(PL)- Đó là những quy định pháp luật tiến bộ, được Quốc hội thông qua năm 2015 do bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM bình chọn.
Với hàng loạt luật, bộ luật và nghị
quyết vừa được Quốc hội (QH) thông qua, những người làm trong ngành pháp
luật có thể cũng chưa hình dung hết sự tác động sâu sắc của nó đối với
thực tiễn cuộc sống. Quả thật đó là những quy định hết sức tiến bộ, gắn
liền với quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà Hiến
pháp 2013 đã minh định.
Nhiều chuyện gia pháp luật, giới luật sư và bạn đọc Pháp Luật TP.HCM bình chọn tám quy định tố tụng tiêu biểu dưới đây như một dấu ấn, một thành tựu lập pháp trong năm 2015.
1. Nghe lén để bắt quan tham
Các điều từ 223 đến 228 BLTTHS 2015 (có
hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016) cho phép áp dụng các biện pháp điều
tra tố tụng hình sự đặc biệt đối với một số tội. Đây là quy định giúp
CQĐT chủ động thu thập chứng cứ, đấu tranh hiệu quả với các tội phạm có
tổ chức, phức tạp về ma túy, rửa tiền, khủng bố... trong tình hình hiện
nay. Đặc biệt, quy định này còn nâng cao hiệu quả trong việc
phòng, chống tội phạm tham nhũng - loại “giặc nội xâm” mà ai cũng căm
thù.
Thẩm quyền ra quyết định áp dụng các
biện pháp điều tra đặc biệt phải là thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, cấp quân
khu trở lên (nếu cấp huyện thụ lý thì thủ trưởng CQĐT cấp huyện đề nghị
cấp trên áp dụng). Quyết định áp dụng phải được viện trưởng VKS cùng cấp
phê chuẩn và áp dụng không quá hai tháng kể từ ngày được phê chuẩn.
2. Không có luật tòa vẫn phải xử
BLTTDS sửa đổi và BLDS sửa đổi đều có
quy định: Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự
vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tòa cần căn cứ vào tập quán,
nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, các nguyên tắc cơ bản của pháp
luật dân sự và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết.
Đây là quy định được đánh giá là tiến bộ
vì nó bảo vệ quyền công dân bằng pháp luật và lẽ công bằng. Hiến pháp
quy định Nhà nước luôn luôn bảo hộ quyền của công dân và đảm bảo cho
công dân được hưởng quyền nên quy định này phù hợp với Hiến pháp. Đây
cũng là quy định cần thiết để áp dụng án lệ.
3. Chính thức công nhận án lệ
Ngày 29-10-2015, TAND Tối cao đã họp báo
chính thức công bố nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về
quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Theo nghị quyết, việc tổ
chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành
án lệ được tiến hành định kỳ sáu tháng. Cuối năm 2015, tập án lệ đầu
tiên đã được trình Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Thực tế có những vụ án nội dung tương tự
nhau nhưng tòa án này xử khác, tòa án kia xử khác. Thậm chí cùng một
tòa án thụ lý giải quyết nhưng thẩm phán này xử khác, thẩm phán kia xử
khác. Người dân không hiểu thế nào là chuẩn mực. Khi án lệ được ban
hành, người dân có thể biết và thấy rằng các quan hệ xã hội có tính chất
tương tự, cái gì là tội phạm, mức độ phạm tội đến đâu. Tất cả thẩm phán
khi nhìn vào án lệ, các nội dung lập luận của án lệ tương tự vụ án mình
đang giải quyết thì có thể thống nhất quan điểm, đường lối xử lý. Án lệ
giúp thẩm phán vận dụng dễ dàng, tức là nó đã thành khuôn mẫu thì cứ
thế mà làm, cứ áp dụng đúng như vậy.
4. Quyền im lặng
Tại các điều 58, 59, 60 và Điều 61
BLTTHS quy định người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền:
“Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai
chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Quy định về quyền im lặng này được giới
luật học và nhân dân đánh giá cao vì nó góp phần chống bức cung, nhục
hình, bảo vệ quyền con người và phù hợp với nền tố tụng tiến bộ của
nhiều nước trên thế giới. Những quy định này cũng trùng khớp với quy
định tại điểm g khoản 3 Điều 14 của Công ước quốc tế về quyền dân sự và
chính trị năm 1966 mà Việt Nam đã tham gia năm 1982.
5. Bắt buộc ghi âm, ghi hình việc hỏi cung
Khoản 6 Điều 183 BLTTHS quy định: “Việc
hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở CQĐT, cơ quan được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc
ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được
ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan,
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.
Việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung
được đánh giá là nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị
can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công
dân theo yêu cầu Hiến pháp. Nghị quyết của QH về thi hành BLTTHS (sửa
đổi) còn yêu cầu bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể nơi có điều kiện
để thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung kể từ ngày
1-1-2017. Chậm nhất đến 1-1-2019 thì thực hiện thống nhất việc ghi âm,
ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.
6. Tòa tỉnh xử khi chủ tịch huyện bị kiện
Luật Tố tụng hành chính sửa đổi vừa được
QH thông qua có một quy định mới đó là: Tòa án cấp tỉnh sẽ xử sơ thẩm
các vụ án hành chính mà UBND cấp huyện và chủ tịch UBND cấp huyện là
người bị kiện. Quy định này thể hiện nguyên tắc độc lập xét xử rất cao.
Trước nay, người dân khi kiện hành chính
hầu như họ rất ít tin vào kết quả thắng kiện ở phiên sơ thẩm vì nghĩ
tòa huyện xử quan huyện, tòa tỉnh xử quan tỉnh thì khó tránh khỏi chuyện
“phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”. Về phía các thẩm phán, khi xét xử
“ông” chủ tịch huyện, nếu không bị chi phối thì cũng chịu áp lực lớn,
chí ít là “vuốt mặt phải nể mũi”. Nay với quy định tòa trên xử chủ tịch
cấp dưới, các thẩm phán không còn phải e dè nữa.
7. Luật sư ngồi ngang hàng với kiểm sát viên
Điều 257 BLTTHS sửa đổi (về phòng xử án)
quy định: Phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an
toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và luật
sư, người bào chữa khác. Điều luật cũng giao cho chánh án TAND Tối cao
quy định cụ thể về phòng xử án theo tinh thần trên.
Khi dự thảo BLTTHS 2015 được đưa ra thảo
luận tại QH, nhiều đại biểu QH tán thành việc sắp xếp vị trí chỗ ngồi
của kiểm sát viên ngang hàng với luật sư. TAND Tối cao cũng đề nghị giao
cho cơ quan này hướng dẫn, cuối cùng Ủy ban Thường vụ QH đã chấp thuận
và chỉnh lý Điều 257.
Theo Ủy ban Thường vụ QH, quy định vị
trí ngồi trong phòng xử án thể hiện sự bình đẳng giữa kiểm sát viên với
người bào chữa là cần thiết để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét
xử. BLTTHS 2015 quy định theo hướng mở, giao cho TAND Tối cao quy định
cụ thể. Việc thiết kế phòng xử án, thiết lập vị trí chỗ ngồi thuộc thẩm
quyền của chánh án TAND Tối cao, trên nguyên tắc phải bảo đảm sự bình
đẳng giữa người thực hành quyền công tố và người bào chữa.
8. Bỏ giấy chứng nhận người bào chữa
BLTTHS sửa đổi đã bỏ quy định cấp chứng
nhận người bào chữa và thay bằng thủ tục “đăng ký bào chữa” (Điều 78).
Thủ tục này nhằm đơn giản hóa thủ tục xác nhận tư cách tham gia tố tụng
của người bào chữa, tạo điều kiện cho họ thực hiện việc bào chữa, tránh
việc phải có “giấy phép con” của cơ quan tố tụng thì luật sư mới được
tham gia bào chữa.
Cho phép chuyển đổi giới tính
Nội dung trên được đề cập tại BLDS 2015, được QH thông
qua ngày 24-11-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017. Điều 37 bộ
luật này quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy
định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng
ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền
nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ
luật này và luật khác có liên quan”. Quy định này đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân trong xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc.
Thừa phát lại chính thức hoạt động
Sáng 26-11, với 76,32% đại biểu QH tán thành, QH đã thông
qua nghị quyết về chính thức thực hiện chế định thừa phát lại trong
phạm vi cả nước kể từ ngày 1-1-2016. Sự kiện này chấm dứt việc thí điểm
kéo dài gần sáu năm tại TP.HCM và 12 tỉnh, thành khác. QH giao Chính phủ tổ chức thực hiện chế định này trong phạm vi cả nước trên cơ sở những mặt tích cực đã đạt được và chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo nghề thừa phát lại. Chính phủ phối hợp với TAND Tối cao, VKSND Tối cao triển khai thi hành nghị quyết và chuẩn bị dự án Luật Thừa phát lại, báo cáo QH xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa XIV. Chế định thừa phát lại với tư cách là một nghề bổ trợ tư pháp góp phần quan trọng trong chiến lược cải cách tư pháp. Hiện các tổ chức thừa phát lại đã xác lập được vị trí nhất định trong đời sống xã hội, tạo lập một loại hình dịch vụ pháp lý mới để người dân và cơ quan nhà nước lựa chọn. Bốn loại việc thừa phát lại được quyền làm là lập vi bằng, tống đạt văn bản, xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án theo yêu cầu. |
Nguồn: http://phapluattp.vn/phap-luat/tam-quy-dinh-to-tung-noi-bat-nam-2015-604215.html