Thất vọng về bản Hiến pháp mới của Việt Nam
THE DIPLOMAT10-11-2103
Tác giả: Đỗ Kim Thêm
Người dịch: BT
Những hậu quả của tình trạng quản lý yếu kém ở Việt Nam đã đến mức chế độ cai trị và cấu trúc của bản hiến pháp cần phải được thay đổi về cơ bản. Nhiều cuộc thảo luận đã tập trung vào một lộ trình dẫn đến dân chủ, cơ chế thị trường định hướng dẫn xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Thách thức là rất lớn, và bất cứ chuyển biến nào cũng sẽ phải tùy thuộc hoàn toàn vào ý chí chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Các nhà quan sát đã và đang chờ đợi để xem liệu có hay không bất cứ sự thay đổi nào trong giới tinh hoa của đảng.
Trong bản báo cáo mới nhất của mình vào tháng 10 năm 2013, ĐCSVN đã bóp chết mọi hy vọng lạc quan. Đảng vẫn khăng khăng rằng địa vị lãnh đạo đất nước của mình không thể bị thay đổi; bất kỳ cải cách nào về hiến pháp mà không giữ nguyên vai trò cầm quyền của Đảng thì đều là không thể tưởng tượng được.
Những hy vọng của công chúng về bất cứ sự tái sinh nào cho bản hiến pháp đều là một giấc mơ không thể có trên thực tế. Quốc hội sẽ phê chuẩn bản hiến pháp mới vào tháng 11 năm 2013, và nó sẽ là một bản hiến pháp do ĐCSVN áp đặt.
Cuộc thảo luận về hiến pháp mới đã được thực hiện theo kiểu từ trên xuống dưới. Kết quả chắc chắn sẽ là nỗi thất vọng trong công chúng trước sự tồn tại dai dẳng của mô hình cũ, đặc biệt là Điều 4, là thứ đem tới quyền lãnh đạo tối cao quyệt đổi của ĐCSVN. Hiến pháp mới cũng sẽ cung cấp cho ĐCSVN những lỗ hổng rộng lớn về pháp lý để từ đó tùy tiện diễn giải theo ý mình. Có quá nhiều niềm phấn khích cho buổi bình minh của một thời đại mới.
Trong khi đó, đối với các nhà kinh tế, những mối nghi ngại là: hiến pháp mới có thể giải cứu được tình hình kinh tế hiện tại hay không? Và đặc biệt là các nhà kinh tế làm thế nào để cho điều đó xảy ra?
Nhìn chung ta có thể đồng ý rằng kinh tế vĩ mô của Việt Nam sau những cải cách bắt đầu vào năm 1989 là rất ấn tượng. Cho đến năm 2009, đã có một số thành công nổi bật. Không giống như các nền kinh tế đi tiên phong cải cách ở các nước Đông Á, Việt Nam có lợi thế của một kẻ đến sau, giúp tăng tốc tiến trình đổi mới và cho phép nước này tiếp nhận các bí quyết của nước khác và thuận lợi trong huy động vốn. Các nhà tài trợ và đầu tư quốc tế cũng đã giúp sức.
Tuy nhiên , tốc độ tăng trưởng đã chậm lại đáng kể từ năm 2011, và xem ra sẽ còn chậm hơn nữa. Việt Nam đã và đang phải vật lộn với những thách thức của tiến trình rất cần thiết, đó là buộc phải tái cân bằng cấu trúc nền kinh tế. Giống như Trung Quốc , nền kinh tế nước này đang gặp phải khó khăn do bất ổn, mất cân bằng và thiếu tính bền vững, được thể hiện trên tất cả những cái giá phải trả về xã hội và môi trường. Xuất khẩu và sản xuất hàng hóa cũng đang suy giảm.
Tầng lớp tinh hoa của đảng cần phải đáp ứng được trước tình hình đó bằng tầm nhìn định hướng lại nền kinh tế, giữa bối cảnh bất ổn toàn cầu. Tất nhiên, việc đầu tư vẫn phải được tiếp tục là động lực chính cho sự phát triển và đổi mới công nghệ, để có vốn giúp phát triển công nghiệp . Thế nhưng các nhà hoạch định chính sách cũng cần phải xử lý tình trạng xơ cứng, hậu quả của không chỉ từ các yếu tố bên ngoài và mang tính chu kỳ, mà còn bởi sự mất cân bằng cấu trúc nội tại.
Về phần mình, chính phủ phải trấn an nhà đầu tư rằng các quy định của pháp luật sẽ được nghiêm túc thực hiện. Cũng còn cần phải nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục, chế độ chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, giúp nền kinh tế hướng tới tạo lên chuỗi giá trị riêng của mình. Việc đánh giá chất lượng của tiến trình đổi mới, của các cơ quan tổ chức và ý thức ganh đua sẽ đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề này.
Ngoài ra, có một thực tế được lặp đi lặp lại như một điệp khúc là: Việt Nam không thể tái cân bằng chỉ trong một đêm. Có một điều rõ ràng là doanh nghiệp nhà nước làm tăng thêm những rủi ro mang tính hệ thống và sẽ không thoát khỏi quy luật của thị trường khi ngày càng tham gia vào việc cản trở tiến trình cải cách. Đây có lẽ là ví dụ tốt nhất về tình trạng trì độn của các công cụ chính sách, và chừng nào mà ĐCSVN vẫn tỏ ra bất lực trong việc đối phó với tình trạng đó, thì tiến trình tăng trưởng vẫn sẽ tiếp tục chậm chạp ở mức dưới 5%. Các ảnh hưởng lâu dài sẽ khó dự đoán hơn.
Nói rộng ra hơn, thì mô hình của chủ nghĩa tư bản nhà nước cộng với thể chế độc đảng cầm quyền có những giới hạn của nó, khi mà chính phủ đang tỏ ra không sẵn sàng chấp nhận việc cải cách chính trị. Bộ Chính trị của đảng đã dùng những nỗ lực mạnh mẽ của mình để duy trì nguyên trạng quyền lãnh đạo.
Và xã hội dân sự ở Việt Nam thì sao? Liệu nó có thể giành được những gì mà giới chính trị và thị trường có được hay không? Đến lúc này thì chưa thể biết được, thế nhưng những gì xã hội dân sự có thể làm được là giúp cho người dân Việt Nam trong việc có được tiếng nói riêng của mình, và bắt đầu cho một không khí thảo luận mạnh mẽ hơn trong công chúng.
Sự cai trị của ĐCSVN sẽ không thể kéo dài mãi mãi, và việc nhiều người dân tham gia vào công việc của đất nước có thể giúp tạo điều kiện cho tiến trình chuyển đổi xã hội một cách ôn hòa.
Đỗ Kim Thêm là tác giả của cuốn The Buddhist Viewpoint on Contemporary Issues – Quan điểm của Phật giáo về Các vấn đề hiện đại (NXB Hồng Đức, Việt Nam, 2012).
Bản tiếng Việt © Diễn đàn Xã hội Dân sự 2013
Khoảng cách giữa hai thế hệ ở Việt Nam - Hành trình tương lai
Timo Robben (taz, Berlin 03/11/2013)
Mỹ Nga dịch
Người lớn tuổi vẫn còn tin tưởng vào chủ nghĩa Cộng sản, người trẻ tuổi thì nghĩ khác, nhưng không lớn tiếng.
Tuổi trẻ Việt Nam muốn đi theo những con đường mới – nhưng chỉ một số nhỏ dám công khai tranh đấu. Ảnh: dpa
HANOI
(taz) - Nguyễn Thị Biên (*) sống với một giấc mơ, nhưng không phải là
giấc mơ của riêng cá nhân cô mà là của đảng Cộng sản Việt Nam. Bộ chính
trị mơ có sự „tiến bộ“, „phát triển“ và „lợi nhuận“. Chính vì thế mà cô
gái trẻ này đã phải ghi tên vào đại học sau khi đậu tú tài như những cô
tú cậu tú của nước Việt Nam.
Đã từ lâu, Biên
không còn tin tưởng vào chế độ CS. „Để có sự tiến bộ, cần phải có chế độ
tư bản. Cần phải có một hệ thống cạnh tranh (đa đảng) để từ đó
có thể chọn ra một đảng tốt nhất, phục vụ tốt nhất cho dân“. Đó là lời
phát biểu của cô gái 23 tuổi. Nhưng trong bối cảnh chính trị của Việt
Nam cô không thể công khai tranh đấu, vì thế cô chỉ tự tranh đấu với
chính nội tâm mình.
Đã lâu lắm rồi, từ lúc máy
bay B-52 của Mỹ dội bom Hà Nội. Năm 1975 chiến tranh chấm dứt, năm 1976
thống nhất hai miền Nam Bắc Việt Nam. Giữa thập biên 80 bắt đầu có
những cải tổ về „kinh tế thị trường“. Tuy nhiên, những xung đột dằng co
giữa Tư bản và Cộng sản ở Việt Nam trước sau vẫn hiện hữu – hiện hữu
ngay trong đầu óc người dân.
Xã hội đã bị
phân chia. Trong khi thế hệ lớn lên với chiến tranh vẫn còn tin tưởng
vào các nhà lãnh đạo của họ thì các thế hệ trẻ như Biên không thể nào
tiếp tục nhắm mắt trước những tệ nạn tham nhũng của các quan quyền trong
nước. Những người trẻ này thực sự đòi hỏi một chế độ, một chế độ mà
nhiều người trước đó đã bao năm chiến đấu chống lại - chế độ Tư bản.
Máy vi tính - ngưỡng cửa nhìn ra thế giới
Vừa
mới đây thôi, ngài Viện trưởng đại học đã trân trọng trao tận tay Biên
tấm bằng tốt nghiệp Bachelor ngành Anh văn, bây giờ về nhà, cô thay áo,
vuốt nhẹ chiếc áo đẹp, cởi phăng đôi giày cao gót vất vào một góc, rồi
cô mặc chiếc quần Jean và T-Shirt ngồi trên giường trong căn phòng thời
thơ ấu thật đơn giản của cô ở phía nam Hà Nội: một tấm đệm dưới đất, một
bàn học kê ở góc nhà, vài tấm hình gia đình treo trên tường. Cô không
được phép mở cánh cửa ban công, vì cha mẹ cô cho rằng mở ra sẽ rất nguy
hiểm.
Nghe thế, Biên chỉ nhíu mày, cô biết
những điều cấm cản đó là không đúng. Cửa sổ nhìn ra thế giới của cô vẫn
đang nằm trên bàn học – đó là chiếc máy vi tính. „Đảng dạy mọi người
rằng, con người trên thế giới này bị đoạ đày dưới chế độ Tư bản. Nhưng
sao tôi lại thấy họ đang được thụ hưởng từ chế độ đó. Những người trẻ ở
Âu Châu có toàn quyền làm những gì họ ưa thích“, cô gái trẻ 23 tuổi tự
nhủ bằng một giọng hậm hực bực bội, như đang muốn phân bua với cha mẹ cô
rằng chính cô cũng cần cái tự do đó.
Cha mẹ cô
sống ở tầng ba. Một tầng trên lầu cô ở. Ở Việt Nam, cha mẹ ở tầng trên,
con cái ở tầng dưới là chuyện thường tình. Biên học ngành sư phạm Anh
văn. Cô gái trẻ thổ lộ „Nhưng tôi không muốn đi dạy học, tôi thích làm
việc cho các tổ chức phi chính phủ (NGO: non-governmental organization)
hơn. Tôi muốn cho mọi người biết đất nước tôi và tạo thêm được nhiều mối
dây thông cảm“. Tuy nhiên, Biên không có quyền tự quyết định. Cha mẹ sẽ
hướng dẫn cô phải đi theo đường nào. Lấy chồng và đẻ con là những điều
tiên quyết trong cuộc đời của con người.
Cha mẹ hiểu biết hơn
Dĩ
nhiên Biên rất thích đi du lịch, đi đây, đi đó để mở mắt thêm chút ít
về thế giới bên ngoài. Cô nói tiếp: „Tuy nhiên tôi vẫn muốn ở lại với
cha mẹ tôi“. Thật ra cũng tốt cho cô khi cô tin tưởng được rằng lúc nào
cũng có ai đó bên cạnh cô, giúp đỡ cô. „Tôi sẽ không bao giờ trái lời
cha mẹ tôi, dù ông bà rất nghiêm ngặt với tôi, nhưng cha mẹ tôi biết rõ
điều gì là tốt nhất cho tôi. Cha mẹ tôi có nhiều kinh nghiệm hơn tôi,
điều này tôi rất tôn trọng“.
Biên tìm cách giải
bày cảm nghĩ của cô. „Người VN chúng tôi không cần phải tự lo nghĩ cho
mình, mọi vấn đề đã có cha mẹ và nhà nước lo. Chính vì thế mà tất cả đều
trở nên quá thụ động“, cô ta tự phê bình và nhìn xuống đất. Ở Việt Nam
người ta tránh cãi vã xung đột. Không ai muốn bị mất sĩ diện cả. „Những
xung đột đó chỉ được giữ trong nội tâm của tôi“.
Biên
cân nhắc, cố giữ thăng bằng giữa truyền thống và hiện đại, giữa phục
tùng và tự quyết. Đã từ lâu Biên xem cha mình - một sĩ quan cảnh sát -
là thần tượng. Nhưng rồi Internet qua những quảng cáo khuyến mại đã đưa
chuyện „bình đẳng của phái nữ“ theo kiểu „Avril Lavigne“ (cô ca sĩ người
Gia Nã Đại) đến tận căn phòng cô ở. Cha mẹ Biên cho rằng chạy ván trượt
(skateboard) rất nguy hiểm, vì thế cô phải lén lút đi ván trượt với các
bạn ở ngoại ô.
„Lúc này Avril Lavigne khuấy
động như một cô công chúa“, Biên tỏ ý thất vọng về thần tượng của cô. Dù
nay cô đã bỏ cuộc, không còn chống đối bố mẹ, nhưng cô vẫn không muốn
theo nghề của cha. Sự chống đối của cô chưa bao giờ vượt qua được bức
rào cản của cha mẹ. Bây giờ cô chỉ còn ngồi post hình những chiếc áo
cưới lên mạng.
Một đôi tình nhân kiểu mẫu của thập niên 80
Năm
thiếu tướng Phạm Ngọc Lan 23 tuổi thì ông có những lo âu khác. Chiến
tranh chống Pháp rồi đến chống Mỹ đã để lại nhiều dấu ấn vào cuộc đời
ông. Đến ngày nay ông tướng hồi hưu vẫn còn mặc quân phục với rất nhiều
huy chương gắn trên ngực áo. Hồ Chí Minh đã tuyên dương và tự tay gắn
chiếc „huy chương bác Hồ“ cho người phi công đã bắn rơi chiếc máy bay
đầu tiên của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Ông
cụ 79 tuổi cũng tranh đấu. Không tranh đấu với chính mình mà là với kẻ
thù, một kẻ thù đã từ lâu không còn hiện hữu. „Ngày nào tôi còn sống,
ngày đó tôi còn dâng hiến cuộc đời tôi chống những thế lực nước ngoài có
ác tâm muốn chúng tôi lầm đường lạc hướng“, ông ta tuyên bố như thế.
Đảng chỉ sao chép lại những khía cạnh tốt của chế độ Tư bản mà thôi.
Ông
cụ không cảm thấy ngượng ngùng khi tuyên bố những lời dao to búa lớn.
Bà vợ ngồi bên cạnh ông ta. Hai vợ chồng là đôi tình nhân tình tứ nhất,
hào nhoáng nhất của nước Việt Nam đã thống nhất. Một anh hùng dân tộc
trẻ tuổi và một cô giáo hấp dẫn lôi cuốn. Ngày nay, hai ông bà vẫn còn
rất hãnh diện khi kể lại những điều này. Kể cả ông nhiếp ảnh gia, người
mà chính Phạm Ngọc Lan mời chọn cho cuộc phỏng vấn, cũng không thể không
chụp những tấm ảnh cho riêng ông tướng và bà vợ yêu nhất đời của ông
ta.
Cái thời mà ông bà Tướng từng là người
mẫu, biểu tượng cho những cặp tình nhân toàn hảo nhất của thời đại, thực
ra đã qua lâu lắm rồi. Thế hệ của cô Biên bây giờ chỉ chú ý tới những
thăng trầm trôi nổi của các loạt phim TV hơn là chú ý đến những cặp tình
nhân già nua trang nghiêm đã từng một thời là anh hùng dân tộc. Những
nhà chính trị ngày nay cũng không còn như xưa, tướng Phạm Ngọc Lan phàn
nàn. „Đa số những người này đã không biết chiến tranh là gì“. Tất cả,
không trừ một ngoại lệ nào, những gì ông Pham Ngọc Lan tuyên bố đều được
các bạn của ông ta và bà vợ gật đầu đồng ý. Ông nói thêm „Nhưng đa số
họ vẫn là những người tốt, họ đặt lòng tin vào người dân trong nước“.
Ông Tướng cười chảy nước mắt
Về
đề tài „dân chủ“, ông ta chỉ nhắc đến một giai thoại: „Vài năm trước
đây, trong một buổi tiệc mừng ngày Việt Nam độc lập, tôi có gặp một
người lính Mỹ“, ông Tướng kể lại, „hôm ấy, người lính Mỹ có lên nói vài
lời với cử tọa. Câu chuyện xoay quanh đề tài dân chủ. Tôi hỏi anh ta, có
cái gì hay ho về cái chế độ dân chủ của anh ta“.
Anh
lính Mỹ kể thí dụ về tự do tư tưởng: „Bất cứ lúc nào, người Mỹ nào cũng
có thể chỉ trích Tổng Thống Mỹ“. Tướng Lan giả bộ ngừng một chút rồi
cười cười kể tiếp „Tôi bảo với anh ta rằng, VN cũng dân chủ vậy. Mỗi
người dân VN, ở đây, bất cứ lúc nào, ai ai cũng có thể chỉ trích Tổng
Thống Mỹ“. Nói xong ông Tướng cười phá lên, cười đến chảy nước mắt. Bà
vợ ông ta và các bạn ông cũng cười theo.
„Thế hệ
già vẫn còn tin vào chế độ CS“, Biên nói như thế. Về câu chuyện diễu
cợt của ông Phạm Ngọc Lan, Biên không thể cười theo được. Cả hai đều
sống trong cùng một huyện ở Hà Nội. Ông Tướng già là một người có tên
tuổi trong vùng. „Thế hệ này khi nói đến Tây phương là liên tưởng đến
bom đạn và chết chóc. Họ suy nghĩ hoàn toàn khác tôi“, Biên kết luận.
Tối nay Biên sẽ đi xem xi nê với các bạn của cô, xem những phim ảnh mới
nhất của Holywood. „Tư tưởng của Hồ Chí Minh không còn hợp thời nữa, và
các nhà chính trị ngày nay đương nhiên chỉ còn nghĩ đến tiền“.
Kẻ thù Trung Quốc
Tuy
vậy Biên là người yêu nước. Cô ta yêu quê hương của cô ta. Ví dụ như ở
VN cho phép được đi biểu tình, có lẽ cô ta sẽ không biểu tình chống đối
sự kiểm duyệt của chính phủ độc đảng, mà là sẽ đi biểu tình để chống đối
Trung Quốc. Phân nửa Đông Nam Á tranh cãi đòi chủ quyền của quần đảo
Trường Sa nằm trong biển Đông – trong đó có VN. Cô gái 23 tuổi nói tiếp:
„Sự xung đột đã kéo dài từ lâu rồi. Trung Quốc vẫn khư khư nói là quần
đảo này không thuộc về VN. Nhưng sự thực quần đảo này là của Việt Nam“.
Trong
cuộc đời của cô, biên giới ngăn chia đóng một vai trò rất quan trọng.
Tuy dù cô không thể nới rộng hay vượt qua được cái biên giới ngăn chia
của chính bản thân cô thì ít ra cô cũng muốn giữ trọn được cái biên giới
của đất nước mà cô đang sống.
Để nước xã hội
chủ nghĩa Việt Nam có thể hoàn toàn đi theo con đường riêng rẽ đã được
vạch ra, tướng Phạm Ngọc Lan đã hy sinh cả cuộc đời của ông ta cho chiến
tranh. Cô Biên cũng không thể đi theo con đường của riêng mình, mà là
đi theo con đường đã được chỉ định. Ngay từ lúc còn học tiểu học, các
học sinh đã phải tập đi „quân hành“. „Chúng tôi luôn luôn phải học thuộc
lòng, không ai được phép hỏi gì cả“, Biên thổ lộ. „Nhưng bây giờ, giới
trẻ bắt đầu suy nghĩ cho riêng mình. Tôi hy vọng, một ngày nào đó chúng
tôi có thể đi theo một hành trình khác“.
T. R.
Mỹ Nga dịch ở Udenheim, CHLB Đức, 06/11/2013
(*) tên nhân vật đã được thay đổi (không
phải tên thật, ký giả muốn tránh cho nhân vật bị nhà nước trù dập,
nguyên bản viết là Thi Bian Nguyen, người dịch đổi thành Nguyễn Thị Biên
cho thích hợp với tiếng Việt)
(**) các chữ nghiêng trong ngoặc đơn là chú thích của người dịch
Nguồn: Generationenkluft in Vietnam - Abmarsch in die Zukunft, Timo Robben, báo taz, Berlin 03/11/2013
Bốn câu chuyện, một nỗi đau
Đôi lời: Đọc đoạn viết sau của vị Giáo sư tác giả mà thấy thêm nỗi đau riêng cho ông: “Càng
ngẫm, tôi thêm buồn khi thấm thía cái đặc tính ‘ăn xổi ở thì’ của hầu
hết người Việt mình. Dân tộc ta rất kiên cường, anh dũng trong chiến
tranh, đánh bật mọi thế lực ngoại xâm về quân sự. Thế nhưng, cũng chính
dân tộc ấy lại ít khi đủ kiên nhẫn để bỏ công rèn luyện một tài năng hay
sở thích nào cho đến nơi đến chốn?”
Một bậc trí
thức khoa bảng mà lại vẫn tiếp tục tư duy theo lối mòn u tối của giới
lãnh đạo CSVN, vốn không được học hành tới nơi tới chốn như ông, hoang
tưởng rằng cứ “kiên cường anh dũng”, “đánh bật mọi thế lực ngoại xâm” là
ắt sẽ giỏi trong rèn luyện tài năng. Thậm chí ông còn không hiểu rằng
chính một phần quan trọng vì say mê và bị/tự dối lừa “đánh bật mọi thế
lực ngoại xâm” nên mới dẫn tới cái hậu quả kia, không biết trọng dụng,
phát triển nhân tài trong xây dựng đất nước, lại phát triển đến vô độ
thói “ăn xổi ở thì” mà ông đang “buồn” nhưng lại không hiểu được ngọn
nguồn.
Một bài viết,
tưởng như răn dạy giới lãnh đạo chính trị về trị quốc, nhưng chính lại
là thứ tự tố cáo mình của vị trí thức khoa bảng kia, không biết tự
mình, trước tiên hãy gột rửa những thứ còn mụ mị trong đầu, rồi hẵng dạy
cho đám ngu dốt và vụ lợi trong chính quyền.
BT
TuanVietnamNỗi đau đến là khi người viết nhìn lại những sinh viên của mình, hiểu được VN còn phải phấn đấu biết bao nhiêu nữa mới có chút hy vọng rút ngắn khoảng cách với các nước khác.
Một lần, nhạc sĩ Dương Thụ đến nói chuyện với sinh viên, giảng viên trường tôi. Và chỉ trong vòng không đầy hai tiếng đồng hồ, có bốn câu chuyện khiến những người quan tâm đến giáo dục Việt Nam phải đau lòng.
Xin nói ngay, nỗi đau này không phải do anh Dương Thụ hay các giảng viên gây ra. Họ chỉ là những “nhân chứng”, kể lại đôi ba câu chuyện rất thật quan sát được khi đi ra thế giới.
Nỗi đau đến là khi người viết nhìn lại những sinh viên của mình, hiểu được VN còn phải phấn đấu biết bao nhiêu nữa mới có chút hy vọng rút ngắn khoảng cách với các nước khác. Đau ở chỗ biết cần phải làm gì để thay đổi, nhưng lại chỉ có thể giới hạn trong phạm vi khiêm tốn của những người có tâm huyết.
Câu chuyện của Dương Thụ dẫn người nghe về trải nghiệm của anh trong gần nửa thế kỷ sống và làm việc với âm nhạc Việt, về lịch sử tân nhạc Việt từ những năm 1932 đến đương đại. Vẻ ngoài điềm đạm, trầm tĩnh nhưng suốt mấy mươi năm qua, người nhạc sỹ ấy đã tạo không ít xáo động cho đời sống âm nhạc và cũng chịu sóng gió không ít.
Nhưng “điều còn mãi” trong tôi sau buổi giao lưu của Dương Thụ lại là 4 câu chuyện nhỏ, hai do anh kể, và hai do giảng viên trường tôi kể.
Câu chuyện thứ nhất, anh Thụ kể, một lần sang Nhật anh được bạn rủ đi nghe hòa tấu nhạc cổ điển tại trường đại học. Và vị nhạc sĩ người Việt đã rất thán phục khi biết toàn bộ thành viên ban nhạc đều là sinh viên đang học tại trường.
Dương Thụ được biết, học sinh Nhật học nhạc từ bé, và thường học chơi một nhạc cụ trong nhiều năm đi học. Khi vào đại học, nhà trường có thể tuyển chọn những sinh viên xuất sắc nhất để lập một ban hòa tấu tầm cỡ. Như vậy, nhà trường có ban nhạc, còn sinh viên thì có cơ hội chơi, thưởng lãm nhạc hay.
Sau đó, thầy trưởng khoa Kinh tế thương mại trường tôi, mới từ Thái Lan về nước sau 20 năm dạy học xứ người, nối tiếp với một câu chuyện tương tự. Một lần đến thăm Đại học Rangsit tại Pathumthani, một tỉnh nhỏ ở phía Bắc thủ đô Bangkok, thầy Khang cũng được nghe dàn nhạc giao hưởng do sinh viên trường lập, chơi nhạc cổ điển châu Âu rất hay.
Câu chuyện thứ 3 do một giảng viên vừa đi công tác ở một hòn đảo nhỏ bên Philippines. Chị kể, tại một buổi giao lưu với các đồng nghiệp đến từ nhiều nước, chị rất đỗi ngạc nhiên khi trường tiểu học sở tại cũng có một ban nhạc gồm 40 em chơi măng-đô-lin khá điêu luyện.
Cuối cùng, nhạc sĩ Dương Thụ kết thúc với câu chuyện về một gia đình người bạn anh quen từ thuở nhỏ đang định cư bên Anh. Một lần sang nước này, anh được gia đình bạn mời dự lễ cưới của con gái họ.
Điều làm Dương Thụ ngạc nhiên và thích thú là trong lễ cưới đơn giản đó, sau phần nghi lễ, cô dâu và chú rể hòa nhạc tặng người thân và bạn bè. Chàng đánh dương cầm, nàng chơi cello vô cùng du dương. Tò mò anh hỏi họ chơi nhạc ở đâu mà có vẻ “thiện nghệ” đến vậy và được biết, mỗi sáng chủ nhật, họ thường chơi nhạc trong nhà thờ.
***
Nghe xong 4 câu chuyện, tôi lan man nghĩ
đến những tài năng lớn như Ngô Bảo Châu, những Đặng Thái Sơn, Trần Quốc
Thảo… Nghĩ đến chuyện xưa về cây cam trồng bên này hay bên kia sông
Vị…Càng ngẫm, tôi thêm buồn khi thấm thía cái đặc tính “ăn xổi ở thì” của hầu hết người Việt mình. Dân tộc ta rất kiên cường, anh dũng trong chiến tranh, đánh bật mọi thế lực ngoại xâm về quân sự. Thế nhưng, cũng chính dân tộc ấy lại ít khi đủ kiên nhẫn để bỏ công rèn luyện một tài năng hay sở thích nào cho đến nơi đến chốn?
Đặc tính này thể hiện ngay từ trong những việc thường ngày, như làm đường, sửa máy móc, v.v… cho đến các quốc sách có tầm chiến lược, như giải quyết vấn nạn tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm, dịch vụ y tế, phát triển kinh tế bền vững cho các thế hệ sau, v.v… Hầu như không mấy người có chức trách nhìn xa hơn nhiệm kỳ của mình hay đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Không biết có bao nhiêu trường ở Việt Nam hiện nay có chương trình dạy nhạc, hay ít ra dạy thưởng thức âm nhạc. Nhưng cứ ra đường vào 6 h sáng, đã thấy các em vội vã đến trường, và liên miên đến tối là đủ các lớp học thêm, bù, kèm, ngoại ngữ, “kỹ năng”… , kể cả ngày cuối tuần.
Với lịch trình kín mít như thế, hẳn không nhiều học sinh tiếp cận được với âm nhạc trong suốt 12 năm ở trường phổ thông. Các trường đại học lại càng gần như hoàn toàn không có âm nhạc, trừ các nhạc viện.
Không biết trong cái chương trình cải cách toàn diện giáo dục đang được bàn thảo ở Quốc hội cũng như trong Chính phủ, có ai nhớ đến âm nhạc là một yếu tố làm nên con người văn minh, biết quý cái hay và trọng cái đẹp? Có thể âm nhạc ít khi sinh sôi tiền cho người say mê nó, nhưng chính cái ham mê đó giúp người ấy có một đời sống nội tâm sâu sắc hơn, một triết lý sống hài hòa hơn, và một cái nhìn thường là nhân bản hơn với đồng loại cũng như với thiên nhiên…
- GS. Vũ Đức Vượng
Vì sao Lý Nguyễn Chung ra điều kiện không đưa về trại giam của Công an Bắc Giang?
Trích bài Hành trình phá án của Petrotimes
Đầu tháng 7 năm 2013, lãnh đạo Cục Điều tra Hình sự, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp nhận thư của chị Chiến vợ Nguyễn Thanh Chấn. Nội dung rất ngắn gọn (khoảng hơn 200 chữ) dòng thông tin duy nhất có giá trị trong lá đơn này là: "Hiện nay, tháng 6/2013, gia đình tôi có biết thêm chứng cứ mới cực kỳ quan trọng liên quan đến vụ án. Do vậy, tôi làm đơn này khẩn cấp kêu cứu cho chồng tôi…".
Đọc xong lá đơn, tự nhiên các cán bộ của Phòng 1 cảm thấy có điều gì đó
rất không bình thường... Theo nội dung của lá đơn thì rõ ràng vụ án này có
uẩn khúc gì đó và những chứng cứ mà gia đình mới có được rất quan trọng,
vì sợ lộ nên họ không dám viết trong đơn.
Nhận tập hồ sơ từ chị Chiến, các điều tra viên của Phòng 1 nghiên cứu
và không khó khăn lắm đã phát hiện ra những sai lầm chết người trong
khâu tố tụng của Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Bắc Giang, Viện KSND tỉnh
và trong cả quá trình xét xử sơ thẩm và phúc thẩm...
Ngay sau đó, Cục Điều tra Hình sự đã cử ngay 3 tổ đi xác minh lại vụ án này:
một tổ lên Bắc Giang bí mật gặp gia đình Nguyễn Thanh Chấn, gặp những
người biết được thông tin hung thủ chính của vụ án; một tổ nghiên cứu kỹ
hồ sơ vụ án và một tổ vào gặp Nguyễn Thanh Chấn ở Trại giam Vĩnh Quang.
Nhưng lúc này, Cục Điều tra lại không hề biết có một thông tin rất quan
trọng là từ tháng 6, gia đình cũng đã gửi một lá đơn tương tự lên Thủ
tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đã gửi về Công an Bắc Giang yêu
cầu xác minh lại, làm rõ và báo cáo Thủ tướng. Công an Bắc Giang cũng đã
cử một tổ điều tra đi xác minh vụ án này.
Sau khi nhận được thông báo và yêu cầu phối hợp của Viện KSNDTC, Cục
Điều tra Hình sự (C45) Bộ Công an đã cử một cán bộ điều tra thuộc hàng
cao thủ của Cục là Thượng tá Bích đi cùng với tổ truy lùng của Cục Điều
tra Viện KSNDTC vào Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum để truy bắt Lý Nguyễn
Chung. Công an Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum tung gần như toàn bộ lực
lượng cảnh sát hình sự để truy lùng Lý Nguyễn Chung và họ đã gần như
"lục tung" tất cả các nhà nghỉ, khách sạn và những nơi nghi Chung ẩn
náu.
Họ đã đến được nơi Chung đang ở là thôn Đoàn Kết, xã Eakamut, huyện
Eakar, tỉnh Đắk Lắk....
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, các điều tra viên đã xác định được
Chung không còn ở Đắk Lắk, trong suốt 2 tháng qua, hắn di chuyển liên
tục, lúc ở Đắk Lắk, lúc ở Gia Lai, lúc về TP Hồ Chí Minh, lúc lại lên
Lạng Sơn… Nhưng có một điều quan trọng là hắn thường xuyên liên lạc với
chị gái là Lý Thị Nghiến ở Lạng Sơn...
Sau khi được chị gái phân tích và được các cán bộ điều tra giáo dục,
thuyết phục qua điện thoại, Lý Nguyễn Chung xin ra đầu thú, nhưng với
điều kiện là không được đưa về trại giam của Công an tỉnh Bắc Giang. Cục
Điều tra đồng ý với nguyện vọng của Lý Nguyễn Chung.
Theo Tuoitre dẫn lời Chánh văn phòng Công an tỉnh Bắc Giang
Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo xem xét lại toàn bộ sự việc từ thời điểm tháng 7-2013, ngay từ khi tiếp nhận đơn của báo chí và phiếu chuyển đơn của Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương. Cụ thể, sau khi nhận đơn kêu oan của bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Nguyễn Thanh Chấn - PV), Công an tỉnh đã thành lập tổ công tác để điều tra, xác minh nội dung đơn. Ở đây phải khẳng định từ trước thời điểm trên, Công an tỉnh không nhận được bất cứ một lá đơn nào về vụ việc này.
Từ nội dung trong đơn, tổ công tác đã mời tất cả những người bà Chiến nêu trong đơn đến làm việc để thu thập tài liệu. Sau đó đã cử tổ công tác vào Đắk Lắk xác minh, làm rõ nơi cư trú của Lý Nguyễn Chung. Theo báo cáo thì gia đình cho biết Chung đi lái máy cày, không có mặt tại địa phương nên Công an Bắc Giang không gặp được. Sự việc được trao đổi với Viện KSND tỉnh Bắc Giang, trong đó có xác định Lý Nguyễn Chung bị tình nghi phạm tội trong vụ sát hại bà H.. Thời điểm này mới chỉ xác minh nguồn đơn chứ chưa khẳng định được Lý Nguyễn Chung là thủ phạm giết người. Đến ngày 4-11, khi Viện KSND tối cao công bố và báo chí đưa tin mới rõ việc Lý Nguyễn Chung ra đầu thú.
Hung thủ Lý Nguyễn Chung sợ bị Công an Bắc Giang thủ tiêu
Theo blog
Tháng 6/2013, chị Nguyễn Thị Chiến vợ người tù oan Nguyễn Thanh Chấn gửi đơn kêu cứu khẩn cấp cùng nhiều chứng cứ quan trọng mà chị mới thu thập về vụ án giết người tại Bắc Giang năm 2003 tới một số cơ quan Tư pháp trung ương và các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước. Đầu tháng 7/2013, cuộc truy bắt ráo riết, quy mô lớn mới được Cục Điều tra hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tổ chức với sự phối hợp của Cục CSHS Tổng cục 6 Bộ CA. Song thật bất ngờ với ngay cả các trinh sát của Bộ, bằng cách nào đó Công an Bắc Giang cũng đã có toàn bộ tình tiết, chứng cứ mà vợ anh Chấn thu thập và họ (CA Bắc Giang) đã bí mật cử một tổ đặc nhiệm hùng hậu đi bắt Lý Nguyễn Chung từ cách đó gần 1 tháng.
Vào tháng 6/2013, Công an Bắc Giang đã lần ra và bí mật có mặt tại địa bàn mà hung thủ Chung sinh sống tại Đắc Lắc. Ngay cả Công an tỉnh sở tại cũng không được CA Bắc Giang thông báo. Chính việc đánh án kiểu “bí mật” khó hiểu này đã tạo điều kiện cho hung thủ may mắn thoát được. Chung đã đụng mặt một tổ CA Bắc Giang nhưng CA Bắc Giang không ai biết rõ mặt Chung nên y đã trốn thoát ngay gần nhà. Bằng sự nhạy cảm của một kẻ trốn chạy, hơn ai hết, Lý Nguyễn Chung hiểu ngay rằng y đang bị truy lùng. Sau đó y lặn một mạch ra Bắc rồi sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch rồi lại lộn trở về Đắc Lắc.
Trong quá trình lẩn trốn, Chung có liên lạc bằng điện thoại với người chị gái tại Lạng Sơn. Qua người chị này, các cán bộ của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao biết rằng Lý Nguyễn Chung rất sợ lọt vào tay Công an Bắc Giang vì lo bị họ giết nhằm bịt đầu mối vụ án. Chung đặt điều kiện xin ra đầu thú là không được đưa về trại giam của Công an tỉnh Bắc Giang. Cục Điều tra của Viện đã bảo đảm với Lý Nguyễn Chung về điều kiện này và hứa đưa y vào trại giam của Bộ Quốc phòng.
Ngay sau đó, ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắc Lắc. Lập tức, Cục điều tra của Viện đã đưa Lý Nguyễn Chung bằng máy bay ra Hà Nội và “gửi” vào Trại T171 của Bộ Quốc phòng. Hơn ai hết, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ý thức rõ nguy cơ Chung có thể bị thủ tiêu nhằm bịt đầu mối. Họ đã không dám “gửi” Chung vào ngay cả các trại của Bộ Công an trong giai đoạn đặc biệt quan trọng này.
Viện Kiểm sát NDTC và Lý Nguyễn Chung có lý do để sợ Công an Bắc Giang bịt đầu mối. Hơn chục năm qua, CA tỉnh Bắc Giang luôn là đơn vị lá cờ đầu của cả nước về tỉ lệ phá án cao, đặc biệt là trọng án (tỉ lệ gần 100%). Trong khi tỉ lệ này trung bình của cả nước chỉ vào khoảng 70%. CA tỉnh luôn được tặng thưởng, luôn đoạt cờ luân lưu, các danh hiệu thi đua cụm, vùng, miền và toàn quốc. Phòng Cảnh sát hình sự tỉnh là đơn vị quyết thắng nhiều năm. Nhiều cá nhân, tập thể xuất sắc của CA tỉnh được Thủ tướng, Bộ trưởng khen ngợi. Việc đánh án nhằm chạy theo và bảo vệ thành tích đã buộc các điều tra viên phải bằng mọi cách “đóng án” trong thời gian nhanh nhất.
Với cách đánh án kiểu trên, CA tỉnh Bắc Giang đã bỏ qua nhiều chứng cứ quan trọng. Công tác khám nghiệm thì sơ sài. Tra tấn, ép cung là biện pháp hiệu quả nhất để đóng án, bảo vệ và kiếm thêm thành tích thi đua. Một chứng cứ cực kỳ quan trong bị bỏ qua là sau khi vụ án mạng xảy ra, một người dân thôn Me đã nhặt được tấm chứng minh thư mang tên Lý Nguyễn Chung vứt tại hiện trường vụ án. Tấm CMT được nộp ngay lên Công an tỉnh song nó đã bị bỏ qua vì lúc đó hồ sơ vụ án đang được “đóng”, thành tích đã báo cáo lên Bộ.
Nhờ có thành tích tốt nên các “cá nhân xuất sắc” CA tỉnh Bắc Giang tham gia dàn dựng vụ án Nguyễn Thanh Chấn đều được thăng quân hàm trước thời hạn và giao nhiều trọng trách trong CA tỉnh. Đặc biệt, Đại tá Phạm Văn Minh (cách đó ít năm mới là trạm trưởng Trạm CA Kép – cánh lái xe vận tải hàng lên biên giới Lạng Sơn sợ nhất nạn ăn tiền ở trạm này) thì bây giờ chễm chệ Giám đốc CA tỉnh, Đại biểu Quốc hội. Lúc “đóng án” anh Chấn, ông Minh là Phó Giám đốc CA tỉnh, Trưởng ban chuyên án – một ngôi sao đang lên của Bắc Giang. Mọi chỉ đạo các ngành Tư pháp tỉnh liên quan tới việc xử lý vụ án mà Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang lúc đó đưa ra đều do ông Minh “phím” cho nên các ngành Tư pháp khác (Kiểm sát, Tòa án) phải răm rắp tuân theo.
Trở lại vụ anh Chấn. Nếu đối tượng Lý Nguyễn Chung sa vào tay Công an Bắc Giang. Trên đường dẫn giải nếu không bị “tự ngã” chết thì có thể cũng bị cảm gió gì đó rồi qua đời đột ngột. Anh Chấn chắc chắn vẫn sẽ ở tù và CA Bắc Giang vẫn sẽ luôn đúng. Các cán bộ điều tra như Đào Văn Biên nay mai lên lãnh đạo Công an tỉnh vẫn sẽ lại tiếp tục cho ra đời nhiều anh Chấn nữa.
Lý Nguyễn Chung và thứ trưởng Bộ Công An phát ngôn
Nguyễn Ngọc Già (Danlambao)
- Báo Lao Động cho hay [1]: “Sau 15 đơn kêu oan của ông Chấn đi nhiều
cơ quan chức năng không có kết quả, ngày 5.7, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ
của ông Nguyễn Thanh Chấn) gửi đơn tố cáo đến CQĐT”.
Lý Nguyễn Chung
Từ đó, người được gọi là hung thủ thật trong vụ giết bà Nguyễn Thị Hoan
đã lộ diện - Lý Nguyễn Chung. Tội được cho là giết người cướp của được
nhiều trang báo tường thuật xảy ra cách đây 10 năm, vào đêm 15/8/2003,
lúc Lý Nguyễn Chung ở độ tuổi 15. Đây cũng là độ tuổi dậy thì của thiếu
niên, với tâm sinh lý đang dần hoàn thiện. Chàng trai Lý Nguyễn Chung
cũng được biết là người dân tộc Sán Dìu, lớn lên trong gia đình không
hạnh phúc.
Lý Nguyễn Chung - Hình Vietnamnet |
Thời gian xảy ra vụ được gọi là giết người cướp của, khoảng từ 19 giờ
đến 20 giờ. Theo tin, giới an ninh thời bấy giờ, dùng mọi nhục hình và
thủ đoạn để ép cung ông Chấn; trong đó có chi tiết ông Chấn cưỡng hiếp [2] bất thành bà Hoan, từ đó nảy sinh quyết định giết người để bịt đầu mối và sẵn tay cướp của luôn.
Cha ruột của người phụ nữ xấu số - Nguyễn Thị Hoan - cho phóng viên biết [3]: “...Ông
Bờ chia sẻ: Lúc chị Hoan bị giết, cháu Nguyễn Văn Đức - con chị Hoan -
mới 17 tháng tuổi, cha cháu đi đâu không rõ. Năm nay Đức đã học lớp 6,
sống cùng ông bà ngoại. Vì mồ côi cả cha lẫn mẹ nên hàng tháng cháu Đức
được nhận trợ cấp của Nhà nước”.
Hoàn cảnh gia đình riêng của bà Hoan không thể nói là hạnh phúc, khi
người chồng của bà bỏ đi, lúc đứa con trai chỉ hơn một tuổi.
Một trong những tình tiết rất kỳ lạ do báo Lao Động thông tin [1]: (trích)
Bà Nguyễn Thị Lành (mẹ kế của Chung) khai rõ: Khoảng 20 giờ ngày 15.8,
khi cả nhà đang ăn cơm thì Chung mặc mỗi quần đùi, tay cầm quần áo dài
lững thững vào nhà. Sau đó Chung đi tắm và lên giường nằm.
Đến khoảng 10 giờ đêm thì nghe tin chị Hoan bị giết. Sáng hôm sau, bà
Lành thấy quần áo Chung ngâm trong chậu để ở sân có nhiều máu loang.
Bà Lành đã nghĩ ngay chính con chồng là thủ phạm. Biết việc này, ông
Chúc (bố của Chung) đã tổ chức cho Chung lên Lạng Sơn với các anh của
mình. (hết trích)
Tình tiết này cũng được báo Công An Tp.HCM kể lại [4] hoàn toàn giống nhau về nội dung, chỉ khác cách diễn đạt: (trích)
Theo đơn của chị Chiến, các kiểm sát viên đã làm việc với bà Lành và bà
cho biết: Khoảng 20 giờ ngày 15-8-2003, Chung mặc quần đùi, cởi trần đi
về nhà (quần áo dài cầm trên tay). Đêm hôm đó, nghe tin chị Hoan bị giết
nhưng bà không hề nghi ngờ đứa con riêng của chồng vì thấy nó lên
giường đi ngủ như mọi ngày, không có biểu hiện tâm lý gì đặc biệt. Đến
sáng hôm sau, bà Lành thấy chậu ngâm quần áo của Chung có nhiều vết máu
nên đã nói với ông Chúc: “Khả năng Chung giết chị Hoan”. (hết trích).
Một kẻ giết người vì mục đích cướp của, lại cần phải cởi quần áo dài bên
ngoài, dù trước hay sau khi hành sự, rồi cầm bộ quần áo đó, ở trần, với
chỉ độc chiếc quần đùi rời khỏi hiện trường về nhà, có vẻ, đây là lần
đầu tiên nghe được.
Lý do gì Lý Nguyễn Chung cần phải làm như thế? Nếu cho rằng, việc trút
bỏ quần áo dài trước khi giết người, quả thật không hiểu nổi, khi hung
thủ trở nên đủng đỉnh? Nếu sau khi nạn nhân chết rồi, Chung mới trút bỏ
quần áo vì tiếc (do nhà nghèo) bộ quần áo (dính đầy máu nên mang về giặt
để sử dụng tiếp), câu hỏi khác nảy sinh: giết người chết rồi, vẫn đủ
bình tĩnh cởi quần áo cầm tay đi về nhà? Còn lý do gì khác? Lúc xảy ra
án mạng Chung mang giày hay dép hoặc đi chân trần? Khám nghiệm pháp y
lúc bấy giờ, kết quả ra sao? Đó là những chi tiết cần phải làm sáng tỏ!
Cũng theo báo Lao Động, trong cùng bài viết [1]: Khởi tố bị can
với Chung về hai tội giết người và cướp tài sản và bắt khẩn cấp Lý Văn
Chúc (bố đẻ của Chung) về tội đe dọa giết người...
Vì cho rằng việc của con trai mình bị bại lộ là do bà Lành (mẹ kế của
Chung) kể chuyện cho người khác, đối tượng Chung đã đào sẵn hố ở vườn
nhà mình và nói sẽ giết bà Lành.
Song song đó, theo báo Công An Tp.HCM [4] ngày 08/11/2013:
Suốt quá trình bỏ trốn, Lý Nguyễn Chung không phút nào yên. Cứ chợp mắt,
hình ảnh người phụ nữ mình đầy máu me lại len lỏi vào đầu óc hắn. Chỉ
đến khi ra đầu thú hắn mới thấy nhẹ nhõm phần nào. Chung nói với kiểm
sát viên: “Trước đây lúc nào em cũng cảm giác đang đeo vật gì đó nặng
hàng tấn trên người. Giờ em đã trút được 900 cân rồi. Biết thế này, em
ra đầu thú sớm hơn”.
Ngày 07/11/2013, cũng báo Công An Tp.HCM, có bài [5]: “Ông Nguyễn Thanh Chấn bị khép tội giết người như thế nào?”, trong có đoạn:
“...Kiểm sát viên Trần Hùng Mạnh, người trực tiếp điều tra, xác minh
và làm rõ đối tượng Chung mới chính là hung thủ của vụ án kể: “Sau khi
nghiên cứu kỹ hồ sơ, chúng tôi lập tức làm việc với những người liên
quan. Cả Cục Điều tra có bảy chiếc xe ôtô thì gần như ngày nào cũng trên
đường. Tổ công tác chia nhau đi xác minh, ghi lời khai ở nhiều nơi từ
Lạng Sơn, Bắc Giang đến các tỉnh Tây nguyên. Khi xác định chính xác ông
Chấn bị oan, tổ công tác tâm niệm càng minh oan sớm cho ông Chấn ngày
nào càng tốt vì ông ấy chịu quá nhiều cay đắng. Xác định rõ như vậy nên
chúng tôi làm việc không kể giờ giấc. Vài đêm thức trắng tại cơ quan để
nghiên cứu hồ sơ là chuyện diễn ra thường xuyên. Đến khi chân dung kẻ
giết người đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật được vẽ lên, chúng tôi
tiếp tục lên đường truy tìm hắn kết hợp động viên, thuyết phục gia đình
đưa Chung ra đầu thú”.
“Chung là kẻ rất ma mãnh. Hắn di chuyển liên tục và thay tới gần 100 sim
điện thoại trong thời gian lẩn trốn. Chính vì sự ranh mãnh này mà tháng
9-2013, Công an Bắc Giang cũng vào Đắk Lắk nhưng không bắt được Chung.
Có lần tổ công tác bị Chung cho “ăn quả lừa” nhưng chúng tôi không nản
vẫn kiên trì bám theo dấu vết của hắn. Có lẽ biết không thể trốn mãi,
Chung đã đồng ý ra đầu thú” - một kiểm sát viên cho hay”.
Tất cả các trích dẫn trên, được biết là Lý Nguyễn Chung nói với các kiểm
sát viên và được các phòng viên ghi chép lại từ miệng của kiểm sát
viên. Thật khó hiểu, nếu xâu chuỗi sự việc lại với nhau.
Trong khi báo Công An Tp.HCM cho biết Lý Nguyễn Chung rất “ma mãnh”
thông qua các chi tiết: đổi gần trăm sim điện thoại, lẩn trốn và không
bắt được, lại còn đủ thủ đoạn cao thâm lừa các viên công an... “chuyên
nghiệp”; thì cũng chính trang báo “còn đảng còn mình” bỗng chốc biến Lý
Nguyễn Chung từ con hổ dữ trở thành một con mèo ướt tội nghiệp với sự
hối hận, dằn vặt diễn ra ngay sau chỉ có một ngày. Với quãng thời gian
rất ngắn, chỉ từ tháng 9/2013 đến tháng 10/2013, tâm lý, quan điểm của
chàng trai dân tộc thiểu số thay đổi đột ngột bất thần đến thế chăng
(?!). Tại sao tâm trạng hối hận dằn vặt kéo dài nhiều năm qua vì giết
người vô tội, Lý Nguyễn Chung lại “còn đào sẵn hố ở vườn nhà mình và nói
sẽ giết bà Lành”?
Những người dân sinh sống thân quen - nơi Chung cư trú đến khi được cho là ra đầu thú - hầu như đều nhận xét tốt [6] về chàng trai này:
Năm 2004, qua giới thiệu của một số người bà con, ông Nguyễn Văn Sự ở
thôn Đoàn Kết nhận Chung vào làm thuê. Ông bắt Chung xuất trình đầy đủ
giấy tờ tùy thân, bố mẹ của Chung ngoài quê cũng điện vào xin cho con
được làm việc nên ông giữ Chung ở lại làm trong nhà. Gia đình cho biết,
trong 6 năm làm việc, Chung luôn siêng năng, thật thà.
“Gia đình buôn bán nên nhiều khi tiền bạc cứ để trên bàn nhưng Chung
không mảy may đếm xỉa. Giao tiền và xe cho nó đi nhận hàng, mua bán hết
bao nhiêu nó đều về báo lại đầy đủ. Cho tiền nhiều khi nó cũng không lấy
vì nó nói con chẳng xài tiền. Nó không ham nhậu nhẹt, chỉ mê mỗi xem
bóng đá”, anh Nguyễn Văn Đợi (con trai ông Sự) cho biết.
Cũng theo người nhà ông Sự, Chung rất quan tâm, lo lắng cho gia đình
mình ngoài Bắc. Khi gia đình có việc cần, Chung đều ứng tiền để gửi về
hoặc trực tiếp về nhà để lo việc gia đình. “Nghe tin Chung là thủ phạm, gia đình tôi ai cũng bàng hoàng”, anh Đợi nói.
Ông Văn Công An, Trưởng thôn Đoàn Kết cho biết, năm 2004 Chung đến tạm
trú tại thôn, đến năm 2008 nhập hộ khẩu. Chung là người siêng năng công
việc, sống hòa thuận với hàng xóm...
Sự việc ông Nguyễn Thanh Chấn không giết người đã tỏ tường.
Tuy nhiên, Lý Nguyễn Chung giết người vì động cơ, mục đích gì chưa thật
rõ ràng, cũng như bà Hoan chết trong tình trạng như thế nào với giám
định pháp y của 10 năm về trước? Những hình ảnh về cái chết của bà Hoan
ra sao? Các vật chứng (nhẫn, chuôi dao, mũi dao v.v...) hầu như không
biết được chính xác? Tại sao Chung lúc nào cũng dắt dao bấm theo bên
mình, như báo chí cho biết? Liệu con dao đó có thật là của Chung hay tại
bếp của bà Hoan? v.v...
Dường như tất cả thông tin vừa qua, phụ thuộc vào những gì từ gia đình
Lý Nguyễn Chung khai nhận và những đoạn thâu âm của gia đình ông Nguyễn
Thanh Chấn cùng 15 lần đơn kêu oan, cũng như từ phía công an và kiểm sát
viên nói với báo chí là chính. Có lẽ, cũng nên nhắc lại nguyên tắc
“trọng cung hơn trọng chứng” đã gây ra bao hậu quả thê thảm cho người
dân trong hàng chục năm qua.
Thêm vào đó, với nhận xét rất trái nghịch về tính cách, tâm trạng của Lý
Nguyễn Chung như thượng dẫn, cho thấy vụ việc còn quá nhiều uẩn khúc.
Ngoài cậu thiếu niên bị cho là giết người, có còn bên thứ ba nào cùng
tham gia không? Có hay không một lý do chủ quan nào từ phía bà Nguyễn
Thị Hoan tác động lên tâm lý của cậu bé vào lúc đó, đến nỗi cậu đã bị
kích động dữ dội, dẫn đến hậu quả chết người? Bởi giết người ở trạng
thái thần kinh bị kích động mạnh khác hẳn với cố tình giết, vì Luật hình
sự đã quy định:
Điều 95. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do
hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc
đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến
ba năm.
Cũng cần lưu ý, khi vụ việc xảy ra, Lý Nguyễn Chung chưa tròn 15 tuổi.
Dù được chính một ông đảng viên, với chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, tên Nguyễn Đình Quyền khen ngợi [7] “Cơ
quan điều tra Việt Nam thuộc hàng giỏi nhất thế giới”, điều này không
đủ để đóng dấu “chất lượng”, “trí tuệ” của giới công an để chắc chắn, Lý
Nguyễn Chung xuất phát hoàn toàn từ động cơ vì tiền khi giết Nguyễn Thị
Hoan.
Một khi Nguyễn Thanh Chấn đã bị bức cung tàn độc và phi nhân, người dân
chắc chắn không trông mong Lý Nguyễn Chung lặp lại sự oan ức tày trời
như thế, dù ở góc độ này hay góc độ khác. Đặc biệt, Chung đang còn người
vợ mang thai và đứa con bé nhỏ sống trong cảnh nghèo túng.
Thứ trưởng Bộ Công an phát ngôn.
Mới đây, toàn dân vô cùng “phấn khởi” khi nghe Đặng Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết [8]:
“Đáng chú ý, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tìm ra hung thủ trong vụ đặt
mìn tại nhà riêng Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Như Tuấn và
sẽ công bố trong thời gian tới. Đây là mâu thuẫn nội bộ nhưng sau đó,
đối tượng thuê một nhóm côn đồ đặt mìn trước cửa nhà đồng chí giám
đốc”.
Chi tiết như ông thứ trưởng công an nói, càng phơi bày tính chất côn đồ
và sát nhân máu lạnh, xuất hiện ngay trong nội bộ “áo anh rách vai quần
tôi có hai miếng vá”. Thật không tưởng nổi, khi biết họ là lực lượng
luôn “tuân thủ 6 điều bác dạy”:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.
Đối với chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.
Băn khoăn nữa, không biết “thời gian tới” ông Thứ trưởng Hiếu nói là khi
nào(?) Và tại sao phải là “thời gian tới” mà không ngay lập tức, công
bố “ông” cộng sản nào không “thân ái, giúp đỡ” lại đầy dã tâm đến mức
đặt mìn trước nhà “đồng chí”(?).
Liệu “hung thủ” đặt mìn trước nhà Nguyễn Như Tuấn - giám đốc công an
tỉnh Thái Nguyên không phải sự lặp lại cách điều tra phản khoa học, đầy
dốt nát của người cộng sản đã áp lên cho ông Chấn(?)
Người dân bàng hoàng, chết lặng trước thảm họa Nguyễn Thanh Chấn nhận
lãnh 10 năm qua. Giờ đây, đối với Lý Nguyễn Chung, lấy gì đảm bảo, những
ai đủ nhân cách và những tổ chức nào đủ tư cách để giám sát độc lập và
trình ra trước công luận tính khả thi về những lời khai và sự thật đằng
sau vụ giết Nguyễn Thị Hoan hoàn toàn vì 59.000 đồng cùng 2 chiếc nhẫn
mà không rõ giá trị?
____________________________________
Chú thích:
[2]. http://www.tinmoi.vn/bi-hai-vu-an-oan-10-nam-cuong-hiep-giet-nguoi-trong-5-10-phut-011285238.html
[6]. http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/vo-boc-10-nam-cua-nghi-pham-ly-nguyen-chung-2906386.html
Thành tích và những điều bất chấp
Bùi Trọng Bảo
Những ai theo dõi bóng đá cỡ amateur
như tôi chắc cũng biết tên cầu thủ Ashley Young của CLB Manchester
United. Cầu thủ này lại vừa vờ ngã để kiếm phạt đền cho đội nhà. Hình
ảnh Ashley Young vờ ngã đôi khi đem lại sự xấu hổ cho CLB. Huấn luyện
viên hiện tại của Manchester United, David Moyes, và cả người tiền
nhiệm, Sir Alex Ferguson đã lên tiếng chỉ trích hành động ăn vạ xấu hổ này. Không phải một lần mà nhiều lần – nhiều đến nỗi tôi phải tự hỏi: Sao không chỉ đạo đá penalty ra ngoài mỗi khi Ashley Young ăn vạ được phạt đền?
Chuyện lãnh đạo phát biểu về đạo đức một
đằng nhưng bộ máy làm một nẻo không phải chỉ xảy ra trong bóng đá, và
nó không phải là chuyện hiếm trong bộ máy chính quyền ở Việt Nam. Câu
chuyện Nguyễn Thanh Chấn bị 10 năm tù oan có kết cục happy ending gợi lại một vấn đề chưa giải quyết, và luôn luôn là sad ending:
“Chết ở cơ quan điều tra”. Nếu bạn muốn tổng kết nó xảy ra thường xuyên
như thế nào, chắc cũng không khó lắm như khi tìm thông tin về Ashley
Young vờ ngã kiếm penalty vậy. Và đem chuyện ấy đi so sánh với
những lời mật ngọt “hiếu thảo với dân”, “xứng đáng là niềm tin yêu của
nhân dân” v.v… bạn sẽ thấy những phát biểu về đạo đức ở hai lĩnh vực này
có cái tương đồng.
Nói những chuyện sad ending này
chưa được giải quyết là vì người đứng đầu ngành an ninh trong đại hội
Đảng vừa rồi đã được thăng chức làm Thường trực Ban Bí thư. Và Quốc hội
cũng chưa một lần chất vấn cựu Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh về những
cái chết ở cơ quan điều tra. Những cái chết ấy không ảnh hưởng lắm tới
uy tín của chính quyền và ngành công an hay sao?
Nói dại mồm chút xíu (xin lỗi anh Chấn
và gia đình) nếu 10 năm trước anh Chấn có bề gì ở cơ quan điều tra thì
anh cũng chỉ đóng góp thêm cho số thống kê trên kết quả Google Search
vào lúc này. Uy tín của chính quyền vì thế cũng không sứt mẻ nhiều như
mấy ngày qua.
Không biết suy nghĩ như thế có quấy cho
các vị lãnh đạo chính quyền lắm không? Vì việc thành tích của cơ quan
điều tra qua “đấu tranh khai thác” bấy lâu nay đem đến sự hãnh diện cho
ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền khi bình luận về vụ án oan của anh Chấn: “Cơ quan điều tra Việt Nam được coi là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, quá trình điều tra của Việt Nam rất nhanh”.
Tiêu chí để đánh giá cái giỏi của cơ
quan điều tra được ông Quyền dựa vào chính là cái “nhanh” đáng sợ ấy. Kẻ
ác mồm ác miệng đưa câu nói của ông tiệm cận với thành ngữ “lầm-sót” gì
đó thì tội ông thật. Nhưng có một thực tế không oan cho ngành tư
pháp/công an là chưa có một nỗ lực nào để thay đổi quy trình thẩm vấn
điều tra bảo vệ người bị hỏi cung tránh khỏi những xâm phạm thân thể.
Con số những người bị chết tại cơ quan điều tra còn có thể thống kê
được, còn con số bị tra tấn ép cung thì đành chịu.
Thành tích nó có ma lực ghê gớm để phải hy sinh và bất chấp như thế hay sao?
Có lẽ Ashley Young vẫn sẽ tiếp tục vờ ngã, đồng đội tiếp tục đá penalty do anh kiếm được và David Moyes cũng tiếp tục lên án…
Vì sao trẻ nhỏ VN chịu nhiều áp lực?
Gia đình tôi chuyển tới định cư
tại Thụy Sỹ khi con trai lớn tôi đã được 9 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi. Trải
nghiệm thực tế của một phụ huynh đã từng sống ở Việt Nam, đem lại cho
tôi cơ hội nhìn nhận vấn đề giáo dục đa chiều hơn.
Việc có một xuất học cho con tại ngôi trường mơ
ước đã trở thành một gánh nặng cho rất nhiều các bậc cha mẹ tại Việt
Nam. Những người khá giả thường kỳ vọng “chạy” được cho con vào trường
điểm.Những người lao động nghèo không đủ điều kiện cư trú lại mơ ước con vào được “trường công” để mức đóng góp nhẹ hơn. Và hầu như khi năm học cũ vừa kết thúc, các bậc phụ huynh đã hối hả lao vào các cuộc đua ngầm để chắc một xuất học cho con em mình.
Và nạn nhân cuối cùng lại là chính những đứa trẻ, chúng phải gánh chịu những áp lực học hành để “xứng đáng” với công sức, đồng tiền và kỳ vọng của cha mẹ.
Khi chúng tôi chuyển tới định cư tại Thụy Sỹ, món giấy tờ duy nhất nhà trường yêu cầu là một bản photo giấy khai sinh của các con tôi để nhà trường căn cứ vào đó xếp các cháu vào những lớp theo độ tuổi.
Luật pháp Thụy Sỹ quy định tất cả trẻ em đang cư trú trên đất Thụy Sĩ đều buộc phải tới trường khi đủ tuổi, không phân biệt quốc tịch hoặc thậm chí cả trường hợp trẻ cư trú bất hợp pháp theo cha mẹ.
"Trong trường học, các thầy cô cũng được ghi nhận thành tích cá nhân bằng cách đo đếm số lượng danh hiệu học sinh giỏi do mình phụ trách"
Bệnh thành tích
Do truyền thống văn hóa, đa số người Việt thường đặt kỳ vọng quá nhiều vào những đứa trẻ. Những hãng sữa dành cho trẻ em cũng nắm bắt được “yếu điểm” tâm lý này của người Việt để đưa ra những slogan quảng cáo rất kêu: Cao lớn hơn, thông minh hơn, vượt trội hơn.Trong những câu chuyện trao đổi với nhau, các ông bố bà mẹ Việt Nam luôn hãnh diện khoe chuyện con em mình đạt thứ hạng học tập cao, có bao nhiêu điểm 10, bao nhiêu danh hiệu. Những đứa trẻ không có thành tích như kỳ vọng thường phải chịu nhiều sự quở phạt của gia đình, thậm chí bị chính cha mẹ bạo hành hay nhục mạ vì đã không làm cha mẹ tự hào như những trẻ giỏi giang khác. Trẻ nhỏ tại Việt Nam không chỉ phải sống cho riêng cuộc đời chúng, chúng còn bị mặc định nghĩa vụ làm rạng danh gia đình, phải lo sống cả phần vinh quang của người khác.
Trong trường học, các thầy cô cũng được ghi nhận thành tích cá nhân bằng cách đo đếm số lượng danh hiệu học sinh giỏi do mình phụ trách. Đây cũng là điều rất quan trọng liên quan tới sự thăng tiến hoặc lương, thưởng của người giáo viên. Ngay cả báo chí cũng không ngoại lệ khi luôn hết lời ca ngợi những tấm gương thành tích trong học tập.
Quan niệm giáo dục của phương Tây lại hết sức khác biệt. Trẻ nhỏ không bị mang cái ách kỳ vọng quá nặng phải sống cho phần của người khác. Kỳ vọng lớn nhất cả gia đình và xã hội đặt vào mỗi đứa trẻ, chỉ đơn giản rằng khi chúng lớn lên sẽ trở thành một công dân hữu ích là đủ. Chúng có quyền tự định đoạt tương lai, cuộc đời chúng, người lớn chỉ ở bên khi chúng cần sự giúp đỡ hoặc lời khuyên bảo.
Thế nhưng, nghịch lý lại nằm ở rất nhiều những kiến thức tinh hoa nhân loại đều được truyền đạt cho học sinh từ khi chúng còn rất nhỏ. Nhưng tới tuổi trưởng thành thì ai cũng thừa nhận mình học được ở trường lớp chẳng được bao nhiêu, đặc biệt là các kỹ năng sống… Vậy thì nguyên do vì đâu?
Theo ý kiến cá nhân tôi, do giáo trình rườm rà nhưng không thiết thực và các phương pháp truyền đạt kiến thức của các thầy cô tại Việt Nam đa số đều rất máy móc, nhàm chán. Học sinh được học theo phương pháp đọc- chép, học thuộc lòng theo lý thuyết xuông… mà không kích thích được khả năng tư duy, sáng tạo. Cho nên, những kiến thức nhà trường mất rất nhiều thời gian truyền tải đã trở thành những kiến thức “chết”, không thực sự hữu dụng cho các em.
Tại Thụy Sỹ, cho tới khi trẻ được 13 tuổi, mục tiêu lớn nhất nhà trường đặt ra đơn giản chỉ là trẻ sẽ hoàn thiện các kỹ năng sống tự lập. Giáo trình cho trẻ ở độ tuổi này rất nhẹ so với trẻ cùng độ tuổi tại Việt Nam, và những bài học luôn được giáo viên hướng dẫn bằng cách bày thành những trò chơi, rồi đặt ra rất nhiều câu hỏi tại sao, thế nào…buộc trẻ phải tư duy để tìm lời giải. Trẻ học rất hứng thú, mà kiến thức cũng tự động “sống” trong đầu.
Thiếu những sân chơi…
"Tại Việt Nam, trước 1975 đã có rất nhiều hội đoàn Hướng đạo hướng giới trẻ rèn luyện các kỹ năng sống theo tinh thần không phân biệt tôn giáo, không liên quan tới thể chế chính trị… đã phát triển rất mạnh mẽ, thu hút số lượng thanh thiếu niên sinh hoạt rất đông tại Hà Nội và Sài Gòn"
Nhiều cha mẹ chia sẻ với tôi rằng đôi lúc thương con bận học tối ngày, bố mẹ dù muốn đưa con đi chơi thư giãn và giải tỏa bớt năng lượng thừa nhưng chẳng biết đi đâu.
Những khu vui chơi lúc nào cũng chen lấn chật chội, công viên cũng chẳng khá khẩm gì hơn, đường xá thì nguy hiểm, trong khi không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để thường xuyên đưa con em mình đi du lịch.
Vậy là cách an toàn nhất để giữ chân trẻ nhỏ ở nhà chỉ có ti-vi, hoặc chơi game giết thời gian rảnh rỗi. Môi trường sống của trẻ chỉ quanh quẩn từ nhà tới trường và từ trường về nhà, như cách người ta nuôi nhốt những chú gà công nghiệp. Trong môi trường như thế, thực khó để trẻ có thể sáng tạo hoặc có điều kiện rèn luyện các kỹ năng sống.
Tại Việt Nam, trước 1975 đã có rất nhiều hội đoàn Hướng đạo hướng giới trẻ rèn luyện các kỹ năng sống theo tinh thần không phân biệt tôn giáo, không liên quan tới thể chế chính trị… đã phát triển rất mạnh mẽ, thu hút số lượng thanh thiếu niên sinh hoạt rất đông tại Hà Nội và Sài Gòn.
Tiếc thay, sau 1975 toàn bộ các hội đoàn Hướng đạo Việt Nam đều bị xóa bỏ như cách người ta xóa bỏ các tàn dư của chế độ cũ, nhường sân chơi cho các đoàn Thiếu niên Tiền Phong, đội Kim Đồng… với các sinh hoạt đậm màu chính trị dành cho trẻ nhỏ, nhưng điều cơ bản là kỹ năng sống cho các em lại hoàn toàn không được quan tâm.
Cho tới cách đây khoảng 5 năm, những huynh trưởng tâm huyết từ thời chế độ cũ đã lặng lẽ gây dựng lại các hội đoàn hướng đạo sinh hoạt tại một số công viên ở TP.HCM nhằm hướng dẫn các em những bài kỹ năng sống theo tinh thần hướng đạo chung. Hoạt động này hiện nay không bị cấm, nhưng lại hoàn toàn không được khuyến khích.
Khi nào người ta còn chưa chịu chấp nhận những ưu điểm khác biệt vẫn diễn ra xung quanh thế giới, khi nào người ta chưa đặt trẻ em là trọng tâm của sự quan tâm thì trẻ em Việt Nam sẽ mãi còn là nạn nhân của đủ thứ áp lực đè nặng.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, người đang sống ở Thụy Sỹ.
Cuộc chiến 1979 không có xóa địa danh lịch sử Pắc Bó.
Tuy vậy, trong vùng này phía TQ đã lấy được đất thuộc khu vực mốc 114, tại cửa ải Bình Mãng, phía hữu ngạn sông Bằng (Bằng Giang), cũng như đất khu vực giữa hai mốc 111-112 và khu vực mốc 113.
Để ý các khu vực đất của VN bị mất cho TQ trong vùng biên giới này, (cũng như ở các địa điểm khác trên đường biên giới), đôi khi rất nhỏ về diện tích (vài trăm mét vuông cho đến vài km²), nhưng luôn là các khu vực có tầm quan trọng về kinh tế (hay chiến lược).
Nhắc lại để biết, Công ước Pháp-Thanh bổ sung về biên giới năm 1895 nhượng lại cho VN vùng đất hữu ngạn sông Đà (gồm Lai Châu, Điện Biên và Sơn La giao cho TQ theo công ước 1887), diện tích hàng ngàn cây số vuông, để lấy một góc nhỏ đất thuộc Mường Khuơng và Phương Độ (thuộc Hà Giang), diện tích vài chục cây số vuông. So sánh giá trị việc trao đổi này, phía VN được cái « tiếng » còn phía TQ được cái « miếng ». Là vì khu vực đất giao cho TQ là vùng đất có rất nhiều quặng mỏ quan trọng. Trong khi khu vực đất giao cho VN là… trái bom nổ chậm. Khu vực Lai Châu, ngày xưa, vốn thuộc quyền của đầu lĩnh người Thái tên là Đèo Văn Trị, xưa nay sống tự trị, không thần phục TQ cũng không thần phục VN. Vui thì không nói chi, khi buồn họ nổi dậy quấy phá. Ngoài ra, các vụ loạn lạc (của người Hồi và Thái Bình Thiên Quốc) vào thế kỷ 18 đã làm chết khoảng 50 triệu người TQ, gây ra một làn sóng di cư vĩ đại xuống khu vực biên giới Việt-Trung, trải dài từ Lai Châu, Sơn La, Điện Biên… xuống tới các tỉnh Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An giáp ranh với Lào. Ngoài các sắc dân người thiểu số, di cư từ các tỉnh Vân Nam, Quí Châu, còn có các băng đảng cướp (Cờ Đen, Cờ Vàng…). Triều nhà Nguyễn suy sụp nhanh cũng do thành phần bất hảo này. Nói là « trái bom nổ chậm » là thích hợp.
VN từ xưa đến nay, là thùng rác chứa đồ phế thải, hay các thứ không thể tiêu hóa về kinh tế hay an ninh của TQ.
Xét mảnh bản đồ sau đây :
Bản đồ số 21 của bộ bản đồ đính kèm Hiệp ước biên giới 1999.
Các khu vực khoanh vòng xanh trên bản đồ là các địa điểm đường biên giới có thay đổi, lấn sang Việt Nam.
Khu vực khoanh vòng đỏ, các địa danh sông núi của VN được đổi tên, đặt sang tên nước ngoài, gồm suối Lê Nin và núi Các Mác.
Lãnh đạo CSVN đặt tên « nước ngoài » cho đất đai VN thế cũng hay, nếu không nói là thâm thúy lắm !. Những phế phẩm của của chủ nghĩa Mác-Lê, như tượng Lê Nin, tượng Các Mác hay sách vở lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội… của các nước trên thế giới vứt bỏ, từ nay không còn lo ngại việc ô nhiễm. Hang Pắc Bó nên đổi tên thành « thùng rác lịch sử của thế giới » cho hợp tình hợp cảnh. Không phải xưa nay VN đã là thùng rác của TQ hay sao ? Thêm chút rác rưởi nữa thì không hề gì.
Theo Công ước Pháp Thanh 1887, các cột mốc trong khu vực được định nghĩa như sau :
111, Lộng Canh Sơn弄…山, A un col entre les cirques de Lung-Kem (Chine) à Loc-Son (Tonkin) derrière une maison isolée qui appartient à l’Annam. Tạm dịch : Cắm trên một cái đèo, khoảng giữa các thung lũng nhỏ từ Lung-Kem (thuộc Trung Hoa) đến Lộc Sơn (VN), phía sau một ngôi nhà biệt lập thuộc VN.
112, Lộng Bình Lĩnh 弄平嶺, Au S et à l’environ 15m du sentier allant de Lung-Bin (Chine) à Lung-Heun adossée à un rocher isolé au milieu des champs. Cắm ở phía nam, cách khoảng 15m con đường mòn đi từ Lung-Bin (Trung Hoa) đến Lung-Heun ( ?), dựa vào một khối đá đơn độc ở giữa đồng.
113, Hạo Long Sơn 後龍山, Au bas de l’escalier descendant du fort chinois au N et près du chemin allant de Na-Sat à Bing-Mang. Cắm ở phía dưới chân cầu thang của công sự (Trung Hoa), phía bắc và kế cận con đường nối từ Na-Sat đến Bình Mãng.
114, Bình Mãng Ải Khẩu 平孟隘口, Près de la porte de Chine. A la patte d’oie formé par les chemins allant de Na-Sat à Soc-Giang (Soc-Hung) et Soc-Lung. Cắm gần của ải Bình Mãng. Tại ngả ba của hai con đường từ Na Sat đi Sóc Giang và Soc Lung.
Về địa danh Pắc Bó, chép lại bài viết đã đăng trước đây, nội dung như sau :
Cuộc chiến 1979 đã xóa địa danh lịch sử Pắc Bó ?
Tháng 2 năm 1979 Trung Quốc xua quân đánh VN, gọi là cuộc chiến « phản công tự vệ ». Trong vòng vài ngày, quân Q đã đánh chiếm và phá thành bình địa các tỉnh dọc biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai… Một trong những mũi tiến công của quân đội TQ vào chiếm Cao Bằng là đạo binh thiết giáp tiến vào cửa ngỏ cột mốc 108, đi qua Pác Bó, Trường Hà để tiến vào Cao Bằng. Từ thời Pháp thuộc, khu vực này có nhiều đường mòn nối từ phía TQ qua các bản làng bên VN. Theo các dữ kiện từ phía TQ, đạo quân thiết giáp đi vào ngả mốc 108 đã gặp rất nhiều khó khăn vì các đường mòn đã bị bỏ hoang từ lâu. Việc chiếm Cao Bằng do đó chậm trễ so với dự liệu. Theo các tài liệu của TQ về cuộc chiến biên giới 1979, mục tiêu của quân TQ đánh VN là « dạy cho VN bài học ». Vì thế cuộc chiến trước hết là giết chóc và « phá hoại ».
Các di tích lịch sử của CSVN như hang Pắc Bó (gồm có bảo tàng viện Hồ Chí Minh cùng các di tích thiên nhiên như núi Các Mác, suối Lê Nin…), nằm trên đường từ cột mốc 108 đến xã Trường Hà, tức nằm trên đường tiến quân của quân đội TQ.
Hang Pắc Bó thuộc bản Bó Bẩm, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Bản Bó Bẩm, cũng như các bản (làng) Khuổi Nậm, Nà Kéo, Nà Mạ, Nậm Lìn và Nà Lẹn là các bản (làng) thuộc xã Trường Hà có giáp ranh biên giới với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trên bản đồ của Sở Địa Dư Đông Dương 1948, địa danh Pắc Bó (ghi trên bản đồ là Pac Bo) ở về phía đông bắc xã Trường Hà (ghi là Trung Ha). Khoảng cách tương đối Pắc Bó cách đều cột mốc 108 và Trường Hà, khoảng 1 hay 2 km.
Hang Pắc Bó là một địa danh lịch sử của những người cộng sản Việt Nam, từng là nơi trú ẩn của ông Hồ Chí Minh, lúc từ Quảng Tây (Trung Quốc) trở về VN lần đầu, năm 1941, sau nhiều năm bôn ba hải ngoại. Nơi đây cũng là bản doanh đầu tiên của các lãnh tụ đảng CSVN trên đất VN. Người ta gọi địa danh này là « thánh địa » của những người CSVN.
Hình : một góc bản đồ tỉnh Cao Bằng SGI 1/100.100 năm 1948. Khu vực hang Pắc Bó kế cận các cột mốc 107, 108 …
Theo nhà báo Trần Đông Đức đã viết ở đây : http://www.rfavietnam.com/node/951 , thì hang Pắc Bó cùng quần thể di tích lịch sử này đã thuộc về lãnh thổ TQ.
Thực hư việc này ra sao ?
Một số chi tiết về các cột mốc biên giới được cắm theo công ước Pháp Thanh 1885-1897, dẫn từ bài trên :
Cột mốc 108 :
Trong hình ở trên, các ghi chú đọc được : bên phải ghi « Trung Quốc Quảng Tây Giới ». Ở giữa ghi « Frontière Sino-annamite ». Bên trái, có dòng chữ khắc lên 德 業卡 (Ðức Nghiệp Kha hay Ca). Số « N° 108 » là viết thêm vào mới đây bằng sơn trắng. Đối chiếu hình chụp hai trang biên bản (tiếng Pháp và tiếng Hán) :
Hình : Biên bản tiếng Hán.
Hình : Biên bản tiếng Pháp.
Ta thấy德 業卡 Ðức Nghiệp Kha là tên của cột mốc số 107. Như vậy số « N° 108 » mới viết có thể không đúng.
Trong khi đó hình của cột mốc « gọi là » 107 :
Thì tên cột mốc khắc trên bia (do mù mờ, có thể) là 凌 傑 山 (Lăng Kiệt Sơn). Đối chiếu với biên bản, tên này tương ứng cột mốc số 108.
Số 107 thấy trên bia, cũng như số 108 ở hình trên, có thể mới khắc vào sau này.
Vì thế có điều không rõ rệt ở hai cột mốc 107 và 108. Việc này có thể do bị chuyển dịch, dời đổi các cột mốc. Sự việc mài xóa số nguyên thủy và viết lại số mới (như trường hợp mốc 53 tại thác Bản Giốc), có thể do những người dời cột mốc viết lại cho phù hợp vị trí.
Tên và vị trí của hai cột mốc 107 và 108 được mô tả bằng tiếng Pháp như sau :
Borne n° 107, Ta-Nia, Sur le chemin de Linh-Wan (Chine) à Khen-Tac (Tonkin).
Borne n° 108, Lin-Tiao, Sur le chemin venant de Co-Ma (Chine) l’endroit où ce chemin venant du N tourne à l’O. pour suivre la frontière
Đối chiếu với văn bản tiếng Hán, tên cột mốc 107 là 德 業卡 (Ðức Nghiệp Kha hay Ca), được cắm ở vị trí « trên đường từ Linh-Wan (Trung Quốc) đến Khen-Tac (VN).
Tên cột mốc 108 là 凌 傑 山 (Lăng Kiệt Sơn), được cắm trên đường đến từ Co-Ma (TQ), tại điểm mà đường này đến từ phía bắc chuyển sang phía tây, rồi đi theo đường biên giới.
Về quần thể Pắc Bó hiện nay, theo các hình ảnh lấy trên Google Earth của các bạn Photos by 214615, Photos by Hung.TD, Photos by Vu Son… gởi lên, ta thấy rõ ràng là mới xây lại.
Bục đá bợ tấm bia, bờ suối Lê Nin, bàn đá… không còn nguyên nét thiên nhiên mà có bàn tay con người thay đổi.
Về « bàn đá của bác Hồ », có lẽ không ai dùng tảng đá giữa suối để « chông chênh viết sử đảng ». Hợp lý thì ở trong hang Pắc Bó, hoặc ở trên bờ suối, chứ không ở giữa suối như trong hình.
Con suối Lê Nin thì rõ ràng không còn (hay không phải) là suối thiên nhiên. Bờ suối có dấu mới đẻo, có thể nhằm vào việc khai mươn, dẫn nước vào, tạo thành con suối. Con suối do đó có thể là suối nhân tạo.
Cảnh trí ở Pắc Bó với suối Lê Nin và núi Các Mác hoàn toàn đánh mất tính lịch sử do việc tạo dựng lại. Lịch sử chú trọng ở « sự thật ». Nó cũng mất hoàn toàn mỹ tính của thiên nhiên, là điểm quan trọng để thẩm định giá trị thực sự một thắng cảnh, một di tích lịch sử, văn hóa.
Thực ra, di tích Pắc Bó với núi Các Mác và suối Lê Nin là một vết tích xấu hổ cho lịch sử của dân tộc VN. Vì đất đai, sơn thủy của tổ tiên lại bị đặt những cái tên người nước ngoài, những tên đồ tể nhân loại, đã bị thế giới lên án. Xét sâu xa, các nhân vật Các Mác, Lê Nin, (kể cả ông Hồ) đều đã không đem lại điều gì tốt đẹp cho đất nước và dân tộc VN, ngoài chiến tranh và sự nghèo đói. Sự việc quân TQ xóa bỏ di tích này cũng là một điều tốt cho dân VN, nếu nó không được xây dựng lại (một cách dối trá và vụng về).
Nhưng lịch sử luôn được viết bởi phía chiến thắng. Bi hài là chỗ đó.
Cẩm nang dân chủ đa nguyên – kỳ 10 – Dân chủ đa nguyên (Hoàng Tâm Nguyên)
Hoàng Tâm Nguyên
“…Đa
nguyên chính trị không phải là nguyên nhân đưa tới lạm phát chính đảng.
Số lượng chính đảng tùy thuộc chủ yếu vào thể thức đầu phiếu. Tự do và
dân chủ cũng không hề tạo ra bất ổn, trái lại còn là điều kiện cần để có
ổn định chính trị. Mặt khác, ổn định chính trị không thể đồng nghĩa với
sự duy trì dài hạn một đảng cầm quyền…”
LTS: Đến đây là phần kết của tập tài liệu “Cẩm nang dân chủ đa nguyên”. Các thân hữu và độc giả của Thông Luận có thể tài toàn bộ tập tài liệu này dưới dang pdf ở nơi đây: Cẩm nang dân chủ đa nguyên
để tùy nghi tham khảo. Chúng tôi đón nhận mọi ý kiến xây dựng để cùng
nhau thúc đẩy mau chóng tiến trình dân chủ hóa Việt Nam và cùng nhau đưa
đất nước Việt Nam thoát cảnh trì trệ và bế tắc hiện nay. Xin chân thành
cám ơn các bạn đã theo dõi đến đây.
X- DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN
1/ Dân chủ đa nguyên là một ý niệm mới
2/ Sự cần thiết của chế độ chính trị dân chủ đa nguyên
3/ Tản quyền
4/ Thành kiến sai lầm về chế độ chính trị đa nguyên
5/ Dân chủ đa nguyên và chính trị Việt Nam
6/ Lý tưởng dân chủ đa nguyên trong công cuộc đấu tranh dân chủ
7/ Lý tưởng dân chủ đa nguyên đối với Tập hợp Dân chủ Đa nguyên
*
1/Dân chủ đa nguyên là một ý niệm mới
Dân chủ đa nguyên không phải chỉ là một thuật ngữ mới mà là một ý niệm mới, một bước tiến mới của dân chủ.
Dân chủ đa nguyên là tổng hợp chính trị ở giai đoạn của nhiều đột phá
trong kho tàng suy tư của nhân loại. Phần đông vẫn chỉ hiểu đa nguyên là
đa đảng, do đó dân chủ đa nguyên chủ yếu là một khẩu hiệu để chống độc
tài, để phản bác luận thuyết dân chủ tập trung của đảng cộng sản. Về
điểm này, cần nhìn nhận là đảng cộng sản có vẻ tỏ ra hiểu biết hơn
nhiều người chống cộng. Họ phân biệt đa nguyên và đa đảng khi họ đưa ra
cương lĩnh chống đa nguyên, đa đảng.
Mặc
dầu thảo luận về tương lai của dân chủ là một khuynh hướng thời thượng,
cho tới nay trong các tác phẩm chính trị nổi tiếng trên thế giới chưa
có một định nghĩa rõ rệt cho dân chủ đa nguyên. Tổ chức Tập hợp Dân
chủ Đa nguyên đã đưa ra một định nghĩa rõ rệt với năm đặc tính của dân
chủ đa nguyên. Từ khi định nghĩa này được đưa ra năm 1992, qua các thảo
luận trực tiếp với các nhà nghiên cứu chính trị cũng như qua những tác
phẩm mới, Tập hợp đã chỉ nhận được những bổ túc chứ chưa gặp một phản
bác nào.
Định nghĩa đó được diễn đạt rằng, dân chủ đa nguyên là một hệ thống chính trị mới gồm có năm đặc tính bắt buộc:
-Một là, dân chủ đa nguyên nhìn nhận và tôn trọng chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau
cho mọi người thuộc mọi thành phần xã hội, mọi tín ngưỡng và mọi khuynh
hướng chính trị. Dân chủ đa nguyên lên án mọi phân biệt đối xử, nó
chống đối quyết liệt chế độ độc đảng. Một cách cụ thể bản hiến pháp của
một thể chế dân chủ đa nguyên không thể chứa đựng bất cứ một qui chiếu
nào về một chính đảng, một chủ nghĩa hay một tôn giáo.
-Hai là, ngoài nguyên tắc phân quyền phải có trong mọi nền dân chủ xứng đáng với tên gọi của nó, dân chủ đa nguyên đòi hỏi tản quyền
để tôn trọng sự khác biệt giữa các địa phương. Một chính quyền dù xuất
phát từ bầu cử tự do đi nữa cũng không phải là dân chủ đa nguyên nếu
phần lớn quyền hành tập trung trong tay chính quyền trung ương.
-Ba là, dân chủ đa nguyên đặt nền tảng trên xã hội dân sự.
Bên cạnh các chính đảng, còn có các cộng đồng sắc tộc, địa phương và
tôn giáo, các hiệp hội công dân tổ chức theo ngành nghề quyền lợi, nhân
sinh quan, sở nguyện, ưu tư, v.v... Những đối tác xã hội này được hoạt
động độc lập với chính quyền, được nhìn nhận một chỗ đứng trọng yếu,
được có tiếng nói và ảnh hưởng trong sinh hoạt cũng như trong sự tiến
hóa của xã hội. Nhà nước tự coi mình có sứ mạng phục vụ xã hội dân sự chứ không khống chế
xã hội dân sự, không định đoạt sinh hoạt thường ngày thay cho xã hội
dân sự. Về mặt kinh tế điều này có nghĩa là nền kinh tế quốc gia phải
đặt nền tảng trên các xí nghiệp tư, khu vực quốc doanh phải được giới
hạn ở mức tối thiểu và nếu không có thì càng hay. Vai trò nền tảng của
các hiệp hội công dân đa dạng là một bảo đảm chắc chắn cho sự chuyển hóa
thường trực, tự nhiên và liên tục của xã hội, tránh những xáo trộn đột
ngột và đầy đổ vỡ của các cuộc cách mạng.
-Bốn là, dân chủ đa nguyên kính trọng các thiểu số và luôn luôn mưu tìm thỏa hiệp.
Trong một thể chế dân chủ đa nguyên, nguyên tắc thiểu số phục tùng đa
số không được sử dụng một cách tự động và máy móc mà chỉ được dùng tới
sau khi đã tận dụng mọi cố gắng để tìm đồng thuận. Dân chủ đa nguyên chống lại mọi hình thức chuyên chính, kể cả chuyên chính của đa số.
Bình thường trong một thể chế dân chủ sự chính đáng của một chính quyền
dựa trên kết quả của cuộc bầu cử cuối cùng, nhưng trong dân chủ đa
nguyên sự chính đáng của một chính quyền còn nằm cả trong sự thành khẩn
tìm đồng thuận trong mọi quyết định quan trọng.
-Năm là, dân chủ đa nguyên trong bản chất của nó tôn trọng mọi thành phần dân tộc
và không thể để một thành phần nào bóc lột và chà đạp một thành phần
khác. Vì thế dân chủ đa nguyên coi rất trọng công bằng xã hội và không
thể đi đôi với cái thường được gọi là tư bản rừng rú.
Trong một thể chế dân chủ đa nguyên, nhà nước không còn là người chỉ huy tuyệt đối. Vai trò của nhà nước chỉ là đảm nhiệm ba chức năng:
- Trọng tài trong các quan hệ giữa các thành tố của xã hội,
- Chế tài những vi phạm,
- Hòa giải những đòi hỏi mâu thuẫn của các thành phần dân tộc.
Nhà nước hòa giải thay vì nhà nước chỉ huy là nét đậm của dân chủ đa nguyên.
Nó phân biệt hẳn dân chủ đa nguyên với các chế độ chuyên chính, nhưng
nó cũng khiến dân chủ đa nguyên khác với nhiều chế độ dân chủ trong đó
chính quyền vẫn còn tham vọng định đoạt thay cho xã hội dân sự.[1]
2/Sự cần thiết của chế độ chính trị dân chủ đa nguyên
Chế độ chính trị dân chủ đa nguyên qui tụ, và phải qui tụ, mọi người thuộc mọi quá khứ chính trị.
Chế độ chính trị dân chủ đa nguyên tôn trọng mọi khác biệt và dành chỗ đứng ngang nhau cho mọi người và cho mỗi người. Nhà nước phải thực sự tản quyền, cho phép các địa phương tự tổ chức sinh hoạt của mình theo những điều kiện đặc biệt. Nhà nước tự coi như có sứ mệnh phục vụ xã hội dân sự
và tạo điều kiện để xã hội dân sự phát triển và đem lại phúc lợi cho
đất nước. Nhà nước đặt nền tảng trên thỏa hiệp thay vì xung khắc, không áp dụng một cách máy móc nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Nhà nước coi công bằng xã hội là một ưu tư thường trực. Nhà nước dân chủ đa nguyên phải là một nhà nước nhẹ,
tuyệt đối tôn trọng và thực thi luật pháp, tập trung vào sứ mệnh hòa
giải những tranh chấp, trọng tài các quan hệ trong xã hội dân sự và chế
tài những vi phạm.[2]
Chế
độ dân chủ đa nguyên không thiên kiến chính trị hay ý thức hệ, xác
định quốc gia là của mọi người Việt Nam, không loại trừ một ai. Trong
chế độ chính trị dân chủ đa nguyên - đất nước là tài sản chung,
trách nhiệm chung và tương lai chung.[3]
Thể
chế dân chủ đa nguyên, dành chỗ đứng ngang nhau cho mọi người và cho
mỗi người; mọi người đều đã đồng ý rằng nền kinh tế của Việt Nam phải là
kinh tế thị trường lấy tư doanh làm nền tảng, lấy cạnh tranh làm sức
mạnh và lấy lợi nhuận làm chất kích thích.[4]
3/Tản quyền
Tản
quyền là một trong những thành tố căn bản của dân chủ đa nguyên, nó cho
phép các khuynh hướng chính trị, các sắc tộc và tôn giáo thiểu số có
được một trọng lượng đáng kể tại những vùng mà họ hiện diện đông đảo, do
đó nó làm dịu bớt những tâm trạng bất mãn và những ý đồ ly khai.
Đinh
Tiên Hoàng, một cách vô tình khai sinh ra một chủ trương chính trị tại
Việt Nam, đó là quan điểm nhà nước tập trung và toàn quyền. Việc ông gom
thâu các sứ quân khác đã được tôn vinh triệt để, đã khiến sự tập trung
mọi quyền lực quốc gia về một mối trở thành một lẽ dĩ nhiên trong tâm lý
tập thể của chúng ta.
Biến
cố lịch sử này đã khai sinh ra cả một phản xạ tập trung quyền lực mà
các diễn biến lịch sử sau này tăng cường thêm: Họ Trịnh đã coi việc cất
quân đánh họ Nguyễn ở phương Nam là giải pháp duy nhất. Nguyễn Huệ cất
quân diệt họ Trịnh và đánh cả ông anh là Nguyễn Nhạc. Hồ Chí Minh và
đảng cộng sản quyết tâm đánh gục chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam cho
dù sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhiều thành phố có thể bị tiêu
diệt.
Chế
độ tản quyền hơn hẳn chế độ tập quyền. Không phải là một ngẫu nhiên mà
nó đang là phương thức mọi quốc gia hướng tới. Điều cần được đặc biệt
lưu ý là nó cũng là giải pháp cho những quốc gia tụt hậu và thiếu dân
chủ.
-Trước hết tản quyền là một đảm bảo cho dân chủ.
Các vùng tự quản dĩ nhiên không thể có chế độ độc tài vì thẩm quyền của
chính quyền địa phương chỉ là điều hành các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã
hội trong khuôn khổ của luật pháp quốc gia. Ngược lại, chính quyền
trung ương cũng không thể độc tài vì phần lớn sinh hoạt quốc gia nằm
trong tay các chính quyền vùng hay tiểu bang. Trung ương và địa phương
kiểm soát lẫn nhau với kết quả sau cùng là mọi bên đều phải khiêm tốn và
chừng mực. Một chính quyền địa phương tồi dở không thể cấm đoán bầu cử
tự do và cũng không thể gian lận bầu cử mà không bị chính quyền trung
ương chế tài tức khắc. Ngược lại, một chính quyền trung ương không được
nhân dân tín nhiệm cũng chắc chắn bị thay thế vì không thể khống chế
được dân chúng, vốn tùy thuộc các chính quyền vùng nhiều hơn chính
quyền trung ương. Sinh hoạt chính trị chỉ có thể là dân chủ. Hơn nữa mọi
âm mưu đảo chính đều vô vọng.
-Tản quyền đem dân chủ tới mọi nơi
và mọi người qua các cuộc tranh luận và tranh cử địa phương. Trong một
nước chưa có truyền thống dân chủ, một chính quyền tập trung ngay cả có
thiện chí cũng có thể chỉ thực hiện được dân chủ đối với một thiểu số
trí thức ở thủ đô.
-Tản quyền có lợi cho mọi sinh hoạt, đặc biệt là những sinh hoạt kinh tế.
Nó tránh được những đường dây hành chánh dài và phức tạp, tiết kiệm
được thì giờ và phí tổn; nó kích thích văn hóa và báo chí địa phương, nó
cho phép mỗi địa phương chọn lựa phương thức sinh hoạt phù hợp nhất với
đặc tính và điều kiện của mình, đồng thời lấy những quyết định nhanh
chóng. Các vùng nghèo khó sẽ có được một chính quyền riêng dành tất cả
ưu tư cho vùng thay vì phải chờ đợi, và thường thường bị quên lãng, ở
một chính quyền trung ương bận rộn với những vấn đề dồn dập của những
vùng đã phát triển và hoạt động mạnh, như chúng ta đã thấy hiện nay
chính quyền Việt Nam dành hết thì giờ giải quyết những vấn đề của Sài
Gòn và Hà Nội. Không ai báo động một cách thành tâm và chính xác những
khó khăn của một vùng bằng chính quyền vùng. Một chính quyền địa phương
tự quản vừa có khả năng tự giải quyết một số khó khăn, vừa có khả năng
động viên cử tri vùng làm áp lực buộc chính quyền trung ương phải quan
tâm đến những khó khăn ngoài tầm tay của chính quyền vùng.
-Tản quyền đóng góp một cách quyết định vào sự ổn vững của quốc gia.
Chế độ này khoanh khu vực nhiều vấn đề và tránh cho quốc gia những
cuộc khủng hoảng thuộc về trách nhiệm cùa chính quyền vùng. Hơn
nữa, nó còn giúp cho quốc gia có thể thực hiện những cải tổ lớn mà không
rơi vào hỗn loạn.
-Trong một nước tản quyền, phần lớn những vấn đề kinh tế, xã hội đặt ra ở từng địa phương và ở những thời điểm khác nhau. Mỗi địa phương là một thí điểm cho một sáng kiến giải quyết và là một kinh nghiệm cho các địa phương khác. Tổ chức tản quyền như vậy giúp quốc gia tiến tới trong sự ổn vững.
-Một ưu điểm vô cùng quan trọng khác của tản quyền là nó làm giảm bớt xung đột đảng phái, bảo đảm hòa hợp dân tộc và văn minh hóa sinh hoạt chính trị.
Một chính đảng có thể cầm quyền ở cấp trung ương nhưng lại là đảng đối
lập trong nhiều vùng. Ngược lại các đảng đối lập có thể cầm quyền ở một
số địa phương. Xung khắc chính quyền - đối lập sẽ bớt hẳn sự gay gắt.
Trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, tản quyền giúp chúng ta chấm dứt
tâm lý tồi tệ được làm vua (và lộng hành), thua làm giặc (và phá hoại)!
Đó là một giải đáp cho yêu cầu hòa giải và hòa hợp dân tộc.
-Tản quyền còn một đóng góp quan trọng khác, đó là bảo đảm một chính quyền trung ương tài giỏi,
vì tất nhiên đa số những người cầm quyền ở cấp trung ương đều đã trải
qua giai đoạn đầu của sự nghiệp chính trị trong các chính quyền vùng và
khả năng đã được kiểm chứng.
Tóm
lại, tản quyền có tất cả mọi phúc lợi. Nhưng muốn tản quyền có nội dung
và tác dụng mong muốn của nó, tản quyền phải hội đủ hai điều kiện: một
là mỗi vùng phải có khả năng tồn tại và phát triển được, hai là tản
quyền không khuyến khích những ý đồ ly khai.
-Điều kiện thứ nhất đòi
hỏi mỗi vùng phải có diện tích, dân số, tài nguyên hay điều kiện địa lý
tương đối đủ. Nước ta hiện có gần 90 triệu dân (hy vọng là dân số sẽ ổn
định ở mức 100 triệu), có thể chia làm từ mười đến mười lăm vùng, mỗi
vùng với dân số từ năm tới mười triệu người. Để tránh những phiền toái
về hộ tịch, mỗi vùng sẽ là sự kết hợp của một số tỉnh hiện nay. Các vùng
sẽ có một nghị viện, một chính quyền dân cử và một guồng máy hành chánh
riêng. Ở đơn vị tỉnh, ta có thể hình dung một hội đồng tỉnh do dân bầu
ra và một tỉnh trưởng xuất phát từ hội đồng tỉnh, trong khi guồng máy
hành chánh vẫn là một bộ phận của guồng máy hành chánh vùng.
-Điều kiện thứ hai
đòi hỏi giới hạn rõ ràng thẩm quyền của chính quyền vùng. Các vùng dĩ
nhiên không được quyền có quân đội; số cảnh sát vùng cũng phải nằm trong
một tỷ lệ nào đó so với số cảnh sát trung ương có mặt trong vùng, thí
dụ 1- 1; luật pháp của vùng không được mâu thuẫn với luật pháp trung
ương.
Các vùng không có tiền tệ riêng, không được quyền ký hiệp ước với nước
ngoài, không được có đại diện ngoại giao, không được tổ chức các cuộc
trưng cầu dân ý có nội dung chính trị, các vùng cũng không được ký kết
các hiệp ước với nhau và không được làm chủ các công ty có mục đích
kinh doanh.
Với
tất cả những giới hạn trên đây chúng ta không cần lo ngại một âm mưu ly
khai nào; ngược lại, những giới hạn này không hề làm suy giảm thẩm
quyền văn hóa, kinh tế và xã hội nào của vùng.
Hiện nay đất nước ta tuy thống nhất về mặt hành chánh nhưng vẫn còn rất chia rẽ trong lòng người, chia rẽ vì quá khứ
chính trị, chia rẽ về tôn giáo, sắc tộc, v.v... nhưng nặng nề nhất là
chia rẽ Bắc - Nam. Với sự phân vùng và tản quyền như trên, mối chia rẽ
Bắc - Nam sẽ không còn nữa, bởi vì sẽ không còn miền Bắc, miền Nam mà
sẽ chỉ còn vùng này và vùng nọ. Các sắc tộc ít người sẽ có trọng lượng
lớn tại các vùng thượng du miền Bắc và cao nguyên miền Trung, đồng bào
gốc Khmer sẽ có tiếng nói đáng kể ở miền Tây Nam phần. Các tín đồ Cao
Đài, Hòa Hảo sẽ có một chỗ đứng quan trọng ở các tỉnh Tây Ninh và Long
Xuyên. Tinh thần địa phương là bước đầu của tinh thần quốc gia dân tộc nếu được phép phát huy một cách tự nhiên.
Khi
các địa phương được phát triển tự nhiên, họ sẽ không còn cảm thấy muốn
ly khai nữa. Vả lại, đà tiến hóa của thế giới hiện nay là kết hợp chứ
không phải ly khai. Các nước châu Âu đã kết hợp thành Liên Hiệp Châu
Âu, các nước Bắc Mỹ và Nam Mỹ cùng đang cố gắng kết hợp thành khối. Cộng
đồng nào, địa phương nào cũng muốn được hội nhập trong một thực thể lớn
hơn.
Tản
quyền không làm đất nước tan vỡ, trái lại nó khiến cho đất nước được
quản trị một cách hợp lý hơn và thông minh hơn, nó cũng góp phần hòa
giải người Việt với đất nước mình vì nó xoa dịu những mối bất hòa.[5]
4/Thành kiến sai lầm về chế độ chính trị đa nguyên
Chế
độ đa nguyên và đa đảng có thể gây ra tình trạng phân tán đảng phái,
trong đó không có đảng nào có được đa số để nắm chính quyền và do đó gây
ra tình trạng bất ổn chính trị. Người ta có thể lo sợ rằng chính quyền
sẽ thay đổi liên tục tùy theo những hợp tan của những liên minh tạm
bợ.[6]
Đa nguyên chính trị không phải là nguyên nhân đưa tới lạm phát chính đảng. Số lượng chính đảng tùy thuộc chủ yếu vào thể thức đầu phiếu.
Tự do và dân chủ cũng không hề tạo ra bất ổn, trái lại còn là điều kiện
cần để có ổn định chính trị. Mặt khác, ổn định chính trị không thể đồng
nghĩa với sự duy trì dài hạn một đảng cầm quyền.[7]
5/Dân chủ đa nguyên và chính trị Việt Nam
Thiếu tiên liệu là một hằng số của chính trị Việt Nam.
-Chính
trị Việt Nam lẽ ra đã phải tiên liệu rằng chủ nghĩa thực dân sắp cáo
chung và độc lập dân tộc là điều chắc chắn sẽ có. Vấn đề lúc đó chỉ là
tranh đấu để sớm có độc lập, sớm bắt đầu xây dựng, và nếu hiểu như thế
thì không thể có vấn đề hy sinh tất cả cho kháng chiến giành độc lập.
-Chính
trị Việt Nam lẽ ra đã phải nhận định là đất nước đã quá kiệt quệ và mệt
mỏi để có thể chịu đựng một cuộc chiến tranh chống Mỹ.
-Năm
1975, thay vì nhìn thấy sự phá sản đã rõ rệt của chủ nghĩa cộng sản và
chuyển hướng – vì lúc đó có rất nhiều điều kiện tốt để chuyển hướng –
đảng cộng sản lại huênh hoang đi vào ngõ cụt. Họ đánh chiếm Cambodia để
rồi phải rút quân sau khi trả giá rất đắt. Họ khiêu khích với Trung Quốc
để rồi phải quỵ luỵ cầu hoà.
-Năm
1991, bầu trời xã hội chủ nghĩa đã sập trên đầu họ, nhưng họ vẫn chưa
hiểu rằng chỉ còn một việc phải làm là tự tổ chức lấy sự cáo chung của
chế độ trong êm thắm.
Những
người lãnh đạo cộng sản không phải là tồi. Họ có bản năng mạnh. Nhưng
họ thiếu văn hoá để cứ chạy theo một thực tại không bao giờ ngừng chuyển
động.
Trước
mặt họ, người quốc gia nhiều năm sau 1975 vẫn không thấy được là chế độ
cộng sản chắc chắn sẽ bị đào thải và tương lai dân chủ đa nguyên là một
bắt buộc. Thay vì lạc quan, họ đã lấy tuyệt vọng làm tinh thần chỉ đạo
và đã chỉ biết phản ứng thay vì hành động. Thay vì đứng dậy khởi hành về
tương lai, họ đã tự cột chân vào nghĩa trang để làm người giữ mồ cho
chế độ Việt Nam Cộng Hoà.
Ngày
nay dù chúng ta đã được thời cuộc soi sáng rất nhiều, nhưng chúng ta
vẫn còn có nguy cơ rơi vào một thảm kịch khác nếu không biết tiên liệu
để đi trước biến cố thay vì chạy theo biến cố. Chế độ cộng
sản đã chết, ngay cả tại Việt Nam. Trước mắt chúng ta chỉ còn một chế độ
độc tài thối nát, như mọi chế độ độc tài thối nát khác.
Nhưng hết cộng sản không phải là hết vấn đề. Bộ máy chính trị của đảng
cộng sản đã quá yếu để có thể kiểm soát được một quân lực quá đồ sộ.
Chúng ta thiếu thực phẩm nhưng lại có quá nhiều súng đạn. Đất nước Việt
Nam đã chín muồi cho một cuộc đảo chánh, dọn đường cho một chế độ quân
phiệt. Chế độ này sẽ tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa Marx - Lenin, nhưng sẽ
chẳng thay đổi gì hết. Nó sẽ chỉ đem lại một tình trạng hỗn loạn chính
thức. Lúc đó chúng ta sẽ ăn nói làm sao? Lập trường của đối lập Việt Nam
vẫn là chống cộng?
Trong
trung hạn, 5 năm hay 10 năm, điều rất có thể xảy ra là Việt Nam sẽ là
một nước trong đó các chủ nhân và ban lãnh đạo xí nghiệp là người Trung
Hoa, người Nhật, người Thái, người Đại Hàn, người Pháp v.v., còn công
nhân là người Việt Nam. Tệ hơn nữa còn là một đất nước đầy rẫy khách sạn
và vũ trường trong đó chủ nhân và khách hàng là người nước ngoài, còn
bồi bàn và vũ nữ là người Việt Nam. Ai chấp nhận cho Việt Nam tương lai
này? Nhưng đó là điều sẽ đến nếu kẻ cầm quyền vẫn tiếp tục thái độ "được làm vua" và đối lập vẫn tiếp tục tâm lý "thua làm giặc".
Chúng
ta hơn thua nhau để làm gì nếu đất nước chúng ta thua kém thế giới? Lúc
đó cái hơn chẳng qua chỉ là cái hơn của người bồi chính và người bồi
phụ. Chúng ta sẽ chỉ có tương lai xứng đáng nếu biết nhìn nhau là anh em
và bắt tay nhau, dìu dắt nhau xây dựng một tương lai chung. Hoà giải và
hoà hợp dân tộc là một bắt buộc. Hoà giải để động viên mọi khát vọng
dân chủ trong cố gắng dứt điểm bạo quyền. Hoà hợp để cùng
nhau thoát hiểm, tránh cho đất nước khỏi bị gạch tên trong danh sách
những dân tộc có thể nói đến hạnh phúc và danh dự.
Mỗi người chúng ta chắc chắn sẽ phải hy sinh nhiều tự ái và nhiều uất ức chính đáng. Nhưng nếu không chúng ta sẽ mất tất cả.
Tiên
liệu là yếu tố cốt lõi của chính trị. Cái khó là tiên liệu không phải
là một phản ứng tự nhiên. Nó không có sẵn trong bản năng mà, trái lại,
đòi hỏi vượt lên trên bản năng và vận dụng trí tuệ để vừa nhìn rõ thực
tại vừa nhận ra hướng đi và điểm tới của thực tại. Tiên liệu chính xác
chỉ có trong khoa học chính xác. Trong vận hành của xã hội hầu hết mọi tiên liệu đều sai nếu không được liên tục điều chỉnh.
Nhưng nếu không có tiên liệu thì không thể có chính trị. Chúng ta cũng
chỉ có thể đoàn kết với nhau nếu cùng theo đuổi một dự án chung, một
phần cốt lõi trong dự án ấy chính là xây dựng một quốc gia
Việt Nam dân chủ đa nguyên.[8]
6/Lý tưởng dân chủ đa nguyên trong công cuộc đấu tranh dân chủ
Lý tưởng dân chủ đa nguyên có mục đích tìm ra những người cùng chí hướng để kết hợp hành động. Lý tưởng dân chủ đa nguyên còn nhằm tạo cơ hội tìm hiểu và đối chiếu mọi lập trường chính trị để nhận diện ra những tổ chức chính trị dù không hoàn toàn chia sẻ quan điểm của nhau nhưng vẫn có thể phối hợp hành động.
Sự
kết hợp trong một mặt trận dân chủ này phải vượt lên trên mọi ngăn cách
do quá khứ để lại, trong tinh thần hòa giải dân tộc thành thực và trọn
vẹn, hoàn toàn hướng về tương lai. Sức mạnh của kết hợp này không dựa
trên cơ chế tổ chức mà dựa trên đồng thuận về mục đích và phương pháp
đấu tranh, cùng với sự tin tưởng lẫn nhau. Kết hợp này phải mở cửa cho
mọi cá nhân và đoàn thể thuộc mọi xuất xứ miễn là thành thực
chia sẻ lý tưởng dân chủ đa nguyên, thành thực tán thành tinh thần hòa
giải và hòa hợp dân tộc và quả quyết từ khước bạo lực.
Như
tất cả mọi cuộc vận động chính trị, cuộc đấu tranh này sẽ đòi hỏi nhiều
thỏa hiệp. Mọi bất đồng quan điểm khác đều có thể thỏa hiệp.[9]
7/Lý tưởng dân chủ đa nguyên đối với Tập hợp Dân chủ Đa nguyên
Tùy
mức độ hưởng ứng nhiều hay ít mà sách lược đấu tranh để chấm dứt chế độ
độc tài và thiết lập dân chủ, một chọn lựa cơ bản, sẽ được thực hiện
toàn bộ hay một phần trong mỗi thời điểm.
Cũng
tùy vào mức độ hưởng ứng trên, các chính sách chuyển tiếp trong dự án
chính trị dân chủ đa nguyên sẽ được tiến hành trong khoảng thời gian
sớm hay muộn.
Tinh
thần của Tập hợp là đối thoại và hợp tác. Tập hợp sẽ chấp nhận những
thỏa hiệp, kể cả những thỏa hiệp giai đoạn, nhưng sẽ không nhân nhượng
trên ba lập trường căn bản: lý tưởng dân chủ đa nguyên, tinh thần hòa
giải và hòa hợp dân tộc và phương thức đấu tranh bất bạo động.[10]
Chuyển
tiếp từ một chế độ độc tài toàn trị, nhất nguyên, tập trung và chuyên
quyền, đặt nền tảng kinh tế trên doanh nghiệp quốc doanh, coi
thông tin và giáo dục như những công cụ tuyên truyền và nhồi sọ - sang -
một chế độ dân chủ đa nguyên, tản quyền và phân quyền, lấy kinh tế thị
trường và xí nghiệp tư làm nền tảng, coi thông tin và giáo dục như những
phương tiện để khai phóng và thăng tiến là một công trình vừa cực kỳ
khó khăn, vừa phải thực hiện nhanh chóng để không làm thất vọng những kỳ
vọng của quần chúng, lại vừa cần mọi thận trọng để tránh đổ vỡ.[11]
Thể
chế của Việt Nam phải là thể chế dân chủ đa nguyên, là một trong
những chọn lựa cốt lõi của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên. Dân chủ đa
nguyên là con đường để mọi người Việt cùng đứng dậy khởi hành về
tương lai.
Hoàng Tâm Nguyên
[1] Nguyễn Gia Kiểng - Đi xa hơn dân chủ
[3] Nguyễn Gia Kiểng - Trở lại quốc hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa?
[4] Chấm dứt độc tài
[5] Nguyễn Gia Kiểng - Đi xa hơn dân chủ
[6] Chế độ chính trị
[7] Chế độ chính trị
[8] Nguyễn Gia Kiểng - Khi chủ nghĩa thực tiễn phá sản
[9] Chấm dứt độc tài
[10] Chấm dứt độc tài
Đặng Ngữ - Nói với anh Đào Trung Thành về chuyện các nhà ngoại cảm
Đặng Ngữ
Theo FB Đặng Ngữ
Ảnh minh họa lấy từ bài Dân bức xúc với tượng Phật mang hình sư trụ trì ở Chàng Sơn
Tôi viết cái “note” này không nhằm tranh luận với anh Đào Trung Thành về phát biểu của mình mấy hôm trước. Tôi xin được trích dẫn ra đây cái phát biểu ấy để mọi người tham khảo.
Về chuyện các nhà ngoại cảm, xin được nói ngay và luôn: chỉ có những người cộng sản vô thần mới có đủ niềm tin để tin vào những câu chuyện ly kỳ như vậy.Anh Đào Trung Thành, như tên gọi của anh ấy, một đảng viên luôn trung thành với niềm tin và lý tưởng của mình. Tôi luôn dành cho anh một sự tôn trọng nhất định khi nói chuyện. Tôi tôn trọng anh bởi nhiều lý do. Anh Trung Thành - một trong số ít ỏi những người luôn khẳng định mình đảng viên trung thành với lý tưởng, với chính sách và đường lối của Đảng. Anh Trung Thành - một trong số ít "dư luận viên" không hưởng lương luôn sử dụng hiểu biết của mình một cách lo-gic nhất có thể, ngôn ngữ của anh luôn đúng mực (ít ra là đối với cá nhân tôi). Tôi không có ý tranh luận với anh, cũng như không có ý tranh luận với bất kỳ đảng viên trung kiên nào khác. Bởi, đối với những người cộng sản thứ thiệt (ít ra là thứ thiệt trong lời nói): chỉ có một chân lý duy nhất mà thôi và chân lý đó thuộc về họ như một lẽ đương nhiên. Tranh luận với họ bao giờ cũng rơi vào ngõ cụt. Tôi không nghĩ rằng một ai đó có đủ khả năng làm họ suy nghĩ khác đi được trừ phi chính họ tự "khai minh". Tôi viết cái “note” này nhằm giải thích rõ nghĩa phát biểu của mình. Ngoài ra, nó cũng nhằm giải thích thắc mắc của anh Đào Trung Thành về việc một phát biểu phi lo-gic như vậy tại sao lại được nhiều người bấm “like”. Ngạc nhiên hơn, trong số đó có các vị "trí thức khả kính" như T.S Nguyễn Thị Hậu và T.S Vũ Thị Phuong Anh. Tất nhiên, mỗi người khi bấm “like” đều có một lý do riêng, không ai giống ai. Bấm “like” vì đồng ý với phát biểu đấy, bấm “like” để nói rằng "tôi đã đọc" và tôi muốn “follow” các lời bình luận, bấm “like” vì “like” cho đứa viết nó sướng v.v và v.v.,
Nói thêm, phát biểu này - một kiểu chơi chữ, một kiểu tu từ “oxymoron” như chị Phương Anh đã nói. Và cũng như một người bạn của anh Đào Trung Thành tên Hà Kiến Giang nhận xét: "Nghe thật sang mồm". Nếu không cần sang mồm, phát biểu một cách trần trụi thì nó như vầy: "Tôi không tài nào hiểu được tại sao những người cộng sản vô thần lại có đủ niềm tin để có thể tin vào những câu chuyện kỳ quái như vậy". Tôi không có ý khẳng định chuyện có hay không có cái gọi: khả năng ngoại cảm, điện trường sinh học hay những khả năng siêu nhiên chưa được chứng minh khác. Chuyện này cho đến nay chưa thể khẳng định. Nó cũng giống như việc tôn giáo và khoa học tranh luận mấy ngàn năm nay về việc có hay không Đấng Sáng Tạo Siêu Nhiên. Tôi không đề cập đến những người vô thần không cộng sản, những người không theo một tôn giáo nào, cả đối với những người đương theo một tôn giáo nào đó cũng không nốt. Đối tượng mà tôi đề cập đến trong phát biểu của mình: những người cộng sản vô thần (về lý thuyết thì họ là những người vô thần; còn thực tế thì chỉ có họ mới biết mình tin vào điều gì bên cạnh chủ thuyết Marxism). Hiện tượng mà tôi muốn đề cập đến: chuyện các nhà ngoại cảm đi tìm mộ liệt sĩ (bạn có thể tham khảo trên các phương tiện truyền thông), chuyện giao tiếp với linh hồn (các nhà ngoại cảm thậm chí còn gọi hồn cả ông Cụ). Ngoài ra, tôi cũng muốn nhân dịp này mà đề cập đến những hiện tượng có liên quan đến Phật giáo và những sự việc "quái đản" xảy ra thời gian gần đây.
Hãy tưởng tượng bộ phim khoa học viễn tưởng sau. Thế giới đang vỡ vụn thành từng mảnh. Cứ sau vài tháng, thế giới lại vỡ tan một nửa. Một nửa bay về phía mặt trời, vỡ tan và bị thiêu cháy thành tro bụi. Nửa còn lại neo lơ lửng nơi đường xích đạo và tiếp tục vỡ tan. Mọi người nháo nhào tìm đường thoát thân. Họ cố mang theo những gì qúy giá nhất: gia đình, người thân và những hiện vật qúy. Vấn đề ở chỗ, không ai biết được nửa nào sẽ vỡ tan, bay về phía mặt trời và bị thiêu rụi. Cho nên, họ cố dẫm đạp lên nhau tìm cách thoát thân, bấu víu vào những gì có thể bấu víu. Đấy chính là thế giới niềm tin đang vỡ vụn của những người đồng chí với anh Đào Trung Thành. Khi lời hứa về một thiên đường công bằng cho tất cả mọi người trên trần thế trở nên vô vọng và những vị giáo chủ khả kính hóa thành những chú Cuội thì nhu cầu cần thiết phải có một niềm tin siêu nhiên xuất hiện.
Sau năm 1954, khi Việt Nam bị chia cắt thành hai thực thể chính trị khác nhau thì miền Bắc hầu như bị cắt lìa khỏi những sinh hoạt tôn giáo. Phần đông những người Công giáo vội vã di cư theo Chúa vào Nam; những người theo Phật giáo, không theo một tôn giáo nào hoặc chấp nhận trở thành những tín đồ của chủ nghĩa Marx hoặc tự đồng hóa với những người theo chủ thuyết này như một điều tất yếu. Những cơ sở thực hành tôn giáo hoặc bị quốc hữu hóa, bị tập thể hóa hoặc bị biến dạng đến nổi chẳng thể nào nhận ra được như chúng ta đã thấy để phục vụ cho công cuộc "giải phóng dân tộc" vĩ đại. Xã hội miền Bắc không có chỗ cho nhiều kiểu niềm tin khác nhau ngoài chủ nghĩa Marx. Hoặc chấp nhận niềm tin đấy hoặc trở thành kẻ thù và bị tiêu diệt không thương tiếc. Những người miền Nam được chứng kiến điều này muộn hơn, gần 20 năm sau. Mấy chục năm bị cắt đứt khỏi những sinh hoạt tôn giáo đã gây nên nhiều hậu qủa thảm thiết hơn chúng ta tưởng. Những phế tích tâm linh còn sót lại trong sinh hoạt cộng đồng không đủ để gầy dựng lại niềm tin xưa, không thể chữa lành những khuyết tật tinh thần thời đại. Trong cơn cùng quẫn, những con người tự tin đến mức kiêu ngạo lúc trước nay bỗng dưng trở nên tự ti đến ngạc nhiên. Họ tìm về với tâm thế nguyên bản còn lại, tin vào những câu chuyện siêu nhiên một cách ngây thơ, họ thực hành các nghi lễ tôn giáo thành kính đến mức đáng kinh ngạc. Ngoại cảm, bói toán, tướng mệnh...ra đời, tồn tại, sinh sôi và nảy nở. Ngành kinh doanh niềm tin trở nên thịnh vượng không ngờ. Họ tìm thấy trong Phật giáo (Phật giáo thời mạt pháp) con đường cứu rỗi gần gũi nhất với tâm thế nguyên bản ít ỏi còn sót lại. Chính tại điểm này, Phật giáo trở thành miếng đệm xốp tinh thần đỡ êm cú ngã vĩ đại khi họ bị hất văng khỏi cơn mê thiên đường nơi hạ giới. Cũng chính tại điểm này, trong ngắn hạn, Phật giáo phải lãnh nhận những hiện tượng "quái đản" khi ôm trọn vào mình những xung lực của những người cộng sản vô thần. Pháp ngôn "Phật giáo nhập thế" trở thành "Đạo pháp - Dân tộc - Xã hội chủ nghĩa" đã nói lên tất cả. Sẽ chẳng làm tôi ngạc nhiên nếu một ngày gần đây, bỗng dưng, một sư tăng đại biểu quốc hội nào đó làm đơn xin gia nhập tổ chức Đảng hay một vị đảng viên bỗng dưng cạo đầu hóa thành hòa thượng. Phật giáo còn phải gánh trên vai gánh nặng này một thời gian nữa trước khi thật sự dẫn dắt họ vào con đường chính đạo. Tôi cũng tin, tôn giáo với mấy ngàn năm lịch sử này đủ sức chuyển hóa những xung lực "quái đản" này một cách hòa bình. Không lâu nữa, sẽ xuất hiện những B.S Lê Đình Thám với phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung, H.T Thích Thiện Hoa với phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam...
Tôi tin vào điều ấy.
Sài Gòn, 10/11/2013
Đặng Ngữ
Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII
Những cải cách mang dấu ấn
Nông dân Trung Quốc có thể sẽ được quyền bán đất và được đền bù thỏa đáng khi bị thu hồi đất |
Hôm qua, 9.11, Hội nghị lần thứ ba Ban
chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc tại Bắc Kinh.
Như đã trở thành tiền lệ, “cải cách” trở thành đặc trưng của các kỳ Hội
nghị Trung ương 3. Đây là thời điểm bộ máy lãnh đạo mới lên nắm quyền
điều hành đất nước được một năm, đủ thời gian để công bố các kế hoạch
cho nhiệm kỳ 10 năm. Hội nghị lần này, diễn ra từ ngày 9-12.11, được kỳ
vọng sẽ mang tính cột mốc như Hội nghị Trung ương 3 cách đây 35 năm khi
Trung Quốc lần đầu tiên tiến hành cải cách mở cửa theo hướng thị trường
và Hội nghị Trung ương 3 cách đây 20 năm, thời điểm Trung Quốc mạnh tay
giải thể phần lớn khu vực kinh tế nhà nước với số lượng doanh nghiệp nhà
nước giảm từ 10 triệu xuống dưới 300.000 doanh nghiệp.
Giảm vai trò kinh tế nhà nước
Những cải cách của Đặng Tiểu Bình, cùng
với sự kiện Trung Quốc gia nhập WTO năm 1993, đã giúp kinh tế Trung Quốc
tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
Giờ đây, nguồn lao động giá rẻ của Trung Quốc đã không còn. Những doanh
nghiệp nhà nước (DNNN) lớn về quy mô nhưng hoạt động thiếu hiệu quả
khiến môi trường cạnh tranh bị bóp méo đồng thời chiếm hết các nguồn lực
tài chính. Phân bổ vốn không hiệu quả khiến khu vực tư nhân và người
tiết kiệm gặp nhiều bất lợi.
Phương án cải cách đề xuất lộ trình kéo
dài đến năm 2020, theo đó hạn chế vai trò nhà nước trong điều hành kinh
tế, tạo nhiều điều kiện hơn cho thị trường phát triển tự do, nâng cao
cạnh tranh để giúp tăng sản luợng và chất lượng. Cụ thể, quyền lực của
chính phủ trong việc phê duyệt các dự án công nghiệp sẽ giảm đáng kể,
chính phủ sẽ sử dụng các công cụ thuế và tài chính để giám sát thị
trường ở tầm vĩ mô. Cải cách theo hướng này đang được triển khai từng
bước, từ khi Trung Quốc có thế hệ lãnh đạo mới.
Từ tháng 6, Trung Quốc hai lần giảm
quyền trong phê duyệt dự án. Khoảng 310 loại phí do chính quyền địa
phương lập nên đã bị xóa bỏ. Bản kế hoạch được coi là một phần của “sáng
kiến kinh tế tham vọng nhất” của Trung Quốc từ khi thành lập nước và có
thể coi là nền tảng cho con đường cải cách của Tổng Bí thư, Chủ tịch
Nước Tập Cận Bình.
Trong lĩnh vực công nghiệp độc quyền,
nhà nước sẽ dỡ bỏ kiểm soát đối với việc nhập khẩu dầu khí. Ngành công
nghiệp viễn thông sẽ được tái tổ chức nhằm khuyến khích cạnh tranh. Đầu
tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng, viễn thông và ngân hàng sẽ được
mở cửa thêm để khuyến khích cạnh tranh trong nước. Đặc biệt, các DNNN,
vốn đang bám rễ sâu trong các ngành trọng điểm như điện, viễn thông, sẽ
phải cạnh tranh nhau để giành được hợp đồng của các tập đoàn.
Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là cổ
phần hóa DNNN không nằm trong chương trình mặc dù Trung Quốc sẽ chấm dứt
việc các DNNN được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để tạo sân chơi
công bằng hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân.
Lần đầu tiên cho phép bán đất nông nghiệp
Theo chế độ quản lý đất đai hiện hành,
Trung Quốc có hai hình thức sở hữu đất đai: sở hữu nhà nước và sở hữu
tập thể của nông dân. Đất thành phố thuộc sở hữu nhà nước, đất nông thôn
thuộc sở hữu tập thể. Hiện nay, một nửa trong số 1,4 tỷ dân Trung Quốc
sống ở nông thôn nhưng họ không có quyền sở hữu đối với đất đai. Thiếu
hụt công cụ để tăng nguồn thu ngân sách, lâu nay, các lãnh đạo địa
phương đã làm giàu bằng cách thu hồi đất của nông dân và bán lại cho các
chủ dự án bất động sản. Một khi chính quyền thu hồi đất để phát triển
các dự án, nông dân chỉ nhận được một số tiền bồi thường ít ỏi. Quá
trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Trung Quốc kéo theo việc
trưng thu đất nông nghiệp cũng diễn ra ngày càng tăng. Nông dân Trung
Quốc không thể bán ruộng cũng như thế chấp đất và nhà. Ngược lại, hàng
triệu công dân thành phố có hộ khẩu lại được sở hữu nhà nhờ vào chính
sách tư nhân hóa nhà ở thành thị trong thời kỳ cuối những năm 1990. Đây
là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội.
Việc đưa đất nông thôn gia nhập thị
trường đất phi nông nghiệp là một trong những điểm mấu chốt trong cải
cách chế độ quản lý đất đai tại Hội nghị Trung ương 3 lần này. Theo đó,
đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà nước hoặc chính quyền địa phương,
nhưng đối với những nông dân thuê đất dài hạn, họ có quyền chuyển
nhượng, thế chấp, quản lý đất đai. Việc thu hồi đất của người dân được
đền bù thỏa đáng theo giá thị trường. Ngoài ra, theo phương án trên,
nông dân có quyền mua bán đất dưới một thị trường thống nhất, trong đó
đất thành thị và đất nông thôn có giá trị ngang nhau. Đây là cải cách
chưa từng có tiền lệ. Cho phép nông dân có đầy đủ quyền hạn đối với nhà
và đất của họ sẽ đem lại nhiều hiệu ứng tích cực. Sẽ có nhiều người
chuyển ra thành phố - đặc biệt là khi chính sách đăng ký hộ khẩu được
cải cách, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi mô hình kinh tế từ dựa
vào đầu tư sang tiêu dùng.
Đây sẽ là một cuộc cải cách rất sâu và
rất rộng. Câu hỏi là liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có thể vượt qua những
trở ngại để thực hiện hay không. Năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã phá bỏ nền
kinh tế mệnh lệnh và tạo nên điều kỳ diệu. Ngày nay, ông Tập Cận Bình
không thể nhận được sự ủng hộ của các địa phương nếu như không giúp họ
giải quyết triệt để núi nợ khổng lồ. Đồng thời, nhóm lợi ích (điển hình
như lãnh đạo các DNNN) chắc chắn sẽ phản đối quyết liệt. Dẫu vậy, đây là
những điều mà ông Tập Cận Bình buộc phải vượt qua nếu như muốn đem lại
thay đổi lớn cho Trung Quốc và được lịch sử nhắc đến.
Minh Nguyễn
Ám ảnh bởi Cách mạng Văn hóa Saturday, November 09, 2013 2:54:07 PM
Lê Phan
Tuần này, trong những tin tức đưa ra nhân đảng Cộng sản Trung Quốc nhóm họp Hội nghị Trung ương 3 của Ðại hội 18, có một tin cho biết là Chủ tịch Tập Cận Bình đã không đạt được một ước muốn từ lâu của mình, đóng cửa các trại cải tạo lao động mà ở Trung Quốc vẫn thường được gọi là trại lao cải.
Nguồn tin này, phát xuất từ Thông tấn xã Reuters, nói là ông Tập đã bị chặn trong cố gắng giải tán hệ thống các trại lao cải. Bản tin coi điều này chứng tỏ ông Tập chưa củng cố nổi đủ quyền lực để áp đặt ý muốn của mình lên toàn đảng. Ðiều đó có thể đúng, nhưng chúng ta còn phải chờ xem. Ở Trung Quốc, kể từ thời ông Ðặng Tiểu Bình lên nắm quyền, Hội nghị Trung ương 3 đã trở thành quan trọng. Người ta thường nói, Hội nghị Trung ương 1 là để cho tân lãnh tụ trình làng, hội nghị 2 là để chuẩn bị nhân sự, và hội nghị 3 mới là chính sách. Hội nghị 3 của ông Ðặng quả là quan trọng vì chính đó là lúc ông trình bày chính sách cởi mở kinh tế, chính sách mà ngày nay Bắc Kinh gọi là “xã hội chủ nghĩa theo định hướng Trung Quốc.” Nhưng hội nghị 3 của ông Hồ Cẩm Ðào đâu có gì quan trọng đâu.
Trong khi đó, câu chuyện về hệ thống lao cải của Trung Quốc có lẽ cũng quan trọng không kém vì cho chúng ta một nhận thức quan trọng về quốc gia này: đó là sự ám ảnh của cuộc Cách mạng Văn hóa trong tinh thần người dân nước này.
Ông Tập muốn đóng cửa hệ thống lao cải chính là vì Cách mạng Văn hóa. Hồi đó, thân phụ ông, Phó thủ tướng Tập Trọng Huân, một trong những nhân vật nổi tiếng có chủ trương cấp tiến, đã là nạn nhân của chính hệ thống lao cải mà người con trai ông muốn phá hủy.
Trong những nhân vật thuộc hàng lãnh đạo nguyên thủy của đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Trọng Huân có lẽ là một trong những nhân vật có chủ trương tự do cởi mở nhất. Là bạn thân của ông Bành Ðức Hoài, ông đã bị vu cáo cùng ông Bành và đã bị giáng xuống làm phó giám đốc một công ty sản xuất máy cày ở Lạc Dương hồi năm 1965. Khi Cách mạng Văn hóa nổi lên, ông bị đưa ra đấu tố, bị bắt đi cải tạo trong suốt 10 năm trời.
Theo Reuters, ông Tập Cận Bình đã bị ảnh hưởng nặng khi ông Tập Trọng Huân được đoàn tụ với gia đình sau 16 năm tù đày. Ông Trọng Huân không nhận nổi hai cậu con trai của mình nữa. Ông hỏi, “Ðứa nào là Cận Bình, đứa nào là Nguyên Bình?” Trong một bài báo kể lại câu chuyện này, ông em Nguyên Bình nói cả gia đình đã bật khóc.
Mà ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Văn hóa không phải chỉ đối với gia đình ông chủ tịch. Tôi mới có dịp đi Trung Quốc gần đây và tuy chỉ là qua một tour du lịch, những câu chuyện của những người hướng dẫn cho thấy ảnh hưởng đó lan tỏa đến cả giai cấp tiểu tư sản thành thị cũng như nông thôn.
Ông hướng dẫn ở Tây An chẳng hạn kể lại là khi cuộc Cách mạng Văn hóa nổ ra năm 1966, ông ta năm đó mới 11 tuổi, bỗng qua đêm thấy mình thất học. Vốn gia đình bố mẹ sống ở tỉnh lẻ, ông ta kể lại là đã được gửi lên Tây An đi học ở nhà ông chú vốn là một giáo sư trung học. Ông chú cùng với các thầy giáo khác bị bắt đi lao cải, đám học trò lúc đầu cũng bắt chước tìm cách đấu tố các thầy nhưng sau cũng bị đưa về nông thôn.
Ðã trên 30 năm nhưng cậu học sinh thành thị vẫn chưa quên những ngày cay đắng ở nông thôn. Ông ta kể tất cả đám học sinh thành thị bị đưa vào một hợp tác xã, làm những công việc đồng áng nặng nhọc. Không có trâu, họ thay nhau làm trâu.
Công việc quần quật từ sáng sớm đến chiều tối, nhưng cái khổ nhất là không có gì giải trí. Sách báo không có, họ chỉ biết nghe loa phóng thanh của trại, một điều mà ông ta bảo nhiều khi cũng là một thứ tiêu khiển vì ít nhất cũng nói đến những gì xảy ra ở những nơi khác dù chỉ là tuyên truyền. Khổ một nỗi đến cái loa phóng thanh cũng lâu lâu bị im tiếng vì không có điện.
Mười năm sau, được thả trở về thành phố, cả một thế hệ thanh niên đã trở thành thất học. Nhờ ông bố là một quân nhân cao cấp, chính quyền kêu về và giao cho làm giám đốc bệnh viện địa phương. Gia đình trở lại nếp sống cũ và ông bố nhất định bắt cậu con trai phải trở lại đi học. Ông ta kể lại thực sự lúc đó không muốn đi học nữa, chỉ muốn xin bố cho vào làm tài xế cho bệnh viện tỉnh. Ông bố không chịu, cậu con trai đành ngồi xuống học thi vào đại học. Khổ một nỗi trong kỳ thi tuyển có bốn môn chính thì lại có toán. Vốn là người hoàn toàn không có khả năng về toán, ông cứ thi trượt hoài. May mắn thay lúc đó chính quyền bắt đầu thấy cần có một số sinh viên học sinh ngữ, và thi tuyển vào đại học sinh ngữ không cần toán. Nhờ vậy mà ông đã vào được trường đại học ngoại ngữ để giờ đây đã lên được đến phó giám đốc địa phương của công ty du lịch nhà nước.
Chiến dịch mà ông hướng dẫn của tôi là nạn nhân được Mao khởi xướng vào tháng 12 năm 1968. Trong suốt chiến dịch kéo dài đến gần một thập niên này, thanh niên trí thức ở thành thị bị ra lệnh phải về nông thôn để học hỏi nông dân. Danh từ “trí thức” đây được sử dụng theo một cái nghĩa hết sức lỏng lẻo tả những học sinh mới tốt nghiệp các trường “middle school.” Mục đích của chiến dịch này là để giúp ông Mao Trạch Ðông khống chế bớt phong trào thanh thiếu niên Hồng vệ binh, con quái vật mà chính ông tạo ra để dùng làm công cụ đàn áp những người mà ông nghĩ là có ý định muốn chống đối mình. Ðuổi họ về nông thôn, bắt vào làm việc quần quật trong các hợp tác xã nông nghiệp, sẽ làm cho họ ít tạo thêm xáo trộn.
Cuộc sống của ông hướng dẫn ở nông thôn tuy vậy chắc chưa tệ hại bằng cuộc sống của ông Tập Trọng Huân khi bị đi lao cải. Ðược biết, ngày 22 tháng 2 năm 1978, khi đáp chuyến tàu hỏa rời Lạc Dương tới Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam, ông đã không kềm chế nổi cảm xúc và đã ôm ông Trần, bí thư tỉnh ủy Hà Nam và nói, “Ðây là lần đầu tiên từ 16 năm nay mà tôi ôm một người khác.”
Là người ngoài cuộc, thật khó hiểu cuộc sống trong một đất nước mà lãnh tụ đã cố tình tạo nên xáo trộn ở một mức độ khủng khiếp đến như vậy. Hàng trăm triệu người bị tố khổ, bị hành hạ, bị đi tù. Hàng trăm triệu thanh thiếu niên bị đưa về nông thôn và lớn lên thất học. Không biết bao nhiêu triệu người chết vì tù đày, hành hạ. Nền kinh tế sụp đổ. Và ngày nay, hơn 30 năm sau, ảnh hưởng của chính sách điên cuồng đó vẫn còn. Có thể những vết tích tàn phá của đám hồng vệ binh như khúc tường thành ở Thành Ðô đã được sửa chữa lại nhưng những vết thương tâm hồn thì không có gì hàn gắn nổi. Ðó mới là cái đáng sợ của cuộc Cách mạng Văn hóa.
May mắn lần thứ ba
Chủ Tịch Tập Cận Bình và Thủ Tướng Lý Khắc Cường - Hình (Reuters).
Liệu những nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ làm chuyện lớn và ban hành
những cải tổ quan trọng tại Hội Nghị Trung Ương Lần Thứ Ba hay không?
Robert Keatley (Foreign Policy)/Người dịch: Nguyễn Quốc Khải (Danlambao) - Những
nhà lãnh đạo Trung Quốc một cách chính xác không làm giảm tầm mức quan
trọng của Hội Nghị Trung Ương Thứ Ba của đảng Cộng Sản sẽ được tổ chức
từ ngày 9-11 cho đến ngày 12-11 tại Bắc Kinh. Chủ Tịch của Trung Quốc
Tập Cận Bình hứa sẽ tiết lộ “kế hoạch cải tổ toàn diện” tại hội nghị
này, trong khi đó Ông Du Chính Thanh (Yu Zhensheng), nhân vật thứ tư
trong hệ thống đảng, gọi những cải tổ mà đảng dự trù “khảo sát” tại hội
nghị sắp đến là “chưa hề có” trong lịch sử.
Quả vậy, tình trạng kinh tế phát triển chậm lại và nạn ô nhiễm chưa từng
thấy, và một số lo ngại nghiêm trọng khác chứng tỏ sự cải tổ là cần
thiết vô cùng. Và Hội Nghị Trung Ương lần thứ Ba thường là nơi để giới
thiệu những kế hoạch táo bạo mới. Trong khi Đại Hội Đảng thông thường
công bố ban lãnh đạo mới – dạ tiệc thứ 18 vào tháng 11 [năm ngoái] đã
chứng kiến Ông Tập Cận Bình lên ngôi chủ tịch – và những Hội Nghị Trung
Ương Thứ Nhất và Thứ Hai tiếp theo thường thảo luận về những vấn đề nhân
sự và tổ chức, Hội Nghị Trung Ương Thứ Ba theo thông lệ ban hành những
thay đổi ý nghĩa nhất.
Có hai Hội Nghị Trung Ương Thứ Ba trong lịch sử để so sánh với Hội Nghị
Trung Ương Thứ Ba sắp tới. Hội Nghị Trung Ương Thứ Ba vào năm 1978 đã mở
cửa cho Trung Quốc hội nhập vào nền kinh tế thế giới và bãi bỏ chính
sách tuân theo bất cứ cái gì Mao Trạch Đông quyết định hay ra sắc lệnh,
nên chính sách này được gọi là “hai bất cứ cái gì,” (“two whatevers”).
Và vào năm 1993, một năm sau khi Đặng Tiểu Bình kêu gọi cởi mở thêm về
kinh tế trong chuyến viếng thăm miền Nam bao gồm thành phố đang phát
triển mạnh Thẩm Quyên (Shenzhen) và công khai ca ngợi việc cải tổ, Hội
Nghị Trung Ương Thứ Ba này đã chấp thuận xây dựng nền “kinh tế thị
trường xã hội chủ nghĩa”, tạo sự an toàn về mặt chính trị cho những nhà
lãnh đạo Trung Quốc thực hiện thêm những điểm đặc trưng của thị trường
tự do.
Về những vấn đề kinh tế, có nhiều thứ cần phải làm. Trung Quốc đã hưởng
sự phát triển trên 10% (hai con số) trong 30 năm, một kỳ công chưa từng
thấy đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói. Tuy nhiên
những cố gắng to lớn này dựa vào mức tiêu thụ ồ ạt của nhà nước, xuất
cảng nhiều hàng hóa với giá sản xuất thấp nhờ giá nhân công rẻ, và thị
trường bong bóng bất động sản gần đây hơn. Nhưng chiến lược này không
cho phép phát triển một nền kinh tế dựa trên tiêu thụ cần thiết đối với
Trung Quốc để chuyển qua một mô hình bền vững. Khi sự phát triển kinh tế
của Trung Quốc chậm lại – tổng sản phẩm nội địa của năm 2013 được ước
tính tăng 7.5% hay ít hơn, giảm từ 10.4% trong năm 2010 – những nhà lãnh
đạo Trung Quốc tìm tòi một mô hình mới.
Những nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc ưng thuận những cuộc cải tổ
kinh tế nghiêm trọng, với Thủ Tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) được chỉ
định giữ vai trò tiên phong. Nhưng hầu hết những thành viên của Ủy Ban
Thường Trường Trực gồm bảy người của Bộ Chính Trị -- ở vị thế cao nhất
trong hệ thống quyền lực của Trung Quốc – xem ra sợ rủi ro, làm cản trở
những cố gắng của Ông Lý. Thí dụ vào đầu tháng Bẩy, Hội Đồng Nhà Nước,
do Ông Lý lãnh đạo, chấp thuận khu vực thương mại tự do tại Thượng Hải.
Không phải theo những sự giới hạn áp dụng tại những nơi khác trong nước,
khu vực thương mại tự do này đảo ngược luật lệ thông thường được thi
hành là cấm tất cả mọi thứ ngoại trừ được cho phép một cách rõ ràng.
Thay vào đó, khu vực thương mại tự do cho phép bất cứ doanh nghiệp nào
không bị cấm một cách cụ thể.
Ít nhất, đó là ý kiến. Nhưng khi khu vực thương mại tự do được khai
trương vào ngày 29-9, cả Ông Lý lẫn những nhân vật cao cấp khác đều
không có mặt. Điều này ngụ ý rằng cấp lãnh đạo đã nghĩ lại về những gì
họ dám làm. Ngoài ra, một ngày sau khi khánh thành, chính quyền Thượng
Hải phổ biến một danh sách gồm 200 giới hạn về đầu tư của nước ngoài
trong khu vực thương mại tự do, nghĩa là áp đặt thêm nhiều giới hạn.
Tài chánh là một lãnh vực quan trọng khác mà những nhà lãnh đạo Trung
Quốc muốn thay đổi. Những doanh nghiệp nhà nước chiếm 40% của tổng số
tích sản công nghệ, phát triển nhờ những khoản tiền vay với lãi suất
thấp của những ngân hàng nhà nước, nhưng chỉ có một nửa có lời như những
công ty tư nhân của Trung Quốc. Sự dàn xếp thân thiện này không những
thiên vị những người lãnh đạo của những công ty quốc doanh, những người
này thông thường có quan hệ mật thiết với những viên chức ấn định chính
sách tài chánh, mà cả những bạn bè và thân nhân của họ. Điều này buộc
những công ty tư nhân nhỏ phải vất vả đi tìm vốn. Họ thường rơi vào một
hệ thống “ngân hàng chui” của những người cho vay với lãi suất cắt cổ.
Hệ thống tài chánh sẽ được lợi nhờ sự cạnh tranh nhiều hơn và kiểm soát
ít hơn của Đảng với các ngân hàng có nhiều tự do để điều chỉnh lãi suất
và phương cách tiết kiệm và cho vay. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước
không cần phải lo lắng về những thay đổi cực đoan. Những công ty này
phải trả tiền lời cổ phần cho những cơ quan chính phủ và những người có
cổ phần chiếm thiểu số, và phục vụ những mục tiêu chính sách, như bảo
đảm quyền lợi dầu hỏa và khoáng sản quốc tế. Những doanh nghiệp nhà nước
cũng cho phép những gia đình quyền thế và vững vàng làm giầu cho chính
mình: thí dụ, thân nhân của gia đình của cựu Thủ Tướng Lý Bằng (Li Peng)
nắm giữ vai trò chủ chốt trong khu vực điện. Như tài liệu chính thức
nói rõ, những doanh nghiệp nhà nước là “nền tảng quan trọng của quyền
lực của đảng Cộng Sản” -- điều này rất khó có thể sớm thay đổi.
Tuy nhiên cái rất có thể thay đổi là hệ thống tài chánh của chính quyền
địa phương. Theo một phúc trình của Bộ Tài Chánh, các chính quyền địa
phương có thể tạo một hơn một nửa thu nhập bằng những vụ bán đất. Điều
này khuyến khích họ tịch thu nông trại, nhà cửa để bán lại cho những nhà
đầu tư và phát triển bất động sản với giá cao. Một số tiền thu được
thuộc vào ngân sách địa phương, một số vào tay những viên chức tham
nhũng và một số ít oi hơn dành cho dân chúng bị mất nhà mất đất. Do đó
sự kiện này thường đưa đến những cuộc biểu tình chống đối tức giận --
ngay cả quá khích. Bắc Kinh biết rằng điều này phải thay đổi, và những
kinh tế gia Trung Quốc trông đợi một chế độ thuế và trợ cấp mới. Tương
tự như vậy, hệ thống hộ khẩu mang tính chất phân biệt -- giấy phép cư
trú cho phép hưởng thụ những quyền lợi địa phương như trường học công.
Khoảng 200 triệu công nhân di trú không được hưởng những quyền lợi này.
Họ làm những việc quan trọng trong các khu vực đô thị nhưng không thể cư
trú ở đây hợp pháp -- sẽ rất có thể được điều chỉnh để cho những công
nhân di trú được hưởng nhiều quyền lợi hơn.
Về cải tổ chính trị, giai cấp thống trị có địa vị cao trong xã hội đã
minh xác rằng những đòi hỏi cởi mở và trách nhiệm nhiều hơn của đa số
dân chúng sẽ không được chấp thuận tại Hội Nghị Trung Ương hay ở bất cứ
nơi nào khác. Ông Tập Cận Bình tiếp tục đàn áp dữ dội bất đồng chính
kiến và truyền thông xã hội. Các nhà hoạt động kêu gọi cấp lãnh đạo kê
khai tài sản cá nhân như một trong những biện pháp chống tham nhũng, như
học giả pháp lý Từ Trí Vĩnh (Xu Zhiyong), đã bị giam vào tù. Trong khi
chiến dịch chống tham nhũng, lúc cao lúc thấp, sẽ tiếp tục suốt trong
thời kỳ và sau Hội Nghị Trung Ương Thứ Ba -- chống cả “hạm lớn cũng như
hạm nhỏ” -- mục tiêu của chiến dịch này là để gột rửa những bối rối
chính trị ít nhất bằng cách chấm dứt những mánh lới gậm nhấm làm lợi cho
biết bao nhiêu viên chức nhà nước. Nhưng những cơ hội của Ông Tập Cận
Bình để tiết lộ “kế hoạch cải tổ” mạnh mẽ như người tiền niệm Đặng Tiểu
Bình xem ra khó có thể xẩy ra. Và trong năm năm tới, những nhà lãnh đạo
Trung Quốc sẽ có thể nhắc lại sự quan trọng của cải tổ -- nhưng có ít
người hơn tin tưởng vào họ.
Ông Robert Keatley là cựu chủ bút của tờ báo South China Morning Post và Wall Street Journal Asia.
8-11-2013
___________________________________
Third Time’s the Charm
Will China's leaders go big and enact serious reforms at the upcoming Third Plenum?
Robert Keatley (Foreign Policy) - November 8, 2013
- Chinese leaders haven't exactly downplayed the importance of the
Third Plenum, the big Communist Party confab to be held in Beijing from
Nov. 9 to Nov. 12. China's president Xi Jinping has promised to unveil a
"blueprint of comprehensive reform" at the meeting, while Yu
Zhengsheng, ranked fourth in the Party hierarchy, called the reforms it
plans to "explore" at the upcoming meeting "unprecedented."
Indeed, China's slowing economy and unprecedented pollution, among other
pressing concerns, indicate that there is an overwhelming need for
reform. And the Third Plenum is often the venue to roll out bold new
plans. While Party Congresses generally announce new leadership --the
18th such soiree in November saw Xi Jinping ascend to the presidency --
and the subsequent First and Second Plenums generally deal with
personnel and organizational matters, Third Plenums have traditionally
enacted the most meaningful changes.
There are two historic Third Plenums to which the upcoming meeting is
being compared. The Third Plenum in 1978 opened China to the global
economy and abandoned the policy, known as the "two whatevers," of
obeying whatever Mao Zedong had decided or decreed. And in 1993, a year
after Deng Xiaoping urged more economic openness on his influential
Southern Tour by visiting areas like the boomtown of Shenzhen and
publically praising reform, that Third Plenum approved the concept of
building a "socialist market economy," giving Chinese leaders political
cover for introducing more free market features.
And on economic matters, there is much that needs to doing. The country
has enjoyed double-digit growth for 30 years, an unprecedented feat
which lifted hundreds of millions out of poverty. This monumental
effort, however, relied on massive state spending, huge volumes of
low-cost exports based on cheap labor, and more recently, a real estate
bubble. But this strategy hasn't allowed the growth of a consumer-based
economy necessary for China to transition to a sustainable model. As
China's economic boom slows -- 2013 gross domestic product growth is
expected at 7.5 percent or less, down from 10.4 percent in 2010 --
Chinese leaders are casting around for a new model.
China's top officials favor serious economic reforms, with Premier Li
Keqiang playing the role of point man. But most other members of the
seven-man Standing Committee of the Politburo -- the top of China's
power pyramid -- seem risk-averse, hindering Li's efforts. In early
July, for example, the State Council, helmed by Li, approved the opening
of a new kind of special free trade zone in Shanghai. Free of many
restrictions found elsewhere in the country, the zone was to reverse the
usual Chinese practice of forbidding everything unless specifically
authorized: Instead, it would allow practically any business venture not
specifically prohibited.
At least, that was the idea. But when the zone opened on Sept. 29,
neither Li nor any other senior official attended the opening ceremony,
suggesting the leadership was having second thoughts about just how far
they dared go. Moreover, the day after the opening, the Shanghai
government released a list of nearly 200 restrictions on foreign
investment in the zone, placing further restrictions on it potential.
Finance is another key area where China's leaders could push for change.
SOEs (State-Owned Enterprises), which account for about 40 percent of
total industrial assets, thrive on cheap loans from state banks, yet are
only half as profitable as China's private companies. This cozy
arrangement also favors not only SEO executives, who frequently have
close ties to officials setting financial policies, but often their
friends and relatives. This forces smaller private companies to scramble
for capital, often by plunging into a "shadow banking" network of
lenders whose rates can be extortionate.
The finance system would benefit
from more competition and less party control, with bankers having more
freedom to adjust saving and lending rates and practices. However, SOEs
needn't worry about radical change. They pay dividends to government
agencies and minority shareholders, and serve policy purposes, such as
securing international oil and mineral rights. They also have allowed
powerful and entrenched families to enrich themselves: for example,
members of former Premier Li Peng's family have held a dominant role in
the electricity sector. SOEs, as official documents state, are "an important foundation of Communist Party rule" -- that's unlikely to change anytime soon.
What will likely change, however, is the system of local government
finance. According to a Ministry of Finance report, local governments
now get more than half of their total revenue from land sales,
incentivizing them to seize farms and homes for resale to developers at
high prices. Some proceeds then go into local treasuries, some to
corrupt officials and lesser amounts to those who were displaced, often
leading to angry -- even violent -- protests. Beijing knows this must
change, and Chinese economists expect a new tax and grant regime.
Likewise, the discriminatory hukou system -- residence permits that give
access to local benefits such as places in public schools, and which
excludes some 200 million migrant workers who fill important city jobs
but can't live there legally -- will likely be modified to allow more
benefits for migrant workers.
As for political reforms, the ruling elite have made it clear that
widespread calls for greater openness and accountability will not be
granted, at the plenum or elsewhere. Xi continues to crack down harshly
on public dissent and on social media. Activists who have called on
leaders to disclose their personal assets as anti-corruption measures,
like legal scholar Xu Zhiyong, have been jailed. And while a campaign
against corruption high and low will continue throughout and after the
Third Plenum -- swatting both "tigers and flies" -- its goal is to purge
political embarrassments at least as much as it halts the corrosive
practices that benefit so many officials.
But the chances of Xi unveiling a "blueprint of reform" as striking as
that of his predecessor Deng is unlikely. And five years from now,
Chinese leaders may be striking the same notes about the importance of
reform-- but with fewer people believing them.
Robert Keatley is a former editor of the South China Morning Post and the Wall Street Journal Asia.
http://www.foreignpolicy.com/articles/2013/11/08/third_time_s_the_charm_china_economic_reform_third_plenum
Làm ăn với Trung Quốc trước hết phải bằng cái đầu
(Thị trường)
- Mối quan hệ giữa VN và TQ là mối quan hệ giữa một nước đang phát
triển với một anh khổng lồ. Trong mối quan hệ kinh tế đó, chúng ta phải
có cách xử lý trí tuệ, khôn ngoan, xử lý bằng cái đầu, chứ không chỉ
bằng cảm xúc.
Chuyên gia Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, chia sẻ với Đất Việt.
PV:- Nhập siêu từ
Trung Quốc tăng đều đặn hàng năm, theo con số của một thành viên Ủy ban
tài chính và ngân sách Quốc hội, hiện có tới 90% các dự án tổng thầu
EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành; hay nói
cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khoá trao tay) của
Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm.
Có tới 30 doanh nghiệp Trung Quốc
đang thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Xét riêng về điện, đã có
nhiều dự án hàng tỷ USD rơi vào nhà thầu Trung Quốc. Các mặt hàng chủ
lực xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc như gạo,cao su chiếm
đến gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu...
Nhìn vào thực tế này, ông có những suy nghĩ gì?
Ông Võ Trí Thành: -
Mối quan hệ giữa VN và TQ là mối quan hệ giữa một nền kinh tế nhỏ, thu
nhập còn thấp với một anh khổng lồ; nó cũng không đơn giản chỉ là mối
quan hệ về kinh tế nó còn là mối quan hệ chính trị, lịch sử, lòng tin…
Chuyên gia Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương |
Trong mối quan hệ kinh tế đó, chúng ta phải có cách xử lý trí tuệ, khôn ngoan, xử lý bằng cái đầu, chứ không chỉ bằng cảm xúc.
Thực tế, ai cũng nhìn rõ thâm hụt
thương mại giữa nền kinh tế VN với TQ nhiều năm lại đây là rất lớn.
Riêng năm 2012 thâm hụt trên dưới 15 tỉ USD. Trong khi đó, VN đã ký với
TQ 12 hợp đồng nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, hạ
tầng, năng lượng, hàng hải nhằm nâng giá trị thương mại song phương lên
60 tỉ USD vào 2015.
Điều này liên quan tới câu chuyện hội
nhập và tham gia mạng sản xuất khu vực và toàn cầu của Việt Nam. Mạng
sản xuất khu vực và toàn cầu có quy luật của nó, tham gia có thể có cả
tích cực và tiêu cực. Vấn đề cơ bản là VN có dần vươn lên trong chuỗi
giá trị để tạo giá trị gia tăng cao hơn.
Tôi ví dụ, trung bình cứ 100 USD nhập
khẩu từ TQ thì có khoảng 30 USD là hàng vốn như thiết bị máy móc, 60 USD
là hàng trung gian, nhiên liệu, và 10 USD là hàng tiêu dùng cuối cùng.
Có hàng trung gian được doanh nghiệp
VN hoặc doanh nghiệp FDI nhập tạo ra sản phẩm xuất khẩu sang các thị
trường như Hoa Kỳ, EU, Trung Đông,…Điều này không gây thâm hụt thương
mại; vấn đề chính là liệu doanh nghiệp VN có thể tham gia sâu hơn và
ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh hơn. Nhưng phần tỷ trọng rất
lớn hàng trung gian nhập từ TQ lại được nhiều doanh nghiệp gia công thêm
để tiêu thụ trong nước. Hàng trung gian chính là yếu tố gây thâm hụt
thương mại lớn nhất giữa VN và TQ. Nghĩa là, vừa gây thâm hụt mà giá trị
gia tăng lại thấp.
Nhiều doanh nhiệp VN lựa chọn hàng
thiết bị máy móc TQ do giá rẻ và sản phẩm tạo ra vẫn được thị trường
chấp nhận. Trong khi vấn đề đấu thầu, thiết bị máy móc lại chưa dựa
nhiều vào yếu tố kỹ thuật và tính tới cả vòng đời dự án để đánh giá, lựa
chọn. Những điều này có thể giải thích vì sao có con số 90% nhà thầu
Trung Quốc thắng thầu và 30% thiết bị máy móc được nhập khẩu từ TQ. Vấn
đề ở đây là hoàn thiện, thay đổi những nguyên tắc chọn thầu, gắn minh
bạch với cả tính toán chi phí – lợi ích cả vòng đời dự án, giá cả và
cách thức cấp/hỗ trợ vốn.
Cuối cùng là hàng tiêu dùng thì liên
quan tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và chính sách biên mậu của
TQ. Đây là chính sách TQ chưa muốn từ bỏ trong phát triển kinh tế vùng
biên giới. Doanh nghiệp VN đưa hàng qua tiểu ngạch vừa dễ dàng vượt qua
tiêu chuẩn về chất lượng, giá lại có thể cạnh tranh hơn. Nhưng với con
đường này, hàng VN dễ gặp rủi ro như bị ép giá, không lấy hàng có thể
xảy ra bất cứ lúc nào. Có không ít doanh nghiệp VN thua ở thị trường
này: mất hàng, mất vốn, mất luôn cả thương hiệu (không đăng ký bảo hộ
thương hiệu) vì không vượt qua nổi “bẫy biên mậu”...
VN cần phải đạt được thỏa thuận liên
quan đến chính sách biên mậu, theo hướng “chính thức hóa” cao hơn, minh
bạch và được dự báo tốt hơn, giảm bớt những điều tiết ra những méo mó
trong quan hệ thương mại giữa VN-TQ.
PV: - Ông có thể đánh giá một cách khách quan mức độ phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế Trung Quốc hiện nay?
Ông Võ Trí Thành:-
Tôi không thích dùng cụm từ “phụ thuộc vào TQ” thuần túy. Cả VN, ASEAN,
các nước trong khu vực, kể cả TQ có tính lệ thuộc lẫn nhau rất cao. Vấn
đề ở đây là tính cạnh tranh quốc gia, khả năng cạnh tranh giữa doanh
nghiệp VN với doanh nghiệp các nước trong quá trình hội nhập, trong tham
gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu cũng như khu vực. Để kết
quả mong muốn có được là giá trị gia tăng ngày một lớn hơn và thâm hụt
thương mại giảm, góp phần tạo sự vững chắc cho cán cân thanh toán.
Tất nhiên TQ là một nền kinh tế lớn,
và với quan hệ thương mại, đầu tư hiện nay, có ảnh hưởng không nhỏ tới
nền kinh tế VN. Quan hệ thương mại giữa các nước đang phát triển và phát
triển thương được gọi là quan hệ Bắc-Nam. Các nước đang phát triển chỉ
xuât khẩu hàng thô, hàng khai khoáng, hàng nông sản, hàng sơ chế sang
các nước phát triển; giá trị gia tăng thấp, trong khi đó lại phải đi
nhập hàng công nghiệp chê biến với giá trị gia tăng cao hơn.
Cơ cấu thương mại VN-TQ cũng tương tự
như vậy. VN xuât khẩu sang TQ 60-70% là hàng thô là nông sản, khoáng
sản, hoặc là hàng công nghiệp mà có giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó
70% hàng TQ sang VN là hàng công nghiệp, hàng đã qua chiế biến nghĩa là
giá trị gia tăng cao hơn.
Cuối cùng tôi muốn nói, Trung Quốc vẫn
là đối tác thương mại số một của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu
năm 2012 đạt 41,1 tỷ USD (tương đương 25% GDP của VN). Rất nhiều doanh
nghiệp VN, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang sử dụng và nhập
khẩu máy móc, thiết bị và hàng trung gian từ TQ. Để doanh nghiệp VN vươn
lên được, trước tiên VN phải biết tận dụng lợi thế, hàm lượng lao động
cao, việc làm cũng rất quan trọng. Nhưng cùng với đó cũng phải nâng dần
về chất lượng, tạo sức cạnh tranh “không chỉ bằng giá”. Đồng thời, đẩy
mạnh việc tham gia trong cụm liên kết ngành, nâng cao giá trị, gắn cam
kết của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các TNC, tương ứng với chính
sách ưu đãi của VN, trong nâng chỉ tiêu nội địa hóa, chuyển giao công
nghệ.
Không phải ngẫu nhiên, cùng với TQ, VN
có quan hệ hợp tác và cả những cam kết tự do hóa thương mại với Nhật,
với Hoa Kỳ, với EU. Ý đồ rất rõ ràng. Nếu muốn khẳng định mình ở một vị
trí nào đó thì phải chấp nhận chơi với những người khổng lồ, phát triển
nhất, hiện đại nhất.
Vì vậy VN cần phải có chính sách cải
cách rất căn bản, mạnh mẽ, như tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tầm nhìn
phát triển dài hạn.
PV:- Thực tế, sự
phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam xảy ra ở cả hai kênh: xuất khẩu
thương mai và tiểu ngạch. Tại sao lại có thực trạng này? Sự phụ thuộc
vào nền kinh tế Trung Quốc như Việt Nam hiện nay đã và sẽ dẫn tới những
ảnh hưởng gì, thưa ông?
Ông Võ Trí Thành: -
Câu chuyện về tiêu chuẩn, chất lượng là con dao hai lưỡi. Hạ hàng rào
tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật khiến hàng hóa của VN dễ dàng thâm nhập
được thị trường tránh khỏi những đòi hỏi khắt khe, nhưng cũng rất dễ bị
đột ngột dừng hợp đồng, hủy hợp đồng thay đổi tạo ra biến động lớn.
Điều này không chỉ gây thiệt hại cho
cả lô hàng đó mà còn có tác động tiêu cực tới uy tín, sản xuất. Điều
quan trọng là nó làm giảm động lực cạnh tranh.
Khi chơi với một người quá dễ dãi thì
sẽ dẫn đến sẽ lười. Trong khi thi thị trường thương mại không phải chỉ
có mình TQ mà còn rất nhiều nước khác trên thế giới.
Về lâu dài, những hệ lụy này sẽ gây ra những thiệt hại cả ngắn hạn và dài hạn đối với nền kinh tế.
Hệ lụy nhìn thấy đầu tiên là thiệt cho
chính các doanh nghiệp. Hệ lụy thứ hai là hình ảnh của đất nước của
quốc gia bị ảnh hưởng. Hệ lụy thứ ba là tác động xấu tới cộng đồng, xã
hội.
PV:- Thực tế đã
ghi nhận không ít trường hợp doanh nhân Trung Quốc thất hứa, hủy hợp
đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người nông dân và các doanh nghiệp Việt
Nam. Trong khi, theo báo cáo mới đây, những câu chuyện làm ăn với
thương lái TQ vẫn tồn tại. “Nghịch lý” này phải được hiểu như thế nào?
Ông Võ Trí Thành: - Đó
là câu chuyện thị trường. Thị trường là thấy lợi thì làm. Có phần cũng
giống như câu chuyện BĐS vừa qua, khi mua vào ai cũng nghĩ mình sẽ được
lời.
Vậy thì ở đây là vấn đề thông tin,
giám sát an toàn, giám sát kỹ thuật, hoàn thiện pháp lý và chế tài liên
quan đến dịch chuyển lao động; làm sao để người dân, doanh nghiệp VN
hiểu được rủi ro và cả chi phí-lựi ích trong ngắn hạn và dài hạn đối với
bản thân, cộng đồng và cả nền kinh tế.
PV:- Theo ông, để xảy ra sự phụ thuộc có thể gây rủi ro lớn như hiện nay, trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Võ Trí Thành:- Rõ
ràng ở đây có vấn đề giám sát. Để họ thực thi không đúng những quy định
của pháp luật về chuyển dịch lao động, đăng ký cư trú, đăng ký kinh
doanh là trách nhiệm là thuộc về cơ quan quản lý của nhà nước.
Cụ thể là các cơ quan quản lý thị trường, có cả trách nhiệm của các bộ, ngành cơ quan pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Hiếu Lam
Trung Quốc tích trữ hàng ngàn tấn vàng để làm gì?
Tạp chí Challenges (Pháp) ngày 8-11 ghi nhận lần đầu
tiên một quốc gia mua hơn 1.000 tấn vàng trong một năm. Đó là Trung
Quốc mua vàng trong năm 2013.
Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 700 tấn vàng, tăng 54% so với năm ngoái. Trung Quốc mua vàng trong thời điểm này rất có lợi bởi giá vàng gần như thấp nhất trong ba năm qua.
Trung Quốc hiện đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước nhập khẩu vàng đứng đầu thế giới. Nhịp độ mua vàng của Trung Quốc rất đáng ngạc nhiên. Trong hai năm rưỡi, Trung Quốc đã mua 2.500 tấn vàng, tương đương số vàng dự trữ của Pháp (2.435 tấn). Trong khi đó, các mỏ vàng trong nội địa Trung Quốc vẫn tiếp tục sản xuất, ước tính sẽ đạt sản lượng 430 tấn trong năm nay so với 403 tấn của năm ngoái.
Trung Quốc không công bố số liệu dự trữ vàng hoặc tình hình mua bán vàng trên thị trường, do đó Trung Quốc có bao nhiêu vàng là điều bí mật. Chỉ có cách theo dõi tình hình mua bán vàng trên thị trường Hongkong rồi suy đoán.
Theo số liệu thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới công bố hồi tháng 10, dự trữ vàng của Trung Quốc chỉ đạt 1.054 tấn đứng thứ sáu thế giới. Con số thực tế cao hơn nhiều. Trung Quốc đã dự trữ hơn 3.390 tấn vàng, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ (8.133 tấn), nhiều hơn vàng dự trữ của Đức (3.390 tấn) và Pháp (2.435 tấn).
Từ ba năm nay, Trung Quốc đã chỉ đạo các ngân hàng phải đầu tư mua mỏ vàng ở nước ngoài và khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân làm điều này. Cơn khát vàng đã mang về cho Trung Quốc mỗi tháng khoảng 100 tấn vàng. Với nhịp độ mua vàng thế này, đến năm 2017, Trung Quốc sẽ có số vàng dự trữ nhiều hơn Mỹ.
Trung Quốc hiện đã dự trữ hơn 5.000 tỉ USD ngoại tệ, tuy nhiên từ năm năm nay giá trị USD ngày càng giảm do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phát hành tiền hàng loạt (chính sách nới lỏng định lượng). Do đó, Trung Quốc sẽ dùng vàng dần dần thay thế nguồn dự trữ ngoại tệ đôla Mỹ.
Sự kiện Trung Quốc mua vàng còn mang ý nghĩa chính trị bởi thông qua số vàng dự trữ, Trung Quốc muốn xây dựng nhân dân tệ thành đồng tiền có thể chuyển đổi thay thế đôla Mỹ. Các chuyên gia kinh tế khẳng định Trung Quốc đang chuẩn bị chấm dứt thời đại đồng đôla Mỹ bá chủ.
Lúc đó, sự kiện trong kho dự trữ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có hàng ngàn tấn vàng chắc chắn sẽ củng cố lòng tin để các nhà đầu tư trên thế giới sử dụng đồng nhân dân tệ có khả năng chuyển đổi. Vì lẽ đó, như tạp chí Challenges nhận định, trong một thập niên nữa, không có gì đáng ngạc nhiên nếu chúng ta dùng đồng nhân dân tệ để trả tiền nhập khẩu cà phê, đồng, nhôm…
HOÀNG DUY