Hiểm họa Trung Quốc và bài học Tiệp Khắc
(Quân Đức vượt biên giới vào đất Tiệp sau hiệp ước Munich)
Áo và Tiệp Khắc là hai quốc gia bị Đức
cưỡng chiếm đầu tiên ngay cả trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ. Trong
lúc Đức chiếm Áo không gây nhiều phản ứng vì Áo có nhiều liên hệ với Đức
về lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa và chính bản thân Hitler vốn là người Áo,
việc cưỡng chiếm Tiệp Khắc là một biến cố lớn vì Tiệp Khắc là một nước
độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và được xem là một trong số mười
cường quốc châu Âu thời đó.
Suốt thời gian dài hơn sáu năm dưới ách
thống trị của Đức Quốc Xã, nhân dân Tiệp đã chịu đựng vô số thương
vong, thiệt hại. Hàng trăm ngàn người bị giết và hàng trăm ngàn người
khác bị đày ải trong các trại tập trung. Thế nhưng phải chăng ngày đó
Tiệp Khắc yếu đến mức không bắn được phát súng nào?
Không. Trước Thế chiến thứ hai, thừa hưởng các thành tựu kỹ thuật của
thời đế quốc Áo Hung, Tiệp Khắc là một trong sốt ít quốc gia có một
quân đội đông đảo nhất và được trang bị tối tân nhất châu Âu. Việc Tiệp
Khắc rơi vào tay Đức nhẹ nhàng như chiếc lá mùa thu phát xuất từ ba lý
do chính. Hai lý do khách quan:
(1) Bành trướng về hướng đông là chủ trương truyền thống của Đức,
(2) Chính sách nhân nhượng (appeasement policy) của các lãnh đạo chủ hòa châu Âu đứng đầu là Thủ tướng Anh Neville Chamberlain,
và một lý do chủ quan:
(3) Tiệp Khắc là một quốc gia ô
hợp, phân hóa, suy yếu, có nhiều chính khách làm tôi mọi cho ngoại bang
và giới lãnh đạo chính phủ không có quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước
Bành trướng về hướng đông là chủ trương truyền thống của Đức
Sau giai đoạn cách mạng 1848, Đức trở thành cường quốc. Sức mạnh của
Đức thể hiện không chỉ trong các lãnh vực kinh tế, quân sự, dân số mà cả
khoa học. Tổng số giải Nobel các khoa học gia Đức được tặng thưởng
trong giai đoạn 47 năm tồn tại nhiều hơn tổng số giải Nobel của các khoa
học gia Anh, Pháp, Nga và Mỹ cộng lại. Năm 1871, Đế Quốc Đức bao gồm 27
khu vực, dưới sự lãnh đạo của Otto von Bismarck đã vượt qua đế quốc
Anh. Giống như mọi đế quốc khác trong lịch sử, để tiếp tục lớn mạnh cần
phải có tài nguyên thiên nhiên.
Đức là quốc gia nằm ngay giữa châu Âu và về mặt địa lý chính trị,
suốt nhiều thế kỷ, các chế độ quân chủ Đức cũng chủ trương các quốc gia
phía Đông trong đó có Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary là hàng rào an ninh của
Đức để đương đầu với hai nước lớn khác là Pháp và Nga.
Sau khi sáp nhập Áo vào tháng Ba năm 1938 không cần dùng đến võ lực,
Hitler tập trung vào chiến lược chiếm Tiệp Khắc bất chấp sự chống đối
của nhiều tướng lãnh cao cấp trong đó có tướng Ludwig Beck, Tổng Tham
Mưu Trưởng quân đội Đức. Bản thân của Hitler cũng đánh giá Tiệp rất cao
nên không dám công khai đưa quân vượt biên giới xâm lăng quốc gia này.
Vì vùng Sudetenland có đông dân Đức và có nguồn dự trữ nguyên liệu lớn
nhất của Tiệp Khắc, Hitler nghĩ đến việc chiếm vùng Sudetenland trước và
dùng khu vực giàu có này làm bàn đạp thôn tính toàn bộ Tiệp Khắc.
Chính sách nhân nhượng (appeasement policy) của các các lãnh đạo Anh,
Pháp đứng đầu là Thủ tướng Nevill Chamberlain đã “khuyến khích” Đức
chiếm Tiệp Khắc
Sau Thế chiến thứ nhất, dù thắng hay bại, các quốc gia đều phải chịu
đựng một thời kỳ suy thoái kinh tế trầm trọng. Khuynh hướng chủ hòa chế
ngự trong sinh hoạt chính trị tại các cường quốc dân chủ và lãnh tụ hàng
đầu của khuynh hướng này là thủ tướng Anh, Nevill Chamberlain. Thủ
tướng Nevill Chamberlain tìm cách hòa giải mối thù địch với Đức. Khi Đức
sáp nhập Áo, Chamberlain không có phản ứng cụ thể nào.
Khi Hitler công khai bày tỏ ý định sáp nhập vùng Sudetenlan của Tiệp
Khắc đang có hơn ba triệu người gốc Đức, vào lãnh thổ Đức, vấn đề trở
nên phức tạp vì Tiệp Khắc có liên minh quân sự với Pháp và Pháp có liên
minh quân sự với Anh. Thủ tướng Anh Nevill Chamberlain qua trung gian
của Sir Horace Wilson chuẩn bị đàm phán với Đức và qua trung gian của
Lord Runciman thuyết phục Tiệp Khắc nhượng bộ. Trong lúc Hitler thông
đồng với các nước nhỏ như Hungary và Ba Lan để xẻ thịt Tiệp, Tổng thống
Mỹ Franklin Roosevelt tuyên bố chủ trương trung lập của Mỹ về tranh chấp
Sudetenland.
Ngày 15 tháng Chín năm 1938, Thủ tướng Nevill Chamberlain bay sang
Đức để thương thuyết với Hitler. Các cuộc thương thuyết giằng co cho đến
sáng sớm 30 tháng 9 năm 1939, thỏa hiệp Munich được ký kết giữa Đức,
Anh, Pháp và Ý, trong đó, cho phép Đức sáp nhập vùng Sudetenland trù phú
và chiến lược vào lãnh thổ Đức.
Tiệp Khắc không được mời tham dự hội nghị và chỉ được Anh Pháp thông
báo kết quả. Chính phủ Tiệp nghĩ rằng Tiệp Khắc không có hy vọng gì
thắng được Đức bằng sức mạnh của riêng mình, đã đồng ý với nội dung của
thỏa hiệp Munich. Theo thỏa hiệp này, tướng Đức Wilhelm Keitel được cử
vào chức thống đốc quân sự vùng Sudetenland. Những người dân Tiệp không
phải gốc Đức phải rời Sudetenland trong vòng 10 ngày và không được mang
theo bất cứ một món sở hữu nào. Câu Phản bội Tiệp Khắc để chỉ sự phản
bội của đồng minh đối với Tiệp ra đời từ đó.
Mất Sudetenland, Tiệp Khắc không chỉ bỏ trống biên giới chiến lược
phía nam mà còn mất 70% dự trữ sắt thép, 70% điện và 3 triệu công dân
Tiệp. Trong lúc hiệp ước Munich là một thành quả ngoại giao lớn của
Nevill Chamberlain, đối với Hitler lại là một bước lùi. Mục tiêu của
Hitler không phải chỉ chiếm vùng Sudetenland mà cả nước Tiệp như Wilson
Churchill tiên đoán. Đầu năm sau, Hitler lần lượt chiếm các vùng
Bohemia, Moravia và phần còn lại của Tiệp Khắc.
Cả hai lý do trên không thể làm Tiệp Khắc mất một cách nhanh chóng
nhưng chính sâu mọt và phản bội ngay trong lòng nước Tiệp và một chính
phủ phân hóa, yếu kém, thiếu quyết tâm mới là những lý do chính làm tan
rã Tiệp Khắc.
Rất nhiều sâu mọt trong nội bộ Tiệp và đứng đầu là Konrad Henlein lãnh đạo của đảng Sudeten gốc Đức
Konrad Henlein một thầy giáo bậc trung học, lúc đó đang hoạt động
dưới danh nghĩa đảng Sudeten quy tụ đa số dân Tiệp gốc Đức. Konrad
Henlein sinh tại Bohemia, Tiệp Khắc có cha là người Đức và mẹ là người
Czech. Đảng Sudeten của Konrad Henlein thông đồng với đảng Quốc Xã Đức
và được đảng này tài trợ và huấn luyện. Mỗi tháng đảng Sudeten nhận 15
ngàn Đức Mã để trang trải các chi phí hoạt động. Ngày 28 tháng Ba năm
1938, Hiter gọi Konrad Henlein sang Đức và đích thân ra chỉ thị cho tên
Tiệp gian này phải đưa ra những điều kiện mà Tiệp Khắc không thể thỏa
mãn được. Mặc khác, Joseph Goebbels, Bộ trưởng Tuyên truyền của Đức Quốc
Xã, tung một chiến dịch tuyên truyền ồ ạt về việc chính phủ Tiệp bạc
đãi, đàn áp dân gốc Đức trong vùng Sudetenlan và xúi dục người dân Tiệp
gốc Đức đứng lên đòi quyền tự trị.
Về lại Tiệp, Tiệp gian Konrad Henlein đòi chính phủ Tiệp phải để vùng
Sudetenlan hoàn toàn tự trị, thay đổi chính sách đối ngoại của chính
phủ Tiệp và toàn quyền phổ biến lý thuyết Quốc Xã. Dĩ nhiên, đòi hỏi tự
trị còn có thể đàm phán được nhưng việc tự do tuyên truyền tư tưởng Quốc
Xã khó có thể chấp nhận. Khi đàm phán bắt đầu, Tiệp gian Konrad Henlein
và đảng của y lại tạo nhiều xáo trộn bạo động trong vùng và tiếp tục
làm khó dễ chính phủ trung ương cho đến khi hiệp ước Munich được ký kết.
Ngày 1 tháng Mười năm 1938, các đơn vị tiền phương của quân đội Đức
vượt qua biên giới Tiệp giữa tiếng hò reo ủng hộ của các đảng viên đảng
Sudeten, và cũng trong lúc đó hàng chục sư đoàn Tiệp được trang bị đầy
đủ được chính phủ ra lịnh rút lui. Phía sau đoàn quân Đức là các đơn vị
mật vụ Gestapo và lực lượng anh ninh SS. Chỉ trong thời gian ngắn 10
ngàn người dân Tiệp, kể cả dân nói tiếng Đức nhưng chống Hitler, bị đày
vào các trại tập trung vừa mới xây ở Sudetenland.
Konrad Henlein gia nhập lực lượng an ninh Đức và tham gia vào đảng
Quốc Xã. Mặc dù sinh ra, lớn lên trên đất Tiệp, Konrad Henlein đã góp
phần quan trọng trong việc rước voi Đức giày lên Tiệp Khắc. Y được
thưởng nhiều chức vụ và được cho phép làm công dân Đức. Sau khi Tiệp
Khắc được đồng minh giải phóng, tên Tiệp gian phản quốc Konrad Henlein
bị bắt và y đã tự sát bằng cách cắt gân máu ở cổ tay.
Kẻ phản bội thứ hai là tổng thống bù nhìn Emil Hacha.
Sau khi Edvard Benes, tổng thống thứ hai của Tiệp Khắc từ chức, tân
tổng thống Emil Hacha là một người nhu nhược. Buổi tối ngày 11 tháng Ba
năm 1939, Hitler cho triệu Hacha đến Bá Linh và thông báo cho ý định
chiếm toàn bộ Tiệp Khắc bằng võ lực và hứa nếu Hacha chịu hợp tác, Tiệp
Khắc sẽ được hưởng quyền tự trị rộng rãi còn nếu nghịch sẽ bị đoàn quân
Hitler tấn công Tiệp bằng mọi phương tiện trong đó có cả việc không quân
của Đức cày nát thủ đô Prague. Emil Hacha quy thuận Hitler. Dưới thời
Đức Quốc Xã chiếm đóng y được giữ chức vụ tổng thống bù nhìn nhưng buộc
phải tuyên thệ trung thành trước Hitler. Mặc dù có nhiều tài liệu cho
thấy Emil Hacha trong thời gian phục vụ Hitler cũng lén lút giúp cho
phong trào kháng chiến chống Đức thuộc chính phủ lưu vong của Edvard
Benes nhưng công không đủ để chuộc tội cho y. Sau khi Prague được giải
phóng vào tháng Năm năm 1945, Emil Hacha bị bắt và chết hơn hai tháng
sau đó trong hoàn cảnh bí mật. Y được chôn trong một ngôi mộ không đề
bia tại nghĩa trang Vinohrady. Hiện nay, tại nghĩa trang Vinohrady có
một tấm bảng ghi dấu nơi chôn của Emil Hacha.
Jozef Tiso là một kẻ phản quốc đội lốt tôn giáo.
Mặc dù thụ phong linh mục nhưng y cũng là một trong
những đảng viên nòng cốt của đảng Nhân Dân Slovak. Lợi dụng sự suy yếu
của Tiệp Khắc sau hiệp ước Munich, đảng Nhân Dân Slovak do Tiso lãnh đạo
tuyên bố Slovak tự trị trong vòng Tiệp Khắc. Vào 13 tháng Ba năm 1939,
giống như vừa đe dọa Emil Hacha vài hôm trước đó, Hitler triệu Jozef
Tiso đến Bá Linh và buộc y phải tuyên bố Slovak độc lập, tách rời khỏi
Tiệp Khắc, nếu không Hitler sẽ thúc giục Hungary và Ba Lan chiếm đóng
phần lãnh thổ còn lại của Slovakia. Jozef Tiso cũng tuân phục Hitler và
trở nên một cộng tác viên trung thành cho chế độ Quốc Xã. Từ năm 1939
đến năm 1945, Tiso là tổng thống bù nhìn Slovakia chư hầu của Đức. Đảng
Nhân Dân Slovak do y lãnh đạo liên kết chặt chẽ với đảng Quốc Xã Đức và
chia sẻ quan điểm diệt Do Thái. Khi hồng quân Liên Xô tiến vào chiếm
Slovakia tháng Tư năm 1945, Tiso bị bắt và bị kết án phản quốc. Jozef
Tiso bị treo cổ ngày 18 tháng Tư năm 1947. Chính phủ Tiệp Khắc chôn y
tại một nơi bí mật.
Chính phủ Tiệp Khắc nhu nhược không quyết tâm bảo vệ đất nước.
Phân hóa và thiển cận trong thành phần lãnh đạo của hai sắc dân
Slovak và Czecho trong chính phủ Tiệp đã làm thượng tầng kiến trúc lãnh
đạo sụp đổ nhanh chóng.
Tiệp Khắc trong giai đoạn năm 1938-1939 đứng trước những khó khăn và
áp lực quá lớn không những từ quốc tế mà ngay cả tại trong nội bộ Tiệp,
nhưng thay vì đoàn kết để đương đầu với ngoại xâm, các sắc dân Tiệp đã
phân hóa, chia rẽ và tiếp tay làm yếu khả năng đối đầu với Đức.
Xét về tương quan quân sự. Theo tổng kết của Giáo sư Sử học Carroll
Quigley, đại học Georgetown dựa theo các tài liệu thuộc văn khố quân sự
Mỹ sau Thế chiến thứ hai, trong giai đoạn đầu thù địch Đức Tiệp bùng nổ,
Đức có 36 sư đoàn nhưng không được trang bị đầy đủ trong lúc Tiệp Khắc
có 35 sư đoàn thiện chiến và được trang bị một trăm phần trăm hỏa lực.
Vào tuần lễ thứ ba của tháng Chín năm 1939, quân đội Tiệp Khắc đã có một
triệu quân với 34 sư đoàn tinh nhuệ trong lúc toàn bộ quân Đức để phối
trí tại hành lang châu Âu chỉ có từ khoảng 31 đến 36 sư đoàn. Về không
quân, vào tháng Chín năm 1938, Đức trội hơn Tiệp Khắc chút ít. Đức có
1500 máy bay trong lúc Tiệp có gần 1000 chiếc nhưng nếu tính cả Anh,
Pháp số lượng phi cơ của ba nước cộng lại vượt xa Đức. Liên Xô ủng hộ
Tiệp nên cũng gởi 36 phi cơ chiến đấu đến Tiệp qua ngã Rumania. Về chiến
xa, tăng của Đức còn yếu hơn tăng của Tiệp Khắc. Ngoại trừ loại tăng
thuộc thế hệ Mark III có trang bị pháo 37 li, phần lớn tăng thế hệ Mark
II của Đức chỉ trang bị đại liên. Tiệp Khắc có mấy trăm xe tăng hạng
nặng 38 tấn trang bị pháo 75 li hiện đại nhất thời đó.
Nếu đánh nhau với Đức trong một cuộc chiến tranh quy ước, chưa chắc
Tiệp đã thua. Mà dù có thua, Tiệp Khắc cũng kéo dài cuộc chiến được một
hai năm đủ thời gian cho quốc tế can thiệp hay tìm cách lôi kéo các nước
châu Âu vào ván cờ sinh tử. Khi tràn ngập Tiệp Khắc vào tháng Ba năm
1939, Đức tịch thu của Tiệp 469 xe tăng, 1500 phi cơ chiến đấu đủ loại,
43 ngàn súng máy và nhiều triệu súng trường. Số lượng vũ khí đó Đức đã
phải tốn hàng năm mới sản xuất được.
Tiệp Khắc, một quốc gia có điều kiện kỹ thuật tiên tiến nhất châu Âu
và từng là một phần của đế quốc Áo Hung hùng mạnh đã bị Hitler xóa tên
khỏi bản đồ thế giới không tốn một viên đạn. Với một quân lực cả triệu
người và phương tiện đầy đủ nhưng chỉ vì sự yếu hèn của cấp lãnh đạo,
Tiệp Khắc trở thành đỉa thịt bò tươi trong bữa cơm chiều của nhiều khách
lạ.
Sau khi Tiệp bị Hitler cưỡng chiếm, hàng ngàn người dân Tiệp yêu nước
phải tự phát rút vào chiến tranh du kích chỉ bằng vài tạc đạn và vài
khẩu súng ngắn. Nguồn tiếp tế quá xa và kho súng đạn khổng lồ đã bị tịch
thu, họ đã phải chiến đấu trong điều kiện hết sức khó khăn. Hàng trăm
ngàn người Tiệp đã chết dưới bàn tay sắt của tử thần SS Reinhard
Heydrich. Tướng SS Reinhard Heydrich, cai trị Bohemia và Moravia (vùng
đất Tiệp sau khi sáp nhập vào Đức) được các sử gia đánh giá là tên tướng
độc ác nhất trong hàng tướng lãnh công an mật vụ SS Đức. Y là một trong
những kiến trúc sư của kế hoạch tiêu diệt dân Do Thái Holocaust. Hitler
ca ngợi Heydrich là “con người có trái tim bằng sắt”. Y bị kháng chiến
quân Tiệp ám sát tại Prague vào cuối tháng Năm năm 1942. Đức trả thù tàn
bạo. Hai làng Lidice và Lezaky, tình nghi che giấu kháng chiến quân, bị
đốt thành tro, tất cả đàn ông đều bị bắn chết, chỉ còn một ít phụ nữ và
trẻ em bị đày vào các trại tập trung.
Sự chịu đựng của nhân dân Tiệp đã để lại nhiều bài học cho Việt Nam khi đương đầu với chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc.
Tương tự như Đức Quốc Xã đối với Tiệp Khắc, Trung Quốc chủ trương bành trướng xuống vùng Đông Á
Như đã trình bày trong bài “Hiểm họa Trung Quốc và bài học Thổ Nhĩ
Kỳ”, vì các lý do an ninh, chính trị, kinh tế, Trung Quốc phải tìm mọi
cách khống chế biển Đông. Hai nỗi lo lớn của giới lãnh đạo CS Trung Quốc
là sợ bị bao vây từ bên ngoài và diễn biến hòa bình bên trong nội bộ
Trung Quốc. Nhìn quanh, họ chỉ thấy kẻ thù. Thật vậy, hầu hết các quốc
gia dân chủ trong vùng từ Ấn Độ đến Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn, Thái
Lan, tuy mức độ khác nhau nhưng đều là các quốc gia đang có những mâu
thuẫn căn bản với Trung Quốc, không những về quyền lợi kinh tế mà cả chế
độ chính trị. Sự lệ thuộc về chính trị của Việt Nam vào Trung Quốc
không chỉ giúp giữ an toàn phòng tuyến phía nam mà còn tránh sự sụp đổ
dây chuyền trong trường hợp cách mạng dân chủ tại Việt Nam diễn ra
trước. Tuy nhiên, khác với Đức Quốc Xã, Trung Quốc không dám tung một
cuộc tấn công toàn lực như Hitler chuẩn bị cho Tiệp mà chủ trương gậm
nhấm từng phần đất, từng ngọn núi và từng hải lý của Việt Nam.
Nắm được yếu điểm của CSVN, trong lúc tiếp tục phát triển kinh tế, mở
rộng ngoại giao với hầu hết các quốc gia từ năm 1978, Đặng Tiểu Bình
vẫn tiếp tục phát động chiến tranh xoi mòn biên giới Việt Nam như trận
Cao Bằng năm 1980, Lạng Sơn và Hà Tuyên năm 1981, Vị Xuyên Hà Tuyên năm
1984, Lão Sơn Hà Giang năm 1984, Vị Xuyên lần nữa vào năm 1985 và năm
1986. Trên mặt biển Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền Việt Nam, bắn
thủng ghe tàu, thành lập thành phố Tam Sa, đưa hàng ngàn tàu đánh cá ra
khơi, tàn sát ngư dân Việt Nam.
Lãnh đạo CS Trung Quốc biết những hành động lấn ép đó không đủ mạnh,
đủ lớn để làm quốc tế lưu tâm. Không một Hội Đồng An Ninh Liên Hiệp Quốc
nào rảnh rỗi để bàn chuyện vài chiếc ghe đánh cá của ngư dân Việt Nam
bị “tàu lạ” húc ngoài Quảng Ngãi hay đặt vấn đề tại sao các tàu đánh cá
Trung Quốc cứ tiếp tục thả lưới trong vùng biển Việt Nam. Những sự kiện
ghe tàu đó đối với các cường quốc là chuyện vặt nhưng với một nước nhỏ
như Việt Nam nơi có nhiều triệu dân gắn liền với ngư nghiệp lại là
chuyện lớn. Đặc tính hèn hạ, nhỏ mọn đó của Trung Quốc là sản phẩm của
chế độ độc tài CS và đừng ai hy vọng gì các đặc tính đó thay đổi một khi
chế độ sinh ra chúng còn tồn tại.
Đàm phán với Trung Quốc ư? Đàm phán đa phương quốc tế Trung Quốc
không tham dự nhưng đàm phán song phương là rơi vào chiếc bẫy của Trung
Quốc. Nếu ai theo dõi chuyện Trung Quốc và Liên Xô tranh cãi nhau về chủ
quyền của các đảo Trân Bảo, Ẩn Long và Hắc Hạt Tử trong khu vực sông
Ussuri sẽ thấy. Các phiên họp tranh cãi chủ quyền kéo dài tới 20 năm, từ
thập niên 1970 cho đến 1990 nhưng không đem lại kết quả nào. Mỗi lần có
một cuộc họp giữa hai nước, phái đoàn Trung Quốc chở theo một toa xe
lửa chứa đầy tài liệu và đồ vật để chứng minh chủ quyền Trung Quốc trên
các đảo này. Trung Quốc biết dù chở cả xe bằng chứng cũng chưa hẳn
thuyết phục được Liên Xô nhưng chỉ muốn kéo dài thời gian đàm phán để
chờ đợi thời cơ.
Tương tự như Hitler, lãnh đạo CS Trung Quốc lợi dụng chính sách ngoại giao mềm của Mỹ.
Trong bài viết Tranh chấp Mỹ – Trung, một cảnh giác cho lòng yêu nước
tôi có dịp trình bày chính sách Mỹ hiện nay là sự bước tiếp nối của
chính sách ngăn chận thời Chiến tranh lạnh trong điều kiện toàn cầu hóa.
Nhiều người Việt lầm lẫn nghĩ rằng hàng không mẫu hạm George Washington
hùng mạnh thả neo ngoài khơi Đà Nẵng là để bảo vệ Việt Nam. Thật ra, cả
Trung Quốc và Mỹ đều biết dù áp dụng chính sách nào hay dù có thái độ
nào, xung đột võ trang giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới có phụ
thuộc quá sâu, quá phức tạp về kinh tế không thể xảy ra trong một giai
đoạn ngắn tới đây.
Về phía Trung Quốc, không giống Đức Quốc Xã cần chiến tranh để phục
hồi và phát triển, Trung Quốc phải đương đầu với hàng loạt khó khăn trên
trong cũng như bên ngoài, việc phát động một cuộc chiến tranh quy mô ở Á
châu và Thái Bình Dương như Hitler đã làm với Tiệp Khắc là một điều
giới lãnh đạo CS Trung Quốc không dám thực hiện. Hơn ai hết, giới lãnh
đạo CS Trung Quốc biết họ phải cần nhiều chục năm kỹ thuật và một ngân
sách hải quân khổng lồ mới mong đuổi kịp Mỹ. Ngoài ra, chủ nghĩa Cộng
Sản đã chết, Trung Quốc hiện đang sống nhờ vào chủ nghĩa dân tộc cực
đoan và Thế chiến thứ nhất 1914-1918 dẫn đến tự sụp đổ của Đế Quốc Đức,
Đế Quốc Áo Hung, Đế Quốc Ottoman đã dạy họ một bài học: Các đế quốc gây
chiến trên nền tảng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan chẳng những không
thắng mà đều tan rã từ bên trong.
Về phía Mỹ, ngoài các lý do kinh tế, riêng trong lãnh vực quân sự
cũng không phải dễ dàng. Chính phủ Mỹ trong lúc muốn duy trì ảnh hưởng
trong vùng, cũng không muốn bị cuốn vào các xung đột mang màu sắc chủ
nghĩa dân tộc đối đầu với chủ nghĩa dân tộc như trường hợp Trung Quốc và
Việt Nam. Tháng Giêng 2011, Tổng thống Barack Obama trải thảm đỏ tiếp
đón Chủ tịch Trung Cộng Hồ Cẩm Đào như quốc khách với 21 phát đại bác
chào mừng. Trong buổi tiếp tân, TT Obama ca ngợi “sự hợp tác tốt đẹp
giữa hai nước”. Khi trả lời buổi phỏng vấn dành cho tờ Wall Street
Journal, Hồ Cẩm Đào công nhận sự quan trọng trong quan hệ tốt giữa Trung
Quốc và Hòa Kỳ. Họ Hồ cũng nhấn mạnh đến việc hai quốc gia phải “hành
động phù hợp với quyền lợi căn bản của nhân dân hai nước, và tôn trọng
quyền lợi chung của hòa bình và phát triển thế giới”.
Dân biểu Ileana Ros-Lehtinen, thuộc đảng Cộng Hòa, Chủ tịch Ủy ban
Ngoại Giao Hạ Viện trong một văn bản công bố cho báo chí sau đó, đã
nghiêm khắc phê bình Trung Quốc không xứng đáng là một cường quốc vì
nhiều lý do và một trong những lý do, Trung Quốc đã ngang nhiên xem Biển
Đông như là “quyền lợi chính” và xem thường quyền hàng hải và lãnh thổ
của các quốc gia vùng Đông Nam Á. Các lãnh đạo Cộng Hòa cũng tố cáo TT
Obama đã thực thi chính sách “Nhân nhượng” của Nevill Chamberlain để đối
phó với Trung Quốc. Dĩ nhiên, TT Barack Obama phủ nhận những lời kết án
này.
Tương tự như Đức Quốc Xã đối với Tiệp Khắc, Trung Quốc nắm chắc các
thành phần lãnh đạo cam thân làm nô bộc cho ngoại bang và không quyết
tâm bảo vệ chủ quyền đất nước.
Trung Quốc biết rất rõ tham vọng cố bám vào chiếc ghế quyền lực của
giới lãnh đạo CSVN. Chủ trương “hợp tác hổ tương bình đẳng và cùng có
lợi với tất cả các quốc gia” của lãnh đạo CSVN chỉ là một khẩu hiệu
tuyên truyền che đậy sự sợ hãi trước đàn anh CS Trung Quốc. Ngay cả các
cường quốc Anh, Nhật, Pháp cũng không chủ trương như vậy đừng nói chi là
những nước mang số phận sân sau như Việt Nam. Các nước nhỏ như Phần
Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Đài Loan, Nam Hàn vượt qua được những nhược
điểm khách quan và chủ quan của đất nước họ bởi vì họ biết cách vận dụng
chính sách đối ngoại của các cường quốc để phục vụ cho sự phát triển
của đất nước. Không chỉ Thổ Nhỉ Kỳ cần Anh Quốc mà Anh Quốc cũng cần Thổ
Nhĩ Kỳ và tương tự không chỉ Đài Loan cần Mỹ nhưng Mỹ cũng cần Đài
Loan.
Quan hệ Trung Quốc và Việt Nam không giống như quan hệ giữa Mỹ và
Philippine hay Mỹ và Nam Hàn. Giới lãnh đạo CSVN không có vị trí độc lập
về chính sách đối ngoại. Mọi chính sách trước khi đưa ra đều phải đo
lường phản ứng từ phía Trung Quốc. CS Trung Quốc và CS Việt Nam chia sẻ
nhau một lịch sử lâu dài từ ngày đảng Cộng sản hai nước được thành lập.
Hai đảng gắn bó về cả vật chất lẫn tinh thần. Câu nói của Mao “Nhiệm vụ
trung tâm và hình thức cao nhất của cách mạng là nắm lấy quyền lực thông
qua đấu tranh võ trang và giải quyết vấn đề bằng chiến tranh” là tư
tưởng chỉ đạo của đảng CSVN trong khi vạch định đường lối suốt hai cuộc
chiến. Năm 1950, Trung Quốc là nước đầu tiên công nhận Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hòa. Cả hai nước đã thừa nhận sự đóng góp của và người của Trung
Quốc vào mục đích thiết lập chế độ Cộng sản tại Việt Nam. Nợ máu xương
chồng chất. Tuy không dính dáng gì đến dân tộc Việt Nam nhưng nhân dân
Việt Nam đã và đang phải trả bằng máu của bao nhiêu thế hệ từ trước năm
1975 cho đến nay và chưa biết ngày nào mới trả hết.
Bài học từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan
Bài học lớn nhất mà nhân loại học được từ Thế chiến thứ hai là sự thụ
động, tiêu cực của con người trước hiểm họa của chủ nghĩa dân tộc cực
đoan.
Những kẻ chịu trách nhiệm cho cái chết của 70 triệu người không chỉ
là Adolf Hitler, Benito Mussolini và Kideki Tojo nhưng còn là Thủ tướng
Anh Neville Chamberlain và Tổng thống Pháp Édouard Daladier. Chính người
dân Đức đã bỏ phiếu cho Hitler và người dân Anh đã nhảy nhót vui mừng
khi lãnh thổ Tiệp rơi vào tay của Đức. Trong một thời gian ngắn trước
Thế chiến thứ hai, không chỉ Đức thôi mà cả nước yếu kém hơn Tiệp như Ba
Lan, Hungary cũng dự phần vào bữa tiệc nấu bằng thịt xương Tiệp Khắc.
Thế chiến thứ hai có thể đã không xảy ra hay xảy ra với mức độ tác hại
thấp hơn nếu số lớn nhân loại ngày đó không thỏa hiệp, không đồng lõa
với cái ác.
Từ đó để thấy, việc ngăn chận chủ nghĩa dân tộc cực đoan Trung Quốc
ngày nay phải là trách nhiệm hàng đầu của nhân loại yêu chuộng hòa bình
và công lý bởi vì lịch sử chứng minh chủ nghĩa dân tộc cực đoan dẫn đến
chiến tranh ngay cả trong trường hợp các kẻ chủ trương cực đoan không
muốn. Chưa từng có một trường hợp nào ngược lại. Giới lãnh đạo CS Trung
Quốc là những người nhúm lên ngọn lửa dân tộc cực đoan nhưng lửa cháy
mạnh hay yếu tùy thuộc vào nhiều yếu tố có khi không nằm trong vòng kiểm
soát của họ.
Các chủ trương đồng hóa và diệt chủng các dân tộc yếu thế là phó sản
của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Từ giai đoạn sau cách mạng Pháp 1789 đến
Thế chiến thứ nhất rồi Thế chiến thứ hai cho tới các cuộc chiến đẫm máu
vùng Balkans giữa các nước thuộc liên bang Nam Tư cũ, máu nhân loại đã
đổ liên tục vì chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Sau cực tả là cực hữu, bản đồ
thế giới chưa bao giờ thay đổi nhanh chóng như trong vòng một phần tư
thế kỷ vừa qua.
Các nhà phân tích thường dựa vào hậu quả hơn là tìm hiểu nguyên nhân
nên không lấy làm lạ ít người so sánh Hitler với Đặng Tiểu Bình. Đa số
vẫn đánh giá họ Đặng như một nhà lành đạo CS tiến bộ, mở cửa hiện đại
hóa, làm dịu căng thẳng giữa hai khối. Tuy nhiên, quan điểm của Hitler
và Đặng Tiểu Bình có nhiều điểm giống nhau hơn cả giữa Hitler và Stalin,
Hitler và Mussolini hay Hilter và Mao bởi vì cả hai đã dùng chủ nghĩa
dân tộc như một phương tiện để kích thích “niềm kiêu hãnh quốc gia”, vẽ
lên trong nhận thức con người về “một loại đất nước huy hoàng tưởng
tượng”, làm gia tăng nhất thời sức mạnh kinh tế và tạo áp lực thường
xuyên trên các nước yếu hơn trong vùng.
Nhân loại nguyền rủa Hitler, kết án Mao và phỉ nhổ Stalin, tuy nhiên,
nếu chiến tranh bùng nổ tại Á Châu, với dân số 1.3 tỉ người mà bầu
nhiệt huyết được đun sôi bằng ngọn lửa hận thù, hậu quả của chủ nghĩa
dân tộc cực đoan Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình nhóm lên từ năm 1978 sẽ
khủng khiếp đến dường nào. Giữa Hitler và Đặng Tiểu Bình ai tàn ác hơn
ai, chưa biết được.
Có hy vọng nào cho dân tộc Việt Nam?
Nhìn lại Việt Nam, chưa bao giờ dân tộc lại phải chịu đựng sự phân
hóa, chia rẽ trầm trọng như hôm nay. Một người Việt quan tâm đến tiền đồ
dân tộc nào cũng đau lòng nhận ra điều đó. Tuy nhiên, dù có thể còn
khác nhau trong cách trả lời, chúng ta không thể không đồng ý rằng, để
cứu đất nước, trước hết phải tháo gỡ chiếc gông độc tài chuyên chính ra
khỏi cổ người dân và trả lại cho họ những quyền bẩm sinh mà ai cũng có,
đó là quyền làm người, quyền quyết định sinh mệnh của chính mình và của
dân tộc mình. Bởi vì, chỉ có một Việt Nam đoàn kết dưới ngọn cờ dân chủ,
tự chủ, cường thịnh mới mong thắng được chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc.
THEO FB TRẦN TRUNG ĐẠO
Tham khảo:
- David Faber, Munich, 1938 Appeasement and World War II, Simon & Schuster, New York 2009
- William L. Shirer, The Rise and Fall of the Third Reich, 1995
- Mark Mazower, Hitler ‘s Empire, How The Nazis Ruled Europe, The Penguin Press, New York 2008
- Carl K. Savich, Nationalism and War, MarkNews. com, 2008
- Richard J. Evan, The Third Reich in power, The Penguin Press, New York 2005
- History of Germany, Wikipedia, the free encyclopedia
- Interview with Dr. Carroll Quigley, Georgetown University, The Courier, December 12, 1952
- Hitler’s Plan for Eastern Europe, Selections from Janusz Gumkowkski and Kazimierz Leszczynski
- World War II database, Munich Conference and the Annexation of Sudetenland
- Yang Kuisong, Changes in Mao Zedong’s Attitude toward the Indochina
War, 1949-1973, Woodrow Wilson International Center for Scholars, 2002
Tổng giám đốc EVN: Thiếu điện do giá điện thấp!
Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN ông Phạm Lê Thanh cho biết
nguyên nhân thiếu điện do đã duy trì giá điện thấp trong thời gian dài
Lý giải về hiện tượng thiếu
điện, trên tờ Dân trí, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN ông
Phạm Lê Thanh cho rằng, do duy trì giá điện trong 1 thời gian dài rất
thấp nên người dân, doanh nghiệp sử dụng không tiết kiệm. Trong khi ý
kiến chuyên gia lại cho rằng, nguyên nhân là do nền kinh tế có vấn đề.
Ông Thanh dẫn chứng, hệ số đàn hồi điện năng ở Việt Nam rất lớn (2
lần điện mới ra 1 GDP). GDP tăng 7% thì điện tăng 14%, GDP tăng 7,5% thì
điện tăng 15%.
Ngoài ra, ông Thanh cũng cho biết, các doanh nghiệp thì sử dụng những
công nghệ “bẩn” (các nhà máy xi măng, nhà máy thép lạc hậu…) vì điện
giá rẻ cũng khiến điện bị thiếu hụt.
Cũng theo ông Thanh, các doanh nghiệp FDI cũng lợi dụng giá điện rẻ
để mang những nhà máy có công nghệ bẩn đó để sản xuất, xuất khẩu kiếm
lời. “Nhưng quan trọng nhất là cần đầu tư hàng tỷ USD vào các nguồn điện
mới thì không ai đầu tư” – Tổng giám đốc EVN nói.
Khi đưa ra dự báo về điện năng trong năm 2014, ông Thanh phấn khởi
cho biết: “59 năm trôi qua, chưa có năm nào ngành điện dám tuyên bố “đủ
điện” nhưng hiện nay, xin công bố với báo chí là EVN đã lo đủ điện cho
phát triển kinh tế xã hội của đất nước và có dự phòng”.
Cùng lý giải về nguyên nhân thiếu điện, GS Phạm Duy Hiển từng chỉ ra rằng nguyên nhân chính là do nền kinh tế có vấn đề.
Cụ thể, ông Phạm Duy Hiển cho biết, EVN được giao quản lý ngành điện
nhưng giỏi lắm cũng chỉ lo được phần cung. Còn phần cầu là chuyện của Bộ
Kế hoạch Đầu tư, Chính phủ và cả cỗ xe kinh tế.
Cầu vượt quá khả năng cung, điện ắt phải thiếu. Cầu quá nhiều nên EVN
không kham nổi. Dùng quá nhiều điện mà sản sinh ra ít của cải, kinh tế
yếu kém, điện vẫn cứ thiếu.
Ông Phạm Duy Hiển phân tích, khi cung thiếu, phải cúp điện vì trục
trặc kỹ thuật, vì khô hạn gay gắt, hồ cạn nước, mà EVN lại không đủ dự
phòng trong khi các nhà máy mới xây luôn chậm tiến độ là đây là lỗi của
EVN và Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam TKV).
Ông Hiển chốt lại: “Cả hai yếu tố cung – cầu nói trên đều có liên
quan đến quy mô và tiềm lực nền kinh tế. Đòi hỏi cung vượt quá khả năng
của nội lực chẳng khác nào muốn con ếch trương bụng lên to bằng con bò
(ngụ ngôn La Fontaine). Cũng vậy, “cầu” quá nhiều thì sẽ lãng phí, chẳng
khác nào bơm nhiều thức ăn vào đứa trẻ đau dạ dày hòng vỗ béo nó”
Cũng theo phân tích của GS Phạm Duy Hiển, xóa bỏ độc quyền EVN, đưa
điện ra thị trường tự do, sẽ tạo ra mặt bằng cung – cầu mới lành mạnh
hơn. Nhưng việc này phải kèm theo thay đổi cả hệ thống, có thị trường
điện tự do mà các tập đoàn nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài vẫn được
bao cấp, ưu đãi dưới những hình thức khác nhau, các cơ quan nhà nước vẫn
xài điện bằng “tiền chùa”, thì rất khó chờ đợi những đột phá lớn. Vả
lại theo lộ trình của Chính phủ, còn lâu mới có thị trường điện tự do.
THEO ĐẤT VIỆT