Đúng vậy. Không phải chỉ cái thông tin tăng giá điện 5%, bắt đầu từ
tháng 8, của “nhà điện EVN” khiến cả xã hội, từ người dân đến các doanh
nghiệp nháo nhào. Mà trong tuần này, vụ việc của nhiều ngành chả liên
quan gì đến điện cũng khiến xã hội giật mình… té ngửa, hệt bị điện giật.
Sau cú té ngửa là bàng hoàng, đau xót, và phẫn nộ.
“Nhân bản” hay phi nhân bản?
Đó là vụ việc “nhân bản” của Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) đang gây sốc nặng cho xã hội (1).
Nói thẳng, cái khái niệm “nhân bản” y học, ở đây thực chất là hành vi
“phi nhân bản” của đạo đức con người, của gần chục vị nhân viên khoác
áo blouse trắng tại khoa này.
Sự việc bị phát hiện thật kinh hoàng: Một phiếu xét nghiệm huyết học
nhưng được trả để dùng cho nhiều bệnh nhân, bất kể tuổi tác, bất kể giới
tính, bất kể thể trạng bệnh tật: Lao phổi, áp xe cạnh hậu môn, viêm phế
quản, viêm ruột thừa… Bất kể, chung tất!
Người đọc sẽ nghĩ gì khi kết quả xét nghiệm huyết học cụ già 80 tuổi
có thể “chung” với em bé 22 tháng tuổi; thậm chí với bé chỉ 04 tháng
tuổi?
Vì sao? Vì như thế
bệnh viện vừa không mất tiền hóa chất, có “kết
quả” trả cho người bệnh trong thời gian sớm nhất, tạo sự hài lòng giả
tạo, khiến bệnh nhân kéo tới càng đông. Nói như chị Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ xét nghiệm của khoa, người phụ nữ dũng cảm đã lôi sự việc ra ánh sáng, là
nhân dân thì bị nhận một dịch vụ lừa đảo. Liệu có phải là là một sự trục lợi bảo hiểm y tế có chỉ đạo, tổ chức?
Kinh khủng, ngay cả với bệnh nhân cấp cứu, họ cũng chỉ ghép kết quả
xét nghiệm máu của người khác vào, chứ không làm xét nghiệm thật. Đương
nhiên kết quả xét nghiệm huyết học sai lệch sẽ dẫn đến những chẩn trị,
điều trị sai lệch.
Đó đâu chỉ vì tiền. Đó còn chính là tội ác!
Sinh- tử của bệnh nhân, nhiều khi “nói” rất rõ phẩm hạnh người thầy thuốc.
|
Phòng lấy bệnh phẩm, khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức |
Thông tin tổng hợp cho biết, từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013, hơn
1000 phiếu xét nghiệm huyết học được bệnh viện này “nhân bản” và trả cho
hơn 2000 bệnh nhân. Còn trước đó nữa ra sao? Nghe mà cứ tưởng như nội
dung của một bộ phim hình sự về tội ác trong y học của nước tư bản nào.
Máu thì đỏ, nghề thì từ tâm, mà sao tim con người lại nhẫn tâm đến thế?
Có ai trong số những kẻ khoác áo blouse trắng này nghĩ rằng, nếu
người thân ruột rà của họ nằm trong số hồ sơ huyết học được “nhân bản”,
sẽ ra sao? Người viết cứ nghĩ mãi về sự liều lĩnh, man trá thản nhiên,
bất chấp tính mạng bệnh nhân của họ, mà không giải thích nổi. Chỉ có thể
nghĩ rằng, âu, họ cũng có chung một “nhân bản” khác: Đó là sự vô lương
tâm!
Được biết, ngành y tế đã chỉ đạo làm nghiêm khắc vụ việc động trời
này. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an HN cũng đã khởi tố vụ án.
Nhưng còn bao nhiêu vụ việc vô trách nhiệm khác trước sinh tử con
người, sinh tử trẻ em? Mới đây, lại thêm cái chết tức tưởi của hai mẹ
con sản phụ tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa TƯ Cần Thơ. Dư luận xã hội
đang chờ thái độ sòng phẳng của ngành.
Ở góc độ khác, liên quan đến “sinh- tử” của văn hóa xã hội, mới đây,
một vị Phó Chủ tịch t/p Đà Nẵng đặt câu hỏi về hiện tượng mại dâm, trước
sức sống … “bất tử” của nó.
Đến mức đi thực tế một bản vùng cao, từ huyện vào bản mất 03 giờ đồng
hồ, một năm, ngân sách được giao có 11 triệu, nhưng chỉ thu được 03
triệu, một xã khác, 06 tháng đầu năm thu được có vỏn vẹn 500 ngàn đồng,
mà vẫn có mại dâm. Thật đáng nể!
Thế nhưng, cái nghề đó, hóa ra giờ đây nó nảy nở ở ngay chính những
mảnh đất mang tính đặc thù, tưởng là phải “miễn dịch”- giáo dục.
Thậm chí, nó còn mang tính “kế thừa” một cách tủi nhục, từ cấp học
cao đến cấp học thấp hơn, từ thầy giáo phổ thông, đến các nữ sinh đại
học vừa bị bắt vì làm gái mại dâm, hoặc to gan hơn, có nữ sinh còn cầm
đầu đường dây mại dâm, diễn ra ở các vùng miền: t/p HCM, Quảng Bình, Hà
Nội… làm nên “cặp đôi hoàn hảo” bẽ bàng?
Giáo dục bị tổn thất nhiều, và cũng làm xã hội tổn thương nhiều.
Nhưng sự tổn thất và tổn thương kiểu này, nó để lại “bia miệng” thế
gian, không sao… mòn được. Đó mới là điều cay đắng.
Sau vụ vị hiệu trưởng một trường THPT miền núi cao Hà Giang mua dâm
trẻ vị thành niên bị án 09 năm tù, đến lượt ông C.T.H, Hiệu trưởng
Trường THCS Hoàng Văn Thụ ở tỉnh miền núi thấp Thái Nguyên, cũng vừa bị
cơ quan chức năng bắt, điều tra về hành vi chứa chấp gái mại dâm, khiến
người dân, các bậc cha mẹ học sinh nhà trường… té ngửa (Baomoi.com, ngày
04/8).
Được biết, gia đình ông này có mở nhà trọ.
Nói cho công bằng, nhà nghỉ, nhà trọ trong xã hội giờ đây như nấm sau
mưa. Việc chứa chấp gái mại dâm trong nhà trọ của ông C.T.H chỉ là câu
chuyện
kính thưa các nhà nghỉ bị lộ và chưa bị lộ, mà thôi.
|
Ảnh minh họa |
Nhưng vụ việc và hình ảnh ông thầy đáng kính, mà sản phẩm giáo dục,
dạy dỗ của ông là những đứa trẻ thơ dại, lại đi chứa chấp gái mại dâm,
nó nhơ nhớp và đau xót lắm.
Vì “GD- nhà trường- ông thầy”, luôn là một lãnh địa đặc thù, phải bảo
đảm sự lành mạnh. Người ta không thể “trồng người” thành công, nếu trí
tuệ, đặc biệt tâm hồn, nhân cách, phẩm hạnh của người trồng bị …tàn phá,
hay đục ruỗng. Chính sự khắc nghiệt của nghề, đòi hỏi những ai dấn thân
vào nghề nhớ tới câu Kiều để tự “dọn mình” trước vị Chúa- Lương tâm và
phẩm cách:
Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa…
Đó là cái vinh, cái nhọc của nghề làm thầy thiên hạ, phải ý thức sâu
sắc lắm, mới có thể gánh trọn bổn phận. Có điều, cái gánh đó quá nặng
với sức khỏe phẩm cách của ông C.T.H? Lạ nhất, ngay khi bị bắt, ông còn
cho rằng-
có lẽ trước đây, xin phép xây dựng một sân bóng cho học
sinh trong trường, trên nền một nghĩa trang cũ, và cho thi công nên mới
gặp hạn. Vì sao, đến ngay cả lúc bị tạm giam, ông vẫn đổ và chỉ thấy “trách nhiệm” là các…linh hồn ở nghĩa trang?
“Sinh- tử” của nhân phẩm, rất lớn. Nhưng có khi lại bé mọn đến không ngờ.
Những ngày qua, câu chuyện nghĩa hiệp của Trần Hữu Hiệp, giữa dòng
nước xiết, vẫn nhường áo phao của mình cho người khác, trong vụ chìm tàu
ở biển Cần Giờ, khiến xã hội vô cùng khâm phục, phải kính cẩn nghiêng
mình trước vong linh người thanh niên 25 tuổi. Thì một câu chuyện khác,
của những chi đoàn thanh niên các trường THPT huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An),
lại khiến xã hội bất bình, khinh thường.
Đó là sau tham gia chương trình “góp đá xây Trường Sa”, do TƯ Đoàn
phát động, họ đã không nộp hết số tiền các đoàn viên quyên góp, mà tự ý
nhập vào quỹ riêng, “ngâm tiền” trái với quy định (Pháp luật &Xã
hội, ngày 05/8)
Hoàng Sa- Trường Sa luôn là nỗi đau, là cái tên thiêng với những
người Việt yêu nước. Làm bao nhiêu cho HS- TS cũng không đủ, sống bao
nhiêu cho HS- TS cũng không đủ. Vì đó là chủ quyền nước Việt đang bị
thách thức nghiêm trọng.
Số tiền bị “ngâm” không lớn, nhưng chính vì thế, nó làm dư luận xã
hội kinh ngạc. Một số tiền nhỏ, cho một việc làm ý nghĩa lớn như vậy, mà
họ, những chi đoàn thanh niên đã không làm tròn bổn phận, hơn nữa, còn
có ý định cất riêng.
Vì sao, biển ở nơi này, một người thanh niên có thể quên thân, biển ở
nơi kia, nhân danh tổ chức đoàn cơ sở, lại có thể… “vì thân” đến vậy?
Còn trẻ đã nghĩ tới cái lợi riêng. Lớn nữa có danh có lợi, có quyền, thì
con đường từ ăn nhỏ đến ăn lớn, từ “ngâm tiền” đến tham nhũng, nhóm
lợi ích, chắc chắn rất gần.
Những hiện tượng nêu trên, có liên quan gì đến câu nhận định nhức
nhối của nhiều vị GS “Nhân cách trong học đường rất đáng ngại” (VOV,
ngày 04/8) trong một hội thảo về GD mới đây?
Thật ra, nhận định đó không còn là thời sự nữa. Bởi thực chất, nó tồn
tại và lưu cữu hàng mấy chục năm nay. Nhưng nó luôn nóng hổi, vì xét
cho cùng, đạo đức học đường xuống cấp vẫn là cái gốc, cái mầm của cái
xấu, thậm chí là của tội ác, của sự băng hoại các giá trị văn minh, văn
hóa xã hội.
|
Làm bao nhiêu cho HS- TS cũng không đủ, sống bao nhiêu cho HS- TS cũng không đủ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ngành GD, trải qua 04- 05 cuộc cải cách, đổi mới, trọng tâm duy nhất
của ngành, tiếc thay chỉ đủ sức tập trung cho việc dạy chữ, mà cũng…
chưa xong.
Cũng như ngành y tế, đến lúc, ngành GD phải có những đổi thay quyết
liệt nhưng không chỉ đơn thuần chuyện dạy chữ, chuyện thi cử, điểm cao
điểm thấp, mà quan trọng không kém, là chuyện dạy người.
Bởi đó mới chính là sứ mệnh nhân bản nhất, là lý do để ngành GD tồn
tại. Dĩ nhiên, sự đổi mới của GD không thể không gắn với đổi mới mạnh mẽ
cơ chế quản lý chính trị- kinh tế- xã hội, một điều kiện tiên quyết.
Tâm trạng nhân dân còn… “khó tả” hơn
Cho dù hai cơn bão số 05, 06 đổ bộ cùng mưa gió diện rộng tơi bời
nhiều tỉnh, vẫn không làm hạ được nhiệt lượng- cơn sốt tăng giá điện 5%
của EVN bất ngờ kiểu “du kích” đối với xã hội (1.508,85 đồng/ kWh). Như
vậy, từ tháng 7/2012 đến nay, ngành điện đã 03 lần tăng giá. Không biết
đã
quá tam ba bận chưa, hay sẽ là
n bận?
Hàng trăm bài báo, bài viết trên các trang mạng xã hội phản biện lại
chủ trương này dưới đủ các tiêu đề. Thậm chí ở Thanh Hóa, gần 400 ki-ôt
của tiểu thương đồng loạt đóng cửa phản đối giá điện “cắt cổ”.
Giá điện tăng, trước đó, giá xăng dầu tăng, giá sữa tăng tới 05 lần
(từ 5- 20%), kéo theo tất cả giá các mặt hàng, cho tới tận mớ rau, con
cá, hoa quả…, cũng đi lên. Đương nhiên mức sống của người dân buộc phải
đi xuống. Trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, sự đóng băng của bất động
sản, giá vàng lúc cao lúc thấp, xoay như chong chóng, khiến người dân
như mắc “dịch”… rối loạn tiền đình!
Tối 04/8, trả lời phỏng vấn của báo chí, trong mục Dân hỏi- Bộ trưởng
trả lời, được phát trên VTV1, Bộ trưởng Bộ Công thương có một phát ngôn
ấn tượng:
Cứ mỗi lần đặt vấn đề điều chỉnh giá điện, chúng tôi có tâm trạng rất khó tả.
Sau phát ngôn đó, lập tức báo chí, người dân đáp lời bằng những cái tít thẳng thắn:
Bộ trưởng “khó tả”, dân và doanh nghiệp “khó thở” (VietNamNet, ngày 06/8
); Tâm trạng “dễ tả” của người dân (Nông nghiệp VN, ngày 06/8):… Đó là sự BỨC XÚC.
Những tít báo, những câu trả lời ngắn gọn, hàm chứa thực trạng đời
sống của người dân, kể cả sự lao đao của không ít doanh nghiệp.
Thật ra thì tâm trạng người dân còn
khó tả hơn nhiều, thưa Bộ trưởng. Vì tâm trạng
khó tả của
ông, chỉ diễn ra vài giây. Rồi ông sẽ trở về với trạng thái bình tâm
như vừa làm tròn bổn phận, khi người dân dù muốn dù không vẫn phải chấp
nhận giá điện tăng 5%. Vì có gia đình nào cuộc sống không cần điện?
Còn tâm trạng
khó tả của người dân thì diễn ra ngày ngày,
tháng tháng, và quanh năm, khi phải luôn đối mặt với những chỉ số leo
thang giá cả vô hạn định và bất ngờ như “đánh úp”.
Sự bức xúc của người dân là có lý, sự phản biện của báo chí trước cách tăng giá điện 5% là có lý.
Bởi, ngành điện đã không hề thực hiện theo ý kiến của Chính phủ, việc
tăng giá điện cần phải có lộ trình, và phải có ý kiến phản hồi từ phía
người dân.
Bởi, mặc dù tính toán theo EVN, là để bù lỗ cho giá than, giá khí
tăng, những nguyên liệu đầu vào của giá điện, nhưng theo nhiều chuyên
gia kinh tế, EVN đã không bao giờ công khai cụ thể chi phí tăng thế nào,
tăng ở những khâu nào
.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh:
Các giải trình tăng giá điện từ trước đến nay lần nào cũng chung chung.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:
Với điện, lâu nay vẫn chỉ có một
chiều là tăng mà không có giảm. Không chỉ EVN, mà cả nhà điều hành đang
nợ người dân sự công khai, minh bạch với giá điện. Nhưng công khai, minh bạch là món nợ đối với người dân, không chỉ trong lĩnh vực tăng giá điện, mà trong nhiều vấn đề khác nữa.
|
Người dân dù muốn dù không vẫn phải chấp nhận giá điện tăng |
Còn chuyên gia Nguyễn Minh Phong:
Giá điện các công ty tư nhân bán
cho EVN chỉ khoảng hơn 700 đồng/ kwh, còn giá EVN bán ra, lên tới hơn
1.400 đồng/ kwh. Vậy số tiền chênh 700 đồng/ kwh được tính vào những chi
phí nào để có mức tiền chênh lớn như thế? (2)
Bởi, nhiều ý kiến khác nghi ngờ, phải chăng ngành điện đang cố gắng
lấy tiền tăng giá bán để bù đắp cho những khoản lỗ đầu tư ngoài ngành,
kiểu
của người phúc ta?
Bởi, người dân cũng chưa quên, trước đó, dư luận xã hội từng xôn xao
trước đồng lương khủng của EVN. Mức lương của lãnh đạo EVN hơn 600 triệu
đồng/ năm. Mức lương cán bộ văn phòng- 30 triệu đồng. Mức lương trung
bình của cán bộ, công nhân viên là 7,5 triệu đồng. Vậy mà đã là nỗi ‘đau
lòng” của ông Tổng Giám đốc khi đó, trong khi mức lương này còn cao hơn
cả các doanh nghiệp có mức lương trung bình đầu bảng.
Một doanh nghiệp làm ăn lỗ lãi, bao giờ cũng phản ánh ở mức lương của
cán bộ, công nhân viên. Khó có một doanh nghiệp nào, làm ăn thua lỗ, mà
lương cao chất ngất.
Có thể, khi tăng giá điện 5%, EVN mong muốn người dân biết chia lửa,
thông cảm với khó khăn của một tập đoàn kinh tế lớn. Người dân Việt bản
chất vốn dễ đồng cam cộng khổ, thế nhưng, trước món nợ “công khai, minh
bạch” này, người ta có quyền hoài nghi: “Lửa” thì dân chịu, còn “chia”
thì các bác EVN hưởng?
Công khai minh bạch, quả là món nợ khó trả, nên tại cuộc họp báo mới
đây nhất, trước những câu hỏi, chất vấn khó nhằn của báo chí, Thứ trưởng
Bộ Công thương, bà Hồ Thị Kim Thoa cũng có một phát ngôn ấn tượng không
kém:
Tôi xin phép tại họp báo không trả lời nữa.
Không trả lời nữa và
không trả lời nổi, khác hẳn nhau về bản chất. Mà ở đây, có lẽ là
không trả lời nổi, thưa Thứ trưởng?
Nhưng EVN lại có một điều có lý duy nhất: Điện là lĩnh vực họ độc quyền!
Đã là độc quyền, thì hay dở tốt xấu gì, người dân đều phải chịu? Muốn
giá điện thực sự “lành mạnh”, trước sau phải xóa bỏ độc quyền.
Bình yên là trạng thái tâm lý hạnh phúc của con người. Nếu vậy, người
dân Việt chỉ có mong ước: Đó là không phải luôn “giật mình…té ngửa”, vì
những thứ nghịch lý, và phi nhân bản đến đau lòng.
Đến bao giờ?
Theo Kỳ Duyên – Tuanvietnam
Ông quan và anh bồi
Có người đã đếm được 11 lần cụm từ “cải cách hành chính” mà
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã dùng trong bài trả lời không dài
lắm trên chương trình “dân hỏi- Bộ trưởng trả lời”.
Phải thôi. Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì không thể không nói đến cải cách
hành chính, để đạt được mục tiêu, nói một cách dân giã là xóa bỏ thực tế
trường kỳ “hành là chính” vốn biến “hành chính” suốt bao năm qua, thành
cái ách quàng lên cổ người dân mỗi bận “đáo” cửa quan.
Sẽ không nhiều người hiểu lắm thế nào là “chỉ số CCHC”, dù được nhấn
mạnh là một chính sách mới, khi nó rối như thủ tục hành chính ở ta vậy.
Nhưng cũng may, trước câu hỏi “người dân được thụ hưởng gì”, Bộ trưởng
Nguyễn Thái Bình sau đó đã trả lời về “Phương thức đánh giá chỉ số
CCHC”. Theo đó, bên cạnh phương thức “cơ quan hành chính tự đánh giá”,
còn có thêm phương thức “Thông qua điều tra XHH từ người dân, doanh
nghiệp”. Tóm lại, người dân có quyền chấm điểm.
Nếu phải chỉ ra sự giống nhau, giữa một quan chức hành chính trong bộ
máy nhà nước, và một anh bồi bàn, có lẽ, không cần phải có bằng cấp
hành chính, sẽ rất nhiều nói trúng vấn đề: Họ đều là những người phục
vụ. Và lương trả cho lao động của họ đều là từ tiền túi của người dân.
Tôi trả tiền, ăn uống chẳng hạn, và tôi có quyền yêu cầu một sự phục vụ.
Y chang như việc tôi đóng thuế nuôi anh, và anh, trong nhiệm vụ của
mình, phục vụ lại nhân dân với tư cách là người đóng thuế.
Có lẽ, căn bệnh trầm kha nhất của nền hành chính hiện tại không phải,
không chỉ là câu chuyện thủ tục, mà chính xác phải là con người hành
chính. Từ lâu, tính chất phục vụ đã được hiểu sai cơ bản trong số những
con người hành chính chỉ thấy quyền ban phát của mình.
Vậy điểm khác giữa một quan chức và một anh bồi là gì?
Câu trả lời, thật bất ngờ, lại là việc người dân sử dụng quyền trả
lương của mình như thế nào. Trong trường hợp anh bồi “ban phát” bằng
cách “quăng bát phở lên bàn” chẳng hạn, những người dân- khách hàng của
anh ngay lập tức sẽ phản ánh với chủ quán, thâm chí, sẽ tẩy chay, sẽ
“một đi không trở lại”. Trong khi đó, trong trường hợp bị một công chức
hành chính hành là chính, người dân không có cơ hội từ chối, không có
lựa chọn nào khác, ngoài sự chịu đựng.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đã nhìn nhận thực tế “Thời gian qua” như
sau: Công tác theo dõi, đánh giá CCHC còn nặng về định tính, chủ quan,
chưa tạo được sự tham gia rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, người dân
và xã hội. Có lẽ, Bộ trưởng đã chẩn đúng bệnh khi ông đang tự mình giải
mệnh đề, cũng là thắc mắc của dân chúng “Tại sao một anh bồi nhận lương
để phục vụ, còn một công chức hành chính thì nhận lương để cai trị”.
Và với việc dành quyền chấm điểm cho người dân, dù còn quá sớm để nói
nó có thể tạo ra sự thay đổi trong quan niệm của những con người hành
chính từ cai trị sang phục vụ, quá lạc quan để đánh giá như một “đột
phá” vào thành trì trì trệ của nền hành chính, nhưng ít nhất, việc chấm
điểm cũng ghi điểm trong việc bảo vệ quyền lợi của những người đóng
thuế.
THEO ĐÀO TUẤN
Nếu phụ nữ cần phải vạch ngực mình ra để thể hiện quan điểm, thì cứ làm
Khi tôi viết bài này, có thêm một bức ảnh ngực trần khác đang
lan truyền trên mạng. Không thay đổi gì, có lẽ bạn sẽ nghĩ vậy, nhưng
tin tôi đi – lần này là khác biệt. Bức ảnh phơi bày một nhà hoạt động
Tunisie 19 tuổi, được biết đến với tên là Amina, tóc tém, môi màu sơ-ri.
Cô ấy đang cầm điếu thuốc và đọc sách, hơi cau mày, mắt thì nhìn thẳng
vào trang giấy. Dọc hai bầu ngực trần là dòng chữ Arabic: “My body
belongs to me and is not the source of anyone’s honour” (Thân thể tôi
thuộc về tôi, không phải là nguồn danh dự của ai cả). Như là nghệ thuật
vậy. Ở tấm thứ hai, cô ấy xòe cả hai tay ngang ngực thách thức chửi thề
với dòng chữ màu đen được viết tháu ở ngực “Fuck your morals” (Đụ cha
cái đạo đức của các người). Chỉ có một từ mô tả dáng vẻ Amina như thế
nào, đó là “gây hấn”.
Hai bức ảnh trên được đăng trên mạng xã hội Facebook của nhóm Femen
đấu tranh cho nữ quyền ở Tunisie, ngay trước khi nó bị tin tặc và được
thay bằng những dòng kinh Quran. Đó không phải là sự phản ứng mạnh nhất:
chủ tịch Hội Đồng Nâng cao Đức Hạnh và Ngăn Chặn Sự Đồi Trụy, Almi Adel
tu sĩ phái Salafi, phần nào có thể đoán trước kêu gọi việc ném đá Amina
cho đến chết. “Hành động của cô ta có thể gây ra một bệnh dịch. Nó có
thể truyền từ người này sang người kia và mang đến ý tưởng hành động cho
những người phụ nữ khác”, ông ta nói, có lẽ cũng nhận ra dáng vẻ gây
hấn của Amina như thế nào. Đáp lại, có thông tin cho rằng gia đình cô ấy
đã đưa cô ấy vào một bệnh viện tâm thần. Khi tôi viết bài này, hơn
86500 người đã kí vào một đơn kiến nghị kêu gọi che chở cho cô ấy.
Adel đã đúng khi sợ hãi. Mặc dù việc đấu tranh cho sự bình đẳng vẫn
chưa lan nhanh như một bệnh dịch, nhưng những hình ảnh về sự phản đối
của nhóm Femen được lan truyền lặp đi lặp lại như những vi-rút. Khả năng
truyền đạt thông tin nhanh chóng trên mạng biến nó thành một sức mạnh
đáng kể. Tình trạng nguy hiểm của Amina sẽ không bị lờ đi, đặc biệt là
không bởi những phụ nữ dễ bị ảnh hưởng như chúng ta, những người, hóa
ra, rất nhạy cảm để thuyết phục.
Những người mà lên án Femen vì cho rằng đã khuyến khích Amina đặt bản
thân vào sự nguy hiểm cũng mang tội ác giống các giáo sĩ như Adel – phủ
nhận một người phụ nữ sở hữu cơ thể của mình. Điều này cũng tương tự
với hàng ngàn người để lại lời bình luận về ngực của Amina. Nhưng, việc
đời là thế, có vú: ai cũng có ý kiến riêng của mình.
Nhóm Femen tiến hành đấu tranh ngực trần từ năm 2010, khi họ nhận ra
rằng đây là cách thức hiệu quả nhất để gây chú ý bởi giới truyền thông
chính thống. “Khi chúng tôi không để ngực trần…[chúng tôi] bị lờ đi”,
Inna Shevchenko, một trong những nhà lãnh đạo, từng nói.
Ban đầu, nhóm được thành lập nhằm thể hiện sự phản đối với tệ nạn du
lịch tính dục, tình trạng đang gây ra sự quấy rối liên tiếp của cánh đàn
ông đối với phụ nữ ở Ukraina, nhưng sau đó đã tiến hành một số hoạt
động gây rối, phản đối một loạt đề xuất từ việc phản đối bỏ tù ban nhạc
Cái Lồn Nổi Loạn (Pussy Riot) cho đến dâm ô và tông giáo có tổ chức.
Những bức ảnh về các phụ nữ (nhóm Femen chỉ trích rằng các tờ báo luôn
chọn đăng những bức phô bày dáng vẻ nóng bỏng “xôi thịt” nhất của các
thành viên) xuất hiện trên những tờ báo khổ nhỏ hay khổ lớn. Ở những tờ
báo khổ lớn, đi kèm với các bức hình là những bài viết suy tư chất vấn
liệu quyết định phô bày những núm vú như thế có lu mờ đi thông điệp đấu
tranh của họ.
Nhà hoạt động Ai Cập Aliaa Elmahdy và các thành viên từ nhóm nữ quyền
Femen người Uckraina biểu tình phản đối Hiến pháp Ai Cập trước đại sứ
quán Ai Cập ở Stockholm. Hình ảnh: Getty Images
Việc sử dụng ngực của nhóm Femen như là một cách thức thu hút sự chú ý
truyền thông vừa mang tính khinh bạt vừa mang tính sành sõi. Với những
người đang chất vấn liệu việc phô bày núm vú như thế có lu mờ đi thông
điệp chính phản đối sự gia trưởng, thì dường như họ quên rằng: những núm
vú còn là những thông điệp.
Việc để ngực trần đáng chú ý của nhóm Femen không những chỉ ra rằng
phụ nữ đang tiến hành việc đòi lại và kiểm soát thân thể của họ, mà còn
là cách thức rất hiệu quả trong việc chỉ trích những sự sai lạc của xã
hội kì thị giới tính của chúng ta.
“Ồ, nhìn kìa, thật là nhàm chán và dễ đoán”, những nhà hoạt động có lẽ sẽ nói vậy.
“Muốn truyền thông chú ý đến thì dễ thôi, chỉ cần phơi mình một số thứ”.
Họ đang vận dung cái điều mình gọi (khá là khôn ngoan, tôi cho là vậy)
“nhục dục thú tính của chế độ gia trưởng”. Những núm vú ấy lu mờ đi cái
thông điệp chỉ khi với sự bảo thủ của mình bạn xem chúng như là những
phần cơ thể nhục dục thông thường. Có lẽ đó là lý do tại sao Femen đạt
được thành công hơn ở Pháp, một quốc gia về phương diện lịch sử thấy các
đầu vú không đáng sợ như ở Anh.
Thậm chí ngay cả khi bạn quyết định vật thể hóa hoạt động nhóm Femen,
nó sẽ không để bạn thoát khỏi nó một cách dễ dàng. Vì cái “nhìn chằm
chằm của cánh đàn ông” thường sẽ bị ngắt ngang bởi những câu khẩu hiệu
phản đối triệt để, đến nỗi bất cứ toan tính dẫn tới cái nhìn biến thái
nào cũng trở thành nỗi thất vọng ít nhiều. Thích hợp cho phong trào
khinh bạt tông giáo có tổ chức, thế đứng phản đối của các thành viên
Femen có điều gì đó rất thu hút giống những người theo tông giáo đa thần
tiền Ki-tô giáo (paganism), đội vòng hoa trên đầu, tay giơ lên giơ
xuống biểu thị sự phản đối trong không khí. Không có gì lạ khi họ được
gọi là những chiến binh.
Femen phù hợp với chuỗi dài của những nhóm hoạt động trực tiếp xóa mờ
ranh giới giữa nghệ thuật và chính trị, và nhóm quy chiếu các hoạt động
quấy rối của họ như là “hành động” hoặc “biểu diễn”. Nhóm cũng rất được
truyền thông chú ý đưa tin, cái điều mà Guy Debord và những người thuộc
trào lưu nghệ thuật tình huống (situationnist) chưa từng có được.
Nhiều hoạt động của nhóm Femen tôi cho khá là dí dỏm, điển hình là
việc mang bộ râu giả giống kiểu của Alexander Lukashenko để phản đối sự
độc tài của ông người Belarus này. Vì những rắc rối của mình, có thông
tin là những nhà hoạt động bị dẫn vào rừng bởi lực lượng an ninh, bị tạt
bằng xăng và bị đe doạ thiêu bằng bật lửa. An phước thay, họ đã sống
sót. Về những nhà đấu trang tự do ngực trần này, bạn nói gì thì nói
nhưng dù không có nửa số trứng dái họ vẫn rất can đảm. (Hay nên đổi lại
là “buồng trứng”?) Và Amina thì còn hơn nhiều người khác. Việc làm của
nhóm Femen, giống như hoạt động nghệ thuật tối thượng, hoàn toàn tùy
thuộc vào sự phản ứng của bạn. Nếu bạn muốn cố ý lăng nhục hoặc heo chó
với cái mà tổng kết lại chỉ vài cái bộ ngực trần được dùng với mục đích
cao đẹp nhất – sự giải phóng của phụ nữ – thì bạn cứ làm đi. Tất cả việc
bạn đang làm càng minh chứng hơn luận điểm của nhóm Femen, mãi mãi là
như thế.
Amina đã chứng minh được chủ trương của cô ấy, một cách trần trụi hơn
hết thảy. Tôi thành thật hy vọng rằng, dù cô ấy ở đâu, cô ấy đều ổn.
Đụ cha cái đạo đức của các người, thực vậy. Thậm chí có lẽ tôi cũng sẽ phô “cái ấy” ra để tỏ sự đoàn kết.
—————————————————————————
“Fist-pumping” là cử động quen thuộc của phương Tây khi hưng phấn, đưa nắm tay lên xuống nhiều lần.
NGUỒN:
New Statesman,
Ánh Hiền chuyển ngữ