myanmar cần Trung Quốc. Tại sao
người Myanmar làm được, mà người Việt lại không?
Hai là, hòa giải thành công giữa chính quyền độc tài quân sự (đảng USDP)
và phe đối lập đấu tranh cho dân chủ (đảng NLD) là cơ sở để đoàn kết
dân tôc. Sau hơn 2 thập niên bị đàn áp và giam lỏng, Aung San Suu Kyi và
đảng NLD không bị khuất phục, mà còn trưởng thành như một đối trọng
chính trị được dân chúng ủng hộ và quốc tế hậu thuẫn. Điều đáng nói là
cả hai phía đã bỏ qua thù hận và thành kiến, để hòa giải và hợp tác với
nhau vì lợi ích chung của dân tộc. Tại sao người Myanmar làm được, mà
người Việt lại không?
Ba là, quá trình dân chủ hóa đã thành công tại Myanmar, thông qua con
đường đấu tranh bất bạo động, dùng sức mạnh mềm chống lại sức mạnh cứng,
để đảo ngược cấu trúc quyền lực cứng đã lỗi thời tại Myanmar. Tư tưởng
cách mạng của Aung San Suu Kyi là phải “thoát khỏi nỗi sợ hãi” (freedom
from fear”) để thay đổi thể chế chính trị, và thay đổi chính mình. Bà đã
thành công. Tại sao người Myanmar làm được, mà người Việt lại không?
Tuyên bố của Aung San Suu Kyi, “Tôi sẽ ở trên Tổng thống” (hiến pháp của
chính quyền quân sự không cho phép bà làm tổng thống vì có chồng con là
người nước ngoài) đã làm một số người lo ngại như một dấu hiệu độc đoán
và kiêu ngạo. Với 25 năm trải nghiệm cuộc đấu tranh chính trị trường kỳ
và phức tạp vì dân chủ, chắc bà đủ khôn ngoan và bản lĩnh để không mắc
sai lầm. Tuyên bố đó chỉ nên hiểu theo nghĩa hẹp vì thực dụng (realism).