Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Làm sao chấn chỉnh công an Việt Nam? - Khi gốc gác át tài năng

Khi gốc gác át tài năng

Ông Nguyễn Thanh Nghị đã thăng tiến hết sức nhanh chóng

Ai là ngôi sao đang lên trên bầu trời chính trị Việt Nam khi mà Đại hội Đảng chỉ còn cách chưa đầy hai năm?

Nhìn sang Trung Quốc, thế hệ lãnh đạo thứ năm vừa lên cầm quyền đã thấy thấp thoáng thế hệ thứ sáu mặc dù tám năm nữa mới đến kỳ bàn giao.

Bí thư Quảng Đông Hồ Xuân Hoa đã đi lên từ một địa bàn khó khăn phức tạp trong khi phó Thủ tướng Uông Dương chứng tỏ năng lực điều hành một trong những tỉnh năng động và giàu có nhất.

Còn ở Việt Nam, ngoài ông Nguyễn Bá Thanh được người dân Đà Nẵng ca ngợi nhưng đã mắc cạn ở Ba Đình thì tìm đỏ mắt cũng không thấy nhân vật triển vọng nào có thành tích nổi trội.
Luồng gió mới?

Chẳng lẽ Việt Nam đang lâm vào cảnh ‘nhân tài như lá mùa thu’?

Vẫn có mấy chiếc ‘lá xanh’ đang chờ đến lượt trong kỳ hội Đảng sắp tới: có thể kể đến các ông Nguyễn Thanh Nghị, phó bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, Nguyễn Xuân Anh, phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng, và trong chừng mực nào đó là Lê Trương Hải Hiếu, phó chủ tịch Quận 1.

Tuy nhiên có khác Trung Quốc một chút là thành tích của các ông Nghị, Anh và Hiếu không mấy người biết nhưng cha các ông là ai thì ai cũng biết.

Điều khích lệ là cả ba ông đều còn rất trẻ, dưới 40, và đều có thời gian du học ở nước ngoài.

Ít nhất đây cũng là luồng gió mới thổi vào ban lãnh đạo Việt Nam vốn lâu nay vẫn trưởng thành dưới gầm trời của chủ nghĩa Mác-Lenin.
Ông Nguyễn Xuân Anh làm lãnh đạo ở nơi mà cha ông từng có ảnh hưởng lớn

Tôi hiểu đây là nỗ lực của Đảng muốn nâng cấp cán bộ của mình lên để không còn bị hụt hơi khi bước ra trường quốc tế.

Hai ông Nghị và Anh gần như chắc chắn sẽ chính thức vào Trung ương khi chỉ mới 40 tuổi. Khi đã vào rồi thì hãn hữu lắm mới ra và một khi đã bám rễ sâu ở Trung ương thì chẳng lẽ lại không vào được Bộ Chính trị? Cũng không loại trừ khả năng nằm trong ‘tứ trụ triều đình’.

Trong khi đó Lê Trương Hải Hiếu chỉ mới 33, vẫn còn ngày rộng tháng dài để bắt kịp hai vị kia.

Đảng đã chọn mặt để gửi vàng thì chắc chắn có cái lý của Đảng. Tiếc là người dân không biết cái lý đó nên trong mắt họ chỉ thấy toàn ‘con ông cháu cha’.

Nếu các ông Nghị, Anh, Hiếu hoàn toàn là do khả năng của mình mà được thì quả thật các ông phải chịu oan ức vì gia thế của mình.
Cơ chế tai hại

Dẫu sao đi nữa nền chính trị con ông cháu cha không bao giờ là tốt.

Thứ nhất nó cho thấy một cơ chế đặc quyền đặc lợi mà đại đa số người dân bị gạt ra bên lề.

Thứ hai nó loại bỏ nhân tài của đất nước vì lẽ không phải tất cả người tài đều là con ông cháu cha.

Thứ ba nó để lọt vào hệ thống không ít người bất tài nhưng cơ hội vì lẽ người tài thì họ không muốn dựa hơi ông cha mà muốn đi lên bằng sức phấn đấu của mình.

Cuối cùng nó nuôi dưỡng sự bất mãn xã hội khi nhiều người phấn đấu cả đời cũng không với tới những gì mà người khác nghiễm nhiên có được.
Ông Lê Trương Hải Hiếu hiện đang là lãnh đạo một quận trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh

Chưa kể nó còn tạo ra tâm lý buông xuôi nơi giới trẻ vì có cố gắng cách mấy cũng vậy mà thôi.

Nếu quả thật các ông Nghị, Anh và Hiếu tài năng xuất chúng thì sẽ là cái may cho Đảng và phước cho đất nước.

Nhưng cái cách mà các ông lên nắm những địa bàn mà thân phụ các ông có ảnh hưởng to lớn như thế thì liệu có chắc là không có sự tác động của ông cha?

Với lại, liệu có chắc rằng xã hội ngoài kia không có ai hoặc có rất ít người cùng trang lứa có tài năng và đức độ bằng hoặc hơn các vị này?
Không thuyết phục

Hơn nữa, trường hợp thăng tiến của các vị này lại có những chỗ không thuyết phục.

Làm sao một người mới về kinh nghiệm giảng dạy chưa bao nhiêu như ông Nghị đùng một cái trở thành hiệu phó một trường đại học? Làm sao một phóng viên như ông Anh bỗng chốc nhảy lên làm phó trung tâm xúc tiến đầu tư một thành phố lớn?

Nên nhớ là ông Nghị cũng từng đột phá vào Trung ương Đảng với tư cách ủy viên dự khuyết dù không được đề cử từ cơ sở mà được đưa vào danh sách bầu cử ngay tại Đại hội Đảng hồi năm 2011.

Nếu Đại hội thấy ông Nghị là người có tài nổi bật thì tại sao cơ sở Đảng vốn nắm rõ về ông nhất lại không biết hoặc không đề bạt? Còn nếu ông Nghị không đủ tiêu chuẩn vào Trung ương như quyết định từ cơ sở thì tại sao Đại hội lại chọn?

Rõ ràng có cái gì đó không bình thường.

Còn ông Hiếu được chọn đi học nước ngoài bằng tiền của Nhà nước trong một chương trình của thành phố mà cha ông đang là lãnh đạo.
Nhiều người tài Việt Nam thành danh ở nước ngoài

Điều này vi phạm một nguyên tắc tối kỵ là ‘xung đột lợi ích’.

Chẳng hạn ai đó làm giám đốc công ty này, công ty nọ trong một môi trường mà cha ông của họ chi phối hoàn toàn các chính sách và lợi ích kinh tế thì liệu họ có tận dụng những lợi thế đó hay không?

Ở Việt Nam hiện nay không ít những doanh nhân như thế. Họ có những thành tích kinh doanh siêu đẳng mà ai cũng phải ghen tỵ.

Để so sánh, hồi bà Hillary Clinton lên làm ngoại trưởng bên Mỹ thì chồng bà là cựu Tổng thống Bill Clinton phải cam kết chấm dứt mọi hoạt động quyên tiền từ thiện.

Nói như thế để thấy rằng ở một đất nước dễ dãi như Việt Nam thì có khó gì chuyện ông cha dùng quyền lực để trải đường con cháu mình?
Quy hoạch

Mà hệ thống Việt Nam không chỉ dễ bị lợi dụng mà chính hệ thống đó còn tạo điều kiện cho tình trạng ‘con ông cháu cha’ ngay từ đầu.

Công tác cán bộ Việt Nam bắt đầu từ ‘quy hoạch’, tức là chuẩn bị nguồn cán bộ từ những người mới toanh chưa có thành tích hay kinh nghiệm gì nhiều.

Quy hoạch như thế thì liệu có lọt khỏi tay kiểu ‘con anh Sáu cháu chị Ba’? Tự thân những người chỉ có tài mà không có gốc thì liệu có cửa vào diện quy hoạch?

Nói gì thì nói khó mà phủ nhận gốc gác có vai trò quan trọng như thế nào trong việc xét người ở Việt Nam.

Mẫu xin việc vào các cơ quan nhà nước có bán đầy ở Việt Nam lúc nào cũng có một phần hỏi bản thân ứng viên và gia đình, gồm cả cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái, làm gì trước và sau năm 1975 trong khi chỗ trình bày về khả năng và kinh nghiệm thì không có.

‘Làm gì trước và sau 1975’ có liên quan gì đến năng lực trong khi đất nước đã thống nhất được gần 40 năm?

Xét người như thế thì lý lịch anh nào càng đỏ thì cơ hội càng cao.

Điều này khác hoàn toàn người Mỹ. Đối với họ, những gì thấy được, đánh giá được mới tính.

Thế nhưng người Mỹ chẳng phải cũng có con ông cháu cha? Chẳng phải có Tổng thống Bush cha rồi Tổng thống Bush con?

Đành rằng sinh ra trong một gia đình có bề dày thì con cái cũng hưởng được sự giáo dục chuyên biệt và được ‘nhờ bóng’ uy tín của ông cha.

Nhưng không phải Bush cha muốn thì sẽ đặt được Bush con vào Nhà Trắng. Cựu Thống đốc Florida Jeb Bush, một thời là chính khách đang lên, có theo được gót cha và anh vào Nhà Trắng đâu?

Bản thân Tổng thống Bush con cũng phải trải qua hết các giai đoạn bầu cử khốc liệt mà ông phải vận dụng hết khả năng của mình để chiến thắng.
Phân tầng giai cấp

Ngày xưa Đảng đấu tranh để phá bỏ ‘xã hội phân chia giai cấp’ để mọi người, dù thấp cổ bé họng đến đâu, cũng đều bình đẳng.

Điều trớ trêu là cái xã hội mà Đảng dựng lên đó lại còn chẳng phân chia giai cấp gấp mấy lần cái xã hội mà Đảng đã phá bỏ.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chẳng đã từng nói trong Đảng ngày nay cũng có phân biệt giàu nghèo, rồi liệu cán bộ giàu có hiểu dân nghèo không?

Người đứng đầu Đảng nhận xét tình hình Đảng như thế thì chắc không sai. Xã hội hình thành một thượng tầng phần lớn là gia đình các cán bộ có quyền có thế.

Cuộc sống sung túc, ăn trắng mặc trơn, nhà lầu xe hơi, của chìm của nổi. Con cái đi học nước ngoài hoặc bằng tiền của gia đình hoặc bằng tiền thuế của dân. Khi về nước thì làm giám đốc công ty này công ty nọ đem về không biết bao nhiêu lợi nhuận hoặc nối gót ông cha ra làm quan ở những vị trí tốt để đảm bảo cơ nghiệp gia đình đời đời bền vững.

Người tài dù có giỏi đến đâu, có cố đến đâu cũng khó mà tạo dựng cho mình một chỗ đứng xứng đáng trong thượng tầng xã hội đó vì đơn giản cơ hội không dành cho họ. Trong khi đó người dân lao động cày bừa cả đời cũng không ngóc đầu lên nổi.

Đành rằng bất cứ nước nào, kể cả Mỹ, đều có kẻ giàu người nghèo. Nhưng ở các nước có tự do cạnh tranh, cơ hội trong chừng mực nào đó là bình đẳng với tất cả mọi người.

Cho nên mới có những câu chuyện về ‘giấc mơ Mỹ’, về những người tạo nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, từ rách rưới trở nên giàu có hay từ con số không trở thành người thành đạt.

Cho nên mới có một người da đen như ông Barack Obama không hề dựa vào của cải hay ảnh hưởng của ông cha mà chỉ bằng tài năng và sự phấn đấu của mình đã trở thành tổng thống.

Còn nhớ câu chuyện ông Philipp Roesler bên Đức, mặc dù ông rất tài giỏi nhưng nếu ở Việt Nam thì liệu một đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa như ông có thể trở thành phó thủ tuớng được không?

Cơ chế như thế không chỉ làm lãng phí không biết bao nhiêu nhân tài của đất nước mà còn đưa vào hệ thống không ít kẻ ăn hại.

Mà một đất nước dù nghèo khổ đến đâu, dù thiệt thòi đến đâu, dù bị tàn phá đến đâu chỉ cần có người tài thì đất nước đó sẽ có tương lai.

Đó chính là lý do tạo nên nước Mỹ hùng cường như hiện nay khi mà người tài khắp thế giới tìm đến.
Nguyễn Lễ  
BBC Vietnamese.com
  (BBC)

Lịch sử và viết lại lịch sử

Khi các lãnh tụ chính trị bắt đầu viết lại những gì xảy ra trong quá khứ, người ta phải nên lo sợ cho tương lai. Tại Nga, Trung Quốc, Hungary và Nhật Bản, những cố gắng gần đây để thay đổi, viết lại lịch sử là những dấu hiệu báo động của tinh thần dân tộc quá khích gia tăng.
Tháng Giêng năm nay, Tổng Thống Vladimir Putin chủ trì một hội nghị nhằm đưa ra một cuốn sách giáo khoa lịch sử dùng trong các trường học. Và tổng thống Nga than phiền rằng những sách giáo khoa lịch sử hiện nay đầy những “cặn bã ý thức hệ” và “mạ lỵ vai trò của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến chống lại phát xít.” Ông phủ nhận những lời tố cáo rằng các nước Ðông Âu bị Liên Xô chiếm đóng sau năm 1945 mà nói rằng chính Liên Xô đã cứu các nước này ra khỏi họa phát xít.
Ý nghĩa chính trị của việc thay đổi lịch sử này trở nên rõ ràng trong cuộc khủng hoảng chung quanh Ukraine. Moscow đã liên tục tìm cách mô tả chính phủ mới tại Ukraine như là “phát xít,” nói rằng những lãnh tụ mới của nước này là những người thừa kế ý thức hệ của những người Ukraine theo Ðức Quốc Xã chống lại Liên Xô của Staline.
Ðiều mỉa mai là nước Nga của ông Putin lại có quan hệ nồng ấm với Hungary, nước độc nhất trong số những quốc gia cựu cộng sản có thể nói là có một thái độ có cảm tình với quá khứ cực hữu. Chính phủ Hungary của ông Viktor Orban có vẻ đang khuyến khích việc phục hồi danh dự cho Ðô Ðốc Miklos Horthy, vị lãnh tụ độc tài, kỳ thị Do Thái của giai đoạn trước Chiến Tranh Thứ Hai vốn liên minh với Hitler chống lại Liên Xô. Một số những tượng của ông Horthy đã được dựng lại tại một số nơi trong nước cũng như là một tấm bảng kỷ niệm tại Budapest. Người ta cũng viết lại sách giáo khoa lịch sử để đưa “tinh thần ái quốc” vào học đường.
Cũng giống như với Nga, các lân bang của Hungary cũng có lý do để quan ngại về việc viết lại lịch sử này. Một trong những lý do khiến nhiều người cánh hữu Hung sùng bái ông Horthy là vì ông là con người chủ trương một nước Hung lớn (Greater Hungary) trong đó họ hy vọng có ngày lấy lại những lãnh thổ mà Hung bị mất đi sau Thế Chiến Thứ Nhất.
Tại Châu Á cố nhiên là những cố gắng viết lại lịch sử còn nhiều hơn. Trước hết là Nhật. thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe đã chỉ trích một số sách giáo khoa lịch sử của Nhật có một quan điểm quá “tự ti” về lịch sử mình. Lời nói này của ông Abe đã làm cho các chính phủ Trung Quốc và Nam Hàn giận dữ. Họ nói ngay cả trước khi ông Abe lên, sách lịch sử Nhật cũng đã giảm nhẹ những tội ác của lính Nhật tỷ như cuộc tàn sát tại Nam Kinh năm 1937 hay việc quân đội Nhật sử dụng nô lệ tình dục từ các nước bị trị như Hàn Quốc.
Thế nhưng Bắc Kinh thì cũng chẳng khá gì hơn. Chủ Tịch Tập Cận Bình vừa qua đưa ra kế hoạch “thanh xuân hóa xã hội Trung Quốc” tại Viện Bảo Tàng Lịch Sử vừa được hoàn tất tại Bắc Kinh. Viện bảo tàng này dành những diện tích khổng lồ thuật lại tội ác của quân Nhật khi xâm lược Trung Quốc vào những năm 1930 cũng như là tội ác của Anh, Pháp và những nước ngoài khác “đổ vào Trung Quốc như một bầy ruồi.” Nhưng viện bảo tàng này, cũng như các sách giáo khoa lịch sử của Trung Quốc không hề nhắc đến con số hàng chục triệu người chết dưới sự cai trị của đảng cộng sản dù rằng dưới “bước tiến nhảy vọt” hay là “cách mạng văn hóa.” Mục tiêu của việc viết lại lịch sử này là đưa những giận dữ của dân chúng hướng ngoại, tới những nước lân bang thay vì hướng nội nhắm vào chính phủ mình.
Nhưng ngay tại Anh cũng đã có những tranh cãi chung quanh lịch sử dạy tại các học đường và trong dân chúng. Khi tôi sang Anh và nhập tịch dân Anh, thì không ai đòi hỏi rằng phải có một cuộc thị mới được nhập tịch. Nhưng nay thì không. Và trong các môn thi đó có lịch sử. Và lịch sử đó, theo những người chỉ trích phải là lịch sử ca ngợi nước Anh. Gần đây lại nổ ra một cuộc tranh cãi về dạy lịch sử tại các trường học Anh. Bộ Trưởng Giáo Dục Michael Gove đã tạo ra một đợt chỉ trích gay gắt từ phía những sử gia khi ông than phiền rằng lịch sử dạy tại các trường học đã cho học sinh một quan điểm quá tiêu cực về nước Anh. Tỷ như về chiến tranh thứ nhất, học sinh cần phải được dạy rằng đó là một cuộc chiến chính đáng bảo vệ tự do chứ không phải chỉ là một cuộc đổ máu vô vị.
Thành ra ta có thể thấy rằng không có gì bất thường trong những cố gắng của các lãnh tụ chính trị trong việc tìm cách ảnh hưởng cung cách lịch sử nước mình được dậy và được hiểu. Nhưng vẫn có những khác biệt quan trọng cần phải đưa ra giữa những cố gắng chính đáng và những cố ý xuyên tạc.
Thứ nhất các nhà chính trị không thể nào phủ nhận những sự kiện lịch sử cụ thể. Ông Gove có thể biện hộ rằng Thế Chiến Thứ Nhất là một cuộc chiến chính đáng. Nhưng ông không tìm cách phủ nhận trận đánh sông Somme trong đó Anh hy sinh 60,000 quân chỉ trong mấy tiếng đồng hồ như kiểu một số người Nhật thân cận ông Abe phủ nhận rằng không hề có sự tàn sát tại Nam Kinh.
Ðiều quan trọng thứ hai là phân biệt giữa việc khuyến khích các cuộc thảo luận và không cho thảo luận. Một điều đáng buồn và đáng e sợ là một số người Nga tiếp tục đưa ra một cái nhìn tích cực về Stalin. Nhưng quan điểm đó còn không đáng lo ngại bằng việc im lặng không cho nhắc đến tất cả những gì xảy ra dưới thời Mao như hiện nay tại Trung Quốc.
Các nhà chính trị cũng như các sử gia và kể cả các công dân thường đều có những quan điểm riêng và cách nhìn riêng về lịch sử nước mình. Nhưng lợi dụng quyền lực chính trị để ép buộc một quan điểm lịch sử duy nhất tại trường học và các phương tiện truyền thông là một điều rất nguy hiểm như ta đã thấy xảy ra hiện nay tại Nga và Trung Quốc.
Lê Mạnh Hùng
Theo Người Việt
 

Vạn Lý Trường Chinh cũng phải tránh sân Tennis

Trong câu chuyện đầy tranh cãi về đường Trường Chinh ở Hà Nội, chưa thấy ai đề cập những mỉa mai tôi thấy. Hay là quá hiển nhiên rồi? Đường Trường Chinh được mang tên của một nhà cách mạng Việt Nam (Ông Đặng Xuân Khu). “Lên đường cách mạng” ông lấy cái tên Trường Chinh để tưởng nhớ đến cuộc Vạn lý Trường chinh của Trung Quốc; một chiến dịch nổi tiếng với mục tiêu là dành thắng lợi và công bằng cho nhân dân Trung Quốc.

Ai đều biết về lịch sử chính trị đếu biết đến Vạn Lý Trường Chinh vì nó đã trở thành một khuôn mẫu cho những phong trào XHCN ở khắp nơi, cũng như một thắng lợi lớn của phong trào XHCN mà những sinh viên như chính tôi đã tìm hiểu đến khi học về Đông Á.

Thật đáng mỉa mai, con đường có cái tên thật nhiều ý nghĩa cách mạng này cuối cùng lại phải đi cong theo yêu cầu của một công đồng biệt thự với nhiều khuôn mặt đã ngày xưa phục vụ trong quân đội nhân đân Việt Nam; nơi mà ngày xưa cũng đã đấu tranh cho một Việt Nam xã hội chủ nghĩa, công bằng v.v... Chuyển sang cơ chế thị trường những [lãnh đạo] vĩ đại bên phòng không đã tự tổ chức một cải “cách ruộng đất” riêng biệt (hay biệt thự) để dành một thắng lợi cuối cùng. Như thế, cuối cùng có những người công bằng hơn những người khác… Vậy, có lẽ cần một cuộc "vạn lý" mới và thẳng tới một Việt Nam minh bạch hơn.

Ông Trường Chinh được nhiều người biết đến như một nhân vật cấp cao đầy mâu thuẫn. Song, trong những năm gần đâu chúng ta cũng mới biết vào cuối sự nghiệp chính trị của mình, chính là ông chứ không phải là ông Nguyễn Văn Linh đã nhận thấy được sự cần thiết phải chuyển sang Kinh tế thị trường, dù điều đó là hơi muộn màng. Trường Chinh không còn sống để chứng kiến cái mà chúng ta có thể tạm gọi là “cải cách ruộng đất lần thứ 2” mà đã tiếp diễn trong những năm sau ông mất. Điều này cũng làm tôi băn khoăn không hiểu ông sẽ nghĩ gì khi được biết con đường mang tên mình bị uốn cong chỉ để tránh một khu biệt thự của các quan chức thời nay.

Liệu ông có đứng lên kêu gọi một cuộc Vạn Lý Trường Chính mới để đấu tranh cho minh bạch và một trật tự xã hội công bằng hay không? Thực ra, một xã hội sẽ không thể có từ trên xuống; phải có sự tham gia của mọi thành phần xã hội, một ý không xa những ý tưởng XHCN mà Trường Chinh đã ủng hộ. Để đạt được minh bạch và công bằng xã hội, mọi thành phần phải có quyền tham gia và đóng góp ý kiến một cách bình đẳng. Đó là cái đồng chí Trường Chinh và những người sống kiểu biệt thự xưa và nay dường như chưa được thấy.
  Jonathan London 
  (Blog Xin Lỗi Ông) 

Làm sao chấn chỉnh công an Việt Nam?

Báo chí Việt Nam gần đây phản ánh nhiều vụ việc về tình trạng bạo quyền của lực lượng Công an, điều này có lẽ là hệ quả từ việc Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về chống tra tấn và đối xử tàn bạo.


Cũng có thể do Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã đi vào những hoạt động cụ thể thiết thực nhằm xây dựng một nền tư pháp Việt Nam được trở lên công minh tiến bộ.

Xem ra lực lượng Công an đang không gặp may, nhưng rất có thể đây chỉ là sự ồn ào của một giai đoạn, sau đó mọi việc sẽ trở lại tình trạng cũ.

Vậy làm thế nào để xử lý tận gốc tình trạng lộng quyền của lực lượng Công an?

Giải pháp nếu có cũng cần ở tầm sách lược thể hiện ở các chế định mới về pháp lý và chính trị. Như thế mới tạo nền tảng căn cơ bền vững duy trì uốn nắn hoạt động của lực lượng này ở cả hiện tại và tương lai.

Pháp lý hay chính trị

Thông thường sau khi ký kết gia nhập Công ước quốc tế, Quốc hội và Chính phủ sẽ truyền tải những nội dung Công ước thành các văn bản pháp quy. Sửa đổi quy định cũ hoặc ban hành thêm quy định mới để điều chỉnh các vấn đề của đời sống đất nước sao cho phù hợp với tinh thần Công ước.

Nhưng tình trạng bạo quyền của lực lượng Công an là do hiện tại còn thiếu chế định pháp lý ngăn cấm hay do chế định về chính trị hiện trao quyền quá lớn cho lực lượng này ở Việt Nam?

Ở phương diện pháp lý thì thấy: Bộ luật tố tụng hình sự quy định nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình. Bộ luật hình sự quy định một loạt tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp như Tội dùng nhục hình, Tội bức cung, Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn giam giữ người trái pháp luật.

Luật công an nhân dân đã quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm và những việc không được làm của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân.

Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự đã quy định những việc Điều tra viên không được làm, quy định về bổ nhiệm miễn nhiệm cách chức chức danh Điều tra viên.

Các văn bản pháp lý khác như Luật cán bộ công chức cũng điều chỉnh hành vi việc làm của cán bộ chiến sĩ Công an.

Các chế định pháp lý là không thiếu vậy tại sao Công an vẫn lộng quyền?

Người ta dám làm sai vì họ không sợ bị trừng phạt, không sợ bị trừng phạt vì quyền lực họ to lớn. Quyền lực to lớn đó là vấn đề vị thế chính trị.

Vậy phải tìm nguyên nhân ở các chế định chính trị về lực lượng này.

Vị thế của Công an

Tuy cùng là Đảng viên CS nhưng Công an lại là Đảng viên mang vũ khí

Thực tế cho thấy một người vừa là Công an vừa là đảng viên thì ta chỉ toàn thấy người đó là Công an.

Vì Công an là một chức nghiệp và thường xuyên tác động tới dân, trong khi tư cách đảng viên chỉ hiển diện trên giấy tờ và trong phòng họp.

Công an thì chắc chắn phải là đảng viên, nhưng đảng viên chưa chắc đã là Công an, Công an lại có kỷ luật của lực lượng vũ trang nghiêm hơn kỷ luật Đảng. Cho nên công an là lực lượng có tính đồng nhất và tổ chức cố kết hơn tổ chức Đảng.

Công an được coi là thanh kiếm bảo vệ Đảng nhưng nhiều trường hợp người ta phải làm một việc vì sợ uy quyền của công an chứ không phải vì chính sách phù hợp với nhân tâm. Người ta khấn phật vì sợ ông thiên lôi.

Vị thế của lực lượng Công an so sánh với các lực lượng khác trong cùng tổ chức Đảng như công nhân, nông dân, công chức khác có thể ví như một quả tạ bằng sắt nằm trong cùng túi với các thứ đồ chơi bằng nhựa.

Như thế thật khó xác định Đảng lãnh đạo Công an hay Công an lèo lái Đảng.

Làm cách nào để Đảng nắm chắc và siết chặt lực lượng này?

Giải pháp là cần giữ khoảng cách giữa Đảng và Công an.

Lâu nay Đảng coi Công an là lực lượng trung thành bảo vệ nên giữ lực lượng này ở gần, hoặc có thể Đảng sợ để nó ở xa thì khó kiểm soát điều khiển.

Vì thế nên Đảng tổ chức xắp xếp để người đứng đầu các đơn vị công an giữ vị thế chính trị cao.

Người đứng đầu các đơn vị Công an đồng thời là thành viên trong cơ quan lãnh đạo tập thể của Đảng, ví như Bộ Trưởng Bộ Công an là ủy viên Bộ chính trị, Giám đốc công an tỉnh là Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Trưởng công an huyện là Ủy viên thường vụ huyện ủy.

Nhưng khi Đảng giữ Công an ở gần thì cũng có những rắc rối.

Xét theo tự nhiên: Khi chúng ta sử dụng công cụ lao động, chúng ta được an toàn nhờ khoảng cách từ cổ tay đến bả vai. Sẽ rất nguy hiểm nếu bàn tay mọc ngay trên cơ thể. Đó là ví dụ kinh điển về giá trị của khoảng cách.

Xét theo đời sống thực: Lẽ thường, vị thế (chính trị) kém hơn sẽ dễ sai khiến hơn, bởi vì sẽ khó bảo khi nó bằng vai với mình.

Cũng theo lẽ thường, làm sao mà nói lý lẽ đúng sai với một kẻ có võ lại đầy thủ pháp kinh nghiệm áp chế người khác?





Công an có thể tham gia lắng nghe để thừa hành cho tốt, được trình bày ý kiến khi được cho phép nhưng không được tham gia biểu quyết"
Làm sao trao đổi lý lẽ đúng sai với một kẻ có vũ khí?

Thực tế vị thế tiếng nói của người bên Công an có uy lực như thế nào trong các cấp của tổ chức Đảng hẳn các đảng viên biết rõ.

Giảm vị thế chính trị

Một nguyên lý tổ chức và hoạt động của Đảng là lãnh đạo tập thể, và đây chính là cơ sở nền tảng dẫn đưa đến việc để cho người bên lực lượng Công an tham gia vào hoạt động lãnh đạo tập thể.

Cách bố trí xắp xếp nhân sự như vậy có ích lợi là Đảng nhanh chóng có được ý kiến tham mưu đề xuất, lực lượng Công an lại nắm rõ vấn đề và có khả năng giải quyết nên thuận tiện cho tham gia làm thành viên của cơ quan tập thể lãnh đạo.

Bố trí đó cũng bởi bối cảnh Đảng hoạt động trong môi trường nhiều thù địch, cần có lực lượng công an bảo vệ thường trực bên mình.

Cách bố trí đó xuất phát từ những nhận thức đơn giản, phù hợp với hoàn cảnh.

Nhưng nay môi trường và hoàn cảnh đã khác, nên cần thiết phải thay đổi.

Không nên để Bộ trưởng Bộ Công an giữ cương vị ủy viên Bộ chính trị mà chỉ nên để ở Ủy viên Trung ương Đảng. Giám đốc công an các tỉnh, huyện không nên để là Ủy viên thường vụ mà chỉ nên là ủy viên thường.

Trong các cuộc họp người bên Công an có thể tham gia lắng nghe để thừa hành cho tốt, được trình bày ý kiến khi được cho phép nhưng không được tham gia biểu quyết.

Theo đó, Công an tham mưu đề xuất, nhưng quyết định ở người khác.

Bằng cách đó Đảng sẽ vẫn sử dụng phát huy được ưu thế vũ khí sắc bén của lực lượng Công an, nhưng lại khắc chế kiểm soát được lực lượng này.

Đó là giải pháp khả dĩ nhất trong tương quan chính trị giữa lực lượng Công an với các lực lượng khác trong cùng tổ chức Đảng.

Công an cũng hoạt động trong lòng một xã hội đang có nhiều vấn đề

Ở nhiều quốc gia, họ quy định lực lượng công an không được tham gia chính trị, không được là đảng viên của bất kỳ đảng phái nào. Không cho có vị thế chính trị chỉ cho có vị thế pháp lý (quyền hạn theo luật), bằng cách đó hạn chế được sự lộng quyền.

Trong khi đó ở Việt nam lực lượng Công an giữ vị thế chính trị cao trong Đảng, lực lượng này vừa nắm vũ khí lại có cả cơ quan ngôn luận báo chí, truyền hình.
Đạo đức công dân

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại.

Tình trạng bạo quyền cho thấy đạo đức công vụ yếu kém nhưng Công an đâu có sống trong chân không.

Họ tồn tại trong môi trường xã hội, đạo đức xã hội xuống cấp phần nào phản chiếu tới đạo đức công vụ của lực lượng Công an.

Tình trạng bạo quyền xâm phạm tới quyền tự do dân chủ của công dân, nhưng đây chỉ là một phần của hàng loạt các tệ trạng xã hội mà người dân là tác nhân và có trách nhiệm trong đó.

Rất nhiều người khi thấy thực tế cuộc sống không được như ý muốn thì chỉ biết phê phán mà không chấp nhận lẽ đời là cần bỏ công vun trồng mới tới ngày hái quả.

Rất nhiều người khi gặp vấn đề thì ai cũng chỉ biết tìm cách luồn lọt cho được việc của mình trong khi hòn đá tảng rắc rối vẫn nằm đó và chờ đợi người khác.

Ai cũng ích kỷ cá nhân, mũ ni che tai, ngậm miệng ăn tiền, sống chế mặc bay.

Đạo đức công dân như thế, làm sao đòi hỏi đạo đức công vụ của Công an?




Một nền tư pháp công minh tiến bộ đâu phải chỉ là công việc của chính quyền, người dân cũng phải có trách nhiệm trong đó"
Mình đã công chính chưa mà đòi hỏi điều đó ở người khác?

Biết bao vấn đề bất cập xảy ra trong đời sống hàng ngày nhưng có mấy ai đụng đậy ngón tay để góp phần giải quyết?

Muốn có đời sống dân chủ an lành thì phải dựng xây, tự dưng đâu có được. Một nền tư pháp công minh tiến bộ đâu phải chỉ là công việc của chính quyền, người dân cũng phải có trách nhiệm trong đó.

Cho nên khi chê trách người thì cũng phải nhìn nhận lại mình. Hành xử của cán bộ công quyền thực chất là tấm gương phản chiếu và tương xứng với thái độ trách nhiệm của công dân.

Nêu ra vấn đề đạo đức công dân đặt trong mối tương quan với đạo đức công vụ của Công an là nhằm thúc đẩy mọi người sống có trách nhiệm hơn, chứ không phải chê trách.

Vì chê trách không phải là giải pháp.

Giải pháp ở Đảng.

Ở Việt Nam hiện nay, trị được Công an không ai ngoài Đảng.

Bài viết nguyên có tựa đề là 'Vận hạn Công an', thể hiện quan điểm của luật sư Ngô Ngọc Trai, hiện đang hành nghề ở Hà Nội và Nam Định.

Luật sư Ngô Ngọc Trai
Theo BBC Việt Ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét