Foreign Affairs
Tháng 1/2 -2016
Tác giả: Abraham F. Lowenthal và Sergio Bitar
Dịch giả: Huỳnh Phan
ABRAHAM F. Lowenthal là Senior Fellow tại Viện Brookings và là
Giám đốc sáng lập Đối thoại Liên Mỹ. Sergio Bitar là Chủ tịch Quỹ Chile
vì Dân chủ và là Uỷ viên cao cấp tại Đối thoại Liên Mỹ. Ông là nghị sĩ
quốc hội Chile từ năm 1994 đến 2002.
Hai ông là đồng biên tập viên của quyển Các cuộc chuyển đổi dân
chủ: trò chuyện với các lãnh đạo thế giới (Johns Hopkins University
Press và IDEA International, 2015), bài viết này được chuyển thể từ đó.
Gần 5 năm trước, các cuộc biểu tình quần
chúng [1] đã quét chế độ chuyên quyền Hosni Mubarak ra khỏi quyền lực ở
Ai Cập [2]. Hầu hết các nhà quan sát trong và ngoài Ai Cập đều tin
rằng, nước này đang trên đường đi đến một tương lai dân chủ; thậm chí
một số còn tuyên bố rằng dân chủ đã đến. Nhưng cuộc bầu cử Mohamed Morsi
và Đảng Tự do và Công lý của Nhóm Anh Em Hồi giáo (Muslim Brotherhood)
đã dẫn đến phân cực và bạo lực, và vào năm 2013, sau nhiều cuộc biểu
tình, Tướng Abdel Fattah el-Sisi đã giành lấy quyền [3] trong một cuộc
đảo chính quân sự. Kể từ đó, chế độ Sisi đã giết chết hơn 1000 dân
thường, bỏ tù hàng chục ngàn người khác, xiết chặt phương tiện truyền
thông và xã hội dân sự.
Tunisia ở cạnh bên, trong tình trạng tốt
hơn [4]. Làn sóng nổi dậy Ả Rập bắt đầu ở đó vào năm 2010, và chính phủ
dân chủ mà cuộc cách mạng Tunisia mở ra đến nay vẫn còn tồn tại. Nó đã
thành công ở một trong những nhiệm vụ quyết định của cuộc chuyển đổi:
đồng ý một hiến pháp mới, một thành tựu được Ủy ban Nobel công nhận khi
trao giải Nobel Hòa bình cho bốn tổ chức xã hội dân sự tích cực trong
cuộc chuyển đổi của Tunisia. Nhưng nền dân chủ của Tunisia vẫn còn mong
manh, bị đe dọa bởi bạo lực chính trị, đàn áp bất đồng chính kiến, và vi
phạm nhân quyền. Cũng vậy, ở Cuba cuối cùng đã có những hy vọng về một
tương lai dân chủ, khi các nhà cai trị độc tài già cỗi bắt đầu bước vào
cải cách. Và ở Myanmar (còn được gọi là Miến Điện), việc chuyển đổi chậm
không đều từ nền cai trị quân sự sang nền quản trị toàn diện đang diễn
ra, nhưng vẫn còn đầy khó khăn.
Điều gì quyết định để các nỗ lực lúc
chuyển đổi dân chủ sẽ thành công? Kinh nghiệm đã có cho ta một số hiểu
biết. Chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn sâu rộng với 12 cựu
tổng thống và một cựu thủ tướng từng đóng vai trò quan trọng trong các
cuộc chuyển đổi dân chủ thành công ở Brazil, Chile, Ghana, Indonesia,
Mexico, Philippines, Ba Lan, Nam Phi, và Tây Ban Nha. Một số từng là
lãnh đạo trong các chế độ độc tài nhưng vẫn giúp việc lèo lái đất nước
về hướng nền dân chủ có hiệu quả. FW de Klerk, trong cương vị tổng thống
Nam Phi, đã đàm phán với Nelson Mandela và Đại hội Dân tộc Phi (ANC)
dẫn đến việc chấm dứt chủ trương apartheid (phân biệt chủng tộc). BJ
Habibie, Phó Tổng thống dưới quyền nhà cầm quyền độc tài lâu năm
Indonesia, Suharto, trở thành tổng thống sau khi Suharto từ chức [5] khi
đối mặt với các cuộc biểu tình lớn. Habibie sau đó đã thả các tù chính
trị, hợp pháp hoá công đoàn, chấm dứt kiểm duyệt báo chí, cho phép thành
lập các đảng chính trị mới, và cải tiến các quy định chính trị ở
Indonesia, mở đường cho nền dân chủ lập hiến.
Các nhà lãnh đạo khác từng nổi bật trong
phong trào đối lập đã mang đến sự kết thúc của nền cai trị độc tài và
sau đó giúp xây dựng nền dân chủ ổn định. Patricio Aylwin, lãnh đạo phe
đối lập với Tướng Augusto Pinochet, nhà độc tài cầm quyền lâu năm của
Chile, trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của đất nước mình sau khi
nền dân chủ khôi phục vào năm 1990. Tadeusz Mazowiecki, nhà trí thức
công giáo và lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết, trở thành Thủ tướng đầu tiên
của Ba Lan sau cộng sản.
Chúng tôi cũng đã phỏng vấn những khuôn
mặt cầu nối: những lãnh đạo vốn trải qua hai chế độ chuyên chế và dân
chủ, như Aleksander Kwasniewski, bộ trưởng trong chính phủ cộng sản Ba
Lan đã tham gia vào các cuộc thảo luận bàn tròn dẫn đến việc mở cửa dân
chủ ở Ba Lan [6]. Sau đó, trong cương vị tổng thống, ông đã xây dựng thể
chế dân chủ của Ba Lan. Fidel Ramos, một quan chức quân sự cấp cao
Philippines dưới chế độ độc tài Ferdinand Marcos, tham gia phe đối lập
trong các cuộc biểu tình Sức mạnh Nhân dân (People Power ) lớn vào năm
1986. Sau đó, ông giữ chức bộ trưởng quốc phòng và tiếp đó là tổng thống
thứ hai của nền dân chủ hậu Marcos.
Mặc dù các lực lượng xã hội, dân sự và
chính trị rộng lớn đóng vai trò quan trọng, các nhà lãnh đạo này là chìa
khóa cho cuộc chuyển đổi thành công ở đất nước họ. Họ đã giúp đưa đến
sự chấm dứt chế độ độc tài và xây dựng nền dân chủ lập hiến thay vào,
thể chế hoá thông qua các cuộc bầu cử thường xuyên, công bằng hợp lý,
kết hợp với những ràng buộc có ý nghĩa trên quyền hành pháp và các bảo
đảm thực tế cho các quyền chính trị thiết yếu và không một cuộc chuyển
đổi nào trong số này đã bị đảo ngược. Dân chủ vẫn là một công việc đang
tiến triển ở một số nước này, nhưng các cuộc chuyển đổi trên cơ bản đã
thay đổi sự phân bố quyền lực và thực hành chính trị.
Tất nhiên, không có một
mô-hình-thích-hợp-cho-mọi-thứ cho sự thay đổi dân chủ. Tuy nhiên, các
cuộc chuyển đổi đã qua cho ra một số bài học áp dụng rộng rãi được. Các
nhà cải cách dân chủ phải sẵn sàng thoả hiệp khi họ đặt ưu tiên cho tiến
bộ từng bước nhỏ (incremental) lên trên các giải pháp toàn diện. Họ
phải xây dựng các liên minh, tìm cách với tới một số người trong chế độ
mà họ tìm cách lật đổ, và vật lộn với câu hỏi về công lý và trừng phạt.
Và họ phải đặt quân đội dưới sự kiểm soát dân sự. Những ai quan tâm đến
việc xây dựng nền dân chủ từ đống đổ nát của chế độ độc tài có thể cải
thiện những điều khuyết nhược bằng cách làm theo các thực hành tốt nhất
này.
CHUẨN BỊ NỀN MÓNG
Một cuộc chuyển đổi dân chủ thành công
bắt đầu trước khi các chính trị gia được bầu nắm quyền rất lâu. Phe đối
lập trước hết phải giành được đủ sự ủng hộ của công chúng trong việc
thách thức khả năng cai trị của chế độ và định vị chính họ như là một
ứng viên cầm quyền thích đáng. Lãnh đạo phe đối lập phải huy động các
cuộc biểu tình, tố cáo việc bỏ tù, tra tấn, trục xuất người bất đồng
chính kiến; và làm xói mòn tính hợp pháp của chế độ bên trong nước và
trên trường quốc tế.
Điều này thường đòi hỏi phải tìm cách
thu hẹp những bất đồng sâu sắc trong phe đối lập về mục tiêu, lãnh đạo,
chiến lược, và chiến thuật. Hầu hết các nhà lãnh đạo chuyển đổi mà chúng
tôi phỏng vấn đã làm việc cần mẫn không kể giờ giấc để vượt qua những
chia rẽ như thế và xây dựng liên minh rộng lớn các lực lượng đối lập,
tập hợp các đảng chính trị, các phong trào xã hội, công nhân, sinh viên,
các tổ chức tôn giáo, và các nhóm lợi ích doanh nghiệp chủ chốt xung
quanh một chương trình hành động chung. Ở Ba Lan, Công đoàn Đoàn kết đã
làm việc chặt chẽ với các tổ chức sinh viên, trí thức, và các thành phần
của Giáo Hội Công Giáo. Phong trào đối lập của Brazil đã thuyết phục
các nhà công nghiệp ở São Paulo ủng hộ mục tiêu của họ. Tại Tây Ban Nha,
các nhóm đối lập giải quyết phần lớn các khác biệt của họ trong các
cuộc đàm phán dẫn đến hiệp ước Moncloa năm 1977, trong đó họ đã đồng ý
về cách điều hành nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi.
Ngược lại, ở nơi nào mà phe đối lập
không đoàn kết được với nhau, triển vọng cho nền dân chủ bị thiệt hại.
Tại Venezuela, những chia rẽ nghiêm trọng về việc đối dầu với chính
quyền đến mức đã khiến phe đối lập không lợi dụng được đầy đủ việc quản
lý kinh tế yếu kém của chế độ cho đến nay.
Ở Serbia, Slobodan Milosevic đã có thể
cai trị một cách ngày càng độc tài sau khi lên nắm quyền vào năm 1989
một phần nhờ vào sự bất lực của phe đối lập Serbia trong việc thể hiện
một mặt trận thống nhất. Ở Ukraine, cuộc Cách mạng Cam năm 2004-5 [7]
lật ngược kết quả bầu cử bị rất nhiều người coi như đã được sắp xếp.
Nhưng những chia rẽ giữa các nhà cải cách sau đó đã kềm giữ các tổ chức
dân chủ và các quy định pháp luật tiến triển xa hơn, dẫn đến một thập kỷ
cầm quyền của thiểu số đầu sỏ và tham nhũng chính trị.
Phong trào đối lập dân chủ cũng cần phải
xây dựng các cầu nối với những người trong quá khứ đã từng hợp tác với
chế độ nhưng bây giờ có thể sẵn sàng ủng hộ dân chủ hóa. Chú trọng vào
những bất bình trong quá khứ dễ gây phản tác dụng, thay vào đó các nhà
cải cách dân chủ nên luôn thể hiện một tầm nhìn tích cực và nhìn về phía
trước về cuộc chuyển đổi để chống lại nỗi sợ hãi phổ biến mà các chế độ
độc tài tiêm cấy. Đồng thời, họ nên tìm cách cách ly những người không
chịu từ bỏ bạo lực hoặc những người khăng khăng với những đòi hỏi về
quyền tự chủ khu vực, dân tộc hay tông phái.
Nhưng đoàn kết phe đối lập vẫn chưa đủ;
lực lượng dân chủ cũng phải hiểu và khai thác sự chia rẽ trong chế độ
hiện hành. Để thuyết phục các phần tử trong chế độ cởi mở với thay đổi,
các nhà cải cách phải đề ra các bảo đảm đáng tin cậy rằng họ sẽ không
tìm cách trả thù hoặc tịch thu tài sản của người trong chế độ. Phong
trào đối lập nên phấn đấu hết sức để trở thành người đối thoại hữu hiệu
đối với những người trong chế độ độc đoán đang mong muốn một chiến lược
thoát ra, trong khi cô lập những người vẫn còn khư khư cố thủ. Ví dụ,
chiến lược cốt lõi của nhà cải cách Fernando Henrique Cardoso của Brazil
[8] là dẫn dụ các phần tử trong quân đội vươn tới việc tìm kiếm một lối
thoát.
Đối lại, những ai đương quyền mà nhận ra
sự cần thiết phải từ bỏ chế độ độc tài phải tìm mọi cách để duy trì sự
ủng hộ của cử tri cốt lõi của họ trong khi đàm phán với các nhóm đối
lập. Những lần “rút lui vào rừng” mà de Klerk tổ chức cùng với các thành
viên trong nội các của ông vào năm 1989 và 1990 là một mô hình cho điều
này. Trong những lần trao đổi đó, ông đã xây dựng một sự đồng thuận bí
mật trong nội các của ông cho các bước đi đột biến mà ông sẽ tuyên bố:
hợp pháp hóa ANC, trả tự do cho Mandela cùng các tù chính trị khác, và
mở các cuộc đàm phán chính thức.
Tiếp xúc trực tiếp giữa phe đối lập và
chế độ có thể diễn ra bí mật lúc đầu, nếu cần thiết, như đã xảy ra trong
các tiếp xúc ban đầu giữa các quan chức chính phủ và đại diện ANC, vốn
được tổ chức bên ngoài Nam Phi vào giữa những năm 1980. Các cuộc đối
thoại không chính thức, chẳng hạn như các cuộc thảo luận bàn tròn tại Ba
Lan, có thể giúp các thành viên của chế độ và phe dân chủ đối lập hiểu
nhau, vượt qua những định kiến, và xây dựng các mối quan hệ cộng tác.
Như de Klerk nhận xét, “không thể nào giải quyết xung đột nếu các bên có
liên quan không nói chuyện với nhau… Để đàm phán thành công, bạn cần
phải đặt mình vào vị trí của bên kia. Ta phải suy nghĩ cặn kẽ trường hợp
của họ và xác định…. đòi hỏi tối thiểu [của bên kia] để bảo đảm có sự
tham gia mang tính hợp tác và xây dựng của họ trong quá trình đàm phán”.
Trong suốt quá trình này, các nhà cải cách phải gây sức ép lên chế độ
và chấp nhận liều lĩnh để đạt được tiến bộ liên tục, ngay cả khi tiến bộ
đó chỉ từ từ và từng chút một. Họ phải sẵn sàng để thực hiện các thỏa
hiệp, ngay cả khi các thỏa hiệp này khiến vài mục tiêu có tính sống còn
chỉ đạt được một phần và làm một số người ủng hộ quan trọng thất vọng.
Từ bỏ vị thế tối đa thường đòi hỏi sự can đảm chính trị hơn là bám chặt
vào những nguyên tắc hấp dẫn nhưng không thực tế. Làm nên sự chuyển đổi
không phải là một nhiệm vụ cho kẻ giáo điều.
Chẳng hạn ở Ghana, John Kufuor, lãnh tụ
của Đảng Yêu nước Mới, không chấp nhận việc đảng ông tẩy chay cuộc bầu
cử năm 1992, cho rằng đảng nên tham gia vào cuộc bầu cử năm 1996, dù có
thể bị thua. Chiến thắng của Kufuor sau đó trong cuộc bầu cử năm 2000 đã
dẫn đến việc chuyển giao quyền lực hòa bình thông qua lá phiếu, một mô
hình tiếp tục trong 15 năm. Và ở Mexico, Ernesto Zedillo, dù là một
thành viên nổi bật của Đảng Cách mạng (PRI) cầm quyền lâu năm, đã ủng hộ
những cải cách từng chút một [9] trong thủ tục bầu cử đàm phán được với
phe đối lập tại một thời điểm mà PRI, sau bảy thập niên cầm quyền,
dường như khó có khả năng nhượng lại quyền kiểm soát. Sau đó, khi là
tổng thống, ông đã đồng ý với các thay đổi sâu xa hơn, liên quan đến tài
chính cho vận động tranh cử và ủng hộ cải cách về củng cố các cơ quan
chức bầu cử đã giúp mở đường cho việc chuyển giao quyền lực chưa từng có
từ PRI sang phe đối lập vào năm 2000.
Những nguy hiểm nằm trong việc không
chấp nhận thỏa hiệp là rõ ràng trong trường hợp Ai Cập. Trong thời ngự
trị ngắn ngủi của Anh em Hồi Giáo (Muslim Brotherhood), nhóm này nhấn
mạnh vào một chương trình hành động Hồi giáo khi họ soạn thảo hiến pháp
mới, và điều này xa lạ với phần lớn dân chúng. Tại Chile, các thành viên
cực tả của phe đối lập ủng hộ “mọi hình thức đấu tranh,” kể cả bạo lực,
chống lại chế độ Pinochet. Đến năm 1986, đa số những người trong phong
trào đối lập hiểu rằng, họ không thể lật đổ chế độ độc tài bằng vũ lực
và việc liên kết với nhóm cực tả làm họ bị hoen ố. Thay vào đó họ quay
trở lại việc đấu tranh hòa bình và cam kết xây dựng một “tổ quốc cho mọi
người”. Cách tiếp cận này đã giúp phe đối lập thắng Augusto Pinochet
trong cuộc trưng cầu ý dân năm 1988, một cuộc bỏ phiếu mà nhiều người
trong phe đối lập lúc đầu muốn tẩy chay.
CHÍNH QUYỀN DÂN SỰ VÀ AN NINH
Lật đổ chế độ độc đoán là một chuyện;
quản trị đất nước lại là chuyện rất khác. Các nhà lãnh đạo cuộc chuyển
đổi thường xuyên phải đối mặt với áp lực phải dọn sạch toàn bộ bộ máy và
làm lại từ đầu, nhưng họ nên cưỡng lại điều đó: quản trị đòi hỏi tầm
nhìn, nhân sự, và các kỹ năng vốn khá khác biệt với những thứ cần khi ở
thế đối lập. Một khi phe đối lập nắm quyền, bước quan trọng nhất là chấm
dứt bạo lực và lập lại trật tự trong khi bảo đảm rằng tất cả các lực
lượng an ninh phải hoạt động trong phạm vi pháp luật. Các cuộc phỏng vấn
của chúng tôi cung cấp những ghi nhận hấp dẫn về các thách thức kéo dài
do mối quan hệ dân sự-quân sự đặt ra. Các nhà cải cách phải đưa tất cả
các cơ quan an ninh dưới sự kiểm soát dân sự dân chủ càng sớm càng tốt,
đồng thời với việc công nhận và tôn trọng vai trò hợp pháp của các cơ
quan này, cung cấp cho họ đủ tài nguyên và bảo vệ các lãnh đạo của họ
không bị trả thù không phân biệt vì sự đàn áp trong quá khứ.
Để thực hiện việc này, cảnh sát và các
cơ quan tình báo trong nước nên được tách ra khỏi quân đội. Các nhà lãnh
đạo cần làm cho lực lượng cảnh sát nhận thức rõ về thái độ mới đối với
người dân nói chung bằng cách nhấn mạnh trách nhiệm của lực lượng an
ninh là bảo vệ thường dân chứ không phải là đàn áp họ, mà không làm giảm
khả năng của lực lượng này đối với việc triệt phá các nhóm bạo lực. Các
nhà cải cách cần loại bỏ các sĩ quan cao cấp đảm trách việc tra tấn và
đàn áp thô bạo, đặt các chỉ huy quân đội cấp cao thuộc thẩm quyền trực
tiếp của Bộ trưởng quốc phòng dân sự, và nhấn mạnh rằng các sĩ quan quân
đội đang làm nhiệm vụ ngưng hoàn toàn việc dính dáng vào chính trị.
Những bước đi đó kê ra dễ hơn là đưa vào
hành động, và việc thực hiện chúng đòi hỏi sự phán xét chính trị nhạy
bén và lòng can đảm. Trong một số trường hợp, những bước này có thể được
giải quyết sớm; trong những trường hợp khác, sẽ cần rất nhiều thời
gian. Nhưng chúng cần được đặt ưu tiên cao ngay từ đầu, cũng như duy trì
cảnh giác. Như Habibie giải thích, khi bàn luận về quan hệ dân sự-quân
sự tại Indonesia, “Những người lãnh đạo cuộc chuyển đổi… phải cho thấy,
không phải bằng lời nói hay lời văn mà bằng hành động, về tầm quan trọng
của kiểm soát dân sự”. Các quan chức dân sự cấp cao chịu trách nhiệm
giám sát các lực lượng an ninh cần phải có kiến thức về các vấn đề an
ninh và được sự tôn trọng của những người ngang cấp trong quân đội, cảnh
sát, và các cơ quan tình báo. Điều này có thể khó khăn ở những nơi mà
phong trào dân chủ từng đụng độ mạnh bạo với các cơ quan an ninh, nơi
ngờ vực lẫn nhau vẫn còn kéo dài, và ở những nơi thiếu sự tôn trọng đối
với chuyên gia dân sự trong các vấn đề quân sự.
Các nhà lãnh đạo cuộc chuyển đổi cũng
phải cân bằng mong muốn cứu xét trách nhiệm của chế độ cũ với sự cần
thiết phải giữ gìn kỷ luật và tinh thần chiến đấu của các lực lượng an
ninh. Họ phải vun bồi việc chấp nhận hòa bình với nhau giữa các kẻ trước
đây thù địch nhau gay gắt – không phải là vấn đề dễ dàng. Chỉ khi đó
người dân mới bắt đầu tin tưởng vào nhà nước mà có nhiều người đã không
chấp nhận vì, có thể hiểu được, cho là bất hợp pháp và thù địch, và chỉ
khi đó lực lượng an ninh mới hợp tác đầy đủ với những công dân mà trước
đây họ đã coi là phá hoại/ lật đổ.
Đặt các cơ quan an ninh dưới quyền kiểm
soát dân sự là một trong những thách thức kéo dài nhất mà các nền dân
chủ mới, phải đối mặt. Ưu thế [10] mà quân đội Ai Cập tiếp tục có được
trên bất kỳ tổ chức dân cử nào là nguyên nhân trung tâm của cuộc chuyển
đổi dân chủ thất bại của Ai Cập. Và ở nhiều nước khác nhau như Gambia,
Myanmar và Thái Lan, việc chính quyền dân sự thiếu thẩm quyền đối với
lực lượng an ninh vẫn là trở ngại quan trọng nhất đối với sự thành công
của cuộc chuyển đổi dân chủ.
THÁCH THỨC VỀ LẬP HIẾN
Đưa quân đội dưới sự kiểm soát dân sự có
thể giúp các nhà lãnh đạo chuyển đổi truyền tải niềm tin trong nước và
tính hợp pháp quốc tế. Vì thế, việc phát triển các thủ tục bầu cử phản
ánh ý chí của đa số và bảo đảm cho những người bị thất cử rằng những
quan tâm cốt lõi của họ sẽ được tôn trọng trong nền pháp trị (rule of
law). Ở hầu hết các nước, việc soạn thảo hiến pháp mới là cốt yếu, dù
Indonesia giữ lại hiến pháp năm 1945 của mình với một số điều có sửa đổi
và Ba Lan chỉ chấp nhận toàn bộ bản hiến pháp mới, nhiều năm sau khi
chủ nghĩa cộng sản kết thúc.
Việc soạn thảo hiến pháp nên có đông đảo
thành phần tham gia và cố giải quyết những quan tâm chính yếu của các
khu vực chủ chốt, ngay cả khi điều này có nghĩa là phải chấp nhận, ít ra
là tạm thời, các thủ tục hạn chế dân chủ. Hãy xét hệ thống bầu cử thiên
lệch còn duy trì ở Chile [11] trong 25 năm sau khi chế độ Pinochet kết
thúc nhằm xoa dịu quân đội và các nhóm bảo thủ hay việc trao chức vụ phó
tổng thống cho lãnh tụ đối lập ở Nam Phi. Xây dựng sự ủng hộ rộng rãi
cho hiến pháp mới cũng có thể còn đòi hỏi phải lồng ghép vào những khát
vọng cao xa mà về sau cần phải được hạ xuống hoặc phải thực hiện theo
từng bước, chẳng hạn như các quy định đầy tham vọng kinh tế xã hội trong
Hiến pháp năm 1988 của Brazil, đòi hỏi quyền lao động rộng rãi, cải
cách ruộng đất, và chăm sóc y tế toàn dân.
Mặc dù lời lẽ chính xác của hiến pháp là
quan trọng, việc hiến pháp được thông qua như thế nào, khi nào và do ai
có thể quan trọng hơn. Những người soạn thảo hiến pháp phải đạt được sự
đồng thuận rộng rãi và bảo đảm rằng không quá dễ mà cũng không phải
không có cách thực tế nào để sửa đổi hiến pháp khi điều kiện cho phép.
Nhiều người chỉ trích công thức của
Aylwin rằng ủy ban sự thật ở Chile chỉ có thể cung cấp công lý “tới mức
có thể được” – nhưng cái có thể được lại được mở rộng năm này qua năm
khác. Mục đích chủ yếu nên làm là tạo ra sự chấp nhận rộng rãi các quy
tắc cơ bản của việc tham gia dân chủ. Như Thabo Mbeki [12], tổng thống
thứ hai của Nam Phi hậu apartheid nhận xét: “Điều quan trọng là bản hiến
pháp do toàn thể người dân Nam Phi sở hữu và do đó quá trình lập hiến
pháp phải có tính bao gồm”. Quá trình này phải bao gồm những người ủng
hộ chế độ cũ, những người sẽ cần sự bảo đảm rằng các quyền của họ sẽ
được tôn trọng dưới nền pháp trị. Việc truy tố tập thể không phân biệt
các quan chức cũ là thiếu khôn ngoan. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo mới
phải thiết lập các quy trình pháp lý minh bạch để tìm kiếm sự thật về
những lạm dụng trong quá khứ, đưa ra việc thừa nhận và có lẽ việc sửa
chữa cho các nạn nhân, và, nếu khả thi, đưa các thủ phạm chính ra trước
công lý. Mặc dù hòa giải hoàn toàn có thể là điều bất khả, khoan dung
lẫn nhau là một mục tiêu quan trọng. Thỏa hiệp, một lần nữa, là điều có
tính sống còn.
CÂN BẰNG HÀNH ĐỘNG
Khi cuộc chuyển đổi dân chủ chựng lại,
công chúng thường đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo dân chủ – và đôi khi cho
chính nền dân chủ – do không đáp ứng kỳ vọng về kinh tế hoặc chính trị.
Chính quyền mới thường phải kế thừa các cách thức tham nhũng và sự kém
hiệu quả đã ăn sâu. Các phong trào từng đoàn kết nhau trong phản kháng
chế độ độc tài có thể bị phân mảnh. Các tổ chức xã hội dân sự đóng góp
cho phong trào đối lập chống độc tài đôi khi phân rã hoặc chuyển qua vị
trí gây rối, đặc biệt là sau khi nhiều nhà lãnh đạo tài năng nhất của họ
đi vào chính phủ hay chính trị đảng phái.
Xây dựng mối quan hệ có tính xây dựng
giữa chính phủ mới và phe đối lập mới là một thách thức kéo dài. Cạnh
tranh giữa chính phủ và phe đối lập là lành mạnh cho dân chủ, nhưng sự
cản trở hoàn toàn của phe đối lập hoặc sự đàn áp của chính phủ đối với
mọi chỉ trích có thể nhanh chóng tiêu diệt sự cạnh tranh đó. Tư pháp độc
lập để giữ cho hành pháp có trách nhiệm mà không ngăn chặn quá nhiều
sáng kiến mới cùng với truyền thông tự do và có trách nhiệm có thể giúp
củng cố nền dân chủ bền vững.
Các đảng chính trị cũng đóng một vai trò
quan trọng chừng nào mà chúng không đơn thuần trở thành phương tiện của
các cá nhân nào đó và phe nhóm của họ. Các đảng dân chủ có chương trình
hành động và tổ chức tốt là phương tiện tốt nhất để thu hút mọi tầng
lớp dân chúng, huy động sức ép hiệu quả, tổ chức hậu thuẫn bền vững cho
các chính sách, chuyển hướng các nhu cầu công cộng, cũng như nhận diện
và đề cử các nhà lãnh đạo có kỹ năng cao. Sự phát triển của các đảng
phái mạnh đòi hỏi chú ý kỹ càng đến các thủ tục và các điều an toàn liên
quan tới việc lựa chọn ứng cử viên, tài chính cho vận động tranh cử và
tiếp cận với truyền thông. Nhiều thách thức đang tiếp diễn đối với việc
quản trị dân chủ ở Ghana, Indonesia, và Philippines một phần là do các
đảng chính trị còn yếu kém.
Dù các cuộc chuyển đổi này thường do các
nguyên nhân chính trị hơn là kinh tế kích động, những thách thức kinh
tế sớm trở thành ưu tiên cho các chính phủ mới. Giảm nghèo và thất
nghiệp có thể xung đột với các cải cách kinh tế cần để thúc đẩy việc
tăng trưởng dài hạn và sự ổn định kinh tế vĩ mô. Trước khi sự ủng hộ
mạnh mẽ của người dân bị xói mòn, chính phủ cần thực hiện các biện pháp
xã hội làm giảm nhẹ những khó khăn cho những người dễ bị ảnh hưởng nhất
phải chịu đựng, nhưng chính phủ cũng cần phải thực hiện trách nhiệm tài
chính. Các nhà lãnh đạo của mọi cuộc chuyển đổi mà chúng tôi nghiên cứu
đều áp dụng cách tiếp cận định hướng theo thị trường và chính sách tiền
tệ và tài chính kinh tế vĩ mô thận trọng, nhưng hầu hết đã làm một cách
rất thận trọng để tránh thổi bùng nỗi lo sợ của công chúng rằng lợi ích
công cộng đã bị bán rẻ cho những kẻ đặc quyền. Ngay cả những người lúc
đầu thù địch với thị trường tự do cũng chấp nhận rằng thị trường là cần
thiết trong một nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa, cùng với các chính
sách xã hội mạnh mẽ vốn có thể tạo ra sự phát triển kinh tế công bằng
hơn.
Như lịch sử gần đây về các can thiệp của
phương Tây ở Trung Đông cho thấy một cách dư thừa, dân chủ không phải
là một món hàng xuất khẩu. Nhưng diễn viên bên ngoài, chính phủ và phi
chính phủ, có thể trợ giúp có hiệu quả các cuộc chuyển đổi dân chủ nếu
họ tôn trọng các lực lượng bên trong và tham gia theo lời mời của họ.
Đôi khi, họ có thể cung cấp các điều kiện cần thiết cho việc đối thoại
thầm lặng giữa các lãnh đạo đối lập và giữa phe đối lập với đại diện của
chế độ. Họ có thể đưa ra tư vấn về nhiều vấn đề thực tiễn, từ cách tiến
hành một chiến dịch tranh cử, tới cách sử dụng hiệu quả phương tiện
truyền thông, và cuối cùng là cách giám sát bầu cử. Trừng phạt kinh tế
có thể giúp kềm chế đàn áp, như họ đã làm ở Ba Lan và Nam Phi. Và nước
ngoài có thể cung cấp viện trợ và đầu tư để trợ giúp các cuộc chuyển đổi
dân chủ, như họ đã làm ở Ghana, Philippines và Ba Lan. Giúp đỡ kinh tế
của quốc tế trong quá trình chuyển đổi có thể tạo chỗ cho cải cách chính
trị khi thực hiện để đáp ứng các ưu tiên của địa phương và phối hợp với
các nhà hoạt động tại chỗ.
Tuy nhiên, can thiệp của quốc tế không
thể thay thế cho các sáng kiến trong nước. Các diễn viên bên ngoài có
nhiều khả năng tác động có hiệu quả khi họ biết lắng nghe, đề ra những
câu hỏi phát sinh từ kinh nghiệm trong những thách thức tương tự, và
khuyến khích những người tham gia tại chỗ xem xét vấn đề từ nhiều góc độ
khác nhau.
THẾ GIỚI ĐANG THAY ĐỔI
Các diễn viên mới, công nghệ, áp lực
kinh tế, động lực địa chính trị đã làm thay đổi bối cảnh mà các cuộc
chuyển đổi dân chủ hiện nay sẽ diễn ra trong đó. Bây giờ bất cứ ai với
một chiếc điện thoại di động đều có thể châm ngòi cho các cuộc biểu tình
quần chúng bằng cách thu lại hành động bạo lực của cảnh sát. Truyền
thông xã hội có thể nhanh chóng định hình lại công luận và cho phép các
nhà tổ chức tập hợp một số lượng lớn người theo dõi. Nhưng các công nghệ
mới này không thể thay cho công việc đầy khó khăn là xây dựng các tổ
chức. Như Cardoso, nhà cải cách Brazil sau trở thành tổng thống, nhận
xét, “Vấn đề ở chỗ, huy động để phá bỏ thì rất dễ nhưng để xây dựng
lại thì khó hơn rất nhiều. Các công nghệ mới tự chúng không đủ để thực
hiện bước tiến kế tiếp. Các tổ chức là cần thiết, cùng với khả năng
thông hiểu, xử lý, và thực hành quyền lãnh đạo được duy trì mọi lúc”. Như Kufuor nêu: “Quần chúng không thể xây dựng các tổ chức. Chính vì thế lãnh đạo là quan trọng”.
Trong những năm trước mắt, các phong trào xã hội và các tổ chức xã hội
dân sự, tăng cường bởi mạng kỹ thuật số, có lẽ sẽ gây sức ép các chế độ
chuyên quyền thường xuyên hơn và hiệu quả hơn so với trước đây. Tuy
nhiên, những phong trào này không thể thay thế các đảng chính trị và các
nhà lãnh đạo. Chính những diễn viên này cuối cùng phải xây dựng các tổ
chức, xây dựng các liên minh bầu cử và quản trị, giành được sự ủng hộ
của công chúng, chuẩn bị và thực hiện các chính sách, khêu gợi những hy
sinh vì lợi ích chung, khêu gợi cho mọi người tin rằng dân chủ là có thể
thực hiện được, và quản trị một cách hiệu quả.
Thật khó để xây dựng nền dân chủ bền
vững và hoạt động trơn tru ở các nước vốn không có kinh nghiệm về chính
quyền của chính họ gần đây, nơi mà các tổ chức xã hội và dân sự mong
manh, và nơi mà các tổ chức nhà nước yếu kém không có khả năng cung cấp
các dịch vụ và an ninh đầy đủ. Dân chủ cũng có thể khó thiết lập ở những
nước với sự chia rẽ sắc tộc, tông phái, hoặc vùng miền mạnh mẽ. Và dù
sao đi nữa các chính phủ dân chủ được bầu một cách dân chủ không thể cai
trị độc đoán bằng cách bỏ qua, làm suy yếu, hoặc chỉ đồng ý trên đầu
môi với những ràng buộc về lập pháp và tư pháp mà việc quản trị dân chủ
đòi hỏi. Tuy nhiên, chính tất cả các nước này lại cần có thay đổi dân
chủ cấp bách nhất. Ví dụ của Ghana, Indonesia, Philippines, Nam Phi, và
Tây Ban Nha cho thấy những thách thức này có thể đáp ứng được trong
nhiều điều kiện khác nhau, thậm chí ở các nước bị chia rẽ sâu sắc.
Ngày nay, hơn bao giờ hết có thể huy
động nhiều người trẻ có học thức hơn tham gia biểu tình cho dân chủ ở
các quảng trường công cộng, đặc biệt là ở những nơi việc làm hiếm hoi.
Tuy nhiên, đưa họ can dự trong việc xây dựng các đảng chính trị lâu bền
và các tổ chức khác trên cơ sở đang diễn tiến là thách thức lớn.
Dân chủ không xuất hiện trực tiếp hoặc
đương nhiên từ các đám đông trên đường phố. Việc xây dựng các nền dân
chủ đòi hỏi tầm nhìn, đàm phán và thỏa hiệp, nổ lực, kiên trì, kỹ năng,
tài lãnh đạo – và cơ may nào đó. Tuy nhiên, dù có tất cả mọi chướng
ngại, nhiều cuộc chuyển đổi dân chủ đã thành công trong quá khứ. Học tập
và áp dụng những bài học của những kinh nghiệm thành công đó có thể
giúp loại bỏ các chế độ chuyên quyền và hình thành các nền dân chủ bền
vững thay thế.
Links
[1] https://www.foreignaffairs.com/anthologies/2011-05-01/new-arab-revolt
[2] http://www.nytimes.com/2011/02/12/world/middleeast/12egypt.html
[3] http://www.aljazeera.com/news/middleeast/2014/06/sisi-be-sworn-as-egypt-president-20146843619902534.html
[4] https://www.foreignaffairs.com/articles/tunisia/2014-10-23/tunisia-model
[5] https://www.foreignaffairs.com/articles/asia/1997-07-01/indonesia-after-suharto
[6] https://www.foreignaffairs.com/articles/poland/1990-02-01/poland-demise-communism
[7] https://www.foreignaffairs.com/articles/russia-fsu/2005-03-01/ukraines-orange-revolution
[8] https://www.foreignaffairs.com/articles/brazil/1995-07-01/fulfilling-brazils-promiseconversation-president-cardoso
[9] https://www.foreignaffairs.com/reviews/capsule-review/2004-03-01/opening-mexicomaking-democracy
[10] http://www.theguardian.com/world/2013/jul/01/egypts-army-ultimate-arbiter-power
[11] https://www.foreignaffairs.com/articles/chile/1989-12-01/chiles-return-democracy
[12] https://www.foreignaffairs.com/articles/south-africa/1999-11-01/mbekis-uphill-challenge
Các bài trong Blog được collect từ nhiều nguồn & các bài viết trong blog này không thể hiện quan điểm của chủ BLog!
Tổng số lượt xem trang
Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015
Giá dầu và chính trị
(GDVN) - Kremlin đã phải tính toán lại ngân sách do giá dầu thấp. Năm
nay, chính phủ Nga đã buộc phải khai thác các quỹ dự trữ để cân bằng
ngân sách liên bang.
The Washington Post ngày 23/12 đưa tin, giá dầu thô giảm sâu đã làm biến
mất hàng trăm tỉ USD khỏi ngân khố các nước xuất khẩu dầu mỏ khiến một
số đối thủ của Hoa Kỳ phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng,
đồng thời có tác động tích cực với chính sách đối ngoại của Tổng thống
Barack Obama.
Sau hai năm giảm giá, hiệu ứng của giá dầu giảm sâu đã vang lên khắp toàn cầu, gây ra tình trạng bất ổn ở Venezuela, làm thay đổi những toan tính kinh tế và chính trị của Nga, làm giảm hy vọng của các nhà lãnh đạo Iran về một vận may tài chính khi các biện pháp trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này sắp được tháo dỡ.
Trong thời điểm các mối quan hệ quốc tế căng thẳng, giá dầu thô giảm vô hình chung tác động tích cực đến chính sách đối ngoại của ông Obama: Gây sức ép với Tổng thống Nga Vladimir Putin, làm hỏng hình ảnh của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và làm lu mờ triển vọng tăng ngân sách từ xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Đồng thời giá dầu thô thấp cũng đang khiến tiền chảy vào túi người tiêu dùng, thúc đẩy phục hồi kinh tế vốn ảm đạm trong những năm qua ở châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Lý do của việc giá dầu sụt giảm sâu là vì Saudi Arabia liên tục từ chối cắt giảm lượng xuất khẩu dầu mỏ của mình để hỗ trợ chính sách giữ giá.
Thay vào đó vương quốc này đã sản xuất dầu thô gần ở ngưỡng kỷ lục để bám lấy thị phần và làm giảm sức phát triển của các đối thủ cạnh tranh có chi phí sản xuất cao như khai thác dầu ở Bắc Cực, Canada, các giếng ngoài khơi Brazil và nguồn tài nguyên dầu đá phiến của Mỹ.
Saudi Arabia cũng cố gắng để giữ chân Iraq và Iran, hai đối thủ lâu năm trên thị trường dầu mỏ thế giới.
Giá dầu giảm sâu liên tục đã làm phức tạp thêm hậu quả các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga do Mỹ và châu Âu đưa ra. Nếu Iran tăng sản lượng, sản phẩm dầu thô của Iran có nhiều khả năng tìm đến thị trường châu Âu và lại sẽ trực tiếp cạnh tranh với dầu của Nga.
Trong một cuộc họp báo đầu tháng này, Tổng thống Nga Putin đã cho biết, Kremlin đã phải tính toán lại ngân sách do giá dầu thấp. Năm nay, chính phủ Nga đã buộc phải khai thác các quỹ dự trữ để cân bằng ngân sách liên bang và chắc chắn điều này sẽ còn lặp lại.
Giá dầu thô giao dịch tại thị trường Mỹ hôm Thứ Tư đóng cửa ở mức 37,6 USD một thùng, trong khi mức giá trung bình tháng 12 năm ngoái là 59,29 USD một thùng, tháng 12/2013 là 97,63 USD một thùng, theo Cục Quản lý Thông tin năng lượng Hoa Kỳ.
Giá
dầu thô giảm sâu liên tục đã gây ra nhiều khó khăn, thậm chí bất ổn cho
các nước xuất khẩu dầu mỏ. Ảnh minh họa: qcostarica.com
Sau hai năm giảm giá, hiệu ứng của giá dầu giảm sâu đã vang lên khắp toàn cầu, gây ra tình trạng bất ổn ở Venezuela, làm thay đổi những toan tính kinh tế và chính trị của Nga, làm giảm hy vọng của các nhà lãnh đạo Iran về một vận may tài chính khi các biện pháp trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này sắp được tháo dỡ.
Trong thời điểm các mối quan hệ quốc tế căng thẳng, giá dầu thô giảm vô hình chung tác động tích cực đến chính sách đối ngoại của ông Obama: Gây sức ép với Tổng thống Nga Vladimir Putin, làm hỏng hình ảnh của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và làm lu mờ triển vọng tăng ngân sách từ xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Đồng thời giá dầu thô thấp cũng đang khiến tiền chảy vào túi người tiêu dùng, thúc đẩy phục hồi kinh tế vốn ảm đạm trong những năm qua ở châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Lý do của việc giá dầu sụt giảm sâu là vì Saudi Arabia liên tục từ chối cắt giảm lượng xuất khẩu dầu mỏ của mình để hỗ trợ chính sách giữ giá.
Thay vào đó vương quốc này đã sản xuất dầu thô gần ở ngưỡng kỷ lục để bám lấy thị phần và làm giảm sức phát triển của các đối thủ cạnh tranh có chi phí sản xuất cao như khai thác dầu ở Bắc Cực, Canada, các giếng ngoài khơi Brazil và nguồn tài nguyên dầu đá phiến của Mỹ.
Saudi Arabia cũng cố gắng để giữ chân Iraq và Iran, hai đối thủ lâu năm trên thị trường dầu mỏ thế giới.
Giá dầu giảm sâu liên tục đã làm phức tạp thêm hậu quả các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga do Mỹ và châu Âu đưa ra. Nếu Iran tăng sản lượng, sản phẩm dầu thô của Iran có nhiều khả năng tìm đến thị trường châu Âu và lại sẽ trực tiếp cạnh tranh với dầu của Nga.
Trong một cuộc họp báo đầu tháng này, Tổng thống Nga Putin đã cho biết, Kremlin đã phải tính toán lại ngân sách do giá dầu thấp. Năm nay, chính phủ Nga đã buộc phải khai thác các quỹ dự trữ để cân bằng ngân sách liên bang và chắc chắn điều này sẽ còn lặp lại.
Giá dầu thô giao dịch tại thị trường Mỹ hôm Thứ Tư đóng cửa ở mức 37,6 USD một thùng, trong khi mức giá trung bình tháng 12 năm ngoái là 59,29 USD một thùng, tháng 12/2013 là 97,63 USD một thùng, theo Cục Quản lý Thông tin năng lượng Hoa Kỳ.
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Gia-dau-va-chinh-tri-post164372.gd
Tin khó tin: Phải “mừng rơi nước mắt”
(LĐO)
Hoa hậu Phạm Hương (zing)
Anh Nguyễn Đình Long khẳng định mình không cô độc vì có tới 14 triệu người Việt Nam bị rối loạn tâm thần. Trong khi đó Hoa hậu Phạm Hương bật mí việc “chạy nhanh giành vị trí tốt” là nhờ cô vận dụng kinh nghiệm đi lại trên phố của người Việt.
1. Xách dép cho Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh
Chủ
nhật, ngày cuối cùng của tuần nên tự thấy trước hết phải điểm lại một
tin mừng nhất trong tuần, cực kỳ mừng, “mừng… rơi nước mắt”. Đó là Hà
Nội không có tiêu cực (Xem thêm tại đây) và TP.Hồ Chí Minh cũng thế, không có tham nhũng (Xem thêm tại đây).
Đất
nước có hai thành phố lớn, một là Thủ đô, một là trung tâm kinh tế. Thế
mà suốt 9 tháng qua, không phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Trong khi các
lãnh đạo cao cấp, đại biểu Quốc hội và trong các báo cáo, đâu đâu cũng
nói tham ô, tham nhũng vẫn rất nghiêm trọng và thậm chí “tăng tốc”.
Nên
nếu hai thành phố lớn không có tiêu cực thì chắc chắn rằng tham nhũng,
tiêu cực chỉ có ở các địa phương. Hà Giang ơi, Lào Cai, Yên Bái, Thái
Bình, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Kiên Giang, Cà Mau… ơi, 61 tỉnh thành cả nước
ơi, tiêu cực nhiều lắm nhé. Hãy nhìn Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh mà học tập.
A, đây rồi! Không biết cái này có phải là “tiêu văn cực” không đây: (Xem thêm tại đây)
Nói thế thôi, cũng có thể nhầm, dễ nhầm lắm. Lại nói chuyện nhầm.
2. “Bắt từ trần, phải… từ trần!... Kiều”
Người
không được chết là bà Nguyễn Thị Lê, thôn Chùa, xã Lương Phong, huyện
Hiệp Hòa (Bắc Giang). Khi bà Lê mất, chính quyền địa phương không cho
làm giấy chứng tử, không cho phát loa truyền thanh thông báo, cũng như
hỏi mượn xe tang, kèn trống… Lý do là bà Lê còn nợ thuế đất nông nghiệp,
tiền đóng góp an ninh quốc phòng, ủng hộ đồng bào lũ lụt, quỹ bảo trợ
trẻ em, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, hội xuân… với số tiền hơn 1,7
triệu đồng (Xem thêm tại đây)
Đúng rồi. Nợ, ai cho chết mà được chết!
Ngược
lại với bà Lê, nhiều người ở Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa đã được UBND
làm giấy… chứng tử khi đang còn sống, đó là các ông, bà Nguyễn Thị Sính
(56 tuổi), ông Phạm Văn Sự (52 tuổi), bà Hoàng Thị Tằm (75 tuổi) và bà
Phạm Thị Hoa (73 tuổi). Lý do là từ năm 2009, Ngân hàng Chính sách xã
hội huyện Thọ Xuân có chủ trương xóa nợ cho những người vay vốn gặp rủi
ro, hoạn nạn thuộc trường hợp đặc biệt khó khăn, chủ hộ hoặc người thừa
kế trong gia đình đã qua đời.
Quyết định của UBND huyện Thọ Xuân về việc thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng tử đã được cấp cho bà Hoàng Thị Tằm. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Song,
“vui” nhất là câu trả lời đầy sự “sáng tạo” và rất “đúng quy trình” của
ông Nguyễn Đình Tràn, Thường vụ Hội nông dân xã Xuân Lập: “Phía ngân
hàng yêu cầu để được xóa nợ là cả vợ và chồng đã chết hoặc bị mất tích,
điều kiện kinh tế khó khăn. Hội nông dân xã khi đó đã vận dụng nhằm hợp
thức hóa, tạo điều kiện xóa nợ xấu cho các gia đình”.
Hơ!
Người chết không cho chết vì… thiếu nợ. Người sống thì… cho chết để
thoát nợ! Ở xứ ta, một người thì không được chết và 4 người phải chết
chẳng qua là vì… nợ tiền.
3. Không có tiền thì dứt khoát là… bất hạnh
Tiền có quan trọng không nhỉ? Đúng là một câu hỏi ngớ ngẩn.
Nhà
văn Nga vĩ đại Đostoevsky thì cho rằng “Đồng tiền, dù nhơ bẩn đến đâu
thì nó cũng sẽ thống trị thế giới này cho đến ngày nhân loại diệt
vong”.
Còn ở
ta, ai đó đã nói “Tiền không là gì nhưng không có tiền thì không làm
được gì”. Và “Tiền thì không mua được hạnh phúc nhưng không có tiền thì
dứt khoát là… bất hạnh”. Chẳng biết những “triết lý” kia đúng đến đâu,
còn ở cuộc ly hôn 10.000 tỉ của gia đình đại gia cafe Đặng Lê Nguyên Vũ
đang vào thời điểm “giao tranh khốc liệt”. (Xem thêm tại đây)
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: Viettimes |
Người
không có tiền thì lo chết đói. Người nhiều tiền thì lo mất trộm và còn
lo cả “nội đại chiến”. Xem ra chẳng phải vô lý khi các cụ cho hai chữ
“tiền” và “bạc” đi liền với nhau thành cụm từ “tiền – bạc”.
Cộng đồng mạng xôn xao xung quanh việc Hoa hậu Phạm Hương “chạy nhanh giành vị trí tốt” tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ.
Người
thì khen là thoát khỏi tính “tự ti”, đã dám “tự tin”, người thì nói
“háo danh”, quen thói “chen ngang”… Ui giời, miệng lưỡi thế gian. Miễn
là em đẹp và miễn là em đoạt giải, em nhỉ. (Xem thêm tại đây)
4-- Dân đói, cán bộ… no và Harvard gọi bằng… cụ!
“Giám
đốc nhà hát ngày càng “phát triển”, còn nhà hát thì ngày càng đi
xuống!”. Đó là nhận xét của Bí thư Nguyễn Xuân Anh. Ông Bí thư này trẻ
mà chỉ được cái nói… đúng.
Lại
nhớ chuyện nói ngọng, có ông cán bộ phát biểu rằng không được để dân
đói: “Dân càng đói, cán bộ càng… no (tức là LO, bác ý lói ngọng)”.
Ui,
cái nguyên nhân của mọi nguyên nhân là tại tư duy bao cấp, bám váy mẹ.
Những đứa trẻ không rời bầu sữa mẹ thì làm sao lớn được: “Chương trình
thì càng ngày càng bết, ca sĩ chẳng có ai mới, trang phục thì lôm côm…
đến phát ngán. Nghe ổng hát đi hát lại cũng mấy bài đó đến nỗi thuộc
lòng luôn. Trong khi mỗi năm TP phải bỏ ra 7,5 tỉ đồng cho ổng trả
lương. Để doanh nghiệp vào đó thử xem? TP còn được người, được tiền nữa.
Người ta trả cho TP 3 – 4 tỉ đồng/năm!” - ông Xuân Anh nói.
Cho
nên “Hãy để cho nó chết đi!” như câu nói mà cố TS Alan Phan đã từng
trích dẫn khi nói về việc đổ bể của một số ngân hàng. Vâng, và khi đó,
nó không những không chết mà sống, sống khỏe, sống lành mạnh. (Xem thêm tại đây)
Theo
TS Nguyễn Kim Sơn - Chánh văn phòng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
khẳng định: “Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ vào thời điểm này có
1.130 giảng viên cơ hữu, trong đó có 150 giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ
và 550 thạc sỹ. Trong đó có hơn 100 cán bộ nguyên là lãnh đạo cao cấp
của Đảng và Nhà nước và giám đốc các trường, các Tổng công ty Nhà nước…
đang tham gia giảng dạy, quản lý ở trường”.
Chao
ôi! Lắm giáo sư, nhiều chính khách thế này thì… Harvard gọi bằng cụ. Chỉ
mong đừng “Lắm thầy, rối… học trò”, sinh viên ra trường không có việc
làm, phải đào tạo lại. (Xem thêm tại đây)
“Tôi tin rằng trường sẽ thực hiện thành công quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho trường được đào tạo Y đa khoa và Dược học ở trình độ Đại học chính quy”, TS Nguyễn Kim Sơn tâm sự. |
Một tin “vui” với anh Nguyễn Đình Long, anh không cô độc vì có tới gần 14 triệu người Việt bị rối loạn tâm thần (Xem thêm tại đây) và cũng có 19 triệu gia đình văn hóa (Xem thêm tại đây).
Chúc bà con một ngày cuối tuần vui vẻ cho một ngày đầu tuần mới vui vẻ hơn bằng một:
5. Bài thơ tình không thể… không cười!
Lang thang trên đường Hà Nội
Nhớ em, anh kể chuyện này
Lan man, em đừng cười nhé
Bắt đầu từ sáng hôm nay…
Trên “con đường cong mềm mại”
Gặp cơn mưa “đúng qui trình”
Bỗng thấy mặt cầu “kênh kiệu”
Trơn như đổ “vàng tâm” xanh
Chợt nhớ về những bát canh
“Sâu nhiều” mà “rau thì ít”
Họ ăn cho kỳ bằng hết
“Không từ thứ gì của dân”
Anh thấy “nhiệm kỳ hoàng hôn”
Rời ga trong “chuyến tàu vét”
Trách nhiệm xin nhường lại hết
Cho người kế tiếp nay mai….
Con tàu đi tới tương lai
Trên con “đường cong mềm mại”
Yêu nhau, anh chào ở lại
Anh về trong ánh ban mai…
Nguồn: http://laodong.com.vn/kho-tin/tin-kho-tin-phai-mung-roi-nuoc-mat-405992.bld
25-12-1991, ngày cuối cùng của chế độ CS Liên Xô
Mikhail Sergeyevich Gorbachyov Tổng bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô
“Merry Christmas !” Một viên chức trong đoàn tùy tùng của Tổng Bí Thư Mikhail Gorbachev chào Ted Koppel và nhóm phóng viên của hệ thống ABC đang đứng chờ trước bậc thềm điện Kremlin. Ted Koppel chào lại nhưng anh chàng Rick Kaplan, phụ tá của Ted Koppel phản đối “Với tôi anh phải chúc là Happy Hanukkah mới phải”. Rick Kaplan nói thế chỉ vì anh ta gốc Do Thái. Viên chức Liên Xô không hiểu Hanukkah nghĩa là gì và tưởng là Honecker nên hỏi ngược “Tại sao tôi phải chào Happy Honecker chứ nhỉ?”
Thật ra, thắc mắc của viên chức Liên Xô không phải là không có lý do.
Ngày 25 tháng 12 không chỉ là ngày cuối cùng của hệ thống CS Liên Xô mà
có thể cũng là ngày cuối của Erich Honecker nữa. Tên lãnh tụ CS Đông Đức
này bị truy tố tại Đức và được Gorbachev cho phép tỵ nạn chính trị tại
Liên Xô. Erich Honecker sợ bị Boris Yeltsin tống cổ về Đức nên hôm qua
đã chạy sang tòa đại sứ Chile ở Moscow xin tỵ nạn. Báo chí loan tin sáng
hôm đó Erich Honecker vừa xin tỵ nạn chính trị lần nữa nên viên chức
trong đoàn tùy tùng Gorbachev liên tưởng đến y khi nghe “Happy
Hanukkah”.
Ngày 25 tháng 12 là ngày nhiều tỉ tín đồ Thiên Chúa Giáo trên thế giới kỷ niệm ngày Chúa Cứu Thế giáng trần nhưng tại Moscow, ngày 25 tháng 12, 1991 là ngày chính thức cáo chung của chế độ Cộng Sản. Thật khó tin nhưng đang diễn ra trước mắt nhân loại. Ngày cuối cùng của chế độ CS Liên Xô được tường thuật theo từng giờ trong tác phẩm Moscow, December 25, 1991, the last day of Soviet Union của Conor Óclery mà người viết tham khảo.
Tối ngày 24
Thời tiết Moscow lạnh xuống gần 0 độ F. Những lớp tuyết dày trên dưới chân tường điện Kremlin dấu vết của cơn bão tuyết ba ngày trước. Nửa đêm 24 tháng 12, một đoàn hành hương đến cầu kinh dưới chân tháp Thánh Nicholas. Từ khi chính sách Glasnost ra đời, việc tiếp xúc tôn giáo có phần cởi mở. Nhiều đoàn hành hương có cơ hội đến thăm viếng các nhà thờ lớn ở Liên Xô. Phần đông người trong đoàn đến từ Mỹ. Dù Giáng Sinh theo lịch Julian do Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga dùng là ngày 7 tháng Giêng những người hành hương này muốn đón Giáng Sinh theo lịch Mỹ ở Moscow. Những ngọn đèn cầy được thắp lên trong đêm đông tại quốc gia CS hàng đầu thế giới. Những người hành hương không biết một cách chi tiết những gì sắp xảy ra trên đất nước này trong vài giờ nữa.
Sáng sớm ngày 25
Mikhail Sergeyevich Gorbachev, Tổng Bí Thư đảng CS kiêm Chủ tịch Cộng Hòa Liên Bang Sô Viết thức dậy sớm. Ông ta ý thức ngay rằng, tất cả những gì ông sắp sửa làm từ bữa ăn sáng do đầu bếp Shura phục vụ và cả biệt điện nguy nga mà vợ chồng ông ta nghĩ trước đó sẽ ở cho đến chết đều sẽ là lần cuối. Chiếc xe đặc biệt ZiL-41047 chờ ông. Hai viên đại tá có khuôn mặt lạnh như tiền ngồi trên chiếc Volga theo sau xe của Gorbachev. Họ không phải là cận vệ nhưng là người mang chiếc cặp trong đó chứa các thông tin tuyệt mật để phát động chiến tranh nguyên tử. Hai đại tá này biết chiều tối nay họ sẽ chào từ biệt Mikhail Gorbachev để phục vụ lãnh đạo Cộng Hòa Nga Boris Yeltsin.
Mikhail Sergeyevich Gorbachev được thế giới ca ngợi như là người đã thổi vào không khí chính trị Liên Xô làn gió mới và được trao tặng giải Nobel Hòa Bình 1990 nhưng trong nước dân chúng đổ hết công phẫn lên ông ta. Tên Gorbachev đồng nghĩa với suy thoái, thất nghiệp, vật giá leo thang, tem phiếu. Người dân thường dĩ nhiên không biết và cũng không cần biết, Gorbachev là lãnh đạo CS thứ bảy từ Lenin và cũng là người kế thừa một gia sản lạc hậu, ung thối từ trong máu của chế độ.
Nhiều câu chuyện cười ở Moscow về thái độ bất mãn của người dân đối với Gorbachev. Ví dụ, trong một tiệm rượu, một người khách đứng dậy bỏ đi, các bạn anh ta hỏi đi đâu, anh chàng đáp đi giết Gorbachev chứ đi đâu, anh ta mở cửa ra đi thật nhưng trở lại ngay, bạn bè hỏi sao giết Gorbachev mà nhanh thế, anh chàng đáp không giết được vì phải sắp hàng dài quá.
9 giờ sáng ngày 25
Mikhail Gorbachev và đoàn tùy tùng đến dinh chủ tịch ở điện Kremlin hơi trễ hơn thường lệ chút ít. Hãng tin Mỹ ABC gồm Ted Koppel và Rick Kaplan có mặt ngay tại chỗ dừng xe. Họ được Gorbachev cho phép tường thuật biến cố lịch sử này. Theo lời kể lại của Ted Koppel, Gorbachev rất trầm tỉnh. Nhân viên làm việc trong điện Kremlin vẫn tới đủ nhưng không có việc nào làm khác hơn là dọn dẹp. Thời khóa biểu tiếp khách trước đây được tính từng phút hôm đó trống không. Mặc dù theo thỏa thuận, Gorbachev có đến cuối năm để dời ra khỏi điện nhưng thực tế Yeltsin đã tóm thu hết quyền hành và các phương tiện thông tin. Đơn vị phòng vệ điện Kremlin vẫn túc trực nhưng không đặt dưới quyền chỉ huy của Gorbachev mà trực thuộc thẳng Yeltsin. Chiếc điện thoại màu trắng trên bàn làm việc của Gorbachev còn hoạt động nhưng không ai gọi vào.
10 giờ sáng ngày 25
Trong lúc điện Kremlin chìm trong im lặng, Tòa Nhà Trắng Nga lại sôi nổi với hàng loạt chương trong ngày mới của nền Cộng Hòa. Tòa nhà quốc hội Nga này là biểu tượng của trận chiến chống chế độ toàn trị khi Yeltsin đứng trên xe tăng thách thức đám lãnh đạo CS cực đoan hồi tháng Tám trước đó. Boris Yeltsin lãnh đạo Nga đến văn phòng làm việc. Ông lên văn phòng đặt trên tầng thứ năm bằng cầu thang riêng phía sau. Trên bàn làm việc hàng loạt sắc lịnh chờ ông ký. Một chế độ hình thành bằng máu, dao búa và súng đạn đang được giải thể bằng sắc lịnh. Một trong những sắc lịnh ông phải ký hôm nay là giải tán cơ quan KGB và thay bằng Federalnaya Sluzhba Bezopasnosti gọi tắt là FSB tức Cơ Quan An Ninh Liên Bang Nga. Không chỉ trong ngành an ninh, mật vụ mà cả sắc lịnh về các hí viện, nhạc viện, các viện hàn lâm, trường đại học, viện bảo tàng, v.v. từ nay đều trực thuộc Cộng Hòa Nga.
Các cơ quan ngoại giao quốc tế cũng vậy. Bộ trưởng Ngoại Giao Eduard Shevardnadze nổi tiếng thời Gorbachev bị trục xuất ra khỏi nhiệm sở và thay bằng Bộ trưởng Ngoại Giao Nga Andrey Kozyrev. Tại tất cả nhiệm sở ngoại giao khắp các múi giờ trên toàn thế giới, cờ Liên Xô bị hạ xuống và cờ Cộng Hòa Nga ba màu được kéo lên. Nhiều đại sứ vội vả đánh điện cho Yeltsin tuyên bố trung thành. Tòa đại sứ lớn nhất của Liên Xô là tòa đại sứ tại Washington DC với hơn 300 nhân viên thuộc nhiều sắc tộc. Các nhân viên chia thành nhiều nhóm theo sắc dân và tự tuyên bố họ là đại diện cho cộng hòa của họ tại Mỹ.
Gần 11 giờ sáng Tổng thống Nga Boris Yeltsin qua phòng họp quốc hội Nga ở lầu 1. Tổng cộng 252 đại biểu quốc hội đang tập trung để chứng kiến ngày lịch sử. Nhân dịp này, Boris Yeltsin thông báo tin vui rằng 11 quốc gia cựu Liên Xô trong phiên họp tại Kazakhstan đã đồng ý thành lập Khối Thịnh Vượng chung.
12 giờ trưa ngày 25
Mikhail Gorbachev ăn trưa xong. Phía sau phòng ăn có một phòng nhỏ bỏ trống. Tổng bí thư CS Liên Xô vào, đóng cửa lại và nằm nghỉ. Các phụ tá của ông hớt hải đi tìm. Gorbachev phải có mặt để ký thư từ biệt gởi các lãnh đạo thế giới mà ông có quan hệ tốt. Một danh sách khá dài từ Tổng thống Mỹ George H. W. Bush cho đến Thủ tướng Anh John Major và cả các ông hoàng như Vua Juan Carlos và Nữ Hoàng Sofia của Spain.
Bài bình luận trên báo Nga buổi sáng hôm đó chẳng tốt lành gì cho lãnh tụ CS Mikhail Gorbachev. Tờ Rossiyskaya Gazeta tiết lộ các cam kết mật Yeltsin dành cho Gorbachev khi về hưu bao gồm số phụ cấp bằng với mức lương hiện nay của ông ta có điều chỉnh theo mức lạm phát, hai chiếc xe riêng và một đoàn tùy tùng 20 người kể cả tài xế và an ninh. Đây là thỏa thuận kín giữa Gorbachev và Yeltsin nhưng đã bị cánh Yeltsin tiết lộ cho báo chí biết. Các báo còn cho rằng Gorbachev đòi hỏi một đoàn phục vụ lên đến 200 người. Thật ra, theo Chernyaev, phụ tá của Gorbachev, ông ta chưa bao giờ đòi hỏi một số lượng nhân viên phục vụ đông như thế. Phe Yeltsin chỉ bịa ra để làm nhục Gorbachev.
4 giờ chiều ngày 25
Gorbachev và phụ tá Andrei Grachev xem lại diễn văn mà 4 giờ nữa ông sẽ đọc và quyết định thay chữ “từ chức” bằng chữ “ngưng các hoạt động” trong chức vụ chủ tịch Liên Bang Sô Viết. Diễn văn được sửa tới sửa lui nhiều lần chung quanh các điểm xung khắc giữa Yeltsin và Gorbachev.
Cũng trong buổi chiều cuối cùng này, Gorbachev gọi điện thoại chào từ giã tổng thống Mỹ George H. W. Bush. Buổi điện đàm được truyền hình ABC thu. Gorbachev mở đầu trước bằng gọi một cách thân mật “George thân mến, chúc mừng Giáng Sinh đến anh và Barbara !” và nói tiếp “George, tôi muốn báo anh biết một tin quan trọng. Trước mặt tôi là diễn văn từ nhiệm. Tôi sẽ rời khỏi chức vụ tổng tư lịnh và chuyển giao quyền sử dụng vũ khí nguyên tử sang tổng thống Liên Bang Nga”. Buổi điện đàm diễn ra trong không khí rất thân mật và tổng thống Mỹ mời Gorbachev viếng thăm Mỹ lần nữa. Cả hai đều tránh nhắc tới tên Yeltsin.
Trời đã về chiều. Gorbachev và hai phụ tá thân cận nhất của ông ngồi quanh nhau bên ly cà phê cuối cùng. Cả ba đồng ý, sau khi đọc diễn văn, Gorbachev sẽ ký quyết định từ nhiệm thay vì ký trước như dự tính.
Trong lúc nhắp cà phê, câu chuyện về số phận Nicolae Ceausescu của Romania được nhắc đến. Mặc dù Gorbachev ví Ceausescu như là Hitler của Romania, cả hai đã duy trì một quan hệ lãnh đạo các quốc gia trong khối CS. Chỉ ba tuần trước khi vợ chồng Nicolae Ceausescu bị xử bắn, Gorbachev đã tiếp y tại điện Kremlin. Trong dịp đó Gorbachev khuyên Ceausescu đừng ngại thực hiện các cải cách dân chủ và tiên đoán “đồng chí sẽ còn sống trong dịp hội nghị các lãnh đạo CS Liên Xô và Đông Âu” tổ chức ngày 9 tháng Giêng. Ngày đó không bao giờ đến và Nicolae Ceausescu cũng đã chết rồi.
7 giờ tối ngày 25
“Kính thưa toàn thể nhân dân”, giọng Mikhail Gorbachev hơi lạc đi vì xúc động, gò má ông rung lên. Trong chốc lát, ông lấy lại bình tỉnh và đọc tiếp “Số phận đã quyết định rằng, khi tôi trở nên lãnh đạo đất nước, hiển nhiên đã có những sai trái trầm trọng trong quốc gia này. Chúng ta có đầy đủ mọi thứ, đất đai, dầu khí, tài nguyên thiên nhiên và Tạo Hóa đã ban cho chúng ta trí tuệ và tài năng – Tuy nhiên, mức sống của chúng ta tệ hại hơn nhiều so với các quốc gia kỹ nghệ khác và khoảng cách mỗi ngày rộng thêm. Lý do rõ ràng vì xã hội bị bóp ngặt trong tay của một hệ thống quan quyền được tạo ra để phục vụ một ý thức hệ, và phải chịu gánh nặng chạy đua vũ trang, căng thẳng tột cùng. Tất cả cố gắng để thực hiện các cải cách nửa vời đều lần lượt dẫn đến thất bại. Đất nước không còn hy vọng gì nữa.”
Gorbachev tiếp tục nói về các cải cách ông thực thi từ 1985, dù sao, đã là những viên gạch cần thiết lót lên con đường dẫn đến chế độ dân chủ và theo ông “xã hội đã đạt được tự do, tự do về chính trị và tự do về tinh thần”. Gorbachev chấm dứt diễn văn lúc 7:12 phút tối. Ông nhìn lên ống kính truyền hình và thêm vào câu nữa “Chúc quý vị mọi điều tốt đẹp”.
Các lý do làm Liên Xô sụp đổ là nguồn thúc đẩy sự nghiên cứu của nhiều sử gia, nhà nghiên cứu, nhà phân tích và vẫn còn đang được nghiên cứu, phân tích. Tuy nhiên, như nhiều người đông ý, nguyên nhân sâu xa vẫn là (1) những mâu thuẫn có tính triệt tiêu trong bản chất của chế độ CS độc tài toàn trị, (2) sự chuyển hóa không ngừng của xã hội và (3) các nguyên nhân trực tiếp gồm tình trạng tham nhũng thối nát, chạy đua vũ trang và trung ương không giữ được địa phương.
Mâu thuẫn có tính triệt tiêu của chế độ CS
Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, chế độ CS Liên Xô không thể nào sụp đổ. Sau thế chiến thứ hai, Liên Xô có một đạo quân khổng lồ gồm 500 sư đoàn trong đó 50 sư đoàn thiết giáp. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh với Mỹ và Tây phương, Liên Xô duy trì một đạo quân từ 3 triệu người đến 5 triệu người. Khoảng thời gian Liên Xô sụp đổ, Liên Xô có 210 sư đoàn với một phần tư là các sư đoàn thiết giáp. Kho vũ khí hạt nhân Liên Xô có 27 ngàn đầu đạn nguyên tử trong đó 11 ngàn đầu đạn có tầm bắn xa đến tận nước Mỹ. Mỗi đầu đạn nguyên tử có thể tàn phá một thành phố Mỹ.
Bên ngoài hùng mạnh nhưng bên trong, Liên Xô là một cơ chế chính trị chứa đựng các mâu thuẫn nội tại dẫn đến thối rửa. Chủ nghĩa Marx-Lenin đề cao “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” nhưng thật sự từ Cách mạng CS tại Nga, Trung Cộng, Cu Ba, Bắc Hàn, Việt Nam v.v.. đều phát xuất từ một nhóm nhỏ cán bộ CS biết vận dụng các lý do lịch sử và bất đồng nhất thời trong xã hội để phát động chiến tranh và sau đó tiếp tục cai trị nhân dân bằng súng đạn, nhà tù, sân bắn. Người dân không có quyền chọn lựa. Mâu thuẫn đối kháng mang tính triệt tiêu nhau giữa chế độ độc tài toàn trị và quyền sống, quyền tự do chọn lựa của con người vì thế đã bắt đầu ngay khi cách mạng CS thành công và sâu sắc dần theo thời gian.
Sự chuyển hóa tri thức xã hội
Như người viết đã có dịp phân tích bài Trung Cộng không đáng sợ, sự chuyển hóa tri thức của xã hội là nguồn lực chính thúc đẩy cách mạng dân chủ tại các quốc gia CS. Nguồn lực đó nhanh hay chậm tùy theo điều kiện mỗi nước nhưng là một tiến trình không thể bị ngăn chận bởi bất cứ một cơ chế độc tài nào. Những nguồn đối kháng từ bên trong các nước CS đã âm thầm lớn mạnh chỉ chờ cơ hội là bùng vở. Sức sống của đất nước cũng như của xã hội là một dòng chảy không bao giờ ngừng nghỉ, các thế lực cầm quyền độc tài chỉ là những khe đá, có thể làm chậm dòng thác văn minh nhưng không thể ngào ngăn chận được.
Khi nhận thức con người được mở rộng sự sợ hãi sẽ giảm dần. Điều này thể hiện không chỉ ở người dân Liên Xô lúc đó mà cả các cấp lãnh đạo CS Liên Xô cũng không còn sợ các biện pháp chế tài của trung ương đảng. Chưa bao giờ trong lịch sử đảng CS Liên Xô có một ủy viên bộ chính trị từ chức. Không cần phải tìm hiểu cũng biết điều gì sẽ xảy ra cho Boris Yeltsin nếu ông ta từ chức trong thời kỳ Lenin, Stalin.
Yếu tố chính tác động vào sự sụp đổ của Liên Xô, hệ thống CS tại châu Âu và sẽ diễn ra tại Trung Cộng cũng như Việt Nam chính là nội lực phát xuất từ xã hội, kết quả của các phong trào xã hội và sự chuyển hóa không ngừng của xã hội. Các quốc gia CS còn lại như Trung Cộng, Việt Nam tìm mọi cách để ngăn chận sự phát triển tự nhiên của văn minh con người, cố tình che đậy, bưng bít thông tin nhưng chỉ làm chậm lại tiến tình cách mạng dân chủ một thời gian ngắn mà thôi. Cuộc chiến tranh xoi mòn từng mảnh nhỏ này đang diễn ra từng giờ, từng phút và phần thắng đang nghiêng dần về phía người dân.
Tham nhũng thối nát, chạy đua vũ trang và trung ương không giữ được địa phương
Thập niên 1970 Liên Xô có vẻ trong vị trí ổn định và có ảnh hưởng quốc tế nhất. Vị trí của Liên Xô lên cao tại Phi Châu, Trung Đông và Á Châu. Tuy nhiên sau thượng đỉnh Vladivostok giữa Leonid Brezhnev và Tổng thống Mỹ Gerald Ford tình hình bắt đầu đổi khác. Nền kinh tế Liên Xô suy sụp dần vì hơn 30%, nhiều phân tích cho rằng hơn một nửa, ngân sách quốc gia phải đổ vào cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ. Giống như đòn kinh tế Mỹ đang áp dụng hiện nay đối với Vladimir Putin, thập niên 1980, Mỹ cũng thỏa thuận với Saudi Arabia để giữ giá dầu thấp nhằm đánh vào nền kinh tế sống nhờ xuất cảng dầu khí của Liên Xô.
Gorbachev kế thừa một “sự nghiệp cách mạng” nhưng trong thực tế một gánh nặng của chủ nghĩa độc tài toàn trị kéo dài từ 1917 cho đến tháng 3 năm 1985, thời gian ông được chọn làm tổng bí thư đảng. Cơ chế chính trị trung ương không giữ được các cộng hòa địa phương. Trước Giáng Sinh 1991 vài ngày, 11 nước cộng hòa Sô Viết gồm Ukraine, Liên Bang Nga, Belarus, Armenia, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Turkmenistan, Tajikistan và Uzbekistan tuyên bố họ không còn là những tiểu quốc trong liên bang Sô Viết. Bốn nước Estonia, Lithuania, Latvia, Georgia chọn nghiêng hẳn về phía Tây thay vì theo Nga.
Không có con đường nào khác dành cho các lãnh đạo CS
Chế độ CS, một chế độ đi ngược dòng phát triển văn minh nhân loại và quyền con người như Mikhail Sergeyevich Gorbachev xác nhận trong diễn văn từ chức “hệ thống toàn trị đã ngăn chận một quốc gia để trở nên giàu có và thịnh vượng, hệ thống đó phải bị giải thể.” Điều đó đã xảy ra tại Nga, Đông Âu, Phi Châu và đương nhiên sẽ xảy ra tại Trung Cộng và Việt Nam. Cách mạng dân chủ là một tiến trình không thể nào đảo ngược. Các lãnh đạo CSVN chỉ có một trong hai chọn lựa, hoặc như Mikhail Gorbachev hoặc như bị lật đổ như Nicolae Ceausescu, Erich Honecker chứ không có chọn lựa thứ ba nào.
Ngày 25 tháng 12 là ngày nhiều tỉ tín đồ Thiên Chúa Giáo trên thế giới kỷ niệm ngày Chúa Cứu Thế giáng trần nhưng tại Moscow, ngày 25 tháng 12, 1991 là ngày chính thức cáo chung của chế độ Cộng Sản. Thật khó tin nhưng đang diễn ra trước mắt nhân loại. Ngày cuối cùng của chế độ CS Liên Xô được tường thuật theo từng giờ trong tác phẩm Moscow, December 25, 1991, the last day of Soviet Union của Conor Óclery mà người viết tham khảo.
Tối ngày 24
Thời tiết Moscow lạnh xuống gần 0 độ F. Những lớp tuyết dày trên dưới chân tường điện Kremlin dấu vết của cơn bão tuyết ba ngày trước. Nửa đêm 24 tháng 12, một đoàn hành hương đến cầu kinh dưới chân tháp Thánh Nicholas. Từ khi chính sách Glasnost ra đời, việc tiếp xúc tôn giáo có phần cởi mở. Nhiều đoàn hành hương có cơ hội đến thăm viếng các nhà thờ lớn ở Liên Xô. Phần đông người trong đoàn đến từ Mỹ. Dù Giáng Sinh theo lịch Julian do Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga dùng là ngày 7 tháng Giêng những người hành hương này muốn đón Giáng Sinh theo lịch Mỹ ở Moscow. Những ngọn đèn cầy được thắp lên trong đêm đông tại quốc gia CS hàng đầu thế giới. Những người hành hương không biết một cách chi tiết những gì sắp xảy ra trên đất nước này trong vài giờ nữa.
Sáng sớm ngày 25
Mikhail Sergeyevich Gorbachev, Tổng Bí Thư đảng CS kiêm Chủ tịch Cộng Hòa Liên Bang Sô Viết thức dậy sớm. Ông ta ý thức ngay rằng, tất cả những gì ông sắp sửa làm từ bữa ăn sáng do đầu bếp Shura phục vụ và cả biệt điện nguy nga mà vợ chồng ông ta nghĩ trước đó sẽ ở cho đến chết đều sẽ là lần cuối. Chiếc xe đặc biệt ZiL-41047 chờ ông. Hai viên đại tá có khuôn mặt lạnh như tiền ngồi trên chiếc Volga theo sau xe của Gorbachev. Họ không phải là cận vệ nhưng là người mang chiếc cặp trong đó chứa các thông tin tuyệt mật để phát động chiến tranh nguyên tử. Hai đại tá này biết chiều tối nay họ sẽ chào từ biệt Mikhail Gorbachev để phục vụ lãnh đạo Cộng Hòa Nga Boris Yeltsin.
Mikhail Sergeyevich Gorbachev được thế giới ca ngợi như là người đã thổi vào không khí chính trị Liên Xô làn gió mới và được trao tặng giải Nobel Hòa Bình 1990 nhưng trong nước dân chúng đổ hết công phẫn lên ông ta. Tên Gorbachev đồng nghĩa với suy thoái, thất nghiệp, vật giá leo thang, tem phiếu. Người dân thường dĩ nhiên không biết và cũng không cần biết, Gorbachev là lãnh đạo CS thứ bảy từ Lenin và cũng là người kế thừa một gia sản lạc hậu, ung thối từ trong máu của chế độ.
Nhiều câu chuyện cười ở Moscow về thái độ bất mãn của người dân đối với Gorbachev. Ví dụ, trong một tiệm rượu, một người khách đứng dậy bỏ đi, các bạn anh ta hỏi đi đâu, anh chàng đáp đi giết Gorbachev chứ đi đâu, anh ta mở cửa ra đi thật nhưng trở lại ngay, bạn bè hỏi sao giết Gorbachev mà nhanh thế, anh chàng đáp không giết được vì phải sắp hàng dài quá.
9 giờ sáng ngày 25
Mikhail Gorbachev và đoàn tùy tùng đến dinh chủ tịch ở điện Kremlin hơi trễ hơn thường lệ chút ít. Hãng tin Mỹ ABC gồm Ted Koppel và Rick Kaplan có mặt ngay tại chỗ dừng xe. Họ được Gorbachev cho phép tường thuật biến cố lịch sử này. Theo lời kể lại của Ted Koppel, Gorbachev rất trầm tỉnh. Nhân viên làm việc trong điện Kremlin vẫn tới đủ nhưng không có việc nào làm khác hơn là dọn dẹp. Thời khóa biểu tiếp khách trước đây được tính từng phút hôm đó trống không. Mặc dù theo thỏa thuận, Gorbachev có đến cuối năm để dời ra khỏi điện nhưng thực tế Yeltsin đã tóm thu hết quyền hành và các phương tiện thông tin. Đơn vị phòng vệ điện Kremlin vẫn túc trực nhưng không đặt dưới quyền chỉ huy của Gorbachev mà trực thuộc thẳng Yeltsin. Chiếc điện thoại màu trắng trên bàn làm việc của Gorbachev còn hoạt động nhưng không ai gọi vào.
10 giờ sáng ngày 25
Trong lúc điện Kremlin chìm trong im lặng, Tòa Nhà Trắng Nga lại sôi nổi với hàng loạt chương trong ngày mới của nền Cộng Hòa. Tòa nhà quốc hội Nga này là biểu tượng của trận chiến chống chế độ toàn trị khi Yeltsin đứng trên xe tăng thách thức đám lãnh đạo CS cực đoan hồi tháng Tám trước đó. Boris Yeltsin lãnh đạo Nga đến văn phòng làm việc. Ông lên văn phòng đặt trên tầng thứ năm bằng cầu thang riêng phía sau. Trên bàn làm việc hàng loạt sắc lịnh chờ ông ký. Một chế độ hình thành bằng máu, dao búa và súng đạn đang được giải thể bằng sắc lịnh. Một trong những sắc lịnh ông phải ký hôm nay là giải tán cơ quan KGB và thay bằng Federalnaya Sluzhba Bezopasnosti gọi tắt là FSB tức Cơ Quan An Ninh Liên Bang Nga. Không chỉ trong ngành an ninh, mật vụ mà cả sắc lịnh về các hí viện, nhạc viện, các viện hàn lâm, trường đại học, viện bảo tàng, v.v. từ nay đều trực thuộc Cộng Hòa Nga.
Các cơ quan ngoại giao quốc tế cũng vậy. Bộ trưởng Ngoại Giao Eduard Shevardnadze nổi tiếng thời Gorbachev bị trục xuất ra khỏi nhiệm sở và thay bằng Bộ trưởng Ngoại Giao Nga Andrey Kozyrev. Tại tất cả nhiệm sở ngoại giao khắp các múi giờ trên toàn thế giới, cờ Liên Xô bị hạ xuống và cờ Cộng Hòa Nga ba màu được kéo lên. Nhiều đại sứ vội vả đánh điện cho Yeltsin tuyên bố trung thành. Tòa đại sứ lớn nhất của Liên Xô là tòa đại sứ tại Washington DC với hơn 300 nhân viên thuộc nhiều sắc tộc. Các nhân viên chia thành nhiều nhóm theo sắc dân và tự tuyên bố họ là đại diện cho cộng hòa của họ tại Mỹ.
Gần 11 giờ sáng Tổng thống Nga Boris Yeltsin qua phòng họp quốc hội Nga ở lầu 1. Tổng cộng 252 đại biểu quốc hội đang tập trung để chứng kiến ngày lịch sử. Nhân dịp này, Boris Yeltsin thông báo tin vui rằng 11 quốc gia cựu Liên Xô trong phiên họp tại Kazakhstan đã đồng ý thành lập Khối Thịnh Vượng chung.
12 giờ trưa ngày 25
Mikhail Gorbachev ăn trưa xong. Phía sau phòng ăn có một phòng nhỏ bỏ trống. Tổng bí thư CS Liên Xô vào, đóng cửa lại và nằm nghỉ. Các phụ tá của ông hớt hải đi tìm. Gorbachev phải có mặt để ký thư từ biệt gởi các lãnh đạo thế giới mà ông có quan hệ tốt. Một danh sách khá dài từ Tổng thống Mỹ George H. W. Bush cho đến Thủ tướng Anh John Major và cả các ông hoàng như Vua Juan Carlos và Nữ Hoàng Sofia của Spain.
Bài bình luận trên báo Nga buổi sáng hôm đó chẳng tốt lành gì cho lãnh tụ CS Mikhail Gorbachev. Tờ Rossiyskaya Gazeta tiết lộ các cam kết mật Yeltsin dành cho Gorbachev khi về hưu bao gồm số phụ cấp bằng với mức lương hiện nay của ông ta có điều chỉnh theo mức lạm phát, hai chiếc xe riêng và một đoàn tùy tùng 20 người kể cả tài xế và an ninh. Đây là thỏa thuận kín giữa Gorbachev và Yeltsin nhưng đã bị cánh Yeltsin tiết lộ cho báo chí biết. Các báo còn cho rằng Gorbachev đòi hỏi một đoàn phục vụ lên đến 200 người. Thật ra, theo Chernyaev, phụ tá của Gorbachev, ông ta chưa bao giờ đòi hỏi một số lượng nhân viên phục vụ đông như thế. Phe Yeltsin chỉ bịa ra để làm nhục Gorbachev.
4 giờ chiều ngày 25
Gorbachev và phụ tá Andrei Grachev xem lại diễn văn mà 4 giờ nữa ông sẽ đọc và quyết định thay chữ “từ chức” bằng chữ “ngưng các hoạt động” trong chức vụ chủ tịch Liên Bang Sô Viết. Diễn văn được sửa tới sửa lui nhiều lần chung quanh các điểm xung khắc giữa Yeltsin và Gorbachev.
Cũng trong buổi chiều cuối cùng này, Gorbachev gọi điện thoại chào từ giã tổng thống Mỹ George H. W. Bush. Buổi điện đàm được truyền hình ABC thu. Gorbachev mở đầu trước bằng gọi một cách thân mật “George thân mến, chúc mừng Giáng Sinh đến anh và Barbara !” và nói tiếp “George, tôi muốn báo anh biết một tin quan trọng. Trước mặt tôi là diễn văn từ nhiệm. Tôi sẽ rời khỏi chức vụ tổng tư lịnh và chuyển giao quyền sử dụng vũ khí nguyên tử sang tổng thống Liên Bang Nga”. Buổi điện đàm diễn ra trong không khí rất thân mật và tổng thống Mỹ mời Gorbachev viếng thăm Mỹ lần nữa. Cả hai đều tránh nhắc tới tên Yeltsin.
Trời đã về chiều. Gorbachev và hai phụ tá thân cận nhất của ông ngồi quanh nhau bên ly cà phê cuối cùng. Cả ba đồng ý, sau khi đọc diễn văn, Gorbachev sẽ ký quyết định từ nhiệm thay vì ký trước như dự tính.
Trong lúc nhắp cà phê, câu chuyện về số phận Nicolae Ceausescu của Romania được nhắc đến. Mặc dù Gorbachev ví Ceausescu như là Hitler của Romania, cả hai đã duy trì một quan hệ lãnh đạo các quốc gia trong khối CS. Chỉ ba tuần trước khi vợ chồng Nicolae Ceausescu bị xử bắn, Gorbachev đã tiếp y tại điện Kremlin. Trong dịp đó Gorbachev khuyên Ceausescu đừng ngại thực hiện các cải cách dân chủ và tiên đoán “đồng chí sẽ còn sống trong dịp hội nghị các lãnh đạo CS Liên Xô và Đông Âu” tổ chức ngày 9 tháng Giêng. Ngày đó không bao giờ đến và Nicolae Ceausescu cũng đã chết rồi.
7 giờ tối ngày 25
“Kính thưa toàn thể nhân dân”, giọng Mikhail Gorbachev hơi lạc đi vì xúc động, gò má ông rung lên. Trong chốc lát, ông lấy lại bình tỉnh và đọc tiếp “Số phận đã quyết định rằng, khi tôi trở nên lãnh đạo đất nước, hiển nhiên đã có những sai trái trầm trọng trong quốc gia này. Chúng ta có đầy đủ mọi thứ, đất đai, dầu khí, tài nguyên thiên nhiên và Tạo Hóa đã ban cho chúng ta trí tuệ và tài năng – Tuy nhiên, mức sống của chúng ta tệ hại hơn nhiều so với các quốc gia kỹ nghệ khác và khoảng cách mỗi ngày rộng thêm. Lý do rõ ràng vì xã hội bị bóp ngặt trong tay của một hệ thống quan quyền được tạo ra để phục vụ một ý thức hệ, và phải chịu gánh nặng chạy đua vũ trang, căng thẳng tột cùng. Tất cả cố gắng để thực hiện các cải cách nửa vời đều lần lượt dẫn đến thất bại. Đất nước không còn hy vọng gì nữa.”
Gorbachev tiếp tục nói về các cải cách ông thực thi từ 1985, dù sao, đã là những viên gạch cần thiết lót lên con đường dẫn đến chế độ dân chủ và theo ông “xã hội đã đạt được tự do, tự do về chính trị và tự do về tinh thần”. Gorbachev chấm dứt diễn văn lúc 7:12 phút tối. Ông nhìn lên ống kính truyền hình và thêm vào câu nữa “Chúc quý vị mọi điều tốt đẹp”.
Các lý do làm Liên Xô sụp đổ là nguồn thúc đẩy sự nghiên cứu của nhiều sử gia, nhà nghiên cứu, nhà phân tích và vẫn còn đang được nghiên cứu, phân tích. Tuy nhiên, như nhiều người đông ý, nguyên nhân sâu xa vẫn là (1) những mâu thuẫn có tính triệt tiêu trong bản chất của chế độ CS độc tài toàn trị, (2) sự chuyển hóa không ngừng của xã hội và (3) các nguyên nhân trực tiếp gồm tình trạng tham nhũng thối nát, chạy đua vũ trang và trung ương không giữ được địa phương.
Mâu thuẫn có tính triệt tiêu của chế độ CS
Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, chế độ CS Liên Xô không thể nào sụp đổ. Sau thế chiến thứ hai, Liên Xô có một đạo quân khổng lồ gồm 500 sư đoàn trong đó 50 sư đoàn thiết giáp. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh với Mỹ và Tây phương, Liên Xô duy trì một đạo quân từ 3 triệu người đến 5 triệu người. Khoảng thời gian Liên Xô sụp đổ, Liên Xô có 210 sư đoàn với một phần tư là các sư đoàn thiết giáp. Kho vũ khí hạt nhân Liên Xô có 27 ngàn đầu đạn nguyên tử trong đó 11 ngàn đầu đạn có tầm bắn xa đến tận nước Mỹ. Mỗi đầu đạn nguyên tử có thể tàn phá một thành phố Mỹ.
Bên ngoài hùng mạnh nhưng bên trong, Liên Xô là một cơ chế chính trị chứa đựng các mâu thuẫn nội tại dẫn đến thối rửa. Chủ nghĩa Marx-Lenin đề cao “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” nhưng thật sự từ Cách mạng CS tại Nga, Trung Cộng, Cu Ba, Bắc Hàn, Việt Nam v.v.. đều phát xuất từ một nhóm nhỏ cán bộ CS biết vận dụng các lý do lịch sử và bất đồng nhất thời trong xã hội để phát động chiến tranh và sau đó tiếp tục cai trị nhân dân bằng súng đạn, nhà tù, sân bắn. Người dân không có quyền chọn lựa. Mâu thuẫn đối kháng mang tính triệt tiêu nhau giữa chế độ độc tài toàn trị và quyền sống, quyền tự do chọn lựa của con người vì thế đã bắt đầu ngay khi cách mạng CS thành công và sâu sắc dần theo thời gian.
Sự chuyển hóa tri thức xã hội
Như người viết đã có dịp phân tích bài Trung Cộng không đáng sợ, sự chuyển hóa tri thức của xã hội là nguồn lực chính thúc đẩy cách mạng dân chủ tại các quốc gia CS. Nguồn lực đó nhanh hay chậm tùy theo điều kiện mỗi nước nhưng là một tiến trình không thể bị ngăn chận bởi bất cứ một cơ chế độc tài nào. Những nguồn đối kháng từ bên trong các nước CS đã âm thầm lớn mạnh chỉ chờ cơ hội là bùng vở. Sức sống của đất nước cũng như của xã hội là một dòng chảy không bao giờ ngừng nghỉ, các thế lực cầm quyền độc tài chỉ là những khe đá, có thể làm chậm dòng thác văn minh nhưng không thể ngào ngăn chận được.
Khi nhận thức con người được mở rộng sự sợ hãi sẽ giảm dần. Điều này thể hiện không chỉ ở người dân Liên Xô lúc đó mà cả các cấp lãnh đạo CS Liên Xô cũng không còn sợ các biện pháp chế tài của trung ương đảng. Chưa bao giờ trong lịch sử đảng CS Liên Xô có một ủy viên bộ chính trị từ chức. Không cần phải tìm hiểu cũng biết điều gì sẽ xảy ra cho Boris Yeltsin nếu ông ta từ chức trong thời kỳ Lenin, Stalin.
Yếu tố chính tác động vào sự sụp đổ của Liên Xô, hệ thống CS tại châu Âu và sẽ diễn ra tại Trung Cộng cũng như Việt Nam chính là nội lực phát xuất từ xã hội, kết quả của các phong trào xã hội và sự chuyển hóa không ngừng của xã hội. Các quốc gia CS còn lại như Trung Cộng, Việt Nam tìm mọi cách để ngăn chận sự phát triển tự nhiên của văn minh con người, cố tình che đậy, bưng bít thông tin nhưng chỉ làm chậm lại tiến tình cách mạng dân chủ một thời gian ngắn mà thôi. Cuộc chiến tranh xoi mòn từng mảnh nhỏ này đang diễn ra từng giờ, từng phút và phần thắng đang nghiêng dần về phía người dân.
Tham nhũng thối nát, chạy đua vũ trang và trung ương không giữ được địa phương
Thập niên 1970 Liên Xô có vẻ trong vị trí ổn định và có ảnh hưởng quốc tế nhất. Vị trí của Liên Xô lên cao tại Phi Châu, Trung Đông và Á Châu. Tuy nhiên sau thượng đỉnh Vladivostok giữa Leonid Brezhnev và Tổng thống Mỹ Gerald Ford tình hình bắt đầu đổi khác. Nền kinh tế Liên Xô suy sụp dần vì hơn 30%, nhiều phân tích cho rằng hơn một nửa, ngân sách quốc gia phải đổ vào cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ. Giống như đòn kinh tế Mỹ đang áp dụng hiện nay đối với Vladimir Putin, thập niên 1980, Mỹ cũng thỏa thuận với Saudi Arabia để giữ giá dầu thấp nhằm đánh vào nền kinh tế sống nhờ xuất cảng dầu khí của Liên Xô.
Gorbachev kế thừa một “sự nghiệp cách mạng” nhưng trong thực tế một gánh nặng của chủ nghĩa độc tài toàn trị kéo dài từ 1917 cho đến tháng 3 năm 1985, thời gian ông được chọn làm tổng bí thư đảng. Cơ chế chính trị trung ương không giữ được các cộng hòa địa phương. Trước Giáng Sinh 1991 vài ngày, 11 nước cộng hòa Sô Viết gồm Ukraine, Liên Bang Nga, Belarus, Armenia, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Turkmenistan, Tajikistan và Uzbekistan tuyên bố họ không còn là những tiểu quốc trong liên bang Sô Viết. Bốn nước Estonia, Lithuania, Latvia, Georgia chọn nghiêng hẳn về phía Tây thay vì theo Nga.
Không có con đường nào khác dành cho các lãnh đạo CS
Chế độ CS, một chế độ đi ngược dòng phát triển văn minh nhân loại và quyền con người như Mikhail Sergeyevich Gorbachev xác nhận trong diễn văn từ chức “hệ thống toàn trị đã ngăn chận một quốc gia để trở nên giàu có và thịnh vượng, hệ thống đó phải bị giải thể.” Điều đó đã xảy ra tại Nga, Đông Âu, Phi Châu và đương nhiên sẽ xảy ra tại Trung Cộng và Việt Nam. Cách mạng dân chủ là một tiến trình không thể nào đảo ngược. Các lãnh đạo CSVN chỉ có một trong hai chọn lựa, hoặc như Mikhail Gorbachev hoặc như bị lật đổ như Nicolae Ceausescu, Erich Honecker chứ không có chọn lựa thứ ba nào.
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/12/25-12-1991-ngay-cuoi-cung-cua-che-o-cs.html#more
Không có chuyện người nước ngoài vào Việt Nam mua đất
(LĐO)
Đó là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử
tri 2 quận Ba Đình và Tây Hồ cùng các đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, đơn
vị bầu cử số 1, trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII chiều 12.10,
trước những ý kiến băn khoăn của cử tri về thông tin người nước ngoài
vào Việt Nam mua đất.
Tại buổi tiếp xúc, đề cấp đến vấn đề nhân
sự của Trung ương vừa được Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XI thảo luận, cử tri Nguyễn Hồng Toán, phường Tây Hồ, Ba
Đình, đề nghị: Bộ chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương cần
bàn thật kỹ, bàn thật sâu tránh tình trạng lợi ích nhóm.
“Cần có chính sách ưu tiên để tạo cơ hội cho thế hệ trẻ phát triển vì đây là vấn đề liên quan đến phát triển của đất nước” – ông Toán đề nghị.
Đề cập đến vấn đề sai phạm xây dựng của tòa nhà 8B Lê Trực xây cao hơn Lăng Bác, ông Toán nói: "Giữa Ba Đình lịch sử, uy nghiêm như vậy mà không biết ai cho phép làm nhà chềnh ềnh như vậy? Đó chính là sự vô trách nhiệm. Phải kiểm điểm chặt chẽ từ cơ quan thanh tra đến kiểm tra. Tại sao không biết mà để đến khi nhân dân và báo chí phanh phui ra. Lãnh đạo thành phố, sở Xây dựng và quận Ba Đình phải kiểm điểm, nhận ra sai sót này với Đảng, với nhân dân".
Trả lời cử tri về vấn đề nhà 8B Lê Trực, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội cho rằng, lỗi là do chủ đầu tư. Hiện nay thành phố đang tiến hành xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Còn ông Nguyễn Đức Tuệ, cử tri phường Kim Mã, Ba Đình lại băn khoăn trước thông tin người nước ngoài vào thuê đất đai của ta khiến dư luận lo ngại đến an ninh quốc gia, an ninh kinh tế nên Quốc hội cần có điều chỉnh chính sách về vấn đề đầu tư có yếu tố nước ngoài. Ông Tuệ cũng bày tỏ lo ngại trước vấn đề Biển Đông khi Trung Quốc đưa người và phương tiện để xây dựng đảo nhân tạo trong thềm lục địa của nước ta. Do đó ông đề nghị, hàng năm Quốc hội cần quan tâm giành một phần ngân sách để đầu tư cho quốc phòng, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn cử tri có nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng, và xây dựng phản ánh đúng thực tế, ý kiến rất có trách nhiệm, phong phú và nhiều mặt.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Nhiệm kỳ này Quốc hội sẽ thông qua 17 luật và cho ý kiến về 9 luật mới, đây đều là luật khó, chưa kể các nội dung như: giám sát tối cao của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn, báo cáo của Chính phủ về vấn đề kinh tế xã hội 2015 và phương hướng mục tiêu năm 2016, hay quyết định các vấn đề ngân sách. Cho nên đây là kỳ họp có nội dung rất nặng, nội dung phong phú." - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
“Vừa rồi, Ban chấp hành Trung ương có họp về vấn đề này, thấy thách thức còn nhiều, còn lớn, có cái diễn biến phức tạp, chưa tính được hết. Ví dụ, cuối năm nay hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN hơn 10 nước, chúng ta cũng tham gia, tiếng nói của ta cũng quan trọng, nhiều nơi nể trọng. Vì vậy thời cơ, cơ hội lớn nhưng cũng có nhiều thách thức, vừa rồi nước ta có ký nhiều hiệp định thương mại với nhiều nước ở châu Âu, rồi sắp tới là TPP. Đã vào sân chơi lớn nên phải sửa một loạt luật, vấn đề khó chứ không phải đơn giản đâu. Hội nhập chứ không hòa tan là bài toán không hề đơn giản. Không có chuyện người nước ngoài vào Việt Nam mua đất mà họ chỉ thuê lại đất theo quy định của ta” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Trước vấn đề xây dựng pháp luật, Tổng Bí thư cho rằng chất lượng của luật cũng chính là từ đại biểu Quốc hội. Vì vậy lựa chọn chất lượng đại biểu Quốc hội là vấn đề quan trọng, và đây cũng là vấn đề liên quan đến công tác bầu cử sắp tới. Theo Tổng Bí thư, sang năm sau là đất nước tròn 30 năm đổi mới, vì thế cần tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ đồng bộ liên quan đến cả hệ thống chính trị. Đổi mới toàn diện nhưng phải làm chặt chẽ, thận trọng, đổi mới nhưng không được chệch hướng, đổi mới nhưng cũng phải đúng quỹ đạo.
Clip Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri TP Hà Nội chiều 12.10:
Nguồn: http://laodong.com.vn/chinh-tri/khong-co-chuyen-nguoi-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-mua-dat-386128.bld
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 12.10 (Ảnh: Xuân Hải)
Đó là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử
tri 2 quận Ba Đình và Tây Hồ cùng các đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, đơn
vị bầu cử số 1, trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII chiều 12.10,
trước những ý kiến băn khoăn của cử tri về thông tin người nước ngoài
vào Việt Nam mua đất.
Tại buổi tiếp xúc, đề cấp đến vấn đề nhân
sự của Trung ương vừa được Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XI thảo luận, cử tri Nguyễn Hồng Toán, phường Tây Hồ, Ba
Đình, đề nghị: Bộ chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương cần
bàn thật kỹ, bàn thật sâu tránh tình trạng lợi ích nhóm.“Cần có chính sách ưu tiên để tạo cơ hội cho thế hệ trẻ phát triển vì đây là vấn đề liên quan đến phát triển của đất nước” – ông Toán đề nghị.
Đề cập đến vấn đề sai phạm xây dựng của tòa nhà 8B Lê Trực xây cao hơn Lăng Bác, ông Toán nói: "Giữa Ba Đình lịch sử, uy nghiêm như vậy mà không biết ai cho phép làm nhà chềnh ềnh như vậy? Đó chính là sự vô trách nhiệm. Phải kiểm điểm chặt chẽ từ cơ quan thanh tra đến kiểm tra. Tại sao không biết mà để đến khi nhân dân và báo chí phanh phui ra. Lãnh đạo thành phố, sở Xây dựng và quận Ba Đình phải kiểm điểm, nhận ra sai sót này với Đảng, với nhân dân".
Trả lời cử tri về vấn đề nhà 8B Lê Trực, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội cho rằng, lỗi là do chủ đầu tư. Hiện nay thành phố đang tiến hành xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Còn ông Nguyễn Đức Tuệ, cử tri phường Kim Mã, Ba Đình lại băn khoăn trước thông tin người nước ngoài vào thuê đất đai của ta khiến dư luận lo ngại đến an ninh quốc gia, an ninh kinh tế nên Quốc hội cần có điều chỉnh chính sách về vấn đề đầu tư có yếu tố nước ngoài. Ông Tuệ cũng bày tỏ lo ngại trước vấn đề Biển Đông khi Trung Quốc đưa người và phương tiện để xây dựng đảo nhân tạo trong thềm lục địa của nước ta. Do đó ông đề nghị, hàng năm Quốc hội cần quan tâm giành một phần ngân sách để đầu tư cho quốc phòng, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn cử tri có nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng, và xây dựng phản ánh đúng thực tế, ý kiến rất có trách nhiệm, phong phú và nhiều mặt.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Nhiệm kỳ này Quốc hội sẽ thông qua 17 luật và cho ý kiến về 9 luật mới, đây đều là luật khó, chưa kể các nội dung như: giám sát tối cao của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn, báo cáo của Chính phủ về vấn đề kinh tế xã hội 2015 và phương hướng mục tiêu năm 2016, hay quyết định các vấn đề ngân sách. Cho nên đây là kỳ họp có nội dung rất nặng, nội dung phong phú." - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
“Vừa rồi, Ban chấp hành Trung ương có họp về vấn đề này, thấy thách thức còn nhiều, còn lớn, có cái diễn biến phức tạp, chưa tính được hết. Ví dụ, cuối năm nay hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN hơn 10 nước, chúng ta cũng tham gia, tiếng nói của ta cũng quan trọng, nhiều nơi nể trọng. Vì vậy thời cơ, cơ hội lớn nhưng cũng có nhiều thách thức, vừa rồi nước ta có ký nhiều hiệp định thương mại với nhiều nước ở châu Âu, rồi sắp tới là TPP. Đã vào sân chơi lớn nên phải sửa một loạt luật, vấn đề khó chứ không phải đơn giản đâu. Hội nhập chứ không hòa tan là bài toán không hề đơn giản. Không có chuyện người nước ngoài vào Việt Nam mua đất mà họ chỉ thuê lại đất theo quy định của ta” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Trước vấn đề xây dựng pháp luật, Tổng Bí thư cho rằng chất lượng của luật cũng chính là từ đại biểu Quốc hội. Vì vậy lựa chọn chất lượng đại biểu Quốc hội là vấn đề quan trọng, và đây cũng là vấn đề liên quan đến công tác bầu cử sắp tới. Theo Tổng Bí thư, sang năm sau là đất nước tròn 30 năm đổi mới, vì thế cần tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ đồng bộ liên quan đến cả hệ thống chính trị. Đổi mới toàn diện nhưng phải làm chặt chẽ, thận trọng, đổi mới nhưng không được chệch hướng, đổi mới nhưng cũng phải đúng quỹ đạo.
Clip Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri TP Hà Nội chiều 12.10:
Nguồn: http://laodong.com.vn/chinh-tri/khong-co-chuyen-nguoi-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-mua-dat-386128.bld
Giật mình những dự án của Trung Quốc
(Kiến Thức) - Chuyện dự án ở đèo Hải Vân bấy lâu nay thu hút sự quan tâm của cả nước, từ người dân đến các đại biểu Quốc hội, tướng lĩnh quân đội…
Nó thu hút sự chú ý
của dư luận bởi cái sự lạ: một nơi xung yếu trong thế phòng thủ đất nước
lại được người ta dễ dàng cho nước ngoài thuê vì mục đích… kinh tế???
Nó còn lạ ở chỗ người dân hiểu được
tính chất nghiêm trọng của dự án đối với an ninh quốc gia nhưng lãnh đạo
địa phương lại không thấy được điều đơn giản ấy?
Lại lạ nữa khi mới đây ông Huỳnh Hùng, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền
hình TP Đà Nẵng, cho báo chí hay: Công ty TNHH Silver Shores (có lãnh
đạo là người Trung Quốc) gửi đơn xin TP làm dự án tàu lặn đáy kính ngắm
san hô tại khu vực Sơn Trà. Không những thế, công ty này còn xin đất ở
huyện Hòa Vang để trồng rau mà theo ông Hùng, đây là vị trí nằm trên
hướng rút lui chiến lược quốc phòng khi có sự cố.
Công ty TNHH Silver Shores còn thực hiện tiếp một loạt dự án
khác như dự án khu ký túc xá cho nhân viên Silver Shores tại phường Hòa
Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Vị trí này cũng theo ông Hùng nằm ngay giữa hai
trận địa pháo phòng không C2 và C11 của Sư đoàn 375.
Quả thực, đọc những thông tin trên
không khỏi giật mình. Xâu chuỗi các dự án ấy sẽ thấy, chúng tạo thành
một thế liên hoàn trong khu vực: có dự án trấn ở tầm cao, tầm xa, chẹt
lấy yết hầu đất nước, khống chế cả khu vực Đà Nẵng (dự án trên đèo Hải
Vân), có dự án tầm gần (dự án tàu lặn đáy kính ngắm san hô tại khu vực
Sơn Trà), có dự án chặn đường rút lui (dự án trồng rau ở Hòa Vang), có
dự án nằm ngay giữa thế trận phòng không (dự án khu ký túc xá cho nhân
viên Silver Shores tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn)…
Người ta có thể biện minh đấy chỉ
thuần túy là những dự án kinh tế. Thì đúng là thế, có ai bảo đấy là dự
án quân sự đâu! Nhưng người ta quên mất, vị trí đặt các dự án không đơn
thuần là kinh tế.
Từ câu chuyện dự án đèo Hải Vân, Bộ
Quốc phòng nên rà soát lại toàn bộ các dự án liên quan đến Trung Quốc
trong cả nước, từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh rồi Hà Tĩnh, Huế, Đà
Nẵng, Cam Ranh cho đến Tây Nguyên, Cà Mau… Hãy đánh dấu những dự án ấy
trên bản đồ để xem nó có ý nghĩa gì đối với thế trận quốc phòng và an
ninh đất nước?
Ngày xưa, khi Trọng Thủy xin ở rể An
Dương Vương, vì quá tin vào tình hữu hảo người ta chỉ nghĩ đó là chuyện
hạnh phúc của đôi lứa. Chỉ đến khi nước mất nhà tan mới thấm đau bài học
của sự lơ là mất cảnh giác.
Câu chuyện ấy đến hôm nay và mãi mãi về sau vẫn còn nguyên giá trị.
Nguyễn Xuân Duy
Nguồn: http://kienthuc.net.vn/blog-kien-thuc/giat-minh-nhung-du-an-cua-trung-quoc-421931.html
Nhãn:
chinh tri,
lãnh thổ,
nghị trường,
thể chế,
xa hoi
Gene lãnh đạo thoái hóa
(GDVN) - Không phải cứ “hổ phụ” là chắc chắn sẽ sinh “hổ tử”. Vì vậy
nếu INC tiếp tục lấy "truyền ngôi, nối dõi" làm phương châm lựa chọn
lãnh đạo đảng là một sai lầm.
Ngày 19/12 tờ The Telegraph của Anh đưa tin, bà Sonia Gandhi – lãnh tụ
đảng Quốc đại Ấn Độ (INC) và con trai Rahul Gandi đã phải xuất hiện tại
một tòa án ở New Delhi, đối mặt với cáo buộc tham nhũng. Với chính
trường Ấn độ hiện nay, đó là sự kiện không bình thường.
Hai thành viên quan trọng của gia tộc Gandhi được sự báo sẽ phải đối mặt với tù tội, dù họ được tại ngoại khi phiên tòa tạm kết thúc. Trả lời nhanh với báo chí, bà Sonia Gandhi cho rằng đây là một phiên tòa “sặc mùi chính trị” và bà cáo buộc Thủ tướng Narendra Modi đứng sau vụ việc này với mưu đồ chính trị cá nhân.
“Chính phủ hiện nay cố ý nhắm mục tiêu đảng đối lập của mình, và họ là
sử dụng các cơ quan chính phủ để làm điều đó ", BBC dẫn lời bà Sonia
Gandhi nói sau phiên tòa.
Tuy nhiên, chính phủ đã phản pháo: "Làm sao Chính phủ có thể liên quan nếu một người đã được triệu tập bởi một tòa án? Họ muốn bịt miệng các cơ quan tư pháp. Họ muốn đe doạ các cơ quan tư pháp", Bộ trưởng Phát triển đô thị Venkaiah Naidu nói.
Bà Sonia Gandhi và con trai Rahul Gandhi bị cáo buộc sử dụng sai quỹ của đảng Quốc đại trong việc giải cứu tờ báo National Herald – được xem như cơ quan ngôn luận của INC - qua đó làm lợi bất chính cho mình hàng triệu đô la.
Theo giới phân tích, sự việc này không dễ dàng đưa lãnh tụ đảng Quốc đại vào vòng tù tội vì chứng cứ pháp lý rất yếu. Tuy nhiên ảnh hưởng của nó tới uy tín của cá nhân bà, tới gia tộc quyền quý Gandhi và tới đảng Quốc đại thì lại vô cùng lớn.
Tại sao đảng Quốc đại lại rơi vào tình thế hết sức nguy hiểm như vậy?
Ăn mày quá khứ
Có thể thấy rằng, thể chế chính trị và mô hình phát triển kinh tế tại Ấn Độ kể từ khi giành độc lập cho đến nay gần như gắn liền với chiến lược của đảng Quốc đại, mà người đặt nến móng cho nó là cố Thủ tướng huyền thoại Jawaharlal Nehru.
Sự cảm kích và niềm tiếc thương của người dân Ấn Độ dành cho ba vị thủ tướng đoản mệnh của gia tộc Gandhi đã làm nên sự quý trọng của xã hội Ấn Độ đối với những thành viên của gia tộc này ở những thế hệ tiếp sau. Và thật may mắn, vợ của cố thủ tướng Rajiv Gandhi - bà Sonia Gandhi, dù là chỉ là "ngoại thích" nhưng vẫn giúp giữ vững được cơ nghiệp, truyền thống đó.
Đã nhiều lần, nhờ sự nổi tiếng của gia tộc Gandhi mà đảng Quốc đại đã vượt qua khó khăn để chiến thằng trong những thời khắc lịch sử và giúp cho INC vẫn thường xuyên nắm quyền tại đất nước đông dân thứ hai thế giới này.
Tuy nhiên, đến cuối nhiệm kỳ trước, vì muốn nối tiếp truyền thống dòng tộc, muốn tiếp tục "ăn mày dĩ vãng" mà xem nhẹ lợi ích của chính đảng, của quốc gia, bà Sonia Gandhi và những lãnh đạo của INC đã có một quyết định hết sức sai lầm.
Đó là việc lựa chọn Rahul Gandhi – người đại diện cho thế hệ thứ tư của gia tộc Gandhi – lãnh đạo INC đối đầu với đảng Nhân dân Ấn Độ - Bharatiya Janata (BJP) do Narendra Modi lãnh đạo, trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2014.
Kết quả là INC đã chịu thất bại thảm hại nhất trong lịch sử tồn tại của mình và cả trong lịch sử nền chính trị Ấn Độ kể từ khi lập quốc – khi INC chỉ dành được 44 ghế trong quốc hội 543 ghế, trong khi đang là đảng cầm quyền. Không chỉ những người ủng hộ INC choáng váng mà ngay cả đảng BJP cũng hết sức bất ngờ trước chiến thắng dễ dàng như vậy.
BBC ngày 15/5/2014 cho biết đảng BJP gọi chiến thắng vang dội này là “chiến thắng của người dân”. Còn Tổng thống Ấn Độ Rajnath Singh cho biết kết quả cuộc bầu cử đánh dấu “khởi đầu một kỷ nguyên mới” cho Ấn Độ.
Thế là INC phải nhường lại chính phủ cho BJP và Narendra Modi ngồi vào ghế Thủ tướng thay cho Manmohan Singh. Có thể nói rằng, thất bại trong cuộc bầu cử năm 2014 khiến cho INC phải rất lâu nữa mới có thể trở lại việc chi phối đời sống chính trị tại Ấn Độ.
Điều đó một phần vì uy tín và tài năng của Thủ tướng Modi vẫn đảm bảo cho BJP có sức sống tại Ấn Độ trong một khoảng thời gian dài nữa, và một phần do INC chưa thể gượng dậy được sau thất bại lịch sử.
Dù là đảng đối lập, nhưng với số ghế quá ít ỏi, INC không thể có tác động gì đến chính sách của chính phủ Modi trong thời gian qua. Và do đó không thể dễ dàng khôi phục lại niềm tin của người dân đất nước này đối với đảng Quốc đại trong những sinh hoạt chính trị hàng ngày.
Theo The Telegraph, để ngăn chặn những chính sách của chính phủ mà INC không đồng tình, INC thậm chí đã ủng hộ việc xuống đường để thể hiện quan điểm và biểu dương sức mạnh.
Đây là một sai lầm tiếp theo của INC trong giai đoạn thoái trào và đương nhiên chính phủ và cá nhân Thủ tướng Modi đã xem đây là việc bất lợi cho chính phủ, nhưng lại là cơ hội để BJP tấn công INC. Và với quyền lực trong tay, ông Modi đã thực hiện những chiêu bài chính trị của mình, thúc đẩy những hoạt động pháp lý chống lại lãnh tụ INC.
The Telegraphcho biết: Ban đầu bà Sonia Gandhi và con trai Rahul Gandhi đã cố gắng để tránh xuất hiện tại tòa án, mà thay bằng các luật sư của họ, nhưng Tòa án tối cao Delhi đã yêu cầu họ phải tham gia phiên tòa vì tòa án cho rằng việc làm của các nhà lãnh đạo đảng Quốc đại "có dấu hiệu tội phạm".
Khi gene lãnh đạo thoái hóa
Phải nhìn nhận rằng, ngoài hai cố Thủ tướng Nehru và Indra Gandhi nằm quyền nhờ tài năng xuất chúng và có chiến lược hành động đúng đắn, thì những thành viên thế hệ sau này này của gia tộc Gandhi – kể cả cố Thủ tướng Rajiv Gandhi – đều không phải là những người tài năng xuất chúng, mà uy tín của họ có được là nhờ “tiếng thơm” của các bậc tiền bối còn vương vấn.
Cho dù bà Sonia Gandhi là một hiện tượng cá biệt, nhưng cũng phải thấy rằng việc bà có vị thế và vai trò lớn đối với INC trong một thời gian dài, và được sự nể trọng của người dân Ấn Độ là do bà là vợ của cố Thủ tướng Rajiv Gandhi.
Mặt khác trước đó bà đã đặt quyền lợi của INC và đất nước Ấn Độ lên trước tình cảm gia đình, sau cái chết thảm ông Rajiv Gandhi - thành viên thứ ba trong gia tộc Gandhi thiệt mạng vì bị ám sát.
Việc đảng Quốc đại nắm quyền gần như liên tục tại Ấn Độ, ngoài thừa hưởng sự nổi tiếng của gia tộc Gandhi, còn nhờ INC có những lãnh đạo tài năng và có uy tín nổi trội. Và một phần nữa là trong những giai đoạn INC không thật sự có chiến thuật sắc sảo mà vẫn chiến thắng vì lúc BJP lại bế tắc.
Tuy nhiên, hình như INC lại lầm tưởng về điều này, nghĩa là cứ ai thuộc "dòng dõi" gia tộc Gandhi lãnh đạo đất nước đều là người tài năng xuất chúng giống như những thế hệ trước.
Hơn thế nữa, họ xem bất cứ hậu duệ nào trong gia tộc quyền quý này cũng có thể trở thành người lãnh đạo đảng và nắm quyền lãnh đạo đất nước. Việc trao quyền cho Rahul Gandhi lãnh đạo INC trong cuộc bầu cử năm 2014 có lẽ cũng xuất phát từ sự lầm tưởng như vậy.
Chắc cũng nên nhắc lại rằng, Rajiv Gandhi chỉ có tham vọng chính trị khi chứng kiến em mình là Sanjay Gandhi – người có thiên hướng chính trị qua đời năm 1980. Ngày nay Rahul Gandhi cũng được định hướng làm chính trị sau khi cha mình là cố Thủ tướng Rajiv Gandhi bị ám sát.
Việc trao cho Rahul Gandhi làm Phó chủ tịch INC là vượt quá xa khả năng của anh ta khi con người này lúc nào cũng chỉ là cái bóng của mẹ mình – bà Sonia Gandhi – là điều không có gì lạ. Đây chính là nguyên nhân làm giảm niềm tin của cử tri và là nguyên nhân quan trọng khiến INC thất bại.
Người phát ngôn của BJP Ravi Shankar Prasad mô tả kết quả bầu cử cho thấy “nền chính trị cha truyền con nối đang bị trừng trị”, theo AFP ngày 16/5/2014.
Một gia tộc làm rạnh danh đất nước nhờ có những người tài năng và đức độ sẽ làm nên sự danh giá cho gia tộc ấy và được người dân đất nước đó trân trọng và xem đó là truyền thống, là dòng dõi quyền quý.
Tuy nhiên không phải cứ “hổ phụ” là chắc chắn sẽ sinh “hổ tử”. Vì vậy nếu INC tiếp tục lấy "truyền ngôi, nối dõi" làm phương châm lựa chọn lãnh đạo đảng là một sai lầm rất nguy hại.
Với những sai lầm trong chiến lược hành động, với những sai lầm trong xác định tiêu chí lựa chọn lãnh đạo, đã khiến INC phải rời khỏi vũ đài chính trị tại Ấn Độ với một cách không thể tệ hơn được nữa.
Kế thừa truyền thống gia đình, dòng tộc vốn dĩ là điều tốt đẹp, đáng quý. Vấn đề là kế thừa như thế nào để phát huy được truyền thống ấy, đặc biệt là trong chính trị và những vấn đề ảnh hưởng đến quốc gia, dân tộc. Đó mới là điều quan trọng, cần suy ngẫm.
Khi thấy mình "y phục bất xứng kỳ đức" thì nên nhường đường cho người có khả năng, không đủ sức làm thì nhiệt thành người đủ tài đủ đức làm. Cố đấm ăn xôi, biết rõ mình không đủ tài năng đức độ thu nhiếp lòng người mà vẫn muốn ở ngôi cao chỉ đẩy mình vào chỗ thân bại danh liệt, còn nói gì chuyện giữ truyền thống cha anh?
Nay những lãnh đạo cao nhất của INC phải đối mặt với những cáo buộc phạm tội, điều này không chỉ làm cho cơ hội INC trở lại thời hoàng kim ngày một xa vời.
Những vụ lùm xùm thế này xử lý không khéo, "vừa mắt ta ra mắt người" mà chỉ biết đổ lỗi cho người khác, thì ngay cả thanh danh của dòng tộc cao quý Gandhi cũng sẽ bị ảnh hưởng. Những giá trị tốt đẹp được các bậc tiền bối gia tộc Gandhi gieo vào lòng người dân Ấn Độ có thể sẽ bị hậu thế làm cho nhạt nhòa chỉ bởi những tính toán thiếu khôn ngoan.
Hai thành viên quan trọng của gia tộc Gandhi được sự báo sẽ phải đối mặt với tù tội, dù họ được tại ngoại khi phiên tòa tạm kết thúc. Trả lời nhanh với báo chí, bà Sonia Gandhi cho rằng đây là một phiên tòa “sặc mùi chính trị” và bà cáo buộc Thủ tướng Narendra Modi đứng sau vụ việc này với mưu đồ chính trị cá nhân.
Mẹ con bà Sonia Gandhi và Rahul Gandhi. Ảnh: Lokmarg.com
Tuy nhiên, chính phủ đã phản pháo: "Làm sao Chính phủ có thể liên quan nếu một người đã được triệu tập bởi một tòa án? Họ muốn bịt miệng các cơ quan tư pháp. Họ muốn đe doạ các cơ quan tư pháp", Bộ trưởng Phát triển đô thị Venkaiah Naidu nói.
Bà Sonia Gandhi và con trai Rahul Gandhi bị cáo buộc sử dụng sai quỹ của đảng Quốc đại trong việc giải cứu tờ báo National Herald – được xem như cơ quan ngôn luận của INC - qua đó làm lợi bất chính cho mình hàng triệu đô la.
Theo giới phân tích, sự việc này không dễ dàng đưa lãnh tụ đảng Quốc đại vào vòng tù tội vì chứng cứ pháp lý rất yếu. Tuy nhiên ảnh hưởng của nó tới uy tín của cá nhân bà, tới gia tộc quyền quý Gandhi và tới đảng Quốc đại thì lại vô cùng lớn.
Tại sao đảng Quốc đại lại rơi vào tình thế hết sức nguy hiểm như vậy?
Ăn mày quá khứ
Có thể thấy rằng, thể chế chính trị và mô hình phát triển kinh tế tại Ấn Độ kể từ khi giành độc lập cho đến nay gần như gắn liền với chiến lược của đảng Quốc đại, mà người đặt nến móng cho nó là cố Thủ tướng huyền thoại Jawaharlal Nehru.
Sự cảm kích và niềm tiếc thương của người dân Ấn Độ dành cho ba vị thủ tướng đoản mệnh của gia tộc Gandhi đã làm nên sự quý trọng của xã hội Ấn Độ đối với những thành viên của gia tộc này ở những thế hệ tiếp sau. Và thật may mắn, vợ của cố thủ tướng Rajiv Gandhi - bà Sonia Gandhi, dù là chỉ là "ngoại thích" nhưng vẫn giúp giữ vững được cơ nghiệp, truyền thống đó.
Đã nhiều lần, nhờ sự nổi tiếng của gia tộc Gandhi mà đảng Quốc đại đã vượt qua khó khăn để chiến thằng trong những thời khắc lịch sử và giúp cho INC vẫn thường xuyên nắm quyền tại đất nước đông dân thứ hai thế giới này.
Tuy nhiên, đến cuối nhiệm kỳ trước, vì muốn nối tiếp truyền thống dòng tộc, muốn tiếp tục "ăn mày dĩ vãng" mà xem nhẹ lợi ích của chính đảng, của quốc gia, bà Sonia Gandhi và những lãnh đạo của INC đã có một quyết định hết sức sai lầm.
Đó là việc lựa chọn Rahul Gandhi – người đại diện cho thế hệ thứ tư của gia tộc Gandhi – lãnh đạo INC đối đầu với đảng Nhân dân Ấn Độ - Bharatiya Janata (BJP) do Narendra Modi lãnh đạo, trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2014.
Kết quả là INC đã chịu thất bại thảm hại nhất trong lịch sử tồn tại của mình và cả trong lịch sử nền chính trị Ấn Độ kể từ khi lập quốc – khi INC chỉ dành được 44 ghế trong quốc hội 543 ghế, trong khi đang là đảng cầm quyền. Không chỉ những người ủng hộ INC choáng váng mà ngay cả đảng BJP cũng hết sức bất ngờ trước chiến thắng dễ dàng như vậy.
BBC ngày 15/5/2014 cho biết đảng BJP gọi chiến thắng vang dội này là “chiến thắng của người dân”. Còn Tổng thống Ấn Độ Rajnath Singh cho biết kết quả cuộc bầu cử đánh dấu “khởi đầu một kỷ nguyên mới” cho Ấn Độ.
Thế là INC phải nhường lại chính phủ cho BJP và Narendra Modi ngồi vào ghế Thủ tướng thay cho Manmohan Singh. Có thể nói rằng, thất bại trong cuộc bầu cử năm 2014 khiến cho INC phải rất lâu nữa mới có thể trở lại việc chi phối đời sống chính trị tại Ấn Độ.
Điều đó một phần vì uy tín và tài năng của Thủ tướng Modi vẫn đảm bảo cho BJP có sức sống tại Ấn Độ trong một khoảng thời gian dài nữa, và một phần do INC chưa thể gượng dậy được sau thất bại lịch sử.
Dù là đảng đối lập, nhưng với số ghế quá ít ỏi, INC không thể có tác động gì đến chính sách của chính phủ Modi trong thời gian qua. Và do đó không thể dễ dàng khôi phục lại niềm tin của người dân đất nước này đối với đảng Quốc đại trong những sinh hoạt chính trị hàng ngày.
Theo The Telegraph, để ngăn chặn những chính sách của chính phủ mà INC không đồng tình, INC thậm chí đã ủng hộ việc xuống đường để thể hiện quan điểm và biểu dương sức mạnh.
Đây là một sai lầm tiếp theo của INC trong giai đoạn thoái trào và đương nhiên chính phủ và cá nhân Thủ tướng Modi đã xem đây là việc bất lợi cho chính phủ, nhưng lại là cơ hội để BJP tấn công INC. Và với quyền lực trong tay, ông Modi đã thực hiện những chiêu bài chính trị của mình, thúc đẩy những hoạt động pháp lý chống lại lãnh tụ INC.
The Telegraphcho biết: Ban đầu bà Sonia Gandhi và con trai Rahul Gandhi đã cố gắng để tránh xuất hiện tại tòa án, mà thay bằng các luật sư của họ, nhưng Tòa án tối cao Delhi đã yêu cầu họ phải tham gia phiên tòa vì tòa án cho rằng việc làm của các nhà lãnh đạo đảng Quốc đại "có dấu hiệu tội phạm".
Bà Sonia Gandhi và con trai Rahul Gandhi rời khỏi tòa án. Ảnh: AP
Thế là, sau cú ngã đau đớn chưa gượng dậy được, nay với phiên tòa mà bà
Sonia Gandhi gọi là một sự trả thù chính trị, có thể sẽ làm cho nội bộ
INC bất ổn, những người ủng hộ INC sẽ dao động vì không biết sự thật
đúng sai nên không thể hiện được quan điểm của mình. Có lẽ, nằm mơ ông
Modi cũng không thể có được cơ hội ngàn vàng như vậy, và ông không tận
dụng mới là chuyện lạ.Khi gene lãnh đạo thoái hóa
Phải nhìn nhận rằng, ngoài hai cố Thủ tướng Nehru và Indra Gandhi nằm quyền nhờ tài năng xuất chúng và có chiến lược hành động đúng đắn, thì những thành viên thế hệ sau này này của gia tộc Gandhi – kể cả cố Thủ tướng Rajiv Gandhi – đều không phải là những người tài năng xuất chúng, mà uy tín của họ có được là nhờ “tiếng thơm” của các bậc tiền bối còn vương vấn.
Cho dù bà Sonia Gandhi là một hiện tượng cá biệt, nhưng cũng phải thấy rằng việc bà có vị thế và vai trò lớn đối với INC trong một thời gian dài, và được sự nể trọng của người dân Ấn Độ là do bà là vợ của cố Thủ tướng Rajiv Gandhi.
Mặt khác trước đó bà đã đặt quyền lợi của INC và đất nước Ấn Độ lên trước tình cảm gia đình, sau cái chết thảm ông Rajiv Gandhi - thành viên thứ ba trong gia tộc Gandhi thiệt mạng vì bị ám sát.
Việc đảng Quốc đại nắm quyền gần như liên tục tại Ấn Độ, ngoài thừa hưởng sự nổi tiếng của gia tộc Gandhi, còn nhờ INC có những lãnh đạo tài năng và có uy tín nổi trội. Và một phần nữa là trong những giai đoạn INC không thật sự có chiến thuật sắc sảo mà vẫn chiến thắng vì lúc BJP lại bế tắc.
Tuy nhiên, hình như INC lại lầm tưởng về điều này, nghĩa là cứ ai thuộc "dòng dõi" gia tộc Gandhi lãnh đạo đất nước đều là người tài năng xuất chúng giống như những thế hệ trước.
Hơn thế nữa, họ xem bất cứ hậu duệ nào trong gia tộc quyền quý này cũng có thể trở thành người lãnh đạo đảng và nắm quyền lãnh đạo đất nước. Việc trao quyền cho Rahul Gandhi lãnh đạo INC trong cuộc bầu cử năm 2014 có lẽ cũng xuất phát từ sự lầm tưởng như vậy.
Chắc cũng nên nhắc lại rằng, Rajiv Gandhi chỉ có tham vọng chính trị khi chứng kiến em mình là Sanjay Gandhi – người có thiên hướng chính trị qua đời năm 1980. Ngày nay Rahul Gandhi cũng được định hướng làm chính trị sau khi cha mình là cố Thủ tướng Rajiv Gandhi bị ám sát.
Việc trao cho Rahul Gandhi làm Phó chủ tịch INC là vượt quá xa khả năng của anh ta khi con người này lúc nào cũng chỉ là cái bóng của mẹ mình – bà Sonia Gandhi – là điều không có gì lạ. Đây chính là nguyên nhân làm giảm niềm tin của cử tri và là nguyên nhân quan trọng khiến INC thất bại.
Người phát ngôn của BJP Ravi Shankar Prasad mô tả kết quả bầu cử cho thấy “nền chính trị cha truyền con nối đang bị trừng trị”, theo AFP ngày 16/5/2014.
Một gia tộc làm rạnh danh đất nước nhờ có những người tài năng và đức độ sẽ làm nên sự danh giá cho gia tộc ấy và được người dân đất nước đó trân trọng và xem đó là truyền thống, là dòng dõi quyền quý.
Tuy nhiên không phải cứ “hổ phụ” là chắc chắn sẽ sinh “hổ tử”. Vì vậy nếu INC tiếp tục lấy "truyền ngôi, nối dõi" làm phương châm lựa chọn lãnh đạo đảng là một sai lầm rất nguy hại.
Với những sai lầm trong chiến lược hành động, với những sai lầm trong xác định tiêu chí lựa chọn lãnh đạo, đã khiến INC phải rời khỏi vũ đài chính trị tại Ấn Độ với một cách không thể tệ hơn được nữa.
Kế thừa truyền thống gia đình, dòng tộc vốn dĩ là điều tốt đẹp, đáng quý. Vấn đề là kế thừa như thế nào để phát huy được truyền thống ấy, đặc biệt là trong chính trị và những vấn đề ảnh hưởng đến quốc gia, dân tộc. Đó mới là điều quan trọng, cần suy ngẫm.
Khi thấy mình "y phục bất xứng kỳ đức" thì nên nhường đường cho người có khả năng, không đủ sức làm thì nhiệt thành người đủ tài đủ đức làm. Cố đấm ăn xôi, biết rõ mình không đủ tài năng đức độ thu nhiếp lòng người mà vẫn muốn ở ngôi cao chỉ đẩy mình vào chỗ thân bại danh liệt, còn nói gì chuyện giữ truyền thống cha anh?
Nay những lãnh đạo cao nhất của INC phải đối mặt với những cáo buộc phạm tội, điều này không chỉ làm cho cơ hội INC trở lại thời hoàng kim ngày một xa vời.
Những vụ lùm xùm thế này xử lý không khéo, "vừa mắt ta ra mắt người" mà chỉ biết đổ lỗi cho người khác, thì ngay cả thanh danh của dòng tộc cao quý Gandhi cũng sẽ bị ảnh hưởng. Những giá trị tốt đẹp được các bậc tiền bối gia tộc Gandhi gieo vào lòng người dân Ấn Độ có thể sẽ bị hậu thế làm cho nhạt nhòa chỉ bởi những tính toán thiếu khôn ngoan.
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Gene-lanh-dao-thoai-hoa-post164267.gd
Những con chuột thời @ uống thuốc chống… tham nhũng!
Chợt nghĩ hay là loại “thuốc chống tham nhũng” của ta lâu nay
cũng “đóng gói nhầm” nhỉ? Vì dù rất kiên quyết và áp dụng nhiều biện
pháp nhưng cái “con chuột tham nhũng” vẫn béo tốt, khỏe mạnh và thậm chí
càng ngày càng… béo tốt hơn? (Minh họa: Ngọc Diệp) Theo thông tin từ báo Dân trí, bài “Nghệ An: Chuột đồng bị “ép” ăn thuốc diệt chuột nhưng vẫn không chết!” cho biết, nhiều hộ dân ở xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu mua thuốc diệt chuột nhãn hiệu RAT K 2 % của Công ty Thanh Sơn Hóa Nông có địa chỉ tại 829 Trần Xuân Soạn, Quận 7, TP Hồ Chí Minh khi cho chuột ăn, chuột không chết. Bài báo viết: “Toàn bộ số mồi nhử đã trộn thuốc diệt chuột đã được chuột ăn hết nhưng vẫn không phát hiện được xác con chuột nào. Theo chỉ dẫn của nhà sản xuất, sau khi chuột ăn thuốc sẽ bò vào hang và chết trong đó. Nhưng các hộ dân đã đào rất nhiều hang chuột xung quanh khu vực rải thuốc mà cũng không phát hiện bất kỳ cái xác nào. Tại những hang chuột này bà con vẫn phát hiện chuột rất khỏe mạnh, phát triển bình thường, nhanh nhẹn”. Chưa hết, bài báo còn cho biết “một số người dân đã trực tiếp bắt chuột từ đồng về, tiến hành pha thuốc theo tỷ lệ hướng dẫn rồi cho chuột ăn đồng thời bơm trực tiếp vào cơ thể chuột, đổ thuốc vào miệng chuột để thử nghiệm. Nhưng lạ kỳ thay, chuột vẫn phát triển bình thường thậm chí còn ăn khỏe hơn, béo ra”. Thuốc diệt chuột, chuột ăn vào không những không chết mà còn… béo khỏe ra thì thật là tuyệt văn vời. Ở đây có ba khả năng. Thứ nhất, là thuốc giả. Điều này thì không lạ bởi thời nay, hàng giả… nhiều hơn hàng thật. Vả lại, bằng giả, học giả rồi công chức “giả”, thậm chí cả vợ giả, chồng giả và cả thuốc chữa bệnh cho người còn giả thì thuốc diệt chuột giả có gì là lạ? Khả năng thứ hai, đó là những con chuột thời @ đã được trang bị khả năng “miễn dịch” với mọi chất độc. Điều này cũng hoàn toàn có thể xảy ra bởi môi trường ô nhiễm nặng nề. Nhất là những con chuột ở các thành phố lớn, suốt ngày hít thở bụi bặm và không khí ô nhiễm thì việc miễn mọi loại dịch bệnh cũng là bình thường. Còn ở nông thôn, có câu chuyện một người vợ giận chồng, trong cơn nóng giận đã đem thuốc trừ sâu ra uống mà… chả làm sao cả. Đem thuốc đi xét nghiệm, thuốc xịn 100%. Cuối cùng, nguyên nhân được xác định là bởi họ sống trong môi trường ô nhiễm nặng, lại suốt ngày đi phun thuốc trừ sâu nên… miễn dịch!? Khả năng thứ ba, nhà sản xuất đóng nhầm thuốc nuôi chuột, vỗ béo chuột thành thuốc… tiêu diệt chuột. Chuyện này cũng hoàn toàn có thể xảy ra bởi cái sự nhầm lẫn ở ta không còn là chuyện lạ. Từ chuyện học sinh ngồi nhầm lớp, cán bộ ngồi nhầm ghế đến chiếc áo mặc nhầm thày tu. Thế thì tha gì không có chuyện thuốc nuôi chuột đóng nhầm vào bao thuốc diệt chuột nhỉ? Chợt nghĩ hay là loại “thuốc chống tham nhũng” của ta lâu nay cũng “đóng gói nhầm” nhỉ? Vì dù rất kiên quyết và áp dụng nhiều biện pháp nhưng cái “con chuột tham nhũng” vẫn béo tốt, khỏe mạnh và thậm chí càng ngày càng… béo tốt hơn? |
Thêm giả thiết về hội nghị Thành Đô
Tuy vậy, sự kiện này đến nay vẫn gây tranh cãi đối với không ít người Việt vì cho rằng có những bí mật trong đàm phán đã không được Việt Nam công bố.
BBC xin giới thiệu thêm một quan điểm gần đây của một học giả người Mỹ đưa ra trong một cuốn sách về đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Trong cuốn sách Changing Worlds: Vietnam's Transition from Cold War to Globalization, tác giả David W.P. Elliott kể lại nội dung hội nghị Thành Đô.
Sách - có tựa tạm dịch là Thế giới đổi thay: Biến chuyển của Việt Nam từ Chiến tranh Lạnh đến Toàn cầu hóa - được xuất bản lần đầu năm 2012 và in lại, có bổ sung, vào năm 2014.
Tác giả dành một phần của chương 4 để viết chi tiết về hội nghị Thành Đô diễn ra tháng 9/1990 dưới tiêu đề: “Thay đổi đối tác trong một thế giới đổi thay (1990-1991).
Tác giả David W.P. Elliot, đã dành 40 năm làm việc chặt chẽ với người dân và chính phủ của Việt Nam, ghi chép lại những diễn biến của nhà nước Việt Nam.
Ông Elliot viết: “Mùa hè năm 1990, những thay đổi chính sách đối ngoại của Việt Nam bắt nguồn từ các sự kiện diễn ra trong năm trước đó. Hồi ký 'Hồi ức và Suy nghĩ' của ông Trần Quang Cơ, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, đề cập đến bước chuyển này.
Thời điểm đó, Bộ chính trị đang tranh luận về việc có nên cố gắng thỏa thuận với Trung Quốc dựa trên hệ tư tưởng chung (‘giải pháp Đỏ’) hoặc tham gia các hoạt động ngoại giao của Liên Hợp Quốc, gồm Hoa Kỳ và Asean.
Tháng 8/1990, cố vấn Phạm Văn Đồng nói với ông Cơ: "Chúng ta phải tuân thủ luật chơi của Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Bảo an, của Hoa Kỳ và châu Âu.
Chúng ta cần tận dụng nhân tố Hoa Kỳ trong tình hình mới... Kế hoạch này rất tốt về lý thuyết, nhưng quan trọng là làm thế nào thực hiện nó. Chúng ta không nên đưa ra yêu cầu quá lớn [kiểu như là] 'nắm chắc kết quả bầu cử Campuchia). "Nếu bạn bè của chúng ta được 50% trong cuộc tổng tuyển cử, đó sẽ là kết quả lý tưởng".
Không lâu sau cuộc trò chuyện này, Bắc Kinh đã mời khẩn cấp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Cố vấn Phạm Văn Đồng hội đàm ở Thành Đô (Trung Quốc giải thích việc chọn địa điểm hẻo lánh này để bảo mật).
Mục tiêu của cuộc gặp là “nỗ lực giải quyết vấn đề Campuchia và đạt được bước đột phá trong việc bình thường hóa quan hệ Trung Quốc-Việt Nam”. Đây là một điều bất ngờ, vì Trung Quốc đến thời điểm đó kiên quyết khẳng định vấn đề Campuchia phải được giải quyết ‘theo ý họ’ trước khi đàm phán việc bình thường hóa với Việt Nam.
‘Cứu chủ nghĩa xã hội’
Ông Trần Quang Cơ cho rằng Trung Quốc bây giờ đã phải thay đổi lập trường, vì ưu tiên hàng đầu của họ là phát triển kinh tế đã bị trì hoãn bởi các biện pháp biện pháp trừng phạt của phương Tây sau vụ Thiên An Môn.Việc các bên khác (Hoa Kỳ, Nhật Bản và Asean) tăng tốc ngoại giao, loại bỏ yếu tố là cả Trung Quốc và các nước Asean đều cho rằng Việt Nam chiếm đóng Cambodia, cùng mối quan ngại của Asean về ý đồ của Trung Quốc trong khu vực khiến Bắc Kinh khó kiểm soát giải pháp Campuchia. Do vậy mà nước này muốn nhanh chóng đạt thỏa thuận với Việt Nam.
Đoàn lãnh đạo cao cấp Việt Nam gặp phía Trung Quốc tại Thành Đô đầu tháng 9/1990.
Đáng lưu ý, đoàn Việt Nam không có Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, người mà Bắc Kinh xem là “chống Trung Quốc quá mức”.
Trong cuộc họp Bộ Chính trị, ông Thạch đã bày tỏ sự phản đối về cả ‘giải pháp Đỏ’ ở Campuchia lẫn việc Hà Nội đặt cược tất cả vấn đề ngoại giao vào ván bài lợi ích chung giữa Việt Nam và Trung Quốc trong việc "cứu chủ nghĩa xã hội", theo chủ trương của Nguyễn Văn Linh và một số ủy viên bộ chính trị khác.
Lập trường của ông Thạch đã bị suy yếu khi ông không chứng minh được kết quả nếu chơi ‘quân bài Mỹ’. Cuối cùng, Hà Nội quyết định loại bỏ ông Thạch nhằm xoa dịu Bắc Kinh.
‘Xúc phạm có chủ đích’
Thoạt đầu Bắc Kinh thuyết phục ông Phạm Văn Đồng đến hội nghị Thành Đô bằng chỉ dấu là Đặng Tiểu Bình sẽ tham dự nhưng thực tế thì không.Phía Trung quốc chỉ có Tổng bí thư Giang Trạch Dân cùng Thủ tướng Lý Bằng.
Ông Võ Văn Kiệt sau đó cho rằng đây là một sự ‘xúc phạm có chủ đích’ với Việt Nam, và rằng đoàn Việt Nam "đã rơi vào một cái bẫy" khi cử lãnh đạo cấp cao đi hội đàm mà không gặp người đồng cấp của Trung Quốc.
Đoàn Việt Nam nhanh chóng nhận ra Trung Quốc không hề quan tâm đến ‘giải pháp Đỏ’ cũng như hình thành một liên minh ý thức hệ với Việt Nam.
Trung Quốc thường viện dẫn đến khái niệm ‘đoàn kết giữa hai đảng’ chỉ khi có điều gì đó phù hợp với lợi ích riêng của họ và vẫn tiếp tục khước từ lời kêu gọi của Việt Nam muốn Trung Quốc thay Liên Xô làm ‘tường thành của chủ nghĩa xã hội’ trong một thế giới đổi thay.
Nhìn nhận hội nghị Thành Đô là một ‘thất bại ngoại giao’ của Việt Nam, ông Trần Quang Cơ giải thích nguyên do chính là Việt Nam đã tự lừa dối bằng cách bấu víu vào niềm tin rằng Trung Quốc quan tâm đến một liên minh ý thức hệ để chống lại ‘diễn biến hoà bình’ của đế quốc nhằm triệt tiêu các nước cộng sản còn lại.
Sự việc càng tồi tệ hơn khi Bắc Kinh hân hoan tiết lộ băng ghi âm các cuộc hội đàm cho thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam nhất trí với việc lực lượng chống Hun Sen sẽ chiếm ưu thế trong chính phủ liên minh.
Điều đó có nghĩa là Hà Nội bỏ rơi Hun Sen, nhân vật được cho là ‘người của Việt Nam’ trên chính trường Campuchia.
Một trong những mục tiêu của việc Bắc Kinh hé lộ băng ghi âm là vẽ nên hình ảnh Việt Nam ‘gian dối và không đáng tin cậy’. Và họ đã thành công: trong một cuộc họp Bộ Chính trị tháng 5/1991, ông Phạm Văn Đồng thừa nhận hối tiếc vì “bị cuốn vào ủng hộ một chính sách khôn ngoan”.
Ông Nguyễn Cơ Thạch cũng nói với ông Nguyễn Văn Linh là ông Linh đã phạm phải một ‘sai lầm nghiêm trọng’.
Đúng ngày quốc khánh Việt Nam 2/9/1990, một ngày trước khi khai mạc hội nghị Thành Đô, ông Đỗ Mười chấp nhận lời kêu gọi của Lý Bằng về việc ‘hai nước láng giềng’ (chứ không phải ‘hai đồng chí’) bình thường hóa quan hệ bình thường và tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia.
Động lực của việc Hà Nội nhượng bộ Thành Đô được cho là “vì lợi ích của việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc”, mang tính thực dụng (bù đắp nguồn viện trợ của Liên Xô nay không còn nữa và nhượng bộ sức ép của Trung Quốc), ngoài ra cũng có một phần của ý thức hệ.
Các ông Nguyễn Văn Linh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh đích thân bay đến Phnom Penh và cố gắng thuyết phục Hun Sen chịu câu kết với quân Pol Pot trước viễn cảnh “đế quốc đang muốn tiêu diệt chủ nghĩa xã hội”. Họ còn nói rằng Campuchia có thể đóng góp để cứu chủ nghĩa xã hội bằng cách tiến tới sự hòa giải giữa cộng sản theo Hun Sen với Đảng Cộng sản Campuchia (Khmer Đỏ).
Ông Lê Đức Anh lập luận: "Người Mỹ và phương Tây muốn có một cái cớ để loại bỏ chủ nghĩa cộng sản. Họ đang loại bỏ chủ nghĩa này ở Đông Âu. Họ thông báo rằng sẽ tiến tới loại bỏ chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng họ là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Chúng ta phải tìm kiếm đồng minh. Đồng minh đó là Trung Quốc”.
‘Giải pháp Đỏ’ cũng khiến Campuchia từng bước trở nên xa cách Việt Nam. Đại sứ Việt Nam thông báo rằng sau cuộc họp này, thái độ của Hun Sen với Việt Nam đã thay đổi.
Không quan thầy, chẳng tiểu đệ
Kết cục, theo tác giả David W.P. Elliott, là một Việt Nam không có quan thầy cộng sản và cũng chẳng còn tiểu đệ cộng sản.Ông cho biết ngay cả hồi ký thẳng thắn của Trần Quang Cơ về Hội nghị Thành Đô cũng không đề cập đến tin về một đề nghị của Trung Quốc muốn “đi xa hơn vấn đề Campuchia”.
Một tờ báo Anh dẫn nguồn tình báo phương Tây cho rằng Trung Quốc đề nghị thay thế nguồn cung hàng hóa mà Liên Xô cắt đứt, và trả lại một phần Trường Sa.
Để đổi lại sự giúp đỡ của họ, Bắc Kinh yêu cầu Hà Nội ‘phối hợp tương thích’- nói cách khác là ‘phụ thuộc’ vào chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, theo một nguồn tình báo ở Bangkok.
Nguồn này được dẫn lời nói Hà Nội đã suy nghĩ rất lâu trước khi bác bỏ.
Tuy vậy, David W.P. Elliott cho rằng tình hình ngày càng xấu đi của Việt Nam sau đó khiến Việt Nam phải miễn cưỡng chấp nhận vai trò phụ thuộc mà Trung Quốc áp đặt, dù thậm chí không có ‘cà rốt’.
Có thể thấy nhận định và tư liệu về Thành Đô trong cuốn sách của David W.P. Elliott dựa chủ yếu vào hồi ký của nguyên thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Việt Nam Trần Quang Cơ.
Cuốn sách này chỉ công bố không chính thức năm 2001, đụng chạm tới những vấn đề vẫn được giữ kín về chính trị nội bộ và quan hệ với các nước lớn trong đó có Trung Quốc.
Ông Trần Quang Cơ đã qua đời tại Hà Nội tháng Sáu 2015.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/12/151223_thanhdo_vn_china?SThisFB
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)