Giám mục Nguyễn Thái Hợp không thể từ bỏ chính linh hồn của mình để bênh vực điều xằng bậy.
Giám mục Giáo phận Vinh tố cáo truyền thông nhà nước bóp méo sự thật
Giám mục Giáo phận Vinh, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp (Ảnh: Thanhnienconggiao)
09.09.2013
Giám mục Giáo phận Vinh, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, nói những cáo
buộc của chính quyền về vụ bạo động ở giáo xứ Mỹ Yên hôm 4/9 trước trụ
sở Ủy ban Nhân dân xã Nghi Phương (Nghệ An) là ‘sai lệch và phản sự thật
một cách trắng trợn’.
Đài truyền hình nhà nước VTV ngày 8/9 nói vụ bạo động khiến một số công
an và hàng chục giáo dân bị thương trong đó có ít nhất 4 người bị thương
nặng là ‘đỉnh điểm nối tiếp những hành động gây rối vi phạm pháp luật
của giáo dân giáo xứ Mỹ Yên’.
Trong thế giới hôm nay mà họ vẫn tiếp tục thông tin kiểu như vậy thì đó
là nỗi buồn, buồn cho những người chỉ dùng bạo lực để nói, dùng dối trá
để thanh minh như vậy. Chúng tôi vẫn tiếp tục đưa lên những bằng chứng
sự thật...
VTV loan tin ngày 4/9 có khoảng 30 giáo dân chủ yếu là phụ nữ mang hung
khí kéo vào trụ sở chính quyền xã Nghi Phương đòi thả 2 giáo dân bị giam
giữ trước đó là Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải. Vẫn theo VTV, sau khi
nhà thờ giáo họ Trại Gáo rung chuông báo động, hàng trăm giáo dân kéo
đến địa điểm này và tấn công lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp phản bác:
“Tôi rất buồn là một cơ quan truyền thông của nhà nước mà lại đưa
thông tin một cách sai lệch và phản sự thật một cách trắng trợn. Những
hình ảnh vẫn còn lại đó. Người dân đến để xin nhà nước giữ cam kết đã ký
là trước 16 giờ ngày 4/9 thả người thân của họ. Nhưng khi đến đấy, họ
chứng kiến nhà nước đã dàn binh bố trận sẵn với 6-7 trăm cảnh sát cơ
động, dân quân trang bị đầy đủ với cả lựu đạn cay và chó nghiệp vụ để
‘đón chờ’ nhân dân ở đấy. Trong thế giới hôm nay mà họ vẫn tiếp tục
thông tin kiểu như vậy thì đó là nỗi buồn, buồn cho những người chỉ dùng
bạo lực để nói, dùng dối trá để thanh minh như vậy. Chúng tôi vẫn tiếp
tục đưa lên những bằng chứng sự thật.”
Về hình ảnh truyền thông nhà nước trưng ra cáo buộc các giáo dân ném đá
vào lực lượng công quyền, vị chức sắc đảm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban
Công lý và hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phản hồi:
“Những người hiện diện hôm đó ngạc nhiên khi thấy một số thanh niên
lạ mặt trà trộn vào trong đám dân chúng và ném đá về phía cảnh sát để
gây xáo trộn. Tôi rất tiếc người dân bị đặt vào tình thế bị lừa, bị
những người có quyền lừa. Họ tạo ra cảnh đó để nói sai trái. Những hình
ảnh một số cơ quan truyền thông đã đăng lên có rất nhiều điều dàn cảnh
trong đó.”
Vấn đề ở đây là đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân phẩm, nhân quyền của
người dân. Người dân đến để yêu cầu nhà nước thực hiện lời hứa. Những
phụ nữ, những người thân của 2 người bị bắt giữ đến với 2 bàn tay trắng
mà tại sao một nhà nước pháp quyền lại hành động như vậy?
Đài truyền hình của nhà nước Việt Nam nói vụ việc ở Mỹ Yên bị các phần
tử xấu trong và ngoài nước cố tình bóp méo thành một vụ trấn áp tôn giáo
nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Giám mục Giáo phận Vinh khẳng định vụ việc ở giáo xứ Mỹ Yên là một vụ
đàn áp tôn giáo và mạnh mẽ lên án hành xử bạo lực đẫm máu của cơ quan
công quyền, đồng thời tuyên bố sẽ bảo vệ người dân:
“Vấn đề ở đây là đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân phẩm, nhân quyền của
người dân. Người dân đến để yêu cầu nhà nước thực hiện lời hứa. Những
phụ nữ, những người thân của hai người bị bắt giữ đến với 2 bàn tay
trắng mà tại sao một nhà nước pháp quyền lại hành động như vậy? Chúng
tôi sẽ tiếp tục đứng về phía người dân. Chúng tôi là lãnh đạo của một
tôn giáo, không bao giờ chủ trương bạo lực. Chúng tôi chủ trương đối
thoại. Nhưng qua các sự kiện đã xảy ra, đối thoại gặp trắc trở, nhà cầm
quyền đã cắt đứt sự đối thoại đó. Họ đã dùng bạo lực để đàn áp dân
chúng. Chúng tôi không phải là một đảng phái. Chúng tôi vẫn cương quyết
làm sao để quyền lợi và nhân phẩm người dân được bảo vệ và tôn trọng.”
(
VOA)
Nguyễn Minh Cần - Chuyện dài ra Đảng và đa đảng (Bài 3)
Luật gia Lê Hiếu Đằng và nhà báo Hồ Ngọc Nhuận đặt nhiều hy vọng vào các
đảng viên cộng sản đã tỉnh thức. Hai ông kêu gọi họ hãy “tuyên bố tập thể ra khỏi Ðảng và thành lập một Ðảng mới”.
Như vậy là hai ông đánh giá cao vai trò của những người cộng sản cấp
tiến. Điều đó là đúng. Về vấn đề này gần mười năm trước, chúng tôi đã có
dịp trình bày nhiều lần khi nói đến cuộc cách mạng dân chủ ở Nga qua
những thành tựu và thất bại của nó.
NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN CẤP TIẾN
Trong cuộc cách mạng dân chủ nước Nga hồi cuối thập niên 80 đầu thập
niên 90, những người cộng sản cấp tiến đã đóng một vai trò đáng kể. Đặc
biệt phải kể đến một người trong Bộ Chính trị ĐCSLX là Nikolai Yakovliev
(1923-2005). Từ một đảng viên CS ông đã trở thành nhà dân chủ kiên định
suốt đời. Người ta coi ông là “kiến trúc sư của perestroika”.
Chính ông đã thuyết phục Tổng bí thư ĐCSLX Mikhail Gorbachev (1931-)
thực hiện perestroika, glasnost, nới rộng quyền tự do cho người dân,
thay đổi đường lối đối ngoại để làm dịu bớt căng thẳng trong quan hệ
quốc tế...
Từ khi Liên Xô thực hiện perestroika, glasnost, phong trào dân chủ ở
Nga, nhiều nước ở Đông Âu và trong Liên bang Xô Viết ngày càng mở rộng
và dâng cao. Trước đó, phong trào các dissident (những người bất đồng
chính kiến với ĐCS) ở Liên Xô hầu như bị đánh bẹp hồi năm 1983 thì đến
cuối năm 1986 do Liên Xô thực hiện perestroika, phong trào đó lại hồi
sinh dưới các khẩu hiệu tự do dân chủ, từ sau khi Viện sĩ Andrei
Sakharov (1921-1989) bị giam giữ gần 7 năm và 140 tù nhân chính trị được
trả tự do. Viện sĩ A.Sakharov cùng các dissident liền dẫn đầu phong
trào dân chủ ở Nga. Chính phong trào dân chủ đó đã dội mạnh vào tâm tư
những người CS, thúc đẩy sự tỉnh thức của nhiều cán bộ và đảng viên CS,
kể cả những người ở cấp cao, như Eduard Shevarnadze (1931-), ủy viên Bộ
Chính trị ĐCSLX, Bộ trưởng Ngoại giao LX, Boris Yeltsin (1931-2007), ủy
viên dự khuyết Bộ Chính trị ĐCSLX. B.Yeltsin về sau là Tổng thống Liên
bang Nga. Những người tiên tiến nhất trong phong trào dân chủ, như
A.Sakharov, B.Yeltsin, G.Popov, Yu. Afanasiev, A.Sobchak, G.Starovoitova
(bà bị ám sát năm 1998), I.Zaslavski, Yu.Chernenko... kêu gọi bỏ Điều 61
trong Hiến pháp, xóa bỏ độc quyền quyền lực của ĐCSLX, thực hiện kinh
tế thị trường, ban hành các quyền tự do dân chủ, mở rộng quyền tự lập
cho các nước cộng hòa. Những chủ trương này cũng được nhiều đảng viên CS
cấp tiến hưởng ứng. Cuộc đấu tranh nghị trường của “Nhóm Dân biểu Liên khu”2
hiệp đồng với cuộc đấu tranh quần chúng ngoài đường phố đã đưa đến
những thắng lợi rất ngoạn mục: ngày 15.03.1990, Đại hội Dân biểu lần thứ
III của Liên Xô đã xóa bỏ điều 6 Hiến pháp; ngày 09.10.1990, Đại hội
Dân biểu Liên Xô thông qua luật “Về các tổ chức xã hội” cho phép
các đảng chính trị được đăng ký; ngày 12.06.1990, thông qua luật của
Liên Xô bảo đảm quyền tự do cho các phương tiện thông tin đại chúng và
cấm chỉ kiểm duyệt, v.v... Trong các quyết định quan trọng đó, nhiều dân
biểu đảng viên CS cũng nhiệt liệt hưởng ứng các đòi hỏi của các dân
biểu dân chủ và bỏ phiếu tán thành.
Những điều đó nói lên rằng khi có một phong trào dân chủ mạnh thì mới
phá được sức ỳ do nỗi sợ truyền kiếp của nhiều đảng viên CS, mới có thể “cấp tiến hóa”
tư duy và nhận thức của đảng viên CS, của quân đội, công an, của bộ máy
nhà nước... để họ cùng đứng chung trong mặt trận chống chế độ độc tài
toàn trị. Điều này rất dễ thấy: cuối những năm 80, khi phong trào dân
chủ lên mạnh, đến năm 1990 – nghĩa là khoảng bốn năm sau – số lượng đảng
viên của ĐCSLX từ 20 triệu người đã tụt xuống còn 15 triệu. Những đảng
viên CS cấp tiến, khi đã có nhận thức triệt để, thường đóng vai trò quan
trọng trong việc phá tan hệ thống độc tài từ trong lòng chế độ đó. Xin
dẫn vài ví dụ: khi nhóm ủy viên bảo thủ nhất trong Bộ Chính trị ĐCSLX
dấy lên cuộc phiến loạn hồi tháng 08.1991, đưa hàng đoàn xe tăng vào thủ
đô Moskva, thì đã có một đội xe tăng tiến thẳng đến trước trụ sở Tổng
thống Nga (Nhà Trắng), trương cờ nước Nga Dân chủ lên, quay súng bảo vệ
nền dân chủ Nga; còn đêm 22 rạng ngày 23.08, khi đội quân đặc nhiệm
Alpha rất tinh nhuệ được lệnh của người đứng đầu KGB nhảy dù xuống Nhà
Trắng để tiêu diệt cơ quan đầu não của nước Nga Dân chủ thì đội Alpha đã
không chịu thi hành.
Vì thể những người dân chủ cần có thái độ trân trọng đối với các đảng viên cấp tiến và quý trọng sự đóng góp của họ.
Nhưng đồng thời những người dân chủ cũng cần thấy nhược điểm của các
đảng viên CS cấp tiến. Vì đã ở trong ĐCS lâu năm, đã quen với địa vị cai
trị và phong cách độc đoán, đã hưởng thụ nhiều đặc quyền đặc lợi của
Đảng ban cho, nên thường họ không thể trong một ngày mà xóa bỏ được lối
tư duy, nếp nghĩ, quan niệm, cung cách, thói quen CS cũ được. Tàn dư của
những thứ đó trong thời điểm nhất định nào đó có thể rất có hại cho sự
nghiệp dân chủ.
Chúng tôi xin trình bày rất sơ lược về một con người cụ thể mà chúng tôi
đã quan sát trong nhiều năm. Người đó là ông Boris Yeltsin. Ông đã đóng
vai trò rất lớn, có tính quyết định trong thắng lợi và, đáng tiếc là cả
trong thất bại của cuộc cách mạng dân chủ ở Nga.
SAI MỘT LI, ĐI MỘT... NGÀN DẶM
Năm 1986, B.Yeltsin được Đại hội ĐCSLX bầu làm ủy viên dự khuyết Bộ
Chính trị. Ông ủng hộ perestroika, glasnost rất nhiệt tình và chân
thành. Về mặt tư duy, ông nhận thức đúng đắn rằng: không thể sửa chữa
ĐCSLX được, mà phải thay thế đảng đó bằng một đảng khác tiến bộ hơn, mới
có hy vọng dân chủ hóa xã hội được. Như thế chứng tỏ là ông đã có nhận
thức triệt để. Ông thường đối nghịch với Tổng bí thư M.Gorbachev, vì cho
rằng ông này làm perestroika chậm chạp và vẫn cố sức duy trì địa vị độc
tôn của ĐCS, nên trong chủ trương, chính sách có tính nửa vời, không
triệt để. Sự mâu thuẫn giữa hai ông còn có thể do va chạm cá nhân nữa.
Một thời, B.Yeltsin có uy tín rất cao trong dân Nga: trong cuộc bầu cử
dân biểu Liên Xô ngày 26.03.1989, ở một khu vực bầu cử Moskva, nơi ông
ra ứng cử, ông đã thu được 91,52% phiếu bầu trong số 90% cử tri đi bỏ
phiếu. Tháng 07.1991, cùng với E.Shevarnadze, B.Yeltsin đã thành lập một
tổ chức để cạnh tranh với ĐCSLX tên là “Phong Trào Cải Cách Dân Chủ”
(DDP). Vì thế, ngày 16.08.1991, ông bị khai trừ ra khỏi ĐCSLX, mà thực
ra trước đấy, ngày 12.07.1990, tại Đại hội XXVIII, đại hội cuối cùng của
ĐCSLX, ông đã công khai tuyên bố ra khỏi đảng rồi! Còn khi nhóm ủy viên
bảo thủ nhất trong Bộ Chính trị ĐCSLX dấy lên cuộc phiến loạn ngày
19.08.1991, trên cương vị Tổng thống nước Nga Xô-Viết3, ông
tích cực lãnh đạo cuộc đấu tranh đánh bại bọn cầm đầu cuộc phiến loạn,
sau đó hạ bệ luôn ĐCSLX. Nói tóm lại, cho đến thời điểm đó, B.Yeltsin
xứng đáng là một trong những người đứng đầu phong trào dân chủ đã đưa
nước Nga đến thắng lợi lớn làm chế độ độc tài toàn trị đã rệu rã của
Liên Xô phải sụp đổ, làm lung lay và tan rã cả “hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới”.
Nhưng, thật đáng tiếc là ngay sau khi giữ cương vị Tổng thống nước Nga xô-viết3
thì B.Yeltsin đã phạm nhiều sai lầm. Một trong những sai lầm đó là ông
đã không nghe theo đề nghị của nhiều người dân chủ: nhân đà thắng lợi
của phong trào, cần phải giải tán ngay Xô Viết Tối Cao (cơ quan lập
pháp) của nước Nga Xô Viết. Đang lúc cao trào mạnh mẽ, lòng dân đang
phấn khởi sẵn sàng ủng hộ phe dân chủ, khi uy tín của ĐCS hầu như không
còn gì, làm việc đó thì rất thuận lợi vì chắc chắn sẽ được sự đồng tình
của đại chúng và ngay cả của nhiều dân biểu trong Xô Viết Tối Cao nữa.
Cần phải làm việc này, vì Xô Viết Tối Cao hồi đó do “ĐCS cử dân bầu”,
các đảng viên CS chiếm đến trên 97% số ghế, hoàn toàn không đại biểu
cho ý chí của nhân dân. Phải giải tán Xô Viết Tối Cao đi để bầu một cơ
quan dân cử mới theo luật bầu cử mới thật sự dân chủ để cơ quan này xứng
đáng là “của dân, do dân, vì dân”. Thế mà Yeltsin chần chừ, e
ngại, cuối cùng ông để yên cho cái Xô Viết Tối Cao đó tồn tại, để nó cứ
nghiễm nhiên đóng vai trò cơ quan lập pháp tối cao! Cũng như đề nghị của
những người dân chủ là cần thanh lọc bộ máy nhà nước, trước nhất là các
cơ quan an ninh, thì ông có làm nhưng không triệt để.
Chính vì thế, về sau cơ quan nhà nước, phần lớn do các đảng viên CS đứng
đầu, thường phá hoại ngầm (sabotage) các chính sách của Chính phủ dân
chủ, còn Xô Viết Tối Cao thì dần dần trở thành một trở lực lớn: Với tư
cách cơ quan lập pháp tối cao, Xô Viết cản trở mọi sáng kiến của Tổng
thống và cơ quan hành pháp.
Sai lầm này, cũng như nhiều sai lầm khác mà chúng tôi không thể nói hết
được, là nguyên nhân làm cho nhiều nhà dân chủ tích cực nhất xa lánh
Yeltsin, trước tiên là Viện sĩ A.Sakharov4, Yu. Afanasiev, G. Popov, A.Sobchak, v.v...
Hậu quả lớn nhất của những sai lầm đó là nhiều chính sách của Chính phủ
dân chủ đã bị cản trở, không được thực hiện. Đặc biệt nguy hiểm là đến
cuối năm 1992, xung đột giữa Tổng thống B.Yeltsin và Xô Viết Tối Cao đã
lên đến cực điểm. Xô Viết Tối Cao đặt vấn đề phế truất Tổng thống, tạo
ra cuộc khủng hoảng chính trị lớn trong nước. Tổng thống B.Yeltsin ngày
20.03.1993 lên đài truyền hình tuyên bố với dân chúng là ông đã ký sắc
lệnh về thi hành “chế độ điều hành đặc biệt”. Ngày hôm sau, Xô
Viết Tối Cao kiện lên Tòa án Hiến Pháp cho rằng sắc lệnh đó vi phạm
những nguyên tắc cơ bản về Hiến Pháp của Nhà nước Nga. Ngay tối hôm đó,
Tòa án Hiến Pháp, dù chưa có sắc lệnh ấy trong tay, đã tuyên bố hành vi
đó của Tổng thống là vi hiến và đặt vấn đề huyền chức Tổng thống. Tuy
nhiên, vài ngày sau mới vỡ lẽ rằng sắc lệnh đã ký thật ra không có gì vi
hiến. Cứ thế trận quyết đấu giữa hai bên ngày càng leo thang lên đến
điểm đỉnh. Ngày 21.09.1993, Tổng thống tuyên bố ký sắc lệnh số 1400 chấm
dứt hoạt động của Hội đồng Tối cao và Đại hội Dân biểu (cơ quan lập
pháp), đồng thời quyết định ngày 11-12 tháng 12.1993 bầu cơ quan dân cử
mới, có tên là Nghị hội liên bang của Liên bang Nga. Tòa án Hiến Pháp
liền phát hiện sắc lệnh đó có những điểm vi hiến và cho rằng có cơ sở để
phế truất Tổng thống. Ngày 23.09, Đại hội Dân biểu đưa vấn đề phế truất
Tổng thống ra biểu quyết, nhưng không đủ số đại biểu có mặt hợp lệ. Tuy
nhiên, Đại hội Dân biểu cũng cứ ra nghị quyết phế truất Tổng thống.
Trận quyết đấu pháp lý giữa hai bên – Tổng thống và cơ quan lập pháp –
cuối cùng trở thành trận quyết đấu vũ trang! Các lực lượng bảo vệ của
Tổng thống và của các dân biểu đối lập đã xung đột nhau. Các lực lượng
vũ trang của các dân biểu đối lập đánh chiếm một phần tòa nhà thị chính
Moskva và tiến đánh tòa nhà của Trung tâm truyền hình Ostankino. Hai bên
giao chiến rất ác liệt. Boris Yeltsin tuyên bố tình trạng đặc biệt. Sau
khi bàn bạc với người đứng đầu Chính phủ là Victor Chernomyrdin và Bộ
trưởng Quốc phòng Pavel Grachev, Tổng thống Yeltsin ra lệnh tấn công tòa
Nhà Xô Viết (còn gọi là Nhà Trắng), lúc đó là trụ sở của cơ quan lập
pháp, đã trở thành “bản doanh bộ tham mưu” của các dân biểu đối
lập. Trận tấn công này làm 123 người tử vong, 384 người bị thương. Sau
khi giải tán Xô Viết Tối Cao, Tổng thống tập trung quyền lực vào tay
mình. Hành động này của Yeltsin gây chấn động trong dân chúng Nga. Đây
là những đòn giáng mạnh nhất vào uy tín của nền dân chủ non trẻ của nước
Nga. Từ đó, do việc này và do những khó khăn về kinh tế-xã hội mà uy
tín của Yeltsin ngày càng sa sút nặng nề. Đúng là “sai một li, đi một... ngàn dặm”!
Chúng tôi suy nghĩ nhiều về nguyên nhân của sai lầm nghiêm trọng này của
B.Yeltsin. Theo thiển ý của chúng tôi, vì Yeltsin vốn là một người CS ở
cấp lãnh đạo tối cao, ông có nhiều quan hệ bạn bè, thân thiết với các
đồng chí cũ hiện đang ở trong Xô Viết Tối Cao và các cơ quan nhà nước,
mà hồi đó – khi cách mạng dân chủ vừa thắng lợi – những người này thường
ủng hộ ông, nên ông “không nỡ” có những quyết định quyết liệt,
ông tưởng rằng cả về sau này họ cũng sẽ ủng hộ ông như trước. Thực ra,
khi nước Nga gặp nhiều khó khăn về kinh tế và xã hội thì nhiều người CS
cấp tiến đã quay lưng lại với ông, nhiều người rời bỏ hàng ngủ dân chủ.
Cũng không ít người CS cũ, khi cách mạng dân chủ vừa thắng lợi, họ mang
danh nghĩa dân chủ ra ứng cử vào cơ quan dân cử địa phương, nhưng khi
đắc cử rồi, họ quay lưng lại với dân chủ mà ủng hộ phe CS.
Một sai lầm rất nghiêm trọng nữa của ông B.Yeltsin, là trong nhiệm kỳ
Tổng thống thứ ba, khi sức khỏe của ông sa sút nặng, khi các đảng đối
lập trong Duma Quốc gia (cơ quan lập pháp) mưu toan phế truất Tổng thống
mà không thành (tháng 05.1999), thì đến tháng 08.1999 ông đã chọn
Vladimir Putin, cựu trung tá KGB, một nhân vật hồi đó ít ai biết đến,
đứng đầu Chính phủ và tuyên bố V. Putin sẽ là người kế nhiệm ông. Ngày
31.12.1999, B. Yeltsin từ nhiệm chức vụ Tổng thống, Chủ tịch Chính phủ
là V. Putin được trao trách nhiệm quyền Tổng thống. Sự lựa chọn này của
B. Yeltsin để lại hậu quả nặng nề cho nước Nga mãi đến tận ngày hôm nay.
V. Putin qua mấy nhiệm kỳ Tổng thống đã sửa đổi Hiến pháp, thay đổi
luật pháp, ra luật mới, xóa bỏ những thành quả dân chủ, biến chế độ dân
chủ non trẻ, chưa hoàn thiện của nước Nga thành chế độ độc tài toàn trị,
không phải là của CS như xưa, mà là của giới mật vụ và quan liêu. Thế
là cuộc cách mạng dân chủ Nga đã thất bại!
Ông B.Yeltsin còn có nhiều sai lầm khác nữa, nhưng chúng tôi chỉ trình
bày một vài điểm đó thôi cũng đủ minh chứng cho kinh nghiệm thất bại của
phong trào dân chủ Nga.
KHÔNG THỂ CẦU XIN
Một chân lý đúng muôn đời: Không ai cho ta tự do và dân chủ cả, mà phải
đấu tranh mới giành được. Nhưng, trong thực tiễn không phải lúc nào
người ta cũng nghĩ và làm như thế.
Có hai khuynh hướng có hại cho phong trào dân chủ là manh động phiêu lưu
và thỏa hiệp với đảng cầm quyền. Trong tình hình hiện nay, khuynh hướng
manh động phiêu lưu ít có điều kiện bộc lộ ra, còn khuynh hướng thỏa
hiệp với đảng cầm quyền thì thường thấy hơn. Chẳng hạn, khi vận động cho
một “tuyên ngôn” để khẩn cầu lãnh đạo của ĐCS ban bố tự do dân
chủ cho người dân, chuyển đổi hệ thống chính trị độc đảng sang hệ thống
chính trị đa đảng, mà một số người không dám nói một lời nào về ĐCS đã
dựng nên chế độ độc tài toàn trị ở nước ta, không dám nói một lời nào về
thực chất chế độ độc tài toàn trị của ĐCS, không dám nói một lời nào về
trách nhiệm của ĐCS đã gây ra biết bao khổ nạn cho người dân. Trong lúc
đó lại buộc trách nhiệm ấy cho mọi người Việt Nam, cho những người trí
thức, nhân sĩ...! Mà thực ra ai cũng biết rõ là cách đây không lâu, Tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ủy viên Bộ chính trị đã nhiều lần thẳng
thừng bác bỏ mọi kiến nghị rất xây dựng, rất đáng trân trọng của các tổ
chức dân chủ, các hàng giáo phẩm cao cấp của các tôn giáo, của “Nhóm 72” nhà trí thức, nhân sĩ... mà còn cao ngạo, hàm hồ buộc "tội" họ là "suy thoái tư tưởng".
Nhiều người cho rằng không thể nào thỏa hiệp với đảng cầm quyền được,
những người dân chủ chỉ có một con đường đi đến thắng lợi là một mặt, ra
sức mở rộng xã hội dân sự, mặt khác, vận động dân ta đấu tranh bất bạo
động bằng mọi hình thức khác nhau để tạo nội lực mạnh có khả năng thay
đổi chế độ toàn trị. Phong trào dân chủ phải dựa vào sức mạnh kỳ diệu
của quần chúng và của xã hội dân sự thì mới áp lực được lên tập đoàn cầm
quyền buộc họ phải chuyển hoá hay đổi thay chế độ toàn trị. Nếu họ
ngoan cố thì sức mạnh của đại chúng sẽ biến thành trận sóng thần cuốn
hết tập đoàn cầm quyền và chế độ độc tài ra Biển Đông.
Mọi ý đồ thỏa hiệp với ĐCS đều rất nguy hại cho cuộc đấu tranh chung!
Nhất là trong tình hình hiện nay: khi ĐCS đang lâm vào cuộc khủng hoảng
trầm trọng về mọi mặt và Đất nước ta đang ngập sâu vào cuộc tổng khủng
hoảng nặng nề hầu như không lối thoát; khi quan thầy của tập đoàn cầm
quyền nước ta là Trung Cộng cũng đang lúng túng trong khó khăn, nguy cơ
bùng nổ xã hội ở đấy đang tới gần; và khi xu hướng chung toàn cầu là xóa
bỏ độc tài toàn trị, xây dựng chế độ dân chủ, tự do, tôn trọng nhân
quyền.
LÒNG TIN QUYẾT THẮNG
Hồi năm 1998, chúng tôi có viết bài
"Cần một sức mạnh tổng hợp"5 nói đến sự cần thiết phối hợp đấu tranh nhắm vào năm hướng chính để tạo nên nội lực mạnh cho phong trào dân chủ chung. Những
"hướng chủ công" đó là:
1/ đấu tranh cho quyền lợi hằng ngày và thiết thân của dân chúng, như phong trào
"dân oan" chống lại cưỡng chiếm đất đai, đòi quyền tư hữu đất đai, công nhân đòi tăng lương, bảo vệ quyền lao động, v.v...
2/ đấu tranh cho tự do dân chủ, như đấu tranh đòi tự do ngôn luận, đòi quyền con người, v.v...
3/ đấu tranh yêu nước, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải,
chống bá quyền Trung Cộng, chống bọn "cõng rắn cắn gà nhà", v.v...
4/ các đảng viên tiến bộ, cấp tiến đấu tranh đòi lãnh đạo dân chủ hóa nội bộ, dân chủ hóa xã hội, v.v...
5/ cộng đồng người Việt hải ngoại ủng hộ, chi viện cho cuộc đấu
tranh ở trong nước, vận động quốc tế tạo áp lực lên kẻ cầm quyền ở Việt
Nam, v.v...
Chúng ta rất vui mừng nhận thấy rằng, cho đến nay, những cuộc đấu tranh
trên các hướng đó đã được mở rộng và đi vào chiều sâu. Ngày nay, phong
trào dân chủ nước ta tận dụng được thế mạnh của internet, của các mạng
xã hội rộng lớn trong và ngoài nước, nhờ đó khí thế của phong trào tăng
lên rõ rệt.
Phong trào đấu tranh của
"dân oan" tiếp diễn không ngừng, ngày
càng quyết liệt vì chính quyền cưỡng chế chiếm đoạt đất đai ngày càng
nhiều. Vài năm gần đây đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh lớn của
"dân oan"
có tiếng vang mạnh trong xã hội, như vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng thành
phố Hải Phòng, vụ Văn Giang tỉnh Hưng Yên, vụ Giáo xứ Cồn Dầu tỉnh
Quảng Nam, vụ Vụ Bản tỉnh Nam Định, v.v... Những
"cuộc chiến giữ đất" ngày càng xảy ra ở nhiều nơi. Qua các cuộc đấu tranh này ý thức chính trị của người dân lên cao, nhiều người
"dân oan"
đã đã trở thành chiến sĩ dân chủ. Các cuộc đình công của người lao động
diễn ra khắp nơi trong nước. Người lao động ngày càng thấy rõ ĐCS và
công đoàn
"nhà nước" không bênh vực họ mà «ăn cánh» với giới chủ nước ngoài.
Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền ngày càng thu hút đông
đảo quần chúng, nhất là giới trẻ; đã xuất hiện nhiều hình thức đấu tranh
mới, như picnic nhân quyền, việc tiếp xúc, trao kiến nghị về nhân quyền
cho các cơ quan ngoại giao nước ngoài, v.v... Những tờ báo dân chủ tiếp
tục xuất bản âm thầm trong nước, như bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận, tờ
Tổ Quốc...; các trang Web nổi tiếng, như bôxitvietnam, danlambaovn,
danchimviet, danluan, x-cafevn, diendantheky, doithoaionline... và hàng
trăm trang blog đã đem đến cho người đọc nhiều thông tin, nhiều hiểu
biết mới lạ...; các tác phẩm
Hồi Ký Của Một Thằng Hèn của Tô Hải,
Ngày Long Trời Đêm Lở Đất của Trần Thế Nhân,
Bên Thắng Cuộc của nhà báo Huy Đức... được xuất bản ở hải ngoại rồi phổ biến rộng trong nước;
Vài Lời Với TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng của Nguyễn Đắc Kiên... đều là những bước tiến ngoạn mục của tự do ngôn luận, phá vỡ tấm màn bưng bít của chế độ toàn trị.
Cuộc đấu tranh yêu nước, bảo vệ chủ quyền của Tổ Quốc bùng phát có sức
lôi cuốn mạnh mẽ, mọi người đều đã biết, thiết tưởng không phải nói dài.
Còn cuộc đấu tranh của các đảng viên cấp tiến thì đáng ghi nhớ nhất là
việc các nhân sĩ, trí thức và nhiều đảng viên CS trong
"Nhóm 72"
góp ý xây dựng Hiến pháp và đề nghị một bản Hiến pháp mới 2013 soạn thảo
rất công phu theo tinh thần dân chủ đa đảng, sự kiện đảng viên lẻ tẻ ra
Đảng và mới đây hai đảng viên kỳ cựu của ĐCSVN là Luật gia Lê Hiếu Đằng
và nhà báo Hồ Ngọc Nhuận kêu gọi các đảng viên tập thể bỏ đảng và lập
Đảng Xã Hội-Dân Chủ.
Về hoạt động của người Việt ở hải ngoại thì chúng tôi đánh giá cao những
hoạt động rất kiên trì và có hiệu quả của các nhà trí thức, nghệ sĩ,
nhà văn, giáo sư, luật sư, nhạc sĩ, doanh nhân, và các giới đồng bào ở
Hoa Kỳ, Canada, ở châu Âu, châu Úc, trong việc thầm lặng và khéo léo vận
động quốc tế, các tổ chức đấu tranh cho quyền con người, như
Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, các phong trào sôi nổi, như
"Triệu con tim, một tiếng nói", sự cố gắng của các Nhà xuất bản hải ngoại luôn luôn trợ lực cho các nhà văn, nhà báo, các tiếng nói đối lập trong nước, như
Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông, Tủ Sách Tiếng Quê Hương,
v.v..., các Đài phát thanh, cũng như nhiều tổ chức vô danh khác của các
nhà văn, nhà báo... âm thầm hỗ trợ cho tù nhân lương tâm, cho các chiến
sĩ dân chủ trong nước... Có thể nói, cho đến nay sự
"phối hợp trong ngoài" đã khá chặt chẽ. So với năm 1998 thì hiện nay, năm
"mũi chủ công"
đó đang tạo nên nên một sức mạnh tổng hợp khá hữu hiệu giúp cho phong
trào dân chủ trong nước phát triển, bất chấp sự đàn áp vô cùng tàn bạo
của tập đoàn cầm quyền.
Những thành tựu này của phong trào dân chủ là do công sức và sự hy sinh
lớn lao của hàng triệu người trong và ngoài nước. Chúng ta tin chắc rằng
những thành tựu này ngày càng tích lũy sức mạnh giúp cho sự nghiệp dân
chủ hóa, tự do hóa nước ta.
Trước đây, chúng tôi đã từng kể lại lời nói có tính giáo huấn sâu sắc
của Viện sĩ Andrei Sakharov, chiến sĩ nhân quyền kiên cường nhất chống
chế độ toàn trị Liên Xô. Hồi đó, phong trào dissident đang trong thời kỳ
cực kỳ đen tối, hầu như bị dẹp tan, các phóng viên nước ngoài hỏi Viện
sĩ:
"Ông có hy vọng là Liên Xô sắp có thay đổi lớn về chính trị không?". Ông trả lời:
"Không, tôi không hy vọng điều đó. Tôi cho rằng đời sống chính trị nước tôi còn lâu mới xảy ra được một sự thay đổi lớn". Các phóng viên ngạc nhiên hỏi tiếp:
"Thế thì ông làm những điều này để làm gì?" Sakharov trả lời:
"Giới
trí thức biết làm gì? Họ chỉ biết làm một việc là xây dựng lý tưởng, cứ
để cho mỗi người làm được điều gì anh ta có thể làm được". Suy nghĩ một lúc, ông nói thêm:
"Nên biết rằng những con chuột chũi đào hang ngầm dưới đất có thể làm sụp đổ những thành trì lịch sử".
Đây có thể là một lời khuyên cho các chiến sĩ dân chủ nước ta: hãy cứ
làm việc đi, làm những việc mà lương tâm mình mách bảo và mình có thể
làm được mà không sốt ruột mong đợi kết quả ngay. Những thành trì lịch
sử sẽ có ngày sụp đổ! Xin nói thêm, nếu so sánh phong trào đấu tranh
chống chế độ cực quyền của ĐCSLX hồi đầu những năm 80 (khoảng năm 81-84)
thế kỷ trước với phong trào dân chủ hiện nay ở nước ta thì mặc dù tập
đoàn cầm quyền nước ta có phần độc ác và thâm hiểm theo kiểu phong kiến
hơn ở Liên Xô, nhưng phong trào ở nước ta vẫn có phần khả quan hơn
nhiều. Chúng tôi đã sống trong thời kỳ đen tối hồi đó ở Liên Xô nên hiểu
rõ và có thể so sánh được.
Còn đây là ý nghĩ chân thực của cố Tổng thống Cộng hòa Czech:
"... Trong các buổi chuyện trò, nhiều lần tôi nhấn mạnh rằng trong một
chế độ toàn trị, thật khó mà nhìn thấu ruột gan của xã hội. Khi nhìn
quanh chỉ thấy xã hội là một khối nguyên vẹn và đâu đâu cũng chỉ thấy
một sự trung thành với chế độ... ...do nỗi sợ đào luyện con người, nên
cái vẻ ngoài nguyên vẹn như thế thực ra lại là vô cùng yếu đuối. Không
một ai có thể tiên báo một ngày nào đó, chỉ một nắm tuyết cỏn con tình
cờ sẽ tạo ra cả một trận núi tuyết lở. ...Cách đây hai chục năm, ở Tiệp
Khắc có một nắm tuyết cỏn con xuất hiện dưới hình thù một cuộc đàn áp
hung bạo đối với sinh viên, và nắm tuyết đó đã biến thành trận núi tuyết
lở. Thế rồi toàn bộ hệ thống toàn trị đã lung lay, rồi sụp đổ như một
tòa lâu đài ghép bằng giấy bồi".
Đúng như vậy, lịch sử đã từng chứng tỏ các chế độ độc tài toàn trị ở
Liên Xô, ở các nước Đông Âu... bên ngoài tưởng như là kiên cố
"muôn năm trường thọ", nhưng thực ra đó là
"những pho tượng người khổng lồ chân đất sét"!
Khi phong trào dân chủ lên thật mạnh và khi điều kiện chủ quan, khách
quan thuận lợi hồi cuối những năm 80 đầu những năm 90 thế kỷ trước thì
chế độ đó sụp đổ tan tành nhanh chóng không ai có thể ngờ được. Các
chiến sĩ dân chủ nước ta cần có lòng tin quyết thắng để hun đúc ngọn lửa
đấu tranh hừng hực trong lòng mình./.
Ngày 04/09/2013
Nguyễn Minh Cần
__________________________________________________
1. Điều 4 Hiến pháp của Việt Nam là bản sao gần như nguyên văn của Điều 6
Hiến pháp Liên Xô. Vì thế, chúng tôi không cần nói đến nội dung của
Điều 6 này.
2. Những người lãnh đạo phong trào dân chủ được bầu vào Đại hội Dân biểu
Liên Xô (nghị viện) liên kết với nhau trong tổ chức “Nhóm Dân biểu Liên
khu” để lãnh đạo đấu tranh nghị trường và đấu tranh đường phố.
3. Hồi đó, nước Nga vẫn còn giữ tên Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Xô-viết Nga.
4. Sau khi Viện sĩ A.Sakharov qua đời ngày 14.12.1989 thì quả phụ của
ông là bà Elena Bonner – cũng là một nhà dân chủ kiên định nổi tiếng –
tiếp tục phê phán và bất hợp tác với Yeltsin.
5. Bài này đăng trên những tờ Thế Kỷ 21, Thông Luận, Dân Chủ Cho Việt
Nam, Ánh Sáng, Cánh Én và in trong sách “Chuyện Nước Non” của Nguyễn
Minh Cần, NXB Văn Nghệ, Westminster, CA, 1999.
Nguyễn Minh Cần
(Dân Luận)
Góc nhìn… mù màu!
Ngẫu nhiên, bài viết của tác giả Nguyễn Quảng lại được BBC xuất bản đúng
vào ngày sinh nhật quán cơm 2.000 đồng đầu tiên của nhóm
Người Tôi Cưu Mang lập ra!
Một quán cơm 2.000 đồng tại Sài Gòn được khai trương năm 2009
Tôi tôn trọng sự khác biệt trong góc nhìn, nhưng dù khác thế nào đi nữa
cũng không vượt ra ngoài tính đúng đắn của hiện tượng cũng như những
chuẩn mực của nhân loại.
Với bài viết của tác giả Nguyễn Quảng, tôi cho rằng đó là góc nhìn kinh
tế học… phát xít, vì nó gạt bỏ con người ra ngoài, nhường chỗ cho toan
tính của lợi nhuận. Bởi kinh tế học, tôn giáo, khoa học… mọi thứ cũng
chỉ để phục vụ con người sao cho ngày một hạnh phúc và tốt đẹp hơn mà
thôi. (Dù đôi lúc người ta vẫn mượn cái vỏ bọc đó để làm điều ngược
lại). Hành trang trên con tàu tìm đến hạnh phúc của loài người không thể
thiếu sự nhân văn, tình người! Những quán cơm 2.000 đồng không thể là
cần câu, cũng không thể là con cá, mà chỉ đơn giản là qua từng phần cơm
nhỏ bé đó hy vọng rằng sẽ nuôi dưỡng được cái tình người giữa phố chợ
đông đúc.
Điều đáng trách nhất của tác giả Nguyễn Quảng là chưa hiểu gì về quán
cơm mà đã… phán! Là một trong nhiều người đầu tiên đưa ra ý tưởng cũng
như xây dựng quán cơm 2.000 đồng, tôi xin bày tỏ cùng tác giả mấy điều
sau:
Quán cơm 2.000 đồng là một hoạt động từ thiện không thuộc nhà nước, nó
là một dạng NGO. Mô hình này đã có ở Sài Gòn trước 1975, những năm 2000
xuất hiện trở lại một vài quán, chỗ thì bán rẻ, chỗ thì cho không. Sau
đó một số quán phải ngưng vì nhiều lý do khác nhau. Quán cơm 2.000 đồng
đầu tiên ra đời năm 2008 tại Lữ Gia- Tp.HCM, do chị Mai Anh là một thành
viên của nhóm Người Tôi Cưu Mang (NTCM) mở ra và quản lý. Ngày
5/9/2009, quán cơm thứ hai do chính nhóm NTCM tổ chức chính thức khai
trương. Sau đó mô hình được nhóm nhân rộng tại Cần Thơ và Đà Lạt. Năm
2012, anh Nam Đồng và những người bạn mở thêm vài quán nữa trên địa bàn
thành phố…
Tại sao không cho không mà lại là 2.000 đồng? Ý nghĩa của 2.000 đồng là
để người nghèo đến ăn không có cảm giác bị bố thí, bởi hơn ai hết chúng
tôi hiểu người nghèo cũng có lòng tự trọng của họ. Với 2.000 đồng, chúng
tôi luôn nhắc nhở những em sinh viên là tình nguyện viên tại quán hãy
xem người nghèo đến ăn là khách hàng, hãy đối xử tử tế với họ.
Duy trì quán cơm để giúp người nghèo có bữa ăn ngon đã khó, nhưng cái
khó hơn là bỏ công ra để chuyện trò với họ, để giải tỏa nỗi niềm hay tập
cho họ những thói quen văn minh còn khó hơn. Nếu như tác giả Nguyễn
Quảng một lần đặt chân đến quán cơm tại địa chỉ 14/1 Ngô Quyền, F5, Q10
thì có lẽ ông đã nghĩ khác. Những mảnh đời khốn khó, tù tội, vô gia cư…
đã quen với cuộc sống chụp giật nay bỗng dưng xếp hàng ngay ngắn, biết
nhường trẻ nhỏ và người già khi đến quán ăn là một kỳ công của những bạn
trẻ tình nguyện nơi đây.
"Ý nghĩa của 2.000 đồng là để người nghèo đến ăn không có cảm giác bị bố
thí, bởi hơn ai hết chúng tôi hiểu người nghèo cũng có lòng tự trọng
của họ."
Đã có vài câu hỏi là liệu có những người khá giả đến quán ăn không? Xin
thưa rằng có. Nhưng con số đó theo chúng tôi thống kê là không quá 5%.
Họ là ai? Trong số đó có không ít là mạnh thường quân, họ đến ăn thử để
xem quán phục vụ như thế nào rồi sau đó âm thầm hỗ trợ cho quán.
Có một dạo, ở quán có một thực khách là bà cụ già, nhà ở tận Tân Bình,
đều đặn đi xe ôm hết 30 ngàn đồng để đến ăn cơm. Cụ là người có tiền,
nhưng con cái đi làm tối ngày, ăn cơm một mình buồn nên cụ đến ăn tại
quán để có người trò chuyện. Liệu các bạn có đủ can đảm đuổi bà cụ ra
khỏi quán hay không? Rồi chuyện một cô gái giang hồ, suốt ngày chỉ biết
nói tiếng… Đan Mạch, nhưng sau 6 tháng ăn ở quán, bằng sự tôn trọng và
yêu thương, những người phục vụ đã làm thay đổi hoàn toàn con người này.
Cô không còn rượu chè, chửi bới mà biết khoanh tay chào người lớn mỗi
khi gặp, sau những giờ đi làm cô lại ghé quán phụ giúp mọi người rửa
chén, sơ chế đồ ăn.
Cũng có những bác xe ôm, chị bán ve chai… sau vài lần ghé quán đã tình
nguyện rút lui để nhường những phần cơm đó lại cho những người còn nghèo
khó hơn mình. Đó là chị Huệ, 20 năm bán ve chai, học ít nhưng câu nói
của chị không có mùi… kinh tế học phát xít: “Vô đây mình mới thấy còn
nhiều người khổ hơn mình, thôi thì mình còn kiếm được, ra ngoài mua ăn,
nhường phần cơm này lại cho người khác xem như là làm phước vậy!” Rồi
một chị vô gia cư, là thực khách của quán khi còn bụng mang dạ chửa, nay
chị vẫn đến quán cùng con với cảm giác như được về chính ngôi nhà của
mình. Tạo cho người nghèo niềm tin vào tình người, được đối xử như những
người thân trong những năm tháng xa xứ mưu sinh có thể nào là điều
không nên? Tặng cho họ sự vui vẻ, niềm tin để tiếp tục vượt qua khó nhọc
trong cuộc sống là con cá hay cần câu?
Ai đến quán thường xuyên thì sẽ thấy thực khách mới xuất hiện thêm
khoảng 25 -30% mỗi ngày, trong khi số suất ăn vẫn ổn định ở mức trên
dưới 500 phần/một ngày. Vậy số cũ đi đâu? Phải chăng họ đã âm thầm rút
lui để nhường cho người khác?
Và tại sao quán cơm chỉ mở mỗi tuần 3 ngày, mỗi ngày chỉ một bữa trưa mà
thôi? Với mặt bằng có sẵn, con người có sẵn, nhiều khi chúng tôi cũng
đắn đo muốn mở cửa nguyên tuần khi chứng kiến những ông bà cụ ráng ăn
thật nhiều vào bữa trưa để chiều khỏi tốn tiền mua cơm. Dù đau xót trước
cảnh đó nhưng chúng tôi đã không làm, mà vận động người khác giúp đỡ
những hoàn cảnh cụ thể đó. Nếu làm thì chúng tôi vẫn chọn cách mở thêm
quán với mỗi tuần 3 bữa trên địa bàn khác với ý nghĩ mỗi nơi ươm một mầm
thiện. Và thực lòng mà nói, ngay từ khi mở quán chúng tôi đã mong một
ngày sớm nhất quán cơm không còn vai trò của nó nữa. Đó là khi những
người khốn khó đã trở thành khách hàng của những nhà hàng sang trọng,
khi cuộc đời của họ đã sang trang với tình thương và những nụ cười.
Những người thực hiện như chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau rằng:
“Lợi nhuận” từ quán cơm mang lại là trên cả mong đợi! Đó là chuỗi giá
trị mà hệ thống quán cơm 2.000 đồng đã mang lại cho xã hội này, giá trị
không thể giải bằng bài toán kinh tế. Đó là thêm được nhiều nụ cười trên
khuôn mặt của người nhận lẫn người cho. Đó là có một sân chơi cho những
bạn trẻ tình nguyện để tương lai họ không bị giam hãm trong lòng vị kỷ.
Dù rằng, để có “lợi nhuận” đó chúng tôi đã phải nhiều năm lặng lẽ bước
đi trước nhiều “góc nhìn khác”, nhức mình trước những bài viết của một
vài nhà báo… trẻ con! Nhưng chúng tôi vẫn làm, vì đơn giản chúng tôi có
niềm tin vào lòng nhân ái.
Quán cơm 2.000 đồng của nhóm NTCM mở ra không chỉ để làm no cái dạ dày.
Mà nó là cơ hội để những người thực hiện nuôi dưỡng lòng nhân cho đời.
Với người nghèo, chúng tôi không chỉ cho họ một bữa ăn mà quan trọng hơn
là tặng họ một vài phút được đối đãi tử tế vốn là thứ xa xỉ đối với
người yếu thế. Bởi chúng tôi tin rằng chỉ có sự tôn trọng, tình yêu
thương thật sự mới gieo được hạt mầm yêu thương ở mảnh đất khô cằn trong
những mảnh đời không may mắn.
Còn với những người có khả năng lo một bữa cơm ngoài chợ nhưng vẫn đến
ăn cơm 2.000 đồng, chúng tôi xem họ là đối tượng cần phải cưu mang về
suy nghĩ chứ không phải áo cơm! Chúng tôi vẫn tiếp đón họ với một hy
vọng rằng qua trò chuyện, qua sự tử tế, tôn trọng họ sẽ thay đổi để sống
biết chia sẻ hơn.
Điều nhẫn tâm nhất là tác giả nhìn ở góc độ kinh tế để rồi xem những
người nghèo khó như thứ ung nhọt cần gạt ra và vứt đi trong xã hội này.
Còn về những khía cạnh khác, đã có nhiều bài phân tích, thiết nghĩ tôi
không cần phải nói thêm.
Chỉ mong rằng, những quán cơm 2.000 đồng tiếp theo nếu ra đời vẫn giữ
được những tiêu chí mà những người đầu tiên tạo dựng ra nó. Và cũng mong
rằng, những người làm từ thiện ở Việt Nam hãy hợp sức lại để cùng nhau
làm tốt hơn. Kiểu nhà nhà làm từ thiện, nhà nhà mở quán cơm là điều
không nên… Chúng tôi từng nghĩ, người Nhật nổi tiếng về sự đúng giờ,
người Đức nổi tiếng về sự chính xác, vậy tại sao Việt Nam không thể xuất
khẩu tình người?!
"Bài viết của tác giả Nguyễn Quảng tất nhiên không thể lay chuyển quyết
tâm của những người đang có niềm tin vào lòng tốt của con người, nhưng
nó có thể gây hại cho những bạn còn đang phân vân giữa ngã ba đường, khi
bước chân chưa dứt khoát tiến về phía của lòng vị tha. "
Kính thưa tác giả Nguyễn Quảng! Chúng tôi vẫn ấp ủ một ngày nào đó trên
phần cơm 2.000 đồng cho người nghèo có đính thêm một bông hoa làm từ cà
rốt hay cà chua, quán được trang trí đẹp hơn, lại thêm cả nhạc nữa. Và
có thể, lại thêm một ly nước ép trái cây... Bởi chúng tôi nghĩ người
nghèo cũng có đủ đầy quyền của một con người! Khi đó ông đừng nói chúng
tôi lại cạnh tranh với nhà hàng 5 sao nhé!
Trong thế giới muôn màu muôn vẻ của chúng ta, thân phận con người đang
được rải đều trên một phổ rất rộng, nhiều kẻ may mắn giàu sang nhưng
cũng lắm kẻ bần hàn. Có người vừa sinh ra đôi mắt đã chìm trong bóng
tối, có người thất bại liên tiếp dù đã hết sức vươn lên, cũng có người
lâm vào cảnh cơ hàn do bởi chính lỗi của họ… Nhưng dù gì đi nữa, một khi
họ đang ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo, chúng tôi vẫn đi về phía họ.
Càng đến gần chúng tôi càng thấy, dường như trong những bóng dáng khắc
khổ ấy có hình ảnh của cha, mẹ, anh chị em và con cái chúng tôi. Càng
đến gần chúng tôi càng nhận ra rằng để giúp đỡ họ, một nhóm nhỏ như
chúng tôi là không thể làm nổi.
Trang web Người Tôi Cưu Mang được lập ra là để quy tụ nhiều người cùng
chung ý nghĩ giúp người. Quán cơm 2.000 đồng lập ra đã tập họp được
những trái tim biết yêu thương và sẵn lòng chia sẻ, ai cũng muốn góp bàn
tay nhỏ nhắn của mình để lan tỏa tình thương, lan tỏa lòng nhân ái.
Bài viết của tác giả Nguyễn Quảng tất nhiên không thể lay chuyển quyết
tâm của những người đang có niềm tin vào lòng tốt của con người, nhưng
nó có thể gây hại cho những bạn còn đang phân vân giữa ngã ba đường, khi
bước chân chưa dứt khoát tiến về phía của lòng vị tha. Một lực kéo nhỏ
thôi cũng làm cho họ đi về phía vị kỷ. Vì thế, tôi nói bài viết này mô
tả một góc nhìn của cá nhân và đó là một góc nhìn nguy hiểm.
Và cuối cùng, bằng sự chân thành, tôi kính mời ông Nguyễn Quảng hãy một lần đến quán để chúng tôi được phục vụ.
Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, thành viên Ban quản trị
trang web www.nguoitoicuumang.com, nhóm khởi xướng mô hình quán cơm
2.000 đồng.
Thế Anh
Gửi cho
BBC từ Sài Gòn
TS Nguyễn Nhã : "Chung tay quảng bá chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa"
TS Nguyễn Nhã nói chuyện về chủ quyền HS-TS với người Việt tại Paris ngày 03/09/2013. (Thanh Phương/RFI)
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã vừa kết thúc
một chuyến đi châu Âu đưa ông đến các nước Đức, Áo, Cộng hòa Séc và Pháp
để tiếp tục công việc mà ông vẫn làm từ mấy năm gần đây, đó là trình
bày những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa cho người Việt khắp nơi, cũng như cho người nước
ngoài.
Trong khuôn khổ chuyến đi châu Âu đó, ngày 03/09 vừa qua, tiến sĩ Nguyễn
Nhã đã đến Paris để gặp gỡ, trao đổi về vấn đề chủ quyền biển đảo với
người Việt tại Pháp. Buổi nói chuyện này diễn ra tại trường kinh doanh
IPAG Business School, do nhóm Biển Đông tại Pháp phối hợp với Hội Khoa
học và Chuyên gia Việt Nam (AVSE) tổ chức.
Chuyến đi châu Âu của tiến sĩ Nguyễn Nhã cũng trùng với thời điểm Nhà
xuất bản Giáo dục Việt Nam tháng bảy vừa qua vừa phát hành một cuốn sách
của ông tựa đề « Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai
quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ».
Cuốn sách này đúc kết những gì mà tiến sĩ Nguyễn Nhã đã dày công nghiên
cứu từ 40 năm qua, kể từ khi ông cho xuất bản Tập san sử địa Đặc khảo
Hoàng Sa và tổ chức triển lãm về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và
Trường Sa vào năm 1975, cho đến năm 2003, khi ông thực hiện và bảo vệ
thành công luận án tiến sĩ về đề tài ''Quá trình xác lập chủ quyền của
Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa'' và cho đến nay.
Khi cho xuất bản cuốn sách nói trên, tiến sĩ Nguyễn Nhã không chỉ mong
muốn giúp cho các thầy cô, học sinh, sinh viên hiểu thấu đáo hơn về chủ
quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này, mà còn thông qua đó, vận động
mọi tầng lớp nhân dân tham gia quảng bá sự thật lịch sử và đấu tranh cho
chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Trả lời phỏng vấn RFI trước buổi nói chuyện tại Paris tối thứ ba 03/09,
tiến sĩ Nguyễn Nhã nhắc lại mong muốn của ông là mọi người chung tay góp
sức quảng bá cho quốc tế biết những sự thật lịch sử về chủ quyền của
Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, bác bỏ những lập luận của
Trung Quốc.
Cũng giống như tại những nơi khác, trong buổi nói chuyện tại Paris ngày
03/09 vừa qua, tiến sĩ Nguyễn Nhã đã trình bày ngắn ngọn những bằng
chứng lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, chủ yếu qua những châu
bản, văn bản Nhà nước và sách điển chế của Việt Nam trước năm 1909,
cũng như qua những tài liệu của phương Tây. Ông đã dành nhiều thời gian
để trao đổi với cử tọa. Rất tiếc là có thể do không được phổ biến rộng
rãi, cho nên, buổi nói chuyện hôm đó chỉ quy tụ khoảng hơn 30 người,
tính luôn cả ban tổ chức.
Nếu kỳ vọng quá nhiều tiến sĩ Nguyễn Nhã, một số người bức xúc về vấn đề
chủ quyền HS-TS có thể sẽ không hài lòng với những trình bày, những câu
trả lời của ông. Nhưng như tiến sĩ Nguyễn Nhã vẫn nhắc đi nhắc lại, ông
chỉ là một nhà nghiên cứu khoa học, chứ không phải là một chính khách,
ông không thể trả lời thay Nhà nước được. Sự thật lịch sử như thế nào
thì ông trình bày như thế, trình bày một cách khách quan, khoa học, còn
về chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc là chuyện của Nhà nước.
Chỉ có điều, “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, trước hiểm họa
Bắc thuộc ngày càng rõ nét, ông thấy mình phải có nghĩa vụ lên tiếng
mạnh mẽ về vấn đề chủ quyền HS-TS và ông kêu gọi mọi người hãy “đừng sợ”
Trung Quốc. Ông kêu gọi các cá nhân và tổ chức ở nước ngoài tài trợ cho
việc dịch các nghiên cứu của ông các tiếng Anh, tiếng Pháp.
Cuối buổi nói chuyện, tiến sĩ Nguyễn Nhã đã đọc một bài hịch do ông
viết, với nội dung gián tiếp bác bỏ cái gọi là “tám chữ vàng” trong quan
hệ Việt-Trung. Nói chung, qua buổi nói chuyện của tiến sĩ Nguyễn Nhã
tại Paris, cho dù một vài người vẫn không thỏa mãn với những trình bày
của ông, ai cũng phải nhìn nhận rằng ông là một nhà trí thức nặng lòng
với tiền đồ dân tộc. Mong ước của ông hiện nay là giới trẻ Việt Nam tiếp
bước đấu tranh cho chủ quyền đất nước.
Nhưng chỉ có điều khiến ông rất buồn là người sinh viên mà ông hướng dẫn
làm luận văn thạc sĩ về đề tài tranh chấp chủ quyền Biển Đông cuối cùng
đã không tiếp tục làm, vì có vị giáo sư khác nói rằng đây là một đề tài
“nhạy cảm”.
Nếu như có một động lực nào đó có thể đoàn kết mọi thành phần dân tộc,
thì đó là lòng yêu nước, nhất là trước hiểm họa từ phương Bắc như hiện
nay. Nhưng vì sao tranh chấp Biển Đông vẫn còn bị coi là đề tài “nhạy
cảm”? Vì sao khi người dân xuống đường biểu tình phản đối những hành
động ngang ngược của Trung Quốc xâm lấn chủ quyền của Việt Nam trên Biển
Đông thì lại bị ngăn chận, bắt bớ? Vì sao Nhà nước Việt Nam không dám
làm như Philippines kiện Trung Quốc ra trước tòa án LHQ?
Cho tới nay, chính sách của chính phủ Việt Nam về Biển Đông, cũng trong
quan hệ với Trung Quốc vẫn còn rất mù mờ, không rõ ràng, minh bạch.
Không ai biết cụ thể là giới lãnh đạo Hà Nội đã ký kết, đã cam kết những
gì với Bắc Kinh cho tới nay. Chính vì vậy là nhiều người vẫn còn nghi
ngờ, thậm chí có một người lên án chính quyền “bán nước” cho giặc Tàu.
Một khi chưa có sự đồng tâm nhất trí giữa người dân với chính quyền, thì
khó mà huy động toàn bộ nội lực của đất nước để ngăn chận hiểm họa Bắc
thuộc.
Thanh Phương (
RFI)
Nguyễn Hưng Quốc - Người thắng và kẻ bại
Chiến thắng của liên đảng Tự do-Quốc gia do ông Tony Abbot lãnh đạo kết
thúc 6 năm cầm quyền của Đảng Lao động của ông Kevin Rudd.
09.09.2013
Thế là cuộc bầu cử tại Úc đã kết thúc
vào tối Thứ bảy 7 tháng 9 với kết quả là Liên đảng (bao gồm đảng Tự Do
và đảng Quốc Gia) đã chiến thắng một cách vang dội. Thật ra, kết quả ấy
không có gì đáng ngạc nhiên. Hầu như mọi người đã biết điều đó từ cả…
mấy năm trước, một phần, nhờ các cuộc điều tra dư luận (poll) được tổ
chức khá thường xuyên, và, theo kinh nghiệm từ lịch sử, khá chính xác, ở
đó, Liên Đảng hầu như luôn luôn dẫn đầu. Phần khác, những mâu thuẫn
trong nội bộ đảng Lao Động từ khi lên nắm chính quyền lần đầu vào năm
2007 và, đặc biệt, từ lần thứ hai vào năm 2010, làm dân chúng Úc chán
ngán và mất hết niềm tin vào Lao Động, từ đó, giới lãnh đạo đảng Lao
Động nói gì, đưa ra chính sách gì, dù hay ho đến mấy, người ta cũng
không nghe nữa.
Chính vì kết quả hầu như đã được biết trước từ lâu như vậy nên cuộc
tranh cử kỳ này khá nhàm chán. Phe thua, biết trước mình thua, nên tranh
cử một cách khá tiêu cực, chỉ nhắm giảm thiểu mức thua. Phe thắng, biết
mình thắng, nên tranh cử một cách rất dè dặt, chỉ cốt tránh sai lầm
khiến dân chúng bất mãn. Bởi vậy, cả hai bên hầu như đều tránh né việc
công bố các chính sách lớn có thể gây tranh cãi. Họ chỉ tập trung vào
những lời hứa hẹn nho nhỏ. Liên Đảng chỉ công bố việc hạch toán các chi
tiêu của mình vào những ngày cuối cùng của cuộc tranh cử. Không ai có
thì giờ để phân tích hay tranh luận.
Bản thân tôi, thành thực mà nói, không hề thấy chút hứng thú nào trong
việc theo dõi cuộc tranh cử. Ngay cả các cuộc tranh luận giữa các nhà
lãnh đạo hai bên, tôi cũng chỉ theo dõi một cách khá ơ hờ. Một phần, tôi
không thích cả hai; phần khác, những gì họ nói cũng chả có gì lạ.
Điều duy nhất tôi cảm thấy thích thú là những giờ phút cuối cùng của
cuộc bàu cử khi kết quả đã được phân định rõ rệt. Mà hình như lần bầu cử
nào cũng thế, tôi cũng đều theo dõi những giờ phút cuối cùng ấy một
cách không những say mê và còn đầy ngưỡng mộ. Theo tôi, văn hoá dân chủ ở
các quốc gia Tây phương thể hiện rõ nhất là ở những thời điểm ấy. Có
thể gọi đó là văn hoá chiến thắng và văn hoá chiến bại.
Ngay cả khi cuộc kiểm phiếu chưa kết thúc hẳn, nhưng biết trước là mình
không thể thắng được, việc đầu tiên mà thủ lãnh của bên thua cuộc làm là
điện thoại cho thủ lãnh bên thắng cuộc để, thứ nhất, nhìn nhận mình
thua; và thứ hai, chúc mừng người chiến thắng. Theo thông lệ, người
chiến thắng chỉ xuất hiện trước ống kính và công bố chiến thắng của mình
sau khi đã nhận được cú điện thoại của người thua cuộc. Khi người thua
cuộc, vì lý do nào đó, chưa nhìn nhận mình thua cuộc, người ta vẫn kiên
nhẫn chờ.
Trong bài diễn văn chính thức sau cuộc bầu cử, người thua cuộc bao giờ
cũng chúc mừng người chiến thắng, thừa nhận người chiến thắng đã chiến
thắng một cách xứng đáng, và kêu gọi các đảng viên trong đảng mình chấp
nhận cái kết quả đáng buồn và ngoài ý muốn đó. Sau đó, mới là việc cám
ơn những người dân đã bỏ phiếu cho mình. Và cũng cám ơn các nhân viên
cũng như gia đình đã ủng hộ mình.
Bài phát biểu của người chiến thắng cũng vậy. Bao giờ cũng dành một phần
để ca ngợi người thua cuộc. Trong thời gian tranh cử cũng như trước đó,
người ta không đồng ý với nhau về nhiều vấn đề, lúc nào cũng tranh luận
và tìm mọi cách để đả kích nhau, nhưng khi cuộc bầu cử kết thúc, chuyện
ai thắng ai thua đã rõ ràng, người ta lại quay sang ca tụng nhau. Một
trong những nội dung quan trọng trong bài diễn văn chấp nhận thắng cử
là, sau khi cám ơn những người bỏ phiếu cho mình, thủ lãnh bên chiến
thắng bao giờ cũng hứa hẹn một điều: chính phủ do họ lãnh đạo sẽ phục vụ
cho toàn dân, cho mọi người, chứ không phải cho những người đã bỏ phiếu
cho họ.
Mà không phải trong chính trị. Trong các giải thể thao cá nhân cũng vậy.
Sau trận chung kết, người thua, khi lên nhận giải nhì, cũng đều dành
những lời khen ngợi nồng nhiệt cho người đã đánh bại mình. Đến lượt
người thắng, khi lên nhận giải nhất, cũng hết lời khen ngợi đối thủ,
người bị mình đánh bại. Nghe hai người ca tụng nhau, người ta khó tưởng
tượng là trước đó, họ đã tranh đấu với nhau một cách gay gắt và quyết
liệt đến độ nào.
Việc nhìn nhận thất bại và khen ngợi đối thủ của mình như vậy, thật ra,
không phản ánh tư cách của những người chơi thể thao hay làm chính trị.
Những điều họ phát biểu có thể chỉ là những khuôn sáo. Tuy nhiên, tôi
thích cái khuôn sáo ấy và cho đó là một “thủ tục” rất cần thiết trong
sinh hoạt dân chủ. Chúng thể hiện thái độ tuân thủ các luật lệ trong trò
chơi, hoặc trò chơi thể thao hoặc trò chơi dân chủ.
Trong các trò chơi thể thao, khi tranh giải, người ta chơi hết sức,
nhưng khi có kết quả, người thua vẫn nhận mình thua. Không ai phân bua
tại thế này hay tại thế kia và tìm cách phủ nhận tài năng của người
chiến thắng. Người chiến thắng cũng vậy, khi trận đấu chấm dứt thì mọi
tranh chấp cũng chấm dứt, người ta lại xem đối thủ là bạn hoặc ít nhất,
đồng nghiệp. Và người ta đối xử với nhau nếu không tương ái thì cũng đầy
tương kính.
Trong chính trị cũng vậy. Chính trị là trò chơi của quyền lực. Quyền lực
vừa là mục tiêu người ta nhắm tới và cố đạt cho được đồng thời cũng là
phương tiện để người ta hành xử. Khi tranh giành quyền lực, người ta
không từ bất cứ thủ đoạn nào trong chừng mực luật pháp cho phép. Nhưng
khi đã có kết quả kẻ thắng người bại thì ai nấy đều chấp nhận. Không ai
lấy cớ dân chúng ngu dốt không phân biệt đúng sai, tốt xấu, hay dở để
đòi xoá ván bài, làm lại từ đầu. Luật lệ của trò chơi chính trị trong
các chế độ dân chủ là tôn trọng quyết định của dân chúng. Cho dù đa số
dân chúng có nhầm lẫn chăng nữa thì lá phiếu của họ vẫn phải được tôn
trọng. Thậm chí không ai dám chê bai những người bỏ phiếu cho đối thủ
của mình là nhầm lẫn. Nói chung, dưới chế độ dân chủ, người dân bao giờ
cũng có lý: Lý của những người muốn bảo vệ quyền lợi, trước hết, của
chính họ. Và bởi vì dân chúng có lý khi chọn lựa, người chiến thắng
trong các cuộc bầu cử cũng có cái lý cho việc chiến thắng: ngay cả khi
các chính sách của họ đưa ra không hoàn hảo hoặc bất khả thi, ít nhất họ
cũng hơn những người thất bại ở một điểm: họ biết cách thuyết phục quần
chúng.
Có thể nói văn hoá dân chủ chủ yếu dựa trên hai nền tảng chính: Một, tôn
trọng quyết định của đa số; và hai, mọi quyết định của đa số đều có lý.
Ngay cả giới bình luận chính trị cũng chấp nhận những điều đó. Đọc các
bài bình luận sau bầu cử, hầu như bao giờ cũng thấy người ta tập trung
phân tích lý do tại sao người thua bị thua và lý do tại sao người thắng
thắng nhưng không bao giờ, tuyệt đối không bao giờ, đổ lỗi cho quần
chúng, những người đã bỏ phiếu cho người chiến thắng ngay cả khi người
ấy, theo ý kiến riêng của nhà bình luận, hoàn toàn không xứng đáng. Phê
phán dân chúng, trong trường hợp tương tự, là vi phạm nguyên tắc dân
chủ. Là chà đạp lên văn hoá dân chủ. Thực chất là phản-dân chủ.
Ở Việt Nam, một trong những lý do chính nhà cầm quyền thường đưa ra để
từ chối việc chế độ đa đảng và việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do là
trình độ dân chúng còn thấp. Tự bản thân nó, luận điệu ấy đã phản dân
chủ: Dân chúng, ngay cả khi ít học, vẫn biết bảo vệ quyền lợi của họ khi
chọn người để đại diện cho mình và điều hành đất nước. Hơn nữa, luận
điệu ấy còn là một cách tự phủ định chính mình: đã cầm quyền trên cả nửa
thế kỷ với bao nhiêu cuộc “cách mạng” ồn ào mà vẫn không nâng được
trình độ dân trí lên cái mức có thể bỏ phiếu một cách đúng đắn nhằm bảo
vệ quyền lợi của chính mình là sao? Chả lẽ trong chừng ấy năm, họ chỉ
làm được một việc duy nhất là ngu dân ư?
Thật ra, luận điệu ấy chỉ phản ánh sự thiếu tự tin của những người cầm
quyền. Mà thiếu tự tin cũng phải. Có thể nói, cùng với viễn kiến, khả
năng thuyết phục quần chúng là những tiêu chí quan trọng nhất để đánh
giá một người lãnh đạo. Thiếu viễn kiến, người ta, may lắm, có thể là
một nhà quản trị giỏi nhưng không phải, không thể là một người lãnh đạo
giỏi. Thiếu khả năng thuyết phục quần chúng, ngay cả khi có viễn kiến
thật hay, người ta, may lắm, chỉ là một nhà tham mưu, đứng sau màn để
hoạch định kế hoạch chứ không thể đóng vai một lãnh tụ. Vừa thiếu viễn
kiến vừa thiếu khả năng thuyết phục quần chúng, người ta chỉ có thể trở
thành những tên độc tài.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc
là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của
Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa
Kỳ.
Ông Vũ Khoan luận về ba loại quyền lực
'Lãnh đạo, quản lý có 3 loại quyền lực: Địa vị, kiến thức và nhân cách,
trong đó hai quyền lực sau có sức hấp dẫn đích thực hơn loại quyền lực
thứ nhất', Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ.
Ông Vũ Khoan khi đương chức là nhà ngoại giao kì cựu, khi về hưu lại
dành tâm huyết giảng dạy và truyền thụ kiến thức cho thế hệ sau, đặc
biệt là các lãnh đạo trẻ.
Ông cũng là một trong số không nhiều những lãnh đạo đã nghỉ hưu vẫn dõi
theo những tiến triển của thời cuộc, và đưa ra nhiều gợi mở quan trọng
cho công tác hoạch định chính sách và kỹ năng lãnh đạo, quản lý...
Phóng viên Tuần Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nguyên Phó Thủ tướng Vũ
Khoan xung quanh chủ đề về phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh
đạo
Lãnh đạo phải có sức hấp dẫn
- Ông đánh giá như thế nào về kỹ năng lãnh đạo của các cán bộ quản lý, lãnh đạo hiện nay?
- Liên quan đến chủ đề anh hỏi thì hiện nay, tôi đang lên lớp giảng bài
ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về kỹ năng lãnh đạo,
quản lý.
Phải nói rằng, trong quá khứ xã hội chúng ta chưa coi trọng kỹ năng
lãnh đạo. Tôi không tìm đâu ra cuốn sách nào của Việt Nam nói
về kỹ năng quản lý, lãnh đạo một cách chuyên nghiệp, khoa học và
bài bản, chắc do vì cơ chế quản lý quan liêu bao cấp không chú ý
chuyện này.
Chẳng hạn khi nói về kỹ năng lãnh đạo thì một chính khách phát
biểu phải khác với dân thường. Tôi thấy thỉnh thoảng một vài vị cán
bộ quản lý của mình phát ngôn dễ dãi quá. Điều này một phần do bản thân
lãnh đạo ít trau dồi kỹ năng, một phần do thiếu môi trường đào tạo cung
cấp phương pháp học tập và rèn luyện kiến thức và kỹ năng tổng hợp từ
lịch sử, địa lý, văn hóa tới nghệ thuật, sức khỏe, v.v...song hành với
các kỹ năng mềm như viết diễn văn, hùng biện hay thương lượng, đàm phán,
v.v...
Thế hệ lập quốc, thế hệ Bác Hồ phải đối đầu với những thử
thách cam go. Tuy lý thuyết ít, nhưng trải nghiệm cuộc sống rất
khủng khiếp, trải qua thực tế tù đày, chiến tranh, đối đầu
với những kẻ thù rất hùng mạnh.
Vì vậy, dù không được đào tạo cơ bản nhưng họ được đào tạo bởi trường
đời, bởi quá trình tự học và tự trải nghiệm. Thế hệ cán bộ quản lý,
lãnh đạo hiện nay nhiều người không trải qua thử thách ấy, lại
không được học về kỹ năng quản lý, lãnh đạo. Đấy là cái khó của
người cán bộ quản lý, lãnh đạo.
- Vậy, tố chất nào quan trọng nhất với một người cán bộ quản lý, lãnh đạo, thưa ông?
- Một người cán bộ quản lý, lãnh đạo đòi hỏi nhiều tố chất.
Theo tôi, cái quan trọng nhất là phải hấp dẫn được người khác
bằng trí tuệ và nhân cách của mình. Người quản lý, lãnh đạo mà
không có sức hấp dẫn thì không phải lãnh đạo đích thực.
|
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan |
Lãnh đạo là gì? Lãnh đạo là người đề ra mục tiêu và dẫn dắt
mọi người đi theo mục tiêu đó, muốn dẫn dắt được thì người ta
phải nghe anh.
Nếu anh dùng quyền lực để áp chế người ta nghe mình thì họ
chỉ nghe giả vờ thôi. Muốn người ta tự nguyện đi theo thì anh
phải có sức hấp dẫn về trí tuệ và nhân cách.
Có thể khái quát lãnh đạo, quản lý có 3 loại quyền lực: Địa vị, kiến
thức và nhân cách, trong đó hai quyền lực sau có sức hấp dẫn đích thực
hơn loại quyền lực thứ nhất.
Để có sức hấp dẫn thì những tố chất khác của một nhà quản lý, lãnh đạo,
dù là lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước hay lãnh đạo tổ chức tư
nhân thành công cần phải có.
Đó là: không những phải hiểu về bản thân mình mà cần hiểu được đất nước
mình, dân tộc mình hình thành và phát triển ra sao để xây dựng cho mình
một tinh thần công dân có trách nhiệm cao cả hơn nữa. Muốn trở thành
lãnh đạo thì cần phải biết cách học hỏi các vị tiền bối, những nhà lãnh
đạo đương thời và quá khứ, cả trong nước lẫn ngoài nước để biết cách
phân tích những tố chất, hành vi, hiểu được tầm nhìn và vai trò ảnh
hưởng của nhà lãnh đạo, để rồi từ đó tìm ra phương pháp rèn luyện và tạo
động lực phấn đấu cho riêng mình. Phải có một tâm hồn nghệ thuật, biết
thưởng thức âm nhạc và cảm thụ cái đẹp. Đặc biệt là yếu tố về sức khỏe
và những kỹ năng vượt khó.
Những yếu tố quan trọng trên đều không phải tự nhiên mà có mà phải được
học, rèn luyện và trải nghiệm từ rất sớm may ra có thành công, và nghiên
cứu cho thấy lứa tuổi để bắt đầu tập trung rèn luyện những tố chất trên
thường đạt hiệu quả tối ưu khi ở lứa tuổi 20 đến 25 tuổi.
- Muốn trở thành lãnh đạo "hấp dẫn" như ông nói thì có khó không?
- Điều đầu tiên, tôi cho rằng cán bộ quản lý, lãnh đạo cũng phải
có tố chất, nhiều khi là trời cho. Có những người được đào
tạo rất tốt nhưng không lãnh đạo được vì không có tố chất và
sức hấp dẫn. Thậm chí có những người đầy kiến thức nhưng khi
làm lãnh đạo thì chẳng ra gì, vì họ không có "duyên" làm lãnh đạo.
Còn đối với những người đã có tố chất lãnh đạo rồi thì tố chất đó
phải được rèn luyện qua hai môi trường. Một là trường học chính
thống, hai là lăn lộn trong thực tiễn trường đời trên cơ sở cái
trời cho của mình. Trường học chính thống không đồng nghĩa hoàn toàn
với bằng cấp như thực tế hiện nay.
Thế hệ chúng tôi rụt rè lắm
- Ông có nhắc đến môi trường đào tạo cán bộ quản lý, lãnh đạo, ở Việt Nam ông đánh giá vấn đề này thế nào?
Đào tạo cán bộ quản lý, lãnh đạo ở nước ta đang có lỗ hổng, kể cả lãnh đạo khối Nhà nước lẫn khối tư nhân, doanh nghiệp.
Điều này có nhiều nguyên nhân. Trước hết là trong công tác cán bộ, các
chức danh chưa có tiêu chuẩn. Ví như tiêu chuẩn vụ trưởng gồm có
những tiêu chuẩn gì? Ai đáp ứng được những tiêu chuẩn ấy thì mới bổ
nhiệm. Hiện tại, ở nước mình không có tiêu chuẩn và có thể xếp
một người vào bất kỳ chỗ nào cũng được. Ở các nước tiên tiến họ
có tính chuyên nghiệp cao là vì mỗi chức danh đáp ứng bấy
nhiêu tiêu chuẩn.
Tôi thấy môi trường đào tạo cán bộ quản lý, lãnh đạo hiện nay phần lớn
thiên về lĩnh vực kinh doanh, quản trị chung, chủ yếu liên quan tới kỹ
năng mềm mà chưa cung cấp kiến thức và kỹ năng chính trị - xã hội. Cũng
như kỹ năng hùng biện, kỹ năng viết diễn văn, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng
ứng phó với tình huống, chưa đưa được mục tiêu về ý chí, sức khỏe, đạo
đức... vào chương trình đào tạo.
Cán bộ quản lý, lãnh đạo phải rành lịch sử, văn hóa dân tộc Việt, phải
đặt câu hỏi để yêu quê hương, đất nước thì mình cần làm gì và làm thế
nào để gây dựng và nuôi dưỡng lòng yêu nước và tự hào dân tộc một cách
không khô khan, sáo rỗng.
So sách các yếu tố trên với các nhà lãnh đạo nổi bật trong nước và trên
thế giới, ta hãy đặt câu hỏi: vì sao họ đều có sức khỏe đáng nể và có
những kỹ năng vượt qua thử thách một cách kỳ diệu đến như vậy?
Nhiều lần tham gia đối thoại, gặp gỡ với các bạn trẻ, ông có nhận xét gì? Nhất là với đội ngũ quản lý, lãnh đạo trẻ?
- Thế hệ trẻ hiện nay hơn thế hệ chúng tôi hai điều: Kiến thức
của họ rộng hơn, họ tiếp cận được nhiều thông tin của Việt
Nam và thế giới. Thế hệ chúng tôi không được đào tạo cơ bản,
không được tiếp xúc thông tin, nhất là thông tin về thế giới, do
đó hiểu biết của mình về thế giới hạn hẹp.
Các bạn trẻ hơn chúng tôi về sự năng động, mạnh dạn. Thế hệ
chúng tôi rụt rè lắm, không dám nói, không dám tranh luận. Tất
cả do tổ chức sắp xếp, phát biểu nào cũng có bài viết sẵn,
đeo khăn quàng đỏ mà đọc thôi. Tôi có tham gia nhiều cuộc đối
thoại với các bạn trẻ, các bạn hỏi tới tấp từ 8 giờ sáng
tới 12 giờ trưa vẫn chưa hết. Các bạn hỏi những vấn đề rất
lớn chứ không phải nhỏ nhặt đâu.
Vậy đâu là điểm còn hạn chế?
- Mặt yếu của giới trẻ, trong đó có lãnh đạo trẻ, đó là do đào
tạo của nền giáo dục chúng ta nên kỹ năng của các bạn chưa
được tốt lắm, kiến thức thì có nhưng biến kiến thúc thành hành
động thì còn yếu.
Các trường của ta ít dạy kỹ năng, chỉ nhồi nhét kiến thức. Ví
dụ như học đối ngoại nhưng không có kỹ năng đàm phán, kỹ năng
viết văn kiện, kỹ năng hùng biện, kỹ năng đối đáp.... Bên cạnh kỹ
năng làm việc, kỹ năng sống cũng có điểm hạn chế.
Giáo dục ở các nước phát triển cho điểm vì sự sáng tạo chứ
không phải vì thuộc bài. Còn ta cứ dạy những chuyện đâu đâu,
trừu tượng không đi vào cuộc sống, trong khi đó những kỹ năng
bình thường lại không có, tính sáng tạo kém vì chỉ nhồi nhét
kiến thức, biến chúng ta thành con vẹt.
Các bạn được đi du học, được tiếp thu văn hóa phương Tây có một
nhược điểm là không thích nghi được với thực tế Việt Nam, sinh ra
chán nản, đưa ra những ý tưởng không hợp thực tế. Mỗi dân tộc có
một văn hóa riêng, muốn làm cán bộ quản lý, lãnh đạo tốt thì phải hiểu
được văn hóa của dân tộc, không thể áp dụng văn hóa nước khác với Việt
Nam được. Mỗi dân tộc có một đặc điểm phát triển riêng, không thể
bê cái nguyên xi mô hình của người ta về nhà mình được.
Vì thế, theo tôi các bạn trẻ nên biết cách tự đào tạo mình trở thành
những nhà cán bộ quản lý, lãnh đạo giỏi. Đồng thời nghiên cứu các mô
hình đào tạo lãnh đạo trên thế giới như trường đào tạo chính khách
Matsushita của Nhật để rút ra bài học cho Việt Nam.
Các bạn trẻ cũng nên tìm cho mình những chương trình đào tạo kỹ năng
lãnh đạo phù hợp với mục tiêu. Đó phải là chương trình có sự khác biệt
rõ rệt và thực tế, có thể giúp các bạn tự mình trau dồi và rèn luyện để
ngày càng trở thành một nhà lãnh đạo "hấp dẫn".
Trần Đông (thực hiện)
(VNN)
Những hành động phi lý đối với người bất đồng chính kiến
Luật sư Lê Quốc Quân (thứ 3 từ phải) bị công an và an ninh bắt giữ đường phố Hà Nội (tháng 4, 2011) (RFA files
Giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam tiếp tục chịu những hành xử bị
cho là không đúng tinh thần luật pháp của phía cơ quan chức năng gây
nên.
Kết luận điều tra thiếu cơ sở
‘Nực cười, phi lý…’ là những kết luận mà nhiều người quan tâm sau khi
đọc được Bản kết luận điều tra của Cơ quan an ninh Điều Tra Công an tỉnh
Long An do đại tá Nguyễn Sáu ký hồi ngày 27 tháng 8 vừa qua về vụ việc
của anh Đinh Nhật Uy, anh trai của sinh viên Đinh Nguyên Kha đang bị án
tù tuyên truyền chống Nhà nước, và bị điều tra về tội khủng bố.
Bản kết luận điều tra dài gần 5 tờ giấy khổ A4 với 5 phần: nội dung vụ
án, vật chứng thu giữ, lý lịch bị can, kết luận vụ án và đề nghị. Những
người quan tâm chú ý nhất đến phần nội dung vụ án với những kết luận
trên trang facebook cá nhân anh Đinh Nhật Uy có những tin mà theo cơ
quan công an điều tra là xúc phạm đến các Tập đoàn Viễn Thông Quân Đội-
Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam- VNPT, xúc phạm lãnh đạo
nhà nước trong việc lãnh đạo, điều hành đất nước; thậm chí còn có tin
trên facebook của anh này bị cho là lời lẽ xúc phạm đến một cán bộ đảng
biên tham gia sinh hoạt tổ phụ nữ khu phố nơi anh Uy đang sinh sống… Về
phần vật chứng thì cơ quan điều tra nêu ra 2 tờ giấy khổ A4 có hình
Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha với câu ‘Freedom for Nguyễn Phương
Uyên, Đinh Nguyên Kha. Bên cạnh đó còn có những áo thun in dòng cữ
Hoàng Sa- Trường Sa- Việt Nam, cũng như áo thun với dòng chữ No to
U-Line ở phía trước và phía sau là dòng chữ No-U FC; Xóa đường lưỡi bò,
bảo vệ biển đảo Việt Nam’…
Những chiếc áo thun có dòng chữ Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam, ‘Xóa
đường lưỡi bò’ là thể hiện yêu nước, lòng tự trọng dân tộc của bất cứ ai
liên quan trong vấn đề này; thế nhưng lại trở thành vật chứng trong vụ
án thì tôi cho là không bình thường, khó hiểu!
Luật sư Nguyễn Thanh Lương
Luật sư Nguyễn Thanh Lương, người nhận bào chữa cho vụ việc của Đinh
Nhật Uy vào chiều ngày 8 tháng 9 cho biết ý kiến ban đầu của ông về kết
luận điều tra đó:
Trong kết luật điều tra thì về vật chứng những hình ảnh của Nguyễn
Phương Uyên với những dòng chữ ‘Freedom for Nguyễn Phương Uyên’,
‘Freedom for Đinh Nguyên Kha’, hoặc những cuốn sách có tựa đề ‘Bên Thắng
Cuộc’ của Huy Đức là tài liệu của người khác làm ra; thậm chí những
chiếc áo thun có dòng chữ Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam, ‘Xóa đường
lưỡi bò’ là thể hiện yêu nước, lòng tự trọng dân tộc của bất cứ ai liên
quan trong vấn đề này; thế nhưng lại trở thành vật chứng trong vụ án thì
tôi cho là không bình thường, khó hiểu! Tuy nhiên để đi vào chi tiết
đúng sai thế nào, do hiện nay chưa đọc được hồ sơ nên tôi không bình
luận những vấn đề này; nhưng không bình thường, cảm thấy hoài nghi! Xin
dừng lại tại đó.
Blogger Mẹ Nấm, người lên tiếng phản đối biện pháp bắt người theo điều
258 của Bộ Luật hình sự Việt Nam có một số ý kiến sau khi đọc được Bản
kết luận điều tra của Công an Long An về vụ việc của anh Đinh Nhật Uy:
Anh Đinh Nhật Uy và mẹ. Danluan.org
Thật ra Bản kết luận điều tra của Cơ quan Điều tra tỉnh Long An là
điều rõ ràng phải cám ơn họ vì cho thấy quyền tự do ngôn luận của người
Việt Nam bị xâm phạm như thế nào!
Đối với góc nhìn của tôi, tôi nghĩ rằng họ không quá ‘ngu ngốc’ để ra
bản điều tra như vậy; có thể hướng là họ dùng Bản kết luận điều tra đó
để thả Uy sớm thôi. Riêng việc kết luận và đề nghị tịch thu tang vật cho
thấy rõ ràng thứ nhất quyền tự do ngôn luận của người Việt Nam bị xâm
phạm, thứ hai đường lối ngoại giao với Trung Quốc, Việt Nam vẫn rất dè
chừng và luôn trừng phạt những người có tiếng nói và quan tâm đến vấn đề
nhạy cảm như vậy.
Thật ra Bản kết luận điều tra của Cơ quan Điều tra tỉnh Long An là điều
rõ ràng phải cám ơn họ vì cho thấy quyền tự do ngôn luận của người Việt
Nam bị xâm phạm như thế nào!
Blogger Mẹ Nấm
Anh Đinh Nhật Uy bị bắt hồi ngày 12 tháng 6 vừa qua.
Giam giữ quá hạn qui định pháp luật
Một người hiện đang bị giam giữ với cáo buộc trốn thuế là luật sư Lê
Quốc Quân. Ngày xét xử đầu tiên của ông được đưa ra là ngày 9 tháng 7
nhưng chỉ một hôm trước khi diễn ra phiên xử, tòa án thông báo hoãn vì
thẩm phán Lê thị Hợp bị ốm đột xuất.
Luật sư Hà Huy Sơn, một trong những người tham gia bào chữa cho luật sư
Lê Quốc Quân cho biết đã hai lần có văn bản về vụ xét xử thân chủ khi
việc hoãn được một tháng và đến thời điểm hai tháng. Ông nói lại:
Về sự vi phạm, tôi đã có văn bản có ý kiến với Tòa án thành phố Hà
Nội rồi. Theo luật qui định hoãn phiên tòa chỉ có 30 ngày thôi, sau khi
quá 30 ngày tôi có văn bản nêu ý kiến về việc quá hạn đó đối với Tòa án
thành phố Hà Nội; nhưng họ không có ý kiến trả lời gì tôi cả. Hôm 3
tháng 9 vừa rồi tôi cũng có văn bản gửi chán án tòa án thành phố Hà Nội
là người có thẩm quyền tiếp tục giam giữ hay phải trả tự do cho luật sư
Lê Quốc Quân. Tôi căn cứ vào các qui định pháp luật thấy không có căn cứ
nào để tiếp tục giam giữ luật sư Lê Quốc Quân, tôi có ý kiến nói chánh
án phải có trách nhiệm và phải trả tự do cho Lê Quốc Quân; nhưng đến nay
tôi không nhận được trả lời nào từ phía tòa án cả.
Tôi căn cứ vào các qui định pháp luật thấy không có căn cứ nào để tiếp
tục giam giữ luật sư Lê Quốc Quân, tôi có ý kiến nói chánh án phải có
trách nhiệm và phải trả tự do cho Lê Quốc Quân; nhưng đến nay tôi không
nhận được trả lời nào từ phía tòa án cả
Luật sư Hà Huy Sơn
Tôi cũng đã đến gặp luật sư Lê Quốc Quân hôm thứ sáu vừa rồi. Cuộc
gặp kéo dài khoảng hơn 20 phút thôi. Mục đích trao đổi tình hình sức
khỏe và tình hình gia đình cho Lê Quốc Quân biết. Sức khỏe của Lê Quốc
Quân dù không được khỏe nhưng bình thường, tinh thần tốt. Tôi có trao
đổi về văn bản gửi cho chánh án; và tôi được biết ông Lê Quốc Quân bị
tạm giam mà không theo qui định của Luật Tố Tụng mà bị tạm giam theo đề
nghị Trại giam tiếp tục giam ông cho đến khi mở phiên tòa.
Xin phép được nhắc lại luật sư Lê Quốc Quân là một người công khai lên
tiếng cho quyền con người, cũng như là một biểu tình viên chống Trung
Quốc tích cực, nhất là hồi mùa hè năm 2011.
Ông bị bắt lần mới nhất hồi ngày 27 tháng 12 năm ngoái và bị giam tại
Trại giam số 1 Hỏa Lò từ đó đến nay. Lần thứ nhất ông bị bắt giam ba
tháng hồi năm 2007 sau khi tham dự khóa học của Cơ quan Hỗ trợ Dân chủ-
NED tại Hoa Kỳ về. Lần thứ hai ông bị giam chừng 10 ngày sau khi đến dự
phiên xử sơ thẩm của tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ hồi ngày 4 tháng 4 năm
2011. Ông cũng bị côn đồ đánh hồi tháng 8 năm ngoái.
Gia Minh, biên tập viên
RFA, Bangkok
2013-09-09
Blogger bị mời làm việc vì ‘tụ tập đông người ra đại sứ quán nước ngoài’
Blogger Nguyễn Đình Hà mặc áo trắng, thứ hai từ bên phải (Ảnh: Mạng lưới blogger Việt Nam)
09.09.2013
Một blogger bị chính quyền mời làm việc về việc ‘tụ tập đông người ra
đại sứ quán nước ngoài’ sau khi đến tòa đại sứ Mỹ và Thụy Điển trao
Tuyên bố 258 vận động áp lực Việt Nam hủy bỏ điều luật 258 về tội “lợi
dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”.
Blogger Nguyễn Thu Trang là một thành viên trong cuộc quốc tế vận của
Mạng lưới blogger Việt Nam đòi bãi bỏ điều luật mà họ cho là vi phạm
quyền tự do ngôn luận của công dân.
Trong thời gian từ cuối tháng bảy đến đầu tháng 8 vừa qua, cô cùng các
blogger trẻ trong nước có buổi tiếp xúc và làm việc với đại sứ quán của
Hoa Kỳ và Thụy Điển tại Hà Nội để bày tỏ sự bất bình của các ngòi bút
độc lập muốn được tự do thể hiện quan điểm công dân, phản đối điều luật
258.
Cuối tuần rồi, blogger Thu Trang nhận được giấy của công an quận Hà Đông
(Hà Nội) triệu tập vào ngày 9/10. Nội dung buổi làm việc được ghi rõ là
‘tụ tập đông người ra đại sứ quán nước ngoài’.
Tôi nói thẳng với họ (công an) Tuyên bố 258 là một kiến nghị sửa đổi
luật pháp Việt Nam để giúp đảm bảo quyền tự do của công dân và cải thiện
tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Việc chúng tôi đến đại sứ quán Thụy
Điển là quyền của công dân Việt Nam. Chúng tôi không vi phạm pháp luật
gì cả...
Trước blogger Thu Trang một số blogger khác trong nhóm vận động đã bị
mời làm việc với công an hoặc bị sách nhiễu, hay bị ngăn cản trong các
cuộc hẹn gặp với các đại sứ quán nước ngoài để trao Tuyên bố 258.
Trong số này có blogger Nguyễn Đình Hà, người đi cùng với blogger Thu
Trang trong cuộc gặp với đại sứ quán Thụy Điển đầu tháng 8 vừa qua và
cũng từng phải làm việc với công an trong số 3 lần bị triệu tập liên
quan đến cuộc quốc tế vận đầu tiên của giới blogger Việt Nam mà anh đang
tham gia.
Blogger Nguyễn Đình Hà:
“Họ hỏi chúng tôi đến đại sứ quán để làm gì, do ai mời, đến cùng với
những ai, vào trong đó nói cái gì. Giấy mời của tôi họ chỉ nói ‘làm việc
về vấn đề có liên quan’. Đến khi đến cơ quan công an, tôi mới được biết
là làm việc về việc tôi đã tới đại sứ quán Thụy Điển. Tôi nói thẳng với
họ Tuyên bố 258 là một kiến nghị sửa đổi luật pháp Việt Nam để giúp đảm
bảo quyền tự do của công dân và cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt
Nam. Tôi cũng nói thẳng với họ việc chúng tôi đến đại sứ quán Thụy Điển
là quyền của công dân Việt Nam. Chúng tôi không vi phạm pháp luật gì
cả.”
Trong khi giấy mời đối với blogger Nguyễn Đình Hà không ghi lý do và nội
dung làm việc cụ thể thì giấy triệp tập của blogger Thu Trang lại nêu
lý do về việc ‘tụ tập đông người ra đại sứ quán nước ngoài’. Về sự khác
biệt này, blogger Đình Hà cho rằng:
“Tôi thấy rõ sự khác biệt về mặt che dấu của cơ quan công an ở mỗi
địa phương có khác nhau. Giấy mời của tôi do công an phường Lý Thái Tổ,
quận Hoàn Kiếm, quận trung tâm của Hà Nội. Nó khác với [giấy mời của
Trang] từ phường La Khê, quận Hà Đông, một quận mới thành lập từ tỉnh Hà
Tây cũ. Cho nên, nó cũng có khác biệt về mặt trình độ và về mặt nghiệp
vụ che dấu của công an cũng có khác nhau.”
Nội dung làm việc như vậy cũng thể hiện sự xâm phạm quyền tự do đi lại
của công dân và những dân quyền cơ bản của công dân ngay tại đất nước
Việt Nam này...
Cộng đồng mạng cho rằng việc bị triệu tập về điều gọi là ‘tụ tập đông
người’ trong các cuộc gặp với giới chức ngoại giao nước ngoài là bằng
chứng nữa cho thấy quyền con người và quyền công dân bị vi phạm đến mức
nào ở Việt Nam giữa lúc Hà Nội vẫn tuyên bố với quốc tế là tôn trọng
nhân quyền và cố tìm một ghế trong Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc.
Blogger Nguyễn Đình Hà:
“Nội dung làm việc như vậy cũng thể hiện sự xâm phạm quyền tự do đi
lại của công dân và những dân quyền cơ bản của công dân ngay tại đất
nước Việt Nam này. Các điều luật liên quan đến cấm tụ tập đông người hay
xin phép để được tụ tập đông người đã vi phạm nhân quyền căn bản mà
chúng tôi trước nay vẫn phản đối. Đó là điều hoàn toàn phi lý và xâm
phạm đến quyền của công dân Việt Nam.”
Cuộc quốc tế vận phản đối điều 258 được Mạng lưới Blogger Việt Nam được
khởi xướng sau các vụ bắt giữ liên tiếp 3 blogger Trương Duy Nhất, Phạm
Viết Đào, và Đinh Nhật Uy vì điều 258.
Cuộc vận động đã đưa Tuyên bố 258 tới các cơ quan bảo vệ nhân quyền trên
thế giới trong đó có Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc, Tổ chức theo dõi
nhân quyền Human Rights Watch, Uỷ ban Luật gia Quốc tế, Uỷ ban bảo vệ
ký giả, Liên minh báo chí Đông Nam Á..v…vv.
Bất chấp các nỗ lực ngăn cản từ chính quyền, các blogger khẳng định
Tuyên bố 258 này sẽ tiếp tục được chuyển đến các quốc gia có cơ quan
ngoại giao tại Việt Nam ngoài các sứ quán đã đến như Hoa Kỳ, Thụy Điển,
Australia, và Đức.
Trà Mi-
VOA
Nguyễn Vạn Phú - Xung quanh câu chuyện đồng phục của học sinh
Câu chuyện chung quanh bộ đồng phục học sinh là một bức tranh thu nhỏ
xã hội hiện nay. Ban giám hiệu dưới sự quyến dụ của những phần trăm béo
bở mà nhà thầu may đồng phục hứa hẹn có thể ra lệnh bắt học sinh và phụ
huynh phải mua đồng phục của nhà trường bán. Hội phụ huynh học sinh,
thay vì thật sự đại diện quyền lợi của học sinh, lại đồng lõa với ban
giám hiệu, có thể vì lợi ích hay vì danh tiếng. Phụ huynh có tiếng nói
thì nghĩ vài ba trăm ngàn đồng không đáng để lên tiếng; phụ huynh nghèo
thì tiếng nói không có trọng lượng, chỉ biết than với nhau hay than trên
Facebook.
Nhìn ở góc độ thị trường, nơi thầu may đồng phục có thể tốn phần trăm
hoa hồng để thắng thầu nhưng ngược lại, được hưởng sự độc quyền nên có
thể tăng giá bán mà không ai cạnh tranh được.
Để ngăn chận bức tranh méo mó này, có nhiều giải pháp. Cách dễ nhất
là thuyết phục ban giám hiệu bỏ cái lệnh bắt buộc mua đồng phục này đi;
rằng ngày xưa hay ở nước khác, chỉ cần yêu cầu học sinh đi học phải mặc
áo trắng, quần xanh là đủ. Nhưng khổ nỗi, cái lợi ích kia nó lớn nên ban
giám hiệu sẵn sàng cãi lại, đặc trưng của nước ta là khác, không thể áp
dụng cách làm nơi khác, thời khác vào được.
Cách thứ nhì là làm sao cho hội phụ huynh can thiệp gây sức ép bắt
nhà trường bỏ quy định buộc mua đồng phục. Nhưng muốn thế thì hội phụ
huynh phải do phụ huynh bầu lên một cách thực chất chứ không hình thức,
làm cho có như hiện nay.
Cách thứ ba là nhờ báo chí lên tiếng. Báo chí thời gian qua cũng lên
tiếng khá mạnh nhưng chỉ tập trung vào một số tờ còn nhiều tờ khác vẫn
đang bận đăng tin “cướp, hiếp, giết, lộ hàng”…
Suy cho cùng cách hay nhất vẫn là nâng cao dân trí để từng học sinh,
từng phụ huynh hiểu được cái quyền của họ, rằng không ai có thể bắt họ
làm những điều mà luật pháp không quy định, họ có quyền tự may đồng phục
cho con em họ theo đúng quy chuẩn được công khai và đứng ra thách thức
bất kỳ ban giám hiệu nào đòi kỷ luật con em họ.
Nguyễn Vạn Phú
(
Blog Nguyễn Vạn Phú)
Nam Triều Tiên-Việt Nam sẽ ký hiệp định tự do thương mại năm 2014
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Phó Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Thị Doan.
09.09.2013
Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye
hôm 9/9 cho biết, Nam Triều Tiên và Việt Nam dự định hoàn tất đàm phán
hiệp định tự do thương mại vào năm tới.
Nam Triều Tiên là bạn hàng đứng hạng tư của Việt Nam và hiệp định này dự
kiến sẽ nâng mức trao đổi từ 20 tỉ đôla trong năm 2020 lên thành 70 tỉ
mỗi năm vào năm 2020.
Bà Park phát biểu như vậy tại Hà Nội hôm 9/9 trong chuyến đi Việt Nam bốn ngày lần này.
Bà nói tiếp: các công ty Nam Triều Tiên sẽ tăng đầu tư tại Việt Nam,
cùng lúc bà hy vọng Việt Nam sẽ cải thiện khung cảnh đầu tư.
Bà cho biết Nam Triều Tiên muốn giới thiệu công nghệ điện hạt nhân với
Việt Nam, và một cuộc nghiên cứu chung cho một dự án xây dựng một nhà
máy điện hạt nhân tại Việt Nam sẽ được khởi sự vào tháng 6 sang năm.
Trong ngày 9/9, bà Park và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã
chứng kiến lễ ký kết nhiều hợp đồng giữa hai nước trong các lĩnh vực
khoa học, môi trường , lao động, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, hậu
cần và ngân hàng.
Việt Nam và Nam Triều Tiên đang có mối quan hệ hợp tác chiến lược.
Các nhà đầu tư Nam Triều Tiên có 3.392 dự án tại Việt Nam với tổng vốn 25,7 tỉ đôla.
Nam Triều Tiên cũng viện trợ khá nhiều cho Việt Nam. Từ năm 2012 đến
2015, Nam Triều Tiên đã hứa vừa cho vay với lãi suất ưu đãi, vừa cho
không Việt Nam 1,2 tỉ đôla.
Tại cuộc hội thảo với các doanh nghiệp Nam Triều Tiên hôm Chủ nhật ở Hà
Nội, Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải nói rằng chính phủ Việt Nam
sẽ tiếp tục tạo cơ hội đầu tư thuận lợi cho đảng doanh nghiệp Nam Triều
Tiên.
Nguồn: Yonhap,Dow Jones Business News
(
VOA)
Báo chí Trung Quốc tiết lộ mức độ tham nhũng trong ngành đường sắt
Cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân bị kết án tử hình treo hồi tháng 7/2013 - REUTERS/CCTV
Bà Đinh Thư Miêu, một doanh nhân có
quan hệ mật thiết với ông Lưu Chí Quân (Liu Zhijun), cựu Bộ trưởng Đường
sắt Trung Quốc, đã giành được các hợp đồng trị giá 22 tỷ euro trong
vòng 5 năm, rồi giao lại cho khoảng 23 công ty thực hiện. Đó là tiết lộ
của báo chí Trung Quốc, trích dẫn nguồn tin từ Viện Kiểm sát.
Hồi tháng Bẩy, ông Lưu Chí Quân đã bị kết án tử hình treo, với các tội nhận hối lộ để phân phối hợp đồng, làm dụng quyền lực.
Sắp tới, đến lượt bà Đinh Thư Miêu sẽ phải ra tòa vì bị cáo buộc hối lộ 6
triệu đô la, cung cấp gái điếm cho ông Lưu, để giành được các hợp đồng.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình
« Đó là một phụ nữ, ít giáo dục và thiếu từ ngữ. Báo chí Trung Quốc
miêu tả bà Đinh Thư Miêu (Ding Shumiao), một phụ nữ hào phóng, bạn thân
của cựu Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc. Một phụ nữ ít giáo dục, nhưng
điều này không hề đúng khi bà ta lao vào bán nước ở chợ đen vào thời
điểm cao trào của cuộc Cách mạng Văn hóa.
Thời đó, hoạt động buôn bán của tư nhân bị trấn áp mạnh mẽ. Bị coi
là tư sản dưới thời Hồng vệ binh, bà Đinh đã nhanh chóng thích ứng với
một nước Trung Hoa mở cửa. Bà đã đổi vé tàu lấy trứng, mở quán ăn phục
vụ nhân viên hỏa xa, rồi sau đó, kinh doanh vận tải than, từ tỉnh Sơn
Tây giàu có.
Làm sao mà một người buôn bán trứng lại trở thành con gà đẻ trứng
vàng cho cựu Bộ trưởng đường sắt ? Nhân vật này thừa nhận là đã giúp đỡ
bà ta kinh doanh, bởi vì bà ta có thể dùng tiền để giải quyết mọi việc.
Tiền ư ? Bà Dinh không thiếu.
Dường như 23 công ty đã được bà ta giao thực hiện các hợp đồng, với
tổng giá trị lên đến 22 tỷ euro, trong vòng 5 năm, thời điểm mà Trung
Quốc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc rộng lớn nhất thế giới ».
Đức Tâm (
RFI)
Bắc Kinh thả nhà ly khai Sư Đào, bị đi tù năm 2005 vì Yahoo trao hộp thư cá nhân cho chính quyền!
Ông Jerry Yang, một trong những nhà sáng lập Yahoo! - REUTERS
Vụ việc đã gây tiếng vang lớn vào tháng 04/2005 : Một nhà ly khai Trung
Quốc phải ngồi tù vì các thư điện tử của ông bị tiết lộ. Vào thời điểm
đó, bộ phận phụ trách thư điện tử của tập đoàn Yahoo ! đã trao cho chính
quyền Bắc Kinh các thư của ông Sư Đào (Shi Tao). Hậu quả : Nhà báo ly
khai đã bị kết án 10 năm tù. Giờ đây, theo những người thân của ông, nhà
báo Sư Đào đã được trả tự do.
Đây là trường hợp mang tính biểu tượng cho 10 năm đấu tranh vì tự do
ngôn luận tại Trung Quốc. Trước Edward Snowden rất lâu, vụ Đào Sư là
trường hợp tiết lộ đầu tiên về việc các Nhà nước và chính phủ gây áp
lực, khống chế các tập đoàn lớn về internet.
Cho dù ông Jerry Yang, đồng sáng lập và là cựu Giám đốc Yahoo ! đã đưa
ra lời xin lỗi vào năm 2007, tập đoàn tin học này của Mỹ không bao giờ
thực sự chinh phục lại được lòng tin của những người sử dụng internet
tại Trung Quốc.
Vào năm 2004, ông Đào Sư, nhà báo và cũng là nhà thơ, đã bị bắt tại
thành phố Trường Sa (Changsha), tỉnh Hồ Nam (Hunan), ở miền nam Trung
Quốc. Ông vừa mới sử dụng hộp thư điện tử của mình trên Yahoo ! để gửi
thư từ đến một diễn đàn ly khai có cơ sở tại Hoa Kỳ, thông báo về một
chỉ thị mới do cơ quan tuyên giáo gửi tới các nhà báo Trung Quốc, vào
dịp 15 năm, ngày xẩy ra vụ thảm sát Thiên An Môn.
Vậy làm thế nào mà chính quyền Trung Quốc lại được thông báo về việc này
? Bộ phận Yahoo ! tại Hồng Kông thừa nhận là đã chuyển các thông tin
này để tuân thủ luật lệ Trung Quốc. Và tháng 04/2005, Sư Đào bị kết án
10 năm với tội danh phát tán các « bí mật của Nhà nước ».
Một nhà ly khai khác, Vương Tiểu Trữ (Wang Xiaoning) mà hộp thư của ông
trên Yahoo ! cũng được mở ra cho Bắc Kinh kiểm duyệt và ông cũng kết án
với tội hoạt động « lật đổ chính quyền Nhà nước ». Ông Vương đã phải
ngồi tù 10 năm và được trả tự do năm 2012.
Theo tổ chức « Văn bút quốc tế », ông Đào Sư đã ra khỏi nhà tù Ngân
Xuyên (Yinchuan – Khu tự trị Trữ Hạ Hồi tộc – phía đông bắc), ngày 23/08
vừa qua.
Trong bản báo cáo đầu tiên về minh bạch hóa, được công bố ngày 06/09,
tập đoàn Yahoo ! cho biết là đã nhận được 29 000 đề nghị cung cấp thông
tin về những người sử dụng internet, đến từ 16 quốc gia, trong đó, đa số
là các đề nghị từ phía chính quyền Mỹ.
Phiên bản Trung Quốc của trang chủ Yahoo ! và dịch vụ thư điện tử cho nước này đã đóng cửa vào tháng trước.
Đức Tâm (
RFI)
Bầu thị trưởng Moscow: Ai là người chiến thắng thực sự?
Lãnh tụ đối lập Alexei Navalny phát biểu trước báo giới tại Moscow, ngày 9/9/2013.
09.09.2013
Ông Alexei Navalny thua trong cuộc đua
giành chức thị trưởng Moscow hôm Chủ nhật, nhưng nhiều người xem ông mới
là người thắng cuộc.
Không được lên TV nói chuyện, không được cho treo băng rôn, ông Navalny
đã sử dụng đạo quân tình nguyện 14.000 người trẻ. Theo cuộc thăm dò của
trung tâm Levada, 69% cử tri có liên hệ cá nhân với một người tình
nguyện của Navalny.
Nhà phân tích Lilia Shevtsova nói rằng cách vận động theo kiểu Mỹ của
Navalny là một bước ngoặt trên sân khấu chính trị hiện đại của Nga:
“Ông ấy tuy chỉ được trên 27% phiếu bầu, nhưng đã tạo được một khối cử tri được xem là một thế hệ mới của Nga.”
Đánh đi một tín hiệu
Bà Olga Shukovskaya, 40 tuổi, luật gia nhân quyền, cho biết:
“Tôi đã bỏ phiếu cho Navalny vì tôi tin ông sẽ bảo vệ quyền tự do được
đi bầu cơ bản của tôi, thay vì quyền mà tôi được ban phát.”
Anh Konstantin Boryatski, 29 tuổi, chuyên viên công nghệ thông tin, nói
anh bầu cho Navalny để đánh đi một thông điệp cho thị trưởng hiện nay:
“Tôi thấy thị trưởng hiện nay có nhiều sai lầm, tôi muốn ông ấy nghe
tiếng nói đối lập và để cho đối lập được phát biểu, vì họ cũng có những ý
kiến tốt.”
Nhà phân tích Shevtsova giải thích tại sao thắng lợi 51% của đương kim
Thị trưởng Sergei Sobyanin, một người được Điện Kremli ủng hộ, là một
thất bại:
“51% cho một ứng cử viên của Điện Kremli thực sự là khá thấp. Đây là một
thất bại năng nề của Điện Kremli vì họ đã dùng đủ mọi cách để người dân
đi bầu thật đông.”
Mặt sáng của Sobyanin
Các cử tri ủng hộ ông Sobyanin nói rằng ông làm việc đắc lực cho Moscow, thành phố có 12 triệu dân.
Elena Toyakova, nhân viên ngân hàng, nói thành phố có nhiều thay đổi nhờ Sobyanin:
“Tôi thấy thành phố thay đổi theo hướng khá hơn.”
Bà Tatyana Alexseeyevna, giáo viên 62 tuổi, cho biết:
“Dĩ nhiên có những điểm tiêu cực, nhưng tôi nghĩ có nhiều điểm tích cực
hơn, do đó, tôi ủng hộ Sobyanin và tôi tin rồi đây mọi chuyện sẽ khá
hơn.”
Vị trí thị trưởng Moscow được xem là vị trí quyền lực số ba tại Nga, sau tổng thống và thủ tướng.
Vị trí thị trưởng cũng được xem là bàn đạp để nhảy lên hai vị trí kia.
Nhưng trước tỷ lệ thắng của Sobyanin và số người đi bầu đều không cao,
tương lai sự nghiệp chính trị của Sobyanin vẫn còn bấp bênh.
Nhà phân tích Shevtsova nhận xét:
“Sobyanin không được kể là người kế vị sáng giá để thế chỗ cho Putin.”
Trong khi chờ đợi, Điện Kremli có lẽ cũng yên tâm vì Moscow vẫn còn trong vòng tay của phe ta.
(
VOA)