Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

TIN THỨ 7 NGÀY 04/8/2012

CHÍNH TRỊ-PHÁP LUẬT
- Lo lắng cho ngư trường truyền thống (TT). - Tàu cá Việt lại bị ngăn cản ở Hoàng Sa   –   (BBC). Sau màn ngăn cản, tới màn cướp phá: Một tàu cá bị Trung Quốc đập phá tài sản (NLĐ).   – Phỏng vấn ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam: Phải bắt giữ tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền (NLĐ). – Trung Quốc áp đảo biển Đông bằng hạm đội tàu đánh cá: China to Overwhelm South China Sea with Fishing Fleet(NAM). – Hết giặc đến … dã (man): “Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình”  Tự đặt các khoản thu với ngư dân (PLTP).
- VÔ TÍCH SỰ !    –   (Sơn Thi Thư). “Vợ: Vợ con bị đánh, đất bị chiếm, nhà cũng sắp bị cướp mà ông không nói gì và làm gì là sao? Chồng: Tôi đang học tập chữ ‘nhẫn’ của các nguyên thủ đấy !”- A đây rồi: Nói thẳng   –   (Nguyễn Thông).  - Chủ nghĩa bá quyền và cách ứng xử của Việt Nam   –   (Đoan Trang). “Chúa chỉ cứu những ai biết cách tự cứu mình, và để tự cứu, không loại trừ khả năng các nước lập liên minh với nhau. Nước càng yếu thế về kinh tế – quân sự, thì càng phải phát triển sức mạnh ngoại giao và sự liên kết với các nước khác. Điều tối kỵ là một quốc gia vừa nhỏ yếu vừa bị cô lập trên thế giới”.  - Huỳnh Văn Úc: ĐỒNG CHÍ hay đồng … chó? (Bạn Trỗi) .
6h sáng nay, thấy hệ thống blogspot lại bị VNPT chặn bằng tường lửa.
- Để biểu tình thành công   –   (Xuân VN). Thì bà con sáng mai phải chuẩn bị cơm nắm muối vừng, mùng mền, tư trang đầy đủ, nha! – TUYÊN BỐ KHÔNG BIỂU TÌNH CHỐNG TRUNG QUỐC MÀ CHỈ GIÚP ĐẢNG BẮT SÂU    –   (Bùi Hằng).
-  Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông (TTXVN). Tin rất nhanh từ “phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 3/8″, trước cả các hãng tin nước ngoài – một hiện tượng hiếm thấy. Có cái gì đó vừa khôi hài, vừa thảm hại, khi một hãng tin nhà nước  VN nổi tiếng “kiên định lập trường” thân “bạn 16 chữ vàng”, “chống diễn biến hòa bình” từ kẻ cựu thù Hoa Kỳ, nay lại như “chết đuối vớ phải cọc” trong cuộc tranh chấp sinh tử với thằng “bạn vàng” của mình.  - Diễn biến xấu ở Biển Đông (TVN/COUNCIL ON FOREIGN RELATIONS).
<- Bộ trưởng cấp cao Singapore, ông Goh Chok Tong nói, sự kiện Biển Đông kiểm tra tính đoàn kết trong ASEAN: ESM GOH: S. China Sea test case for Asean unity (Asia One).  – Indonesia làm việc để trấn tĩnh ở biển Đông: Indonesia Working to Calm South China Sea (VOA).
- Huỳnh Bửu Sơn: Tương lai chúng ta là Biển Đông bị “bạn 16 chữ vàng” chiếm hết (TVN). “Với diện tích canh tác giới hạn và có xu hướng thu hẹp do phát triển công nghiệp, do biến đổi khí hậu…, sản lượng gạo thặng dư để xuất khẩu có thể giảm dần theo thời gian khi dân số tăng lên.  … Tuy nhiên, điều may mắn là chúng ta còn có biển … “ Hu hu! Vậy mà … Bác tổng Trọng giải đáp cho 90 triệu dân Việt hiểu xem cái “may mắn” đó liệu có còn không, tại sao?
- Phái đoàn Viện Hóa Đạo xuống Bạc Liêu lo tang lễ Phật giáo cho bà Đặng Thị Kim Liêng, thân mẫu chị Tạ Phong Tần (PTTPGQT/ DLB).  – Công an Sài Gòn tiếp tục khủng bố gia đình bà Đặng Thị Kim Liêng (Chuacuuthe).   – Video: Công an, chính quyền sách nhiễu, quấy phá tang lễ bà Đặng Thị Kim Liêng    –   (DLB). Nếu mở link không được, mời bà con bấm vào đây xem gần cuối video ghi lại hình ảnh một nữ cán bộ áo xanh chạy đến cướp những tờ giấy phúng điếu rồi bỏ chạy thục mạng.   – An ninh Bạc Liêu hộ tống đám tang thân mẫu chị Tạ Phong Tần   –   Đám tang bà Đặng Thị Kim Liêng: Những tấm hình biết nói (Chuacuuthe).
- Lý do hoãn xử lần 3 phiên tòa các Blogger CLB Nhà Báo Tự Do   –   (DLB). “Theo thông báo này việc hoãn xử lần này là: ‘Do yêu cầu của 2 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo yêu cầu’.   Có vẻ lần này phía tòa án đang cố tỏ ra tôn trọng ý kiến luật sư. Nhưng một cán bộ đề nghị không nêu tên của tòa án thành phố thì nói thẳng: ‘do hiệu ứng của vụ tự thiêu ở Bạc Liêu.”
Trong tình trạng thông tin mù mịt, luật pháp như đùa, thử đoán mò chút về những cú lần khân, hoãn đi hoãn lại vụ xử án này. Trước hết có thể thấy vụ việc thu hút sự quan tâm hiếm thấy, từ Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Clinton, các tổ chức quốc tế cho tới mạng tự do. Việc trì hoãn xử trước có thể liên quan tới những dàn xếp bên trong chưa thống nhất, lại thêm toan tính chờ dịp làm món quà cho một chuyến viếng thăm của TT Obama, theo như đồn đoán.  Nếu như có dự tính sẽ giảm án đáng kể, thậm chí kết án đúng bằng thời gian tạm giam cho một hoặc cả ba người, để làm “món quà” như nói ở trên, thì vụ tự thiêu của thân mẫu blogger Tạ Phong Tần lại gây khó xử, dễ bị hiểu lầm rằng đây là lý do giảm án. “Món quà” không còn nữa. Thật trớ trêu!
- Minh Văn – Xây dựng Cộng Sản chủ nghĩa   –   (Dân Luận). “Nếu như họ hứa vài trăm năm hay một ngàn năm nữa xây dựng thành công Chủ nghĩa Cộng sản thì còn có chút hy vọng, đằng này cứ đằng đẵng một cách vô thời hạn như thế… Cuộc sống của con người thì có giới hạn, làm gì có ai có thể chờ đợi Đảng Cộng sản xây dựng thành công Chủ nghĩa Cộng Sản? Đã hơn 60 năm kể từ khi đảng Cộng sản cướp chính quyền, cho đến bây giờ họ vẫn loanh quanh ‘quá độ’ để đưa đất nước đi lên Chủ nghĩa Cộng sản… Một lần nữa, toàn thể người dân hỏi Đảng Cộng sản một câu rằng: ‘Xây dựng chủ nghĩa Cộng Sản để làm gì, và bao giờ thì xong?’.
- Độc giả méc bài này đã bị gỡ xuống: Làm gì cho thiết thực hơn là sự… “tri ân”! (TVN). Nguồn tin còn cho biết, bài báo đó đã bị Ban Tuyên giáo bắt gỡ xuống sau khi lên mạng được hơn 1 tiếng. Hiện bài báo còn trên trang Báo mới và trang Web Trẻ thơ (Ôi thương quá trẻ thơ ơi! Lớn lên các em sẽ khỏi phải có lối “tri ân” khốn khổ kiểu cha ông nữa).
- Về các bài thơ gần đây của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Khoa Điềm, Thái Bá Tân: Thơ hay không nệ nhiều   –   (Nguyễn Vĩnh).
- Ma Làng (TTXVA). “Nhiều cá nhân đã bị xử lý, nhưng nhiều con sâu khác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Không những thế, hành vi bao che, câu kết thành một quy mô từ dưới lên trên hiện vẫn đang tồn tại, khi sự việc vỡ lở thì đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm. Ma hay Quỷ chúng tôi không thể rõ được, nhưng những sai phạm liên tục xảy ra ở mọi cấp quản lý hành chính và diễn ra trong một thời gian dài là không thể phủ nhận”.
- “Các cấp chính quyền” Còn thờ ơ với nông nghiệp (TT). Sai! Rất quan tâm … lấy đất nông nghiệp. - Mua tạm trữ lúa gạo hỗ trợ nông dân (SGGP). “Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng như các nhà khoa học đưa ra đề nghị nên tổ chức mua tạm trữ lúa để giúp tiêu thụ sản phẩm của người nông dân, thay vì chỉ tạm trữ gạo … Ngoài ra, … thực tế thời gian qua, nông dân vẫn chưa được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách mua tạm trữ của nhà nước. Hầu hết các hộ nông dân nghèo ở ĐBSCL đã bán lúa gạo cho các thương lái trước khi Chính phủ có quyết định mua tạm trữ, nên mặc dù giá lúa gạo có tăng lên trong và sau tạm trữ nhưng lợi nhuận vẫn không vào túi của người trồng lúa.”  Còn một phóng sự của VTV sáng nay thì cho biết một bất hợp lý là chính phủ mua tạm trữ tới 1 triệu tấn lúa gạo tì chi phí lớn gấp 10 lần người dân.
- Nhà báo HOÀNG LINH hồi ức về những ngày thụ án trong tù – Kỳ 1 (Lê Thiếu Nhơn). Cần phân biệt trường hợp này với một Nhà báo, cũng tên là Hoàng Linh, cũng cựu tù nhân, nhưng lại trái ngược hẳn. Ông là nhà báo (XHCN) đầu tiên vì chống tiêu cực mà phải vào tù, khi là TBT tờ Doanh nghiệp. Mời xem truyện ngắn của ông, cũng là một hồi ức nhỏ trong tù: 30. Người Tử tù Câm.
- Vấn đề lớn nhất ở Trung Quốc là chính trị, không phải kinh tế: China’s Biggest Problems Are Political, Not Economic (WSJ).  – Phiên tòa xử vợ Bạc Hy Lai dự trù vào ngày 09/08/2012    –   (RFI).   – Xét xử bà Cốc Khai Lai giữa tuần tới (TT).

KINH TẾ
 -  Tăng giá dồn dập: Kích lạm phát hay ép giảm phát? (Vef). “Bắc thang lên hỏi ông Trời … “.  -  Giá theo đường [lối] giá, lương đường lương (VNN). Hay! – Chỉ trong đúng 1 tháng, điện, gas, xăng Ba cú tăng giá “thiêu rụi” doanh nghiệp (PLT)P. - Sao lại bù lỗ bằng cách tăng giá điện? (TQ).
- Trái phiếu chính phủ ngày càng khó bán (TBKTSG). Coi chừng lại phải gỡ bài!

VĂN HÓA-THỂ THAO
- Tình cát 2 (Quê Choa).
- Đằng sau thành tích bơi lội của Trung Quốc tại Olympic 2012: Liệu có gian lận? (SKĐS). – Ngô Mẫn Hàn của TQ bặt tin nhà nhiều năm   –   (BBC). “Gia đình VĐV Ngô Mẫn Hà, huy chương vàng môn nhảy cầu, không cho cô biết mẹ cô bị ung thư suốt tám năm nay vì sợ ảnh hưởng thi đấu”.
GIÁO DỤC-KHOA HỌC

XÃ HỘI-MÔI TRƯỜNG
QUỐC TẾ
 

 

 Bẻ gãy vòng kim cô 16 chữ!

Kinh nhật tụng của tập đoàn chóp bu Ba Đình từ mấy chục năm nay chính là phương châm 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” mà chính lãnh đạo đảng CS Trung Quốc (tổng bí thư Giang Trạch Dân) đưa ra và lãnh đạo đảng CS Việt Nam (tổng bí thư Lê Khả Phiêu) đón nhận đầu năm 1999. Phương châm này “xác định tư tưởng chỉ đạo và khung tổng thể phát triển quan hệ hai nước Việt–Trung trong thế kỷ 21, đánh dấu quan hệ Trung-Việt đã bước vào giai đoạn phát triển mới được lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước xác định trong Tuyên bố chung từ tháng 2-1999”. Đây là kết quả (đúng ra là hậu quả) của việc đầy tớ Hà Nội tái khấu đầu bái phục tôn chủ Bắc Kinh tại Hội nghị Thành Đô ngày 4-9-1990. Phương châm đó chính là chiếc vòng kim cô mà Đường Tăng Tàu cộng áp lên đầu Tôn Ngộ Không Việt cộng để khống chế y cho tới hôm nay.

Đến tháng 11-2000, khi hội đàm với tân Tổng bí thư CSVN Nông Đức Mạnh đến bái yết Thiên triều, Giang Trạch Dân đã giảng giải phương châm quan trọng đó cho bầy tôi như sau: “Ổn định lâu dài là nhấn mạnh tình hữu nghị Trung Việt phù hợp với lợi ích căn bản của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, nên bất cứ lúc nào, bất cứ tình hình nào đều phải giữ sự ổn định và phát triển lành mạnh của quan hệ hữu nghị, khiến nhân dân hai nước đời đời hữu nghị với nhau; Hướng tới tương lai là phải xuất phát từ hiện nay, nhìn về lâu dài, kế thừa truyền thống, mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho quan hệ Trung Việt; Hữu nghị láng giềng là yêu cầu hai bên phải làm người láng giềng tốt, người bạn tốt, trước sau xử lý mọi vấn đề trong quan hệ hai nước với tinh thần láng giềng hữu nghị: Hợp tác toàn diện là phải không ngừng củng cố, mở rộng và sâu sắc sự giao lưu và hợp tác giữa hai đảng, hai nước trong mọi lĩnh vực, để mưu cầu hạnh phúc cho hai nước và nhân dân hai nước, đồng thời góp phần cho việc giữ gìn và thúc đẩy nền hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực” (theo Wikipedia tiếng Việt do Hà Nội biên soạn).
Chưa hết, chiếc vòng kim cô ấy lại được Thiên triều nạm thêm “16 hột xoàn” nữa: “Sơn thủy tương liên, Văn hoá tương thông, Lý tưởng tương đồng, Vận mệnh tương quan” và cuối cùng là tứ hảo đại ngôn: “Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt”. Có lẽ trong lịch sử nhân loại, chưa bao giờ có những mỹ từ xưng tụng, rèn đúc và vĩnh viễn hóa mối quan hệ giữa hai nước, hai đảng như thế. Trái lại người ta chỉ thấy có những quan hệ hữu hảo ngắn hạn, đồng minh tạm thời giữa các quốc gia khi còn chung quyền lợi. Còn trong lịch sử dân Việt thì chỉ từng thấy những chữ (mà có lẽ các bộ chính trị ở Ba Đình chưa bao giờ đọc): “Ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ; ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để phụng sự lòng tham không cùng; khoác hiệu Vân Nam vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau” (Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo) hoặc: “Quân cuồng Minh đã thừa cơ tứ ngược, bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Chước dối đủ muôn nghìn khóe, ác chứa ngót hai mươi năm. Bại nhân nghĩa nát cả càn khôn, nặng khoá liễm vét không sơn trạch. Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu. Nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim sả. Tàn hại cả côn trùng thảo mộc, nheo nhóc thay quan quả điên liên. Kẻ há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán. Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa. Nặng nề về những nỗi phu phen, bắt bớ mất cả nghề canh cửi. Ðộc ác thay! Trúc rừng không ghi hết tội. Dơ bẩn thay! Nước bể không rửa sạch mùi. Lẽ nào trời đất tha cho? Ai bảo thần nhân nhịn được?” (Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi).
Dù sao, chiếc vòng kim cô của Đường Tăng chỉ nhằm giữ Tôn Ngộ Không bước trên lối nẻo minh chính, theo một sư phụ đức hạnh và đi tới cùng đích cao quý: thỉnh kinh Phật để mở con đường giải thoát chúng sinh. Còn chiếc vòng kim cô của Tàu cộng thì biến Việt cộng thành tên học trò ngu xuẩn, mù quáng đi theo một ông thầy gian manh xảo trá có hạng, dẫn đất nước nó đang được ủy trị vào con đường khủng hoảng bế tắc và hướng tới một cùng đích đáng sợ: bá chủ thế giới, biến cả nhân loại thành nô lệ cho nòi Hán tộc cộng sản với những tên thái thú Việt gian.
Ngay trước khi xuất hiện 16 chữ vàng, từ thời Hồ Chí Minh, dân Việt đã nếm được thế nào là “hữu nghị láng giềng”, là “toàn diện hợp tác” (1) khi toàn bộ cuộc Cải cách ruộng đất tàn sát đồng bào miền Bắc được đặt dưới sự chỉ đạo từ xa của Mao Trạch Đông và từ gần bởi các đồng chí cố vấn Tàu cộng; (2) khi toàn bộ Tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chu Ân Lai quyết định về hải phận Trung Quốc (bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) đã mau chóng được Việt cộng tán thành qua Công hàm Phạm Văn Đồng 10 hôm sau đó, qua “Bản đồ thế giới” do Phòng bản đồ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân vẽ năm 1960 với chú thích “các đảo ở Nam Hải, bao gồm cả quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) thuộc lãnh thổ Trung Quốc”, qua “Atlas bản đồ thế giới” do Cục đo đạc và bản đồ thuộc Phủ Thủ tướng CSVN in năm 1972, trong đó quần đảo Nam Sa được chú thích bằng tiếng Hoa, chứ không phải bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Việt, qua sách giáo khoa địa lý trong trường phổ thông do Nhà xuất bản Giáo dục CSVN in ra năm 1974 vốn từng viết: “Các đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa), Nam Sa đến đảo Hải Nam, đảo Đài Loan… đã tạo thành một bức trường thành bảo vệ đại lục Trung Quốc”; (3) khi toàn bộ miền Bắc được hơn 350 ngàn quân Tàu cộng giữ cho để bộ đội Việt cộng rảnh rang mà tiến đánh Việt Nam Cộng Hòa; (4) khi toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bị Tàu cộng đánh cướp năm 1975 với sự im lặng hoàn toàn của Hà Nội; (5) khi toàn bộ binh sĩ đồn trú đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa bị Tàu cộng hạ sát để tiến chiếm năm 1988 với sự bất động hoàn toàn của Bộ chính trị….
Hiện nay, ý đồ thâm độc của 16 chữ vàng, 4 chữ tốt càng thể hiện qua vô số hành vi ngang nhiên trắng trợn, khắp nơi mọi mặt của Trung Quốc đối với Việt Nam, khiến cả dân tộc, đặc biệt là vô số cán bộ lão thành, trí thức văn nhân, phóng viên dân báo và những nhà đấu tranh dân chủ vừa phẫn nộ vừa mạnh mẽ chỉ rõ: Ngoài biển Đông thì Trung Quốc liên tục xâm lấn: củng cố cơ sở chiến đấu ở Hoàng Sa, nâng cấp Tam Sa lên thành phố với một bộ chỉ huy quân sự, đưa dàn khoan khổng lồ vào Biển Đông, thông báo mời thầu quốc tế với 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Việt, đưa một đội hải thuyền 30 chiếc, gồm một tầu hậu cần 3000 tấn và 29 tầu đánh cá tiến vào khu vực đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, phái tàu đổ bộ Ngọc Đình có trang bị đại pháo và sân đáp trực thăng đến bãi đá Su Bi thuộc quần đảo Trường Sa nước Việt. Chưa kể từ bao năm nay, những loại tầu quân sự chính thức hay trá hình của Trung Quốc như thế đã thường xuyên bắt giữ ngư thuyền, tịch thu ngư cụ, cướp đoạt ngư phẩm và đánh đập ngư dân Việt (thậm chí còn bắt giam họ để đòi tiền chuộc) mà hải quân Việt Nam chẳng bao giờ ra tay cứu giúp! Trong đất liền thì Trung Quốc liên tục xâm nhập: thuê các cánh rừng đầu nguồn mang tính biên phòng, khai thác bauxite ở yếu huyệt Tây Nguyên, lập bè nuôi cá trên vịnh Cam Ranh vốn là một quân cảng chiến lược, xây thôn làng phố thị biệt lập tại Lào Cai, Bình Dương…, thắng thầu 90% công trình từ cực bắc tới cực nam lãnh thổ, dựng nhà máy ở Quảng Ninh không giấy phép, khai trương các trang mạng xã hội Tencent, Baidu, Wechat  hòng kiểm soát và khống chế internet trên đất Việt, mở phòng mạch khám chữa bậy tại Hà Nội lẫn Sài Gòn, xúi nông dân nhiều nơi nuôi đỉa trâu, làm chè bẩn… Tất cả xảy ra trước sự bất lực hay bao che của toàn bộ “hệ thống chính trị” Hà Nội! Chưa kể từ bao năm nay, Tàu cộng đã thao túng lũng đoạn nền chính trị, tài chánh, văn hóa của đất nước; xâm nhập vào cả lực lượng công an, quân đội. Trên mặt trận ngoại giao, Tàu cộng luôn né tránh vấn đề Biển Đông ở tất cả các diễn đàn an ninh khu vực lẫn quốc tế và cho rằng chỉ nên giải quyết các tranh chấp theo kiểu song phương thay vì đa phương như các nước -ngoại trừ Việt Nam- đòi hỏi (tuyên bố của Nguyễn Chí Vịnh ngày 28-8-2011). Trên mặt trận tuyên truyền: Hoàn Cầu Thời Báo, một cơ quan ngôn luận của Đảng CSTQ, liên tục có những luận điệu kích động tâm lý hiếu chiến đối với Việt Nam trong công chúng Trung Quốc từ lục địa ra hải ngoại, những thông tin bịa đặt trắng trợn về chủ quyền Hoàng Trường Sa, những lời lẽ hăm dọa và chửi bới cách dữ dội và vô liêm sỉ đối với nhà cầm quyền lẫn toàn thể dân Việt.
Đang khi đó người dân yêu nước xuống đường chống quân xâm lược thì bị đàn áp đủ cách, kể cả đánh đập giam tù; bị thóa mạ vu khống tại cơ quan nhà nước, trên phương tiện truyền thông xã hội; bị cấm chỉ bày tỏ lập trường qua mạng internet và các trang nhật ký (blog). Báo chí, dù là lề đảng, cũng phải câm như hến kẻo làm suy yếu tình hữu nghị Trung Việt. Ngược lại, đảng và nhà nước vẫn liên tục tiến hành những hoạt động đa dạng để củng cố 16 chữ vàng khốn nạn, vòng kim cô nghiệt ngã. Như khởi động cuộc thi "Tiếng hát Hữu nghị Việt-Trung 2012" (hôm 19-05) để ngợi ca tình nghĩa “môi cắn răng”, “chủ hành tớ”. Như tổ chức Đại hội toàn quốc Hội hữu nghị Trung-Việt (hôm 10-07) để đoan hứa bày tỏ lòng tri ân các cá nhân, tổ chức và địa phương của Tàu cộng. Như họp mặt chào mừng ngày thành lập Giải phóng quân Trung Quốc nhân kỷ niệm 85 năm ngày xuất hiện cái lực lượng đã và đang dày xéo đất Việt (hôm 28-07).
Người ta tưởng như sống lại những lời tố cáo Bắc phương của Hịch Tướng Sĩ, Bình Ngô Đại Cáo. Và như nghe lại những lời quở mắng của Đức Hưng Đạo Vương: “Nay các ngươi ngồi nhìn chủ [nhân dân] nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm”. Phải chăng vì tập đoàn lãnh đạo CSVN quyết không muốn bẻ gãy vòng kim cô 16 chữ do đã quá mê đắm trong quyền lực và quyền lợi?
BAN BIÊN TẬP
Bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 152 phát hành ngày 01-08-2012.
 

1182. Thiếu tá – Nhà báo Nguyễn Văn Minh tố cáo từng bị dọa giết vì hăng hái “chống diễn biến hòa bình”

Đôi lời: lâu nay chỉ thấy đầy dẫy chuyện những người không vừa lòng với các giới chức của chế độ thì bị đủ thứ tai ương, kể cả xã hội đen khủng bố, nhưng chưa bao giờ nghe kẻ bảo vệ chế độ nhiệt thành, một con chim sơn ca hiếm hoi như Nguyễn Văn Minh lại bị đe dọa giết.
Lạ là chế độ này có đủ mọi phương tiện hiện đại trong tay, quyền lực vô biên, sao không lần ra những kẻ lưu manh đó để bảo vệ Minh? Đăng bài này lên cũng là để nhắc nhở nhà chức trách về điều đó.
Tuy nhiên, cũng xin có một gợi ý. Đó là ở đời, nhiều khi những lời phê phán nghiêm khắc, nhắm trúng tim đen kẻ tiểu nhân, cũng không khác gì những lưỡi dao sắc lẹm. Nên Minh đã bị lầm lẫn? 
Nhà báo & Công luận

Thiếu tá – Nhà báo Nguyễn Văn Minh – Báo Quân Đội Nhân dân:

Dù bị đe dọa kiểu gì tôi vẫn tiếp tục viết về “chống diễn biến hòa bình”

Thứ Năm, 02/08/2012-3:16 PM
(CL)- Congluan.vn xin giới thiệu với bạn đọc cuộc trò chuyện giữa phóng viên báo NB & CL với Thiếu tá Nguyễn Văn Minh – Phóng viên báo Quân đội Nhân dân.

+ Xin bắt đầu bằng lời chúc mừng anh vừa Đoạt giải B giải báo chí Quốc gia năm 2011. Được biết, tác phẩm “Con đường Nam Quốc Sơn Hà” là loạt bài mà anh và đồng nghiệp phải “đeo bám” suốt 5 năm qua?
-Đúng vậy! Trong số không nhiều phóng viên được đi nhiều, đi sâu, đi kỹ trên đường tuần tra biên giới, tôi và Đại tá Bùi Đức Toàn là người đã được đi gần “khép kín” các cung đường tuần tra biên giới, từ Lạng Sơn, Sơn La, Điện Biên cho tới Thanh Hoá, Nghệ An, từ đỉnh Pu Vai Lai Leng nóc nhà Trường Sơn cho đến đỉnh núi Ngọc Linh của Tây Nguyên hùng vĩ, đi từ mùa mưa cao nguyên dai dẳng cho đến cái nắng gió Lào đổ lửa và rát rạt của miền Trung, đi từ mùa hoa mơ, hoa mận Tây Bắc cho tới mùa hoa cà phê, hoa dã quỳ, từ rừng khộp, rừng tre tới xứ sở hoa sen, hoa súng, lục bình trôi miền Tây Nam Bộ… 5 năm qua, cùng đi, cùng ăn, cùng ngủ với những người lính vượt núi băng rừng bổ những nhát cuốc đầu tiên xuống rẻo đất biên cương đã là những kỉ niệm khó quên trong cuộc đời cầm bút của tôi. Trong loạt ký sự 7 kỳ, chọn 5 kỳ đi dự thi, ban đầu chúng tôi không có ý định dự thi nên chỉ viết về những gian khổ của người lính mở đường. Điều tôi cảm thấy xúc động nhất chính là qua những chuyến đi, tôi đã có được những câu chuyện vô cùng cảm động về người lính, những gian khó, những hy sinh thầm lặng của họ. Tôi hay bất cứ người phóng viên nào từng đến những cung đường này đều phải đổ mồ hôi, nước mắt và đã có lúc tưởng như…không còn cơ hội trở về nhưng những gì mình cống hiến khi tác nghiệp tôi nghĩ vẫn còn quá nhỏ bé so với họ và không có lý do gì để mình ngại khó, ngại khổ khi đến với những con đường “đệ nhất khổ” đó!

+ Và nghề báo cũng vậy, trên một mặt trận mà hiểm nguy lại ở con chữ và tại lòng người… Tìm kiếm trên google cái tên “nhà báo Nguyễn Văn Minh – báo quân đội Nhân dân” tôi thấy quá nhiều bài viết ghét bỏ hơn là ngợi ca anh? Vì sao vậy?

– Nói đúng hơn là xúc phạm, là căm thù, là bịa đặt, thô bỉ! Cơ sự như bạn nói quả thực cũng bắt đầu từ các tác phẩm báo chí của tôi. Báo Quân đội Nhân dân mở một chuyên mục bình luận “làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”” trên tinh thần là mũi nhọn đấu tranh trước những quan điểm sai trái, phản động, bảo vệ ý thức hệ. Tôi bắt đầu viết bài viết đầu tiên trên chuyên mục này là bài “Họ đã bắn vào quá khứ”, bài tiếp theo là “Báo chí lề trái hay rác rưởi trên internet?”, “Phía sau câu chuyện “trí thức nhân dân”…. Bài viết vừa đăng tải, ngay lập tức, tôi vấp phải sự phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng. Trang blog cá nhân của tôi, bỗng dưng lượng truy cập tăng đột ngột và các comment đánh phá, chửi bới, thậm chí bịa đặt các vấn đề liên quan đến công việc cá nhân cứ liên tục diễn ra…Tôi còn bị khủng bố điện thoại hàng đêm, và thậm chí bị dọa giết.
+ Anh đã từng bị dọa giết?
– Chính xác. Sự việc cũng vừa diễn ra vào năm ngoái. Hầu như ngày nào tôi cũng có điện thoại trong đêm. Đầu máy bên kia sau vài lời hỏi han là bắt đầu văng tục, chửi bới với thái độ vô văn hóa, không chỉ chửi cá nhân tôi mà còn chửi Đảng, chửi Bác Hồ, chế độ XHCN của chúng ta. Nhưng nói thật tôi không sợ, bởi tôi viết đúng và chắc chắn đã viết trúng…tim đen của bọn phản động, điều đó khẳng định sức mạnh của ngòi bút. Cụ Đồ Chiểu từng dạy “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” mà! Và quan trọng hơn là tôi luôn được lãnh đạo báo Quân đội Nhân dân rất ủng hộ. Nhưng dù bị dọa giết, tôi vẫn viết về “chống diễn biến hòa bình”. Tôi vẫn tiếp tục viết, không đổi bút danh nhưng phải xóa bớt các thông tin cá nhân liên quan đến gia đình, người thân trên blog… để tránh điều xấu có thể ảnh hưởng tới mọi người. Tôi nghĩ mình càng phải đẩy mạnh những bài viết như thế để đập tan các âm mưu của những kẻ cơ hội chính trị trong nước hùa theo những luận điểm sai trái của địch, những kẻ phản động ra sức công kích Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Tôi mong làng báo cùng hợp sức lại. 

+ Hợp sức lại trên mặt trận đấu tranh chống các luận điệu sai trái, tôi nghĩ làng báo chúng ta vẫn đang làm rất quyết liệt và mạnh mẽ, thưa anh?

-Trên lĩnh vực chống diễn biến hòa bình, các báo đều quan tâm nhưng đội ngũ phóng viên trẻ vào cuộc còn ít. Tôi mong muốn chúng ta thực hiện một cách hệ thống hơn, thu hút được nhiều phóng viên trẻ đi sâu vào viết các vấn đề này. Những người trẻ tuổi, tôi tin họ có nhiệt huyết, tự tôn dân tộc và cả lòng quả cảm của người làm báo. Nếu có thể được sự ủng hộ, tôi mong chúng ta thành lập được các câu lạc bộ nhà báo chuyên viết về về chống “diễn biến hòa bình”, hình thành nhiều chuyên trang, chuyên mục và các hoạt động đấu tranh hiệu quả, thu hút giới trẻ và toàn xã hội quan tâm.

+ Vâng, xin cảm ơn anh! 

HÀ VÂN (thực hiện)
Nguồn: Nhà báo & Công luận

Mời xem thêm: 235. Chửi bậy, cắn càn, bịa đặt thô bỉ… (04-08-2011) blog Nguyễn Văn Minh.
 

235. Chửi bậy, cắn càn, bịa đặt thô bỉ…


Đôi lời: Đây là bài viết của Đại úy QĐNDVN Nguyễn Văn Minh trên blog của mình, Mời bà con đọc và cho ý kiến.
BS chỉ xin nêu một phát hiện, là bài viết “khuyết danh” bữa trước trên trang Viet-Studies của GS Trần Hữu Dũng “Liệu TQ có tấn công VN lần thứ hai?”, ngày 8/7, cũng được đăng trên blog NVM vào ngày hôm sau, trong “Thư mục: Phóng sự – Ký sự Nguyễn Văn Minh“. Ngạc nhiên chưa? Bán tín bán nghi, thử  coi thêm mấy bài NVM đăng lại trên blog Mai Thanh Hải, Phạm Viết Đào, cũng thấy được đưa vô “Thư mục: Phóng sự – Ký sự Nguyễn Văn Minh“. Chào thua!
Bổ sung: Chúng tôi vừa hỏi GS Trần Hữu Dũng và được ông cho biết, người viết bài “Liu TQ có tn công VN ln th hai?” không phải là Nguyễn Văn Minh.
.

Chửi bậy, cắn càn, bịa đặt thô bỉ…

Đăng lại từ Blog Nguyễn Văn Minh
NVM Blog – Dẫu đã lường trước, nhưng không thể nghĩ rằng, sau khi  bài báo về hiện tượng blog phản động của NVM đăng tải trên báo Quân đội nhân dân thời gian vừa qua lại vấp phải phản ứng thô bỉ, vô văn hoá, cùn bậy hết chỗ nói của các thế lực phản động đối với tác giả những ngày qua. Chỉ có thể dùng một câu “chửi bậy, cắn càn, bịa đặt thô bỉ…” để nói về lũ người này…
Với mấy trăm comment trên một vài trang phản động, rất nhiều comment chửi bới trên Quân đội nhân dân Online, hơn 1000 lượt truy cập vào blog cá nhân chỉ trong một ngày cùng nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn chửi bới, đe doạ, bọn phản động đã bộc lộ rõ bộ mặt thật của chúng. Không hề có một comment nào phản biện cho “ra hồn”, có lý lẽ, có cơ sở, có văn hoá, có tinh thần khoa học sòng phẳng với những lập luận của tác giả. Tràn ngập những lời chửi bới tục tĩu, bậy bạ, suy luận nhố nhăng. Lẽ ra tác giả NVM “không thèm chấp” với những phản ứng vô văn hoá này nhưng vì bọn chúng đã cố tình đưa ra một số bịa đặt nguy hiểm, làm xúc phạm và có thể gây hiểu lầm trong đồng nghiệp, bạn bè về NVM, nên NVM buộc phải viết phản hồi này, vạch trần một số thủ đoạn thâm độc của chúng.
1.    Bịa đặt “NVM là kẻ “ăn chặn tiền của thương binh liệt sĩ, sau về báo Quân đội nhân dân…
   Để hạ thấp uy tín của tác giả, bọn phản động đã tự dựng lên thông tin: “Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1974 hay 1975 thì phải, quê Thái Bình, học trường Học viện chính trị quân sự tại Bắc Ninh, làm bên quân đội một thời gian, đã dính vụ ăn chặn tiền của thương binh liệt sĩ, sau về báo Quân đội nhân dân…”. Từ cái tin bậy bạ này, chúng nhao nhao bình luận, cho rằng NVM là loại người vô liểm sỉ, ăn chặn tiền của thương binh, liệt sĩ, không xứng danh là nhà báo. Trên thực tế, cả trước đây và hiện nay, NVM chưa bao giờ đảm nhiệm công việc nào gọi là “có chức có quyền” để mà “ăn chặn tiền của thương binh liệt sĩ” như chúng rêu rao. Ngược lại, NVM chính là người luôn đấu tranh cho quyền lợi của các thương binh, gia đình liệt sĩ với không ít loạt bài phóng sự dài kỳ như “Những người hùng ở nhà lao Cây Dừa” (lên tiếng đấu tranh cho chính sách của các cựu tù binh Phú Quốc), “Lưỡi gươm thần cuối trời Nam trung Bộ (đấu tranh cho sự thiệt thòi của các cựu chiến binh tiểu đoàn đặc công 200C Anh hùng), nhiều bài điều tra bảo vệ các gia đình chính sách bị thiệt thòi…Những kẻ phản động dựa vào đâu để có thể tung một thứ tin tức bậy bạ như vậy. Việc này, NVM cũng đã chủ động báo cáo với cơ quan nơi mình công tác.
2.    Chửi bới tác giả không được, chúng mạo danh một số đồng nghiệp, bạn bè, thầy giáo của NVM để tiếp tục tung tin bậy bạ như giả danh Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, giả danh giảng viên Học viện Chính trị để nói xấu Đại tá Hà Mạnh Tường, giả danh thầy cũ, bạn cũ của NVM để lên mặt dạy đời bằng những lời vô văn hoá không bút nào tả xiết mà tác giả không tiện dẫn ra đây.
3.Chúng cố tình đánh tráo khái niệm, xuyên tạc các vấn đề nêu lên bằng cách cho rằng NVM chụp mũ cả thế giới blog là xấu xa, rác rưởi; làm như tác giả là một kẻ cầm bút vô lương, không phân biệt được đúng sai. Trên thực tế, NVM chỉ phê phán những blog “đen”, blog phản động, chúng chính là “rác rưởi”; còn những blog của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, tác giả luôn hiểu có nhiều trang hấp dẫn, bổ ích, không thể ‘xếp chung một rọ” với loại nấm độc vớ vẩn của bọn phản động. Với xu thế phát triển của báo chí hiện đại, với những blog chân chính và bổ ích, còn có thể là một kênh thông tin và cần có sự tương tác, hợp tác giữa báo điện tử và blog để đáp ứng tốt hơn nhu cầu bạn đọc (NMV sẽ bàn trong một dịp khác).
 Trong các bài viết vừa qua, điều tác giả muốn nhấn mạnh ở đây: Âm mưu phân chia “báo lề trái”, “báo lề phải” chính là một thủ đoạn nguy hiểm của bọn phản động. Chúng đã cố tình xuyên tạc phát biểu của ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông trước đây, cho rằng khái niệm này chính là của ông Hợp đưa ra. Song, trên một tờ báo, chính ông Lê Doãn Hợp từng phủ nhận điều này, ông nói: “Vấn đề báo chí đi đúng lề đường bên phải là tôi nói đầy đủ nhưng mà nhiều khi anh em báo chí cứ cắt gọn đi, tức là có câu giữa nhưng không có câu trước và câu sau.
“Trong khi anh em báo chí nói thì tôi có nói thế này: Gần như tất cả mọi nghề nghiệp trên thế giới, muốn an toàn và tự do đều phải làm đúng luật. Cái đó là văn minh của loài người. Luật lệ càng kỹ bao nhiêu, càng đồng bộ bao nhiêu thì văn minh của loài người càng cao bấy nhiêu…
“Tôi nói cái ý đó là tất cả mọi ngành nghề trong đất nước này muốn an toàn và tự do thì phải làm đúng luật, cũng như người đi bộ khi tham gia giao thông sẽ an toàn và tự do nếu mình đi đúng lề đường bên phải. Chứ còn mình nhảy ra đường xe máy mình đi, mình nhảy sang đường ô tô mình đi thì làm sao an toàn được.
“Phải nói đầy đủ như vậy, nhiều khi nó cứ cắt đi thì ‘lề đường bên phải’ như trói buộc, nhưng không phải.” Theo quan điểm của NVM, việc phân chia “lề trái, lề phải” ở trên chỉ là luận điệu của bọn phản động. Trên thực tế, báo chí Việt Nam hiện nay không cần và không có phân chia “lề” nào hết. Chính bọn phản động đã cố vơ vào nhiều blog cho rằng đó là “báo lề trái”, là cùng hội cùng thuyền với chúng nhưng lại bị chính chủ nhân phản ứng. Xin lấy ví dụ một đoạn phản ứng của blog Trương Duy Nhất (tất nhiên blog của tác giả này cũng còn nhiều điều chưa ổn song tôi không bàn ở đây): Trương Duy Nhất không phải là trang lề trái, càng không phải là trang phản động hay kích động sự thù hằn, chống phá chế độ. Trương Duy Nhất là trang lề phải và viết theo lẽ phải!”
4.Tác giả cũng như đội ngũ làm báo Báo Quân đội nhân dân, cũng như một số cơ quan báo chí khác luôn hiểu, tờ báo của mình còn những hạn chế cần tiếp tục đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Nhưng không thể lấy lượng truy cập làm thước đo duy nhất đánh giá chất lượng của một tờ báo mà còn phải tính đến tổng hoà giá trị thông tin và nhu cầu của các nhóm đối tượng bạn đọc. Nếu muốn tăng lượng truy cập bằng cái cách mà các loại blog phản động, các trang web lá cải hay làm, những người làm báo QĐND thừa sức đẩy lượng truy cập lên hàng triệu bằng những thông tin giật gân, hậu trường, thậm chí là với thông tin “lạ” chưa đến mức gây hại như cách làm của chúng…(Nhưng đây là một vấn đề khá dài, cần phân tích thấu đáo hơn mà tác giả sẽ có dịp trở lại khi có điều kiện).
          Cuối cùng, NVM xin khép lại những lời này, chủ yếu là để chia sẻ với bạn đọc, bè bạn chân chính bằng việc trích dẫn lại lời ông  Tô–đo Gip–cốp, nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng sản Bungari đã tổng kết: “Điều quí giá nhất của thế giới và hành tinh chúng ta là niềm tin cậy và sự thật. Sự thật sẽ sáng tạo thế giới và mọi sự giả dối đều phá hoại thế giới”. Và  nguyên soái Zhukov từng khẳng định: “Người ta có thể tìm mọi cách để xuyên tạc lịch sử, nhưng không ai có thể làm lại lịch sử. Dẫu sao, sự thật vẫn toàn thắng”.
          Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời điểm cam go nhất của thời hoà bình đã từng đưa ra chân lý: “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” thì không có lý do gì hiện nay và về sau, những người cộng sản chân chính phải né tránh sự thật. Vấn đề là ở chỗ “viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào” thúc đẩy sự phát triển của xã hội và vì lợi ích cộng đồng mà thôi.
 

Người Tử tù Câm

Đôi lời: Xin giới thiệu một nhân vật khá đặc biệt, một nhà báo chống tham nhũng bị án tù giam đầu tiên ở Việt Nam (XHCN) cách đây 11 năm, do “lỗi tác nghiệp” khi đang là Tổng biên tập tờ Doanh Nghiệp. Anh bị án tù một năm lẻ mấy ngày – đúng bằng thời gian tạm giam. Sẽ chưa tiện để nói về vụ việc của anh, chỉ có thể đề cập ở đây là cho tới hôm nay anh vẫn là một nhà báo rất say mê với nghề nghiệp, khát khao nâng cao dân trí, chống tham nhũng. Ngoài ra, anh còn có cả pho chuyện kể về đời sống và tâm lý người tù rất cảm động. Tiếc rằng cuộc sống với nghiệp báo bộn bề chưa cho anh điều kiện thai nghén những tác phẩm văn học bằng chất liệu sống đặc biệt hiếm hoi đó. Dưới đây là một truyện ngắn viết về một nhân vật và cảnh ngộ éo le có thật, một bạn tù mà chưa từng được gặp gỡ của anh (truyện đã được đăng trên tờ Văn Nghệ Trẻ năm 2007).
 

Người Tử tù Câm

Truyện ngắn của Nguyễn Hoàng Linh
Hắn bị giam ở cạnh buồng của tôi. Gần một tháng trời kể từ ngày tôi bị giam vào đây, hắn không nói một lời nào. Dãy buồng B lẻ lặng như câm, như điếc. Theo số suất cơm của người “tù tự giác” bê vào thì cả dãy chỉ có hai người, tôi và hắn.
Thời gian lặng lẽ trôi đi như dòng nước chảy ngược. Tương lai chẳng thấy đâu mà chỉ toàn hiện lên quá khứ. Cái buồng giam bé hẹp chưa đầy 6 mét vuông, hai bệ xi măng lạnh ngắt, một bệ xí và một chiếc bể nước con khiến lồng ngực như khép lại, tức thở. Đêm đến, giấc ngủ chập chờn toàn những bóng ma và ác quỷ.
- Nó câm đấy! án “dựa cột”. Đang chờ ngày hành quyết.
- Trẻ lắm, mới 27 tuổi. Đẹp trai.
- Quê ở Thái Nguyên. Vừa cướp của, vừa giết người.
- Thỉnh thoảng khóc một mình. Tội nghiệp lắm!

Mỗi lần đưa cơm, người “tù tự giác” chỉ kịp thông tin từng mẩu về hắn như vậy. Cứ như người gom nhặt từng mẩu bánh mì rơi vãi để chắp thành một chiếc bánh mì, tôi mường tượng ra gương mặt và số phận của hắn.
***
“Có ai còn sống khô… ô… ông!”. Thình… Thình… Thình… Tôi giật mình tỉnh dậy. Đêm lặng ngắt, chỉ có tiếng o… o… của chiếc chấn lưu đèn ống mắc ngoài hành lang vọng vào. Cánh cửa sắt vẫn đóng im ỉm. Hình như có tiếng người, lại cả tiếng đập cửa? Không thể thế được. Đương nhiên không phải tiếng thằng câm. Vậy thì ai gọi? Vọng từ đâu đến? Hay là tiếng của những oan hồn?… Tim tôi đập thình thịch. Tôi khẽ nghiêng người, đưa mắt nhìn sang bệ xi măng bên cạnh. Không có gì. Không có bóng áo trắng nào nằm ở đấy cả. Người “tù tự giác” thỉnh thoảng nói với tôi rằng ở đây nhiều ma lắm. Hôm nào nghe tiếng chó tru lên ngoài xa là có ma về. Nhiều người tù đang đêm tỉnh dậy, thấy một bóng áo trắng nằm ngay bên cạnh mình. Rồi lại có người nhìn thấy ma đi lũ lượt ngoài hành lang, tay dắt cả chó ngao… Tôi không tin là trên đời này có ma và cũng chưa bao giờ gặp ma. Nhưng tôi vẫn cho rằng có một “thế giới vật chất phi truyền thống” nào đó, tồn tại ở một dạng sóng hạt nào đó mà chỉ một số người “bắt” được tần số mới cảm nhận được. Trường hợp nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên ngồi tại Hà Nội mà hướng dẫn người tìm mộ tận trên rừng Trường Sơn, nói đâu đúng đấy trong hàng trăm trường hợp thì đâu còn là sự ngẫu nhiên. Có lẽ ma đang nằm bên cạnh mình thật, đang nói, đang gọi thật, đang đập cửa thật mà mình chỉ cảm nhận được khi ngủ chứ không cảm nhận được khi thức. Tôi cứ tự an ủi mình bằng cách nghĩ như vậy và yên tâm quay mặt vào tường ngủ tiếp.
“Có ai còn số… ố… ống khô… ô… ông!”. Thình… Thình… Thình… Tôi lại choàng tỉnh. Song lần này khác với lần trước, sau tiếng “khô… ô… ông” cuối cùng ấy là một tiếng nấc vô vọng. Tôi tỉnh hẳn, ngồi bật dậy, lao ra cửa, tay nắm lấy song sắt. Ngoài hành lang vẫn vắng lặng. Ánh đèn nê-ông nhợt nhạt như màu của xác chết. Tôi lấy hết can đảm thì thào “Ai đấy! Có tôi đây!”. Tôi linh cảm thấy rằng đấy là tiếng gọi của thằng câm.
- Anh ở phòng nào? – Tiếng người reo lên nho nhỏ.
- B13! – Tôi thầm thì.
- Tôi B15. Tôi là thằng câm đây!
- Câm sao lại nói được?
Lặng đi vài giây, thằng câm khe khẽ:
- Chuyện dài lắm. Có lẽ tôi sắp phải “đi” rồi.
Rồi thằng câm kể: Quê tôi ở Thái Nguyên. Anh đã lên Thái Nguyên bao giờ chưa? Vùng đất đồi núi, chó ăn đá, gà ăn sỏi ấy, chẳng có cái gì tồn tại được trừ cây chè và cái đói, cái nghèo. Nhà tôi có sáu người. Nói là sáu song thực chất chỉ có năm: bố, mẹ và ba anh em tôi. Tôi ở giữa. Còn đứng thứ sáu là một con chó. Nó tên Tu Tu, bảy tuổi. Nhà tôi nghèo, thiếu đủ thứ song không thể thiếu con Tu Tu. Nó cùng vui, cùng buồn với tất cả mọi người trong nhà, nó thân thiện với bạn bè, người thân của gia đình nhưng cực kỳ hung dữ với những kẻ có tâm địa ác độc. Ai đến nhà chơi, nếu con Tu Tu nằm ngay bên cạnh khách, thỉnh thoảng gầm gừ, ấy là báo hiệu người nhà phải cảnh giác người đang ngồi chơi đấy mà tâm địa tối tăm. Còn những người khác, nó lảng ra ngoài cổng. Nó biết cảm thông, chia sẻ cái nghèo với chủ. Nhà tôi một tháng, năm thì mười họa mới có một bữa cơm có thịt, và hôm ấy, bao giờ con Tu Tu cũng biến mất, không ngồi chồm hỗm, vui vẻ với chủ như những bữa khác. Chỉ khi cả nhà ăn xong, bưng cái mâm bát ra bờ giếng để rửa thì nó mới len lén xuất hiện, la liếm những mẩu xương thừa một cách ngon lành. Có lẽ nó hiểu rằng có nó trong bữa ăn, số thịt ít ỏi kia sẽ phải chia làm sáu chứ không phải làm năm. Hành động “nghĩa hiệp” của nó khiến cả nhà tôi càng thương nó hơn, gặm miếng xương cũng gặm dối hơn, miếng thịt cũng cấu lại một ít giả vờ là xương để lại góc mâm dành cho nó.
Thế mà một hôm, đến bữa cơm chiều không thịt, không cá, con Tu Tu biến mất. Cả nhà tôi bàng hoàng, biết sự chẳng lành đã xảy ra với nó. Một tai họa khủng khiếp mà gia đình tôi chưa bao giờ gặp phải. Không thể ai bắt trộm được nó vì nó rất khôn và rất dữ. Nó không thể bỏ chúng tôi được vì cũng như chúng tôi không thể bỏ nó. Thế mà suốt từ trưa đến lúc cả nhà ngồi quanh một mâm cơm toàn ngọn rau lang luộc với muối vừng, nó vẫn không về. Cả nhà chẳng ai nuốt nổi lưng bát cơm. Bố tôi ngồi thẫn thờ trên chiếc phản cũ kỹ giữa nhà, rít thuốc lào sòng sọc. Mẹ tôi kê đôi dép nhựa rách, ngồi đầu thềm vừa ngóng con Tu Tu vừa lau nước mắt. Thằng em trai tôi bưng mâm cơm ra bờ giếng, khóc ti tỉ. Chỉ riêng ông anh tôi, mặt lì lì, chẳng nói chẳng rằng. Cả nhà nặng nề như có tang.
Khoảng 10 giờ đêm, anh tôi lôi tôi ra đầu nhà, giọng lạnh sắc:
- Thanh! Mày còn giữ con dao găm hồi trước không?
Tôi hơi chột dạ:
- Còn. Nhưng anh cần làm gì?
- Đi cứu con Tu Tu.
Tôi mứng quýnh:
- Sao? Anh tìm được con Tu Tu rồi à? Anh biết chỗ con Tu Tu à? Nó bị bắt trộm hay sao?
- Lấy con dao găm ra đây – Giọng anh vẫn lạnh ngắt.
Tôi cuống lên:
- Thế thì phải cứu bằng được nó – Nói rồi, tôi vội chạy vào bếp, lấy con dao giắt trên mái, giấu trong một ống tre.
Anh tôi bảo:
- Phải mang theo cái kìm cắt nữa. Nó đang bị nhốt ở trong một chiếc cũi mắt cáo.
Chúng tôi chuẩn bị xong xuôi và lặng lẽ ra đi trong đêm tối, hướng về thành phố. Hôm ấy trời đầy sao. Từ nhà tôi ra đến thành phố chưa đầy 6km. Gió heo may mát lạnh của mùa thu không làm giảm khí thế hừng hực trong tôi. Song tôi có biết đâu rằng, đó là một đêm tối định mệnh, một đêm không bao giờ xảy ra lần thứ hai trong đời.
- Sao anh tìm ra đứa bắt trộm con Tu Tu?
- Nó không bị bắt trộm. Tao đã bán nó.
- Trời! – Tôi kêu lên và đứng sựng lại giữa lưng chừng dốc một quả đồi – Không thể có việc đó được. Anh nói dối.
Anh tôi kéo tay tôi lôi đi:
- Tao nói thật đấy.
- Anh không phải là người vô lương tâm. Nếu vô lương tâm, con Tu Tu nó đã biết, nó sẽ không bao giờ chơi với anh. Nhưng đằng này, nó quý anh nhất nhà…
Anh tôi vẫn lầm lũi đi về hướng thành phố. Đường đồi gập ghềnh, mấp mô, chỗ lồi chỗ lõm. Thỉnh thoảng chúng tôi lại bị vấp ngã chúi mũi.
- Anh bán cho nhà nào?
- Tuấn thịt chó.
Mấy tiếng “Tuấn thịt chó” khiến tôi choáng váng. Con Tu Tu mà vào tay nhà ấy chắc gì giờ này còn sống. Như hiểu được tâm trạng của tôi, anh nói:
- Hôm nay đầu tháng, khách ăn thịt chó ít, nó chưa bị giết đâu. Tao vừa đi quan sát về.
- Sao anh lại bán nó? – Tôi hỏi và hồi hộp đợi câu trả lời.
Bóng đen bên cạnh tôi vẫn lầm lũi di chuyển, rồi phát ra những âm thanh cục mịch, khô khốc như những viên sỏi ném vào màn đêm:
- Tao cần tiền. Thằng Tiến bị tai nạn gãy chân. Không có tiền chạy chữa. Tao chẳng còn cách nào khác.
Tôi thở dài và thấy thương anh tôi. Anh Tiến là bạn nối khố của anh tôi từ nhỏ, cùng học với nhau, cùng đi làm thuê với nhau và cùng cảnh nghèo với nhau. Chỉ khác một điều bố mẹ anh Tiến mất sớm, để lại 3 đứa em nhỏ, nhà nghèo đến sát tận xương tủy. Quả thật, đối với anh tôi, giữa anh Tiến và con Tu Tu, chẳng thể phân biệt bên nào hơn bên nào, chỉ có điều một bên là con chó và một bên là con người. Anh Tiến hơn phân có lẽ là vì cuộc sống của 3 đứa em nhỏ. Anh Tiến sống thì chúng nó sẽ sống…
Nhà Tuấn thịt chó ở ngoại thành, bên con đường đá lẫn nhựa lổn nhổn. Đằng sau nhà là một cái ao lớn, xung quanh trồng chè lúp xúp. Trong bóng đêm, anh tôi chỉ cho tôi chỗ nhốt con Tu Tu, phần chái nhà sau bếp. Từ chỗ hàng rào bên hông nhà, qua vườn chè là tới bếp. Cũi chó đặt ở đó. Tôi được phân công đứng ngoài hàng rào nghe ngóng.
Anh tôi như một con mèo, nhẹ nhàng nhảy qua hàng rào cao ngang lưng, lom khom vượt qua vườn chè, tiến về phía bếp. Có tiếng “ư ử” khe khẽ của con Tu Tu. Nó đã đánh hơi được chủ. Tim tôi như muốn vỡ ra. Con Tu Tu vì vui mừng mà làm lộ thì không còn cách nào cứu thoát. Thật may, con Tu Tu đã im bặt, chỉ còn tiếng thở của nó. Rồi tiếng lách cách kìm cắt dây thép… Bỗng có tiếng kẹt cửa. Tôi nín thở. Cửa nhà trên mở. Ông chủ thịt chó từ từ tiến về phía nhà bếp. Nguy mất rồi, ông ta đã chặn đường ra. Nếu lộ, chỉ còn một nước là nhảy xuống ao, mà xuống ao là đường tử.
Có tiếng vật nhau uỳnh uỵch. Tiếng kêu thất thanh. Tiếng ú ớ. Tiếng chân người chạy sầm sầm trong nhà, ngoài bếp. Tôi đang loay hoay chưa biết làm thế nào thì thấy bóng con Tu Tu vút qua hàng rào. Tiếp là anh tôi vụt qua theo, ngay chỗ tôi ngồi náu. Một bóng đen đuổi sát. Theo phản xạ tự nhiên, tôi vụt dậy, lao ra ôm chặt lấy bóng đen. Sau mấy giây vật lộn, giằng ra không được, bóng đen liền ôm chặt lấy tôi và hô lớn: “Cướp! Cướp! Bà con ơi, bắt lấy nó”. Dân chúng vây quanh tôi, đèn pin loang loáng. Tôi bị đánh một trận nhừ tử. Mặt mũi, tay chân chỗ nào cũng sưng húp, đau nhừ. Họ dùng dây thừng trói gô tôi lại như bó giò, kéo lê tôi tới đồn công an…
* * *
Cửa sắt nhà giam ken két mở. Tiếng kể chuyện của thằng câm im bặt. ở trong nhà giam này, mọi người ai mắt cũng kém đi và tai lại thính lên, thính nhạy không kém gì tai chó, tai mèo. Chỉ nghe tiếng chân người đi ngoài hành lang là biết đó là ai, quản giáo hay “tù tự giác”, người chữa điện hay người đưa cơm. Tiếng mở cửa, đóng cửa sắt cũng như giới thiệu được tên người, tính cách. Hôm nay, đang nửa đêm có cán bộ quản giáo đi tuần thế này, chắc là có vấn đề nghiêm trọng.
Tiếng giày của người cán bộ quản giáo rõ dần. Tôi vội chui vào màn, nằm im giả vờ ngủ. Ông quản giáo này tên là Duy, quê ở Bắc Ninh. Ông có gương mặt đầy đặn, phúc hậu, song đôi mắt hơi buồn, khi nói chuyện, đôi chân mày hơi nhíu lại. Người ta bảo những người như thế thường đa cảm, thương người, số sẽ vất vả. Riêng với ông quản giáo Duy, tôi có cảm tình với ông ngay từ đầu, không phải chỉ vì tướng mạo mà vì cách cư xử. Ông quan tâm đến tù nhân như bác sĩ quan tâm tới bệnh nhân, hỏi han, chăm lo từng tí một. Chính ông đã khiến tôi xoá hết những gì ác cảm từ xưa đến nay về nhà tù. Thì ra, nơi nào cũng có những người tốt, thậm chí rất tốt nữa là đằng khác.
Quản giáo Duy đến trước cửa buồng giam chúng tôi thì dừng lại, nghe ngóng một hồi rồi lẩm bẩm:
- Quái, rõ ràng có tiếng người rì rầm ở chỗ này. Chẳng lẽ lại có ma?
Ông nghé vào buồng tôi, sang buồng thằng câm đứng một lúc, lẩm bẩm thêm vài câu gì đó rồi quay trở lại phòng trực ban.
Một lát sau, tiếng thằng câm thì thầm:
- Anh vẫn còn thức đấy chứ?
- Còn! Tôi vẫn nghe đây. Anh không giết người sao lại nhận án tử hình?
- Tôi không giết người nhưng anh tôi giết. Tôi không thể ngờ được rằng anh tôi đã đâm chết ông chủ hiệu thịt chó. Đêm hôm ấy, họ hỏi cung tôi. Tôi nói tôi là người qua đường, thấy tiếng í ới, nhộn nhạo, rồi thấy có người nhảy qua hàng rào. Tôi nghĩ là kẻ trộm nên ôm chặt lấy người đó. Tôi không hề biết đấy là con trai ông chủ hiệu thịt chó. Cũng không biết là trong nhà có vụ giết người. Nói rồi, nói mãi, công an họ vẫn không tin. Họ cho xét nghiệm hiện trường, xét nghiệm tất cả những thứ trên người tôi có. Họ nói rằng mấy sợi tóc rơi trên nền bếp nhà ông chủ hiệu thịt chó chính là của tôi. Vết máu trên áo tôi là máu của ông chủ hiệu thịt chó. Tất cả mọi chứng cứ đều chống lại tôi. Vợ chồng con trai ông chủ thịt chó quyết tâm trả thù cho cha bằng cách dựng hiện trường giả. Ngay sau khi tôi bị dẫn lên đồn công an, nó lập tức về mở tung cửa tủ, vứt mấy cái nhẫn vàng vung vãi khắp nhà. Lấy ngay cái gậy mà nó đã đánh vào đầu tôi làm tang vật để lấy mẫu máu và tóc của tôi tại hiện trường. Vết máu trên áo tôi chính là vết máu trên áo nó dây sang. Khi vật lộn trong bếp, máu của bố nó đã thấm đẫm vào nó. Rồi khi vật lộn với tôi, máu ấy lại dây sang tôi. Cái bản tự khai của vợ chồng nó mới ác độc. Nó mô tả rằng khi nghe tiếng cạy cửa, vợ chồng nó đã biết là kẻ trộm, song khi thấy tay tôi lăm lăm cầm dao, nên không dám động tĩnh gì. Đến khi tôi cạy tủ, lấy hết vàng bạc nhà nó chuồn ra sau bếp thì chẳng may đúng lúc ông bố ở nhà dưới dậy ra vườn đi tiểu đêm bắt gặp, thế là tôi bỏ của chạy lấy người, đâm chết bố nó. Chạy ra đến hàng rào thì nó đuổi bắt được tôi.
Trong vụ việc này, chỉ có hai người biết chắc chắn tôi không phải là kẻ giết người, cướp của, đó là con ông chủ thịt chó và anh trai tôi. Tôi đã từng hy vọng lương tâm con ông chủ thịt chó sẽ cắn rứt, sẽ tự đứng ra rút lời khai bịa đặt kia. Nhưng việc ấy đã không xảy ra. Tôi không trách gì anh ta. Nỗi đau mất cha của anh ta quá lớn. Đời anh ta lại quá quen với mùi tanh của máu, dù đó là máu chó. Nếu một chút nào vô lương tâm, độc ác và tàn nhẫn thì cũng là điều dễ hiểu. Còn anh trai tôi, sau khi nghe tôi bị kết án tử hình, anh trở nên điên loạn, lúc khóc, lúc cười, thỉnh thoảng lại đập đầu vào bất cứ thứ gì có thể đập được và kêu đến khản tiếng: “Tôi giết em tôi rồi! Tôi giết em tôi rồi!”. Một ngày kia, anh viết đơn tự thú kể lại tất cả. Từ việc bán con Tu Tu, đi cứu con Tu Tu, rồi bị dồn vào tình thế quẫn bách, vô thức nên đã vô ý giết người. Trong đơn, anh xin chịu tội chết thay cho tôi vì tôi không có tội. Tôi không hiểu cái đơn tự thú ấy có làm ai tin không, song tại buổi thẩm vấn gần đây nhất, tôi đã viết bản lời khai xác định rằng tôi là kẻ giết người. Anh ấy thương tôi mà nghĩ ra câu chuyện ấy. Lời khai của tôi được các cơ quan pháp luật tin ngay lập tức, vì tất cả các sự kiện được khớp vào nhau đến mức không thể còn một khe hở nghi ngờ nào lọt qua. Người tố cáo có, người làm chứng có, người nhận tội có, vật chứng có… tất cả đều y như thật.
Tôi làm việc này vì đã nghĩ kỹ lắm rồi. Ở đời, ân oán phải sòng phẳng. Nhà mình đã giết chết một người của nhà người ta thì nhà mình phải có một người đền mạng. Mình không đền rồi cuộc đời cũng sẽ bắt mình phải đền. Việc đã lỡ rồi, làm sao bây giờ. Cả nhà tôi bây giờ chỉ có tôi là đáng đền mạng nhất. Bố mẹ tôi thì già rồi, bao nhiêu năm nuôi chúng tôi khôn lớn, vất vả nhọc nhằn từ mờ sáng đến tối mịt, không đáng phải chịu đựng thêm bất cứ một bất hạnh nào của cuộc đời. Em trai tôi còn nhỏ dại, nó cần phải được học hành nên người. Còn anh tôi. Anh ấy lại càng đáng được sống hơn, vì anh ấy đã mất cả cha lẫn mẹ. Từ nhỏ đến lớn, nỗi đau mất mát luôn luôn đeo đẳng anh ấy mặc dù gia đình tôi, kể cả con Tu Tu, đã dành cho anh tình thương lớn nhất.
***
Lại có tiếng lách cách khoá cửa sắt phía đầu hành lang. Vẫn tiếng giày của quản giáo Duy. Chúng tôi im bặt và chui vào màn giả vờ ngủ. Tiếng ngáp dài và tiếng lầu bầu vọng vào: “Đúng là có ma. Hay mình mơ ngủ. Vớ vẩn thật”. Tiếng giày xa dần, xa dần.
* * *
Câu chuyện của chúng tôi lại tiếp tục.
Bố tôi và bố anh ấy cùng chung đơn vị bộ đội. Trong một trận chiến đấu, bố anh ấy bị thương nặng. Trước khi mất, ông nắm tay bố tôi vừa nói vừa ứa nước mắt: ”Tôi chỉ có duy nhất một đứa con trai. Nó mất mẹ từ nhỏ. Nó không thể không có bố. Anh hãy là bố nó thay tôi”. Nói rồi, ông tắt thở. Anh tôi lớn lên trong gia đình tôi như người con đẻ. Anh thương bố mẹ nuôi, thương các em, thương con Tu Tu hơn cả thân mình.
Anh sống tự tin và hiếu thảo. Anh chưa làm điều ác với ai bao giờ. Với bạn bè, anh không tiếc một thứ gì. Như việc của anh Tiến đấy, anh đã phải đứt ruột bán con Tu Tu để cứu lấy bạn, cứu lấy cuộc sống của ba đứa em nhỏ của bạn. Rồi lại phải làm cái việc vô cùng độc ác để cứu con Tu Tu. Anh ấy đang có người yêu. Anh ấy sẽ lấy vợ, và sẽ có con. Bố anh ấy dưới suối vàng chắc sẽ mãn nguyện lắm…
***
Câu chuyện của thằng tử tù câm cứ thì thầm, thì thầm như một huyền thoại. Lời kể của hắn tuôn như suối chảy, rì rào, trong vắt, thanh thản, không giận hờn, không nuối tiếc. Cuộc sống bình dị của một gia đình nghèo vùng bán sơn địa thấp thoáng trong trí tưởng tượng của tôi. Một mái nhà tranh thưng ván gỗ nằm nép dưới chân một đồi chè. Từ đỉnh đồi, những hàng chè mềm mại như sóng biển lan dần xuống chân đồi. Nắng sớm nhuộm vàng xanh những đồi chè lô xô. Nhìn màu nắng, người ta liên tưởng đến bát nước chè xanh cắm tăm, đượm chát và ngọt hậu. Nếu không có câu chuyện của thằng câm, tôi không thể nghĩ rằng ở đó có những con người sống cao nghĩa đến như thế. Tôi hỏi vọng sang:
- Thế anh bị câm từ khi nào?
- Ngay tại phiên tòa, sau khi nghe tuyên án: “Chịu mức hình phạt cao nhất: Tử hình!”. Tôi muốn thốt lên một lời nào đấy song lưỡi cứng lại, cổ họng nóng ran như bị đứt một cái gì đó. Và từ đấy, âm thanh duy nhất của tôi có thể phát ra được là tiếng ú ớ. Bản năng sinh tồn đã khiến có một phần nghìn tia hy vọng loé lên trong tôi, rằng sự thật và sự trong sáng của lương tâm sẽ phán quyết tại tòa. Thế nào tòa cũng tìm ra được một dấu vết nào đấy của sự thật. Chân lý sẽ được khẳng định, nhưng tôi đã nhầm. Tất cả đã được định sẵn. Đã sáu tháng rồi, không hiểu tại sao hôm nay tôi lại nói được. Có lẽ điềm trời báo trước là tôi sắp đi rồi.
***
Quả đúng như thằng câm dự đoán. Khoảng 4 giờ sáng, tiếng khóa hành lang lách cách. Tiếng chân rậm rịch, toàn người lạ, đi về phía chúng tôi. Cửa buồng giam thằng câm được mở. Tiếng xích sắt loảng xoảng, tiếng trao đổi thì thầm. Tôi nhổm dậy, nhìn qua song sắt và nổi gai khắp người: “ Đội thi hành án”.
Thằng câm đi qua buồng tôi, gương mặt trẻ trung, cương nghị, thông minh hiện ra trước mắt tôi. Trong giây lát, tôi thoáng thấy hai giọt nước mắt lăn trên gò má như còn lông măng của hắn. Tôi hai tay nắm chặt chấn song sắt nhà tù, muốn hét lên một câu: “Thả người ta ra, người ta không có tội” nhưng không phát ra được lời nào. Lưỡi tôi cứng lại, cổ họng tôi nóng ran như bị cứa đứt một cái gì đó. Tôi gục vào cánh cửa. Nước mắt cứ thế trào ra…