Cảnh chợ trời nhếch
nhác ngoại ô Mosow.
Bắt gặp cái nhìn của
du khách, ông liền nở nụ cười, giơ tay vẫy vẫy mời chào: “Chụp hình kỷ niệm đi.
Chỉ 100 rub thôi, hay $2 đô la Mỹ cũng được!”
Tôi vừa lắc đầu vừa phá lên cười vì nhận ra người “quen quen” ấy: Lenin. Hiển nhiên, chính xác hơn, là người đóng vai Lenin.
Tôi vừa lắc đầu vừa phá lên cười vì nhận ra người “quen quen” ấy: Lenin. Hiển nhiên, chính xác hơn, là người đóng vai Lenin.
Trong thời gian lang
thang xung quanh điện Kremlin, tôi còn gặp mấy “Lenin” nữa, cũng đang mời chào
du khách chụp hình. Tự nhiên tôi liên tưởng đến câu đầu tiên trong “Tuyên Ngôn
Ðảng Cộng Sản: “Một bóng ma đang ám ảnh Châu Âu: Bóng ma Chủ Nghĩa Cộng Sản.”
Chẳng những không chỉ
Lenin thôi mà tại Quảng Trường Ðỏ - biểu tượng của nước Nga - du khách còn gặp
được vô số nhân vật nổi tiếng, những vị vua chúa của Nga thời xưa, như Groznyi
Ðại Ðế, Nữ Hoàng Ekaterina Ðệ Nhị, và cả lãnh tụ Soviet sắt máu sau này như
Stalin...
Người Nga ngày nay
không chỉ bị ảnh hưởng của học thuyết Cộng Sản lỗi thời (dầu đã cố thoát khỏi
nó), họ mang cả tâm lý của một quốc gia từng là đại cường, muốn phục hồi với
mong mỏi khôi phục lại đế chế Nga hùng mạnh, cho dầu dưới một tên gọi khác. Các
phương tiện truyền thông thế giới phần lớn đang mô tả nước Nga như một quốc gia
hung hãn đang bị cô lập, cấm vận và kiệt quệ... Vậy thật sự nước Nga hiện tại
ra sao?
Tôi trở lại thăm Nga
sau 7 năm, ngạc nhiên bởi những đổi thay của nó. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thôi thì
có vẻ hầu như tất cả đã đẹp hơn, lịch sự hơn, tốt hơn rất nhiều. Những đại lộ
giữa Moscow với cả gần chục lanes mỗi chiều, những cao ốc kính lấp lánh không
khác gì tại các downtown của các đô thị của Mỹ, những dãy cửa hàng sang trọng tập
trung tất cả các nhãn hiệu thời trang danh tiếng thế giới, những siêu thị thực
phẩm đầy ắp thức ăn...
Không còn cảnh dày đặc cảnh sát vũ trang mang áo giáp
lăm lăm súng tiểu liên trên mỗi góc phố như trước kia. Cảnh sát giao thông cũng
vắng bóng, các camera giám sát giao thông dày đặc, phiếu phạt được gửi về theo
bưu điện kèm theo hình ảnh chứng minh.
Không còn thấy cảnh các nhóm đầu trọc
hung hãn quấy rầy du khách. Giới trẻ dùng tiếng Anh phổ thông hơn trong giao tiếp...
Nếu đến nước Nga vào
khoảng thời gian Tháng Chín, du khách sẽ cảm thấy một nước Nga thật thơ mộng.
Cuối Thu nhưng trời chưa quá lạnh vì đang “mùa Hè rớt,” nắng vẫn lấp lánh trên
những nóc giáo đường dát vàng rực rỡ. Cái lạnh chỉ đủ để khoác lên người chiếc
jacket mỏng làm dáng. Khắp nơi, mọi chốn hầu như chỉ một màu vàng, của cây cỏ,
của thiên nhiên.
Lang thang trên các nẻo
đường, góc phố Moscow hay Saint Petersburg, du khách ngỡ ngàng bởi kiến trúc cổ
kính, những giáo đường lộng lẫy, những con sông uốn mình soi bóng những lâu đài
trầm mặc...
Lãnh tụ Lenin lăn lóc
dưới đất cùng nồi niêu, xoong chảo.
Không những bị mê hoặc
bởi sắc đẹp của thiên nhiên và kiến trúc, du khách sẽ còn “mê” nước Nga hơn vì
giá cả hiện nay đều... quá rẻ, khi quy tiền Nga ra tiền Ðô La. ($1 đổi được khoảng
66 rub).
Vé tàu điện ngầm tại
S. Petersburg là 30 rub (tức chỉ gần 50 xu Mỹ) cho 1 lần đi không giới hạn khoảng
cách. Vé một ngày ở Moscow là 200 rub (khoảng $3), không giới hạn số lần sử dụng.
Thịt bò loại ngon khoảng
$5/kg. Có cả crawfish (còn tươi, sống, loại to khoảng 10 con/kg giá $9. Loại nhỏ
hơn khoảng $6/kg). Giá bia rượu khoảng bằng một nửa so với Mỹ, ngoại trừ một số
đồ nhập khẩu. Giá dịch vụ ăn uống cũng vậy. Với khoảng $20-$30 trong túi, du
khách có thể tự cho phép mình ghé hầu như mọi quán sang trọng ở trung tâm, ngồi
nhâm nhi bia rượu với đồ nhắm mà không phải lo nghĩ nhìn vào giá ở... menu. Nếu
chỉ quanh quẩn ở Moscow, St. Petersburg hay vài thành phố lớn nữa thì, đối với
du khách, nước Nga quả là “tuyệt vời.”
Ðúng, nước Nga thật
tuyệt vời, nhưng chỉ đối với du khách!
Tôi theo một người bạn
đến thành phố Lipesk, cách Moscow khoảng 500 km về phía Nam.
Ðây là thành phố
công nghiệp có tiếng ở Nga với những building kiến trúc thô kệch mà ngay cả người
Nga cũng phải thốt lên là “quái thai.”
Ngay trong thành phố vẫn
có những con đường lầm bụi, chi chít ổ gà như trong thời chiến tranh khiến xe
không thể tránh mà chỉ có thể cố điều khiển làm sao cho bánh xe rơi xuống hố một
cách... nhẹ nhàng nhất. Mới sáng Thứ Hai đầu tuần mà trên bến xe bus ngay trung
tâm thành phố đã có người say rượu nằm sóng soài ngay trên lề đường. Khác hẳn với
vẻ mặt rạng rỡ, viên mãn của người Moscow hay St. Petersburg, con người Lipetsk
trông khắc khổ, ủ dột, đậm nỗi suy tư... Tôi thắc mắc với người bạn (là người
Nga) sao không thấy cô gái đẹp nào trên đường phố. Anh trả lời, vừa chua chát,
vừa phóng đại: “Gái đẹp lên Moscow làm điếm hết rồi!”
Chúng tôi ghé vào một
công sở, nơi chuyên cung cấp giấy phép cho các doanh nghiệp toàn Lipetsk và
vùng lân cận. Vào toilet thì thấy chiếc “xí xổm” (tức loại ngồi chồm hổm, vốn rất
thịnh hành ở Việt Nam thời xa xưa), không có giấy toilet, không có xà bông rửa
tay, nhưng lại có... chén bột giặt! Tôi mang điều này ra kể cho người bạn Nga,
anh ta lại một lần nữa nhún vai: “May mà còn có chỗ để đái.”
Cờ nhung, nội dung
“dưới ngọn cờ của Chủ Nghĩa Marx-Lenin, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng Sản, tiến
lên tới chiến thắng của Chủ Nghĩa Cộng Sản,” cũng ra chợ trời luôn.
Mà cần gì phải đi xa đến
500 km, chỉ cần ra khỏi Moscow là đã thấy một bức tranh hoàn toàn khác với sự lộng
lẫy, hào nhoáng của thủ đô nước Nga.
Một hôm, tôi đi chợ trời
nằm tại thành phố nhỏ Khimki, cách Moscow khoảng 80 km. Ở đây đường phố đã hẹp
hẳn, những ngôi nhà gỗ xiêu vẹo, hoang tàn... Khác với chợ trời Mỹ quy củ trên
những sân vận động hay bãi đậu xe của các trường học, chợ trời ở Nga được họp
trên một mảnh đất hoang đầy bụi, khấp khểnh sỏi đá... Phong cách nhếch nhác,
hàng hóa nhếch nhác, người bán cũng nhếch nhác... Chợ trời Mỹ hầu như người bán
là chuyên nghiệp, nguồn hàng thường là từ những người không còn nhu cầu sử dụng
nữa, trong đó có cả đồ mới toanh. Còn ở Nga phần lớn người bán nghiệp dư,
mang những thứ mình đang dùng ra bán, vì túng tiền.
Tôi thật sự đau lòng
khi nhìn thấy một bà cụ người Nga đứng rao bán những chiếc túi ni lon đã cũ, đã
sử dụng. Nhìn trang phục và nét mặt khắc khổ của bà, tôi hiểu những chiếc túi
cũ này là nguồn thu nhập chính cho cuộc sống của bà và tôi đã rất ân hận về sau
khi tự dằn vặt mình là sao không mua giùm bà vài cái.
Ði chợ trời chủ yếu là
để quan sát chứ không có nhu cầu mua sắm nên tôi thường đứng lâu ở một nơi, đảo
mắt nhìn xung quanh. Một phụ nữ đứng tuổi đứng rao chào bán loại keo dính kim
loại, một hộp chỉ 15 rub mà mãi không có khách mua. Tôi nhẩm tính phải bán được
hơn 4 chai mới được $1. Vậy một ngày bà có thể bán được bao nhiêu chai để đủ sống?
Thấy tôi chăm chú nhìn, bà quay sang cười hỏi: “Này, dân tộc Việt Nam, tìm cái
gì ở đây thế?” Cả hai bắt chuyện, bà kể, trước đấy bà dạy trung cấp kỹ thuật, có
dạy cả học sinh từ Việt Nam sang du học nữa. Chồng bà cũng dạy sinh viên Việt
Nam. Hỏi về cuộc sống hiện tại, bà ngán ngẩm lắc đầu nói đồng lương hưu chết
đói, “kiếm sống từng bữa chứ tương lai vô định không biết sẽ đi đến đâu.” Khi
nghe tôi kể về nơi tôi từng học trước đây trên lãnh thổ Liên Xô (cũ), bà phẩy
tay: “Ðó không phải là thành phố của chúng tao. Ðó không phải là Nga.” Câu nói
của bà toát lên đặc trưng cố hữu của dân Nga: Tự kiêu về nguồn gốc của mình và
tự ti vì cứ nghĩ rằng người ta không coi trọng mình.
Một điểm đặc biệt của
chợ trời Nga là bày bán rất nhiều những gì thuộc về “tàn tích, tàn dư” thời Xô
Viết. Chân dung các lãnh tụ Cộng Sản như Lenin, Kark Marx... nằm la liệt giữa
những đống xoong nồi lủng củng, giữa đám đất lầm bụi... khiến người xem thoáng
có những suy tưởng so sánh chua xót, mỉa mai và hài hước về lý tưởng cao xa và
thực tế trần trụi.
Những lá cờ nhung màu
đỏ thêu chỉ vàng ca ngợi về những thành quả của Chủ Nghĩa Xã Hội với những câu
khẩu hiệu đanh thép, tự tin về sự bất diệt của Marx-Lenin... giờ nằm lăn lóc
trên các tấm ni lông sơ sài đặt trên mặt đất. Một quá khứ đầy hoang tưởng.
Khi nghe lời thán phục
về giá cả rẻ ở Nga, người bạn Nga bĩu môi: “Ðó chỉ là rẻ đối với dân du lịch có
Ðô La Mỹ thôi chứ dân Nga khổ lắm. Bởi vì đồng lương nhận bằng rub hầu như vẫn
vậy nhưng vật giá lại tăng theo sự lạm phát. Tuy vật giá tăng chưa bằng với mức
độ mất giá của đồng rub, đối với dân chúng thì đó cũng là sự quá tải về ngân
sách thu chi của gia đình. Ví dụ, trước khi bị Mỹ và Tây Phương cấm vận và giá
dầu đang cao, 30 rub đổi được $1, còn giờ đây thì phải gần 66 rub mới được $1.
Giá cả thiết yếu tăng ít nhất 30% nên mới có nghịch lý “du khách thì rẻ, người
Nga thì đắt.” Sự mất giá của đồng rub quả là cơn ác mộng của người bản xứ.
Người đóng giả các
nhân vật nổi tiếng để kiếm sống. Cô gái đóng vai nữ hoàng Nga, Ekaterina Ðệ Nhị,
phía xa là Stalin, Quảng Trường Ðỏ.
Với một bề ngoài hào
nhoáng, nước Nga đang vật lộn, trăn trở với thực tế khắc nghiệt, phũ phàng. Tổng
thống Putin trong phát biểu trả lời phỏng vấn Thông Tấn Xã Nga, TASS, nói rằng
việc đồng rub mất giá... có lợi cho ngân sách. Ông lý luận: “Trước đây chúng ta
bán hàng, $1 thu về được 32 rub. Còn bây giờ cũng món hàng đó, $1 chúng ta thu
được... 45 rub. Ngân sách được tăng lên chứ không phải là giảm đi!”
Có lẽ đây là phép trấn
an dư luận và tự trấn an bản thân chứ hơn ai hết, ông Putin thừa biết Nga phải
mất 10 năm phát triển kinh tế nữa mới vượt qua được khủng hoảng tài chính do cấm
vận lúc này.
Phải khách quan mà nhận
xét thì những biện pháp kích thích “lòng tự hào dân tộc” của chính phủ Nga hiện
tại đã mang lại kết quả tích cực giúp dân Nga quên đi phần nào những khó khăn
kinh tế.
Khi đi chợ trời ở Nga
khoảng cuối Tháng Chín, lúc mặc cả mua một món đồ cổ, tôi trả giá bằng USD và
nói là người bán sẽ có lợi khi giữ ngoại tệ vì đồng rub Nga mất giá từng ngày.
Người này hùng hồn trả lời: “Hãy chờ đấy, vài ngày nữa máy bay Nga sẽ ném bom
Syria và đồng rub sẽ có giá trở lại!” Y như rằng, ngày 30 Tháng Chín, Nga tham
chiến trên không tại Syria và đến giữa tháng 10 thì $1 đổi chỉ được còn khoảng
63 rub. Nhưng hiệu quả của sự “lên gân cơ bắp” bằng quân sự không giữ được lâu:
Ðến Tháng Mười Hai, đồng rub tiếp tục đà mất giá. Một đô la đổi được đến 70
rub.
Trong bối cảnh bị
phương Tây cấm vận, nước Nga đang gồng mình để tồn tại. Những biểu tượng búa liềm
Xô Viết lại xuất hiện nhiều hơn trên những đường phố, tượng Kark Marx vẫn đứng
sừng sững ngay sát Quảng Trường Ðỏ, một số tượng các lãnh tụ Xô Viết cũ được phục
chế... Nước Nga đang lấy “hào quang” của quá khứ để trấn an hiện tại.
Giới chính trị Nga hiểu
được tâm lý người Nga, và lợi dụng tâm lý ấy. Bản tính chung của người Nga là vừa
giản dị đến dân dã (hay gọi là cục mịch cũng không sai), vừa rất đôn hậu.
Tôi
nhớ mãi một buổi chiều ngồi trầm tư trong công viên nơi thi hào Pushkin từng ngồi
để viết nên những bài thơ tình bất hủ thì một người đàn bà Nga đẩy xe nôi dẫn
cháu đi dạo ngang qua. Bà dừng lại âu yếm nhắc tôi - một người ngoại quốc hoàn
toàn xa lạ: “Cẩn thận, trời lạnh lắm, ngồi như vậy có thể bị cảm đấy!” Thật sự
là tôi cảm động, sống mũi cay xè.
Tôi bỗng nhớ lại thời
điểm đứng ở Quảng Trường Ðỏ, vỗ vai nói với người đóng giả Lenin:
“Nếu không có
Lenin thật thì anh đã không phải làm Lenin giả để kiếm sống như vầy. Nước Nga xứng
đáng nhiều lần hơn thế này.”
Phương Đoàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét