Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Thu nhập Tổng TTCP chỉ 18 triệu/tháng, nhà đâu nhiều thế? - 'VN cần cộng đồng dân sự'

Ls Trần Hồng Phong - Quyền của nhà báo sao lại phải xin?



Ảnh: Quang cảnh phiên tòa công an dùng nhục hình đánh chết người ở Tuy Hòa, Phú Yên.

Gần đây, dư luận báo chí phản ánh việc Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) đang dự thảo một Thông tư quy định về nội quy phiên tòa. Theo đó có quy định “mới” là khi nhà báo dự phiên tòa xét xử thì phải xin phép và phải được chủ tọa hay lãnh đạo tòa án chấp thuận.

Mới đây nhất lại có báo đưa tin nhà báo sẽ chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo, không phải xin phép nữa. Tuy nhiên, quy định chính thức sẽ như thế nào thì vẫn chưa có.

Trước hết, người ta chỉ xin cái gì không phải của mình, không thuộc quyền của mình. Còn cái gì pháp luật đã quy định là quyền của công dân, quyền của nhà báo, thì không cần phải xin và cũng không ai có quyền “cho”, không ai có quyền đứng trên pháp luật.

Đơn cử như trong Hiến pháp quy định công dân có quyền kinh doanh, thì Luật doanh nghiệp quy định về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tôi nhấn mạnh từ “đăng ký”, chứ không phải là “xin - cho”. Nếu hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có nghĩa vụ bắt buộc phải cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho người đăng ký.

Theo quy định tại Hiến pháp và pháp luật tố tụng (dân sự, hình sự …), mọi phiên tòa đều được xét xử công khai, người dân bất kể ai đều có quyền tham dự. Còn trong Luật báo chí thì quy định rõ nhà báo được tác nghiệp, đưa tin phản ánh các sự kiện xã hội, các phiên tòa xét xử …

Như vậy, việc nhà báo tham dự phiên tòa và tác nghiệp là quyền (cũng là trách nhiệm) của nhà báo, pháp luật quy định rõ ràng. Và do vậy, việc ngành tòa án “đẻ” ra quy định xin – cho đối với nhà báo khi tham dự phiên tòa là trái quy định, ảnh hưởng và hạn chế quyền hành nghề của nhà báo, quyền được biết thông tin của xã hội.

Theo tôi nghĩ, chỉ cần quy định đơn giản là nhà báo khi tham dự phiên tòa thì phải “thông báo” hay “đăng ký” với tòa. Mục đích là để tòa biết và hỗ trợ (nếu có). Còn nếu nhà báo nào muốn tác nghiệp theo kiểu giống như một công dân bình thường, ngồi dự khán và ghi chép, thì cũng không cần phải đăng ký hay thông báo gì cả.

Vấn đề quan trọng ở đây là nhà báo tác nghiệp tại tòa phải bảo đảm không ảnh hưởng đến trật tự phiên tòa, không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (các đương sự, bị cáo) và nếu được tạo điều kiện thuận lợi hơn thì càng tốt.

Chính vì vậy, thiết nghĩ nội quy phiên tòa phải quy định rõ và thống nhất trên toàn quốc việc tác nghiệp của nhà báo. Chẳng hạn như: không được đi lại, chụp ảnh trong khi đang xét xử, được đặt máy ghi âm ở đâu, khu vực tác nghiệp của nhà báo trong phòng xử …

Trước đây phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam, tòa cho phép nhà báo vào chụp ảnh 15 phút đầu giờ xử mỗi ngày, đây là một quy định theo tôi đáng được nhân rộng.

Thực tế hiện nay tại nhiều phiên tòa các nhà báo đi qua đi lại, chỉa máy ảnh vào mặt đương sự hay bị cáo, chụp cảnh bị cáo khóc, cười …vv, nhiều khi rất phản cảm và thực tế đã xâm hại quyền của cá nhân đối với hình ảnh của họ, thậm chí ảnh hưởng đến uy tín, danh dự công dân.

Cũng cần nói thêm là việc chụp ảnh tại phiên tòa nên được quy định chặt chẽ hơn và phải phù hợp với quy định tại Bộ luật dân sự. Về nguyên tắc, không ai được phép sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác nếu người đó không đồng ý.

Do vậy, chúng ta cần phải hướng đến quy định không cho phép chụp ảnh tại phiên tòa. Nhà báo có thể chụp ảnh bị cáo, đương sự, nhưng nên chụp bên ngoài phòng xử án. Nhiều nước trên thế giới cấm chụp ảnh tại phiên tòa.
Luật sư Trần Hồng Phong
(Một thế giới)

Vụ 4 công an bị dân trói ở Hà Tĩnh: Vì đâu dân đánh công an, phá nhà, đốt xe lãnh đạo xã?

 
Hiện trường người dân tập trung bắt giữ, gây thương tích cho công an chiều 10.4
Từ việc phản đối công an thực hiện lệnh bắt một đối tượng gây rối trật tự công cộng, hàng trăm người dân xã Bắc Sơn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã cản trở bắt trói, đánh thương tích 11 chiến sĩ công an, đập phá nhà, đốt xe máy của nhiều lãnh đạo xã. Nguyên nhân sâu xa là do họ phản đối chủ trương quy hoạch một nghĩa địa lớn trên địa bàn xã.
Hành động quá khích
Chiều 10.4, 6 chiến sĩ Công an huyện Thạch Hà đến nhà riêng thực hiện lệnh bắt đối tượng Trương Văn Trường (30 tuổi, trú thôn Trung Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà) về hành vi gây rối trật tự công cộng. Ngay lúc này, hàng trăm người dân xã Bắc Sơn xuất hiện bao vây, chống đối, bắt trói và đánh bị thương 4 chiến sĩ công an làm nhiệm vụ.
Để giải cứu công an bị dân khống chế, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã điều động hơn 100 chiến sĩ đến hiện trường vận động người dân và giải thoát được 4 chiến sĩ công an. Tuy nhiên, trong lúc giải cứu, đám đông quá khích tiếp tục ném gạch đá làm bị thương thêm 7 chiến sĩ. Vụ việc khiến 11 cán bộ chiến sĩ bị thương phải nhập viện ĐK Hà Tĩnh cấp cứu.
Thông tin từ Chánh Văn phòng UBND huyện Thạch Hà - ông Đoàn Tiến Đạt - cho biết, trong đêm 10.4, hàng trăm người dân đã đập phá tường rào của trụ sở UBND xã Bắc Sơn và phá hủy 12 xe máy trong nhà xe của trụ sở xã. Họ còn ném đá vào nhà của các ông Trần Bá Hoành - Chủ tịch xã; Dương Công Tư - Bí thư Đảng ủy xã; Dương Văn Đức - Bí thư Đoàn xã; Trần Văn Thọ - Cán bộ Văn phòng UBND xã; ông Nguyễn Văn Trung - Công an viên thôn Tân Sơn. Đặc biệt, người dân còn ập vào nhà đập phá ti vi, đốt cháy xe máy của ông Nguyễn Khắc Sơn - Trưởng Công an xã.
Liên quan đến hành vi quá khích nêu trên của người dân, chiều 11.4, Trưởng Công an huyện Thạch Hà - ông Nguyễn Hoài Việt - cho biết, ngày 11.4 Cơ quan CSĐT Công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và gây rối trật tự công cộng.

Bản dự kiến quy hoạch dự án Công viên vĩnh hằng do Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện. 

Bản dự kiến quy hoạch dự án Công viên vĩnh hằng do Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện.

Vì phản đối quy hoạch nghĩa địa

Ông Đạt - Chánh Văn phòng UBND huyện Thạch Hà cũng thông tin, thời gian vừa qua, tỉnh có chủ trương quy hoạch dự án "Công viên vĩnh hằng" ở xã Bắc Sơn nhưng người dân phản đối dự án này.

Để phản đối, họ đã gây rối trật tự công cộng, ném đá vào nhà của nhiều lãnh đạo xã. Trong đám đông gây rối có đối tượng Trường nên chiều 10.4, Công an huyện Thạch Hà đã thực hiện lệnh bắt đối tượng này và gặp sự chống đối của người dân.

Trước đó, theo tìm hiểu của phóng viên, người dân cho rằng họ phản đối dự án Công viên vĩnh hằng vì nếu triển khai, dự án sẽ thu hồi nhiều diện tích đất nông nghiệp - "cần câu cơm" lâu dài của họ.
Tuy nhiên, ông Đạt khẳng định, nếu thu hồi, chính quyền sẽ có quỹ đất canh tác khác để bố trí cho người dân.

Ông Đạt cho rằng, nguyên nhân do người dân chưa hiểu đầy đủ tính chất của dự án và có tâm lý không muốn nơi mình sinh sống quy hoạch một nghĩa địa lớn về đây. Ngoài ra, họ cho rằng quy hoạch nghĩa địa sẽ chắn ngang mặt tiền khu dân cư ra đường quốc lộ 15A nên đi lại bất tiện.

Ông Hồ Huy Thành - GĐ Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh - đơn vị được tỉnh giao khảo sát, tìm địa điểm để quy hoạch dự án "Công viên vĩnh hằng" - cho biết, sau khi khảo sát, Trung tâm đã chọn được địa điểm xã Bắc Sơn là đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về quy hoạch một nghĩa địa.

Sau khi khảo sát, họ đã có báo cáo, đề xuất với tỉnh và ngày 31.3.2014 tỉnh đã có văn bản giao nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết và công tác giải phóng mặt bằng cho dự án. Ngày 3.4 Trung tâm có văn bản đề nghị UBND xã Bắc Sơn và huyện Thạch Hà chấp thuận địa điểm chọn xã Bắc Sơn để quy hoạch Công viên vĩnh hằng thì người dân phản đối quyết liệt hơn và dẫn đến hành vi gây rối trật tự công cộng.

Theo dự kiến, Công viên vĩnh hằng sẽ quy hoạch trên tổng diện tích gần 29ha trên cánh đồng Cù Lao của xã Bắc Sơn. Trong diện tích này hiện gồm có 7 - 8 ha đất nông nghiệp, ngoài ra là đất nghĩa địa, đất hoang hóa.

Nguyên nhân người dân phản đối dự án, ông Thành cho rằng do người dân nghĩ dự án quy hoạch nghĩa địa họ không được lợi. "Nếu đó là một dự án phát triển kinh tế xã hội thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ" - ông Thành phân tích.
(Lao động)

Thu nhập Tổng TTCP chỉ 18 triệu/tháng, nhà đâu nhiều thế?

(Kienthuc.net.vn) - Tổng thu nhập từ lương, phụ cấp của Tổng TTCP hiện khoảng 18 triệu đồng/tháng, còn Phó tổng TTCP là 15 triệu đồng/tháng.
Trả lời câu hỏi của báo chí về mức thu nhập cụ thể của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP) tại buổi họp báo sáng nay, ông Lê Hồng Lĩnh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp cho biết, tổng thu nhập từ lương, phụ cấp của Tổng TTCP hiện khoảng 18 triệu đồng/tháng; thu nhập của các Phó Tổng TTCP khoảng 15 triệu đồng/tháng.

Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng khẳng định, cán bộ thanh tra viên trước hết cũng là công chức, vì vậy thu nhập thanh tra viên dựa trên thang bảng lương theo đúng quy định của pháp luật về lương.
Ngoài ra, thanh tra viên còn có thêm phụ cấp thâm niên, phụ cấp nghề, phụ cấp trách nhiệm công chức… và các khoản công tác phí, tiền khoán công việc theo đúng quy định nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ.

Ông Lượng cũng cho biết thêm một khoản thu nhập khác mà thanh tra viên được hưởng từ việc trích lại các nguồn phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi sau khi nộp lại ngân sách nhà nước.

“Nguồn trích đó sẽ được đưa vào quỹ dành để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động thanh tra, một phần dùng chi bồi dưỡng thêm cho cán bộ thanh tra”, ông Trần Đức Lượng nói.

Như vậy, thu nhập của Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh có thể còn cao hơn cả của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Khu đất rộng 30.000 m2 ở Sơn Đông (Bến Tre) - một trong những tài sản "khủng" của ông Trần Văn Truyền.
Lương thủ tướng 17 triệu/tháng
Trước đó, trong một cuộc trả lời báo chí về mức lương khủng của một số lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích trên địa bàn TP HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (khi đó là Bộ trưởng - Chủ nhiệm văn phòng chính phủ) có nói đến lương của người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng. Ông Đam cho biết, nguyên tắc chung, lương của các lãnh đạo Đảng, nhà nước được tính theo hệ số lương công chức. Mức lương có hệ số cao nhất trong hệ thống là 14 lần lương cơ bản. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không phải người được hưởng mức hệ số cao nhất này.
Kiểm tra lại thông tin cụ thể sau đó, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, lương của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có hệ số 12,5. Cộng tất cả các khoản phụ cấp chức vụ, trách nhiệm, tổng số lương Thủ tướng nhận mỗi tháng chỉ hơn 17 triệu đồng (đã trừ tiền đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
Nhiều người băn khoăn, lương của những người đứng đầu Thanh tra Chính phủ chỉ từ 15 đến 18 triệu đồng/tháng, vậy tại sao họ lại có nhiều tài sản thế? Đơn cử, ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, nếu những gì báo chí phản ánh là đúng thì hiện khối "tài sản nổi" của ông này đếm sơ sơ cũng lên tới 6 cái bất động sản (3 nhà đất ở Bến Tre và 3 nhà đất ở TP HCM), trong đó có 2 tài sản khủng là khu đất rộng 30.000 m2 ở Sơn Đông (Bến Tre) và 1 bất động sản ở Khu đô thị 5 sao Phú Mỹ Hưng. Riêng một nhà đất tại Phú Mỹ Hưng cũng lên tới 3 - 4 triệu USD, thì tổng số "của nổi" của ông Truyền phải chục triệu USD là ít.

Còn ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, theo một bài báo đăng trên báo Người Cao Tuổi ngày 22/8/2013, ông Khánh kê khai tài sản rằng ông và gia đình sở hữu các bất động sản gồm hai ngôi nhà và một mảnh đất. Hai ngôi nhà được nói là của ông ở quận Hoàng Mai, Hà Nội và đều đã xây 5 tầng: nhà thứ nhất diện tích 114m2 đất, và nhà thứ hai diện tích 248m2 đất.

Còn mảnh đất gia đình ông Ngô Văn Khánh đang sở hữu rộng tới 1.800m2, nằm trong khuôn khổ dự án Mê Linh gần đền Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo Người Cao Tuổi, giá đất tại đó trong thời điểm hiện nay là 10 triệu – 15 triệu đồng/m2; có nghĩa riêng mảnh đất này đã có giá trị ít nhất 18 tỷ đồng.

Ngoài ra, bài trên Người Cao Tuổi cũng cho hay ông Khánh có tài khoản trị giá trên 7 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng VIB và nhiều cổ phiếu tại bốn ngân hàng và hai công ty.

Trả lời câu hỏi, qua kê khai tài sản tại sao lãnh đạo Tổng TTCP lại có nhiều tài sản như thế, ông Trần Đức Lượng cho rằng, đó là điều “hoàn toàn dễ hiểu” và không khó để giải thích nguồn gốc thu nhập của những trường hợp đã được dư luận phản ánh.

“Tài sản của một cá nhân cũng như cán bộ công chức không chỉ được tính bằng thu nhập của chính người đó mà còn cả thu nhập của các thành viên trong gia đình. Chồng làm thanh tra nhưng có vợ làm kinh doanh, bố làm thanh tra nhưng con làm kinh doanh… Vì thế chúng ta không nên gắn thu nhập cụ thể của một người với với tài sản mà người ta phải kê khai. Bởi đây là tài sản chung của cả gia đình.
Quy định pháp luật phải kê khai tài sản của mình, vợ con mình”, Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng nói.
Minh Hiếu (tổng hợp)

Những câu nói bất hủ của ngài Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Nhân câu nói bất hủ của ngài Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai”, ngài vừa nói hôm qua tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 11/4, có thể coi đây là phát ngôn bất hủ nhất mọi thời đại ( Xem tại đây), mình xin trích một số câu bất hủ khác của ông để cười cho vui ngày cuối tuần.

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
1.Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội:" “Đồng chí Lợi hỏi tôi có yên tâm với đường sắt cao tốc không, tôi yên tâm, chúng ta không thể không làm đường sắt cao tốc”( Xem tại đây)

2.Ngày 8/6/2010, PTT vừa cười vô tư vừa nói câu này khi được các phóng viên hỏi về những lo ngại về hiệu quả kinh doanh tại Vinashin trong kỳ họp Quốc hội. Chỉ 1 tháng sau, tháng 7/2010, thông tin về vụ bê bối ở Vinashin bung ra:  “Tôi thì vẫn chưa lo”  ( Xem tại đây)

3. Ngài trả lời phỏng vấn Báo Tuổi trẻ ngày 6/3/2008:  “Với những chính sách điều chỉnh thị trường hiện nay, tôi đảm bảo TTCK sẽ lên giá và có chất lượng hơn. Nếu là nhà đầu tư chứng khoán thì lúc này tôi sẽ mua cổ phiếu”. ( Xem tại đây)

4.  Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh thêm ý của ngài:"Thị trường đã giảm đến đáy, nên trong điều hành Chính phủ quyết tâm không để giảm thêm. Thời điểm này, nếu nhà đầu tư nào bán tháo cổ phiếu thì sẽ thất bại, ngược lại người nào có quyết định mua vào thông minh sẽ thắng". (Xem tại đây)

5. Trả lời than thở của Phạm Thanh Bình, TGĐ Vinashin trong cuộc họp ngày 23/4/2008: "Vốn chủ yếu vay từ ngân hàng, nhưng lãi suất cao. Chúng tôi đã trình đề án xin phát hành trái phiếu sáu tháng nay nhưng chưa được phê duyệt", ngài nói:"Ai dám hạn chế không cho các anh phát hành trái phiếu. Chính phủ sẽ không để xảy ra ngừng trệ vốn kinh doanh cho các tập đoàn" ( Xem tại đây)

6. Ngài giải thích về những lo ngại của các đại biểu Quốc hội là Việt Nam không đủ nguồn lực làm ĐSCT: "GDP năm nay của Việt Nam tuy chỉ có 106 tỷ USD, nhưng đến 2020 sẽ tăng lên 300 tỷ USD và năm 2030 là 700 tỷ, đến 2040 ước đoán cỡ 1,2 - 1,4 nghìn tỷ USD. Đến 2050, khi hoàn thành toàn tuyến, con số đó dự kiến sẽ tăng gấp đôi”. Và:  "Thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 1.200 USD, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD, và lần lượt tăng lên mức 6.000, rồi 12.000 và sẽ đạt 20.000 vào năm 2050".( Xem tại đây)

7.Trước băn khoăn của một số đại biểu khi đây là con đường sắt cao tốc “dài nhất thế giới”, Phó thủ tướng giải thích, “dài nhưng làm từng đoạn, chả có mấy nước có chiều dài như nước ta đâu, các đồng chí ạ, đi lại từng đoạn thì ngắn, cộng lại thì dài”. ( Xem tại đây)

8.Cũng liên quan đến vấn đề trách nhiệm, trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Như Lợi trước đó về kỷ luật hành chính, Phó Thủ tướng nói: "Sai thì phải sửa, làm 10 việc tốt cũng có thể có một việc sai. Nếu cách chức hết thì lấy ai làm việc. Cứ nói theo quy định của pháp luật, nhưng pháp luật cũng có cái đạo, cứ dẹp đi là bầu không kịp". ( Xem tại đây)

9. Họp bàn tái cơ cấu Vinashin tháng 8-2010, ngài khẳng định như đinh đóng cột: "Từ nay đến năm 2012 còn lỗ nhưng dự báo tới 2013-2014 sẽ bắt đầu có lãi và sau năm 2015 VNS sẽ phát triển ổn định"( Xem tại đây) cho thấy khả năng dự báo của ngài là rất thiên tài.
Lấy từ Viet-studies và các báo lề phải 
Nguyễn Quang Lập
(Quê choa) 

Trùm CIA cuối cùng ở miền Nam Việt Nam qua đời

Sài Gòn xin tắt tiếng

Thomas Polgar, trùm cuối cùng của tình báo Mỹ CIA đã qua đời hôm 22 tháng 3 tại Florida nhưng đến 7 tháng 4, báo chí Mỹ mới đưa tin.

Tháng Tư 1975, Polgar là người giúp đưa những người Mỹ còn lại ra khỏi Việt Nam bằng trực thăng. Một trong những việc làm cuối cùng trước khi phá hủy chiếc máy đánh công điện về Washington là chuyển đi bứcđiện cuối cùng:

“Đây sẽ là bức điện cuối cùng từ nhiệm sở Sài Gòn,” ông viết. “Chúng ta đã trải qua một cuộc chiến dai dẳng và khó khăn, và chúng ta đã thua. Trải nghiệm này, độc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, không nhất thiết là dấu  hiệu suy tàn tư thế nước lớn của Mỹ.

Tuy nhiên, mức nghiêm trọng của chuyện thua cuộc và tình huống bao quanh của nó, dường như cho chúng thấy cần đánh giá lại các chính sách nửa vời yếu kém, tiêu biểu phần lớn cho sự tham dự của chúng ta tại Việt Nam mặc dù chúng ta có cam kết về nhân lực và vật lực, hai thứ này rõ ràng là hào phóng. Những ai không chịu học hỏi ở lịch sử bị buộc phải lập lại nó. Chúng ta hãy hy vọng sẽ không có một trải nghiệm Việt Nam khác và chúng ta đã học được bài học.”

Bức điện chấm dứt với câu: “Sài Gòn xin tắt tiếng.”

Cuộc đời người đánh công điện

Chào đời tại Hungary, nhập tịch Mỹ năm 1943, cuộc đời làm tình báo của ông bắt đầu với Lục quân Mỹ vào những năm cuối cùng của Thế Chiến 2. Lục quân chuyển ông sang OSS (các đảng viên CSVN chắc còn nhớ các sĩ quan OSS đã từng bí mật gặp Hồ Chí Minh) trước khi cơ quan này đổi tên thành CIA vào năm 1947. Có lẽ Polgar là bô lão cuối cùng của CIA thuộc thế hệ OSS cựu trào.
Thomas Polgar. Ảnh NYTimes
Thomas Polgar. Ảnh NYTimes

Trong thập niên 1950, Polgar làm ở Berlin, chỉ huy các hoạt động tình báo tại Đông và Tây Đức. Thập niên 1960, ông làm ở Vienna, thủ đô Áo và trở về trụ sở trung ương CIA ở bên ngoài Washington. Năm 1970, ông đến Buenos Aires, nơi ông giúp thu xếp một vụ không tặc bằng cách bước vào trong khoang nói chuyện với kẻ cưỡng đoạt máy bay. Năm 1971, Polgar khăn gói sang châu Á, nơi ông chuẩn bị nhận nhiệm sở ở Sài Gòn.

Rời Việt Nam, Polgar được điều sang Mexico City, Mexico và rút lui khỏi CIA năm 1981. Trong thời gian nghỉ hưu ông có làm một vài công việc theo hợp đồng, trong đó có giúp một ủy ban Thượng viện điều tra vụ Iran-contra của chính phủ Reagan.

Ông qua đời hôm 22 tháng 3 tạiWinter Park, Florida, thọ 91 tuổi.

Polgar qua Snepp và Hưng

Frank Snepp, một chuyên viên CIA tại Việt Nam, tác giả quyển “Decent Interval” nói về những ngày cuối cùng của chế độ VNCH, tố giác Polgar đã không thuyết phục được lãnh đạo Mỹ rằng miền Bắc Việt Nam quyết tâm muốn chiếm được miền Nam bằng mọi giá.

Polgar trả lời ông tôn trọng ý kiến của Snepp nhưng ý kiến đó chỉ là “quan điểm riêng tư về cuộc chiến.”

Trong quyển “Khi đồng minh tháo chạy,” Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng kể lại những lần  Đại sứ Graham Martin về Washington báo cáo tình hình Việt Nam cho Tổng thống Ford và Ngoại trưởng Kissinger đều sử dụng những thông tin do Polgar cung cấp.

Về chuyện sắp xếp đằng sau hậu trường để giải quyết chiến tranh Việt Nam thì “trong khi tại Washington, các ông Ford và Kissinger đi qua ngả Dobrynin (đại sứ Nga tại Washington) để nhờ Nga Xô áp lực Hà Nội, thì ở Sài Gòn, hai ông Martin và Polgar liên lạc qua ngả đại diện Hungary trong phái đoàn Kiểm soát đình chiến và Đại Sứ Pháp Merillon.”

Về giải pháp chính trị cũng có tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược. “Trong khi Ford-Kissinger chỉ mong có một giải pháp tình thế, một tình huống trong tầm kiểm soát, để Mỹ có thể rút ra cho yên ổn, thì Martin lại muốn theo đuổi một mục tiêu lâu dài hơn: đó là có được một giai đoạn chuyển tiếp để:

- Thứ nhất, giúp Mỹ ra đi tư từ, chứ không vội vã và mất mặt.

- Thứ hai, di tản một số người Việt nhiều hơn là Washington đã dự tính.

- Thứ ba, để tránh xung đột Mỹ-Việt.”

Tác giả“Khi đồng minh tháo chạy” thuật lại chuyện Hà Nội đổi ý đêm 27 tháng 4. “Tại Sài Gòn, theo Đại Sứ Martin, tuy là hồi tháng ba, ông đã có tin tình báo là Hà Nội đã quyết định đi tới một chiến thắng hoàn toàn quân sự, nhưng cả ông và Polgar không đặt nặng sự chính xác của bản tin này. Theo ông, lý do là vì cũng cùng một lúc đó, lại có thông tin từ phía đại diện của mặt trận giải phóng bên Âu Châu, một từ Stockholm (Thụy Điển), và một từ Paris, cả hai đều cho biết rằng họ cũng muốn có một giải pháp chính trị. Ngoài ra, Martin còn suy luận là chính Hà Nội cũng muốn một giải pháp chính trị để kết thúc một cách êm đẹp vì họ còn muốn nhận được viện trợ của quốc tế sau này.”

Thế nhưng, theo ông Martin, ‘’Không hiểu vì một lý do nào đó, đêm ngày 27 tháng 4, Bắc Việt đã bất chợt thay đổi tín hiệu, quyết định chọn giải pháp hoàn toàn quân sự, và như vậy, giải pháp chính trị đã không còn nữa’’.

“Về điểm này, chính Kissinger cũng đã xác nhận trong cuộc họp báo ngày 5 tháng 5.1975 rằng cho tới ngày 27 tháng 4, Hoa Kỳ vẫn có nhiều hy vọng Hà Nội không định đi tới một chiến thắng hoàn toàn quân sự, và còn muốn điều đình với ông Dương Văn Minh.”

Lần cuối cùng Polgar được nhắc đến trong quyển “Khi đồng minh tháo chạy” là vai trò của ông ta trong chuyến bay rới Việt Nam của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu:

“Chiếc máy bay DC-6 dưới quyền sử dụng của Đại Sứ Hoa Kỳ từ Thái Lan bay qua Sài Gòn trong đêm 25 tháng 4. Ông Polgar, trùm CIA ở Sài Gòn và Tướng Timmes (Charles Timmes, Tư Lệnh Phái bộ Viện trợ Quân sự cho Việt Nam, Military Assistance Command, Vietnam hay MACV) gặp ông Thiệu và đoàn tùy tùng ở nhà Thủ Tướng Khiêm trong Bộ Tổng Tham Mưu (ở Tân Sơn Nhất). Polgar chuẩn bị ba chiếc công xa màu đen chở mọi người ra phi trường.

Đoàn xe lướt qua đài tưởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong của Đồng Minh gần phi trường, với ba hàng chữ nổi bật trên bảng: ‘’Những hy sinh cao quý của các Chiến Sĩ Đồng Minh sẽ không bao giờ bị quên lãng’’. Ông Thiệu ngồi giữa ông Polgar và Tướng Timmes. Nhìn thấy bảng, ông thở dài và quay mặt đi.

Đoàn xe chạy vút về phía sân bay của hãng Air America(công ty hàng không làm theo hợp đồng với CIA.) Đại Sứ Martin đã đợi sẵn ở đó để tiễn đưa. Dù buồn thảm và cam chịu số phận, ông Thiệu vẫn đi thủng thẳng, cố giữ phong độ ông quay lại cám ơn ông Martin đã dàn xếp chuyến đi.

Với một giọng xúc động, ông Martin đáp lễ: ‘’Thưa Tổng Thống, đó là điều tối thiểu tôi có thể làm. Xin tạm biệt và chúc Ngài may mắn’’.
(Tổng hợp theo truyền thông Mỹ và “Khi đồng minh tháo chạy” của TS Nguyễn Tiến Hưng)
© Đàn Chim Việt

Biển Ðông có nguy cơ 'là một thùng thuốc súng'

Biển Ðông đang tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước là thùng thuốc súng của nguy cơ xung đột có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho phương Tây, theo phân tích gia Robert Kaplan.

Robert Kaplan là một phân tích gia địa chính trị nổi tiếng. Ông nhận định trong một quyển sách mới xuất bản có tên là “Asia's Cauldron: The South China Sea and the End of a Stable Pacific.” Tạm dịch là 'Vạc dầu ở Á Châu: Biển Ðông và sự chấm dứt ổn định ở Thái bình Dương,' do Random House xuất bản.



Chiến hạm USS John S. McCain (DDG 56) hiện đang cập cảng Ðà Nẵng, Việt Nam. Hoa Kỳ đang gia tăng sức mạnh hải quân nhằm gây ảnh hưởng của mình trên Biển Ðông. (Hình: Getty Images)

Theo ông nhận định, cuộc tranh chấp địa chính trị trên Biển Ðông liên quan tới nhiều nước, khu vực có tiềm năng lớn về dầu khí, lâu nay có vẻ không được (Tây Phương) quan tâm.

“Vạc dầu có thể đang sôi sục ở Âu châu và Trung Ðông, nhưng không có nghĩa là Á Châu ổn định hơn.” Ông Kaplan nói với đài truyền hình CTV ở Toronto hôm Thứ Ba. “Chúng ta đã hưởng sự ổn định ở Á Châu khá lâu.”

Cuộc tranh chấp Biển Ðông liên quan 6 nước gồm Brunei, Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Ðài Loan. Có nước tuyên bố chủ quyền gần như toàn thể khu vực, có nước chỉ tuyên bố chủ quyền một phần. Cũng đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật về vùng biển và quần đảo Senkaku.

Tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh tuyên bố lập vùng phòng không trên biển Hoa Ðông, bao gồm cả khu vực quần đảo Senkaku. Hành động này đã bị Mỹ, Hàn, Nhật đả kích dữ dội và tuyên bố không nhìn nhận. Phi cơ quân sự của các nước này đã bay qua khu vực mà không thông báo trước như đòi hỏi của Bắc Kinh.

Những vùng giông tố nói trên có thể là điểm phát khởi cho những loạt tranh chấp có thể lôi kéo Hoa Kỳ vào và có thể làm hỗn loạn thị trường tài chính quốc tế, theo ý kiến của ông Kaplan.

“Á Châu lâu nay đang ở giữa những cuộc chạy đua võ trang lớn lao nhất.” Ông nói.

Ðiều đáng quan ngại đặc biệt, theo ông, là việc Trung Quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng liên tục mấy năm qua. Mới tháng 3 vừa qua, Bắc Kinh loan báo tăng ngân sách quốc phòng năm nay 12.2%. Theo bản tin Tân Hoa Xã, mức gia tăng chi tiêu quốc phòng này cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Trong một tình huống giả định là Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và năng lực của Hoa Kỳ giảm xuống, theo phân tích của ông Kaplan thì “Các cơ nguy xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản tăng lên rất cao.”

Hệ quả của một cuộc chiến giả định như thế sẽ làm xáo trộn thị trường tài chính thế giới, đồng thời, Trung Quốc có cái thế mạnh trong tay sẽ lấn chủ quyền lãnh thổ của các nước khác chung quanh, gồm cả Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Trong ngày Thứ Ba, ám ảnh bởi một cuộc xung đột quân sự có thể liên quan đến cả Hoa Kỳ về các cuộc tranh chấp trên Biển Ðông và Hoa Ðông ngày càng trở nên rõ nét hơn, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel nói với người đồng nhiệm của Trung Quốc rằng Bắc Kinh không có quyền ngang nhiên thiết lập vùng phòng không.

“Tất cả các nước có quyền thiết lập vùng phòng không, nhưng không có quyền làm như thế một mình mà không có sự hợp tác hay sự tham khảo của các nước khác.”

Ông Chuck Hagel nói ở Bắc Kinh. Ông cho hay thêm là Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Nhật Bản, Philippines và các đồng minh khác liên quan đến tranh chấp với Trung Quốc.

Theo Trung Tâm Khảo Cứu Chiến Lược Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies) ở Hoa Thịnh Ðốn, Cơ quan Công Ước Quốc Tế về Luật Biển của LHQ (UN Convention on the Law of the Sea) không có quy định giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thế nào.

Trong một bài viết khác phổ biến trên tờ South China Morning Post hôm Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014, ông Mark Valencia, một chuyên viên Mỹ phân tích địa chính trị khu vực Á Châu, cho rằng các tranh chấp về Biển Ðông sẽ vẫn tiếp diễn và không thấy một giải pháp nào trong tương lai gần, cho dù một cuộc chiến tranh toàn diện nhiều phần sẽ không xảy ra.

Trong cuộc tiếp xúc với báo chí khi đến Honolulu họp với Hoa Kỳ và đại diện các nước ASEAN khác về đối phó với thiên tai và các loại thảm họa khác, Bộ Trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen cho rằng ASEAN và Trung Quốc rất muốn thấy có bản Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Ðông sớm được thành hình.

Nhận định lạc quan của ông khác với những lời tuyên bố của những kẻ cầm quyền ở Bắc Kinh, tức trước đến nay, không thay đổi lập trường đòi độc chiếm cả Biển Ðông và chỉ muốn đàm phán tay đôi với các nước tranh chấp để lấy thế nước lớn dễ chèn ép.

Không những vậy, các cuộc tập trận hải quân quy mô của Trung Quốc hàng năm vẫn diễn ra nhiều lần chỉ để uy hiếp tinh thần các nước nhỏ phía Nam.
  (Người Việt) 

Venezuela đập đầu vào tường

Cán cân quân bình đã lệch và sẽ lật

Một năm sau khi Hugo Chavez tạ thế, xứ Venezuela trôi vào khủng hoảng ngày càng trầm trọng và tuột vào vòng xoáy chưa ai nhìn thấy đáy.

“Hồ Sơ Người Việt” tìm hiểu về tình trạng nguy kịch này như một lời cảnh báo cho các chế độ độc tài, bất tài mà vẫn bám víu vào quyền lực nhờ tinh thần mị dân. Hay hậu quả tai hại của dân trí quá thấp nên vẫn mộng mị tin vào lề lối mị dân với màu sắc “xã hội chủ nghĩa.”

Khác với quy cách thông thường, hồ sơ này sẽ vừa trình bày sự thể vừa nêu ra kết luận.
http://www.viet.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/rfi_43_large/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/pq.jpg

Tai họa Chavista thời “Hậu Chavez”

Trong khi thế giới còn chú ý vào vụ khủng hoảng tại Ukraine, từ giữa Tháng Hai, xứ Venezuela tại Nam Mỹ đã trôi vào một chu kỳ khủng hoảng, với làn sóng động loạn xã hội kéo dài khiến 30 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và nhiều người biểu tình phản đối bị cầm tù, kể cả lãnh tụ đối lập là Leopold Lopez.

Từ hơn 10 năm nay, đây là những biến cố trầm trọng nhất tại một quốc gia có tài nguyên dầu khí và một chế độ tự xưng là bênh vực dân nghèo mà lại làm người dân nghèo đi và nhân quyền lẫn nhân phẩm bị chà đạp. Trong một kỳ sau, “Hồ Sơ Người Việt” sẽ trình bày riêng về khu vực dầu khí của Venezuela, bài tổng hợp này chỉ cập nhật về những biến cố mới nhất, như phần nổi ở trên.

Không khác gì nhiều chế độ độc tài bị người dân nổi lên chống đối từ hơn một thế kỷ vừa qua, phong trào nổi dậy tại Venezuela đã có sự tham dự đầu tiên, một cách tự phát, của thanh niên và sinh viên. Sau đấy mới là các thành phần xã hội cùng chia sẻ sự bất mãn về loại vấn đề thiết thực của đời sống, như 1) tội ác của xã hội đen lan tràn, 2) lạm phát gia tăng, và 3) nhu yếu phẩm khan hiếm trên thị trường. Theo thống kê của Ngân Hàng Trung Ương Venezuela, gần 30% sản phẩm nhu yếu hay những gì khả dĩ thay thế các món hàng cần thiết, lại hoàn toàn biến mất. Giới có tiền thì cũng khó tìm ra.

Chi tiết nhỏ nhặt trên cho thấy một kết luận đầu tiên, xin được đưa lên trên cùng: chính là tuổi trẻ đầy lý tưởng (thanh niên) và có hiểu biết (vì là sinh viên, đã may mắn vượt qua bậc trung học) mới nhạy cảm bước lên tuyến đầu của phong trào phản kháng, dù chưa có tổ chức và cũng chẳng có tham vọng gì cho bản thân trong lâu dài.

Sự bất mãn của quần chúng Venezuela khởi đi từ các vấn đề kinh tế, được ghi khá trừu tượng là “khan hiếm nhu yếu phẩm.” Nhu yếu phẩm là loại hàng cần thiết cho đời sống thường nhật của đám đông, chứ không là những gì cao xa hay xa xỉ của thiểu số. Nhưng, thật ra, vấn đề kinh tế của Venezuela không chỉ xuất hiện từ khi lãnh tụ Hugo Chavez tạ thế vào Tháng Ba năm ngoái.

Từ những năm 1999, khó khăn kinh tế đã thúc đẩy phong trào phản kháng, bùng phát một cách rời rạc, lẻ tẻ và thiếu lãnh đạo có khả năng tổng hợp và gây tác dụng cộng hưởng. Lần này, tình hình có khác vì kinh tế còn lụn bại hơn từ một năm nay, và những thành phần nghèo khốn xưa kia được chế độ Chavez o bế bằng chính sách trợ cấp và mua chuộc cũng bị thất vọng.

Nổi lên từ một cuộc đảo chánh hụt, Hugo Chavez đã thắng cử nhờ huy động tinh thần ái quốc của anh hùng dân tộc là Simón Bolivar và nhờ chính sách kinh tế được gọi là “đại chúng,” populist, vì nhắm vào đám đông. Trong mọi xã hội, dân nghèo tất nhiên là đông hơn người giàu và chính sách nâng đỡ dân nghèo đã tạo hậu thuẫn cho Chavez và vây cánh được gọi là “Chavista.” Về lý luận thì Chavez kết hợp tinh thần dân tộc nhờ hình ảnh Bolivar với tinh thần xã hội chủ nghĩa nhờ khẩu hiệu cách mạng cộng sản, được ông ta hiện đại hóa sau khi chủ nghĩa cộng sản đã phá sản từ năm 1991.

Chi tiết ấy cũng đủ cho thấy trình độ dân trí của Venezuela!

Vì dân trí quá thấp, đa số dân chúng không hiểu rằng chính sách kinh tế mị dân, được thực thi nhờ trợ cấp và mua chuộc đã tạo ra vấn đề kinh tế là làm công khố và tài nguyên cạn kiệt dần. Ðang là một nước giàu, có tài nguyên thiên nhiên là năng lượng, Venezuela tự làm cho mình nghèo đi và khu vực chiến lược là dầu khí bị tụt hậu. Sau cả chục năm như vậy thì xứ này tiến tới phá sản.

Nhưng hoàn cảnh kinh tế tai hại này còn dẫn tới vấn đề chính trị, là chế độ đã tạo ra một thành phần tay chân trục lợi và nhờ ách độc tài mà cấu kết thành mạng lưới tham ô. Chế độ mị dân sản sinh ra đám “thân tộc” có quan hệ với tầng lớp cầm quyền mà thu vét quyền lợi cho mình.

Cái giá phải trả về kinh tế là sự phá sản của công khố. Cái giá về xã hội là nạn tội ác tràn lan của “xã hội đen.” Chế độ độc tài trở thành bất tài bất lực trước tội ác và như trong nhiều xứ độc tài khác, băng đảng tội các lại cấu kết với bộ máy an ninh và công an, cho nên giàu nghèo gì thì người dân cũng trở thành nạn nhân. Venezuela là nơi có mức độ sát nhân cao nhất thế giới.

Trong năm 2013 có 24,000 vụ giết người, với tỷ lệ rợn mình là cứ mươi vạn thì lại có 79 người bị ám sát.

Dù nương tựa vào Cuba, và được Trung Quốc cùng Liên Bang Nga nâng đỡ, Hugo Chavez vẫn chẳng thoát số trời. Sau khi ông ta từ trần, người được chọn làm kế nhiệm là Nicolas Maduro đã đắc cử vào Tháng Tư năm ngoái với một đa số rất mỏng và thừa hưởng di sản kinh tế đầy khó khăn. Những khó khăn tích lũy đó đã dồn dập và lây lan nên mới dẫn tới cuộc khủng hoảng ngày nay.

Một trong những lý luận có tính chất biện hộ của Maduro là vì mình thừa hưởng di sản kinh tế của vị tiền nhiệm. Thật ra, ông ta đã là phụ tá, Ngoại trưởng và đứng phó cho Chavez khi thực thi đường lối kinh tế này. Maduro là tay Chavista thân tín và đáng tin nhất của Chavez.


Những tai họa tích lũy

Kinh tế Venezuela là nạn nhân của chính sách vô trách nhiệm của một lãnh tụ độc tài và mị dân.

Người ta cứ lầm rằng một chế độ mị dân thì cũng có chút ít dân chủ và trước tiên là có bầu cử. Nhận thức hời hợt này rất sai vì chế độ Ðức quốc xã của Adolf Hitler cũng xuất phát từ bầu cử và có hình thức dân chủ. Sau đó, tinh thần mị dân, và thực chất là khinh dân, mới dẫn tới độc tài. Sự chuyển hóa chầm chậm, như một vòng đai siết lại từng nấc, khiến người dân quen dần với cái ách độc tài. Ðến khi muốn tháo gỡ thì đã quá trễ vì xã hội không còn tổ chức nào có thể vùng lên để thay thế. Các đảng phái đối lập thì bị tê liệt hóa hoặc bị phân hóa vì hai gọng kìm song hành là đàn áp và mua chuộc. Ngả theo chế độ thì còn có quyền lợi, chứ chống đối thì bị truyền thông của chế độ kết án, và vào tù.

Tuy nhiên, kinh tế lại xoay chuyển theo quy luật khác. Chính sách vô trách nhiệm của lãnh đạo Venezuela dẫn tới các tai họa sau đây.

Khi sản lượng kinh tế không tăng mà nhà nước tiếp tục tung tiền mua chuộc các thành phần dân chúng có thể ủng hộ mình nhờ quyền lợi được ban phát thì nhà nước phải đi vay. Bội chi ngân sách làm rách túi bạc và trở thành gánh nợ công trái - trái là nợ và công là của công quyền. Về kinh tế thì điều ấy có nghĩa là công chi - các mục chi của khu vực công quyền - gia tăng, được tài trợ bằng trái phiếu hay giấy nợ, với hậu quả là gây ra lạm phát.

Venezuela có thể thi hành chính sách kinh tế tai hại này trong cả chục năm vì là một nước sản xuất và xuất cảng dầu hỏa. Chavez khích động tinh thần dân tộc theo lối mị dân bằng biện pháp quốc hữu hóa các doanh nghiệp dầu hỏa của ngoại quốc. Nhưng hậu quả là đánh sụt đầu tư và làm khu vực năng lượng bị tụt hậu. Trong khi đó, nhờ có dầu, ông ta áp dụng biện pháp trợ giá để thị trường nội địa mua được xăng dầu và hàng hóa rất rẻ, dưới giá thị trường.

Hậu quả là nhà nước bị lỗ và khu vực năng lượng càng thêm lụn bại.

Chế độ trông cậy vào Trung Quốc để vượt qua những trở ngại này và càng lệ thuộc vào thiện chí của Bắc Kinh. Mỗi ngày, xứ này cung cấp 500 ngàn thùng dầu thô cho Trung Quốc để được vay tiền tài trợ ngân sách bị lủng và Bắc Kinh lấy dầu theo kiểu mua lúa non, nắm dầu trước, trả tiền sau.

Khía cạnh khác của chính sách kinh tế tai hại này là sự phình nở của khu vực kinh tế nhà nước, các tập đoàn quốc doanh về năng lượng, công nghiệp và đất đai.

Hai hậu quả kế tiếp của tình trạng này là quốc doanh lụn bại và mắc nợ trong khi tư doanh hết đất sống, bị bóp nghẹt và thậm chí đàn áp. Venezuela không chỉ gặp hiện tượng dễ hiểu là thiếu tổ chức hay giải pháp chính trị thay thế một chế độ độc tài, mà kinh tế cũng chưa tìm ra tiềm lực thay thế hệ thống quốc doanh trên bờ phá sản.

Khu vực năng lượng và tổng công ty quốc doanh PDVSA là con gà đẻ trứng vàng cho chế độ đã hết trứng và đang thành gà toi. Nếu dầu thô lại không lên giá mà còn giảm thì chế độ “Hậu Chavez” của Maduro sẽ không có tương lai.


Những chọn lựa lưỡng nan

Chính quyền hiện hành có thể tiếp tục đàn áp người dân trước sự thờ ơ của thế giới. Nhưng họ cũng biết là sẽ khó tồn tại nếu không thay đổi. Cho tới nay, chưa có chỉ dấu gì báo hiệu y muốn cải cách mà chỉ là những biện pháp gọi là “ổn định tình hình.” Việc ổn định này sẽ không có kết quả vì công quỹ đã cạn kiệt.

Khi phải lùi đến chân tường, lãnh đạo Venezuela phải tìm cách thoát hiểm.

Giải pháp ai cũng có thể nghĩ tới và nói đến là phải ra khỏi chế độ tập trung quản lý mà áp dụng quy luật thị trường. Giải pháp này lý tưởng mà thật ra không tưởng vì lập tức dẫn tới khủng hoảng kinh tế vì tư doanh chưa có sức bật để cứu nguy sản xuất trong khi tay chân của chế độ làm thịt tài sản của nhà nước và tháo chạy ra ngoài. Ðấy là kịch bản “Liên Bang Nga hậu Xô Viết” từ 1991 đến 1999.

Giải pháp kia là vững tay lái xã hội chủ nghĩa và tăng cường vai trò của nhà nước lẫn dùi cui của công an. Ðàn áp chính trị mạnh hơn nhằm triệt để bảo vệ quyền lực lẫn quyền lợi của thành phần ở trên. Kết quả sẽ là khủng hoảng cả kinh tế lẫn chính trị. Sau khi chế độ sụp đổ, Venezuela còn mất cả chục năm lầm than.

Kết luận ở đây là gì?

Ðịnh hướng xã hội chủ nghĩa là tai họa phổ biến và sau gần 15 năm, cán cân của Venezuela cứ nghiêng dần, cho đến khi lật.
Hùng Tâm
(Người Việt) 

Ls Lê Công Định - 'VN cần cộng đồng dân sự'

Mặc dù 'Xã hội dân sự' đang là cụm từ thời thượng tại Việt Nam, khái niệm này thường không được hiểu chính xác.

Lê Công Định: 'có ngộ nhận, nhầm lẫn về đặc trưng các hội đoàn dân sự'

Việc chuyển ngữ trực tiếp từ tiếng Anh 'civil society' thành xã hội dân sự' tuy có vẻ chuẩn xác về mặt ngôn ngữ, nhưng lại là nguyên nhân cơ bản đầu tiên gây nhầm lẫn, ngộ nhận, thậm chí đánh đồng các tổ chức và hội đoàn mang đặc trưng của những quan hệ dân sự - vốn chỉ là những thành tố trong một xã hội - với một xã hội dân sự.

Về ngữ nghĩa, danh từ 'society', như 'civil society' trong tiếng Anh hay 'société' trong tiếng Pháp ngoài nghĩa thông thường là 'xã hội', còn có nghĩa là 'hội' hay 'hiệp hội', thậm chí là công ty, như 'société anonyme' (công ty cổ phần) hay 'société à responsabilité limitée' (công ty trách nhiệm hữu hạn).

Dưới góc độ xã hội học và chính trị học, khi nói đến xã hội dân sự, không phải trong ý nghĩa của khái niệm 'civil society', tức là nói đến định hướng phát triển tất yếu của một xã hội có đặc trưng luôn dân sự hóa và dân chủ hóa.
Dân chủ đại diện

Nói cách khác, xã hội dân sự là một bước phát triển mới tiếp theo của nền Dân chủ Đại diện.

Trong quá trình phát triển như vậy, các tổ chức và hội đoàn dân sự ngày càng mất đi tính đối trọng và đối lập với các cơ quan thực thi quyền lực nhà nước, để có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ vốn dĩ của nhà nước, trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành các quyết định về chính sách, và cùng với cơ quan công quyền sử dụng quyền lực nhà nước một cách hiệu quả nhất.




Cộng đồng dân sự là một khu vực mở, trong đó có các tác nhân hoạt động với mức độ tổ chức khác nhau từ cá nhân, nhóm, hội đoàn, tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, phong trào xã hội, đến các tổ chức phụ thuộc ở mức độ khác nhau vào nhà nước. "
Từ năm 1989 về trước, xã hội dân sự đặc biệt được nói đến nhiều tại những quốc gia theo chính thể độc tài ở Mỹ-La tinh và Đông Âu như một hình mẫu xã hội, một khái niệm về lý luận, một đòi hỏi đối lập với xã hội Xã hội chủ nghĩa và chế độ chuyên chính vô sản.

Trong ý nghĩa đó, xã hội dân sự được đặt ngang với các hình thái xã hội theo lý luận của Karl Marx, bao gồm: xã hội Nguyên thủy, xã hội Quân chủ, Phong kiến, xã hội Tư bản và xã hội Cộng sản mà giai đoạn tiền thân là xã hội Xã hội chủ nghĩa.

Trong cùng thời gian đó, ở các quốc gia pháp trị dân chủ Tây phương, người ta cũng bàn nhiều về xã hội dân sự, nhưng chú trọng vào những đòi hỏi dân chủ nhiều hơn nữa nhằm xây dựng thành công một xã hội dân sự hoàn hảo.

Song, tiêu chí nào cần hội đủ để có thể xác định xã hội dân sự đã hiện hữu ở một quốc gia vẫn tiếp tục là đề tài tranh luận trên các diễn đàn chính trị.

Hiện nay, xã hội tại các nước công nghiệp phát triển Âu-Mỹ chính là những xã hội dân sự thực thụ, dù ở nhiều cấp độ “dân sự hóa” khác nhau. Xã hội dân sự được xem như thành công với mức độ dân sự hóa cao nhất hiện nay là xã hội của Thụy Sĩ.

Triết gia Aristotle từng nói về một cộng đồng công dân có chung mục tiêu

Lịch sử xuất hiện và sử dụng cụm từ 'civil society', trái lại, đã gây ra ngộ nhận tai hại.

Cụm từ này hình thành từ khái niệm “Societas civilis” trong tiếng La Tinh, vốn có nguồn gốc từ 'politike - koinonia' của Hy Lạp, là thuật ngữ chỉ một cộng đồng mở, và đôi khi cũng dùng để chỉ những cộng đồng có chung ý chí chính trị.

Triết gia Aristotle từng dùng nó để diễn tả một cộng đồng của những công dân muốn thực hiện những điều tốt lành về đạo lý.

Người đầu tiên sử dụng danh từ 'civil society' có nguồn gốc như thế cho một cộng đồng mở là Adam Ferguson, nhà xã hội học người Anh.

'Civil society' theo ý nghĩa xã hội học và chính trị học hiện đại được hiểu là Cộng đồng dân sự thuần túy.

Trong ý nghĩa tổng quát, Cộng đồng dân sự là một khu vực, một bộ phận của xã hội, không nằm trong khu vực nhà nước, lĩnh vực kinh tế hay đời sống cá nhân.

Cộng đồng dân sự là một khu vực mở, trong đó có các tác nhân hoạt động với mức độ tổ chức khác nhau từ cá nhân, nhóm, hội đoàn, tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, phong trào xã hội, đến các tổ chức phụ thuộc ở mức độ khác nhau vào nhà nước.

Các nước ASEM đều có khối cộng đồng dân sự ở mức độ khác nhau
Trong ý nghĩa ấy, chuyển ngữ cụm từ 'civil society' thành 'xã hội dân sự' vừa không chính xác, vừa khiến chính quyền hiện tại phải lo ngại và đề phòng không cần thiết.

Hội đoàn dân sự

Những tác nhân hoạt động trong Cộng đồng dân sự, để tránh hiểu lầm và lo ngại, không nên gọi là tổ chức xã hội dân sự, mà chỉ giản dị là tổ chức hay hội đoàn dân sự (trong bài này xin gọi tắt là hội dân sự).

Hội dân sự có những đặc trưng cơ bản giống nhau như sau:

1) hình thành không cần thông qua hoạt động quản lý trực tiếp nào của nhà nước, mà do đòi hỏi của thực tiễn, qua liên kết, hợp tác tự nguyện giữa các cá nhân, các nhóm;

2) mục đích không nhằm đối lập, cạnh tranh hay thách thức quyền lực nhà nước, mà tự mình chủ động bày tỏ những mối quan tâm, bảo vệ lợi ích và đáp ứng nhu cầu của các thành viên;

3) phản hồi hay tham gia theo dõi, kiểm tra hoạt động của cơ quan công quyền không phải là mục đích tự thân, lý do thành lập hay mục tiêu hoạt động, mà chỉ giản dị là hệ quả phải có để có thể tự bảo vệ lợi ích và đáp ứng nhu cầu của các thành viên, và

4) với tất cả những đặc trưng đó, chúng độc lập với nhà nước.

Các hội dân sự tự động thành hình trong những thể chế dân chủ pháp trị nơi mà quyền và lợi ích của các cá nhân không ngừng được nâng cao và cần thỏa mãn kịp thời.

Một hoạt động bảo vệ động vật tại Việt Nam: các hội dân sự tự hình thành

Ngay cả trong những chế độ độc tài và chuyên chính vô sản, các hội dân sự cũng hiện hữu rộng khắp, hoặc do nhà nước hỗ trợ thành lập, hoặc như một nhu cầu tự nhiên vì lợi ích của cá nhân trong xã hội không được quan tâm và bảo vệ.

Tại Việt Nam, trước tiên, những tổ chức có tính chất xã hội được nhà nước trực tiếp thành lập và chi phối trong phạm vi Mặt trận Tổ quốc.

Sau đó, khi bầu không khí chính trị-xã hội dần thông thoáng, các nhóm dân sự nhỏ hình thành để bảo vệ lợi ích chung và giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong những vấn đề mà họ không được chính quyền giúp đỡ; kế đến là sự hình thành các tổ chức dân sự có tính chất từ thiện, giúp đỡ những người có cuộc sống kém may mắn; tất nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế đã xuất hiện các nhóm dân sự cùng chia sẻ sở thích, chia sẻ quan tâm giống nhau về nhân sinh quan, thế giới quan, nghề nghiệp, hay giúp người khác rèn luyện kỹ năng sống...




Các hội dân sự như vậy không đối trọng với quyền lực nhà nước, do vậy không nên sử dụng hoặc nhìn chúng như những công cụ đối kháng với nhà nước"
Đó là hiện tượng tự nhiên đã hiện hữu trên thực tế, dù chính quyền muốn hay không và cho phép hay không, mà chắc chắn vẫn đang và sẽ diễn ra ngày càng mạnh và rộng hơn.

Các hội dân sự như vậy không đối trọng với quyền lực nhà nước, do vậy không nên sử dụng hoặc nhìn chúng như những công cụ đối kháng với nhà nước.

Ngược lại, chúng chính là những 'van' xả áp lực, giúp xoa dịu sự bất bình của người dân đối với nhà nước và chế độ.

Thực tế đã chỉ rõ, các nước XHCN Đông Âu trước đây không sụp đổ vì hoạt động của các tổ chức và hội đoàn dân sự, mà trái lại là do không có phương tiện giúp giảm bớt sự bức bối và phẫn nộ của người dân đối với các chính sách bất công và bất hợp lý của chính quyền.

Như mọi tập hợp và tổ chức hình thành một cách tự nguyện và có tính ngẫu nhiên theo tình hình thực tiễn khác nhau, các hội dân sự rất dễ bị tấn công, phá hủy hoặc bị lợi dụng. Để tránh điều đó, nhà nước nên nhanh chóng ban hành luật về hoạt động của hội dân sự.

Bởi lẽ bảo vệ sự tồn tại và bảo đảm hoạt động minh bạch của hội dân sự bằng một hành lang pháp lý cụ thể trước hết chính là vì lợi ích của nhà nước trong việc điều hành xã hội và tạo dựng lòng tin của người dân vào chế độ.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư Lê Công Định, một nhà hoạt động, cựu tù nhân chính trị ở Việt Nam.

Ls Lê Công Định
Theo BBC Vietnamese

Ngày 12/4/2014 - Thói dối trá chính trị - “Bẫy thu nhập trung bình” và hậu quả của nó (*)

  • Lương Thanh tra hơn lương Thủ tướng? (BBC) - Thanh tra Chính phủ cho hay tổng thu nhập của Tổng thanh tra vào khoảng 18 triệu đồng/tháng, có thể còn cao hơn thu nhập của Thủ tướng Chính phủ.
  • Công an Hà Tĩnh 'bị dân vây đánh' (BBC) - Hơn 100 công an đã được huy động để giải vây cho một tổ công tác bị người dân 'vây đánh' tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, trong khi có tin nói vụ việc liên quan đến một dự án xây dựng.
  • Thả ông Vũ 'không làm dịu nỗi đau' ở VN (BBC) - Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) nói việc trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ không xoa dịu nỗi đau của những tiếng nói bất đồng khác còn bị giam cầm ở Việt Nam.
  • Lúa đầy bồ nhưng lòng nặng trĩu (RFA) - Bên cạnh câu chuyện quĩ đất eo hẹp dần, câu chuyện giá thành bấp bênh, không ổn định cũng khiến cho người nông dân trở nên ngột ngạt, khó sống.
  • Tổ chức cho Việt kiều thăm Trường Sa (BBC) - Chính phủ Việt Nam tổ chức cho đoàn đại biểu người Việt ở hải ngoại ra thăm Trường Sa vào cuối tháng Tư, làm lễ cầu siêu cho liệt sỹ bảo vệ đảo.
  • Hải quân VN-Philippines tăng hợp tác (BBC) - Reuters đưa tin hải quân Philippines sẽ giao lưu với hải quân Việt Nam trên đảo Song Tử Tây, đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác hai bên.
  • “Nữ Trạng Hề” của thập niên 1960 – 1970 (RFA) - Hoạt động cải lương từ cuối thập niên 1950 trở về trước không có nữ hề, mà nữ hề chỉ xuất hiện từ năm 1961 khi nghệ sĩ Bé Hoàng Vân được mời về đoàn Út Bạch Lan – Thành Được.
  • Lời thú nhận muộn màng của ông Bộ trưởng (RFA) - Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhìn nhận là Việt Nam không thể làm nông nghiệp như cách vẫn làm từ 30 năm qua mà phải thay đổi từ trong nhận thức. Ông Bộ trưởng đã nói như thế khi trả lời chất vấn tại phiên họp ngày 8/4/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở Hà Nội.
  • Dân đánh 13 công an ở Bắc Sơn nhập viện (RFA) - Trong vụ hàng trăm người dân vây đánh công an ở Bắc Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh, cơ quan điều tra hôm nay cho biết đã bắt giam 2 nghi can và truy tìm một số người tham gia vụ gây rối.
  • Luật gia Hứa Chí Dũng bác bỏ bản án (RFI) - Hôm nay, 11/04/2014, luật gia Hứa Chí Dũng (Xu Zhiyong), một giảng viên đại học, nổi tiếng vì tranh đấu chống tham nhũng, bác bỏ một phán quyết« phi lý», của tòaán Trung Quốc, sau khi phiên phúc thẩm giữ nguyên bảnán bốn năm tù của tòa sơ thẩm hồi cuối tháng 1/2014. Luật sư bào chữa củaông Hứa Chí Dũng cho biết vị luật gia chống tham nhũng vẫn luôn kiên định và tin tưởng vào con đườngông đã chọn.
  • Nhật khai thác trở lại năng lượng nguyên tử (RFI) - Chính phủ Nhật Bản hôm nay 11/04/2014 đã thông qua chính sách năng lượng mới, theo đó nguyên tử lực được coi là« một nguồn lực cơ bản quan trọng». Như vậy chính sách giảm dần hoạt động các nhà máy điện nguyên tử, tiến tới không dùng điện hạt nhân của chính phủ trước đây sau thảm họa Fukushima đã chính thức bị dẹp bỏ.
  • 'Tăng quyền cho đông Ukraine' (BBC) - Thủ tướng lâm thời Ukraine đề nghị tăng quyền cho khu vực phía đông nhằm tìm lối ra cho khủng hoảng.
  • Đối phó thế nào với mối đe dọa Putin ? (RFI) - ChâuÂu phải chăng đang ở trong tư thế"lưỡng diện thọ địch" ? Câu hỏi trên đã được báo chí Pháp ngày hôm nay, 11/04/2014 gợi lên, nhấn mạnh trên hai bình diện. Trước hết là kinh tế với nguy cơ giảm phát, và kế đến là an ninh, phảnánh qua cuộc đọ sức với Nga ở Ukraina. Trên vấn đề thứ hai này, báo Le Monde ở trangý kiến đã nêu thành tựa câu hỏi :"Phải chăng Nga là một mối đe dọa đối với ChâuÂu ?"
  • Châu Âu : Tổng thống Nga dọa cắt nguồn khí đốt (RFI) - Trong thư gửi lãnh đạo các nước ChâuÂu, Tổng thống Nga Putin cho biết« có thể ngưng cung cấp khí đốt cho Ukraina nếu Kiev không thanh toán tiền nợ .Ông Putin đề nghị Nga và châuÂu« bình đẳng» hợp tác giải quyết khó khăn kinh tế cho Ukraina.
  • Vũ khí khí đốt của Putin : Lợi bất cập hại (RFI) - Để khuynh đảo Ukraina và gây sứcép với Liên Hiệp ChâuÂu, Tổng thống Nga có trong tay vũ khí nhiên liệu lợi hại. Thứ năm 10/04/2014, đích thân Vladimir Putin đe dọa là sẽ ngưng bán khí đốt cho Ukraina và ChâuÂu nếu Bruxelles không mở túi tiền« chia bớt gánh nặng năng lượng» cho… Nga, một diễn biến mới làm khủng hoảng nghiêm trọng thêm. Tuy nhiên, liệu Nga có dám thực hiện ?
  • Phóng viên không biên giới tố cáo Miến Điện kết án tù một nhà báo (RFI) - Hôm nay, 11/04/2014, tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) bày tỏ« sự phẫn nộ» trước việc chính quyền Miến Điện kếtán một năm tù đối với một nhà báo. Nhiều tờ báo hôm nay 11/04/2014, tại Miến Điện in hình dải băng đen trên trang nhất như một dấu hiệu phản đối.
  • Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố chính sách Biển Đông (BaoMoi) - (Petrotimes) - Phát biểu khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao tổ chức tại thị trấn Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc hôm qua (10/4), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khẳng định quyết tâm bảo vệ “chủ quyền lãnh thổ” của nước này là “không thể lay chuyển”.
  • Hoa Kỳ và Philippines thỏa thuận ký kết hiệp ước an ninh mới (RFI) - Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin quân sự Philippines hôm nay 11/04/2014 cho biết, Philippines và Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận về việc ký kết một hiệp ước hợp tác an ninh mới, cho phép quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ tại Philippines cho các hoạt động hải quân và nhân đạo.
  • Mỹ - Philippines đạt thỏa thuận triển khai hiệp ước an ninh mới (BaoMoi) - (NLĐO) – Ngày 11-4, một quan chức quốc phòng Philippines cho biết chính quyền Manila và Washington đã đạt thỏa thuận triển khai một hiệp ước an ninh mới, trong đó cho phép lực lượng quân sự Mỹ hiện diện tại một số căn cứ ở Philippines. Với hiệp ước này, Mỹ sẽ giúp Philippines nâng cao mức độ bảo vệ trướci sự đe dọa từ Trung Quốc
  • Biển Đông : Manila dùng cách (RFI) - Hôm nay, 11/04/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose tuyên bố, trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, khi nộp hồ sơ kiện Trung Quốc ra trước Tòaán trọng tài Liên Hiệp Quốc, chính quyền Manila dùng phương pháp« thuyết phục đạo lý» để tòaán tuyên bố rằng các đòi hỏi về chủ quyền của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông là phi pháp.
  • Hoa Kỳ cảnh cáo Trung Quốc (RFA) - Chuyến đi châu Á 10 ngày của Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel không nhằm mục đích tăng cường quan hệ quốc phòng với Trung Quốc như loan báo, mà nhằm quảng bá thông điệp của Washington về chính sách xoay trục chiến lược và bảo vệ đồng minh ở châu Á.
  • Gần 100 người Trung Quốc chết từ đầu năm vì H7N9 (RFI) - Hôm nay 11/04/2014, theo AFP, đã có gần 100 người Trung Quốc qua đời, vì căn bệnh do virus cúm gia cầm H7N9 gây ra trong vòng ba tháng đầu năm. Theo chính quyền Trung Quốc, số lượng người nhiễm và tử vong vì cúm H7N9 đã giảm xuống trong tháng 3.
  • Đề nghị bổ nhiệm thẩm phán của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ bị cho là vi hiến (RFI) - Hôm nay, 11/04/2014, Tòa Bảo hiến Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa thách thức Thủ tướng Recep Erdogan với việc bác bỏ một phần cuộc cải cách tư pháp, nhằm tăng cường quyền kiểm soát đối với các thẩm phán. Cuộc cải cách được Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất trong bối cảnh một loạt các cáo buộc tham nhũng được đưa ra nhắm vào hàng chục nhân vật thân cận với chính quyền.
  • Ngoại trưởng Pháp thăm Cuba lần đầu tiên kể từ 30 năm qua (RFI) - Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius sẽ công du Cuba ngày mai 12/04/2014 để tái thúc đẩy quan hệ song phương trong một« bối cảnh chính trị thuận lợi». Đảo quốc cộng sản vừa khởi đầu đối thoại về việc bình thường hóa quan hệ với Liên hiệp châuÂu.
  • Ý: Số thuyền nhân đổ bộ lên nước Ý tăng vọt (RFI) - Theo tin của một số tờ báoÝ, trong những ngày qua làn sóng thuyền nhân vượt biển Địa Trung Hải để nhập cư bất hợp pháp vàoÝ đang có chiều hướng gia tăng mạnh, đến mức Roma đã phải kêu cứu châuÂu. Từ Roma, thông tín viên Huê Đăng tường trình.
  • Trao đổi thư tín với thính giả (11.04.2014) (RFA) - Trong tuần qua, sự kiện được nhiều khán thính giả cùng độc giả quan tâm nhất là sự kiện tù nhân lương tâm LS Cù Huy Hà Vũ được trả tự do và đã đến Hoa Kỳ để chữa bệnh. Mở đầu chương trình hôm nay, Hòa Ái trích đăng những ý kiến và chia sẻ xoay quanh sự kiện này.
  • Thời sự qua hình ảnh (RFA) - Chiếc máy bay đặc biệt Orion AP-3C của không quân Hoàng Gia Úc đang xuống thấp để thả một số vật liệu cho tàu HMAS Toowoomba đang trong việc tìm kiếm máy bay Malaysia Airways mất tích. Ảnh chụp ngày 7/04/2014
  • Nga không trục xuất cựu tổng thống Victor Yanukovich về Ukraine (RFA) - Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, hôm nay lên tiếng kêu gọi cần có bảo đảm pháp lý để cho Ukraine trung lập, đồng thời cũng nói rằng Matxcova sẵn sàng tham gia vòng họp bốn bên với Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Ukraine dự kiến sẽ diễn ra vào tuần tới.
  • Tin tức mới về máy bay Malaysia mất tích (RFA) - Chính quyền Malaysia đã bắt đầu việc điều tra các giới chức hàng không dân dụng và phía quân sự để tìm hiểu tại sao cơ hội nhận dạng và theo dõi chiếc máy bay MH370 lại bị bỏ qua trong những giờ đồng hồ ngay sau khi chiếc máy bay mất tín hiệu.
  • Biểu tình chống nhàmáy than tại Thái Lan (VOA) - Luật sư Phithakwatchara nói công ty cần phải làm việc với mọi người, cung cấp thông tin đầy đủ và nghe lời khuyên từ cộng đồng để họ trở thành một phần trong việc quyết định
  • Chi phítìm kiếm MH370 tốn kém kỷ lục (VOA) - Cuộc tìm kiếm chuyến bay 370 của hãng Malaysia kéo dài 4 tuần của đang cuốn hút thêm các nguồn lực quân sự của các nước tính đến nay đã tiêu tốn khoảng 44 triệu đôla Mỹ
  • Thủ Tướng Ukraine tỏ thái độ hòa giải (VOA) - Thủ Tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk đề nghị một số nhượng bộ đối với giới lãnh đạo khu vực và người biểu tình thân Nga, sau khi hạn chót mà Kyiv đưa ra qua đi
  • Bộ trưởng Y Tế Mỹ Sebelius từ chức (VOA) - Quyết định từ chức của bà Sebelius được đưa ra chỉ một tuần sau khi đã hết hạn ghi danh cho năm đầu tiên của chương trình chăm sóc y tế giá phải chăng - thường được gọi là Obamacare
  • Hoa anh đào nở rộ tại thủ đôWashington (VOA) - Các cây anh đào đang nở rộ tại thủ đô Washington, đúng lúc cho cuộc diễn hành truyền thống của Ngày Lễ Hội Hoa Anh Đào được tổ chức tại khu vực trung tâm thành phố
  • Vì sao chiến đấu cơ Malaysia không bay lên cản máy bay MH370? (BaoMoi) - (Tin Nóng) Chính phủ Malaysia đã cho điều tra việc hàng không và quân đội không hợp tác khi phát hiện máy bay MH370 mất tích khỏi màn hình radar và chuyển hướng, cũng như không có biện pháp ngăn chặn ngay từ những giờ phút đầu tiên.
  • Cuối tuần, nắng xuất hiện nhiều hơn tại Bắc Bộ (BaoMoi) - NDĐT- Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, cuối tuần, thời tiết ở các tỉnh Bắc Bộ vẫn sẽ có lúc mưa lúc nắng. Tuy nhiên, nắng sẽ xuất hiện nhiều hơn, đến khoảng chiều tối có mưa rào và giông rải rác.
  • Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy tham vấn COC (BaoMoi) - TP - Hôm qua, phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng, hòa bình, ổn định ở biển Đông phù hợp với lợi ích của tất cả các nước ven biển.
  • Trung Quốc sẽ “mạnh tay” ở Biển Đông (BaoMoi) - Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm qua (10/4) đã phát đi một cảnh báo nhằm vào các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp ở Biển Đông, nói rằng Trung Quốc sẽ “đáp trả mạnh tay đối với những hành động khiêu khích”.
  • Hàn Quốc và Mỹ tập trận lớn chưa từng có (BaoMoi) - PN - Hàn Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận không quân Max Thunder với Mỹ từ ngày 11-25/4, một cuộc diễn tập lớn chưa từng có với sự tham gia của 103 máy bay và 1.400 binh sĩ (AFP).
  • “Thỏa thuận trong bất đồng” (BaoMoi) - TT - Từ diễn đàn đầu tháng 4 với các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã nêu: “Tôi kêu gọi tất cả các bên tranh chấp làm rõ các yêu sách của mình bằng các chứng lý dựa trên luật pháp quốc tế và tuân thủ quy tắc được quốc tế chấp nhận cùng các chuẩn mực trong hành vi”.
  • Sự cởi mở hiếm hoi, đầy ẩn ý (BaoMoi) - Lần đầu tiên, một quan chức cấp cao của Mỹ đặt chân lên tàu sân bay của Trung Quốc. Ẩn sau động thái này là 3 thông điệp đáng chú ý của Trung Quốc

Thói dối trá chính trị

Dù vẫn quá kín tiếng bởi vòng kim cô của Ban Tuyên giáo trung ương cùng các nhóm lợi ích, một lần nữabáo chí trong nước phải bày tỏ thái độ giễu cợt chua cay đối với hành vi tùy hứng và tùy tiện rất đáng nghi ngờ của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.
“Chỉ có Thống đốc mới biết được nợ xấu thực là bao nhiêu” – một bài viết mới đây đặt dấu hỏi, sau khi người phụ trách Ngân hàng nhà nước bất ngờ công bố tỷ lệ nợ xấu mới là 7% trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ vào cuối tháng 3/2014.
Sơ kết, công luận và dư luận Việt Nam đã chứng kiếnít nhất 6 lần thay đổi ngẫu hứng về tỷ lệ nợ xấu chỉ trong gần 3 năm, kể từ khi ông Bình nhậm chức Thống đốc vào tháng 8/2011.


Những hình nhân nhảy múa
Chỉ một tháng sau thời điểm ngồi vào chiếc ghếThống đốc, ông Nguyễn Văn Bình đã công bố tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam chỉ có 3%. Nhưng trước đó hai tháng, cơ quan xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới là Fitch Ratings đã kịp nêu ra tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam là 13%, gấp 4 lần số báo cáo của “người Việt xấu xí”.
Đến cuối năm 2011, trong khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn kiên trì bảo lưu trước Quốc hội về tỷ lệ nợ xấu 3%, lần đầu tiên con số về việc ít nhất 55.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và phá sản đã được công bố. Nền kinh tế Việt Nam cũng được xác nhận là rơi vào tình trạng “tái suy thoái”.
Mọi chuyện diễn ra lặng lẽ cho đến giữa năm 2012. Tại kỳ họp Quốc hội, ông Bình bất ngờ tung ra tỷ lệ nợ xấu lên đến10%. Rất nhiều đại biểu Quốc hội và nhà báo từ ngỡ ngàng đếnkinh ngạc vì sự biến hiện khuất tất đó. Người ta không thể hiểu vì sao chỉ trong một thời gian ngắn, nợ xấu đã tăng vọt gấp 3 lần. Càng không thể diễn tảnổi khi ông Bình không đưa ra một lời giải thích nào.
Chỉ biết rằng trước đó vào tháng 4/2012, Ngân hàng nhà nước đã phải làm động tác “giải hạn” cho các ngân hàng thương mại bằng một văn bản cho phép “tái cơ cấu nợ” với số nợ khoảng 250.000 tỷ đồng. Nếu không được sắp xếp lại nợ cho vay, mà về thực chất là “hoãn nợ” và “đảo nợ”, một số ngân hàng đương nhiên rơi vào tình thế khốn quẫn ngay vào thời điểm ấy vì không thể thu hồi dược dù một phần nhỏ nợ đọng từ khối doanh nghiệp.
Sau khi chủ trương “tái cơ cấu nợ” được triển khai, tình hình có vẻ dần di vào diện “bình ổn”, các ngân hàng không còn phải quá lo lắng về chuyện siết nợ đối với các doanh nghiệp bất động sản con nợ. Vì thế, cuối năm 2012, tỷ lệ nợ xấu lại được Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố trước quốc hội là 8% mà không kèm theo bất kỳ cơ sở thuyết minh nào.
Vào đầu năm 2013, tình hình vẫn tiếp tục được Chính phủ báo cáo “ổn định” đến mức Ngân hàng nhà nước lại một lần nữa “kéo” xuống 6%cho tỷ lệ nợ xấu. Nhưng khốn thay, đây cũng là lúc mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên phải công bố con số chẵn 100.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và phá sản, chiếm gần 20% so với tổng số doanh nghiệp đăng ký trên toàn quốc. Tuy nhiên theo cách tính toán riêng của một số chuyên gia phản biện, thực chất con số doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động còn cao hơn, có thể lên đến 200.000, liên quan đến việc số doanh nghiệp này không còn khả năng đóng thuế cho nhà nước.
Khác với những mâu thuẫn về “gói kích cầu nhà đất” trong năm 2011, 2013 lại là năm “đi đêm” giữa Ngân hàng nhà nước với Bộ Xây dựng trong một chiến dịch PR và làm mọi cách để “đánh lên” bất động sản nhằm tiêu thụ núi hàng tồn kho chất cao vời vợi, đặc biệt là ít nhất 100.000 căn hộ cao cấp dãi dầu mưa nắng. Vào giữa năm đó, trong khi số nợ cần được “tái cơ cấu” đã nâng lên 272.000 tỷ đồng và các ngân hàng lại một lần nữa kêu thét, thậm chí có ngân hàng cuống cuồng bên bờ vực phá sản, Ngân hàng nhà nước lại một lần nữa phóng thích văn bản gia hạn nợ lần thứ hai. “Bình ổn ngân hàng” cũng vì thế có cơ hội tái hiện. Sau đó và như một đồng thanh tương ứng, Ngân hàng nhà nước cùng Bộ Xây dựng tiếp tục “kéo” tỷ lệ nợ xấu về mức 4%.
Nhưng cùng trong năm 2013, một cuộc hội thảo về nợ xấu đã được tổ chức tại thành phố biển Nha Trang lãng mạn. Song mối thi vị đáng lưu tâm nhất của hội thảo này là lần đầu tiên, một vài chuyên gia nhà nước nhưông Trần Đình Thiên– Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam– cùng mộtsố chuyên gia người Việt ở nước ngoài, đã hết sức bức xúc về con số nợ xấu mà theo tính toán của họ, có thể lên đến 500.000 – 540.000 tỷ đồng, tức gấp đến ba lần con số nợ xấu mà Ngân hàng nhà nước công bố vào cùng thời điểm.
Vẫn chưa phải hết. Cũng vào giữa năm 2013, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia – một cơ quan tư vấn trực thuộc chính phủ – bất ngờ công bố tỷ lệ nợ xấu thực là từ 35-37%, tức gấp ít nhất 6 lần con số công bố của Ngân hàng nhà nước. Tình trạng“nội chiến” ghê gớm như thế làm người ta không thể bỏ mặc bài học khủng hoảng tài chính ở Thái Lan năm 1997: trước khủng hoảng, báo cáo về tỷ lệ nợ xấu chỉ có 5%; nhưng khi khủng hoảng nổ ra, tỷ lệ nợ xấu thực đã bị phát hiện lên đến 50%!
Quả thực, cây muốn lặng nhưng gió chẳng dừng. Vào cuối năm 2013, một lần nữa các ngân hàng thương mại phải đồng loạt kêu cứu bởi quy định “phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro” của Ngân hàng nhà nước đã khiến họ không còn đường thoát. Cho tới lúc này, công ty quản lý tài sản (VAMC) đã chưa phát huy đượcbất cứ tác dụng gì, ngoài việc “ôm” lại nợ của các ngân hàng thương mại với giá rẻ mạt nhưng không biết bán lại cho ai, kể cả các đối tác nước ngoài mà được hệ thống Tuyên giáomô tả là “xếp hàng chờ mua nợ của VAMC”.
Ngược lại, ngay đầu năm 2014, một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế là Moody’s đột ngột công bố tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam lên đến 15%. Công bố này được phổ biến trên truyền thông quốc tế và lan truyền hơn hẳn công tác thông tin vào những năm trước. Lúc này, hầu hết các nhà đầu tư đều am hiểu câu chuyện “nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt dù đã đạt được không ít tiến bộ”. Cũng cho đến lúc này, ngay cả những tổ chức tài chính “có thiện cảm với Việt Nam” như Ngân hàng thế giới (WB) và đặc biệt là Ngân hàng phát triển Á châu (ADB) – hai địa chỉ cho vay hào phóng nhất nhưng lại đang tìm cách cột chặt Việt Nam vào vòng xoáy nợ nần – có vẻ cũng trở nên ngượng ngùng hơn bởi thái độphải kềm giữ lòng nhiệt huyết của họ khi muốn dành cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế Việt Nam lời khen tặng như vào những năm trước.
Chịu áp lực nặng nề của dư luận, từ hệ thống chính trị quá khó thuận hòa và không còn cách nào khác, Thống đốc Ngân hàng nhà nước một lần nữa phải xuất hiện để “cải chính”. Cho rằng con số của Moody’s chỉ mang tính tham khảo, ông Nguyễn Văn Bình xác nhận rằng tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam “9% là hợp lý”.
Thói dối trá chính trị
Tất nhiên trong bối cảnh nợ xấu chưa hề được xử lý và vẫn đang tăng lên từng ngày, câu chuyện “nhảy múa nợ xấu” của Thống đốc Ngân hàng nhà nước vẫn chưa dừng ở đây. Trong lúc giới báo chí nhà nước còn quá e ngại bởi sợ đụng chạm đến nhóm thân hữu, giới phản biện đối lập trong nước lại ít mê đắm hơn khi chỉ mặt điểm tên “thói dối trá bệnh hoạn của giới quan chức ngân hàng”.
Nguyễn Văn Bình – người được một số dư luận đánh giá là “cánh tay phải của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” –cũng bị xem là người đã đóng góp cả hai tay vào công cuộc nhiệt thành làm giàu cho các nhóm lợi ích ngân hàng nhưng lại khiến lụn bại thị trường tín dụng, điên đảo thị trường vàng cùng một nền kinh tế quặt quẹo chỉ trong chưa đầy ba năm kể từ khi nhậm chức Thống đốc.
Ngày càng nhiều người dân bày tỏ công khai sự nghi ngờ và nỗi sợ hãi của họ đối với nguy cơ tiền tiết kiệm bị “bốc hơi”, ngay vào lúc chính giới lãnh đạo Ngân hàng nhà nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bắt đầu phải lộ ra chuyện “sẽ cho phá sản một số ngân hàng”.
Một cuộc khủng hoảng ngân hàng trong năm 2014 là khả năng bùng nổ rất cận kề. Một trong những chỉ dấu ngọt ngào cho cuộc khủng hoảng ấy là thói bất nhất và dối trá về thông tin tỷ lệ nợ xấu của cơ quan Ngân hàng nhà nước. Để khi xảy ra cơn địa chấn ấy, toàn bộ nền kinh tế sẽ cùng chết chìm.
Vào cuối năm 2011, trong khi một tờ báo mạng ít tiếng tăm của Việt Nam là Vnexpress bầu chọn Thống đốc Nguyễn Văn Bình là “Nhân vật của năm 2011”, tạp chí Global Financial có uy tínhơn nhiều trên trường quốc tế lại liệt ông Bình vào “một trong 20 Thống đốc có thành tích điều hành tệ nhất thế giới”.
Phạm Chí Dũng
Tác giả gửi BVN.

“Bẫy thu nhập trung bình” và hậu quả của nó (*)


Lời giới thiệu của blogger Hà Hiển: Những năm gần đây, thuật ngữ “bẫy thu nhập trung bình” (“middle income trap”) hay được báo chí sử dụng để chỉ ra một trong những nguy cơ đang hiển hiện đối với Việt Nam. Có thể một số người cảm thấy yên tâm khi đọc qua cụm từ này vì “trung bình” theo nghĩa phổ thông nói chung để chỉ một điều gì đó không tốt cũng không xấu. Nhưng khái niệm “bẫy thu nhập trung bình” trong kinh tế thì lại là một thứ cực kỳ tệ hại mà những quốc gia nào dính phải nó sẽ càng ngày càng tụt hậu và lụn bại so với thế giới mà không bao giờ ngóc đầu lên được, không chỉ làm cho kinh tế suy yếu mà an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ cũng khó được bảo toàn với vị thế quốc gia trên trường quốc tế sẽ ngày càng đi xuống.
Xin được giới thiệu bài viết sau đây của một bạn đọc trên trang Alan Phan với nick name Thongphamdhk về “bẫy thu nhập trung bình”. Nội dung bài viết không “hàn lâm” như những bài viết của nhiều tác giả khác là các chuyên gia kinh tế học khi viết về cùng chủ đề này mà nó dễ đọc hơn với những ví dụ và phân tích nôm na, đơn giản, dễ hiểu - rất bổ ích và cần thiết để “khai sáng” cho những người “ngoại đạo” trong lĩnh vực kinh tế như chủ blog này. Nếu bạn đọc nào cũng có nhu cầu cần được “khai sáng” như tôi về lĩnh vực này thì chúng ta cùng đọc nhé:
Bẫy thu nhập trung bình là gì?

Vừa qua, trên các trang báo (giấy/mạng) có đăng tải nội dung: Việt Nam đã “rơi vào bẫy thu nhập trung bình” theo nhận xét của giáo sư Nhật Ohno được đưa ra trước nhiều học giả Việt Nam tại hội thảo “Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI – nội địa” do trường Đại học kinh tế Quốc dân, và Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản tổ chức ngày 26-3 tại Hà Nội: http://www.baomoi.com/Chuyen-gia-Nhat-Viet-Nam-da-roi-vao-bay-thu-nhap-trung-binh/45/13408032.epi

Tuy nhiên, qua tiếp xúc với rất nhiều đối tác, các doanh nghiệp, kể cả môt số bạn bè trong giới Ngân Hàng, tôi nhận thấy không mấy ai quan tâm tới thông tin nầy.

Vậy, bẫy thu nhập trung bình là gì? tác động của nó ra sao?… và ảnh hưởng gì tới mỗi doanh nghiệp, cá nhân, gia đình chúng ta?

Để tiện thảo luận nhằm hiểu thêm về nội dung trên, theo góc nhìn của mình, tôi cũng xin phép có một số thiển ý về đề tài trên.

Để thuận tiện trong việc lý giải, minh hoa, tôi có thể tạm lấy một ví dụ nhỏ:

Giả định ta có 2 doanh nghiệp Spo và Vila, cùng kinh doanh những ngành nghề tương tự, qui mô sản xuất, kinh doanh tương tự nhau.

Trường hợp 1: Để kinh doanh, doanh nghiệp Spo có vay một số tiền 500.000.000đ, lãi suất 1%/tháng. Cuối tháng, doanh nghiệp Spo dư ra 35.000.000đ, sau khi trã lãi 5.000.000đ, trả vốn vay 20.000.000đ, họ còn 10.000.000đ để tái đầu tư, phát triển sản xuất. Sau gần 25 tháng, Spo đã hoàn vốn vay, và có đủ nguồn lực để tăng tốc phát triển.

Trường hợp 2: Đối với doanh nghiệp Vila, với văn hóa kinh doanh “đặc thù” tự soạn, ngoài những khoản đầu tư thiết yếu cho sản xuất, kinh doanh, họ còn phát sinh nhiều chi phí khác không thực sự hổ trợ cho kinh doanh, cùng với bộ máy nhân sự cồng kềnh không cần thiết, đính kèm với cơ sở vật chất phục vụ cho mình. Tuy nhiên, do điều kiện vay mượn dể dàng, cuối cùng doanh nghiệp Vila cũng đã vay được tiền cho nhu cầu kinh doanh, nhưng với nhiều lần vay, mức vay của họ đã lên đến 2.000.000.000đ (cũng với mức lãi suất 1%/tháng) mới hoạt động được doanh nghiệp của mình. Cuối tháng doanh nghiệp Vila dư ra 35.000.000đ, họ trả lãi vay 20.000.000đ, trả vốn vay 5.000.000đ, còn 10.000.000đ để duy trì sự sống cho bộ máy cồng kềnh của mình. Sau gần 400 tháng (khoảng 33 năm), doanh nghiệp Vila mới hoàn tất việc trả hết vốn vay.

Trong 2 trường hợp nêu trên, trường hợp thứ 2 của doanh nghiệp Vila có thể được xem là trường hợp đã “rơi vào bẫy thu nhập trung bình“. Và nếu doanh nghiệp Vila vẫn chưa ý thức được tình trạng của mình, tiếp tục vay thêm tiền để hoang phí, thời gian hoàn vốn có thể nhân đôi so với số thời gian phía trên.

Hậu quả của việc rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”

Nếu tôi là nhà đầu tư tài chánh khôn ngoan, tôi sẽ đi “săn lùng” một tay doanh nghiệp ngơ ngáo nào ham thích tiêu xài, thừa tham vọng, thiếu kiến thức, nhưng có tài sản đảm bảo, tôi sẽ cho hắn vay tiền thật thoải mái, nhưng phải “cân đối” chỉ vừa đủ cho dòng họ của “hắn” cày bừa suốt ba đời để nuôi gia đình tôi ăn không ngồi rồi.

Nếu đã lọt “bẫy” rồi mà “hắn” còn không biết khôn, không chịu tiết kiêm, vẫn còn nhu cầu và sẳn sàng vay mượn tiếp tục để hoang phí, tôi cũng sẽ cho vay tiếp, nhưng chắc chắn là phải đính kèm với một số điều kiện liên quan tới “đất đai lãnh thổ” thuộc tài sản thế chấp của hắn – dĩ nhiên là phải giá hời.

Bảo đảm là khi đã “ sụp bẫy” rồi thì con “mồi” khó mà thoát khỏi một sớm một chiều.

Thông tin “Việt Nam dã rơi vào bẫy thu nhập bình quân” thật sự là một thông tin vô cùng xấu đối với toàn thể người VN, vì chúng ta sẽ chỉ còn tồn tại, kéo dài sự sống, chớ không còn đủ nguồn lực để phát triển, vì tất cả công sức của cả nền kinh tế đều phải dành cho trả nợ, và tình trạng nầy sẽ kéo dài không dưới 3 thập kỷ.

Từng người dân, mọi doanh nghiệp VN, sẽ luôn cảm thấy áp lực từ các loại chi, phí ngày càng tăng như việc tăng giá xăng, dầu, điện, nước, lệ phí giao thông,... các loại nghị định xử phạt ngày càng nặng, các kiểu quyết toán thuế, quyết toán quí, tháng, năm... dể làm Knock-out bất cứ công ty sừng sỏ nào, các loại phí trong dân sẽ ngày càng vô cùng đa dạng, các kiểu thuế chồng thuế, phí chồng phí ngày càng phổ biến, theo “định hướng” ngày càng tăng không có điểm dừng,…

Tốc độ gia tăng của các loại phí sẽ phi nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng lương, sẽ làm cho người dân nghèo đi trông thấy. Tất cả nguồn thu sẽ được khai thác sử dụng triệt để cho nhu cầu trả nợ, kể cả “chi phí” cho bộ phận trung gian hành chính giúp ta làm động tác trả nợ. Và do đó, trong tương lai, chúng ta sẽ không còn phải lạ gì nữa với các “hiện tượng” trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, như việc một mặt là kêu gọi khoan sức dân, khoanh nợ, giãn nợ, giãn thuế... cho doanh nghiệp, nhưng mặt khác, việc giao chỉ tiêu thu ngân sách vẫn luôn phải năm sau cao hơn năm trước, cho dù có biết doanh nghiệp vẫn đang và sẽ con tiếp tục phá sản như rạ.

Nếu bạn ở trong một quốc gia đang bị nhốt bởi “chiếc bẫy thu nhập bình quân”, ngoài việc “nỗ lực làm hoài không thấy tiền đâu” do đã luôn luôn bị trực tiếp (hoặc gián tiếp) điều tiết lên “trên” để góp phần trả nợ chung, mỗi doanh nghiệp chúng ta cũng rất dễ rơi vào bẫy thu nhập bình quân trong quá trình kinh doanh: Nếu tiền thuê nhà quá cao, nếu phải vay chợ đen, nếu vung tay quá trán… có thể cả đời còn lại của chúng ta sẽ chỉ “làm cho chúng ăn”. Một khi đã sụp bẫy, việc phá sản luôn nằm trong tầm tay. Một số minh chứng về hiện tượng nầy, các bạn có thể tham khảo qua bài ”Cấp thiết giảm lãi vay nợ cũ (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140402/cap-thiet-giam-lai-vay-no-cu.aspx)

Con, cháu nhiều thế hệ sau của chúng ta, nếu được chúng ta đầu tư cho học hành tới nơi tới chốn, có trình độ tương đương các nước như Hoa Kỳ, Canada, Singapore…, và nếu chúng làm việc thật sự có năng lực và siêng năng như mọi nhân viên của các quốc gia phát triển khác, nhưng một khi đã làm việc, công tác tại một công ty Việt Nam, có khả năng các cháu chỉ nhận được một mức lương khiêm tốn bằng 1/10 so với đồng nghiệp tại các nước phương Tây, vì các cháu cũng phải “gián tiếp” chung tay chung sức góp phần trả nợ do nhiều đời trước vay mượn rồi.

Sau khi tham gia TPP (nếu được), nền kinh tế Việt Nam sẽ “có vẻ phát triển” do sự “đóng góp” của các đối tác mới, một số chỉ số phát triển sẽ tăng, nhưng phần lớn sự đóng góp để vẽ lên “báo cáo thành tích phát triển” đó, đa phần đều sẽ xuất phát từ khối FDI, và dỉ nhiên, các chỉ số phát triển đó cũng sẽ không đóng góp được gì nhiều trong thực tế cho việc giãm “rổ” nợ nần của chúng ta.

Một khi đã ở trong “bẫy”, cũng đồng nghĩa với việc bị cách ly với thế giới phát triển tự do đang nằm nên ngoài “bẫy”, việc tăng trưởng chung của toàn thế giới sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của những “ai” đang ở bên ngoài “bẫy”, trong đó có cả khối FDI (cho dù họ đang đóng trên địa bàn của quốc gia dính “bẫy”), nhưng chắc chắn sự tăng trưởng đó cũng không giúp được gì nhiều lắm cho quốc gia dính “bẫy”.

Một khi đã dính “bẫy”, chúng ta sẽ phải loay hoay dậm chân tại chỗ trước sự tiến bộ không ngừng của các nước khác. Nói cách khác, chúng ta luôn phải quay cuồng cho sự tồn tại của chính mình, không thể hòa nhập vào xu hướng / tốc độ phát triển chung của thế giới cho dù rất muốn.

Khi đã dính “bẫy”, nội lực của quốc gia sẽ chỉ dao động theo một biểu đồ hình SIN trên một trục HOÀNH nằm ngang.

Là doanh nghiệp trong một quốc gia dính “bẫy”, vị trí doanh nghiệp của bạn sẽ ở đâu đó trên biểu đồ hình SIN với mức dự trữ ngân sách chung (để hổ trợ cho sự phát triển) luôn được biểu thị bằng một biểu đồ nằm ngang cố định.

Bạn có thể không đến nổi nghèo nếu may mắn, nhưng cũng khó có thể giàu, và dĩ nhiên, việc doanh nghiệp của bạn có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” chỉ là một điều viển vông nếu bạn vẫn còn kinh doanh ngay thẳng, thuế và phí sẽ không bỏ qua bất kỳ cơ hội “điều tiết” mọi dự trữ (nếu có) của bạn.

Khi một quốc gia nào đó đã dính “bẫy”, người dân quốc gia đó cũng nên hiểu rằng, cả dân tộc họ đang luôn phải “tận tụy” hàng nhiều thập kỹ để đóng góp thêm cho khối tài sản khổng lồ của những tay tỉ phú “tư bản” nào đó đang chơi golf hay đang phơi nắng trên những chiếc du thuyền lộng lẫy ở đâu đó…

Khi một quốc gia nào đó đã dính “bẫy”, cũng đồng nghĩa với việc thể chế kinh tế của quốc gia đó thật sự có “vấn đề”. Nếu muốn thoát khỏi “bẫy” mà vẫn không chịu thay đổi và hoàn chỉnh nhanh thể chế một cách tốt đẹp, khoa học hơn, dân tộc đó chắc chắn sẽ ngày càng lún sâu vào nợ nần. Tuy cũng có thể có những người siêu giàu nhờ nắm bắt được “cơ hội” trong “ao nước đục”, nhưng cũng sẽ hình thành một cách song hành một số lượng vô cùng lớn những người thuộc diện nghèo “ rớt mùng tơi”, đặc biệt là ở lĩnh vực nông nghiệp.

Sau TPP, cả thế giới sẽ nhảy vào kinh doanh và phát triển trên mãnh đất VN, nhưng có lẽ hai từ “phát triển” sẽ chỉ thành hiện thực đối với một số rất ít doanh nghiệp VN có tiềm lực vượt trội (trong đó cũng sẽ có một số doanh nghiệp đã tạo được nội lực nhờ vào OPM trước đây). Tuy nhiên, đối với đa phần còn lại, nếu chỉ cần còn tồn tại được thì cũng phải được xem như một thành tích vượt bậc đáng biểu dương.

Lĩnh vực dịch vụ sẽ phát triển tốt sau TPP, nhưng do cạnh tranh, doanh nghiệp VN ta chỉ đạt ở mức khá chứ khó giàu, chủ yếu là B phẩy cho doanh nghiệp nước ngoài.

Trong sự tương tác của gia đoạn hội nhập sắp tới, trong một comment trước đây (http://danluat.thuvienphapluat.vn/mot-bai-viet-dang-suy-ngam-98197.aspx), tôi có dự báo về viển cảnh không sáng sủa của nền kinh tế Việt Nam ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, một khi đã rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, có lẽ viển cảnh nầy sẽ trở thành sự thật, nhưng với gam màu có thể còn còn tối hơn.

Thật ra, Việt Nam ta chỉ mới chính thức bắt đầu “tự chui vào bẫy” ngay sau khi tham gia WTO, do thời thế đã tạo ra các dòng tiền kiếm được quá dể dàng từ nhiều nguồn vay mượn tuôn vào như nước, cùng với việc vung tay quá…nóc nhà, đã làm hao phí xã hội tăng quá cao so với hiệu suất thật sự của dòng tiền mang lại.

Chỉ tiêu TFP – chỉ tiêu đo lường năng suất của đồng thời cả “lao động” và “vốn” cho nền kinh tế – được giáo sư người Nhật đưa ra (mà trong comment nói trên của tôi cũng có đề cập) là chỉ số quan trọng nói lên NĂNG SUẤT của toàn XÃ HỘI.

Việc ưu tiên sử dụng nguồn lực khổng lồ cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng hiệu suất của những doanh nghiệp nhà nước nầy mang lại cho xã hội thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp dân doanh có nguồn lực khiêm tốn, việc lãng phí, hao phí do tham nhũng trong đầu tư công, chi phí do việc phải gồng gánh bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả…là những nguyên nhân chính làm NĂNG SUẤT XÃ HỘI trở nên vô cùng yếu kém, góp phần quyết định đưa chúng ta sớm sập “bẫy”.
Làm thế nào để thoát “bẫy”?

Cho đến thời điểm hiện nay, mặt dù đã chính thức rơi vào “bẫy thu nhập bình quân”, nhưng những hiện tượng như phung phí trong đầu tư công, tham nhũng, đầu tư vẫn dàn trãi… vẫn còn tiếp tục…, thì chắc chắn viec lưu lại trong “bẫy” của Việt Nam mỗi lần công thêm về thời gian sẽ phải tính từng thập kỷ.

Đương nhiên, việc sập “bẫy” thì phải tìm lối thoát. Tuy nhiên, một điều đáng buồn, là có lẽ hiện nay, chúng ta vẫn chưa tìm thấy con đường nào khả thi để thoát, và như phó hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân Trần Thọ Đạt nhận xét: dư địa cho tăng trưởng theo chiều rộng của mô hình kinh tế Việt Nam không còn, do vậy, muốn đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn, Việt Nam cần tạo ra động lực mới cho tăng trưởng. Nhưng đây là điều khó khăn. Ông Đạt băn khoăn: “Những động lực mới cho tăng trưởng là gì? Làm thế nào để tạo ra động lực này?”.

Thật ra, cách đặt vấn đề như ông Đạt về động lực tăng trưởng là không sai, nhưng theo tôi, hiện nay, không còn động lực tăng trưởng nào đủ lớn để giúp chúng ta sớm thoát “bẫy”, chưa nói là khả năng nằm luôn trong “bẫy” là rất cao.

Theo tôi, phải có một môi trường kinh doanh hoàn toàn mới, hơn hẳn hiện nay, họa may mới có thể tạo ra động lực tăng trưởng mới hiệu quả hơn hẳn, mà môi trường nầy kinh doanh nầy chỉ có thể có được khi và chỉ khi ta thay đổi triệt để thể chế kinh tế hiện nay, một thể chế thật sự pháp quyền, đủ sức tiêu diệt tham nhũng, tạo công bằng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực, tạo mọi sự công bằng giữa người với người…

Chúng ta đang có một cơ hội thật sự lớn là, sắp tới, nếu chúng ta tham gia được vào TPP, một mặt là nhờ sức ép từ luật chơi chung, một mặt là nếu chúng ta quyết tâm thay đổi, biết nhanh chóng nắm bắt cơ hội, thì đây có lẽ là cơ hội cuối cùng trong vòng 50 năm trở lại đây để chúng ta thay đổi thể chế kinh tế, tạo cơ hội phát triển để có thể sớm thoát “bẫy”, góp phần thay đổi bộ mặt của dân tộc Việt Nam.
Theo Blog Alan Phan
(*) Tiêu đề chính và các tiêu đề phụ do Hahien’s Blog đặt
(Blog Hà Hiển)

Bút chiến một thời


Một hiện tượng hiếm hoi trong lịch sử văn học Việt Nam đó là cuộc bút chiến, xướng họa thơ giữa hai nhà Nho “yêu nước” Phan văn Trị và Tôn Thọ Tường trong thời điểm đất nước đang bị thực dân Pháp xâm lược. Cuộc bút chiến nầy đã góp phần làm phong phú nền văn học nước nhà, có thể gọi một hiện tượng “ khóang tiền vô hậu”. Việc họa thơ văn từ trước tới nay vẫn thường xảy ra trên văn đàn, nhưng họa xướng theo đúng nghĩa của nó, xem ra chỉ có Phan văn Trị và Tôn Thọ Tường. Thiết nghỉ cũng nên đưa ra đây một ví dụ, để chúng ta cùng tham khảo

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng
( Tôn Phu Nhân quy Thục-Tôn Thọ Tường)

LỜI DẪN: Lấy tích từ truyện Tam quốc Diển nghĩa: Tôn Phu nhân là em ruột Tôn Quyền, chúa xứ Đông ngô đời Tam quốc. Vì việc tranh giành đất đai, Tôn Quyền theo kế của Châu Du tự là Công Cẩn giả bộ cầu thân với Lưu Bị vua nước Hán. Tôn Quyền mời Lưu Bị qua Giang Đông nói là gả em gái để kết tình lâng bang giao hảo, định dùng phục binh giết chết trong tiệc rượu. Am mưu sắp đặt bí mật không tiết lộ bên ngòai. Khổng Minh là quân sư của Lưu Bị biết rõ âm mưu sâu độc của Tôn Quyền liền bày kế cho Lưu Bị khi sang đất Ngô tuyên bố ầm lên là mình được Tôn Quyền mời sang gả em gái. Việc nầy thấu tai đến Ngô Quốc Thái, mẹ của Tôn Quyền. Biết đó là mưu mô xảo quyệt, Bà cho gọi Tôn Quyền vào mắng cho một trận, rằng tại sao lại dụng kế tiểu nhân để tiếng nhơ muôn đời. Nhận thấy Lưu Bị là người đạo đức nhân hòa, bà buộc Tôn Quyền phải trọng lời hứa và quyết nhất gả con gái cho Lưu Bị. Tôn Phu nhân không rõ mưu kế của anh, vâng lời mẹ kết duyên với Lưu Bị.

Thất bại mưu kế hại Lưu Bị, Tôn Quyền định dùng quyền tước và phú quý mua chuộc Lưu Bị để cầm chân ông ở Đông ngô. Nhưng theo kế sắp sẳn của Khổng Minh và lòng cương quyết theo chồng cho trọn đạo tòng phu của Tôn Phu nhân, nên cả hai vợ chồng Lưu Bị trở về đất Hán được bình yên.

I/ TÔN THỌ TƯỜNG

Tôn Thọ Tường trú quán tại Bình Dương tỉnh Gia Định. Cháu một vị công thần nhà Nguyễn. Thuở nhỏ học ở Huế. Trượt thi Hương vào Gia Định lập “Tao Đàn Bạch Mai Thi xã” ở chùa Cây Mai. Năm 1862 ông hợp tác với Pháp được bổ nhiệm Tri Phủ Tân Bình, sau được thăng Đốc Phủ sứ. Là một người khét tiếng ăn chơi, nên được gọi là cậu Ba Tường. Ong theo viên lãnh sự Pháp ra miền bắc quan sát miền thượng du và bị bệnh chết.

Đọc lại tất cả thơ văn của ông, ta nhận thấy một điều ông luôn bày tỏ niềm u uất vì những tiếng khích bác của “ đồng hội.” . Ong gửi tâm sự vào mười bài tự thán”, Tôn Phu nhân quy thục, Từ Thứ quy Tào…

Trong bài “Tôn Phu nhân quy Thục” ông đã mượn tấm lòng băn khoăn, đau khổ lưu luyến giữa Tình và Hiếu của người đàn bà quý phái nước Ngô, đau lòng ra đi theo chồng cho trọn đạo Tòng phu, qua đó để biện hộ cho lập trường “ tiến thoái lưỡng nan” của mình khi ra hợp tác với pháp. Tâm trạng đó đã được phô diễn rõ rệt trong những chữ “bịn rịn. trau tria…” Vì lúc bấy giờ nhóm Nho sỹ công kích Tôn Thọ Tường là bán nước cầu vinh… Vì vậy cho nên ông luôn phải cố gắng vạch rõ thế nào là trung thành hợp lý. Theo ông thì chính sách bảo thủ của triều đình Tự Đức và tầng lớp Nho sỹ đương thời đã đưa dân tộc vào con đường mất nước. Ngày xưa vì Tôn Quyền quá tin lời Chu Công Cẩn mà Tôn Phu nhân phải đau khổ về Thục. Thì ngày nay, Vua tôi nhà Nguyễn cũng đã làm mất Nam Việt khiến ông phải “ dứt áo theo chồng”. Ong ra đi không phải vì lợi danh mà đeo lấy một nhiệm vụ chính trị, “quyết tâm cứu nước”

Bài thơ nầy Tôn Thọ Tường đã mượn tâm sự của người con gái đất Giang Đông đi lấy chồng ở đất Thục, để phân trần việc ông ra hợp tác với Pháp:

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng

Mấy chữ “ cật ngựa thanh gươm” trong câu thơ trên, tác giả làm cho ta hình dung lại cảnh Tôn Phu Nhân cầm gươm, lên ngựa lìa bỏ đất Ngô để về Kinh Châu với Lưu Bị. Những chữ nầy cũng nhắc lại việc Tôn Phu Nhân đứng ra ngăn cản quân Ngô, phá tan mưu kế của Châu Du để cứu chồng.

Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông

Hành động như thế, Tôn Phu Nhân làm theo lẽ phải, đúng với giáo lý tam tòng của đạo Nho. Danh tiết của người con gái đất Giang Đông nhờ đó được sáng chói muôn đời

Lìa ngô bịn rịn chòm mây bạc

Ra đi theo chồng để là tròn bổn phận làm vợ trong một hòan cảnh rất éo le, bảo sao Tôn Phu Nhân không nhớ đến quê hương, lìa mẹ già và người anh đáng kính để theo chồng về đất Thục. Tôn Phu Nhân không dằn được nổi nhớ nhung, luyến tiếc

Về Hán trau tria mảnh mà hồng

Trong cảnh nảo lòng ấy, nhưng Tôn Phu Nhân vẫn phải lo tròn bổn phận của người “sửa túi nâng khăn” dù biết rằng đức ông chồng của mình là người thù của anh, của quê hương mình

Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng cho để thẹn non sông

Đã trao thân gửi phận cho Lưu Bị rồi thì phải “bến nước mười hai” trong nhờ đục chịu, theo chồng về đất Thục dù nhan sắc có tàn phai theo năm tháng, Tôn Phu Nhân không thể nào lỗi đạo làm vợ được

Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng

Tôn Phu nhân lại nhắn với kẻ tạo ra cuộc tìn duyên bất ngờ ấy là Châu Công Cẩn rằng: “ Thà mất lòng anh, chớ không thể phụ nghĩa chồng” Lời lẽ nầy tuy có vẻ sống sượng, nhưng đây là lời nói với Châu Du nên không đáng trách

Tại sao Tôn Thọ Tường có thái độ cương quyết như vậy? Trong chuyến đi cùng sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình về việc ba tỉnh miền đông, ông thấy Triều đình nhà Nguyễn chỉ lo bảo vệ mồ mã của bà Từ Dũ mà không lo gì cho dân chúng đang rên siết trong khói lửa của giặc Pháp. Hơn nửa ông cũng thấy sức mạnh quân sự hiện đại của Pháp. Và có ý khuyến khích phát triển văn minh kiểu phương tây.

Dùng điển tích Tôn Phu Nhân để thanh minh việc làm của mình và để giới sĩ phu đương thời hiểu rõ tâm trạng mình, Tôn Thọ Tường đã vô tình đưa ra một đề tài trái hẳn với chủ đích của ông. Dù ông cố mượn lớp “ phấn son” của người con gái đất Giang Đông “ ngàn thu rạng tiết” để bào chửa cho việc theo Pháp của ông cũng vẫn không được mọi người tán thành. Vì một lẽ rất giản dị và dễ hiểu : Tôn Phu Nhân không thể là ông Đốc Phủ Tôn Thọ Tường, dù cả hai cùng đồng họ.

Đã là kẻ sĩ, Tôn Thọ Tường tất phải hiểu rõ nhiệm vụ của bậc sĩ phu trong cơn quốc biến. Trong khi tòan dân đang nỗ lực chống xâm lăng thì họ Tộn ra hợp tác với thực dân Pháp. Muốn phân trần biện bạch với nhóm sĩ phu hiểu rõ hòan cảnh trớ trêu đã xui mình ra hợp tác với kẻ thù dân tộc thì phải nhắn nhủ cái gì khác hơn , chớ sao lại quá liều lĩnh cho rằng “ thà mất lòng anh đặng bụng chồng” (?!)

II/ PHAN VĂN TRỊ

Phan văn Trị
Phan văn Trị người tỉnh Vĩnh Long, đậu cử nhân năm 1849 nămTự Đức thứ 2 , người ta thường gọi là Cử Trị. Khi đỗ đạt Cử Trị không ra làm quan mà lui về sống nhàn tản ở quê hương, mở trường dạy học. Trong thời gian nầy ông kết bạn tâm giao với Thủ Khoa – Bùi Hữu Nghĩa. Nhân thấy Tôn Thọ Tường không còn giữ tiết tháo của một nhà Nho chân chính, theo ra hợp tác với Pháp, Phan văn Trị dùng thơ văn đả kích thóa mạ họ Tôn. Lúc bài “Tôn Phu nhân quy Thục” vừa ra đời, ông đã thấy ngay nhược điểm của Tôn Thọ Tường và lấy ngay đề tài, thể thơ mà họa xướng nguyên văn bài thơ, hạ họ Tôn bằng ngón đòn thích đáng. Trước hết họ Phan nhận định: Tôn phu Nhân là phận gái tất phải theo trọn đạo tam tòng. Mà đã theo chồng thì luân lý Nho giáo không cho phép người đàn bà nói tới nhiệm vụ chính trị, mà phải sống theo khuôn phép người làm vợ, phải e dè lúc ra đi.

Họa lại nguyên vận bài “Tôn Phu Nhân quy Thục” của Tôn Thọ Tường, Phan văn Trị châm biếm và mỉa mai hành động ra hàng người Pháp của họ Tôn. Đứng về phương diện đạo lý Phan văn Trị tán thành việc làm của người con gái đất Giang Đông, theo chồng để vẹn đạo tòng phu, tròn danh tiết… Phan văn Trị đã xướng họa:

Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng

Phan văn Trị có dụng ý muốn cho Tôn Thọ Tường biết bà Phu Nhân họ Tôn cũng như bao nhiêu người con gái khác “ xuất giá tòng phu” thì phải “cài trâm sửa áo” chớ không thể “ cật ngựa thanh gươm”. Cử Trị đã ngầm bảo với họ Tôn : Ong đã theo về với Pháp, chịu hàng kẻ thù thì nên “ chỉnh tề khăn áo” chớ có oai vệ nỗi gì mà “ cưỡi ngựa đeo gươm”!?

Mặt ngả trời chiều biệt cõi đông

Phan văn Trị cho ta thấy Tôn Phu Nhân từ giả quê hương vào một buổi chiều tà, bị bao trùm một màu ảm đạm thê lương. Dùng những chữ “ mặt ngả trời chiều”. Tác giả muốn nói đến cảnh đau thương của dân tộc đang đắm chìm trong khói lửa chiến tranh. Cử Trị muốn cho họ Tôn nhớ rằng người con của đất Giang Đông đã lìa quê trong một hòan cảnh đau buồn, chớ không phải được “rạng tiết gái” cũng như họ Tôn đã đang tâm theo Pháp trong khi nước non suy tàn, như vậy sao lại gọi là rạng rỡ?!

Ngút tỏa đồi Ngô un sắc trắng
Duyên vầ đất Thục đượm màu hồng

Hình ảnh những đám mây trắng vào một buổi chiều thu nắng nhạt gợi lên trong lòng người ly hương mối sầu viễn xứ. Lìa quê trong cảnh buồn bã như thế Tôn Phu Nhân chẳng bao giờ tưởng nhớ tới mẹ già và anh trai. Tác giả muốn ám chỉ việc họ Tôn theo Pháp trong lúc đất nước điêu tàn, nhân dân lầm than trước họa xâm lăng để hưởng sự vui sướng cho thân mình

Hai vai tơ tóc ngang trời đất
Một gánh cương thường nặng núi sông

Họ Phan nói thẳng với họ Tôn rằng: “ Tôn Phu Nhân đã vẹn hai vai tơ tóc” và trọn đạo thờ chồng. Còn ông, ông theo về với Pháp có giữ được “ gánh cương thường” không? Nếu không, ông đã bất trung với Vua, bất nghĩa đối với nước non, vậy còn khoe khoang đạo nghĩa làm gì nữa? Ong là người bất chính. Và khẳng định với Tôn Thọ Tường:

Anh hỡi! Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng

Khen Tôn Phu Nhân là người đàn bà, biết giữ tròn đạo nghĩa bao nhiêu thì họ Phan lại chê trách Tôn Thọ Tường bấy nhiêu. Tôn Thọ Tường là người đàn ông thì làm thế nào giống như trường hợp Tôn Phu Nhân được. Gái tiết hạnh phải làm tròn bổn phận người vợ hiền, trai ngay phải trọn đạo làm tôi đối với chúa. Trong lúc non sông nghiêng ngửa, Tôn Thọ Tường ra hợp tác với kẻ thù cướp nước thì sao lại gọi là “ trai ngay” được?!

Sau khi phá giải lợi dụng đề tài của Tôn Thọ Tường, Phan văn Trị còn lớn tiếng bênh vực lập trường của nhóm sĩ phu yêu nước và quan điểm bút chiến của mình.

III/ NHẬN XÉT TÁC DỤNG

Mục tiêu của Tôn Thọ Tường là giải bày tâm sự, của Phan văn Trị là đả kích cá nhân. Nhưng nếu nhìn xa hơn ta có thể thấy ngay đó là tiếng nói của hai lớp người trong một giới Nho sĩ: Một đàng theo tiếng gọi của tây phương, của nền văn minh cơ khí đang lần mò tìm chỗ trống ở Á châu, một đàng là tiếng nói của thành trì cổ kính, muốn giữ đúng quan điểm Nho gia, chứ không chiụ lìa bỏ vai trò lãnh đạo của mình. Anh hưởng của cuộc đấu văn nầy được phổ biến sâu đậm trong nhân gian khiến cho vai trò uy tín của nhà Nho phải một phen lung lạc.

Vì là một cuộc bút chiến, trong văn thơ của Tôn Thọ tường và Phan văn Trị, chúng ta thấy không còn những vẻ phù phiếm, vốn rất phổ biến trong thơ văn thời bấy giờ, lời văn đi sát thực tế hơn với mục đích phục vụ nhân sinh, thúc đẩy nề văn học sử phát triển.

Những vần thơ thời thế của Phan văn Trị và Tôn Thọ Tường đã ghi lại những dấu vết của những biến cố lịch sử trong buổi giao thời của nền văn minh Đông- Tây bắt đầu va chạm.

Cả hai ông đều dùng văn thơ để bày tỏ tâm sự và chí hướng, vì thế lời văn của hai ông có một giọng điệu chân thành, dễ rung cảm lòng ngưởi. Tạo ra một cuộc bút chiến, xướng – họa thực sự đúng theo nghĩa của nó. Một hiện tượng hiếm thấy trong nền văn học Việt Nam. Đó mới thực sự là họa thơ. Từ đó về sau, thử hỏi có ai xướng họa thơ hay hơn hai ông ?./.

Đoàn Hữu Hậu,

Đoàn Hữu Hậu
Bút danh : Nhà báo Thế Hiển
Sinh năm 1961. Quê quán : xã Vĩnh Tuy huyện Gò Quao tỉnh Kiên Giang. Thường trú : 509/17 Nguyễn trung Trực TP Rạch Gía tỉnh Kiên Giang, Điện Thoại: 077 815774 Di động 0918083057, Học lực : Cử nhân Văn Chương , Cử nhân Báo chí' , Công việc hiện tại: Trưởng Văn Phòng đại diện Báo Gia đình & xã hội tại ĐBSCL (Cần Thơ). Hội Viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Viên Hội Văn nghệ Kiên Giang. Đạt nhiều giải thưởng báo chí, trong nhiều năm liền.