Chính trị – Xã hội
Người Việt tập hợp về Washington DC vận động cho nhân quyền VN (RFA) —Chỉnh đốn Đảng: Đạo đức đảng viên và tiếng nói dân chúng (RFA) —Tạm dừng thành lập mới các khu kinh tế và công nghiệp (RFA) –Cảm nghĩ về một chuyến đi tìm hiểu thực tế của vấn đề buôn bán trẻ em (RFA)
Bồi thường gần 1 tỷ đồng cho ‘dân oan’ (BBC) Một nữ giám đốc doanh nghiệp bị tù oan dẫn tới khuynh gia bại sản sẽ được chính quyền bồi thường gần một tỷ đồng.
Xem lại Ninh Thuận (BBC) -Cựu Đại biểu Quốc hội đề nghị dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và trưng cầu dân ý. —Xem lại quyết định về điện hạt nhân (BBC/nghe)
Hỏi chuyện nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (TVN)
Vì sao hôn nhân của lao động di cư dễ đổ vỡ? (VNN)
Vực dậy Đồng bằng sông Cửu Long (NLĐ) -L.T.S: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất giàu tiềm năng với lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái… Tuy nhiên, qua nhiều năm tập trung khai thác, tài nguyên đã cạn dần. Cùng với sự đầu tư không tương xứng về giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng…, ĐBSCL trở nên lạc hậu toàn diện so —-Nhiều địa phương sai phạm về quản lý đất đai (NLĐ)
Kinh tế
Đầu cơ chứng khoán: Coi chừng trắng tay trong tăng trưởng (VEF)
Chung cư mini: Chưa kịp mừng đã chết yểu (VEF)
Nói và Làm: Đầu xuôi đuôi lọt (VEF)
Ngân hàng yếu kém, liệu người dân có mất tiền? (VEF) >>>Thêm một ngân hàng tham gia kinh doanh vàng >>>Đến 2015: nợ xấu ngân hàng quốc doanh mới về 3% >>>Nhật báo Phố Wall khiến chứng khoán Việt Nam phát sốt >>>Bớt sữa, giảm giặt giũ vì giá tăng
Giá gas biến động: DN lợi dụng kiếm đậm (VNN)
DN vẫn vay lãi suất cao (NLĐ)
Văn hóa – Giáo dục
Sinh viên cần phải được đào tạo lại sau khi ra trường? (RFA)
Những ca khúc tôn vinh phụ nữ Việt Nam (RFA)
Thế giới
Do Thái sẽ tự quyết định về Iran (RFA) —Al-Qaeda giết 9 chết binh sĩ Yemen (RFA) —Lốc xoáy ở miền Trung Tây nước Mỹ làm 38 người thiệt mạng (RFA) —Mỹ chuyển hướng chiến lược về Châu Á-Thái Bình Dương (RFI) —TT Obama khuyến nghị nên cho vấn đề Iran thêm thời gian (VOA) —Hội nghị thượng đỉnh Netanyahu-Obama chú trọng vào vấn đề Iran (VOA) –Kissinger: Không nhất thiết xảy ra xung đột Mỹ – Trung (TVN)
Bầu cử Iran: Đối thủ của ông Ahmadinejad đánh bại những người ủng hộ ông (VOA) –Phe Tổng thống Ahmadinejad thất thế trong cuộc bầu cử quốc hội Iran (VOA) –Bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa Mỹ: M.Romney về đầu tại Washington (RFI)
Trung Quốc: nổ nhà máy hóa chất làm 25 người thiệt mạng (RFA) —TQ sẽ giới hạn việc bắt giữ người mà không cho biết địa điểm (RFA) –Bước đầu thành công của làng Ô Khảm (RFA) —Dân làng Ô Khảm kết thúc hai ngày bầu cử lãnh đạo tự do đầu tiên (RFI) –TQ chi tiêu 100 tỷ đô cho quân đội (BBC) —Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự năm 2012 lên 11,2% (VOA) —Trung Quốc: Ngân sách quốc phòng năm 2012 tăng mạnh (RFI)
Tin từ Tây Tạng: Một người mẹ có 4 con tự thiêu (VOA) —Bầu tổng thống Nga : Cử tri đi bầu với ám ảnh cuộc bỏ phiếu bị gian lận (RFI) —Quan hệ Nga – Mỹ ra sao sau bầu cử? (VNN)
Hình: AP Nước mắt rưng rưng, ông Putin tuyên bố đắc cử Tổng thống Nga (VOA)
Ông Putin tuyên bố thắng cử (BBC) —-Bầu cử tổng thống Nga ở Việt Nam (BBC) —Bình luận: Giấc mơ Putin (BBC) –Gruzia và Nga muốn nối lại quan hệ ngoại giao (RFI)
Đâm xe lửa gây tử vong cao tại Ba Lan (BBC) —Ba Lan : 15 người chết và 60 người bị thương trong một thảm họa đường sắt (RFI)
Israel khẳng định có toàn quyền quyết định cách đối phó với Iran (RFI) —Phẩm vật cứu trợ được chuyển giao cho dân Syria bị thất tán gần Baba Amr (VOA)
Quân đội Syria pháo kích dữ dội thành phố nổi dậy Rastan gần Homs (RFI) —Quân đội Syria tiếp tục pháo kích dân trong khi HCTĐ vẫn chưa vào được (RFA) —Cựu Bộ trưởng Nội vụ thời Cộng sản Hungary bị truy tố về tội ác chống nhân loại (RFI) —Bắc Triều Tiên : Kim Jong Un đi thị sát bộ Tư lệnh Tên lửa (RFI) —Số tử vong tăng vọt trong các vụ nổ ở Cộng hòa Congo (VOA) —Giao tranh tại Yemen, nhiều binh sỹ và quân al-Qaida thiệt mạng (VOA) —Bắc Triều Tiên tố cáo Mỹ ‘hai mặt’ (VOA)
Nổ kho vũ khí, thương vong hàng ngàn người (NLĐ) —Nhà cửa và các tòa nhà đổ sập khi hàng loạt kho đạn ở thủ đô Brazzaville của nước Cộng hòa Congo nổ tung vào hôm 4-3, khiến ít nhất 206 người chết, gần 1.000 người bị thương và buộc 2.000 người phải sơ tán.
Xe cán chó chó cán xeThu nhập “choáng váng” của ăn xin chùa Bái Đính (VNN)
Lynda hát cùng chồng. “Sốc” với váy khoe da thịt của Lynda Trang Đài (VNN)Thừa Thiên – Huế: 240 hộ dân khổ vì khói, bụi (NLĐ)
Đòi nợ con không được, chặn đường xiết nợ cha (NLĐO) >>>Đòi nợ, bị đánh trọng thương >>>Lừa hơn 54 triệu đồng bằng vé số giả >>>Nhân viên mát-xa bị khách đâm thủng timDung Nhan Của Đảng & Diện Mạo Kẻ Thù (III) (Đinh tấn Lực blog)
Trịnh Kim Tiến: CON NGƯỜI CỦA TỰ DO VÀ LÒNG YÊU NƯỚC – BÙI HẰNG (Nguyenxaundien)
Tiên Lãng: Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Tôi đứng về phe nước mắt” (kỳ 4) (Culangcat)
CÁCH MẠNG TƯ HỮU (Thùy Ling/Buudoanblog)
Nhật ký mở sau ngày bế mạc” Hội Nghị Cán Bộ Toàn Quốc của Đảng” (Tô Hải blog)
ca sĩ Vũ Khanh – Ai trở về đất Việt ? (Nguoibuongio)
Xôi Thịt Blog: Unikey bị cài virus (Hiệu Minh blog)Trái Bóng Hy Lạp Lăn Ra Ngoài Biên (Nguyễn xuân Nghĩa/Dainamax)
Đã sai còn ác!
Đông Kỳ - Nhân đọc bài trả lời báo chí của nhà Đài VTV sau tiểu phẩm Quỳnh Sao và đọc “ba láp 18 hay là Quỳnh Anh has got talent” của Khương Hà.
Tiếng cười chỉ thực sự đúng đắn
khi giá trị mang lại đằng sau tiếng cười là giá trị nhân văn hoặc hướng
đến nhân văn. Tiếng cười của tiểu phẩm VTV vừa rồi là tiếng cười ăn theo
một hiện tượng xã hội và hậu quả là hủy diệt niềm tin của một cô bé 15
tuổi. VTV không chịu thừa nhận sai lầm là đúng! Vì đây không phải sai
lầm nữa – mà là tội ác!
Các văn nghệ sĩ thay vì thực
hiện sứ mệnh của mình là đi trước thời đại, dự báo cái nhìn xa thì càng
ngày họ càng chứng tỏ khả năng “nhai lại” bằng cách ăn theo một hiện
tượng xã hội để mua những tiếng “cười thừa” của quần chúng (vì đã cười
quá nhiều, quá đủ và quá lố bịch trước đó rồi). Nhân danh sự “phản biện
xã hội” để mua 1 tiếng cười nghiệt – mục đích? Đỉnh điểm hơn nữa là
những câu trả lời của lãnh đạo VTV, phủ sạch toàn bộ sự “nhai lại” hình
ảnh cô bé Quỳnh Anh thành Quỳnh Sao - với những chi tiết được đúc ra từ
câu chuyện Quỳnh Anh – rõ như ban ngày!
Nếu như cái mà họ đang làm là
“phản biện một hiện tượng chung của xã hội” như lời ông Lương thì tại
sao phải phủ nhận việc họ đang châm biếm hình ảnh mẹ con Quỳnh Anh, thậm
chí còn trâng tráo bảo không hề biết gì (hoặc không thèm biết gì) về sự
cố Quỳnh Anh, 2 câu chuyện này hoàn toàn tách rời nhau? Và nếu mục đích
là giáo dục cái nhìn của con trẻ thời nay về ý thức tài năng bản thân
thì tại sao lại buông một câu hết sức nửa vời rằng: "Nếu mình coi đó
là chuyện bình thường thì sẽ là bình thường, nếu coi nó là nặng nề thì
nó lại nặng nề. Tôi cho rằng nghĩ đó là mình thì sẽ là mình thôi. Còn
nếu không để ý đến nó thì lại không có vấn đề gì cả."
Sự việc bị đẩy đi quá xa là do VTV cố "bồi" thêm tiểu phẩm hài gặp nhau cuối tuần? (Ảnh: PhuNuToday)
Vậy thì: giáo dục được ai nữa và
mục đích của tiểu phẩm này là cái gì? Rồi khi bị báo chí đưa lên bàn
cân về hệ quả "phản tác dụng giáo dục trầm trọng" của tiểu phẩm dẫn đến
việc cô bé 15 tuổi rơi vào trạng thái chán sống thì lại phủ nhận hoàn
toàn trách nhiệm: “Điều đó thì phải do gia đình thôi. Cái chính là gia đình phải biết động viên em vượt qua”.
Xã hội từ báo lá cải đến báo chính thống “tầm quốc gia” như tự xưng cứ
thay nhau mặc sức “ném đá” và đứng cười đủ kiểu rồi khuyên gia đình
“động viên em cố gắng vượt qua”(?)
Thật nực cười chưa từng thấy
trong lịch sử! Cái mà họ đang mang lại không phải giá trị nhân văn nữa
mà chính là tội ác! Sự kiện này là nhỏ nhưng “hiệu ứng xã hội đằng sau
nó” quả không nhỏ: nó phô bày một cái khác lớn hơn một hiện tượng rất
nhiều – đó là “ý thức phê phán” và căn bệnh “ném đá hội đồng” nhân danh
chính nghĩa, được nuôi dưỡng và tiếp sức rất hiệu quả bởi ưu việt của
truyền thông thời nay! Chị Khương Hà viết bài này hay quá, em Quỳnh Anh
đọc được sẽ rất có lợi cho tinh thần em thời điểm này.
Xã hội phản biện một hiện tượng
cần như bác sĩ chữa bệnh: Chữa bằng cái tâm - chuẩn đúng và kê đủ -
chuẩn bệnh có đúng cỡ nào mà kê đơn thuốc quá liều sẽ giết người chứ
không còn hiệu quả cứu người nữa! Xin kết ý này bằng câu nói mình rất
thích của nhà văn NM: “Có thể sai nhưng đừng ác, có thể ghét nhưng đừng
hận thù!” VTV: đã sai trong tiểu phầm, sau đó còn ác trong cách trả lời
báo chí!
Đông Kỳ
Đông Kỳ
Cường hào siêu hạng
Nguyễn Thông - Coi
tấm ảnh chụp cái cậu Sân phó chánh văn phòng ủy ban “nhân dân” huyện
Tiên Lãng trừng mắt, há mồm, vung tay chỉ mặt đe dọa anh nhà báo, tôi
nghĩ ngay đến thế hệ cường hào ác bá mới.
Hồi xa xưa, bọn trẻ con nông thôn như
tôi đã được bộ máy tuyên truyền của nhà nước (trong đó có văn chương)
trang bị cho nhiều từ ngữ “đầy tính giai cấp” để xác định đúng, để căm
ghét, xa lánh… kẻ thù. Cụm từ hay được dùng nhất là “cường hào ác bá”.
Lật giở cuốn từ điển tiếng Việt
khá bề thế của Viện Ngôn ngữ học (2003, giáo sư Hoàng Phê chủ biên) thấy
ghi như sau: “Cường hào: Kẻ có quyền thế ở làng xã, chuyên áp bức nông
dân”, “Ác bá: Địa chủ hoặc cường hào có nhiều tội ác với nông dân”.
Theo cách hiểu thông thường,
dưới chế độ cũ, cường hào là những kẻ nằm trong bộ máy cai trị của nhà
nước ở nông thôn, chẳng hạn tiên chỉ, chánh tổng, lý trưởng, phó lý,
trương tuần…, bao gồm cả chức dịch và kỳ mục. Số này đại diện cho chính
quyền chứ không đại diện dân, không do dân bầu. Chính sách cai trị ở
làng xã được thực hiện thông qua chúng. Chúng hống hách, coi người như
rác, động tí là đánh là trói, muốn vu cho ai thì vu, muốn cướp ruộng của
ai là cướp. Dân hận ngút trời, chỉ chờ dịp vằm xương chúng nó.
Phụ vào “công tích” tội ác của
bọn cường hào là những thằng ác bá. Bọn này không có chức quyền nhưng
nhiều ruộng nhiều tiền, thường gọi là địa chủ. Chúng không có triện
nhưng có thể sai được cả thằng nắm ấn triện. Không phải địa chủ nào cũng
ác, bằng cớ là từng có rất nhiều địa chủ cách mạng, địa chủ kháng
chiến; nhiều địa chủ chỉ sở hữu vài ba mẫu ruộng mà chết oan ức trong
cải cách ruộng đất; nhưng nhìn chung, theo sự tuyên truyền của nhà nước,
địa chủ ác lắm, cần phải đánh đổ.
Cuộc cách mạng mà nông dân là
quân chủ lực diễn ra đầy gian khổ hy sinh, đầy máu và nước mắt cuối cùng
cũng đạt được mục đích xóa bỏ bộ máy cai trị thực dân phong kiến ở nông
thôn, chôn vùi lũ cường hào ác bá. Người nông dân phấn khởi, ngẩng mặt
ngắm trời tự do, ngẫm nghĩ từ nay được sống cần cù lương thiện trên mảnh
ruộng, đất đai quê hương mình. Không sợ bị mất ruộng mất vườn. Không
còn kẻ đè nén, áp bức, chỉ còn cán bộ đày tớ của nhân dân. Ơn đảng ơn
chính phủ biết chừng nào.
Nhưng họ đã lầm.
Mặc dù cụ Hồ luôn dạy cán bộ
phải “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, “hết lòng hết sức phục vụ
nhân dân” nhưng trên thực tế tôi chứng kiến suốt bao năm, dạng cán bộ
như vậy ít lắm, trong khi sự thoái hóa, hư hỏng, biến chất ngày càng
tăng với tốc độ chóng mặt, vì vậy ở nông thôn ngày nay không gì sẵn bằng
cường hào ác bá. Không tin cứ làm cuộc điều tra xã hội học, hỏi trực
tiếp nông dân mà xem.
Trên đất nước nông dân từng
chiếm đến 80-90% thì mọi vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn,
nông dân (tam nông) đều tạo sự rung động xã hội ghê gớm. Phải nói rằng
cuộc cải cách ruộng đất 1953-1957 chính là cuộc cách mạng ruộng đất ở
nông thôn, với mục đích đem ruộng đất trao về tay nông dân, nhưng hỡi
ôi, nó thấm đầy máu và nước mắt. Một bi kịch thời đại, để lại nhiều hệ
lụy về sau. Và công cuộc hợp tác hóa (ở miền Bắc trước 1975, miền Nam
sau 1975) thì ngược lại, chính là cuộc cách mạng tước đoạt ruộng đất của
nông dân, biến nông dân từ làm chủ thành kẻ làm thuê, bị bần cùng hóa
ngay chính trên quê hương mình. Lại thêm tấn bi kịch nữa. Cả hai bi kịch
ấy nông dân đều phải gánh chịu.
Chả cần lấy dẫn chứng đâu xa,
chỉ cần lôi ra từ chuyện nhà cũng quá rõ. Khi miền Bắc rầm rộ ép nông
dân vào hợp tác xã thì gia đình tôi có khoảng 8 sào ruộng và 2 sào ao
(mỗi sào 360m2). Tất cả đều là đất hương hỏa, tài sản truyền đời do ông
bà để lại, không phải do cách mạng cấp. Tận mắt chứng kiến lối làm ăn
phờ phạc của hợp tác xã, thầy tôi nhất định không chịu vào. Nhưng họ ép,
họ không từ biện pháp nào, kể cả dọa con cái hộ cá thể không được kết
nạp đoàn, không được đi học đại học… nên đến năm 1963 thầy tôi đầu hàng.
Hợp tác thu gần hết ruộng đất, chỉ chừa lại cho miếng thổ cư 2 sào,
phần còn lại bị biến thành sở hữu tập thể. Từ đó gia đình tôi mất số
ruộng đất đó vĩnh viễn, bao nhiêu mồ hôi nước mắt, công sức của ông bà
tổ tiên tạo dựng cho con cháu bị xóa sạch. Và không chỉ gia đình tôi,
hàng vạn gia đình khác ở hai miền Nam, Bắc đều lâm vào tấn bi kịch tước
đoạt ấy.
Một lòng đi theo cách mạng, cứ
tưởng thoát nạn cường hào ác bá, nông dân đâu ngờ trong chế độ mới nó
sinh sôi nhanh nhiều như vậy. Trước kia, loại ác gian đó chỉ trong phạm
vi làng xã là cùng, nay thì nó lây lan như dịch, leo lên cả huyện, tỉnh,
thậm chí trung ương. Vụ cưỡng chế đầm Vươn (Tiên Lãng) đã lộ ra cả hệ
thống cường hào, nào quan xã Vinh Quang, nào quan huyện Tiên Lãng, nào
quan thành phố Hải Phòng. Và cái ông Nguyễn Văn Thành ấy, hàm trung ương
ủy viên, do trung ương quản lý, chả cường hào cỡ trung ương là gì. Đâu
chỉ Hải Phòng, cường hào siêu hạng trên dải đất này đầy nhản nhản, có
thể điểm mặt những đồng chí bị lộ như Võ Thanh Bình (bí thư Tỉnh ủy Cà
Mau), Nguyễn Trường Tô (chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang), Đinh Văn Hùng (bí
thư Tỉnh ủy Ninh Bình)… Ngày trước dân thấp cổ bé họng, thua cường hào
đã đi một nhẽ, nay xã hội dân chủ, dân làm chủ nhưng chỉ chủ trên giấy
tờ, còn vận mệnh vẫn do cường hào đủ loại nắm giữ. Trước chỉ có nông
dân, nông thôn khổ bởi cường hào, nay thì tuốt tuột chả trừ anh nào chỗ
nào, chạy trời không khỏi nắng.
Có người thầm (nói nhỏ) với tôi
rằng khi một chế độ với bộ máy cầm quyền tha hóa, lụn bại thì mới phát
sinh nạn cường hào ác bá. Chính nó lấy cường hào để bảo vệ nó, dễ gì mà
dẹp được. Tôi chả tin hẳn vậy. Lòng vẫn mơ hồ hy vọng thời nay chắc còn
có những người tốt, trong sạch trong bộ máy cầm quyền, biết thực hiện
lời giáo huấn của cụ Hồ, tỏ tường điều giản dị: có dân thì có tất, mất
dân thì mất tất.
Việc làm có ý nghĩa đầu tiên
trong công cuộc chỉnh đốn đảng cầm quyền lần này, theo tôi, là ngay lập
tức trị bọn cường hào, từ làng xã đến trung ương. Không chậm trễ. Dân
đang chờ đợi đảng có thực tâm chỉnh đốn hay không. Nói thì ai mà chả nói
được, nói hay là đằng khác.
3.3.2012
Nguyễn Thông
Siêu đám cưới và siêu nợ
Đào Tuấn
- Hai siêu đám cưới vừa diễn ra với những siêu kỷ lục vô tiền khoáng
hậu. Ở Hà Tĩnh đám cưới “con nhà” với chi phí cực khủng: khoảng 25 tỷ
đồng, trong đó tiền rượu ngoại 2 tỷ, “loa đèn kèn trống” 60 ngàn USD.
Tổng trọng lượng vòng trang sức mà tân nương và tân giai nhân đeo trĩu
cổ lên đến 60 cây vàng. Hôn lễ tổ chức hoành tráng với “đoàn rước dâu
siêu xe cả trăm chiếc”, với sự có mặt của các siêu ca sĩ Việt Nam và hải
ngoại. Sự vô tiền khoáng hậu còn ở chỗ người ta kéo nhau đi xem đám
cưới còn đông hơn xem.. Bách thú.
Và báo chí, tụ tập tham gia còn đông hơn… đại hội đảng bộ tỉnh. Ở Cần Thơ, thiếu gia cưới vợ cũng bằng đoàn siêu xe toàn Rolls-Royce Phantom, Bentley Flying Spur Speed, Ferrari F430, trong đó chiếc Rolls-Royce Phantom biển tứ quý 3333 trị giá hàng chục tỷ đồng, thường thôi, là… xe nhà. Bà chủ hôn, cũng là nữ đại gia miền tây Phạm Thị Diệu Hiền thậm chí dọa mượn máy bay của “bầu Đức” để rước dâu. (Mở ngoặc là sau đó bầu Đức lên tiếng “tố cáo” không có quen biết gì bà Hiền, có quen cũng không thể cho mượn. Ông nhân tiện cũng nổ như pháo về chuyện “Tôi rất nhiều tiền, thậm chí tiền của tôi có thể nói tiêu cả 3 đời, 4 đời, đến 5 đời cũng không thể hết”).
Và báo chí, tụ tập tham gia còn đông hơn… đại hội đảng bộ tỉnh. Ở Cần Thơ, thiếu gia cưới vợ cũng bằng đoàn siêu xe toàn Rolls-Royce Phantom, Bentley Flying Spur Speed, Ferrari F430, trong đó chiếc Rolls-Royce Phantom biển tứ quý 3333 trị giá hàng chục tỷ đồng, thường thôi, là… xe nhà. Bà chủ hôn, cũng là nữ đại gia miền tây Phạm Thị Diệu Hiền thậm chí dọa mượn máy bay của “bầu Đức” để rước dâu. (Mở ngoặc là sau đó bầu Đức lên tiếng “tố cáo” không có quen biết gì bà Hiền, có quen cũng không thể cho mượn. Ông nhân tiện cũng nổ như pháo về chuyện “Tôi rất nhiều tiền, thậm chí tiền của tôi có thể nói tiêu cả 3 đời, 4 đời, đến 5 đời cũng không thể hết”).
Chỉ có một điểm khác: Đám cưới ở Hà Tĩnh, hôn chủ tuyên bố toàn bộ tiền
mừng cưới sẽ đem làm từ thiện. Còn đám cưới ở Cần Thơ được tổ chức khi
nông dân giăng băng rôn yêu cầu trả nợ tiền mua cá.
Người giàu có quyền tiêu tiền, miễn là đừng ảnh hưởng đến người khác.
Đã qua rồi một thời bao cấp khi thậm chí người ta phải ăn gà bằng kéo để
hàng xóm khỏi biết. Qua rồi một thời kỳ ấu trĩ mà câu mạt sát nặng nề
nhất là người ta “tặng” vào mặt nhau là “Đồ nhà giàu”. Xã hội đủ “tự
do”, đủ phân hóa, để chấp nhận những người trưởng giả đeo những chiếc
đồng hồ Thuỵ Sĩ làm bằng vàng ròng, nạm kim cương với giá gần 1 tỷ đồng,
hay chiếc bút làm bằng đá thạch anh 4, 5 tỷ năm tuổi giá hơn nửa tỷ
đồng. Hay, gần đây là câu chuyện “xịn”- “fake” giùm beng xung quanh
chiếc váy giá 840 triệu đồng của Đại sứ Du lịch Việt Nam.
Nhưng những “siêu đám cưới” không đơn thuần chỉ là chuyện tiêu tiền,
cũng không chỉ là chuyện nổ, chuyện khoe của. Ngay sau “siêu đám cưới”,
nữ đại gia Miền tây cho rằng muốn khẳng định cá nhân không nợ nần ai chớ
không phải muốn “chơi trội”, nhưng ngay sau đó, bà này đã dùng chính
những món nợ với nông dân để gây sức ép lên ngân hàng khi thậm chí có
văn bản gửi Thống đốc kiến nghị chỉ đạo một số ngân hàng thương mại thẩm
định lại tài sản đã thế chấp để tiếp tục cho vay, nhằm giúp công ty trả
nợ.
Trường hợp chiếc váy của Lý Nhã Kỳ, người ta hẳn sẽ phải rất đắn đo
trước chuyện “Y phục xứng kỳ đức”. Còn những siêu đám cưới, có người đã
dùng từ rất đúng là “một bộ phận nhà giàu mới nổi đang tập làm sang”,
hoặc dùng những đám cưới hoành tráng để trốn nợ, để quảng bá bản thân
nhằm..vay nợ.
Cuối tuần trước, hội nghị ngành thuế đã đưa ra những con số kinh ngạc về
chuyện các đại gia nợ thuế, trong đó, những đại gia nổi tiếng nhất về
chuyện giàu có, như Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức chẳng hạn, lại là
những con nợ lớn nhất với số nợ lên tới hàng trăm tỷ.
Chuyện nợ thuế, hay nợ tiền mua cá của nông dân cũng đều là nợ người dân
cả. Nhưng câu chuyện sẽ là không thể chấp nhận trong khi người dân phải
bòn mót mồ hôi, vay nặng lãi từng đồng để rồi bị nợ. Các đại gia “tiền
tiêu 3,4,5 đời không hết” lại càng không thể “được nợ” những món tiền
khủng trong tình trạng các DN nói chung mướt mồ hôi, mướt mép chạy vạy
vay vài tỷ đồng với lãi suất cắt cổ.
Hình như càng nợ, người ta càng cần phải mua xe sang, càng cần phải có
siêu đám cưới, càng cần phải nổ. Nhưng, nói như chuyên gia kinh tế
Nguyễn Trần Bạt họ không thể “cưỡi lên những sự đau khổ xung quanh” để
tiêu xài vô lối như vậy.
Đào Tuấn
từ TRÍ NHÂN MEDIA
…. nối gót người xưa
Ban Biên Tập Trí Nhân Media - Vì
hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những
xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống
để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân,
của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Trí Nhân Media ra đời, như một tiếp nối với các anh chị đi trước, thổi
bùng tiếng thét vùng dậy của tuổi trẻ Việt nam, bức tung xiềng xích ngu
dốt, phá nát gông cùm sợ hãi, ngẩng cao đầu cùng liên đới nhận lãnh
trách nhiệm cứu nguy đất nước.
Chúng ta đã bị đào tạo phải lừa dối và đã bị cưỡng bức phải ngu dốt suốt
mấy chục năm qua bởi một chính sách thui chột tàn ác. Vì bị trói chặt
trong sợ hãi nên chúng ta đã thản nhiên, dửng dưng VÔ CẢM đến độ tàn độc
quay lưng trước những áp bức hàng ngày, trước những cướp giật tham
nhũng có hệ thống của một nhóm người nắm giữ quyền lực.
Với những sợ hãi ích kỷ cá nhân và thói quen lừa dối tự ve vuốt chính
mình, chúng ta đã vô tình tạo cho tập đoàn thống trị có quá nhiều cơ
hội, ngang nhiên tung hoành làm giàu trên xương máu đồng bào và mặc cả
kèn cựa trên những giải sông núi quê hương. Mấy chục năm lần lượt trôi
qua, những gì quí giá nhất của một dân tộc: giang san gấm vóc, hào khí
dân tộc, thuần phong mỹ tục, giềng mối đạo đức đã tan biến và đang mất
dần trong sự cố tình của lãnh đạo và sự vô cảm thờ ơ của đại đa số người
dân.
Đã đến lúc, chúng ta phải tỉnh dậy,
Phải tỉnh dậy tận dụng TRÍ TUỆ như một vũ khí để soi sáng những ngu muội
tăm tối, sống đạo đức, hiếu nghĩa, chung thủy đúng NHÂN CÁCH con người
hầu phục hồi và duy trì giềng mối đạo đức dân tộc.
Trước
những suy đồi đạo đức, những phá sản nhân cách, những hiểm họa nô lệ,
đất nước chúng ta đòi hỏi phải có một cuộc chỉnh đốn từ trên xuống dưới,
từ trong ra ngoài. Và cuộc chỉnh đốn nào cũng cần phải bắt đầu bằng một
cuộc cách mạng. Quê hương Việt Nam chúng ta đang cần một cuộc cách mạng
TRÍ NHÂN, một cuộc cách mạng làm mới lại toàn bộ con người. Chỉ có cách
mạng TRÍ NHÂN mới giải thoát tất cả chúng ta ra khỏi nô lệ của sợ hãi
ngu dốt, mới khai sáng cho những đạo đức bản thân, mới phát huy tinh
thần trách nhiệm, duy trì lòng yêu nước trong sáng từ thế hệ này đến
những thế hệ con cháu tiếp nối.
Chỉ những con người Trí Nhân mới có thể xây dựng, duy trì và phát huy
được một xã hội Việt Nam Nhân Bản, Văn Minh và Thiện Đức lâu dài trường
cửu. Và Trí Nhân Media được ra đời theo chủ trương và quan điểm khai
trí, hành xử như trên.
Trí Nhân Media, mong ước sẽ là một tờ báo mạng của mọi người, là gạch
nối kết tụ những suy tư đất nước, những tiếng nói trăn trở về vấn nạn xã
hội, về sự thật của một lịch sử đã và đang bị bóp méo. Trí Nhân Media
muốn là một tờ báo mạnh mẽ gióng lên tiếng kêu cứu âm thầm của những
người thế cô và nhất là luôn luôn đề cao tình yêu nước nồng nàn trong
sức mạnh dân tộc. Ngòai những ưu tư về các thảm trạng trong chính trị,
xã hội, văn hóa, giáo dục, Trí Nhân cũng không quên ghi lại những thăng
hoa của đời sống của tình cảm của tinh thần qua những sáng tác nghệ
thuật để tất cả chúng ta cùng san sẻ tận hưởng những cái hay cái đẹp
trong tình yêu , trong thiên nhiên, trong trời đất, trong vạn vật.
Trở lại quan điểm của Ban Biên Tập,
Cách mạng TRÍ NHÂN không thể đôi ba người hay dăm ba nhóm mà thực hiện
được, đó phải là do sức mạnh của cả một khối dân tộc. Ở lứa tuổi đôi
mươi, đầy nhiệt huyêt thanh niên, đầy hào khí tuổi trẻ, chúng ta không
thể để các bậc cha chú khởi động, thúc hối. Chúng ta cũng không thể thản
nhiên để con cháu chúng ta tiếp tục sống trong ngu hèn, tuyệt vọng.
Tuy muộn màng nhưng vẫn còn hơn không.
chúng ta chần chờ gì nữa ? Nếu không là người đứng dậy tiên phong, thì
hãy là một người đóng góp, đưa một ngọn nến, bật một que diêm vào sức
mạnh của lực lượng dân tộc.
Hãy,
cùng thét lên vùng dậy, cùng nhau học hỏi, cùng nhau rèn luyện cách sống đúng nghĩa của một con người.
Xin,
chào đón Trí Nhân Media, thương yêu, tiếp sức và gìn giữ như chính tờ báo của quí vị.
Vì,
Những giọt lệ trong tù xóa cả tuổi thanh niên,
của Hạnh, của Nghiên đã khô cạn rồi,
và tiếng hát của Việt Khang đã cất lên lồng lộng thế giới,
Hỡi, chúng ta,
hãy vung tay cao.
bùng vỡ tiếng thét .. Vùng Dậy
Hôm nay, ngày 5 tháng 3
ngày đầu tiên ra mắt bạn đọc khắp năm châu bốn bể, như một bài học đầu
tiên về hiếu nghĩa, Trí Nhân Media xin chọn chủ đề Mẹ trong những số báo
khởi đầu để tỏ lòng tri ân những người Mẹ đã hy sinh nuôi dưỡng chúng
ta trưởng thành, những người Mẹ bất hạnh đã bị quên lãng rất vô tình
trong một góc đời nào đó của những đứa con phiêu bạt, và nhất là những
người Mẹ Việt Nam đã bị hất hủi dày xéo từ những đứa con phản bội.
Trí
Nhân Media cũng xin chân thành cám ơn các báo đồng nghiệp đã khuyến
khích tinh thần và hỗ trợ kỹ thuật giúp đỡ Trí Nhân Media trong giai
đọan khó khăn nhất của bước đầu chập chững ra mắt bạn đọc. Nắm chặt tay
nhau, chúng ta cùng quyết tâm xây dựng lại một Việt Nam Nhân Bản, Văn
Minh, Thiện Đức.
Nhớ lại tháng ba,
cũng là mùa lễ hội Hai Bà Trưng, và năm nay, đánh dấu 1972 năm của cuộc
khởi nghĩa rất hào hùng đánh đuổi giặc Tàu xâm lăng ra khỏi bờ cõi năm
nào. Tinh thần quật cường của Hai Bà Trưng, cùng ý chí bảo vệ Tổ quốc,
dành lại độc lập cho nước nhà, đã là một niềm tự hào vô biên và là một
tấm gương sáng ngàn đời cho chúng ta phải nối bước.
Ngày nay, giặc Tàu phương Bắc lại tái diễn giấc mộng bành trướng: cướp
đất chiếm đảo nước ta qua sự thông đồng ươn hèn nhút nhát của lãnh đạo
CSVN, há chúng ta khoanh tay ngồi yên ? Ngọai thù ôm mộng chiếm lĩnh đất
Nam nước Việt, nội thù cậy quyền chiếm nhà đọat ruộng dân lành, sức
sống dân tộc đang đến chỗ thui chột diệt vong, thử hỏi ta mãi cúi đầu
bịt tai được ư ?
Cuối cùng, thưa các bạn đọc,
có bị đánh ngã, chúng ta vẫn không cúi gục đầu hàng, chúng ta phải cố gắng vùng dậy, ngẩng cao đầu để: … nối gót người xưa
Đó là lời xác quyết gửi đến tất cả bạn đọc từ :
Ban Biên Tập
Trí Nhân Media
5/3/2012
Còn một Việt Nam khác...
Trịnh Hồng Lạc (Danlambao)
- Cơ thể Việt Nam hình chữ S thân yêu đang quằn quại từng ngày, từng
giờ, từ đỉnh đầu phía Bắc đến mũi chân phía Nam, vì những tiếng kêu rên
thống thiết của người dân ở khắp mọi miền đất nước. Tiếng kêu rên ấy
phát ra từ nhà tù tăm tối, từ cánh đồng hoang, mảnh đất trống, hay ngôi
nhà đã bị cướp mất; từ cửa của các cơ quan công quyền; từ các nhà máy,
phân xưởng, xí nghiệp; từ các nẻo đường phố thị hoặc từ biển khơi dội
về...
Tiếng
kêu rên ấy của người trí sĩ trăn trở với vận mệnh dân tộc, đã từng dám
nói lên sự thật để bày tỏ tấm lòng yêu nước; của những người dân bỗng
chốc mất trắng ngôi nhà, mảnh đất, hay ngôi mộ tổ tiên thiêng liêng;
Tiếng kêu rên ấy của những người nông dân bị cướp mất ruộng đồng, đầm
ao, hay được đền bù bằng một số tiền mà chẳng biết phải nên cười hay nên
khóc cho cái cảnh đời còn lại của cả gia đình mình; Tiếng kêu rên ấy
của người công nhân bị bóc lột sức lao động đến kiệt quệ; của những
người bị đẩy xuống mức bần cùng, nghèo nàn sống lê lết qua việc độ nhật
cầm hơi; Tiếng kêu rên của từng đoàn dân oan đi khiếu kiện; của người
ngư dân khắc khổ bám biển dữ để có những đồng tiền lành lặn...
Sẽ là rất thiếu sót nếu không kể
đến các cơ sở tôn giáo, nhà thờ, chùa chiền, nhà nguyện, thánh đường…
của Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Hòa Hảo, hay các tổ chức thiện
nguyện vì lợi ích hiền hòa của cá nhân và gia đình, xã hội, đất nước, họ
đang rên siết và cùng quẩn đến có thể chọn giải pháp tự thiêu đốt mình
để tìm cầu sự giải thoát tạm bợ ra khỏi cái bức ngặt hiện thời vì sự
trấn áp từ phía nhà cầm quyền về tư tưởng cũng như trong sinh hoạt tín
ngưỡng lành mạnh của mình…
Cái cơ thể vốn đã đau oằn trong
suốt một thời gian dài ấy, nay lại thâm lịm vì những cái chết oan khiên
của những người dân vô tội ở đồn cảnh sát (tôi không thích cái danh từ
công an vốn đã gây nhiều ác cảm nữa), ngoài đường phố, hay bất cứ nơi
đâu mà người dân bày tỏ thái độ phản kháng dù là rất ôn hòa với chính
quyền đương thời, để đòi hỏi những nguyện vọng chính đáng, cơ bản của
công dân…
Dòng máu đỏ của mảnh đất Việt
Nam đã bắt đầu rướm ra từ những vết thương bị bươm da lóc thịt… Tài
nguyên, khoáng sản biển, rừng, núi cao nguyên, đất đai bắt đầu chảy tràn
ra khỏi cơ thể của đất nước Việt Nam chỉ để làm giàu thêm cho một nhóm
người rất nhỏ trên mảnh đất này mà thôi, và họ bắt tay chia chác với các
thế lực ngoại bang tham lam từ truyền kiếp, một cách rất tùy tiện… Từng
đàn, từng đàn “voi” được rước đón, được chỉ đường bắt đầu kéo qua dẫm
đạp, giày xéo mảnh đất tổ tiên này, ngang nhiên đi lại nhan nhản và dần
dà giở trò hiếp đáp người dân bản xứ…
Trong sự chảy máu tài nguyên ấy,
làm sao không nhắc đến thành phần lao động bị “giao tay” đi ra quốc
ngoại để tha hương cầu thực chứ… Và trong sự táng tận của nhân tâm, nạn
người buôn bán người làm đầy tớ phục dịch hay nô lệ tình dục tưởng đã
không còn trong thời đại văn minh này nữa, lại xảy ra trên đất nước Việt
Nam, vốn có truyền thống văn hóa Á Đông cổ kính và diễm lệ này…
Tất cả những âm thanh râm ran
thống thiết ấy đã làm nên một tấu khúc bi ai đến rợn người của dân tộc
này, nếu không tạo nên những khối uất hận ngút trời thì cũng biến thành
những cơn tuyệt vọng đến bức tử cho những ai bị cưỡng ép phải thưởng
thức nó mãi…
May thay…
Khi
đất nước đang thoi thóp qua từng ngụm hơi thở mong manh thì lại có một
Việt Nam khác đang len lỏi trỗi dậy để hồi sinh… Le lói đâu đó cũng có
những phản kháng của người dân đối với sự cai trị độc tài và hà khắc của
nhà cầm quyền, từng bước, từng bước một cũng làm cho tầng lớp cai trị
phải chùn chân và nghĩ lại. Chính quyền cũng lồng lộn và dã man hơn đấy,
nhưng ngắm nhìn cho kỹ thì đó cũng chỉ là cái biểu hiện tự nhiên dễ
hiểu của một con dã thú, một thế lực đã quen với bạo cường bị công kích
bất ngờ từ nhiều phía đang giãy giụa trước khi lâm vào cơn cuồng tử mà
thôi. Xin nhắc đến những chí sĩ nổi bật, những con tim nhiệt huyết với
vận nước đang hà hơi tiếp sức lèo lái con thuyền dân tộc đi đến bến bờ
phục sinh tươi sáng hơn. Họ thấy được một Việt Nam khác trường cửu, mạnh
mẽ, nhân ái và đầy sức sống hơn, một Việt Nam chung của một tập thể gần
90 triệu hóa thân Tiên Rồng chứ không phải riêng của ưỡm ờ 3 triệu con
người có tinh thần ngoại lai độc đoán, lắm dã tâm đang cố bám víu vào
một chủ thuyết du nhập vô thần và man rợ để dai dẳng bòn rút đồng bào
mình, làm kiệt quệ quê hương mình…
Tôi nhớ đến một vài danh kiệt
thời đại và xin được có đôi lời chắt chiu ca tụng họ. Họ là những Hòa
thượng Thích Quảng Độ, những Linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh, những Linh mục
Nguyễn Văn Lý, những TS. Cù Huy Hà Vũ, những NS. Việt Khang, những
Blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, những Trần Huỳnh Duy Thức, những Đỗ
Thị Mỹ Hạnh, những Bùi Thị Minh Hằng v.v... và v.v… Tôi gọi “những” là
vì trong từng địa hạt của mình, họ đã thắp lên những ngọn đuốc để châm
mồi cho một số những ngọn đuốc khác, cái ánh sáng lương tri mà họ đem
lại cho dân tộc Việt Nam thật đáng tự hào và tràn trề hy vọng về một
tiền đồ xán lạn của quê hương… Mặc dù, cái giá mà họ phải trả không hề
nhẹ nhàng chút nào… Tôi đã đôi lần khóc với tấm lòng của họ, và rồi cũng
nhanh chóng dìm mình vào quên lãng…
Tôi đã tự luồng lách qua những
đêm đen tăm tối bằng những bài thuyết giảng về đạo đức cao thượng, bằng
những luận điệu quanh co gạt gẫm chính cái lương tri của mình để cố gắng
vỗ về mình hãy đưa những ngôn từ: quê hương, đất nước, chính trị… đi xa
tít và hoàn toàn triệt tiêu trong tâm khảm. Vâng, tôi đã làm được điều
đó trong một thời gian dài, và theo quán tính của cái xã hội bên ngoài,
tôi đã dễ dãi tự ru ngủ mình.
Lạ
thay, những sự vật vô tri dường như cũng cất lên được tiếng nói riêng
của nó trong cái vực sâu nhân tạo ấy… Từng hạt gạo, từng cọng rau, từng
câu hò, từng dòng sông, từng tiếng hát ru của lòng đất Mẹ, … len lỏi vào
những tâm niệm của tôi tạo thành những cảm xúc hồn nhiên và chân thật
đến không ngờ, để đòi nợ hay nhắc nhở một điều gì đó, làm cho lương tri
của mình dẫu đã rất quen thuộc với lối sống vật vờ cũng không thể nào
chết hẳn được…
Tôi lại bắt đầu đục khoét cái
bức tường bưng bít của giáo dục và tuyên truyền, ngăn cách với lịch sử
và sự thật, tôi có được chút ít cảm nhận về công lao của biết bao bậc
anh hùng, anh thư, những bậc trí sĩ từ trong lịch sử nữa… Mỗi một sự hy
sinh, cống hiến thầm lặng hay hiển hách của các bậc tiền nhân đều như
những sợi tơ óng ánh, gom góp nhau để đan dệt thành một mảnh giang sơn
gấm vóc kiêu hùng được đính lên hai chữ Việt Nam thiêng liêng ấy…
Tôi lại nghĩ có một điểm chung
nào đó giữa những bậc anh tài từ cổ chí kim trên đất nước này nhỉ? Đó
phải chăng là vì họ đã từng “nghe” được “tiếng nói lương tri” của cả một
dân tộc trong một sự sống âm thầm nhưng mạch lạc, bất diệt qua nhiều
ngàn năm thử thách, vang vọng từ đáy sâu tâm hồn của Việt Nam nhỉ?
Tôi chẳng phải là một chính trị
gia hay một nhà sử học để có thể tìm mọi cách thuyết phục người khác
bằng những bằng cớ, con số viện dẫn cụ thể, chính xác của lịch sử cũng
như của thời sự; tôi lại càng không phải là một tiểu thuyết gia tận dụng
tối đa khả năng văn chương của mình để bán chạy một cuốn sách nào đó…
Tôi chỉ nói bằng sự quan sát cảm nhận và chút lương tri còn sót lại
trong con người Việt Nam của tôi mà thôi, vì tôi cũng chẳng biết được
sống trong cái xã hội, cái đất nước này thêm một thời gian nữa, liệu tôi
có còn giữ được chút lương tri ít ỏi đó của mình không nữa… Bởi lẽ, bị
kìm kẹp, chăn dắt trong một môi trường bắt buộc phải “thối hóa” (ngược
lại với tấn hóa) từ loài NGƯỜI xuống làm CỪU, phải đối xử tệ bạc với
người khác để có lợi cho mình, thì việc đòi hỏi được làm người chính
danh với những nhu cầu cơ bản nhất là được quyền nhìn nhận đúng bản chất
của nó và được phát biểu, hầu như là điều không thể và còn nguy hại đến
cả chức năng “hít thở” của mình nữa… Tôi tự nhận xét mình có lẽ đang
biến hình thành một con quỷ dật dờ lưu vong ngay trên nơi chôn nhau cắt
rốn của mình, một con “quỷ nước Nam” cô độc, tuyệt vọng, đã từng rất
quằn quại trong sự sợ hãi lẫn hận thù… Nhưng có lẽ, điều đầu tiên tôi
nên làm là dần dà vùng bật dậy trong tư tưởng của mình…
Theo
tầm nhìn của họ, những tên tuổi đáng tự hào của thời cuộc, mà có lẽ tôi
sơ sót không dẫn chứng hết được ở trên, tôi cũng tràn trề hy vọng về
một Việt Nam khác, sẽ hồi sinh sau những cơn bạo bệnh, đang thầm lặng
lột xác từng ngày để trở nên lành lặn, tươi nhuận và mạnh mẽ hơn như
trong những trang sử vàng dân tộc qua các thời đại thịnh trị của các Đức
Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Tây Sơn, thời Đinh, Lê, Lý, Trần… để con dân
nước Việt, trong đó có tôi, được sống trong nhân ái và nhiệt thành. Sự
cùng tất biến, biến tất thông thôi!
Mọi sự việc hiện hữu đều bắt đầu
từ những niệm tưởng, và tôi cũng đã bắt đầu tập tành sống tự hào hơn
trong một đất nước Việt Nam lạc quan khác của riêng mình… Một Việt Nam
sống dậy từ tiếng nói của LƯƠNG TRI!
Viết bên bờ tuyệt vọng…
Sài Gòn, tháng Hai 2012
Nói thêm về tiểu thuyết “The Beauty of Humanity Movement”
Trung tâm của cuốn tiểu thuyết “The Beauty of Humanity Movement” (tạm dịch: Vẻ đẹp của Phong trào Nhân văn) xoay quanh một ông già bán phở rong tại Hà Nội có biệt tài trong cách chế biến nước dùng phở vào thời điểm khoảng năm 2007. Nhưng câu chuyện sẽ dẫn ta qua một quãng thời gian trải dài từ những năm 40, 50 của thế kỷ trước, qua các thời kỳ “cải cách ruộng đất”, “bao cấp”, qua “đổi mới” và tới tận sát thời điểm cuốn sách được xuất bản. Ông già Hưng bán phở rong chính là một nhân chứng, một người bạn, một người học trò và là ân nhân của một nhóm thực khách quen thuộc ở quán phở của ông tại Hà Nội vào những năm 1950. Những thực khách quen xa xưa đó là những họa sỹ, nhà thơ, nhà văn, nhà tư tưởng không chấp nhận sự chỉ đạo, áp đặt, nô dịch về suy nghĩ, sáng tác của chế độ mới hình thành trên miền Bắc Việt Nam sau cuộc “cách mạng” do những người cộng sản lãnh đạo. Nhân vât thứ hai là một cô gái Việt kiều người Mỹ, có tên Maggie Lý, trở lại Việt Nam để tìm lại bố, đúng hơn là đi tìm lại quá khứ và hình ảnh của người bố đã bị mất liên lạc với mẹ con cô, khi cô (lúc đó mới vài tuổi) và mẹ vội vã lên máy bay sang Mỹ trong những giây phút hỗn loạn của thời khắc 30/04/1975. Một trong những điều thôi thúc Maggie Lý đi tìm lại quá khứ của bố mình là ký ức tuổi thơ của cô về những ngón tay cong queo như những móng chim của bố cố quặp chiếc bút để vẽ cho cô những bức tranh. Bố của Maggie Lý chính là một cộng tác viên của phong trào “Nhân văn”, ông đã trốn thoát vào Nam và sau đó bị kẹt lại Sài gòn trong những giây phút định mệnh cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, rồi mất tích. Gặp nhiều trắc trở và có nhiều lúc Maggie Lý định bỏ cuộc, không chỉ vì thấy vô vọng mà cô còn phát hiện ra bố cô chỉ là một trong số hàng triệu nạn nhân của chế độ mà bố cô đã phải chạy trốn và bố cô cũng chưa phải là nạn nhân bất hạnh nhất. Cuối cùng, Maggie Lý đã xác định lại được đúng lịch sử của bố mình, một họa sỹ không khuất phục bạo quyền đã bị “người ta” cố tình loại bỏ khỏi nghề nghiệp (bằng những viên gạch đập lên các ngón tay cho đến nát) và tẩy đi mọi dấu vết đã hiện diện trên đời dù là nhỏ nhất (như cái tên sinh viên trong hồ sơ lưu trữ của một trường mỹ thuật). Từ hai nhân vật chính này độc giả sẽ gặp thêm nhiều nhân vật với những tính cách, quá khứ, quan niệm, trăn trở khác nhau về cuộc sống, xã hội thuộc nhiều thời kỳ của Việt Nam, từ thời “xếp hàng cả ngày để mong mua được vài miếng thịt tiêu chuẩn rồi cuối cùng được trả lời là “hôm nay không có thịt” “, thời của những thanh niên đắm đuối với Việt Nam Idol, hay những nhân vật, những cái tên chỉ xuất hiện thoáng qua cũng đủ gợi lên những suy nghĩ trái ngược hay làm nhớ đến những biến cố, biến chuyển lớn, phức tạp của Việt Nam trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.
Nhưng “The Beauty of Humanity Movement” không chỉ làm nổi lên sự bi tráng, bi kịch của “Nhân văn-Giai phẩm” hay những nhẫn tâm, ác độc, xảo quyệt trong việc dập tắt khát vọng tự do của giới nghệ sỹ, trí thức. Với cách tiếp cận đa diện về chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống, “The Beauty of Humanity Movement” còn làm bật lên những thiếu hụt nhận thức có tính nền tảng cho một Việt Nam dân chủ như sự nhận thức đúng về tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm (responsible capitalism), hòa giải, hòa hợp giữa người Việt Nam với nhau hay việc hiểu được đúng hậu quả mối quan hệ giữa Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh…
Khi gập cuốn truyện lại, lúc không còn trang nào để lật nữa, độc giả Việt Nam vẫn có thể phải vấn vương mãi trong đầu nhiều điều mà các nhân vật hay người kể chuyện đã nói đến hay gợi ra. Ta đã hiểu đúng về tự do ngôn luận chưa nếu ta không muốn để người khác được nói ra điều mà ta cho là lố lăng, là có hại cho xã hội? Đất nước có “đứng lên” (emerging) được không, có chống được cái ác không, nếu ai cũng chỉ coi gia đình mình là quan trọng nhất? Phải chăng sự trì trệ, lạc hậu trong chính suy nghĩ của ta là nguyên nhân của những bất công, ngang trái ngoài xã hội? Tư lợi (self-interest) có luôn luôn là điều xấu như ta vẫn nghĩ? Một đất nước sẽ ra sao khi nó tự xóa đi lịch sử của mình, xóa đi hết thảy những gì trái ngược với Đảng? v.v.
Có thể nhiều nhà văn Việt Nam cũng để ý, trăn trở tới những vấn đề tương tự kể trên, nhưng để có một tác phẩm văn học Việt nêu lên được những vấn đề như thế, đến nay, vẫn không phải là điều dễ dàng. Vì vậy “The Beauty of Humanity Movement” là một tác phẩm văn học không chỉ hữu ích cho người Việt Nam mà còn rất xứng đáng được người Việt Nam trân trọng, cảm ơn. Chỉ tiếc rằng “The Beauty of Humanity Movement” chưa được dịch sang tiếng Việt và nếu có được dịch cũng chưa thể xuất bản một cách hợp pháp tại Việt Nam.
Tác phẩm: Nét đẹp của Phong Trào Nhân Văn - The Beauty of Humanity Movement
Tác giả: Camilla Gibb
Dịch thuật: Lê Hoàng Việt
Hiệu đính: Hoàng Diễm Ly
Lời dịch giả
Tình cờ đọc được một bài viết giới thiệu về cuốn sách trên BBC News.
Ngẫm lại tôi đã học English từ những năm lớp 6 đến giờ vẫn chưa đọc một
nguyên tác văn học nào trên thế giới bằng tiếng Anh, cái học của mình
mặc dầu không thể nói là vô dụng, nhưng cũng không hơn là bao. Lại trộm
nghĩ đây cũng là một cơ hội để học rồi hành, lấy cái mình biết ra góp
một phần cho những bạn muốn đọc mà không có thời gian để đọc nguyên tác,
một số độc giả chưa thể đọc được nguyên tác, hay một số bạn chưa có
hứng thú, thí đây là một cơ hội để tác phẩm viết về người Việt được
người Việt đọc, tiếp cận với độc giả Việt, rút ngắn thời gian đọc nguyên
tác hơn.
Một lý do thứ hai không kém phần quan trọng là vụ Nhân Văn Giai Phẩm hầu
như ai cũng biết, nhưng chỉ là biết tên đối với giới trẻ, giới trẻ
trong nước cũng như hải ngoại hầu như không có tài liệu minh xác nào,
chỉ qua những lời kể thời gian không rõ ràng. Hiển nhiên, tác phẩm này
chỉ là hư cấu, và là một tiểu thuyết, ta không thể căn cứ vào đây để xét
đoán, nhưng viết về vụ Nhân Văn Giai Phẩm âu cũng là thêm một vài câu
chuyện kể để phần nào những ai có hứng thú có thể đi xa hơn, sâu hơn,
cùng giúp cộng đồng người Việt hiểu hơn lịch sử đất nước, cũng như người
ngoài hiểu hơn về Việt Nam.
Tác phẩm là một lần thứ hai tôi cảm thấy rất kinh ngạc chuyện người nước
ngoài viết về Việt Nam lại có thể hay như vậy, sâu sắc như vậy. Tác
phẩm thứ nhất tôi được đọc bản dịch của dịch giả Dương Hiếu Nghĩa - Mẹ Việt Nam ơi dân ta có tội tình gì của một nhà báo Pháp, Pierre Darcourt, nguyên tác VIETNAM, QU'AS TU FAIT DE TES FILS? Và lần thứ hai này tôi lại có cơ duyên được đọc nguyên tác của một nhà văn Mỹ, bà Camilla Gibb, với tác phẩm: The Beauty of Humanity Movement, dịch theo như tên đề nghị là: Nét đẹp của phong trào nhân văn.
Có một số hạn chế, với những dịch giả, và nhất là những dịch giả không
chuyên là làm cách nào để giữ được một cái nhìn trung lập mà lại chuyển
đi được toàn vẹn cảm xúc của câu chuyện, những ý định tác giả đã gửi gắm
vào đó. Nền văn hóa khác nhau đã gây ra những nhận thức khác nhau là
một chuyện, ngôn từ khác nhau lại là một vấn đề đau đầu nữa mà quả thật
khi dịch tôi luôn gặp lúng túng. Một vốn kiến thức nông cạn, một tác
phẩm chuyển dịch đầu tay, một người không chuyên nghiệp, kinh nghiệm
sống nhỏ nhoi, hẳn sẽ để lại trong bản dịch muôn ngàn hạt sạn. Bởi tác
phẩm được viết cho miền Bắc, cho trái tim Hà Nội, nhưng dịch giả lại là
người miền Trung, học Đại Học ở Sài Gòn, editor cũng ở Sài Gòn, chắc
chắn phong tục tập quán miền Bắc không rành rọt, ngôn từ lại càng không
chuẩn, nên chi rất mong tất cả sự lượng thứ và đóng góp.
Về mặt dịch thuật, có những hoàn cảnh được tác giả xây dựng đối thoại
giữa những nhóm người, khi cao trào, vẫn chỉ là "I - You", dịch giả
thường gặp khó khăn khi gắng giữ một thái độ trung lập, dịch là mày-tao,
cậu-tớ hay thằng này, gã kia, tên kia đây?! Bởi lời nói của nhân vật
ngoài biểu thị thái độ của nhân vật đó, còn biểu thị quan điểm của tác
giả, thà rằng tác giả viết rằng "you bastard" ta còn có thể dịch theo
nghĩa tiêu cực, nhưng chỉ có "I - You" thường tôi rất băn khoăn không
biết phải đâu mới đúng. Hay đôi khi chỉ một con người xa lạ, chỉ giới
thiệu vài dòng "The nurse" rồi biến mất mãi mãi, nếu cứ dùng nguyên
nghĩa "người y tá" mãi đọc cũng sinh nhàm, mà dùng đại từ nhân xưng để
thay thế thì thật băn khoăn không biết cần dùng : anh ấy hay ông ta, cô
ấy hay bà ấy, quả thật là rắc rối, bởi tác giả không xác định giới tình
người ta!
Một khó khăn khác là có những ngôn, hành, không có trong tiếng Việt. Và sau 24 năm sống trên cõi đời này, tôi mới nhận ra được một điều rằng tiếng Việt của chúng ta không phải là vạn năng, những từ mới luôn phát sinh, và luôn thiếu những từ để biểu thị sự vật hiện tượng. Ngay trong bản thân tiếng Việt, chúng ta có cụm từ "Nhân Văn" thì "Nhân" nghĩa là con người, "Văn" là vẻ đẹp, "Nhân Văn" đã hàm ý là vẻ đẹp của con người, của nhân loại; nhưng đôi khi ta vẫn dịch cho dễ hiểu là nét đẹp nhân văn. Như trong nguyên tác, có một đoạn nhỏ miêu tả anh Tư, một chàng trai Hà Thành nấu phở, anh ta lấy một thía nước mắm và hắt nó vào nồi, trong nguyên tác sử dụng từ "slash of nước mắm", nó là một cái vung, cái vẩy, một đoạn nước mắm trong thìa, không nhiều, không ìt, nhanh chóng, nhưng hầu như ta không biết phải diễn tả thế nào cho đúng chỉ trong đôi ba từ, nhiều quá thí rườm rà, trong khi nguyên tác chỉ cần 1 từ mà diễn ý. Quả thật, có những cái khó mà nếu không trải qua ta sẽ chẳng thể nhận ra được, cũng như những cái hay của một dịch giả trong quá trình dịch, quá trính đi tím hiểu những từ lóng, những hình ảnh, những phong tục. Và rồi nhận ra một điều, tại sao một tác giả người Mỹ, lại am hiểu Việt Nam như vậy?!
Hẳn nhiên, một người nước ngoài thì nhìn Việt Nam qua con mắt nước
ngoài, có những cảm nhận, những hiểu (lầm) theo cách của họ, nhưng nhín
chung rộng lượng, ta sẽ thấy rằng tác giả là một người hiểu rất rõ người
Việt, một số khía cạnh, một số lĩnh vực rất đáng khâm phục, cũng như
khéo léo lồng vào đó quan điểm của một người rất Mỹ thông qua cô gái
Việt Kiều Maggie, quan điểm về sự tự do đối với nghệ thuật đương đại, và
Tư, với quan điểm của một người Việt Nam đang còn nằm ở giữa kì chuyển
tiếp với cái nhìn nửa bảo thủ nửa cởi mở.
Câu chuyện còn đưa chúng ta quay lại thời quá khứ, những năm cải cách
điền địa, có vài phê phán nhẹ nhàng được đưa ra dưới góc nhìn của ông
già bán phở Hưng, nhưng trên hết là một điều đã, đang, và tiếp tục được
"chúng ta" xóa đi những vết tích, xóa bỏ lẫn thay đổi lịch sử, và một bộ
phận lớn giới trẻ đang quan tâm hơn đến tương lai hơn là quá khứ, thì
tác giả lại hiểu khá sâu sắc, tất nhiên sẽ chẳng có cứ liệu lịch sử nào
đưa ra trong này, đây chỉ đơn thuần là một tác phẩm tiểu thuyết, nhưng
rồi chúng ta, khi hiểu lịch sử, đọc tác phẩm, sẽ càng cảm phục những
hiểu biết và cảm nhận, cũng như những sự thật (hư cấu) trong truyện. Tại
sao lại là sự thật hư cấu, vì nó là sự thật, nhưng hư cấu qua tiểu
tiết, tình tiết trong truyện.
Bên cạnh lịch sử, những cụm từ mà giờ đây đã lãng quên trong giới trẻ,
một số gốc từ sẽ được dịch giả chú thích ở nửa sau tiểu thuyết như
"Trotsky", "China Beach"... ta sẽ tìm thấy sự hiện đại, đương đại, một
Việt Nam mạnh mẽ vươn lên, cũng như những góc tối của xã hội hiện tại.
Câu chuyện là sự đan xen giữa hiện tại, quá khứ, và hướng đến tương lai,
một sự thật rõ ràng là tác giả hiện tại đang viết về quá khứ, cuộc đời
qua lời kể của những con người.
Chúng ta nghĩ gí khi biết rằng từng chi tiết nhỏ của người Việt Nam đều
được người nước ngoài nhìn nhận, sự thật vẫn là sự thật, nó vẫn phơi bày
ra đó dù người ta không để ý hay khỏa lấp, người nước ngoài thấy chúng
ta đi, chúng ta đứng, thấy những hàng xe đan cửi trên đường, thấy một
người khạc nhổ giữa phố, thấy vài gã say khật khưỡng trong đêm, thấy
những bà bán hàng quán xúm lại mời mọc gây phiền hà, thấy những người Hà
Nội kì thị Việt Kiều, xem họ như những kẻ bỏ chạy theo giặc, người nước
ngoài cũng thấy những con người của một dân tộc thờ phượng tổ tiên, coi
trọng mồ mả cha ông phải bỏ xứ mà đi, phải tị nạn, phải khai sinh ra
cái tên "thuyền nhân", rồi ngày nay, người nước ngoài đi dạo qua khu phố
cổ, trong con hẻm tối họ thấy một người đàn bà đang ngồi tiểu, họ thấy
ông già bán phở dạo bị truy đuổi, bị đánh, bị bắt đóng thuế kinh doanh.
Than ôi, tôi từng nghĩ đến, ai cũng từng nghĩ đến, nhưng phải khi đọc
một tác phẩm đương đại ta mới thấy rằng người nước ngoài vẫn luôn nhín
người Việt Nam đó thôi, dẫu ta biết hay không.
Tác giả sẽ đưa chúng ta qua một món ăn đã trở thành một trong những linh
hồn của Hà Nội, một trong những món ăn của Việt Nam, Phở! Phở dưới sự
chế biến cầu kì của người nghệ sĩ nấu phở, ông già Hưng, hay của chàng
trai trẻ Tư, Phở được làm từ những sợi rong trong một cái ao, hay Phở
được làm từ những nguyên liệu cao cấp, những bước chế biến, cũng được
tác giả chăm chút miêu tả khá kĩ càng, từ bước chế biến đến cảm xúc
người nấu, người ăn. Tại sao phở lại chế biến từ những sợi rong?! Là bởi
những năm tháng bao cấp chúng ta cơm còn chẳng đủ mà ăn, nói gí đến
phở, mà đến nỗi tôi lo ngại giả như kéo dài chừng vài chục năm nữa, liệu
chăng những món ăn quốc hồn quốc túy chỉ còn là dĩ vãng?!
Cái đói khát, cái nghèo nàn mà chẳng sách vở nào miêu tả, và chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết nếu không tím không đọc, tím cũng chưa chắc ra, là những năm tháng sau cải cách điền địa, nếu sách vở chính thống chỉ cho ta những lời lẽ đơn giản như sản xuất suy giảm, năng suất thấp, thí đến với tác phẩm, ta sẽ có một góc nhìn rất con người hơn, là thực phẩm giảm đi như thế nào, từ từ, chậm rãi, chúng tác động đến đời sống thành thị vừa nhanh lại vừa chậm, ông bán hàng thịt không còn thịt để bán, rau cỏ trong chợ chỉ còn chăng những bó rau héo, những quả dòi đục, một không khí u ám nặng nề, và sự tuyên truyền mỗi ngày được phát đi phát lại không mỏi mệt. Lại bất chợt nghĩ mà khâm phục tác giả lấy đâu ra những cảm nhận đó để mà viết nên đây?!
Nếu ai đã nghe nhạc, hẳn người Việt Nam nào ít nhiều cũng đều biết nhạc phẩm "Gửi người em gái" của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh; trong nhạc phẩm sáng tác năm 1956 ấy có đoạn "Hà Nội chờ đón Tết, vắng bóng người đi, liễu rũ mà chi..." miêu
tả một Hà Nội chờ đón Tết không tấp nập người đi, mà vắng bóng lặng lẽ,
tại sao lại vắng bóng lặng lẽ, do chiến tranh ư, không, không phải
chiến tranh, vậy do đâu thí đành để lại cho độc giả tự tìm hiểu vậy, sau
này được cố ý đặt lại rằng "Hà Nội chờ đón Tết, hoa chen người đi..." tôi
lại nhớ đến một câu nói của người thầy dạy nhạc rất lâu trước đây: mỗi
nghệ sĩ là một chứng nhân lịch sử, không thể phủ nhận sự thật trong lịch
sử được, sự thật qua thi ca, qua âm nhạc. Dẫu mai sau dù lịch sử đã
hoàn toàn bị xóa bỏ hay thay đổi, thí lúc này đây, lịch sử vẫn đang xảy
ra, trôi qua từng phút khắc một là sự thật. Và trở lại với tác phẩm, ta
sẽ được tác giả dẫn dắt cả trong nghệ thuật những năm tháng xưa và nghệ
thuật đương đại của Việt Nam, với sự Tây hóa, với sự chuyển mình mạnh
mẽ, cả nét đẹp lẫn tính xấu, giữa những tác phẩm được sáng tác và tác
giả chết trong đói nghèo như Bùi Xuân Phái nay được bán cả hàng ngàn
Dollar và những sáng tác được làm một cách công nghiệp, với những họa sĩ
bị đồng tiền chi phối, với những gallery, những phòng tranh ở Hà Nội,
những thực trạng, hay cũng chình là những nét hiện đại của Việt Nam đang
hướng đến. Tất nhiên, những nghệ sĩ chết trong đói nghèo thí nhiều
không kể xiết, hầu hết ở miền Bắc, và tôi cũng chỉ nghe nói nghệ sĩ chết
ví đói nghèo ở miền Bắc, lại là thủ đô Hà Nội, nếu muốn biết rõ hơn,
độc giả có thể tự tìm hiểu vài nghệ sĩ như: Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn
Thương (nhạc phẩm Đêm Đông sáng tác trong đêm giao thừa ở Hà Nội 1939
khi nhạc sĩ lang thang giữa phố phường vắng lạnh vì không có tiền về
Huế…)
Cuối cùng, với tất cả những sự trân trọng và biết ơn. Đầu tiên, cảm ơn
tác giả đã cho chúng ta thêm một tài liệu, một cứ liệu, một góc nhìn về
Việt Nam, lịch sử và đương đại, một tác phẩm trong kho tàng văn học của
thế giới tin rằng sẽ làm sâu sắc hơn nhận thức của người đọc, khắc họa
lại một Việt Nam mới mẻ trong tâm trì độc giả. Tôi cảm ơn những người,
cuộc đời đã cho tôi những thứ tôi có để hoàn thành tác phẩm, là tri
thức, là kinh nghiệm sống, là cơ sở học hành. Đặc biệt cảm ơn người bạn
đã luôn đồng hành cùng tôi trong quá trình dịch truyện, người đã nhiệt
tình giúp tôi edit tác phẩm, với tất cả lòng tri âm, mến mộ, và cả tình
cảm đặc biệt dù chúng ta chưa một lần gặp mặt, nhưng tin rằng trong một
lúc nào đó thí tôi mạn phép gọi là đồng điệu tâm hồn, bạn Hoàng Diễm Ly.
Sau rốt, một phần rất lớn tài liệu được tham khảo từ hệ thống tìm kiếm
Google, wikipedia, Google Images, Google Translate và trang web
tratu.soha.vn.
Trân trọng,
Tùy Phong.
Tùy Phong.
Seoul, 2012 February 2nd (last edit: February 18th)
***
Nét đẹp của Phong Trào Nhân Văn
The Beauty of Humanity Movement
Tác giả: Camilla Gibb
Dịch thuật: Lê Hoàng Việt
Hiệu đính: Hoàng Diễm Ly
* Để đọc toàn bộ tác phẩm với kích cỡ chữ lớn hơn, mời các bạn click chuột vào đường dẫn sau:
https://docs.google.com/open?id=0B2lhqEPNsYTnbGpUZjc0WGJUSWluNS1qcWk3T1RvQQ
Để tải tác phẩm về máy, bạn đọc vui lòng di chuyển chuột đến góc phải, chọn File --> Download Original (Ctrl+S)
Cựu Bộ trưởng Nội vụ thời Cộng sản Hungary bị truy tố về tội ác chống nhân loại
Cựu bộ trưởng Nội vụ Hungary Biszku Béla. Ảnh chụp năm 1970.
Wikipedia
Hoàng Nguyễn / Trọng Nghĩa -RFI
Căn cứ vào đơn tố cáo của đảng cực đoan JOBBIK tại Hungary, Viện Kiểm
sát Thủ đô Budapest ngày 29/02/2012 đã khởi tố ông Biszku Béla, cựu Bộ
trưởng Nội vụ Hungary thời kỳ 1956. Năm nay 91 tuổi, người từng được
mệnh danh là “nắm đấm cứng nhất của thể chế độc tài mềm” bị truy tố về
vai trò của ông trong các cuộc thanh trừng, đàn áp sau cuộc cách mạng
dân chủ 1956.
Theo Thông tín viên Hoàng Nguyễn tại Budapest, ông Biszku Béla là
người đầu tiên có thể phải ra trước vành móng ngựa vì tội danh quy định
trong một đạo luật mới, có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 năm nay : Ðạo
luật về sự trừng phạt những tội ác được thực hiện dưới chế độ cộng sản
cũng như những tội ác chống sự nhân bản.
Ðược đề xuất bởi dân biểu đảng cầm quyền FIDESZ Gulyás Gergely,
đạo luật nói tên được Quốc hội Hungary thông qua vào ngày 30-12 năm
ngoái, theo đó, những tội ác chống sự nhân bản không bao giờ hết thời
hiệu. Căn cứ vào đó, những kẻ “đặt hàng” những tội ác trong làn sóng đàn
áp sau cách mạng 1956, và có thể cả những đại diện của cơ quan tư pháp
thời đó, cũng có thể bị truy tố vì những tội ác cách đây gần 60 năm của
họ.
Dân biểu Gulyás, khi đề xuất đạo luật kể trên, đã phát biểu rằng nó chỉ nhằm vào một nhóm nhỏ, cùng lắm là vài chục người – trong số đó, ông đã đích thân nhắc đến Biszku. Ông Gulyás cũng nói thêm rằng, “khi đạo luật đã đi vào thực thi, nếu có lời tố cáo, sẽ không có trở ngại gì để thực hiện những thủ tục hình sự được xác định trong luật”, nhưng đảng cầm quyền sẽ không làm việc tố cáo đó để khỏi bị biến thành bia chỉ trích một cách hoàn toàn không cần thiết.
Và điều đó đã đến: hai dân biểu đảng JOBBIK là các ông Szilágyi György và Apáti István đệ đơn tố cáo Biszku Béla với những tội danh rất trầm trọng như giết người có chủ đích, xâm phạm trầm trọng đến thân thể người khác, sử dụng nhục hình và giam giữ bất hợp pháp (nhằm vào những hành vi của ông trong làn sóng thanh trừng sau năm 1956).
Ngoài ra, Biszku còn bị cáo buộc về tội tòng phạm trong sự bội phản và bán nước (nhằm vào sự tham gia của ông trong nội các Kádár do Moscow tạo dựng sau biến cố 1956). Dân biểu Szilágyi György nhấn mạnh: theo những người đệ đơn tố cáo, việc Biszku đã thực hiện những tội ác nói trên là điều “ai cũng biết”, nên họ hy vọng cuộc điều tra sẽ kết thúc nhanh chóng để có thể đưa ra bản án đối với vị cựu bộ trưởng.
Kèm đơn tố giác, hai nghị sĩ đảng JOBBIK đã gửi kèm danh sách mấy trăm người bị án tử hình rồi bị hành quyết sau cách mạng 1956 như một bằng cứ cho lời cáo buộc của họ.
Một trong những kẻ thủ ác cuối cùng…
Trong 2 năm qua, nhân vật Biszku Béla thường xuyên được nhắc tới trên chính trường và truyền thông Hungary, như một trong những kẻ thủ ác cuối cùng còn sống sót của quá khứ cộng sản Hungary.
Sinh năm 1921, vốn là một thợ nguội, gia nhập Đảng Cộng sản Hungary năm 23 tuổi, Biszku đã leo mọi nấc thang của bộ máy đảng để trở thành Bộ trưởng Nội vụ trong nội các của lãnh tụ Kádár János trong thời kỳ 1957-1961. Sau đó, ông còn được tấn phong chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Bí thư Trung ương đảng.
Khi cuộc cách mạng dân chủ 1956 bùng nổ, Biszku đã tổ chức những đơn vị vũ trang, thành viên gồm các đảng viên và công nhân trung thành với đảng, để chống lại quân khởi nghĩa. Vì thành tích đó, sau biến cố 1956, ông được tặng Kỷ niệm chương Vì chính quyền Công-Nông, một trong những phần thưởng lớn nhất của thể chế Kádár.
Đặc biệt bị hậu thế lên án mạnh mẽ nhất là những hành vi của Biszku trên cương vị người đứng đầu Bộ Nội vụ sau cách mạng 1956. Ông được coi là người trực tiếp chỉ đạo chiến dịch đàn áp của chính phủ mới, với chừng 300 bản án tử hình và 20.000 bản án tù đày dành cho những người tham gia cuộc cách mạng.
Có nhiều bằng cứ cho thấy là Biszku còn can thiệp thô bạo vào hoạt động của cơ quan tư pháp: theo những hồ sơ còn lưu, trong các phiên họp nội bộ của Trung ương Đảng, ông đã lên tiếng đòi tòa các cấp tại Hungary phải đưa ra những bản án “nghiêm khắc” hơn nữa, và rằng con số các bản án tử hình như vậy vẫn còn “quá nhẹ tay”. Luôn là người theo chủ trương cứng rắn, năm 1978, Biszku bị cách chức và cho về hưu vì phản đối chính sách hòa dịu của Tổng bí thư Kádár János vào thời đó.
Tuy nhiên, Biszku chỉ thực sự ngưng hoạt động chính trị khi Hungary kinh qua biến chuyển dân chủ năm 1989. Từ đó, Biszku sống yên ổn và không bị ai quấy rối tại biệt thự tại Đồi Hoa hồng, khu “thượng lưu” ở Budapest, với mức lương hưu tính theo năm 2010 là gấp 3-4 lần mức lương hưu của một người lao động bình thường. Nếu không bị săn lùng bởi một cặp ký giả muốn cật vấn quá khứ, có lẽ công luận Hungary tưởng Biszku đã qua đời từ khi nào…
Nhắc lại, điểm đặc biệt là một trong hai dân biểu đảng cực đoan JOBBIK đã tố cáo Biszku trong dịp này, ông Szilágyi György, cách đây một năm rưỡi, cũng đã từng đệ đơn vạch tội Biszku vì khi xuất hiện trong một bộ phim mang tính tư liệu, vị cựu bộ trưởng đã công khai phủ nhận, chối bỏ những tội ác của thể chế cộng sản tại đất nước này.
Cơ sở của đơn tố giác đó là một điều khoản trong Bộ Luật Hình Sự (BLHS) mới được sửa đổi vào mùa hè 2010 của Cộng hòa Hungary, theo đó, có thể phạt tù giam tối đa 3 năm đối với người nào công khai phủ nhận, tỏ ra nghi ngờ hoặc cho rằng tội ác diệt chủng của các thể chế Quốc xã và Cộng sản – cũng như các tội ác chống nhân loại khác – là “không đáng kể”. Trong vụ án này, ông Biszku đã bị ra tòa vào năm 2011, nhưng sau đó tòa tạm ngưng xử để chờ ý kiến của Tòa án Hiến pháp.
Nhu cầu trong sạch hóa quá khứ và “dằn mặt” cánh tả
Trở lại vấn đề trên, nhìn lại 23 năm kể từ khi Hungary thay đổi thể chế chính trị, nước này do đã có những biến chuyển dân chủ từng bước rất sớm từ thập niên 80 thể kỷ trước, nên sự chuyển tiếp hầu như không gặp phải khó khăn gì liên quan tới vấn đề đối diện với quá khứ cộng sản. Các viên chức của chế độ cũ nhìn chung không bị kỳ thị, không ít quan chức cộng sản tiếp tục trở thành những yếu nhân trong Ðảng Xã hội Hungary (MSZP), một trong hai chính đảng mạnh nhất, đã nhiều lần cầm quyền tại Hungary từ năm 1990.
Tuy nhiên, những năm gần đây, xã hội Hungary trở nên nhạy cảm hơn với quý khứ cộng sản, cho đến nay vẫn bị coi là chưa được xử lý thỏa đáng. Nhiều văn nghệ sĩ, chính khách, nhân sĩ bị báo chí cánh hữu phanh phui là từng hợp tác với cơ quan mật vụ chính trị, khiến công luận dần dần có nhu cầu trong sạch hóa quá khứ. Bề ngoài là để đáp ứng nhu cầu đó, đảng cánh hữu FIDESZ, trong những năm qua, đã liên tục có những nước bài quyết liệt, mà gần đây nhất là việc đưa khả năng trừng phạt những kẻ đã gây tội ác trong thể chế cũ vào bản Hiến pháp mới.
Không phải ngẫu nhiên mà một bộ phận công luận đã nhận ra ngay ở đây, ý đồ dằn mặt cánh tả, đặc biệt là Ðảng Xã hội Hungary. Trở lại đạo luật cho phép trừng phạt Biszku Béla và những đồng phạm, FIDESZ đã không giấu giếm khi nói rằng, đảng này đã tạo cơ hội để “bồi đắp quá khứ”, và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết nếu có ai tố cáo, chứ họ không trực tiếp đứng ra làm việc đó. Và đóng vai trò tố giác, không ai khác, ngoài đảng cực đoan JOBBIK.
Có lẽ cảm thấy đã đạt được mục đích nên chỉ cách đây ít ngày, Quốc hội Hungary với hơn 2/3 số ghế thuộc liên minh cầm quyền đã bỏ phiếu chống một dự luật được phe đối lập ủng hộ, nhằm bạch hóa quá khứ của tất cả những ai đã tham gia và hợp tác với cơ quan mật vụ chính trị thể chế cũ. Lý do được đưa ra là những thông tin được thu thập trong một thể chế chính trị – xã hội bị coi là bất hợp pháp như chế độ cộng sản trước đây, phải được coi là thuộc sở hữu những người bị thu thập thông tin, chứ không thuộc sở hữu nhà nước, và việc công bố chúng là vi phạm các quyền cá nhân.
Như một số bình luận viên chính trị có chỉ ra, có cái gì không đồng bộ trong việc tận diệt những người như Biszku Béla, trong khi lại không bạch hóa quá khứ chỉ điểm, điều mà đa số các quốc gia thuộc khối XHCN cũ – nhất là nước Ðức – đã làm trước Hungary rất nhiều năm. Trong sạch và trực diện với quá khứ là điều cần thiết, với điều kiện nó không là ván bài chính trị nhất thời, được sử dụng với toan tính “bê-tông hóa” quyền lực của phe cầm quyền, và phù hợp với ý nguyện của số đông cư dân từng là nạn nhân bị theo dõi, chỉ điểm, hoặc bị trù dập, đàn áp bởi chính quyền cộng sản…
Một người mẹ của bốn con đã châm lửa vào mình cho
đến chết ở tây nam Trung Quốc, các nhà hoạt động nhân quyền và
lưu vong Tây Tạng cho biết.
Tổ chức Tây Tạng tự do có trụ sở tại Anh cho biết người phụ nữ đã châm lửa tự thiêu gần tu viện Kirti thuộc tỉnh Tứ Xuyên.
Đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ tự thiêu của người Tây Tạng để phản đối sự cai trị của chính quyền Trung Quốc.
Theo một số nguồn tin thì người phụ nữ này đã hô đòi tự do cho Tây Tạng và đòi Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, trở về trong khi ngọn lửa bao trùm khắp người bà.
Tu viện Kirti nằm trong tuyến đầu trong các cuộc biểu tình ủng hộ tự do cho Tây Tạng trong những tháng gần đây.
An ninh đã được thắt chặt hơn nữa ở Tây Tạng trước khi diễn ra những ngày kỷ niệm nhạy cảm.
Tháng Ba là tháng có những ngày kỷ niệm nhạy cảm của người Tây Tạng, trong đó có ngày ra đi lưu vong của Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 1959.
Các quan chức địa phương chưa có bình luận gì về vụ việc.
Trong năm ngoái đã có hơn 20 người Tây Tạng chết trong các vụ tự thiêu – một hành động phản kháng tuyệt vọng đối với sự cai trị đàn áp của chính quyền Trung Quốc và nền văn hóa của họ bị mai một.
Trung Quốc đã đổ tiền của vào các khu vực sinh sống của người Tạng với hy vọng sẽ giành được tình cảm của họ bằng cách phát triển kinh tế.
Tuy nhiên họ cũng đưa cảnh sát vào tràn ngập khu vực, tăng cường giám sát các tu viện và khóa một phần mạng internet và mạng điện thoại di động.
Các nhà báo nước ngoài bị bắt gặp cố tìm đến nơi có nhiều hoạt động bạo loạn ở phía tây tỉnh Tứ Xuyên đã bị trục xuất về nước hoặc bị bắt giữ.
Biên tập viên châu Á-Thái Bình Dương của BBC Viv Marsh nhận xét rằng giới chức Trung Quốc rất tích cực ngăn chặn các cuộc biểu tình phản đối trong khi Quốc hội nước này đang nhóm họp ở Bắc Kinh trong tuần này và trước cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng vào cuối năm nay.
Cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết Bấm nói với BBC
ông tin rằng Việt Nam “nên dừng lại” dự án xây nhà máy điện hạt nhân ở
Ninh Thuận “nếu vẫn còn kịp,” đồng thời gợi ý vẫn có thể “xin lại ý
kiến” của Quốc hội của Đảng kể cả khi đã có các nghị quyết được “thông
qua” trước đây.
Phát biểu chỉ một tuần trước khi thế giới tưởng niệm tròn một năm sự cố thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản bị mất an toàn do sóng thần gây ra (11/3/2011-11/3/2012), Giáo sư Thuyết tái khẳng định Việt Nam “không đáng phiêu lưu” với các dự án mà theo ông lợi có thể bất cập hại.
“Về dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, khi bàn thảo ở
Quốc hội, tôi cho rằng không đáng phải phiêu lưu về sự an toàn và về cả
an toàn kinh tế để mở ra hai nhà máy mà chỉ đóng góp có 4% tổng năng
lượng quốc gia.
“Sau khi tôi đã có ý kiến như vậy, tôi thấy có rất nhiều chuyên gia đã phân tích rất sâu về sự tốn kém và sự không an toàn của điện hạt nhân. Và hiện nay, xu hướng ở trên thế giới, người ta cũng bỏ dần điện hạt nhân.
“Khá nhiều quốc gia đã đình chỉ, tiến tới gỡ bỏ các nhà máy điện hạt nhân. Không có lý do gì mà chúng ta cứ cố kiết làm một việc đi ngược lại xu hướng chung của khoa học kỹ thuật thế giới như vậy, mà những khả năng xảy ra mất an toàn cũng rất dễ.”
“Chúng ta đã thấy Nhật là một đất nước tiên tiến như thế nào, nhưng chỉ một trận sóng thần của họ đã làm cho nhà máy hạt nhân ở Fukushima trở nên mất an toàn và làm cho Nhật thay đổi chính sách về điện hạt nhân.
Giáo sư Thuyết nói ông đã tham khảo ý kiến của một số chuyên gia có
uy tín trong và ngoài nước liên quan tới vấn đề xây dựng nhà máy điện
hạt nhân ở Việt Nam, trong đó có đọc các ý kiến của Giáo sư Phạm Duy
Hiển ở trong nước và Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn ở Pháp, trên BBC, mà theo
ông là đáng chú ý:
“Tôi cho rằng đây là những lời cảnh báo xuất phát từ trách nhiệm đối với công việc chung và tôi mong rằng các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải suy nghĩ lại vấn đề này.
“Hiện nay chúng ta mới tiến hành đàm phán, ký kết bản ghi nhớ, thực sự ra vẫn chưa tiến hành một bước gì sâu lắm. Tôi được biết một số chuyên gia nước ngoài cũng đã khảo sát ở vùng mà chúng ta định đặt nhà máy điện hạt nhân cũng thế thôi. Nhưng nếu còn kịp dừng lại, thì theo tôi, nên dừng lại.”
Ai chịu trách nhiệm?
Giáo sư Thuyết tin rằng Việt Nam cần thay đổi tư duy về việc cứu xét
lại các quyết định, trong trường hợp một dự án có tính hệ trọng rất lớn,
có độ rủi ro khó lường liên quan an toàn, sinh mạng của người dân địa
phương cũng như cả nước, như trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân:
“Thường ở Việt Nam, khi Quốc hội, Đảng đã có nghị quyết, người ta rất khó làm khác với những nghị quyết ấy.
“Nhưng chúng tôi nghĩ rằng cần thay đổi tư duy. Nếu những điều đã đưa ra trong nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Đảng, đến bây giờ so sánh với thực tế có những điều không phù hợp nữa, thì mình có thể thay đổi.
“Có thể thậm chí xin lại ý kiến Quốc hội, xin lại ý kiến của Đảng, cái đó không có gì quá phức tạp cả vì an toàn cho dân tộc, an toàn cho nền kinh tế mới là điều quan trọng.”
Giáo sư Thuyết cũng đề cập vấn đề ai chịu trách nhiệm và chịu trách
nhiệm ra sao nếu một sự cố nghiêm trọng mất an toàn hạt nhân xảy ra ở
Ninh Thuận.
“Dĩ nhiên những người quyết định dự án này sẽ phải chịu trách nhiệm, và những người điều hành cụ thể dự án này trong thời gian xảy ra sự cố sẽ phải chịu trách nhiệm. Chỉ có điều là trong quy định của pháp luật Việt Nam, những người đề ra chính sách không đúng gần như không phải chịu trách nhiệm.
“Hai nữa là chúng ta không thể nghĩ trong vòng vài năm tới xảy ra chuyện gì, mà có thể chuyện ấy xảy ra sau vài chục năm, lúc ấy những người quyết định, xin lỗi là (họ) khuất núi rồi hay quá già yếu rồi, thì khi ấy, ai buộc được họ chịu trách nhiệm?”
Đặc biệt, cựu Đại biểu Quốc hội cũng nêu quan điểm về có nên trưng cầu dân ý về dự án Ninh Thuận hay không: “Tôi cho rằng với việc lần đầu tiên Việt Nam làm, mà chưa hề có kinh nghiệm, thậm chí gần như chưa hề có chuyên gia, mà có rất nhiều lời cảnh báo thế này, thì cần phải thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý rộng rãi hơn.
“Nhưng để cho người dân có thể bỏ phiếu thể hiện ý kiến của mình một cách chính xác, cần phải có giải thích rất rõ ràng với người dân, và khi giải thích cần phải nói cả hai luồng ý kiến nghịch và thuận.
“Như thế người dân mới có điều kiện để suy nghĩ, đưa ra phán quyết của người dân một cách chính xác,” ông nói với bbcvietnamese.com.
Tiếp tục cuộc thảo luận về chủ đề trí thức Việt Nam, vai trò phản
biện và sự lãnh đạo của Đảng, được sự đồng ý của tác giả, nhà nghiên cứu
lý luận độc lập trong nước, Lữ Phương, BBC trân trọng giới thiệu một
bài viết gần đây của ông đã được công bố trên mạng trong những tháng đầu
năm nay.
Bài viết nguyên gốc với tựa đề “Về một bài viết của nhà văn Phạm Thị Hoài,” phản biện quan điểm của nhà văn nữ trong một bài viết của bà gửi cho BBC từ Berlin tham gia cuộc thảo luận về trí thức Việt Nam trên bbcvietnamese.com
‘Về một bài viết‘
Đó là bài “Bấm Sự lạc quan vô tận”, xuất hiện trên BBC ngày 17.1.2012. Bà Phạm Thị Hoài, đang ở Đức, tác giả bài này, viết về một nhà hoạt động văn hoá, xã hội nổi tiếng trong nước hiện nay là ông Chu Hảo, và qua ông Chu Hảo, bà Hoài nhận ra tính chất mẫu mực của một lớp trí thức gọi là “đối lập trung thành” mà bản chất vẫn gắn liền với hệ thống chính trị tư tưởng bấy lâu nay mệnh danh là “chủ nghĩa xã hội” ở Việt Nam. Bà Hoài cho rằng trong khi thực tế chỉ ra rằng hệ thống này đã trở nên bất lực và lỗi thời, thay vì thoát ra ngoài để phủ nhận từ nền móng, những nhà “đối lập” nói trên vẫn ôm ấp thứ chủ nghĩa xã hội ấy như một lý tưởng, căn cứ vào đó phản biện một số sai lầm trong thực tế lãnh đạo của Đảng cộng sản, với hy vọng cải tạo hệ thống để cứu nó khỏi sự sụp đổ.
Nhiều người làm công việc này trước đây đã bị chế độ thanh trừng nhưng hiện nay có vẻ như những người kế tục đang trở nên có giá. Họ được Đảng để cho công khai ăn nói thoải mái (kể cả lên tiếng nơi những phương tiện truyền thông bị xem là “thù địch”) chỉ có điều là ý kiến của họ thường không được Đảng quan tâm trả lời đàng hoàng. Bà Hoài vẫn tỏ vẻ kính trọng họ, có ý cho rằng vị trí của họ cao hơn nhiều lần loại người cũng thoát khỏi guồng máy như họ nhưng lại thiếu hẳn nhân cách để lên mặt dè bỉu họ. Những trí thức này cũng nhận những “mạt sát bạt mạng từ những người hùng Việt kiều ẩn danh trên mạng” nhưng bà Hoài cho rằng việc đó có thể bỏ qua, có lẽ vì không đáng để họ quan tâm.
Tuy thế, một thái độ “đối lập” trí thức như vậy lại được bà Hoài cho là có tính chất nước đôi, nghịch lý: “vừa cổ vũ cho tự do tư tưởng, vừa biện minh cho sự cần thiết của chiếc gông tròng vào cổ trí thức Việt Nam và đè nặng lên họ”, chỉ vì sự lãnh đạo của Đảng đối với trí thức (qua phát ngôn của ông Chu Hảo) vẫn còn được duy trì. Do vậy mà xét đến cùng thì điều đó chỉ mang đến cho cuộc sống tinh thần nhiều tệ hại: vẫn ảo tưởng về khả năng lãnh đạo của Đảng đối với trí thức do đó cũng còn tin rằng Đảng vẫn còn khả năng nghe theo những đề nghị của trí thức để thay đổi. Một cách khách quan bà Hoài cho rằng những phản biện như vậy chỉ mang ý nghĩa một cuộc giải phẫu thẩm mĩ cho một chế độ toàn trị xấu xí, già nua để “giúp nó tồn tại mĩ miều hơn”.
Nguyên nhân của cung cách suy tưởng này được bà Hoài quy về sự nhồi
sọ của hệ thống toàn trị của Đảng: hệ thống này “đã biến đổi thành công
bộ nhiễm sắc thể của các đảng viên, ‘sự lãnh đạo của Đảng’ đã ăn vào gen
trong cơ thể họ và tự động phát tiết, trong cả những tình huống không
phù hợp nhất”. Nói cách khác, tuy có mục đích phê phán đường lối của
Đảng nhưng những trí thức “đi theo Đảng” đó mãi mãi vẫn không thoát khỏi
sợi dây trói buộc về các công thức tư duy mòn sáo của Đảng. Bà Hoài cho
rằng thái độ phù hợp hiện nay không phải chỉ thoát ra khỏi bộ máy để
phản biện mà là rời bỏ cả hệ thống để tìm đến một thứ đối lập khác, có
ích và cần thiết hơn.
Nguồn gốc thuật ngữ
Khi sử dụng khái niệm “đối lập trung thành” để chỉ thị xu hướng phản biện trên đây, chắc hẳn bà Hoài đã có tham khảo và lấy nguồn cảm hứng từ một tác giả viết về đề tài này, cách đây 6 năm (2006), đó là Zachary Abuza với bài “Bấm Loyal Opposition: The Rise of Vietnamese Dissidents”, trong bài viết này học giả người Mỹ nói trên đã nhắc đến khái niệm “đối lập trung thành” để nghiên cứu sự chuyển động chính trị ở Việt Nam sau thời kỳ “đổi mới”, trong đó nhiều khuôn mặt trí thức tiêu biểu đã được phân tích để chỉ ra những phần tích cực lẫn giới hạn của họ. Các thuộc tính khác nhau trong phân tích nói trên cũng có thể tìm thấy trong bài viết của bà Hoài.
Tuy vậy vẫn có điều khác là những mặt tích cực và giới hạn trong công trình của Abuza nếu được trình bày một cách khách quan, theo ngôn ngữ của một văn bản nghiên cứu thì trong bài của bà Hoài những mặt giới hạn và tiêu cực lại được chú trọng để phê phán nhiều hơn, hơn nữa sự phê phán ấy lại được làm nổi bật và gây được ấn tượng nhiều hơn vì được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ cường điệu, cảm tính rất quen thuộc của một tác giả từng nổi tiếng về viết tiểu thuyết. Ở đây các nguyên nhân khách quan, lịch sử tạo nên hiện tượng cần nêu ra để lý giải đã không được nói đến mà lại được quy giản thành những huyễn hoặc tâm lý có tính chất chuyển giao thế hệ của những con người cấu thành hiện tượng.
Cách lập luận của tác giả vì vậy có nhiều điều không thuận lý lắm. Đáng chú ý hơn hết là cái cách tác giả dựa vào những phát biểu cụ thể của ông Chu Hảo khái quát cho toàn bộ xu hướng mệnh danh là “đối lập trung thành” để giảng giải, bàn luận. Trong khi đó thì thực tế cho chúng ta biết nếu có ai đó tin tưởng thành khẩn vào điều mình trình bày (giống như cách trình bày của ông Chu Hảo) thì cũng có không ít người (trong đó không loại trừ cả bản thân ông Chu Hảo) chỉ coi kiểu diễn ngôn đó, vừa như một thủ thuật để tự bảo vệ, vừa là một cách thức thích hợp để tác động vào chính guồng máy mà họ đang phải sống chung. Trong hoàn cảnh này không ít tác giả đã coi việc đề cao vai trò của Đảng như một thủ tục để lồng vào đó nhiều điều mà nếu bùi tai nghe theo, Đảng sẽ không còn là cộng sản nữa! Thử đọc Nguyễn Trung hoặc nghe Nguyễn Văn An mà xem!
Xét cho cùng, thì tất cả đều chỉ là cuộc đánh vật về những khái niệm,
và do bà Hoài quá tin vào chữ nghĩa nên bà đã bị lừa về mặt chữ nghĩa
để khi sử dụng khái niệm “đối lập trung thành” bà đã đương nhiên khẳng
định sự tồn tại của thực tại đó trong đời sống chính trị hiện nay ở Việt
Nam. Như vậy là có nhiều điều không giống với Abuza: nếu trong bài viết
của mình, tác giả này chỉ coi “đối lập trung thành” như là khả năng có
thể hình thành trong tương lai từ những hoạt động bất đồng chính kiến có
giới hạn hiện nay, thì qua sự biện giải trong bài viết của bà Hoài,
“đối lập trung thành” đã được khẳng định như một tồn tại minh nhiên,
hiện thực. Khẳng định này thiếu sự chính danh nghiêm nhặt, vì trong sự
diễn đạt của bà Hoài, việc xác nhận khái niệm nói trên chỉ được coi như
một tu từ ở đó sự “trung thành” đã mang ý nghĩa tiêu cực của một thái độ
chính trị cần phê phán.
Thật sự thì khái niệm “đối lập trung thành” đã có nguồn gốc từ nghị viện nước Anh quân chủ vào thế kỷ 19: “đối lập” ở đây là đối lập với đảng đa số đang cầm quyền, còn “trung thành” ở đây là trung thành với vị Vua đang trị vì, cho nên tên gọi đầy đủ của khái niệm là “Her (or His) Majesty’s Most Loyal Opposition” (còn được gọi là “The Official Opposition”). Nội dung này về sau đã được khái quát hoá thành một khái niệm chính trị có tính chất định chế trong các nước theo thể chế dân chủ đa đảng: các đảng thiếu số có quyên tồn tại và được luật pháp bảo vệ để tham gia nghị trường với tư cách đối lập với đảng đương quyền, qua sự phản biện các chính sách đang thực hiện, đưa ra đường lối mới hy vọng thay thế đảng đương quyền trong kỳ bầu cử sắp tới. Trung thành bây giờ không phải trung thành với bất cứ thực thể cụ thể nào mà là với những nguyên lý tạo nền cho một thể chế dân chủ đích thực.
‘Không thể tồn tại’
Thực thể gọi là “đối lập trung thành” với nội dung nói trên hiển nhiên không thể nào tồn tại được trong chế độ gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực”. Nó hoàn toàn không thể tồn tại vì cái xã hội công dân tạo nền cho các hoạt động của các lực lượng “đối lập” mang cùng tính chất đã không được thừa nhận theo lý luận chuyên chính gọi là “vô sản” của Đảng. Tất cả mọi hoạt động xã hội đều phải do Đảng nắm chặt bằng Nhà nước cùng với hệ thống chính trị đặt nền trên đường lối chuyên chính đó. Cho rằng chủ trương này là do K. Marx đẻ ra là không thoả đáng: trong xã hội cộng sản lý thuyết do triết gia này đề xuất, nhà nước sẽ dần dà bị xã hội công dân nuốt chửng rồi sau đó nhường bước cho sự ra đời một nhân loại phổ biến chứ không thể là ngược lại như trong chế độ “chủ nghĩa xã hội hiện thực”: sau khi triệt tiêu xã hội công dân rồi nhà nước trở thành tuyệt đối và vĩnh viễn.
Cần lưu ý là trong một chế độ “toàn trị ” mang danh chủ nghĩa xã hội đó, hiện tượng người ta thường gọi là “bất đồng chính kiến” vẫn tồn tại qua mọi thăng trầm. Nhìn vào lịch sử các chế độ cộng sản thực tế hiện tượng này rất đễ dàng nhận ra, dưới nhiều hình thức và danh nghĩa, hầu hết đều diễn ra hết sức bạo liệt . Dù vậy, để duy tính cách mạng cho phê phán và tranh đấu, người ta không thể nhân danh một cái gì đó bên ngoài thứ lý luận gọi là “vận dụng học thuyết Marx-Lenin”, căn cứ vào đó phê phán những chủ trương bị xem là sai lầm trong sự vận dụng của Đảng vào việc “xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Và hiển nhiên sự phê phán ấy đã không thể trở thành cương lĩnh của một lực lượng có tổ chức công khai được thừa nhận là “đối lập trung thành” trong một chế độ có tham vọng kiểm soát con người từ đầu cho đến chân.
Cũng cần lưu ý thêm là sự mạnh yếu, rộng hẹp của hiện tượng bất đồng
chính kiến nói trên trong chế độ ấy không phải lúc nào cũng như nhau.
Tất cả đều tuỳ theo tình hình chung, tuỳ theo tương quan giữa xã hội và
nhà nước mà diễn ra dưới nhiều mức độ. Nếu trước đây phong trào “Nhân
Văn-Giai phẩm”, “chủ nghĩa xét lại”… xét về căn bản tỏ ra khá “trung
thành” với hệ thống mà vẫn bị trấn áp tàn tệ thì ngày nay, trong thời kỳ
“đổi mới”, nhiều phê phán đạt đến mức “chạm trần” mà vẫn tồn tại được
dưới những hình thức nào đó. Tại sao? Chắc chắn không phải do Đảng đã
trở nên dân chủ hơn, khoan dung hơn để không thèm “đếm xỉa” các phản
biện rất “phản động” trên đây mà chỉ vì trong thực tế đã đến lúc Đảng
không còn đủ sức để lùa vào vòng kiểm soát của mình những ai không “nghĩ
trong điều Đảng nghĩ” nữa. Nhìn vào những gì diễn ra ở Việt Nam sau
1986, nhất là sau sự tan rã của “phe xã hội chủ nghĩa”, có thể nhận ra
điều đó dễ dàng!
Đặt vào quá trình đấu tranh dân chủ hoá xã hội ở Việt Nam, hiện tượng phản biện trên đây, dù mang trong bản thân nhiều hạn chế và những hạn chế ấy được chấp nhận như điều kiện để tồn tại, cách nói của bà Hoài, xem đó là một “cuộc giải phẫu thẩm mỹ giúp chế độ toàn trị tồn tại mỹ miều hơn” là không thoả đáng, nếu không nói là hoàn toàn phản thực tế. Vì thực tế cho chúng thấy phải hiểu ngược lại mới đúng: ra đời từ những nỗ lực cực kỳ gian khổ để dân chủ hoá đời sống xã hội, những nỗ lực trên đây, cho đến nay đang có tác dụng làm suy yếu chế độ toàn trị ngay trong sân chơi của nó, làm cho chế độ ấy mau chóng mất đi tính chính danh ngay trên chính những nguyên lý của nó. Nếu không khó giải thích việc chế độ toàn trị luôn tỏ ra rất khó chịu, bực bội với hiện tượng này, thì cũng rất dễ hiểu khi thấy trong khi không dám đối thoại sòng phẳng với những phản biện gai góc, những cái lưỡi gỗ của chế độ đã không biết làm gì để đối phó, ngoài việc nhét tất cả vào cái phạm trù gọi là “diễn biến hoà bình” và “tự diễn biến hoà bình” để quy chụp và kết án là “cơ hội”.
‘Thật đáng mong mỏi‘
Khi xác định vị trí tranh đấu của mình, những người phản biện từ bên trong không hề coi phương thức lên tiếng của họ là duy nhất đúng, duy nhất có ích. Đó chỉ là một chọn lựa trong nhiều chọn lựa nhưng khi đã đứng vào vị trí ấy rồi thì sự cân nhắc về tác dụng của hành động và lời nói phải trở thành điều cần thiết: chẳng hạn không thể lúc nào cũng ngang nhiên đòi “giải thể” cái này cái nọ tức khắc cho hả giận và cho sướng miệng, không phải vì sợ bị bỏ tù mà chỉ vì không thích hợp. Từ những giới hạn buộc phải chấp nhận một cách chính danh thì chỉ nên gọi như người ta thường gọi họ là những người phản biện, hoặc ồn ào hơn một chút, có thể gọi họ là những người bất đồng chính kiến – những người như vậy ngày càng nhiều thêm, thái độ của họ ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt. Đây không phải chỉ là kết quả của một quá trình giải hoặc về tư tưởng mà chính yếu đã bắt nguồn từ cái thực tế chuyển động của xã hội đang tác động vào bản thân họ: là sự thất bại hiển nhiên của chế độ toàn trị mạo danh xã hội chủ nghĩa giao thoa với cái xã hội công dân đã bị chế độ toàn trị ấy thủ tiêu cũng mạo danh chủ nghĩa xã hội, nay đang phục hồi do sự thất bại của thứ chủ nghĩa xã hội bị mạo danh ấy.
Tất cả đã tác động đến bản thân các đảng viên với tư cách là những
công dân và những con người, làm cho cả một lớp trí thức một thời “đi
theo Đảng” khi nhìn lại mọi thứ, ngày càng nhận ra sự cách bức trầm
trọng giữa Đảng và xã hội, cuối cùng đã chọn đứng về phía xã hội để, từ
tư thế của mình, đòi hỏi Đảng phải dân chủ hoá bản thân, tiến hành những
cải cách để thực hiện những thay đổi có lợi cho xã hội.
Chừng nào thì hành vi phản biện mạnh mẽ nói trên có khả năng chuyển hoá thành một xu hướng chính trị có tổ chức mệnh danh là “đối lập trung thành” theo đúng nguyên nghĩa của nó? Không thể biết được nhưng chắc chắn đó là điều thật đáng mong mỏi. Nhưng để điều đó trở thành thực tế thì bản thân chế độ toàn trị phải có sự chuyển hoá thật mạnh mẽ về chất, sự chuyển hoá ấy cốt yếu phải được thúc đẩy bởi sự lớn mạnh của cái xã hội công dân hiện diện bên ngoài sự tồn tại của Đảng: không có sự lớn mạnh của xã hội công dân này thì mọi sự chuyển biến trong Đảng, có tính tới áp lực nội tại của thành phần phản biện nói trên, vẫn chỉ loay hoay trong những hứa hẹn, nếu không mị dân để đối phó thì cũng hoang tưởng, nửa vời.
Xét về logic của sự chuyển hoá hoà bình có thể khẳng định rằng chỉ có một xã hội công dân đã trưởng thành về mọi mặt (kinh tế, văn hoá lẫn chính trị) mới có khả năng hạn chế các chính sách chuyên chế của Đảng, từng bước tác động vào Đảng, mang đến cho những trí thức của Đảng nhiều tính chất dân chủ hơn trong những đề xuất cải cách, qua đó dọn đường dần dà cho sự hoá thân của Đảng, từ một đảng toàn trị thành một đảng dân chủ. Logic thì như vậy và mong ước cũng là như vậy. Nhưng thực tế hiếm khi đi theo logic của sự suy tưởng lý tính, trong trường hợp này, bạo lực có thể sẽ lại lên ngôi một lần nữa, bạo lực cách mạng và cả bạo lực phản cách mạng. Mọi sự bàn luận về thực thể gọi là “đối lập trung thành” bây giờ sẽ mất hoàn toàn ý nghĩa, không cần thiết.
Bài viết của tác giả Lữ Phương, lý luận gia Marxist, nhà quan sát chính trị độc lập về Việt Nam và Đảng Cộng sản, được biên tập, và đăng lại với sự đồng ý của tác giả, người đang sinh sống ở trong nước.
- VƯƠNG-TRÍ-NHÀN
Chuyện cướp bóc xảy ra ở nhiều ngành khác, nhưng đến giáo dục càng
thấy đau lòng vì trong tay những thầy giáo như thế thì con em chúng ta
còn làm sao mà nên người được.
-Theo:-
Nhật ký 2012 ( II )
- Về làng chuyên xuất khẩu... lồng chim (DV 3-3-12)
- Sao không xử hình sự?
-Hai người bị khởi tố trong vụ cưỡng chế đầm tôm ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.
-Theo:Công Lý & Hòa Bình. -CẦU NGUYỆN cho CÔNG LÝ&HÒA BÌNH
-Theo: Công Lý & Hòa Bình.
- Đã đến lúc bỏ chính sách hạn điền (TN 4-3-12) -- Bài Đặng Hùng Võ .Đã đến lúc bỏ chính sách hạn điền
- Trung Quốc - Hậu Ô Khảm: Protest’s Success May Not Change China (NYT 3-3-12) -- : Người dân Ô Khảm tập làm dân chủ. Tuổi trẻ - Trung Quốc: Xã Ô Khảm bầu Chủ tịch mới – (VOA). - Dân làng Ô Khảm kết thúc hai ngày bầu cử lãnh đạo tự do đầu tiên – (RFI).- “Địa ngục” ở Trung Quốc.
- -
Trung tướng Hoàng Kông Tư, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2,
Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an tại buổi họp báo. Ảnh: Hồng Anh
- -Vụ kiện của bà Hồ Lê Như Quỳnh đã đến đâu? Gần đây tôi chợt nhớ tới vụ kiện của bà Hồ Lê Như Quỳnh đối với báo Công an TPHCM và tôi không rõ tình hình vụ kiện đã đi đến đâu. Tôi tra Google thì tìm thấy bản khai gửi tòa án của bà Hồ Lê Như Quỳnh vào ngày 1-8-2010 và theo thông tin ở đấy ngày 8-8-2010 tòa án tiến hành hòa giải lần đầu. Tôi không tìm thấy thông tin nào mới hơn và không biết kết quả hòa giải hay diễn biến của vụ kiện tiếp theo như thế nào. Không biết có ai đọc blog của tôi có thông tin nào về vụ việc này không?
Tôi nghĩ giới dissident ở Việt Nam không được dân chúng ủng hộ một phần vì chính vì lý do họ không cung cấp thông tin đầy đủ và trung thực trong những vụ việc liên quan đến họ cho công chúng biết. Ai có thể ủng hộ những người che giấu những thông tin về những vụ việc mà chính họ trước đấy rất tích cực tuồn cho công chúng biết. Tôi nhớ tới vụ ông Nguyễn Quang A với Bộ Tư pháp về Nghị định 96. Sau đấy cũng không thấy ông Nguyễn Quang A thông tin gì tiếp. Công chúng thường chóng quên, nhưng tôi lại không quên và luôn cảm thấy có điều gì đấy rất không minh bạch.
- Vụ Cù Huy Hà Vũ: Hà Nội vi phạm điều 19 Công ước Quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị (RFI)- Các Tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế chỉ trích chính quyền Việt Nam vi phạm điều Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị. RFI đặt câu hỏi với ông Vũ Quốc Dụng, Tổng thư ký hiệp Hội Quốc Tế Nhân quyền. Trước hết, ông nhận định về việc bắt giam và cáo buộc luật gia Hà Vũ những tội danh thay đổi từ « quan hệ với gái mãi dâm trở thành chống nhà nước và bôi nhọ lãnh đạo ».-Đơn tố cáo của Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ bvnpost
Lòng kiêu hãnh của tập đoàn kinh tế (SGTT 3-3-12)
Xử lý khai thác titan trái phép - Bắt cóc bỏ dĩa (SGGP 3-3-12)
|
Dân biểu Gulyás, khi đề xuất đạo luật kể trên, đã phát biểu rằng nó chỉ nhằm vào một nhóm nhỏ, cùng lắm là vài chục người – trong số đó, ông đã đích thân nhắc đến Biszku. Ông Gulyás cũng nói thêm rằng, “khi đạo luật đã đi vào thực thi, nếu có lời tố cáo, sẽ không có trở ngại gì để thực hiện những thủ tục hình sự được xác định trong luật”, nhưng đảng cầm quyền sẽ không làm việc tố cáo đó để khỏi bị biến thành bia chỉ trích một cách hoàn toàn không cần thiết.
Và điều đó đã đến: hai dân biểu đảng JOBBIK là các ông Szilágyi György và Apáti István đệ đơn tố cáo Biszku Béla với những tội danh rất trầm trọng như giết người có chủ đích, xâm phạm trầm trọng đến thân thể người khác, sử dụng nhục hình và giam giữ bất hợp pháp (nhằm vào những hành vi của ông trong làn sóng thanh trừng sau năm 1956).
Ngoài ra, Biszku còn bị cáo buộc về tội tòng phạm trong sự bội phản và bán nước (nhằm vào sự tham gia của ông trong nội các Kádár do Moscow tạo dựng sau biến cố 1956). Dân biểu Szilágyi György nhấn mạnh: theo những người đệ đơn tố cáo, việc Biszku đã thực hiện những tội ác nói trên là điều “ai cũng biết”, nên họ hy vọng cuộc điều tra sẽ kết thúc nhanh chóng để có thể đưa ra bản án đối với vị cựu bộ trưởng.
Kèm đơn tố giác, hai nghị sĩ đảng JOBBIK đã gửi kèm danh sách mấy trăm người bị án tử hình rồi bị hành quyết sau cách mạng 1956 như một bằng cứ cho lời cáo buộc của họ.
Một trong những kẻ thủ ác cuối cùng…
Trong 2 năm qua, nhân vật Biszku Béla thường xuyên được nhắc tới trên chính trường và truyền thông Hungary, như một trong những kẻ thủ ác cuối cùng còn sống sót của quá khứ cộng sản Hungary.
Sinh năm 1921, vốn là một thợ nguội, gia nhập Đảng Cộng sản Hungary năm 23 tuổi, Biszku đã leo mọi nấc thang của bộ máy đảng để trở thành Bộ trưởng Nội vụ trong nội các của lãnh tụ Kádár János trong thời kỳ 1957-1961. Sau đó, ông còn được tấn phong chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Bí thư Trung ương đảng.
Khi cuộc cách mạng dân chủ 1956 bùng nổ, Biszku đã tổ chức những đơn vị vũ trang, thành viên gồm các đảng viên và công nhân trung thành với đảng, để chống lại quân khởi nghĩa. Vì thành tích đó, sau biến cố 1956, ông được tặng Kỷ niệm chương Vì chính quyền Công-Nông, một trong những phần thưởng lớn nhất của thể chế Kádár.
Đặc biệt bị hậu thế lên án mạnh mẽ nhất là những hành vi của Biszku trên cương vị người đứng đầu Bộ Nội vụ sau cách mạng 1956. Ông được coi là người trực tiếp chỉ đạo chiến dịch đàn áp của chính phủ mới, với chừng 300 bản án tử hình và 20.000 bản án tù đày dành cho những người tham gia cuộc cách mạng.
Có nhiều bằng cứ cho thấy là Biszku còn can thiệp thô bạo vào hoạt động của cơ quan tư pháp: theo những hồ sơ còn lưu, trong các phiên họp nội bộ của Trung ương Đảng, ông đã lên tiếng đòi tòa các cấp tại Hungary phải đưa ra những bản án “nghiêm khắc” hơn nữa, và rằng con số các bản án tử hình như vậy vẫn còn “quá nhẹ tay”. Luôn là người theo chủ trương cứng rắn, năm 1978, Biszku bị cách chức và cho về hưu vì phản đối chính sách hòa dịu của Tổng bí thư Kádár János vào thời đó.
Tuy nhiên, Biszku chỉ thực sự ngưng hoạt động chính trị khi Hungary kinh qua biến chuyển dân chủ năm 1989. Từ đó, Biszku sống yên ổn và không bị ai quấy rối tại biệt thự tại Đồi Hoa hồng, khu “thượng lưu” ở Budapest, với mức lương hưu tính theo năm 2010 là gấp 3-4 lần mức lương hưu của một người lao động bình thường. Nếu không bị săn lùng bởi một cặp ký giả muốn cật vấn quá khứ, có lẽ công luận Hungary tưởng Biszku đã qua đời từ khi nào…
Nhắc lại, điểm đặc biệt là một trong hai dân biểu đảng cực đoan JOBBIK đã tố cáo Biszku trong dịp này, ông Szilágyi György, cách đây một năm rưỡi, cũng đã từng đệ đơn vạch tội Biszku vì khi xuất hiện trong một bộ phim mang tính tư liệu, vị cựu bộ trưởng đã công khai phủ nhận, chối bỏ những tội ác của thể chế cộng sản tại đất nước này.
Cơ sở của đơn tố giác đó là một điều khoản trong Bộ Luật Hình Sự (BLHS) mới được sửa đổi vào mùa hè 2010 của Cộng hòa Hungary, theo đó, có thể phạt tù giam tối đa 3 năm đối với người nào công khai phủ nhận, tỏ ra nghi ngờ hoặc cho rằng tội ác diệt chủng của các thể chế Quốc xã và Cộng sản – cũng như các tội ác chống nhân loại khác – là “không đáng kể”. Trong vụ án này, ông Biszku đã bị ra tòa vào năm 2011, nhưng sau đó tòa tạm ngưng xử để chờ ý kiến của Tòa án Hiến pháp.
Nhu cầu trong sạch hóa quá khứ và “dằn mặt” cánh tả
Trở lại vấn đề trên, nhìn lại 23 năm kể từ khi Hungary thay đổi thể chế chính trị, nước này do đã có những biến chuyển dân chủ từng bước rất sớm từ thập niên 80 thể kỷ trước, nên sự chuyển tiếp hầu như không gặp phải khó khăn gì liên quan tới vấn đề đối diện với quá khứ cộng sản. Các viên chức của chế độ cũ nhìn chung không bị kỳ thị, không ít quan chức cộng sản tiếp tục trở thành những yếu nhân trong Ðảng Xã hội Hungary (MSZP), một trong hai chính đảng mạnh nhất, đã nhiều lần cầm quyền tại Hungary từ năm 1990.
Tuy nhiên, những năm gần đây, xã hội Hungary trở nên nhạy cảm hơn với quý khứ cộng sản, cho đến nay vẫn bị coi là chưa được xử lý thỏa đáng. Nhiều văn nghệ sĩ, chính khách, nhân sĩ bị báo chí cánh hữu phanh phui là từng hợp tác với cơ quan mật vụ chính trị, khiến công luận dần dần có nhu cầu trong sạch hóa quá khứ. Bề ngoài là để đáp ứng nhu cầu đó, đảng cánh hữu FIDESZ, trong những năm qua, đã liên tục có những nước bài quyết liệt, mà gần đây nhất là việc đưa khả năng trừng phạt những kẻ đã gây tội ác trong thể chế cũ vào bản Hiến pháp mới.
Không phải ngẫu nhiên mà một bộ phận công luận đã nhận ra ngay ở đây, ý đồ dằn mặt cánh tả, đặc biệt là Ðảng Xã hội Hungary. Trở lại đạo luật cho phép trừng phạt Biszku Béla và những đồng phạm, FIDESZ đã không giấu giếm khi nói rằng, đảng này đã tạo cơ hội để “bồi đắp quá khứ”, và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết nếu có ai tố cáo, chứ họ không trực tiếp đứng ra làm việc đó. Và đóng vai trò tố giác, không ai khác, ngoài đảng cực đoan JOBBIK.
Có lẽ cảm thấy đã đạt được mục đích nên chỉ cách đây ít ngày, Quốc hội Hungary với hơn 2/3 số ghế thuộc liên minh cầm quyền đã bỏ phiếu chống một dự luật được phe đối lập ủng hộ, nhằm bạch hóa quá khứ của tất cả những ai đã tham gia và hợp tác với cơ quan mật vụ chính trị thể chế cũ. Lý do được đưa ra là những thông tin được thu thập trong một thể chế chính trị – xã hội bị coi là bất hợp pháp như chế độ cộng sản trước đây, phải được coi là thuộc sở hữu những người bị thu thập thông tin, chứ không thuộc sở hữu nhà nước, và việc công bố chúng là vi phạm các quyền cá nhân.
Như một số bình luận viên chính trị có chỉ ra, có cái gì không đồng bộ trong việc tận diệt những người như Biszku Béla, trong khi lại không bạch hóa quá khứ chỉ điểm, điều mà đa số các quốc gia thuộc khối XHCN cũ – nhất là nước Ðức – đã làm trước Hungary rất nhiều năm. Trong sạch và trực diện với quá khứ là điều cần thiết, với điều kiện nó không là ván bài chính trị nhất thời, được sử dụng với toan tính “bê-tông hóa” quyền lực của phe cầm quyền, và phù hợp với ý nguyện của số đông cư dân từng là nạn nhân bị theo dõi, chỉ điểm, hoặc bị trù dập, đàn áp bởi chính quyền cộng sản…
Một phụ nữ Tây Tạng ‘tự thiêu ở Tứ Xuyên’
Nhiều người Tây Tạng bất bình trước sự cai trị của Trung Quốc
Tổ chức Tây Tạng tự do có trụ sở tại Anh cho biết người phụ nữ đã châm lửa tự thiêu gần tu viện Kirti thuộc tỉnh Tứ Xuyên.
Đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ tự thiêu của người Tây Tạng để phản đối sự cai trị của chính quyền Trung Quốc.
Theo một số nguồn tin thì người phụ nữ này đã hô đòi tự do cho Tây Tạng và đòi Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, trở về trong khi ngọn lửa bao trùm khắp người bà.
Tu viện Kirti nằm trong tuyến đầu trong các cuộc biểu tình ủng hộ tự do cho Tây Tạng trong những tháng gần đây.
An ninh đã được thắt chặt hơn nữa ở Tây Tạng trước khi diễn ra những ngày kỷ niệm nhạy cảm.
Tháng Ba là tháng có những ngày kỷ niệm nhạy cảm của người Tây Tạng, trong đó có ngày ra đi lưu vong của Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 1959.
Các quan chức địa phương chưa có bình luận gì về vụ việc.
Trong năm ngoái đã có hơn 20 người Tây Tạng chết trong các vụ tự thiêu – một hành động phản kháng tuyệt vọng đối với sự cai trị đàn áp của chính quyền Trung Quốc và nền văn hóa của họ bị mai một.
Trung Quốc đã đổ tiền của vào các khu vực sinh sống của người Tạng với hy vọng sẽ giành được tình cảm của họ bằng cách phát triển kinh tế.
Tuy nhiên họ cũng đưa cảnh sát vào tràn ngập khu vực, tăng cường giám sát các tu viện và khóa một phần mạng internet và mạng điện thoại di động.
Các nhà báo nước ngoài bị bắt gặp cố tìm đến nơi có nhiều hoạt động bạo loạn ở phía tây tỉnh Tứ Xuyên đã bị trục xuất về nước hoặc bị bắt giữ.
Biên tập viên châu Á-Thái Bình Dương của BBC Viv Marsh nhận xét rằng giới chức Trung Quốc rất tích cực ngăn chặn các cuộc biểu tình phản đối trong khi Quốc hội nước này đang nhóm họp ở Bắc Kinh trong tuần này và trước cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng vào cuối năm nay.
Ninh Thuận nên dừng lại nếu vẫn còn kịp
Quốc Phương -BBC Tiếng Việt
GS Thuyết nói nên xem lại các quyết định của chính quyền về dự án Ninh Thuận.
Phát biểu chỉ một tuần trước khi thế giới tưởng niệm tròn một năm sự cố thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản bị mất an toàn do sóng thần gây ra (11/3/2011-11/3/2012), Giáo sư Thuyết tái khẳng định Việt Nam “không đáng phiêu lưu” với các dự án mà theo ông lợi có thể bất cập hại.
“Sau khi tôi đã có ý kiến như vậy, tôi thấy có rất nhiều chuyên gia đã phân tích rất sâu về sự tốn kém và sự không an toàn của điện hạt nhân. Và hiện nay, xu hướng ở trên thế giới, người ta cũng bỏ dần điện hạt nhân.
“Khá nhiều quốc gia đã đình chỉ, tiến tới gỡ bỏ các nhà máy điện hạt nhân. Không có lý do gì mà chúng ta cứ cố kiết làm một việc đi ngược lại xu hướng chung của khoa học kỹ thuật thế giới như vậy, mà những khả năng xảy ra mất an toàn cũng rất dễ.”
“Chúng ta đã thấy Nhật là một đất nước tiên tiến như thế nào, nhưng chỉ một trận sóng thần của họ đã làm cho nhà máy hạt nhân ở Fukushima trở nên mất an toàn và làm cho Nhật thay đổi chính sách về điện hạt nhân.
“Chúng tôi nghĩ rằng cần thay đổi tư duy. Nếu những điều đã đưa ra trong nghị quyết của Quốc hội, của Đảng, bây giờ so sánh với thực tế có những điều không phù hợp nữa, thì mình có thể thay đổi”
GS Nguyễn Minh Thuyết
“Tôi cho rằng đây là những lời cảnh báo xuất phát từ trách nhiệm đối với công việc chung và tôi mong rằng các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải suy nghĩ lại vấn đề này.
“Hiện nay chúng ta mới tiến hành đàm phán, ký kết bản ghi nhớ, thực sự ra vẫn chưa tiến hành một bước gì sâu lắm. Tôi được biết một số chuyên gia nước ngoài cũng đã khảo sát ở vùng mà chúng ta định đặt nhà máy điện hạt nhân cũng thế thôi. Nhưng nếu còn kịp dừng lại, thì theo tôi, nên dừng lại.”
Ai chịu trách nhiệm?
Nhật Bản đã dừng 14 dự án xây mới nhà máy điện hạt nhân và đóng cửa 52 lò phản ứng sau sự cố ở Fukushima.
“Thường ở Việt Nam, khi Quốc hội, Đảng đã có nghị quyết, người ta rất khó làm khác với những nghị quyết ấy.
“Nhưng chúng tôi nghĩ rằng cần thay đổi tư duy. Nếu những điều đã đưa ra trong nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Đảng, đến bây giờ so sánh với thực tế có những điều không phù hợp nữa, thì mình có thể thay đổi.
“Có thể thậm chí xin lại ý kiến Quốc hội, xin lại ý kiến của Đảng, cái đó không có gì quá phức tạp cả vì an toàn cho dân tộc, an toàn cho nền kinh tế mới là điều quan trọng.”
“Có thể chuyện ấy xảy ra sau vài chục năm, lúc ấy những người quyết định, xin lỗi là (họ) khuất núi rồi hay quá già yếu rồi, thì khi ấy, ai buộc được họ chịu trách nhiệm?”
GS Nguyễn Minh Thuyết
“Dĩ nhiên những người quyết định dự án này sẽ phải chịu trách nhiệm, và những người điều hành cụ thể dự án này trong thời gian xảy ra sự cố sẽ phải chịu trách nhiệm. Chỉ có điều là trong quy định của pháp luật Việt Nam, những người đề ra chính sách không đúng gần như không phải chịu trách nhiệm.
“Hai nữa là chúng ta không thể nghĩ trong vòng vài năm tới xảy ra chuyện gì, mà có thể chuyện ấy xảy ra sau vài chục năm, lúc ấy những người quyết định, xin lỗi là (họ) khuất núi rồi hay quá già yếu rồi, thì khi ấy, ai buộc được họ chịu trách nhiệm?”
Đặc biệt, cựu Đại biểu Quốc hội cũng nêu quan điểm về có nên trưng cầu dân ý về dự án Ninh Thuận hay không: “Tôi cho rằng với việc lần đầu tiên Việt Nam làm, mà chưa hề có kinh nghiệm, thậm chí gần như chưa hề có chuyên gia, mà có rất nhiều lời cảnh báo thế này, thì cần phải thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý rộng rãi hơn.
“Nhưng để cho người dân có thể bỏ phiếu thể hiện ý kiến của mình một cách chính xác, cần phải có giải thích rất rõ ràng với người dân, và khi giải thích cần phải nói cả hai luồng ý kiến nghịch và thuận.
“Như thế người dân mới có điều kiện để suy nghĩ, đưa ra phán quyết của người dân một cách chính xác,” ông nói với bbcvietnamese.com.
“Phản biện mạnh mẽ thật đáng mong mỏi”
Lữ Phương – Nhà nghiên cứu Marxist - BBC
Ông Lữ Phương giới thiệu khái niệm “phản biện bên trong” khi bàn về trí thức Việt Nam.
Bài viết nguyên gốc với tựa đề “Về một bài viết của nhà văn Phạm Thị Hoài,” phản biện quan điểm của nhà văn nữ trong một bài viết của bà gửi cho BBC từ Berlin tham gia cuộc thảo luận về trí thức Việt Nam trên bbcvietnamese.com
‘Về một bài viết‘
Đó là bài “Bấm Sự lạc quan vô tận”, xuất hiện trên BBC ngày 17.1.2012. Bà Phạm Thị Hoài, đang ở Đức, tác giả bài này, viết về một nhà hoạt động văn hoá, xã hội nổi tiếng trong nước hiện nay là ông Chu Hảo, và qua ông Chu Hảo, bà Hoài nhận ra tính chất mẫu mực của một lớp trí thức gọi là “đối lập trung thành” mà bản chất vẫn gắn liền với hệ thống chính trị tư tưởng bấy lâu nay mệnh danh là “chủ nghĩa xã hội” ở Việt Nam. Bà Hoài cho rằng trong khi thực tế chỉ ra rằng hệ thống này đã trở nên bất lực và lỗi thời, thay vì thoát ra ngoài để phủ nhận từ nền móng, những nhà “đối lập” nói trên vẫn ôm ấp thứ chủ nghĩa xã hội ấy như một lý tưởng, căn cứ vào đó phản biện một số sai lầm trong thực tế lãnh đạo của Đảng cộng sản, với hy vọng cải tạo hệ thống để cứu nó khỏi sự sụp đổ.
Nhiều người làm công việc này trước đây đã bị chế độ thanh trừng nhưng hiện nay có vẻ như những người kế tục đang trở nên có giá. Họ được Đảng để cho công khai ăn nói thoải mái (kể cả lên tiếng nơi những phương tiện truyền thông bị xem là “thù địch”) chỉ có điều là ý kiến của họ thường không được Đảng quan tâm trả lời đàng hoàng. Bà Hoài vẫn tỏ vẻ kính trọng họ, có ý cho rằng vị trí của họ cao hơn nhiều lần loại người cũng thoát khỏi guồng máy như họ nhưng lại thiếu hẳn nhân cách để lên mặt dè bỉu họ. Những trí thức này cũng nhận những “mạt sát bạt mạng từ những người hùng Việt kiều ẩn danh trên mạng” nhưng bà Hoài cho rằng việc đó có thể bỏ qua, có lẽ vì không đáng để họ quan tâm.
Tuy thế, một thái độ “đối lập” trí thức như vậy lại được bà Hoài cho là có tính chất nước đôi, nghịch lý: “vừa cổ vũ cho tự do tư tưởng, vừa biện minh cho sự cần thiết của chiếc gông tròng vào cổ trí thức Việt Nam và đè nặng lên họ”, chỉ vì sự lãnh đạo của Đảng đối với trí thức (qua phát ngôn của ông Chu Hảo) vẫn còn được duy trì. Do vậy mà xét đến cùng thì điều đó chỉ mang đến cho cuộc sống tinh thần nhiều tệ hại: vẫn ảo tưởng về khả năng lãnh đạo của Đảng đối với trí thức do đó cũng còn tin rằng Đảng vẫn còn khả năng nghe theo những đề nghị của trí thức để thay đổi. Một cách khách quan bà Hoài cho rằng những phản biện như vậy chỉ mang ý nghĩa một cuộc giải phẫu thẩm mĩ cho một chế độ toàn trị xấu xí, già nua để “giúp nó tồn tại mĩ miều hơn”.
Ông
Lữ Phương nhắc lại quan điểm của bà Phạm Thị Hoài cho rằng một bộ phận
trí thức ở trong nước hiện nay là những người “phản biện trung thành.”
Nguồn gốc thuật ngữ
Khi sử dụng khái niệm “đối lập trung thành” để chỉ thị xu hướng phản biện trên đây, chắc hẳn bà Hoài đã có tham khảo và lấy nguồn cảm hứng từ một tác giả viết về đề tài này, cách đây 6 năm (2006), đó là Zachary Abuza với bài “Bấm Loyal Opposition: The Rise of Vietnamese Dissidents”, trong bài viết này học giả người Mỹ nói trên đã nhắc đến khái niệm “đối lập trung thành” để nghiên cứu sự chuyển động chính trị ở Việt Nam sau thời kỳ “đổi mới”, trong đó nhiều khuôn mặt trí thức tiêu biểu đã được phân tích để chỉ ra những phần tích cực lẫn giới hạn của họ. Các thuộc tính khác nhau trong phân tích nói trên cũng có thể tìm thấy trong bài viết của bà Hoài.
Tuy vậy vẫn có điều khác là những mặt tích cực và giới hạn trong công trình của Abuza nếu được trình bày một cách khách quan, theo ngôn ngữ của một văn bản nghiên cứu thì trong bài của bà Hoài những mặt giới hạn và tiêu cực lại được chú trọng để phê phán nhiều hơn, hơn nữa sự phê phán ấy lại được làm nổi bật và gây được ấn tượng nhiều hơn vì được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ cường điệu, cảm tính rất quen thuộc của một tác giả từng nổi tiếng về viết tiểu thuyết. Ở đây các nguyên nhân khách quan, lịch sử tạo nên hiện tượng cần nêu ra để lý giải đã không được nói đến mà lại được quy giản thành những huyễn hoặc tâm lý có tính chất chuyển giao thế hệ của những con người cấu thành hiện tượng.
Cách lập luận của tác giả vì vậy có nhiều điều không thuận lý lắm. Đáng chú ý hơn hết là cái cách tác giả dựa vào những phát biểu cụ thể của ông Chu Hảo khái quát cho toàn bộ xu hướng mệnh danh là “đối lập trung thành” để giảng giải, bàn luận. Trong khi đó thì thực tế cho chúng ta biết nếu có ai đó tin tưởng thành khẩn vào điều mình trình bày (giống như cách trình bày của ông Chu Hảo) thì cũng có không ít người (trong đó không loại trừ cả bản thân ông Chu Hảo) chỉ coi kiểu diễn ngôn đó, vừa như một thủ thuật để tự bảo vệ, vừa là một cách thức thích hợp để tác động vào chính guồng máy mà họ đang phải sống chung. Trong hoàn cảnh này không ít tác giả đã coi việc đề cao vai trò của Đảng như một thủ tục để lồng vào đó nhiều điều mà nếu bùi tai nghe theo, Đảng sẽ không còn là cộng sản nữa! Thử đọc Nguyễn Trung hoặc nghe Nguyễn Văn An mà xem!
“Do bà Hoài quá tin vào chữ nghĩa nên bà đã bị lừa về mặt chữ nghĩa để khi sử dụng khái niệm “đối lập trung thành” bà đã đương nhiên khẳng định sự tồn tại của thực tại đó trong đời sống chính trị hiện nay ở Việt Nam”
Lữ Phương
Thật sự thì khái niệm “đối lập trung thành” đã có nguồn gốc từ nghị viện nước Anh quân chủ vào thế kỷ 19: “đối lập” ở đây là đối lập với đảng đa số đang cầm quyền, còn “trung thành” ở đây là trung thành với vị Vua đang trị vì, cho nên tên gọi đầy đủ của khái niệm là “Her (or His) Majesty’s Most Loyal Opposition” (còn được gọi là “The Official Opposition”). Nội dung này về sau đã được khái quát hoá thành một khái niệm chính trị có tính chất định chế trong các nước theo thể chế dân chủ đa đảng: các đảng thiếu số có quyên tồn tại và được luật pháp bảo vệ để tham gia nghị trường với tư cách đối lập với đảng đương quyền, qua sự phản biện các chính sách đang thực hiện, đưa ra đường lối mới hy vọng thay thế đảng đương quyền trong kỳ bầu cử sắp tới. Trung thành bây giờ không phải trung thành với bất cứ thực thể cụ thể nào mà là với những nguyên lý tạo nền cho một thể chế dân chủ đích thực.
‘Không thể tồn tại’
Thực thể gọi là “đối lập trung thành” với nội dung nói trên hiển nhiên không thể nào tồn tại được trong chế độ gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực”. Nó hoàn toàn không thể tồn tại vì cái xã hội công dân tạo nền cho các hoạt động của các lực lượng “đối lập” mang cùng tính chất đã không được thừa nhận theo lý luận chuyên chính gọi là “vô sản” của Đảng. Tất cả mọi hoạt động xã hội đều phải do Đảng nắm chặt bằng Nhà nước cùng với hệ thống chính trị đặt nền trên đường lối chuyên chính đó. Cho rằng chủ trương này là do K. Marx đẻ ra là không thoả đáng: trong xã hội cộng sản lý thuyết do triết gia này đề xuất, nhà nước sẽ dần dà bị xã hội công dân nuốt chửng rồi sau đó nhường bước cho sự ra đời một nhân loại phổ biến chứ không thể là ngược lại như trong chế độ “chủ nghĩa xã hội hiện thực”: sau khi triệt tiêu xã hội công dân rồi nhà nước trở thành tuyệt đối và vĩnh viễn.
Cần lưu ý là trong một chế độ “toàn trị ” mang danh chủ nghĩa xã hội đó, hiện tượng người ta thường gọi là “bất đồng chính kiến” vẫn tồn tại qua mọi thăng trầm. Nhìn vào lịch sử các chế độ cộng sản thực tế hiện tượng này rất đễ dàng nhận ra, dưới nhiều hình thức và danh nghĩa, hầu hết đều diễn ra hết sức bạo liệt . Dù vậy, để duy tính cách mạng cho phê phán và tranh đấu, người ta không thể nhân danh một cái gì đó bên ngoài thứ lý luận gọi là “vận dụng học thuyết Marx-Lenin”, căn cứ vào đó phê phán những chủ trương bị xem là sai lầm trong sự vận dụng của Đảng vào việc “xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Và hiển nhiên sự phê phán ấy đã không thể trở thành cương lĩnh của một lực lượng có tổ chức công khai được thừa nhận là “đối lập trung thành” trong một chế độ có tham vọng kiểm soát con người từ đầu cho đến chân.
Đảng cộng sản Việt Nam vừa kỷ niệm 82 năm ngày thành lập.
Đặt vào quá trình đấu tranh dân chủ hoá xã hội ở Việt Nam, hiện tượng phản biện trên đây, dù mang trong bản thân nhiều hạn chế và những hạn chế ấy được chấp nhận như điều kiện để tồn tại, cách nói của bà Hoài, xem đó là một “cuộc giải phẫu thẩm mỹ giúp chế độ toàn trị tồn tại mỹ miều hơn” là không thoả đáng, nếu không nói là hoàn toàn phản thực tế. Vì thực tế cho chúng thấy phải hiểu ngược lại mới đúng: ra đời từ những nỗ lực cực kỳ gian khổ để dân chủ hoá đời sống xã hội, những nỗ lực trên đây, cho đến nay đang có tác dụng làm suy yếu chế độ toàn trị ngay trong sân chơi của nó, làm cho chế độ ấy mau chóng mất đi tính chính danh ngay trên chính những nguyên lý của nó. Nếu không khó giải thích việc chế độ toàn trị luôn tỏ ra rất khó chịu, bực bội với hiện tượng này, thì cũng rất dễ hiểu khi thấy trong khi không dám đối thoại sòng phẳng với những phản biện gai góc, những cái lưỡi gỗ của chế độ đã không biết làm gì để đối phó, ngoài việc nhét tất cả vào cái phạm trù gọi là “diễn biến hoà bình” và “tự diễn biến hoà bình” để quy chụp và kết án là “cơ hội”.
‘Thật đáng mong mỏi‘
Khi xác định vị trí tranh đấu của mình, những người phản biện từ bên trong không hề coi phương thức lên tiếng của họ là duy nhất đúng, duy nhất có ích. Đó chỉ là một chọn lựa trong nhiều chọn lựa nhưng khi đã đứng vào vị trí ấy rồi thì sự cân nhắc về tác dụng của hành động và lời nói phải trở thành điều cần thiết: chẳng hạn không thể lúc nào cũng ngang nhiên đòi “giải thể” cái này cái nọ tức khắc cho hả giận và cho sướng miệng, không phải vì sợ bị bỏ tù mà chỉ vì không thích hợp. Từ những giới hạn buộc phải chấp nhận một cách chính danh thì chỉ nên gọi như người ta thường gọi họ là những người phản biện, hoặc ồn ào hơn một chút, có thể gọi họ là những người bất đồng chính kiến – những người như vậy ngày càng nhiều thêm, thái độ của họ ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt. Đây không phải chỉ là kết quả của một quá trình giải hoặc về tư tưởng mà chính yếu đã bắt nguồn từ cái thực tế chuyển động của xã hội đang tác động vào bản thân họ: là sự thất bại hiển nhiên của chế độ toàn trị mạo danh xã hội chủ nghĩa giao thoa với cái xã hội công dân đã bị chế độ toàn trị ấy thủ tiêu cũng mạo danh chủ nghĩa xã hội, nay đang phục hồi do sự thất bại của thứ chủ nghĩa xã hội bị mạo danh ấy.
“Chừng nào thì hành vi phản biện mạnh mẽ nói trên có khả năng chuyển hoá thành một xu hướng chính trị có tổ chức mệnh danh là “đối lập trung thành” theo đúng nguyên nghĩa của nó? Không thể biết được nhưng chắc chắn đó là điều thật đáng mong mỏi.”
Lữ Phương
Chừng nào thì hành vi phản biện mạnh mẽ nói trên có khả năng chuyển hoá thành một xu hướng chính trị có tổ chức mệnh danh là “đối lập trung thành” theo đúng nguyên nghĩa của nó? Không thể biết được nhưng chắc chắn đó là điều thật đáng mong mỏi. Nhưng để điều đó trở thành thực tế thì bản thân chế độ toàn trị phải có sự chuyển hoá thật mạnh mẽ về chất, sự chuyển hoá ấy cốt yếu phải được thúc đẩy bởi sự lớn mạnh của cái xã hội công dân hiện diện bên ngoài sự tồn tại của Đảng: không có sự lớn mạnh của xã hội công dân này thì mọi sự chuyển biến trong Đảng, có tính tới áp lực nội tại của thành phần phản biện nói trên, vẫn chỉ loay hoay trong những hứa hẹn, nếu không mị dân để đối phó thì cũng hoang tưởng, nửa vời.
Xét về logic của sự chuyển hoá hoà bình có thể khẳng định rằng chỉ có một xã hội công dân đã trưởng thành về mọi mặt (kinh tế, văn hoá lẫn chính trị) mới có khả năng hạn chế các chính sách chuyên chế của Đảng, từng bước tác động vào Đảng, mang đến cho những trí thức của Đảng nhiều tính chất dân chủ hơn trong những đề xuất cải cách, qua đó dọn đường dần dà cho sự hoá thân của Đảng, từ một đảng toàn trị thành một đảng dân chủ. Logic thì như vậy và mong ước cũng là như vậy. Nhưng thực tế hiếm khi đi theo logic của sự suy tưởng lý tính, trong trường hợp này, bạo lực có thể sẽ lại lên ngôi một lần nữa, bạo lực cách mạng và cả bạo lực phản cách mạng. Mọi sự bàn luận về thực thể gọi là “đối lập trung thành” bây giờ sẽ mất hoàn toàn ý nghĩa, không cần thiết.
Bài viết của tác giả Lữ Phương, lý luận gia Marxist, nhà quan sát chính trị độc lập về Việt Nam và Đảng Cộng sản, được biên tập, và đăng lại với sự đồng ý của tác giả, người đang sinh sống ở trong nước.
Nhật ký VƯƠNG-TRÍ-NHÀN
1-2
TIẾP TỤC CÂU CHUYỆN NGƯỜI XƯA NGƯỜI NAY
Cậu em tôi kể có người hỏi Lê Khanh, con gái Hà Nội xưa và nay khác
nhau ra sao, nữ nghệ sĩ này trả lời như sau. Xưa con gái đẹp đi đường mà
bị con trai trêu, chỉ cúi đầu che nón bỏ đi. Còn ngày nay bị con trai
trêu là các nàng chửi giả ngay.
Sinh thời anh Võ Huy Tâm kể với tôi là công nhân mỏ thời Tây không bao
giờ ăn cắp vì ăn cắp lập tức bị đuổi việc. Còn ngày nay thế nào thì ta
biết rồi.
Thời bọn tôi đi học cũng có cóp bài của nhau, nhưng là bí quá phải cóp.
Còn ngày nay học sinh chuẩn bị cóp ngay từ ở nhà. Và không cần che
giấu. Sau các kỳ thi phao trắng sân trường.
Nguyễn Hiến Lê có lần than phiền là người già thời nay khổ quá, nuôi
dạy con trưởng thành về già lại còn phải lo cho chúng mãi.
Đọc trong Kinh Lễ thấy
người Trung quốc thời Thương Chu khuyên nhau chỉ chữa bệnh ở những thầy
thuốc đã làm nghề y ba đời. Thấy người xưa sướng quá, người thời nay
chúng tôi mấy ai dám tính chuyện lựa chọn kỹ như thế.
Sau ngày 30-4 một ông anh họ tôi ở SG có bị đi cải tạo ít ngày rồi về
ngay vì thời trước ông chỉ làm ít việc liên quan đến kinh tế. Cũng chẳng
oán thoán gì nhiều, ông chỉ bảo nghĩ thương cho mấy ông quản giáo ở
trại. Một là có trong tay một lực lượng rất giỏi giang mà chẳng biết
dùng làm việc gì. Hai là lúc lên giảng bài cải huấn cho tù nhân, sao cứ
vừa nói vừa sợ, chắc sợ mình nói sai với ý của cấp trên. Thành ra lúng
túng ngượng nghịu đáng thương quá.
4-2
NHỮNG NỖI SỢ THÔNG THƯỜNG
Nội dung bài Thời sự và suy nghĩ báoTuổi trẻ hôm 30-1 là một lời nhắn nhủ Đừng để lễ hội thành nỗi sợ.
Lâu nay báo chí thường chỉ nói tới những nỗi sợ có liên quan đến quyền lực nhất là bạo lực.
Nay hóa ra trong đời sống còn vô số nỗi sợ thông thường khác, những nỗi
sợ này có sắc thái trung tính nhưng cũng rất tiêu biểu cho thời đại.
Buổi sáng sợ đi làm vì không dễ gì vượt qua sự chen chúc trên đường.
Đến sở sợ gặp không khí chơi bời xả láng đến mức thấy mọi cố gắng bản
thân thành vô nghĩa. Có việc gặp cơ quan công quyền sợ mọi sự hạch sách
vô lý.
Đang ngồi trong căn phòng khách sạn chợt thấy tiếng loa phường mắc trên
cột điện chõ ngay vào cửa sổ, nghĩ sợ sao không cách gì thoát nổi của
nợ này.
Đi họp phụ huynh cho con chợt phát hiện cô giáo là người kém cỏi lại
ham thành tích, sợ không biết cô còn dẫn con mình tới chỗ nào.
Một người bạn già của tôi bảo rằng tuy ốm đau luôn đấy nhưng rất sợ
phải đi khám bệnh vì thường gặp một ông bạn cũ tháng nào cũng vào khám
cốt lấy ít thuốc hạng bét về bán đi thêm tiền tiêu vặt.
Nhớ những nỗi sợ được diễn tả trong văn học. Đây là hai câu thơ của Nguyễn Duy, tả nỗi khổ thời bao cấp nghèo đói:
Vợ chồng ngủ với nhau như vụng trộm
Không nỗi sợ nào bằng nỗi sợ có con
Đoạn cuối Chuyện kể năm hai ngàn của
Bùi Ngọc Tấn có một chi tiết lạ. Nhân vật chính ở tù ra đến xin đi làm.
Ông cán bộ nhà máy biết rằng anh này xưa nay vốn rất tốt, nên vui vẻ ký
nhận ngay. Nhưng vừa ký xong thì một nỗi sợ mơ hồ cứ bám riết lấy ông.
Ông cứ phải nói to lên ta không làm điều gì xấu cả.
Chính thức mà nói, ai cũng biết người mãn hạn tù tức là trở về có mọi
quyền công dân bình thường, ấy thế mà sao lớp người chúng tôi vẫn gờn
gợn thế nào mỗi khi tiếp xúc với họ, chắc đó là thói quen mà chỉ con
người miền Bắc trước 1975 mới có.
6-2
TÌM THƠ Ở ĐÂU?
Ngày hội thơ. Các nhà thơ diễn thuyết toàn thấy nói về họ đã làm những
câu thơ ấy trong hoàn cảnh nào, muốn gửi gấm điều gì. Sau buổi festival,
nhiều người tham dự trở về lại chỉ nhớ mấy giá hầu đồng và màn múa phụ
họa. Chỉ có thơ là thiếu, không biết xem kỹ thế nào chứ liếc qua tôi
không tìm thấy câu nào bài nào đáng nhớ.
Trong khi đó thì tôi lại tìm thấy những lý giải về thơ khá thú vị trong một bài viết về …bóng đá
Những
khoảng lặng luôn có nhiều giá trị. Một trong những giá trị quan trọng
nhất của nó là sự chiêm nghiệm. Nói như nhà thơ gốc Serbia, Charles
Simic (chủ nhân giải Pulitzer 1990), thì thơ ca chỉ là đứa con mồ côi
của sự tĩnh lặng. “Ngôn từ không bao giờ tạo ra được những trải nghiệm
như những gì ở giữa chúng”. Hoặc nói như Khổng Tử, thì sự tĩnh lặng là
người bạn không bao giờ biết phản bội.
Đăng kể chuyện trên đường phượt xuyên Việt,
đến đoạn cửa khẩu Pờ y có qua Lào chơi, thấy bên ấy còn nguyên rừng
nguyên thủy, trong khi ở mình, loại rừng nguyên thủy này đã bị đốn
sạch.
Về chuyện rừng bị phá, có lần đọc trên mạng RFA Thực trạng rừng Việt Nam hiện nay ra sao? thấy một cán bộ lâm nghiệp ta khi trả lời phỏng vấn nói gần đây, độ che phủ rừng VN tuy có tăng lên xấp xỉ 40%, nhưng tỷ lệ rừng nguyên sinh chỉ ở mức khoảng 10% so với mức 50% của các nước trong khu vực.
Còn một chuyện khác.
Độ hai chục năm trước tôi đã nghe chuyện cùng con đường 9, cùng dùng
tiền do nước ngoài tái trợ, cùng một công ty VN làm, nhưng đoạn đường
bên Lào tốt hơn hẳn đoạn trên đất VN. Lý do là vì quan chức bên Lào yêu
cầu thợ làm nghiêm chỉnh, còn quan chức VN nhận tiền hối lộ xong thì
mặc, đường làm thế nào cũng xong. Cố nhiên tôi không cách gì kiểm tra
lại được, nhưng sao tôi tin chắc đúng như vậy. Dạo này đổ đốn đến mức ai
nói chuyện gì xấu là tôi tin ngay.
7-2
KẾT THÚC TRUYỆN TRẠNG
Đọc các truyện cổ truyện trạng kể theo kiểu liên hoàn như Trạng Quỳnh
Trạng Lợn Ba Giai Tú Xuất thường thấy kết thúc bỏ lửng. Các trạng không
có tuổi già. Trạng Quỳnh chết vì bị vua đánh thuốc độc. Điều đó còn được
ghi trong câu lục bát Trạng chết chúa cũng băng hà—Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn.
Nhưng tôi ngờ cái chết sóng đôi này là biểu hiện một mong mỏi của dân đen bọn mình hơn là tình tiết có thể có thực.
Chỉ riêng Trạng Lợn hơi khác. Cuối truyện nhân vật này trở về với gia
đình. Bà vợ-- trong truyện gọi là Phu nhân Phấn Khanh – bảo là bây giờ
trạng phải ở nhà dạy con để lo người kế nghiệp. Trạng trả lời đại ý mình
biết gì đâu, thôi phu nhân cứ làm như khi trạng vắng nhà, và bỏ đi chu
du các vùng lạ.
Tức trạng cũng hiểu thành đạt do gặp may chứ mình chẳng tài cán gì. Một
cách nghĩ xa lạ với nhiều người Việt hiện nay dù họ cũng phất lên theo
kiểu trạng.
HÔN QUÂN BẠO CHÚA VÀ BỀ TÔI GIAN NỊNH
TRONG LỊCH SỬ
Sách 100 danh nhân có ảnh hưởng đến lịch sử Trung quốc (bản
dịch của Nguyễn Văn Dương 2002) có lối phân loại nhân vật lịch sử khá
kỹ. Chương I, dành cho các nhân vật ngoại hạng, như Khổng Tử Lão Tử Tần
Thủy Hoàng Mao Trạch Đông. Chương II, các vị đế vương các lãnh tụ vĩ
đại. Chương III, các nhà tư tưởng v.v…
Lại thêm có phần phụ lục về 10 đại hôn quân bạo chúa và bề tôi gian nịnh, bao gồm vua Trụ, Tùy Dạng Đế, Từ Hy thái hậu, Tần Cối, Đổng Trác và Viên Thế Khải…
Tôi đọc và thấy có lẽ phải làm thế mới gọi là làm sử.
Lịch sử không phải chỉ là để nêu gương. Lịch sử là nói điều gì người
nào đã có ảnh hưởng tới sự vận động của xã hội dân tộc thời đại. Có hiểu
về những yếu tố cả thuận cả nghịch này, mới hiểu quá khứ và định hướng
thời đại.
Tôi ước ao có người nào đó khi viết sử sẽ đi vào cuộc đời cả những bạo
chúa và bề tôi gian nịnh trong lịch sử VN. Chắc chắn các nhân vật này ở
VN khác nhiều so với những người cùng loại bên Trung quốc.
HỌC SỐNG TỪ NHỮNG TRANG VĂN
-- Tại sao nhiều bạn trẻ bây giờ không thể sống tốt?
Trước câu hỏi đó, người ta nhắc đi nhắc lại rằng họ không được giáo
dục. Nhưng thử nhìn vào các cuốn sách giáo khoa xem, cái tốt luôn được
nói tới một cách tắc trách, chẳng có một nội dung cụ thể nào ngoài những
công thức mơ hồ, nhạt nhẽo. Giáo dục của ta là thế.
Chỗ riêng tư, một người bạn tâm sự với tôi sở dĩ anh có thể tốt được,
theo anh tự nhận, chỉ vì đọc văn học khá rộng, ở đó anh thấy bao nhiêu
con người với bao nhiêu cảnh ngộ và cách xử sự khác nhau.
Cố nhiên thứ văn chương anh nói ở đây phải là thứ văn chương đích thực
của nhân loại trong đó nền văn chương tiền chiến ở ta là một ví dụ.
8-2
KHẢ NĂNG IM LẶNG
Có một thứ năng lực mà người xưa hơn hẳn người nay, đó là khả năng cam chịu.
Chắc
có người nghĩ, nhấn mạnh khả năng cam chịu là làm hèn con người đi. Đâu
có đơn giản thế. Khi biết là rơi vào tình cảnh bế tắc thì cam chịu là
sáng suốt, cứ liều lĩnh làm bừa đi mới là ngu ngốc. Chính nhiều tôn giáo
trong đó có Đạo Phật cũng đã dạy người ta cam chịu như là một sự chấp
nhận. Im lặng và cam chịu ở đây đồng nghĩa với suy nghĩ, một nhân tố
chuẩn bị cho một sự giải thoát đích thực.
Trong
các nhân vật trí thức nước mình, tôi thích nhất La Sơn phu tử Nguyễn
Thiếp ( 1723-1804). Khi Tây Sơn cần, ông ra giúp, lập Sùng chính viện lo
đào tạo cơ bản bằng việc dịch sách chữ Hán ra chữ nôm. Nhưng khi Quang
Trung mất, ông làm việc dưới triều Quang Toản ít ngày, rồi rút lui về
quê. Gia Long cho mời cũng từ chối.
10-2
ĐỒNG LOẠT XUỐNG CẤP
Tin trên Tuổi trẻ -
Hàng chục tuyến đường ở TP Huế đang xuống cấp nặng nề. Có những con
đường không thể đi lại được nữa, nhất là vào lúc này, khi mưa dầm kéo
dài cả tháng.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Thừa Thiên - Huế, có gần 20
tuyến đường ở TP Huế đang đồng loạt xuống cấp nặng nề-- tác giả bài báo
viết -- nhưng thực tế còn nhiều hơn con số đó.
Đường xá ra sao tình hình chung như vậy. Cứ nát bươm cả lên. Chỗ nào
hôm nay còn tốt tháng sau năm sau sẽ hỏng thôi, tránh sao nổi.
Nhân đây phải thú nhận một sự bất lực của tôi. Đang định dẫn lạị môt
nhận xét của Hemingway có liên quan đến xu hướng trên. Đại ý trong một
lá thư viết về chiến tranh, Hemingway kể rằng cái chết lúc nào cũng chờ
mọi người; ai chưa chết hôm nay thì tháng sau sẽ đến lượt. Ở ta bây giờ
cũng thế, không chóng thì chầy, tai vạ sẽ đến với tất cả.
Biết là dẫn ra sẽ rất đắc địa mà chịu không nhớ là cái ý trên nằm trong tác phẩm nào của Hemingway để chép ra cho chính xác.
11-2
THÂN THIỆN VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI ?
Trên mạng Huffington Post,
bên Mỹ một khách du lịch cho biết: Không ai muốn trở lại nơi mà họ cảm
thấy bị đối xử tệ. Khi tôi ở Việt Nam, tôi đã liên tục làm phiền, bị bắt
phải trả quá giá, bị móc túi và bị đối xử tệ. Tôi không bao giờ cảm
thấy được chào đón ở đó.
Tin
này vừa đưa thì trên báo có ngay bài phản bác, chê người du lịch kia là
nói không đúng sự thật chắc là dân không chuyên nghiệp(!)
Những chuyện này tôi vẫn nghe thấy luôn, dân mình làm phiền nhau chặt
chém nhau đủ kiểu và cũng dùng đủ mọi cách đó với người nước ngoài.
Thế mà họ vừa nói ra mình đã phản pháo ầm ầm thế, liệu ai người ta còn muốn dây với mình nữa?
Ta chỉ thích người ta nói những câu giả dối rồi trong bụng có chửi
thầm cũng mặc. Đến nữa hay không là việc của họ, chỉ có yêu cầu họ không
được nói điều không thích với người chưa đến. Chẳng phải đó là cách
hiểu về sự thân thiện rất phổ biến trong chúng ta hôm nay?
TẠI TA HAY TẠI NGƯỜI ?
Nhìn rộng hơn về mối quan hệ với nước ngoài. Một khách du lịch khác kể một giáo viên tiếng Anh tại Nha Trang cho anh ta biết người
Việt được giảng dậy rằng tất cả các vấn đề mà người Việt gặp phải đều
được đổ lỗi cho phương Tây, đặc biệt là người Pháp và người Mỹ. Nay
người Việt hi vọng người phương Tây đến để tiêu tiền ở Việt Nam… do đó
họ (người Việt) không chào đón tây ba lô (những người ít tiền).
Nửa sau câu nói chỉ là chuyện nhỏ.
Nhưng nửa đầu thì là chuyện lớn.
Việc coi người phương Tây là nguyên nhân của mọi vấn đề mà người Việt gặp phải là cách nghĩ của cả cộng đồng chứ không phải của riêng ai.
Chẳng phải đó là lý do khiến chúng ta đồng tâm làm cuộc đổi dời lớn lao
là đập vỡ xã hội cũ để dẫn tới tình trạng ngổn ngang hôm nay?
Đỗ Mục (803-853) là một nhà thơ lớn đời Vãn Đường, nổi danh không kém gì Đỗ Phủ thời Thịnh Đường. Trong bài phú Cung A Phòng nói
về sự hưng vong đời Tần Thủy Hoàng và sáu nước thời Chiến quốc (Yên
Triệu Hàn Ngụy Tề Sở) ông từng viết “Than ôi! kẻ diệt lục quốc không
phải Tần mà là lục quốc. Kẻ diệt Tần chính là Tần không phải thiên hạ “.
( Theo bản dịch Cổ văn Trung quốc của Nguyễn Hiến Lê S. 1966 ).
Có lẽ còn phải một thời gian nữa rồi dân ta mới đạt tới cách nghĩ
“tiên trách kỷ hậu trách nhân” như vậy. Nhiều người Trung quốc khi nhìn
sự phát triển xã hội hiện đại cũng mắc bệnh này. Nhưng bệnh dân ta nặng
hơn bệnh dân Tầu.
19-2
TIẾNG VIỆT LÀ THẾ NÀY Ư?
Một bài báo hôm nay có tên Giết người man rợ. Tại sao tôi cứ thấy chương chướng khi đọc một cụm từ độc lập như vậy. Giá làm biên tập thì tôi phải sửa lại Một vụ giết người man rợ.
Cũng tương tự, đọc một câu thơ Vĩnh biệt niềm đam mê chân mây Anh chỉ là chiếc áo ngủ điêu tàn tôi cứ ngờ ngợ. Điêu tàn vốn là hai chữ Hán ghép lại. Nhưng theo chỗ tôi tra ở các từ điển phổ thông Trung quốc thì từ ghép này bên ấy họ ít dùng. Còn ở VN, cuốnHán Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn in ở SG 1969 ghi điêu tàn là tan nát, sụp đổ tan tành.
Từ điển tiếng Việt của Văn Tân ghi xơ xác tàn lụi
Từ điển Nguyễn Bá Đạm ghi giảm sút đến mức gần như mai một
Nếu vậy thì làm sao có thể viết chiếc áo điêu tàn được nhỉ!
Lại còn trường hợp tên cuốn sách Tại sao Việt Nam? của L. A. Patti. Tôi hiểu rằng đây là dịch thẳng từ tiếng Anh Why Vietnam? sang. Nhưng bao giờ nghe thấy cái câu Tại sao Việt Nam? , tôi cũng tự hỏi không hiểu tác giả muốn nói ý gì. Tại sao những chuyện này lại xẩy ra ở VN? Tại sao chúng ta có mặt ở VN ? Chắc là bên Anh Mỹ, người ta hiểu ngay cái mạch ngầm đằng sau. Lẽ ra, người dịch phải làm hộ người đọc cái điểm đó.
Trong tiếng Việt sau từ tại sao, không bao giờ được phép ghép chỉ một danh từ nào đó. Ví dụ không ai nói tại sao cái búa? Mà phải nói tại sao cái búa hỏng ? không nói tại sao hòa bình ? mà phải nói tại sao hòa bình được lập lại?
Trích trong bài Kissinger bàn về Trung Quốc: Ý chí Mao Trạch Đông
Chương sách đầu tiên về Mao mở đầu như sau: “Ở vị trí người đứng đầu
của triều đại mới, triều đại mà vào năm 1949 đã tràn từ nông thôn ra
tiếp quản thành phố, sừng sững một người khổng lồ: Mao Trạch Đông. Độc
đoán, ảnh hưởng bao trùm, tàn nhẫn và xa cách, vừa là nhà thơ vừa là
chiến sĩ, vừa là người đưa ra chủ trương vừa là nhà phê bình, ông thống
nhất toàn Trung Quốc và đưa cả đất nước này vào một hành trình gần như
hủy diệt xã hội dân sự. Điều kỳ lạ là cho tới cuối hành trình, Trung
Quốc đã trở thành một trong những siêu cường của thế giới.”
Trích từ 30 điều thú vị về Thailand
Thường bạn không bắt gặp những người say bia rượu trên đường phố Thailand. Người Thái dường như không bao giờ uống say, và nếu bạn hơi lâng lâng, thì họ cư xử bình tĩnh và không gây ồn ào. Trạng thái bình thườngcủa người Thái say rượu – ngồi và cười.
Ở đất nước này không chấp nhận nói chuyện to giọng. Và người hay cười không bị xem là kẻ ngốc nghếch, cườiđáp lời ở Thailand – đó là chuẩn mực. Chính bởi vậy Thailand được gọi là đất nước của nụ cười.
Trong tiếng Thái không có từ “đói”.
20 -2
NHÂN CHUYỆN TÁI CƠ CẤU,
NHỚ NHỮNG BÀI HỌC HỒI CHIẾN TRANH
Chuyện sửa xe đạp
1/ Có hỏng gì thì sửa ngay, càng để lâu càng khó sửa.
2/ Khi một ổ bi đã hỏng thay vào vài viên bi mới cũng vô ích.
3/ Lốp nát thì xăm tốt cũng vứt đi, và ngược lại. Xích líp cũng quan hệ tương tự
4/ Khi các trục đã nát, không thể vặn chặt quá. Tốt nhất là để nó hơi giơ, tức là hơi lỏng một chút. Vặn chặt quá sẽ vỡ nát cả trục.
Chuyện bó chân
Năm 1969 anh T. B. đang công tác ở chiến trường Tây nguyên thì được
lệnh ra Hà Nội. Cùng ra với anh có cả chị và hai cháu. Một cháu đã lớn,
tự đi được. Một cháu nhỏ phải ngồi trong ba lô, nên khi ra chân bị cong
như hai nửa hình tròn, T. B. phải nhờ quân y đập chân ra để bó lại cho
thẳng. Hồi trước 1975, với chúng tôi đó là một quyết định quá bạo, nhiều
người tự nghĩ ở địa vị mình không dám làm. Nhưng thử nghĩ làm gì có
cách nào khác.
Khi biết tôi định liên hệ chuyện này với vấn đề thay đổi cải cách xã hội hôm nay, một bạn tôi là bác sĩ bảo:
--Nhưng nên nhớ rằng lúc ấy sức khỏe bệnh nhân phải tốt lắm.
Một bạn khác nghiên cứu xã hội học đế thêm.
--Tôi
hiểu. Không phải thấy việc gì cần làm là cứ nhắm mắt làm. Có một câu
danh ngôn đại ý nói người ta không nên tính phá đi một căn nhà khi không
hình dung ra sẽ xây dựng lại ngôi nhà mới như thế nào và có đủ tiền
không. Tôi cũng thấy thế, không nên ủng hộ lối hành động chỉ để chứng tỏ
là mình có hành động. Ngồi yên là có tội. Nhưng cũng không được chữa
theo kiểu bôi bác và kêu ầm lên sau sửa chữa mình rằng có một ngôi nhà
“trên cả tuyệt vời”.
23-2
Ở Hy Lạp, đôi chỗ dân bắt đầu có hình thức đổi công cho nhau, mà không dùng tiền.
Ở Mỹ, bắt đầu có các cửa hàng trưng biển chuyên bán hàng Mỹ.
Rút lại chỉ là nhân loại cảm thấy mình đã phát triển nhanh quá. Sự toàn cầu hóa -- sự hiện đại hóa --đã đến quá sớm.
Có tin mấy thành phố như Nha Trang Hạ Long định phấn đấu để trở thành thành phố không có khói thuốc.
Tôi định viết nghe mà thấy như chuyện tầm phào.
Nhưng rồi đọc lại, hóa ra ở đây người ta có nói tới việc nhất định làm
được đâu mà chỉ nói phấn đấu thôi, ai bắt vạ được. Cứ nói tướng lên là
mình định thế này thế nọ. Không phải là ảo tưởng nữa mà là dối người và
dối mình luôn thể. Có sao đâu?
24-2
GHI VẶT
Bên Nga săp bầu cử. Vừa thấy có những cuộc biểu tình phản đối thì lại
có ngay những cuộc khác đông hơn vui vẻ hơn ủng hộ Putin. Do ông Putin
tổ chức, cố nhiên. Một ông hiệu trưởng nói rằng ông được lệnh phải huy
động các giáo viên tham gia, nếu không sẽ mất việc.
Nay thì người ta có thể chế ra tất cả các thứ hàng giả, và thứ hàng giả
chính trị ở cấp quốc gia như thế này đang phổ biến ở nhiều nước.
Nhớ một lần họp báo, nhân có tin Putin đã có tới 40 tỉ đôla gửi ngân
hàng, một phóng viên phương Tây hỏi, nghe nói ngài giàu lắm phải không,
thì được ngài tổng thống trả lời: Vâng tôi rất giầu, đó là giầu tình
yêu của nhân dân Nga với tôi.
Học sử ngoài đường được xem như một sáng kiến với nghĩa dưới tên phố danh nhân ghi thêm một đoạn về công tích danh nhân đó.
Cái thứ sử mà chúng ta muốn mọi người biết chỉ là thứ kiến thức hời hợt và vu vơ như thế đó.
Anh Tạ Ngọc Liễn bên Viện sử tôi quen từ hồi hay đi thư viện với nhau
trước 1975 hôm nọ bảo thôi đành để việc viết sử VN cho người nước ngoài
vậy.
25-12
TRÌNH ĐỘ KHOA HỌC XÃ HỘI? Ở TA HÔM NAY
Một tin ngắn trên bản tin VTV1—khoảng 80% (?) sinh viên Đại học khoa
học xã hội nhân văn thuộc Đại học quốc gia HN không hiểu tại sao mình
lại vào trường này và không biết sau này mình ra trường làm việc gì.
Trước đó tờ SGTT có một đoạn tin nói rằng nhiều gia đình trẻ bây giờ gặp phải hội chứng trẻ thích nổi tiếng, thích cha mẹ trở thành đại gia. Sau đó báo phỏng vấn một tiến sĩ tâm lý học đề nghị giải thích hiện tượng đó và cho một lời khuyên.
Câu trả lời của vị tiến sĩ rút lại chỉ là cái ý “cha mẹ hãy quan tâm tới con cái”
Còn nhớ trong những năm chiến tranh, dân tạm gọi là lao động trí óc bọn tôi luôn được nghe cấp trên giảng đại ý là
--về khoa học tự nhiên ta có kém thế giới
--còn
về khoa học xã hội, ta có lý luận của ta, đạt trình độ tiên tiến của
thế giới rồi, thiên hạ có nước còn muốn cắp sách đến học ta nữa ấy
chứ.
27-2
NÀO TA CÙNG TỰ SÁT
Cái tiêu đề này là của blog Nhị Linh, tôi mượn để nói thêm.
Khi trả lời phỏng vấn một tờ báo Việt Nam, một chuyên gia giao thông
người Nhật Bản nêu nhận xét rằng ông thấy người dân ở Hà Nội đi xe máy
đúng theo kiểu tự sát.
Có thể bảo “đâm đầu vào cõi chết” là tinh thần chi phối xã hội ta
trên nhiều phương diện sống khác. Ít ra là trong mấy việc:
1/ cách ta xả rác và hủy hoại môi trường
2/ cách ta khai thác hầm mỏ, đất đai … và các di sản văn hóa để thu lợi
3/ Cách ta dùng người và đào tạo lớp trẻ.
Xin nói rõ ý thứ ba bằng chuyện bên ngành giáo dục. Sinh viên các
trường sư phạm giờ đây khi ra trường dù là giỏi đến đâu cũng không được
nhận vào biên chế ngay mà phải qua nhiều lần hợp đồng.
Nói là để thử thách. Nhưng thực chất là để các nhà tổ chức hét tiền cống nạp đâu từ vài chục đến cả trăm triệu mỗi lần.
Một phó giáo sư giáo dục học đã về hưu kể với tôi từ đây xảy ra hai
tình thế, một là có nhiều cử nhân sư phạm mới ra trường không kiếm được
tiền đành bỏ nghề; hai là những em có khả năng mang tiền nhà đi vay đi
mượn để nộp thì sau này mặc sức cướp bóc học trò để hoàn vốn.
-Theo:-
Nhật ký 2012 ( II )
- Về làng chuyên xuất khẩu... lồng chim (DV 3-3-12)
- Sao không xử hình sự?
Thanh Niên
Loạt bài Kinh hoàng heo siêu nạc đăng trên Thanh Niên, phản ánh tình trạng sử dụng chất cấm nhóm Beta Agonists trong nuôi heo, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Từ phản ánh của phóng viên, dư luận không chỉ quan ngại vì đây là những chất độc ...Kinh Hoàng Heo Siêu NạcViệt Báo Daily Online
Chuộng thịt nạc, coi chừng hóa chất cực độc 24 giờ - Thợ mổ đóng dấu thú y (TN).-- Thu giữ gần 3.000 kg thịt gà thối (TN). - Hơn ba tấn gà, heo “đột nhập” TP.HCM (PLTP).-- Nhìn cảnh này, không ai còn dám ăn miến (Infonet).
Loạt bài Kinh hoàng heo siêu nạc đăng trên Thanh Niên, phản ánh tình trạng sử dụng chất cấm nhóm Beta Agonists trong nuôi heo, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Từ phản ánh của phóng viên, dư luận không chỉ quan ngại vì đây là những chất độc ...Kinh Hoàng Heo Siêu NạcViệt Báo Daily Online
Chuộng thịt nạc, coi chừng hóa chất cực độc 24 giờ - Thợ mổ đóng dấu thú y (TN).-- Thu giữ gần 3.000 kg thịt gà thối (TN). - Hơn ba tấn gà, heo “đột nhập” TP.HCM (PLTP).-- Nhìn cảnh này, không ai còn dám ăn miến (Infonet).
- Cháy tại Vườn quốc gia Hoàng Liên – Sa Pa (TN). - Cháy Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn: 3 ngày chưa dập được lửa (SGGP). - Cháy lớn tại Vườn Di sản ASEAN Hoàng Liên (NLĐ).- Vụ phá rừng lớn chưa từng có tại Hà Tĩnh (VNN).- An Giang: Sạt lở đất nghiêm trọng (SGGP). - An Giang: Sạt lở nghiêm trọng bờ sông Hậu (VOV). - Sông ngoạm đất liền, 22 nhà dân bị nhấn chìm (VNE). - Di tản dân khẩn cấp vì sạt lở lan rộng (SGTT).
- -: Liên tiếp hai vụ cháy ô tô (TP). -- Bệnh tay chân miệng tại TP.HCM gia tăng (SGTT). - Cận cảnh ổ dịch H5N1 đầu tiên ở Hà Nội (VNN). - Nghệ An: Gà chết do dịch bệnh vứt đầy trên sông (VOV/CATPHCM).- Xử lý nghiêm các trường hợp đổ rác xuống kênh (TN).-- Mưu sinh dưới đáy biển (VNE). – Bốn lão hoa tiêu “gàn” (NLĐ).
- Trạm cân Dầu Giây liên tục trục trặc (TN). - Trạm cân Dầu Giây tê liệt hơn 10 ngày qua (PLTP).- Sắp tăng phí cấp biển ô tô, xe máy (PLTP).
- Thêm 1 Tổng giám đốc bị bắt vụ lừa tiền tỷ Hoa hậu Biển (ANTĐ). - Bắt khẩn cấp một đồng phạm vụ “đại gia lừa hoa hậu “ (TN).
- Người gốc Việt được Nữ hoàng Anh vinh danh (VOV News).-- Được huấn luyện, gấu vẫn “quên” rừng! (NLĐ).
- ‘Bệnh tiểu đường’ ở Sài Gòn (NV 23-2-12) -- Một vấn đề "văn hoá" cực kỳ bức xúc! ◄
- Vì sao có nhiều sóng gió ở các hội văn nghệ địa phương (phongdiep 4-3-12)
- Nông dân ra đường học… ngoại ngữ (VnEx 4-3-12)
- "Hòn vọng thê" sau những nhà khoa học nữ (VNN 4-3-12)
- Sách lậu lộng hành! (SGGP 4-3-12)
- Làng nghệ Việt đầu năm: kiện, tố và kiện (VNN 3-3-12) -- Nhầm! Đây thưc sự là "làng kiện", song thỉnh thoảng có người ca hay. (Như ở Mỹ: "I went to a fight and a hockey game broke out!")
- Để vào chùa xưng hô cho đúng (Bee.net 4-3-12) -- Đừng quen miệng mà "thưa đồng chí"!
- Cá lóc nướng trui (TN 4-3-12) -- Món này là món tôi ưa nhất trên đời! ◄
- Trận đá gà cuối cùng (SGTT 4-3-12) -- Bài này hay.
- Du lịch Campuchia: Cambodia’s Sweet Spot (NYT 2-3-12)
Ảnh màu miền Bắc trong thập niên 1910s
Rue Paul Bert, Hanoi, 1914-1915 Village chief smoking a water pipe, 1916 Young girls play the pawns in a human chess match, 1920 Un étalage de jouets en fer blanc vendus au moment de la fête des enfants, 1915 Woman Smoking Opium, Hanoi - French Indochina circa 1915 The Governor of Tonkin and his family, 1915 Hanoi, sampans and Paul Doumer Bridge, 1915 Actor and actress, Hanoi-Tonkin, 1915 Tonkin - Hanoi: Two opium smokers drinking tea, 1915 Mandarin militaire, mandarin chef de province et préfet en costume d’audience solennelle, 1915 Tinsmiths' Street, Hanoi, 1915 Haiphong, 1915 Le Pont Paul Doumer, Hanoi, 1915 Sampan en baie d'Halong, 1916 Two opium smokers, 1915 Village actors, Hanoi, May June 1916 A district chief and district authorities gathered at the town hall, 1915 Hongay, 1915 Chaloupe Chinoise, 1915 Marchand de sentences, Hanoi, 1915 Marchande de riz, 1914-1915 Marché de Bac Lè, 1915 Baie d'Halong, 1915 Mine de Hong Gay, 1918-1921 Groupe de notables, environ de Hanoi, vers 1920 A North Vietnamse girl whose teeth are tinted black, 1915 Rue du Chanvre, Hanoi, 1915 (Hemp street) Prêtresse des 3 mondes, 1915 Buddhist Temple on the road to Tam Dao, June 4, 1916 A nun and two novices, circa 1916 Un lettré lisant environ de Hanoi, 1915 A local authority in hearing ordinary costume, 1916 An elder village notable near Hanoi, 1920 A district chief reading a patent Imperial, 1916 Making betel quid, about Hanoi, 1916 Priestess of the cult of the 3 worlds, 1916 A Hanoi girl, 1914-15 Two young girls wearing the non-ba tam Banane Hanoi, 1915 Mine de cuivre, 1915 The highlands on the border of China, Na-Cham village Group of Tonkin girls, 1916
CẦU NGUYỆN cho CÔNG LÝ&HÒA BÌNH
-Theo:Công Lý & Hòa Bình. -CẦU NGUYỆN cho CÔNG LÝ&HÒA BÌNH
(LM Nguyễn Ngọc Tĩnh - Nhà thờ Kỳ Đồng / Sài Gòn)
TRÍCH bài giảng ngày 26/02/2012:
Trong
bài Tin Mừng ngày thứ Tư lễ Tro Hội Thánh muốn chúng ta nghe chính Chúa
Giê-su đề ra cho chúng ta những mục tiêu cần cố gắng đạt tới, đó là ăn
chay, cầu nguyện và làm việc bác ái...
- Hội Thánh lại mời ta nghe ngôn sứ I-sai-a diễn giải thế nào là ăn chay. Tôi chỉ xin đọc mấy câu sau đây :
“Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau,
nằm trên vải thô và tro bụi,
phải chăng như thế mà gọi là ăn chay
trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa ?
Cách ăn chay mà Ta ưa thích
chẳng phải là thế này sao :
mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,
trả tự do cho người bị áp bức,
đập tan mọi gông cùm ?
Chẳng phải là chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ
trước người anh em cốt nhục ?” (Is 58,5b-7)
-Thế
thì không có gì hợp lý hơn khi khởi đầu Mùa Chay mà chúng ta cầu nguyện
cho Công Lý & Hoà Bình, vì sứ mạng người Ki-tô hữu chúng ta không
là gì khác hơn là cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa Giê-su.
Do
đó thật là thích họp khi chúng ta cử hành thánh lễ hôm nay mà tưởng nhớ
đến tất cả những nạn nhân của tàn ác, bất công, gian dối trên thế giới,
đặc biệt nơi chính quê hương yêu dấu của chúng ta. Đó là những người
dân oan bị mất đất, mất phương tiện sinh sống do một chính sách mang
dáng vẻ công bằng khi khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng
thực chất chỉ tạo điều kiện cho đám quan tham thành những tên cướp ngày.
Đó là những ngư dân bị giặc Tàu bắt ngay trong lãnh hải Việt Nam, những
công nhân bị chủ nhân bóc lột tàn tệ mà không được bảo vệ, những người
đi lao động nước ngoài bị lừa gạt, những phụ nữ, thậm chí trẻ em bị biến
thành nô lệ tình dục, và còn biết bao thứ nạn nhân nữa, kể sao cho xiết
!
Nhưng
ở đây tôi muốn đặc biệt nói đến những người hiện đang bị giam cầm, tù
tội. Đó là những người chấp nhận bao thiệt thòi, bao phiền toái cho bản
thân và gia đình, chấp nhận hy sinh sự nghiệp, hy sinh hạnh phúc cá
nhân, chấp nhận tù đày, thậm chí chấp nhận cả cái chết. Để làm gì ? Thưa
để nói lên, để gào thét lên khát vọng thấy nhân quyền được tôn trọng,
người dân sống tự do, đất nước có dân chủ, quốc gia được độc lập, lãnh
thổ cũng như lãnh hải được bảo toàn. Những con người như thế, đúng là
tinh hoa của dân tộc. Bất chấp những gì bị gán ghép cho họ, cái tội của
họ là yêu tự do, yêu dân chủ, cái tội tày đình của họ là yêu nước, yêu
một cách thiết tha, họ đã biểu lộ tình yêu đó một cách công khai, dũng
cảm, và đã trả giá cho tình yêu đó bằng chính cuộc đời mình...
*Những điển hình:
sau khi được tha đã bị bắt trở lại như các ông Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn
Bắc Truyển, linh mục Nguyễn Văn Lý. Có những người ở độ tuổi trung niên
như ông Vi Đức Hồi, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, anh Điếu Cày, hay chị Bụi Thị
Minh Hằng.
Điều
đáng để ý là có một số khá đông bạn trẻ thay vì hưởng thụ hay chấp nhận
sống an phận thủ thường đã dấn thân tranh đấu cho chính nghĩa. Chẳng
hạn các bạn Nguyễn Tiến Trung, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh,
Paulus Lê Sơn, Huỳnh Thục Vy, hay 17 bạn sinh viên gốc Vinh bị bắt từ
nhiều tháng nay mà chưa ai rõ vì tội danh gì.
-Trong số những người bị bắt, có hai nhân vật nổi bật trong lúc này, trước hết là anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng...
-Nhân
vật thứ hai tôi muốn đề cập tới hôm nay là anh Việt Khang, người nhạc
sĩ trẻ miệt vườn tỉnh lẻ ...chí mới được biết đến thời gian gần đây đặc
biệt qua hai bài hát ...
Tác
giả đã chứng kiến cảnh những người đi biểu tình chống Trung Quốc xâm
lược bị săn đuổi, đấm đá, có người bị giẫm lên mặt, một số bị bỏ tù. Và
rồi người nghệ sĩ của chúng ta vừa đau xót, vừa ngỡ ngàng, đã thảng thốt
đặt câu hỏi qua bài hát : Xin hỏi anh là ai ? ...nhạc sĩ như nghẹn ngào
trước viễn tượng mất nước, đau đớn và kinh ngạc trước cách hành xử tàn
ác thô bạo của những người tự nhận là “bạn dân”. Việt Khang tiếp tục đặt
câu hỏi :Xin hỏi anh ở đâu ?
*
Tiếng
hát của Việt Khang ...đàng sau cái giọng hiền hoà gần như yêu đuối là
cả một ý chí sắt đá không biết đến sợ hãi, bên cạnh cái ngỡ ngàng day
dứt là cả một lòng yêu nước tha thiết nồng nàn. Chính vì vậy mà tiếng
hát Việt Khang đã xé lòng người Việt tha hương đến độ chỉ riêng tại Hoà
Kỳ và chỉ trong hơn 10 ngày đã có hơn 50.000 người ký thỉnh nguyện thư
nhằm ủng hộ những người đang đấu tranh cho tự do dân chủ, đang đòi hỏi
nhân quyền cho Việt Nam.
*
Thời sự dưới ánh sáng Lời Chúa
...rõ ràng toả ánh sáng lên những gì đang diễn ra trên đất nước chúng ta...
Chúa còn cho ta những tấm gương sống động ...và còn biết bao nhiêu tấm gương khác nữa.
Tất
cả đang trả giá để bày tỏ lòng yêu nước trước hiểm hoạ xâm lăng, để nói
lên khát vọng tự do dân chủ, để đấu tranh cho công lý, cho hoà bình.
Sống dưới chế độ độc tài toàn trị, ý chí người dân bị tê liệt vì sợ hãi.
Tô Hải không còn là một thằng hèn nữa. Có điều phải vượt qua tuổi 70 Tô Hải mới công khai nhìn nhận .
Còn
Việt Khang và những bạn trẻ tôi đề cập đến trên đây không chờ đến khi
mắt mờ chân chậm mới bày tỏ khát vọng tự do, dân chủ, mới dấn thân đấu
tranh cho công lý, mới tìm cách thể hiện lòng yêu nước và chấp nhận trả
giá.
Hôm
nay, chúng ta họp nhau để cầu nguyện cho công lý và hoà bình, để tôn
vinh Thiên Chúa là Đấng làm Chủ lịch sử. Qua những diễn biến ở Bắc Phi
và Trung Đông, điều hiển nhiên là khát vọng dân chủ tự do đang đẩy lùi
các chế độ độc tài toàn trị, mời gọi chúng ta xác tín rằng không có gì
mà Thiên Chúa không làm được.
Có điều Thiên Chúa cần chúng ta tiếp tay với Ngài. Ước gì chúng ta đừng để cho Thiên Chúa thất vọng.
-Theo: Công Lý & Hòa Bình.
- Đã đến lúc bỏ chính sách hạn điền (TN 4-3-12) -- Bài Đặng Hùng Võ .Đã đến lúc bỏ chính sách hạn điền
Thanh Niên
Khi xây dựng luật Đất đai năm 2003, quan điểm của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bỏ hạn điền. Nhưng nội dung này không được chấp nhận ở Quốc hội. Hạn điền là một chính sách đất đai quan trọng của các triều đại phong kiến trước đây nhằm hạn ...
Nỗi lo của người nhiều ruộngTiền Phong Online--Cần sửa đổi gì trong luật Đất đai? – Kỳ 3: Điểm nghẽn lớn nhất là quyền sở hữu (TN). – - Công khai các dự án chậm cấp giấy chứng nhận nhà đất (PLTP)--Khi xây dựng luật Đất đai năm 2003, quan điểm của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bỏ hạn điền. Nhưng nội dung này không được chấp nhận ở Quốc hội. Hạn điền là một chính sách đất đai quan trọng của các triều đại phong kiến trước đây nhằm hạn ...
- Trung Quốc - Hậu Ô Khảm: Protest’s Success May Not Change China (NYT 3-3-12) -- : Người dân Ô Khảm tập làm dân chủ. Tuổi trẻ - Trung Quốc: Xã Ô Khảm bầu Chủ tịch mới – (VOA). - Dân làng Ô Khảm kết thúc hai ngày bầu cử lãnh đạo tự do đầu tiên – (RFI).- “Địa ngục” ở Trung Quốc.
Vụ Cù Huy Hà Vũ: Vụ kiện của bà Hồ Lê Như Quỳnh đã đến đâu?
- -Vụ kiện của bà Hồ Lê Như Quỳnh đã đến đâu? Gần đây tôi chợt nhớ tới vụ kiện của bà Hồ Lê Như Quỳnh đối với báo Công an TPHCM và tôi không rõ tình hình vụ kiện đã đi đến đâu. Tôi tra Google thì tìm thấy bản khai gửi tòa án của bà Hồ Lê Như Quỳnh vào ngày 1-8-2010 và theo thông tin ở đấy ngày 8-8-2010 tòa án tiến hành hòa giải lần đầu. Tôi không tìm thấy thông tin nào mới hơn và không biết kết quả hòa giải hay diễn biến của vụ kiện tiếp theo như thế nào. Không biết có ai đọc blog của tôi có thông tin nào về vụ việc này không?
Tôi nghĩ giới dissident ở Việt Nam không được dân chúng ủng hộ một phần vì chính vì lý do họ không cung cấp thông tin đầy đủ và trung thực trong những vụ việc liên quan đến họ cho công chúng biết. Ai có thể ủng hộ những người che giấu những thông tin về những vụ việc mà chính họ trước đấy rất tích cực tuồn cho công chúng biết. Tôi nhớ tới vụ ông Nguyễn Quang A với Bộ Tư pháp về Nghị định 96. Sau đấy cũng không thấy ông Nguyễn Quang A thông tin gì tiếp. Công chúng thường chóng quên, nhưng tôi lại không quên và luôn cảm thấy có điều gì đấy rất không minh bạch.
- Vụ Cù Huy Hà Vũ: Hà Nội vi phạm điều 19 Công ước Quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị (RFI)- Các Tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế chỉ trích chính quyền Việt Nam vi phạm điều Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị. RFI đặt câu hỏi với ông Vũ Quốc Dụng, Tổng thư ký hiệp Hội Quốc Tế Nhân quyền. Trước hết, ông nhận định về việc bắt giam và cáo buộc luật gia Hà Vũ những tội danh thay đổi từ « quan hệ với gái mãi dâm trở thành chống nhà nước và bôi nhọ lãnh đạo ».-Đơn tố cáo của Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ bvnpost
Ngân hàng Nhà nước được áp dụng cơ chế bắt buộc sáp nhập, mở “room” cho cả ngân hàng ngoại để xỷ lý các ngân hàng yếu kém..
- Sẽ tiến hành cổ phần hóa ngân hàng lớn nhất VN (TTXVN). - Ngân hàng yếu kém bắt buộc phải sáp nhập (PLTP). - Chính thức mở cơ chế xử lý các ngân hàng yếu kém (VnEconomy). - Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (NLĐ/TTXVN). - Ngân hàng 4 lộ diện, dân không lo mất tiền (VnMedia).- Hưng phấn và rủi ro từ hấp lực của vàng (VEF). - Ngân hàng yếu kém, liệu người dân có mất tiền? (VnMedia).- Cải tổ thị trường chứng khoán: Cần giải pháp căn cơ (TBKTSG).
- Tuần tới, chứng khoán tiếp tục thăng hoa (VnMedia).- Nhiều mặt hàng, dịch vụ thiết yếu có giá mới (DV/PNTĐ). - Vỡ mộng một thị trường (TBKTSG).
- Tuần tới, chứng khoán tiếp tục thăng hoa (VnMedia).- Nhiều mặt hàng, dịch vụ thiết yếu có giá mới (DV/PNTĐ). - Vỡ mộng một thị trường (TBKTSG).
- “Cơn điên” của dòng tiền (ĐĐK). - Cả nước sẽ chỉ có một Sở giao dịch chứng khoán (GDVN). - Áp lực lạm phát, mức sống suy giảm (NLĐ).- Kinh tế khó khăn, lại bàn chuyện thất nghiệp (NĐT).- DN “khai sinh” nhiều, “khai tử” cũng đông (TT).- Giật mình vì doanh nghiệp nước ngoài toàn lỗ (VnMedia).- Nhận diện “thủ phạm” gây đội giá nhà đất (PL&XH).
- Chạy đua tìm than (TBKTSG).- Tạm dừng thành lập mới các khu kinh tế, khu công nghiệp (VnEconomy).- Hết cơ hội cho điện thoại Việt? (VnMedia).
- Nhập siêu từ Hàn Quốc – nỗi lo mới (TBKTSG).- Nhà thầu ở Việt: Yếu về năng lực! (Tầm nhìn).- Nhộn nhịp mua bán dự án khủng (NLĐ).
- Phỏng vấn ông Nguyễn Quang A: Cà phê cuối tuần: Từ “sơn tàu” đến quản trị quốc gia (VnEconomy). - Sắm vợt ra biển “cào” tiền tỉ (Bee).
- Chạy đua tìm than (TBKTSG).- Tạm dừng thành lập mới các khu kinh tế, khu công nghiệp (VnEconomy).- Hết cơ hội cho điện thoại Việt? (VnMedia).
- Nhập siêu từ Hàn Quốc – nỗi lo mới (TBKTSG).- Nhà thầu ở Việt: Yếu về năng lực! (Tầm nhìn).- Nhộn nhịp mua bán dự án khủng (NLĐ).
- Phỏng vấn ông Nguyễn Quang A: Cà phê cuối tuần: Từ “sơn tàu” đến quản trị quốc gia (VnEconomy). - Sắm vợt ra biển “cào” tiền tỉ (Bee).
- Nhà đất ế ẩm, nhiều sàn “dẹp tiệm” (NLĐ). - VNA mất 50.000 USD vụ máy bay ‘vòng vèo’ ở Trung Quốc -- Việt Nam dự định mở casino ở Quảng Ninh – (BBC).-Một doanh nhân đáng ngưỡng mộ: Múa kéo bán nộm, lãi tiền triệu mỗi ngày (Bee.net 2-3-12)
Bộ trưởng Tài chính: 'Chứng khoán vẫn ở tuổi thiếu niên' (VNN 3-3-12) -- Như lời mẹ dặn? (Điều mẹ Bộ trưởng Vương Đình Huệ căn dặn con khi về quê)Lòng kiêu hãnh của tập đoàn kinh tế (SGTT 3-3-12)
Xử lý khai thác titan trái phép - Bắt cóc bỏ dĩa (SGGP 3-3-12)
- Giám sát về khai thác khoáng sản (TT).-Chạy đua tìm than-(TBKTSG)
- Thời điểm nhập than số lượng lớn cho hoạt động của các nhà máy nhiệt
điện, chỉ còn ba năm nữa (năm 2015). Chuyện quốc gia đang xuất khẩu năng
lượng như Việt Nam lên các phương án chạy đua với thời gian để mua mỏ,
mua cổ phần hay liên doanh với nước ngoài được xới lên từ vài năm trước
..
Đây
là một trong những nội dung tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chấn
chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh
tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN).
- Thị trường máy nông nghiệp: Thua trên sân nhà (Dân Việt).- Dưa hấu trúng mùa, rớt giá (TN). - Gốc khoai tây cho gần 10 kg củ (PLTP).
– “Nước ngoài muốn mua lại ngân hàng xấu của Việt Nam” (NĐT).(Nguoiduatin.vn)
- Đó là nhận định của ông Keith Pogson, tổng giám đốc điều hành Dịch vụ
tài chính - ngân hàng Ernst & Young khu vực châu Á - Thái Bình
Dương.
- Nhân quyền Việt Nam được quốc tế hóa - (RFA). - Liên hiệp châu Âu : vẫn theo dõi sát vấn đề tự do ngôn luận tại Việt Nam – (RFI). - Phản hồi của Tổng vụ Đối Ngoại Châu Âu về cải thiện nhân quyền cho Việt Nam gửi ông Trần Văn Huỳnh, bố anh Trần Huỳnh Duy Thức – (Dân Luận). - Thư gửi Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch yêu cầu cải thiện nhân quyền tại Việt Nam(Tranfami) - Người Việt hải ngoại nô nức kéo về DC vận động cho nhân quyền VN - (RFA).
Đài SBTN ( chữ ký lúc trưa 03/3/2012 là 117.000)
MỜI XEM và NGHE buổi phát thanh:
Cộng đồng người VIỆT tại
-Canada đã và đang tham gia ký Thỉnh Nguyện gởi QH/Canada (TS Lê Duy Cấn);
và Ộ.Nguyễn Trung Hiếu trình bày về PGHH trong Nước
-Hà Lan và Pháp sẽ Biểu Tình ngày 04/03 nhằm hổ trợ cho cuộc vận động tại Mỹ
(Nguyễn Sơn Hà)
-Đan Mạch với Ô. Vũ đình Quyến trong việc Ký Thỉnh Nguyện...
-Điểm tình hình thời sự - với GS Phạm Cao Dương
Đài SBTN ( chữ ký lúc trưa 03/3/2012 là 117.000)
MỜI XEM và NGHE buổi phát thanh:
Cộng đồng người VIỆT tại
-Canada đã và đang tham gia ký Thỉnh Nguyện gởi QH/Canada (TS Lê Duy Cấn);
và Ộ.Nguyễn Trung Hiếu trình bày về PGHH trong Nước
-Hà Lan và Pháp sẽ Biểu Tình ngày 04/03 nhằm hổ trợ cho cuộc vận động tại Mỹ
(Nguyễn Sơn Hà)
-Đan Mạch với Ô. Vũ đình Quyến trong việc Ký Thỉnh Nguyện...
-Điểm tình hình thời sự - với GS Phạm Cao Dương
http://www.youtube.com/watch?feature=player_detailpage&v=qqG_kOgXtWU
- Cán bộ làm giả hồ sơ trục lợi tiền bảo hiểm (TN).- Giám đốc được bồi thường gần một tỷ đồng oan sai (VNE).- Thuận Thành, Bắc Ninh: Công an xã “đe dọa” công dân trong giấy mời?(NB&CL)..-Bắt Tổng giám đốc Công ty Phúc An Thịnh (NLĐO) – Tổng giám đốc Công ty Phúc An Thịnh bị bắt giữ do bịa chuyện có nhiều nền đất trong dự án khu dân cư 174 ha, làm giả giấy tờ rồi nhận tiền cọc của người nhiều mua đất nhưng thực tế không có đất để giao
- Hộp thư bạn đọc: UBND huyện Từ Liêm bị người dân khởi kiện hành chính? (GDVN).- Ông Hoàng Kông Tư làm quyền Tổng cục trưởng TCAN II (Bee).
- VN sẽ ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền -Chính phủ Việt Nam muốn Hội đồng Nhân quyền 'tôn trọng độc lập, chủ quyền'
-KINH ĐIỂN: From Spiritual Homes to National Shrines: Religious Traditions and Nation-Building in Vietnam (East Asia, March 2012)
- - Trí thức và Dân chủ – (RFA).- đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo: Vai trò phản biện đã “chính thức hóa” – (BBC). - Đà Nẵng: Đừng “thử” trên quyền của công dân! (PLTP). - - Khi chính quyền làm sai (TN).- Tương Lai: DỰA VÀO DÂN VÀ ĐỪNG SỢ DÂN — (Người lót gạch).- Phân quyền để kiểm soát lẫn nhau (ĐV).- Lê Quý Đôn: “Lấy đức mà dẫn đường cho dân” (Bee).-- Cải cách hành chánh dưới thời vua Minh Mệnh (Diễn đàn).- Cán bộ làm giả hồ sơ trục lợi tiền bảo hiểm (TN).- Giám đốc được bồi thường gần một tỷ đồng oan sai (VNE).- Thuận Thành, Bắc Ninh: Công an xã “đe dọa” công dân trong giấy mời?(NB&CL)..-Bắt Tổng giám đốc Công ty Phúc An Thịnh (NLĐO) – Tổng giám đốc Công ty Phúc An Thịnh bị bắt giữ do bịa chuyện có nhiều nền đất trong dự án khu dân cư 174 ha, làm giả giấy tờ rồi nhận tiền cọc của người nhiều mua đất nhưng thực tế không có đất để giao
- Hộp thư bạn đọc: UBND huyện Từ Liêm bị người dân khởi kiện hành chính? (GDVN).- Ông Hoàng Kông Tư làm quyền Tổng cục trưởng TCAN II (Bee).
- VN sẽ ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền -Chính phủ Việt Nam muốn Hội đồng Nhân quyền 'tôn trọng độc lập, chủ quyền'
- Nói một đàng làm một nẻo! (ĐĐK). “Mâu
thuẫn giữa “nói và làm” của Trung Quốc trên Biển Đông càng “lộ diện”
phương thức hành xử “bá đạo” của họ, rõ ràng không thể có cách nào hiểu
khác hơn là “miệng nói hoà bình, không xưng bá; tay làm phức tạp hóa
tình hình””.-
- Quan chức ASEAN họp trù bị cho hội nghị cấp cao (TTXVN). - Philippines, Mỹ chuẩn bị tập trận trên Biển Đông (DT).- Mỹ lần đầu tiên thừa nhận đóng quân tại Ấn Độ (VTC).- Trung Quốc tăng mạnh ngân sách quốc phòng (VNE).- -China boosts defense budget by 11.2 percent for 2012
BEIJING (Reuters) - China will increase military spending by 11.2 percent this year, a spokesman for the nation's parliament said on Sunday, building on a nearly unbroken succession of double-digit rises in the defense budget across two decades.
Căng thẳng Biển Đông: Rising tensions in the South China Sea (East Asia Forum 3-3)
-- Quảng Ngãi: Hỗ trợ ngư dân gặp nạn - Dân Việt -- Sukhoi Su-30MK2 cất cánh (TN). - Những ‘cánh chim sắt’ dũng mãnh của Không quân VN (Tin tức). - Ruộng nhà là đất biên cương (TN).
- Quan chức ASEAN họp trù bị cho hội nghị cấp cao (TTXVN). - Philippines, Mỹ chuẩn bị tập trận trên Biển Đông (DT).- Mỹ lần đầu tiên thừa nhận đóng quân tại Ấn Độ (VTC).- Trung Quốc tăng mạnh ngân sách quốc phòng (VNE).- -China boosts defense budget by 11.2 percent for 2012
BEIJING (Reuters) - China will increase military spending by 11.2 percent this year, a spokesman for the nation's parliament said on Sunday, building on a nearly unbroken succession of double-digit rises in the defense budget across two decades.
Căng thẳng Biển Đông: Rising tensions in the South China Sea (East Asia Forum 3-3)
-- Quảng Ngãi: Hỗ trợ ngư dân gặp nạn - Dân Việt -- Sukhoi Su-30MK2 cất cánh (TN). - Những ‘cánh chim sắt’ dũng mãnh của Không quân VN (Tin tức). - Ruộng nhà là đất biên cương (TN).
- Trung Quốc, Đài Loan phản đối Nhật Bản (NLĐ).- Căng thẳng mới ở biên giới Ấn – Trung (TVN/WP).
-IRAN CÓ THỂ BẤT NGỜ LÀM PHỨC TẠP CHÍNH TRƯỜNG BIỂN ĐÔNG RA SAO
-Đại gia: rùm beng tai tiếng, lao đao vì nợ nần (VEF
3-3-12) -- "Tầng lớp tinh hoa" (elites) Việt Nam bây giờ giống như ngôi
nhà làm bằng những lá bài (house of cards), xem thì bề thế lắm, nhưng
chỉ một ngon gió thoảng qua là bay hết! Chân dung nữ đại gia phố núi (TP 3-3-12) -- Chẳng ai rõ nữ đại gia của "siêu" đám cưới kinh doanh gì (DV 3-3-12) -'Lạ và độc' siêu xe ngoài hành tinh 'náo loạn' phố xá Sài Gòn đv -Thử đo độ tốn kém của những đám cưới "đình đám" nhất Việt Nam gd --Chiêm ngưỡng: Những khu Resorts cao cấp của "đại gia du lịch mạo hiểm" gd --Tiết lộ về 'đại gia' du lịch mạo hiểm ở Việt Nam gd - - AI CHO BẦU ĐỨC NỢ TIỀN THUẾ ? (Văn Bá Xuân). - Hoàng Anh Gia Lai, Vinashin bị “điểm danh” vì nợ thuế. -- “Người giàu có xu hướng thiếu đạo đức”? (PLTP).
- Công ty của nữ đại gia thủy sản sắp hầu tòa VnEx - - Nữ đại gia trần tình về ‘siêu đám cưới’ (VNN). - “Siêu đám cưới” và 25.000 suất học bổng (VNN).-- Đám cưới bạc tỉ: Sản phẩm của quan hệ (PLTP). NGUYỄN QUANG THÂN: Đám cưới “khủng”: Xa xỉ giữa biển nghèo (TT). – “Siêu đám cưới”: Nhóm quí tộc kinh tế muốn khẳng định đẳng cấp! (Infonet). – Tại sao những bà mẹ “đại gia” tổ chức “đám cưới tiền tỉ”? (Kênh 14).-Bà Đặng Thị Hoàng Yến không liên quan vụ án lộ bí mật nhà nước-/vnexpress.net -– Chính trị gia Trung Quốc ngày càng giàu(DT/Telegraph).(VN thì sao?) -
Trốn thuế: 'Đại gia' bất động sản nợ thuế cả nghìn tỷ đồng (TP 2-3-12) -- Thủ tướng nâng đỡ: Thủ tướng huy động tổng lực để “giải cứu” chứng khoán (DT 2-3-12) -- Bí mật: Vén bức màn bí mật về "độ giầu" của đại gia thủy sản Diệu Hiền (GD 2-3-12) -- Chịu chơi: Đại gia thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền - một quý bà chịu chơi? (GD 2-3-12)Vén bức màn bí mật về "độ giầu" của đại gia thủy sản Diệu Hiền -Đại gia thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền - một quý bà chịu chơi? -Cận cảnh các khu chung cư cao cấp của DN Quốc Cường Gia Lai ở TP HCM-Đám cưới bạc tỷ: Chân dung đại thiếu gia phố núi
- Đám cưới Hà Tĩnh: Cát-xê Mr Đàm hơn rất nhiều 400 triệu! -Thêm một 'đám cưới khủng' ở Hà Tĩnh dùng Bentley, Audi rước dâu -
- ‘Đại gia’ bất động sản nợ thuế cả nghìn tỷ đồng(TP). – Bầu Đức lên tiếng về khoản “nợ” thuế “khủng” (DT). - Đại gia: rùm beng tai tiếng, lao đao vì nợ nần (VEF).- Bầu Đức nổi tiếng nhờ... nợ thuế (VEF 1-3-12) -- Bầu Đức: 'Tôi nợ chứ không xù thuế' (VnEx 1-3-13) Đặng Thành Tâm bị đề nghị đình chỉ chức Chủ tịch ĐH Hùng Vương (VnEx 1-3-12)Chân dung ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT trường ĐH Hùng Vương (GD 1-3-12)
Agribank từ chối cho nữ đại gia thủy sản vay tiền (VnEx 1-3-12) -- Vụ này có vẻ lớn chuyện. Nên theo dõi.
Vì sao ông Đặng Thành Tâm bị đình chỉ chức vụ Chủ tịch HĐQT? (GD 1-3-12)-
- Vì sao ông Đặng Thành Tâm bị đình chỉ chức vụ Chủ tịch HĐQT? (GDVN). - Cuộc đời và sự nghiệp của ông Đặng Thành Tâm (GDVN). -Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan giàu đến cỡ nào?-Đám cưới 'siêu khủng' Hà Tĩnh: Mời Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Quang Lê GDVN - “Siêu đám cưới” một thiếu gia gây rúng động phố núi (DT). – Toàn cảnh đám cưới đình đám bậc nhất Hà Tĩnh (Hatinhnews). – Dâu, rể ‘đeo’ 60 cây vàng tại đám cưới ‘siêu sang’ ở Hà Tĩnh(ĐV). – 1 ĐÁM CƯỚI VÀ 208.333 “MẦM NON ĐẤT NƯỚC”… – (Mai Thanh Hải). Cưới quê, cô dâu chú rể đeo 60 cây vàng
VietNamNet
- Sở dĩ gọi là “siêu đám cưới” bởi lẽ đây là đám cưới có nhiều siêu xe tham gia rước dâu nhất từ trước tới nay tại Việt Nam, có số lượng chi phí khủng nhất và số người dự cưới đông nhất. Ngày 29/2, toàn bộ phố núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) được dịp bàn tán ...
Xe triệu đô, “sao” tề tựu ở đám cưới thiếu gia tỉnh lẻ Thanh Niên
Thiếu gia khuấy động phố núi bằng đám cưới 50 tỷ Ngôi Sao
“Siêu đám cưới” một thiếu gia gây rúng động phố núi Dân Trí
Zing News -24 giờ -Auto Vietnam
- Công ty của nữ đại gia thủy sản sắp hầu tòa VnEx - - Nữ đại gia trần tình về ‘siêu đám cưới’ (VNN). - “Siêu đám cưới” và 25.000 suất học bổng (VNN).-- Đám cưới bạc tỉ: Sản phẩm của quan hệ (PLTP). NGUYỄN QUANG THÂN: Đám cưới “khủng”: Xa xỉ giữa biển nghèo (TT). – “Siêu đám cưới”: Nhóm quí tộc kinh tế muốn khẳng định đẳng cấp! (Infonet). – Tại sao những bà mẹ “đại gia” tổ chức “đám cưới tiền tỉ”? (Kênh 14).-Bà Đặng Thị Hoàng Yến không liên quan vụ án lộ bí mật nhà nước-/vnexpress.net -– Chính trị gia Trung Quốc ngày càng giàu(DT/Telegraph).(VN thì sao?) -
Trốn thuế: 'Đại gia' bất động sản nợ thuế cả nghìn tỷ đồng (TP 2-3-12) -- Thủ tướng nâng đỡ: Thủ tướng huy động tổng lực để “giải cứu” chứng khoán (DT 2-3-12) -- Bí mật: Vén bức màn bí mật về "độ giầu" của đại gia thủy sản Diệu Hiền (GD 2-3-12) -- Chịu chơi: Đại gia thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền - một quý bà chịu chơi? (GD 2-3-12)Vén bức màn bí mật về "độ giầu" của đại gia thủy sản Diệu Hiền -Đại gia thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền - một quý bà chịu chơi? -Cận cảnh các khu chung cư cao cấp của DN Quốc Cường Gia Lai ở TP HCM-Đám cưới bạc tỷ: Chân dung đại thiếu gia phố núi
- Đám cưới Hà Tĩnh: Cát-xê Mr Đàm hơn rất nhiều 400 triệu! -Thêm một 'đám cưới khủng' ở Hà Tĩnh dùng Bentley, Audi rước dâu -
- ‘Đại gia’ bất động sản nợ thuế cả nghìn tỷ đồng(TP). – Bầu Đức lên tiếng về khoản “nợ” thuế “khủng” (DT). - Đại gia: rùm beng tai tiếng, lao đao vì nợ nần (VEF).- Bầu Đức nổi tiếng nhờ... nợ thuế (VEF 1-3-12) -- Bầu Đức: 'Tôi nợ chứ không xù thuế' (VnEx 1-3-13) Đặng Thành Tâm bị đề nghị đình chỉ chức Chủ tịch ĐH Hùng Vương (VnEx 1-3-12)Chân dung ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT trường ĐH Hùng Vương (GD 1-3-12)
Agribank từ chối cho nữ đại gia thủy sản vay tiền (VnEx 1-3-12) -- Vụ này có vẻ lớn chuyện. Nên theo dõi.
Vì sao ông Đặng Thành Tâm bị đình chỉ chức vụ Chủ tịch HĐQT? (GD 1-3-12)-
- Vì sao ông Đặng Thành Tâm bị đình chỉ chức vụ Chủ tịch HĐQT? (GDVN). - Cuộc đời và sự nghiệp của ông Đặng Thành Tâm (GDVN). -Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan giàu đến cỡ nào?-Đám cưới 'siêu khủng' Hà Tĩnh: Mời Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Quang Lê GDVN - “Siêu đám cưới” một thiếu gia gây rúng động phố núi (DT). – Toàn cảnh đám cưới đình đám bậc nhất Hà Tĩnh (Hatinhnews). – Dâu, rể ‘đeo’ 60 cây vàng tại đám cưới ‘siêu sang’ ở Hà Tĩnh(ĐV). – 1 ĐÁM CƯỚI VÀ 208.333 “MẦM NON ĐẤT NƯỚC”… – (Mai Thanh Hải). Cưới quê, cô dâu chú rể đeo 60 cây vàng
VietNamNet
- Sở dĩ gọi là “siêu đám cưới” bởi lẽ đây là đám cưới có nhiều siêu xe tham gia rước dâu nhất từ trước tới nay tại Việt Nam, có số lượng chi phí khủng nhất và số người dự cưới đông nhất. Ngày 29/2, toàn bộ phố núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) được dịp bàn tán ...
Xe triệu đô, “sao” tề tựu ở đám cưới thiếu gia tỉnh lẻ Thanh Niên
Thiếu gia khuấy động phố núi bằng đám cưới 50 tỷ Ngôi Sao
“Siêu đám cưới” một thiếu gia gây rúng động phố núi Dân Trí
Zing News -24 giờ -Auto Vietnam