Mỗi lần tăng giá điện, dân đều không hiểu vì Sao?!
=> VÌ ĐỘC QUYỀN CHỚ SAO NỮA! hay là vì .... đọc bài sau bài này: Bộ Công thương: Dự án điện có bể bơi, sân tennis là cần thiết
Trong một thị trường điện thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh,
theo Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam Bùi Huy Phùng, dù
Chính phủ cho phép mấy tháng điều chỉnh một lần nhưng người dân vẫn
không hiểu vì sao phải tăng giá.
20 năm thực hiện mới có một thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh
Đánh giá về phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Hội thảo “Phát
triển thị trường Năng lượng Việt Nam”, PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ – Phó chủ
tịch Hội đồng khoa học Năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng, lộ trình
phải trải qua 3 cấp độ từ năm 2005 đến 2023 là quá dài, cứng nhắc, các
cấp độ thực hiện không có sự đan xen lẫn nhau, phải xong cấp độ này mới
chuyển sang cấp độ khác.
Như vậy, phải sau gần 20 năm thực hiện, đến năm 2023 Việt Nam mới có được thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh.
Theo phân tích của ông Duệ, thực chất đây được xem là một dự án đổi
mới cơ chế quản lý kinh tế trong ngành điện nhằm chuyển đổi từ cơ chế
hoạt động độc quyền lạc hậu kém hiệu quả sang cơ chế thị trường cạnh
tranh hiện đại.
“Đành rằng, hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh ở
nước ta là phức tạp và mới mẻ, tuy nhiên nếu không có giải pháp khẩn
trương, quyết liệt thì những hậu quả xấu của cơ chế độc quyền vẫn tiếp
tục tồn tại và phát triển, sẽ gây nên những tổn thất khôn lường cho
ngành điện và nền kinh tế” – ông Duệ lo ngại.
Lãnh đạo VEA cũng kiến nghị Chính phủ, cần tập trung nghiên cứu và đề
xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển thị
trường điện cạnh tranh ở Việt Nam như lời Thủ tướng Chính phủ đã nói:
“Thị trường điện cạnh tranh phải rút nhanh hơn lộ trình đã công bố”.
Ông cũng “mổ xẻ” thêm rằng, việc quản lý hoạt động thị trường điện
của Nhà nước mà chủ yếu là Bộ Công thương hãy còn hạn chế về việc xây
dựng mô hình, tổ chức, cơ chế hoạt động và giao dịch giữa các đối tượng
mua bán điện trên thị trường.
Theo đó, sau gần 10 năm nghiên cứu và thực hiện thị trường phát điện
cạnh tranh vẫn chưa có mô hình đúng theo nguyên tắc thị trường cạnh
tranh: hiệu quả, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử
giữa các đối tượng tham gia thị trường điện lực.
Hiện tại, EVN là đơn vị chiếm phần chi phối lớn nhất trong khâu phát
điện; công ty mua bán điện, đơn vị vận hành hệ thống điện và điều hành
giao dịch thị trường đều thuộc EVN. Trong điều 19 của Luật Điện lực quy
định phải có: đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, chịu trách
nhiệm điều hoà, phối hợp hoạt động giao dịch mua bán điện và dịch vụ
phụ trợ trên thị trường điện lực. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đơn vị
này, còn giao cho EVN điều hành.
Không minh bạch, không thể có kinh tế thị trường!
PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam (VEA).
Chủ tịch VEA – PGS.TS. Bùi Huy Phùng thì góp ý thẳng thắn, giá điện
hiện nay, cho dù Chính phủ cho phép mấy tháng điều chỉnh một lần nhưng
người dân vẫn không hiểu vì sao phải tăng giá.
“Rõ ràng không hướng đến minh bạch, không có thị trường được” – TS
khẳng định, “Kinh tế thị trường vắng bóng người tiêu dùng, vắng bóng
cách xác định giá một cách minh bạch thì khó thành thị trường đúng
nghĩa”.
PGS.TS. Bùi Huy Phùng
Cũng tại hội thảo này, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh
tế Trung ương Võ Trí Thành góp ý, riêng trong ngành điện, tuy là độc
quyền tự nhiên nhưng vẫn phải cố gằng chia nhỏ trong lĩnh vực truyền
tải, phân phối… mới có thể tạo ra được cạnh tranh ngành.
Trong khi đó, cấu trúc của thị trường năng lượng của Việt Nam cơ bản
là của doanh nghiệp nhà nước, có truyền thống và lịch sử, nặng tư duy
nhà nước, đây cũng là đặc thù rất Việt Nam, nên khi xử lý cũng rất phức
tạp, ông Thành nhận xét.
Ngoài ra, theo ông, khi nhìn vào cầu thì Việt Nam đang lãng phí nhất
nhì thế giới: Cứ 1% GDP thì mật độ năng lượng của Việt Nam gấp đôi Thái
Lan, gấp ba Nhật Bản. Nếu tiết kiệm được 1% thôi cũng đã rất khác.
Trợ lý Chủ tịch nước, ông Nguyễn Văn Thạo thì cho rằng, phát triển
thị trường năng lượng theo đúng cơ chế thị trường đang là vấn đề lớn,
bức xúc và rất cấp bách hiện nay. Sau 30 năm đổi mới, chuyển sang cơ chế
thị trường, tuy đạt nhiều thành tựu nhưng vẫn còn không ít những khó
khăn, vướng mắc, mà nguyên nhân là do chuyển sang cơ chế thị trường
không đầy đủ, triệt để.
“Hiện nay, dân kêu giá than, điện, xăng dầu tăng cao là không có căn
cứ. Còn doanh nghiệp vẫn kêu làm đủ mọi thứ mà không được bán theo giá
thành, kinh doanh lỗ. Ai kêu cũng có lý, nhưng không có chuẩn mực nào
đầy đủ cho nên cuối cùng đất nước chịu thiệt, cản trở sự phát triển của
đất nước” ông Thạo nhận xét.
Theo ông, trên thực tế, nguyên lý kinh tế thị trường không phải là
vấn đề gì cao siêu lắm, để làm được điều đó phải chống độc quyền, tự do
cạnh tranh bình đẳng, giá cả là hoàn toàn do thị trường định. Nếu có đặc
thù đi chăng nữa thì có điều tiết của nhà nước.
Cũng theo Trợ lý Chủ tịch nước, công cuộc cổ phần hóa đã được tiến
hành từ 20 năm nay nhưng 6.000 doanh nghiệp đã thực hiện đều là những
doanh nghiệp nhỏ. Lúc này là giai đoạn để các “ông lớn” thực hiện cổ
phần hóa, để cơ chế quản lý có thể chặt chẽ hơn. Đây cũng là bước đi tốt
để Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường cho ngành năng lượng.
Theo Fica
Bộ Công thương: Dự án điện có bể bơi, sân tennis là cần thiết
Theo Bộ, vận hành các nhà máy điện có yếu tố
độc hại nên việc xây hạ tầng thể thao, giải trí kèm theo tại khu quản lý
là điều cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng vừa có văn bản trả lời chất vấn
của Ủy ban thường vụ quốc hội về đầu tư, quản lý, khai thác các Khu
quản lý vận hành tại các Dự án của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Theo Bộ Công thương, đặc thù của các dự án nhiệt điện là do yêu cầu
về môi trường và điều kiện vận chuyển, cung cấp các loại nhiên liệu
(than, khí) cần phải có cảng lớn chuyên dùng, nên phần lớn các dự án đều
được khảo sát, quyết định đầu tư tại các địa bàn khó khăn, xa khu dân
cư, đô thị.
Vì vậy, để đảm cho việc quản lý vận hành, sửa chữa các nhà máy, kịp
thời và hiệu quả, thì việc cần có khu nhà ở, sinh hoạt tập trung cho lực
lượng cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ở gần khu vực nhà máy là bắt buộc,
nhất là trong trường hợp khi xảy ra sự cố cần ứng cứu kịp thời.
Ngoài ra, việc vận hành các nhà máy điện đều có yếu tố độc hại và
căng thẳng nên việc xây dựng các hạ tầng thể thao, giải trí kèm theo tại
khu quản lý vận hành nhằm thu hút được lực lượng lao động có trình độ
cao tới làm việc và giúp người công nhân vận hành đảm bảo có đủ sức khỏe
và tinh thần để yên tâm duy trì khả năng làm việc… cũng là điều cần
thiết.
Hơn nữa, tại một số dự án, do trong giai đoạn xây dựng và đưa vào vận
hành thời gian đầu, có nhiều chuyên gia nước ngoài tham gia, nên các
công trình này đầu tiên là để phục vụ cho người nước ngoài, sau đó mới
được chuyển giao cho Chủ đầu tư Việt Nam sử dụng.
Về nguyên tắc, việc các hạng mục công trình được phê duyệt trong tổng
mức đầu tư của các dự án (trong nội dung Quyết định đầu tư của cấp có
thẩm quyền) là nhằm đảm bảo yêu cầu xác định được đầy đủ các khoản mục
chi phí đầu tư cần thiết để có thể hoàn thành việc xây dựng một dự án
nguồn điện khi lập dự án đầu tư.
Giá trị tổng chi phí cho đầu tư cũng được đưa vào phân tích đánh giá
hiệu quả kinh tế tài chính đối với từng dự án để qua đó có thể chứng
minh được đây là phương án có chi phí thấp và hợp lý so với phương án
phải chi trả cho lực lượng lao động ở xa nhà máy và phải di chuyển để
làm việc hàng ngày trong suốt đời dự án. Còn sau đó, khi chuyển sang
giai đoạn thực hiện đầu tư và nhất là ở giai đoạn thẩm tra, phê duyệt
quyết toán vốn đầu tư hoàn thành, từng khoản chi phí sẽ được phê duyệt
hạch toán theo đúng quy định về nguồn vốn và mục đích đầu tư.
Theo kiểm tra thực tế ban đầu tại một số dự án của Bộ Công Thương và
theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tình hình hạch toán vào giá
thành sản xuất kinh doanh điện các chi phí liên quan đến khu nhà ở cán
bộ công nhân quản lý vận hành và sửa chữa năm 2011 đối với các dự án
Thanh tra Chính phủ nêu như sau:
- Đối với Dự án Nghi Sơn 1 (có hạng mục sân tennis, không có bể bơi),
trong năm 2011 dự án chưa đưa vào vận hành nên chi phí liên quan đến
khu nhà ở cán bộ công nhân quản lý vận hành và sửa chữa chưa có trong
giá thành sản xuất kinh doanh điện.
- Đối với Dự án Phú Mỹ 1 (không có hạng mục bể bơi, sân tennis), chi
phí liên quan đến khu nhà ở cán bộ công nhân viên đã đưa vào giá thành
sản xuất kinh doanh điện từ năm 2006 (khoảng 1,3 – 3,7 tỷ đồng/năm) do
nhu cầu thực tế của dự án cần có khu nhà ở cho cán bộ, công nhân quản lý
vận hành và sửa chữa để đáp ứng việc xử lý sự cố kịp thời đảm bảo quá
trình vận hành thường xuyên của nhà máy điện. Ngoài ra, tại thời điểm
xây dựng, Dự án ở xa khu dân cư nên cần phải có khu nhà ở tại khu vực Dự
án cho chuyên gia nước ngoài xây dựng nhà máy điện. Bộ Công Thương kiến
nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thực tế đối với dự án này.
- Đối với Dự án nhiệt điện Quảng Ninh 1 (không có hạng mục bể bơi,
sân tennis, biệt thự), khu nhà ở cán bộ công nhân quản lý vận hành và
sửa chữa chưa đưa vào sử dụng trong năm 2011 nên chi phí liên quan đến
khu nhà ở cán bộ công nhân viên không đưa vào giá thành sản xuất kinh
doanh điện năm 2011.
- Đối với Dự án nhiệt điện Hải Phòng 1 (không có hạng mục bể bơi, sân
tennis, biệt thự), không có khoản chi phí liên quan đến khu nhà ở cán
bộ công nhân viên trong giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011.
- Đối với Dự án nhiệt điện Phú Mỹ 4 (không có hạng mục bể bơi, sân
tennis), khu nhà ở cán bộ công nhân quản lý vận hành và sửa chữa chưa
đưa vào sử dụng trong năm 2011 nên chi phí liên quan đến khu nhà ở cán
bộ công nhân viên không đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm
2011.
- Đối với Dự án nhiệt điện Ô Môn 1 (có bể bơi và sân tennis), khu nhà
ở cán bộ công nhân quản lý vận hành và sửa chữa chưa đưa vào sử dụng
trong năm 2011 nên chi phí liên quan đến khu nhà ở cán bộ công nhân viên
không đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011.
Như vậy,trong 6 Dự án mà Thanh tra Chính phủ đã nêu, chỉ có 1 Dự án
là Ô Môn 1 trong hạng mục khu nhà ở có xây dựng bể bơi, sân tennis,
nhưng đây là Dự án do Chính phủ Nhật cho vay ưu đãi, có chuyên gia nước
ngoài nên ở giai đoạn đầu, việc xây dựng cơ sở thể thao phục vụ cho
người nước ngoài là cần thiết, nhất là trong điều kiện địa điểm Dự án ở
xa nội thành thành phố Cần Thơ. Và trong 6 Dự án, đến nay mới duy nhất
có Dự án Phú Mỹ 1 là đưa chi phí khu nhà ở vào giá thành sản xuất (nhưng
cũng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu, chỉ 1,3 – 3,7 tỷ
đồng một năm).
Tại Công văn số 442/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính
chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng rà soát chi phí xây
dựng khu nhà ở, quản lý vận hành của ngành điện (trong đó có 6 dự án
nguồn điện nêu trên) cũng như đối với các Nhà máy, Khu công nghiệp khác;
có hướng dẫn cụ thể và phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng
2 năm 2014.
Ngày 08 tháng 01 năm 2014, Bộ Công Thương đã có văn bản số
153/BCT-ĐTĐL yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiêm túc thực hiện các
ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 442/TB-VPCP
của Văn phòng Chính phủ. Ngày 24 tháng 01 năm 2014, Tập đoàn Điện lực
Việt Nam đã có văn bản số 300/EVN-TCKT báo cáo Bộ Công Thương về vấn đề
nêu trên.
Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện ý kiến
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 442/TB-VPCP và kết luận
của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 2181/KL-TTCP đồng thời chỉ đạo
các đơn vị các đơn vị thành viên kiểm điểm rút kinh nghiệm các tồn tại,
khuyết điểm để kịp thời có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh.
Về chi phí “Khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”, thực hiện ý kiến
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 442/TB-VPCP, Bộ Tài
chính đã dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý
khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành tại các dự án
điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và có Văn bản số 2500/BTC-TCDN gửi
Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng về việc tham gia ý kiến đối với nội dung tại
dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ của Bộ Tài chính. Ngày 19
tháng 3 năm 2014, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2105/BCT-ĐTĐL gửi Bộ
Tài chính về việc tham gia ý kiến góp ý đối với nội dung trên. Hiện nay,
Bộ Tài chính đang hoàn chỉnh dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính
phủ về vấn đề trên.
Theo CafeF