Thông tin mới nhất về vụ xét kỷ luật TBT báo Đại Đoàn Kết
14h hôm nay (11.3.2013), Chi bộ báo Đại Đoàn Kết bắt đầu cuộc họp tại 66 Bà Triệu, Hà Nội.
Đến dự có Ban Kiểm tra Đảng ủy MTTQ VN là ông Nguyễn Anh Xuân - Phó
Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy MTTQ VN, bà Phạm Thu Hương - Phó Ban
Dân chủ Pháp luật và bà Nguyễn Thị Hồng cán bộ Ủy Ban Kiểm tra MTTQ VN.
Ông Nguyễn Anh Xuân đã thông báo vắn tắt nội dung Kết luận giải
quyết đơn tố cáo các sai phạm của Đảng viên Tổng Biên tập Đinh Đức Lập.
Căn cứ theo nội dung đã trình bày tại Chi bộ thì có đến 80% nội dung của
những người tố cáo là có cơ sở. Ông Nguyễn Anh Xuân nói: Đảng ủy yêu
cầu Chi bộ kiểm điểm và đề nghị có hình thức kỷ luật nghiêm túc đối với
Đảng viên Đinh Đức Lập về các sai phạm. Các Đảng viên phát biểu rất yếu
ớt và không có tính chiến đấu. Phát biểu của Đảng viên Nguyễn Bá Tân
được coi là nghiêm túc nhất khi cho rằng: Cả ba đồng chí xuống dự họp
với Chi bộ đều không phải trong Ban chấp hành Đảng ủy chứ chưa nói đến
trong Thường vụ Đảng ủy nên thành phần xuống dự chưa thích hợp; thứ hai:
Đề nghị làm rõ và có hình thức kỷ luật nghiêm túc người vi phạm chứ
không nên để sự việc kéo dài đến năm thứ 2 rồi và ngày càng gây nhức
nhối dư luận.
Đến phần thứ hai của cuộc họp, ông Nguyễn Anh Xuân đưa ra phiếu
trưng cầu: đề nghị "kỷ luật" hay "Không kỷ luật". 15 đảng viên có mặt
(cả Đinh Đức Lập cũng tham gia bỏ phiếu) thì 9 phiếu đề nghị "Không kỷ
luật" và 6 phiếu đề nghị "Kỷ luật".
Tỷ lệ phiếu này không có gì lạ khi phe nhóm của Đinh Đức Lập khá
đông trong cơ quan. Một số đảng viên được y kết nạp vội khi về cơ quan;
số khác được y lấy về và ban phát các chức vụ, bổng lộc.
Không có lẽ là đảng viên thì cứ tùy tiện cậy quyền vi phạm pháp luật
và gây tổn hại đến uy tín danh dự của tập thể, quyền lợi của người lao
động rồi sau đó được chi bộ họp bỏ phiếu xí xóa là được sao?. Tin rằng
Đảng ủy MTTQ VN, đứng đầu là Bí thư Đảng ủy Vũ Trọng Kim nghiêm khắc kỷ
luật đảng viên dưới quyền. Các đảng viên và người lao động ở báo Đại
Đoàn Kết tin Chi bộ báo Đại Đoàn Kết sẽ họp sớm để làm mỗi một việc: Bỏ
phiếu kỷ luật Đảng viên thoái hóa Đinh Đức Lập bằng hình thức: Cảnh cáo
hay Khai trừ!
(Blog Nguyễn Xuân Diện)
Bệnh tâm thần: Cứu cánh cho tội danh nhận hối lộ của Giám đốc điều hành Sông Tranh 2
|
Ông Nguyễn Đức Mậu |
Bị truy tố trong khung hình phạt 13- 20 năm tù nhưng được Viện kiểm sát
rút xuống còn 6-8 năm cuối cùng, Cựu Giám đốc điều hành dự án thủy điện
Sông Tranh 2 chỉ bị tuyên phạt 36 tháng tù vì mắc bệnh tâm thần.
Chiều 11/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Đức
Mậu (sinh năm 1956) nguyên là Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng thủy
lợi 4 (thuộc Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn), kiêm giám đốc chi
nhánh miền Trung và giám đốc Ban điều hành công trình thủy điện Sông
Tranh 2 mức án 36 tháng tù về tội Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, trong quá trình ký kết hợp đồng mua tro bay để thi công
công trình thủy điện Sông Tranh 2, ông Mậu đã cố ý gây khó khăn cho đối
tác là công ty Sông Đà 12 – Cao Cường (Sông Đà 12) trong việc giao nhận
và thanh toán tiền hàng. Do bị làm khó, ông Trần Văn Luân đại diện Sông
Đà 12 đã hồi lộ ông Mậu 500 triệu đồng làm phí bôi trơn giải quyết vướng
mắc.
Ngày 8/10/2010, khi đang nhận trước 300 triệu đồng tại một khách sạn Hà Nội, ông Mậu đã bị cơ quan công an bắt quả tang.
Việc mở phiên tòa xét xử bị chậm trễ hơn 2 năm là do trong quá trình bị
truy tố, bị cáo Mậu đột nhiên mắc bệnh tâm thần và liên tục phải chuyển
viện điều trị. Hội đồng giám định tâm thần Trung ương kết luận, ông Mậu
trước, trong và sau gây án mắc bệnh tâm thần ở thể “rối loạn cảm xúc,
rối loạn nhân cách”, về mặt pháp luật, ông Mậu có khả năng điều khiển
hành vi, nhưng hạn chế.
Không biết sẽ còn bao nhiêu cán bộ, lãnh đạo của các doanh nghiệp, tập
đoàn cũng bị tâm thần như ông Mậu, nhất là khi có “biến”. Điều này đang
gây hoang mang dư luận khi chưa xác định được bao nhiêu % cán bộ quản lý
cấp cao có nguy cơ bị tâm thần. Song nó lại đồng thời lý giải tình
trạng kinh tế bi đát hiện nay, với lý do nền kinh tế đang được vận hành
bởi một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý bị tâm thần như ông Nguyễn Đức
Mậu.
Trở lại trường hợp của ông Mậu, dường như Viện kiểm sát đang có dấu hiệu
bỏ lọt tội phạm khi thực tế cho thấy cần mở rộng điều tra và tiếp tục
truy tố các tổ chức, cá nhân đã đề bạt ông Mậu lên vị trí quản lý với
tội danh: “Cố tình đưa người mắc bệnh tâm thần ở thể rối loạn cảm xúc,
loạn nhân cách, hạn chế khả năng điều khiển hành vi vào vị trí lãnh đạo,
gây hậu quả nghiêm trọng”. Đồng thời, đã đến lúc xúc tiến công trình
nghiên cứu khoa học y khoa-an ninh với đề tài: “tâm thần tham nhũng”,
bởi hiện tượng này đang diễn ra ngày một phổ biến trong xã hội hiện đại,
gây ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước.
Hoàng Huyền
(Tiền phong)
Liệu Việt Nam có phải là con hổ mới của châu Á?
Rõ ràng
là có rất nhiều thứ đã thay đổi kể từ khi chiến tranh chấm dứt ở Việt
Nam. Trong hơn 25 năm qua, đất nước nhỏ bé này đã chuyển mình một cách
đáng kể. Vào năm 2007, Việt Nam đã bước vào sân chơi kinh tế lớn nhất
toàn cầu bằng cách trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương
mại Thế giới (World Trade Organization – WTO). Điều này đã nhanh chóng
thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi Việt Nam từ
một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu trở thành một trong những nơi cung
cấp dịch vụ và sản xuất hàng chất lượng cao. Nhưng nếu đất nước này muốn
giữ vững tốc độ phát triển mạnh mẽ này thì trong vài năm tới, Việt Nam
sẽ phải nâng cao năng suất lao động trong các ngành công nghiệp và dịch
vụ.
1. Việt nam tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ quốc gia châu Á nào khác ngoại trừ Trung Quốc
Việt
Nam – đất nước đã bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh – đã trở thành một
trong những câu truyện kinh tế thành công nhất châu Á trong vòng một
phần tư thế kỷ qua. Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng các thay
đổi thông qua công cuộc đại cải cách “Đổi Mới” vào năm 1986, đất
nước này đã nới lỏng giao thương và các dòng chảy ngoại tệ, cho phép các
thành phần kinh tế tư nhân được tư do hoạt động hơn. Trong giai đoạn
đó, nền kinh tế này đã tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ một nền kinh tế nào ở
châu Á ngoại từ Trung Quốc, với chỉ tăng trưởng GDP hàng năm ở mức
5.3%. Bất chấp thời kỳ khủng hoảng tài chính ở châu Á trong những năm
1990 và suy thoái kinh tế toàn cầu gần đây (Việt Nam tăng trưởng trung
bình 7% mỗi năm trong giai đoạn 2005–2010) – một thành tích mà khó có
nền kinh tế châu Á nào có thể so sánh được.
2. Việt Nam đang dần rời xa những cánh đồng
Nền
kinh tế Việt Nam giờ đây không chỉ quanh quẩn với nông nghiệp. Trên thực
tế, đóng góp của nông nghiệp vào GDP đã giảm từ 40% xuống còn 20% chỉ
trong 15 năm – tốc độ chuyển dịch còn nhanh hơn rất nhiều so với những
gì đã xảy ra ở các nước châu Á khác. Để đạt được một sự thay đổi tương
tự, Trung Quốc đã mất 29 năm và con số là 41 năm đối với Ấn Độ.
Trong
vòng 10 năm trở lại đây, tỉ lệ người dân lao động trong ngành nông
nghiệp đã giảm 13%, lượng thụt giảm này đã chuyển qua và làm tăng tỉ lệ
người lao động trong ngành công nghiệp lên 9.6% và ngành dịch vụ 3.4%.
Sự chuyển dịch lao động này đã đóng góp rất đáng kể đối với nền kinh tế
Việt Nam bởi vì năng suất trong các khối kinh tế này khác nhau rất
nhiều. Trong vòng 10 năm, đóng góp của nông nghiệp vào GDP đã giảm 6.7%,
trong khi đó ngành công nghiệp đã tăng 7.2%.
3. Nhưng Việt Nam vẫn là nước dẫn đầu trong ngành xuất khẩu hồ tiêu, điều, gạo và cà phê
Theo số
liệu thống kê của năm 2010, Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu
thế giới trong 4 năm liên tục với 116.000 tấn. Xuất khẩu gạo của Việt
Nam cũng xếp hàng thứ hai chỉ sau Thái Lan, và xuất khẩu cà phê cũng chỉ
thua Brazil. Ngoài ra, các mặt hàng khác như chè cũng xếp hàng thứ năm
và hải sản như cá thu, tôm, mực và cá da trơn cũng thuộc vào top 6.
4. Việt Nam không phải là “Trung Quốc+1”
Chi phí
nhân công tăng ở Trung Quốc đã làm cho nhiều nhà đầu tư quyết định
chuyển chu trình sản xuất sang Việt Nam với rất nhiều cơ hội thuê được
nhân công rẻ mạt. Xu hướng này đã làm cho nhiều CEO tin rằng Việt Nam sẽ
trở thành một phân xưởng lớn tiếp theo ở Châu Á – một phiên bản nhỏ hơn
của Trung Quốc, hay Trung Quốc+1.
Nhưng
Việt Nam khác biệt rất lớn so với Trung Quốc ở hai khía cạnh. Thứ nhất,
nền kinh tế Việt Nam hoạt động được là nhờ vào nhiều sự tiêu thụ cá nhân
hơn là so với nền kinh tế Trung Quốc. Ở Việt Nam, tổng lượng tiêu thụ
hộ gia đình chiếm tới 65% GDP, trong khi con số này ở Trung Quốc là 36%.
Thứ hai, trong khi tốc độ tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc chủ yếu là
nhờ sản xuất hàng xuất khẩu và đầu tư vốn cao, thì nền kinh tế
Việt Nam phụ thuộc khá cân đối giữa sản xuất và dịch vụ – mỗi ngành đóng
góp tầm 40% GDP. Sự phát triển của Việt Nam tương đối đồng đều giữa
các ngành kinh tế. Trong năm năm vừa qua, sản lượng đầu ra của ngành
công nghiệp (bao gồm xây dựng, sản xuất, khai thác, và những ngành phục
vụ công cộng) và các mảng dịch vụ khác đã tăng trưởng đồng đều với nhau ở
mức 8% mỗi năm.
5. Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn
Việt
Nam xuất hiện trong hầu hết trong danh sách những nền kinh tế mới nổi
đầy hứa hẹn dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Những bản điều tra của
Phòng thương mại và đầu tư và the Economist Intelligence Unit thuộc Anh
Quốc đã liên tục xếp hạng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất đối với vốn
FDI chỉ sau nhóm tứ hùng BRIC gồm Brazil, Russia, India và China. Vốn
đầu từ FDI có đăng ký đổ vào Việt Nam tăng từ 3.2 tỉ USDtrong năm 2003
lên 71.7 tỉ USD trong năm 2008 trước khi giảm mạnh do khủng hoảng toàn
cầu xuống còn 21.5 tỉ USD trong năm 2009.
Ở đây,
một lần nữa, Việt Nam không hề giống với Trung Quốc. Khoảng gần 60% FDI
của Trung Quốc được đổ vào ngành sản xuất thủ công, so với chỉ 20% tại
Việt Nam. Phần lớn trong 80% còn lại được đầu tư vào các ngành khai thác
mỏ, dầu và khí đốt (40%) và bất động sản (15-20%). Các chỉ số tăng
trưởng này phản ánh sức tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch tại
Việt Nam và số liệu thống kê cho thấy lượng khách nước ngoài đã tăng
thêm một phần ba kể từ năm 2005.
Kỳ
sau sẽ là 5 điểm đáng chú ý tiếp theo lấy từ bản báo cáo của McKinsey
Global Institute. Mời quý độc giả theo dõi trong phần II.
© Bản tiếng Việt TC Phía trước
Đây là phát biểu của ông Đinh Mạnh Toàn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát
quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) hôm nay (11.3).
Đó là lời phát biểu của ông Đinh Mạnh Toàn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát
quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) tại hội nghị bàn về
các nội dung của dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt tổ chức vào chiều nay
(11.3) tại Bộ Giao thông Vận tải.
Phát biểu tham gia hội thảo, ông Toàn nói: “Từ dự thảo này, 2 vấn đề
chính đó là hành vi không đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm không đảm
bảo chất lượng. Mũ bảo hiểm có 3 đối tượng, thứ nhất là đối tượng sản
xuất, nếu đối tượng sản xuất giả, sản xuất không đúng tiêu chuẩn thì đây
là một hành vi phạm tội, có thể khởi tố và truy tố; thứ hai, đối với
người kinh doanh, hiện Cục Quản lý thị trường đang làm rất tốt trong
việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh; tôi rất đồng tình với việc cần phải
đưa hành vi vi phạm. Báo chí nên hướng dư luận đúng vào các kết luận của
các cơ quan chức năng. Báo chí cũng nên hướng dư luận vào đúng với các
kết luận của những người chủ trì các cuộc họp của các cơ quan chức năng.
Gần đây tôi lên mạng xem, báo chí vẫn hướng dư luận vào cái khác, đó là
chúng ta nêu lên thế nào là mũ giả, mũ rởm. Các phóng viên đó có lẽ là
thế nào đó, thiểu năng gì đó, có gì đó không hiểu thế nào là mũ giả, mũ
rởm, mà cứ phải đưa ra bằng những lời lẽ, những giả thiết. Ở đây 5 - 6
bộ đánh giá, ngoài ra 100% ý kiến của người dân cho rằng cứ rẻ là mua,
(biết là hàng giả vẫn mua), nhưng hiện các cơ quan chức năng vẫn làm
được. Sau 15.4, những người này cũng nên đội mũ vài ba lần nữa, nhưng
báo chí cũng nên hướng dư luận đúng như truyền hình làm rất tốt, đâu đó
tôi lên mạng thấy thế này thế kia cho không đúng vấn đề…”.
Mỗi người Việt đã gánh 800 USD nợ công
Nợ bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt ngưỡng 800 USD trong ngày
hôm nay (11/3), theo The Economist. Nhật Bản hiện vẫn là nước dẫn đầu
thế giới về nợ công với mức trung bình gần 100.000 USD cho mỗi người
dân.
Theo đồng hồ đo nợ công toàn cầu của tạp chí The Economist, tổng nợ công
Việt Nam hiện đã đạt 71,7 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm ngoái. Tính
bình quân, mỗi người dân Việt đang gánh khoản nợ 800,07 USD, chiếm 49,4%
GDP. Với số liệu này, nợ công Việt Nam vẫn được đánh giá ở mức trung
bình.
Hồi tháng 9/2012, nợ bình quân tại Việt Nam là 750 USD. Đến năm 2014,
con số này được dự đoán lên tới 883,84 USD. Tuy nhiên, nợ trên GDP giảm
xuống chỉ còn 48,1% và tốc độ tăng cũng chậm lại với trên 11%.
|
Nợ công trên mỗi đầu người Việt Nam vừa vượt ngưỡng 800 USD. Ảnh minh họa: Anh Quân |
Theo công bố của Bộ Tài chính cuối tháng 1, nợ công của Việt Nam tính
đến hết năm 2011 là 1,392 triệu tỷ đồng, tương đương 66,8 tỷ USD. Nợ
Chính phủ là 1,096 triệu tỷ đồng, bằng 43,2% GDP, trong đó vay nước
ngoài là 667.000 tỷ đồng, bao gồm ODA, vay ưu đãi và vay thương mại. Nợ
do Chính phủ bảo lãnh hiện khoảng 285.000 nghìn tỷ đồng, bằng 11,3% GDP.
Trong khi đó, chính quyền các địa phương hiện có nợ khoảng 10.700 tỷ
đồng, bằng 0,4% GDP. Theo chiến lược nợ được cơ quan chức năng xây dựng,
đến năm 2015, nợ công của Việt Nam sẽ không vượt quá 65% GDP.
Theo The Economist, tổng nợ công toàn cầu tăng liên tục qua từng giây và
hiện đã lên tới hơn 50.159 tỷ, tăng khoảng 5,6% so với năm 2012 (47.461
tỷ USD). Dự kiến đến hết năm 2014, con số này sẽ là trên 52.856 tỷ USD.
Nợ công tập trung chủ yếu ở Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Bắc Mỹ và khu
vực đồng euro.
Nhật Bản là nước dẫn đầu về tổng nợ với hơn 12.551 tỷ USD. Tuy nhiên, số
liệu này đã giảm nhẹ so với đầu năm. Xếp thứ hai trên thế giới là Mỹ
với trên 11.855 tỷ USD nợ công. Các nước châu Âu, đặc biệt là khu vực
đồng euro, đều có mức nợ công cao như Đức (2.794 tỷ USD), Pháp (2.347 tỷ
USD), Italy (2.465 tỷ USD) hay Anh (2.268 tỷ USD).
Ở châu Á, Trung Quốc là quốc gia có tổng nợ lớn thứ hai với trên 1.372
tỷ USD, theo sau là Ấn Độ với khoảng 1.037 tỷ USD. Châu Phi có số quốc
gia mắc nợ ít nhất thế giới. Nước nợ nhiều nhất ở đây là Ai Cập với 219
tỷ USD.
Xét về tỷ lệ nợ công trên GDP, Nhật Bản vẫn cao nhất thế giới với 226%,
Hy Lạp đứng thứ hai với 157,4%, tiếp đó là Italy với 120,8%. Quốc gia có
nợ bình quân đầu người cao nhất cũng vẫn là Nhật Bản với gần 100.000
USD, giảm nhẹ so với năm ngoái. Theo sau là Canada với 44.619 USD.
Thùy Linh
(The Economist)
Lê Diễn Ðức - Giới tinh hoa cần phải nổi giận
Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Uỷ ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp vừa gia hạn thời gian góp ý tới 30 tháng 9 năm nay.
Công thư gửi các cấp ủy đảng, các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương, viết:
"Cần có nhiều tin, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng
phân tích, làm rõ những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp với lập
luận khoa học, thuyết phục, chặt chẽ; làm cho người dân nắm vững, hiểu
đúng nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, từ đó bày tỏ quan điểm,
chính kiến của mình. Đồng thời, cần kịp thời đấu tranh, ngăn chặn việc
lợi dụng góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để truyền bá những quan
điểm sai trái, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá Đảng, Nhà
nước và chế độ ta".
"Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy thời gian tổ chức lấy ý kiến
nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được Quốc hội quyết
định tại Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 là bắt đầu từ ngày
02/01/2013 đến hết ngày 31/3/2013. Kết quả việc tổ chức lấy ý kiến nhân
dân theo thời hạn này sẽ được tập hợp, tổng hợp đầy đủ và kịp thời tiếp
thu, chỉnh lý để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng
5/2013) và sẽ được tiếp tục chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét, thông
qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013).
Kể từ sau ngày 31/3/2013 cho đến thời điểm 30/4/2013 và cho đến
30/9/2013 trước khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được trình Quốc
hội thông qua, nhân dân vẫn tiếp tục đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp năm 1992".
Như vậy, thời hạn 3 tháng đã được kéo dài thêm 6 tháng. Động thái này
cho thấy Nhà cầm quyền một mặt muốn làm giảm thiểu cuộc tranh luận sôi
nổi trên Internet, mặt khác nỗ lực tìm cách vận động tuyên truyền để có
một "ý dân" theo ý muốn.
Cuộc chiến, thực tế là trên mạng, đã mang lại tầm ý nghĩa lớn hơn người
ta tưởng. Bản góp ý chính thức được 72 nhân sĩ, trí thức đầu tiên khởi
xướng đã được trao cho Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi HP vào ngày
4/02/2013, thực sự đã châm ngòi lửa cho một cuộc thảo luận rộng rãi, với
hơn 8 ngàn người ủng hộ (tính đến 9/3).
Bản Kiến nghị không đơn giản chỉ là những bố sung, góp ý mà là một ý
tưởng mang tính cách mạng vì nó đưa ra một Dự thảo khác, với những quy
trình và nguyên tắc chung cho một thể chế chính trị tự do, dân chủ, áp
dụng cho mọi đảng cầm quyền, trong đó có ĐCSVN, phù hợp với nguyện vọng
của nhân dân. Nó không đòi loại bỏ vai trò của ĐCSVN mà đưa ra cơ sở để
xác định vai trò ấy. Nó cũng đảm bảo rằng, đảng CSVN hay bất cứ đảng
phái nào cũng phải tuân thủ những quy định của Hiến pháp. Tóm lại, nó là
một hợp đồng, một khế ước, có thể kiểm soát bởi xã hội.
Tiếp theo kiến nghị của giới trí thức, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên xuất hiện
nổi bật với bài "Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng". Anh bị buộc
thôi việc vì bài viết này. Ủng hộ anh là phong trào ký tên “Tuyên Bố Của
Các Công Dân Tự Do” xác quyết: “Chúng tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4
trong Hiến pháp hiện hành, mà còn muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến,
lập một Hiến pháp mới thực sự là ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải
là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành”…
Hội đồng Giám mục Công giáo Việt Nam cũng đưa ra phân tích, đặt câu hỏi:
“Một mặt, Điều 74 khẳng định Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước
cao nhất”; mặt khác, Điều 4 lại khẳng định đảng cầm quyền là “lực lượng
lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Vậy ai lãnh đạo ai? Phải chăng Quốc hội
chỉ là công cụ của đảng cầm quyền? Nếu như thế, việc người dân đi bầu
các đại biểu Quốc hội có ý nghĩa gì? Một sự chọn lựa thật sự tự do hay
chỉ là thứ dân chủ hình thức?”.
Báo chí lề đảng, từ Nhân Dân, Quân đội Nhân Dân, đến Công an Nhân dân,
bắt đầu cay cú, mở cuộc phản công, nhưng những lập luận họ đưa ra đều
mang tính áp đặt, khiên cưỡng, không thuyết phục.
Bất bình đẳng trong thông tin đường như là chính sách của ĐCSVN. Báo
đảng viết rằng, "một trong các tâm điểm các bài viết là tập trung chống
phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam (ÐCS Việt Nam)
đã được ghi trong Hiến pháp". (...) Ðảng có công lãnh đạo nhân dân đấu
tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, nhưng hiện nay "đã
hết vai trò lịch sử" nên cần phải "trao lại cái quyền đó cho nhân dân"
(?!)... Họ còn lớn tiếng hô hào đòi bỏ Ðiều 4 của Hiến pháp quy định ÐCS
Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Lợi dụng việc ÐCS
Việt Nam công khai tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh chống
tệ quan liêu, tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực khác, họ tìm mọi
cách tô vẽ, thổi phồng những sai lầm, khuyết điểm, gieo rắc hoài nghi,
tâm lý bất mãn, bất bình trong nhân dân, với mục đích gây mâu thuẫn,
chia rẽ nhân dân với Ðảng".
Người đọc chỉ được thông tin một chiều trên các phương tiện truyền thông
của đảng. Những bài viết, thậm chí kiến nghị của giời nhân sĩ trí thức
hàng đầu của Việt Nam không hề được đưa ra. Bản kiến nghị 7 điểm đã đặt
vấn đề nghiêm túc, trên cơ sở lý luận và thực tiễn, là một phản biện với
tinh thần xây dựng cao, hoàn toàn không mang tinh thần chống phá phá
đảng và nhà nước, càng không có ý gây mâu thuẫn và chia rẽ nhân dân.
Được lịch sử đưa đẩy, ĐCSVN thực chất là chỉ là một đảng cầm quyền, từ
năm 1954 trên miền Bắc và từ năm 1975 trên cả nước, vì hoàn toàn không
phải do nhân dân bầu chọn qua bầu cử tự do. Và vì thế, không hợp thức
hoá vai trò lãnh đạo của mình thông qua đăng ký hoạt động và chịu trách
nhệm trước pháp luật, ĐCSVN tự cho toàn quyền lựa chọn mô hình nhà nước
và lãnh đạo nó.
Hiến pháp mà ĐCSVN đẻ ra chỉ là một bộ luật chung của bộ máy nhà nước,
để diễn, lừa mị, không có uy lực thực tế, vì không phải là khế ước xã
hội, có sức nặng ràng buộc quyền lợi và nghĩa vụ giữa nhà nước và công
dân. Cho nên, ghi điều 4 vào Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo hay
không thì cũng chẳng có thêm ý nghĩa, vì giả sử không ghi thì trước năm
1980 (thời điểm Hiến pháp có điều 4) đảng vẫn lãnh đạo. Cũng là hệ thống
chính trị ấy, cũng một đảng ấy cai trị. Cơ quan lập pháp là quốc hội
muốn tiến hành bất cứ tiến trình lập pháp nào cũng phải chịu sự lãnh đạo
của đảng. Đảng cầm quyền, duy nhất, không có khả năng thay thế.
Bám lấy điều 4 chẳng qua là đảng hiện nay đã mất tình chính danh, thực
chất đã suy đồi, biến tấu thành một thứ đảng maphia, đảng cướp, bóc lột
nhân dân thậm tệ, một hình thức vương triều phong kiến hiện đại với các
ông "vua tập thể", tận dụng đăc quyền để thâu tóm lợi ích phe nhóm.
Một cán bộ quân đội với hơn 60 năm tuổi đảng đã viết:
"Chúng tôi đau vì cơ đồ đất nước đang bị hủy hoại bởi một đội ngũ lãnh
đạo tha hóa, biến chất, cầu an, hèn nhát. Đau xót hơn nữa là những kẻ hủ
bại hèn nhát này lại mang chính sự hy sinh của các đảng viên chân chính
để che đậy cho sự hủ bại, độc ác của họ nhằm duy trì sự thống trị độc
tài xấu xa phản dân hại nước!".
"Mặc dù đã ở tuổi gần đất xa trời, nhưng với tư cách một người đảng viên
chân chính, một công dân chân chính, tôi và nhièu đồng ngũ của tôi cũng
tự kiểm điểm là đội ngũ lãnh đạo đất nước hiện nay cũng là hệ quả của
cả một quá trình chủ quan, ngạo mạn, ấu trĩ của những người lãnh đạo
thuộc thế hệ chúng tôi".
"Thế hệ chúng tôi đã đi theo một thứ chủ nghĩa, chẳng biện chứng và cũng
chẳng lịch sử. Đã hơn một thế kỷ nay, lý luận về chủ nghĩa xã hội
(CNXH) hầu như vẫn giậm chân tại chỗ, mọi người tùy tiện suy diễn về
CNXH theo cách hiểu của mình, nguy hiểm hơn nữa là theo lợi ích của
mình! Lẽ phải luôn thuộc về lực lượng cầm quyền! Điều tệ hại là nhiều
thế hệ lãnh đạo không bao giờ chịu thừa nhận sự ấu trí, thậm chí sự ngu
dốt, sai lầm mà trước tiên là sai lầm về tư tưởng, về nhận thức trong
công cuộc xây dựng đất nước đã gần 40 năm nay. Cùng với những sai lầm về
tư tưởng, nhận thức, dẫn đến các thế hệ lãnh đạo ngày càng có biểu hiện
xuống cấp về đạo đức và tác phong. Các hiện tượng dối trá, trục lợi,
sống trên pháp luật ngày càng trở nên phổ biến và diễn ra trắng trợn mọi
cấp mọi nơi".
Khi đất nước còn chiến tranh, người dân chấp nhận sự tồn tại và vai trò
lãnh đạo của ĐCSVN, nhưng chiến tranh đã chấm dứt gần 40 năm, vai trò
của ĐCSVN có thể tồn tại nhưng không thể mặc nhiên vĩnh viễn ở vị trí
lãnh đạo xã hội. Trong khi đó, đảng ngày một mất uy tín, lòng tin của
quần chúng vào đảng bị đổ nát. Đất nước, dưới sự lãnh đạo của đảng, hơn
lúc nào hết đang bị đe doạ nghiêm trọng về chủ quyền, đạo đức xã hội
xuống cấp, kỷ cương phép nước đảo lộn, tài lực bị cạn kiệt.
Không một đảng phái chính trị nào cho mình được độc quyền quyết định dẫn
dắt xã hội. Ở các nước dân chủ, điều này được xác định rất rõ. Một
nhiệm kỳ của quốc hội (cơ quan chỉ định lập chính phủ) chỉ kéo dài 4
hoặc 5 năm. Các đảng ra vận động tranh cử bình đẳng, nhưng thông thường
các đảng lớn mới có cơ hội nắm quyền và thường cũng chỉ đạt trên 50% số
phiếu ủng hộ của cử tri, đôi khi dưới cả mức này, phải liên minh với các
đảng khác để thành lập chính phủ. Vì thế, không bao giờ đảng cầm quyền
với nhân dân là một thực thể thống nhất, đừng nói tới một chính đảng mặc
nhiên cầm quyền không do dân lựa chọn để rồi khẳng định vai trò lãnh
đạo duy nhất của đảng.
Nói chung, các lý luận khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất của ĐCSVN
được đưa trên báo chí là sự áp đặt, buộc người dân phải chịu. Tôi tin
rằng, điều 4 vẫn sẽ được giữ nguyên và sự góp ý của người dân sẽ được
lèo lái đúng theo chỉ đạo của đảng. Họ sẽ còn nỗ lực bôi nhọ, xuyên tạc
các ý kiến hợp tình, hợp lý, thậm chí gây khó cho những người khỏi
xướng. Họ vẫn còn đủ sức mạnh để không tạo ra bất kỳ thay đổi nào làm
suy giảm sự lãnh đạo này.
Kiến nghị của giới trí thức sẽ chẳng mang lại kết quả, như chúng ta đự
đoán trước, nhưng là cũng đã cho thấy sự phản ứng, đối phó, chèo chống
của chính quyền, thực sự đã là sự thử thách, tập dượt quần chúng trong
một cuộc vận động xã hội, có sức lan toả tới nhiều thành phần, thức tỉnh
hay đúng hơn, đánh động tâm thức của những người quan tâm. Thời gian sẽ
bạn đồng hành. Bao giờ cũng vậy, giới tinh hoa luôn là người khởi
xướng, nhưng để đạt được mục đich, ý tưởng của họ phải được tiếp cận
rộng lớn tới đông đảo quần chúng, điều mà họ không có hôm nay.
Tôi cho rằng, một cuộc vận động xã hội rộng lớn như góp ý sửa đổi Hiến
pháp, con số 8 ngàn thật đáng khích lệ và từ nay đến hết tháng 9, sẽ còn
tiếp tục. Tuy nhiên nếu không đạt được ít nhất 100 ngàn chữ ký, chứng
tỏ cuộc vận động chưa thu hút được sự chú ý của quảng đại quần chúng.
Với số lượng 27 triệu người sử dụng Internet, con số 100 ngàn không phải
là lớn. Ngoài ra, ngoài Internet chúng ta đã không làm cách nào khác để
chuyển tải đến mọi người, trong khi nhà chức trách có thể tới từng hộ
gia đình vận động, tuyên truyền, áp đặt...
Có lẽ đã đến lúc giới tinh hoa phải nổi giận và truyền cảm hứng cho đại
đa số quần chúng. Những người chán ghét sự lãnh đạo của ĐCSVN hiện nay
không ít, và tôi tin rằng, họ sẽ là những đại diện mang thông điệp của
giới nhân sĩ, trí thức tới quần chúng lao động một cách hữu hiệu.
Lê Diễn Ðức