Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Bắc Kinh và Hồng Kông: Ai sẽ chiến thắng?

Mừng cho Hong Kong, buồn cho Việt Nam

000_Hkg9800008.jpg
Một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 11 tháng 5 năm 2014
Câu chuyện biểu tình kêu gọi dân chủ, ly khai nhà cầm quyền độc tài Trung Cộng và đòi các nhà lãnh đạo đương quyền đặc khu kinh tế Hồng Kông phải từ chức có lẽ chưa đến hồi kết thúc, mọi chuyện vẫn còn ở phía trước. Duy, chỉ có một điều, nếu so sánh về mặt dân số cũng như căn tính chịu đựng, có lẽ ít ai dám tin rằng người Hồng Kông tốt hơn người Việt Nam. Thế nhưng mọi chuyện đã khác, hoàn toàn khác!

Việt Nam cũng từng chống Trung Cộng, không phải chỉ chống họ thao túng chính trị mà còn chống sự bành trướng của họ. Thế nhưng có bao giờ Việt Nam có được một tập thể người biểu tình lên đến hàng triệu người? Thật là buồn khi phải nói rằng chưa, chưa bao giờ có số người đông như vậy, mặc dù Việt Nam sống trong độc tài, chuyên chế và nhân dân đã chịu đựng cái ách này nặng gấp ngàn lần nhân dân Hồng Kông nhưng chưa bao giờ người Việt dám đứng lên mạnh mẽ, đồng loạt như người Hồng Kông.

Hơn nữa, biểu tình chống ngoại bang xâm lăng, dù sao, xét về bản chất, lẽ ra sẽ được nhà cầm quyền ủng hộ, được cảnh sát ủng hộ, bảo bọc. Thế nhưng những người biểu tình Việt Nam đã bị bắt bớ, đánh đập dã man bởi chính những công an mang danh nghĩa công an nhân dân.

Và, trên hết, có bao giờ Việt Nam có những tập thể đồng nhất như Hồng Kông hiện tại? Xin thưa là đã có, đó là những lần đội tuyển bóng đá Việt Nam vào vòng chung kết, những trận chung kết bóng đá giữa tuyển Việt Nam và tuyển nước ngoài, hàng ngàn đám đông khắp đất nước đã kéo nhau ra đường hò hét dậy trời, đập vỡ nón bảo hiểm trên đường và có thể tổ chức đua xe để ăn mừng hoặc chia buồn với đội tuyển Việt Nam, nói chung là vui cũng ra đường mà buồn cũng ra đường. Lúc này công an, dân phòng, cảnh sát giao thông sẽ kéo nhau ra dọn đường, tiếp dẫn cho các đám đông này. Cái hay của Việt Nam là chỗ đó. Vì sao lại có “cái hay” quái dị như vậy?

Cũng nên xét lại về lịch sử đôi chút. Nói về lịch sử Việt Nam, người ta nhắc đến ngay một nền văn minh lúa nước với hàng loạt các chứng cứ hùng hồn. Nói về lịch sử Hồng Kông, không hề có nền văn minh lúa nước “rực rỡ” nào ở đây, người Hồng Kông, ngay từ đầu đã thiên về thương mại, buôn bán và công nghiệp điện ảnh thương mại. Đây là những ngành nghề đã giúp họ tồn tại, phát triển và trở thành một trung tâm thương mại sầm uất, phồn thịnh giữa Á Châu. Và, có thể nói rằng người Việt Nam nặng về tâm thức nông nghiệp, người Hồng Kông nặng về tư duy thương mại và đương nhiên tâm thức của họ luôn thay đổi, luôn tự làm mới để đuổi kịp nhịp điệu phát triển của thế giới.

Chỉ hai yếu tố khác biệt này đã dẫn đến hai tiến trình lịch sử cũng như hai tính cách dân tộc hoàn toàn khác nhau, xin mở ngoặc là tính cách khác biệt này được hiểu theo nghĩa đại bộ phận dân chúng chứ không khuôn giới hoặc xâm phạm đến phạm vi hay địa hạt của những tập thể đấu tranh dân chủ bởi những nhà dân chủ thuộc về nhóm tiến bộ và ít nhiều cũng đã bứt thoát khỏi tâm thức nông nghiệp.

Cũng xin nhắc thêm là Cải cách ruộng đất miền Bắc năm 1946 – 1957 có rất nhiều đám đông đã nổi dậy mặc dù họ bị lừa, vì sao họ nổi dậy? Vì Cộng sản lúc đó đã đánh trúng ngay vào vết thương tổ truyền có tên “tâm thức nông nghiệp”, cụ thể là sự thao thức về mảnh ruộng, cái cày của họ. Chính vì vậy mà cuộc cải cách đầy máu và man rợ này lại được hưởng ứng một cách vô tội vạ! Ngược lại, những nhân tố cũng như công cuộc đấu tranh dân chủ, nhân quyền và chủ quyền cho Việt Nam hiện tại, cho dù có kêu gọi thấu trời xanh vẫn không có được đại bộ phận dân chúng hưởng ứng và lên đường. Vì sao?

Vì tâm thức cũng như tư duy những người bạn Hồng Kông hoàn toàn không giống với tư duy và tâm thức của người Việt Nam. Đặc biệt, ngay cả trong quản lý hành chính nhà nước, tư duy của Hồng Kông cũng hoàn toàn mới mẽ, hiện đại so với bộ máy nhà nước cồng kềnh, luộm thộm và nặng về hình thức nhưng kém về chất lượng, lối hành xử đầy chất nông nghiệp cũng như dự án, quyết sách không những thiếu sáng tạo, tiến bộ mà còn thiếu cả tư duy của thời đại như nhà nước Cộng sản Việt Nam. Hay nói cách khác, tư duy của nhà nước Cộng sản Việt Nam là một thứ tư duy thụ động cùng với thói quen vay mượn, xin xỏ. Bất kì dự án cấp quốc gia nào của Việt Nam hiện tại dù nói cách gì cũng dính dấp đến chuyện vay vốn nước ngoài, xin tài trợ nước ngoài, xin trong, xin ngoài, xin trên, xin dưới… Nói chung xin và xin. Nhà nước xin, nhân dân nghèo khổ quá rồi cũng xin… Mọi thứ quan hệ xin – cho và bợ đỡ vốn dĩ là thứ cây cỏ rất hợp với mảnh đất tâm thức (vốn tăm tối và sình lầy) nông nghiệp thâm căn cố đế thời Cộng sản.

Thử nghĩ, với một hệ thống tâm thức như vậy, liệu Việt Nam có làm được một cuộc cách mạng như Hồng Kông? Trong khi một thanh niên trẻ tuổi như Joshua Wong của Hồng Kông cũng có thể trở thành lãnh đạo một cuộc biểu tình lớn để chống độc tài, chống những gì phản tiến bộ loài người. Không phải vì người Hồng Kông thiếu lãnh đạo lớn tuổi cho những cuộc biểu tình như vậy nhưng vì họ đã đạt được sự tiến bộ chung, họ biết lắng nghe lý lẽ và tôn trọng lý lẽ, tôn trọng sự tiến bộ.

Và họ cũng thừa biết rằng lý lẽ và sự tiến bộ không bao giờ phụ thuộc vào kinh nghiệm tuổi tác mà nó phải đến từ những tư duy tiến bộ đích thực. Hay nói cách khác, họ đã không bảo thủ, sẵn sàng lắng nghe tuổi trẻ. Đó chính là điều mà từ nhà nước cho đến đại bộ phận người dân Việt Nam khó bề có được (ngoại trừ một số nhỏ tiến bộ), vì đâu? Vì đó là hệ quả của thứ tư duy lạc hậu, thủ cựu và cố chấp vốn dĩ có gốc gác từ tư duy nông nghiệp manh mún, không thoát khỏi lũy tre làng!

Thử nghĩ, với một hệ thống cầm quyền khép kín, bảo thủ, lạc hậu, thậm chí man trá như Việt Nam hiện tại, cộng với đại bộ phận dân chúng vốn dĩ mang tâm thức nông nghiệp nặng nề lại phải ngủ quá lâu trong mùi xú khí của chế độ chính trị cầm quyền, hầu như đã đánh mất khả năng đề kháng… Thì liệu có thể hy vọng Viêt Nam sẽ có những cuộc xuống đường rầm rộ kêu gọi dân chủ giống như Hồng Kông đang có?

Có lẽ còn rất lâu Việt Nam mới có được điều này. Nhưng điều đó không có nghĩa là đã hết cơ hội và càng không có nghĩa là nhân dân khó thay đổi. Bởi lẽ, chính sự man trá của nhà cầm quyền đến một lúc nào đó (như hiện tại chẳng hạn!) đã mở mắt cho nhân dân thấy để họ biết mình cần làm gì. Vấn đề nhân dân sẽ “làm gì” chỉ còn là thời gian đủ để thấm nhuần những gì mà thế giới tiến bộ đang hằng ngày chảy vào Việt Nam.
Viết Từ Sài Gòn
01/10/2014
(RFA)

Phong trào đấu tranh cho dân chủ tại Hồng Kông : Các kịch bản

media
Reuters
Cuộc đấu tranh đòi tự do chính trị tại Hồng Kông mà Bắc Kinh kiên quyết từ chối, đã đẩy lãnh thổ này rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ năm 1997, thời điểm Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc. Tình hình dường như bế tắc.

Một bên, liên minh các nhóm đấu tranh cho dân chủ tiến hành biểu tình, làm tê liệt hoạt động tại Hồng Kông. Yêu sách của liên minh là Hồng Kông phải được quyền bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu thật sự, tức là cử tri được quyền tự do lựa chọn ứng viên. Đồng thời, những người biểu tình cũng đòi lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông, ông Lương Chấn Anh (Leung Chun-Ying) phải từ chức, bị cáo buộc là con rối của Bắc Kinh.

Đối mặt với phong trào này là chính quyền Hồng Kông, tuy được Bắc Kinh ủng hộ, nhưng từ chối hành động. Đối với lãnh đạo hành pháp Hồng Kông, việc có được bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu với những ràng buộc của Bắc Kinh, vẫn còn hơn là không có gì. Vậy tình hình sắp tới ra sao ? AFP đưa ra một số kịch bản.

Phong trào đấu tranh cho dân chủ lan rộng trên quy mô lớn

Từ bốn ngày qua, hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình, chiếm lĩnh các trục giao thông chính, làm tê liệt nhiều khu vực tại Hồng Kông. Hôm nay và ngày mai, (01 và 02/10) là ngày nghỉ lễ ở Hồng Kông. Do vậy, ban tổ chức hy vọng có đông đảo người xuống đường, nhất là nếu cảnh sát tiếp tục có thái độ chừng mực, kể từ rạng sáng thứ Hai, 29/09 đến nay, không thẳng tay trấn áp các cuộc biểu tình. Xin nhắc lại là vào tối Chủ nhật, 28/09, cảnh sát chống bạo động Hồng Kông đã dùng lựu đạn cay và bột tiêu để giải tán người biểu tình, nhưng sau đó, chính quyền đã ra lệnh rút cảnh sát.

Chính quyền Hồng Kông hiện đang chịu sức ép nặng nề : Các hoạt động trên lãnh thổ Hồng Kông, vốn được coi là một trong những trung tâm của tư bản tài chính, đã bị xáo trộn nghiêm trọng. Tình hình này, nếu kéo dài, sẽ buộc chính quyền Hồng Kông, hoặc phải nhượng bộ, chấp nhận một số yêu sách của phong trào biểu tình, hoặc trấn áp. Theo giới phân tích, việc ông Lương Chấn Anh từ chức có thể làm dịu tình hình, nhưng khả năng này ít xẩy ra.

Phong trào hụt hơi

Tuy có hàng chục ngàn người biểu tình liên tiếp trong những ngày qua, nhưng mối quan tâm hàng đầu của ban tổ chức là duy trì được nhịp độ huy động người dân xuống đường, bởi vì nếu có ít người tham gia, chính quyền có thể điều động cảnh sát giải tán cuộc biểu tình.

Những địa điểm có ít người tham gia so với khu trung tâm như Causeway Bay, khu thương mại và Mongkok, nơi có mật độ dân cư rất cao ở Ma Cao, đối diện với đảo Hồng Kông, được đánh giá là những nơi dễ bị trấn áp.

Những người biểu tình cũng phải chú ý tới công luận của lãnh thổ có hơn 7 triệu dân này, nơi được coi là rất thuận tiện cho kinh doanh và các hoạt động dịch vụ tài chính.

Tuy có xẩy ra vài hiện tượng tranh cãi giữa người biểu tình và người sử dụng giao thông công cộng, những người bán hàng, nhưng cho đến nay, chưa thấy xuất hiện sự bất bình, phản đối của người dân đối với phong trào đấu tranh. Tình hình này có thể thay đổi nếu những xáo trộn trong sinh hoạt, giao thông kéo dài trong những ngày tới, hoặc những tuần tới.

Chính quyền trấn áp

Chính quyền Hồng Kông có thể lại huy động cảnh sát chống bạo động để giải tán cuộc biểu tình. Cảnh sát không loại bỏ khả năng sử dụng lựu đạn cay, thậm chí bắn đạn cao su để trấn áp những người biểu tình.
Thế nhưng, giống như Chủ Nhật, 28/09, mọi đối đầu, xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình sẽ càng làm cho người dân xuống đường đông đảo hơn, trong lúc giới phân tích cho rằng, dường như cuộc đấu tranh đã hoàn toàn vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các lãnh đạo phong trào. Theo nhận định của công ty tư vấn Steve Vickers Associates, cho dù các lãnh đạo này bị bắt, phong trào có thể vẫn tiếp tục.

Bắc Kinh can thiệp trực tiếp

Quân đội Trung Quốc có một doanh trại ở Hồng Kông. Chính quyền Bắc Kinh có thể quyết định rằng tình hình trên lãnh thổ này đã kéo dài quá mức và huy động quân đội giải quyết vấn đề. Trong những ngày qua, có tin đồn là quân đội Trung Quốc sẽ can thiệp, nhưng cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ giả thuyết này sẽ xẩy ra.

Ông Lương Chấn Anh và chính quyền Bắc Kinh nói rằng Hồng Kông có đủ khả năng tự giải quyết cuộc khủng hoảng. Theo một nhà phân tích phương Tây, kịch bản quân đội Trung Quốc can thiệp trực tiếp, tuy là ít xẩy ra nhất, sẽ bị toàn thế giới lên án. Có nhiều khả năng là cảnh sát Trung Quốc trá hình, mặc quân phục như cảnh sát Hồng Kông, được điều động tới hỗ trợ cảnh sát Hồng Kông. Với cách này, chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh sẽ tuyên bố là họ tự giải quyết tình hình nội bộ trên lãnh thổ này.
Đức Tâm
(RFI)

Mai Tú Ân - Bài học từ Hong Kong...

Có thể nói với đa số người VN chúng ta, thì những tin tức từ HK đưa về như một làn gió mát rượi thổi đến, đem một làn sinh khí đến tất cả chúng ta...Và dù cho cuộc đối đầu bên ấy có ra sao đi nữa thì chúng ta đã được lợi vô cùng...Chúng ta có được bài học căn bản về quyền con người, kèm theo một bài thực hành sống động về cái quyền thiêng liêng ấy mà ta say mê theo dõi trong những ngày HK dậy sóng...

Chúng ta thấy được sức mạnh của giới trẻ trong việc khuynh loát tất cả... Thậm chí có cả một thần tượng trong giới ấy. Chàng sinh viên Joshua Wong trẻ tuổi đeo kiếng cận, mặt non choẹt nhưng lại có khí phách của một người anh hùng....

Kết cục của "cuộc chiến" thì cũng có thể đoán trước. Thông thường thì ở các thể chế dân chủ, khi biểu tình lớn, kéo dài có khả năng đưa đến bạo động của người dân thì chính quyền thường nhượng bộ không nhiều thì ít... Vì những người cầm quyền dân cử hiểu một điều rằng, họ phải nhìn lại mình...Và thường họ nhận ra sai lầm, chấp nhận nhượng bộ cho người dân, hầu giữ yên bình để còn làm ăn sinh sống. Thậm chí họ chịu thiệt thòi, chỉ để đáp ứng lòng dân. Thực sự đó mới là một chính quyền của dân, do dân, vì dân...

Chứ họ không cố sống cố chết bám lấy những điều nào đó mà đi ngược với lòng dân, hay dùng vũ lực để trấn áp lòng dân...

Khả năng Trung Cộng dùng quân đội đang đồn trú ở HK hay ở đại lục vào trấn áp thì khó có khả năng xảy ra. Vì ngoài việc mang tai tiếng vốn đã quá tai tiếng rồi, thì họ không ngu dại để diễn ra một Thiên An Môn mới. Và cũng đi ngược lại với hiến pháp HK, với thỏa thuận Anh-Trung 1984 khi trao trả HK. Đó là Trung Cộng chỉ được hai quyền là có quốc phòng và ngoại giao. Tức là bảo vệ HK, cũng như đại diện ngoại giao cho HK. Ngoài ra nội trị thì do HK quyết định. Nhưng giờ đây trong vòng cương tỏa của Bắc Kinh thì mọi điều đều có thể xảy ra bởi tính chất độc đoán, vô định của chính quyền CS ấy.

Nhưng bài học của HK với chúng ta không phải là sự thắng thua của họ. Chính việc họ bất chấp sợ hãi, có mặt trên đường phố mới là điều chúng ta cần học hỏi. HK giống như một tấm gương thời cuộc để chúng ta soi vào đó và nhìn nhận lại chính mình. Bài học tiếp theo mà chúng ta học được ở bạn là tinh thần của giới trẻ, giới trẻ phải là người đi đầu trong tất cả mặt trận. Thứ hai là sự ngẩng cao đầu không khuất phục bao lực, bạo quyền...của người dân. Thứ ba là phải có sự đoàn kết vô điều kiện của tất cả người dân, và phải có sự dẫn dắt của các tổ chức đối lập nhưng hợp pháp, như các tổ chức xã hội dân sự, tôn giáo, các hội đoàn, các nhân vật đấu tranh dân chủ tên tuổi..v..v... Thứ tư là thời buổi internet ngày nay, bất cứ điều gì diễn ra ở đâu đi nữa thì thế giới cũng đều biết và luôn đứng về phía người dân. Bài học thứ năm là giới cầm quyền BK rất sợ mạng internet, sợ FB vì nó rất lợi ích cho tụ họp số đông, biến hóa khôn lường... Mọi sự kiện diễn ra dù ở đâu thì cũng chỉ vài giây là lan ra khắp thế giới. Bài học thứ 6 là cầu Trời cho chúng ta vài chàng Joshua Wong, nhiều hơn càng tốt...Và bài học cuối cùng là cái thời mà nhà cầm quyền CS muốn làm gì thì làm đã qua rồi. Vĩnh viễn qua rồi...
1/10/2014
 Mai Tú Ân
(FB Mai Tu An) 

Nhân Dân Nhật Báo: Người biểu tình Hồng Kông đừng ảo tưởng!

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các cựu lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc trong Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập nước CHND Trung Hoa tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, tối 30/9. Ảnh: Chinanews.
 
Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc diễn ra tối ngày 30/9, trong đó có những nội dung thể hiện quan điểm về vấn đề Hồng Kông.
Chinanews đưa tin, tối ngày 30/9, Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức Tiệc mừng Quốc khánh tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, nhằm kỷ niệm 65 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10/1949 - 1/10/2014).
Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch quốc gia, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đã có bài phát biểu chỉ ra, không ngừng thúc đẩy sự nghiệp "1 quốc gia 2 chế độ" chính là nguyện vọng của toàn thể đồng bào Trung Quốc, bao gồm Hồng Kông và Macau, phù hợp với lợi ích căn bản của quốc gia cũng như lợi ích dài lâu của Hồng Kông, Macau.
Phát biểu trên được giới truyền thông xem như thái độ chính thức của ông Tập Cận Bình đối với vấn đề Hồng Kông.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, 1 quốc gia 2 chế độ là hình thức phù hợp nhất để thực hiện thống nhất quốc gia. Ảnh: Chinanews.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, 1 quốc gia 2 chế độ là hình thức phù hợp nhất để thực hiện thống nhất quốc gia. Ảnh: Chinanews.
Cũng trong ngày 30, ông Tập Cận Bình đã hội kiến Đoàn đại biểu của Đoàn thể Đài Loan hòa bình thống nhất. Theo đó, ông Tập chỉ ra, "hòa bình thống nhất, 1 quốc gia 2 chế độ" chính là phương thức phù hợp nhất để thực hiện thống nhất quốc gia.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình còn hội kiến Đoàn đại biểu công thương Hồng Kông. Ông Tập nói, 1 quốc gia 2 chế độ là quốc sách cơ bản, đồng thời nhấn mạnh muốn thực hiện tốt nhiệm vụ tại Hồng Kông thì mấu chốt cần phải quán triệt phương châm 1 quốc gia 2 chế độ.
 
Báo The Wall Street Journal ngày 30.9 nêu giới truyền thông Nga bắt đầu phát các thông tin rằng cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông là một âm mưu do Mỹ tổ chức.
Theo Tân Hoa Xã, 2014 là kỷ niệm 120 năm Chiến tranh Giáp Ngọ. Vào năm 1894, chính phủ Thanh triều sau khi chiến bại đã phải ký "Điều ước Mã Quan", cắt Đài Loan cho Nhật. Trước đó, vào các năm 1842 và 1887, chính phủ Thanh cũng lần lượt phải "dâng" Hồng Kông, Macau cho Anh và Bồ Đào Nha.
Hãng thông tấn quốc gia Trung Quốc khẳng định, trải qua 17 năm kể từ khi Hồng Kông về với Trung Quốc, Bắc Kinh đã gìn giữ Hồng Kông là một tấm gương kinh tế phồn vinh nhất, mạnh mẽ nhất, tự do nhất trên thế giới.
Trong khi đó, Nhân Dân Nhật Báo - tờ báo cơ quan của Đảng cộng sản Trung Quốc - cũng đã đưa ra phản ứng chính thức đối với cuộc vận động "Chiếm Trung Hoàn" đang diễn ra tại Hồng Kông.
Bài viết "Quý trọng thời cơ phát triển, bảo vệ Hồng Kông ổn định phồn vinh" đăng trên Nhân Dân Nhật Báo số ra ngày 30 viết, cái gọi là cuộc tụ tập phi pháp "Chiếm Trung Hoàn" của một nhóm thiểu số đã gây nhiễu loạn nghiêm trọng trật tự xã hội, ảnh hưởng kinh tế dân sinh tại Hồng Kông. "Chiếm Trung Hoàn" đã tổn hại Hồng kông, là cái họa của dân chúng, nếu cứ để tự do lan truyền thì hậu quả không thể tưởng tượng.
Nhân Dân Nhật Báo cáo buộc cuộc vận động Chiếm Trung Hoàn là cuộc tụ tập phi pháp của một nhóm thiểu số, đồng thời răn đe người biểu tình Hồng Kông đừng ảo tưởng rằng nhừng hành động của mình sẽ không đưa đến hậu quả nào.
Nhân Dân Nhật Báo cáo buộc cuộc vận động "Chiếm Trung Hoàn" là cuộc tụ tập phi pháp của một nhóm thiểu số, đồng thời "răn đe" người biểu tình Hồng Kông đừng ảo tưởng rằng nhừng hành động của mình sẽ không đưa đến hậu quả nào.
Nhân Dân Nhật Báo cho rằng, "Chiếm Trung Hoàn" đã phá hoại căn cơ của Hồng Kông. Theo đó, pháp trị là giá trị cốt lõi của Hồng Kông, tuy nhiên luật pháp Hồng Kông đã bị thiểu số người tham gia vận động "Chiếm Trung Hoàn" khinh nhờn. Đồng thời tờ báo Đảng Trung Quốc cũng chỉ rõ, "Chiếm Trung Hoàn" không phải là giao tiếp hòa bình, mà là hành động đối kháng, và nhóm thiểu số cố ý thách thức pháp luật sẽ phải nhận lấy hậu quả.
TQ đe Mỹ: Hồng Kông này là Hồng Kông của Trung Quốc! TQ "đe" Mỹ: Hồng Kông này là Hồng Kông của Trung Quốc!
Sau khi Mỹ phát biểu thông cáo báo chí tỏ thái độ đối với các sự kiện tại Hồng Kông, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức có những lời đáp trả "cứng rắn".
Ngoài ra, Nhân Dân Nhật Báo cũng buộc tội cuộc vận động "Chiếm Trung Hoàn" gây tổn hại đến nền kinh tế phồn vinh của Hồng Kông cũng như cản trở quá trình phát triển thuận lợi của nền dân chủ tại Đặc khu hành chính này.
Nhân Dân Nhật Báo chỉ trích, cuộc vận động "Chiếm Trung Hoàn" trong những ngày vừa qua khiến các cơ quan tài chính buộc phải đóng cửa ngừng hoạt động, nhiều đơn vị phải hủy bỏ các kế hoạch ban đầu. Thậm chí, do tình trạng không đảm bảo an toàn giao thông và dân sinh nên nhiều nhà trẻ, trường học đã phải tạm nghỉ. Thêm vào đó, Hội diễn pháo hoa Hồng Kông mừng Quốc khánh cũng bị buộc phải hủy bỏ.
Đồng thời, Nhân Dân cũng khẳng định hành động của những người sách động "Chiếm Trung Hoàn" sẽ chỉ gây trở ngại đến tiến trình thực hiện bầu cử phổ thông đầu phiếu tại Hồng Kông vào năm 2017.
Nhân Dân Nhật Báo kêu gọi quần chúng biểu tình tại Hồng Kông trở lại quỹ đạo pháp luật, sử dụng những hình thức hòa bình, lý trí, hợp pháp để biểu đạt nguyện vọng.
Nhân Dân "răn đe", những đối tượng ảo tưởng rằng có các quốc gia bên ngoài ra tay can thiệp, hay lợi dụng sự chú ý của truyền thông quốc tế để tự tung tự tác thì đừng mơ thoát khỏi pháp luật trừng trị.
Đại Lộ
(Soha)

Trương Nhân Tuấn - Hồng Kông có trở thành Thiên An Môn?

Tôi không tin rằng các cuộc biểu tình ở Hồng Kông sẽ đưa đến một Thiên An Môn thứ hai. Nếu những người tham gia biểu tình Hồng Kông không nản lòng, những yêu sách của họ sẽ được thỏa mãn trong nay mai.

Lý do đơn giản là mục đích (và tầm ảnh hưởng) của hai cuộc biểu tình rất khác nhau.
Hong Kong, biểu tình, Tập Cận Bình, TQCuộc biểu tình ở Thiên An Môn 25 năm trước, nếu không dập tắt, có thể gây ảnh hưởng lớn lao, làm đảo lộn xã hội Trung Quốc, nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Mao Trạch Đông dựng lên có thể bị sụp đổ (ít nhất là như Liên Xô trong vấn đề lãnh thổ). Quyết định của Đặng Tiểu Bình không chỉ cứu chế độ mà còn cứu Trung Quốc thoát khỏi một cơn khủng hoảng về chính trị, xã hội không lường được hậu quả. Quyết định tàn khốc đưa đến kết quả tàn khốc. Dầu rất đau đớn nhưng không thể không lấy quyết định.

Cuộc biểu tình hiện nay ở Hồng Kông, mục đích là yêu cầu nhà cầm quyền Bắc Kinh giữ lời hứa « một quốc gia hai chế độ » mà lãnh đạo Trung Quốc đã long trọng ký kết năm 1997, thể hiện trên bộ Luật cơ bản hiện thời Hồng Kông. (Hồng Kông là một lãnh thổ được quốc tế hóa, có nền chính trị dân chủ).

Biểu tình ở đây để càng lâu càng bất lợi, vì nó có thể lây lan sang các địa phương khác trong lục địa. Còn đàn áp (theo lối Thiên An Môn) thì không có lý do, kể cả lúc người biểu tình bạo động.

Nhượng bộ, Tập Cận Bình chưa chắc « mất uy tín » nếu ông này khôn khéo ngoại giao, hy sinh một Lương Chấn Anh để lấy lòng những « lãnh đạo » Hồng Kông tương lai là lớp trẻ sinh viên học sinh.

Không nhượng bộ, tức là quyết định đàn áp có mức độ, có thể xảy ra máu chảy thịt rơi, điều chắc chắn là phong trào biểu tình sẽ không tan rã mà sẽ lớn mạnh hơn, đời sống kinh tế, xã hội Hồng Kông có thể xáo trộn. Điều đưa đến là ước vọng của những người dân ở đây cũng sẽ khác đi : một Hồng Kông ly khai (thay vì một Hồng Kông có thể chế chính trị dân chủ, khác với lục địa). Tập Cận Bình sẽ mất uy tín trong nội bộ cũng như tạo một hình ảnh nhơ nhuốc của Trung Quốc trước quốc tế. Trong khi việc áp đặt chính trị quốc gia (tức độc tài) lên Hồng Kông thì không đưa lại lợi lộc nào cho Trung Quốc, ngoài việc các tài phiệt ở đây sẽ « di tản » sang một vùng đất an lành khác.

Tôi nghĩ là những người tham gia biểu tình, nhất là khối sinh viên học sinh và phụ huynh, biết chắc là lãnh đạo Bắc Kinh không thể ra quyết định đàn áp như 25 năm trước tại Thiên An Môn. Ngày xưa là quyền lợi và sự ổn định của quốc gia Trung Quốc. Hôm nay là uy tín của cá nhân Tập Cận Bình.

Thực ra uy tín của họ Tập chỉ có thể giữ được với hành động giữ lời hứa về một quốc gia hai chế độ.

*
Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Quốc vừa mới tuyên bố cảnh cáo rằng vấn đề Hồng Kông thuộc nội bộ của Trung Quốc. Trong khi Hoa Kỳ và Anh chính thức lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh phải tôn trọng ý nguyện của dân Hồng Kông.

Hoa Kỳ và Anh có « xía » vào chuyện nội bộ của Trung quốc hay không ?

Câu trả lời là không !

Tuyên bố của Bắc Kinh có điểm cần xét lại. Mặc dầu Hồng Kông thuộc chủ quyền (không tranh cãi) của Trung Quốc, nhưng Hồng Kông là một lãnh thổ tự trị, có « tư cách pháp nhân » một vùng lãnh thổ được « quốc tế hóa », là « đối tượng » của công pháp quốc tế.

Theo các điều 151, 152, 153 của Luật cơ bản 1-7-1997 :

Hồng Kông có tư cách pháp nhân (như là quốc gia), là thành viên của các tổ chức quốc tế trực thuộc LHQ, là hội viên của WTO, hội viên của Hiệp hội Quan thuế quốc tế đồng thời là hội viên của Hiệp hội APEC (Tổ chức hợp tác kinh tế Châu Á Thái bình dương)…

Hồng Kông có tư cách pháp nhân (như là quốc gia) để ký kết các hiệp ước với các quốc gia khác.

Hồng Kông có hệ thống pháp luật riêng, quyền tư pháp thực sự độc lập (điều19), có cờ riêng (điều 10), có pháp quyền về quan thuế và kiểm soát biên giới (điều 154), có đồng tiền riêng (đô la HK).

Điều 39 bảo đảm các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.

Cam kết của Trung Quốc về « một quốc gia hai hệ thống chính trị » cho Đài Loan, được áp dụng tại Hồng Kông và Ma Cao, thực tế cho thấy Bắc Kinh đã không tôn trọng những cam kết (quốc tế). Lãnh đạo Bắc Kinh lên âm mưu bãi bỏ quyền tự trị của Hồng Kông, bằng cách áp đặt nhân sự lãnh đạo. Điều này đã bị sự phản đối mãnh liệt của dân chúng, thể hiện qua các cuộc biểu tình, phong trào bất tuân dân sự…

Từ đầu thập niên 80, Trung Quốc đã cho thành lập thành phố Thẩm Quyến, kế cạnh Hồng Kông, như là một « đặc khu kinh tế ». Ban đầu khu vực này chỉ là một làng chài lưới, nghèo khổ như các làng chài khác thuộc lục địa. Mục đích thành lập Thẩm Quyến không chỉ để cạnh tranh với Hồng Kông, mà còn là một tính toán chính trị nhằm áp đặt luật quốc gia lên vùng lãnh thổ mới sáp nhập. Nhờ sự năng động của Hồng Kông, Thẩm Quyến phát triển mạnh mẽ, trở thành một đặc khu kinh tế giàu nhất lục địa (tăng trưởng trung bình 25% mỗi năm). Thẩm Quyến trở thành Hồng Kông thứ hai.

Sự lên tiếng của Hoa Kỳ và Anh là đúng lúc nhưng chưa chắc ngăn cản được Bắc Kinh.

Dự tính của lãnh đạo Bắc Kinh, người ta có thể thấy là sẽ ra tay đàn áp mạnh mẽ dân chúng biểu tình. Nếu Hồng Kông « tê liệt » toàn diện thì việc này cũng không gây ảnh hưởng lớn lao (về kinh tế) cho Trung Quốc. Thẩm Quyến (chia cách Hồng Kông bằng một cây cầu) có đầy đủ phương tiện hạ tầng cơ sở thay thể mọi sinh hoạt của Hồng Kông. Điều mà Bắc Kinh không dự toán được là sự dấn thân quyết liệt của sinh viên, học sinh được sự ủng hộ của hầu hết phụ huynh. Mặc dầu đã dự trù một lực lượng đối kháng (nhóm « Đa số thầm lặng »), nhưng nhóm này cũng khó dập tắt được khí thế của sinh viên, học sinh…

Chắc chắn việc dằn co này sẽ kéo dài. Bắc Kinh cũng có thể đạt được mục tiêu : trung tâm chứng khoán sẽ dời về Thẩm Quyến.

Có lợi cho Hồng Kông nếu dư luận quốc tế đồng loạt lên tiếng đồng thời dân chúng các tỉnh trong lục địa hưởng ứng phong trào đòi dân chủ mà điều này còn tùy thuộc vào sự quyết tâm của thành phần trí thức và lớp công nhân.

Chắc chắn là Hoa Kỳ và Anh cũng thấy « dã tâm » của lãnh đạo Bắc Kinh : phá bỏ tư cách pháp nhân « quốc tế » của Hồng Kông, bằng cách dùng Thẩm Quyến thay thế Hông Kông.

Sẽ đối phó bằng cách nào ? Một Trung Quốc dân chủ chắc chắn là một điều tốt không chỉ cho Châu Á mà còn cho cả nhân loại. Tất cả các tranh chấp trong các nước dân chủ hầu hết đều được giải quyết bằng « luật lệ » chứ không bằng sức mạnh (như các nước độc tài).

Ai cũng muốn vậy nhưng không dễ thực hiện. Giai cấp trung lưu Trung Quốc phần lớn đều thân chính quyền, vì sự giàu có của họ đều dựa vào, hay đến từ, quyền lực chứ không do tài năng và trí tuệ. Dầu vậy, khối lao động (công nhân, nông dân) của TQ rất lớn, chiếm trên 70% nhân lực của TQ. Lãnh đạo được khối nhân sự này thì việc gì cũng thành công.
Trương Nhân Tuấn
(FB Nhân Tuấn Trương)

Dương Hoài Linh - Bắc Kinh và Hồng Kông: Ai sẽ chiến thắng?

Người biểu tình phong tỏa các khu trung tâm Hong Kong 
Ai đó nói rằng cuộc biểu tình đang diễn ra ở Hồng Kông là một cơn bão mà sức ảnh hưởng của nó có thể lan tỏa tới Trung Quốc đại lục và Việt nam là một sự lạc quan hơi sớm. Nếu nó là bão thì chính quyền Bắc Kinh sẽ bằng mọi giá chặn nó lại và cơ hội thành công của nó có lẽ chỉ bằng 0. Biến cố Thiên An Môn 25 năm trước vẫn là một bài học còn nóng hổi.

Nhưng nếu gọi chính xác thì đây là một trận lũ lịch sử lớn nhất Hồng Kông. Bão đến nhanh và tan đi nhanh, lũ thì vẫn còn ở lại. Bão có sức tàn phá khủng khiếp nhưng lũ thì chỉ gây đình trệ, ách tắc cục bộ. Đa phần cuộc đấu tranh bất bạo động đơn thuần chỉ là cuộc "thi gan" giữa người dân và chính quyền. Kẻ chiến thắng là kẻ kiên trì hơn.

Xem ra thì lãnh đạo cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã hiểu rất rõ điều này. Ngoài việc tặng hoa cho cảnh sát họ cũng đã biến cuộc xuống đường thành một cuộc biểu tình lịch sự nhất thế giới. Tất cả đều diễn ra một cách trật tự, ngăn nắp. Sinh viên mang bài tập về nhà ra làm ngay trên đường phố. Các tấm bảng xin lỗi vì chắn đường hiện diện khắp nơi. Rác thải được người biểu tình dọn dẹp cần mẫn sau mỗi ngày. Nguyên tắc bất bạo động thể hiện rất rõ ràng qua một mẩu chuyện nhỏ của phóng viên Bưu điện Hoa Nam buổi sáng: "Một người đàn ông ném trứng vào đoàn biểu tình ở Causeway Bay, miệng hét: "Về đi học đi, đừng chắn đường nữa!". Các sinh viên biểu tình phản ứng bằng cách dọn dẹp những gì ông ta ném ra."

Có thể nói cuộc biểu tình ở Hồng Kông có rất nhiều cơ hội thắng lợi vì những lý do sau đây:

- Hồng Kông llà một xã hội châu Âu thu nhỏ trong lòng châu Á. Sự chú ý giúp đỡ và ủng hộ của các nước phương Tây đặc biệt là Anh, Mỹ có ảnh hưởng to lớn đến mức độ thành công của cuộc biểu tình.

- Hồng Kông là một trong ba trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Sự đình trệ hoạt động ở đây sẽ gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế và dưới áp lực lớn của các tổ chức tài chính thế giới chính quyền Bắc Kinh sẽ phải tính đến phương án nhượng bộ.

- Hồng Kông đang được hưởng quy chế tự trị "một quốc gia hai chế độ", mục đích của cuộc biểu tình không phải là lật đổ thể chế mà chỉ là đòi hỏi quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu, phá bỏ nguyên tắc bầu cử tập trung. Do đó chính quyền có lý do không phải lo ngại sự noi gương của các vùng lãnh thổ khác trên toàn cõi Trung Quốc.

- Xã hội Hồng Kông là một xã hội pháp trị, nơi mà công ánh sáng công lý được thực thi nghiêm chỉnh nhất trong các cộng đồng người Hoa. Người dân Hồng Kông cũng là người ý thức rõ trách nhiệm công dân nhất. Họ không dễ dàng từ bỏ cái mà họ đã được hưởng trong suốt hơn 150 năm qua. Khẩu hiệu"Họ không thể giết hết tất cả chúng ta" đã nói rất rõ quyết tâm của người Hông Kông trong cuộc biểu tình này.

- Chính quyền Bắc Kinh có thể sử dụng xe tăng, vũ khí quân đội để đàn áp nhưng sẽ không bao giờ dám bắn vào đoàn biểu tình. Người dân Hồng Kông biết luật pháp cho nên họ sẽ không sợ bị bắt và bị trả thù. Hơn nữa đội ngũ luật sư của Hồng Kông cũng sẽ đứng về phia họ để buộc tòa án phải trả tự do tức khắc cho bất cứ người biểu tình bị bắt nào,

Như vậy sẽ không có một Thiên An Môn nào tái diễn trên đất Hồng Kông và Tập Cận Bình dù có cương quyết bao nhiêu cũng không thể cương quyết hơn dân Hồng Kông. Tuy nhiên với tính chất đặc thù của mình, "cách mạng ô dù" của Hồng Kông chỉ khiến phong trào dân chủ ở Trung Quốc và các nước khác như Việt nam học tập về phương pháp tổ chức chứ không thể đảm bảo về mặt thành công, vì Hồng Kông đang ở một đẳng cấp rất cao so với phần còn lại. Và cũng có thể đây là lý do chính khiến Đảng CSTQ buông súng đầu hàng.
Dương Hoài Linh
(Dân Luận)

Quan hệ Việt Mỹ tiến xa sau vụ giàn khoan dầu TQ

20141001_144720.jpg
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại buổi hội thảo về hiện tình quan hệ Việt - Mỹ do Trung Tâm Nguyên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược của Hoa Kỳ tổ chức ở thủ đô Washington DC chiều thứ Tư 01/10/2014. RFA PHOTO


Kể từ sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ HD 981 trong vùng nước Việt Nam đòi chủ quyền ở biển Đông hồi tháng 5 vừa qua, mối quan hệ Việt Trung đã trở nên căng thẳng hơn nhưng mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ lại cho thấy những dấu hiệu khả quan hơn. Quan hệ hai nước còn có thể tiến xa đến đâu?
Những dấu hiệu mới

Những ngày qua, sự có mặt của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Mỹ chuẩn bị cho cuộc gặp quan trọng với Ngoại trưởng John Kerry đã gây sự chú ý của nhiều người quan tâm đến quan hệ Việt Mỹ. Đây là chuyến đi được trông đợi từ lâu, kể từ sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan dầu ngoài khơi Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua. Những người mong muốn một quan hệ nồng ấm giữa hai nước cựu thù cũng có thể hy vọng đây là một dấu hiệu cho thấy những bước biến chuyển quan trọng trong quan hệ hai nước để đối đầu với những thách thức từ Trung Quốc.

Trong bài viết được đăng trên trang Yale Global hôm 25 tháng 9 vừa qua, nhà cựu ngoại giao Hoa Kỳ, David Brown, viết đại ý rằng trong cuộc gặp tới, ông Phạm Bình Minh và ông Kerry sẽ phải tìm ra một tiến trình trung gian bảo vệ sự tự chủ của Mỹ về chính sách trong khi vẫn duy trì sự cân bằng trong khu vực.

Ngay trước cuộc gặp dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10 tới, trong một bài phát biểu tại Hiệp hội châu Á (Asia Society) ở New York hôm 24 tháng 9, ông Phạm Bình Minh cũng đã kêu gọi Mỹ phải tiếp tục đóng vai trò quan trọng và không nên bỏ qua trách nhiệm của mình ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển quan hệ ngoại giao đa dạng, đa phương:

“Những bên có liên quan ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, bao gồm Hoa Kỳ nên duy trì cam kết và trách nhiệm của họ đối với tương lai của châu Á Thái Bình Dương… các cường quốc lớn nên gánh tránh nhiệm lớn hơn để đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á Thái Bình Dương…”

Kể từ sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan dầu ngoài khơi Việt Nam và sử dụng các đội tàu hung hậu xua đuổi các tàu chấp pháp Việt Nam hoạt động trong khu vực, khước từ các đề nghị đối thoại của lãnh đạo Việt Nam, người ta cũng thấy có những dấu hiệu mới tích cực hơn trong quan hệ Việt Mỹ.

Trả lời biên tập viên Gia Minh của đài Á châu Tự do hôm 29 tháng 9, tiến sĩ Lê Thu Hường, thuộc viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận xét:

“Gần đây chúng ta có thể quan sát các chuyến đi của những quan chức Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng như ngược lại. Trong bối cảnh hiện tại, tôi nghĩ đó là tự nhiên tại vì khi Việt Nam có cảm giác có thể cần thiết quan hệ với Hoa Kỳ tốt hơn do một số vấn đề xảy ra với Trung Quốc, nhất là tại biển Đông thì tôi nghĩ đó là điều tự nhiên thôi. Những người quan sát cũng nghĩ rằng đây là một hy vọng Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ đi đến gần nhau hơn.”

Ngay từ tháng 5, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ngoại trưởng John Kerry và được mời sang Hoa Kỳ để có những thảo luận với phía Hoa Kỳ. Tuy nhiên chuyến đi được nhiều người trông đợi đã bị hoãn lại. Thay vào đó, Việt Nam cử ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, sang Mỹ từ ngày 23 đến 28 tháng 7.

Ngay sau chuyến thăm của ông Phạm Quang Nghị sang Mỹ, ngày 8 tháng 8, hai Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain và Sheldon Whitehouse đã đến thăm Việt Nam. Điểm đáng chú ý trong chuyến thăm này là phát biểu của Thượng nghị sĩ John McCain ủng hộ việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

pham-binh-minh-305.jpg
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội Châu Á (Asia Society) hôm 24/9/2014. Courtesy Asia Society.
Tiếp theo sau chuyến thăm của hai Thượng nghị sĩ là chuyến thăm của tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Nhận định về ý nghĩa của chuyến thăm này, Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Úc nói:

“Chuyến thăm của tướng Dempsey đánh dấu một bước tiến rõ rệt trong quan hệ hai nước vì chưa từng có một Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ nào đã từng đến Việt Nam kể từ sau thống nhất. Theo tôi biết thì lần cuối là vào năm 1971. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, hai nước vẫn chưa đạt đến mức độ đó. Năm ngoái tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam, tướng Đỗ Bá Tỵ đến thăm Washington và đi cùng ông là những viên chức cấp cao. Cho nên chuyến thăm này từ phía Mỹ là chuyến đáp trả. Cho nên ý nghĩa của chuyến thăm này chính là hai bên đã đạt được mức cao hơn trong quân đội chỉ thấp hơn mức Bộ trưởng quốc phòng.”

Mới đây hôm 23 tháng 9, hãng tin Reuters trích lời một số quan chức Mỹ cho biết Hoa Kỳ sắp tới sẽ bán cho Việt Nam những chiếc máy bay tuần tiễu  P-3 đã bỏ vũ khí để giúp gia tăng khả năng thám sát trên không ngoài biển của Việt Nam. Theo các quan chức giấu tên này thì đàm phán giữa hai bên về việc nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam đang tiếp diễn và có nhiều khả năng sẽ có kết quả vào cuối năm nay.
Những trở ngại

Trong khi thái độ hung hăng của Trung Quốc ngoài biển Đông đang làm Hoa Kỳ và Việt Nam cho thấy có những dấu hiệu xích lại gần nhau hơn, người ta cũng nhận thấy những khác biệt nhất định còn tồn tại giữa hai nước trên con đường hướng tới việc phát triển quan hệ sâu rộng hơn nữa.

Một trong những trở ngại lớn nhất chính là vấn đề quyền con người ở Việt Nam. Thượng nghị sĩ John McCain dù tuyên bố ủng hộ việc nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam cũng tỏ ra thận trọng khi nói đến vấn đề này. Phát biểu với báo giới tại Hà Nội hôm 8 tháng 8, Thượng nghị sĩ John McCain nói rằng mức độ nới lỏng lệnh cấm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc Việt Nam cải thiện hơn nữa vấn đề nhân quyền.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế hiện vẫn chỉ trích vấn đề nhân quyền của Việt Nam. Human Rights Watch cho biết số người bất đồng chính kiến tại Việt Nam bị kết án vẫn tiếp tục gia tăng kể từ năm 2010 trở lại đây. Chỉ riêng trong năm ngoái đã có ít nhất 63 người bị bỏ tù vì những phát biểu ôn hòa.

Vấn đề thứ hai chính là quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Quan hệ hai nước đã có những dấu hiệu nồng ấm trở lại kể từ sau khi Trung Quốc rút giàn khoan vào giữa tháng 7 vừa qua. Cuối tháng 8, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam, đặc phái viên Tổng Bí thư đảng Cộng sản, đã sang Trung Quốc. Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã được thỏa thuận 3 điểm, theo đó hai bên cam kết duy trì quan hệ tốt đẹp giữa hai đảng và nhà nước, duy trì ổn định ở biển Đông.

Ngay trong phần trả lời câu hỏi ở Hiệp hội châu Á hôm 24 tháng 9, ông Phạm Bình Minh cũng khẳng định quan hệ Việt Trung là tốt đẹp.

“Chúng tôi có quan hệ rất tốt đẹp về chính trị.  Về mặt kinh tế, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, tổng kim ngạch thương mai hai nước vào khoảng 50 tỷ đô la chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và thế giới. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều là những nước xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi có quan hệ ở mọi kênh giữa hai đảng, nhà nước và người dân.”

Chuyên gia về Trung Quốc, bà Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington DC cho rằng, mối quan hệ với Trung quốc có thể chính là rào cản trong việc Việt Nam có thể mua được vũ khí sát thương từ Mỹ vì những người trong Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam không muốn làm mất lòng Trung Quốc.

Mặt khác, với chính sách 3 không, không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống lại nước khác, việc Việt Nam ngả về phía Mỹ hoàn toàn để chống lại Trung Quốc là điều khó có thể xảy ra vào lúc này. Và đây cũng là điều mà ông Phạm Bình Minh đã nói tại Hiệp hội châu Á khi ông nói rằng các nước nhỏ không muốn phải lựa chọn giữa các cường quốc, ý ông muốn nói đến Mỹ và Trung Quốc.
  Việt Hà, phóng viên RFA 
2014-10-01 
 

"Mùa thu Hương Cảng" chưa thể đến Việt Nam

Tô Văn Trường - Suy ngẫm về phát biểu của Thủ tướng

Suy ngẫm về phát biểu của Thủ tướngLần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao tỏ lòng “mãi mãi ghi nhớ, biết ơn các thế hệ người Việt Nam chúng ta, đồng chí đồng bào đã hy sinh xương máu và cả tính mạng của mình vì chủ quyền của Hoàng Sa […]”, nghĩa là vinh danh những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mình để bảo vệ Hoàng Sa trước sự xâm lược của Trung Cộng. Đây là một bước tiến quan trọng, ít ra là trên lời nói, trong chiều hướng hòa hợp hòa giải dân tộc. Tuy thế, cũng cần tỉnh táo mà thấy rằng lãnh đạo Việt Nam thường không thiếu những lời tốt đẹp. Điều mà người dân chờ đợi là những hành động thực tiễn thể hiện lòng biết ơn đó, để hòa hợp hòa giải không phải là lời nói suông. - Bauxite Việt Nam
Suy ngẫm từ Thông điệp đầu năm đến phát biểu mới đây ở đảo Lý Sơn của Thủ tướng, chúng ta nhìn lại bối cảnh quốc tế cuối thế kỷ trước đã dồn đất nước ta vào cảnh đau lòng, gây nên những thương đau và tổn thất khủng khiếp trong nội bộ cộng đồng dân tộc ta. Phải từ góc nhìn cả dân tộc ta đã trở thành nạn nhân như thế trong cục diện quốc tế ngày ấy, để nhận thức sâu sắc những thách thức mới của cục diện quốc tế hôm nay đang đe doạ đất nước. Tất cả để gìn giữ, phát huy hoà giải và đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh bất khả kháng của tổ quốc Việt Nam vô vàn yêu quý của chúng ta trong thế giới hôm nay.
Nhiều người am hiểu, theo dõi thời cuộc rất quan tâm đến lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp “khánh thành công trình nối cáp điện cho đảo Lý Sơn” ngày 28/9 vừa qua.
Hôm nay, chúng ta cùng nhau có mặt tại đây, trên huyện đảo Lý Sơn, một huyện đảo tiền tiêu trên Biển Đông của Tổ quốc, một lần nữa, chúng ta khẳng định rằng Tổ quốc ta, dân tộc ta, Đảng, Nhà nước ta mãi mãi ghi nhớ, biết ơn các thế hệ người Việt Nam chúng ta, đồng chí, đồng bào chúng ta đã anh dũng hy sinh xương máu và cả tính mạng của mình vì sự nghiệp độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Chúng ta mãi mãi ghi nhớ, biết ơn các thế hệ người Việt Nam chúng ta, đồng chí đồng bào đã hy sinh xương máu và cả tính mạng của mình vì chủ quyền của Hoàng Sa, của Trường Sa, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đội hùng binh Hoàng Sa-Bắc Hải-Trường Sa sống mãi với Tổ quốc ta, dân tộc Việt Nam chúng ta.
Quan điểm thừa nhận sự hy sinh, đóng góp của người dân bảo vệ chủ quyền độc lập của tổ quốc (kể cả người lính dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh bảo vệ Hoàng Sa 1974) đã được nhiều người nêu ra từ lâu rồi nhưng đây là lần đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công khai phát biểu rất đáng ghi nhận trong thể chế chính trị hiện nay ở Việt Nam.
Ngày nay, những xu thế của sự phát triển cần có sự hòa giải, hòa hợp dân tộc. Thời gian thống nhất đất nước đã trôi qua rất lâu rồi. Cất lời hòa giải đến nay đã muộn. Nhưng muộn còn hơn không.
Đòi hỏi của sự hòa giải hòa hợp dân tộc
Việt Nam đã trải qua những cuộc chiến thảm khốc vào loại nhất nhì thế giới. Cuộc chiến đã đi vào từng gia đình, từng làng xóm, từng ngõ phố. Gia đình nào cũng có người theo phe bên này, bên kia. Sau chiến tranh, nhu cầu hòa giải, gắn kết là nhu cầu lớn. Kéo dài sự chia rẽ chỉ làm người dân mệt mỏi. Kéo dài sự chia rẽ chỉ làm phân tán lòng dân. Sự hàn gắn đã diễn ra trong xã hội, trong các gia đình từ lâu rồi. Tiếp tục sự phân biệt sẽ chẳng có ý nghĩa gì đối với đa số dân chúng. Nó chỉ làm làm giảm lòng tin, và suy yếu khối đoàn kết toàn dân.
Sinh thời, ông Võ Văn Kiệt đặc biệt trăn trở, day dứt với câu hỏi phải làm cái gì, làm như thế nào, khi nào để người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước cùng dòng giống “con rồng, cháu tiên” được đoàn kết, hòa hợp dân tộc để phát triển đất nước. Ông thấu hiểu nỗi đau, mất mát của chiến tranh, biết bao chiến sỹ, đồng bào phải hy sinh để đất nước có ngày thống nhất. Chiến tranh đã cướp mất của ông bốn người thân yêu nhất, vợ và hai người con nhỏ bị bom không tìm được thi thể, còn người con trai liệt sĩ, hy sinh trên chiến trường, bản thân ông cũng trải qua biết bao bao gian khổ, và không ít lần hiểm nguy vì bom đạn của quân thù.
Có thể nói gia đình ông Sáu Dân là một trong những gia đình chịu nỗi đau mất mát nhiều nhất bởi chiến tranh nên ông luôn trân trọng giá trị của hòa bình, tự do và độc lập. Trái tim đầy xúc động, nhân ái của ông, không chỉ rung lên những đau thương, tổn thất to lớn không gì bù đắp nổi của đồng bào, chiến sỹ của ta mà còn biết cảm thông, chia sẻ cả mất mát của người dân bên kia chiến tuyến. Ông hiểu rõ những vết thương trên cơ thể của đất nước, những di chứng để lại trong tâm hồn của không ít đồng bào cả hai bên chiến tuyến. Biết nén thù nhà, đặt sự nghiệp phát triển của đất nước lên trên tất cả, ông thường trăn trở, suy nghĩ, về làn ranh ngăn cách giữa người Việt Nam ở hai bên bờ cuộc chiến, sau hàng chục năm vẫn còn đó. Mặc dù biết rằng một số đồng chí của mình có thể chưa cảm thông, chia sẻ nhưng ông Sáu vẫn mạnh dạn viết lên những lời tâm huyết tự đáy lòng mình về kết quả cuộc chiến tranh khốc liệt hai mươi năm là “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.
Đòi hỏi của dân chủ, dân quyền
Hãy bỏ qua cách phán xét dựa vào thành phần, dựa vào tư tưởng, dựa vào chính kiến. Dù thế nào họ là người Việt Nam và họ đã có cống hiến cho đất nước này, dân tộc này. Trong những giai đoạn khó khăn của đất nước. đứng trước những hiểm nguy ngàn cân treo sợi tóc, mà Việt Nam đã vượt qua được. Đó là do chúng ta đã thu được lòng dân. Đã thực hiện được: Tất cả đóng góp, cống hiến đều được thừa nhận, bất chấp chính kiến. Cần mở rộng dân chủ để có được lòng tin.
Đòi hỏi của nhìn nhận lại những mối xung đột, bạn thành thù, thù thành bạn.Chúng ta đã trải qua chiến tranh kéo dài. Chúng ta đã có nhiều kẻ thù. Những nỗi đau rồi cũng mờ đi theo thời gian. Những xung đột rồi cũng được cởi bỏ. Những kẻ thù rồi cũng thành bạn bè. Mục đích cuối cùng là để phát triển. Cùng tồn tại để phát triển. Hiểu nhau để phát triển. Khi đã xóa đi hận thù với kẻ thù để thành bạn, vậy lẽ nào giữa người Việt Nam với nhau lại khó hòa hợp. Cần tiến thêm một bước để tạo sự gắn kết dân tộc, và tạo lòng tin trong toàn dân.
Nhà báo Kim Hạnh, Huy Đức và cộng sự đã tổ chức quyên góp thành lập quỹ mua ngôi nhà cho bà quả phụ Ngụy Văn Thà, sĩ quan chỉ huy hải đội Nam Việt Nam đã hi sinh trong trận bảo vệ không cân sức đảo Hoàng Sa chống Trung Quốc năm 1974 (và hạm đội 7 của Hoa Kỳ ở ngay trên Biển Đông không hề ứng cứu) chứng tỏ nhân dân ta đã không bao giờ quên các liệt sĩ dù họ mang màu cờ sắc áo nào đi nữa trong lịch sử đầy biến động của dân tộc ta.
Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tỏ lòng tri ân tất cả các chiến sĩ đã hy sinh quên mình bảo vệ biển đảo của chúng ta là việc nên làm, vì sao chậm trễ, là vì nhiều lý do mà chúng ta đều biết. Tuy nhiên, xét hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay, ta chưa thể có chính sách giống nhau giữa các chiến sĩ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam với Việt Nam Cộng Hòa, tiền tử tuất có thể giống nhau, nhưng giấy chứng nhận có thể khác nhau. Giả dụ: Với các chiến sĩ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam “Tổ quốc ghi công” và với các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa: “Vinh danh”, còn ở dưới là tên người đã hi sinh trong trận chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa (và Trường Sa, đối với một số người, chủ yếu là binh sĩ của  Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam). Nên có một tượng đài chung cho tất cả các thế hệ đã bảo vệ biển đảo của chúng ta (Hoàng Sa và Trường Sa), ở đây là “Tổ quốc ghi công”.
Ở thành cổ Quảng trị có một tượng đài chung cho binh sĩ cả hai miền, nhưng vì cuộc chiến ở đó dữ dội đến mức không thể phân biệt được ai với ai nữa, xác chết chồng chất, lẫn lộn với nhau, người Bắc và Nam Việt Nam cùng chết một chỗ! Người dân rất đau lòng, khi nghe nói là người ta đã cho đục hết các dòng chữ vinh danh các chiến sĩ ta đã hi sinh cho tổ quốc trong trận chiến chống quân xâm lược Trung Quốc tấn công chúng ta năm 1979, trong khi phía Trung Quốc vẫn kỷ niệm cho lính của họ ở ngay biên giới với chúng ta. Lịch sử rất công bằng, sẽ không bao giờ quên những kẻ hèn với giặc, ác và vô ơn với dân.
Đòi hỏi nhìn nhận những đóng góp cho đất nước, dân tộc cho dù họ là ai. Chúng ta đã từng quá đề cao những chủ nghĩa, những quan điểm cao siêu. Đất nước, dân tộc đã từng không phải là ưu tiên cao nhất. Nhưng, điều đầu tiên Hồ Chí Minh dạy thiếu niên nhi đồng là “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào”. Đó là điều mà qua kinh nghiệm lịch sử, chúng ta càng ngày càng thấy thấm thía. Bỏ qua tất cả những xung đột từ đâu đó mang lại. Bỏ qua tất cả những xung đột do lịch sử để lại. Thừa nhận tất cả những công sức của đồng bào ta, của các thế hệ trước. Ta sẽ có được lòng tin và sức mạnh. Và đó mới là điều có ý nghĩa hơn tất cả những điều tưởng như cao siêu từ đâu đó mang tới.
Trên hết, đó là đòi hỏi của sự phát triển đất nước. Nếu có được những điều trên, sẽ thu được lòng tin. Lòng tin là cái mà chúng ta đang cần nhất để phát triển. Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Cần có phản biện xã hội để đảm bảo sự đúng đắn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI đã điều chỉnh nhận thức về công tác dân vận là phải lấy ý kiến của dân trước khi ra quyết định về những chủ trương có liên quan đến quyền lợi chính đáng của người dân. Do đó, phải thực hiện 4 điều là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đại hội Đảng lần thứ IX đã tiếp tục nhắc lại việc phải thực hiện bốn điều đó. Thế nhưng, trong thực tế, dường như chỉ mới thực hiện việc “dân làm” mà không thực hiện ba việc kia!?
Khi đang viết bài này, tôi nhận được thông tin từ ngày 30/9, hầu hết các đường phố và nhà dân ở Hà Nội đã treo cờ Tổ quốc vì Phường gõ cửa từng nhà, nói rằng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu treo cờ từ 30-9 đến 10-10 nhân kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô 10-10. Tại sao một ngày kỷ niệm của Hà Nội lại có thể yêu cầu treo cờ lâu thế, lâu hơn bất cứ dịp quốc lễ quan trọng nào, để rồi kéo luôn quốc khánh Trung Quốc (1/10) vào đó? Và lãnh đạo Hà Nội có thấy rằng rất phản cảm khi thủ đô treo cờ vào ngày quốc khánh của Trung Quốc, kẻ đang xâm lấn nước ta không?
Tôi đọc loạt bài viết của ông Nguyễn Trung về đổi mới Đảng Cộng sản Việt Nam để phấn đấu trở thành đảng của dân tộc, ngẫm suy gần 40 năm độc lập thống nhất rồi, bây giờ phải đủ tỉnh táo để xót thương thân phận dân tộc mình, từ nỗi đau bị dìm vào cuộc nội chiến hôm qua, để hôm nay tìm đường vượt lên quá khứ, chỉ có thế mới đủ sức đương đầu với mọi thách thức trong hiện tại cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Nếu Thủ tướng có thực hiện những điều đã phát biểu thì cũng chẳng phải là quá sớm, và nếu có ai đó không hài lòng, cản trở thì bao giờ cũng không hài lòng, đợi họ là không tưởng và rất bất lợi, tất nhiên, khi đó lượng đã chính thức biến thành chất rồi, quá trình chuyển hóa, tiến lên cùng thời đại dù có nhiều trắc trở, trả giá nhưng không thể đảo ngược.
Thay cho lời kết
Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và những lần công khai phát biểu trên diễn đàn Quốc hội và quốc tế về quan điểm bảo vệ chủ quyền, biển đảo của tổ quốc rất hợp lòng người nhưng người dân vẫn mong chờ các lời nói biến thành hành động cụ thể.
Tôi vẫn nhớ trong buổi làm việc riêng chiều tối ngày 5/6/2014 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã kể phải tự tay tra từ điển để tìm hiểu ý nghĩa của hai từ “viển vông” để nói về tình hữu nghị! Ông cũng tâm sự dự kiến sẽ phát biểu khi khánh thành công trình nối điện cho đảo Lý Sơn về sự ghi nhớ công lao của đồng bào chiến sĩ hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa-Trường Sa dù là người của chế độ Việt Nam cộng hòa và Chính phủ sẽ có chính sách đối với họ, v.v.
Dù biết rằng thể chế chính trị ở Việt Nam rất phức tạp, nhưng người dân luôn ủng hộ và đánh giá cao lời nói, đi đôi với việc làm của những vị lãnh đạo biết nhìn lại mình và vượt lên chính mình vì quyền lợi của đất nước, của dân tộc.
Tô Văn Trường
Tác giả gửi BVN.
(Bauxitevn) 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với hòa giải – hòa hợp dân tộc

Hòa giải – hòa hợp dân tộc luôn là vấn đề cấp bách, nóng bỏng của đất nước, đến nay sau gần 40 năm hòa bình thống nhất chưa có dấu hiệu cải thiện!

Nhân Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 8 vừa bế mạc, tôi đệ đạt cùng ông Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cùng các vị trong Đoàn chủ tịch, với chức năng - nhiệm vụ xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc của Mặt trận, trong nhiệm kỳ mới bằng thái độ cầu thị, chân thành Mặt trận đại diện tiếng nói đồng bào trong nước xây dựng Chương trình hành động với bước đi, cách làm cụ thể, thiết thực hướng đến đồng bào định cư ở nước ngoài hóa giải hận thù, hàn gắn vết thương đau trong lòng người, cùng cảm thông, chia sẻ những mất mát, đau thương của đồng bào! Trên cơ sở đó, khơi dậy mạnh mẽ tình yêu và trách nhiệm đối với quê hương đất nước của đồng bào, phát huy tiềm năng, trí tuệ cùng đồng bào trong nước đồng tâm hiệp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!

Tôi đọc bài phát biểu của GS Tương Lai tại đại hội Mặt trận vừa rồi; tháng 9/2013 tôi đọc bài phát biểu của ông tại Hội nghị Ủy ban TƯ MT TQ VN lần thứ 6 tại Hà Nội. Hai bài phát biểu cách một năm, thời gian một năm với người cao tuổi đâu ít và với tình cảnh đất nước “dầu sôi lửa bỏng” một năm cũng đâu phải ngắn. Có lẽ vì thế bài phát biểu sau của ông không kềm chế được sự nôn nóng, quyết liệt!

Không nôn nóng, quyết liệt sao được, khi đất nước ngày càng tụt hậu và lún sâu vào con đường hầm khủng hoảng toàn diện; lòng người phân ly; những điều dị thường diển ra nhan nhản khắp nơi; ngoài nước uy tín quốc tế của Việt Nam giảm sút, giặc Tàu tham tàn đang tác oai tác quái… GS Tương Lai không che giấu nỗi u uất khi buông tiếng than “Vì ai gây dựng cho nên nỗi nầy?!” và dẫn lời ông Nguyễn Minh Nhị ở An Giang trong bài viết với cái tít rớm lệ “Nước non mình đến nỗi nầy sao?!”.

Ai cũng biết thực trạng đất nước như hôm nay có một nguyên nhân cốt tủy. Đó là, do không phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, bao nhiêu nguồn lực, hiền tài của đất nước không được trọng dụng. Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1989 tổng kết bài học đầu tiên “Lấy dân làm gốc”, đến nay sau 25 năm người cộng sản Việt Nam cần nhìn thẳng, nói thật đã làm gì thể hiện quan điểm đó trong tư tưởng và hành động của mình?! Chẳng làm gì cả! Lời nói và việc làm là một khoảng cách rất xa, hiện thực kinh tế - xã hội bi thảm của đất nước và sự phân ly sâu sắc trong lòng người như nói trên là minh chứng không thể chối cãi! Thế nhưng, Ban lãnh đạo cấp cao của đất nước vẫn bình chân như vại, cố thủ trong thành trì giáo điều, bảo thủ… ! Người ta tự hỏi trong tương lai dân tộc nầy, đất nước nầy sẽ đi về đâu?!

Nói về sứ mệnh phản biện của Mặt trận Tổ quốc, GS Tương Lai quyết liệt: “… phải thực thi chức năng phản biện nếu Mặt trận không cam chịu là thứ cây kiểng vô duyên được nuôi trồng bằng tiền thuế của dân”. Trong bài phát biểu chào mừng khai mạc Đại hội ngày 26/9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, ông mong muốn Mặt trận là người phản biện sắc sảo, chân tình để giúp Đảng và chánh quyền tự điều chỉnh.

Nói đến chức năng - nhiệm vụ Mặt trận Tổ quốc, người ta nói nhiều về phản biện, giám sát nhưng nói là một chuyện, làm là một chuyện khác. Tôi có đọc bài viết của một cán bộ làm công tác dân vận – Mặt trận nhiều năm, bài viết có đoạn đại ý: Mặt trận (và các đoàn thể quần chúng) nằm trong hệ thống chánh trị thống nhất do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo, ăn lương chánh quyền, hoạt động theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và yêu cầu của chánh quyền, nên “ăn cơm chúa phải múa tối ngày” và tôi nghe có ai đó nói rất đúng: “không ai có thể lấy đá tự ghè chân mình”. Chừng nào Mặt trận còn ăn lương chánh quyền, còn đội “vòng kim cô” của Đảng, thì mãi mãi vẫn như hiện nay, không bao giờ có thể phản biện, giám sát đúng nghĩa. Trong năm qua, tính từ sự kiện sửa đổi Hiến pháp năm 2013, có biết bao ý kiến phản biện trên các diển đàn, hay thư ngỏ, kiến nghị… đầy tâm huyết của đồng bào các giới trong và ngoài nước gởi đến Ban lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận có được tiếp thu, lắng nghe?

Tôi nghĩ, để phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, phát huy vai trò, vị thế Mặt trận Tổ quốc trong tình hình mới của đất nước, Đảng phải chấp nhận một cơ chế dành cho Mặt trận Tổ quốc có vai trò độc lập trong đời sống xã hội, xác định đó là tổ chức xã hội của dân – hay nói cách khác là tổ chức xã hội dân sự, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật nhà nước, quan hệ bình đẳng với tổ chức đảng và chánh quyền. Nếu không vậy, Mặt trận Tổ quốc vẫn là cây kiểng vô duyên của chế độ như Gs Tương Lai nói mà thôi,/-
Đặng Kiên Trung
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 1-10-14
(Viet-studies)

Quan hệ Việt-Mỹ sẽ có bước đột phá sau chuyến thăm của ông Phạm Bình Minh?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tại Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 2/7/2013.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tại Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 2/7/2013.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ngày 1/10 và 2/10 thăm chính thức Hoa Kỳ để ‘tham vấn toàn diện về các vấn đề song phương và khu vực trong khuôn khổ mối quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước’, đáp lời mời của Ngoại trưởng John Kerry.

Ba trọng tâm dự kiến nằm cao trong nghị trình làm việc giữa Ngoại trưởng hai nước cựu thù lần này bao gồm vấn đề Biển Đông, tiến trình đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP do Hoa Kỳ dẫn đầu, và khả năng Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận võ khí sát thương cho Việt Nam.

Một cố vấn cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu của Mỹ về Chiến lược Quốc tế (CSIS) nhận định quan hệ Việt-Mỹ sẽ có bước đột phá sau chuyến công du của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh.

Có thể trông đợi điều gì từ cuộc gặp của giới chức ngoại giao hàng đầu của hai nước Việt-Mỹ? Mời quý vị cùng tìm hiểu qua cuộc trao đổi với ông Earnest Bower từ trụ sở CSIS ở thủ đô Washington DC, nơi Ngoại trưởng Phạm Bình Minh hôm nay có bài phát biểu về tình hình Việt Nam hiện tại và mối quan hệ Đối tác Toàn diện Việt-Mỹ.

VOA: Phát biểu tại Hội Châu Á ở New York hôm 24/9, Ngoại trưởng Việt Nam đã tái khẳng định chính sách quốc phòng ‘3 không’: không tham gia liên minh quân sự hay là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam, và không dựa vào nước này để chống nước kia. Ông có bình luận gì về điều này?

Ông Bower: Phát biểu của ông Minh nhất quán với chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia của Việt Nam dựa trên tiêu chí cân bằng. Dù vậy, chính sách ‘3 không’ này vẫn tạo ra nhiều cơ hội cho Washington, có thể đưa chúng ta tiến về hướng bình thường hóa quan hệ giữa quân đội hai nước. Hoa Kỳ sẽ cảm thấy dễ dàng khi làm việc với chính sách ‘3 không’ mà Ngoại trưởng Việt Nam nêu lên đó.

VOA: Theo ông, chính sách này có phù hợp với tình hình hiện nay giữa các hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông, với vị thế nhỏ bé của Việt Nam bên cạnh Trung Quốc hay không? Nhiều người cho rằng trong tình thế này, Việt Nam nên liên minh với một nước hùng mạnh như Mỹ để đối phó với Trung Quốc. Ý kiến ông thế nào?
Ảnh bên:Ông Earnest Bower, cố vấn cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu của Mỹ về Chiến lược Quốc tế

 Ông Bower: Chính sách này rất phù hợp. Tôi không tưởng tượng là Việt Nam sẽ bước vào một mối liên minh mới nào và tôi cũng không cho là Mỹ đang tìm kiếm quan hệ đồng minh với Việt Nam. Hai nước Việt-Mỹ đang tiến tới một mối quan hệ Đối tác Chiến lược. Việt Nam không muốn bị chiếm ưu thế hay bị ràng buộc bởi một đối tác nào. Mỹ cũng không kỳ vọng điều đó, chúng tôi không muốn đặt căn cứ ở Việt Nam. Hoa Kỳ không muốn và cũng không cần một liên minh quân sự với Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cần bình thường hóa quan hệ quân sự với Việt Nam và giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền cùng với các nước Châu Á khác.

VOA: Quan hệ Việt-Mỹ đã bình thường hóa gần 20 năm và đôi bên thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện từ năm ngoái. Theo ông, hai nước phải mất bao lâu nữa để xây dựng quan hệ Đối tác Chiến lược? Có trở ngại gì trước mắt không, và nếu có, làm thế nào có thể khắc phục?

Ông Bower: Theo tôi, quan hệ Đối tác Chiến lược Việt-Mỹ trên thực tế đang dần hiện diện. Năm sau, hai nước kỷ niệm 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ và đôi bên đang thảo luận về Đối tác Chiến lược. Vấn đề duy nhất cản trở hai nước nâng cấp từ Đối tác Toàn diện lên thành Đối tác Chiến lược chính là các di sản chính trị ở Việt Nam, tức những tiếng nói bảo thủ trong chính phủ Việt Nam hay trong Bộ Chính trị, những người lo ngại không muốn xích lại gần hơn trong quan hệ với Mỹ. Những người này thường thuộc thế hệ cao tuổi. Theo tôi, giới lãnh đạo trẻ tuổi của Việt Nam sẽ nhìn thấy nhiều giá trị từ một mối quan hệ vững mạnh hơn với Mỹ. Một trở ngại khác về phía Mỹ là giới lập pháp Hoa Kỳ vẫn quan ngại về thành tích nhân quyền và quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam. Đôi bên đang thảo luận để tháo gỡ các vấn đề này để hiểu biết và tin cậy nhau hơn. Theo tôi, mối quan hệ Đối tác Chiến lược Việt-Mỹ là điều chúng ta có thể trông thấy trong vòng vài năm tới.

VOA: Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam đối với Mỹ? Việt Nam có vị trí thế nào trong chính sách của Mỹ ‘Xoay trục về Châu Á’?

Ông Bower: Với Mỹ, Việt Nam là một trong những nước có vai trò chiến lược trong Đông Nam Á, cân bằng các lợi ích kinh tế-an ninh, muốn tăng cường sức mạnh cho khu vực, hiểu rõ cấu trúc kinh tế-an ninh đang trỗi dậy của khu vực. Vì vậy, Việt Nam trở thành một trong những đối tác đặc biệt quan trọng đối với Mỹ và cũng là đối tác chính ở lục địa Đông Nam Á cũng như sẽ là yếu tố chính của liên kết từ Đông sang Tây, từ Bắc tới Nam trong cộng đồng Châu Á. Vì vậy, với Mỹ, Việt Nam là một đối tác hết sức quan trọng.

VOA: Theo ông, hai nước Việt, Mỹ làm thế nào có thể kiềm chế sự lấn lướt của Trung Quốc dành chủ quyền trên Biển Đông?
\
Ông Bower: Hoa Kỳ quyết thuyết phục Trung Quốc rằng giải pháp cho tranh chấp Biển Đông phải thông qua luật pháp quốc tế và thương thảo với các bên đối tác chứ không phải bằng võ lực hay ỷ mạnh hiếp yếu. Nếu Trung Quốc khẳng định chủ quyền dựa trên sức mạnh quân sự và kinh tế thì sẽ tạo ra một sự mất cân bằng lớn ở Châu Á, dẫn tới các tình huống an ninh bất ổn ở Châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ 21 này. Cho nên, Mỹ sẽ không bước qua một bên đứng nhìn mọi sự xảy ra như thế và Việt Nam cũng đang áp dụng phương cách dựa trên luật lệ quốc tế trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.

VOA: Hoa Kỳ có thể làm gì một cách cụ thể và hữu hiệu hơn để giúp bảo vệ an ninh hàng hải ở Biển Đông?

Ông Bower: Hiện nay, Mỹ đang làm rất tốt, một mặt chúng tôi phải củng cố nội lực ASEAN, khuyến khích Đông Nam Á có chung tiếng nói về vấn đề Biển Đông và việc này hiện đã khá hơn cách đây 4 năm, dù chưa đạt một tiếng nói thống nhất mạnh mẽ nhưng đang tiến gần đến điều đó. Theo tôi, Mỹ cũng cần chuẩn thuận thông qua Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển. Điều này sẽ giúp tăng cường uy tín của Mỹ về vấn đề này. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng nên phát huy công tác ngoại giao, tiếp tục thúc đẩy giải pháp ôn hòa cho Biển Đông tại các thượng đỉnh khu vực để dần dần thuyết phục Bắc Kinh rằng họ phải cùng các nước láng giềng làm ra luật và tôn trọng luật, chứ không thể tự mình vẽ ra luật.

 VOA: Có thể kỳ vọng gì từ cuộc gặp tuần này giữa Ngoại trưởng hai nước Việt-Mỹ?

Ông Bower: Ngoại trưởng Việt Nam có thể kỳ vọng Ngoại trưởng Mỹ nói với ông rằng Washington định hoàn tất đàm phán TPP ngay sau cuộc bầu cử giữa kỳ của Quốc hội Mỹ vào tháng 11. Về vấn đề Biển Đông, tôi cho rằng ông Kerry sẽ nói với ông Minh là Tổng thống Mỹ sẽ đề cao vấn đề an ninh hàng hải và cam kết của Mỹ về giải pháp ôn hòa theo luật quốc tế tại 3 thượng đỉnh ở Châu Á vào tháng 11 tới đây. Còn việc nới lỏng lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam, theo tôi, Ngoại trưởng Mỹ sẽ nói với Ngoại trưởng Việt Nam là Mỹ muốn tháo gỡ chế tài này nhưng để làm được điều đó phải có sự phối hợp của cả hai phía, rằng Hoa Kỳ cần sự hợp tác của phía Việt Nam trong lĩnh vực cải thiện nhân quyền. Theo tôi, chuyến thăm lần này của ông Minh không dẫn tới kết quả ngay là Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận võ khí, nhưng kết quả nằm ở chỗ đôi bên sẽ cùng nhìn về những gì cần phải làm để lệnh cấm này được tháo gỡ, hy vọng là vào năm tới.

VOA: Sau chuyến thăm này, liệu chúng ta có thể trông đợi một bước đột phá cho quan hệ Việt-Mỹ trong tương lai gần?

Ông Bower: Tôi nghĩ vậy. Bước kế tiếp sẽ là việc dỡ bỏ lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam, rồi đôi bên tiến tới đặt các viên đá nền móng cho một mối quan hệ Đối tác Chiến lược. Tôi cho rằng Tổng thống Obama sẽ sang thăm Việt Nam vào năm 2015 nhân dịp đi dự các thượng đỉnh khu vực ở Philippines và Malaysia. Và nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là thời khắc quan trọng cho quan hệ Việt-Mỹ. Nhưng xin nhắc lại, tôi không cho là hai nước sẽ tiến tới quan hệ đồng minh quân sự trong tương lai.
VOA: Xin chân thành cảm ơn ông Earnest Bower, cố vấn cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu của Mỹ về Chiến lược Quốc tế, đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.
Trà Mi 
(VOA)

Hội nhập và áp lực cải cách

Đăng bởi Trung Lập vào Thứ Năm, ngày 02 tháng 10 năm 2014

Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (ảnh minh họa)
Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (ảnh minh họa)
Nhà nước Việt Nam thể hiện mong muốn hội nhập thế giới đặc biệt trên phương diện kinh tế. Nhưng cùng với hội nhập là nhu cầu và cũng là áp lực về cải cách rất lớn.

Hội nhập kinh tế đưa tới cho Việt Nam nhiều bạn bè bên cạnh lợi ích trao đổi thương mại. Khi người bạn phương Bắc trở chứng mà cao điểm là sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, Việt Nam lại càng cần có nhiều đồng minh, những người có thể giúp đỡ Việt Nam hoặc hỗ trợ lẫn nhau.

Phải chăng càng hội nhập sâu với thế giới, người Việt Nam tự tạo cho mình cơ hội cải cách để đi về phía ánh sáng dân chủ. Trong dịp trả lời chúng tôi, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Hà Nội nhận định:

“ Việc Việt Nam đi về phía ánh sáng thì ngày càng rõ và nhất là trước áp lực của thế lực phía Bắc rõ ràng Việt Nam cần phải cởi mở cần có nhiều đồng minh để có thể giữ được độc lập, biên cương biển đảo. Đó cũng là sự đòi hỏi và tôi cho rằng đòi hỏi đó phù hợp với xu thế phù hợp với nguyện vọng của đại đa số nhân dân.”

Kể từ khi mở cửa đầu thập niên 1990 cho đến cuối 2013 Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài hội nhập khu vực và thế giới. Quan trọng nhất là gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO năm 2006, ngoài ra Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) với Nhật Bản, với Chile. Là thành viên ASEAN Việt Nam đã ký kết và thực hiện 06 FTAs là Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN và các FTA giữa ASEAN và Trung Quốc hoặc ASEAN với Hàn Quốc, với Ấn Độ, với Australia và New Zealand. Hiện nay Việt Nam đang đàm phán TPP Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương gồm 12 nước trong đó quan trọng nhất là Hoa Kỳ. Bên cạnh đó Việt Nam còn đầy mạnh đàm phán FTA với EU cũng như một số FTA khác.

Trong tất cả các FTA đều có những luật chơi chung theo chuẩn mực thế giới về an toàn thực phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ hay luật pháp minh bạch và nhiều điều kiện khác. Riêng đối với Hoa Kỳ và EU các hiệp định thương mại tự do còn ràng buộc vấn đề nhân quyền. Vấn đề tự do nghiệp đoàn, bảo vệ người lao động và nhiều điều kiện khác vốn dĩ bình thường ở các chế độ dân chủ pháp trị nhưng lại là sự khác biệt đầy khó khăn với nhà nước cộng sản Việt Nam.

Trong phúc trình về TPP phổ biến ngày 18/9/2014 của Uỷ ban Chuẩn chi Hạ Viện Hoa Kỳ, bên cạnh các vấn đề về tự do lập hội và quyền của người lao động, dân biểu Sander Levan tác giả bản phúc trình còn có một tiểu mục liên quan đến nhân quyền nói chung, xin tạm dịch: “Thỏa thuận thương mại tự do như TPP sẽ thiết lập quan hệ kinh tế mật thiết giữa các quốc gia thành viên. Đa số thành viên Quốc hội và công chúng Hoa Kỳ không mong muốn việc thiết lập những quan hệ như thế với những quốc gia mà ở đó người dân bị khước từ các quyền con người cơ bản.”

Ông Lê Văn Triết, nguyên bộ trưởng Thương mại những năm 1991-1997, người đặt những viên gạch đầu tiên cho chiến lược đàm phán Việt Nam gia nhập WTO cho rằng, xu hướng thời đại buộc Việt Nam phải cải cách, đặc biệt trong tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP với Hoa Kỳ và 10 nước còn lại.

“Nếu không có đàm phán thì cũng phải sửa đổi để càng ngày càng phù hợp với dòng chảy chung của xã hội loài người. Cho nên bây giờ tiếp tục đàm phán để đi vào toàn cầu hóa cùng với các nước thì việc sửa luật là nhất thiết phải làm, không có đàm phán thì Việt Nam cũng có dự kiến một số luật phải sửa.

Áp lực và nhu cầu cải cách đang đến với Việt Nam hết sức lớn lao. TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương được Báo SGGP trích lời hôm 25/9/2014 nói rằng, để chuẩn bị cho chiến lược hội nhập và toàn cầu hóa, về phần Chính phủ cần có một tầm nhìn thời đại gắn với cuộc chơi mới nhằm tiến hành cải cách thể chế, giúp tiết giảm chi phí tối thiểu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp. Theo lời TS Võ Trí Thành: “Cải cách cũng gắn với tiến trình làm cho các luật lệ Việt Nam tương thích với thế giới và phải thực thi một cách nghiêm túc. Điều quan trọng, Chính phủ phải từng bước hoàn thiện để hướng tới đến một chính phủ thân thiện.”

Theo Vietnam Net, TS Nguyễn Đình Lương, nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ nhận định là người Mỹ đang cố đưa vào TPP một khung pháp lý thông thoáng gắn với nền tảng xã hội dân chủ như để vận hành một Đặc khu kinh tế xuyên lục địa. Mỹ mong muốn TPP trở thành một hình thức Hiệp định mẫu của thế kỷ 21. Theo ông Lương, để tham gia TPP Việt Nam phải đổi mới thể chế kinh tế, phải hiện đại hóa, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật cho phù hợp với những yêu cầu mới này.

Theo các chuyên gia thói quen của Việt Nam là cố gắng xin lộ trình, xin thời hạn bảo lưu càng lâu càng tốt. Nhưng Hoa Kỳ đưa ra điều kiện trừng phạt nếu thành viên TPP vi phạm các điều kiện cam kết. Do vậy theo ông Nguyễn Đình Lương, trước khi TPP thành hiện thực những việc Việt nam cần làm ngay là “dọn rác”, xóa bỏ tư duy kiểu cũ và nhập cuộc với tư duy kinh tế toàn cầu hóa, kinh tế thị trường.

Tuân thủ các điều kiện trong TPP hiệp định mẫu của thế kỷ 21, Việt Nam phải có một “chính phủ thân thiện” như cách nói của TS Võ Trí Thành. Nhưng nhiều người cho rằng một chính phủ thân thiện chỉ có thể có được trong thể chế dân chủ. Hội nhập kèm theo áp lực cải cách là vì vậy.
Nam Nguyên
(RFA)

Đoan Trang - "Mùa thu Hương Cảng" chưa thể đến Việt Nam

“Mùa thu Hương Cảng” đang làm náo nức tinh thần rất nhiều người trong cộng đồng Facebook ở Việt Nam, đặc biệt là những blogger ủng hộ dân chủ. Một số người đặt vấn đề: “Bao giờ đến Việt Nam?”, “Đến lúc thay đổi rồi, ĐCSVN, nếu không sẽ là quá muộn”, “Đứng dậy đi, Việt Nam”, v.v.

Chúng ta đều hiểu tâm trạng đó của nhau, nhưng xin đừng quên một thực tế là phong trào Occupy Central đã có gần hai năm (từ tháng 1/2013 đến tháng 9/2014) chuẩn bị ráo riết cho đấu tranh bất bạo động; hơn 2500 người ủng hộ và tham gia bỏ phiếu trong ba phiên thảo luận lớn (vào các ngày 9/6/2013, 9/3 và 6/5/2014); cùng sự đoàn kết, phối hợp của hàng chục hội đoàn xã hội dân sự ở Hong Kong.

Những người sáng lập và tổ chức Occupy Central đều tỏ ra cực kỳ bài bản và hiểu biết về đấu tranh bất bạo động. Ví dụ như GS. Luật Benny Tai (ĐH Thành thị Hong Kong), sáng lập viên, đã viết bài phân tích về 6 chiến lược mà Bắc Kinh sẽ sử dụng để đối phó với phong trào đòi dân chủ ở Hong Kong (tháng 8/2014). Ngay từ tháng 10 năm ngoái, để đối phó với nạn hacker từ đại lục, một tổ chức truyền thông độc lập là Hong-Kong In-Media đã tổ chức diễn đàn huy động các chuyên gia IT của cả đặc khu xây dựng một nhóm kỹ thuật hỗ trợ cho các tổ chức dân sự và cá nhân các nhà hoạt động.

Tin tức về Occupy Central được cập nhật nhanh chóng trên tất cả các phương tiện truyền thông xã hội (Youtube, Facebook, Twitter, Instagram, v.v.) bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh. Các bài viết quan trọng (như bài của GS. Benny Tai nói trên) đều có bản dịch tiếng Anh gần như ngay lập tức. Cùng với bài viết là hình ảnh, video, tranh cổ động, khẩu hiệu, biểu ngữ, v.v. dồn dập đến mức độ có muốn dịch sang tiếng Việt để cập nhật cho bà con blogger mình cũng thấy hoa mắt! Có thể nói, những nhà hoạt động Hong Kong đã phủ sóng toàn thế giới về cuộc đấu tranh của họ.

Tất cả cho thấy rằng, đấu tranh dân chủ đòi hỏi kỹ năng tổ chức, sự sáng tạo, hoạt động “nghiên cứu và phát triển” rất kỹ càng.

Còn ở Việt Nam hiện giờ, có lẽ những người đang theo dõi, nghiên cứu sát sao phong trào Occupy Central không là ai khác ngoài… lực lượng an ninh. Tôi cũng tin rằng cho dù kết quả của Occupy Central có như thế nào, sau sự biến “Mùa thu Hương Cảng” này, an ninh, tuyên giáo… sẽ càng cảnh giác cao độ và xiết chặt kiểm soát giới trẻ Việt Nam hơn nữa, đặc biệt là đối với sinh viên.

Nhưng cũng không sao, phải không các bạn trẻ? Tất cả chúng ta sẽ cùng học.

Ảnh: Ngày 1/7/2012, Leung Chun-ying (Lương Chấn Anh) tuyên thệ nhậm chức Trưởng khu Hành chính của Hong Kong với một bài diễn văn gây tranh cãi lớn, khi mà ông sử dụng tiếng Quan thoại (Mandrin) của Đại lục thay vì tiếng Quảng Đông (Cantonese, vốn là thứ phương ngữ chính thức của Hong Kong). (AP)

Đoan Trang
(Blog Đoan Trang) 

Lê Mai - “Hai ông anh” và Việt Nam: Từ lịch sử đến hiện thực (Phần IV)

Ý định của các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam là hạn chế chiến tranh ở miền Nam, không để lan ra miền Bắc và thắng đối phương ngay tại miền Nam. Phương châm chiến lược là đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, nhưng cố gắng tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn. Và cũng hết sức tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nước trên thế giới, đặc biệt là “hai ông anh” Liên Xô và Trung Quốc. Xem ra, chiến lược ấy đã tỏ ra có hiệu quả.

Và Hà Nội cũng giữ tuyệt mật ý định của mình. Phát biểu tại hội nghị Trung ương lần thứ 14 (tháng 1.1968) chuẩn bị cho tổng tấn công Mậu Thân, Lê Duẩn nói: “Anh em ta không hiểu đâu. Không ai biết chuyện này, không ngờ đâu. Ta không dám bàn với ai cả, bí mật lắm…Hôm nay bàn trong Trung ương, lần này rất bí mật…vì nếu lộ ra ngoài thì nguy hiểm. Cái này phải nắm thời cơ, lộ ra nguy hiểm lắm”. “Anh em ta” – dĩ nhiên là nói tới các nước XHCN mà trước hết là “hai ông anh”.

Cuộc tấn công Mậu Thân 68 của Bắc Việt Nam đã đưa đến nhiều hệ quả chính trị, quân sự khác nhau. Cuối tháng 3.1968, Johnson tuyên bố không có ý định tái tranh cử Tổng thống Mỹ.

Vào mùa thu năm 1968 ấy, xẩy ra một sự kiện động trời: Liên Xô đưa quân vào Tiệp Khắc.

Sáng sớm ngày 21.8, trên bầu trời Praha xuất hiện một máy bay dân dụng Liên Xô. Lấy cớ máy móc bị trục trặc, phi công xin hạ cánh khẩn cấp, nhưng khi cửa máy bay vừa mở ra thì chỉ thấy toàn lính dù Liên Xô được trang bị đẩy đủ nhảy xuống và lập tức chiếm ngay sân bay.

Tiếp đó, sư đoàn nhảy đủ với những máy bay vận tải hạng nặng chở xe tăng, thiết giáp cứ một phút lại một chiếc tiếp đất. Quân đội Liên Xô lập tức tiến vào trung tâm thành phố, bao vây, khống chế các mục tiêu quan trọng như Ban chấp hành Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, ga xe lửa, nhà bưu điện, đài phát thanh…Một lực lượng vũ trang khác đã tiến hành phong tỏa biên giới Tiệp Khắc.

Với 17 sư đoàn quân Liên Xô, 6 sư đoàn một số nước Đông Âu, hai ngàn xe tăng, 800 máy bay, tổng cộng 25 vạn quân ồ ạt tràn sang, chỉ trong một ngày đã chiếm đóng lãnh thổ Tiệp Khắc.

Mưu kế của “ông anh Cả” làm “ông anh Hai” khá e sợ. Rõ ràng, Liên Xô đang thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ của mình ở châu Âu. Bàn về sự kiện này, Kissinger nói với Mao:

- Theo tôi, Liên Xô muốn kiểm soát châu Âu. Nếu họ cứ rắp tâm làm như vậy, thì buộc chúng tôi phải nói chuyện với họ trên chiến trường. Liên Xô định đưa lục quân của họ đến đâu, Tiệp Khắc ư, hay đến nơi mà chúng ta hoàn toàn không có chuẩn bị, đó là điều nguy hiểm lớn nhất.

Mao:

- Nếu cứ xét theo cách làm của họ ở Tiệp Khắc thì rất khó đoán định. Họ thi hành quỷ kế đối với Tiệp Khắc, dùng máy bay dân dụng để chuyển quân.

Kissinger:

- Bằng cách đó kiểm soát sân bay Praha.

Mao:

- Sau đó, quân đội di chuyển đến đâu, người ta cứ tưởng là hành khách đi máy bay chứ có ai biết là quân đội đâu. Họ đã kiểm soát sân bay Praha như vậy. Quân đội của họ đóng ở đâu là kiểm soát tình hình ở đó.

Nhiều nước lên tiếng phản đối Liên Xô đưa quân vào Tiệp Khắc. Tổng thống Titô của Nam Tư, Xêauxescu của Rumani và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đều đã kịch liệt lên án hành động của Liên Xô là “chà đạp lên tự do và độc lập của nước khác”.

Trong khi đó, Brêgiơnép tiếp tục tung ra học thuyết “chủ quyền hạn chế”, “chuyên chính quốc tế, “đại gia đình XHCN”…Liên Xô vẫn luôn thể hiện vai trò người đứng đầu – “ông anh Cả” của mình.

Quay trở lại Việt Nam. Sau đợt hai của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, khi không còn hy vọng gì vào một chiến thắng quân sự nữa, Lê Đức Thọ được Hồ Chí Minh gọi ra Bắc để đi Pari làm cố vấn đặc biệt cho phái đoàn VNDCCH tại cuộc hòa đàm Pari.

Việc VNDCCH chấp nhận đàm phán với Hoa Kỳ cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc ở Bắc Việt Nam đã giảm đi rõ rệt. “Hai ông anh”, do xuất phát từ lợi ích của mình, “ông anh Cả” ủng hộ, “ông anh Hai” phản đối kịch liệt cuộc hòa đàm Pari. Trung Quốc nói rằng, chưa phải lúc Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh: “Chúng ta đã quá vội đi đến nhân nhượng”. Thậm chí, khi các cuộc hội đàm đã bắt đầu ở Paris, Bắc Kinh vẫn phủ nhận các cuộc hội đàm này. Báo chí Trung Quốc đều bỏ qua những tin về nó và lớn tiếng phê phán Pháp đã bố trí tổ chức các cuộc hội đàm.

Bắc Kinh còn tiến hành các biện pháp khác nhằm phá hoại một giải pháp có thể đạt được cho cuộc chiến tranh Đông Dương.

Trung Quốc có hai cách gây sức ép đối với Bắc Việt Nam. Thứ nhất, họ có thể cắt cung cấp gạo và bột mì, nhưng Hà Nội có ít nhất ba tuần dự trữ gạo và Liên Xô có thể cung cấp gạo bằng đường biển. Thứ hai, họ có thể rút các lực lượng công binh, đường sắt của họ khỏi Bắc Việt Nam, nhưng việc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc có thể làm những lực lượng này không còn có vai trò quan trọng nữa.

Trung Quốc cũng tiến hành các hoạt động khiêu khích đối với các tàu Liên Xô ghé các cảng của Trung Quốc trên đường đến Bắc Việt Nam; giữ lại trên lãnh thổ của mình khoảng tám trăm toa xe lửa chở vũ khí và trang thiết bị quân sự và khoảng bảy đoàn tàu hoả đặc biệt chở tổ hợp phòng không cho Bắc Việt Nam.

Mối bất hoà giữa “hai ông anh” đã nhanh chóng phát triển thành một cuộc cạnh tranh quân sự vào cuối những năm 60, và cả hai nước đều đã có một loạt những cuộc va chạm dọc đường biên giới Xô – Trung mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh trên đảo Trân Bảo. Từ tháng 10.1964 đến tháng 4.1965 đã xảy ra 36 vụ xâm phạm biên giới Liên Xô liên quan tới 150 công dân Trung Quốc. Số vụ xâm phạm như vậy đã tăng lên nhanh chóng và tới tháng 5.1969 đã lên tới 164 vụ. Cả hai nước đều như đang nằm trên bờ vực thẳm của một cuộc xung đột quân sự diện rộng mà không có một cơ hội hoà giải nào.

Ngay một cuộc gọi qua đường dây nóng của Thủ tướng Liên Xô Côxưghin cho Mao Trạch Đông cũng không thành công. Cô báo vụ viên Trung Quốc không nối máy tới Mao, cũng không nối máy tới Chu Ân Lai, lại còn mạt sát Thủ tướng Liên Xô là “một tên xét lại, không có tư cách nói chuyện với Chủ tịch Mao Trạch Đông, lãnh tụ vĩ đại của chúng tôi”. Và “Thủ tướng của chúng tôi rất bận, không có thì giờ để mà nghe ông nói lôi thôi, mà có rỗi chăng nữa cũng không muốn nghe ông lằng nhằng”.

Phản ứng cuồng tín, thô lỗ của cô báo vụ viên Trung Quốc suýt nữa dẫn tới tai hoạ lớn.

“Hai ông anh” đều không nhiệt tình với hành động quân sự trên chiến trường hỗ trợ cho các nỗ lực ngoại giao của Hà Nội. Liên Xô đặc biệt thất vọng về cuộc tiến công Quảng Trị của Bắc Việt Nam xảy ra ngay trước khi có cuộc họp thượng đỉnh Xô – Mỹ ở Mátxcơva.

Dù sao, Hà Nội vẫn giữ được vị thế độc lập của mình.
 (còn tiếp)
Lê Mai
(Blog Lê Mai)