Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Vấn đề bóc lột lao động nhìn từ lý thuyết thặng dư của Marx và kinh tế hiện đại

 
Lý thuyết giá trị thặng dư đã được Marx sử dụng để phân tích kinh tế tư bản chủ nghĩa trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản hoạt động với rất ít các định chế ràng buộc, kiểm soát và can thiệp của nhà nước.[2]

Cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1929-30, kéo dài đến thế chiến lần thứ hai đã khiến các nhà kinh tế đặt lại vai trò của nhà nước đối với chế độ tư bản này. Có thể nói Keynes là nhà kinh tế đi đầu trong việc nhấn mạnh đến vai trò can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế. Kinh tế tư bản phục hồi và từ đó dù vẫn tiếp tục trải qua nhiều khủng hoảng nhưng cũng chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó trong việc phát huy tiềm năng con người về khoa học kỹ thuật và đưa tiềm năng này vào phát triển kinh tế. Trong khi các nước tư bản tìm mọi cách cải cách thì xuất hiện một mô hình kinh tế mới của các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô, lấy hoạch định kinh tế làm cơ sở trong đó nhà nước đóng vai trò chủ chốt về mọi mặt của cuộc sống, nhưng về mặt kinh tế thì nắm toàn bộ giá trị thặng dư, tập trung vào tích lũy để phát triển là điểm mấu chốt. Mô hình mới này vận động tổng hợp được sức mạnh của khoa học kỹ thuật và tiềm năng thiên nhiên sẵn có cũng như sự hy sinh của con người đã tạo được đột biến trong phát triển cho Liên Xô, nhưng rồi do năng suất thấp kém, tiềm năng con người bị đè bẹp trong hệ thống nhà nước hoạch định ngày càng quan liêu hoá, thiếu dân chủ, với vài người nghĩ cho nhiều người, nền kinh tế Liên Xô đã đi đến chỗ phá sản. Các nước khác do sống nhờ vào sức mạnh kinh tế của Liên Xô cũng có số phận tương tự. Thực tế này cho thấy để giải quyết vấn đề người bóc lột người trong một chế độ kinh tế tư bản, mà lý thuyết thặng dư nói tới, kinh tế hoạch định kiểu cũ không phải là giải pháp. Mục đích xoá bỏ người bóc lột người vẫn sẽ tiếp tục là mục tiêu của những người cấp tiến trong đó có những người theo chủ nghĩa Marx, nhưng kinh nghiệm thực tế vừa qua đòi hỏi việc nhìn nhận lại lý thuyết thặng dư và từ đó đúc kết nhằm đưa đến một cái nhìn mới về một xã hội không còn bóc lột lao động hay ít nhất là về một xã hội mà tình trạng bóc lột được giảm thiểu tới mức tối đa. Bài viết này là nhằm mục đích đó.
Lý thuyết thặng dư của Marx
 
Marx giải thích thặng dư giá trị như sau: “Hình thức đúng đắn của quá trình này do đó là M-C-M’, M’ = M+DM=tổng số tiền ban đầu cộng thêm phần tăng thêm. Phần tăng thêm này, phần vượt giá trị ban đầu này tôi gọi là giá trị thặng dư.”[3] Thặng dư như vậy là quá trình chuyển lượng tiền ban đầu (M) qua sản xuất hàng hoá (C) để đem về được lượng tiền M’ lớn hơn.
 
Thặng dư giá trị bao gồm cả lãi và lợi nhuận như Marx viết: “Nhà tư bản tạo ra thặng dư giá trị – nghĩa là rút tỉa lao-động-không-trả-công thẳng từ người lao động và gắn nó vào hàng hoá – thật ra nhà tư bản là người nắm lấy ban đầu[4], nhưng không phải là người sở hữu cuối cùng thặng dư giá trị này. Anh ta phải chia cho các tay tư bản khác, như chủ đất, v.v. Thặng dư giá trị do đó bị phân thành nhiều phần, rơi vãi cho nhiều thành phần dưới nhiều dạng như lợi nhuận, lãi, lợi nhuận của nhà buôn, tiền thuê, v.v.”[5]
 
Ý niệm giá trị thặng dư của Marx có thể trình bày theo thống kê kinh tế hiện đại trong bảng 1.
 
Bảng 1
Phân phối doanh thu và thặng dư theo ý niệm thống kê hiện đại
 Giá hàng hóa 
Trừ       Chi phí sản xuất 
        Hàng hoá và dịch vụ dùng trong sản xuất 
        Lương bổng
Giá trị tăng thêm tính vào GDP
(bằng tổng của lương bổng thuế sản xuất, khấu hao và giá trị thặng dư)
       Thuế sản xuất
       Khấu hao
BằngGiá trị thặng dư
TrừLãi trả cho vốn vay ngân hàng, và vốn thuê tài sản không do con người làm ra, và vốn người sở hữu bỏ ra
BằngLợi nhuận
 
Giá trị thặng dư theo quan điểm của Marx[6] như đã trình bày ở trên là giá trị hàng hoá trên thị trường sau khi trừ đi chi phí sản xuất (tức là chi phí hàng hoá và dịch vụ dùng trong sản xuất),[7] chi phí trả cho lao động, thuế sản xuất và khấu hao tài sản cố định dùng cho sản xuất. Giá trị thặng dư gồm hai phần:
  1. Phần trả lãi cho vốn mà doanh nghiệp vay ngân hàng. Phần trả cho tiền thuê đất, sử dụng bầu trời, biển, tài sản trong lòng đất hoặc nói rộng ra là các tài sản không do con người làm ra (tức là không do lao động tạo ra). Hai phần này Marx đều coi như là trả lãi. Điều này cũng phù hợp với lý thuyết kinh tế của thống kê Tài Khoản Quốc Gia của Liên Hợp Quốc[8].
  2. Phần còn lại là lợi nhuận cho chủ xí nghiệp hay là các cổ phần viên.
Marx không phân biệt lãi và lợi nhuận vì đều coi chúng là thuộc giá trị thặng dư. Toàn bộ giá trị thặng dư theo Marx là do sức lao động của con người tạo ra vì bản thân của tiền nếu không qua quá trình sản xuất hàng hoá sẽ không thể tạo ra lượng tiền nhiều hơn. Giá trị thặng dư này, trong xã hội tư bản, thuộc về tư bản (người bỏ vốn và người tư hữu các tài sản không do con người tao ra, tức là những người tư hữu tư liệu sản xuất).
 
Nhìn nhận lại lý thuyết thặng dư
 
Marx cho rằng lý luận của ông không có tính chất phê phán đạo đức mà chỉ có tính phân tích nhằm tìm nguồn gốc của thặng dư. Theo cách nhìn của Marx:
  • Tài sản cố định là lao động chết tức là từ thặng dư lao động của quá khứ, giá trị của nó đã được phản ánh qua chi phí khấu hao.
  • Tài sản tài chính dùng để tổ chức sản xuất (cần có vốn trả lương cho lao động trước khi có thể thu hồi lại vốn sau khi bán hàng) cũng như dùng để mua hoặc chế tạo tài sản cố định dùng trong sản xuất là do bóc lột lao động mà ra.
  • Tài sản không do con người sản xuất ra như đất đai và của cải thiên nhiên mà một người nào đó nắm được là do sử dụng bạo lực, hoặc do thừa kế từ cha ông sử dụng bạo lực, hoặc do thu mua cũng từ vốn thặng dư sinh ra từ bóc lột lao động.
  • Lương lao động theo quan điểm của Marx bao gồm cả phần trả lương cao cho lao động quản lý và lao động có kỹ thuật cao, tức là lao động quản lý và kỹ thuật của bản thân của người sở hữu tư bản, nếu như họ cũng làm việc.[9] Như vậy giá trị thặng dư chỉ có thể hiểu là phần chiếm hữu của người sở hữu tư bản không hoạt động, hoặc phần chiếm hữu vượt quá mức giá trị lao động họ bỏ ra.[10]
Lãi và lợi nhuận do việc sở hữu các tài sản mang lại là từ thặng dư lao động. Bảng 1 ở trên cũng cho thấy là lý thuyết kinh tế tư bản hiện đại cũng coi lãi và lợi nhuận là thặng dư (operating surplus). Nói tóm lại, bóc lột xuất hiện dưới hình thức giá trị thặng dư chỉ xảy ra trong một xã hội có tư hữu tư liệu sản xuất. Marx dĩ nhiên không quên các loại vắt sức lao động người khác bằng bạo lực để chiếm đoạt mà ta thường gọi là áp bức đã từng xảy ra trong suốt lịch sử loài người của chủ nghĩa nô lệ, đế quốc, thực dân, cũng như qua các hành động hoặc áp đặt hoặc duy trì tình trạng bất bình đẳng trong quan hệ trao đổi của quá trình toàn cầu hoá hiện nay.[11]
 
Từ nhận định vừa có tính chất thực tế về xã hội tư bản chủ nghĩa vừa dựa trên phương pháp trừu tượng hoá, xoá bỏ những phức tạp có tính đặc thù, để làm phân tích khoa học, Marx đã đưa đến một cái nhìn tương lai về một xã hội không có bóc lột trong Tuyên ngôn Cộng Sản.
 
Trong Tuyên ngôn này Marx chủ trương: “xoá bỏ chế độ tư hữu”, cụ thể hơn là cổ vũ cho “giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị” và “dùng sự thống trị của mình để từng bước đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị” kể cả “tước đoạt sở hữu ruộng đất”, “xoá bỏ quyền thừa kế”. Và nắm quyền bằng bạo lực. “Những người cộng sản coi là điều đáng khinh bỉ nếu giấu diếm những quan điểm và ý định của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành.”[12]
 
Như vậy mặc dù không để thì giờ suy nghĩ và viết nhiều về xã hội tương lai, tức là xã hội xã hội chủ nghĩa có tính chuyển tiếp, rõ ràng theo Marx xã hội này phải dựa trên một nhà nước của giai cấp vô sản, trong đó toàn bộ tư liệu sản xuất và tất nhiên là vốn tài chính nằm trong tay nhà nước. Và nhà nước này cũng chỉ là một hình thức quá độ đến xã hội cộng sản. Marx tin tưởng rằng xã hội cộng sản sẽ là một xã hội mà ở đó nhà nước sẽ không còn tồn tại, con người hoàn toàn tự ý thức làm việc vì mọi người. Tổ chức xã hội cộng sản sẽ là phải là thể chế mà ở đó con người không còn giai cấp, hoàn toàn bình đẳng, tự do, có trách nhiệm và làm việc hết khả năng, không tư lợi.
 
Trong nền kinh tế không có tư hữu và con người không toàn hảo, tức là ở thời kỳ quá độ, người chăm chỉ, năng suất cao, tri thức cao tất nhiên cũng được trả lương cao hơn người lười biếng, tri thức thấp, năng suất thấp. Nhà nước sẽ tính toán đầy đủ để mọi người sử dụng hết lương được trả, số tiền dành dụm và tâm lý dành dụm coi như không đáng kể và chẳng cần khuyến khích. Toàn bộ phần còn lại là thặng dư giá trị lao động mà nhà nước chiếm dụng với mục đích tích lũy nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế và mang lại lợi ích cao hơn cho mọi người lao động.
 
Thặng dư lao động mà nhà nước chiếm đoạt ở các nước xã hội chủ nghĩa trước kia có thể nói là rất cao, phản ánh qua tỷ lệ tích lũy/GDP lên đến 30-35%. Nếu nhìn vào thặng dư lao động mà nhà nước chiếm dụng thì tỷ lệ này nói chung cao hơn chế độ tư bản Mỹ. Vào năm 1996, ở Việt Nam tỷ lệ thặng dư là 19,0% trong khu vực công nghiệp nhà nước so với ở Mỹ là 22,6%. Nếu kể cả thuế sản xuất vào thặng dư (như theo quan điểm của Marx) thì tỷ lệ thặng dư ở Việt Nam là 35%, cao hơn tỷ lệ thặng dư ở Mỹ là 30.0%[13].
Bảng 2
Một số chỉ tiêu thu nhập lao động và thặng dư tính trên GDP.

 Mỹ, 1996
Việt Nam, 1996
Cả nền kinh tế
Công nghiệp nhà nước
Thuế sản xuất
7,7%
15,1%
16,0%
Thu nhập lao động
60,0%
63,8%
52,7%
Khấu hao
10,5%
10,2%
12,3%
Thặng dư
22,6%
10,9%
19,0%
 
Nguồn: National Accounts Statistics, 1996-1997, Liên Hiệp Quốc và Kinh tế Việt Nam Trong Những Năm Đổi Mới, Nhà Xuất bản Thống kê, Hà Nội, 2000.
 
Chúng ta có thể lý luận là việc nhà nước nắm thặng dư về cơ bản khác với việc tư nhân nắm thặng dư. Nhà nước nắm thặng dư là nhằm phục vụ cho số đông. Nhưng đối với nhiều người lao động có thể họ nhìn khác vì không tin tưởng vào vai trò, tính hiệu quả và sự trong sạch của nhà nước. Họ chỉ cần thấy phần được chia của họ; phần thặng dư bị người khác nắm lấy, dù là nhà nước hay tư nhân thì cũng giống nhau. Nếu coi bảng trên ta thấy tỷ lệ GDP trả cho người lao động trong công nghiệp (thu nhập lao động ở Việt Nam) cũng rõ ràng là thấp hơn ở Mỹ. Lao động chỉ nhận được 52,7% từ GDP thay vì 60% như ở Mỹ. Chúng ta cũng có thể lý luận ngược lại có thể là: bây giờ thì thế nhưng tương lai thì khác. Nhà nước không nhằm mục đích bóc lột lao động nhưng vì các mục đích chung tốt đẹp và sự phát triển của kinh tế. Nhưng đợi đến ngày thấy kết qủa của tương lai này tới thì có lẽ mọi người đã nằm trong nhà mồ rồi. Và cũng chẳng có gì bảo đảm là nhà nước sử dụng thặng dư hiệu quả hơn.
 
Chúng ta có thể thấy khá rõ ràng tính chất viễn mơ của hệ luận dựa trên quan điểm của Marx như sau:
 
Xoá bỏ bóc lột lao động ® Xoá bỏ tư hữu ® Nhà nước nắm thặng dư ® Xã hội, con người toàn hảo.
 
® có nghĩa là tất dẫn đến. Chỉ có sự liên hệ tất yếu như thế thì về mặt logic hoặc hình thức hoặc thực tế, quan điểm của Marx mới có ý nghĩa. Marx không viết ra rõ ràng về xã hội và con người trong xã hội không còn tư hữu, nhưng tôi nghĩ rằng Marx cho rằng con người có thể đạt đến con người toàn hảo trong một thể chế toàn hảo. Thể chế toàn hảo này là thể chế không có tư hữu tư liệu sản xuất. Con người toàn hảo là con người:
+ Tôn trọng tự do của người khác,
+ Không màng tư hữu, danh lợi, quyền lực
+ Làm việc hết mình vì người khác
+ Không tiêu dùng quá sức mình
+ Nắm bắt được tri thức hiện đại, thông tin cụ thể và nhìn xa thấy rộng
+ v.v.
 
Marx không bao giờ viết như vậy, nhưng có lẽ ta cần nhìn như vậy thì mới thấy ý nghĩa của việc Marx tìm ra nguồn gốc của bóc lột ở tư hữu, để từ đó Marx mơ đến một xã hội toàn hảo không còn tư hữu và cổ võ cho cuộc cách mạng bạo lực xoá bỏ tư hữu. Từ đây chữ tư hữu được dùng thay cho chữ tư hữu tư liệu sản xuất cho ngắn gọn chứ còn Marx phân biệt rất rõ tư hữu những vật thể hữu hình và vô hình cá nhân và tư hữu tư liệu sản xuất.
 
Xã hội toàn hảo mà Marx mơ tới đã không xảy ra và việc xây dựng con người toàn hảo cũng không đạt được ở các nước xã hội chủ nghĩa kiểu cũ.
 
Chế độ xã hội chủ nghĩa dựa trên công hữu nhà nước đã phá sản. Sự phá sản này cho thấy rõ rằng thể chế xã hội không chỉ xây dựng trên cơ sở kinh tế, mặc dù cơ sở kinh tế là quan trọng nhất. Thể chế xã hội còn xây dựng trên quyền lực, đặc biệt là tham vọng quyền lực, trong đó việc sử dụng quyền lực cá nhân hoặc tập thể một cách độc đoán đã đưa đến nhiều thảm hoạ cho con người. Điều này Marx đã không nhận diện hết. Marx chỉ nhấn mạnh đến quyền lực phát sinh từ quyền lực kinh tế. Nhưng rõ ràng là quyền lực có thể phát sinh từ bạo lực cá nhân và tập thể, từ độc quyền chính trị, từ tri thức, từ tôn giáo và từ sức mạnh kinh tế, bất kể hình thức tổ chức bộ máy nhà nước. Ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ, quyền lực cá nhân do tư hữu kinh tế mang lại đã bị tước bỏ, nhưng quyền lực hoặc lạm dụng quyền lực cá nhân và bè nhóm đã không bị xoá bỏ mà còn được nhân lên gấp vạn lần dưới thời Stalin và Mao.[14] Con người từ lãnh tụ đến nhân dân đã không đi đến toàn hảo mà bị tha hoá trầm trọng. Vấn đề quyền lực trong một nước xã hội chủ nghĩa chỉ mới được nhìn nhận gần đây và việc nhìn nhận vẫn còn dè dặt, nửa vời. Chúng ta có thể lý luận là lạm dụng quyền lực có thể bị xoá bỏ nếu như có thể chế phù hợp nhằm hạn chế và cân bằng quyền lực trong xã hội. Điều đó có thể đạt được lắm chứ. Nhưng sự tước bỏ tư hữu chắc chắn không đưa đến con người toàn hảo, mình vì mọi người và chính đó là lý do làm động lực phát triển bị thui chột.
 
Sự phá sản của các nước xã hội chủ nghĩa kiểu cũ không có nghĩa là lý thuyết thặng dư không đúng và cũng không có nghĩa là hệ luận mà Marx rút ra từ lý thuyết thặng dư là không đúng. Cho đến nay cũng chưa thấy ai đưa ra lý thuyết nào bác bỏ lý thuyết thặng dư mà có tính thuyết phục cao. Nhưng vấn đề không phải là bác bỏ lý thuyết thặng dư mà là bác bỏ tính tất yếu của hệ luận từ lý thuyết thặng dư sang xoá bỏ tư hữu, tức là xoá bỏ cơ sở của bóc lột lao động. Việc bác bỏ này cũng chỉ có nghĩa là thể chế xã hội chủ nghĩa kiểu cũ không thích hợp, vì nó không dựa trên một cái nhìn đúng đắn về con người và quyền lực. Như đã nói, con người có thể xây dựng một thể chế mới thích hợp hơn. Nhưng đến nay thì không ai dám thử nghiệm với một mô hình kiểu mới dựa trên xoá bỏ tư hữu, và có lẽ cũng không có một dân tộc nào lại dại dột làm một cuộc thử nghiệm mới bởi vì họ không thể tiên đoán được giá phải trả sẽ như thế nào. Các nước xã hội chủ nghĩa cũ còn lại như Việt Nam và Trung Quốc đã trở lại với kinh tế thị trường, chấp nhận tư hữu, tức là chủ nghĩa tư bản, chí ít là trong giai đoạn quá độ hiện nay. Một hình thức khác mà các nhà chính trị Trung Quốc và Việt Nam đang theo đuổi là chấp nhận kinh tế thị trường cạnh tranh, chấp nhận tư hữu trong giai đoạn hiện tại, nhưng xây dựng công hữu qua doanh nghiệp quốc doanh, coi chúng là chủ đạo, và hy vọng là công hữu quốc doanh sẽ vươn lên chiếm ưu thế, đè bẹp tư hữu về dài hạn. Con đường này tất nhiên chẳng có gì là sai về mặt lý luận, nhưng nó đã được xây dựng trên hai tiền đề rất không thực tế: (a) công hữu tất dẫn đến năng suất lao động cao hơn tư hữu; (b) con người hoạt động đại diện công hữu là con người toàn hảo hoặc chí ít là ngày càng toàn hảo.
 
Vậy vấn đề đặt ra là liệu có một giải pháp xoá bỏ bóc lột hoặc ít nhất là giảm thiểu bóc lột mà không cần xoá bỏ tư hữu, hay không cần lấy công hữu làm chủ đạo không?
 
Kinh tế thị trường và việc nhìn nhận lại lãi
 
Kinh tế thị trường dựa vào một nhận định rất thực tế là con người không toàn hảo, mặc dù cần phải sống trong cộng đồng nhưng là vị kỷ, đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu và chỉ chịu hạn chế tự do và lợi ích cá nhân khi chúng là những đòi hỏi cần thiết mà cộng đồng cần áp đặt lên cá nhân để bảo vệ sự tồn tại của cộng đồng, đồng thời cá nhân đó cũng chấp nhận sự áp đặt vì chính sự tồn tại của cộng đồng bảo vệ lợi ích của nó. Áp đặt và chấp nhận áp đặt này có tính đồng thuận xã hội.
 
Trong một nền kinh tế thị trường với những con người tư lợi, tuyệt đại đa số lao động đòi hỏi được trả công theo công sức mà họ bỏ ra. Người chăm chỉ, năng suất cao, tri thức cao đòi hỏi có lương cao hơn người lười biếng, tri thức thấp, năng suất thấp. Điều này tất nhiên có thể áp dụng trong cả nền kinh tế thị trường tự do hay nền kinh tế không có tư hữu. Nhưng cái khác cơ bản là nếu như một lao động chịu khó làm việc, có lương cao, chịu khó dành dụm, và khi họ lấy tiền để dành cho nhà nước và người khác vay để tái sản xuất ở mức cao hơn, thì họ có thể hưởng lãi trên số tiền vốn cho vay ấy không? Theo phân tích của Marx thì lãi này phát sinh từ lao động của người khác, nên lãi này tất nhiên có nguồn gốc bóc lột lao động của người khác. Đó chỉ là một cách nhìn. Nhưng chúng ta cũng có thể nhìn một cách khác, dưới lăng kính của con người vị kỷ. Đã là con người vị kỷ thì dù là một cá nhân nào đó, một tập thể nhỏ nào đó, hay là nhà nước muốn sử dụng vốn để dành do chính sức lao động của một cá nhân nào đó tạo ra thì không lẽ cá nhân đó lại phải cho mượn không có lãi để tránh mang tiếng bóc lột? Và nếu “không có lãi” là phạm trù của thể chế xã hội, thì số người chịu dành dụm sẽ không đáng kể. Dưới cách nhìn lãi là bóc lột, Marx đã không nghĩ ra giải pháp gì khác hơn là dùng bàn tay nhà nước nắm thặng dư lao động để có tích lũy xã hội. Và đó là quan điểm cần thiết đối với Marx vì có thể nói, Marx là nhà kinh tế đầu tiên trong lịch sử nhìn ra tầm quan trọng của tích lũy, yếu tố chính trong phát triển kinh tế. Quan điểm này rất logic.
 
Nhưng trong nền kinh tế thị trường, nếu coi lãi là giá cần thiết mà người cần vốn phải trả cho người có vốn và qua đó hai bên cùng có lợi thì lãi vẫn là thặng dư lao động, nhưng không thể coi là bóc lột. Quan điểm chống cho vay lãi đã là quan điểm của Thiên chúa giáo và Hồi giáo kéo dài hàng ngàn năm, do đó không thể không ảnh hưởng đến quan điểm của Marx. Mà quan điểm chống cho vay lãi thực chất là chống cho vay nặng lãi khi thị trường vốn chưa hình thành, khi nền kinh tế không có cạnh tranh và do đó việc cho vay hoàn toàn tùy thuộc vào sức mạnh độc quyền của một vài người có vốn.
 
Nếu lãi không phải là thặng dư có tính bóc lột, thì trả lãi cho vốn cổ phần huy động cũng thế. Người bỏ vốn cổ phần hy vọng ít nhất là tỷ lệ thu nhập thu về bằng với lãi suất trả cho người cho vay vốn. Nếu đầu tư có rủi ro hơn thì người bỏ vốn tất kỳ vọng phần lãi thu về cao hơn lãi cho vay. Nếu nhìn như thế, chỉ có phần thu nhập cổ tức (hay lợi nhuận) vượt mức lãi dựa trên lãi suất để dành[15] mới có thể gọi là thặng dư có tính bóc lột. Trong Bảng 1, thặng dư có tính bóc lột gọi là lợi nhuận là phần thặng dư vượt mức lãi cho vốn có tính để dành. Phần thuế sản xuất thực chất theo Marx cũng là thặng dư do nhà nước thu lấy.
 
 
Thị trường cạnh tranh hoàn hảo,
thặng dư và vấn đề bóc lột lao động
 
Lý thuyết kinh tế tân cổ điển (neoclassical theory) đã chứng minh rằng trong thị trường cạnh tranh toàn hảo, lợi nhuận vượt mức lãi để dành theo định nghĩa ở trên (coi bảng 1) bằng không (zero). Do đó một nền kinh tế thị trường có cạnh tranh toàn hảo không có bóc lột lao động. Vậy thị trường cạnh tranh toàn hảo là gì?
 
Thị trường cạnh tranh toàn hảo (perfect competition) là mô hình lý thuyết trừu tượng và toàn bích. Nó là cơ chế trong đó các đơn vị tham gia, kể cả người bán và người mua, không ai kiểm soát được giá cả trên thị trường và họ có đầy đủ thông tin về thị trường, về kỹ thuật không những cho hiện tại mà còn cho cả tương lai để làm quyết định tối ưu, nói tóm lại là không có vấn đề rủi ro. Giá sản phẩm là cái có sẵn trên thị trường, do cung cầu định đoạt. Thị trường này tồn tại khi một sản phẩm có rất nhiều người bán (hoặc người sản xuất) và rất nhiều người mua, do đó quyết định của từng đơn vị nhỏ bé trong đó không ảnh hưởng gì đến giá cả của thị trường.
 
Trên thị trường, các đơn vị sản xuất tính toán nhằm tối ưu hoá lợi nhuận bằng cách phối hợp vốn, kỹ thuật và phương tiện sản xuất, vật tư và lao động, còn người lao động sẽ quyết định một cách hợp lý nhất việc sử dụng lao động của mình để có lợi tức và lựa chọn hàng hoá tiêu dùng đạt thoả mãn cao nhất. Có thể chứng minh là hệ thống thị trường tự do này là cơ chế sử dụng hữu hiệu nhất nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người nhằm tạo ra của cải vì bất cứ một tác động điều tiết nào, dù không ảnh hưởng đến hiệu qủa làm ra của cải, cũng chỉ là sự phân phối lại: lợi của đơn vị này bù trừ thiệt của đơn vị khác. Trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo, lợi nhuận (profit) – tức là phần thặng dư vượt lãi suất tối ưu – bằng zero. Lý luận bình thường cũng cho thấy là nơi nào có lợi nhuận người sản xuất sẽ đổ xô vào, nếu như thị trường không độc quyền, cung do đó tăng so với cầu, giá sẽ giảm để cung cầu quân bình và lợi nhuận sẽ không còn.
 
Mô hình kinh tế thị trường trên và hệ luận của nó bắt nguồn từ Adam Smith nhưng được Gerard Debreu và Kenneth Arrow chứng minh nghiêm túc với các định đề toán học phản ánh các định đề (axioms) và giả định kinh tế cần thiết.[16]
 
Lý thuyết kinh tế thị trường ngoài việc chứng minh sự hiệu qủa của một thị trường cạnh tranh hoàn hảo khi không có phát triển, cũng đã đạt được cùng một kết luận cho cả trường hợp nền kinh tế có phát triển do tăng dân số và năng suất (kết qủa của tiến bộ trong phương pháp quản lý thức sản xuất và khoa học kỹ thuật). Trong trường hợp tối ưu đơn giản nhất khi có phát triển, được gọi là luật vàng (golden rule):[17]
 
Tốc độ phát triển = lãi suất[18] = tốc độ tăng tích lũy
 
Lý thuyết thị trường cạnh tranh toàn hảo không nhằm giải thích thặng dư hoặc lãi từ đâu mà ra mà chỉ nhằm giải thích giá trị tăng thêm được phân phối trên thị trường như thế nào. Thuyết tân cổ điển rút ra từ mô hình kinh tế được toán học hoá một kết luận là giá trị tăng thêm (hoặc sản phẩm tạo thêm ra) sẽ được phân chia hết khi lao động (lương) và tư bản (lãi) được trả theo năng suất biên. Lương trả cho lao động, lãi trả cho vốn là do thị trường quyết định khi người sản xuất tối ưu lợi nhuận còn nguời lao động tối ưu thoả mãn của họ.
 
Như vậy trên cơ sở của thị trường cạnh tranh toàn hảo, không có thặng dư bóc lột, ta có thể thấy một hệ luận quan trọng là để xoá bỏ bóc lột lao động, cần xây dựng một thị trường cạnh tranh toàn hảo. Hay nói khác đi, để giảm thiểu bóc lột thì nhà nước cần có vai trò tích cực trong việc xây dựng thị trường cạnh tranh toàn hảo. Hệ luận trên đưa đến phương pháp xoá bỏ bóc lột lao động khác với Marx. Hệ luận này cũng ngược lại hoàn toàn với cái nhìn là nhà nước không nên ảnh hưởng vào thị trường mà cứ để “bàn tay vô hình điều động.” Và như Marx đã nhận định, nếu cứ để thị trường hoàn toàn tự do, thì thị trường cạnh tranh tất dẫn đến độc quyền.
 
Thị trường thực tế: cạnh tranh không toàn hảo
 
Lý thuyết về thị trường cạnh tranh toàn hảo cũng đưa đến hệ luận là lãi suất trong các hoạt động kinh tế khác nhau sẽ ngang bằng khi thị trường đạt điểm tối ưu, và lợi nhuận bằng không.
 
Nhưng thực tế là lãi suất thường không ngang nhau và lợi nhuận không bằng không. Điều này có bốn lý do:
Thị trường thực tế mang tính độc quyền;
Thị trường thực tế có rủi ro theo nghĩa thị trường thực tế không hoàn hảo, và do đó các tác nhân trong thị trường không nắm được toàn bộ thông tin;
Sáng kiến.
 
Điểm một đòi hỏi việc cải tổ thể chế để bảo đảm không có độc quyền tức là tình trạng một hay một vài người bán và người mua (hoặc công ty) có thể quyết định giá trên thị trường.
 
Điểm hai có cùng nguồn gốc là thông tin không đầy đủ. Nhưng khác nhau ở chỗ có rủi ro có thể tính trước được, nhưng có rủi ro không thể tính trước được. Rủi ro tính trước được thường dựa trên xác xuất hiện tượng xảy ra trong quá khứ. Chẳng hạn trung bình người mượn tiền ngân hàng thì xác xuất trả lại là bao nhiêu, mất cắp trong bán hàng thì thường như thế nào. Lãi suất không cân bằng trên thị trường là do rủi ro này. Lãi suất thực tế sẽ bằng lãi suất thị trường trừ đi mất mát do rủi ro.
 
Cũng có rủi ro không tính trước được, chẳng hạn như việc đầu tư vào công nghệ tân tiến có khả năng thành công lớn mà khả năng mất sạch cũng lớn, do đó lãi suất thường cao hơn lãi suất trung bình rất nhiều (cho những người thành công). Rủi ro hiện diện vì thông tin không toàn hảo. Do đó vai trò của thông tin rất quan trọng. Nắm hoặc khuynh đảo được thông tin sẽ tạo ra lợi nhuận. Điều này cho thấy vai trò của nhà nước trong việc bảo đảm thông tin từ nhà nước là thông tin đại chúng, mọi người đều được hưởng như nhau, không thiên vị.
 
Điểm ba liên quan đến vai trò của sáng kiến (tất nhiên cũng bao hàm nhiều tính rủi ro) bao gồm tinh thần lập nghiệp (entrepreneurship), phát minh và tri thức nói chung. Người lập nghiệp có thể nhìn thấy lỗ hổng nhu cầu sản phẩm mới chưa được quan tâm trên thị trường, hoặc đơn vị sản xuất có sáng kiến và phát minh tăng năng suất có thể đạt được siêu lợi nhuận vì là người sẵn sàng đi đầu, do đó vô hình chung tạo thế độc quyền định giá nếu như thị trường chấp nhận sáng kiến, phát minh của họ. Họ có thể đạt siêu lợi nhuận. Nhưng siêu lợi nhuận sẽ dần dần mất đi vì các đơn vị sản xuất khác sẽ cạnh tranh cố gắng theo kịp do đó giá bị đẩy xuống. Để tìm hiểu xem siêu lợi nhuận có thể coi là siêu bóc lột không ta hãy xem xét thí dụ sau. Chẳng hạn một nhà sáng chế nghĩ ra một sản phẩm mới có thể làm hạ giá thành của rất nhiều nhà sản xuất khác. Nhà sáng chế nhìn thấy mối lợi nên thuê người làm, giả dụ không cần có tay nghề chuyên môn, để sản xuất công cụ đó và trả lương họ tương đương với lương cao nhất mà những người làm thuê không cần chuyên môn này có thể kiếm được trên thị trường. Do lợi ích mà sản phẩm này mang lại, người sử dụng cũng sẵn sàng trả giá rất cao cho các công cụ này, do đó tạo ra siêu lợi nhuận cho người sản xuất. Vậy siêu lợi nhuận này thuộc về ai? Về nhà sáng chế hay người lao động không tay nghề? Phải chăng lợi nhuận này là bóc lột lao động? Thí dụ này cho thấy sự gắn bó chặt chẽ của siêu lợi nhuận với tinh thần lập nghiệp, sáng kiến, phát minh và đóng góp của tri thức.
 
Sự tồn tại của siêu lợi nhuận chính là động lực thúc đẩy sáng kiến và phát minh làm tăng năng suất. Siêu lợi nhuận công ty Microsoft tạo ra từ phần mềm Windows dùng để điều hành máy tính cá nhân hiện nay có thể hiểu được khi sáng kiến của họ chưa có ai thay thế được. Nhưng cũng chính vì sợ cạnh tranh mà họ phải đều đặn giảm giá đồng thời tăng khả năng sử dụng để vừa mở rộng thị trường vừa bảo vệ thị phần. Nếu như nhà nước quốc hữu hoá hoặc đánh thuế đặc biệt vì sự hiện diện của siêu lợi nhuận, chắc chắn phát triển của công nghệ thông tin sẽ không nhanh chóng như vừa qua. Nếu nhà nước đánh thuế cao vào thu nhập kếch sù của người nắm đa số cổ phần Microsoft thì đây là hành động phân phối lại lợi tức, và không nhất thiết đưa đến giảm động lực làm việc của họ nếu như mức thuế giữ ở mức độ mà việc làm việc vẫn đưa đến nhiều thoả mãn hơn là ngồi không.
 
Lý thuyết thặng dư của Marx phân tích có tính trừu tượng hoá, giản lược mọi trường hợp vào tình trạng trung bình, do đó các trường hợp đặc biệt như trường hợp sáng kiến nói ở trên không có chỗ đứng. Thuyết thặng dư của Marx đã hoàn toàn bỏ quên động lực sáng kiến vì tư lợi và vai trò tích cực của nó trong phát triển kinh tế, nhất là động lực tạo ra sự phát triển có tính nhảy vọt. Ở một nền kinh tế công hữu, nếu như con người toàn hảo thì việc đưa sáng kiến có lợi cho mọi người cũng có thể không phải là ngoại lệ. Nhưng chỉ là không tưởng nếu việc xây dựng xã hội tốt đẹp đòi phải có những con người toàn hảo.
 
Một vấn đề nữa của lý thuyết thị trường toàn hảo là phải dựa vào một người ra giá (auctioneer) và thay đổi nó để quân bình giữa cung của người bán và cầu của người mua và một hệ thống thể chế điều hành nó. Thị trường gần nhất với thị trường cạnh tranh toàn hảo là thị trường chứng khoán, nhưng chính thị trường chứng khoán đòi hỏi một thể chế do con người tự thiết chế một cách rất rõ ràng, không phải dựa vào bàn tay vô hình mà có bàn tay quyền lực của tập thể xã hội thông qua hội đồng kiểm soát chứng khoán và hệ thống luật pháp được thiết chế nhằm ngăn chặn và trừng phạt những người muốn khuynh đảo thị trường bằng cách họp nhau định giá, dùng báo chí tung tin thất thiệt, lấy thông tin thống kê nhà nước trước khi được công bố, v.v. và thị trường này cần người hô giá (auctioneer). Ở trên tôi dùng chữ gần nhất là vì lý thuyết thị trường cạnh tranh toàn hảo giả định là mọi đơn vị tham gia thị trường đều có thông tin toàn hảo về thị trường, nhưng giả định này không có thực. Thông tin không toàn hảo có khi đưa đến hành động đàn lũ, thị trường chứng khoán trồi sụt lớn và bất ngờ đòi hỏi sự can thiệp nhất định của nhà nước như quyết định tạm dừng buôn bán xảy ra năm 1987 ở Mỹ.
 
Kết luận
 
Bài này trình bày lại lý thuyết thặng dư của Marx với kết luận rằng thặng dư có tính bóc lột lao động trong một nền kinh tế thị trường là điều vừa hiện thực, vừa có cơ sở lý luận. Bài viết cũng định nghĩa lại thặng dư theo quan điểm kinh tế mới và cho rằng lãi không phải là thặng dư lao động mà là giá ngang bằng (phải trả hoặc được hưởng) nhằm cân bằng giữa cung và cầu vốn trên thị trường. Thặng dư có tính bóc lột do đó chỉ là phần lợi nhuận. Nhưng trong một nền kinh tế cạnh tranh toàn hảo (perfect competition) thì, về mặt lý thuyết, lợi nhuận sẽ bị đẩy xuống bằng không (zero). Bài này cho rằng có hai cách xoá bỏ bóc lột:
  • Xoá bỏ tư hữu và tập trung lợi nhuận và lãi vào tay nhà nước (quan điểm của Marx). Để đạt được nền kinh tế công hữu có hiệu quả tối ưu như nền kinh tế thị trường cạnh tranh toàn hảo thì phải xây dựng được một nhà nước toàn hảo và những người công dân toàn hảo, chí công vô tư. Điều này chỉ là ước vọng.
  • Xây dựng một thể chế kinh tế thị trường cạnh tranh toàn hảo hoặc gần mô hình kinh tế toàn hảo để giảm thiểu thặng dư có tính bóc lột. Mô hình cạnh tranh toàn hảo hoàn toàn không đối kháng với việc phân bố lại lợi tức lao động, đặc biệt là qua thuế lợi tức trong xã hội để giải quyết các vấn đề xã hội mà kinh tế thị trường không giải quyết được. Kinh tế thị trường kiểu này hoàn toàn phù hợp với đòi hỏi của các chính sách xã hội khác như bảo vệ người lao động trên cơ sở có pháp luật bảo vệ hợp đồng lao động mang tính tự nguyện, bảo đảm lương tối thiểu, tôn trọng nhân phẩm, bảo đảm điều kiện thăng tiến cho người lao động, v.v. Các quốc gia Bắc Âu đã có lúc đánh thuế lợi tức đến mức 70% mà vẫn đạt được năng suất lao động và trình độ phát triển cao và không đi đến sụp đổ như đã xảy ra ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu dựa trên cơ sở xoá bỏ tư hữu tư liệu sản xuất.
Nền kinh tế thị trường coi là tự nhiên điểm xuất phát của từng cá nhân trong xã hội. Đây là điểm mà nhiều người quan tâm vì nó là nguyên nhân tạo ra sự mất bình đẳng về cơ hội. Điểm xuất phát này có thể do việc thừa kế tài sản của cha mẹ, do điều kiện gia đình hoặc do tự nhiên (có người thông minh có người không; có người khoẻ mạnh, có người tật nguyền). Nhưng không thể cào bằng điểm xuất phát vì hậu quả của nó sẽ là mất động lực làm việc và để dành cho con cái. Ngay cả ở một nước xã hội chủ nghĩa hiện thực trước đây, ta cũng đã thấy hiện tượng không thể cào bằng này, như việc con một đảng viên thường hoặc một ủy viên bộ chính trị có lợi thế rất lớn so với một thường dân không đảng tịch. Tuy nhiên, ở một xã hội dựa trên kinh tế thị trường, vì lợi ích chung của xã hội, ta vẫn có thể hạn chế điểm xuất phát bằng cách áp dụng các chính sách đánh thuế tài sản thừa kế, cũng như các biện pháp cung cấp dịch vụ công miễn phí hoặc bù lỗ dịch vụ tư như trong giáo dục, y tế, văn hoá và nâng đỡ người không được tự nhiên ưu đãi. Đây là những điều nhà nước có thể làm mà vẫn tôn trọng sở hữu cá nhân.
 
Quan điểm của Marx về thặng dư là hoàn toàn logic nhưng để một xã hội “không tư hữu” vận hành có năng suất và bảo đảm công lý, có sáng kiến nhằm tạo bước nhảy vọt, thì mọi người trong xã hội đó phải toàn hảo. Nhưng, thực tế cho thấy ngay cả tôn giáo cũng thất bại trong việc tạo ra những con người toàn hảo, và một ý thức hệ chính trị như chủ nghĩa Marx hay bất cứ thứ chủ nghĩa nào khác cũng chưa chứng tỏ đã thành công trong việc tạo ra con người toàn hảo. Kinh tế thị trường toàn hảo chỉ đòi hỏi xây dựng một thể chế thị trường toàn hảo chứ không đòi hỏi con người toàn hảo. Nó coi con người là những đơn vị kinh tế vị kỷ, nhưng buộc phải tuân thủ một số qui định mang tính luật pháp của thị trường toàn hảo hay gần toàn hảo. Ngoài ra, con người còn phải tự ràng buộc mình vào đạo đức cá nhân như sự trung thực, tình nhân ái, nề nếp gia đình, yêu cầu tôn trọng người khác, tinh thần cộng đồng,…. Chúng là những điều mà truyền thống và văn hoá xã hội tạo ra và đòi hỏi. Cá nhân tự nguyện ràng buộc vì thấy chúng đúng, và cũng vì lợi ích bản thân, gia đình và cộng đồng.
 
Việc Đảng Cộng Sản Việt Nam dự kiến cho phép đảng viên làm chủ sở hữu doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, như được trình bày trong Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng lần thứ 10 (2006) có thể đưa đến một trong hai kết luận sau:
  1. Nếu như Đảng vẫn trung thành với lý thuyết thặng dư cổ điển của Marx thì việc cho phép này là đi ngược với lý thuyết của Marx. Việc tiếp tục bảo vệ lý thuyết cổ điển này và hệ luận của nó nhưng lại cho đảng viên tự do “bóc lột”, là một hành động có tính nguỵ tín, tức là chủ trương một đàng, làm một nẻo. Không thể cho rằng đảng viên là công dân thì cũng có quyền như tất cả các công dân khác. Thí dụ cụ thể sau cho thấy lý luận này không đứng vững. Nếu giáo lý đạo công giáo không cho phép linh mục lấy vợ thì các linh mục không thể lấy lý do là các giáo dân khác có quyền có vợ để cho rằng mình cũng cũng có quyền đó. Việc linh mục có vợ chỉ hợp giáo lý nếu như giáo lý hiện tại thay đổi.
  2. Nếu như Đảng thay đổi chính sách đối với đảng viên như trên dựa trên tinh thần sẵn sàng xét lại toàn bộ lý thuyết của Marx, và những hệ luận của nó trên tinh khoa học thì đó là dấu mốc quan trọng của một Đảng cầm quyền thấy ra trách nhiệm trước dân tộc và đất nước.
Chủ nghĩa Marx là một chủ nghĩa phê phán, và có giá trị về khoa học. Chính tính phê phán này đã đóng góp quan trọng vào sự thay đổi phương thức và hình thức hoạt động của chủ nghĩa tư bản, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân và đế quốc. Chính vì tính phê phán mà chủ nghĩa Marx đã được nhiều người coi là kinh thánh, và đã từng là tiếng gọi của đấu tranh giai cấp để giải phóng con người. Nhưng nó dần dần mất tính khoa học, không còn mang tính đổi mới và không được phát triển để giúp xem xét sự vận động của xã hội trong hoàn cảnh mới và do đó khó có thể phù hợp với sự vận động của thế giới hiện nay. Đảng Cộng Sản Việt Nam nếu muốn tiếp tục có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của xã hội và đất nước Việt Nam trong hoàn cảnh mới thì cần chủ động xem xét lại chủ nghĩa Marx một cách khoa học, hoặc vận dụng nó vào việc xem xét quá trình thay đổi xã hội hiện nay nhằm đổi mới cơ chế xã hội không còn phù hợp, và để có những chính sách kinh tế và xã hội phù hợp. Đó chính là tinh thần của phương pháp duy vật biện chứng. Chúng ta gần như không thấy hoặc ít thấy các công trình nghiên cứu về tình hình phân chia giai cấp hiện nay ở Việt Nam. Phân tầng giai cấp đã mang hình thức mới, đặc biệt là giai cấp tư bản. Giai cấp này hiện nay bao gồm giai cấp tư bản nhà nước, tư bản tư nhân và tư bản nước ngoài. Mỗi tiểu giai cấp này có quyền lợi riêng và đồng thời chia sẻ quyền lợi chung. Tính giai cấp không độc lập mà giao thoa với việc phân tầng nhóm lợi ích (coi bảng dưới). Những nhóm lợi ích này có vai trò đóng góp vào việc bảo vệ công lý và quyền lợi chính đáng cho thiểu số (như quyền của phụ nữ, dân tộc thiểu số, tôn giáo, địa phương, ngành nghề, công chức và cả đảng viên vừa thuộc thành phần đảng lãnh đạo vừa không tránh khỏi biến thành nhóm lợi ích,…). Họ đồng thời cũng nhằm tạo ưu thế riêng vượt trội các nhóm khác, có thể tạo ra sự trì trệ trong phát triển cũng như có hại cho lợi ích chung. Đây là những vấn đề cần nghiên cứu để có chính sách phù hợp nhằm bảo đảm tính công bằng về cơ hội và lợi ích chung.
 
+ Giai cấp tư bản Giai cấp lao động
+ Nhà nước Tư nhân trong nước Nước ngoài Nông dân Lao động tay chân Lao động trí óc
+ Nhóm phụ nữ
+ Nhóm địa phương
+ Nhóm thiểu số
+ Nhóm đảng viên
+ Nhóm công chức
+ Các nhóm ngành nghề
 
Điều nữa cần xem xét lại để bổ sung chủ nghĩa Marx là vai trò của quyền lực và lạm dụng quyền lực. Có thể nói một trong những hạn chế rõ nhất của chủ nghĩa Marx, lại không phải là lý thuyết thặng dư, mà là việc không xem xét đến các yếu tố cơ chế phát sinh ra tham vọng của người có quyền lực, từ đó dẫn đến sự triệt tiêu tính phê phán của một chủ nghĩa dựa trên tính phê phán. Chính tham vọng quyền lực và lạm dụng quyền lực, khi không có cơ chế giám sát và cân bằng quyền lực trong xã hội cũng như cơ chế bảo đảm dân chủ tức là bảo đảm tính phê phán hay phản biện của các thành viên trong xã hội trong đó có thành viên của Đảng, đã tạo ra sự lấn áp cá nhân hay độc tài khi quyền tư hữu không được tôn trọng. Nhìn cụ thể vào xã hội với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, ta thấy ở đó hầu hết các quyền tư hữu đã được công nhận nhưng đại bộ phận của cải xã hội vẫn thuộc sở hữu công, ở đó Đảng nắm chính quyền còn đảng viên được làm nhà tư sản. Với những con người không toàn hảo, ta có thể thấy viễn tượng là các thiếu sót trong cơ chế giám sát và cân bằng quyền lực như hiện nay sẽ tạo cơ hội cho tham nhũng không ngăn cản được. Điều này tất đưa đến sự suy thoái quyền lực, và rồi cuối cùng đưa đến tình trạng mất tính chính danh của quyền lực. Lúc đó chế độ sẽ tự sụp đổ. Do đó vấn đề lớn cần xem xét lại có thể không phải là lý thuyết thặng dư, từ đó đưa đến hệ luận là đảng viên có quyền làm nhà tư bản hay không. Vấn đề lớn cần xem xét lại là hệ thống quyền lực, và cơ chế giám sát và cân bằng quyền lực trong xã hội một xã hội có giai cấp và có phân tầng lợi ích phe nhóm. Cần đánh giá xem hệ thống đó có khả năng vừa bảo đảm sự trong sạch, vô tư và tính chính danh của quyền lực, vừa bảo đảm quyền tự do và dân chủ cho mọi công dân nhằm ngăn cản việc lạm dụng quyền lực hay không.
 
Tháng Mười Hai 6, 2011
Vũ Quang Việt – tapchithoidai.org
_____________________________
Chú thích
 
[1] Bài này đã qua vài lần sửa chữa, lần thứ nhất, sau buổi hội thảo tại Hà Nội; lần thứ hai sau hội thảo hè 2002; và lần cuối là 22/2/2006. Tác giả xin cám ơn anh Phan Huy Đường đã đọc rất kỹ bài và cho nhiều ý kiến có giá trị, đồng ý và không đồng ý. Tác giả sửa một số điểm tự thấy mình sai. Những điểm khác không cần sự điều chỉnh vì có sự khác ý kiến giữa tác giả và anh Phan Huy Đường.
 
[2] Ở bản thảo đầu, tôi viết đây là thời kỳ chủ nghĩa tư bản hoạt động hoàn toàn tự do mà không bị các định chế nhà nước ràng buộc và kiểm soát. Phan Huy Đường cho là làm gì có chuyện đó. Chủ nghĩa tư bản làm ra luật pháp hay dùng quyền lực để bảo vệ nó. Điều nhận xét của anh Đường là đúng. Tuy nhiên ở đây tôi chỉ muốn nói đến các định chế kinh tế hạn chế quyền lực của người chủ. Chẳng hạn nhà nước thiết lập ra lương tối thiểu, đóng bảo hiểm thất nghiệp, vai trò kiểm soát tiền tệ của ngân hàng trung ương, quyết định giá của các công ty độc quyền, cấm các hoạt động bè lũ trong việc định giá , đặt ra nguyên tắc kế toán và kiểm tra báo cáo tài chính đối với công ty có bán cổ phần trên thị trường chứng khoán, v.v.
 
[3] Capital, Vol. I, Encyclopaedia Britanica, Great Books of the Western World, Vol. 50, Chicago and London, trang 37.
 
[4] Bản thảo trước tôi dịch chữ “the first appropriator” là “người đánh cắp ban đầu”, nhưng anh Phan Huy Đường cho thế là không đúng vì Marx đã phê phán Proudhom về điểm này. Thặng dư không phải là do đánh cắp, lừa bịp, áp đặt mà là bản chất của chế độ tư bản trên cơ sở trao đổi đúng giá trên thị trường.
 
[5] Capital, Vol 1, sđd, giới thiệu chương 23, trang 279.
 
[6] Để phù hợp với quan điểm của Marx thuế sản xuất là một phần của giá trị thặng dư.
 
[7] Trình bày này thực chất có khác với quan điểm của Marx cho là dịch vụ phi sản xuất không phải là chi phí sản xuất mà là thặng dư. Quan điểm này bắt nguồn từ Adam Smith, cha đẻ của lý thuyết kinh tế tư bản và được tiếp tục chấp nhận bởi các nhà kinh tế được gọi chung là trường phái kinh tế cổ điển, trong đó có Marx. Quan điểm này đã bị bác bỏ từ lâu. Cho nên khi trình bày lý thuyết thặng dư của Marx tôi đã trình bày theo quan điểm mới, tức là mọi chi phí cho dịch vụ đều là chi phí sản xuất. Điều này không ảnh hưởng gì đến lý thuyết thặng dư.
 
[8] GDP hay tổng sản phẩm quốc nội bao gồm giá trị mới tạo ra trong nền kinh tế. Như vậy, theo nguyên tắc GDP không bao gồm khấu hao tài sản cố định dùng trong sản xuất. Thế nhưng, Tài khoản quốc gia lại cộng thêm khấu hao để tính GDP vì việc tính khấu hao theo đúng lý thuyết kinh tế rất khó khăn, đòi hỏi việc tính lại toàn bộ giá trị tài sản cố định theo giá thị trường. Việc tính lại này là điều mà hầu hết các nước, kể cả các nước phát triển cũng không thể tính ngay được mà phải đợi ít nhất một năm sau, khi đã thu thập đầy đủ thống kê.
 
[9] Marx phân tích một nền kinh tế thị trường, do đó lương bổng tất yếu phản ánh giá trị của lao động và năng suất lao động. Để tìm đến giá trị thặng dư, Marx đưa mọi lao động về lao động trung bình, và do đó lao động có giá trị cao, có năng suất cao có thể đưa về bội số của lao động trung bình.
 
[10] Trên thế giới hiện nay, tuyệt đại đa số người sở hữu tư bản không bỏ tiền tự xây dựng và quản lý doanh nghiệp của mình. Hầu hết họ chỉ là những người sở hữu cổ phần một cách thụ động.
 
[11] Đây là điểm ông Việt Phương đưa ra để làm sáng tỏ thêm phân tích về thặng dư của Marx trong một lần trao đổi riêng với tác giả.
 
[12] C. Mác và Ph. Ăng-Ghen, Tuyên Ngôn của Đảng Cộng sản, các đoạn trong ngoặc kép là trích theo bản dịch của Việt Nam, có trên Internet, http: //www.vcp.org.vn. Có ý kiến cho rằng Marx xuất bản Tuyên Ngôn năm 1848, do đó có thể thay đổi quan điểm sau cuộc nội chiến Pháp với công xã Paris năm 1871 và sau khi viết tập I bộ Tư Bản (xuất bản năm 1867). Điều này có thể xảy ra vì với lần tái bản năm 1888, Engels có viết trong lời tựa là mặc dù có những chỗ cần viết lại như đoạn phê phán văn chương theo hướng xã hội chủ nghĩa cũng như nhận định về sự liên hệ giữa những người cộng sản và các đảng phái đối lập khác nhưng vẫn quyết định giữ nguyên vì tính chất lịch sử của văn kiện. Tuy vậy ý kiến này không có cơ sở vì trong Phê phán Cương Lĩnh Gotha (1875) viết trước khi qua đời, Marx cho rằng một nhà nước của giai cấp vô sản phải là “kết hợp chuyên chính vô sản và tổ chức chính trị như công xã Paris.” (Bản dịch trên địa chỉ Internet ở trên.) Tư tưởng cơ bản về vai trò của chuyên chính vô sản trong nhà nước của giai cấp vô sản như vậy không có gì thay đổi, có chăng là sau này Engels nói đến tính tự nguyện của tiểu nông trong việc gia nhập hợp tác xã.
 
[13] Ở đây, thuế thu nhập không được kể tới vì nó chỉ nhằm phân phối lại lợi tức và không ảnh hưởng đến giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm hay giá trị thặng dư.
 
[14] Dĩ nhiên thực tế này không nhất thiết đưa đến kết luận nếu cứ xoá bỏ tư hữu tất dẫn đến sự độc đoán về quyền lực.
 
[15] Tức là lãi cần phải có để người có tiền để dành sẵn sàng cho người khác mượn. Hay nói khác đi, nó là phần thưởng cho người có tiến hoãn chi tiêu ngay, tức là giá của tiền vốn.
 
[16] Gerard Debreu, Theory and Value: An Axiomatic Analysis of Economic Equilibrium, New Haven: Yale University Press, 1959; K. Arrow and G. Debreu, “Existence of an Equilibrium for a Competitive Economy,” Econometrica, 22, 1954; K. Arrow and L Hurwicz, “On the stability of the Competitive Equilibrium, I,” Econometrica, 26, 1958 và K.. Arrow, H.D. Block and L. Hurwicz , “On the stability of the Competitive Equilibrium, II,” Econometrica , 27, 1959.
 
[17] E.S. Phelps, Golden Rules of Economic Growth, New York: Norton, 1966 hay E.S. Phelps, “Accumulation and the Golden Rule,” American Economic Review, Vol. 51, 1961.
 
[18] Lãi suất (interest rate) = sản lượng biên của tích sản cố định (marginal product of capital). Lãi theo nguyên tắc được áp dụng cho cả vốn bỏ ra hoặc vốn cho vay.

Cán bộ Sở LĐ làm ‘cò’ XKLĐ đi Hàn Quốc?


Cán bộ Sở LĐ làm ‘cò’ XKLĐ đi Hàn Quốc? - - Nhiều người lao động ở Nam Định rỉ tai nhau đi học ở những trung tâm có khả năng “bao đỗ” và sẵn sàng nộp 2.500 đến 3.000 USD làm “lệ phí chống trượt”. Tuy nhiên, họ đã phải sống trong tâm trạng lo sợ...
LTS: Sau 7 năm đưa lao động đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình cấp phép mới (gọi tắt là EPS) đã có khoảng 6,4 vạn lao động Việt Nam được đưa sang Hàn Quốc làm việc.

Theo quy định, lao động muốn sang làm việc tại Hàn Quốc thì phải  vượt qua kỳ thì kiểm tra tiếng Hàn một cách khắt khe.

Sau khi vượt qua kỳ thi tiếng Hàn, hồ sơ của lao động sẽ được đưa lên mạng và chủ sử dụng Hàn Quốc sẽ lựa chọn theo hình thức “3 chọn 1”- nghĩa là chủ muốn nhận 1 lao động thì có thể chọn từ 3 hồ sơ có sẵn trên mạng.

Thực tế cho thấy, tỉ lệ lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn khá cao nên nhiều nơi “cò” XKLĐ lợi dụng việc này để thu khống tiền của người lao động.

PV VietNamNet đã về Nam Định, nơi có nhiều người lao động đang rơi vào thảm cảnh “chấp nhận mất tiền” nhưng vẫn chưa thể xuất ngoại…để tìm hiểu về đường dây “cò” XKLĐ”.

Lộ diện đường dây môi giới XKLĐ 


Chúng tôi có mặt tại tỉnh Nam Định, khi kỳ kiểm tra tiếng Hàn lần thứ 9 dành cho lao động Việt Nam đang tới rất gần. Nam Định lâu nay không có “truyền thống” đi XKLĐ nhưng giờ đây dọc con đường Giải Phóng, các trung tâm mọc lên như nấm với những thông báo đào tạo tiếng Hàn cấp tốc, thường xuyên.

Nhiều người lao động ở Nam Định rỉ tai nhau đi học ở những trung tâm có khả năng “bao đỗ” và sẵn sàng nộp 2.500 đến 3.000 USD làm “lệ phí chống trượt”.

Cách đây 1 năm, gia đình anh Trần Phú Cường (SN 1978, ở 36P, ô 18, phường Hạ Long, TP Nam Định) đã phải “cắn răng” vay 6 cây vàng để đổi ra 6.000 USD nộp cho bà Vũ Thị Bích Ngọc- cán bộ phòng khai thác thị trường, Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định để bà Ngọc “chạy” cho Cường thi đỗ tiếng Hàn đi XKLĐ tại Hàn Quốc
 
Khi đăng ký vượt qua kỳ thi tiếng Hàn, gia đình Cường đã phải đưa cho bà Ngọc 6.000 USD.

Trong căn nhà mái bằng chật hẹp tại con hẻm nhỏ ở TP. Nam Định, bà Trần Thị Thúy Hiển – mẹ Cường buồn bã cho chúng tôi biết: “Chúng tôi tin tưởng bà Ngọc vì bà ấy làm ở nơi tiếp nhận hồ sơ của lao động đăng ký đi Hàn Quốc. Bà ấy lại có mối quan hệ thông gia bề trên với gia đình chúng tôi và bà ấy cũng từng đưa nhiều người trong họ đi XKLĐ rồi nên không nghi ngờ gì”.

Tiếp lời bà Hiển, anh Cường nói, khi đã đăng ký và nạp tiền, bà Ngọc cam kết sẽ chạy được cho anh đi sớm nhất và hướng dẫn anh tới nhà thầy giáo Thanh để “luyện” tiếng Hàn. Bà Ngọc cũng là người giúp cho anh nộp hồ sơ và đăng ký dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn tại trung tâm nơi bà này làm việc.

Mong muốn được đi làm việc tại Hàn Quốc cộng với sức ép của khoản vay nợ đang đè nặng trên vai, không còn cách nào khác anh Cường phải lao đầu vào học và thi tiếng Hàn nên cuối cùng đã vượt qua.

Sau khi trúng tuyển kỳ thi tiếng Hàn, hồ sơ của anh Cường được đưa lên mạng nhưng chờ mãi vẫn không thấy được gọi đi học giáo dục định hướng để chờ bay. Trong khi đó các bạn học tiếng và thi đỗ cùng đã lần lượt được xuất cảnh.

Trong một cuộc liên hoan chia tay người bạn cùng học tiếng Hàn sau khi bạn đã có thông báo xuất cảnh, anh Cường được bạn cho hay bà Ngọc không có vai trò tác động cho Cường “bay nhanh” được, rồi khuyên nên đòi lại tiền đã nộp cho bà Ngọc.

Nợ nần chồng chất do giá vàng khi vay chỉ 27 triệu/ cây, giờ lên tới hơn 45 triệu/ cây, số lãi từ giá vàng tăng cao đã khiến gia đình Cường mất cả trăm triệu đồng.
Cực chẳng đã ông Trần Văn Thuận - bố Cường đã đến xin bà Ngọc trả lại tiền. Khi ấy, bà Ngọc vẫn khẳng định Cường sẽ được xuất cảnh, song ông Thuận cứng rắn yêu cầu trả lại tiền nên bà Ngọc chấp nhận trả 4.000 USD. Còn 2.000 USD thì bà nhất định không trả với lý do đó là số tiền đã chi để lo cho Cường.

Sống trong sợ hãi


Lần theo đường dây chạy đi XKLĐ Hàn Quốc tại Nam Định, chúng tôi tìm đến nhà Mai H. (xã Lộc An, TP. Nam Định) một lao động đã được xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc. Điều đáng nói để được xuất cảnh sang Hàn Quốc, gia đình Mai H. phải chịu một mức phí quá đắt và phải sống trong tâm trạng hoang mang, lo sợ.

Tại nhà  H., khi nghe chúng tôi hỏi chuyện, bố đẻ của H. không khỏi bức xúc: “Con tôi đi XKLĐ tại Hàn Quốc rồi nhưng người ta còn thuê “đầu gấu” đến đây để đe dọa đòi tiền nhà tôi, dù mức phí gia đình tôi mất cho con đi XKLĐ tại Hàn Quốc quá đắt”.

Theo bố H. kể lại, qua “cửa” chạy đi XKLĐ Hàn Quốc của bà Vũ Thị Bích Ngọc, gia đình H. đã nộp 3.500 USD cho bà Ngọc để bà lo cho H. đi học và thi đỗ tiếng Hàn. Tổng mức chi phí mà gia đình H. phải trả cho bà Ngọc là 10.000 USD khi H. nhận được giấy báo xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc.
Dọc con đường Giải Phóng mọc lên như nấm với những thông báo đào tạo tiếng Hàn cấp tốc, thường xuyên.

Nhận được 3.500 USD của gia đình H., bà Ngọc đã hướng dẫn cho H. đi học tiếng Hàn tại nhà thầy giao Thanh (cùng địa điển với anh Cường) và H. cũng đã may mắn vượt qua kỳ thi tiếng Hàn với mức điểm tối đa 200/200.

Sau khi thi H. đỗ tiếng Hàn và nộp hồ sơ chờ bay thì bất ngờ ông Đoàn Văn Nhạc (là người có quan hệ liên gia với người nhà H.) biết chuyện nên đã nói với bố của H.: "Ông vứt hẳn 3.500 USD nộp cho bà Ngọc đi sau tôi đòi lại cho. Tôi mất 5.000 cho con ông đi”.

Bố H. băn khoăn nên đã hỏi người quen làm công an thì được biết không ai có thể chạy đi Hàn Quốc được nên đã từ chối lời “giúp đỡ” nhiệt tình của ông Nhạc.

Thế nhưng, ngày 25/2/2011,con gái ông Nhạc gọi Mai Hoàng (anh trai của H.) ra để nói chuyện. Sau đó, ông Nhạc đưa cho Hoàng 13 triệu đồng vào nộp cho Sở LĐTB&XH Nam Định, đồng thời yêu cầu Hoàng ký vào tờ giấy cam kết nợ 5.000 USD vì lo cho H. đi Hàn Quốc.

Đến khi H. được bay thì ông Nhạc quay sang đòi bố H. số tiền 5.000 USD mà Mai Hoàng đã ký trong tờ giấy cam kết lo cho H. đi XKLĐ tại Hàn Quốc.

“Ông ấy đòi số tiền 5.000 USD, sau đó ông ấy còn đưa cả dân “đầu gấu" đòi nợ thuê vào nhà tôi đòi tiền. Cuối cùng không còn cách nào khác tôi phải trả 2.500 USD và số tiền 13 triệu vay nộp cho Sở LĐTB&XH” - bố H. cho biết.

Mất tiền oan với ông Nhạc, bố và anh trai của H. đã đến nhà bà Ngọc đòi lại số tiền 2.500 USD thì bà Ngọc đã xé toạc tờ giấy vay nợ trước mặt hai hai người. Cuối cùng, bà Ngọc chỉ trả lại 22 triệu đồng trong tổng số tiền 2.500 USD mà bà đã nhận trước đó.
Điều đáng nói, trong quá trình bố H. đòi tiền bà Ngọc, đã có người gọi điện đến đe dọa. “Họ gọi điện đến dọa bố mẹ em: “mày còn đòi tiền chị tao, tao cho người đến đập nhà mày”... khiến gia đình em rất lo sợ”, Mai Hoàng cho biết.

Ngồi ở góc giường, mẹ của H. vừa nói vừa giàn giụa nước mắt: “Họ còn dọa là cho ăn mày, ăn xin ở bên Hàn Quốc hại con tôi... Bà Ngọc còn vào tận nhà đe dọa chứ không chỉ thuê người đâu. Tối đến cả nhà tôi phải đóng cửa sớm, không ai dám ra ngoài cả…”.
Nhóm PV
(còn nữa)
- Được tiếp tục làm việc tại Hàn Quốc nếu… (ĐĐK). - Lao động về nước đúng hạn có thể trở lại Hàn Quốc (VOV). .- Gần 67.000 người đăng ký dự kiểm tra tiếng Hàn (VOV).-Số phụ nữ Việt Nam bị bán sang Trung Quốc gia tăng - VOA - Truyền thông Trung Quốc loan tin ngày càng có nhiều phụ nữ nước ngoài bị bắt cóc và bán sang Trung Quốc, đa phần từ các nước láng giềng như Việt Nam, Miến Điện, và Lào.  Các nạn nhân thường bị các tay buôn người lừa bằng những lời hứa hẹn rằng sẽ có công ăn việc làm ổn định hoặc sẽ được lấy các ông chồng bản xứ giàu có khi sang Trung Quốc.  -Tăng lương: Vui ít, buồn nhiềuHai tháng sau khi mức lương tối thiểu được điều chỉnh, cuộc sống của phần lớn công nhân vẫn hết sức chật vật
-Nợ BHXH, thắng kiện vẫn không dễ lấy tiềnTP - Hàng trăm doanh nghiệp ở Đồng Nai đang nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) đến 80 tỷ đồng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của gần 15.000 lao động. Biện pháp cuối cùng để đòi nợ là kiện ra tòa, tuy nhiên, dù thắng kiện chủ nơ không dễ lấy được tiền từ con nợ-
-.3.000 chỗ làm cho lao động ngoại thành (NLĐ) - Hơn 1.000 người lao động đã tham gia tìm việc tại phiên khai mạc Sàn giao dịch việc làm - Hỗ trợ thanh niên, công nhân mua sắm do Trung tâm Hướng nghiệp, Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên TPHCM phối hợp với Huyện đoàn Hóc Môn - TPHCM tổ chức. Chương trình diễn ra từ nay đến hết ngày 4-126.000 vụ tai nạn lao động mỗi năm(NLĐ) - Sáng 6-12, Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH) đã tổ chức hội thảo “Thúc đẩy văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp” tại TPHCM
Bắt 2 vườn cần sa và 6 người Việt ở Warszawa Đàn Chim Việt-Hôm qua, 30/11/2011, công an thủ đô Warsaw (Warszawa) vừa đột nhập một ngôi nhà thuộc quận Mokotów và phát hiện một vườn cần sa lớn, với 800 khóm đang ở giai đoạn trổ bông. Một công dân Việt Nam 25 tuổi bị bắt cùng tang chứng, vật chứng  

Cali: Nhiều HS Việt Đang Sống Vô Gia Cư

66.222 lao động đăng ký dự kiểm tra tiếng Hàn

(NLĐO) – Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết 66.222 lao động có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc đã đăng ký hồ sơ dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn lần 9 năm 2011 qua 4 ngày tổ chức đăng ký trên cả nước từ 11 đến 14-11.
-Nghệ An là tỉnh có số lao động đăng ký đông nhất, với 12.500 người; kế tiếp là Thanh Hóa 7.600 người, Hà Tĩnh 4.975 người, Bắc Giang 3.539 người, Hà Nội 3.455 người, Hải Dương 3.144 người, Quảng Bình 3.009 người…

Những lao động đăng ký sẽ tham dự kỳ kiểm tra trên vào ngày 17 và 18-12 tới tại 1 trong 5 địa điểm: Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Địa điểm kiểm tra cụ thể của từng thí sinh sẽ được Trung tâm Lao động ngoài nước thông báo bằng văn bản cho Sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành và Bộ Quốc phòng để thông báo tới từng ứng thí sinh.

15.000 lao động có kết quả kiểm tra cao (chọn từ 200 điểm xuống 80 điểm theo từng ngành) sẽ được chọn làm hồ sơ dự tuyển sang Hàn Quốc theo 4 ngành dự tuyển: sản xuất chế tạo - 11.700 hồ sơ, xây dựng - 1.000 hồ sơ, nông nghiệp - 1.000 hồ sơ và ngư nghiệp - 1.300 hồ sơ.
Duy Quốc

66.222 lao động đăng ký dự kiểm tra tiếng Hàn

-Giám đốc Công ty Hà Thảo bỏ trốn(NLĐ) - Ngày 15-11, các cơ quan chức năng quận 12-TPHCM đã tiến hành lập biên bản việc giám đốc Công ty Hà Thảo (văn phòng tại quận 3, xưởng sản xuất tại quận 12) bỏ trốn, nợ lương nhân viên

-Lương công chức thấp nhưng đường thăng tiến lấp lánh? Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Đoàn Cường cho rằng lương công chức thấp nhưng vẫn đông người nộp đơn vào Nhà nước, vì nhiều lý do.

Quỵt lương nhân viên NLĐO -Doanh nghiệp buộc nhân viên phải đóng tiền cọc, ban hành nhiều quy định trái luật để trừ tiền, “ém” tiền lương khi nhân viên nghỉ việc…

Mời CN Công ty Anjin nhận lương, trợ cấp
 (NLĐ) - LĐLĐ quận Bình Tân-TPHCM vừa có thông báo về việc giải quyết quyền lợi cho công nhân (CN) Công ty Giày Anjin. Sau khi phá sản, Công ty Giày Anjin còn nợ gần 2 tỉ đồng tiền lương và trợ cấp của CN. -

Công ty Kuwahara Việt Nam sửa sai

 (NLĐ) - Sau khi Báo Người Lao Động (số ra ngày 9-11) thông tin về việc Công ty TNHH Kuwahara Việt Nam (100% vốn Nhật Bản; KCN Tân Bình - TPHCM) sa thải hàng chục công nhân (CN) trái luật dù chưa chứng minh được lỗi, sáng 14-11, công ty thông báo thu hồi các quyết định sa thải trong vụ này. Phía công ty đề nghị số CN trên trở lại làm việc và đồng ý giải quyết đầy đủ các chế độ.
-

CĂNG THẲNG GIA TĂNG TẠI BIỂN ĐÔNG: NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP

HỌC VIỆN NGOẠI GIAO


Tài liệu tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba, chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 4-5 tháng 11 năm 2011
Tiến sĩ S.D. Pradhan
Cựu phó Cố vấn An ninh Quốc gia, Ấn Độ
Sự leo thang căng thẳng gần đây tại Biển Đông đã làm nổi bật nhu cầu cần phải đánh giá khách quan các nguyên nhân của cuộc tranh chấp và các diễn biến gần đây, kể cả tích cực lẫn tiêu cực, với mục tiêu nhằm đề ra các biện pháp để làm dịu đi tình hình, mà theo nhiều chuyên gia an ninh có nhiều tiềm năng sẽ leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang và để nhằm giúp các bên liên quan có thể tìm ra một biện pháp lâu dài.

Các nguyên nhân
Cuộc tranh chấp bắt nguồn từ thực tế rằng một vài nước trong khu vực có các yêu sách chủ quyền chồng lấn nhau đối với các hòn đảo ở Biển Đông. Vấn đề an ninh năng lượng ở khu vực và những quan ngại của các quốc gia đã làm tình hình thêm căng thẳng. Trong khi Trung Quốc yêu sách nguyên cả một vùng biển, các bên khác như Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei yêu sách từng phần của khu vực. Trong khi đó, Indonesia mặc dù không phải là một bên yêu sách đối với quần đảo Trường Sa, đường lưỡi bò của Trung Quốc cắt ngang qua vùng nước mà Indonesia yêu sách ở phía bắc vùng Natuna đồng thời đường phân định giữa Việt nam và Indonesia cũng chưa được thống nhất.
Biển Đông có tầm quan trọng về chiến lược. Đây là một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất trên thế giới. Các nước ven biển cung cấp thị trường tiềm năng cho sản phẩm của các nước phát triển. Bởi vì vậy, các nước bên ngoài khu vực luôn mong muốn bảo đảm nguyên tắc tự do hàng hải đối với việc các hoạt động thương mại. Thêm vào đó, khu vực này cũng có trữ lượng dầu khí khá lớn. Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) dự đoán rằng khu vực này có thể chứa trữ lượng lớn gần gấp hai lần trữ lượng dầu hiện Trung Quốc đã phát hiện và trữ lượng khí khá lớn. Vì thế, các nước ven biển đều muốn có phần trong khu vực này. Mặc dù các bên liên quan cho tới nay đã có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết hòa bình tranh chấp và đã thống nhất tuân thủ bản Tuyên bố Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC 2002), dựa trên các hành vi chuẩn mực của luật quốc tế cũng như các nỗ lực thúc đẩy việc hình thành Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC), căng thẳng gần đây đã có xu hướng gia tăng đáng kể.
Dưới đây là các sự kiện đã góp phần làm gia tăng căng thawgnr đáng chú ý:
- Tháng 2/2011, vụ đụng chạm giữa 2 tàu Trung Quốc và một tàu thăm dò dầu khí Philippines, thuộc sở hữu của Công ty Forum Energy, đã xảy ra. Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ, đồng thời là Chủ tịch Tiểu ban Đông Á của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, Jim Webb đã lên tiếng rằng, mặc dù phía Trung Quốc phủ nhận, các tàu của Trung Quốc đúng là đã cố ý đâm vào tàu Philippines.
- Tháng 5/2011, các máy bay của Trung Quốc đã bị phát hiện đang hoạt động trên bầu trời phía trên các đảo, các đảo san hô và các đảo đá mà ngoài Trung Quốc ra thì phía Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng đang yêu sách. Những nỗ lực này từ phía Trung Quốc trong việc khẳng định yêu sách của mình đã bị các bên liên quan trong cuộc tranh chấp xem như một hành vi khiến cho căng thẳng gia tăng.
- Vào các ngày 26/5 và 9/6/2011, các tàu tuần tiễu của Trung Quốc đã có hành động cắt dây cáp của các tàu thăm dò Việt Nam đang tiến hành các cuộc khảo sát địa chấn tại khu vực cách bờ biển miền Trung Việt Nam khoảng 120 hải lý. Các hành vi này rõ ràng là đã vi phạm vào Tuyên bố Ứng xử của Các bên tại Biển Đông (năm 2002) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.
- Vào tuần thứ 3 của tháng 7/2011, tàu INS Airavat của Hải quân Ấn Độ đang trên hành trình thăm hữu nghị Cảng Nha Trang của Việt Nam đã bị một tàu Trung Quốc yêu cầu rời khỏi “Các vùng nước của Trung Quốc” khi tàu này đang di chuyển lên phía trên về hướng Hải Phòng. Hành động này được xem như một nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền của họ tại khu vực biển thuộc Việt Nam.
- Tháng 9/2011, Trung Quốc phản đối việc thăm dò dầu khí của công ty ONGC Videsh Ltd (OVL) (Ấn Độ) tại hai lô của Việt Nam. Trung Quốc đã lên tiếng phản đối với phía Ấn Độ, tuyên bố rằng cách hoạt động của OVL là phi pháp, trừ phi họ nhận được sự cho phép của phía Trung Quốc để vào khai thác tại hai lô 127 và 128. Ấn Độ phản bác rằng sự phản đối của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý bởi vì các lô này thuộc về Việt Nam, sự kiện này cũng được xem như việc Trung Quốc cố gắng thách thức chủ quyền của Việt Nam tại khu vực và gửi đi một thông điệp cho tất cả các nước khác rằng Trung Quốc sẽ không cho phép bất cứ bên nào có quyền ra quyết định đối với việc khai thác tại các khu vực này mà không có sự đồng ý của Trung Quốc.
Trong bối cảnh như trên, các nguyên nhân sâu xa hơn cho việc gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng cần phải được phân tích. Với mục tiêu này, chúng ta cũng cần thiết phải phân tích tình hình tranh chấp tại hai khu vực khác mà Trung Quốc và các láng giềng của họ có liên quan. Một trong hai khu vực này là Biển Hoa Đông, nơi đang diễn ra căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Khu vực còn lại chính là vùng biên giới Trung Quốc- Ấn Độ, hiện cũng đang chứng kiến sự gia tăng căng thẳng. Các sự kiện gây ra căng thẳng gần đây ở hai khu vực này sẽ được mô tả trong các phần tiếp theo.
Cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông bắt nguồn từ các yêu sách đối lập nhau đối với quần đảo Senkaku/Diaoyu (Điếu Ngư) và khu vực mỏ khí thiên nhiên Okinawa/Yihu, được dự đoán là có trữ lượng vào tầm 17.5 tỷ Ft3 (foot khối) khí thiên nhiên cũng như một trữ lượng dầu đáng kể. Việc tranh chấp về vị trí của đường trung tuyến giữa hai nước cũng làm vấn đề thêm phức tạp. Trong khi Nhật Bản kiên quyết lập trường rằng đường trung tuyến giữa hai nước chính là đường để đánh dấu ranh giới của Khu vực Đặc quyền Kinh tế EEZ của mỗi bên thì Trung Quốc lại cho rằng khu vực EEZ của Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến này bởi vì sự kéo dài của thềm lục địa Trung Quốc. Thêm vào đó, việc Trung Quốc khai thác tại mỏ dầu Chunxiao – nằm trong khu vực đang bị tranh chấp, cũng đang gây ra căng thẳng bởi vì Nhật Bản cho rằng việc này sẽ làm cạn nguồn khí gas bên phía Nhật Bản thông qua các lỗ tổ ong của lớp đá đáy biển. Dưới đây là các sự kiện khiến căng thẳng gia tăng tại biển Hoa Đông:
- Năm 2008, hai tàu hải giám Trung Quốc đã tiến vào và ở lại trong lãnh hải của Nhật Bản hơn 9 giờ đồng hồ.
- Ngày 7/9/2010, hai tàu tuần tra Cảnh vệ Bờ biển Nhật Bản đã va chạm với một tàu đánh cá Trung Quốc trong khi đang tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật tại quần đảo Senkaku.
- Ngày 24/8/2011, khoảng một tháng sau Hội nghị ARF, hai tàu ngư chính của Trung Quốc đã tiến vào vùng lãnh hải của Nhật Bản. Đây là sự kiện đầu tiên kể từ năm 2008, khi các tàu của chính phủ Trung Quốc tiến vào khu vực lãnh hải của Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, một vài sự kiện cũng đã xảy ra tại khu vực biên giới Trung-Ấn, gia tăng căng thẳng giữa hai nước mặc dù Ấn Độ đã có một số thỏa thuận với Trung Quốc về việc giải quyết vấn đề biên giới và các vấn đề khác một cách hòa bình. Các thỏa thuận này bao gồm Hiệp định về Duy trì Hòa bình và Ổn định dọc Đường Kiểm soát Thực tế (năm 1993), Hiệp định về Các biện pháp Xây dựng Lòng tin trong Lĩnh vực Quân sự (1996), và Tuyên bố về Các Nguyên tắc trong Quan hệ giữa CHND Trung Hoa và CH Ấn Độ (2003). Mặc dù đã có các thỏa thuận trên, nhiều sự cố vẫn diễn ra làm tình hình căng thẳng:
- Năm 2009, Trung Quốc phản đối các chuyến thăm của Tổng thống và Thủ tướng Ấn Độ tới bang Arunachai Pradesh của Ấn Độ.
- Năm 2010, Trung Quốc phản đối Dự án Á châu của Ngân hàng Thế giới tại Arunachai Pradesh, tuyên bố rằng đây là khu vực “đang bị tranh chấp”.
- Năm 2010, Trung Quốc bắt đầu việc cấp visa rời cho người Ấn Độ ở ban J&K.
- Tháng 8/2010, Trung Quốc từ chối cấp visa cho Trung Tướng Jas Pal, Tư Lệnh của Bộ Tư Lệnh phía Bắc, vì lý do ông này đang đóng tại J&K. Sự thiếu khéo léo của phía Trung Quốc trong các vấn đề nhạy cảm ngoại giao được thể hiện rõ trong trường hợp này, vì Trung tướng Jas Pal đã được PLA mời.
- Tháng 8/2011, quân đội Trung Quốc đã được phát hiện tiến vào Lãnh thổ Ấn Độ và tiến hành tháo dỡ 17 công sự cũ tại khu vực Chumar của vùng Nyoma, cách vùng Leh khoảng 300km.
- Mùa hè năm 2011, các binh lính Trung Quốc đã nhiều lần tiến vào Lãnh thổ Ấn Độ tại khu vực Finger ở phía bắc Sikkim.
- Khoảng chừng 3000-4000 quân lính Trung Quốc hiện đang đóng tại khu vực Kashmir hiện đang bị kiểm soát bởi Pakistan.
Một phân tích tổng hợp về các diễn biến xảy ra tại ba khu vực trên cho phép chúng ta có cái nhìn rộng hơn đối với tình hình khu vực. Điểm chung giữa ba khu vực này chính là các cuộc tranh chấp đều liên quan giữa Trung Quốc đều cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng căng thẳng trong thời gian gần đây chính là việc Trung Quốc gia tăng thái độ hung hăng. Các chuyên gia an ninh tại các nước láng giềng của Trung Quốc chỉ ra rằng thái độ cương quyết của Trung Quốc hiện nay đang dần trở thành hung hăng. Họ quan niệm rằng Trung Quốc hiện đang muốn tái xác lập các biên giới đất liền cũng như biên giới biển của mình nhằm mục tiêu triển khai sức mạnh đang lên của họ. Các chuyên gia này cũng nhận định rằng Trung Quốc đã bắt đầu có thái độ hung hăng hơn đối với các nước láng giềng nhằm để thiết lập sự bá quyền của mình đối với các nước này. Họ cũng chỉ ra rằng Trung Quốc không coi trọng các thỏa thuận đã ký với các nước láng giềng về việc giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán. Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm dựng lên hình ảnh về một sự trỗi dậy hòa bình và không nhằm vào bất cứ nước nào chỉ là một âm mưu để che đậy động cơ giấu kín của họ – tăng cường sức mạnh của chính mình mà không kéo theo sự nghi ngờ từ các nước láng giềng. Sách Trắng Quốc phòng gần đây của Trung Quốc đã một lần nữa nhấn mạnh vào sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, nhưng các nước láng giềng hầu như không cảm thấy đáng tin. Các nước khác thì đánh giá rằng tiềm lực quân sự của Trung Quốc không chỉ hướng đến việc phát triển các khả năng phòng vệ mà trong thực tế, đã có thể tạo cho Trung Quốc các “khả năng đe dọa”.
Trong khi đó, Trung Quốc lại có quan điểm rằng tất cả các khu vực tranh chấp là thuộc về họ. Lập trường này có thể thấy rõ ràng nhất qua tranh chấp Biển Đông. Vấn đề đáng tranh cãi chính là tại sao Trung Quốc lại duy trì một lập trường mà bị các nước láng giềng của họ coi là hung hăng. Phương diện này cần được phân tích sâu hơn, trước khi chúng ta có thể đề ra các biện pháp nhằm tháo gỡ tình hình căng thẳng gia tăng tại Biển Đông. Thái độ hung hăng ngày càng  tăng của Trung Quốc bắt nguồn từ một số các yếu tố sau:
- Sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc đối với sức mạnh kinh tế của mình. Trung Quốc hiện đang cảm thấy họ đã và đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong bối cảnh cuộc suy thoái toàn cầu. Điều này tạo điều kiện cho Trung Quốc có thể gia tăng chi tiêu quốc phòng một cách đáng kể.
- Ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã gia tăng hai con số trong suốt hai thập kỷ qua. Theo tuyên bố chính thức của Trung Quốc, ngân sách quốc phòng đã tăng một cách đáng kể từ khoảng 17 tỷ USD năm 2001 lên đến hơn 91 tỷ USD năm 2011. Chi tiêu quốc phòng thực tế được dự đoán là nhiều gấp 2 cho tới 2.5 lần so với tuyên bố chính thức. Có thể giải thích điều này vì là ngân sách chính thức của Trung Quốc đã không bao gồm giá trị các vũ khí nhập từ Nga, các quỹ của chính quyền Trung ương lẫn địa phương dành cho việc huy động, chuẩn bị, tuyển mộ cũng như giải ngũ; các chi tiêu của khu vực công nghiệp quân sự do dân sự điều hành trong cách hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ quân sự; giá trị của lượng thực phẩm được sản xuất và tiêu thụ bởi các đơn vị của PLA cũng như các thu nhập từ các doanh nghiệp PLA. Năm 2010, Ngoại trưởng Nhật Bản đã bày tỏ niềm quan ngại đối với chi tiêu quân sự rất lớn của Trung Quốc.
- Sự tự tin cao của Trung Quốc đối với các tiềm lực quân sự của mình, từ kết quả của các nỗ lực không ngừng nhằm hiện đại hóa các lực lượng vũ trang kể từ lúc Trung Quốc bắt đầu nhấn mạnh vào chương trình Bốn Hiện đại hóa. Tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt rằng “Trung Quốc đang chuẩn bị cho (khả năng) xung đột vũ trang trên bất cứ hướng chiến lược nào đồng thời Trung Quốc sẽ đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quân đội và phát triển các thiết bị”, rất đáng chú ý nếu đặt trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng kho tên lửa của mình cũng như phát triển các loại tên lửa tinh vi với các hệ thống dẫn đường tiên tiến. Trong vòng 10 năm qua, các đơn vị tên lửa tầm ngắn của Trung Quốc đã tăng hơn 7 lần thể hiện sự gia tăng số lượng tên lửa của Trung Quốc từ năm 2000. Các tên lửa tầm xa của Trung Quốc cũng có tầm bắn gây ấn tượng mặc dù số lượng tên lửa này không gia tăng thêm nhiều trong vòng hai năm qua. Trong năm qua, số lượng tên lửa hành trình đã tăng 30%. Cân nhắc cả những tiến triển này, Báo Cáo Quốc phòng Hằng Bốn năm 2010 của Mỹ đã nhận xét rằng: “Trung Quốc đang phát triển và mua sắm số lượng lớn các vũ khí tiên tiến, các hệ thống phòng thủ tầm xa có hiệu quả, các khả năng tác chiến điện tử và tấn công mạng máy tính, máy bay chiến đaúa và hệ thống phòng không tiên tiến.” Sự tăng trưởng của kho tên lửa của Trung Quốc được các nước láng giềng cũng như các nước phương Tây xem như là một mối đe doạ dối với cân bằng lực lượng tại khu vực.
- Các thay đổi trong học thuyết hạt nhân Trung Quốc cũng bị các nước láng giềng coi là một mối đe doạ nghiêm trọng về việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân. Trong vài năm gần đây, việc Trung Quốc không có ý định thi hành chính sách “Không Sử dụng Trước” (No First Use) đối với vũ khí hạt nhana, ít nhất là trong khu vực lân canạ, đã dần dần trở nên rõ ràng. Điều này lần đầu tiên được thể hienẹ vào năm 2010, tại một cuộc họp cấp cao, PLA đã đề nghị rằng Trung Quốc nên sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ và trong trường hợp các nước có vũ khí hạt nhân tấn công các nước không có vũ khí hạt nhân. Những người ủng hộ đối với thay đổi này lập luận rằng tình huống như vậy sẽ ngăn cản khả năng Mỹ can thiệp vào các chiến dịch quân sự của Trung Quốc ở Đài Loan, nếu chúng diễn ra trong tương lai. Năm 2006, Thiếu Tướng Zhu Chengdu, Giám đốc của cơ quan nghiên cứu có uy tín được nhà nước tài trợ – Vienẹ Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IISS) đã chỉ ra rằng Trung Quốc không có lựa chọn nào hơn ngoài việc phải phản ứng lại bằng các loại vũ khí hạt nhân trong trường hợp Mỹ tấn công vào lãnh thổ Trung Quốc với các loại vũ khí thông thường. Sau đó, Trung Quốc bắt đầu phát triển các loại vũ khí hạt nhân tác chiến, điều này có thấy một sự thay đổi đối với chính sách “Không Sử dụng Trước”. Các chuyên gia an ninh phân tích rằng các loại vũ khí hạt nhân tác chiến không thống nhất với tuyên bố chính thức của Trung Quốc về việc “Không Sử dụng Trước”.
- Sự gia tăng các tiềm lực về hải quân của Trung Quốc cũng góp phần vào sự gia tăng mức độ cương quyết của Trung Quốc. Tháng 8/2010, Báo cáo Lầu Năm góc Những chuyển biến về Quân sự và An ninh liên quan tới Trung Quốc đã chỉ ra rằng một số lượng nhỏ các tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo – tàu lớp Jin (Loại 094) đã xuất hiện và bốn chiếc tàu loại này có thể đang được sản xuất đồng thời báo cáo cũng đề cập đến sự phát triển dần dần của các tên lửa hạt nhân phóng lửa trên biển của Trung Quốc. Một báo cáo khác cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đã sản xuất được loại tên lửa mới – JL13, mặc dù một số chuyên gia tỏ ý nghi ngờ về tính tin cậy của báo cáo này. Việc Trung Quốc triển khai các tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM) cũng đã gây ra quan ngại cho các nước láng giềng. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đã vừa mới đưa vào hoạt động tàu sân bay mới, Varyag, của họ.
- Sự tăng cường tiềm lực không quân của Trung Quốc cũng là một nguyên nhân gây quan ngại. Trung Quốc đã sản xuất được một máy bay chiến đấu tàng hình. Tháng 1/2010, Trung Quốc đã khiến nhiều nhà quan sát về quân sự kinh ngạc khi máy bay tàng hình của họ cất cánh trong một chuyến bay thử vào ngày mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hội kiến Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ở Bắc Kinh.
- Quan niệm của Trung Quốc cho rằng cơ hội đã đến để Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn thế giới trong bối cảnh cân bằng lực lượng toàn cầu đang có chuyển biến từ phía Tây sang phía Đông đồng thời với sự xuất hiện của một thế giới đa cực.
- Những mối nghi ngờ của Trung Quốc về chiến lược của Mỹ đối với Đài Loan và quan niệm của Trung Quốc và quan niệm của Trung Quốc cho rằng việc kiểm soát toàn bộ Biển Đông có vai trò mấu chốt đối với an ninh quốc gia của mình.
- Những khác biệt giữa Trung Quốc với Mỹ và Nga và việc Trung Quốc xem các nước láng giềng của mình như là các đồng minh của hai nước này.
Sức mạnh quân sự đang tăng lên của Trung Quốc cũng đi kèm với giọng điệu và các động thái ngoại giao hung hăng hơn. Kể từ năm 2010, điều này càng trở nên rõ ràng hơn trong các cuộc tranh cãi với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á khác xung quanh các hòn đảo tranh chấp, với Washington xung quanh vấn đề thương mại, đồng Nhân dân tệ, nhân quyền và trong năm nay, về các hoạt động ở Biển Đông. Ở Biển Đông, chiến lược của Trung Quốc được định hướng từ sự nhận thức về tầm quan trọng chiến lược của khu vực này đối với thương mại, nghề cá, khoáng sản và dầu khí và mong muốn có được sự kiểm soát toàn diện đối với khu vực. Các chuyên gia an ninh chỉ ra rằng tranh chấp ở Biển Đông bị thúc đaỷa bởi cơn khát dầu mỏ khó có thể thoả mãn của Trung Quốc.
Các tiến triển tích cực gần đây
Mặc dù các sự kiện nêu ở trên đã làm gia tăng căng thẳng, một số các tiến triển có tính tích cực cũng đã diễn ra:
- Một thoả thuận vừa đạt được tại cuộc họp giữa các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc ngày 21/7/2011 tại Bali về việc thi hành Tuyên bố Cách Ứng xử của các bên tại Biển Đông. Các quy tắc hướng dẫn thi hành đã được thông qua. Một chương trình hành động đã được đề xuất để hướng đến việc thi hành Tuyên bố Chung về Đối tác Chiến lược vì Hoà bình và Thịnh vượng ASEAN-Trung Quốc trong giai đoạn 2011-15. Các bên cũng thống nhất rằng các bất đồng sẽ được giải quyết hoà bình thông qua đàm phán hữu nghị dựa trên các nền tảng của luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982, tuân thủ DOC và tiến tới hình thành Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông.
- Các Ngoại trưởng ASEAN đã thống nhất thành lập một nhóm công tác để thảo luận việc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông COC. Quyết định này được thông qua tại cuộc họp không chính thức của các Ngoại trưởng ASEAN bên lề Phiên họp thứ 66 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc ở New York 24/9/2011.
- Tổng thống Philippines trong chuyến thăm tới Trung Quốc hồi đầu tháng 9/2011 đã tiến tới một thoả thuận với Trung Quốc. Với thoả thuận này, cả hai phía nhắc lại các cam kết về việc giải quyết các tranh chấp biển đảo thông qua đối thoại hoà bình, duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và một môi trường khu vực có lợi cho phát triển kinh tế.
- Nhật Bản và Philippiné đã ký kết thoả thuận hợp tác an ninh vào cuối tháng 9/2011. Hai nước thống nhất duy trì tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và tuân thủ với luật quốc tế và giải quyết hoà bình tranh chấp vì lợi ích của hai nước và cả khu vực nói chung.
- Nhật Bản cũng đã đăng cai tổ chức cuộc họp các đại diện của ASEAN vào khoảng cuối tháng 9/2011, nhằm mục tiêu giải quyết các tranh chấp biển đảo. Cuộc họp cấp Thứ trưởng đã nhấn mạnh nhu cầu cần phải tiến tới đồng thuận trong việc diễn giải các luật biển quốc tế liên quan tới vấn đề tự do hàng hải. Hoạt dộng này đã bị phía Trung Quốc chỉ trích.
- Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết một thoả thuận quan trọng vào giữa tháng 10/2011 nhằm mục tiêu chấm dứt các tranh chấp biển đảo. Thoả thuận 6 điểm này bao gồm các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo việc giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển giữa hai nước.
Giải pháp
Các diễn biến trên đã cho thấy bên cạnh việc căng thẳng gia tăng do những sự kiện đã nêu, vẫn tồn tại quan điểm rằng rằng tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán hữu nghị và hoà bình. Điều quan trọng cần làm là tìm ra nguyên nhân tại sao trong quá khứ những nỗ lực như vậy đã thất bại và tại sao DOC đã không được thi hành, dù hiểu theo phương diện mặt chữ hay theo ý đồ của nó. Có 3 nguyên nhân có thể giải thích cho điều này. Thứ nhất, Trung Quốc không muốn bị kiềm chế bởi bất cứ một văn kiện nào. Thứ hai, bất đồng trong các cách tiếp cận của một bên là Trung Quốc và bên kia là các nước có liên quan còn lại cũng góp phần vào việc DOC không được thực thi. Trong khi Trung Quốc muốn có các thoả thuận song phương với các nước khác nhằm giải quyết tranh chấp, thì các nước còn lại đều ủng hộ một thoả thuận đa phương. Thứ ba, DOC được coi là một văn kiện thể hiện ý chí chính trị hơn là một văn kiện có tính ràng buộc về pháp lý. Tuy nhiên, DOC cũng có tác dụng tích cực. Hiện tại thì tất cả các nước, kể cả Trung Quốc đều đã đồng ý vào các nguyên tắc hướng dẫn thực hiện DOC, đây là một động thái đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, các bước tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử COC sẽ không phải là dễ dàng. Trong thoả thuận, chỉ có các vấn đề không mang tính tranh chấp như việc nghiên cứu công nghệ về biển, các nỗ lực tìm cứu nạn và chống cướp biển, các biện pháp chống sự xuống cấp của môi trường v.v. là được đề cập đến, trong khi đó vấn đề cốt lõi – các yêu sách chủ quyền chồng lấn nhau trên Biển Đông lại không được bao gồm. Việc giải quyết các vấn đề cốt lõi này như thế nào vẫn chưa có lời giải đáp. Không nghi ngờ gì về việc hợp tác giữa Trung Quốc và các nước liên quan tới tranh chấp sẽ giúp làm giảm căng thẳng. Một số các chuyên gia đã ủng hộ quan điểm này. Hợp tác trong các vấn đề phi truyền thống và không tập trung quá vào các vấn đề chủ quyền và quyền tài phán sẽ tạo cơ hội để các bên thảo luận với nhau về cuộc tranh chấp trên cơ sở không đối đầu và không chính thức. Tuy nhiên việc gạt qua một bên hay tạm hoãn giải quyết vấn đề cốt lõi là điều không nên nếu muốn duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Sau đây là một số kiến nghị đáng chú ý:
- Mặc dù tất cả các bên liên quan đều đã thống nhất về tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, hiện nay họ cần phải tránh tất cả các hành động có thể góp phần gia tăng căng thẳng. Trung Quốc, với tư cách là nhân tố quan trọng nhất, nên đặc biệt chú ý vấn đề này.
- Cho tới khi tranh chấp được giải quyết, tất cả các bên liên quan đến cuộc tranh chấp này đều nên tuân thủ vào Tuyên bố Ứng xử Biển Đông (DOC 2002) và Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) khi nó đã được xây dựng xong. Mặc dù điều này đã được tái khẳng định ở Hội nghị Bali tháng 7/2011 và tất cả các bên đều thống nhất tiến tới xây dựng COC, các bên cần có các nỗ lực để bảo đảm nó có tính ràng buộc pháp lý. Các nước liên quan cần phải đưa ra cam kết vững chắc đối với vấn đề này. Họ phải bảo đảm được rằng nếu cần thiết thì các đạo luật của họ có thể sửa đổi. Ở đây tôi muốn đặc biệt đề cập tới Đạo luật Đặc biệt về Lãnh hải và Vùng nước Tiếp giáp của Trung Quốc, với ý đồ hợp pháp hóa các yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa. Cũng cần phải làm rõ rằng COC sẽ được áp dụng trên toàn bộ khu vực, bởi vì nếu khả năng áp dụng của nó bị hạn chế thì nó sẽ không phục vụ được mục tiêu đề ra.
- Trong lúc các bên liên quan đề xuất lên các bản thảo COC của mình, họ cần phải chấp nhận một số điều kiện chung cơ bản nhằm mục tiêu biến tranh chấp Biển Đông trở thành thành việc quản lý biển đảo hướng tới thúc đẩy hòa bình, hữu nghị và thương mại. Các điều kiện này cần bao gồm việc cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực; bảo đảm không để xảy ra các sự kiện làm tái căng thẳng tình hình; hoàn toàn cấm việc đưa tàu, máy bay và tàu ngầm vào vùng lãnh hải của các nước khác; và không can thiệp vào các hoạt động thăm dò và hoạt động kinh tế của các nước khác.
- Xây dựng một cơ chế quản lý xung đột để bảo đảm việc thi hành nghiêm túc Quy tắc Ứng xử. Điều này sẽ bảo đảm rằng các sự cố ngoài ý muốn sẽ không xảy ra do các tính toán nhầm, thái độ phiêu lưu của các nhân viên hải quân và sự hiểu nhầm đối với một sự kiện khác. Cơ chế này cũng giúp tăng thực quyền cho COC.
- Tất cả các nước đều phải đồng ý rằng cuộc tranh chấp này liên quan nhiều nước và vì vậy, cần phải có một thỏa thuận đa phương. Điểm quan trọng mấu chốt này cần phải được tất cả các bên hiểu rõ.
Sau khi Bộ Quy tắc Ứng xử được đưa ra, các bên phải thực hiện các nỗ lực nhằm giải quyết các yêu sách chồng lấn. Các bên liên quan cần phải hiểu rõ rằng tính thực tế chính là nguyên tắc nền tảng của một giải pháp cho các tranh chấp này. Hiện nay thì tất cả các bên đều đang yêu sách các khu vực này dựa trên các lập luận về lịch sử. Bởi vì tùy trong từng giai đoạn, các khu vực tranh chấp này đã từng nằm dưới sự kiểm soát hoặc là đã từng bị sử dụng bởi ngư dân của các nước khác nhau, việc giải quyết các tranh chấp dựa trên các yêu sách về lịch sử là vô cùng khó khăn. Bởi vì thế, một giải pháp có tính lâu bền cho cuộc tranh chấp này không thể dựa vào các yêu sách lịch sử mà cần phải được dựa trên luật biển quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên đánh giá thấp nhu cầu linh hoạt áp dụng hay sửa đổi các điều khoản trong Công ước Luật Biển Quốc tế (UNCLOS) để nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông. Cần phải thống nhất giải pháp về một số vấn đề cụ thể, ví dụ như vấn đề về các đặc điểm của các hình thái địa chất để phù hợp với điều kiện trong Điều 121, việc cân nhắc sức nặng của các yêu sách theo định nghĩa trong Điều khoản này và việc làm sao giải quyết vấn đề về các yêu sách thềm lục địa mở rộng. Thái độ thực tế ở đây đòi hỏi các bên cần phải đề xuất các nỗ lực trong việc giải thích và áp dụng linh hoạt (có thể sửa đổi) luật biển quốc tế để phù hợp các điều kiện cụ thể của tranh chấp Biển Đông, với mục tiêu là tiến đến một giải pháp lâu dài cho vấn đề./.