Hàng chục ngàn người hân hoan chào mừng vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đến
thăm Miến Điện. Barack Obama đã khéo léo sử dụng một chiến thuật vừa
tưởng thưởng vừa gây áp lực để chính sách cải cách phải được tiếp tục.
Hoa Kỳ không ảo tưởng về những chướng ngại trong tiến trình dân chủ hóa
tại Miến Điện nhưng có nhiều lá chủ bài và thời cơ thuận tiện.
Là vị tổng thống Mỹ tại chức đầu tiên đến thăm Miến Điện, Ông Barack
Obama đã chứng tỏ bản lãnh khôn khéo của lãnh đạo siêu cường, cân bằng
áp lực và khen thưởng để thúc đẩy môt chế độ dân chủ nửa vời đi sâu vào
con đường cải cách.
Chủ nhân Nhà Trắng đã dành trọn 6 tiếng đồng hồ thăm viếng ngắn ngủi
trước khi sang Cam Bốt, để hội kiến với Tổng thống Thein Sein, lãnh đạo
đối lập Aung San Suu Kyi và đọc một bài diễn văn tại đại học Rangun.
Tổng thống Obama tuyên bố với người dân Miến Điện là « Hoa Kỳ ở bên
cạnh các bạn ». Trong thông điệp « làm rung động lòng người » Tổng thống
Mỹ kêu gọi « đừng để cho ngọn lửa soi đường dân chủ tàn lụi ».
Theo giới phân tích, chế độ « dân sự » tiếp nối tập đoàn quân phiệt
đã tiến hành những bước cải cách một cách đáng kinh ngạc, ghi dấu thành
công vượt bực cho ngành ngoại giao Hoa Kỳ. Từ 2009, tân tổng thống Mỹ
Obama sử dụng chiến thuật mới với Naypidaw khuyến khích tập đoàn quân sự
cải cách không bằng áp lực trừng phạt mà qua tưởng thưởng từng bước.
Đây là một chính sách « đánh cược đầy rủi ro » nhưng đã tạo được sự
tin tưởng trong hàng ngũ tướng lãnh Miến Điện. Gần hai năm sau, tháng
11/2010,lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi được tự do sau hơn 15 năm tù
đày và quản thúc.
Tiếp theo đó, chính quyền quân sự nhường chỗ cho chính quyền dân sự,
thả tù chính trị và qua cuộc bầu cử quốc hội bổ khuyết, minh bạch, đã
đưa hơn 40 dân biểu đối lập vào nghị trường. Tự do báo chí được mở rộng
nhưng quân đội vẫn còn được xem là có vai trò chủ chốt trong chính
trường.
Giới nhân quyền chỉ trích chuyến du hành của Tổng thống Obama tại
Miến Điện là quá sớm. Nhưng hôm qua, tổng thống Mỹ tuyên bố « không một
ai, kể cả ông lạc quan ảo tưởng về tương lai cải cách của chế độ ». Công
luận không nên diễn dịch chuyến đi này như một động thái « công nhận
chế độ Nayipidaw ». Nhưng theo ông, nếu chờ Miến Điện có một nền dân chủ
toàn hảo rồi mới đến thăm thì sẽ còn rất lâu.
Theo tổng thống Mỹ, một trong những mục tiêu chuyến viếng thăm này là
để « ghi nhận những tiến bộ đạt được và đề cập đến những tiến bộ quan
trọng hơn nữa cần phải thực hiện trong tương lai ». Trước khi tổng thống
Mỹ đến Rangun, một đợt thả thù chính trị lần này với 66 người đã được
thông báo.
Các cố vấn của Tổng thống Obama cam kết, Washington quyết tâm không
để cho chính quyền Miến Điện quay lui trong tiến tình dân chủ. Hoa Kỳ
sắp thông báo mở lại viện trợ kinh tế. Một ngân sách viện trợ lên đến
170 triệu đôla sẽ được cấp cho Miến Điện trong tài khóa 2012-2013 kèm
theo điều kiện tiếp tục cải cách chính trị.
Nhưng bên cạnh vấn đề chính trị, Miến Điện còn là ván cờ domino của
Hoa Kỳ trong chiến lược địa lý chính trị bao quát hơn : chính sách Châu Á
Thái Bình Dương án ngữ Trung Quốc. Ngay từ đầu nhiệm kỳ một của Obama,
Hoa Kỳ đã xem khu vực này là ưu tiên số một của chính sách ngoại giao và
an ninh.
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok -2012-11-19
Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama, hiện đang có mặt tại thủ đô Phnom
Penh của Campuchia để tham dự một số sự kiện quan trọng của khối các
nước Đông Nam Á, ASEAN, cùng với những quốc gia đối tác trong đó có Hoa
Kỳ.
AFP -Tổng thống Hoa kỳ Barack Obama và tổng thống Thein Sein tại buổi gặp gỡ ở Rangoon hôm 19 tháng 11, 2012.===>>>
Hai diễn đàn quan trọng nhất mà ông Barack Obama tham dự tại Phnom
Penh, Campuchia là Đối thoại ASEAN- Hoa Kỳ và Thượng đỉnh Đông Á.
Chuyến đi sau khi tái đắc cử vào chức vụ tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ
thứ hai của ông Barack Obama được cho biết nhằm khẳng định lại chiến
lược chuyển trọng tâm sang khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của Nhà
Trắng.
Đích thân tổng thống Obama khi đến Thái Lan, tại cuộc họp báo chiều hôm qua 18 tháng 11, đã nhắc lại đường lối đó:
Như quí vị đã chỉ ra Châu Á là chuyến đi đầu tiên của tôi kể từ
cuộc bầu cử vừa rồi, Thái Lan là chặng dừng chân đầu tiên. Đó không phải
là ngẫu nhiên, tôi từng nói nhiều lần Hoa Kỳ sẽ luôn là một quốc gia
Thái Bình Dương. Là một khu vực phát triển tốt nhất trên thế giới, khu
vực Á Châu- Thái Bình Dương sẽ định hình rất nhiều cho tình hình an ninh
và thịnh vượng trong thế kỷ trước mắt với vai trò quan trọng tạo công
ăn việc làm và cơ hội cho người Mỹ. Đó là lý do vì sao tôi, trong cương
vị tổng thống nước Mỹ đặt ưu tiên cho việc can dự của Hoa Kỳ vào Châu Á.
‘
Hoa Kỳ sẽ luôn là một quốc gia Thái Bình Dương.
Tổng thống Obama
Tổng thống Hoa Kỳ nêu ra hướng mà ông nhắm tới tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương:
Cuối cùng mục tiêu của chúng tôi trong khu vực lả bảo đảm có một
cấu trúc quốc tế hay khu vực hoạt động như Đối thoại ASEAN- Hoa Kỳ hay
như Thượng đỉnh Đông Á cho phép chúng ta làm việc qua những căng thẳng,
xung đột, bất đồng một cách xây dựng; cách mà cho phép giải quyết những
bất đồng một cách hòa bình và trật tự.
Dù đến thăm ba nước trong chuyến đi này, thế nhưng theo đánh giá của
giới quan sát thì Miến Điện là trọng tâm chính mà tổng thống Barack
Obama muốn nhắm đến.
Trong buổi họp báo tại Thái Lan vào chiều trước khi sang Miến Điện,
tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhắc lại những diễn biến tại xứ Miến
trong thời gian qua:
Trước hết theo tôi quan trọng là sự công nhận, chứ không phải xác
nhận, của chính phủ Miến Điện đang có một tiến trình đang diễn ra tại
nước này mà một năm rưỡi trước đây không ai nghĩ đến.
Thay đổi có thể được diễn ra một cách nhanh chóng khi mà
những đổi thay trong một đất nước được thấy rõ, và dân chúng tại đó bắt
đầu nhận thấy là tiếng nói của họ được thế giới lắng nghe.
Tổng thống Obama
Tổng thống Miến Điện có những bước đưa đến hướng tốt đẹp hơn, bà
Aung San Suu Kyi được bầu vào quốc hội, quí vị chứng kiến tù nhân chính
trị được trà tự do, có một cam kết rõ ràng là sẽ tiến hành thêm những
cải tổ chính trị nữa. Tuy nhiên tôi không nghĩ là bất cứ ai có ảo tưởng
rằng Miến Điện đã đến nơi mà nước này cần phải đến. Nói cách khác, chúng
ta chờ đợi can dự cho đến khi nào nước này có được một nền dân chủ hoàn
hảo và một chinh phủ dân chủ hơn.
Tổng thống Hoa Kỳ nói đến vai trò của cộng đồng quốc tế trong việc hổ trợ cho những thay đổi tại đất nước Miến Điện:
Một điểm mà tôi học được từ các quốc gia trên thế giới là thay đổi
có thể được diễn ra một cách nhanh chóng khi mà những đổi thay trong
một đất nước được thấy rõ, và dân chúng tại đó bắt đầu nhận thấy là
tiếng nói của họ được thế giới lắng nghe. Một điểm theo tôi mà cộng đồng
thế giới có thể làm được là bảo đảm rằng người dân Miến Điện biết
chúng ta chú ý,lắng nghe và quan tâm đến họ
Thời gian đến thăm Miến Điện của tổng thống Barack Obama chỉ kéo dài
sáu tiếng đồng hồ; tuy nhiên đó là chuyến thăm lịch sử vì ông là vị tổng
thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm xứ Miến.
Tương lai cải cách chính trị ở Myanma
Jefrey Bader, Viện Brookings. Washington
Phạm Gia Minh dịch
Chuyến đi của tôi tới Myanma là một dịp để thể hiện những vấn đề lớn
và nhỏ trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và cũng để rà soát xem cái
gì được và cái gì chưa được.Chuyến đi đó diễn ra ngay trước khi có
thông báo về việc Tổng thống Obama sẽ viếng thăm Myanma vào nửa sau
tháng 11 – một hành động sẽ gây chú ý về cuộc cải cách ở xứ này đối với
Phương Tây.
Sau đây là các câu hỏi và những câu trả lời mang tính chất thăm dò:
1/. Myanma có thực sự cải cách không ?
Có vẻ là như vậy. Có rất nhiều dấu hiệu khẳng định điều này trong
chuyến đi của tôi. Các sĩ quan cao cấp mà tôi đã gặp gỡ, trao đổi một
cách đầy thuyết phục rằng họ cam kết cải cách dân chủ. Một vị Bộ trưởng
còn nhắc tới sự kiện người hùng dân chủ Aung San Suu Kyi tham gia vào
một cuộc hội thảo do Chính phủ tổ chức gần đây với thái độ tích cực. Báo
chí đăng tải một cách sinh động các cuộc tranh luận thực sự không bị
kiểm duyệt khắp nơi như cách đây 2 thập kỷ. Hình Aung San Suu Kyi và
người cha Aung San – nhân vật sáng lập nước Miến Điện ngày nay, có thể
thấy trên bức tường các quán ăn. Một phái đoàn đông đảo của Hoa Kỳ về
nhân quyền viếng thăm chính thức và gặp gỡ các sĩ quan hàng đầu Myanma.
Người dân thường nói về những thay đổi sâu sắc trong bầu không khí toàn
xã hội, về nguyện vọng của họ được nêu lên những vấn đề mà ngay gần đây
họ còn phải sợ hãi và nín lặng.Sự thay đổi tâm trạng xã hội này đã diễn
ra sau một loạt các bước đi nhằm dỡ bỏ những nền tảng chính yếu trong
bộ máy đàn áp của Chính phủ quân sự Myanma – đó là việc thả hàng trăm tù
chính trị, cho công khai hóa đảng đối lập Liên minh Toàn quốc vì Dân
chủ (National League for Democracy), cho phép tổ chức các cuộc biểu tình
hòa bình và tái khởi động các cuộc đàm phán với những nhóm phiến quân
dân tộc thiểu số.
2/.Vai trò của Aung San Suu Kyi và hoạt động hiện nay của bà ta?
Aung San Suu Kyi vẫn là nhân vật chính trị đại chúng duy nhất ở
Myanma. Bà và đảng của bà đã thắng rõ rệt trong cuộc bầu cử hồi tháng
4/2012 sau khi bà mãn hạn quản thúc tại gia.
Có đủ lý do để tin rằng bà và đảng của bà sẽ thắng tại cuộc bầu cử
toàn quốc năm 2015 và sẽ có khả năng thành lập chính phủ.Để chuẩn bị, bà
đang tiến hành một đường lối rất thực dụng, gặp gỡ các quan chức Chính
phủ, liên kết với Tổng thống Thein Sein và phát biểu tích cực về họ
trong buổi lễ do tổ chức Huân chương Vàng của Quốc hội Hoa
Kỳ(Congressional Gold Medal) tổ chức. Đã có những lời phàn nàn trong
cộng đồng đấu tranh vì nhân quyền ở hải ngoại về đường lối thỏa hiệp rõ
ràngcủa bà trong các chính sách quốc gia. Bà đang đối mặt với sự phỏng
đoán rằng đã tới lúc bà phải từ bỏ vai trò của một thần tượng để trở
thành một nhà hoạt động chính trị, cũng giống như Lech Walesa từng bị
đồn đoán là đã hợp tác với tướng Jaruzelski ở nước Balan cộng sản vào
đầu những năm 1980.
3/. Liệu có ai đó ở phương Tây đã thấy trước những gì đang diễn ra ?
Có thể một vài người đâu đó ở phương Tây đã dự đoán được rằng Myanma
sẽ cải cách dân chủ, thế nhưng theo hiểu biết chung thông thường thì
không. Các nhà phân tích tình hình Á châu cả bên trong lẫn ngoài chính
phủ, các bài xã luận trên các báo và các tổ chức nhân quyền, tất cả đều
coi thường việc thành lập chính phủ dân sự hồi tháng 4/2011 và coi những
cuộc bầu cử năm ngoái là mang tính chất gian lận, lừa dối. Họ nhìn nhận
việc thả bà Aung San Suu Kyi là không có mấy ý nghĩa chính trị và dự
đoán một tương lai chính trị u ám cho quốc gia này.
4/. Vậy thì điều đó đã xảy ra như thế nào ?
Có nhiều lý thuyết nghiên cứu về quá khứ nhưng không có lý thuyết nào hoàn toàn làm chúng ta thỏa mãn.
Tuy
nhiên có một yếu tố quan trọng mà dường như nó đã khái quát hóa ước
vọng muốn thoát ra khỏi sự lệ thuộc ngày một gia tăng vào Trung Quốc
bằng cách thiết lập nền móng cho những mối quan hệ mới với phương Tây.
Trong lịch sử, Myanma là một quốc gia có ý chí độc lập rất mãnh liệt,
chẳng hạn như họ đã rời bỏ phong trào Không liên kết chỉ bởi lẽ họ cảm
thấy phong trào này quá liên kết. Thái độ oán giận sự hiện diện của
Trung Quốc với những nhà máy, xí nghiệp đang chiếm lĩnh các ngành công
nghiệp khai khoáng trong khi đó lại tạo ra ít việc làm cho người Myanma
bản địa, càng ngày càng sâu sắc. Một số chuyên gia Miến, trong đó có
Thant Myint-U , cháu nội của cố Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tướng U-Thant
trong một bài viết đã tiên đoán về tâm trạng mới mẻ của tầng lớp sĩ
quan trẻ Myanma – những người đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy
cải cách. Các nhóm hoạt động đấu tranh vì nhân quyền đã chỉ ra hậu quả
của những năm tháng bị cấm vận nhằm thuyết phục ban lãnh đạo đất nước có
một đường lối mới phù hợp. Hành động can dự có uy tín của ASEAN cũng
góp phần đánh đổ sự chống đối của các tướng lĩnh trước cộng đồng quốc
tế. Bên trong Myanma, các tướng lĩnh cao tuổi dường như tin chắc rằng họ
sẽ không bị trả giá về các hành vi đàn áp trong quá khứ và tầng lớp sĩ
quan nhìn chung hài lòng rằng vai trò đặc biệt của họ trong nền chính
trị Myanma vẫn sẽ được bảo đảm bởi Hiến pháp mà theo đó họ vẫn có những
ưu tiên và đặc lợi to lớn. Cảm giác an toàn trong hàng ngũ các cựu lãnh
đạo quân đội có thể đã giúp họ sẵn sàng chấp nhận sự mở cửa về chính trị
hiện nay.
5/. Vậy thì vai trò của chính phủ Hoa Kỳ là gì?
Từ năm 1990 tới năm 2008 các chính quyền nối tiếp nhau lại được Quốc
hội thúc đẩy đã đưa ra hết biện pháp trừng phạt này đến biện pháp trừng
phạt khác đối với Myanma – chẳng hạn như cấm các khoản đầu tư mới, cấm
nhập khẩu, nêu tên các cá nhân và công ty bị trừng phạt tài chính. Dưới
thời George W.Bush, Đệ nhất Phu nhân Laura Bush đóng một vai trò quan
trọng trong việc công khai cho thế giới biết rằng chế độ quân sự Myanma
phải tiếp tục là mục tiêu cho sự cô lập.
Trong diễn văn nhậm chức của mình, Tổng thống Obama đã đề nghị chìa
tay ra cho các kẻ thù của nước Mỹ “nếu như họ cũng mong muốn nới lỏng
nắm đấm”. Chính sách này mang lại ít kết quả tích cực trên toàn thế
giới, ngoại trừ trường hợp Myanma. Chính quyền (của Obama – ND) đã quyết
định sớm mở kênh ngoại giao liên hệ với lãnh đạo Myanma do Trợ lý Ngoại
trưởng Kurt Campbell chỉ đạo nhằm đưa ra chương trình nghị sự cho cải
cách chính trị và không phổ biến vũ khí hạt nhân của Myanma để phía Hoa
Kỳ có thể giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt. Thiện chí của Chính phủ Hoa
Kỳ được bày tỏ ở cấp có thẩm quyền đã cung cấp một lịch trình thiết lập
những mối quan hệ tốt đẹp và điều này đã giúp Chính phủ Myanma được
động viên, khích lệ và tự tin để bước tiếp. Quyết định của chính quyền
Obama phối hợp cùng với các đồng minh Châu Âu và Australia giảm nhẹ đáng
kể các biện pháp trừng phạt hồi đầu năm nay đã có tác động thúc đẩy hơn
nữa cải cách chính trị và kinh tế vốn vô cùng cần thiết lúc này.
6/. Có thể rút ra những bài học chung nào về việc áp dụng các
biện pháp trừng phạt như công cụ để làm thay đổi hành vi những kẻ xấu
chơi?
Các biện pháp trừng phạt đôi khi là cách hiệu quả duy nhất của Hoa Kỳ
và cộng đồng quốc tế nhằm cho các chế độ độc tài thấy hành vi của họ là
không thể chấp nhận được. Đó chính là trường hợp với Myanma đã tiếp
diễn trong nhiều năm. Có thể nói sự trừng phạt được thực thi là phù hợp.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng các biện pháp trừng phạt bản thân không phải
là mục đích cuối cùng. như lời của một bài hát “bạn cần biết khi nào nên
kìm giữ và khi nào thì nên ôm” . Có những thế lực bảo thủ và khó cưỡng
lại được ở Washing ton vẫn tiếp tục đường lối trừng phạt cho dù chính
sách đó có dẫn tới kết quả tích cực hay không. Các nhóm nhân quyền đôi
khi nhìn nhận sự trừng phạt kẻ độc tài như một biện pháp trong chính
sách hợp lý, mang tính đạo đức của chính phủ và họ còn thông tin rộng
rãi những vi phạm của các chế độ độc tài nhằm tập hợp sự ủng hộ của quần
chúng để lập quỹ hỗ trợ cho các đợt vận động áp dụng các biện pháp
trừng phạt với tư cách là sản phẩm cuối cho hoạt động của họ. Quốc hội
thì muốn chứng tỏ mình đang làm gì đó, bất kể là có hiệu quả hay không,
các chế độ độc tài bị trừng phạt nhờ đó lại trở nên được thế giới biết
đến . Động thái này là rất rõ ràng trong trường hợp đối với Cuba. Chính
sách trừng phạt Cuba được thực thi đã 50 năm nay và sự nhiệt thành ủng
hộ nó từ phía các diễn viên chính trị Hoa Kỳ vẫn không hề suy giảm,rút
cục càng củng cố sự cầm quyền của anhem nhà Castro. Mọi người, kể cả
tầng lớp chính trị Hoa Kỳ, các nhóm đấu tranh riêng rẽ và anh em nhà
Castro dường như đều hài lòng với hiện trạng đó, trừ nhân dân Cuba mới
là những nạn nhân của hoàn cảnh. Chính sách đối với Myanma cũng được đưa
ra theo mô hình Cuba nhưng may mắn là giờ đây nó đã được tách ra theo
đường hướng khác.
7/. Liệu chính phủ Hoa Kỳ đã chuẩn bị một cơ cấu phù hợp để xử lý vấn đề kiểu như Myanma chưa?
Kể từ thời Tổng thống Carter, đã bắt đầu gia tăng nền móng hạ tầng
các văn phòng và lực lượng nhân viên chuyên trách vấn đề nhân quyền,
được tách ra từ mảng chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Các văn
phòng này sau đó trở thành tiếng nói của cộng đồng các tổ chức nhân
quyền phi chính phủ (NGO) nhưng được đặt bên trong Chính phủ Hoa Kỳ,
đóng vai trò như cái loa của các tổ chức nhân quyền NGO, tìm cách tham
gia vào các báo cáo của Ủy ban nhân quyền Hoa Kỳ và đấu tranh ủng hộ các
biện pháp đặc biệt do các NGO đề đạt. Theo một cách nào đó, điều này
không khác biệt hoàn toàn với cái cách mà các bộ phận cử tri khác được
đại diện trong bộ máy của chính sách ngoại giao, chẳng hạn như việc
kinh doanh thì đượcthông qua Ủy ban Kinh tế và Văn phòng kinh doanh. Tuy
nhiên việc nhận biết các văn phòng nhân quyền với khu vực cử tri của nó
có vẻ như là lối tư duy đơn giản (cần ghi nhận rằng Trợ lý Bộ trưởng về
các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Việc làm, Michel Posner thực chất đã
thoát ra khỏi sự ràng buộc này để hoạt động với tư cách là người bảo vệ
cho nhân quyền nhưng lại chú trọng vào kết quả thực tế, không thiên về
bề ngoài và mang sắc thái quan tâm tới những mục tiêu của chính sách
ngoại giao rộng lớn).
Thời gian còn là Vụ trưởng Vụ Các vấn đề Châu Á thuộc Hội đồng An
ninh Quốc gia, trong giai đoạn thay đổi chính sách của Hoa Kỳ đối với
Myanma vào khoảng từ 2009 tới 2011 tôi đã chủ trì một số cuộc họp liên
cơ quan (còn có tên gọi là Ủy ban Chính sách liên cơ quan) bàn về
Myanma. Thông thường, những cuộc gặp như thế đều có sự góp mặt của một
đại diện cấp cao của mỗi cơ quan và có một nhân viên trợ lý tháp tùng.
Trong trường hợp Myanma, không ít hơn 7 văn phòng thuộc Bộ Ngoại giao,
đó là vụ Đông Á, Vụ Nhân quyền, Vụ Phái đoàn Hoa kỳ tại Liên Hiệp Quốc,
Văn phòng liên lạc của Bộ Ngoại giao phái đoàn Hoa kỳ tại LHQ,Phái bộ
Hoa Kỳ tại các Tổ chức quốc tế ở Geneva, Đại sứ Hoa Kỳ về Tội ác chiến
tranh và cảVụ Người tỵ nạn cùng tham dự. Trong những cuộc họp như
vậy,các vụ tham dự thường mong đợi có chung một tiếng nói nhưngvới 7 cơ
quan cùng tham gia và ai cũng tìm cách để tiếng nói của mình được nghe
thì quả thực là rất khó, thậm chí là không thể đạt được điều này. Một số
cơ quan rất hăng hái tìm cách lập Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh
của chế độ Myanma ngay vào đúng thời điểm bà Aung San Suu Kyi vừa được
gỡ bỏ tình trạng bị quản thúc tại gia và đã xuất hiện những dấu hiệu
chưa rõ ràng về một sự nới lỏng đàn áp. Chỉ sau khi trao quyền cho Trợ
lý
Vụ trưởng Vụ Đông Á và Thái Bình Dương được phát ngôn thay cho Bộ Ngoại
giao và chỉ đạo công tác đối ngoại mà không có các nhóm khác của Bộ gây
nhiễu thì cuối cùng chính quyền mới có thể đưa ra một đường lối mạch lạc
và thành công.
8/. Con đường nào là hữu hiệu nhất để xử lý các vấn đề có sự tham gia của những kẻ xấu chơi như chế độ Myanma?
Các tổ chức NGO có một vai trò không ai thay thế được trong việc theo
dõi những vụ lạm dụng nhân quyền, thu hút sự chú ý của công chúng vào
những vụ vi phạm nhân quyền và kẻ thủ phạm đồng thời huy động cộng đồng
quốc tế chú ý giám sát chúng.Đó chính là một trong những đặc điểm đáng
tự hào của xã hội dân chủ có lương tâm nơi mà hoạt động của các các nhóm
gồm những người tự nguyện cam kết bảo vệ lẽ công bằng ngay cả tại những
góc khuất nẻo nhất trên hành tinh này để quyết làm cho tiếng nói của
những nạn nhân của sự bất công được thế giới nghe thấy. Chúng ta không
những không được coi thường hay đánh giá thấp các nhóm nhân quyền này mà
cần phải tôn vinh và tán dương đồng thời khuếch trương vai trò của họ.
Thế nhưng chính phủ Hoa Kỳ lại cần phải đóng một vai trò khác trong
khi vấn đề nhân quyền nhất định không được hạ thấp. Chẳng nên khuyến
khích thành lập và phát triển các văn phòng có mục đích tạo ra thêm ranh
giới giữa những quan chức chính phủ khi mà ưu tiên hàng đầu của họ là
an ninh quốc gia của chúng ta và thành công trong chính sách đối ngoại
cũng như cam kết mạnh mẽ về nhân quyền. Không nên để xảy ra tình trạng
những nhóm nhỏ các nhân vật chuyên trách thể hiện các mối quan tâm về
nhân quyềnđồng thời hành động với tư cách là đại diện của cộng đồng NGO,
trong khi các quan chức chính phủ chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia
và chính sách đối ngoại lại phản ứng bằng câu trả lời có tính chất coi
nhẹ vấn đề nhân quyền. Cơ cấu hiện nay của chúng ta thường xuyên gây ra
các cuộc đấu khẩu mang tính hình thức ở nhiều quốc gia thuộc diện xấu
chơi (trong lĩnh vực nhân quyền – ND) . Trong các trường hợp đó, những
quan chức Chính phủ chịu trách nhiệm nặng nề về an ninh quốc gia có xu
hướng quan tâm nhiều hơn tới nhân quyền khi tiếp xúc với các nước có tầm
quan trọng chính yếu về vấn đề an ninh ví dụ như TQ, Saudi Arabia và
Pakistan, tuy nhiên họ lại tỏ ra chậm trễ đối với các văn phòng nhân
quyền phụ trách các quốc gia ít quan trọng hơn trong chính sách đối
ngoại, chẳng hạn như Myanma. Đó không thể là khuôn khổ cho sự thành công
hoặc cho một sự phát triển chính sách hợp lý. Chính phủ của chúng ta
cần làm cho các quan chức hàng đầu về an ninh quốc gia nhạy cảm hơn đối
với sự cần thiết phải thiết kế vấn đề nhân quyền trong chính sách của
mình một cách hiệu quả hơn, đồng thời nhắc nhở các văn phòng nhân quyền
rằng họ cũng cần phải tận tâm cam kết với các mục tiêu an ninh quốc gia
Hoa Kỳ rộng lớn chứ không chỉ là sự tiến bộ của chương trình nghị sự
mang tính kỹ năng đặc biệt của tổ chức NGO.
J.B.
Thăng long-Hà nội 18/11/2012
P.G.M. dịch từ
Prosspects of Political Reformes in Myanmar, Brookings News No 30.
Chưa đủ, vì rõ ràng chúng ta vẫn nhìn nhau tự hỏi: Nhân Quyền của Việt Nam đang ở đâu?
Nhìn nhau mà bất động thì mãi mãi cùng chỉ là những tra vấn: “Nhân
Quyền Việt Nam Tôi Đâu?”. Buồn và lại buồn hơn, khi nhìn thấy hình ảnh
đông đảo của dân chúng Campuchia giương cờ, cầm loa kêu gọi đòi nhân
quyền trước Quốc Hội của họ hôm qua hôm kia. Buồn và bao giờ so sánh con
số “chưa đủ” vẫn buồn cả! Bao giờ thì chúng ta mới có thể đứng dậy để
tuyên xưng cùng Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền: “Mọi người sinh ra đều tự do, bình đẳng về nhân phẩm và các quyền lợi”?
Chủ nhật, vẫn chưa có gì đột phá thay đổi, dù sinh viên Nguyễn
Phương Uyên vẫn mướt xanh như chưa bao giờ với công an trại giam và cũng
chỉ một hành vi “rất thơ” là trái tim nhiệt huyết yêu nước và một vài
câu thơ, cố nhiên. Rồi thì cũng lại thêm một người, từng người dân oan
đi kiện vừa tức tưởi chết không nhắm mắt.
Ờ nhỉ lại chủ nhật, liệu bao giờ chúng ta mới có thêm một
mùa-hè-nổi-nóng, để hất tung những thờ ơ lan truyền như bệnh dịch. Và
làm vừa lòng những chấn thương căm phẫn?
Phương cách tốt nhất để làm thỏa mãn thứ chấn thương căm phẫn, phẫn
uất này là cứ tiếp tục vuốt ve nó mỗi ngày. Vuốt ve chỉ để sự phẫn uất
càng lộng hành, chúng ta càng có thứ khí giới tự vệ của nổi loạn. Nổi
loạn để thay thế, cũng tựa như ngột ngạt quá thì cần một cơn bão nổi lên
thế thôi.
Chủ nhật 18/11 nảy cũng là lúc hiệp hội các quốc gia ASEAN thông
qua những chữ ký tuyên bố “chung cuộc” lần đầu về nhân quyền. Dĩ nhiên
vẫn toàn là những mỹ từ, nhưng đối với các tổ chức nhân quyền thì văn
bản màu mè này cũng chẳng đáp ứng được tiêu chuẩn thế giới quốc tế. Nhất
là trên thực tế có thêm câu thòng: “…phải được xem xét bối cảnh quốc
gia và khu vực”.
Khỏi nói chúng ta cũng thừa đau đớn nhận biết Việt Nam của chúng ta
đã bị tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch phê phán không tiếc lời
về những vi phạm trầm trọng nhân quyền, nhất là quyền tối thượng tự do
ngôn luận vẫn tiếp tục bị trấn áp và giam cầm những blogger và những
người đối lập.
Với một tình trạng bối cảnh như thế, nhà cầm quyền Việt Nam chắc
cũng nên tự hổ thẹn khi đăng ký làm thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền
Liên Hiệp Quốc, và cũng không cần Việt Nam sẵn sàng trải thảm đỏ, tổng
thống tái đắc cử Mỹ Obama cũng lại hơn một lần chẳng buồn ghé thăm và
cảnh báo Việt Nam phải lo cải thiện nhân quyền trước đã.
Với nhiều sức ép đến từ nhiều múi dùi, kể cả thỉnh nguyện thư mới
đây do đài S.B.T.N phát động gởi cho tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban
Ki-moon hay thỉnh nguyển thư với kỷ lục 150.000 chữ ký của cộng đồng VN
hải ngoại đã gởi tổng thống Obama vào tháng 3 năm nay, chúng ta tuồng
như vẫn chưa thấy sự chùng bước nhẹ tay của nhà cầm quyền độc tài Việt
Nam, khi mà điều dễ hiểu nhất trong sự tồn tại của chính họ thì trần áp
cưỡng bức phải là yếu tố biểu dương để duy trì quyền lực.
Điều bất hạnh là khi, không những chính chúng ta muốn xua tay hất
hủi đất nước mình, mà còn muốn cả thế giới tỏ ra ghẻ lạnh, cấm vận kinh
tế… chỉ vì toàn thứ mặt thớt phẳng lì lạnh lẽo trơ ngốc và cần phải bứng
đi cho nhanh.
Bài ca “Nhân Quyền Việt Nam Tôi Đâu?” có mặt đúng vào thời điểm
nhân quyền dân chủ được Washington chú ý trong chuyến viếng thăm Miến
Điện, Campuchia, Thái Lan… của tổng thống Mỹ. Và cũng cùng lúc với chiến
dịch “Triệu con tim, một tiếng nói” của cánh chim đầu đàn là nhạc sĩ
Trúc Hồ Asia / SBTN, không ngoài mục tiêu vận động đúng nghĩa cho nhân
quyền Việt Nam.
Điều đáng nói là bài ca được chuyên chở rất có hồn từ hai tiếng hát
chừng như chỉ muốn đồng hành với niềm đau của dân tộc: Việt Dzũng và Lê
Huy Phong, qua nghệ thuật phổ nhạc và hòa âm của nhạc sĩ Quốc Toản.
Xin lỗi đã không làm bạn thư giãn được một ngày cuối của cuối tuần,
bởi chính tôi cũng đã không thể không bật khóc, khi nghe bài ca này.
Nếu không thể cầm lòng được, khi chính bạn cũng là người nặng nợ
với nỗi lòng tổ quốc, thì xin bạn hãy cùng tôi ít là một lần dàn trải ra
dưới đây những dòng nước mắt ấy. Như một trao gởi cho ngày Quốc Tế Nhân
Quyền 10/12 sắp đến.
Biết đâu trong một bất ngờ dung rủi, cả hai ca sĩ kiêm nhạc sĩ Lê
Huy Phong và Việt Dzũng… sẽ tìm cách đan kết những giọt lệ lóng lánh ấy
thành xâu chuỗi dài của “âm thanh và cuồng nộ”. Và chúng ta sẽ đứng dậy,
cùng bước xuống để hát với đồng bào.
Bây giờ mời bạn hãy chia sẻ. Xin thử lấy một hai câu đầu của bài ca để bắt đầu:
DCVOnline
Đặng Duật Văn •
Người Dịch: Hu Zi
Tiếp theo
phần II. —-
phần I
Nhìn từ góc độ hiện đại hóa Trung Quốc, nói đến 10 vấn đề lớn mà bộ
đôi Hồ Ôn để lại cho người kế nhiệm có một ý nghĩa quan trọng đối với sự
phát triển lâu dài của dân tộc Trung Hoa, từ đó họ cũng phải nỗ lực
trong 10 năm tới để giải quyết nhiệm vụ. Tuy nhiên điều cần nói rõ ở đây
là dù mỗi nan đề trên rất khó khăn giải quyết, cũng không hẳn là đem 10
cái cùng để vào một chỗ giải quyết. Mỗi thời đại đều có những ưu tiên
hàng đầu khác nhau, bản thân mỗi sự việc cũng có những yêu cầu khác
nhau, trong thời kỳ đầu của 10 năm tiếp theo cần ưu tiên xử lý 2 vấn đề
chính:
- Đẩy nhanh tốc độ điều chỉnh kết cấu nền kinh tế cũng như chuyển đổi mô hình phát triển.
- Khởi động cải cách chính trị, đẩy mạnh tốc độ xây dựng nền xã hội pháp trị, thực hiện yêu cầu muốn tham chính của nhân dân.
Xây dựng kinh tế là giải pháp trung tâm của con đường phục hưng đất
nước, phát triển kinh tế là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề của Trung
Quốc. Cho nên giống như trong diễn văn 23 tháng 7 mà Hồ đã chỉ ra, đối
với tình hình Trung Quốc đương đại, kiên trì phát triển là đường lối
đúng đắn cần phải đi theo. Dựa trên phát triển khoa học kỹ thuật làm chủ
đạo, chuyển đôi phương thức phát triển nền kinh tế có địa vị quan trọng
trong chiến lược phát triển toàn cục của Trung Quốc.
Từ đầu năm tới nay, kinh tế Trung Quốc gặp phải những khó khăn không
nhỏ; nửa đầu năm nay tốc độ tăng trưởng kinh tế tụt xuống thấp nhất
trong 3 năm trở lại đây, kinh tế cả năm nay cũng khó có dấu hiệu khởi
sắc. Có quỹ đầu tư nước ngoài dự báo rằng Trung Quốc là nguồn gốc của
một khủng hoảng kinh tế toàn cầu sắp diễn ra, dự báo này có thể là được
phóng đại lên, nhưng nó cũng nói lên sự mất cân bằng trong mô hình phát
triển không bền vững của kinh tế Trung Quốc. Để sự nghiệp chính trị có
một dấu chấm kết thúc tuyệt vời, việc đảm bảo kinh tế tăng trưởng ổn
định là nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ, hiển nhiên việc này sẽ làm xáo
trộn những kế hoạch điều chỉnh kết cấu nền kinh tế trước đây.
Tăng trưởng kinh tế ổn định có cần thiết không? Đương nhiên là cần
thiết. Cho dù GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là 5000 USD, nhưng
cùng còn tới cả 120 triệu người sống ở mức nghèo đói, ở cả nông thôn và
thành thị còn có càng nhiều người lúc nào cũng có thể gia nhập vào đội
quân nghèo đói; Tầng lớp trung lưu phát triển chậm và không ổn định, mỗi
năm có hơn 10 triệu lao động nông thôn đổ ra thành thị; cuối cùng là hệ
thống an sinh xã hội còn thô sơ, cần phải có tăng trưởng kinh tế để duy
trì nguồn tài chính cho an sinh xã hội. Vì thế không có một nền kinh tế
tăng trưởng ổn định thì không thể giải quyết được những vấn đề ở trên.
Tất nhiên tăng trưởng kinh tế không nên được hiểu một cách cứng nhắc,
bất chấp mọi giá để đảm bảo tăng trưởng, thời gian qua một số địa
phương vì đảm bảo tăng trưởng kinh tế, giải quyết vấn đề tài chính của
địa phương đã ban hành nhiều dự án đầu tư hoành tráng, nếu tính tổng các
dự án này thì lên tới 13,000 tỉ RMB, vượt qua cả số tiền 4000 tỉ RMB mà
trung ương đã đầu tư để kích cầu nền kinh tế hồi năm 2009. Đây chính là
chính quyền các địa phương dùng danh nghĩa đầu tư kích cầu nền kinh tế,
dễ dãi tung ra những gói đầu tư, trên thực tế là tích lũy những khoản
nợ công khổng lồ. Tình hình trên không những làm trầm trọng thêm tình
hình sản xuất thừa ở một số ngành, mà còn tích lũy thêm nợ xấu ngân
hàng, vì những gói tiền đầu tư trên hầu hết đều được vay từ ngân hàng,
từ đó châm ngòi cho một quả bom nổ chậm mới.
|
Những ảnh hưởng tiêu cực và tích cực đến hướng phát triển của Trung Hoa
Nguồn ảnh: William A. Fischer và Rebecca Chung
|
Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng thấp nhất trong 10 tháng qua,
nguyên nhân gốc rễ nằm ở mô hình dựa vào xuất khẩu cũng như lực lượng
lao động giá rẻ, nên không thể tránh khỏi những con sóng đến từ kinh tế
toàn cầu đang trong cơn chao đảo, đây cũng chính là lý do chứng minh sự
cần thiết để xây dựng một nền kinh tế hướng vào tiêu dùng nội địa. Muốn
làm được như vậy, trước mắt cần phải chấm dứt tình trạng sản xuất dư
thừa nghiêm trọng như hiện nay, chỉ khi thu nhập được nâng cao và tương
lai có triển vọng tốt, người dân mới yên tâm mua sắm. Cho nên tăng
trưởng kinh tế là quan trọng, nhưng không phải bằng những gói đầu tư
kích cầu khổng lồ, mà là nâng cao mức thu nhập của người lao động, bao
gồm 2 phương diện chính: một là tiếp tục nâng cao chỉ số lương cơ bản
của người lao động, hai là cải thiện chất lượng, chương trình của hệ
thống an sinh xã hội. Trong thời khủng hoảng, chỉ khi có niềm tin vào
tương lai thì mới có tiêu dùng ổn định từ người dân. Hiện tại chính phủ
đã có chính sách trợ giúp ít nhất 50% tiền thuốc men cho người tham gia
bảo hiểm bị bệnh nặng, đây là một bước tiến lớn chứng tỏ chúng ta đã
bước vào thời kì phúc lợi toàn dân. Chính sách dồn ngân sách dành cho
phúc lợi xã hội vào những khoản đầu tư công để kích thích tăng trưởng
thể hiện tầm nhìn hạn hẹp. Gia tăng đầu tư công họp lý là việc cần làm,
tuy nhiên cần nhấn mạnh là phải đầu tư vào những công trình liên quan
tới dân sinh công cộng chứ không phải là những ngành vốn đã dư thừa sản
xuất.
Tóm lại, sau khi đã trải qua hơn 30 năm tăng trưởng với tốc độ 2 con
số, nhìn từ tính hợp lý hay tính cần thiết, đều cũng không cần tăng độ
phát triển của nền kinh tế. Với nền kinh tế đang đi xuống, đây là cái
già phải trả cho việc chuyển hướng nền kinh tế, có ích cho sự cân bằng
nền kinh tế trong nước trên con đường phục hồi. Việc cần làm là phải
kiên định con đường điều chỉnh kết cấu nền kinh tế, giải quyết các vấn
đề khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Việc thúc đẩy cải cách chính trị, thực hiện quá trình dân chủ hóa
cũng có ý nghĩa ngắn hạn và dài hạn. Về mặt ngắn hạn thì đó là tránh làm
trầm trọng thêm mâu thuẫn xã hội cũng như phát sinh thêm những vụ biểu
tình, bãi công. Về dài hạn là tìm ra một con đường thích hợp với xã hội
Trung Quốc, đặt nền móng cho quá trình dân chủ hóa ở Trung Quốc.
|
Đại lễ đường Nhân dân (Bắc Kinh)
Nguồn ảnh: AFP
|
Mục tiêu vào nội dung của quá trình dân chủ hóa ở các nước về cơ bản
là không khác nhau, tuy nhiên đường lối cụ thể lại không giống nhau do
tình hình trong mỗi nước khác nhau. Trung Quốc là một nước có văn hóa
lịch sử lâu đời, dân số đông lại có sự khác biệt quá lớn giữa các vùng
miền, quá trình dân chủ hóa đương nhiên cũng có sự khác biệt với các
nước khác. Trong diễn văn ngày 23/7 về vấn đề cải cách chính trị, chủ
tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh tới 3 vấn đề” cần phải làm tốt hơn nữa”, đó là
cần phải phát triển rộng lớn hơn, cần phải trao dân chủ nhiều hơn cho
người dân, đảm bảo quyền bầu cử, quyết sách, quản lí, giám sát theo luật
của người dân, cần phải phát huy hơn nữa tác dụng của nền pháp trị đối
với quốc gia và quản lý xã hội, duy trì sự thống nhất, uy nghiêm, quyền
uy, an sinh xã hội và công bằng xã hội, bảo đảm quyền được hưởng thụ tự
do trong xã hội pháp trị.
Về công cuộc thực thi dân chủ ở Trung quốc, người dân cơ bản là không
có ý kiến khác biệt, Trung Cộng cũng nhấn mạnh, không có dân chủ chính
là không có chủ nghĩa xã hội; sự khác biệt ở chỗ, áp dụng kiểu dân chủ
nào? thực thi dân chủ như thế nào? Trong diễn văn của ông Hồ về cơ bản
là tránh những nội dung về dân chủ. Có thể nói đây là lựa chọn của Trung
Cộng sau khi tham khảo tiến trình dân chủ của các nước trên thế giới và
thực tế ở Trung Quốc. Ở một góc độ nào đó, đây là biện pháp an toàn
nhất. Từ lịch sử của tiến trình dân chủ, bất kể ở quốc gia nào thì những
nước dân chủ nhất là những nơi mà dân chủ kết hợp chặt chẽ với pháp
trị, việc Trung Cộng lựa chọn dùng luật pháp để khuyến khích dân chủ
chưa hẳn là sai, không phù hợp với trào lưu dân chủ trên thế giới.
Trên thực tế, dân chủ không chỉ là dựa theo pháp luật, pháp trị về
bản chất là một phần của dân chủ. Quyền làm chủ của nhân dân được hiến
pháp và pháp luật bảo vệ chính là tiền đề của dân chủ, nếu không có tiền
đề này thì không có dân chủ. Trung Cộng có thể đảm bảo công bằng pháp
luật để quản lý xã hội? Tất nhiên về phía Trung Cộng, họ cho rằng điều
này là có thể.
Muốn chính phủ chịu sự thúc ước của pháp luật, cần phải để hiến pháp
và pháp luật trở thành quyền lực cao nhất của quốc gia, tất cả mọi cá
nhân và tổ chức đều phải hoạt động, sinh sống dưới phạm vi của nó, tất
cả đều bình đẳng trước pháp luật. Đây chính là bản chất của nền pháp
trị. Từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, để đạt được điều này chỉ có
đi theo con đường dân chủ chính trị, đây cũng chính là nguyên nhân vì
sao nhân dân lại muốn Trung Cộng thực hiện dân chủ thông qua tuyển cử.
Do đó giữa Trung Cộng và nhân dân vẫn còn sự khác biệt.
Khách quan mà nói, dân chủ theo kiểu bầu cử tự do không phải là mô
hình dân chủ mà Trung Quốc cần, vì nó đòi hỏi phải có sự thành thục ở
mức cao nhất đối với dân chủ, cần phải có những điều kiện tiên quyết như
trình độ văn hóa và văn minh của xã hội, sự phân hóa giàu nghèo không
quá nghiêm trọng, không có chủ nghĩa ly khai, dân chúng có sự hiểu biết
nhất định về dân chủ… Những điều trên đều thiếu trong xã hội Trung Quốc
hiện nay. Lấy ví dụ về sự phân hóa giàu nghèo như hiện nay, khi quá
trình dân chủ đã hình thành, có thể thông qua bầu cử trực tiếp để sửa
đổi chính sách công, thu hẹp bất bình đẳng xã hội. Tuy nhiên trong xã
hội Trung Quốc hiện nay sự phân hóa tầng lớp đã quá nghiêm trọng, dân
chúng rất căm hận người giàu và quan chức, nếu như vội vã tổ chức một
cuộc bỏ phiếu trực tiếp như thế thì sẽ mang đến sự hỗn loạn. Vì lúc đó
người dân sẽ bầu chọn vào vị trí nắm quyền có thể là những phần tử cực
đoan giỏi mê hoặc nhân tâm. Bọn họ sẽ vì dân chủ mà làm bất cứ chuyện
gì, nhưng lúc đó đã không còn là chính dân chủ nữa.
Ở cấp cơ sở nên đẩy mạnh mô hình bầu cử trực tiếp, việc này có thể
ngăn chặn được sự hình thành những nhóm lợi ích của quan chức, đồng thời
từng bước xây dựng nền xã hội pháp trị, trước mắt cần làm là phải công
khai hóa mọi việc cho nhân dân được biết rõ, tham gia vào quyết sách của
chính quyền, hình thành cơ chế hỏi đáp giữa người dân và chính quyền.
|
Thành viên Ban thường vụ Bộ Chính trị mới của Đảng Cộng sản Trung
Quốc Tập Cận Bình [Xi Jinping] (Giữa), (theo chiều kim đồng hồ từ phía
trên bên trái) Trương Đức Giang [Zhang Dejiang], Lý Khắc Cường [Li
Keqiang], Du Chính Thanh [Yu Zhengsheng], Lưu Vân Sơn [Liu Yunshan],
Vương Kỳ Sơn [Wang Qishan], Trương Cao Lệ[Zhang Gaoli]
Nguồn ảnh: Reuters
|
Tiến trình dân chủ hóa và cải cách chính trị là cửa ải khó khăn bắt
buộc phải bước qua của Trung Quốc. Trách nhiệm nặng nề này lưu lại cho
thế hệ lãnh đạo mới lên giải quyết. Từ góc độ sách lược, tiến trình cải
cách nếu như được bắt đầu sau 2 năm kể từ khi nhậm chức là giải pháp ổn
thỏa nhất. Trong hai năm này thì vấn đề tăng trưởng kinh tế cần phải ưu
tiên hàng đầu, nếu kinh tế không ổn định thì cải cách lại càng mạo hiểm.
Thêm nữa là trong hai năm đó, họ có điều kiện nắm chắc quyền lực sau
khi được chuyển giao, có thời gian xử lý những tranh chấp trong nội bộ,
xử lý tốt thì họ sẽ có nhiều quyền chủ động hơn trong việc đề xuất các
chính sách. Nếu như người lãnh đạo vừa lên đã đề ra chính sách cải cách,
thứ nhất là không phù hợp với truyền thống chính trị Trung Quốc, sẽ gây
ra những rạn nứt quyền lực. Tuy nhiên nếu như chủ trương của một số
người cho rằng nên bắt đầu cải cách sau khi lên nắm quyền 5 năm cũng
không tốt. Họ cho rằng theo truyền thống sau khi lên nắm quyền một nhiệm
kì mới cải cách thì đó là cách an toàn nhất, nhưng về mặt xã hội, hiện
tại mâu thuẫn giữa các tầng lớp trong xã hội quá lớn, tình trạng bất mãn
ngày càng gia tăng, họ có lẽ không đủ kiên nhẫn đợi tới 5 năm để anh
làm cải cách đâu.
Hơn 1 tháng nữa thì triều đại Hồ Ôn sẽ kết thúc. Người kế thừa di sản
của bộ đôi này sẽ tiếp tục tìm kiếm con đường hiện đại hóa Trung Quốc,
quảng bá những thành tựu và hoàn thành những công việc đang dang dở của
họ, đây sẽ là một thử thách trọng đại.
(Hết)
Nguồn bài viết của
Đặng Duật Văn Di sản chính trị của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. [2012-09-02]
Tổng Thống Kỳ Hoa
Posted on November 19, 2012 by hoanghaithuy
Khi ông Ronald Reagan được dân Mỹ bầu làm Tổng Thống, tôi đang dzở
sống, dzở chết ở Sài Gòn. Tôi nghe bọn Cộng Việt phê bình bôi bác:
“Nước Mỹ nay hết người tài, dân Mỹ phải đưa một anh kép hát mạt hạng chuyên đóng phim cao bồi lên làm Tổng Thống.”
Rồi tôi nghe tin ông Tổng Thống Ronald Reagan bị bắn, ông trúng đạn,
nhưng ông không chết. Theo tôi, TT Reagan là vị Tổng Thống oanh liệt
nhất của Hoa Kỳ kể từ sau năm 1975. TT Reagan đến trước Bức Tường Ô
Nhục Berlin, nói như ra lệnh cho Gorbachev, Tổng Bí Thư Nga Cộng:
“Ðập đổ bức tường kia đi.”
<<<==Năm 1961 Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson đến Sài Gòn.
Ngay sau đó cái gọi là Bức Tường Ô Nhục do bọn Cộng xây lên ở thủ
đô Berlin bị người dân Ðức phá sập. Rồi chuyện tôi – và nhiều người trên
thế giới – không tưởng có thể xẩy ra đã xẩy ra dưới thời TT. Reagan;
Liên Xô tan rã, chủ nghĩa Cộng sản bị quăng vào hố rác, tượng Lenin,
tượng Stalin ra nằm ở miệng cống, bọn đảng viên cộng sản nắm quyền ở các
nước Ðông Âu bị nhân dân nước chúng trừng trị: Tổng Bí Ðảng Cộng Lỗ
Sô-sét-cu bị dân Lỗ dí súng vào đầu bắn chết, Nadzbula, Tổng Bí Ðảng
Cộng Ac-ga-nit-tan, bị nhân dân Ác treo cổ toòng teeng trên cột đèn.
Những chuyện ấy đã xẩy ra dưới thời TT. Ronald Reagan. Dường như trên
thế giơi kể từ ngày loài người có Xi-nê-ma và Tổng Thống, chỉ có diễn
viên Movie Ronald Reagan là làm Tổng Thống – làm Tổng Thống một quốc gia
lớn, giầu mạnh – và thành công, chiến thắng bọn Cộng – tôi nghe nói ở
Phi-luật-tân trước đây ít thời có thời một diễn viên xi-nê được bầu làm
Tổng Thống Phi, nhưng chỉ sau ít tháng, ông này bị hạ bệ. Không biết tôi
nhớ có đúng không.
Suốt những năm TT. Reagan cầm quyền, tôi nằm phơi rốn ở trong những
nhà tù quê hương tôi. Năm 1995 tôi sang Mỹ, tôi nhìn thấy trên màn ảnh
TiVi đám tang ông Reagan.
Tôi có nỗi tiếc riêng: Những năm 1960 nữ diễn viên điện ảnh Jane
Wyman là vợ diễn viên Ronald Reagan. Ông bà ly dị nhau năm nào tôi không
biết. Tôi có cảm tình với bà Jane Wyman, bà không đẹp, bà diễn xuất
hay, tôi nhớ bà mãi qua phim Johnny Belinda. Jane Wyman diễn vai thiếu
nữ câm trong phim này. Tôi buồn khi thấy ông bà không sống được với
nhau. Năm nay – 2012 – bà Jane Wyman còn sống.
o O o
Năm 1991 ở Sài Gòn tôi được ông bạn ở Mỹ viết thư:
“Dân Mỹ bầu một anh blancbec làm Tổng Thống.”
Anh Blancbec ông bạn tôi viết đây là Tổng Thống Bill Clinton,
Blancbec có nghĩa là anh con trai mới lớn không hiểu biết gì về chuyện
đời. Anh Blancbec đã đem lại 8 năm kinh tế thoải mái cho dân Mỹ.
Năm 2008 tôi bầu ông John McCain làm Tổng Thống.
Năm 2012 tôi bầu ông Mitt Romney.
Gorbachev sửa đồng hồ theo giờ Mỹ của TT. Reagan. Liên Xô tiêu tán thoòng.=>
Ông Mitt Romney là con ông George Romney. Ông Romney Bố từng là Thống
Ðốc BangMichigan. Năm 1965 là Thượng Nghị Sĩ, ông Romney Bố sang thăm
Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà. Năm 1969 ông Romney Bố ứng cử Tổng Thống Mỹ,
ông thua ông Bush.
Ông Mitt Romney đi theo con đường chính trị của ông Romney Bố. Nói theo ngôn ngữ bình dân Việt Nam:
“Nhà Romney không có mả làm Tổng Thống.”
Nhớ lại những ông Tổng Thống Mỹ đã đến Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà.
Ông Tổng Thống Mỹ thứ nhất nhất đến Việt Nam là ông Richard Nixon.
Năm 1952 ông Nixon là Phó Tổng Thống – TT Ike Eisenhower – ông đến Hà
Nội và Sài Gòn. Năm 1956 Phó Tổng Thống Richard Nixon đến Sài Gòn lấn
thứ hai. Lần này nhân danh TT. Eisenhower ông mời Tổng Thống Ngô Ðình
Diệm sang thăm Hoa Kỳ.
Năm 1961 ông Phó Tổng Thống Lyndon Johnson đến Sài Gòn. Cùng đến với
Phó Tổng Thống Johnson trong dịp này có bà em của Tổng Thống Kennedy
Năm 1961 anh H2T, người anh em cùng vợ của tôi, là nhân viên Nhật báo
Sàigònmới. Anh H2T– com-lê, ca-vát – lên phi cảng Tân Sơn Nhất đón Phó
Tổng Thống Lyndon B. Johnson và phái đoàn. Năm 1961 người Mỹ chưa có
nhiều ở Sài Gòn. Ðường vào phi cảng không có trạm xét nào. Ra vô tự do.
Người đến đón cả Việt và Mỹ chỉ khoảng 30 người. Phóng viên H2T
Sàigònmới đến với anh Nicholas Ðại, nhiếp ảnh viên Sàigonmới. Anh – H2T –
dặn anh Nicholas Ðại:
“Lúc ông ấy bắt tay tôi, anh chụp tôi cái ảnh.”
Anh H2T có tấm ảnh ông Phó TT Mỹ Lyndon B. Johnson bắt tay anh đăng
trên báo Sàigònmới. Trong lần đến Sài Gòn này, ông Phó TT Johnson được
mời ngồi xe cyclo chạy một vòng trước Toà Ðại Sứ Mỹ đường Hàm Nghi. Ông
là vị Tổng Thống Mỹ duy nhất từng ngồi xe xích-lô ở Sài Gòn.
Những năm 1965, 1967, khi là Tổng Thống, TT Johnson có đến thăm quân
Mỹ ở Chu Lai. Chuyến đến của ông không được báo trước. Phi cơ đưa ông
đến Ðà Nẵng, Chu Lai, ông ở đó chừng 2 giờ rồi lên ngay phi cơ về Mỹ.
Năm 2000, Tổng Thống Bill Clinton đến Hà Nội. Ðứng dưới cờ đỏ và
tượng Hồ Chí Minh, TT Clinton nói lời hối tiếc về trận chiến tranh vừa
qua, ông kêu gọi người Việt quên dĩ vãng để hợp tác với người Mỹ. Sau Hà
Nội, TT Clinton vào Sài Gòn. Ông và bà vợ, cô con đến ăn cơm Việt Nam ở
hàng ăn Phố Xưa. Chủ hàng ăn Phố Xưa là cô Như Loan. Cô là diễn viện
điện ảnh, vai chính phim Ðời Chưa Trang Ðiểm. Cô chạy thoát sang Mỹ
trước Ngày 30 Tháng Tư 1975, cô từ Mỹ trở về Sài Gòn mở hàng ăn Phố Xưa.
TT. Clinton đi ăn phở ở tiệm Phở 2000 ở Sài Gòn.
Năm 2006 TT Mỹ Bush đến Hà Nội và Sài Gòn. Ông cụng ly rượu máu với
Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng. Ông mời và tiếp vợ chồng Nguyễn Minh
Triết ở Nhà Trắng. Ở Sài Gòn ông đến ăn ở Nhà Hàng của cô em Trịnh Công
Sơn. Bà chủ quán – lẽ ra phải ôm bà Bush – um ông Bush thấm thít.
TT. Obama chưa một lần đến Việt Nam. Trong 4 năm nhiệm kỳ đầu của
TT. Obama không thấy có anh đầu xỏ Việt Cộng nào đến Nhà Trắng.
TT Obama là ông Tổng Thống Mỹ duy nhất – và là ông Tổng Thống duy
nhất trên toàn cầu – công khai nhắc đến tên một người tù chính trị ở
Việt Nam. Ông nói với dân Mỹ:
“Chúng ta hãy nhớ đến ông Ðiếu Cày đang bị tù ở Việt Nam.”
Bọn Việt Cộng chúng nó không nể nang gì ông. Tôi – CTHÐ – cám ơn ông
vì ông đã nhắc đến một người Việt Nam bị bọn Cộng ác ôn giam tù. Tuy
người tù không được hưởng ân huệ của ông, việc ông làm cho tôi thấy ông
có chú ý đến tình cảnh khốn khổ của người Việt chúng tôi ở trong nước.
Việc bọn Cộng đối xử nặng tay với người tù Việt được ông nhắc đến cho
người Việt chúng tôi thấy rõ hơn tính chất bất nhân, tàn bạo và sự không
biết xấu hổ của chúng.
o O o
Sáng nay – buổi sáng 9 Tháng 11, 2012 – tôi thấy ở Mỹ dường như chẳng còn mấy người Mỹ nhớ đến Thảm Họa 9/11.
<<<===
Vợ Nguyễn Minh Triết và Bà Laura Bush, Nhà Trắng
Hoa Kỳ. Vợ Triết là người đàn bà Việt Nam thứ nhất làm quốc khách của
Nhà Trắng.
Tôi mời quí vị đọc lại bài diễn văn nhiệm chức của Tổng Thống John F.
Kennedy. Tôi thấy đây là bài diễn văn nhiệm chức Tổng Thống Hay Nhất
trong các đời Tổng Thống Mỹ.
Diễn Văn của Tổng Thống John F. Kennedy đọc trong Lễ Nhiệm Chức Ngày 20 Tháng January, 1961,
Thế giới hiện nay đã khác. Nhân loại hiện có sức mạnh có thể thủ tiêu
mọi hình thức nghèo đói của loài người và mọi hình thức đời sống nhân
loại. Niềm tin cách mạng, mà tổ tiên chúng ta đã chiến đấu, hiện vẫn còn
là vấn đề khắp toàn cầu – niềm tin rằng Nhân Quyền không phải đến từ sự
ban ơn của chính phủ, mà đến từ Thượng Ðế.
Hôm nay, chúng ta không dám quên rằng chúng ta là những người kế thừa
cuộc cách mạng đầu tiên đó. Vào thời điểm này và ở nơi đây, hãy để cho
mọi người biết, hãy để cho bạn cũng như kẻ thù biết rằng, ngọn đuốc đã
được chuyển đến một thế hệ mới của người Mỹ, thến hệ sinh ra trong thế
kỷ này, trưởng thành từ chiến tranh, được rèn luyện từ một nền hòa bình
khó khăn và cay đắng, tự hào về di sản cổ xưa của chúng ta và không muốn
chứng kiến hoặc cho phép Nhân quyền từ từ bị hủy hoại, điều mà đất nước
này đã cam kết và điều mà chúng ta cam kết hôm nay, trên đất nước này
và trên khắp thế giới.
Hãy để mọi quốc gia biết, cho dù họ cầu mong những điều tốt lành hay
những điều tồi tệ đến với chúng ta, rằng chúng ta sẵn sàng trả bất kỳ
giá nào, gánh vác bất kỳ gánh nặng nào, chấp nhận bất kỳ khó khăn nào,
hỗ trợ bất kỳ người bạn nào, chống lại bất kỳ kẻ thù nào, để bảo đảm tự
do được thành công và tồn tại. Ðiều này chúng ta cam kết nhiều và nhiều
hơn nữa.
Ðối với những đồng minh cũ có chung nguồn gốc văn hóa và tinh thần
với chúng ta, chúng ta cam kết sự trung thành của những người bạn trung
thành. Ðoàn kết, chúng ta có thể cùng nhau hợp tác làm được nhiều điều.
Chia rẽ, chúng ta sẽ bị suy yếu và không làm được gì cả, chúng ta không
dám đương đầu với sự thách thức mạnh mẽ nếu chúng ta không hợp tác và bị
xé rời ra.
Ðối với những chính phủ mới, chúng tôi hoan nghênh các bạn đến với
nền Tự do, Dân chủ. Chúng tôi cam kết sẽ không để một hình thức kiểm
soát thuộc địa thay thế bằng một chế độ độc tài sắt máu hơn. Chúng ta
không mong những chính phủ mới này luôn ủng hộ quan điểm của chúng ta,
nhưng chúng ta luôn hy vọng tìm thấy sự hỗ trợ mạnh mẽ của họ đối với sự
tự do của chính họ. Và nên nhớ rằng, trong quá khứ, những kẻ điên rồ
tìm kiếm quyền lực bằng cách cưỡi trên lưng hổ, cuối cùng sẽ nằm trong
bụng hổ.
Với những người dân sống trong những túp lều và những ngôi làng trên
khắp toàn cầu, đang tranh đấu để phá vỡ xiềng xích của nỗi thống khổ tột
cùng, chúng ta cam kết sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ họ, để họ có thể
tự giúp bản thân họ, bất cứ khi nào được yêu cầu, không phải vì lo rằng
cộng sản sẽ lôi kéo họ, cũng không phải vì chúng ta muốn kiếm lá phiếu
của họ, mà bởi vì đó là điều chúng ta cần phải làm. Nếu một xã hội tự do
không thể giúp được nhiều người nghèo khổ, thì xã hội đó không thể cứu
lấy một ít người giàu có.
Với những người anh em cộng hòa của chúng ta ở phía Nam biên giới,
chúng ta có một cam kết đặc biệt, sẽ biến những lời nói tốt đẹp của
chúng ta thành những hành động trong một liên minh mới cho sự tiến bộ,
để giúp đỡ những người dân tự do và chính phủ các nước tự do thoát khỏi
đói nghèo. Nhưng cuộc cách mạng hòa bình của niềm hy vọng này không thể
trở thành nạn nhân của các nước thù địch. Hãy để tất cả các nước láng
giềng của chúng ta biết rằng, chúng ta sẽ tham gia với họ để chống lại
sự xâm lược hay sự lật đổ, tại bất cứ nơi nào ở châu Mỹ. Và hãy để các
nước khác biết rằng, chúng ta [là những nước] làm chủ bán cầu này.
Ðối với hội đồng các quốc gia trên thế giới, Liên Hiệp quốc, hy vọng
tốt nhất của chúng ta trong lúc này, nơi có nhiều khả năng xảy ra chiến
tranh hơn hòa bình, chúng ta tiếp tục cam kết sự hỗ trợ của chúng ta đối
với Liên Hiệp quốc, để ngăn chặn nó trở thành một diễn đàn cho những
lời công kích, giúp Liên Hiệp quốc có thêm sức mạnh, để giúp đỡ những
nước mới thành lập và những nước nghèo khó và để giúp mở rộng hoạt động
của Liên Hiệp quốc.
Cuối cùng, đối với những nước muốn làm kẻ thù của chúng ta, chúng ta
yêu cầu: cả hai phía hãy tìm kiếm hòa bình, trước khi khoa học tung ra
sức mạnh của sự hủy diệt đen tối, nhấn chìm tất cả nhân loại, như đã lên
kế hoạch hoặc chỉ bất ngờ xảy ra.
Chúng ta không thể cho thấy sự yếu đuối. Chỉ khi nào chúng ta có đầy
đủ vũ khí, chúng ta chắc chắn rằng cả hai phía, không bên nào dám tấn
công.
Nhưng hai cường quốc hoặc hai nhóm các nước cường quốc không thể
thoải mái làm điều này, bởi vì cả hai phía hiện đã quá tải vì chi phí
cho các loại vũ khí hiện đại, cả hai phía đã được báo động do việc phổ
biến bom nguyên tử chết người, nhưng cả hai phía vẫn chạy đua để thay
đổi sự cân bằng không chắc chắn về mối đe dọa chiến tranh hạt nhân, sẽ
giúp chúng ta không tấn công nhau.
Cho nên chúng ta hãy thử một lần nữa, cả hai phía đều nhớ rằng, lịch
sự không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, và sự chân thành luôn phải
được chứng minh. Chúng ta không bao giờ thương lượng vì sợ hãi. Nhưng
chúng ta cũng không bao giờ sợ hãi để rồi thương lượng.
Hãy để hai phía tập trung vào những điểm chung có thể làm cho chúng
ta đoàn kết, thay vì phải lo lắng đến những vấn đề chia rẽ chúng ta.
Lần đầu tiên, hãy để hai phía đưa ra những đề xuất chính xác và
nghiêm túc, xem xét và kiểm soát vũ khí, và đem sức mạnh tuyệt đối hủy
diệt các nước khác, đặt dưới sự kiểm soát hoàn toàn của tất cả các nước.
Hãy để hai phía sử dụng khoa học vào những mục đích tốt thay vì sử
dụng khoa học với mục đích [làm cho thế giới] kinh hoàng. Chúng ta hãy
cùng nhau khám phá những ngôi sao, chinh phục các sa mạc, xóa bỏ bệnh
tật, khai thác sâu dưới đáy đại dương, cổ vũ nghệ thuật và thương mại.
Hãy để hai phía đoàn kết, chú ý đến mọi nơi trên trái đất, theo lời
của đấng tiên tri Isaiah, để “không phải mang những gánh nặng… và giải
cứu mọi kẻ bị áp bức”.
Và nếu bắt đầu hợp tác, chúng ta có thể đẩy lùi cả khu rừng của sự
nghi ngờ, hãy để hai phía tham gia tạo một nỗ lực mới, không phải là một
sự cân bằng quyền lực mới, mà là một thế giới luật pháp mới, thế giới
mà những nước mạnh không thể đánh những nước yếu, và những nước yếu được
an toàn, và nền hòa bình được bảo vệ.
Tất cả những điều này sẽ không thể hoàn thành trong 100 ngày đầu tiên
[của một nhiệm kỳ tổng thống]. Cũng không thể hoàn thành trong 1.000
ngày đầu tiên, cũng không thể nào thực hiện trong nhiệm kỳ của chính phủ
này, thậm chí có thể không làm được trong suốt cuộc đời của một con
người sống trên hành tinh này. Nhưng hãy để chúng ta bắt đầu.
Ðồng bào của tôi ơi, sự thành công hay thất bại cuối cùng trong tất
cả mọi hành động của chúng ta đều nằm trong tay của quý đồng bào, nhiều
hơn là nằm trong tay của tôi. Kể từ khi đất nước này được thành lập, mỗi
thế hệ người Mỹ đã chiến đấu để thể hiện sự trung thành đối với quốc
gia. Những ngôi mộ của những người Mỹ trẻ tuổi đã đáp lại sự trung thành
đó, phục vụ trên khắp địa cầu.
Bây giờ tiếng kèn lại gọi chúng ta nữa, không phải lời kêu gọi để cầm
vũ khí, mặc dù chúng ta cần vũ khí, không phải lời kêu gọi chiến đấu,
mặc dù chúng ta đã dàn quân, mà là lời kêu gọi để gánh vác cuộc đấu
tranh lâu dài, hàng năm, “vui mừng trong hy vọng, kiên nhẫn trong hoạn
nạn”, một cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung của con người: sự chuyên
chế, nghèo đói, bệnh tật và chiến tranh.
Có thể nào chúng ta cùng nhau chống lại những kẻ thù của một liên
minh lớn và toàn cầu, Bắc và Nam, Ðông và Tây, để có thể bảo đảm một
cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả nhân loại hay không? Các bạn có sẽ tham
gia vào nỗ lực lịch sử đó không?
Suốt chiều dài lịch sử thế giới, chỉ có một vài thế hệ được ban cho
vai trò bảo vệ tự do trong giờ phút nguy hiểm tột cùng. Tôi không trốn
tránh trách nhiệm này, tôi chào đón nó. Tôi không tin rằng người nào đó
trong chúng ta muốn đổi vị trí với bất kỳ người nào khác hoặc thế hệ nào
khác. Nghị lực, đức tin, sự hiến thân mà chúng ta mang đến nỗ lực này
sẽ thắp sáng đất nước ta và những người phục vụ nó, và sự phát sáng từ
ngọn lửa đó có thể thật sự soi sáng thế giới.
Và những người bạn Mỹ của tôi, đừng hỏi đất nước sẽ làm gì cho các bạn, mà hãy hỏi các bạn đã làm được gì cho đất nước mình.
Những người bạn trên thế giới của tôi, đừng hỏi nước Mỹ sẽ làm gì cho
các bạn, mà hỏi chúng ta có thể cùng nhau làm được gì cho tự do của
nhân loại.
Cuối cùng, cho dù các bạn là công dân Mỹ hay là công dân thế giới,
hãy yêu cầu chính phủ sống và chịu đựng giống như chính phủ đòi hỏi
người dân phải sống như vậy. Với lương tri trong sáng, chúng ta biết
chắc chắn ta sẽ được đền bù, lịch sử cuối cùng sẽ phán xét những việc
làm của chúng ta. Chúng ta bảo vệ đất nước mà chúng ta yêu quý nhờ
Thượng Ðế phù hộ và giúp đỡ, nhưng chúng ta phải biết rằng, công việc
của Thượng Ðế chính là công việc của chúng ta..
Ngưng Diễn Văn.
Hãy để mọi quốc gia biết, cho dù họ cầu mong những điều tốt lành
hay những điều tồi tệ đến với chúng ta, rằng chúng ta sẵn sàng trả bất
kỳ giá nào, gánh vác bất kỳ gánh nặng nào, chấp nhận bất kỳ khó khăn
nào, hỗ trợ bất kỳ người bạn nào, chống lại bất kỳ kẻ thù nào, để bảo
đảm tự do được thành công và tồn tại
Và những người bạn Mỹ của tôi, đừng hỏi đất nước sẽ làm gì cho các bạn, mà hãy hỏi các bạn đã làm được gì cho đất nước mình
CTHÐ: Tôi dành quyền suy luận và kết đoán cho các vị. Chỉ xin buồn hỏi một câu:
“Những người Mỹ đã đáp ứng ra sao với những lời kêu gọi của ông Tổng Thống của họ?”
http://hoanghaithuy.wordpress.com/2012/11/19/tong-thong-ky-hoa/