Trung Quốc phản công, Mỹ sẵn sàng chưa?
Phía nam, chỉ xâm lấn Việt Nam, vì sao?
Hôm thứ ba Philippines bất chấp lời kêu gọi của Trung Quốc, đã đưa ra
toà xét xử 9 ngư dân Trung Quốc đánh bắt rùa biển trong hải phận tranh
chấp, tuyên phạt mỗi người 102 ngàn đô la hoặc phải chịu 6 tháng tù.
Hình như Việt Nam chưa làm như vậy bao giờ, trong khi Trung Quốc vẫn
bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam để đòi tiền chuộc. Lý do vì sao?
Có thể là vì giữa Việt Nam với Trung Quốc còn có mối quan hệ giữa hai
đảng Cộng sản cầm quyền. Hai nước đã nỗ lực giải quyết vấn đề tranh chấp
lãnh thổ, lãnh hải dựa trên mối quan hệ đó hơn là trên căn bản mối quan
hệ ngoại giao thông thường. Khi đã giải quyết một cách khác thường như
vậy thì cũng có thể có những cam kết khác thường mà ngoài hai đảng Cộng
sản ra không ai được biết.
Không ảnh chụp hoạt động tân tạo của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập |
Nhưng giả sử có sự cam kết như vậy thì vì sao phía Trung Quốc vẫn bắt
giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam để đòi tiền chuộc mà không cần một phán
quyết tư pháp nào, và Việt Nam phải đóng tiền mới chuộc được dân của
mình về?
Thực ra, không thể đoan chắc hai bên có cam kết điều gì và cam kết ra
sao; nhưng hành động độc đoán như vậy của Trung Quốc mới cho thấy rõ bản
chất hiếp bức nước nhỏ của một xứ chuyên hành xử theo kiểu bá quyền
nước lớn. Và qua đó người ta cũng thấy cái thế khó xử của Việt Nam, ở vị
thế một nước nhỏ yếu hơn nhiều mà lại nằm vào vị trí “môi hở răng
lạnh”, luôn luôn hứng chịu mọi sự áp chế từ hằng ngàn năm nay.
Tuy nhiên, nhìn lại, Miến Điện cũng ở vào vị trí sát cạnh nước lớn Trung
Quốc không khác gì Việt Nam, nhưng tại sao Bắc Kinh không hiếp bức được
như đối với Việt Nam?
Vị trí địa lý và mối quan hệ giữa Miến Điện với Trung Quốc, so ra có
những điểm khác biệt rất căn bản. Trước hết về yếu tố địa chính trị,
Miến Điện không nằm ở vị trí chắn đường thuỷ lộ và vùng biển phía nam
của Trung Quốc. Địa thế biên giới Miến-Hoa rất hiểm trở, không dễ tiến
quân xâm chiếm. Miến Điện vốn là một vương quốc hùng mạnh, nhiều lần có
chiến tranh với Thái Lan. Cho đến thế kỷ trước Trung Quốc cũng chưa phát
triển được như ngày nay, nên mãi đến nay Trung Quốc mới nhắm vào Miến
Điện vì cần đầu tư vào những đập thủy điện ở Miến, và muốn có những căn
cứ nhìn ra Ấn Độ Dương.
Trong khi đó giữa Việt Nam với Trung Quốc, ngày nay thì mang nặng mối
quan hệ giữa hai đảng Cộng sản, và từ xưa đã có những đặc tính văn hoá,
xã hội, văn minh, chủng tộc gần gũi. Dân tộc Lạc Việt vốn thuộc giòng
Bách Việt, là chủng tộc phát xuất từ chủng Nam Á từng chiếm hữu từ
Indonesia đến bờ nam sông Dương tử. Chủng Nam Á hình thành từ sự hoà
nhập cách nay 5 ngàn năm giữa chủng Cổ Mã Lai và Đại chủng Á từ phía bắc
sông Dương Tử tràn xuống. Vì thế dân tộc Việt và dân tộc Nam Trung Hoa
có nguồn gốc chủng tộc rất gần gũi, cho nên người Trung Hoa luôn luôn
muốn thu phục chủng tộc Việt mà họ coi là cùng nguồn gốc với họ. Ngược
lại, người Việt, vào những thời kỳ hưng thịnh và chiến thắng như trong
triều đại ngắn ngủi của vua Quang Trung, nhà vua cũng từng ngỏ ý muốn
chiếm lại lãnh thổ cổ xưa của Việt tộc từ Lưỡng Quảng rồi lấn dần tới
bắc Hồ Nam, vì cổ sử của Việt Nam ghi rõ Động Đình Hồ trên sông Dương tử
là nơi phát xuât truyền thuyết Lạc Long Quân.
Như vậy ta mới thấy mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc rất tế nhị và cũng
rất phức tạp, vừa thân thiết như cùng huyết thống vừa hận thù nhau
truyền kiếp, khiến Việt Nam luôn luôn phải chịu cái ách và phải giải cái
ách bành trướng xâm lấn của Trung Quốc từ ngày lập nước Văn Lang cách
nay mấy ngàn năm.
Không thể chung đường
Dù sao chăng nữa, đó cũng không phải lý do Trung Quốc đòi cưỡng chiếm cả
biển Đông, và không phải chỉ biển Đông mà còn cả thị trường châu Á và
xa hơn nữa, theo con đường tơ lụa thế kỷ 21 mà Bắc Kinh đang quảng bá.
Muốn thế, Trung Quốc phải tìm mọi cách không chế Nhật Bản và đẩy bật ảnh
hưởng kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ ra khỏi châu Á. Có phải nhân lúc
Hoa Kỳ vướng bận ở Trung Đông và Ukraine, mà Chủ tịch Tập Cận Bình vừa
khai mào cuộc phản công ở hai hội nghị thượng đỉnh APEC và G-20? Trong
khi Hoa Kỳ còn “mắc cạn” với Hiệp định TPP cho thị trường tự do châu Á
Thái Bình Dương thì ông Tập Cận Bình tung ra đề nghị về FTAAP tạo thị
trường tự do cho cả 21 quốc gia APEC. Sau đó ở Brisbane, Australia, hai
nhà lãnh đạo Úc-Hoa hân hoan công bố hiệp ước thị trường tự do song
phương, trong ý đồ rõ ràng của Bắc Kinh nhằm lôi kéo châu Đại dương ra
khỏi mối quan hệ với Hoa Kỳ cùng liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Úc-Ấn được
cho là đang manh nha hình thành.
Tử những hành động của Trung Quốc, khung cảnh thế giới ngày nay tựa như
tình hình thế giới hồi gần giữa thế kỷ 20 khi các thế lực quân sự kinh
tế hùng mạnh đi đến chỗ đối đầu nhau, tranh giành thuộc địa, giành thị
trường, nguồn nguyên liệu, khởi phát chiến tranh...
Nhưng vẫn còn mối hy vọng rằng ngày nay thế giới đã học được nhiều bài
học lớn về chiến tranh trong thế kỷ 20, con người cũng lãnh hội được bài
học về tinh thần thực tế, không đặt nặng lý tưởng về chủ nghĩa, hay
quốc gia, chủng tộc, tôn giáo. Tinh thần thực tế là ý hướng theo đuổi
cuộc sống hoà bình, thịnh vượng, hạnh phúc bằng mọi cách, mọi giá, không
đặt nặng tự ái dân tộc, quốc gia, chỉ nhắm tới phúc lợi kinh tế và cuộc
sống hưng vượng. Ngoại trừ những khu vực ở Trung Đông và Phi châu còn
bị kích động và ép buộc bởi những kẻ hoạt đầu chính trị, tôn giáo cực
đoan, còn hầu hết Âu Á Mỹ chỉ nhắm đến cạnh tranh kinh tế trong hoà bình
như mục tiêu hàng đầu.
Tuy vậy, trở lại vấn đề biển Đông, người ta thấy có nhiều điều kém lạc
quan vì chính sách bành trướng ngang nhiên của Trung Quốc.
Tuần qua Philippines đã hành động rất tế nhị và khôn khéo. Khi đưa ngư
dân Trung Quốc ra tòa xử, Philippines đã giữ được thể diện quốc gia và
cho Trung Quốc thấy rõ lập trường bảo vệ chủ quyền, đồng thời khi tuyên
phán một bản án để có thể thả ngay các bị cáo, Manila vẫn tỏ ra chấp
thuận và thi hành yêu cầu của Bắc Kinh đòi trả tự do vô điều kiện cho
ngư dân của họ.
Tuy nhiên, nói đến cạnh tranh hoà bình, người ta thấy những hành động
nhằm giải quyết hoà bình của Philippines và Việt Nam không hề ngăn được
Trung Quốc trong sách lược vươn cánh tay dài ra tới Trường Sa, nằm trong
chiến lược bành trướng xa hơn nữa để thực hiện con đường tơ lụa thế kỷ
21. Trung Quốc đang bồi đắp đá Chữ Thập mà họ chiếm của Việt Nam ở
Trường Sa thành căn cứ có sân bay và hải cảng, cùng lúc cũng tân tạo
nhiều cồn đá thành đảo lớn và những căn cứ kiên cố ở giữa Trường Sa, sau
khi Đài Loan tái tạo đảo Ba Bình thành căn cứ quân sự có đường băng cho
máy bay lên xuống.
Cùng lúc, tại Diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh, Trung Quốc cao giọng quảng
bá cho cái gọi là cấu trúc an ninh mới dựa trên quan niệm "người châu Á
lo việc an ninh cho châu Á".
Mùi khói súng?
Song song với màn khai pháo kinh tế thương mại ở thượng đỉnh APEC và
G-20, có phải Bắc Kinh đang mở màn trận phản công chiến lược và quyết
đẩy Hoa Kỳ ra khỏi châu Á?
Hoa Kỳ dường như đã dự phòng tình huống nay từ khi thực thi chiến lược
chuyển trục sang châu Á. Nhưng Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel lại vừa
từ chức sau những trì trệ về an ninh quốc phòng ở Iraq, Afghanistan,
giữa lúc Liên Bang Nga quyết tâm giành chiếm Crimea và đông Ukraine. Bộ
trưởng Hagel là người thay mặt cho Hoa Kỳ khẳng định chính sách chuyển
trục sang châu Á trong những lúc hành pháp Mỹ không rảnh tay để khẳng
định lập trường ở những hội nghị liên quan đến an ninh quốc phòng châu
Á. Sự ra đi của ông khiến dậy lên mối lo ngại Hoa Kỳ lơ là vói châu Á vì
tình hình Trung Đông và Ukraine.
Tuy nhiên, xét lại, chính sách chuyển trục ấy đã được hình thành từ
trước nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, nhưng chỉ được chính thức công bố
cách nay ba năm. Bộ trưởng Hagel từng thay mặt hành pháp Mỹ khẳng định
chính sách chuyển trục, chính điều đó đã nói lên rằng Hoa Kỳ không lúc
nào lơ là với châu Á.
Vậy phải chăng nay là lúc Hoa Kỳ điều chỉnh, củng cố chiến lược an ninh
quốc phòng để hỗ trợ chính sách kinh tế thương mại nhằm giành thị trường
ở châu Á, đối đầu với Trung Quốc, đồng thời củng cố phòng thủ châu Âu?
Mùi khói súng dường như phảng phất đâu đây. Trung Quốc phát triển hùng
mạnh và nhanh chóng không khác Đức, Nhật thời xưa, gợi lại ký ức rất mới
của loài người về những cuộc chiến tranh giành chiếm thuộc địa và thị
trường từ cuối thập niên 1930. Đức vươn nhanh như Phù Đổng chỉ trong
hơn hai thập niên sau thể chiến thứ nhất, rồi khai chiến ở châu Âu, sau
đó Nhật tung quân chiếm các thuộc địa của Anh-Pháp-Mỹ ở Đông Nam Á, các
hạm đội hàng không mẫu hạm dưới bóng cờ Mặt Trời tung hoành khắp Thái
Bình Dương... Cho đến năm 1945 thì khởi đầu cuộc chiến tranh lạnh, mà
Việt Nam là một xứ sở nạn nhân, mãi đến 1975 mới tắt đi mồi lửa nồi da
xáo thịt. Nhưng người Việt lại tiếp tục đổ máu vì Trung Quốc, do hậu quả
của những sai lầm tồn tại từ thời chiến tranh lạnh, trong khi mối
thương đau của dân tộc chưa hề có dấu hiệu ngưng lành.
(RFA)
Đưa quan hệ Việt – Mỹ bước vào kỷ nguyên mới
Năm 2015 sắp tới sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình
quan hệ Việt – Mỹ, đó là kỷ niệm 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ
song phương (11/7/1995). Trong suốt gần 20 năm qua, quan hệ giữa hai
“cựu thù” đã đạt được những tiến triển nhanh chóng khiến nhiều nhà quan
sát ngạc nhiên, và giờ hai bên đã là “đối tác toàn diện” của nhau. Tuy
nhiên, quan hệ song phương nhìn chung vẫn còn mới ở giai đoạn sơ khởi,
đã xây dựng được những nền tảng căn bản nhưng vẫn còn nhiều dư địa, tiềm
năng chưa được khai phá. Trong năm 2015 cũng như những năm sau đó, hai
nước cần phải cùng nhau tiếp tục nỗ lực để quan hệ song phương đạt được
những phát triển thực chất và sâu sắc hơn.
Trước
hết, về quan hệ chính trị, việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai
nước, đặc biệt là giới lãnh đạo và hoạch định chính sách cấp cao cần
phải được tăng cường hơn nữa. Lòng tin giữa hai bên trong suốt những năm
qua còn những rào cản chủ yếu xuất phát từ việc hai bên có thể chế
chính trị, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khung giá trị khác
nhau. Tuy nhiên, những khác biệt này cần được hạ thấp, đồng thời những
điểm đồng về lợi ích chiến lược cần phải được đề cao.
Thực tế, trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy thách thức trật tự, hòa bình
cũng như vị thế của Mỹ ở khu vực, nhiều người trong giới học giả cũng
như hoạch định chính sách Mỹ đã lập luận rằng bản thân Mỹ cần đưa các
lợi ích chiến lược trong quan hệ với Việt Nam lên trên các cân nhắc
khác. Đương nhiên, chính giới Mỹ, đặc biệt là các nghị sĩ trong quốc
hội, sẽ không từ bỏ việc gây áp lực đối với Việt Nam về các vấn đề như
dân chủ – nhân quyền. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng đây phần lớn là do áp
lực từ các cử tri đã bầu họ lên. Vì vậy chừng nào nền chính trị Mỹ còn
tiếp tục vận hành theo các nguyên tắc và thể chế như hiện nay, các áp
lực như vậy, đặc biệt là từ Quốc hội Mỹ, sẽ còn tiếp tục tồn tại. Tuy
nhiên, về phía chính quyền hành pháp cũng như một bộ phận các nghị sĩ,
những người có xu hướng thực dụng hơn, họ đề cao ý nghĩa chiến lược
trong quan hệ với Việt Nam, và những tiến triển gần đây trong quan hệ
song phương một phần lớn bắt nguồn từ thực tế này.
Về phía mình, Việt Nam cũng đã đáp lại bằng những hành động tích cực,
tiêu biểu như việc sửa đổi Hiến pháp hay có những cải thiện về tình hình
dân chủ – nhân quyền phù hợp với các khuyến nghị của cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, đây sẽ là một tiến trình lâu dài, tiệm tiến. Điều quan trọng
là Việt Nam đã có thiện chí và đạt được các tiến triển nhất định. Bản
thân người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước nên cùng chia sẻ nhận
thức rằng trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng trên Biển Đông, chúng
ta cần có sự đoàn kết và đồng thuận vì các lợi ích tối thượng của quốc
gia.
Trong bối cảnh đó, trong năm 2015, hai nước Việt – Mỹ cần tăng cường các
cuộc đối thoại, tiếp xúc, can dự lẫn nhau tại tất cả các cấp độ và các
kênh quan hệ, bao gồm không chỉ kênh chính quyền mà còn cả kênh đảng.
Theo đó, một chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ và một
chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam trong năm 2015 sẽ không
chỉ là những sự kiện mang tính biểu tượng đánh dấu 20 năm bình thường
hóa quan hệ, mà còn là một bước đi mang lại sự hiểu biết và niềm tin
chiến lược cao hơn giữa hai nước. Ngoài ra, có thể vẫn còn hơi sớm để
nâng cấp quan hệ song phương lên mức “đối tác chiến lược” ngay trong năm
2015, nhưng hai bên hoàn toàn có thể tính tới điều này trong năm 2018
khi hai bên kỷ niệm 5 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Thứ hai, về kinh tế, hai nước đã đạt được những tiến triển mạnh mẽ trong
suốt 20 năm qua, và hiện Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu, là thị
trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong năm tới, nếu hai nước cùng
các quốc gia liên quan có thể hoàn tất được Hiệp định đối tác xuyên
Thái Bình Dương (TPP) thì đây sẽ là một sự kiện ý nghĩa góp phần đánh
dấu 20 năm quan hệ. Sau khi Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát lưỡng viện
quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, nhiều khả năng Mỹ sẽ thúc
đẩy đàm phán TPP vì theo truyền thống Đảng Cộng hòa có xu hướng ủng hộ
giới doanh nghiệp cũng như tự do thương mại. Ngoài ra, do TPP không chỉ
mang ý nghĩa kinh tế mà còn mang tính chiến lược, nên bản thân Mỹ cũng
như các đồng minh, đặc biệt là Nhật, sẽ có thể sớm giải quyết được các
bất đồng để kết thúc đàm phán, ít nhất là trước khi nhiệm kỳ của Tổng
thống Obama kết thúc.
Thứ ba, về quốc phòng – chiến lược, hai bên cần có những bước đi mạnh mẽ
và thực chất hơn nữa để cụ thể hóa mối quan hệ “đối tác toàn diện” giữa
hai nước. Hai bên cần tăng cường các trao đổi và hợp tác, như tiếp xúc
cấp cao giữa giới hoạch định chính sách chiến lược, trao đổi thông tin
tình báo, các cuộc diễn tập hải quân, cứu hộ cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo
song phương và đa phương… Việt Nam có thể cho phép Mỹ có quyền tiếp cận
lớn hơn đối với các cơ sở dịch vụ hậu cần hải quân, nhất là cảng Cam
Ranh. Trong khi đó, Mỹ nên cân nhắc việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí
sát thương đối với Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ cũng nên tiếp tục hỗ trợ Việt
Nam nâng cao năng lực giám sát hàng hải. Tuyên bố của Mỹ về cung cấp
cho Việt Nam 18 triệu đô-la để nâng cao năng lực hàng hải cần sớm được
thực hiện.
Hiện tại có thể còn quá sớm để nói về một mối quan hệ liên minh chiến
lược toàn diện giữa hai nước, nhưng hai bên có thể tách biệt các điểm
đồng về lợi ích chiến lược khỏi các khác biệt khác để hình thành nên một
liên minh bán chính thức trong lĩnh vực hàng hải, có thể cùng với các
quốc gia đối tác và bạn bè khác có cùng nhận thức về lợi ích và các mối
đe dọa tại Biển Đông, như Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ và Australia.
Việc thực hiện các bước đi đã nêu trên sẽ góp phần hiện thực hóa khả
năng này. Ngoài ra, do nội bộ chính giới Mỹ đã đạt được đồng thuận về
chiến lược “tái cân bằng” nên nếu Việt Nam và Mỹ cùng quyết tâm thì điều
này hoàn toàn khả thi, bất chấp ứng cử viên của đảng nào sẽ lên cầm
quyền trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016 sắp tới.
Thứ tư, về ngoại giao, hai bên cần tiếp tục hỗ trợ nhau trực tiếp cũng
như gián tiếp, đặc biệt là qua các kênh đa phương cũng như trên mặt trận
công luận toàn cầu. Trong cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 vừa
qua, việc Mỹ là quốc gia ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ và hiệu quả nhất về
ngoại giao đã không những góp phần gây sức ép lên Trung Quốc mà còn tạo
nên một sự thiện cảm rất lớn đối với nước Mỹ trong lòng công chúng Việt
Nam, điều sẽ có lợi cho tương lai quan hệ song phương. Những sự hợp tác
và hỗ trợ như vậy cần được tiếp tục trong thời gian tới. Chúng ta có thể
không biết chắc chắn được Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào trên Biển
Đông trong tương lai, nhưng dù điều gì xảy ra, việc Mỹ và các nước bạn
bè hỗ trợ Việt Nam về ngoại giao cũng như các mặt khác đều sẽ là thiết
yếu để Việt Nam có thể đối phó tốt hơn với sự hung hăng ngày càng tăng
của Trung Quốc, một xu hướng chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.
Cuối cùng, các giao lưu, tiếp xúc giữa người dân hai nước, nhất là thế
hệ trẻ, cần được thúc đẩy để tạo nên sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau
cao hơn, bởi thế hệ trẻ chính là những người sẽ dẫn dắt quan hệ giữa hai
nước trong tương lai. Các chương trình trao đổi học giả, sinh viên, văn
nghệ sĩ… có thể là những ưu tiên cần thực hiện.
Ngoài ra, đề nghị của Mỹ để Đội Hòa bình (Peace Corps) – một tổ chức
tình nguyện chuyên về các hoạt động giáo dục và ngoại giao nhân dân –
vào hoạt động tại Việt Nam nên được xem xét tích cực. Các cơ quan chức
năng Việt Nam với bề dày kinh nghiệm của mình hoàn toàn có thể giúp đảm
bảo hoạt động của Đội Hòa Bình vừa tuân thủ đúng pháp luật, vừa đáp ứng
được mục tiêu thể hiện thiện chí của chính phủ Việt Nam, đồng thời giúp
nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Bản thân các tình
nguyện viên sau khi về Mỹ cũng có tiềm năng trở thành những người hoạt
động tích cực giúp thúc đẩy quan hệ song phương như trường hợp của các
cựu binh Mỹ ở Việt Nam, trong đó tiêu biểu là Thượng Nghị sĩ John
McCain.
Tóm lại, quan hệ Việt Mỹ đã phát triển mạnh mẽ trong gần 2 thập niên
qua. Nhưng nếu hình dung quan hệ song phương như một thiếu nữ thì với
gần 20 năm, cô gái đó mới chỉ bước qua giai đoạn vị thành niên, và những
năm tháng sung sức, tươi đẹp nhưng mặn mà, chín chắn nhất đang ở phía
trước. Tương tự như vậy, đã đến lúc Việt Nam và Mỹ cùng hợp tác để đưa
quan hệ song phương bước vào một kỷ nguyên mới vững vàng và sâu sắc hơn,
phục vụ những lợi ích chiến lược lâu dài của hai nước. Dịp kỷ niệm 20
năm bình thường hóa quan hệ vào năm tới sẽ là một cơ hội phù hợp để khởi
động một tiến trình như vậy.
Lê Hồng Hiệp
Lê Hồng Hiệp là giảng viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, trường Đại học
KHXH&NV TPHCM, và là người sáng lập trang Nghiencuuquocte.net chuyên
biên dịch và phát triển học liệu chuyên ngành nghiên cứu quốc tế tại
Việt Nam.
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
Đông La - Cần tặng huân chương cho ông Trần Văn Truyền
Hồi đầu tháng 7/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri Hà Nội
rằng tham nhũng chính là “giặc nội xâm” của đất nước, liên quan đến
người có chức có quyền, đến lợi ích nhóm. Ông cũng từng nói số người
tham nhũng đã thành một bộ phận không nhỏ, phân hóa trong đảng thành lớp
giầu lớp nghèo, đưa đất nước đến nguy cơ tồn vong. Với Chủ tịch Trương
Tấn Sang thì nói bọn tham nhũng như một bầy sâu.
Như vậy đã coi là giặc thì tham nhũng trở thành vấn đề xấu xa nguy hiểm
nhất cho đất nước. Nhưng theo Tổng Bí thư NPT, nạn tham nhũng đã tồn tại
và ăn sâu trong guồng máy nên không thể giải quyết dễ dàng. Chủ tịch
nước TTS cũng nói đụng đâu vướng đó và không biết “bộ phận không nhỏ ở
đâu”.
Như
vậy toàn bộ hệ thống phòng chống tham nhũng của ta là có vấn đề. Từ
những biện pháp ngăn chặn từ đầu đến việc giám sát, thanh tra việc tham
nhũng quá kém. Nhớ lại vụ Vinashin, Bộ Chính trị đã kết luận từ năm 2006
- 2009 tuy đã qua 11 lần thanh tra nhưng vẫn không phát hiện được
khuyết điểm nghiêm trọng của Tập đoàn. Khi bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm
Ủy ban Tư pháp, chất vấn về trách nhiệm để ông Dương Chí Dũng chuyển
công tác trong khi đang tranh tra, ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh
tra, trả lời là chưa phát hiện sai thì cứ chuyển, đã làm bà Nga thở dài:
“Như vậy thanh tra cứ thanh tra, bổ nhiệm cứ bổ nhiệm, điều tra cứ điều tra và cuối cùng là ông Dũng trốn thoát”!
Nhớ lại chuyện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới lên làm thủ tướng đã đối
thoại trực tuyến với người dân, về quốc nạn tham nhũng, với câu hỏi “Thưa Thủ tướng, Thủ tướng sẽ thể hiện quan điểm Sắt và Sạch như thế nào trong việc chống tham nhũng?”, ông đã trả lời:
“… theo tôi, người lãnh đạo muốn chống được tham nhũng thì phải có
được mấy điều kiện: Thứ nhất là, phải có quyết tâm chống tham nhũng…
phải dám chống tham nhũng dù bất cứ kẻ tham nhũng là ai, ở vị trí nào,
không sợ phức tạp, không sợ bị trù úm, trả thù, mất ghế… Thứ hai, bản
thân anh phải không tham nhũng, không dính đến tham nhũng, không bao che
tham nhũng mới kiên quyết được… Đương nhiên, tham nhũng là có tội,
nhưng không dám chống tham nhũng hay chống tham nhũng mà không đúng luật
pháp cũng là có tội”.
Tôi đã viết những vị tiền nhiệm của ông thủ tướng cũng quyết tâm không
kém, nhưng tại sao tham nhũng vẫn mãi là quốc nạn. Như vậy, không thể
chống tham nhũng chỉ bằng tinh thần và tình cảm mà phải bằng biện pháp
được thể chế hóa. Không hiểu sao cái công cụ hữu dụng nhất là minh bạch
hóa mà các nước tiên tiến đã sử dụng như: công khai tài sản, công khai
thu nhập, công khai chi tiêu thông qua thẻ tín dụng, nhưng chúng ta
không làm triệt để mà chỉ tiến hành nửa vời hình thức. Chúng ta có đầy
đủ lực lượng thực thi pháp luật lại còn được đặt dưới sự lãnh đạo toàn
diện của Đảng. Có điều sự lãnh đạo toàn diện này không khéo lại tạo điều
kiện cho sự liên minh liên kết thành những “vương quốc” riêng để toàn
quyền móc ngoặc tham ô, tham nhũng.
Với vụ nhà đất của ông Trần Văn Truyền, cựu Tổng Thanh tra CP, theo ông
Huỳnh Phong Tranh, đương kim Tổng Thanh tra CP, ông Truyền mới chỉ có
dấu hiệu vi phạm về tài sản, về chế độ chính sách của Nhà nước thôi.
Mới có “dấu hiệu” vi phạm mà đã “ăn” tới 6 căn nhà, có căn trị giá cả
chục tỷ đồng nếu vi phạm thật thì sẽ thế nào? Theo Điều 278 Bộ luật Hình
sự, Tội tham ô tài sản: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu
đồng trở lên thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Theo từ hán Việt, chữ tham (貪) chỉ sự tham lam, ăn của đút; chữ ô (汙)
chỉ sự ô uế, dơ bẩn; không liêm khiết, có hành vi bất chính, gian tà.
Vậy việc ông Truyền lợi dụng quyền chức, gian dối, xin nhà vượt quá rất
nhiều lần tiêu chuẩn của mình thì không phải tham ô, tham nhũng thì là
cái gì?
Có điều chống tham ô tham nhũng là việc quá khó khăn như trên, việc ông
Truyền bị phát hiện lại chính là do ông tiền nhiều quá không thụ hưởng
không chịu được nên gia đình ông mới làm cái nhà to tổ bố đến Vua Bảo
Đại sống dậy cũng phải chết khiếp. Như vậy công đầu trong việc phát hiện
ông tham nhũng lại chính là ông.
Vì vậy để công bằng cần tặng huân chương chiến công cho ông bên cạnh
việc thực thi pháp luật nghiêm minh, thu hồi hết tài sản bất chính của
ông.
28-11-2014
Đông La
(Blog Đông La)
Các nghị sĩ Canada: Thay đổi chế độ ở Trung Quốc sẽ đến sớm
Từ khi “Chín bài bình luận về Đảng Cộng Sản Trung Quốc” (còn gọi là “Cửu Bình”) công bố đã tạo nên làn sóng những người dân Trung Quốc người thoái Đảng. Hiện có hơn 184 triệu người Trung Quốc thoái Đảng. (Ảnh: Dai Bing/Epoch Times) |
Một số nghị sỹ Canada tin rằng, thay đổi chế độ tại Trung Quốc sẽ đến
sớm khi nhiều người dân Đại lục thoái Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tính đến hiện nay đã có hơn 184 triệu người từ bỏ tất cả các mối liên hệ
với Đảng Cộng Sản và các tổ chức liên đới của nó kể từ năm 2004, như
một phần cốt lõi của phong trào “Thoái Đảng”.
“Trong tương lai gần, người Trung Quốc sẽ có một chính phủ mới, một
chính phủ dân chủ, tôn trọng luật pháp và nhân quyền”, dự đoán của
Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải, người đã chạy trốn khỏi Việt Nam sau khi
cộng sản chiếm miền Nam từ năm 1975.
“Bây giờ đã có hơn 100 triệu người thoái ĐCSTQ, chế độ cộng sản sẽ phải ra đi và Trung Quốc sẽ thay đổi”, ông nhận định.
Phong trào thoái Đảng được bắt đầu cách đây đúng 10 năm khi Đại Kỷ
Nguyên phiên bản tiếng Hoa ngữ đã xuất bản cuốn “Chín bài bình luận về
Đảng Cộng Sản Trung Quốc”. (xem bản tiếng Việt tại đây)
Cuốn sách nêu bật những tội ác dưới chế độ cộng sản và giải thích tại
sao văn hóa truyền thống Trung Hoa bị thay đổi khi Cộng sản lên cai trị
đất nước vào năm 1949.
“Tôi rất lạc quan về sự thay đổi lớn sắp xảy ra ở Trung Quốc. Nó sẽ đến
sớm hơn so với mọi người mong đợi”, theo dự đoán của một thành viên Nghị
viện, ông Wladyslaw Lizon từ thành phố Mississauga.
Ông Lizon đến từ Ba Lan. Ông cho biết, khi ông lớn lên, hầu hết không
còn ai tin vào độc tài Cộng sản, nó sẽ kết thúc. Sau đó, vào năm 1989,
chế độ ấy đã sụp đổ ở Ba Lan. Các nước ở Trung và Đông Âu, cũng như Nga,
bắt đầu chuyển đổi chủ nghĩa Cộng sản cũng vào khoảng thời gian đó.
“Thông qua chuyển đổi hòa bình, thay đổi lớn không chỉ xảy ra đối với
cuộc đời chúng tôi, nó đã được 25 năm rồi”, ông Lizon chia sẻ.
Ông Rob Anders, thành viên nghị viện từ Calgary, trích dẫn nghiên cứu
của ông Erica Chenoweth, phó giáo sư Trường Nghiên cứu Quốc tế Josel
Korbel thuộc Đại học Denver: Khi có khoảng 3,5% hoặc nhiều hơn người dân
tham gia phản kháng ôn hòa, nó thường gây ra sự thay đổi về chính trị.
“Đó là tương lai của Trung Quốc. Khi có sự thay đổi trọng tâm của lãnh
đạo Trung Quốc hiện tại, ở đó sẽ có chuyển đổi hòa bình từ chế độ Cộng
sản sang chế độ khác”, ông Anders nói.
Vài năm trở lại đây, ông Anders tham dự một hội nghị về nhân quyền ở
Hồng Kông, và ông đã nói với mọi người tại đó hãy xé bỏ thẻ Đảng viên và
lên án ĐCSTQ.
“Đó là thời khắc đáng tự hào nhất của tôi”, ông Anders chia sẻ.
Ông Anders tin rằng, các nước Phương Tây sẽ có vai trò hỗ trợ trong vấn
đề này. Có thể bắt đầu bằng việc gọi thẳng tên của Đảng Cộng Sản, như
cách Tổng thống Mỹ là Ronald Reagan gọi Liên Xô cũ là “đế quốc ma quỷ”.
“Chế độ Cộng sản Trung Quốc đã bắt giam, tra tấn, giết hại nhiều người
hơn bất kỳ chế độ nào khác trên thế giới cộng lại. Điều quan trọng là
chúng ta không nhắm mắt làm ngơ”, ông nhận định.
Limin Zhou
(Đại Kỷ Nguyên)