Theo bà đại sứ Mỹ, giới lập pháp và báo chí chống Tổng thống Arroyo còn cho rằng, sở dĩ chính quyền Philippines chần chờ không chịu đáp ứng thời hạn 2009 do Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển quy định để xác định đường cơ sở của quần đảo Philippines, đó là để chiều lòng Trung Quốc.
Tiết lộ mới của WikiLeaks : Bắc Kinh dùng hợp đồng béo bở để mua chuộc cựu Tổng thống Philippines (Reuters)
(Toquoc)-Tiết lộ mới đây của WikiLeaks làm sống lại vụ Tổng thống Philippines Arroyo bị hối lộ để chấp thuận cho Trung Quốc thăm dò chung vùng Reed Bank.
Việc người Trung Quốc dùng tiền, dưới những hình thức khác nhau, mua chuộc các quan chức nước ngoài hoặc các công ty người bản địa để giành các hợp đồng làm ăn có lợi, cũng như các đặc quyền kinh tế mới, vốn không có gì mới. Chúng diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Một tin từ Nga cho biết, trước kia, người Trung Quốc đem theo một vài vali tiền mặt sang Nga để hối lộ quan chức nước này, sau đó thì “chở cả toa tàu tiền” để được quyền khai thác gỗ, lập các cơ sở làm ăn, hoặc xây dựng ảnh hưởng chính trị…
Nhưng dùng tiền để mua đặc quyền liên quan chủ quyền lãnh thổ là chuyện hiếm. Trong loạt điện mật của ngành ngoại giao Mỹ vừa được WikiLeaks công bố, có các bức điện được báo chí Philippines đăng tải liên quan đến chuyện tày đình nêu trên. Trang web của tờ Tribune (Phlippines) phân tích một bức điện do bà Kristie Kenney, Đại sứ Mỹ tại Philippines, gửi về Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 28/4/2008 về cách thức Trung Quốc “mua” chính quyền của đương kim Tổng thống Gloria Arroyo như thế nào.
Bà Arroya trong một buổi cầu nguyện
Bức điện cho biết một đề án triển khai mạng lưới viễn thông băng thông rộng trên toàn quốc NBN mà chính quyền Manila trao cho nhà thầu Trung Quốc ZTE với những điều kiện bất thường “chính là điển hình cho kiểu thỏa thuận mà Bắc Kinh hay sử dụng để kiếm bạn và mua ảnh hưởng” trên thế giới.
Vào lúc xảy ra vụ tai tiếng ZTE, bà Kenney đã tường trình về các lời cáo buộc cho rằng chính quyền Arroyo “bán” vùng lãnh thổ Philippines tại Biển Đông cho Trung Quốc bằng việc bật đèn xanh cho thỏa thuận cùng thăm dò địa chất với Trung Quốc ở Trường Sa để đổi lấy một số khoản tín dụng ưu đãi nhiễm hối lộ thông qua vỏ bọc các công ty Trung Quốc đối với Đệ nhất gia đình Philippines lúc đó. Theo lời các nhân chứng điều trần trước Thượng nghị viện Philippines, ông Jose Miguel, chồng của bà Arroyo, đã nhận được hàng triệu USD hối lộ từ công ty Trung Quốc.
Các phi vụ này thường thực hiện qua trung gian người bản địa. Một người Philippines tên là Abalos, từng là quan chức chính phủ, bị tố cáo tìm cách hối lộ một viên chức nội các và một doanh nhân để được chấp nhận một hợp đồng viễn thông trị giá 330 triệu USD với Công ty ZTE của Trung Quốc. Thượng nghị viện Philippines đã mở các cuộc điều trần về những lời cáo giác hối lộ có liên quan hợp đồng này. Ông Romulo Neri, người từng đứng đầu một cơ quan kế hoạch kinh tế, đã khai rằng, trong một buổi chơi golf, ông Abalos đề nghị biếu ông khoảng 4 triệu USD để hợp đồng được chấp thuận.
Đây là vụ tai tiếng tham nhũng từng làm rúng động chính phủ của Tổng thống Gloria Arroyo. Phe đối lập nhất quyết khẳng định bà Arroyo có liên quan vì ông Abalos là một liên minh chính trị của bà. Họ nghi ngờ bà Arroyo đã hành động không thích hợp khi thông qua hợp đồng bất chấp các khuyến cáo. Chồng bà Arroyo, ông José Miguel Arroyo, cũng bị cáo buộc đứng sau vụ này.
Chuyện nọ xọ chuyện kia: Theo tờ Philippines Daily Inquirer, để chặn yêu sách của quốc hội và phe đối lập đòi kiện bà Arroyo về vụ ký hợp đồng mờ ám với công ty viễn thông Trung Quốc và sức ép của công luận buộc chính phủ phải ngừng thực hiện hợp đồng trên, Phủ Tổng thống Philippines đã dùng công quỹ hơn 120 triệu peso (2,7 triệu USD) “lót tay” cho 190 nghị sĩ và 48 tỉnh trưởng được mời tới dinh Tổng thống ngày 11/10/2008 để họ ủng hộ Tông thống. Các phong bì được trao dưới danh nghĩa quà biếu của Tổng thống “để phục vụ lợi ích cộng đồng”. Có mấy quan chức đã công khai tố cáo việc quan chức Phủ Tổng thống trao cho họ mỗi người 500.000 peso (180 triệu VNĐ) trong phong bì dán kín. Khi tin này lộ ra, bà Arroyo đã ra lệnh cho “ủy ban chống tham nhũng điều tra triệt để vụ hối lộ để tìm ra thủ phạm và nguồn tiền lấy từ đâu”.
Theo bà đại sứ Mỹ, giới lập pháp và báo chí Philippines còn cho rằng sở dĩ chính quyền Philippines chần chừ không đáp ứng thời hạn 2009 do Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển quy định để xác định đường cơ sở của quần đảo Philippines là nhằm chiều lòng Trung Quốc.
Chính quyền hiện nay của Tổng thống Aquino đổ lỗi cho bà Arroyo khiến tranh chấp bùng phát trở lại giữa Philippinnes và Trung Quốc liên quan tới quần đảo Trường Sa. Chính vì Reed Bank (Bãi Cỏ Rong) và một phần lớn vùng biển của Philippines được đưa vào thỏa thuận thăm dò chung JMSU với Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh quyết đoán hơn trong việc khẳng định quyền kiểm soát của nước này tại các vùng lãnh thổ mà Philippines tuyên bố chủ quyền từ lâu.
Vì những tranh chấp chủ quyền biển đảo, vụ Tổng thống G. Arroyo nhận hối lộ chắc chưa dừng lại ở đây. Tổ chức Vì quyền lợi của người công giáo Philippines lên tiếng kêu gọi Tổng thống Aquino điều tra rõ ràng đối với các cáo buộc đối với bà Arroyo: “Chúng tôi nhận thấy khởi tố bà ấy là điều quan trọng. Hành động này giúp nâng cao đời sống và phúc lợi của người dân, đồng thời góp phần kiến tạo hòa bình và công lý cho đất nước chúng ta”./.
Người quan sát