Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Thu nhập Tổng TTCP chỉ 18 triệu/tháng, nhà đâu nhiều thế? - 'VN cần cộng đồng dân sự'

Ls Trần Hồng Phong - Quyền của nhà báo sao lại phải xin?



Ảnh: Quang cảnh phiên tòa công an dùng nhục hình đánh chết người ở Tuy Hòa, Phú Yên.

Gần đây, dư luận báo chí phản ánh việc Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) đang dự thảo một Thông tư quy định về nội quy phiên tòa. Theo đó có quy định “mới” là khi nhà báo dự phiên tòa xét xử thì phải xin phép và phải được chủ tọa hay lãnh đạo tòa án chấp thuận.

Mới đây nhất lại có báo đưa tin nhà báo sẽ chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo, không phải xin phép nữa. Tuy nhiên, quy định chính thức sẽ như thế nào thì vẫn chưa có.

Trước hết, người ta chỉ xin cái gì không phải của mình, không thuộc quyền của mình. Còn cái gì pháp luật đã quy định là quyền của công dân, quyền của nhà báo, thì không cần phải xin và cũng không ai có quyền “cho”, không ai có quyền đứng trên pháp luật.

Đơn cử như trong Hiến pháp quy định công dân có quyền kinh doanh, thì Luật doanh nghiệp quy định về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tôi nhấn mạnh từ “đăng ký”, chứ không phải là “xin - cho”. Nếu hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có nghĩa vụ bắt buộc phải cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho người đăng ký.

Theo quy định tại Hiến pháp và pháp luật tố tụng (dân sự, hình sự …), mọi phiên tòa đều được xét xử công khai, người dân bất kể ai đều có quyền tham dự. Còn trong Luật báo chí thì quy định rõ nhà báo được tác nghiệp, đưa tin phản ánh các sự kiện xã hội, các phiên tòa xét xử …

Như vậy, việc nhà báo tham dự phiên tòa và tác nghiệp là quyền (cũng là trách nhiệm) của nhà báo, pháp luật quy định rõ ràng. Và do vậy, việc ngành tòa án “đẻ” ra quy định xin – cho đối với nhà báo khi tham dự phiên tòa là trái quy định, ảnh hưởng và hạn chế quyền hành nghề của nhà báo, quyền được biết thông tin của xã hội.

Theo tôi nghĩ, chỉ cần quy định đơn giản là nhà báo khi tham dự phiên tòa thì phải “thông báo” hay “đăng ký” với tòa. Mục đích là để tòa biết và hỗ trợ (nếu có). Còn nếu nhà báo nào muốn tác nghiệp theo kiểu giống như một công dân bình thường, ngồi dự khán và ghi chép, thì cũng không cần phải đăng ký hay thông báo gì cả.

Vấn đề quan trọng ở đây là nhà báo tác nghiệp tại tòa phải bảo đảm không ảnh hưởng đến trật tự phiên tòa, không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (các đương sự, bị cáo) và nếu được tạo điều kiện thuận lợi hơn thì càng tốt.

Chính vì vậy, thiết nghĩ nội quy phiên tòa phải quy định rõ và thống nhất trên toàn quốc việc tác nghiệp của nhà báo. Chẳng hạn như: không được đi lại, chụp ảnh trong khi đang xét xử, được đặt máy ghi âm ở đâu, khu vực tác nghiệp của nhà báo trong phòng xử …

Trước đây phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam, tòa cho phép nhà báo vào chụp ảnh 15 phút đầu giờ xử mỗi ngày, đây là một quy định theo tôi đáng được nhân rộng.

Thực tế hiện nay tại nhiều phiên tòa các nhà báo đi qua đi lại, chỉa máy ảnh vào mặt đương sự hay bị cáo, chụp cảnh bị cáo khóc, cười …vv, nhiều khi rất phản cảm và thực tế đã xâm hại quyền của cá nhân đối với hình ảnh của họ, thậm chí ảnh hưởng đến uy tín, danh dự công dân.

Cũng cần nói thêm là việc chụp ảnh tại phiên tòa nên được quy định chặt chẽ hơn và phải phù hợp với quy định tại Bộ luật dân sự. Về nguyên tắc, không ai được phép sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác nếu người đó không đồng ý.

Do vậy, chúng ta cần phải hướng đến quy định không cho phép chụp ảnh tại phiên tòa. Nhà báo có thể chụp ảnh bị cáo, đương sự, nhưng nên chụp bên ngoài phòng xử án. Nhiều nước trên thế giới cấm chụp ảnh tại phiên tòa.
Luật sư Trần Hồng Phong
(Một thế giới)

Vụ 4 công an bị dân trói ở Hà Tĩnh: Vì đâu dân đánh công an, phá nhà, đốt xe lãnh đạo xã?

 
Hiện trường người dân tập trung bắt giữ, gây thương tích cho công an chiều 10.4
Từ việc phản đối công an thực hiện lệnh bắt một đối tượng gây rối trật tự công cộng, hàng trăm người dân xã Bắc Sơn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã cản trở bắt trói, đánh thương tích 11 chiến sĩ công an, đập phá nhà, đốt xe máy của nhiều lãnh đạo xã. Nguyên nhân sâu xa là do họ phản đối chủ trương quy hoạch một nghĩa địa lớn trên địa bàn xã.
Hành động quá khích
Chiều 10.4, 6 chiến sĩ Công an huyện Thạch Hà đến nhà riêng thực hiện lệnh bắt đối tượng Trương Văn Trường (30 tuổi, trú thôn Trung Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà) về hành vi gây rối trật tự công cộng. Ngay lúc này, hàng trăm người dân xã Bắc Sơn xuất hiện bao vây, chống đối, bắt trói và đánh bị thương 4 chiến sĩ công an làm nhiệm vụ.
Để giải cứu công an bị dân khống chế, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã điều động hơn 100 chiến sĩ đến hiện trường vận động người dân và giải thoát được 4 chiến sĩ công an. Tuy nhiên, trong lúc giải cứu, đám đông quá khích tiếp tục ném gạch đá làm bị thương thêm 7 chiến sĩ. Vụ việc khiến 11 cán bộ chiến sĩ bị thương phải nhập viện ĐK Hà Tĩnh cấp cứu.
Thông tin từ Chánh Văn phòng UBND huyện Thạch Hà - ông Đoàn Tiến Đạt - cho biết, trong đêm 10.4, hàng trăm người dân đã đập phá tường rào của trụ sở UBND xã Bắc Sơn và phá hủy 12 xe máy trong nhà xe của trụ sở xã. Họ còn ném đá vào nhà của các ông Trần Bá Hoành - Chủ tịch xã; Dương Công Tư - Bí thư Đảng ủy xã; Dương Văn Đức - Bí thư Đoàn xã; Trần Văn Thọ - Cán bộ Văn phòng UBND xã; ông Nguyễn Văn Trung - Công an viên thôn Tân Sơn. Đặc biệt, người dân còn ập vào nhà đập phá ti vi, đốt cháy xe máy của ông Nguyễn Khắc Sơn - Trưởng Công an xã.
Liên quan đến hành vi quá khích nêu trên của người dân, chiều 11.4, Trưởng Công an huyện Thạch Hà - ông Nguyễn Hoài Việt - cho biết, ngày 11.4 Cơ quan CSĐT Công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và gây rối trật tự công cộng.

Bản dự kiến quy hoạch dự án Công viên vĩnh hằng do Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện. 

Bản dự kiến quy hoạch dự án Công viên vĩnh hằng do Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện.

Vì phản đối quy hoạch nghĩa địa

Ông Đạt - Chánh Văn phòng UBND huyện Thạch Hà cũng thông tin, thời gian vừa qua, tỉnh có chủ trương quy hoạch dự án "Công viên vĩnh hằng" ở xã Bắc Sơn nhưng người dân phản đối dự án này.

Để phản đối, họ đã gây rối trật tự công cộng, ném đá vào nhà của nhiều lãnh đạo xã. Trong đám đông gây rối có đối tượng Trường nên chiều 10.4, Công an huyện Thạch Hà đã thực hiện lệnh bắt đối tượng này và gặp sự chống đối của người dân.

Trước đó, theo tìm hiểu của phóng viên, người dân cho rằng họ phản đối dự án Công viên vĩnh hằng vì nếu triển khai, dự án sẽ thu hồi nhiều diện tích đất nông nghiệp - "cần câu cơm" lâu dài của họ.
Tuy nhiên, ông Đạt khẳng định, nếu thu hồi, chính quyền sẽ có quỹ đất canh tác khác để bố trí cho người dân.

Ông Đạt cho rằng, nguyên nhân do người dân chưa hiểu đầy đủ tính chất của dự án và có tâm lý không muốn nơi mình sinh sống quy hoạch một nghĩa địa lớn về đây. Ngoài ra, họ cho rằng quy hoạch nghĩa địa sẽ chắn ngang mặt tiền khu dân cư ra đường quốc lộ 15A nên đi lại bất tiện.

Ông Hồ Huy Thành - GĐ Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh - đơn vị được tỉnh giao khảo sát, tìm địa điểm để quy hoạch dự án "Công viên vĩnh hằng" - cho biết, sau khi khảo sát, Trung tâm đã chọn được địa điểm xã Bắc Sơn là đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về quy hoạch một nghĩa địa.

Sau khi khảo sát, họ đã có báo cáo, đề xuất với tỉnh và ngày 31.3.2014 tỉnh đã có văn bản giao nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết và công tác giải phóng mặt bằng cho dự án. Ngày 3.4 Trung tâm có văn bản đề nghị UBND xã Bắc Sơn và huyện Thạch Hà chấp thuận địa điểm chọn xã Bắc Sơn để quy hoạch Công viên vĩnh hằng thì người dân phản đối quyết liệt hơn và dẫn đến hành vi gây rối trật tự công cộng.

Theo dự kiến, Công viên vĩnh hằng sẽ quy hoạch trên tổng diện tích gần 29ha trên cánh đồng Cù Lao của xã Bắc Sơn. Trong diện tích này hiện gồm có 7 - 8 ha đất nông nghiệp, ngoài ra là đất nghĩa địa, đất hoang hóa.

Nguyên nhân người dân phản đối dự án, ông Thành cho rằng do người dân nghĩ dự án quy hoạch nghĩa địa họ không được lợi. "Nếu đó là một dự án phát triển kinh tế xã hội thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ" - ông Thành phân tích.
(Lao động)

Thu nhập Tổng TTCP chỉ 18 triệu/tháng, nhà đâu nhiều thế?

(Kienthuc.net.vn) - Tổng thu nhập từ lương, phụ cấp của Tổng TTCP hiện khoảng 18 triệu đồng/tháng, còn Phó tổng TTCP là 15 triệu đồng/tháng.
Trả lời câu hỏi của báo chí về mức thu nhập cụ thể của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP) tại buổi họp báo sáng nay, ông Lê Hồng Lĩnh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp cho biết, tổng thu nhập từ lương, phụ cấp của Tổng TTCP hiện khoảng 18 triệu đồng/tháng; thu nhập của các Phó Tổng TTCP khoảng 15 triệu đồng/tháng.

Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng khẳng định, cán bộ thanh tra viên trước hết cũng là công chức, vì vậy thu nhập thanh tra viên dựa trên thang bảng lương theo đúng quy định của pháp luật về lương.
Ngoài ra, thanh tra viên còn có thêm phụ cấp thâm niên, phụ cấp nghề, phụ cấp trách nhiệm công chức… và các khoản công tác phí, tiền khoán công việc theo đúng quy định nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ.

Ông Lượng cũng cho biết thêm một khoản thu nhập khác mà thanh tra viên được hưởng từ việc trích lại các nguồn phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi sau khi nộp lại ngân sách nhà nước.

“Nguồn trích đó sẽ được đưa vào quỹ dành để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động thanh tra, một phần dùng chi bồi dưỡng thêm cho cán bộ thanh tra”, ông Trần Đức Lượng nói.

Như vậy, thu nhập của Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh có thể còn cao hơn cả của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Khu đất rộng 30.000 m2 ở Sơn Đông (Bến Tre) - một trong những tài sản "khủng" của ông Trần Văn Truyền.
Lương thủ tướng 17 triệu/tháng
Trước đó, trong một cuộc trả lời báo chí về mức lương khủng của một số lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích trên địa bàn TP HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (khi đó là Bộ trưởng - Chủ nhiệm văn phòng chính phủ) có nói đến lương của người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng. Ông Đam cho biết, nguyên tắc chung, lương của các lãnh đạo Đảng, nhà nước được tính theo hệ số lương công chức. Mức lương có hệ số cao nhất trong hệ thống là 14 lần lương cơ bản. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không phải người được hưởng mức hệ số cao nhất này.
Kiểm tra lại thông tin cụ thể sau đó, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, lương của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có hệ số 12,5. Cộng tất cả các khoản phụ cấp chức vụ, trách nhiệm, tổng số lương Thủ tướng nhận mỗi tháng chỉ hơn 17 triệu đồng (đã trừ tiền đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
Nhiều người băn khoăn, lương của những người đứng đầu Thanh tra Chính phủ chỉ từ 15 đến 18 triệu đồng/tháng, vậy tại sao họ lại có nhiều tài sản thế? Đơn cử, ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, nếu những gì báo chí phản ánh là đúng thì hiện khối "tài sản nổi" của ông này đếm sơ sơ cũng lên tới 6 cái bất động sản (3 nhà đất ở Bến Tre và 3 nhà đất ở TP HCM), trong đó có 2 tài sản khủng là khu đất rộng 30.000 m2 ở Sơn Đông (Bến Tre) và 1 bất động sản ở Khu đô thị 5 sao Phú Mỹ Hưng. Riêng một nhà đất tại Phú Mỹ Hưng cũng lên tới 3 - 4 triệu USD, thì tổng số "của nổi" của ông Truyền phải chục triệu USD là ít.

Còn ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, theo một bài báo đăng trên báo Người Cao Tuổi ngày 22/8/2013, ông Khánh kê khai tài sản rằng ông và gia đình sở hữu các bất động sản gồm hai ngôi nhà và một mảnh đất. Hai ngôi nhà được nói là của ông ở quận Hoàng Mai, Hà Nội và đều đã xây 5 tầng: nhà thứ nhất diện tích 114m2 đất, và nhà thứ hai diện tích 248m2 đất.

Còn mảnh đất gia đình ông Ngô Văn Khánh đang sở hữu rộng tới 1.800m2, nằm trong khuôn khổ dự án Mê Linh gần đền Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo Người Cao Tuổi, giá đất tại đó trong thời điểm hiện nay là 10 triệu – 15 triệu đồng/m2; có nghĩa riêng mảnh đất này đã có giá trị ít nhất 18 tỷ đồng.

Ngoài ra, bài trên Người Cao Tuổi cũng cho hay ông Khánh có tài khoản trị giá trên 7 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng VIB và nhiều cổ phiếu tại bốn ngân hàng và hai công ty.

Trả lời câu hỏi, qua kê khai tài sản tại sao lãnh đạo Tổng TTCP lại có nhiều tài sản như thế, ông Trần Đức Lượng cho rằng, đó là điều “hoàn toàn dễ hiểu” và không khó để giải thích nguồn gốc thu nhập của những trường hợp đã được dư luận phản ánh.

“Tài sản của một cá nhân cũng như cán bộ công chức không chỉ được tính bằng thu nhập của chính người đó mà còn cả thu nhập của các thành viên trong gia đình. Chồng làm thanh tra nhưng có vợ làm kinh doanh, bố làm thanh tra nhưng con làm kinh doanh… Vì thế chúng ta không nên gắn thu nhập cụ thể của một người với với tài sản mà người ta phải kê khai. Bởi đây là tài sản chung của cả gia đình.
Quy định pháp luật phải kê khai tài sản của mình, vợ con mình”, Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng nói.
Minh Hiếu (tổng hợp)

Những câu nói bất hủ của ngài Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Nhân câu nói bất hủ của ngài Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai”, ngài vừa nói hôm qua tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 11/4, có thể coi đây là phát ngôn bất hủ nhất mọi thời đại ( Xem tại đây), mình xin trích một số câu bất hủ khác của ông để cười cho vui ngày cuối tuần.

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
1.Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội:" “Đồng chí Lợi hỏi tôi có yên tâm với đường sắt cao tốc không, tôi yên tâm, chúng ta không thể không làm đường sắt cao tốc”( Xem tại đây)

2.Ngày 8/6/2010, PTT vừa cười vô tư vừa nói câu này khi được các phóng viên hỏi về những lo ngại về hiệu quả kinh doanh tại Vinashin trong kỳ họp Quốc hội. Chỉ 1 tháng sau, tháng 7/2010, thông tin về vụ bê bối ở Vinashin bung ra:  “Tôi thì vẫn chưa lo”  ( Xem tại đây)

3. Ngài trả lời phỏng vấn Báo Tuổi trẻ ngày 6/3/2008:  “Với những chính sách điều chỉnh thị trường hiện nay, tôi đảm bảo TTCK sẽ lên giá và có chất lượng hơn. Nếu là nhà đầu tư chứng khoán thì lúc này tôi sẽ mua cổ phiếu”. ( Xem tại đây)

4.  Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh thêm ý của ngài:"Thị trường đã giảm đến đáy, nên trong điều hành Chính phủ quyết tâm không để giảm thêm. Thời điểm này, nếu nhà đầu tư nào bán tháo cổ phiếu thì sẽ thất bại, ngược lại người nào có quyết định mua vào thông minh sẽ thắng". (Xem tại đây)

5. Trả lời than thở của Phạm Thanh Bình, TGĐ Vinashin trong cuộc họp ngày 23/4/2008: "Vốn chủ yếu vay từ ngân hàng, nhưng lãi suất cao. Chúng tôi đã trình đề án xin phát hành trái phiếu sáu tháng nay nhưng chưa được phê duyệt", ngài nói:"Ai dám hạn chế không cho các anh phát hành trái phiếu. Chính phủ sẽ không để xảy ra ngừng trệ vốn kinh doanh cho các tập đoàn" ( Xem tại đây)

6. Ngài giải thích về những lo ngại của các đại biểu Quốc hội là Việt Nam không đủ nguồn lực làm ĐSCT: "GDP năm nay của Việt Nam tuy chỉ có 106 tỷ USD, nhưng đến 2020 sẽ tăng lên 300 tỷ USD và năm 2030 là 700 tỷ, đến 2040 ước đoán cỡ 1,2 - 1,4 nghìn tỷ USD. Đến 2050, khi hoàn thành toàn tuyến, con số đó dự kiến sẽ tăng gấp đôi”. Và:  "Thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 1.200 USD, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD, và lần lượt tăng lên mức 6.000, rồi 12.000 và sẽ đạt 20.000 vào năm 2050".( Xem tại đây)

7.Trước băn khoăn của một số đại biểu khi đây là con đường sắt cao tốc “dài nhất thế giới”, Phó thủ tướng giải thích, “dài nhưng làm từng đoạn, chả có mấy nước có chiều dài như nước ta đâu, các đồng chí ạ, đi lại từng đoạn thì ngắn, cộng lại thì dài”. ( Xem tại đây)

8.Cũng liên quan đến vấn đề trách nhiệm, trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Như Lợi trước đó về kỷ luật hành chính, Phó Thủ tướng nói: "Sai thì phải sửa, làm 10 việc tốt cũng có thể có một việc sai. Nếu cách chức hết thì lấy ai làm việc. Cứ nói theo quy định của pháp luật, nhưng pháp luật cũng có cái đạo, cứ dẹp đi là bầu không kịp". ( Xem tại đây)

9. Họp bàn tái cơ cấu Vinashin tháng 8-2010, ngài khẳng định như đinh đóng cột: "Từ nay đến năm 2012 còn lỗ nhưng dự báo tới 2013-2014 sẽ bắt đầu có lãi và sau năm 2015 VNS sẽ phát triển ổn định"( Xem tại đây) cho thấy khả năng dự báo của ngài là rất thiên tài.
Lấy từ Viet-studies và các báo lề phải 
Nguyễn Quang Lập
(Quê choa) 

Trùm CIA cuối cùng ở miền Nam Việt Nam qua đời

Sài Gòn xin tắt tiếng

Thomas Polgar, trùm cuối cùng của tình báo Mỹ CIA đã qua đời hôm 22 tháng 3 tại Florida nhưng đến 7 tháng 4, báo chí Mỹ mới đưa tin.

Tháng Tư 1975, Polgar là người giúp đưa những người Mỹ còn lại ra khỏi Việt Nam bằng trực thăng. Một trong những việc làm cuối cùng trước khi phá hủy chiếc máy đánh công điện về Washington là chuyển đi bứcđiện cuối cùng:

“Đây sẽ là bức điện cuối cùng từ nhiệm sở Sài Gòn,” ông viết. “Chúng ta đã trải qua một cuộc chiến dai dẳng và khó khăn, và chúng ta đã thua. Trải nghiệm này, độc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, không nhất thiết là dấu  hiệu suy tàn tư thế nước lớn của Mỹ.

Tuy nhiên, mức nghiêm trọng của chuyện thua cuộc và tình huống bao quanh của nó, dường như cho chúng thấy cần đánh giá lại các chính sách nửa vời yếu kém, tiêu biểu phần lớn cho sự tham dự của chúng ta tại Việt Nam mặc dù chúng ta có cam kết về nhân lực và vật lực, hai thứ này rõ ràng là hào phóng. Những ai không chịu học hỏi ở lịch sử bị buộc phải lập lại nó. Chúng ta hãy hy vọng sẽ không có một trải nghiệm Việt Nam khác và chúng ta đã học được bài học.”

Bức điện chấm dứt với câu: “Sài Gòn xin tắt tiếng.”

Cuộc đời người đánh công điện

Chào đời tại Hungary, nhập tịch Mỹ năm 1943, cuộc đời làm tình báo của ông bắt đầu với Lục quân Mỹ vào những năm cuối cùng của Thế Chiến 2. Lục quân chuyển ông sang OSS (các đảng viên CSVN chắc còn nhớ các sĩ quan OSS đã từng bí mật gặp Hồ Chí Minh) trước khi cơ quan này đổi tên thành CIA vào năm 1947. Có lẽ Polgar là bô lão cuối cùng của CIA thuộc thế hệ OSS cựu trào.
Thomas Polgar. Ảnh NYTimes
Thomas Polgar. Ảnh NYTimes

Trong thập niên 1950, Polgar làm ở Berlin, chỉ huy các hoạt động tình báo tại Đông và Tây Đức. Thập niên 1960, ông làm ở Vienna, thủ đô Áo và trở về trụ sở trung ương CIA ở bên ngoài Washington. Năm 1970, ông đến Buenos Aires, nơi ông giúp thu xếp một vụ không tặc bằng cách bước vào trong khoang nói chuyện với kẻ cưỡng đoạt máy bay. Năm 1971, Polgar khăn gói sang châu Á, nơi ông chuẩn bị nhận nhiệm sở ở Sài Gòn.

Rời Việt Nam, Polgar được điều sang Mexico City, Mexico và rút lui khỏi CIA năm 1981. Trong thời gian nghỉ hưu ông có làm một vài công việc theo hợp đồng, trong đó có giúp một ủy ban Thượng viện điều tra vụ Iran-contra của chính phủ Reagan.

Ông qua đời hôm 22 tháng 3 tạiWinter Park, Florida, thọ 91 tuổi.

Polgar qua Snepp và Hưng

Frank Snepp, một chuyên viên CIA tại Việt Nam, tác giả quyển “Decent Interval” nói về những ngày cuối cùng của chế độ VNCH, tố giác Polgar đã không thuyết phục được lãnh đạo Mỹ rằng miền Bắc Việt Nam quyết tâm muốn chiếm được miền Nam bằng mọi giá.

Polgar trả lời ông tôn trọng ý kiến của Snepp nhưng ý kiến đó chỉ là “quan điểm riêng tư về cuộc chiến.”

Trong quyển “Khi đồng minh tháo chạy,” Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng kể lại những lần  Đại sứ Graham Martin về Washington báo cáo tình hình Việt Nam cho Tổng thống Ford và Ngoại trưởng Kissinger đều sử dụng những thông tin do Polgar cung cấp.

Về chuyện sắp xếp đằng sau hậu trường để giải quyết chiến tranh Việt Nam thì “trong khi tại Washington, các ông Ford và Kissinger đi qua ngả Dobrynin (đại sứ Nga tại Washington) để nhờ Nga Xô áp lực Hà Nội, thì ở Sài Gòn, hai ông Martin và Polgar liên lạc qua ngả đại diện Hungary trong phái đoàn Kiểm soát đình chiến và Đại Sứ Pháp Merillon.”

Về giải pháp chính trị cũng có tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược. “Trong khi Ford-Kissinger chỉ mong có một giải pháp tình thế, một tình huống trong tầm kiểm soát, để Mỹ có thể rút ra cho yên ổn, thì Martin lại muốn theo đuổi một mục tiêu lâu dài hơn: đó là có được một giai đoạn chuyển tiếp để:

- Thứ nhất, giúp Mỹ ra đi tư từ, chứ không vội vã và mất mặt.

- Thứ hai, di tản một số người Việt nhiều hơn là Washington đã dự tính.

- Thứ ba, để tránh xung đột Mỹ-Việt.”

Tác giả“Khi đồng minh tháo chạy” thuật lại chuyện Hà Nội đổi ý đêm 27 tháng 4. “Tại Sài Gòn, theo Đại Sứ Martin, tuy là hồi tháng ba, ông đã có tin tình báo là Hà Nội đã quyết định đi tới một chiến thắng hoàn toàn quân sự, nhưng cả ông và Polgar không đặt nặng sự chính xác của bản tin này. Theo ông, lý do là vì cũng cùng một lúc đó, lại có thông tin từ phía đại diện của mặt trận giải phóng bên Âu Châu, một từ Stockholm (Thụy Điển), và một từ Paris, cả hai đều cho biết rằng họ cũng muốn có một giải pháp chính trị. Ngoài ra, Martin còn suy luận là chính Hà Nội cũng muốn một giải pháp chính trị để kết thúc một cách êm đẹp vì họ còn muốn nhận được viện trợ của quốc tế sau này.”

Thế nhưng, theo ông Martin, ‘’Không hiểu vì một lý do nào đó, đêm ngày 27 tháng 4, Bắc Việt đã bất chợt thay đổi tín hiệu, quyết định chọn giải pháp hoàn toàn quân sự, và như vậy, giải pháp chính trị đã không còn nữa’’.

“Về điểm này, chính Kissinger cũng đã xác nhận trong cuộc họp báo ngày 5 tháng 5.1975 rằng cho tới ngày 27 tháng 4, Hoa Kỳ vẫn có nhiều hy vọng Hà Nội không định đi tới một chiến thắng hoàn toàn quân sự, và còn muốn điều đình với ông Dương Văn Minh.”

Lần cuối cùng Polgar được nhắc đến trong quyển “Khi đồng minh tháo chạy” là vai trò của ông ta trong chuyến bay rới Việt Nam của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu:

“Chiếc máy bay DC-6 dưới quyền sử dụng của Đại Sứ Hoa Kỳ từ Thái Lan bay qua Sài Gòn trong đêm 25 tháng 4. Ông Polgar, trùm CIA ở Sài Gòn và Tướng Timmes (Charles Timmes, Tư Lệnh Phái bộ Viện trợ Quân sự cho Việt Nam, Military Assistance Command, Vietnam hay MACV) gặp ông Thiệu và đoàn tùy tùng ở nhà Thủ Tướng Khiêm trong Bộ Tổng Tham Mưu (ở Tân Sơn Nhất). Polgar chuẩn bị ba chiếc công xa màu đen chở mọi người ra phi trường.

Đoàn xe lướt qua đài tưởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong của Đồng Minh gần phi trường, với ba hàng chữ nổi bật trên bảng: ‘’Những hy sinh cao quý của các Chiến Sĩ Đồng Minh sẽ không bao giờ bị quên lãng’’. Ông Thiệu ngồi giữa ông Polgar và Tướng Timmes. Nhìn thấy bảng, ông thở dài và quay mặt đi.

Đoàn xe chạy vút về phía sân bay của hãng Air America(công ty hàng không làm theo hợp đồng với CIA.) Đại Sứ Martin đã đợi sẵn ở đó để tiễn đưa. Dù buồn thảm và cam chịu số phận, ông Thiệu vẫn đi thủng thẳng, cố giữ phong độ ông quay lại cám ơn ông Martin đã dàn xếp chuyến đi.

Với một giọng xúc động, ông Martin đáp lễ: ‘’Thưa Tổng Thống, đó là điều tối thiểu tôi có thể làm. Xin tạm biệt và chúc Ngài may mắn’’.
(Tổng hợp theo truyền thông Mỹ và “Khi đồng minh tháo chạy” của TS Nguyễn Tiến Hưng)
© Đàn Chim Việt

Biển Ðông có nguy cơ 'là một thùng thuốc súng'

Biển Ðông đang tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước là thùng thuốc súng của nguy cơ xung đột có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho phương Tây, theo phân tích gia Robert Kaplan.

Robert Kaplan là một phân tích gia địa chính trị nổi tiếng. Ông nhận định trong một quyển sách mới xuất bản có tên là “Asia's Cauldron: The South China Sea and the End of a Stable Pacific.” Tạm dịch là 'Vạc dầu ở Á Châu: Biển Ðông và sự chấm dứt ổn định ở Thái bình Dương,' do Random House xuất bản.



Chiến hạm USS John S. McCain (DDG 56) hiện đang cập cảng Ðà Nẵng, Việt Nam. Hoa Kỳ đang gia tăng sức mạnh hải quân nhằm gây ảnh hưởng của mình trên Biển Ðông. (Hình: Getty Images)

Theo ông nhận định, cuộc tranh chấp địa chính trị trên Biển Ðông liên quan tới nhiều nước, khu vực có tiềm năng lớn về dầu khí, lâu nay có vẻ không được (Tây Phương) quan tâm.

“Vạc dầu có thể đang sôi sục ở Âu châu và Trung Ðông, nhưng không có nghĩa là Á Châu ổn định hơn.” Ông Kaplan nói với đài truyền hình CTV ở Toronto hôm Thứ Ba. “Chúng ta đã hưởng sự ổn định ở Á Châu khá lâu.”

Cuộc tranh chấp Biển Ðông liên quan 6 nước gồm Brunei, Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Ðài Loan. Có nước tuyên bố chủ quyền gần như toàn thể khu vực, có nước chỉ tuyên bố chủ quyền một phần. Cũng đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật về vùng biển và quần đảo Senkaku.

Tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh tuyên bố lập vùng phòng không trên biển Hoa Ðông, bao gồm cả khu vực quần đảo Senkaku. Hành động này đã bị Mỹ, Hàn, Nhật đả kích dữ dội và tuyên bố không nhìn nhận. Phi cơ quân sự của các nước này đã bay qua khu vực mà không thông báo trước như đòi hỏi của Bắc Kinh.

Những vùng giông tố nói trên có thể là điểm phát khởi cho những loạt tranh chấp có thể lôi kéo Hoa Kỳ vào và có thể làm hỗn loạn thị trường tài chính quốc tế, theo ý kiến của ông Kaplan.

“Á Châu lâu nay đang ở giữa những cuộc chạy đua võ trang lớn lao nhất.” Ông nói.

Ðiều đáng quan ngại đặc biệt, theo ông, là việc Trung Quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng liên tục mấy năm qua. Mới tháng 3 vừa qua, Bắc Kinh loan báo tăng ngân sách quốc phòng năm nay 12.2%. Theo bản tin Tân Hoa Xã, mức gia tăng chi tiêu quốc phòng này cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Trong một tình huống giả định là Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và năng lực của Hoa Kỳ giảm xuống, theo phân tích của ông Kaplan thì “Các cơ nguy xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản tăng lên rất cao.”

Hệ quả của một cuộc chiến giả định như thế sẽ làm xáo trộn thị trường tài chính thế giới, đồng thời, Trung Quốc có cái thế mạnh trong tay sẽ lấn chủ quyền lãnh thổ của các nước khác chung quanh, gồm cả Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Trong ngày Thứ Ba, ám ảnh bởi một cuộc xung đột quân sự có thể liên quan đến cả Hoa Kỳ về các cuộc tranh chấp trên Biển Ðông và Hoa Ðông ngày càng trở nên rõ nét hơn, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel nói với người đồng nhiệm của Trung Quốc rằng Bắc Kinh không có quyền ngang nhiên thiết lập vùng phòng không.

“Tất cả các nước có quyền thiết lập vùng phòng không, nhưng không có quyền làm như thế một mình mà không có sự hợp tác hay sự tham khảo của các nước khác.”

Ông Chuck Hagel nói ở Bắc Kinh. Ông cho hay thêm là Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Nhật Bản, Philippines và các đồng minh khác liên quan đến tranh chấp với Trung Quốc.

Theo Trung Tâm Khảo Cứu Chiến Lược Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies) ở Hoa Thịnh Ðốn, Cơ quan Công Ước Quốc Tế về Luật Biển của LHQ (UN Convention on the Law of the Sea) không có quy định giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thế nào.

Trong một bài viết khác phổ biến trên tờ South China Morning Post hôm Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014, ông Mark Valencia, một chuyên viên Mỹ phân tích địa chính trị khu vực Á Châu, cho rằng các tranh chấp về Biển Ðông sẽ vẫn tiếp diễn và không thấy một giải pháp nào trong tương lai gần, cho dù một cuộc chiến tranh toàn diện nhiều phần sẽ không xảy ra.

Trong cuộc tiếp xúc với báo chí khi đến Honolulu họp với Hoa Kỳ và đại diện các nước ASEAN khác về đối phó với thiên tai và các loại thảm họa khác, Bộ Trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen cho rằng ASEAN và Trung Quốc rất muốn thấy có bản Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Ðông sớm được thành hình.

Nhận định lạc quan của ông khác với những lời tuyên bố của những kẻ cầm quyền ở Bắc Kinh, tức trước đến nay, không thay đổi lập trường đòi độc chiếm cả Biển Ðông và chỉ muốn đàm phán tay đôi với các nước tranh chấp để lấy thế nước lớn dễ chèn ép.

Không những vậy, các cuộc tập trận hải quân quy mô của Trung Quốc hàng năm vẫn diễn ra nhiều lần chỉ để uy hiếp tinh thần các nước nhỏ phía Nam.
  (Người Việt) 

Venezuela đập đầu vào tường

Cán cân quân bình đã lệch và sẽ lật

Một năm sau khi Hugo Chavez tạ thế, xứ Venezuela trôi vào khủng hoảng ngày càng trầm trọng và tuột vào vòng xoáy chưa ai nhìn thấy đáy.

“Hồ Sơ Người Việt” tìm hiểu về tình trạng nguy kịch này như một lời cảnh báo cho các chế độ độc tài, bất tài mà vẫn bám víu vào quyền lực nhờ tinh thần mị dân. Hay hậu quả tai hại của dân trí quá thấp nên vẫn mộng mị tin vào lề lối mị dân với màu sắc “xã hội chủ nghĩa.”

Khác với quy cách thông thường, hồ sơ này sẽ vừa trình bày sự thể vừa nêu ra kết luận.
http://www.viet.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/rfi_43_large/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/pq.jpg

Tai họa Chavista thời “Hậu Chavez”

Trong khi thế giới còn chú ý vào vụ khủng hoảng tại Ukraine, từ giữa Tháng Hai, xứ Venezuela tại Nam Mỹ đã trôi vào một chu kỳ khủng hoảng, với làn sóng động loạn xã hội kéo dài khiến 30 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và nhiều người biểu tình phản đối bị cầm tù, kể cả lãnh tụ đối lập là Leopold Lopez.

Từ hơn 10 năm nay, đây là những biến cố trầm trọng nhất tại một quốc gia có tài nguyên dầu khí và một chế độ tự xưng là bênh vực dân nghèo mà lại làm người dân nghèo đi và nhân quyền lẫn nhân phẩm bị chà đạp. Trong một kỳ sau, “Hồ Sơ Người Việt” sẽ trình bày riêng về khu vực dầu khí của Venezuela, bài tổng hợp này chỉ cập nhật về những biến cố mới nhất, như phần nổi ở trên.

Không khác gì nhiều chế độ độc tài bị người dân nổi lên chống đối từ hơn một thế kỷ vừa qua, phong trào nổi dậy tại Venezuela đã có sự tham dự đầu tiên, một cách tự phát, của thanh niên và sinh viên. Sau đấy mới là các thành phần xã hội cùng chia sẻ sự bất mãn về loại vấn đề thiết thực của đời sống, như 1) tội ác của xã hội đen lan tràn, 2) lạm phát gia tăng, và 3) nhu yếu phẩm khan hiếm trên thị trường. Theo thống kê của Ngân Hàng Trung Ương Venezuela, gần 30% sản phẩm nhu yếu hay những gì khả dĩ thay thế các món hàng cần thiết, lại hoàn toàn biến mất. Giới có tiền thì cũng khó tìm ra.

Chi tiết nhỏ nhặt trên cho thấy một kết luận đầu tiên, xin được đưa lên trên cùng: chính là tuổi trẻ đầy lý tưởng (thanh niên) và có hiểu biết (vì là sinh viên, đã may mắn vượt qua bậc trung học) mới nhạy cảm bước lên tuyến đầu của phong trào phản kháng, dù chưa có tổ chức và cũng chẳng có tham vọng gì cho bản thân trong lâu dài.

Sự bất mãn của quần chúng Venezuela khởi đi từ các vấn đề kinh tế, được ghi khá trừu tượng là “khan hiếm nhu yếu phẩm.” Nhu yếu phẩm là loại hàng cần thiết cho đời sống thường nhật của đám đông, chứ không là những gì cao xa hay xa xỉ của thiểu số. Nhưng, thật ra, vấn đề kinh tế của Venezuela không chỉ xuất hiện từ khi lãnh tụ Hugo Chavez tạ thế vào Tháng Ba năm ngoái.

Từ những năm 1999, khó khăn kinh tế đã thúc đẩy phong trào phản kháng, bùng phát một cách rời rạc, lẻ tẻ và thiếu lãnh đạo có khả năng tổng hợp và gây tác dụng cộng hưởng. Lần này, tình hình có khác vì kinh tế còn lụn bại hơn từ một năm nay, và những thành phần nghèo khốn xưa kia được chế độ Chavez o bế bằng chính sách trợ cấp và mua chuộc cũng bị thất vọng.

Nổi lên từ một cuộc đảo chánh hụt, Hugo Chavez đã thắng cử nhờ huy động tinh thần ái quốc của anh hùng dân tộc là Simón Bolivar và nhờ chính sách kinh tế được gọi là “đại chúng,” populist, vì nhắm vào đám đông. Trong mọi xã hội, dân nghèo tất nhiên là đông hơn người giàu và chính sách nâng đỡ dân nghèo đã tạo hậu thuẫn cho Chavez và vây cánh được gọi là “Chavista.” Về lý luận thì Chavez kết hợp tinh thần dân tộc nhờ hình ảnh Bolivar với tinh thần xã hội chủ nghĩa nhờ khẩu hiệu cách mạng cộng sản, được ông ta hiện đại hóa sau khi chủ nghĩa cộng sản đã phá sản từ năm 1991.

Chi tiết ấy cũng đủ cho thấy trình độ dân trí của Venezuela!

Vì dân trí quá thấp, đa số dân chúng không hiểu rằng chính sách kinh tế mị dân, được thực thi nhờ trợ cấp và mua chuộc đã tạo ra vấn đề kinh tế là làm công khố và tài nguyên cạn kiệt dần. Ðang là một nước giàu, có tài nguyên thiên nhiên là năng lượng, Venezuela tự làm cho mình nghèo đi và khu vực chiến lược là dầu khí bị tụt hậu. Sau cả chục năm như vậy thì xứ này tiến tới phá sản.

Nhưng hoàn cảnh kinh tế tai hại này còn dẫn tới vấn đề chính trị, là chế độ đã tạo ra một thành phần tay chân trục lợi và nhờ ách độc tài mà cấu kết thành mạng lưới tham ô. Chế độ mị dân sản sinh ra đám “thân tộc” có quan hệ với tầng lớp cầm quyền mà thu vét quyền lợi cho mình.

Cái giá phải trả về kinh tế là sự phá sản của công khố. Cái giá về xã hội là nạn tội ác tràn lan của “xã hội đen.” Chế độ độc tài trở thành bất tài bất lực trước tội ác và như trong nhiều xứ độc tài khác, băng đảng tội các lại cấu kết với bộ máy an ninh và công an, cho nên giàu nghèo gì thì người dân cũng trở thành nạn nhân. Venezuela là nơi có mức độ sát nhân cao nhất thế giới.

Trong năm 2013 có 24,000 vụ giết người, với tỷ lệ rợn mình là cứ mươi vạn thì lại có 79 người bị ám sát.

Dù nương tựa vào Cuba, và được Trung Quốc cùng Liên Bang Nga nâng đỡ, Hugo Chavez vẫn chẳng thoát số trời. Sau khi ông ta từ trần, người được chọn làm kế nhiệm là Nicolas Maduro đã đắc cử vào Tháng Tư năm ngoái với một đa số rất mỏng và thừa hưởng di sản kinh tế đầy khó khăn. Những khó khăn tích lũy đó đã dồn dập và lây lan nên mới dẫn tới cuộc khủng hoảng ngày nay.

Một trong những lý luận có tính chất biện hộ của Maduro là vì mình thừa hưởng di sản kinh tế của vị tiền nhiệm. Thật ra, ông ta đã là phụ tá, Ngoại trưởng và đứng phó cho Chavez khi thực thi đường lối kinh tế này. Maduro là tay Chavista thân tín và đáng tin nhất của Chavez.


Những tai họa tích lũy

Kinh tế Venezuela là nạn nhân của chính sách vô trách nhiệm của một lãnh tụ độc tài và mị dân.

Người ta cứ lầm rằng một chế độ mị dân thì cũng có chút ít dân chủ và trước tiên là có bầu cử. Nhận thức hời hợt này rất sai vì chế độ Ðức quốc xã của Adolf Hitler cũng xuất phát từ bầu cử và có hình thức dân chủ. Sau đó, tinh thần mị dân, và thực chất là khinh dân, mới dẫn tới độc tài. Sự chuyển hóa chầm chậm, như một vòng đai siết lại từng nấc, khiến người dân quen dần với cái ách độc tài. Ðến khi muốn tháo gỡ thì đã quá trễ vì xã hội không còn tổ chức nào có thể vùng lên để thay thế. Các đảng phái đối lập thì bị tê liệt hóa hoặc bị phân hóa vì hai gọng kìm song hành là đàn áp và mua chuộc. Ngả theo chế độ thì còn có quyền lợi, chứ chống đối thì bị truyền thông của chế độ kết án, và vào tù.

Tuy nhiên, kinh tế lại xoay chuyển theo quy luật khác. Chính sách vô trách nhiệm của lãnh đạo Venezuela dẫn tới các tai họa sau đây.

Khi sản lượng kinh tế không tăng mà nhà nước tiếp tục tung tiền mua chuộc các thành phần dân chúng có thể ủng hộ mình nhờ quyền lợi được ban phát thì nhà nước phải đi vay. Bội chi ngân sách làm rách túi bạc và trở thành gánh nợ công trái - trái là nợ và công là của công quyền. Về kinh tế thì điều ấy có nghĩa là công chi - các mục chi của khu vực công quyền - gia tăng, được tài trợ bằng trái phiếu hay giấy nợ, với hậu quả là gây ra lạm phát.

Venezuela có thể thi hành chính sách kinh tế tai hại này trong cả chục năm vì là một nước sản xuất và xuất cảng dầu hỏa. Chavez khích động tinh thần dân tộc theo lối mị dân bằng biện pháp quốc hữu hóa các doanh nghiệp dầu hỏa của ngoại quốc. Nhưng hậu quả là đánh sụt đầu tư và làm khu vực năng lượng bị tụt hậu. Trong khi đó, nhờ có dầu, ông ta áp dụng biện pháp trợ giá để thị trường nội địa mua được xăng dầu và hàng hóa rất rẻ, dưới giá thị trường.

Hậu quả là nhà nước bị lỗ và khu vực năng lượng càng thêm lụn bại.

Chế độ trông cậy vào Trung Quốc để vượt qua những trở ngại này và càng lệ thuộc vào thiện chí của Bắc Kinh. Mỗi ngày, xứ này cung cấp 500 ngàn thùng dầu thô cho Trung Quốc để được vay tiền tài trợ ngân sách bị lủng và Bắc Kinh lấy dầu theo kiểu mua lúa non, nắm dầu trước, trả tiền sau.

Khía cạnh khác của chính sách kinh tế tai hại này là sự phình nở của khu vực kinh tế nhà nước, các tập đoàn quốc doanh về năng lượng, công nghiệp và đất đai.

Hai hậu quả kế tiếp của tình trạng này là quốc doanh lụn bại và mắc nợ trong khi tư doanh hết đất sống, bị bóp nghẹt và thậm chí đàn áp. Venezuela không chỉ gặp hiện tượng dễ hiểu là thiếu tổ chức hay giải pháp chính trị thay thế một chế độ độc tài, mà kinh tế cũng chưa tìm ra tiềm lực thay thế hệ thống quốc doanh trên bờ phá sản.

Khu vực năng lượng và tổng công ty quốc doanh PDVSA là con gà đẻ trứng vàng cho chế độ đã hết trứng và đang thành gà toi. Nếu dầu thô lại không lên giá mà còn giảm thì chế độ “Hậu Chavez” của Maduro sẽ không có tương lai.


Những chọn lựa lưỡng nan

Chính quyền hiện hành có thể tiếp tục đàn áp người dân trước sự thờ ơ của thế giới. Nhưng họ cũng biết là sẽ khó tồn tại nếu không thay đổi. Cho tới nay, chưa có chỉ dấu gì báo hiệu y muốn cải cách mà chỉ là những biện pháp gọi là “ổn định tình hình.” Việc ổn định này sẽ không có kết quả vì công quỹ đã cạn kiệt.

Khi phải lùi đến chân tường, lãnh đạo Venezuela phải tìm cách thoát hiểm.

Giải pháp ai cũng có thể nghĩ tới và nói đến là phải ra khỏi chế độ tập trung quản lý mà áp dụng quy luật thị trường. Giải pháp này lý tưởng mà thật ra không tưởng vì lập tức dẫn tới khủng hoảng kinh tế vì tư doanh chưa có sức bật để cứu nguy sản xuất trong khi tay chân của chế độ làm thịt tài sản của nhà nước và tháo chạy ra ngoài. Ðấy là kịch bản “Liên Bang Nga hậu Xô Viết” từ 1991 đến 1999.

Giải pháp kia là vững tay lái xã hội chủ nghĩa và tăng cường vai trò của nhà nước lẫn dùi cui của công an. Ðàn áp chính trị mạnh hơn nhằm triệt để bảo vệ quyền lực lẫn quyền lợi của thành phần ở trên. Kết quả sẽ là khủng hoảng cả kinh tế lẫn chính trị. Sau khi chế độ sụp đổ, Venezuela còn mất cả chục năm lầm than.

Kết luận ở đây là gì?

Ðịnh hướng xã hội chủ nghĩa là tai họa phổ biến và sau gần 15 năm, cán cân của Venezuela cứ nghiêng dần, cho đến khi lật.
Hùng Tâm
(Người Việt) 

Ls Lê Công Định - 'VN cần cộng đồng dân sự'

Mặc dù 'Xã hội dân sự' đang là cụm từ thời thượng tại Việt Nam, khái niệm này thường không được hiểu chính xác.

Lê Công Định: 'có ngộ nhận, nhầm lẫn về đặc trưng các hội đoàn dân sự'

Việc chuyển ngữ trực tiếp từ tiếng Anh 'civil society' thành xã hội dân sự' tuy có vẻ chuẩn xác về mặt ngôn ngữ, nhưng lại là nguyên nhân cơ bản đầu tiên gây nhầm lẫn, ngộ nhận, thậm chí đánh đồng các tổ chức và hội đoàn mang đặc trưng của những quan hệ dân sự - vốn chỉ là những thành tố trong một xã hội - với một xã hội dân sự.

Về ngữ nghĩa, danh từ 'society', như 'civil society' trong tiếng Anh hay 'société' trong tiếng Pháp ngoài nghĩa thông thường là 'xã hội', còn có nghĩa là 'hội' hay 'hiệp hội', thậm chí là công ty, như 'société anonyme' (công ty cổ phần) hay 'société à responsabilité limitée' (công ty trách nhiệm hữu hạn).

Dưới góc độ xã hội học và chính trị học, khi nói đến xã hội dân sự, không phải trong ý nghĩa của khái niệm 'civil society', tức là nói đến định hướng phát triển tất yếu của một xã hội có đặc trưng luôn dân sự hóa và dân chủ hóa.
Dân chủ đại diện

Nói cách khác, xã hội dân sự là một bước phát triển mới tiếp theo của nền Dân chủ Đại diện.

Trong quá trình phát triển như vậy, các tổ chức và hội đoàn dân sự ngày càng mất đi tính đối trọng và đối lập với các cơ quan thực thi quyền lực nhà nước, để có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ vốn dĩ của nhà nước, trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành các quyết định về chính sách, và cùng với cơ quan công quyền sử dụng quyền lực nhà nước một cách hiệu quả nhất.




Cộng đồng dân sự là một khu vực mở, trong đó có các tác nhân hoạt động với mức độ tổ chức khác nhau từ cá nhân, nhóm, hội đoàn, tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, phong trào xã hội, đến các tổ chức phụ thuộc ở mức độ khác nhau vào nhà nước. "
Từ năm 1989 về trước, xã hội dân sự đặc biệt được nói đến nhiều tại những quốc gia theo chính thể độc tài ở Mỹ-La tinh và Đông Âu như một hình mẫu xã hội, một khái niệm về lý luận, một đòi hỏi đối lập với xã hội Xã hội chủ nghĩa và chế độ chuyên chính vô sản.

Trong ý nghĩa đó, xã hội dân sự được đặt ngang với các hình thái xã hội theo lý luận của Karl Marx, bao gồm: xã hội Nguyên thủy, xã hội Quân chủ, Phong kiến, xã hội Tư bản và xã hội Cộng sản mà giai đoạn tiền thân là xã hội Xã hội chủ nghĩa.

Trong cùng thời gian đó, ở các quốc gia pháp trị dân chủ Tây phương, người ta cũng bàn nhiều về xã hội dân sự, nhưng chú trọng vào những đòi hỏi dân chủ nhiều hơn nữa nhằm xây dựng thành công một xã hội dân sự hoàn hảo.

Song, tiêu chí nào cần hội đủ để có thể xác định xã hội dân sự đã hiện hữu ở một quốc gia vẫn tiếp tục là đề tài tranh luận trên các diễn đàn chính trị.

Hiện nay, xã hội tại các nước công nghiệp phát triển Âu-Mỹ chính là những xã hội dân sự thực thụ, dù ở nhiều cấp độ “dân sự hóa” khác nhau. Xã hội dân sự được xem như thành công với mức độ dân sự hóa cao nhất hiện nay là xã hội của Thụy Sĩ.

Triết gia Aristotle từng nói về một cộng đồng công dân có chung mục tiêu

Lịch sử xuất hiện và sử dụng cụm từ 'civil society', trái lại, đã gây ra ngộ nhận tai hại.

Cụm từ này hình thành từ khái niệm “Societas civilis” trong tiếng La Tinh, vốn có nguồn gốc từ 'politike - koinonia' của Hy Lạp, là thuật ngữ chỉ một cộng đồng mở, và đôi khi cũng dùng để chỉ những cộng đồng có chung ý chí chính trị.

Triết gia Aristotle từng dùng nó để diễn tả một cộng đồng của những công dân muốn thực hiện những điều tốt lành về đạo lý.

Người đầu tiên sử dụng danh từ 'civil society' có nguồn gốc như thế cho một cộng đồng mở là Adam Ferguson, nhà xã hội học người Anh.

'Civil society' theo ý nghĩa xã hội học và chính trị học hiện đại được hiểu là Cộng đồng dân sự thuần túy.

Trong ý nghĩa tổng quát, Cộng đồng dân sự là một khu vực, một bộ phận của xã hội, không nằm trong khu vực nhà nước, lĩnh vực kinh tế hay đời sống cá nhân.

Cộng đồng dân sự là một khu vực mở, trong đó có các tác nhân hoạt động với mức độ tổ chức khác nhau từ cá nhân, nhóm, hội đoàn, tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, phong trào xã hội, đến các tổ chức phụ thuộc ở mức độ khác nhau vào nhà nước.

Các nước ASEM đều có khối cộng đồng dân sự ở mức độ khác nhau
Trong ý nghĩa ấy, chuyển ngữ cụm từ 'civil society' thành 'xã hội dân sự' vừa không chính xác, vừa khiến chính quyền hiện tại phải lo ngại và đề phòng không cần thiết.

Hội đoàn dân sự

Những tác nhân hoạt động trong Cộng đồng dân sự, để tránh hiểu lầm và lo ngại, không nên gọi là tổ chức xã hội dân sự, mà chỉ giản dị là tổ chức hay hội đoàn dân sự (trong bài này xin gọi tắt là hội dân sự).

Hội dân sự có những đặc trưng cơ bản giống nhau như sau:

1) hình thành không cần thông qua hoạt động quản lý trực tiếp nào của nhà nước, mà do đòi hỏi của thực tiễn, qua liên kết, hợp tác tự nguyện giữa các cá nhân, các nhóm;

2) mục đích không nhằm đối lập, cạnh tranh hay thách thức quyền lực nhà nước, mà tự mình chủ động bày tỏ những mối quan tâm, bảo vệ lợi ích và đáp ứng nhu cầu của các thành viên;

3) phản hồi hay tham gia theo dõi, kiểm tra hoạt động của cơ quan công quyền không phải là mục đích tự thân, lý do thành lập hay mục tiêu hoạt động, mà chỉ giản dị là hệ quả phải có để có thể tự bảo vệ lợi ích và đáp ứng nhu cầu của các thành viên, và

4) với tất cả những đặc trưng đó, chúng độc lập với nhà nước.

Các hội dân sự tự động thành hình trong những thể chế dân chủ pháp trị nơi mà quyền và lợi ích của các cá nhân không ngừng được nâng cao và cần thỏa mãn kịp thời.

Một hoạt động bảo vệ động vật tại Việt Nam: các hội dân sự tự hình thành

Ngay cả trong những chế độ độc tài và chuyên chính vô sản, các hội dân sự cũng hiện hữu rộng khắp, hoặc do nhà nước hỗ trợ thành lập, hoặc như một nhu cầu tự nhiên vì lợi ích của cá nhân trong xã hội không được quan tâm và bảo vệ.

Tại Việt Nam, trước tiên, những tổ chức có tính chất xã hội được nhà nước trực tiếp thành lập và chi phối trong phạm vi Mặt trận Tổ quốc.

Sau đó, khi bầu không khí chính trị-xã hội dần thông thoáng, các nhóm dân sự nhỏ hình thành để bảo vệ lợi ích chung và giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong những vấn đề mà họ không được chính quyền giúp đỡ; kế đến là sự hình thành các tổ chức dân sự có tính chất từ thiện, giúp đỡ những người có cuộc sống kém may mắn; tất nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế đã xuất hiện các nhóm dân sự cùng chia sẻ sở thích, chia sẻ quan tâm giống nhau về nhân sinh quan, thế giới quan, nghề nghiệp, hay giúp người khác rèn luyện kỹ năng sống...




Các hội dân sự như vậy không đối trọng với quyền lực nhà nước, do vậy không nên sử dụng hoặc nhìn chúng như những công cụ đối kháng với nhà nước"
Đó là hiện tượng tự nhiên đã hiện hữu trên thực tế, dù chính quyền muốn hay không và cho phép hay không, mà chắc chắn vẫn đang và sẽ diễn ra ngày càng mạnh và rộng hơn.

Các hội dân sự như vậy không đối trọng với quyền lực nhà nước, do vậy không nên sử dụng hoặc nhìn chúng như những công cụ đối kháng với nhà nước.

Ngược lại, chúng chính là những 'van' xả áp lực, giúp xoa dịu sự bất bình của người dân đối với nhà nước và chế độ.

Thực tế đã chỉ rõ, các nước XHCN Đông Âu trước đây không sụp đổ vì hoạt động của các tổ chức và hội đoàn dân sự, mà trái lại là do không có phương tiện giúp giảm bớt sự bức bối và phẫn nộ của người dân đối với các chính sách bất công và bất hợp lý của chính quyền.

Như mọi tập hợp và tổ chức hình thành một cách tự nguyện và có tính ngẫu nhiên theo tình hình thực tiễn khác nhau, các hội dân sự rất dễ bị tấn công, phá hủy hoặc bị lợi dụng. Để tránh điều đó, nhà nước nên nhanh chóng ban hành luật về hoạt động của hội dân sự.

Bởi lẽ bảo vệ sự tồn tại và bảo đảm hoạt động minh bạch của hội dân sự bằng một hành lang pháp lý cụ thể trước hết chính là vì lợi ích của nhà nước trong việc điều hành xã hội và tạo dựng lòng tin của người dân vào chế độ.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư Lê Công Định, một nhà hoạt động, cựu tù nhân chính trị ở Việt Nam.

Ls Lê Công Định
Theo BBC Vietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét