Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

“Nhà đầu tư ngoại rút vốn vì lo ngại Việt Nam phá giá đồng nội tệ”

Ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư, Tập đoàn VinaCapital, cho rằng thời gian qua nhà đầu tư nước ngoài rút vốn vì lo ngại Việt Nam có khả năng phá giá đồng nội tệ.
“Nhà đầu tư ngoại rút vốn vì lo ngại Việt Nam phá giá đồng nội tệ”
Ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư, Tập đoàn VinaCapital
“Nếu nhà đầu tư nước ngoài thấy Việt Nam có xu hướng phá giá tiền VND họ sẽ ngưng đầu tư và rút vốn ra khỏi Việt Nam. Thực tế, việc phá giá có thể ngưng lại kế hoạch đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vì họ phải so sánh cơ hội đầu tư ở Việt Nam với việc phá giá đồng tiền VND”, ông Andy Hồ phân tích.
Trao đổi với BizLIVE, ông Andy Hồ cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( FED ) đã chính thức tăng lãi suất cơ bản đồng USD từ mức 0% - 0,25% trước đó lên mức 0,25% - 0,5% không có ý nghĩa cho tiền VND phá giá. Thực tế, thị trường tiền tệ đã điều chỉnh 3 - 6 tháng trước đó.
Vậy quyết định điều chỉnh lãi suất của FED sẽ tác động như thế nào đến TTCK Việt Nam?
Trước hết, chúng ta biết FED đã bàn đến tăng lãi suất từ lâu và các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như trên thế giới đã chuẩn bị tinh thần cho việc tăng lãi suất này. Việc FED chính thức tăng lãi suất cơ bản đồng USD cho thấy sự xác nhận nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt, kết thúc 10 năm khó khăn của Mỹ.
Việc tăng lãi suất đồng USD của FED cho thấy bức tranh rõ ràng hơn về kinh tế Mỹ, qua đó nhà đầu tư yên tâm hơn về tương lai kinh tế. Phản ứng trước động thái đó, TTCK Mỹ, chứng khoán toàn cầu đều tăng điểm, và Việt Nam cũng không là ngoại lệ (kết thúc phiên giao dịch ngày 17/12/2015 VN-Index đóng cửa ở 577,11 điểm, tăng 0,79%).
Lịch sử chứng minh nếu FED tăng lãi suất, TTCK sẽ tăng khoảng 20% sau 12 tháng. Nói như vậy để thấy, việc FED tăng lãi suất là tốt cho thị trường Mỹ.
Trở lại Việt Nam, quyết định của FED ảnh hưởng đến Việt Nam có lẽ đã ảnh hưởng rồi. Vì hầu hết các nhà đầu tư đều đã dự đoán FED sẽ tăng lãi suất. Việc ảnh hưởng đến Việt Nam nó thể hiện qua 2 yếu tố.
Thứ nhất, tiền VND mất giá so với USD và các đồng tiền tệ các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Euro… đều yếu đi so với USD. Tỷ giá VND/USD không bất ngờ với quyết định của FED.
Thứ hai, với TTCK Việt Nam, quan sát trong 2 tuần qua cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn ra khỏi Việt Nam, bán nhiều hơn mua. Họ dự đoán Việt Nam có thể điều chỉnh tỷ giá và có động thái bán ra. Bây giờ bức tranh đã rõ ràng hơn nên nhà đầu tư lại "vào" TTCK. Bằng chứng là TTCK Mỹ tăng điểm và ngày 17/12 TTCK Việt Nam cũng đã tăng điểm.
Nói như vậy, việc FED tăng lãi suất có thể tác động tích cực đến TTCK Việt Nam vì sẽ có một dòng tiền đầu tư ngắn hạn đổ vào?
Tiền vào hay ra khỏi TTCK có nhiều yếu tố ảnh hưởng lắm. Nếu nói FED tăng lãi suất sẽ khiến nhà đầu tư ngoại bơm tiền vào Việt Nam là không chắc chắn, và chưa đủ cơ sở. Vì dòng vốn vào TTCK Việt Nam còn chịu tác động của nhiều yếu tố.
Ông có cho rằng quyết định của FED sẽ gây áp lực tăng tỷ giá VND/USD không?
Tôi cho rằng, FED tăng lãi suất không có ý nghĩa cho đồng VND phá giá. Thị trường tiền tệ Việt Nam đã điều chỉnh lâu rồi, đi trước thực tế 3-6 tháng.
Tỷ giá VND/USD trong thời gian qua chịu tác động của 2 yếu tố quan trọng là khả năng cung ngoại tệ của Nhà nước và ảnh hưởng biến động của đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc. 2 yếu tố này ảnh hưởng nhiều hơn sự biến động lãi suất của FED.
Bởi ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước cam kết khống chế biến động tỷ giá VND/USD ở mức 2%, 6 tháng đầu năm các đồng ngoại tệ mất giá rất nhiều so với USD, nhưng Việt Nam vẫn khống chế ở 2%. Đến khi đồng NDT mất giá, Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá, Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá VND/USD rất nhanh. Lý do là Việt Nam phải cạnh tranh hàng hóa với Trung Quốc.
Nhiều quan điểm cho rằng việc phá giá tiền VND sẽ kích thích dòng vốn đầu tư gián tiếp đổ vào TTCK Việt Nam. Ông thì sao?
Việc phá giá đồng VND không có ảnh hưởng tích cực lên TTCK Việt Nam, nhưng tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu đồng VND đang trong xu hướng mất giá, nhà đầu tư nước ngoài luôn phải cân nhắc, so sánh lợi ích có được từ cơ hội đầu tư ở Việt Nam với việc tiền VND mất giá.
Quan sát hoạt động kinh doanh của hơn 600 doanh nghiệp niêm yết trên 2 Sở cho thấy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đang tốt lên, nên TTCK Việt Nam chắc chắn sẽ tốt hơn.
Nếu lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng bình quân 15%, TTCK cũng sẽ tăng khoảng 15%.
Vậy theo ông yếu tố nào có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển tốt lên?
Lãi suất/chi phí vốn thấp sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Chi phí vốn ở Việt Nam vẫn còn cao, hiện xấp xỉ khoảng 7%/năm điều này đồng nghĩa lợi nhuận đầu tư vào dự án phải 10%/năm trở lên.
Việc tìm cơ hội đầu tư để có lợi nhuận trên 7% đã hạn chế hơn. Nếu nền kinh tế có thể giảm chi phí vốn, doanh nghiệp có thể hoạt động tốt, có nhiều dự án đầu tư khả thi hơn.
Xin cám ơn ông!
TRẦN GIANG - HỒNG QUÂN

PUTIN VÀ NƯỚC NGA DƯỚI MẮT MỘT CỰU BẠN HỌC CỦA TỔNG THỐNG


(NCTG) “Với trách nhiệm của một Giám đốc Nhà Hữu nghị Xô - Đức thì Putin có nhiệm vụ thanh toán cho các cán bộ cao cấp từ Moscow sang, mời họ ăn, uống, dẫn họ đi cửa hàng, rồi lại thanh toán, mang những cái thân hình chẳng còn chút tri giác nào lên máy bay để họ quay ngược về Moscow. Đấy, mọi hoạt động tình báo của Putin ở Đông Đức là vậy”.
Cựu điệp viên Yuri Shvets - Ảnh: gordonua.com
Cựu điệp viên Yuri Shvets - Ảnh: gordonua.com
Lời giới thiệu: Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa bao giờ làm công tác tình báo đúng nghĩa do khả năng kém cỏi của mình, mặc dù tiểu sử chính thức có khẳng định đi chăng nữa, và Tổng thống Mỹ chỉ cần ký hai văn kiện thì sẽ phá hủy được nền kinh tế Nga, theo một cựu điệp viên Liên Xô (cũ), ông Yuri Shvets.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo “Gordon”, Shvets - hiện nay là nhà phân tích kinh tế Mỹ - cũng thuật lại các biệt hiệu từ thời KGB của tổng thống Nga, cùng nhiều chuyện “thâm cung bí sử” khác. Ông sinh năm 1952, là người gốc Ukraine, cựu sinh viên Học viện Tình báo cho các điệp vụ liên quan tới nước ngoài mang tên Andropov, sau đó là sĩ quan tình báo Tổng cục 1 thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) của  Liên bang Xô-viết.

Vào những năm 1980, khi cuộc “Chiến tranh lạnh” đang ở đỉnh điểm, ông Shvets đã làm điệp viên tại Mỹ dưới vỏ bọc là một phóng viên của Thông tấn xã Liên Xô (TASS). Ông có nhiệm vụ thu thập và phân tích các thông tin liên quan đến khả năng Mỹ bất ngờ tấn công hạt nhân Liên Xô. Năm 1990, Shvets xin thôi việc và ba năm sau đã xin di cư sang Mỹ.

Tại đó, ông cho xuất bản cuốn “Văn phòng Washington: Quãng đời điệp viên KGB của tôi tại Mỹ” (Washington Station: My Life as a KGB Spy). Trong suốt 18 năm trở lại đây, Shvets đứng đầu một công ty của Mỹ chuyên thu thập thông tin và đưa ra các đánh giá rủi ro kinh doanh cho các doanh nghiệp, tập đoàn dự định đầu tư lớn vào lãnh thổ trên thế giới, cũng như các nước thuộc Liên Xô cũ.

Yuri Shvets là một trong những nhân chứng quan trọng nhất trong những phiên điều trần diễn ra tại London thời gian qua về vụ án ám sát cựu sĩ quan FSB Alexander Litvinenko. Chính Shvets đã giúp đỡ Litvinenko thu thập và phân tích hồ sơ về Viktor Ivanov, chiến hữu của Putin, Giám đốc Cơ quan kiểm soát ma túy Liên bang Nga. Trong hồ sơ này có thông tin về mối liên hệ của Putin và Ivanov với băng nhóm tội phạm có tổ chức Tambov.

Tổ chức này vào những năm 90 thế kỷ trước chuyên buôn bán ma túy và rửa tiền cho một trong những tên đầu sỏ ma túy của Colombia. Dựa theo các tài liệu điều tra của Anh Quốc, chính Shvets và Litvinenko đã làm đổ bể phi vụ làm ăn của một tập đoàn lớn vào bậc nhất Châu Âu với Liên bang Nga mà lẽ ra Ivanov sẽ nhận được từ đó một khoản hoa hồng khổng lồ.

Ngoài ra, Yuri Shvets với tư cách giám định viên cũng tham gia vào hồ sơ nhập cư của cựu Thủ tướng Ukraine Pavlo Lazarenko. Trong những năm 2002-2005, ông cũng giải mã và phân tích “cuốn băng Melnichenco”- bản thu âm trộm các cuộc nói chuyện của cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma trong khuôn khổ điều tra vụ ám sát nhà báo Georgiy Gongadze. Bản giả mã các cuộn băng này Shvets đã đăng trong các nguồn tài liệu trên Internet của Ukraine dưới mật danh Piotr Liutyi.

Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt dành cho báo “Gordon”, Yuri Shvets đã kể, một năm trước đó, trước khi xảy ra các hoạt đông quân sự tại Donbas, ông đã cố gắng giúp “tiêu diệt những kẻ ly khai” và chính quyền Ukraine đã phản ứng như thế nào; ông cũng giải thích lý do tại sao ông coi Putin là kẻ có “năng lực dưới mức trung bình “và hai văn kiện nào mà chỉ cần tổng thống Mỹ Obama ký thì cũng đủ để làm nền kinh tế Nga sụp đổ”.

Bản tiếng Việt của bài phỏng vấn do Nguyễn Hồng Giang dịch từ nguyên bản tiếng Nga. Tựa đề do NCTG tạm đặt. Trân trọng giới thiệu!

*

• Có thật là ông học cùng Putin tại Học viện Tình báo KGB mang tên Andropov không?

Thông tin này xuất hiện vào tháng 5-2001 trên trang của cơ quan phụ trách mảng Tình báo Nước ngoài của Liên bang Nga. Trong văn bản này ghi rằng tôi là một kẻ phản bội vì đã tiết lộ các thông tin về KGB và trong ngoặc kép có ghi rằng “trong những năm 80, Yuri Shvets là bạn đồng khóa với Vladimir Putin tại Học viện KGB”.

• Các cơ quan đặc vụ ấy cần phải vạch trần ông vào đúng năm 2001 để làm gì?

Tôi cũng chẳng hiểu vì sao. Tôi chẳng liên quan gì đến nước Nga thời hậu Xô-viết. Tôi cũng chưa bao giờ là công dân Nga. Thậm chí hộ chiếu Nga tôi cũng không có. Tôi đến Mỹ năm 1993. Ba năm sau tôi xuất bản cuốn hồi ký “Văn phòng Washington: Quãng đời điệp viên KGB của tôi tại Mỹ”. Những hồi ký kiểu này hiếm khi xuất hiện. Tại Nga bắt đầu kêu gào, Shvets đã bán đứng mọi bí mật rồi.

Nhưng mà có những bí mật gì cơ chứ, khi mà Liên Xô đã tan vỡ từ lâu, Ủy ban An ninh Quốc gia thời điểm đó không tồn tại, còn Chủ tịch KGB Vladimir Kryuchkov thì đã mãn hạn tù vì tội âm mưu đảo chính tháng 8-1991.

• Có thể họ kêu gào vì ông biết quá nhiều về một Putin - điệp viên chăng?

Putin có bao giờ làm công tác tình báo đúng nghĩa đâu.

• Nhưng mà trong tiểu sử chính thức của Putin ghi rằng ông ta hoạt động tình báo ở Leningrad (nay là Saint Peterburg), sau đó là phục vụ ở Cộng hòa Dân chủ Đức.

Sau khi tốt nghiệp trường Andropov, Putin bị gửi về cơ quan địa phương - Sở Tình báo KGB thành phố Leningrad và tỉnh Leningrad. Đó là điều tối quan trọng để hiểu “ngài Putin là ai” và hiểu được những gì xảy ra với nước Nga hiện nay.

Để được vào trường KGB mang tên Andropov là vô cùng khó khăn. Nhưng một khi đã lọt vào trường rồi thì 99% là sẽ được gửi đi làm công tác tình báo ở nước ngoài (chỉ trừ những trường hợp đến từ các nước cộng hòa - họ được gửi đến Moscow để đào tạo các cán bộ khung cho bộ máy, thường thì họ sẽ trở về nước cộng hòa của họ).

Nhưng Leningrad thì lại khác. Cùng học với tôi cũng có những người đến từ thành phố đó. Nhưng khi tốt nghiệp họ được đưa ngay về Tổng cục 1 KGB phụ trách các điệp vụ nước ngoài, còn riêng Putin thì không.

• Sao vậy?

Dù cho có những điều hoang tưởng khá phổ biến thì không chỉ có James Bond mới làm tình báo được. Những người như thế chỉ đếm được trên đầu ngón tay thôi. Phần đông nhân viên của Tổng cục 1 KGB chỉ là những người có khả năng phân tích trung bình cũng như các tính cách tâm lý vùa đủ để đáp ứng công việc. Như vậy từ khóa cơ bản sẽ là “Trung bình”.

Vậy cái việc không cử Putin làm công tác tình báo mà lại gửi về sở KGB Leningrad có nghĩa là ông ta về tổng thể thì khả năng dưới trung bình. Trong thời gian học tập tại Moscow thì Putin cũng giống như các sinh viên ngoại tỉnh khác, sống tại một cơ sở biệt lập, nằm ngoài thành phố, trong rừng và bị cách ly bởi hàng rao cao. Tổng thống tương lai của nước Nga phải ở đó 24 tiếng trong ngày, 7 ngày trong tuần suốt một năm.

Ở trường Andropov, người ta không chỉ dạy sinh viên học mà còn nghiên cứu, tìm hiểu sinh viên rất kỹ để biết rõ, sinh viên ấy có đáp ứng được với công việc tình báo hay không. Trong một năm ấy, người ta đã tìm hiểu sinh viên Putin kỹ đến nỗi chẳng một phòng thí nghiệm nào trên thế giới làm nổi việc đó. Nói một cách bóng bẩy thì mọi thứ lục phủ ngũ tạng của anh người ta đều nắm rõ và kết quả là người ta cử anh về làm việc ở địa phương Leningrad.

• Nhưng thời Xô-viết thì sau Moscow, Leningrad là thành phố quan trọng thứ hai cơ mà. Tại sao ông lại coi thường việc phục vụ ở thủ đô phương Bắc thế?

Sở An ninh Quốc gia thành phố Leningrad và tỉnh Leningrad là một văn phòng KGB tỉnh lẻ điển hình, nơi chẳng có gì khác với những sở KGB khác, ví dụ như ở Zhmerynka hay Berdychiv (những thị trấn nhỏ ở Ukraine – ND) cả. Theo ý tưởng thì các cơ quan kiểu này phải tóm những tên điệp viên nước ngoài và tuyển mộ họ thành người của mình. Nhưng trên thực tế thì không thể làm được việc đó vì trên thế giới làm gì có từng ấy điệp viên để các sở KGB địa phương của Liên Xô tóm được.

Bởi vậy điệp viên Putin ở Leningrad chỉ làm những thứ vớ vẩn: mách lẻo sinh viên với giáo sư, rồi lại nói xấu giáo sư với hiệu trưởng...

• Nhưng tuy nhiên năm 1985 thì tổng thống tương lai của Nga cũng được cử sang Đông Đức, mà theo như tiểu sử thì, ông ta phục vụ công tác tình báo tại Dresden dưới vỏ bọc Giám đốc Nhà Hữu nghị Xô - Đức?

Tại Đông Đức không có văn phòng KGB và, theo lệnh thì Ủy ban An ninh Quốc gia không được tiến hành các hoạt động tình báo trên lãnh thổ các nước XHCN, đặc biệt là Đông Đức, một nước có quan hệ rất gắn bó với Liên Xô. Bản thân Đông Đức cũng đã có cơ quan tình báo đặc biệt hữu hiệu của mình rồi. Điều quan trọng là không cản trở họ làm việc vì họ sẽ báo cáo đầy đủ mọi thứ với Moscow.

Văn phòng - đó là một cơ sở tình báo bí mật của một quốc gia tại một quốc gia khác. Ở Đông Đức thì không có cái văn phòng đó mà lại có đại diện chính thức của KGB ở Berlin, Dresden và một thành phố nữa. Điều đó để làm gì? Ở thời Liên Xô (cũ), được ra nước ngoài là cả một sự kiện đối với bất cứ công dân Xô-viết nào, và KGB đã tưởng thưởng cho các nhân viên địa phương của mình có cơ hội để có những “ngày hội cuộc đời” đó.

Sĩ quan KGB được gửi đi Đức mấy năm, khi trở về có máy ảnh Đức với ống kính Karp Sey, có bộ đồ ăn “Madonna”. Hai thứ đồ vật điển hình này là kết quả duy nhất của công cuộc làm “tình báo ở Đông Đức”.

Putin cũng làm những việc vậy thôi. Với trách nhiệm của một Giám đốc Nhà Hữu nghị Xô - Đức thì Putin có nhiệm vụ thanh toán cho các cán bộ cao cấp từ Moscow sang, mời họ ăn, uống, dẫn họ đi cửa hàng, rồi lại thanh toán, mang những cái thân hình chẳng còn chút tri giác nào lên máy bay để họ quay ngược về Moscow. Đấy, mọi hoạt động tình báo của Putin ở Đông Đức là vậy.

• Ông nhất định cho rằng thời gian phục vụ KGB của Putin thì Putin vừa có năng lực kém cỏi vừa chưa bao giờ hoạt động tình báo đúng nghĩa?

Đấy có phải là do tôi khẳng định đâu. Đấy là tiểu sử nghề nghiệp thật sự chứ không phải là cái tiểu sử giả của ông ấy. Ngay cái sự việc, sau khi tốt nghiệp thì ông ta bị gửi trả về Leningrad đã là một dự đoán chính xác rồi. Trong thời gian học tập, hàng chục giáo viên cũng như các hướng dẫn viên đã nghiên cứu về ông ấy chán ra rồi. Mỗi một người trong số họ khi kết thúc khóa học đều phải viết nhận xét phù hợp về sinh viên tốt nghiệp.

Tôi cũng đã được đọc vài nhận xét như thế, đó là khả năng phân tích, là những nhận xét hết sức sâu sắc về tính cách tâm lý của đối tượng. À, mà bạn có biết ông ta có bao nhiêu là biệt danh không? Hồi còn ở KGB thì ông ta là “Đầu mẩu”, sau đó thì là “Con vắt xanh” xao, còn bây giờ là “Botox”.

• Ở Ukraine tổng thống Nga cũng có biệt danh…

(Cười) Tôi biết. Putin-la la la! Nữ hoàng Catherine Đệ nhị đã ban tặng cho các tướng lĩnh Nga vĩ đại tham gia cuộc chiến tranh Crimea với đế chế Ottoman những cái họ rất mỹ miều như: Suvorov-Rymniksky, Rumyantsev-Zadunaisky, Potemkin-Tavricheskiy. Còn Putin thì nhận được cái biệt danh nổi tiếng “khuilo” cho hành vi của mình đối với Crimea năm ngoái.

Tôi tiếp xúc với khá nhiều người, họ đã từng biết rõ Putin từ rất lâu trước khi ông ta làm tổng thống. Tất cả những người đó đều cho rằng, bỏ qua vấn đề khả năng trí tuệ chưa đủ tầm thì Putin là một kẻ tự ty ghê gớm. Vóc dáng cơ thể nhỏ bé thực sự đã hủy hoại tinh thần của ông ta. Mọi khiếm khuyết ấy đều thể hiện rõ trên gương mặt cũng như dáng điệu.

Một người như vậy thì không thể làm công tác tình báo ở nước ngoài vì ngay trên khuôn mặt anh ta đã thể hiện rõ rằng: hãy tóm tôi đi! Chính vì vậy mà trong thời gian làm việc ở KGB, ông ta đã tham gia tập Judo để bù đắp lại khiếm khuyết đó. Tôi không biết trong thể thao thì thế nào, chứ còn ở KGB thì rõ ràng là ông ta không ổn.

• Tuy nhiên, dù sao đi nữa thì chính Putin đã nắm quyền tuyệt đối tại một trong những quốc gia lớn nhất thế giới trong suốt 15. Đó là điều khác hẳn so với các bạn học tài năng của mình....

À, đó chính là truyền thống Xô-viết mà bây giờ là Nga mà ta sẽ nhận ra ngay vì nó thể hiện ngay trên bề nổi của hệ thống chính trị. Tại sao năm 1953 Nikita Khrushchev lại được bổ nhiệm làm Bí thư thứ nhất Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô? Dưới thời Stalin ông ta chỉ là một thứ rác rưởi chuyên làm trò đấy thôi. Nhưng họ đã chỉ định ông ta để ông ta chỉ làm con rối, còn đứng sau lưng lại là những người rất nghiêm túc khác cơ.

Và anh chàng mềm yếu và nông nổi Leonid Brezhnev cũng được đặt lên ghế lãnh đạo Xô-viết với mục đích để sau đó vài năm sẽ được thay thế bởi chàng Shurik cứng rắn thông minh - Alexander Shelepin. Tất cả họ chỉ cần một thứ bù nhìn để điều khiển được bằng một sợi dây và sau vài năm thì gỡ bỏ. Nhưng kết quả là đáng ra chỉ vài năm thì thời đại Brezhnev kéo dài 18 năm.

Câu chuyện ấy lặp lại đúng với Putin.Người ta chọn ông ta như chọn một con rối dễ bảo lên đứng đầu Liên bang Nga nhằm đảm bảo an toàn và tiền bạc cho kẻ mà ông ta thay thế. Tôi đã tiếp xúc với Boris Berezovsky, người đã đóng vai trò không nhỏ trong việc Putin làm tổng thống. Berezovky đã nói rằng: “Hãy cho tôi một kênh truyền hình, tôi sẽ làm chiếc ghế cho tổng thống tiếp theo của Liên bang Nga”.

Đấy câu trả lời là Putin đã leo lên như thế đấy.

• Liệu hiện nay sẽ có một cuộc đảo chính “cung đình” xóa bỏ Putin hay không?

Điều ấy là hoàn toàn có thể khi mà tầng lớp “tinh hoa” Kremlin đang bị ảnh hưởng rất lớn từ các chế tài của Phương Tây. Họ chả cần gì Crimea hay Donbas. Hiện nay cuộc đối đầu sách lược của Nga là cuộc đối đầu giữa tham vọng ngồi trên cái ghế của mình đến khi chết và những đòi hỏi khách quan của đất nước trong sự vận động phát triển thôg thường. Nếu Putin cứ nhất định ngồi trên ghế của mình đến chết thì nước Nga hoặc sẽ sụp đổ hoặc sẽ trở thành một quốc gia hạng ba kiểu như Bắc Triều Tiên hay Mông Cổ.

• Ông có cho rằng tầng lớp” tinh hoa” Kremlin còn sợ cơn thịnh nộ của nhân dân hơn sợ các chế tài của Phương Tây nên họ đã không làm cuộc đảo chính cung đình này không?

Đấy chính là gốc rễ căn bệnh của tầng lớp “tinh hoa” Kremlin. Ngay trước khi Liên Xô tan vỡ, hàng tuần đều có ai đó từ Ủy ban Trung ương đến KGB và yêu cầu, các anh phải giúp chúng tôi giữ được chính quyền, nếu không thì sẽ có một cuộc nổi dậy vô nghĩa và khốc liệt. Và lúc đó thì cả các anh và cả chúng tôi đều sẽ bị treo lên cột đèn như ở Budapest năm 1956 đấy.

• Khả năng Putin nhấn nút hạt nhân có cao không?

Không có khả năng ấy.Tôi từng hoạt động chuyên nghiệp về vụ việc căng thẳng đỉnh điểm của cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, khi khả năng dẫn đến chiến tranh hạt nhân hoàn toàn là hiện hữu.

Như thế nào là bắt đầu cuộc chiến tranh hạt nhân? Cần phải giáng đòn đầu tiên mà đòn ấy sẽ tiêu diệt tối đa số lượng các tên lửa trên mặt đất của đối phương, đến khi các tên lửa còn lại của họ đánh trả thì phải bắn hạ chúng bằng các phương tiện lực lượng phòng không của mình. Dưới thời Liên bang Xô-viết, tiềm lực cho cú đánh quyết định đầu tiên ấy không thể có thì ngày nay Nga làm sao có thể có!

• Theo thông tin chính thức vào tháng Chín 2013 thì Nga có tới 3.000 đầu đạn hạt nhân, còn theo nguồn không chính thức thì số đầu đạn có thể lên tới 50.000.

Cơ cấu tên lửa mặt đất của Nga như sau, khoảng một nửa số đầu đạn được cài đặt cho tên lửa SS-18 hoặc Satan được sản xuất tại tập đoàn quốc phòng “Yuznui” tại Dneporpetrovsk. Đây là thế hệ tên lửa từ những năm 1960 của thế kỷ trước mang được khoảng 10 đầu đạn cho mỗi tên lửa, nhưng những tên lửa này lại không có độ chính xác cần thiết. Tên lửa phục vụ cho mục đích đánh trên diện rộng chứ không phải cho mục đích chính xác chi tiết.

Thế có nghĩa là các tên lửa này của Nga có thể san bằng NewYork hay San Francisco hoặc các thành phố lớn khác nhưng không thể tiêu diệt các tên lửa đã được cài đặt của Mỹ trong các hầm ngầm và vì vậy khả năng là sẽ bị xơi quả đánh trả và nước Nga cũng bị san bằng luôn.

Nhân tố quan trọng nhất để quyết định có đánh đòn hạt nhân hay không là việc tên lửa của anh có đánh trúng mục tiêu cần đánh hay không. Tên lửa Xô-viết trước kia và Nga hiện nay không có đủ độ chính xác như vậy. Hơn nữa việc tên lửa sẽ rơi vào chỗ nào thì cũng không ai nói chính xác được bởi quỹ đạo của tên lửa phụ thuộc rất lớn vào đặc điểm, tính năng của khí quyển vùng mà mục tiêu của tên lủa hướng tới.

Tên lửa được bắn thử ở bãi thử miền Đông thuộc Kamchatka đến một mục tiêu nhất định với các tính năng khí quyển nhất định là một chuyện hoàn toàn khác rồi. Nếu đánh đòn hạt nhân mà tên lửa lại bay theo quỹ đạo ngắn nhất thì sẽ bay qua Bắc Cực và đi đâu tiếp thì chẳng ai biết rõ vì chưa có cuộc thử nghiệm như thế bao giờ.

Mà thậm chí nếu Putin lên cơn điên loạn nhấn nút hạt nhân thì các “đồng chí “của ông ta cũng sẽ nhanh chóng sửa lại lỗi ấy cho ông ta. Tổng thống Nga nói chung kém hiểu biết về những lĩnh vực như thế này. Trong bộ phim “Crimea, đường về Tổ quốc” Putin huênh hoang rằng đã dọa được tàu khu trục Mỹ tại Biển Đen: “Chúng tôi đã phát triển một tổng thể phòng vệ trên bờ và đưa nó vào hệ thống vệ tinh làm phía người Mỹ nhìn thấy và hoảng sợ...”.

Có điều chẳng ai giải thích cho Putin biết một chi tiết nhỏ: tầm bắn xa của hệ thống phòng vệ kia là 250km, còn tầm xa của các tên lửa có cánh trên tàu khu trục của Mỹ là 2.500km. Nếu một cuộc chiến tranh thực thụ bắt đầu thì cái hệ thống phòng ngự mà nhà lãnh đạo Nga huyênh hoang đang đóng ở Crimea kia sẽ bị Hạm đội 6 của Mỹ đang nằm tại Địa Trung Hải xóa sổ mà không cần tiến vào Biển Đen.

Thậm chí bỏ qua cả các vấn đề mang tính kỹ thuật thì vẫn còn vấn đề mang tính tâm lý. Chẳng lẽ bạn thực sự tin rằng một con người mà hàng năm biến mất khỏi công luận từ 7 đến 10 ngày để làm thủ thuật facelift (căng da mặt) và bơm chất botox vào cơ thể mình lại có thể tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân? Bởi chất botox sẽ tan chảy khi nhận cú đánh giáng trả và chất ấy chảy ra ngoài vì sợ hãi đấy.
Nguyễn Hồng Giang chuyển ngữ, từ Kiev (Ukraine) - Còn tiếp 

(NCTG) “Người ta chẳng hề nghĩ tới việc chạy đua quân sự với người Mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế Liên Xô. Kết quả là cái dạ dày trống rỗng và tất đều sụp đổ. Mọi thứ tương tự như vậy đang diễn ra ở Nga: nhóm quân lực đưa ra những nguy cơ giả mạo và buộc truyền thông cũng như các cơ quan tình báo nhân bản nó lên rồi sau đó chính họ cũng tin vào điều giả mạo ấy”.

Chiến sự tại làng Vodianoe (gần Donetsk, Ukraine, tháng 4-2015) - Ảnh: Oleg Petrasyuk (EPA)
Chiến sự tại làng Vodianoe (gần Donetsk, Ukraine, tháng 4-2015) - Ảnh: Oleg Petrasyuk (EPA)

• Ông chẳng qua chỉ ghen tỵ với tổng thống Nga vì bao năm qua ông ấy ngày càng có ít nếp nhăn hơn thôi!

Để nhấn được nút hạt nhân thì cần phải có những ý tưởng cuồng tín, còn Putin thì chỉ là nô lệ cho hai ý tưởng này thôi: làm sao để trường sinh bất lão và làm sao để ngồi mãi trên chiếc ghế quyền lực! Bạn có lưu ý tới một chi tiết quan trọng trong cuộc gặp mặt ở Minsk không?

• Trong cuộc gặp gỡ kéo dài 17 tiếng ở Minsk vào tháng 2-2015 có nhiều chi tiết quan trọng. Ý ông định nói đến chi tiết nào?

Mở đầu cuộc gặp gỡ ở Minsk, Merkel, Holland, Poroshenco và Putin bước vào phòng. Đích thân Lukashenko mời từng người ngồi vào ghế thì bất thần nhà lãnh đạo Nga lao tới và gần như giằng một chiếc ghế khỏi tay Lukashenko. Hóa ra là có sự nhầm lẫn. Bạn có biết vì sao không? Đấy chính là bởi vì độ cao của chiếc ghế - yếu tố tối quan trọng của chính sách đối ngoại của Liên bang Nga hiện nay.

Chiếc ghế phải đủ cao để Putin trông không nhỏ bé, đồng thời nó cũng không được cao quá làm cho chân của nhà lãnh đạo không với tới đất. Chuẩn bị ghế cho Putin – công việc rất quan trọng trước mỗi lần ông ta xuất hiện trước công luận và chiếc ghế này phải được chuẩn bị từ trước. Vậy mà Lukashenco chẳng hiểu gì lại đem chiếc ghế quan trọng ấy mời người khác ngồi.

Thiếu chút nữa thì cuộc đàm phán Minsk bị hỏng, vậy mà bạn lại đi nói chuyện “nhấn cái nút hạt nhân”. Thôi, tôi xin bạn đi!

• Nếu câu chuyện dọa dẫm hạt nhận là vớ vẩn, tại sao Phương Tây lại uể oải trong phản ứng trước sự xâm lược quân sự của Nga tại Ukraine?

Sự đối lập hiện nay giữa Washington và Moscow gợi đến mối quan hệ Xô - Mỹ những năm thập niên 70. Khi đó lãnh đạo nước Mỹ là Jimmy Carter thuộc Đảng Dân chủ mềm mỏng và mong muốn kết bạn với mọi thế lực. Đáng lẽ phải lợi dụng điều đó để cải thiện mối quan hệ với Mỹ thì Liên Xô lại tiến hành các cuộc tiến công: đánh chiếm Afghanistan, chĩa SS-20 sang Châu Âu.

Kết quả là sau Cater thì năm 1981, Tổng thống Mỹ diều hâu Ronald Reagan quyết định kết thúc những cuộc diễu võ của Liên Xô. Ông ta tăng cường chi phí cho quốc phòng. Vậy là giới tướng lĩnh Liên Xô cũng bắt đầu gây sức ép với Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô với luận điệu phía Mỹ đang chuẩn bị đòn đánh Liên Xô trước. Nhưng thực ra Reagan đâu có dự định điều ấy.

• Sao lại không dự định khi mà chính trong thời kỳ của tổng thống Mỹ Reagan thì cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô bị đẩy lên đỉnh điểm?

Vào tháng 4-1985 tôi được gửi sang Washington làm phóng viên của TASS. Việc làm phóng viên chỉ là vỏ bọc, nhiệm vụ của tôi là “xem xét việc Mỹ bất thần tấn công Liên Xô bằng tên lửa hạt nhân”. Cả các đồng nghiệp khác của tôi cũng nhận được nhiệm vụ tương tự thế trong công tác tình báo chính trị ở nước ngoài. Chỉ cần có ba tháng và tôi đã hiểu ra rằng, nhiệm vụ tôi được giao thật là nhảm nhí.

Thậm chí lúc đầu tôi còn nghĩ rằng có điều gì đó tôi không hiểu hết. Tôi vội tìm hiểu thêm ở các đồng nghiệp trong văn phòng KGB và ai cũng nhất trí với tôi. Cả các nhà phận tích trong Cục Tình báo Trung ương cũng có nhận định như vậy. Nhưng tất cả đều đồng lòng báo cáo lên cấp trên rằng cái bọn đáng nguyền rủa ở Lầu Năm Góc đang chuẩn bị một cuộc tấn công phòng ngừa đối với Liên Xô.

• Tại sao nhân viên của Cơ quan Tình báo Nước ngoài lại lừa dối trung tâm như vậy?

Trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô luôn có một cuộc tranh đấu bí mật. Hồi cuối những năm 70, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và KGB đã thỏa thuận với nhau nghĩ ra một nguy cơ không tồn tại là sự tấn công Liên Xô bất ngờ bằng tên lửa hạt nhân từ phía Mỹ.

• Để làm gì?

Để đe dọa các thành viên khác của Bộ Chính trị, mà phần lớn là những người đã ngoài 80 tuổi. Nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân,dù nó không tồn tại, cũng làm tăng tầm quan trọng cũng như giá trị của Bộ Quốc phòng và KGB. Đại diện của các cơ quan quân lực sẽ nhận được nhiều tiền hơn từ ngân sách quốc gia, được thêm vạch, thêm sao trên ve áo, được trọng thưởng.

Người ta đòi hỏi các điệp viên thông tin về sự chuẩn bị tấn công hạt nhân bất ngờ đó từ phía Mỹ, nếu bạn lại báo cáo rằng nguy cơ đó không tồn tại thì lập tức bạn sẽ bị gọi trở về Liên Xô và bị coi như một nhân viên tình báo không đủ năng lực.

Tóm lại là khi đó ở Liên Xô có hai hiện thực song song tồn tại: một là sự hoang tưởng trong đầu những người lãnh đạo dựa trên các bản báo cáo mà họ nhận được về các nhiệm vụ giả dối mà họ đã giao, còn hiện thực kia là cuộc sống thật ở ngay trong nước và nước ngoài. Đến một giai đoạn nhất định nào đó sẽ xảy ra hố sâu giữa hai hiện thực: tầng lớp lãnh đạo thì chuyên tâm vào những nguy cơ ảo, còn nền kinh tế quốc gia thì phân hủy và đất nước mục ruỗng từ bên trong, đến 1991 thì sụp đổ hoàn toàn.

Cũng chính điều này hiện đang xảy ra với nước Nga. Giống như Liên Xô trước đây, nhóm quân lực trong chính phủ đang phá hủy đất nước.

• Ông có thể nêu tên những vị tướng mà ông cho là đã đi đến thỏa thuận với nhau dẫn đến việc Liên Xô sụp đổ không?

Tất cả mọi thứ bắt đầu từ Chủ tịch KGB Yuri Andropov và Bộ trưởng Quốc phòng Dmitriy Ustinov. Sáng kiến của họ được một trong những đồng minh thân cận nhất của Andropov (và là thủ trưởng trực tiếp của tôi vì khi đó ông ta lãnh đạo mạng lưới tình báo nước ngoài Liên Xô) là Vladimir Kryuchkov vớ được. Tất cả các Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô cho đến tận Dmitry Yazov cũng tham gia vào vụ này.

Tóm lại là chỉ bằng vào việc mang tên lửa của Mỹ ra dọa dẫm Bộ Chính trị Kryuchkov đã trở thành Chủ tịch KGB và nhận được chức tướng quân đội. Sau vụ việc đó, Kryuchkov đã chính thức bị thần kinh, ông ta thậm chí còn dấn tới cuộc đảo chính tháng 8-1991 và rồi sau đó thì Liên Xô sụp đổ hoàn toàn.

• Ông không quá đề cao vai trò của các vị tướng Xô-viết đấy chứ? Bởi suy cho cùng thì chính Reagan đã lôi kéo Liên Xô vào cuộc chạy đua vũ trang và phá giá giá dầu lửa quốc tế làm cho nền kinh tế Xô-viết lụn bại hoàn toàn.

Câu hỏi có thật là Mỹ đã bắt tay với Saudi Arabia để phá giá dầu thể giới hay không là một câu hỏi rất cần bàn cãi. Chính Nga cũng kêu gào rằng Mỹ đã bắt tay với Saudi Arabia. Cá nhân tôi thì cho rằng sự thật là 50/50.

Đúng là Reagan đã lôi kéo Liên Xô vào cuộc chạy đua vũ trang, nhưng chính các tướng lĩnh Xô-viết đã sẵn sàng để bị dẫn dắt một cách mù quáng mà không hiểu rằng điều đó sẽ dẫn đến tổn hại nền kinh tế. Chính lãnh đạo KGB và Bộ Quốc phòng đã đặt ra cho Bộ Chính trị nhiệm vụ phải ăn miếng trả miếng: nếu như người Mỹ phát triển tên lửa thì chúng ta phải phát triển tàu ngầm. Thế nghĩa là chúng ta giống như những con khỉ.

Người ta chẳng hề nghĩ tới việc chạy đua quân sự với người Mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế Liên Xô. Kết quả là cái dạ dày trống rỗng và tất đều sụp đổ. Mọi thứ tương tự như vậy đang diễn ra ở Nga: nhóm quân lực đưa ra những nguy cơ giả mạo và buộc truyền thông cũng như các cơ quan tình báo nhân bản nó lên rồi sau đó chính họ cũng tin vào điều giả mạo ấy.

Bạn có muốn nghe câu chuyện lịch sử lớn mà bây giờ ít ai còn nhớ tới? Đó chính là tính logic của sự tồn tại của Liên Xô và Nga ngày nay. Những năm sau của thập niên 70, Liên Xô chế tạo tên lửa SS-20 tầm trung. Chẳng hề có một mục đích cụ thể nào, một nhiệm vụ cụ thể nào được đặt ra: thiết kế, thi công và thế là hết.

Cố vấn riêng của Brezhnev trong cuộc họp với chúng tôi tại Đại sứ quán kể lại rằng, các ủy viên Bộ Chính trị tháp tùng Leonid Brezhnev tới phi trường nơi ông sẽ công du ra nước ngoài, bỗng nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Ustinov tiến đến nói với Breznev. Ông này xưng hô “mày tao” (như họ đã quen từ thời còn Chiến tranh Vệ quốc): “Bọn tôi đã làm xong tên lửa không đạn đạo, tầm bắn không đến Mỹ nhưng đến Châu Âu thì thừa.

Cần phải làm gì với nó chứ, tiền đã bỏ ra rồi, quy trình sản xuất cũng đã vận hành rồi nhưng phải làm gì với các tên lửa này thì vẫn chưa biết! Hay là ta cứ đặt nó ở các vùng miền Tây Ukraine, Belorussia?
”. Breznhev nông nổi và ốm yếu trả lời: “Thế cũng được, Dima!”. Đấy, tất cả các bàn thảo về một vấn đề chiến lược chỉ có vậy!

Thế là chẳng có nguyên nhân gì cụ thể để Liên Xô phát triển tên lửa SS-20, còn Mỹ thì chẳng cần tìm hiểu gì, phẩy tay và đặt luôn ở Châu Âu tên lửa đạn đạo Pesing 2, thời gian bay tới Moscow mất 8-10 phút. Còn bây giờ ở Moscow, người ta cũng phẩy tay và bắt đầu “cuộc chiến cho thế giới mới”.

Putin có thể sẽ kết thúc cuộc chơi với các nguy cơ giả tưởng của mình, còn Mỹ thì lại nhớ đến Pesing hay các mẫu tên lửa mới khác. Mà nếu như bây giờ Mỹ đặt đâu đó ở Baltic thì lại còn rút ngắn thời gian bay đến Moscow xuống dưới 4 phút. Bây giờ tên lửa tốc độ siêu thanh, thời gian bay đến Moscow chỉ còn từ 2-2,5 phút. Đấy thế là xong vấn đề chiến tranh hạt nhân.

• Liệu Putin có quyết định tấn công tổng lực Ukraine hay không?

Trong công tác tình báo và phân tích tình báo thì các tình tiết rất quan trọng. Tôi không biết các tình tiết đó nhưng tôi nhìn thấy hai sự việc nghiêm trọng.

Thứ nhất, việc tập trung quân số tại biên giới với Ukraine đã ở mức quá ngưỡng. Duy trì một đội quân tập trung như vậy mà không làm gì là không nên vì nó sẽ nguy hiểm cho chính nước Nga. Mặt khác Liên bang Nga rất cần để Phương Tây tháo bỏ các chế tài và không tiếp tục thực thi thêm các chế tài khác. Cách đây không lâu Thủ tướng Dmitry Medvedev đã rên rỉ khi báo cáo về tình trạng của đất nước.

Nếu Putin quyết định tấn công, nền kinh tế trong nước sẽ không chịu được các chế tài mới. Nhưng cần phải tính đến yếu tố Putin là một tay “KGB địa phương” điển hình. Giống như ngài Berezovsky quá cố đã từng nói “thật khó mà dự đoán được logic của bọn ngốc”.

• Vậy thì ông hãy giải thích cho tôi biết logic của tổng thống Mỹ, người đang rất chần chừ trong việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine?

Obama hiểu rất rõ rằng ném vũ khí của Mỹ vào Ukraine đúng vào lúc lực lượng ATO đang lùi dần tại Delbasevo sẽ gây ra scandal lớn mà người chịu trách nhiệm không phải là mấy nghị sĩ hừng hực đòi cung cấp vũ khí cho Ukraine mà chinh là bản thân Obama. Điều đó sẽ đánh mạnh vào ứng cử viên của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tới. Obama cần phải bảo vệ một cách xứng đáng vị trí tổng thống của mình để nó không bị hoen ố bởi bất cứ quyết định nào.

Nhưng vấn đề quan trọng hơn là: trao vũ khí sát thương của Mỹ cho ai? Nếu trao cho các đơn vị tình nguyện thì không thể, còn trao cho quân đội Ukraine thì trên thực tế theo đúng định nghĩa của Phương Tây thì Ukraine chưa có quân đội.

• Sao lại chưa có, trong năm vừa qua quân đội Ukraine đã trở về đúng vị trí của nó trong suốt lịch sử độc lập của đất nước đó thôi!

Tình hình ở Ilovaisk và Debaltseve vừa qua đã chứng minh rõ ràng hố ngăn cách và thậm chí là thù địch giữa các cá nhân trong đội ngũ quân đội Ukraine trên chiến trường và cả trong mệnh lệnh. Mệnh lệnh đưa ra đã có thể mở rộng một số khu vực nhất định cho lực lượng ATO, nhưng cứ khi nào bắt đầu chiến sự là lập tức không còn kiểm soát được nữa. Quân đội bị bỏ rơi cho số phận và trở thành một đạo quân vô tổ chức.

Cứ khi kêu lên thành lời “chúng tôi bị tấn công” thì bắt đầu cuộc bỏ chạy hỗn loạn. Hiển nhiên rằng trong số các cá nhân trong quân ngũ có vô số những người anh hùng, nhưng vấn đề chính mà vì nó đã một năm trôi qua sau khi bị xâm lược mà Ukraine vẫn chưa có quân đội đấy là sự ngăn cách, sự thiếu tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, lại còn thêm cả thù hận giữa các cá nhân trong đội ngũ chỉ huy.

Và chính tầng lớp lãnh đạo là có lỗi lớn nhất khi để việc này xảy ra.

• Thật tiếc là tôi không thể phản đối gì được ông cả...!

Tôi đã kể cho bạn nghe về các tướng lĩnh của Xô-viết và của Nga, còn bây giờ nói về các tướng lĩnh của Ukraine. Có một khái niệm “tướng văn phòng”. Griboyedov đã từng viết về Chatsky:

Những kẻ vênh váo tự hào thường là những kẻ biết cong cần cổ
Chẳng ở trong chiến tranh mà ở thời bình, biết dập đầu xuống sàn mà không thấy xấu hổ
”.

Trong thời gian diễn ra Maidan tại Ukraine có 43 tướng quân đội cả thảy. Nếu tính tỷ lệ trên quân số thì có lẽ Ukraine đứng đầu thế giới về tướng lĩnh. Quân đội không có nhưng tướng cho một đội quân không tồn tại thì lại có. Phần lớn trong số họ được phong hàm trong thời gian các lực lượng vũ trang của Ukraine đang tan rã.

Các tổng thống, rõ ràng nhận thấy rằng một quân đội lớn mạnh sẽ nguy hiểm cho họ hơn là các kẻ thù tiềm năng nước ngoài. Lực lượng vũ trang Ukraine không tham gia vào bất cứ một hoạt động chiến đấu nào, thậm chí còn không có cả các cuộc diễn tập. Theo như tôi được biết thì lần diễn tập cuối cùng diễn ra năm 1997 và trên cấp độ binh đoàn.

Thật là một chuyện nực cười. Vậy hãy giải thích cho tôi, mấy vị tướng đó được phong hàm vì công lao gì?

• … Có lẽ vì buôn bán vũ khí bất hợp pháp ra nước ngoài!

Và còn vì đã trả hoa hồng lớn cho cấp trên nữa chứ. Vậy thì tìm được các tướng lĩnh thực sự trong Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu Ukraine là một việc làm vô vọng. Đơn giản vì họ không có ở đó. Quá trình chiến đấu ở Donbas chỉ thêm một lần khẳng định điều đó mà thôi.

• Thế ông cho là phải làm gì?

Giữa những năm 90 ở đất nước Châu Phi Siera-Leona xuất hiện những cuộc nổi dậy và chiếm luôn một phần lãnh thổ của quốc gia kim cương giàu có này.Quân đội của chính quyền không biết làm thế nào và đã mời những quân nhân chuyên nghiệp đến. 157 chuyên gia quân sự nước ngoài được đào tạo bài bản trong vòng hai tuần đã đè bẹp đội quân 10.000 phiến quân nổi dậy.

Năm 1960 Indonesia to lớn đã tấn công Malaysia bé nhỏ. Nước này cũng hiểu rằng không thể chống lại được với quỷ dữ nên đã mời lính đánh thuê chuyên nghiệp. Những người này cũng phá tan quân đội Indonesia. Lãnh đạo cả hai nước ở Châu Phi và Malaysia đã có đủ thông thái để hiểu rằng không nên tiêu hao đến người dân cuối cùng mà cần phải thuê những người lính chuyên nghiệp.

• Ý của ông là lãnh đạo Ukraine không đủ thông thái sao?

Hoặc là không đủ thông thái hoặc là không muốn kết thúc chiến tranh một cách nhanh gọn và giảm thiểu mất mát.
Nguyễn Hồng Giang chuyển ngữ, từ Kiev (Ukraine) - Còn tiếp

(NCTG) “Hiện thời số phận nước Nga lại phụ thuộc rất lớn vào tổng thống Mỹ. Chỉ cần ký hai văn bản, chẳng cần đến đòn hạt nhân nào, Obama cũng đẩy nước Nga vào tình trạng tiền trụy tim”.

Giới lãnh đạo Ukraine còn rất nhiều yếu kém, theo lời cựu điệp viên. Minh họa: Tổng thống Ukraine (tháng 4-2015) - Ảnh: Sergey Dolzheko (EPA)
Giới lãnh đạo Ukraine còn rất nhiều yếu kém, theo lời cựu điệp viên. Minh họa: Tổng thống Ukraine (tháng 4-2015) - Ảnh: Sergey Dolzheko (EPA)

• Vào tháng 5-2014 ông đã đến Ukraine để làm gì vậy?

Tôi đã dẫn đến Ukraine một trong những chuyên gia quân sự giỏi nhất của Phương Tây, mà theo đánh giá của giới quan sát, cả thế giới chỉ có khoảng mười người như vậy. Tên tuổi cũng như tiểu sử của ông ta không thể nói lên hết được những gì ông có. Kinh nghiệm, kiến thức của ông thì cả Bộ Tổng Tham mưu của Ukraine cũng không có được.

Tháng 5 năm ngoái số lượng các tay súng ly khai được vũ trang ở Donbas chỉ ước chừng vài trăm tên. Chúng tôi đã có sẵn kế hoạch cụ thể để tiêu diệt gọn nhóm phiến quân này trong thời gian tối đa là hai tháng. Kế hoạch tiêu diệt ly khai của chúng tôi chỉ chi phí hết bằng khoản tiền xuất khẩu hai chiếc xe tăng T90.

• Tôi lâu rồi không đến các cửa hàng bán đồ quân sự nên không biết giá của một chiếc xe tăng là bao nhiêu. Ông có thể nói ra con số giá của kế hoạch ấy không ạ?

Vào khoảng 6 triệu USD và một nửa trong số tiền ấy là tiền trang bị vũ khí, chính những vũ khí mà lâu nay Ukraine vẫn đang thuyết phục Phương Tây cung cấp cho mình. Chúng tôi đã được gặp lãnh đạo Ukraine, người mà thời điểm ấy có thể giải quyết được vấn đề.

• Ông có thể gọi tên ông ấy ra không?

Chẳng đáng để làm căng thẳng thêm vấn đề đâu. Nhưng bạn cứ tin rằng cấp độ cao đủ để giải quyết sự vụ. Ngày hôm nay ở Ukraine tên họ này mỗi người đều nghe thấy, còn vào tháng 5-2014 thì người này cũng có thể dễ dàng giải quyết chuyện phiến quân ly khai ở Donbas, nhưng thay vì giải quyết sự vụ ngay thì ông ta lại ngâm cứu kế hoạch. Bạn biết không, một trong những điều người Mỹ ngạc nhiên ở các quan chức Ukraine là thay vì nói “ “hoặc “không” thì họ lại ậm ừ điều gì đó không rõ ràng.

Tôi quay trở về Mỹ, nhưng vẫn đặt tâm huyết và sức lực để có thể khai thông công việc trên cấp độ Bộ và người đại diện Bộ ấy đã trình với tổng thống mới trúng cử của Ukraine. Nhưng phía Ukraine vẫn im lặng. Thế mà các phái đoàn của Ukraine vẫn không mệt mỏi chạy vạy khắp thế giới để đề nghị cung cấp vũ khí và lại nhận được lời từ chối. Còn khi đó, chuyên gia quân sự trực tiếp đến gặp ông ta, đưa ra một kế hoach đã được soạn thảo kỹ đến từng chi tiết...

Bạn hiểu không, quan chức Ukraine điển hình không giải quyết vấn đề, ông ta chỉ làm công việc thôi. Và đó chính là nguyên nhân mọi thảm họa của Ukraine.

Cuối những năm 80 ở KGB người ta kể một câu chuyện tiếu lâm chính xác như sự quan liêu của quan chức Ukraine hiện nay. Một điệp viên CIA được gửi tới Moscow với nhiệm vụ thực hiện cuộc đảo chính. Anh ta đến nơi, đất nước này làm anh ta yêu mến và lương tâm bắt đầu cắn rứt. Anh ta quyết định ra hàng. Anh ta đến Lubyanka và bảo, các bạn ơi, tôi là điệp viên CIA. Tôi sẵn sàng khai báo. Một anh KGB hỏi: “Có nhiệm vụ gì không?”. Người Mỹ kiên quyết gật đầu. “Thế thì anh sang phòng bên cạnh nhé” - KGB trả lời CIA.

Tôi là điệp viên CIA, tôi được giao nhiệm vụ ở nước các bạn” - anh CIA trình bày ở phòng bên cạnh. “Thế anh có máy thu phát không?”. “”. “Thế thì anh sang phòng bên cạnh nhé”. Suốt cả ngày chàng người Mỹ bị đá từ phòng này sang phòng khác, đến chiều muộn, anh ta đã mệt lử, đến phòng cuối cùng liền nói một hơi: “Tôi là điệp viên CIA, tôi được giao nhiệm vụ, có máy thu phát và có nhiều thứ khác...”. “Thế thì biến đi mà thi hành nhiệm vụ nhé, đừng quấy rầy chúng tôi chuẩn bị tuần hành ngày 1-5”.

Mọi sự bây giờ chính xác là như thế ở Ukraine.

• Có lẽ là cả trình độ của ông lẫn trình độ của chuyên gia quân sự kia không đủ để thuyết phục lãnh đạo Ukraine chăng?

Trình độ của một trong những chỉ huy quân sự hàng đầu thế giới đối với bạn chưa đủ là uy tín sao? Trình độ chỉ huy các chiến dịch NATO cũng chưa đủ là uy tín sao? Có lẽ rằng chúng tôi phải mang kế hoach của mình thông qua Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc mới đủ để Kiev lưu ý tới.

Bạn đồng hành của tôi giống như mọi người Phương Tây nghiêm túc khác quen với việc chịu trách nhiệm cho lời nói của mình. Hơn nữa kinh nghiệm chiến đấu ở các chiến dịch quân sự là có thật. Nếu như bạn ấy nói rằng trong vòng hai tháng sẽ giải quyết vấn đề ly khai tại Donbas thì có nghĩa là mọi thứ sẽ như vậy và đến tháng 8-2014 mọi việc đã được bình ổn ở miền Đông Ukraine, còn cộng thêm cả các vũ khí nữa.

• Ông đánh giá thế nào về việc lãnh đạo Ukraine từ chối kế hoạch tiêu diệt ly khai của các ông?

Bộ máy không làm việc, đấy là điều khủng khiếp! Ukraine có hai kẻ thù - nước Nga của Putin và chính quốc gia của mình thể hiện trong bộ mặt của những quan chức. Bạn có nhớ tác phẩm của Radishchev “Cuộc hành trình từ Peterburg đến Moscow” được in vào thế kỷ 18 không? Trong một đoạn của cuốn sách, Radishchev đã mượn lời thơ của Trediakovsky như sau: “Con quái vật béo quay, hèn hạ và sủa nhắng lên”.

Đấy chính là miêu tả ngắn gọn và tuyệt vời nhất về bộ máy quan chức của Ukraine.

• Sau cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội, tại Ukraine đã thay đổi lãnh đạo. Ông có cố gắng trình bày lại kế hoạch của mình một lần nữa không?

Bản kế hoạch của chúng tôi vẫn đang nằm trên bàn của một trong những quan chức cao cấp. Đấy chính là người vẫn xuất hiện trên truyền hình đặt tay lên ngực mà la hét: xâm lươc, xâm lược... Tôi đã yêu cầu trả lời chúng tôi cho dứt khoát. Nhưng ông ta lúc thì đi, lúc thì đến, lúc thì ngã… Còn tôi thì đã hết lời. Người đại diện cho lãnh đạo Ukraine cũng đã chạy theo phái đoàn của Ukraine sang Trung Đông để xin chính những vũ khí mà chúng tôi cung cấp trong đĩa ăn kia rồi.

• Thế ông đã thử gặp trực tiếp Tổng thống Poroshenko chưa?

Đấy cũng là vấn đề đấy. Các bạn có một tổng thống tuyệt vời, nhưng với nghĩa là khi ông ấy làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cơ - không thể có người nào hơn được. Tôi đã thấy ông ấy phát biểu ở cuộc Hội nghị thượng đỉnh tại Mỹ. Đấy là mẫu mực đỉnh cao của nghệ thuật ngoại giao. Nhưng có một thứ đạo luật Murphy: mỗi người dù là quan chức hay nhà quản lý rồi sẽ đến một lúc nào đó đạt được đến giới hạn của nghề nghiệp.

Tôi sợ rằng ngài Poroshenko đã đạt đến giới hạn đỉnh cao của vị trí Ngoại trưởng. Bởi vì trên cương vị tổng thống, ông ấy gặp phải hai vấn đề: lựa chọn nhân sự, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, dựa theo tiêu chí trung thành cá nhân chứ không phải trình độ chuyên nghiệp, và vấn đề thứ hai là ông không hiểu rằng số phận Ukraine hiện nay được quyết định trên chiến trường chứ không phải trên bàn đàm phán, những nỗ lực ngoại giao không thể biến những thất bại trên chiến trường thành chiến thắng trên bàn đàm phán.

Ngoại giao chỉ có thể củng cố và ghi nhận cho chiến thắng trên chiến trường mà thôi. Dường như tôi thấy (rất mong là tôi sai lầm) rằng ngài Poroshenko chẳng hiểu gì về công việc quân sự cho nên không đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và đã quá tin tưởng giao số phận đất nước cho những vị “tướng văn phòng”. Mà đấy sẽ là công thức của những thất bại thảm hại.

• Thế ông có thấy rằng có quá nhiều điều trên chính trường Ukraine trực tiếp chỉ ra rằng, việc dừng cuộc chiến tại Donbas là bất lợi,vì đó chính là cái cớ để không tiến hành cải cách hàng loạt hệ thống đang là nơi nương náu của các hoạt động làm ăn phi pháp?

Điều đó sẽ kết thúc tồi tệ lắm vì sẽ lại có một Maidan nữa và mọi điều đều sẽ vỡ nát. Tôi thực sự không hiểu được chính sách nhân sự của Poroshenko. Việc bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng cũ của Ukraine (Đại tướng Valeri Geletei, đứng đầu Bộ Quốc phòng từ 3-7 đến 14-10-2014) đúng là một sự phá hoại Ukraine. Tôi có nghiên cứu và phát hiện tiểu sử của vị tướng này. Hóa ra ông ta tốt nghiệp Trung cấp Công an Ivano-Frankivsk và bị sốc.

Tôi xin hỏi: ngài tổng thống Ukraine - giả như (cầu trời đó không phải là sự thật) ngài cần phải phẫu thuật gì đó phức tạp như tim chẳng hạn thì ngài có tin tưởng một người chỉ tốt nghiệp có Trung cấp Y khoa hay không? Vào thời Xô-viết, một người có học vấn như thế thì chức vụ cao nhất mà anh ta có là cảnh sát khu vực, thế mà ở đây ông ta lại là cả một bộ trưởng quốc phòng của một đất nước đang chiến tranh.

Tôi xem vài bài phát biểu của Geletei, ông ta dám mở miệng để nói rằng ông ta học tập chiến đấu trong thời gian tại chức. Đấy là ngay trước khi chảo lửa Ilovaisk diễn ra. Ông ta thậm chí còn không hiểu rằng việc “học tập trong thời gian tại chức” của ông ta có giá hàng trăm sinh mạng, thậm chí hàng nghìn con người. Nếu một ông cảnh sát với trình độ Trung cấp mà làm được Bộ trưởng Quốc phòng thì có lẽ Tổng Tham mưu trưởng phải tốt nghiệp trường dạy nấu ăn.

Mặc dù tình hình ảm đạm như vậy nhưng vẫn đang có một hy vọng lớn. Tôi đang nói về một thế hệ những người Ukraine mới, những người mới bước vào chính trường khoảng mười năm trở lại đây. Những người này có một bộ óc được lập trình đúng đắn, khi có những nhiệm vụ được đặt ra, họ suy nghĩ và tìm kiếm các giải pháp để giải quyết nó.

Còn các quan chức Ukraine truyền thống thì giải quyết bằng cách nào? Trước tiên là họ sẽ đánh giá: ta sẽ được gì trong vụ này? Nếu chẳng được gì thì họ chẳng cần giải quyết công việc đó. Nếu số phận đất nước lại phụ thuộc vào những người này thì đất nước sẽ vẫn ở cái nơi mà 25 năm sau ngày độc lập nó đang ở: chẳng có quân đội cũng chẳng có tiền.

Có lẽ Ukraine phải trải qua kịch bản của “Kinh Thánh” khi Moises dẫn dắt dân tộc mình bốn mươi năm đi qua sa mạc để trái đất dành cho những người tự do như đã hứa. Có lẽ đất nước phải chờ đợi để những đại diện với lối tư duy quan chức cũ kỹ chết bằng cái chết tự nhiên của mình.

• Vậy là trong khi chờ các chính khách thế hệ cũ rời bỏ quyền lực một cách tự nhiên thì Ukraine sẽ biến mất.

Mọi việc ở đây phụ thuộc vào điều gì sẽ xảy ra với anh hàng xóm phương Bắc của các bạn. Hiện thời số phận nước Nga lại phụ thuộc rất lớn vào tổng thống Mỹ. Chỉ cần ký hai văn bản, chẳng cần đến đòn hạt nhân nào, Obama cũng đẩy nước Nga vào tình trạng tiền trụy tim.

• Điểm này ông có thể nói rõ được không?

Thứ nhất: các tập đoàn độc quyền dầu mỏ đang gây sức ép lên Obama đòi hỏi gỡ bỏ luật cấm xuất khẩu dầu thô Mỹ. Hiện Obama vẫn đang chống lại sức ép này, nhưng vẫn có hy vọng. Nếu Obama ký văn bản này, giá dầu thô trên thế giới sẽ hoàn toàn sụp đổ.

Thứ hai: xuất khẩu khí hóa lỏng. Hiện thời trong tháng 1-2015 trên bàn làm việc của Obama đang có hơn 100 đơn đề nghị cho phép xuất khẩu khí hóa lỏng, nhưng chỉ có 5 đơn đề nghị được duyệt. Và hiện nay các hoạt động vận động hành lang đang ráo riết gây sức ép lên tổng thống. Khoảng 7-8 tuần nữa (tháng 7-2015 - ND) hóa lỏng đầu tiên sẽ lên đường sang Châu Âu. Nếu lệnh cấm xuất khẩu khí hóa lỏng cũng được gỡ bỏ thì giá khí đốt của thế giới cũng sụp luôn.

Và cả trong trường hợp thứ nhất hay trường hợp thứ hai thì Kremlin cũng tận số. Bạn có biết điều độc đáo của nước Nga là gì không? Những đất nước bình thường khi nền kinh tế tốt thì luôn phát triển bình thường. Còn nước Nga thì chỉ khi trải qua các vấn đề kinh tế nghiêm trọng mới có những bước đi trong chính sách đối ngoại. Cứ khi nào nước Nga có tiền thì nó lại mất hết cả lý trí.

Nước Nga là đất nước có định hướng không truyền thống, có nghĩa là trong kế hoạch phát triển sách lược của nước Nga thì tất cả mọi thứ được thực hiện tập trung vào một chỗ thôi. Nếu Phương Tây không gỡ bỏ chế tài thì nước Nga sẽ sụp đổ sau hai năm nữa.

Trong các giếng dầu hiện đang khai thác ở Nga, theo đánh giá của các chuyên gia, khối lượng dầu chỉ còn cho khai thác hai năm nữa. Còn phát triển các giếng mới thì Nga không thể làm được trong tình trạng các chế tài của Phương Tây đang có hiệu lực. Vậy là hai năm nữa, đất nước không còn dầu mỏ.

• Có thể vấn đề không phải là ở chính nước Nga mà là ở đường lối lãnh đạo chính trị hiện nay?

Đôi khi tôi có cảm tưởng, Putin là tay chân của một thế lực quốc tế độc ác giấu mặt nào đó, là kẻ đã nhận được nhiệm vụ rằng phải thanh toán nước Nga lần này và vĩnh viễn. Thay vì xây dựng mối qua hệ tốt đẹp với Châu Âu, xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ là những thứ mang lại lợi nhuận khổng lồ cho ngân sách Nga, thì Putin lại hành xử kiểu chó má.

Thậm chí ngay trong thời kỳ chiến tranh lạnh đang ở đỉnh điểm, các nhà lãnh đạo ngày xưa ở Kremlin cũng không bao giờ đe dọa kiểu tống tiền các nước Phương Tây bằng việc cung cấp khí đốt và dầu mỏ. Không - bao - giờ! Thậm chí kể cả một kẻ ngu đần cũng hiểu rằng không được chặt cái nhánh cây mà mình đang ngồi. Và lại còn kêu gào, trong cuộc chiến với Ukraine, chính NATO có lỗi vì đã tiến gần đến biên giới Nga!

Thế mà chính Putin đã làm hồi sinh NATO đấy. Trước khi Nga xâm lược Ukraine, khối này thực tế chỉ còn tồn tại trên giấy, nhưng bây giờ nó đã sống lại rồi. Dường như Nga xâm lược Ukraine để nước này không gia nhập NATO được, nhưng hiện nay thì quân lính của NATO đã có mặt ở các nước Baltic, ngay biên giới với Nga thôi. Vậy thì những “người Nga yêu quý” hãy cảm ơn Putin về điều này nhé!

Vào cuối những năm 1980, hai năm trước cuộc đảo chính tháng Tám, chúng tôi được điều sang làm công tác phân tích. Chúng tôi thu thập tin tức từ mọi miền của Liên Xô và cố gắng hiểu, điều gì đang xảy ra. Khi đó tôi đã nhìn thấy những dấu hiệu rõ ràng về việc Liên Xô sắp tan rã. Hiện nay tôi cũng nhìn thấy những dấu hiệu đó ở nước Nga. Putin đã làm rất nhiều việc để tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ sẽ là một Reagan mới, để chính sách ngăn chặn và kiềm chế Liên bang Nga sẽ là đường lối đối ngoại lâu dài của Hoa kỳ.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa mà tự biến mình thành một kẻ ngoài lề kép kín - có nghĩa là biến nước Nga thành một quốc gia hạng ba hoặc là hoàn toàn hủy diệt nó. Nhưng Putin đang cố gắng nỗ lực để làm điều đó vì ông ta cho rằng đấy là phương pháp duy nhất để ông ta duy trì quyền lực của mình cho đến lúc phải vào quan tài.

• Nếu Putin bị loại thì Ukraine và Nga có hết là thù địch?

Không! Thật đáng tiếc, đấy đã là số phận của Ukraine mất rồi, cho dẫu rằng ai bước vào Kremlin cũng vậy. Nước Nga đã không nắm được tiên đề quan trọng nhất: chính khách cũng như chiếc tã của trẻ sơ sinh, cần phải luôn thay mới. Nếu đất nước cứ sử dụng lại những chính khách đã cũ thì dù là ai bước vào Kremlin cũng sẽ cố ở lại đó vĩnh viễn và rồi lại biến đất nước thành một đầm lầy. Đó là ý chí dân tộc và cũng là thảm họa của nước Nga, bởi chính điều này sẽ phá hủy nó.

Cũng chính vì vậy mà một Ukraine dân chủ, phồn vinh và cởi mở là một khúc xương chặn ngang họng của Kremlin.

Ai sẽ thay thế Putin? Lại là những kẻ từ một xó xỉnh nào đó của Peterburg thôi. Ví dụ có thể là cựu Giám đốc FSB, nay là Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nicolai Patrushev. Ông ta cũng giống như Putin, đã làm việc tại sở KGB Leningrad, cũng là chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức các cuộc đi săn, câu cá cho các cấp lãnh đạo. Những tay “thợ săn” đó có mặt ở mọi sở KGB, dẫn cấp trên đi dã ngoại, thanh toán các cuộc vui và bây giờ thì lãnh đạo Hội đồng An ninh.

Nếu như đầu đàn của một bầy sư tử là một con cừu, thì bầy sư tử ấy sẽ biến thành một bầy cừu. Và khi đó, có quan trọng gì là ở nước Nga có bao nhiêu người thông minh đâu, khi lãnh đạo nó là Vova Putin!

(*) Có thể tham khảo bản tiếng Anh của cuộc phỏng vấn.
Nguyễn Hồng Giang chuyển ngữ, từ Kiev (Ukraine)

TÂN HIỆP PHÁT VÀ VỤ ÁN “CON RUỒI”


(NCTG) “Chúng ta có quyền hy vọng vào một phiên tòa phúc thẩm sẽ trả lại tự do cho anh Minh mà anh ta đáng được hưởng sau gần một năm bị giam cầm. Trả lại người bố cho đứa bé đang ngơ ngác tìm cha kia”.
Con ruồi nửa tỉ của THP đưa một người vào vòng lao lý. Ảnh: anh Võ Văn Minh tại Tòa sơ thẩm
Con ruồi nửa tỉ của THP đưa một người vào vòng lao lý. Ảnh: anh Võ Văn Minh tại Tòa sơ thẩm
Những vấn nạn về mất an toàn thực phẩm ở Việt Nam gần đây đã được báo chí liên tục cảnh báo. Ngay Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh cũng phải thốt lên trong phiên họp ngày 17-11-2015: “Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế!”.

Chính quyền sau đó đã thông báo một đường dây nóng và hứa thưởng đến 50 triệu VND cho các thông tin có giá trị nếu như người dân gọi điện thông báo các thông tin về thực phẩm bẩn, kém chất lượng. Thế nhưng sau phiên toà xử anh Võ Văn Minh trong vụ án “con ruồi” trong chai nước của Tân Hiệp Phát thì mọi người có quyền nghi ngờ vào việc ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm kém chất nước của chính quyền.

Tân Hiệp Phát (THP) là một công ty 100% vốn trong nước và nhiều người vẫn cho rằng ủng hộ hàng Việt Nam thì nên dùng sản phẩm do người Việt sản xuất. Thực tế thì THP đã khá thành công với cách quảng cáo theo chiều hướng này. Nhưng THP có thực sự vì người tiêu dùng Việt hay không thì chúng ta thử điểm lại những thực tế của công ty.

Sản phẩm thành công nhất của THP là Trà Xanh Không Độ, đây là một sản phẩm được quảng cáo là “chiết xuất từ thiên nhiên, thảo mộc...” thế nhưng thực tế thì phía THP không đưa ra được bất cứ chứng từ nào chứng tỏ họ đã mua các sản phẩm thiên nhiên để chiết xuất. Ngược lại, cơ quan điều tra đã từng phát hiện 26 tấn hương liệu nhập khẩu từ nước ngoài đã quá hạn sử dụng, trong bài báo cũng không nói cái “nước ngoài” ấy là nước nào?

Nếu ai đã từng sang Trung Quốc thì đều nhận thấy rằng: TẤT CẢ CÁC SẢN PHẨM CỦA THP ĐỀU GIỐNG HỆT CÁC SẢN PHẨM ĐƯỢC BẦY BÁN Ở TRUNG QUỐC. Sự giống nhau không chỉ là hương vị, mầu sắc bên trong mà giống cả họa tiết trang trí bên ngoài. Như vậy đây có phải những sản phẩm thuần Việt hay không thì để bạn đọc tự đánh giá.

Ngoài những vấn đề về chất lượng nguyên liệu ở đầu vào thì vấn đề đầu ra càng có nhiều tai tiếng. Rất nhiều các sản phẩm của THP bị phát hiện có các vật thể lạ trong chai: ống hút, con ruồi... và nhiều nhất là các cục lắng cặn trong các sản phẩm còn giá trị sử dụng. Đã có nhiều bài báo, những lời phàn nàn, kiến nghị về chất lượng sản phẩm của THP gửi đi các nơi.

Thế nhưng thay vì lắng nghe các ý kiến từ người tiêu dùng để hoàn thiện các sản phẩm của mình được tốt hơn thì THP lại cho nhân viên đến thỏa thuận với người tiêu dùng, rồi mời công an đến bắt người xấu số nào định lấy tiền để đổi sản phẩm kém chất lượng.

Không có các thống kê cụ thể, nhưng căn cứ tin tức được báo chí trong nước đăng tải thì ở Việt Nam chắc chắn là chưa có một hãng đồ uống nào lại có người tiêu dùng bị vào tù vì đã dùng sản phẩm của mình như THP.

Ngày 17-8-2011 tòa án quận Vò Gấp tuyên phạt anh H. 1 năm tù giam. Ngày 17-7-2013 tòa án quận Bình Thạnh tuyên phạt anh Nguyễn Quốc Tuấn 3 năm tù giam, và còn rất nhiều các vụ khác nhau liên quan đến THP.

Các vụ đều có một điểm chung là: người tiêu dùng phát hiện sản phẩm lỗi của THP --> báo cho công ty --> công ty cử đại diện đến --> thỏa thuận với người tiêu dùng --> nếu chấp nhận hàng đổi hàng thì coi như xong, còn nếu như người tiêu dùng đồ đền bù tổn thất, THP sẽ quay lại một vài lần để thỏa thuận đền bù --> đến lúc giao tiền đền bù thì đi kèm với đó là công an “bắt quả tang”.

Đã có nhiều trường hợp người tiêu dùng bị công an bắt nhưng sau đó phải thả như trường hợp bà Nguyễn Thị Thu Hà.

Trường hợp của Võ Văn Minh vừa bị tòa án sơ thẩm Tiền Giang tuyên án 7 năm tù cũng có chung kịch bản như trên. Cá nhân tôi cho rằng các công ty thu hồi các sản phẩm có lỗi của mình với cái giá bao nhiêu là thỏa thuận dân sự như một cuộc mua bán. Bên công ty có quyền mua hoặc không mua các sản phẩm lỗi đó, còn người tiêu dùng muốn sử dụng tài sản mà mình đã bỏ tiền ra mua như thế nào là quyền của họ.
 
Đứa con nhỏ sẽ vắng cha trong 7 năm? - Ảnh: baomoi.com
Đứa con nhỏ sẽ vắng cha trong 7 năm? - Ảnh: baomoi.com

Cái quan trọng nhất mà cơ quan pháp luật phải xác minh được sản phẩm lỗi đó là do nhà sản xuất hay do ai đó cố tình tạo ra. Cụ thể ở đây thì cơ quan điều tra phải xác minh được chai nước có con ruồi kia là do THP làm ra hay do anh Minh cố tình nhét con ruồi vào. Thế nhưng đáng tiếc là qua phiên toà sơ thẩm vừa rồi vẫn không có đả động đến việc: CON RUỒI TỪ ĐÂU MÀ CÓ.

Nếu con ruồi do anh Minh đưa vào thì tội danh và bản án mà tòa tuyên án là đúng. Nếu con ruồi không phải do anh Minh đưa vào để tống tiền mà do phía sản xuất là THP thì rõ ràng toà tuyên án phạt là sai.

Ngay từ đầu, các cơ quan luật pháp đã đứng phía THP bằng việc luật sư của THP được dự từ khâu xét hỏi và được cung cấp cả biên bản hỏi cung, mà theo luật thì đó thuộc về bí mật trong điều tra.

Luật pháp cũng qui định rằng mọi người đều được coi là vô tội và chỉ có khi tòa án phán quyết mới bị coi là có tội. Thế nhưng nếu chúng ta nhìn bức ảnh anh Võ Văn Minh bị còng tay khi đang xét xử thì có thể đoán được rằng ngay từ đầu họ đã coi anh là một tên tội phạm nguy hiểm.

Cũng ngày hôm nay, chị Bùi Thị Tiên ở Tiền Giang khi nghe tin phiên toà xét xử vụ án anh Minh đã đến phiên tòa và chất vấn đại diện của THP là bà giám đốc Trần Ngọc Bích. Chị cho biết: “Không có báo chí và anh Minh, tôi đã đi tù vì Tân Hiệp Phát!” và đó cũng có thể là nỗi lo của tất cả những người tiêu dùng khác.

Hôm qua là anh Nguyễn Quốc Tuấn, hôm nay là anh Võ Văn Minh và ngày mai có thể là chính chúng ta nếu như không ai dám lên tiếng bảo vệ họ. Chắc chắn ai cũng rớt nước mắt khi nghe thấy đứa con trai của anh VVM hỏi: “Cha ơi, cha đi đâu mà không về với con”, mỗi chúng ta phải làm một việc gì đó cụ thể để pháp luật thực thi đúng nhiệm vụ của nó.

Nếu không thể xác định được việc con ruồi do anh Minh bỏ vào chai nước để tống tiền THP, mà chỉ xét xử việc anh Minh đòi THP bồi thường tiền thì phải ngay lập tức trả tự do cho anh Minh vì đó là thuộc phạm vi thỏa thuận dân sự.

Chúng ta có quyền hy vọng vào pháp luật, cho dù đó là hy vọng mong manh, thế nhưng để hy vọng đó lớn dần lên thì lại cần mỗi bàn tay của chính chúng ta - những người cho rằng phán quyết bỏ tù anh Minh vì một vụ trao đổi dân sự là một sai lầm.

Chúng ta có quyền hy vọng vào một phiên tòa phúc thẩm sẽ trả lại tự do cho anh Minh mà anh ta đáng được hưởng sau gần một năm bị giam cầm. Trả lại người bố cho đứa bé đang ngơ ngác tìm cha kia.
Hoàng Hùng, từ Praha (Cộng hòa Czech)

Dư luận Trung Quốc nói gì về khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội Việt Nam?




Đông Bình

(GDVN) - Dư luận Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến bài viết trên Reuters ngày 16/12 về việc Quân đội Nhân dân Việt Nam đang tăng cường vũ trang, sẵn sàng đối phó...

Dư luận Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến bài viết trên Reuters ngày 16/12 về việc Quân đội Nhân dân Việt Nam đang tăng cường vũ trang, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, đặc biệt là nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông. Theo Reuters, đây là đợt trang bị quân sự lớn nhất của Việt Nam kể từ khi kết thúc cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Theo báo Anh, tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Việt Nam đã bắt đầu tuần tra Biển Đông

Hãng thông tấn Anh đánh giá, chiến lược của Việt Nam đã vượt xa kế hoạch phòng ngự, các đơn vị chủ chốt đã được đặt vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, tín hiệu mà Reuters cho là Việt Nam đang sẵn sàng đối phó với một cuộc tấn công bất ngờ. Sư đoàn 308 tinh nhuệ trấn giữ vùng núi phía Bắc đã được báo động sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 17/12, bình luận về vấn đề này, Chu Phương Ngân – Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Quảng Đông cho rằng, hoạt động mua sắm vũ khí của bất cứ nước nào đều có thể giải thích từ nhiều phương diện.

Theo Chu Phương Ngân, hãng tin Reuters đưa tin như vậy có ý đồ “ly gián, chia rẽ”, bất cứ động thái nhỏ nào của các nước láng giềng thì họ đều liên tưởng đến Trung Quốc.

Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Việt Nam đề nghị giấu tên cho biết: "Chúng tôi không muốn xung đột với Trung Quốc, và chúng tôi phải đặt niềm tin vào chính sách ngoại giao của mình. Nhưng chúng tôi biết rằng mình cần phải sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất".

Theo Reuters, chiến lược của Việt Nam đã “vượt xa kế hoạch phòng ngự”.

Việt Nam đã mua 6 tàu ngầm lớp Kilo tiên tiến của Nga, vài chiếc đầu tiên đã bắt đầu tuần tra Biển Đông, đồng thời Việt Nam có kế hoạch mua nhiều hơn máy bay ném bom phản lực của Nga.

Việt Nam cũng đang đàm phán với các nhà cung ứng vũ khí của EU và Mỹ để mua máy bay chiến đấu và máy bay tuần tra trên biển, đồng thời đã mua radar cảnh báo sớm của Israel và hệ thống phòng không S-300 của Nga để nâng cấp và tăng cường phòng không.

Bình luận về bài viết này, Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, Việt Nam luôn tăng cường sức mạnh quân sự, một mục đích quan trọng là để tăng cường lòng tin của người dân đối với chính phủ. Đối mặt với láng giềng mạnh, nội bộ Việt Nam thực sự có phần lo ngại về “mối đe dọa Trung Quốc”.

Báo Trung Quốc cho rằng, truyền thông Việt Nam cũng thường xuyên quan tâm đưa tin về các hoạt động mua sắm vũ khí trang bị của nước mình, trong đó gồm có mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga và hoạt động tăng cường tuần tra trên biển của Việt Nam.

Thời báo Hoàn Cầu xuyên tạc việc truyền thông Việt Nam tập trung đưa tin về vấn đề Biển Đông và hoạt động tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam là “thổi phồng”.

Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố, mọi hoạt động quân sự, mua sắm vũ khí trang bị, tăng cường sức mạnh quân sự của Việt Nam đều mang tính chất tự vệ, là để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, trong đó có chủ quyền biển đảo.

Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý. Quân đội Việt Nam tăng cường xây dựng hiện đại hóa cũng nhằm bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo này, đồng thời sẽ đánh bại mọi mưu đồ và hành động của bất cứ kẻ thù nào dám xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Việt Nam tăng cường sức mạnh quân sự không nhằm đe dọa hay xâm lược nước nào, đây là chính sách nhất quán của Việt Nam. Chỉ những kẻ có mưu đồ và hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mới “có tật giật mình”, nơm nớp lo sợ.

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Du-luan-Trung-Quoc-noi-gi-ve-kha-nang-san-sang-chien-dau-cua-Quan-doi-Viet-Nam-post164242.gd

Chuyện về một thư ký của Mao Trạch Đông




Thiên Tường

Trong đời của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông có sử dụng nhiều thư ký, trong số đó không ít người tài hoa xuất chúng.

Điền Gia Anh (4/1/1922 -23/5/1966) là một người như vậy. Điền nằm trong nhóm “tú tài” gồm các thư ký đặc biệt của Chủ tịch Mao Trạch Đông như Hồ Kiều Mộc, Trần Bá Đạt, Diệp Tử Long…
Từ tháng 10-1948 đến tháng 5-1966 (tức từ 26 tuổi đến 44 tuổi) Điền Gia Anh là thư ký chính trị cho Chủ tịch Mao Trạch Đông, sát cánh trong 18 năm và cũng là thư ký duy nhất tự sát bên trong Trung Nam Hải.
“Chỉ mong không có tội”
Lần đầu tiên khi Điền Gia Anh đến nhận công tác tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Mao Trạch Đông hỏi: “Anh đến chỗ tôi làm việc có suy nghĩ gì không?”. Điền Gia Anh đáp: “Không dám cầu có công, chỉ mong không có tội”. Câu trả lời của Điền Gia Anh rõ ràng không làm vừa lòng Mao Trạch Đông, nhưng đó là lời nói trong tâm khảm.
Ai cũng biết làm thư ký Mao Trạch Đông đâu có dễ dàng, huống chi lúc ấy Điền Gia Anh chỉ mới 26 tuổi, anh biết rõ trách nhiệm nặng nề của mình. Khi Mao Chủ tịch mời Điền Gia Anh ăn cơm, Điền vốn tửu lượng rất khá, nhưng hôm ấy chỉ uống một chút đã say, điều này có thể thấy tâm lý căng thẳng của Điền.
Điền Gia Anh.
Vừa về nhận công tác, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã gọi Điền Gia Anh đến truyền đạt ý kiến chỉ đạo miệng, yêu cầu Điền phải thảo ngay một bức điện báo và nộp tại chỗ. Đây là cuộc thi lần thứ nhất. Sau đó ông lại yêu cầu Điền đi làm công tác điều tra tình hình vùng đông bắc nhưng không ra chỉ thị, đề mục cụ thể. Điền hỏi thì Chủ tịch bảo “Anh cứ đi khắp nơi xem xét từ thành thị, hàng hóa, công xưởng, dân tình rồi trở về báo cáo?”. Đây thực ra là một phương pháp khảo sát cán bộ đặc thù của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Điền Gia Anh trải qua lần thi thứ hai trót lọt…
Điền Gia Anh tên thật là Tăng Chính Xương, người Thành Đô, Tứ Xuyên, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tự học mà thành tài, thuộc lòng cả bộ Tư trị thông giám, Sử ký và nhiều tác phẩm cổ điển Trung Hoa, được gọi là thần đồng. Trên đầu giường Điền có viết câu liễn “Đi khắp đường thiên hạ, đọc hết sách nhân gian”. Năm 1938, Điền gia nhập Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc, học tại Học viện Mác-Lênin ở Diên An, được giữ lại để nghiên cứu về vấn đề Trung Quốc.
Chủ tịch Mao Trạch Đông chọn Điền Gia Anh làm thư ký là qua giới thiệu của Hồ Kiều Mộc. Năm 1941, Điền Gia Anh được chọn vào Ban Nghiên cứu chính trị Trung ương. Năm 1943 ở Diên An, Điền Gia Anh được Hồ Kiều Mộc chuyển từ Ban Nghiên cứu chính trị trung ương sang Bộ Tuyên huấn trung ương, sau mới tiến cử đến Mao Chủ tịch.
Mao Trạch Đông chú ý đến Điền Gia Anh từ những bài viết của Điền đăng trên tờ Giải phóng nhật báo tại Diên An. Có lần Điền Gia Anh giảng cổ văn cho cán bộ trong cơ quan nghe, Mao Trạch Đông tình cờ đi ngang nghe Điền giảng quá thu hút bèn đứng ngoài cửa sổ chăm chú nghe.
Năm 1946, Điền Gia Anh được Chủ tịch Mao Trạch Đông chọn làm thầy giáo dạy cho con trai là Mao Ngạn Anh vừa từ Liên Xô về. Từ năm 1948, Điền trở thành thư ký chính trị của Chủ tịch, hai người rất tâm đầu ý hợp, đều ham thích cổ văn, thư họa.
Năm 1954, Điền Gia Anh là Phó chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCS Trung Quốc, là người biên tập, chú giải “Tuyển tập Mao Trạch Đông” từ quyển 1 đến 4; tham gia biên soạn Hiến pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; Mao Trạch Đông thi từ và viết diễn văn khai mạc Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 8 cho Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Từ sau khi “Đại nhảy vọt” bị thất bại, trong nội bộ ĐCS Trung Quốc không ít người trăn trở một vấn đề: Chủ nghĩa xã hội rốt cuộc là phải làm thế nào? Trước đó thì vấn đề này chưa trở nên bức xúc, nhưng từ cuối năm 1958, nhất là sau Hội nghị Lư Sơn mùa hè năm 1958 thì ngày càng có nhiều người hoài nghi, Điền Gia Anh là một người trong số đó.
Lúc ấy có người đề xuất là phải nghiên cứu thật kỹ các trước tác của chủ nghĩa xã hội không tưởng, trước tác của Mác-Ăngghen để xem họ nói thế nào. Riêng Điền Gia Anh thì tự đi tìm câu trả lời từ trong thực tế.
Tư tưởng căn bản của Điền Gia Anh là: Chế độ xã hội chủ nghĩa là không thể thay đổi, nhưng phương pháp xây dựng thì có thể đa dạng, linh hoạt. Ông cho rằng Trung Quốc lúc ấy chưa giải quyết được vấn đề phương pháp xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Tất nhiên lúc ấy Điền Gia Anh không thể đề xuất những khái niệm tầm cỡ như “Mô thức Liên Xô” hay “Mô thức Trung Quốc” mà phần lớn tư tưởng của Điền là từ góc độ cụ thể của người đi sâu sát trong quần chúng nhân dân và chưa hình thành một hệ thống tư tưởng. Mặc dù vậy, một số đề xuất và suy nghĩ  “cả gan” của Điền Gia Anh cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Chẳng hạn, về vấn đề dân chúng phải giàu có, Điền Gia Anh nói: “Mấy năm nay không cho xã viên làm kinh tế phụ, đó là sai lầm. Sự giàu có của một quốc gia trước hết phải xem dân chúng có giàu hay không. Mục đích của những người cộng sản chúng ta là phải làm cho dân chúng giàu có. Về vấn đề này nhiều đồng chí còn hiểu mơ hồ. Dân chúng giàu rồi thì quốc gia mới giàu, vì vậy việc xã viên làm kinh tế phụ để có thể phát triển kinh tế là đúng và không có gì phải sợ”.
Những lời nói trên được Điền Gia Anh phát biểu chống lại sai lầm của phe tả khuynh “thủ tiêu kinh tế phụ gia đình” từ sau năm 1958, tuy còn phiến diện nhưng đây là đòn phủ định tư tưởng xây dựng “chủ nghĩa xã hội bần cùng”: chỉ hướng đến “tích luỹ cao” mà coi thường việc nâng cao đời sống cho công nhân, nông dân, trí thức.
Ngoài ra, đối với các vấn đề thương nghiệp, khoa học, quan hệ Đảng-Chính (Đảng và chính quyền)… Điền Gia Anh đều có những kiến giải và kiến nghị sâu sắc. Ông chỉ rõ những bất cập trong quản lý kinh tế lúc ấy do phong tỏa thị trường và phản đối quyết liệt cách lãnh đạo kinh tế bằng biện pháp hành chính đơn thuần cũng như những yếu kém của lãnh đạo địa phương.
Ông cũng đề nghị phải phân khai mối quan hệ giữa Đảng và chính quyền, phát huy dân chủ trong Đảng, chủ trương khoán sản phẩm cho nông dân… Những gì Điền Gia Anh nói đã đi vào vấn đề mấu chốt của nền kinh tế và thể chế chính trị đương thời, rất đáng chú ý. Nhưng không ngờ đây cũng là mầm mống đưa đến cái chết oan uổng của Điền Gia Anh trong Cách mạng văn hóa…
Tai họa
Đó là Trần Bá Đạt và Giang Thanh. Điền Gia Anh và Trần Bá Đạt quen nhau từ thời ở Diên An, lúc ấy Chủ tịch Mao Trạch Đông kiêm Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu chính trị trung ương, Trần Bá Đạt là Phó chủ nhiệm, Điền Gia Anh từ tổ kinh tế chuyển về làm nghiên cứu viên tổ chính trị. Trần Bá Đạt có viết mấy cuốn sách, Điền Gia Anh giúp Đạt tìm kiếm tư liệu, lúc bấy giờ ở Diên An điều kiện rất khó khăn, việc sưu tầm tài liệu là rất khó.
Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng Điền Gia Anh đàm đạo.
Đến khi sách viết xong, Đạt dương dương tự đắc hỏi Anh: “Cậu thì làm được gì?”. Sau năm 1949, Điền Gia Anh và Đạt tiếp xúc với nhau nhiều do quan hệ công việc nên hiểu rõ con người Đạt… Điền Gia Anh nhiều năm được Chủ tịch Mao Trạch Đông trọng dụng đã trở thành cái gai trong mắt Đạt. Tính Điền Gia Anh lại thẳng thắn, phát biểu không kiêng nể.
Năm 1955, căn cứ theo đề nghị của Chủ tịch Mao Trạch Đông thành lập trở lại Phòng Nghiên cứu chính trị trung ương, Trần Bá Đạt làm Chủ nhiệm, Hồ Thằng, Điền Gia Anh làm Phó chủ nhiệm, nhưng thực tế công việc chỉ có Hồ và Điền làm.
Từ sau năm 1962, trước những phát biểu thẳng thắn của Điền Gia Anh mọi sự trở nên khác đi. Trần Bá Đạt bèn “kể tội” Điền Gia Anh với Chủ tịch Mao Trạch Đông, nói Điền là kẻ “độc đoán”, “nắm cả đại quyền”, “Bá Đạt không thể quản nổi”… toàn những điều bịa đặt.
Hồ Thằng và nhiều người trong Phòng Nghiên cứu chính trị trung ương đều chứng minh hoàn toàn không có những chuyện ấy, đáng tiếc là Chủ tịch Mao Trạch Đông nghe lời sàm tấu và đem những lời Trần Bá Đạt nói về Điền Gia Anh phát biểu trong một hội nghị trung ương. Điền Gia Anh vốn thẳng tính lập tức gọi điện thoại yêu cầu Đạt đối chất  cho rõ ràng nhưng Đạt ấp a ấp úng không trả lời được. Tuy vậy Điền vẫn bị tiếng oan.
Khi Cách mạng văn hóa bắt đầu, thời cơ đã đến, Đạt vốn là thân tín của Giang Thanh cùng “bè lũ bốn tên” mưu đồ đại sự. Trần Bá Đạt đến Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác yêu cầu nơi đây vạch trần những “sai lầm” về tư tưởng của Điền Gia Anh.
Lúc ấy Viện trưởng là Tử Mộc vốn biết Điền Gia Anh nên tìm cách che chở, hậu quả là bị liên lụy, bị Trần Bá Đạt chỉ mặt phê phán nói Tử Mộc là đệ tử của Điền Gia Anh, là “viện trưởng chuyên quyền”, cuối cùng bị bức hại đến chết.
Kẻ thù nguy hiểm khác của Điền Gia Anh là Giang Thanh vì Điền biết rõ thân thế cũng như những thủ đoạn tàn độc của bà ta. Trong mắt Giang Thanh, Điền Gia Anh là kẻ thù “không đội trời chung”. Năm 1962, Điền Gia Anh chủ trương khoán sản phẩm đến từng hộ nông dân bị phê bình, Giang Thanh và Trần Bá Đạt bèn “chụp mũ chính trị”, cho Điền là “phần tử giai cấp tư sản” - một trong 4 loại phần tử phải phê đấu.
Đặc biệt là dựa vào lời phát biểu của Điền Gia Anh phản đối ý kiến của tư lệnh Lâm Bưu về Chủ tịch Mao Trạch Đông (không đồng ý việc Lâm Bưu cho Tư tưởng Mao Trạch Đông là tối cao; không đồng ý việc Lâm Bưu cho là phải học và vận dụng tất cả những trước tác của Mao Trạch Đông; không đồng ý việc Lâm Bưu yêu cầu cắt những lời nói (ngữ lục) lấy ý nghĩa để học tập (sau đó là Mao tuyển), Điền Gia Anh cho rằng chỉ đọc thuộc ngũ lục là sự dung tục hóa tư tưởng Mao chủ tịch; không đồng ý Lâm Bưu nói tư tưởng Mao Trạch Đông là chủ nghĩa Mác sống nhất đương thời, vì chẳng lẽ chủ nghĩa Mác lại chia thành sống và chết?)
Tai họa dồn dập đến với Điền Gia Anh.
Tháng 5-1966, cuộc đại loạn bắt đầu. Ngay trong các vách tường của Phòng cơ yếu và Phòng thư ký xuất hiện đầy các biểu ngữ và báo chữ lớn phản kháng Điền Gia Anh, nói Điền là hữu khuynh, không tôn trọng lãnh tụ, là thuộc phe của Bành Đức Hoài, Trương Văn Thiên ở Hội nghị Lư Sơn trước đây…
Ngày 5-8-1966, Giang Thanh và Trần Bá Đạt đã nói Điền là tuy làm thư ký của Chủ tịch Mao Trạch Đông nhưng thực chất là người của Bộ tư lệnh giai cấp tư sản Lưu-Đặng (Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình)…
Trước những âm mưu, dã tâm, uy bức của những kẻ nắm đại quyền trong Cách mạng văn hóa như Giang Thanh, Trần Bá Đạt, cuối cùng Điền Gia Anh đã phải chọn con đường mà đồng chí và bạn bè anh không muốn: tự vẫn.
Lời cuối cùng Điền Gia Anh nói với vợ trước lúc ra đi là: “Tôi bị Giang Thanh, Trần Bá Đạt hãm hại, thường nghe rằng thiện có thiện báo, ác có ác báo, tôi tin là loại người ác ấy sẽ không có kết cục tốt đâu”. Trong di ngôn để lại có hai câu: “Tin là Đảng sẽ làm rõ vấn đề; Tin là sẽ không ngậm oan dưới mộ”.
Đúng 15 năm sau ngày Điền Gia Anh qua đời, bọn Giang Thanh, Trần Bá Đạt đã bị quả báo. Ngày 25-1-1981, tại phiên tòa đặc biệt của Tòa án tối cao nước CHND Trung Hoa, bọn chúng đã bị xử tử hình (hoãn thi hành án 2 năm).
Ngày 28-3-1980, Trung ương ĐCS Trung Quốc đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu Điền Gia Anh tại lễ đường Khu Công mộ Bát Bảo Sơn, Bắc Kinh để bình phản, rửa oan cho ông.
Điền Gia Anh nhiều năm công tác bên Chủ tịch Mao Trạch Đông, tình cảm hai người rất sâu đậm. Nhưng về sau do tư tưởng hữu khuynh của Điền đã khiến Mao Trạch Đông trở nên lạnh nhạt, điều này làm cho Điền cảm thấy rất mâu thuẫn. Năm 1963, Điền từng nói với La Quang Lộc rằng: “Tôi cảm cái ân tri ngộ của Chủ tịch, nhưng nếu cứ thế này thì có một ngày sẽ phải chia tay”.
Người cộng sự thân tín cuối cùng đã không được bảo vệ trước những nghi ngờ, miệng lưỡi của kẻ tâm địa. Đây cũng là một bi kịch của lịch sử.
Nguồn: http://dantri.com.vn/the-gioi/chuyen-ve-mot-thu-ky-cua-mao-trach-dong-2015121613204691.htm

“Giá bảo hiểm y tế dù tăng cũng chỉ bằng 2-3 bữa nhậu”

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Văn Tiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khi đề cập về việc tăng giá dịch vụ y tế cũng như bảo hiểm y tế trong năm 2016.
Vấn đề tăng viện phí đang là nỗi lo với nhiều người bệnh, đặc biệt là người nghèo. Mặc dù thời hạn tăng viện phí đã hoãn lại trong năm 2015 nhưng dự kiến sẽ được triển khai vào quý I năm 2016. Điều đó đồng nghĩa với 1.800 loại dịch vụ y tế sẽ tăng giá, viện phí nói chung sẽ tăng gấp 2-4 lần sau khi tính đủ các chi phí trực tiếp cộng thêm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và kết cấu tiền lương của nhân viên y tế.
Đề cập về lý do hoãn việc tăng viện phí sang năm 2016, PGS.TS Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Để việc triển khai có hiệu quả và đạt được mục tiêu đặt ra, Bộ Y tế đã báo cáo với Chính phủ để lùi lại đến quý I năm 2016. Chúng tôi thấy, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cần được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi việc này ảnh hưởng tới cuộc sống của tất cả người dân, nhất là đối với người có thẻ bảo hiểm và người bệnh. Việc thay đổi cần được tuyên truyền một cách sâu rộng để người dân hiểu rõ rằng, giá dịch vụ chính là một phần mà cơ quan bảo hiểm sẽ thanh toán cho người có thẻ bảo hiểm y tế. Khi giá được điều chỉnh lên, người có thẻ sẽ được bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh hơn. Bên cạnh đó, thời hạn lùi lại sẽ giúp Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có thêm điều kiện thực hiện việc điều chỉnh, thành lập các quỹ khám, chữa bệnh hỗ trợ cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn”.
PGS.TS Phạm Lê Tuấn cũng lý giải: “Giá dịch vụ điều chỉnh do một phần nhu cầu bệnh viện phải có để chi phí cho việc cung cấp dịch vụ chất lượng. Trước đây, Nhà nước bao cấp cho các cơ sở khám, chữa bệnh để phục vụ người dân. Sau đó, Chính phủ và Quốc hội đã thống nhất chuyển sang cơ chế bảo hiểm y tế. Điều này có nghĩa cơ quan bảo hiểm y tế thay mặt cho người bệnh để thanh toán với cơ sở khám, chữa bệnh. Khi người dân đã đóng tiền để có thẻ bảo hiểm y tế, quyền lợi của họ đối với dịch vụ y tế cũng nằm trong đó. Nếu mức giá thấp hoặc Nhà nước không cấp đủ kinh phí cho bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh, tiền phí mới cần được thu thêm từ người bệnh để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt”.
“Giá bảo hiểm y tế dù tăng cũng chỉ bằng 2-3 bữa nhậu”
PGS.TS Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế
Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Tiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội lại cho rằng: “Nếu chúng ta có thể tiến hành tăng viện phí sớm hơn, trước quý I năm 2016 cũng sẽ tốt vì việc này đã được chuẩn bị suốt 1 năm qua. Việc điều chỉnh diễn ra chậm ngày nào, người bệnh bị thiệt thêm ngày đó, đồng thời chính sách bảo hiểm y tế của chúng ta yếu đi theo. Bởi điều này thuộc về quyền lợi của người bệnh, nếu cứ giữ quyền lợi của họ thì thiệt nhất vẫn là những người có bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, quá trình tiến hành chậm sẽ không khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, họ trở nên chủ quan với vấn đề chăm lo sức khỏe. Tôi nghĩ rằng, bảo hiểm y tế dù tăng cũng chỉ bằng 2-3 bữa nhậu của người Việt Nam. Nếu chúng ta tiết kiệm hơn, tập trung cho vấn đề sức khỏe cũng sẽ không phải lo cuống cuồng chữa bệnh khi cần”.
“Quan điểm của Nhà nước, Quốc hội hiện nay là đầu tư chăm sóc sức khỏe nhân dân và phần khám, chữa bệnh cần phải được thông qua bảo hiểm y tế. Chúng ta đã xác định chắc chắn bảo hiểm y tế là bắt buộc. Vì thế, Nhà nước khi cung cấp bảo hiểm y tế thì sẽ không cấp tiền cho phần lớn các bệnh viện tuyến trung ương. Từ đó, các bệnh viện buộc phải đổi mới để nâng cao chất lượng, dịch vụ buộc phải nâng cấp để thu hút người đến khám, chữa bệnh. Bảo hiểm y tế đã được áp dụng ở nhiều nước và được chứng minh là một cơ chế nhân văn. Việc điều chỉnh giá là cần thiết để giúp người dân được nâng cao quyền lợi và đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt. Hơn nữa, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh linh hoạt theo giá thị trường nên tác động tới giá bảo hiểm”, TS Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh.
Do đó, theo TS Nguyễn Văn Tiên, việc khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế là điều cần thiết, đồng thời phải giúp người dân hiểu đúng hơn về lợi ích của việc có bảo hiểm y tế dù giá tăng lên.
Nguồn: http://www.baomoi.com/s/c/18254513.epi