Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Thoát Trung là thoát cái gì và để làm gì?

Trần Kinh Nghị - Thoát Trung là thoát cái gì và để làm gì?

Không phải ngẫu nhiên, đúng vào thời gian TQ xâm lược bằng giàn khoan và tàu thuyền bắt đầu từ tháng 1/5 vừa qua người Việt trong nước cũng như  hải ngoại lại dấy lên phong trào "thoát Trung" (còn gọi là "thoát Trung luận"). Nhưng có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Người viết bài này xin mạn phép nêu lên ý kiến cá nhân để góp phần thảo luận. Đó là thoát Trung là thoát khỏi sự hiểu biết nhầm lẫn về nguồn cội của mình từ đó sinh ra tâm thế yếu hèn trước kẻ thù truyền kiếp. Cũng không nên đánh đồng phong trào thoát Trung với "bài Trung" hoặc "chống Trung". Dưới đây là một số cơ sở cho cách suy nghĩ đó. 

Người Việt cần thực sự biết mình từ đâu ra

Người Việt thường chê người TQ là dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, bành trướng, bá quyền..., nhưng có lẽ chính người Việt cũng không khác họ mấy, lại còn thua kém họ ở chỗ nhầm lẫn không biết mình là ai và từ đâu ra. Nói vậy chắc có người sẽ không đồng ý và dẩy nẩy lên: "Sao lại nói thế...?". Nhưng nếu bị hỏi dồn, họ sẽ trả lời: "VN từ TQ mà ra chứ đâu!" hoặc không thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng. Ít ai tin rằng một bộ phận đông đảo dân số TQ ngày nay có nguồn gốc từ Việt tộc (sử Tư Mã Thiên gọi là "Bách Việt") đã bị Hán tộc đồng hóa và ở lại trên lãnh thổ TQ đến ngày nay trong khi một bộ phận đồng bào của họ lui về phía Nam và trụ lại thành một quốc gia độc lập với tên gọi là Nam Việt rồi Việt Nam ngày nay.  

Nếu ta lục tìm trong đống sách giáo khoa môn sử của VN ngày nay đều chỉ thấy nói đại ý: Nhân dân ta rất anh hùng đã đánh bại các thế lực xâm lược phương Bắc và giữ nguyên bờ cõi như ngày nay; tuyệt nhiên không một lời giải thích tại sao các truyền thuyết Âu Cơ Lạc Long Quân và các Vua Hùng lại nói thời xa xưa đã đóng đô ở núi Ngũ Lĩnh, Hồ Động Đình, cũng không thấy giải nghĩa về lời ru "Công cha như núi Thái Sơn; Nghĩa mẹ như nước trong Nguồn chảy ra..." đều là những địa danh bên TQ. Sách giáo khoa cũng nói rằng kẻ thù âm mưu đồng hóa dân tộc ta bằng nhiều thủ đoạn thâm độc như đốt sách, triệt phá đền thờ, giết đàn ông, v.v..., nhưng lại không nói gì về nỗ lực và kết quả của ta nhằm phục hồi lại những giá trị của dân tộc đã bị mất, đặc biệt hai lĩnh vực tiêu biểu là chữ viết và các dấu tích khảo cổ. Tuyệt nhiên cũng không thấy một công trình nghiên cứu nào nhằm mục đích giải mã những khúc mắc hoặc sự đứt đoạn trong toàn bộ dòng chảy của lịch sử nước nhà từ cổ sử sang chính sử, đặc biệt thời kỳ tiền sử. 

Người đọc và học sử Việt ngày nay nhận thấy nhiều lỗ hổng hoặc mâu thuẫn và do đó không thỏa mãn với những gì được trình bày trong vài quyển sách được coi là "quốc sử" thực chất chủ yếu bao gồm nội dung chép lại từ sử sách của TQ. Nhưng đó là tất cả những gì mà người Việt ngày nay có thể dựa vào để viết lách hoặc để thi lấy bằng cấp chứng chỉ.  Hãy xem một trích đoạn dưới đây từ Wikipedia cho thấy tình trạng như vậy (*).

Có thể nói, các thế hệ người Việt nối tiếp nhau chờ đợi được giải thích về những điều mơ hồ đó, nhưng cuối cùng đều thất vọng và giờ đây bắt đầu sinh ra nghi ngờ. Điều này được thể hiện qua những câu đồng dao đầy mỉa mai chua chát như "Bốn nghìn năm ta vẫn là ta/ Vươn mình một cái rồi ta chui vào" hay  "Chung quy chỉ tại Vua Hùng/  Đẻ ra một lũ vừa khùng vừa điên" v.v... Phải nhắc lại những câu này chẳng hay ho gì, nhưng đó là sự thật không thể phớt lờ.  

Đổ hết tội lỗi cho chính sách đồng hóa thâm độc của Phương Bắc xem ra là cách thuận tiện nhất, nhưng cũng là cách ngu dân tệ hại nhất. Lẽ nào chữ viết của một dân tộc có bề dày lịch sử hàng ngàn năm lại có thể bị kẻ thù thâm độc xóa mất tăm mất dạng? Lẽ nào một dân tộc vẫn tự hào có gần 5.000 năm lịch sử mà giờ chỉ biết lờ mờ về 2.000 năm gần đây nhất? Và rất nhiều dấu hỏi như vậy đặt ra. Nhưng điều lạ lẫm hơn là,  90 triệu con dân nước Việt ngày hôm nay vẫn chịu ngồi đó bó tay với cách lý giải mơ hồ, nếu không thì chỉ biết bực bội tự trách cha ông mà thôi. 

Rõ ràng có nguyên nhân nào đó khiến người Việt lo ngại không dám hoặc không muốn nhắc lại "cội nguồn của mình từ phương Bắc" đồng thời cũng không nói đến quá trình Nam tiến sau này. Nếu vậy thì đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm cần phải giải tỏa ! Thực tiễn cho thấy hầu hết mọi quốc gia đều có thể thịnh hoặc suy trong quá trình đấu tranh sinh tồn, nhưng không ai có quyền căn cứ vào lịch sử quá khứ để đòi lại các vùng lãnh thổ vốn đã an bài. Song, bất cứ dân tộc nào cũng phải nhắc lại quá khứ để biết mình là ai mà tiếp tục phấn đấu để sinh tồn và phát triển. Đó là quy luật tất yếu của xã hội loài người mà thôi.

Do đó, điều hiển nhiên là, các thế hệ người VN ngày nay có trách nhiệm phải nghiên cứu làm rõ mọi góc khuất về cội nguồn dân tộc, không được phép tránh né sự thật lịch sử, đó là người Hán đã từng xâm lấn và đẩy lùi người Việt (tức Bách Việt) về phương Nam; và trong quá trình đấu tranh sinh tồn, người Việt đã "Nam tiến" và hình thành bờ cõi mới của quốc gia như ngày nay. Và trong suốt quá trình đó, vùng đất Bắc  bộ là một hậu cứ cuối cùng mà ông cha còn giữ lại được. Chỉ khi nào dám nhìn thẳng vào sự thật lịch sử này thì người Việt Nam ngày nay mới có thể khám phá những bí ẩn của lịch sử để từ đó vững tin và tự hào một cách chính đáng về dân tộc.
  
Để làm được điều đó trước hết cần có một cách tiếp cận hoàn toàn khách quan không bị chi phối bởi sự định hướng chính trị về nguồn cội dân tộc. Đó là ngoài những thông tin tìm thấy trong sử sách TQ, người VN cần chủ động khai thác mọi thông tin của thế giới nói về người Việt là chủ nhân ông của toàn bộ miền đất phía Nam sông Dương Tử, mà trong đó trống đồng và  nhiều giá trị nhân văn khác , có thể kể cả Kinh Dịch, là của người VN. Những thông tin loại này này đâu có hiếm, trái lại  đã và đang được nhắc đến khá rộng rãi bởi quốc tế  hoặc chính một số nhà nghiên cứu TQ chân chính. Mới đây một học giả TQ tên là Lê Oa Đằng đã viết: "Tộc người Bách Việt sinh sống ở vùng Quảng Đông và bán đảo Đông Dương đã sinh sống ven Nam Hải" và "Việt Nam là hậu duệ trực hệ của người Bách Việt, và cũng là quốc gia duy nhất được xây dựng bởi chủ thể là các hậu duệ của tộc người Bách Việt". Đã từ lâu chính người TQ đã dùng từ "nước Xích Qũy" để chỉ cương vực của lãnh thổ truyền thuyết của Kinh Dương Vương thời kỳ trước CN. Nước Nam Việt của Triệu Đà thế kỷ thứ hai trước công nguyên cũng nằm trong cương vực đó. Vậy cớ sao người Việt Nam ngày nay không dám  nhắc lại mà còn ngụy tạo rằng  Kinh Dương Vương có mộ phần ở Bắc Ninh, thậm chí  có người còn vẽ ra tấm bản đồ cho thấy nước Văn Lang chỉ nằm trọn trong vùng châu thổ sông Hồng (!?).

Thiết nghĩ ngày nay đã có khá đủ dữ liệu để nói rằng có một sự giao thoa về sắc tộc, văn hóa và các giá trị nhân văn từ lâu đời giữa Việt tộc và Hán tộc trong suốt quá trình lịch sử lâu đời trước và sau Công nguyên, trong đó người Việt đóng vai trò không thể chối cải làm nên nền văn minh Trung Hoa. Đó là những chỉ dấu góp phần tiến tới giải mã những khuất tất về nguồn cội dân tộc Việt Nam. Qua đó cho thấy sẽ là phiến diện nếu nghiên cứu về cội nguồn Việt tộc mà chỉ căn cứ vào những dấu tích tìm thấy nơi mình đang tồn tại mà không lội ngược dòng lên phía Bắc.  

Phục dựng chủ thuyết cùng các di sản của người Việt
Có nhiều dấu tích cho thấy trước khi bị người Hán đô hộ, người Việt đã từng có một triết lý và đạo lý riêng của mình - đó có thể là đạo thờ phụng tổ tiên. Sau khi bị người Hán áp đặt ách thống trị, người Việt đã từng bước bị ép buộc phải đón nhận Nho giáo và Khổng giáo nhưng đồng thời vẫn duy trì triết lý sống của riêng mình. Thời kỳ 100 năm đô hộ của người Pháp, giáo lý Thiên chúa cùng những tư tưởng mới lạ cũng đã xâm nhập và tác động ít nhiều đến đạo lý cổ xưa của người Việt. 

Sự thật này đã được thể hiện với các mức độ khác nhau qua các di sản văn hóa của các thời đại mặc dù do những lý do khách quan và chủ quan khác nhau không được ghi lại một cách trung thực và đầy đủ trong sử sách của VN. Hậu quả còn hằn rõ trong tâm thức của người Việt  sau  hàng ngàn năm vong bản dưới ách thống trị của ngoại bang. Một ví dụ là, trong sâu thẳm tâm thức của người VN, người TQ là tài giỏi hơn VN đến mức có thể "iểm bùa", "trấn long mạch" v.v... không cho dân tộc VN ngóc đầu lên (!). Ngày nay hễ có điều gì dù tốt xấu hoặc khó hiểu thì  nhiều người có xu hướng quy cho TQ. Tâm lý này là hoàn toàn vô lý nhưng vẫn tiếp tục kéo dài.  Đó là yếu tố vô hình hạn chế tính chủ động sáng tạo của người Việt từ đời này sang đời khác. 

Một ví dụ điển hình khác là, trong khi quốc tế cho rằng Kinh Dịch có thể không phải của người Hán (vì một số lý do: Kinh Dịch không thể phát huy trong tay người TQ, và biểu tượng Kinh Dịch được khắc trên Trống Đồng vốn đã được công nhận là của người Việt) nhưng người VN lại thờ ơ không tích cực đón nhận kết luận này của thế giới để chủ động tiến hành hành nghiên cứu một cách nghiêm túc và phát huy giá trị đáng có của Kinh Dịch. Điều tương tự cũng xảy ra đối với lĩnh vực chữ viết, gen di truyền và các kết quả khảo cổ mới tìm thấy khác. Phải chăng người Việt đã và đang tiếp tục đánh mất chủ thuyết của mình cùng với những di sản tri thức quý báu trong quá trình ngàn năm Bắc thuộc (?). 
    
Thoát Trung là thoát khỏi tâm thế yếu hèn để vượt TQ

Không nên nhầm lẫn giữa sự giận dữ, lòng căm giận với sự dũng cảm, anh hùng. Thực ra đó là hai khái niệm hoàn toàn không tương thích với nhau. Đằng sau sự căm giận bao giờ cũng ẩn nấp sự yếu hèn. Có lẽ đó chính là trạng thái tinh thần thường trực của người Việt trước người láng giềng phương Bắc trong suốt hàng ngàn năm nay. Nếu người VN đã đánh bại các thế lực xâm lược Phương Bắc thì cũng không phải vì VN mạnh hơn kẻ địch, mà vì bị dồn vào bước đường cùng phải đấu tranh sinh tồn mà thôi. Và điều này chỉ đủ để sinh tồn chứ chưa đủ để phát triển. Và do đó sự sinh tồn này luôn luôn bị đe dọa.
Có nhiều thứ triết lý về sức mạnh, nhưng có một triết lý khó bác bỏ, đó là "sức mạnh làm nên lẽ phải". Nó được diễn đạt trong tiếng Anh là "Might makes right!" nghe có vẻ rành rọt hơn thì phải ? Sức mạnh ở tầm quốc gia được hiểu theo nghĩa rộng không chỉ là sức mạnh của cơ bắp mà là sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực từ vật chất đến phi vật chất; từ cá thể đến tập thể; cả thể lực và trí lực, cả nội lực và ngoại lực.  Nếu áp dụng triết lý này vào hoàn cảnh cụ thể của VN ta thấy hoàn toàn đúng. Người VN đã chiến thắng hết kẻ thù xâm lược này đến kẻ thù xâm lược khác hoàn toàn không phải do sức mạnh cơ bắp mà nhờ sức mạnh tổng hợp của dân tộc và sự ủng hộ của quốc tế. Và người Việt cũng đã nhiều phen thất bại do nội bộ bất hòa không huy động được sức mạnh tổng hợp toàn dân và sự ủng hộ của thế giới. Đó cũng là lý do tại sao người VN thường có thể chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, nhưng hiếm khi chiến thắng chính bản thân mình để xây dựng đất nước hùng cường ấm no hạnh phúc một cách lâu bền.  Điều này đã được chứng minh qua các chu kỳ độc lập tự chủ tương đối ngắn so với các thời kỳ chiến tranh hoặc lệ thuộc ngoại bang kéo dài.  

Có nhiều cách giải thích khác nhau. Song có một sự thật, đó là sức mạnh của VN thường không được phát huy trong điều kiện hòa bình, và phải chờ đến khi có chiến tranh xâm lược từ bên ngoài để làm chất xúc tác và đoàn kết lại. Đây là một sự thật đầy nghịch lý. Chừng nào chưa đảo ngược được nghịch lý này Việt Nam không thể phát triển lớn mạnh, và càng không thể đủ mạnh để ngăn chặn âm mưu xâm lược của kẻ thù truyền kiếp. Điều này cũng có nghĩa, mọi nỗ lực thoát Trung đều vô nghĩa nếu không đặt mục tiêu rõ ràng dứt khoát là thoát Trung  là để tạo điều kiện phát triển và vượt Trung. Lý do thật đơn giản: Không ai có thể đảm bảo rằng VN có thể giữ vững độc lập chủ quyền nếu không phát triển hơn hoặc bằng TQ khi mà chỉ trong 1/2 thế kỷ qua biên giới phía Bắc đã bị gặm nhấm và biển đảo bị xâm chiếm và vây hãm một cách trắng trợn như vậy! 

Một trong các điều kiện chủ chốt để vượt Trung có thể thấy từ kinh nghiệm của hầu hết các các quốc gia và vùng lãnh thổ đã có thể phát triển vượt TQ đều diễn ra trong điều kiện và các thời kỳ không có quan hệ thân thiện với TQ như Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia. Chỉ sau khi họ đã phát triển cao hơn TQ họ mới mới chủ động mở lại quan hệ nhưng vẫn giữ khoảng cách nhất định. Thiết nghĩ đây là một bài học mà dù muốn hay không VN cũng phải tính đến./.
Trần Kinh Nghị
(Blog Bách Việt)

(*)Truyền thuyết khởi đầu[sửa | sửa mã nguồn]
Theo bộ sử ký Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) - phần ngoại kỷ do sử gia Ngô Sĩ Liên viết ở thế kỷ 15 chép rằng: Đế Minh sinh ra Lộc Tục, Lộc Tục sinh ra Lạc Long Quân. Kế tiếp Lạc Long Quân và vợ là Âu Cơ sinh được 100 người con trai, 50 người theo mẹ lên núi cùng suy tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Bạch Hạc - Phú Thọ
Nước Văn Lang được hình thành vào khoảng năm 2879 TCN và kết thúc vào năm 258 TCN bởi An Dương Vương Thục Phán. Từ đây hình thành quan niệm dân gian coi nước Văn Lang đời Hùng Vương ra đời cách ngày nay khoảng hơn 4000 năm và thường được sách báo nói tới 4000 năm văn hiến
Tuy nhiên theo bộ sử ký xuất hiện còn sớm hơn bộ ĐVSKTT là bộ Đại Việt sử lược vàothế kỷ 13 thì chép nước Văn Lang được thành lập bởi thủ lĩnh bộ tộc Văn Lang thu phục các bộ tộc Việt (15 bộ) khác vào khoảng thế kỷ 7 TCN cùng thời với vua Chu Trang Vương của nhà Chu - Trung Quốc. Ông lên ngôi xưng hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô tại Văn Lang [1]. Về sau các sử gia nước ta bị ảnh hưởng của các sử gia Trung Quốc nên gọi kinh đô thời Văn Lang là Phong Châu [2]

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN DIỄN ĐÀN

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

Những Con Lừa Của Thời Đại Mới - Chần chừ, hiểu sai, VN sẽ thành ‘ốc đảo kỳ lạ’

Người Việt nghĩ gì về ‘Cách mạng cây Dù’ tại Hong Kong

Người biểu tình ủng hộ dân chủ ngủ trên một con đường bị phong tỏa tại Hồng Kông vào ngày 03 tháng 10, năm 2014. Hồng Kông đã rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 1997.
Người biểu tình ủng hộ dân chủ ngủ trên một con đường bị phong tỏa tại Hồng Kông vào ngày 03 tháng 10, năm 2014. Hồng Kông đã rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 1997.
Cuộc biểu tình ‘Cách mạng cây Dù’ tại Hong Kong tiếp tục là đề tài thời sự đối với nhiều người Việt Nam trong suốt những ngày qua.
Cho đến lúc này những người quan tâm trong nước rút ra được những gì từ một sinh hoạt dân chủ như thế và họ nghĩ gì về một khả năng tương tự tại Việt Nam?
Bài học từ người: nể phục!
Những cư dân mạng Việt Nam quan tâm tình hình trong những ngày qua cập nhật nhanh chóng lên tài khoản facebook, twitter hay trang cá nhân mọi thông tin về cuộc biểu tình của sinh viên Hong Kong đòi dân chủ cho đặc khu này thông qua việc bầu cử trực tiếp vị chưởng quan hành chánh tại đó, chứ không như cách mà Bắc Kinh đặt cho họ.
Một trong những facebookers đó hiện là một sinh viên tại Việt Nam cho biết:
Phong trào dân chủ ở đâu em cũng đặc biệt theo dõi rất sát. Hong Kong có đặc biệt hơn nữa đây là cuộc xuống đường mà đa phần là sinh viên, họ là thành phần khởi xướng. Tôi tin khi theo sát tôi học được rất nhiều kinh nghiệm, nắm được tâm lý của những người sinh viên xuống đường để sau này khi tại Việt Nam có xuống đường, tôi có thể rút ra được những bài học của riêng mình.
Tôi rút ra được văn hóa xuống đường của lực lượng sinh viên Hong Kong, rút ra được cách ứng xử của họ khi bị trấn áp, đánh đập hay khi bị xịt lựu đạn cay. Tôi học được ở họ sự vị tha và nhiệt huyết yêu dân chủ, yêu tự do đến cháy bỏng. - Một sinh viên ở Việt Nam
Sau khi theo dõi diễn tiến của đợt biểu tình của những người cùng trang lứa tại Hong Kong, người sinh viên Việt Nam chia xẻ một số điều mà bạn này rút ra được từ hoạt động đòi hỏi quyền dân chủ của những sinh viên Hong Kong:
Tôi rút ra được văn hóa xuống đường của lực lượng sinh viên Hong Kong, rút ra được cách ứng xử của họ khi bị trấn áp, đánh đập hay khi bị xịt lựu đạn cay. Tôi học được ở họ sự vị tha và nhiệt huyết yêu dân chủ, yêu tự do đến cháy bỏng. Đó là những bài học rất lớn và tôi cần phải nhìn lại bản thân và tôi nghĩ cần phát huy hơn nữa quá trình đấu tranh của bản thân tôi.
Một nhà đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam và từng phải trả giá cho hoạt động của bản thân bằng tù tội, luật sư Nguyễn Văn Đài, cũng theo dõi tình hình Hong Kong và có những điều học hỏi được cho đến lúc này mà ông cho biết:
Bản thân tôi và nhiều anh em khi nhìn thấy sinh viên Hong Kong xuống đường biểu tình đòi dân chủ, chúng tôi rất mong muốn, thèm khát điều đó xảy ra ở Việt Nam. Chúng ta biết không phải bỗng dưng hôm nay sinh viên Hong Kong xuống đường mà trải qua một quá trình rất lâu năm. Tôi còn nhớ vào những đầu những năm 90 của thế kỷ trước khi mà Anh và Trung Quốc chuẩn bị ký thỏa thuận chuyển giao Hong Kong về lại cho Trung Quốc, ông toàn quyền người Anh lúc đó đã khuyến khích người dân Hong Kong quan tâm đến chính trị, thành lập các tổ chức chính trị. Họ hoạt động trong suốt hơn 20 năm vừa qua, đến nay họ gặt hai được những thành tựu về vận động người dân tham gia vào tiến trình dân chủ. Nên không phải bỗng dưng mà tại Hong Kong có những chuyện đó.
Họ hoạt động trong suốt hơn 20 năm vừa qua, đến nay họ gặt hai được những thành tựu về vận động người dân tham gia vào tiến trình dân chủ. Nên không phải bỗng dưng mà tại Hong Kong có những chuyện đó - LS Nguyễn Văn Đài
Ở Việt Nam hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt sự phát triển của các trang mạng xã hội cũng giúp rất nhiều cho những người đấu tranh trong nước. Nếu chúng ta vận dụng tốt những công cụ đó chúng ta có thể rút ngắn rất nhiều thời gian so với Hong Kong mất 20 năm vừa qua.
Tôi cũng hy vọng những tổ chức xã hội dân sự, những người đấu tranh tại Việt Nam hãy quan tâm đến điều đó để làm sao tạo nên được một mạng lưới liên kết xã hội, học tập kinh nghiệm từ Hong Kong để có thể thay đổi đất nước của mình, đem lại lợi ích không chỉ cho những người Việt Nam hôm nay mà cho cả các thế hệ Việt Nam mai sau.
Nhìn lại chuyện mình: chưa thể!
Do truyền thông Việt Nam đợt  này được phép thông tin khá đầy đủ và kịp thời về những diễn tiến tại Hong Kong, rất nhiều người dân tại Việt Nam biết đến những gì đang xảy ra tại đó.
Tuy vậy nhận thức và phản ứng của mỗi người rất khác biệt nhau. Luật sư Nguyễn Văn Đài trên facebook của ông cho biết vào một buổi ăn sáng ông gặp hai vị viên chức cao cấp về hưu. Hai ông này khen sinh viên Hong Kong dũng cảm và nêu câu hỏi với luật sư Nguyễn Văn Đài sao không thấy sinh viên, thanh niên Việt Nam đứng lên. Theo facebook của luật sư Nguyễn Văn Đài thì hai người này nói rằng họ muốn đất nước thay đổi nhưng già rồi không làm gì được, mong những người trẻ cố lên.
Khi chúng tôi nêu lại vấn đề đó, luật sư Nguyễn Văn Đài bày tỏ:
Hầu hết các cán bộ cao cấp của Việt Nam nằm trong bộ máy chính quyền trong hằng chục năm trời, họ hiểu rất rõ thể chế chính trị cộng sản này tốt hay xấu. Bản thân họ nắm rất rõ điều đó, nhưng khi còn tại chức họ không dám lên tiếng, họ đành ngậm miệng để hưởng những lợi ích, quyền lợi do chế độ này đem lại. Nhưng khi về hưu họ nhìn nhận thực trạng xã hội và tiếp cận những thông tin trên hệ thống mạng Internet, họ hiểu rõ rằng đất nước này cần phải thay đổi, nhưng thường tuổi họ già rồi, họ cũng muốn thay đổi để con cháu của họ, thế hệ mai sau được thừa hưởng những giá trị tốt đẹp hơn của đất nước, dân tộc; thế nhưng họ không dám dấn thân đấu tranh trong những năm tháng còn lại của cuộc đời họ, họ mong muốn những người trẻ tuổi hơn dấn thân đấu tranh để trước khi họ nhắm mắt xuôi tay có thể nhìn thấy đất nước Việt Nam thay đổi.
Để có quá trình như Hong Kong hôm nay phải có trải qua sự chuẩn bị rất nhiều và yếu tố văn hóa cũng tác động rất lớn. Những sinh viên Hong Kong từ lâu họ được giáo dục trong một xã hội dân chủ nên việc quan tâm đến dân chủ đã trở thành lối sống của họ rồi - Một sinh viên ở Việt Nam
Người sinh viên trẻ cho biết bạn cũng có câu hỏi vì sao ở Việt Nam hiện nay có ít người dám dấn thân công khai lên tiếng đòi hỏi những quyền con người; và bạn này cũng cố tìm ra câu giải đáp như sau:
Để có quá trình như Hong Kong hôm nay phải có trải qua sự chuẩn bị rất nhiều và yếu tố văn hóa cũng tác động rất lớn. Những sinh viên Hong Kong từ lâu họ được giáo dục trong một xã hội dân chủ nên việc quan tâm đến dân chủ đã trở thành lối sống của họ rồi. Chứ ở Việt Nam thì khác, những người sinh viên như tôi mà tôi tiếp xúc cũng có người khao khát được như Hong Kong hôm nay. Họ cũng muốn được cống hiến, đóng góp nhưng hệ thống giáo dục, hệ thống an ninh- mật vụ có những hạch sách lớn như đe dọa. Kể cả nhà trường. Bản thân tôi cũng bị an ninh văn hóa, an ninh tỉnh, an ninh Bộ về Nhà trường gây sức ép. Sức ép này rất lớn không phải ai cũng đủ sức để vượt qua. Nhiều bạn trẻ còn đang sợ!
Nhà báo Đoan Trang trong một bài viết đăng trên trang cá nhân của cô cho rằng lực lượng an ninh Việt Nam hiện cũng đang theo dõi sát phong trào biểu tình ở Hong Kong. Theo nhà báo này thì dù kết quả của cuộc biểu tình ở đó ra sao đi chăng nữa thì an ninh và tuyên giáo Việt Nam sẽ thêm cảnh giác và càng xiết chặt kiểm soát giới trẻ Việt Nam, nhất là các sinh viên.
Nhà báo Đoan Trang cũng cho rằng một ‘mua thu Hương Cảng’ chưa thể đến Việt Nam lúc này được.
Diễn tiến giống nhau.
Dù thừa nhận những khác biệc giữa hai nền chính trị tại Hong Kong và Việt Nam hiện nay; những người theo dõi tình hình sinh viên biểu tình đòi quyền bầu cử trực tiếp người đại diện của họ tại đặc khu này nhận thấy đã có những kịch bản tương tự từ phía đại diện thân Trung Quốc ở Hong Kong và nhà cầm quyền Hà Nội đối với người biểu tình tại Việt Nam trong mấy năm qua.
Từ hôm thứ sáu tuần rồi ở Hong Kong đã xuất hiện những phần tử chống người biểu tình đỏi dân chủ. Thành phần này hành xử thô bạo đối với những sinh viên bất bạo động; đó là dùng lời lẽ bất nhã, phá lều và ra tay hành hung sinh viên. Nhiều người trong số họ bịt mặt và bị phát hiện từ lục địa sang, số khác bị cho là những phần tử của các nhóm bất hảo trong xã hội.
Gia Minh
(RFA) 

Alan Phan - Những Con Lừa Của Thời Đại Mới

(Có 2 cách để bị lừa dối. Một là tin vào những điều không thực; hai là không chịu tin vào những điều thực – There are two ways to be fooled. One is to believe what isn’t true; the other is to refuse to believe what is true – Soren Kierkegaard)
shrek-donkeyNhững năm đầu tiên khi làm cho Eisenberg, tôi thường được đi gặp những đại gia nổi tiếng của châu Á và Nam Mỹ. Thậm chí cả vài vị nguyên thủ quốc gia. Những lần như vậy, tôi rất phấn khích, tự hào và có thể nói là thích khoe khoang…cùng các bạn đồng nghiệp, gia đình và đối tác. Một lần, ông boss kéo tôi đi ăn trưa và kể cho tôi nghe một câu chuyện.
Có khu miền núi hẻo lánh ở Peru nơi một linh mục cai quản một giáo phận khá rộng nhưng chỉ có một nhà thờ nhỏ. Địa thế hiểm trở, các làng cách nhau quá xa, nên muốn thu hút con chiên, ông làm lễ sáng chú nhật sớm tại nhà thờ trung ương, rồi chất tượng Chúa, thánh giá…lên lưng một con lừa và cùng đi bộ qua một làng khác cho lễ trưa, rồi một lễ tối tại một làng khác nữa.
Dọc đường, giáo dân đều cúi rạp người khi tượng Chúa đi qua. Con lừa rất khoái trá mỗi khi nhận được những thờ phụng và sùng bái. Cho đến một ngày, anh hàng xóm mượn con lừa của nhà thờ để qua một làng khác mua sắm. Vẫn con đường cũ, vẫn những giáo dân xưa…nhưng không ai buồn nhìn con lừa chứ đừng nói đến chuyện chấp tay lạy. Con lừa vỡ lẽ rằng không phải “con lừa” mà là hào quang của “tượng Chúa” đã tạo nên sự khác biệt.
Tôi tỉnh người…và còn tỉnh hơn nữa, khi hết làm cho Eisenberg. Những cú phone gọi đến các đại gia đã từng ca tụng và tiếp đãi thân thiết tôi trong những bữa tiệc không bao giờ qua khỏi screening của các trợ lý. 
 Con lừa lại trở thành …con lừa.
Một điểm yếu của tuổi trẻ là hay lầm lẫn những gì mình thực sự làm chủ và những gì do người khác nhờ mang dùm.
Trong một nền kinh tế mà mọi chuyện của xã hội đều được vận hành bởi “quan hệ với quyền lực” thì phần lớn con lừa đều mang chung một ảo tường về giá trị và thực chất của con người mình. Với ngôn ngữ phương Tây, con lừa thường tượng trưng cho sự ngu xuẩn. Ở Việt Nam, chữ “lừa” còn mang thêm vài thâm ý: mong là cái bề ngoài nhờ quyền lực có thể làm mù mắt người ngoài hay “lừa” chính mình về sự giá trị thực sự của bản thân.
Một thí dụ gần đây là Chu Vĩnh Khang hay Bạc Hy Lai của Trung Quốc. Với tài sản thâu tóm khoảng 25 tỷ đô la cho 2 gia đình và một vị thế chánh trị gần như tuyệt đối vì nắm bộ máy công an và tuyên truyền, hai ông là hai đỉnh cao của xã hội lừa. Bây giờ, con lừa lại trở thành …con lừa, và sắp bị hy sinh.
Gần đây, vì tuổi tác mình  đã cao, nên tôi hay gặp những cựu quan chức về hưu sau một thời lừng lẫy. Họ vẫn còn nhiều hoang tưởng về quyền lực, về trí khôn, về ảnh hưởng…Cũng may là phần lớn đã “hạ cánh an toàn”, giấu diếm được ít nhiều tiền bạc và tài sản, nên cũng còn điếu đóm vây quanh. Mất đi những thứ này thì họ sẽ chỉ biết cam phận…như hàng chục triệu con lừa họ đã sinh sản ra suốt vài chục năm qua.
Doanh nghiệp cũng không khác gì hơn con người. Lợi nhuận tạo ra từ những phi vụ dựa trên quan hệ với quyền lực thì không thể nào bền vững hay đem ứng dụng vào một môi trường kinh doanh khác. Tôi gặp vài đại gia Trung Quốc và Việt Nam, sau khi bị thất sủng và mất tài sản, thu góp vài chục triệu đô la qua Mỹ tìm đường làm ăn. Họ cũng năng động và cố gắng nhưng họ nhận rõ rằng kỹ năng và kinh nghiệm của họ không thích hợp (nói nôm na là không có quan chức Mỹ nào chịu chống lưng để cùng đi đường tắt); nên cuối cùng, họ đem tiền quay về nước hay tìm đến những xứ xa xôi tận châu Phi hay Trung Đông nơi “phong bì” vẫn là một văn hóa.
Cái giá trị thực của một doanh nghiệp (như con người) là những tài sản mềm: sáng tạo, thương hiệu, uy tín, thị phần, cách phục vụ khách hàng, sản phầm chất lượng, công nghệ know-how, đội ngũ quản lý. Không phải vài miếng đất cướp từ nông dân hay nhà máy xây bằng tiền OPM của ngân hàng qua các định giá giả tạo.
Một quốc gia cũng có những giá trị tương tự. Nếu một chế độ không đặt nền tảng dựa trên hạnh phúc thực của người dân, đo lường bằng thu nhập và tự do; nếu một chế độ không coi trọng danh dự, trung thực và minh bạch; mà chỉ dựa trên quyền lực đán áp, nhất là từ chỉ thị của nước ngoài…thì con lừa quốc gia sẽ tụt hậu lần lần cho đến một ngày “tượng… lãnh đạo” không còn chất thánh.  Và… con lừa lại trở thành …con lừa (nghĩa đen và trắng).
  Alan Phan
(Blog Alan Phan)

Chần chừ, hiểu sai, VN sẽ thành ‘ốc đảo kỳ lạ’

Quyền im lặng cũng như mọi quyền khác, nếu chúng ta không hiểu rõ và quy định một cách thiếu cẩn trọng thì có khi lại hạn chế quyền của công dân.
Những người làm luật thường dẫn ra câu chuyện "gấu bị bắt nhận làm thỏ" để mô tả hiện tượng khi chịu sự áp lực của tra khảo và giam giữ, con người ta thường có xu hướng khai nhận những hành vi mình không làm.
Thực tế, những quyền cơ bản của bị can, bị cáo, người bị tạm giam (gọi chung là quyền can phạm) được đưa ra để bảo vệ con người khỏi tình trạng đó.
Can phạm, cho đến khi bị tòa án kết án, vẫn là một công dân vô tội, cho dù hành vi của người này đã rõ ràng đến mức nào. Điều này không chỉ còn là những quyền con người bất thành văn nữa, mà đã được quy định rất cụ thể trong Hiến pháp nước ta, cũng như Bộ luật tố tụng dân sự. Thuật ngữ pháp lý gọi đây là "quyền suy đoán vô tội".
Tuy nhiên, để "quyền suy đoán vô tội" được thực thi, người can phạm phải được hưởng quyền không bị buộc đưa ra những chứng cứ chống lại mình, hay gọi đơn giản là "quyền không chống lại bản thân". Bởi lẽ, suy đoán vô tội không chỉ mang ý nghĩa buộc cơ quan điều tra, truy tố và xét xử phải luôn suy đoán vụ án theo hướng có lợi cho bị cáo, mà còn có nội dung rằng việc xác định một người có tội hay không là trách nhiệm của phía Nhà nước.
Để đảm bảo "quyền không chống lại bản thân" đó, người can phạm phải có "quyền im lặng", tức là quyền không hợp tác, không tự buộc tội bản thân với cơ quan điều tra.
Nguyễn Thanh Chấn, án oan, tố tụng hình sự, tòa án, thẩm phán, quyền im lặng, công an, nhục hình, ép cung
Ảnh minh họa
Người can phạm phải thực sự hiểu rõ quyền
Vậy thì ta nên hiểu thế nào về "quyền im lặng" như đang được đề xuất đưa vào Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi?
Thật ra đây không phải là quyền gì mới mẻ. Trên thực tế, khai báo với cơ quan điều tra chưa bao giờ được coi là một nghĩa vụ của người can phạm, kể cả trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành. Việc không hợp tác với cơ quan điều tra cũng không phải là một tình tiết tăng nặng khi lượng hình theo quy định của Bộ luật hình sự.
Cho nên, một khi đã không phải là nghĩa vụ thì việc người can phạm có khai báo hay không hoàn toàn tùy thuộc vào lựa chọn của họ. "Quyền im lặng" được đưa ra thực chất chỉ là một sự tái khẳng định và thành văn hóa cái nguyên tắc cơ bản, dễ hiểu đã nêu trên.
Quay trở lại với câu chuyện "gấu thành thỏ", người can phạm khi bị truy vấn đã phải chịu một sự áp lực rất lớn, cả vô hình lẫn hữu hình, từ cơ quan điều tra và thậm chí là dư luận xã hội. Vũ khí duy nhất bảo vệ họ trong lúc này chính là những quyền mà pháp luật trao cho, trong đó có cả "quyền im lặng". Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, áp lực và sự thiếu nhận thức pháp luật khiến cho người can phạm không thực thi những quyền năng của mình một cách đầy đủ nhất.
Nghĩa vụ của Nhà nước trong lúc này là phải giải thích thật rõ cho người can phạm biết họ có những quyền gì.
Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành thực chất là có quy định nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng là phải giải thích rõ quyền của người can phạm trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Nhưng trên thực tế, cái chúng ta thiếu chính là một cách giải thích chuẩn nhất, rõ ràng nhất để người can phạm thực sự hiểu rõ quyền của mình. Hiện nay, trong các trại tạm giam, tạm giữ của cơ quan điều tra, luôn dán sẵn một bảng rất lớn, chữ to về quyền của người can phạm, tiếc rằng chúng vẫn mang nặng tính chất sự sao chép máy móc văn bản pháp luật.
Ở Hoa Kỳ, Hong Kong và Anh, pháp luật bắt buộc cơ quan điều tra, viện công tố và kể cả tòa án, trong mọi giai đoạn tố tụng đều phải lặp đi lặp lại với can phạm về quyền im lặng của họ, trước khi tiến hành lấy cung. Cơ quan tiến hành tố tụng còn phải nhắc nhở người can phạm rằng nếu họ chọn việc cho lời khai thì những lời khai đó sẽ được sử dụng để chống lại họ trước tòa.
Với cách đó, một người bình thường sẽ biết lựa chọn giữa việc cho lời khai để hưởng khoan hồng, hoặc im lặng để bảo vệ mình. Từ đó, hai quyền suy đoán vô tội và quyền không chống lại mình sẽ được bảo đảm cao nhất.
Ở Đức, Pháp và các quốc gia có hệ thống thẩm phán thẩm tra (investigating judge) giống Việt Nam, cơ quan tiến hành tố tụng cũng buộc phải giải thích cặn kẽ quyền im lặng cho người can phạm như vậy.
Vấn đề cốt lõi

Sẽ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nếu như người can phạm không hiểu rõ các quyền của mình. Chính vì thế, vấn đề cốt lõi trong việc soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi hiện nay, thiết nghĩ không thực sự nằm ở chuyện đưa thêm một quyền mới vào rồi nhưng lại ít quan tâm đến việc giải thích cho can phạm biết.
Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các quy định hiện hành và quy định rõ hơn. Như vậy, vừa tránh được cảm giác pháp luật "thiên vị" can phạm và gây khó khăn cho hoạt động điều tra như một đại biểu đã lo ngại, vừa đảm bảo sự công bằng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Cụ thể, trong các điều luật quy định về quyền của người can phạm trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, chúng ta có thể đưa thêm một điều khoản rõ ràng, minh định rằng: "Người bị tạm giữ/ bị can/ bị cáo không có nghĩa vụ phải khai báo hoặc đưa ra các bằng chứng, lời khai chống lại mình trong toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử và các cơ quan tiến hành tố tụng không được phép đe dọa, gây áp lực hay tạo sự bất lợi cho người bị tam giữ/ bị can/ bị cáo khi thực hiện quy định tại điều này".
Quy định rõ ràng như vậy chính là để ngay cả khi cơ quan tiến hành tố tụng chỉ trích dẫn luật ra khi giải thích quyền cho người can phạm thì người can phạm vẫn sẽ hiểu.
Thiết nghĩ, mục tiêu của Bộ luật tố tụng hình sự chính là để vừa tìm ra chân tướng sự thật, vừa tạo sự công bằng cho can phạm, giúp bảo vệ quyền con người. Tất cả các quốc gia, thiết chế văn minh đều hướng đến mục tiêu như thế.
"Quyền im lặng" là một định chế lý tưởng để góp phần đi đến mục tiêu đó. Nhưng cũng như mọi quyền khác, nếu chúng ta không hiểu rõ nó và quy định một cách thiếu cẩn trọng thì có khi lại hạn chế quyền của công dân. Gần đây, xuất hiện một cách hiểu quyền im lặng là người can phạm được quyền không khai báo cho đến khi có luật sư.
Theo thiển nghĩ của người viết, cách hiểu này không chuẩn về mặt khái niệm. Khi chúng ta đã hiểu rằng "quyền im lặng" là quyền phái sinh từ "quyền suy đoán vô tội" và "quyền không chống lại mình" thì cần đảm bảo quyền đó được thực thi trong suốt quá trình tố tụng, chứ không dừng lại khi có luật sư. Hiểu như cách trên sẽ vô hình khiến cho người can phạm có nghĩa vụ khai báo khi luật sư của anh ta xuất hiện, như vậy thì sự có mặt của luật sư trở nên vô nghĩa.
Chính vì thế, nếu Quốc hội chưa thể thống nhất đưa vào được một quy định về một quyền có tính đầy đủ, trọn vẹn, thì phải chăng nên tập trung sử dụng các công cụ hiện hành để đạt được mục tiêu.
Bởi lẽ, nếu cứ chần chừ hoặc hiểu sai về một quyền có thể coi là căn bản trong bối cảnh thế kỷ 21, thế kỷ của minh bạch, thì Việt Nam sẽ trở thành một "ốc đảo" kì lạ. Mà điều đó thì hẳn không người Việt Nam nào mong muốn.
Lê Nguyễn Duy Hậu
*Tác giả hiện đang hành nghề luật tại TP.HCM.
(Tuần Việt Nam)

Jonathan London: Quan hệ Việt – Mỹ và tương lai của Việt Nam

Jpeg usgov minh

Chuyến thăm của Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đến Washington lần này đánh dấu một sự kiện quan trọng trong quá trình làm nồng ấm mối quan hệ giữa lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam. Cuộc gặp song phương giữa ông Minh và ông Kerry diễn ra một vài tháng sau các cuộc thảo luận cấp cao giữ nhiều đại diện khác nhau của hai nhà nước trong bối cảnh Trung Quốc đang âm mưu thực thi các yêu sách chủ quyền phi pháp trên Biển Đông và đang nỗ lực thay đổi hiện trạng trên vùng biển này qua những phương tiện cưỡng bức khác nhau.
Trước những sự đe dọa này – đối với chủ quyền Việt Nam và an ninh khu vực – việc Washington sắp dỡ bỏ lệnh bán vũ khí sát thương cho Hà Nội đã thu hút rất nhiều mối quan tâm trực tiếp. Ngoài việc chuyển giao các phương tiện quân sự và công nghệ, sự kiện này còn mang ý nghĩa biểu tượng to lớn. Và cũng phản ánh những biên đổi to lớn và ngaỳ càng phức tạp trong nền chính trị toàn câu.
Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương hiện nay đang rất thiếu thái bình. Sau những hành động trái phép của chính quyền Bắc Kinh, cái được gọi là “niềm tin chiến lược” đã bị thiệt hại nghiêm trọng, nếu không muốn nói là đã mất đi. Cụ thể, trong một thời gian rất ngắn, hành vi của Trung Quốc đã dẫn đến việc nhiều nước trong khu vực phải mua sắm vũ khí. Rõ ràng Việt Nam phải bảo vệ chủ quyền đất nước và song song đó cũng phải đấu tranh theo cách đa phương. Nhưng vào thời đại đặc biệt phức tạp này, Việt Nam nên thiết lập đối tác với ai, đặc biệt là những quốc gia có liên quan đến vấn đề biển Đông?
Nến cố gắng phát triển những quan hệ tốt nhất mà có thẻ với Bắc Kinh nhưng cũng không chịu một quan hệ ‘anh em’ là đúng. Tình trạng đối với Trung Quốc còn quá phức tạp và rất khó đoán những ý định của Bắc Kinh là như thế nào. Còn Nga? Ngoài việc bán vũ khí, thì động thái của Putin trong những hồ sơ ở Châu Âu đã làm cho quyền lực mềm của nước đó xuống rất nghiêm trọng. Vì nhiều lý do khác nhau, đôi tác với Mỹ là một phương án hấp dẫn, nếu chưa đủ đâu. Việc Việt Nam đang tăng cường những quan hệ chiến lược mới (v.d., Ấn, Nhật) là rất có lý. Nhưng phải đề ý. Dù chiến lược của Việt Nam là làm bạn với tất cả nhưng phải có những mối quan hệ dựa vào “niềm tin đáng tin cậy và bền vững”.
Việc Washington dỡ bỏ lệnh cấm báo hiệu một sự hợp tác quân sự sâu rộng hơn giữa hai nhà nước. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ lần này giữa các lãnh đạo hai bên vượt xa phạm vi hợp tác quân sự. Gần bốn thập kỷ sau cuộc chiến tranh thảm khốc, Mỹ và Việt Nam đã cùng chia sẻ nhiều quan tâm đến lĩnh vực thương mại, đầu tư, và giáo dục. Cả hai nước cũng rất lưu tâm đến nhu cầu chế ngự “chính sách đơn phương không bị ngăn cản” [unchecked unilateralism] của Bắc Kinh – một cách nói ngoại giao được ông Phạm Bình Minh mô tả gần đây.
Về phương diện quốc tế, cảnh quan mối quan hệ nồng ấm giữa Hà Nội và Washington thu hút rất nhiều sự chú ý quan trọng. Mối quan hệ thân thiết giữa hai chính quyền chắc chắn sẽ giúp Việt Nam và Hoa Kỳ cùng hợp tác với các quốc gia khác – bao gồm Trung Quốc [nếu nước này đồng ý hợp tác] – nhằm xây dựng một khu vực an toàn, an ninh, và thịnh vượng.
Những phân tích của tôi về Việt Nam cho thấy rằng đứng giữa khoảng cách giữa Việt Nam hiện tại và một Việt Nam thịnh vượng hơn trong tương lai là một loạt các quyết định chính trị quan trọng về phát triển thể chế. Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng kinh tế khổng lồ. Kinh tế Việt Nam có tiềm năng phát triển tốt hơn nữa. Người Việt Nam đã nhìn thấy những cải thiện rất quan trọng trong đời sống của họ, nhưng những cải thiện ấy chỉ đạt được ở tốc độ thấp do sự bất bình đẳng giữa các nhóm thu nhập, và đang tiến triển rất chậm do những kiềm hãm về thể chế khác nhau, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, và các cơ hội kinh tế.
Nhưng tôi tin chắc rằng một xã hội ngày càng dựa vào pháp trị cùng với các hệ thống minh bạch và trách nhiệm giải trình là các yếu tố quan trọng giúp đưa Việt Nam tiến lên dù vấn đề này có thể gây tranh cãi. Các lãnh đạo Việt Nam nhận ra tầm quan trọng của những bước đi như thế này. Nhưng câu hỏi đặt ra là ai sẽ đứng ra thực hiện chuyện này? Thực sự, Việt Nam sẽ hưởng lợi rất nhiều khi mối quan hệ giữa hai quốc gia đã trở nên tốt hơn. Việt Nam có rất nhiều điều cần học hỏi từ Mỹ nhưng cũng có một số điều cần tránh. Về những gì cần học hỏi hãy xem những vấn đề về chế độ pháp trị. Về những gì cần tránh hãy thế ảnh hướng quá đáng của các nhóm lời ích vào nền dân chủ của Mỹ — một trong những yếu tố mà đã anh hưởng xấu đến phúc lợi của dân thường.
Quan trọng nhất là Việt Nam nên tiến đến mối quan hệ với Mỹ một cách cẩn trọng nhưng với tinh thần cởi mở, cam kết cải cách và dân chủ hóa để tiến đến một xã hội công bằng văn minh mà người Việt Nam ở mọi thành phần đã nỗ lực tìm kiếm trong nhiều thế kỷ qua. Mối quan hệ thân thiết hơn với Hoa Kỳ và các đất nước khác rất đáng được hoan nghênh và có thể giúp Việt Nam đối phó với những thách thức và đưa ra những quyết định khi cần. Nhưng sau rốt, chính người Việt Nam phải đoàn kết với nhau để có một tương lai thịnh vượng và bảo đảm hơn.
JL
(Blog Xin Lỗi Ông)
Lưu ý: Một bản ngấn hơn đã được đang trên báo Tuổi Trẻ vào ngày 5/10/2014. Bấm ở dưới để đọc. Đọc giả sẽ thấy một số khác biệt. Tác giả đang thảo luận với tờ báo nhằm mục tiêu đạt được một sự đồng ý về những nguyên tắc chủ bút. Cảm ơn báo TT. 

Khong chi la chuyen vu khi
 

Chuyện lạ: Bất động sản Triều Tiên lên giá “ào ào”

Bất động sản ở Bắc Triều Tiên đang nhanh chóng tăng giá, không chỉ ở Bình Nhưỡng, mà cả ở những nơi khá xa thủ đô. 

Tờ Tiếng nói nước Nga tường thuật, tuần trước đã trao đổi với một nhóm người Bắc Triều Tiên về giá bất động sản. Từ câu chuyện đó, có thể hình dung một cách rõ ràng rằng bất động sản ở Bắc Triều Tiên đang nhanh chóng tăng giá, không chỉ ở Bình Nhưỡng, mà cả ở những nơi khá xa thủ đô.

Ví dụ, một căn hộ ở Chongjin cuối năm 2009 có giá khoảng 3.000 USD, bây giờ đã lên đến khoảng 10.000. Giá bất động sản ở các thành phố khác cũng tăng theo tốc độ tương tự.

Gần đây, ở Bắc Triều Tiên đã hình thành thị trường bất động sản. Về chính thức, việc mua bán nhà cửa bị cấm, nhưng trong thực tế, kể từ cuối những năm 1990, giao dịch mua bán nhà đã trở thành chuyện khá phổ biến.

Mười lăm năm trước đây, có thể mua một căn hộ ở Bình Nhưỡng với giá vài ngàn đô la, còn một ngôi nhà ở tỉnh khác thì có giá khoảng vài trăm mà thôi. Tuy nhiên, những ngày đó đã qua lâu rồi. Mặc dù việc buôn bán bất động sản vẫn mang tính chất không chính thức và do đó không thể có số liệu thống kê chính xác, có vẻ là giá bất động sản thời điểm này đã tăng khoảng mười lần.

Nói chung, lý do giá cả tăng lên là điều dễ hiểu. Trong những năm gần đây, tình hình ở Bắc Triều Tiên đã được cải thiện đáng kể, nền kinh tế đang phát triển, mặc dù với tốc độ chậm, nhưng dù sao nạn đói đã được khắc phục. Tăng trưởng kinh tế đi kèm với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.

Cũng có thể doanh nghiệp tư nhân phát triển đã thúc đẩy nền kinh tế nói chung. Vì lý do ý thức hệ, chính quyền Bắc Triều Tiên không thừa nhận việc tư nhân hóa dần dần, nhưng trong thực tế, ít nhất là trong 6 - 7 năm qua, điều đó đã được dung nạp.

Tại Bắc Triều Tiên xuất hiện tầng lớp có vốn dư đáng kể. Tuy nhiên, đối với họ, cơ hội đầu tư lượng vốn này lại không quá nhiều. Hệ thống ngân hàng không được họ tin tưởng, mà cơ hội đầu tư khác thì khá hạn chế. Vì vậy, việc chính và cũng gần như là cách duy nhất để đầu tư là mua bất động sản.

Vì vậy, vấn đề tăng giá bất động sản trong những năm gần đây phản ánh hai quá trình liên quan với nhau - một mặt, đó là tình hình kinh tế chung có những cải thiện, và mặt khác - số lượng những người giàu ngày càng tăng lên. Những người này muốn đầu tư và cải thiện điều kiện sống.

Cũng như đối với các hình thức kinh tế tư nhân, thái độ của chính quyền trước vấn đề này là nhắm mắt làm ngơ. Ít nhất, người dân không gặp vấn đề gì nghiêm trọng trong việc đăng ký chính thức tài sản mua theo cách này. Những thay đổi như vậy có thể gây ra những tác động gì?

Thứ nhất, xuất hiện nhu cầu mua bất động sản dẫn đến sự gia tăng khối lượng xây dựng nhà ở - bởi vì người ta không chỉ mua căn hộ cũ mà còn thích mua căn hộ trong các tòa nhà mới. Sự hình thành thị trường bất động sản có ảnh hưởng đáng kể đến ý thức của người Bắc Triều Tiên: Nhà ở không còn được tiếp nhận như một cái gì đó miễn phí do nhà nước phân cho, bây giờ đó là thứ tài sản có giá trị, và đối với hầu hết người Bắc Triều Tiên, có lẽ đó là của cải duy nhất mà họ sở hữu.

Điều này không chỉ áp dụng cho các doanh nhân và các quan chức. Những người dân thường không quá thành thạo trong hoạt động thị trường, bây giờ cũng đã trở thành chủ sở hữu bất động sản đắt tiền theo tiêu chuẩn Bắc Triều Tiên, - chỉ đơn giản là nhà cửa của họ đột nhiên có giá trị thị trường. Nhiều khả năng, bất động sản vẫn giữ được giá trị của nó trong tương lai, kể cả khi có những thay đổi chính trị và xã hội xảy ra ở Bắc Triều Tiên.
Thúy Hà
(BizLIVE)