Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Thoát Trung là thoát cái gì và để làm gì?

Trần Kinh Nghị - Thoát Trung là thoát cái gì và để làm gì?

Không phải ngẫu nhiên, đúng vào thời gian TQ xâm lược bằng giàn khoan và tàu thuyền bắt đầu từ tháng 1/5 vừa qua người Việt trong nước cũng như  hải ngoại lại dấy lên phong trào "thoát Trung" (còn gọi là "thoát Trung luận"). Nhưng có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Người viết bài này xin mạn phép nêu lên ý kiến cá nhân để góp phần thảo luận. Đó là thoát Trung là thoát khỏi sự hiểu biết nhầm lẫn về nguồn cội của mình từ đó sinh ra tâm thế yếu hèn trước kẻ thù truyền kiếp. Cũng không nên đánh đồng phong trào thoát Trung với "bài Trung" hoặc "chống Trung". Dưới đây là một số cơ sở cho cách suy nghĩ đó. 

Người Việt cần thực sự biết mình từ đâu ra

Người Việt thường chê người TQ là dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, bành trướng, bá quyền..., nhưng có lẽ chính người Việt cũng không khác họ mấy, lại còn thua kém họ ở chỗ nhầm lẫn không biết mình là ai và từ đâu ra. Nói vậy chắc có người sẽ không đồng ý và dẩy nẩy lên: "Sao lại nói thế...?". Nhưng nếu bị hỏi dồn, họ sẽ trả lời: "VN từ TQ mà ra chứ đâu!" hoặc không thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng. Ít ai tin rằng một bộ phận đông đảo dân số TQ ngày nay có nguồn gốc từ Việt tộc (sử Tư Mã Thiên gọi là "Bách Việt") đã bị Hán tộc đồng hóa và ở lại trên lãnh thổ TQ đến ngày nay trong khi một bộ phận đồng bào của họ lui về phía Nam và trụ lại thành một quốc gia độc lập với tên gọi là Nam Việt rồi Việt Nam ngày nay.  

Nếu ta lục tìm trong đống sách giáo khoa môn sử của VN ngày nay đều chỉ thấy nói đại ý: Nhân dân ta rất anh hùng đã đánh bại các thế lực xâm lược phương Bắc và giữ nguyên bờ cõi như ngày nay; tuyệt nhiên không một lời giải thích tại sao các truyền thuyết Âu Cơ Lạc Long Quân và các Vua Hùng lại nói thời xa xưa đã đóng đô ở núi Ngũ Lĩnh, Hồ Động Đình, cũng không thấy giải nghĩa về lời ru "Công cha như núi Thái Sơn; Nghĩa mẹ như nước trong Nguồn chảy ra..." đều là những địa danh bên TQ. Sách giáo khoa cũng nói rằng kẻ thù âm mưu đồng hóa dân tộc ta bằng nhiều thủ đoạn thâm độc như đốt sách, triệt phá đền thờ, giết đàn ông, v.v..., nhưng lại không nói gì về nỗ lực và kết quả của ta nhằm phục hồi lại những giá trị của dân tộc đã bị mất, đặc biệt hai lĩnh vực tiêu biểu là chữ viết và các dấu tích khảo cổ. Tuyệt nhiên cũng không thấy một công trình nghiên cứu nào nhằm mục đích giải mã những khúc mắc hoặc sự đứt đoạn trong toàn bộ dòng chảy của lịch sử nước nhà từ cổ sử sang chính sử, đặc biệt thời kỳ tiền sử. 

Người đọc và học sử Việt ngày nay nhận thấy nhiều lỗ hổng hoặc mâu thuẫn và do đó không thỏa mãn với những gì được trình bày trong vài quyển sách được coi là "quốc sử" thực chất chủ yếu bao gồm nội dung chép lại từ sử sách của TQ. Nhưng đó là tất cả những gì mà người Việt ngày nay có thể dựa vào để viết lách hoặc để thi lấy bằng cấp chứng chỉ.  Hãy xem một trích đoạn dưới đây từ Wikipedia cho thấy tình trạng như vậy (*).

Có thể nói, các thế hệ người Việt nối tiếp nhau chờ đợi được giải thích về những điều mơ hồ đó, nhưng cuối cùng đều thất vọng và giờ đây bắt đầu sinh ra nghi ngờ. Điều này được thể hiện qua những câu đồng dao đầy mỉa mai chua chát như "Bốn nghìn năm ta vẫn là ta/ Vươn mình một cái rồi ta chui vào" hay  "Chung quy chỉ tại Vua Hùng/  Đẻ ra một lũ vừa khùng vừa điên" v.v... Phải nhắc lại những câu này chẳng hay ho gì, nhưng đó là sự thật không thể phớt lờ.  

Đổ hết tội lỗi cho chính sách đồng hóa thâm độc của Phương Bắc xem ra là cách thuận tiện nhất, nhưng cũng là cách ngu dân tệ hại nhất. Lẽ nào chữ viết của một dân tộc có bề dày lịch sử hàng ngàn năm lại có thể bị kẻ thù thâm độc xóa mất tăm mất dạng? Lẽ nào một dân tộc vẫn tự hào có gần 5.000 năm lịch sử mà giờ chỉ biết lờ mờ về 2.000 năm gần đây nhất? Và rất nhiều dấu hỏi như vậy đặt ra. Nhưng điều lạ lẫm hơn là,  90 triệu con dân nước Việt ngày hôm nay vẫn chịu ngồi đó bó tay với cách lý giải mơ hồ, nếu không thì chỉ biết bực bội tự trách cha ông mà thôi. 

Rõ ràng có nguyên nhân nào đó khiến người Việt lo ngại không dám hoặc không muốn nhắc lại "cội nguồn của mình từ phương Bắc" đồng thời cũng không nói đến quá trình Nam tiến sau này. Nếu vậy thì đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm cần phải giải tỏa ! Thực tiễn cho thấy hầu hết mọi quốc gia đều có thể thịnh hoặc suy trong quá trình đấu tranh sinh tồn, nhưng không ai có quyền căn cứ vào lịch sử quá khứ để đòi lại các vùng lãnh thổ vốn đã an bài. Song, bất cứ dân tộc nào cũng phải nhắc lại quá khứ để biết mình là ai mà tiếp tục phấn đấu để sinh tồn và phát triển. Đó là quy luật tất yếu của xã hội loài người mà thôi.

Do đó, điều hiển nhiên là, các thế hệ người VN ngày nay có trách nhiệm phải nghiên cứu làm rõ mọi góc khuất về cội nguồn dân tộc, không được phép tránh né sự thật lịch sử, đó là người Hán đã từng xâm lấn và đẩy lùi người Việt (tức Bách Việt) về phương Nam; và trong quá trình đấu tranh sinh tồn, người Việt đã "Nam tiến" và hình thành bờ cõi mới của quốc gia như ngày nay. Và trong suốt quá trình đó, vùng đất Bắc  bộ là một hậu cứ cuối cùng mà ông cha còn giữ lại được. Chỉ khi nào dám nhìn thẳng vào sự thật lịch sử này thì người Việt Nam ngày nay mới có thể khám phá những bí ẩn của lịch sử để từ đó vững tin và tự hào một cách chính đáng về dân tộc.
  
Để làm được điều đó trước hết cần có một cách tiếp cận hoàn toàn khách quan không bị chi phối bởi sự định hướng chính trị về nguồn cội dân tộc. Đó là ngoài những thông tin tìm thấy trong sử sách TQ, người VN cần chủ động khai thác mọi thông tin của thế giới nói về người Việt là chủ nhân ông của toàn bộ miền đất phía Nam sông Dương Tử, mà trong đó trống đồng và  nhiều giá trị nhân văn khác , có thể kể cả Kinh Dịch, là của người VN. Những thông tin loại này này đâu có hiếm, trái lại  đã và đang được nhắc đến khá rộng rãi bởi quốc tế  hoặc chính một số nhà nghiên cứu TQ chân chính. Mới đây một học giả TQ tên là Lê Oa Đằng đã viết: "Tộc người Bách Việt sinh sống ở vùng Quảng Đông và bán đảo Đông Dương đã sinh sống ven Nam Hải" và "Việt Nam là hậu duệ trực hệ của người Bách Việt, và cũng là quốc gia duy nhất được xây dựng bởi chủ thể là các hậu duệ của tộc người Bách Việt". Đã từ lâu chính người TQ đã dùng từ "nước Xích Qũy" để chỉ cương vực của lãnh thổ truyền thuyết của Kinh Dương Vương thời kỳ trước CN. Nước Nam Việt của Triệu Đà thế kỷ thứ hai trước công nguyên cũng nằm trong cương vực đó. Vậy cớ sao người Việt Nam ngày nay không dám  nhắc lại mà còn ngụy tạo rằng  Kinh Dương Vương có mộ phần ở Bắc Ninh, thậm chí  có người còn vẽ ra tấm bản đồ cho thấy nước Văn Lang chỉ nằm trọn trong vùng châu thổ sông Hồng (!?).

Thiết nghĩ ngày nay đã có khá đủ dữ liệu để nói rằng có một sự giao thoa về sắc tộc, văn hóa và các giá trị nhân văn từ lâu đời giữa Việt tộc và Hán tộc trong suốt quá trình lịch sử lâu đời trước và sau Công nguyên, trong đó người Việt đóng vai trò không thể chối cải làm nên nền văn minh Trung Hoa. Đó là những chỉ dấu góp phần tiến tới giải mã những khuất tất về nguồn cội dân tộc Việt Nam. Qua đó cho thấy sẽ là phiến diện nếu nghiên cứu về cội nguồn Việt tộc mà chỉ căn cứ vào những dấu tích tìm thấy nơi mình đang tồn tại mà không lội ngược dòng lên phía Bắc.  

Phục dựng chủ thuyết cùng các di sản của người Việt
Có nhiều dấu tích cho thấy trước khi bị người Hán đô hộ, người Việt đã từng có một triết lý và đạo lý riêng của mình - đó có thể là đạo thờ phụng tổ tiên. Sau khi bị người Hán áp đặt ách thống trị, người Việt đã từng bước bị ép buộc phải đón nhận Nho giáo và Khổng giáo nhưng đồng thời vẫn duy trì triết lý sống của riêng mình. Thời kỳ 100 năm đô hộ của người Pháp, giáo lý Thiên chúa cùng những tư tưởng mới lạ cũng đã xâm nhập và tác động ít nhiều đến đạo lý cổ xưa của người Việt. 

Sự thật này đã được thể hiện với các mức độ khác nhau qua các di sản văn hóa của các thời đại mặc dù do những lý do khách quan và chủ quan khác nhau không được ghi lại một cách trung thực và đầy đủ trong sử sách của VN. Hậu quả còn hằn rõ trong tâm thức của người Việt  sau  hàng ngàn năm vong bản dưới ách thống trị của ngoại bang. Một ví dụ là, trong sâu thẳm tâm thức của người VN, người TQ là tài giỏi hơn VN đến mức có thể "iểm bùa", "trấn long mạch" v.v... không cho dân tộc VN ngóc đầu lên (!). Ngày nay hễ có điều gì dù tốt xấu hoặc khó hiểu thì  nhiều người có xu hướng quy cho TQ. Tâm lý này là hoàn toàn vô lý nhưng vẫn tiếp tục kéo dài.  Đó là yếu tố vô hình hạn chế tính chủ động sáng tạo của người Việt từ đời này sang đời khác. 

Một ví dụ điển hình khác là, trong khi quốc tế cho rằng Kinh Dịch có thể không phải của người Hán (vì một số lý do: Kinh Dịch không thể phát huy trong tay người TQ, và biểu tượng Kinh Dịch được khắc trên Trống Đồng vốn đã được công nhận là của người Việt) nhưng người VN lại thờ ơ không tích cực đón nhận kết luận này của thế giới để chủ động tiến hành hành nghiên cứu một cách nghiêm túc và phát huy giá trị đáng có của Kinh Dịch. Điều tương tự cũng xảy ra đối với lĩnh vực chữ viết, gen di truyền và các kết quả khảo cổ mới tìm thấy khác. Phải chăng người Việt đã và đang tiếp tục đánh mất chủ thuyết của mình cùng với những di sản tri thức quý báu trong quá trình ngàn năm Bắc thuộc (?). 
    
Thoát Trung là thoát khỏi tâm thế yếu hèn để vượt TQ

Không nên nhầm lẫn giữa sự giận dữ, lòng căm giận với sự dũng cảm, anh hùng. Thực ra đó là hai khái niệm hoàn toàn không tương thích với nhau. Đằng sau sự căm giận bao giờ cũng ẩn nấp sự yếu hèn. Có lẽ đó chính là trạng thái tinh thần thường trực của người Việt trước người láng giềng phương Bắc trong suốt hàng ngàn năm nay. Nếu người VN đã đánh bại các thế lực xâm lược Phương Bắc thì cũng không phải vì VN mạnh hơn kẻ địch, mà vì bị dồn vào bước đường cùng phải đấu tranh sinh tồn mà thôi. Và điều này chỉ đủ để sinh tồn chứ chưa đủ để phát triển. Và do đó sự sinh tồn này luôn luôn bị đe dọa.
Có nhiều thứ triết lý về sức mạnh, nhưng có một triết lý khó bác bỏ, đó là "sức mạnh làm nên lẽ phải". Nó được diễn đạt trong tiếng Anh là "Might makes right!" nghe có vẻ rành rọt hơn thì phải ? Sức mạnh ở tầm quốc gia được hiểu theo nghĩa rộng không chỉ là sức mạnh của cơ bắp mà là sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực từ vật chất đến phi vật chất; từ cá thể đến tập thể; cả thể lực và trí lực, cả nội lực và ngoại lực.  Nếu áp dụng triết lý này vào hoàn cảnh cụ thể của VN ta thấy hoàn toàn đúng. Người VN đã chiến thắng hết kẻ thù xâm lược này đến kẻ thù xâm lược khác hoàn toàn không phải do sức mạnh cơ bắp mà nhờ sức mạnh tổng hợp của dân tộc và sự ủng hộ của quốc tế. Và người Việt cũng đã nhiều phen thất bại do nội bộ bất hòa không huy động được sức mạnh tổng hợp toàn dân và sự ủng hộ của thế giới. Đó cũng là lý do tại sao người VN thường có thể chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, nhưng hiếm khi chiến thắng chính bản thân mình để xây dựng đất nước hùng cường ấm no hạnh phúc một cách lâu bền.  Điều này đã được chứng minh qua các chu kỳ độc lập tự chủ tương đối ngắn so với các thời kỳ chiến tranh hoặc lệ thuộc ngoại bang kéo dài.  

Có nhiều cách giải thích khác nhau. Song có một sự thật, đó là sức mạnh của VN thường không được phát huy trong điều kiện hòa bình, và phải chờ đến khi có chiến tranh xâm lược từ bên ngoài để làm chất xúc tác và đoàn kết lại. Đây là một sự thật đầy nghịch lý. Chừng nào chưa đảo ngược được nghịch lý này Việt Nam không thể phát triển lớn mạnh, và càng không thể đủ mạnh để ngăn chặn âm mưu xâm lược của kẻ thù truyền kiếp. Điều này cũng có nghĩa, mọi nỗ lực thoát Trung đều vô nghĩa nếu không đặt mục tiêu rõ ràng dứt khoát là thoát Trung  là để tạo điều kiện phát triển và vượt Trung. Lý do thật đơn giản: Không ai có thể đảm bảo rằng VN có thể giữ vững độc lập chủ quyền nếu không phát triển hơn hoặc bằng TQ khi mà chỉ trong 1/2 thế kỷ qua biên giới phía Bắc đã bị gặm nhấm và biển đảo bị xâm chiếm và vây hãm một cách trắng trợn như vậy! 

Một trong các điều kiện chủ chốt để vượt Trung có thể thấy từ kinh nghiệm của hầu hết các các quốc gia và vùng lãnh thổ đã có thể phát triển vượt TQ đều diễn ra trong điều kiện và các thời kỳ không có quan hệ thân thiện với TQ như Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia. Chỉ sau khi họ đã phát triển cao hơn TQ họ mới mới chủ động mở lại quan hệ nhưng vẫn giữ khoảng cách nhất định. Thiết nghĩ đây là một bài học mà dù muốn hay không VN cũng phải tính đến./.
Trần Kinh Nghị
(Blog Bách Việt)

(*)Truyền thuyết khởi đầu[sửa | sửa mã nguồn]
Theo bộ sử ký Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) - phần ngoại kỷ do sử gia Ngô Sĩ Liên viết ở thế kỷ 15 chép rằng: Đế Minh sinh ra Lộc Tục, Lộc Tục sinh ra Lạc Long Quân. Kế tiếp Lạc Long Quân và vợ là Âu Cơ sinh được 100 người con trai, 50 người theo mẹ lên núi cùng suy tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Bạch Hạc - Phú Thọ
Nước Văn Lang được hình thành vào khoảng năm 2879 TCN và kết thúc vào năm 258 TCN bởi An Dương Vương Thục Phán. Từ đây hình thành quan niệm dân gian coi nước Văn Lang đời Hùng Vương ra đời cách ngày nay khoảng hơn 4000 năm và thường được sách báo nói tới 4000 năm văn hiến
Tuy nhiên theo bộ sử ký xuất hiện còn sớm hơn bộ ĐVSKTT là bộ Đại Việt sử lược vàothế kỷ 13 thì chép nước Văn Lang được thành lập bởi thủ lĩnh bộ tộc Văn Lang thu phục các bộ tộc Việt (15 bộ) khác vào khoảng thế kỷ 7 TCN cùng thời với vua Chu Trang Vương của nhà Chu - Trung Quốc. Ông lên ngôi xưng hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô tại Văn Lang [1]. Về sau các sử gia nước ta bị ảnh hưởng của các sử gia Trung Quốc nên gọi kinh đô thời Văn Lang là Phong Châu [2]

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN DIỄN ĐÀN

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét