Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Người Trung Quốc lập xóm, lập phố và sẽ lập gì nữa?

(Dân trí) - Tại phiên thảo luận về Dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chiều 28.11, các đại biểu Quốc hội nêu lên một vấn đề rất đáng lo ngại, lao động nước ngoài, đông nhất là từ Trung Quốc, nhập cư vào Việt Nam, đang “lập xóm, lập phố ở một vài địa phương”.

 
 (Minh họa: Ngọc Diệp)
 (Minh họa: Ngọc Diệp)
  
Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, có hàng ngàn lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc tại các công trình xây dựng, nhất là các dự án do Trung Quốc trúng thầu như Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau, Xi măng Ninh Bình, Tây Ninh, bauxite Lâm Đồng...

Nói là lao động nước ngoài chung chung, nhưng ai cũng biết chủ yếu là người Trung Quốc. Họ có mặt từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào đến Cà Mau, lên tận Tây Nguyên, rải dài các tỉnh duyên hải miền Trung, các tỉnh Đông Nam Bộ. Có những nơi, họ sống theo xóm, theo phố. Dân mình cũng lập phố đưa biển hiệu như phố Tàu. Mới đây, báo chí đưa tin phố Tàu ở Bình Dương là một ví dụ.

Người Trung Quốc sang Việt Nam bằng con đường du lịch, rồi ở lại làm việc cho các công trình của nhà thầu Trung Quốc. Số lao động được cấp phép và không được cấp phép khó nắm được hết. Chỉ riêng ở khu kinh tế Vũng Áng, chỉ có 1.100 người nước ngoài được cấp phép lao động, nhưng tại đây có đến 2.600 lao động nước ngoài, trong đó lao động Trung Quốc là 1.526 người.

Các nhà thầu Trung Quốc nhận thầu tại Việt Nam, họ tìm cách đưa người của họ sang để “tranh” việc làm. Lao động phổ thông trong nước thất nghiệp ngày càng cao, nhưng kiếm một chỗ làm ở các nhà thầu Trung Quốc là rất khó.

Ở các thành phố, bác sĩ Trung Quốc (chưa biết thật giả) sang mở phòng khám chui lấy tiền dân mình, để lại nhiều hậu quả kinh hoàng, nhưng không hiểu vì sao chỉ chuyện này thôi cũng không quản được.

Ở các dự án bauxite Tây Nguyên cũng vậy, lao động Trung Quốc sang lập thành khu vực riêng biệt, làm việc và sinh sống trên cao nguyên. Ngoài giờ làm việc, đàn ông Trung Quốc cũng chẳng ngại gì mà không tìm vợ Việt Nam khi có cơ hội, thế là gia đình Hoa - Việt ngày càng nhiều, người Trung Quốc cắm rễ trên đất Việt Nam với tư cách là chàng rể. Lấy vợ, sinh con rồi cất nhà, sinh sống ở Việt Nam. Từ lao động bất hợp pháp thành công dân hợp pháp.

Với việc đưa dân sang lao động như các nhà thầu Trung Quốc đang làm, chỉ cần chục năm nữa, người Trung Quốc ở Việt Nam sẽ nhân lên gấp nhiều lần hiện nay, lúc đó sẽ không chỉ là xóm, là phố, mà cả khu người Hoa khắp đất nước này.

Các nhà quản lý không thể không nhận thấy phương cách “gặm nhấm” trên đất theo cách này của họ.

Lê Chân Nhân
Nguồn: http://dantri.com.vn/blog/nguoi-trung-quoc-lap-xom-lap-pho-va-se-lap-gi-nua-1386258497.htm

BHXH đang tận thu doanh nghiệp?


Thùy Dung

 

 

 

 

Tỷ lệ đóng và mức đóng cao có thể dẫn đến tình trạng lao động sẽ chuyển sang các công ty trốn đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng mức lương cao hơn. Ảnh: UYÊN VIỄN
Từ năm 2018, người lao động phải đóng BHXH + phí công đoàn là 34,5% tổng thu nhập thực tế, tức là hơn 1/3 số lương thực tế (trong đó người lao động tự đóng 10.5%, doanh nghiệp đóng hộ 22%, phí công đoàn 2%). Không hiểu trên thế giới có quốc gia nào đóng BHXH nhiều như vậy không, nhưng thực tế như vậy thì chẳng khác gì bóp chết tất cả các doanh nghiệp. 

(TBKTSG) - Đến năm 2018, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ dựa trên tổng thu nhập của người lao động thay vì lương cơ bản như hiện nay. Theo nhiều doanh nghiệp, như vậy là BHXH đang tận thu của cả doanh nghiệp và người lao động.
Hai năm tăng một lần
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, cho biết hiện nay tỷ lệ BHXH mà các doanh nghiệp phải đóng là 22% mức thu nhập người lao động (trong đó BHXH là 18%, bảo hiểm y tế (BHYT) 3% và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 1%) và người lao động phải đóng 10,5%. Như vậy, cả người lao động và doanh nghiệp phải đóng cho quỹ BHXH tổng cộng 32,5%, nếu tính cả kinh phí công đoàn thì con số lên 34,5%.
Chiếu theo thang bảng lương mà công ty ông Dương đóng cho người lao động, mỗi tháng số tiền đóng BHXH cho mỗi lao động là 1,25 triệu đồng, tương đương một phần ba lương tối thiểu vùng theo quy định hiện nay. Như vậy, với quy mô 2.000 lao động, mỗi tháng công ty này phải trả khoảng 2,5 tỉ đồng cho khoản này, tương đương 30 tỉ đồng mỗi năm.
“Con số này là quá lớn”, ông Dương nói và cho hay, số tiền này không chỉ tạo gánh nặng lên cả người lao động và người sử dụng lao động mà còn triệt tiêu sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập khi các nước trong khu vực có mức đóng thấp hơn nhiều.
Hơn nữa, theo điều 89, Luật BHXH 2014 quy định, từ ngày 1-1-2016 đến ngày 1-1-2018, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương và phụ cấp lương; từ ngày 1-1-2018 trở đi: tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Theo tính toán của ông Dương, đến năm 2016 số tiền đóng BHXH cho mỗi lao động sẽ tăng thêm 400.000 đồng và tính đến năm 2018 sẽ tăng 400.000 đồng nữa. Như vậy, tổng số tiền đóng BHXH cho mỗi lao động là hơn 2 triệu đồng, trong đó, doanh nghiệp sẽ đóng khoảng 1,3 triệu đồng và người lao động đóng 700.000 đồng. Với mức tăng như vậy thì số tiền bỏ ra để đóng quỹ BHXH cho toàn bộ 2.000 lao động của công ty sẽ lên tới hơn 40 tỉ đồng.
“Dường như quỹ BHXH đang tận thu của doanh nghiệp và người lao động”, tỷ lệ đóng và mức đóng cao như vậy sẽ dẫn tới tình trạng lao động sẽ chuyển sang các công ty trốn đóng BHXH để được hưởng mức lương cao hơn, ông Dương nói.
Tại một hội thảo gần đây về tiền lương, ông Trương Văn Cẩm, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho hay từ năm 2010, cứ hai năm Việt Nam lại tăng tỷ lệ đóng các loại phí liên quan tới lao động một lần. Tính tới nay, nếu tính tất cả các khoản đóng của doanh nghiệp và người lao động cho BHXH, BHYT, BHTN và phí công đoàn thì doanh nghiệp phải đóng tới 34,5%, chưa kể 1% kinh phí công đoàn ở những nơi có công đoàn cơ sở. “Đồng hành” với mức tăng tỷ lệ đóng là mức tăng lương tối thiểu vùng hàng năm. Điều này là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), so với một số nước trong khu vực thì Việt Nam là nước có mức đóng BHXH, BHYT, BHTN, công đoàn phí do chủ sử dụng lao động đóng cao nhất so với các nước trong khu vực (cao hơn Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Myamar, Lào). Ví dụ, hiện Malaysia chỉ đóng 13%, Philippines 10%, Thái Lan 8%, các nước khác còn thấp hơn.
Liệu có khả năng giảm tỷ lệ đóng và kéo dài thời gian đóng?
Theo một chuyên gia về BHXH (đề nghị giấu tên), theo Luật BHXH năm 2006 số tiền làm cơ sở đóng BHXH là lương cơ bản. Nhưng luật BHXH sửa đổi 2014 quy định đến năm 2016 sẽ đóng trên các khoản phụ cấp có tính chất lương và đến năm 2018 là các chi phí bổ sung khác.
Vị chuyên gia này thừa nhận tỷ lệ đóng BHXH của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trong khu vực, song hiện nay vẫn đóng trên nền là tiền lương cơ bản nên về giá trị tuyệt đối thấp hơn các nước. Đến năm 2018, nền đóng sẽ tăng lên nhưng vẫn chưa tăng đến mức tổng thu nhập mà chỉ tính trên các khoản bổ sung khác, không bao gồm ăn giữa ca, đi lại, phụ cấp chăm con...
“Vấn đề hiện nay là cơ quan chính sách phải đưa ra khái niệm thế nào là phụ cấp có tính chất lương, và áp dụng trên cả nước chứ không thể doanh nghiệp này coi khoản này là phụ cấp lương còn ở doanh nghiệp khác lại không thì không được”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Nói về việc liệu có thể thay đổi tỷ lệ đóng và kéo dài thời gian đóng như đề nghị của các doanh nghiệp, vị chuyên gia này cho hay, khó có khả năng có thể thay đổi xét trên khía cạnh cân đối quỹ BHXH trong dài hạn.
Thực tế, quỹ BHXH cân đối tại thời điểm này nhưng sẽ mất cân đối tại thời điểm khác do số người hưởng BHXH luôn lớn hơn số người mới tham gia. Muốn cân đối quỹ BHXH trong dài hạn thì có những phương pháp như tăng mức đóng, giảm mức hưởng; nâng thực đóng của doanh nghiệp; tăng tuổi nghỉ hưu; tăng đầu tư sinh lời của quỹ và tăng độ bao phủ.
Trong từng giai đoạn, nhà làm chính sách sẽ phải lựa chọn giải pháp ưu tiên. Năm 2006, Luật BHXH chọn giải pháp tăng tỷ lệ đóng BHXH. Do đó, Luật BHXH 2014 phải tìm các biện pháp để tăng mức đóng như: nâng tuổi nghỉ hưu, tăng số tiền làm cơ sở đóng BHXH và mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cho lao động có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng... Do lộ trình luật đã đưa ra rõ ràng nên khả năng thay đổi sẽ rất khó.
 

nguồn:  http://www.thesaigontimes.vn/137993/BHXH-dang-tan-thu-doanh-nghiep.html