Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

CĂNG THẲNG GIA TĂNG TẠI BIỂN ĐÔNG: NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP

HỌC VIỆN NGOẠI GIAO


Tài liệu tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba, chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 4-5 tháng 11 năm 2011
Tiến sĩ S.D. Pradhan
Cựu phó Cố vấn An ninh Quốc gia, Ấn Độ
Sự leo thang căng thẳng gần đây tại Biển Đông đã làm nổi bật nhu cầu cần phải đánh giá khách quan các nguyên nhân của cuộc tranh chấp và các diễn biến gần đây, kể cả tích cực lẫn tiêu cực, với mục tiêu nhằm đề ra các biện pháp để làm dịu đi tình hình, mà theo nhiều chuyên gia an ninh có nhiều tiềm năng sẽ leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang và để nhằm giúp các bên liên quan có thể tìm ra một biện pháp lâu dài.

Các nguyên nhân
Cuộc tranh chấp bắt nguồn từ thực tế rằng một vài nước trong khu vực có các yêu sách chủ quyền chồng lấn nhau đối với các hòn đảo ở Biển Đông. Vấn đề an ninh năng lượng ở khu vực và những quan ngại của các quốc gia đã làm tình hình thêm căng thẳng. Trong khi Trung Quốc yêu sách nguyên cả một vùng biển, các bên khác như Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei yêu sách từng phần của khu vực. Trong khi đó, Indonesia mặc dù không phải là một bên yêu sách đối với quần đảo Trường Sa, đường lưỡi bò của Trung Quốc cắt ngang qua vùng nước mà Indonesia yêu sách ở phía bắc vùng Natuna đồng thời đường phân định giữa Việt nam và Indonesia cũng chưa được thống nhất.
Biển Đông có tầm quan trọng về chiến lược. Đây là một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất trên thế giới. Các nước ven biển cung cấp thị trường tiềm năng cho sản phẩm của các nước phát triển. Bởi vì vậy, các nước bên ngoài khu vực luôn mong muốn bảo đảm nguyên tắc tự do hàng hải đối với việc các hoạt động thương mại. Thêm vào đó, khu vực này cũng có trữ lượng dầu khí khá lớn. Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) dự đoán rằng khu vực này có thể chứa trữ lượng lớn gần gấp hai lần trữ lượng dầu hiện Trung Quốc đã phát hiện và trữ lượng khí khá lớn. Vì thế, các nước ven biển đều muốn có phần trong khu vực này. Mặc dù các bên liên quan cho tới nay đã có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết hòa bình tranh chấp và đã thống nhất tuân thủ bản Tuyên bố Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC 2002), dựa trên các hành vi chuẩn mực của luật quốc tế cũng như các nỗ lực thúc đẩy việc hình thành Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC), căng thẳng gần đây đã có xu hướng gia tăng đáng kể.
Dưới đây là các sự kiện đã góp phần làm gia tăng căng thawgnr đáng chú ý:
- Tháng 2/2011, vụ đụng chạm giữa 2 tàu Trung Quốc và một tàu thăm dò dầu khí Philippines, thuộc sở hữu của Công ty Forum Energy, đã xảy ra. Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ, đồng thời là Chủ tịch Tiểu ban Đông Á của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, Jim Webb đã lên tiếng rằng, mặc dù phía Trung Quốc phủ nhận, các tàu của Trung Quốc đúng là đã cố ý đâm vào tàu Philippines.
- Tháng 5/2011, các máy bay của Trung Quốc đã bị phát hiện đang hoạt động trên bầu trời phía trên các đảo, các đảo san hô và các đảo đá mà ngoài Trung Quốc ra thì phía Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng đang yêu sách. Những nỗ lực này từ phía Trung Quốc trong việc khẳng định yêu sách của mình đã bị các bên liên quan trong cuộc tranh chấp xem như một hành vi khiến cho căng thẳng gia tăng.
- Vào các ngày 26/5 và 9/6/2011, các tàu tuần tiễu của Trung Quốc đã có hành động cắt dây cáp của các tàu thăm dò Việt Nam đang tiến hành các cuộc khảo sát địa chấn tại khu vực cách bờ biển miền Trung Việt Nam khoảng 120 hải lý. Các hành vi này rõ ràng là đã vi phạm vào Tuyên bố Ứng xử của Các bên tại Biển Đông (năm 2002) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.
- Vào tuần thứ 3 của tháng 7/2011, tàu INS Airavat của Hải quân Ấn Độ đang trên hành trình thăm hữu nghị Cảng Nha Trang của Việt Nam đã bị một tàu Trung Quốc yêu cầu rời khỏi “Các vùng nước của Trung Quốc” khi tàu này đang di chuyển lên phía trên về hướng Hải Phòng. Hành động này được xem như một nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền của họ tại khu vực biển thuộc Việt Nam.
- Tháng 9/2011, Trung Quốc phản đối việc thăm dò dầu khí của công ty ONGC Videsh Ltd (OVL) (Ấn Độ) tại hai lô của Việt Nam. Trung Quốc đã lên tiếng phản đối với phía Ấn Độ, tuyên bố rằng cách hoạt động của OVL là phi pháp, trừ phi họ nhận được sự cho phép của phía Trung Quốc để vào khai thác tại hai lô 127 và 128. Ấn Độ phản bác rằng sự phản đối của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý bởi vì các lô này thuộc về Việt Nam, sự kiện này cũng được xem như việc Trung Quốc cố gắng thách thức chủ quyền của Việt Nam tại khu vực và gửi đi một thông điệp cho tất cả các nước khác rằng Trung Quốc sẽ không cho phép bất cứ bên nào có quyền ra quyết định đối với việc khai thác tại các khu vực này mà không có sự đồng ý của Trung Quốc.
Trong bối cảnh như trên, các nguyên nhân sâu xa hơn cho việc gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng cần phải được phân tích. Với mục tiêu này, chúng ta cũng cần thiết phải phân tích tình hình tranh chấp tại hai khu vực khác mà Trung Quốc và các láng giềng của họ có liên quan. Một trong hai khu vực này là Biển Hoa Đông, nơi đang diễn ra căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Khu vực còn lại chính là vùng biên giới Trung Quốc- Ấn Độ, hiện cũng đang chứng kiến sự gia tăng căng thẳng. Các sự kiện gây ra căng thẳng gần đây ở hai khu vực này sẽ được mô tả trong các phần tiếp theo.
Cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông bắt nguồn từ các yêu sách đối lập nhau đối với quần đảo Senkaku/Diaoyu (Điếu Ngư) và khu vực mỏ khí thiên nhiên Okinawa/Yihu, được dự đoán là có trữ lượng vào tầm 17.5 tỷ Ft3 (foot khối) khí thiên nhiên cũng như một trữ lượng dầu đáng kể. Việc tranh chấp về vị trí của đường trung tuyến giữa hai nước cũng làm vấn đề thêm phức tạp. Trong khi Nhật Bản kiên quyết lập trường rằng đường trung tuyến giữa hai nước chính là đường để đánh dấu ranh giới của Khu vực Đặc quyền Kinh tế EEZ của mỗi bên thì Trung Quốc lại cho rằng khu vực EEZ của Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến này bởi vì sự kéo dài của thềm lục địa Trung Quốc. Thêm vào đó, việc Trung Quốc khai thác tại mỏ dầu Chunxiao – nằm trong khu vực đang bị tranh chấp, cũng đang gây ra căng thẳng bởi vì Nhật Bản cho rằng việc này sẽ làm cạn nguồn khí gas bên phía Nhật Bản thông qua các lỗ tổ ong của lớp đá đáy biển. Dưới đây là các sự kiện khiến căng thẳng gia tăng tại biển Hoa Đông:
- Năm 2008, hai tàu hải giám Trung Quốc đã tiến vào và ở lại trong lãnh hải của Nhật Bản hơn 9 giờ đồng hồ.
- Ngày 7/9/2010, hai tàu tuần tra Cảnh vệ Bờ biển Nhật Bản đã va chạm với một tàu đánh cá Trung Quốc trong khi đang tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật tại quần đảo Senkaku.
- Ngày 24/8/2011, khoảng một tháng sau Hội nghị ARF, hai tàu ngư chính của Trung Quốc đã tiến vào vùng lãnh hải của Nhật Bản. Đây là sự kiện đầu tiên kể từ năm 2008, khi các tàu của chính phủ Trung Quốc tiến vào khu vực lãnh hải của Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, một vài sự kiện cũng đã xảy ra tại khu vực biên giới Trung-Ấn, gia tăng căng thẳng giữa hai nước mặc dù Ấn Độ đã có một số thỏa thuận với Trung Quốc về việc giải quyết vấn đề biên giới và các vấn đề khác một cách hòa bình. Các thỏa thuận này bao gồm Hiệp định về Duy trì Hòa bình và Ổn định dọc Đường Kiểm soát Thực tế (năm 1993), Hiệp định về Các biện pháp Xây dựng Lòng tin trong Lĩnh vực Quân sự (1996), và Tuyên bố về Các Nguyên tắc trong Quan hệ giữa CHND Trung Hoa và CH Ấn Độ (2003). Mặc dù đã có các thỏa thuận trên, nhiều sự cố vẫn diễn ra làm tình hình căng thẳng:
- Năm 2009, Trung Quốc phản đối các chuyến thăm của Tổng thống và Thủ tướng Ấn Độ tới bang Arunachai Pradesh của Ấn Độ.
- Năm 2010, Trung Quốc phản đối Dự án Á châu của Ngân hàng Thế giới tại Arunachai Pradesh, tuyên bố rằng đây là khu vực “đang bị tranh chấp”.
- Năm 2010, Trung Quốc bắt đầu việc cấp visa rời cho người Ấn Độ ở ban J&K.
- Tháng 8/2010, Trung Quốc từ chối cấp visa cho Trung Tướng Jas Pal, Tư Lệnh của Bộ Tư Lệnh phía Bắc, vì lý do ông này đang đóng tại J&K. Sự thiếu khéo léo của phía Trung Quốc trong các vấn đề nhạy cảm ngoại giao được thể hiện rõ trong trường hợp này, vì Trung tướng Jas Pal đã được PLA mời.
- Tháng 8/2011, quân đội Trung Quốc đã được phát hiện tiến vào Lãnh thổ Ấn Độ và tiến hành tháo dỡ 17 công sự cũ tại khu vực Chumar của vùng Nyoma, cách vùng Leh khoảng 300km.
- Mùa hè năm 2011, các binh lính Trung Quốc đã nhiều lần tiến vào Lãnh thổ Ấn Độ tại khu vực Finger ở phía bắc Sikkim.
- Khoảng chừng 3000-4000 quân lính Trung Quốc hiện đang đóng tại khu vực Kashmir hiện đang bị kiểm soát bởi Pakistan.
Một phân tích tổng hợp về các diễn biến xảy ra tại ba khu vực trên cho phép chúng ta có cái nhìn rộng hơn đối với tình hình khu vực. Điểm chung giữa ba khu vực này chính là các cuộc tranh chấp đều liên quan giữa Trung Quốc đều cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng căng thẳng trong thời gian gần đây chính là việc Trung Quốc gia tăng thái độ hung hăng. Các chuyên gia an ninh tại các nước láng giềng của Trung Quốc chỉ ra rằng thái độ cương quyết của Trung Quốc hiện nay đang dần trở thành hung hăng. Họ quan niệm rằng Trung Quốc hiện đang muốn tái xác lập các biên giới đất liền cũng như biên giới biển của mình nhằm mục tiêu triển khai sức mạnh đang lên của họ. Các chuyên gia này cũng nhận định rằng Trung Quốc đã bắt đầu có thái độ hung hăng hơn đối với các nước láng giềng nhằm để thiết lập sự bá quyền của mình đối với các nước này. Họ cũng chỉ ra rằng Trung Quốc không coi trọng các thỏa thuận đã ký với các nước láng giềng về việc giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán. Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm dựng lên hình ảnh về một sự trỗi dậy hòa bình và không nhằm vào bất cứ nước nào chỉ là một âm mưu để che đậy động cơ giấu kín của họ – tăng cường sức mạnh của chính mình mà không kéo theo sự nghi ngờ từ các nước láng giềng. Sách Trắng Quốc phòng gần đây của Trung Quốc đã một lần nữa nhấn mạnh vào sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, nhưng các nước láng giềng hầu như không cảm thấy đáng tin. Các nước khác thì đánh giá rằng tiềm lực quân sự của Trung Quốc không chỉ hướng đến việc phát triển các khả năng phòng vệ mà trong thực tế, đã có thể tạo cho Trung Quốc các “khả năng đe dọa”.
Trong khi đó, Trung Quốc lại có quan điểm rằng tất cả các khu vực tranh chấp là thuộc về họ. Lập trường này có thể thấy rõ ràng nhất qua tranh chấp Biển Đông. Vấn đề đáng tranh cãi chính là tại sao Trung Quốc lại duy trì một lập trường mà bị các nước láng giềng của họ coi là hung hăng. Phương diện này cần được phân tích sâu hơn, trước khi chúng ta có thể đề ra các biện pháp nhằm tháo gỡ tình hình căng thẳng gia tăng tại Biển Đông. Thái độ hung hăng ngày càng  tăng của Trung Quốc bắt nguồn từ một số các yếu tố sau:
- Sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc đối với sức mạnh kinh tế của mình. Trung Quốc hiện đang cảm thấy họ đã và đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong bối cảnh cuộc suy thoái toàn cầu. Điều này tạo điều kiện cho Trung Quốc có thể gia tăng chi tiêu quốc phòng một cách đáng kể.
- Ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã gia tăng hai con số trong suốt hai thập kỷ qua. Theo tuyên bố chính thức của Trung Quốc, ngân sách quốc phòng đã tăng một cách đáng kể từ khoảng 17 tỷ USD năm 2001 lên đến hơn 91 tỷ USD năm 2011. Chi tiêu quốc phòng thực tế được dự đoán là nhiều gấp 2 cho tới 2.5 lần so với tuyên bố chính thức. Có thể giải thích điều này vì là ngân sách chính thức của Trung Quốc đã không bao gồm giá trị các vũ khí nhập từ Nga, các quỹ của chính quyền Trung ương lẫn địa phương dành cho việc huy động, chuẩn bị, tuyển mộ cũng như giải ngũ; các chi tiêu của khu vực công nghiệp quân sự do dân sự điều hành trong cách hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ quân sự; giá trị của lượng thực phẩm được sản xuất và tiêu thụ bởi các đơn vị của PLA cũng như các thu nhập từ các doanh nghiệp PLA. Năm 2010, Ngoại trưởng Nhật Bản đã bày tỏ niềm quan ngại đối với chi tiêu quân sự rất lớn của Trung Quốc.
- Sự tự tin cao của Trung Quốc đối với các tiềm lực quân sự của mình, từ kết quả của các nỗ lực không ngừng nhằm hiện đại hóa các lực lượng vũ trang kể từ lúc Trung Quốc bắt đầu nhấn mạnh vào chương trình Bốn Hiện đại hóa. Tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt rằng “Trung Quốc đang chuẩn bị cho (khả năng) xung đột vũ trang trên bất cứ hướng chiến lược nào đồng thời Trung Quốc sẽ đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quân đội và phát triển các thiết bị”, rất đáng chú ý nếu đặt trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng kho tên lửa của mình cũng như phát triển các loại tên lửa tinh vi với các hệ thống dẫn đường tiên tiến. Trong vòng 10 năm qua, các đơn vị tên lửa tầm ngắn của Trung Quốc đã tăng hơn 7 lần thể hiện sự gia tăng số lượng tên lửa của Trung Quốc từ năm 2000. Các tên lửa tầm xa của Trung Quốc cũng có tầm bắn gây ấn tượng mặc dù số lượng tên lửa này không gia tăng thêm nhiều trong vòng hai năm qua. Trong năm qua, số lượng tên lửa hành trình đã tăng 30%. Cân nhắc cả những tiến triển này, Báo Cáo Quốc phòng Hằng Bốn năm 2010 của Mỹ đã nhận xét rằng: “Trung Quốc đang phát triển và mua sắm số lượng lớn các vũ khí tiên tiến, các hệ thống phòng thủ tầm xa có hiệu quả, các khả năng tác chiến điện tử và tấn công mạng máy tính, máy bay chiến đaúa và hệ thống phòng không tiên tiến.” Sự tăng trưởng của kho tên lửa của Trung Quốc được các nước láng giềng cũng như các nước phương Tây xem như là một mối đe doạ dối với cân bằng lực lượng tại khu vực.
- Các thay đổi trong học thuyết hạt nhân Trung Quốc cũng bị các nước láng giềng coi là một mối đe doạ nghiêm trọng về việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân. Trong vài năm gần đây, việc Trung Quốc không có ý định thi hành chính sách “Không Sử dụng Trước” (No First Use) đối với vũ khí hạt nhana, ít nhất là trong khu vực lân canạ, đã dần dần trở nên rõ ràng. Điều này lần đầu tiên được thể hienẹ vào năm 2010, tại một cuộc họp cấp cao, PLA đã đề nghị rằng Trung Quốc nên sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ và trong trường hợp các nước có vũ khí hạt nhân tấn công các nước không có vũ khí hạt nhân. Những người ủng hộ đối với thay đổi này lập luận rằng tình huống như vậy sẽ ngăn cản khả năng Mỹ can thiệp vào các chiến dịch quân sự của Trung Quốc ở Đài Loan, nếu chúng diễn ra trong tương lai. Năm 2006, Thiếu Tướng Zhu Chengdu, Giám đốc của cơ quan nghiên cứu có uy tín được nhà nước tài trợ – Vienẹ Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IISS) đã chỉ ra rằng Trung Quốc không có lựa chọn nào hơn ngoài việc phải phản ứng lại bằng các loại vũ khí hạt nhân trong trường hợp Mỹ tấn công vào lãnh thổ Trung Quốc với các loại vũ khí thông thường. Sau đó, Trung Quốc bắt đầu phát triển các loại vũ khí hạt nhân tác chiến, điều này có thấy một sự thay đổi đối với chính sách “Không Sử dụng Trước”. Các chuyên gia an ninh phân tích rằng các loại vũ khí hạt nhân tác chiến không thống nhất với tuyên bố chính thức của Trung Quốc về việc “Không Sử dụng Trước”.
- Sự gia tăng các tiềm lực về hải quân của Trung Quốc cũng góp phần vào sự gia tăng mức độ cương quyết của Trung Quốc. Tháng 8/2010, Báo cáo Lầu Năm góc Những chuyển biến về Quân sự và An ninh liên quan tới Trung Quốc đã chỉ ra rằng một số lượng nhỏ các tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo – tàu lớp Jin (Loại 094) đã xuất hiện và bốn chiếc tàu loại này có thể đang được sản xuất đồng thời báo cáo cũng đề cập đến sự phát triển dần dần của các tên lửa hạt nhân phóng lửa trên biển của Trung Quốc. Một báo cáo khác cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đã sản xuất được loại tên lửa mới – JL13, mặc dù một số chuyên gia tỏ ý nghi ngờ về tính tin cậy của báo cáo này. Việc Trung Quốc triển khai các tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM) cũng đã gây ra quan ngại cho các nước láng giềng. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đã vừa mới đưa vào hoạt động tàu sân bay mới, Varyag, của họ.
- Sự tăng cường tiềm lực không quân của Trung Quốc cũng là một nguyên nhân gây quan ngại. Trung Quốc đã sản xuất được một máy bay chiến đấu tàng hình. Tháng 1/2010, Trung Quốc đã khiến nhiều nhà quan sát về quân sự kinh ngạc khi máy bay tàng hình của họ cất cánh trong một chuyến bay thử vào ngày mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hội kiến Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ở Bắc Kinh.
- Quan niệm của Trung Quốc cho rằng cơ hội đã đến để Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn thế giới trong bối cảnh cân bằng lực lượng toàn cầu đang có chuyển biến từ phía Tây sang phía Đông đồng thời với sự xuất hiện của một thế giới đa cực.
- Những mối nghi ngờ của Trung Quốc về chiến lược của Mỹ đối với Đài Loan và quan niệm của Trung Quốc và quan niệm của Trung Quốc cho rằng việc kiểm soát toàn bộ Biển Đông có vai trò mấu chốt đối với an ninh quốc gia của mình.
- Những khác biệt giữa Trung Quốc với Mỹ và Nga và việc Trung Quốc xem các nước láng giềng của mình như là các đồng minh của hai nước này.
Sức mạnh quân sự đang tăng lên của Trung Quốc cũng đi kèm với giọng điệu và các động thái ngoại giao hung hăng hơn. Kể từ năm 2010, điều này càng trở nên rõ ràng hơn trong các cuộc tranh cãi với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á khác xung quanh các hòn đảo tranh chấp, với Washington xung quanh vấn đề thương mại, đồng Nhân dân tệ, nhân quyền và trong năm nay, về các hoạt động ở Biển Đông. Ở Biển Đông, chiến lược của Trung Quốc được định hướng từ sự nhận thức về tầm quan trọng chiến lược của khu vực này đối với thương mại, nghề cá, khoáng sản và dầu khí và mong muốn có được sự kiểm soát toàn diện đối với khu vực. Các chuyên gia an ninh chỉ ra rằng tranh chấp ở Biển Đông bị thúc đaỷa bởi cơn khát dầu mỏ khó có thể thoả mãn của Trung Quốc.
Các tiến triển tích cực gần đây
Mặc dù các sự kiện nêu ở trên đã làm gia tăng căng thẳng, một số các tiến triển có tính tích cực cũng đã diễn ra:
- Một thoả thuận vừa đạt được tại cuộc họp giữa các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc ngày 21/7/2011 tại Bali về việc thi hành Tuyên bố Cách Ứng xử của các bên tại Biển Đông. Các quy tắc hướng dẫn thi hành đã được thông qua. Một chương trình hành động đã được đề xuất để hướng đến việc thi hành Tuyên bố Chung về Đối tác Chiến lược vì Hoà bình và Thịnh vượng ASEAN-Trung Quốc trong giai đoạn 2011-15. Các bên cũng thống nhất rằng các bất đồng sẽ được giải quyết hoà bình thông qua đàm phán hữu nghị dựa trên các nền tảng của luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982, tuân thủ DOC và tiến tới hình thành Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông.
- Các Ngoại trưởng ASEAN đã thống nhất thành lập một nhóm công tác để thảo luận việc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông COC. Quyết định này được thông qua tại cuộc họp không chính thức của các Ngoại trưởng ASEAN bên lề Phiên họp thứ 66 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc ở New York 24/9/2011.
- Tổng thống Philippines trong chuyến thăm tới Trung Quốc hồi đầu tháng 9/2011 đã tiến tới một thoả thuận với Trung Quốc. Với thoả thuận này, cả hai phía nhắc lại các cam kết về việc giải quyết các tranh chấp biển đảo thông qua đối thoại hoà bình, duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và một môi trường khu vực có lợi cho phát triển kinh tế.
- Nhật Bản và Philippiné đã ký kết thoả thuận hợp tác an ninh vào cuối tháng 9/2011. Hai nước thống nhất duy trì tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và tuân thủ với luật quốc tế và giải quyết hoà bình tranh chấp vì lợi ích của hai nước và cả khu vực nói chung.
- Nhật Bản cũng đã đăng cai tổ chức cuộc họp các đại diện của ASEAN vào khoảng cuối tháng 9/2011, nhằm mục tiêu giải quyết các tranh chấp biển đảo. Cuộc họp cấp Thứ trưởng đã nhấn mạnh nhu cầu cần phải tiến tới đồng thuận trong việc diễn giải các luật biển quốc tế liên quan tới vấn đề tự do hàng hải. Hoạt dộng này đã bị phía Trung Quốc chỉ trích.
- Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết một thoả thuận quan trọng vào giữa tháng 10/2011 nhằm mục tiêu chấm dứt các tranh chấp biển đảo. Thoả thuận 6 điểm này bao gồm các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo việc giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển giữa hai nước.
Giải pháp
Các diễn biến trên đã cho thấy bên cạnh việc căng thẳng gia tăng do những sự kiện đã nêu, vẫn tồn tại quan điểm rằng rằng tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán hữu nghị và hoà bình. Điều quan trọng cần làm là tìm ra nguyên nhân tại sao trong quá khứ những nỗ lực như vậy đã thất bại và tại sao DOC đã không được thi hành, dù hiểu theo phương diện mặt chữ hay theo ý đồ của nó. Có 3 nguyên nhân có thể giải thích cho điều này. Thứ nhất, Trung Quốc không muốn bị kiềm chế bởi bất cứ một văn kiện nào. Thứ hai, bất đồng trong các cách tiếp cận của một bên là Trung Quốc và bên kia là các nước có liên quan còn lại cũng góp phần vào việc DOC không được thực thi. Trong khi Trung Quốc muốn có các thoả thuận song phương với các nước khác nhằm giải quyết tranh chấp, thì các nước còn lại đều ủng hộ một thoả thuận đa phương. Thứ ba, DOC được coi là một văn kiện thể hiện ý chí chính trị hơn là một văn kiện có tính ràng buộc về pháp lý. Tuy nhiên, DOC cũng có tác dụng tích cực. Hiện tại thì tất cả các nước, kể cả Trung Quốc đều đã đồng ý vào các nguyên tắc hướng dẫn thực hiện DOC, đây là một động thái đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, các bước tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử COC sẽ không phải là dễ dàng. Trong thoả thuận, chỉ có các vấn đề không mang tính tranh chấp như việc nghiên cứu công nghệ về biển, các nỗ lực tìm cứu nạn và chống cướp biển, các biện pháp chống sự xuống cấp của môi trường v.v. là được đề cập đến, trong khi đó vấn đề cốt lõi – các yêu sách chủ quyền chồng lấn nhau trên Biển Đông lại không được bao gồm. Việc giải quyết các vấn đề cốt lõi này như thế nào vẫn chưa có lời giải đáp. Không nghi ngờ gì về việc hợp tác giữa Trung Quốc và các nước liên quan tới tranh chấp sẽ giúp làm giảm căng thẳng. Một số các chuyên gia đã ủng hộ quan điểm này. Hợp tác trong các vấn đề phi truyền thống và không tập trung quá vào các vấn đề chủ quyền và quyền tài phán sẽ tạo cơ hội để các bên thảo luận với nhau về cuộc tranh chấp trên cơ sở không đối đầu và không chính thức. Tuy nhiên việc gạt qua một bên hay tạm hoãn giải quyết vấn đề cốt lõi là điều không nên nếu muốn duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Sau đây là một số kiến nghị đáng chú ý:
- Mặc dù tất cả các bên liên quan đều đã thống nhất về tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, hiện nay họ cần phải tránh tất cả các hành động có thể góp phần gia tăng căng thẳng. Trung Quốc, với tư cách là nhân tố quan trọng nhất, nên đặc biệt chú ý vấn đề này.
- Cho tới khi tranh chấp được giải quyết, tất cả các bên liên quan đến cuộc tranh chấp này đều nên tuân thủ vào Tuyên bố Ứng xử Biển Đông (DOC 2002) và Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) khi nó đã được xây dựng xong. Mặc dù điều này đã được tái khẳng định ở Hội nghị Bali tháng 7/2011 và tất cả các bên đều thống nhất tiến tới xây dựng COC, các bên cần có các nỗ lực để bảo đảm nó có tính ràng buộc pháp lý. Các nước liên quan cần phải đưa ra cam kết vững chắc đối với vấn đề này. Họ phải bảo đảm được rằng nếu cần thiết thì các đạo luật của họ có thể sửa đổi. Ở đây tôi muốn đặc biệt đề cập tới Đạo luật Đặc biệt về Lãnh hải và Vùng nước Tiếp giáp của Trung Quốc, với ý đồ hợp pháp hóa các yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa. Cũng cần phải làm rõ rằng COC sẽ được áp dụng trên toàn bộ khu vực, bởi vì nếu khả năng áp dụng của nó bị hạn chế thì nó sẽ không phục vụ được mục tiêu đề ra.
- Trong lúc các bên liên quan đề xuất lên các bản thảo COC của mình, họ cần phải chấp nhận một số điều kiện chung cơ bản nhằm mục tiêu biến tranh chấp Biển Đông trở thành thành việc quản lý biển đảo hướng tới thúc đẩy hòa bình, hữu nghị và thương mại. Các điều kiện này cần bao gồm việc cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực; bảo đảm không để xảy ra các sự kiện làm tái căng thẳng tình hình; hoàn toàn cấm việc đưa tàu, máy bay và tàu ngầm vào vùng lãnh hải của các nước khác; và không can thiệp vào các hoạt động thăm dò và hoạt động kinh tế của các nước khác.
- Xây dựng một cơ chế quản lý xung đột để bảo đảm việc thi hành nghiêm túc Quy tắc Ứng xử. Điều này sẽ bảo đảm rằng các sự cố ngoài ý muốn sẽ không xảy ra do các tính toán nhầm, thái độ phiêu lưu của các nhân viên hải quân và sự hiểu nhầm đối với một sự kiện khác. Cơ chế này cũng giúp tăng thực quyền cho COC.
- Tất cả các nước đều phải đồng ý rằng cuộc tranh chấp này liên quan nhiều nước và vì vậy, cần phải có một thỏa thuận đa phương. Điểm quan trọng mấu chốt này cần phải được tất cả các bên hiểu rõ.
Sau khi Bộ Quy tắc Ứng xử được đưa ra, các bên phải thực hiện các nỗ lực nhằm giải quyết các yêu sách chồng lấn. Các bên liên quan cần phải hiểu rõ rằng tính thực tế chính là nguyên tắc nền tảng của một giải pháp cho các tranh chấp này. Hiện nay thì tất cả các bên đều đang yêu sách các khu vực này dựa trên các lập luận về lịch sử. Bởi vì tùy trong từng giai đoạn, các khu vực tranh chấp này đã từng nằm dưới sự kiểm soát hoặc là đã từng bị sử dụng bởi ngư dân của các nước khác nhau, việc giải quyết các tranh chấp dựa trên các yêu sách về lịch sử là vô cùng khó khăn. Bởi vì thế, một giải pháp có tính lâu bền cho cuộc tranh chấp này không thể dựa vào các yêu sách lịch sử mà cần phải được dựa trên luật biển quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên đánh giá thấp nhu cầu linh hoạt áp dụng hay sửa đổi các điều khoản trong Công ước Luật Biển Quốc tế (UNCLOS) để nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông. Cần phải thống nhất giải pháp về một số vấn đề cụ thể, ví dụ như vấn đề về các đặc điểm của các hình thái địa chất để phù hợp với điều kiện trong Điều 121, việc cân nhắc sức nặng của các yêu sách theo định nghĩa trong Điều khoản này và việc làm sao giải quyết vấn đề về các yêu sách thềm lục địa mở rộng. Thái độ thực tế ở đây đòi hỏi các bên cần phải đề xuất các nỗ lực trong việc giải thích và áp dụng linh hoạt (có thể sửa đổi) luật biển quốc tế để phù hợp các điều kiện cụ thể của tranh chấp Biển Đông, với mục tiêu là tiến đến một giải pháp lâu dài cho vấn đề./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét