Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Tự xử - Giả dạng lãnh đạo? & Cải cách Trung Quốc có tác động VN?

Hung thủ Lý Nguyễn Chung sợ bị Công an Bắc Giang thủ tiêu

Tháng 6/2013, chị Nguyễn Thị Chiến vợ người tù oan Nguyễn Thanh Chấn gửi đơn kêu cứu khẩn cấp cùng nhiều chứng cứ quan trọng mà chị mới thu thập về vụ án giết người tại Bắc Giang năm 2003 tới một số cơ quan Tư pháp trung ương và các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước. Đầu tháng 7/2013, cuộc truy bắt ráo riết, quy mô lớn mới được Cục Điều tra hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tổ chức với sự phối hợp của Cục CSHS Tổng cục 6 Bộ CA. Song thật bất ngờ với ngay cả các trinh sát của Bộ, bằng cách nào đó Công an Bắc Giang cũng đã có toàn bộ tình tiết, chứng cứ mà vợ anh Chấn thu thập và họ (CA Bắc Giang) đã bí mật cử một tổ đặc nhiệm hùng hậu đi bắt Lý Nguyễn Chung từ cách đó gần 1 tháng.
http://image1.xahoi.com.vn/news/2013/11/6/ly-nguyen-chung.jpg

Vào tháng 6/2013, Công an Bắc Giang đã lần ra và bí mật có mặt tại địa bàn mà hung thủ Chung sinh sống tại Đắc Lắc. Ngay cả Công an tỉnh sở tại cũng không được CA Bắc Giang thông báo. Chính việc đánh án kiểu “bí mật” khó hiểu này đã tạo điều kiện cho hung thủ may mắn thoát được. Chung đã đụng mặt một tổ CA Bắc Giang nhưng CA Bắc Giang không ai biết rõ mặt Chung nên y đã trốn thoát ngay gần nhà. Bằng sự nhạy cảm của một kẻ trốn chạy, hơn ai hết, Lý Nguyễn Chung hiểu ngay rằng y đang bị truy lùng. Sau đó y lặn một mạch ra Bắc rồi sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch rồi lại lộn trở về Đắc Lắc.
Trong quá trình lẩn trốn, Chung có liên lạc bằng điện thoại với người chị gái tại Lạng Sơn. Qua người chị này, các cán bộ của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao biết rằng Lý Nguyễn Chung rất sợ lọt vào tay Công an Bắc Giang vì lo bị họ giết nhằm bịt đầu mối vụ án. Chung đặt điều kiện xin ra đầu thú là không được đưa về trại giam của Công an tỉnh Bắc Giang. Cục Điều tra của Viện đã bảo đảm với Lý Nguyễn Chung về điều kiện này và hứa đưa y vào trại giam của Bộ Quốc phòng.
Ngay sau đó, ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắc Lắc. Lập tức, Cục điều tra của Viện đã đưa Lý Nguyễn Chung bằng máy bay ra Hà Nội và “gửi” vào Trại T171, cơ sở giam giữ được canh phòng cẩn mật nhất của Bộ Quốc phòng. Hơn ai hết, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ý thức rõ nguy cơ Chung có thể bị thủ tiêu nhằm bịt đầu mối. Họ đã không dám “gửi” Chung vào ngay cả các trại của Bộ Công an trong giai đoạn đặc biệt quan trọng này.
Viện Kiểm sát NDTC và Lý Nguyễn Chung có lý do để sợ Công an Bắc Giang bịt đầu mối. Hơn chục năm qua, CA tỉnh Bắc Giang luôn là đơn vị lá cờ đầu của cả nước về tỉ lệ phá án cao, đặc biệt là trọng án (tỉ lệ gần 100%). Trong khi tỉ lệ này trung bình của cả nước chỉ vào khoảng 70%. CA tỉnh luôn được tặng thưởng, luôn đoạt cờ luân lưu, các danh hiệu thi đua cụm, vùng, miền và toàn quốc. Phòng Cảnh sát hình sự tỉnh là đơn vị quyết thắng nhiều năm. Nhiều cá nhân, tập thể xuất sắc của CA tỉnh được Thủ tướng, Bộ trưởng khen ngợi. Việc đánh án nhằm chạy theo và bảo vệ thành tích đã buộc các điều tra viên phải bằng mọi cách “đóng án” trong thời gian nhanh nhất.
Với cách đánh án kiểu trên, CA tỉnh Bắc Giang đã bỏ qua nhiều chứng cứ quan trọng. Công tác khám nghiệm thì sơ sài. Tra tấn, ép cung là biện pháp hiệu quả nhất để đóng án, bảo vệ và kiếm thêm thành tích thi đua. Một chứng cứ cực kỳ quan trong bị bỏ qua là sau khi vụ án mạng xảy ra, một người dân thôn Me đã nhặt được tấm chứng minh thư mang tên Lý Nguyễn Chung vứt tại hiện trường vụ án. Tấm CMT được nộp ngay lên Công an tỉnh song nó đã bị bỏ qua vì lúc đó hồ sơ vụ án đang được “đóng”, thành tích đã báo cáo lên Bộ.
Nhờ có thành tích tốt nên các “cá nhân xuất sắc” CA tỉnh Bắc Giang tham gia dàn dựng vụ án Nguyễn Thanh Chấn đều được thăng quân hàm trước thời hạn và giao nhiều trọng trách trong CA tỉnh. Đặc biệt, Đại tá Phạm Văn Minh (cách đó ít năm mới là trạm trưởng Trạm CA Kép – cánh lái xe vận tải hàng lên biên giới Lạng Sơn sợ nhất nạn ăn tiền ở trạm này) thì bây giờ chễm chệ Giám đốc CA tỉnh, Đại biểu Quốc hội. Lúc “đóng án” anh Chấn, ông Minh là Phó Giám đốc CA tỉnh, Trưởng ban chuyên án – một ngôi sao đang lên của Bắc Giang. Mọi chỉ đạo các ngành Tư pháp tỉnh liên quan tới việc xử lý vụ án mà Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang lúc đó đưa ra đều do ông Minh “phím” cho nên các ngành Tư pháp khác (Kiểm sát, Tòa án) phải răm rắp tuân theo.
Trở lại vụ anh Chấn. Nếu đối tượng Lý Nguyễn Chung sa vào tay Công an Bắc Giang. Trên đường dẫn giải nếu không bị “tự ngã” chết thì có thể cũng bị cảm gió gì đó rồi qua đời đột ngột. Anh Chấn chắc chắn vẫn sẽ ở tù và CA Bắc Giang vẫn sẽ luôn đúng. Các cán bộ điều tra như Đào Văn Biên nay mai lên lãnh đạo Công an tỉnh vẫn sẽ lại tiếp tục cho ra đời nhiều anh Chấn nữa.
 Cầu Nhật Tân
(Blog Cầu Nhật Tân)

Cải cách Trung Quốc có tác động VN?


Đảng Cộng sản Trung Quốc
Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục đứng trước câu hỏi về cải tổ

Một cuộc họp đặc biệt, Hội nghị trung ương 3 khóa 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc, đang được tổ chức từ ngày 9 đến 12/11/2013, nhằm đưa ra “những cải cách sâu sắc, toàn diện”.

“Những sai trái trong hệ thống và cơ chế phải bị loại bỏ” - như một nội dung trong thông báo sau phiên họp do Tổng bí thư Tập Cận Bình chủ trì, cho thấy Trung Quốc đang muốn thực hiện mục tiêu chưa có tiền lệ tính từ thời Cách mạng Văn hóa đến nay.

Những lĩnh vực sẽ phải cải cách mạnh mẽ, gồm thủ tục hành chính, các ngành công nghiệp độc quyền, đất đai, hệ thống thuế và tài chính, quản lý tài sản nhà nước, chính sách mở cửa và cải cách. Theo đó, chính phủ sẽ sử dụng các công cụ thuế và tài chính để giám sát thị trường ở tầm vĩ mô.

Điểm trùng hợp là hội nghị trung ương 3 của Trung Quốc diễn ra cùng thời gian với kỳ họp quốc hội cuối năm 2013 tại Việt Nam.

Nội tình Đảng cộng sản và Quốc hội Việt Nam có lẽ cũng đang diễn ra “những cải cách chưa từng có”, kể từ thời điểm ban hành hiến pháp 1992 đến nay. Trong suốt nửa đầu năm 2013, lần đầu tiên chính thể được xem là “toàn trị” ở quốc gia này buộc phải chấp nhận một kiến nghị chưa từng có của gần 15.000 công dân về bãi bỏ chế độ độc đảng cùng một số nội dung liên quan đến tính độc quyền trong các lĩnh vực then chốt.

Tuy nhiên cho tới nay, điều được hy vọng về một cuộc cải cách chưa từng có ở Việt Nam lại đang được Ban thường vụ quốc hội hứa hẹn sẽ chưa từng có một thay đổi đáng kể nào, từ điều 4 Hiến pháp về chế độ “đảng lãnh đạo toàn diện” đến các tranh cãi về tên nước, lực lượng vũ trang, tổ chức nhà nước, sở hữu đất đai, kinh tế quốc doanh và độc quyền doanh nghiệp nhà nước…

'Đặc quyền đặc lợi'
"Sự đổi thay này không xảy ra vào các nhiệm kỳ chấp chính của những đời tổng bí thứ trước đây như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, mà lại xảy ra có phần đột ngột trong khẩu khí “diệt cả ruồi lẫn hổ” của tổng bí thư mới là Tập Cận Bình"
Một phác thảo của Hội nghị trung ương 3 tại Trung Quốc đáng được chú ý: Trong lĩnh vực công nghiệp độc quyền, nhà nước sẽ dỡ bỏ kiểm soát đối với việc nhập khẩu dầu khí. Ngành công nghiệp viễn thông sẽ được tái tổ chức nhằm khuyến khích cạnh tranh.

Đầu tư vào ngành đường sắt sẽ được đa dạng hóa, ngành điện và hệ thống giá điện sẽ được cải cách.

Sau mấy thập niên đóng kín, một số ngành kinh tế “mũi nhọn” như đường sắt, viễn thông, dầu khí và cả ngân hàng đang có cơ may được trút bớt gánh nặng độc quyền sang các thành phần kinh tế khác.

Nhưng đáng chú ý hơn, sự đổi thay này không xảy ra vào các nhiệm kỳ chấp chính của những đời tổng bí thứ trước đây như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, mà lại xảy ra có phần đột ngột trong khẩu khí “diệt cả ruồi lẫn hổ” của tổng bí thư mới là Tập Cận Bình.

Mới vào giữa năm nay, nguyên bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân của Trung Quốc đã bị kết án tử hình vì tội nhận hối lộ và lạm quyền.

Từ tháng 6/2013, Trung Quốc đã hai lần phải giảm quyền trong phê duyệt dự án. Khoảng 310 loại phí do chính quyền địa phương lập nên đã bị xóa bỏ…

Trong khi đó, ở Việt Nam vẫn chưa có bất cứ tín hiệu nào về công cuộc xóa bỏ nạn độc quyền và đặc lợi.

Sau những phát hiện đột biến vào năm 2011, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã bị báo chí và dư luận người dân xem là một trong những thủ phạm đẩy nền kinh tế vào tình trạng tiêu điều do đầu tư trái ngành cùng số lỗ trên 40.000 tỷ đồng, kéo theo các chiến dịch tăng giá xăng dầu không ngừng nghỉ nhằm trút lỗ lên đầu 90 triệu dân chúng, gần 4 triệu đảng viên, 2 triệu công chức và toàn bộ lực lượng vũ trang.

Cũng cho tới nay, tấm lưng còng người dân Việt Nam vẫn phải “cõng” đến 432 loại phí - một trong những biểu tả đậm đà nhất nhằm hoàn chỉnh “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

“Nguồn gốc tội ác”
Hình minh họa
Tác giả cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa có cải tổ gì đáng kể về đường lối cầm quyền thời gian qua

Một cải cách dự kiến khác cũng rất đáng lưu tâm của Trung Quốc là điều chỉnh cơ chế sở hữu đất đai. Từ nhiều năm qua, tình trạng thu nhập của chính quyền địa phương phụ thuộc tiền bán đất chính là một trong những nguyên nhân gây ra quá nhiều tranh chấp giữa chính quyền và người dân.

Khiếu kiện và biểu tình đất đai cũng là một vấn nạn ở Trung Quốc trong nhiều năm qua. Mỗi năm, quốc gia đông dân nhất thế giới này lại xảy ra đến hàng trăm ngàn cuộc khiếu kiện, so với hàng chục ngàn ở Việt Nam.

Lần này, ban soạn thảo kế hoạch cho Hội nghị trung ương 3 Trung Quốc đã đề xuất cho phép đất sở hữu tập thể và đất sở hữu nhà nước được gia nhập thị trường đất phi nông nghiệp.

Theo đó, nông dân có quyền sở hữu tập thể trong việc bán đất và được đền bù thỏa đáng dựa trên tiêu chuẩn thị trường. Chính quyền địa phương sẽ không còn được mua đất của dân với giá quá thấp rồi bán lại cho các công ty xây dựng hoặc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với giá cao hơn nhiều. Cải cách trong lĩnh vực này được đề xuất tiến hành trong 3 giai đoạn: 2013-2014, 2015-2017 và 2018-2020.

Nếu chế độ sở hữu đất đai được mở rộng sang hình thức tập thể ở Trung Quốc, đó sẽ là cơ hội cho chính thể của quốc gia này được gia cố hơn trong con mắt dân chúng.

Nhưng ở Việt Nam, sau vụ người nông dân Đoàn Văn Vươn năm 2012, dường như những người cầm quyền vẫn chưa rút ra được một bài học sắc giá nào về lòng dân và câu chuyện nước nâng thuyền nhưng cũng sẽ lật thuyền. Trên toàn quốc vẫn diễn ra không ngớt các cuộc thu hồi đất bất công và dẫn tới những cuộc cưỡng chế thô bạo, đôi khi làm chết dân. Người ta có thể chứng kiến nhan nhản tình trạng này trong mấy năm qua ở Bắc Giang, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh, cả Dương Nội thuộc ngoại thành Hà Nội, hoặc Thủ Thiêm ở TP.HCM…

Nguồn cơn được nhiều người dân xem là “nguồn gốc tội ác” mà đã gây ra nạn cường hào ác bá cướp bóc đất đai chính là chế độ sở hữu đất đai toàn dân, mà cho đến nay vẫn không được thay đổi, bất chấp quá nhiều kiến nghị của các nhóm trí thức, nhân dân trong nước và ở hải ngoại.

Cải cách hay là chết?
"Theo giới quan sát, Bộ chính trị Bắc Kinh đang phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ, và tương lai đó sẽ không kéo dài quá lâu, từ 7-10 năm tới."
Dù vậy, não trạng của những người trong đảng vẫn hầu như chưa thoát khỏi “bóng đè” của “sở hữu đất đai toàn dân.”

Bất chấp việc quyền định đoạt và mua bán phải thuộc về người dân, cho tới nay Ủy ban thường vụ quốc hội vẫn thay mặt cho “tuyệt đại đa số cử tri” để thể hiện chỉ đạo của tổng bí thư về “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp”, tức nhiều khả năng sẽ không có bất kỳ thay đổi nào về chế độ sở hữu đất đai trong hiến pháp mới.

Thậm chí, vấn nạn mà dân oan kêu gào khắp nơi về việc thu hồi đất đối với “các dự án kinh tế - xã hội” vẫn đang được duy trì một cách đầy nghi ngờ. Gần đây, những tờ báo trong nước đã phải hé lộ về những vụ “lobby” chính sách nào đó của các nhóm lợi ích bất động sản kết hợp với các nhóm thân hữu chính trị.

Chính đảng cầm quyền ở Trung Quốc sẽ không thể tồn tại nếu không tự thay đổi. Sự thay đổi ấy sẽ phải thể hiện bằng một cuộc cải cách, nếu không đủ xứng đáng làm nên một cuộc cách mạng toàn diện thì tối thiểu cũng phải giúp cho chế độ độc đảng có lý do để kéo dài thêm một thời gian nữa.

Theo giới quan sát, Bộ chính trị Bắc Kinh đang phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ, và tương lai đó sẽ không kéo dài quá lâu, từ 7-10 năm tới.

Được xem là người bạn “môi hở răng lạnh” và gắn bó với những người đang muốn khuếch trương chủ thuyết “Nhân nghĩa lễ trí tín” của Khổng Tử, đảng cầm quyền ở Việt Nam sẽ phải tự tìm ra một lối thoát cho mình để không phải rước lấy nỗi căm phẫn hồi tố vẫn đang trên đà trào dâng dữ dội của đại đa số dân chúng.

“Cải cách hay là chết!” - một số quan chức Việt Nam đã thốt lên bức cảm thầm kín ấy bên ngoài hành lang, ngay sau khi kết thúc những cuộc họp chi bộ và thảo luận nghị trường đầy tính khoa trương và giáo điều.

Phạm Chí Dũng
Gửi cho (BBC) từ Sài Gòn

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nhà báo tự do đang sống ở TP. Hồ Chí Minh.

Tự xử

Trong suốt gần bảy thập kỷ độc quyền lãnh đạo đất nước, đảng cộng sản đã gây ra vô số những sai lầm nghiêm trọng, và những sai lầm ấy thường gắn liền với những từ ngữ, cụm từ, còn lưu giữ hoặc vẫn đang tồn tại, trong ký ức lẫn đời sống của xã hội, con người, văn hóa Việt Nam.

Chẳng hạn, cứ nghe đến những cụm từ như Nhân Văn Giai Phẩm, cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản mại bản, cải tạo tư thương, học tập cải tạo, thuyền nhân, kinh tế thời bao cấp, đổi mới, mở cửa, giải phóng mặt bằng, dân oan v.v... Là ngay lập tức, người Việt nhớ hoặc nghĩ ngay đến những ký ức, những giai đoạn khốn khổ, đau thương trong quá khứ và cả trong hiện tại.

Một nghi can trộm chó bị bắt và may mắn chưa bị người dân đánh chết. (Hình: Kênh 14)

Một trong những chữ thường xuất hiện trên báo chí, trong dư luận thời gian gần đây là “tự xử,” nói lên tình trạng người dân “tự làm luật” với nhau và với chính quyền.

“Tự xử” ví dụ như những vụ người dân hè nhau đánh đập, có khi tới chết, một kẻ bắt trộm chó. Hiện tượng này đã xảy ra nhiều lần, tại các vùng khác nhau như Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị... Có khi người dân tức giận đến mức đánh chết xong còn thiêu cả xe, cả xác của kẻ trộm chó.

Ðỉnh điểm là vụ hai nghi can trộm chó ở xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang ngày 27 tháng 8 năm 2013, bị hàng trăm người đuổi đánh, khiến một nghi can tử vong tại chỗ, một bị thương nặng sau đó cũng chết tại bệnh viện.

Khi công an khởi tố 7 người về tội đánh chết người, hàng trăm người ở xã Danh Thắng đã ký đơn xin nhận tội khiến công an cũng phải đau đầu, không biết xử lý ra sao. (“Hàng trăm người ký đơn nhận tội đánh chết trộm chó,” báo Thanh Niên).

Dư luận xã hội ở Việt Nam xung quanh những vụ việc như vậy vẫn chưa hoàn toàn thống nhất. Ða số lên án chuyện đánh chết người vì dù sao đi nữa mạng chó không thể đổi với mạng người, và không ai có quyền tước đi sinh mạng của người khác, nhưng vẫn có những người đồng tình, lấy lý do nạn trộm chó ngày càng hoàng hành, không coi ai ra gì, còn chính quyền địa phương thì xử lý chậm chạp, không thật cương quyết, khiến người dân bức xúc, phải “tự xử.”

“Tự xử” ví dụ như có những bệnh nhân, sản phụ bị tử vong do “tai nạn nghề nghiệp,” do cung cách làm việc tắc trách, vô lương tâm của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế, khiến người nhà nạn nhân tức giận, xông vào bệnh viện đập phá đồ đạc, đuổi đánh y bác sĩ, hoặc mang xác nạn nhân tới bệnh viện để đòi làm ra lẽ.

Thỉnh thoảng lại thấy những vụ như vậy xảy ra, như tại BV đa khoa tỉnh Lâm Ðồng ngày 20 tháng 6, 2013, tại BV đa khoa Hà Tĩnh ngày 12 tháng 8, 2013, tại BV Nhân Dân Gia Ðịnh ngày 22 tháng 9, 2013 v.v...

Khi một sản phụ và em bé mới sinh bị tử vong tại bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) ngày 18 tháng 10, năm 2013 vì sự thờ ơ, vô trách nhiệm của kíp trực, gia đình đã đưa quan tài lên xe diễu qua khắp các phố, đến tận nhà ông bác sĩ phó giám đốc bệnh viện đòi “xử lý.” Hàng nghìn người dân đã tự phát đi theo, khiến giao thông bị ách tắc nhiều giờ, công an phải huy động hàng trăm người để vãn hồi trật tự. (“Hàng nghìn người đưa quan tài sản phụ diễu phô,” VNExpress).

Ðiều đáng nói là đám đông đi theo đó không hề có quen biết, ruột thịt gì với mẹ con sản phụ đã chết. Chỉ vì đã có quá nhiều những cái chết oan ức khác nhau do ngành y tế gây ra, và câu chuyện này như một giọt nước làm tràn chiếc ly phẫn nộ của người dân.

Mặt khác, người dân nhìn thấy số phận của hai mẹ con người sản phụ bất hạnh có thể cũng sẽ xảy ra với họ, với người thân của họ nếu ngành Y không thật sự chấn chỉnh, sửa đổi (mà điều này thì còn... xa lắm).

Có những vụ người dân khiếu nại mãi nhưng chính quyền địa phương vẫn không giải quyết, buộc họ phải cùng nhau “làm luật” như vụ hàng ngàn người xuống đường phản đối việc khai thác cát gây sạt lở nặng cửa biển Cửa Ðại của sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi (“Dân xuống đường, phản đối khai thác cát,” Người Lao Ðộng).

Hay hàng trăm người dân bao vây công ty cổ phần Nicotex Thành Thái để ngăn chặn không cho tẩu tán khối lượng lớn hóa chất độc hại đã được đào lên, cho đến khi chính quyền địa phương, các ban ngành phải vào cuộc xử lý (“Hàng trăm người vây hiện trường DN chôn giấu thuốc trừ sâu,” Người Lao Ðộng)...

Có những khi, vì uất ức, tuyệt vọng quá mức, người ta chỉ còn cách đem chính sinh mạng của mình ra “tự xử.” Ðã có những vụ tự thiêu mà nguyên nhân sâu xa do cách làm ăn quan liêu, coi thường tính mạng, danh dự nhân phẩm người dân của nhà cầm quyền, hay do luật pháp bất công, xét xử oan sai.

Trong đó được dư luận biết đến nhiều là vụ tự thiêu ngay trước cửa UBND tỉnh Bạc Liêu của bà Ðặng Thị Kim Liêng, thân mẫu người tù lương tâm Tạ Phong Tần tức blogger Công lý và Sự thật. Vì mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai chưa được chính quyền địa phương giải quyết rốt ráo, nỗi uất ức trước án tù của con gái, cộng với sự bức bối do bị nhà cầm quyền liên tục đe dọa, khủng bố tinh thần vì “tội lỗi” của Tạ Phong Tần.

Dấn thêm một bước nữa, người dân không chỉ đem sinh mạng ra để gióng lên tiếng chuông cảnh báo những sự bất công, sai trái của nhà cầm quyền mà còn đương đầu lại, phản kháng lại.

Chỉ trong hai năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến những vụ nổi dậy làm xôn xao dư luận. Ðiển hình là vụ án cưỡng chế đất tại đầm Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng vào đầu năm 2012, mà nhiều người vẫn so sánh với vụ án Ðồng Nọc Nạn thời Pháp thuộc.

Hai anh em nông dân Ðoàn Văn Vươn đã dùng súng hoa cải chống lại lực lượng cưỡng chế đất đông đảo hơn 100 người bao gồm cả lực lượng công an và quân đội, làm bị thương 2 công an và 4 người thuộc ngành quân đội.

Vụ thứ hai là anh Ðặng Ngọc Viết, xuất phát từ việc bồi thường giải phóng mặt bằng không thỏa đáng của chính quyền địa phương, đã dùng súng bắn chết và bị thương 5 cán bộ của Trung Tâm Phát Triển Quỹ Ðất TP Thái Bình, rồi tự sát sau đó vài giờ.

Cả hai anh em ông Ðoàn Văn Vươn hay anh Ðặng Ngọc Viết đều là những người chưa hề có tiền án tiền sự, ông Vươn là cựu bộ đội, từng được xem như anh hùng vì đã có công lấn biển cải tạo đầm lầy, còn anh Viết như nhiều người đánh giá là hết sức hiền lành, gia đình thuộc diện thương binh cách mạng. Thế nhưng khi đã quyết định hành động, có nghĩa là họ đã tuyệt vọng với việc “đối thoại” với nhà cầm quyền, tuyệt vọng với sự chờ đợi và những bất công phi lý phải chịu đựng quá lâu.

Từ việc chỉ dùng súng hoa cải ít sát thương cho tới súng col bắn thẳng vào mặt các quan chức cán bộ, nỗi tức giận và hành động bạo lực đã được đẩy lên một bước.

Và còn nữa, “Thanh Hóa: Phóng hỏa đốt nhà phó bí thư xã trong đêm” (Tiền Phong), “Nhà phó công an xã bị giội bom xăng” (Thanh Niên) tại xã Tam Hiệp (Châu Thành, Tiền Giang), “Nổ mìn giữa đêm tại phòng Bí thư đảng ủy xã” (VTC), thuộc xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc-Nghệ An...

Những hành vi “tự xử” liên tục xảy ra, với mức độ bạo lực ngày càng cao chứng tỏ mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giữa nhà cầm quyền và nhân dân ngày càng sâu sắc. Về phía dân chúng, là sự mất lòng tin vào chính quyền, vào luật pháp. Về phía nhà cầm quyền là sự bất lực của bộ máy khi không thể giải quyết được những yêu cầu chính đáng của người dân.

Sâu xa hơn, nó nói lên bản chất của chế độ: sự quan liêu, xa rời dân, coi thường dân, không lắng nghe, thấu hiểu những nỗi bức xúc của dân.

Một xã hội có quá nhiều hành vi dùng luật rừng để “tự xử” là một xã hội thụt lùi trở về thời kỳ mông muội, dã man, con người coi thường luật pháp, vì chính nhà nước này đã tự đặt mình, đặt đảng cầm quyền đứng cao hơn luật pháp.

Âu cũng là “luật nhân quả,” chính quyền đối với dân thế nào thì dân sẽ đối lại như thế.

Không ai ủng hộ hành vi bạo lực nhưng trước hiện tượng đông đảo người dân tình nguyện đi theo quan tài một con người xa lạ, hay sự thương xót, đồng cảm của dư luận dành cho những trường hợp như anh em ông Ðoàn Văn Vươn hay anh Ðặng Ngọc Viết, nhà cầm quyền nghĩ gì?

Trước mắt, trong từ điển 70 năm cầm quyền của đảng cộng sản VN, đã lại có thêm hai chữ “tự xử” gợi lên những sai lầm, đau thương mới.
Song Chi
Theo Người Việt Online

Tại sao thanh niên Việt nam trốn tránh nghĩa vụ quân sự?

Thanh niên Việt Nam nghĩ gì khi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự?
Thanh niên Việt Nam nghĩ gì khi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự?
Courtesy danluat
Hiện nay tại Việt Nam có hiện tượng thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự và chỉ nhau cách trốn nghĩa vụ quân sự. Phải chăng thể hiện rằng họ không ý thức được điều mình làm và trách nhiệm công dân đối với đất nước. Tại sao giới trẻ ở Việt nam lại sợ nghĩa vụ quân sự đến như vậy?

Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ mà một công dân bắt buộc phải thực hiện trong quân đội hoặc các tổ chức bán vũ trang và không được quyền lựa chọn.

NVQS được thực hiện thiếu công bằng

Ở Việt nam vấn đề thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) chưa được xã hội nhìn nhận một cách tích cực và thiếu công bằng. Có rất nhiều gia đình luôn tìm cách né tránh cho con em mình không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Và chính tình trạng này đã dẫn tới những hành vi tiêu cực hoặc hư hỏng, suy đồi của một bộ phận thanh niên trong thời gian qua.

Đánh giá thực trạng việc thực hiện Luật NVQS ở Việt nam hiện nay, từ Quảng trị ông Lê Anh Hùng cho biết

“Trong bối cảnh chung của xã hội thì việc thi hành Luật NVQS ở Việt nam cũng không phải là ngoại lệ. Chúng ta có thể nhận ra một thực tế là hầu như không có con, cháu của một vị lãnh đạo nào đi NVQS cả. Còn đối với con em gia đình người dân bình thường thì người ta tìm đủ mọi cách để trốn tránh NVQS; thậm chí họ còn công khai trao đổi cách trốn NVQS trên mạng, hoặc là chạy chọt đủ kiểu để thoát NVQS. Những hiện tượng trên đây sẽ gây ra một hậu quả tất yếu là quân đội Việt nam ngày càng bệ rạc, sức chiến đấu giảm sút và khó lòng đảm đương được trọng trách bảo vệ tổ quốc một khi chiến sự xảy ra.”
Chúng ta có thể nhận ra một thực tế là hầu như không có con, cháu của một vị lãnh đạo nào đi NVQS cả. Còn đối với con em gia đình người dân bình thường thì người ta tìm đủ mọi cách để trốn tránh NVQS; thậm chí họ còn công khai trao đổi cách trốn NVQS trên mạng, hoặc là chạy chọt... - ông Lê Anh Hùng
Do khá nhiều thanh niên đang bị mất phương hướng và không coi việc đi NVQS là cơ hội để cống hiến, qua đó họ được rèn luyện sức khỏe, đạo đức và lòng dũng cảm trong môi trường kỉ luật quân đội. Nói về nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó, anh Từ Anh Tú, một thanh niên trong độ tuổi NVQS ở Bắc giang cho biết

“Giờ họ nghĩ rằng đi 2-3 năm rồi thì vẫn đi làm công nhân hay đi học bình thường, họ nghĩ rằng họ phí mất thời gian 2-3 năm đi NVQS. Bây giờ đa số họ thích ham vui, tức là chơi bời hơn. Có nhiều gia đình nghĩ rằng cho con đi bộ đội để vào đấy rèn luyện sức khỏe, phẩm chất, đạo đức. Nhưng thực tế bây giờ theo em thấy trong quân đội có rất nhiều tệ nạn. Em ở Bắc giang, trong địa phương em có rất nhiều doanh trại bộ đội. Hiện tượng lính nghĩa vụ rượu chè, trai gái hay cờ bạc xảy ra rất nhiều; rất nhiều trường hợp thanh niên sau khi hoàn thành NVQS thì gia đình phải mang tiền lên để đền vì họ đã nợ rất nhiều tiền ở các hàng quán”

Các thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự lên đường
Tìm hiểu về những vấn đề trong việc thực hiện Luật NVQS, chúng tôi đã liên lạc với một người có thẩm quyền phụ trách vấn đề động viên ở Ban Chỉ huy Quân sự Huyện Bình xuyên, Vĩnh phú thì được cho biết:
Theo tôi cho rằng môi trường quân đội là một đội ngũ có kỷ luật, các em được đào tạo để có tư chất và ngày càng trưởng thành hơn. Theo quan điểm của tôi thì, có thể là bản thân các em có thể thực hiện thi và học, và quân đội vẫn tạo điều kiện - một người/BCH quân sự huyện,Bình Xuyên
“Theo tôi cho rằng môi trường quân đội là một đội ngũ có kỷ luật, các em được đào tạo để có tư chất và ngày càng trưởng thành hơn. Theo quan điểm của tôi thì, có thể là bản thân các em có thể thực hiện thi và học, và quân đội vẫn tạo điều kiện. Ví dụ như tôi là một trong những người học hết cấp ba trong quân đội. Nghĩa là có thể học ở trong quân đội, và thậm chí để phục vụ ngay trong quân đội “

Do chịu tác động ảnh hưởng của xã hội cũng là nguyên nhân khiến nhiều thanh niên trẻ không còn khát khao cống hiến cho tổ quốc, cho lý tưởng cao đẹp; mà thay vào đó là tư tưởng thực dụng, lựa chọn những cái có lợi cho bản thân mình.  Nói về nguyên nhân ông Lê Anh Hùng cho biết

”Xã hội đang ngày càng thực dụng và nó cũng ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của thanh niên. Thay vì khao khát cống hiến cho lý tưởng cao đẹp, thì thanh niên bây giờ có xu hướng cân đo, đong đếm rất cụ thể; đi NVQS bây giờ được gì, mất gì? Cái mất thì đã quá rõ ràng, đấy là 18-24 tháng tuổi trẻ để đổi lấy những ngày tháng gò bó, tù túng trong môi trường quân đội. Còn cái được là lý tưởng cống hiến cho tổ quốc, cho đất nước, thì lý tưởng cao đẹp nào có thể sống nổi trong môi trường xã hội đang bi ô nhiễm trầm trọng như hiện nay. Còn mục đích để rèn luyện tác phong và nhân cách thì cũng rất khó, bởi vì hiện tượng tiêu cực tham nhũng đang xảy ra tràn lan trong quân đội. ”

Giới trẻ mà bị thiếu thông tin vế đất nước

Bình luận về ý kiến cho rằng, hiện nay do thế hệ trẻ bị đặt ra ngoài những lo lắng cho vận mệnh quốc gia, cho công việc chung của đất nước, nên đã khiến thanh niên sẽ ngày càng thiếu trách nhiệm, thậm chí trở nên vô cảm với những vấn đề chung của đất nước. Ông Phạm Chí Tuyến một cựu chiến binh, từ Hà nội cho rằng
Khi mà các anh em thanh niên trẻ mà bị thiếu thông tin về những vấn đề hiện tại đang xảy ra đối với đất nước; thì họ sẽ dành sự quan tâm của họ cho những đề khác, cho các vấn đề khác và họ sẽ ít quan tâm đến vấn đề vận mệnh quốc gia
Ông Phạm Chí Tuyến
“Về cái này tôi nghĩ rằng cũng đúng, khi mà các anh em thanh niên trẻ mà bị thiếu thông tin về những vấn đề hiện tại đang xảy ra đối với đất nước; thì họ sẽ dành sự quan tâm của họ cho những đề khác, cho các vấn đề khác và họ sẽ ít quan tâm đến vấn đề vận mệnh quốc gia. Ví dụ năm 2011, khi nhân dân đi biểu tình chống Trung quốc trong đó có rất nhiều anh em trẻ trong lứa tuổi đôi mươi. Các em đã bị đe dọa, phía nhà trường và An ninh o ép các em ấy. An ninh khi làm việc với các em thì họ cũng nói rằng “Những việc lớn, những việc quốc gia đại sự đã có đảng và nhà nước lo” Như vậy thì làm sao có thể trách các anh em thanh niên trẻ, về vấn đề họ thờ ơ với những chuyện lớn như thế được”

Theo báo chí cho biết, ông Nguyễn Văn Chiến - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh không đồng ý về việc có thể sửa Luật để có thể cho phép đóng tiền để thực hiện “nghĩa vụ thay thế” và không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Theo ông, điều đó trái với Hiến pháp quy định và đây là một nghịch lý. Về vấn đề này, ông Phạm Chí Tuyến cho rằng

“Tôi thấy cái đó tạo ra sự bất bình đẳng, nó tạo ra sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội và về tâm lý thì người ta cảm thấy rằng đối xử phân biệt. Việc dùng tiền để đóng thay cho việc đi NVQS sẽ làm cho người ta trong xã hội càng đề cao vai trò của đồng tiền. Nhất là trong một xã hội kim tiền như Việt nam hiện nay thì nó lại càng khiến người ta củng cố quan điểm có tiền mua tiên cũng được. Và xét về một khía cạnh nào đó thì cái điều dùng tiền để thay cho cái nghĩa vụ ấy nó sẽ gây ra bất ổn xã hội về mặt tâm lý. Con em của các gia đình nghèo không có tiền thì người ta cảm thấy bất công và cái điều đó có thể dẫn đến tâm lý bất mãn trong xã hội.”

Giữa lúc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc đang đứng trước thử thách của hiểm họa bành trướng phương bắc, thì những biểu hiện trốn tránh NVQS của một bộ phận lớn thanh niên là dấu hiệu đáng lo ngại. Chưa có giặc mà thanh niên đã hèn nhát như thế, thì khi có giặc tổ quốc sẽ ra sao?
Anh Vũ, thông tín viên RFA
2013-11-10 
 

Vì sao đạo Dương Văn Mình của người H’Mông bị đàn áp?

Người H'mông ở nhiều tỉnh phía Bắc về Hà Nội để kêu cứu chính quyền trung ương, Hà Nội, 19/10/2013. Ảnh : Facebooker Trần Thị Cảm Thanh.
Người H'mông ở nhiều tỉnh phía Bắc về Hà Nội để kêu cứu chính quyền trung ương, Hà Nội, 19/10/2013. Ảnh : Facebooker Trần Thị Cảm Thanh.
Đầu tháng 10 vừa qua , hàng trăm người H'Mông từ bốn tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên và Tuyên Quang kéo về Hà Nội tố cáo chính quyền địa phương "cấm họ theo đời sống văn minh“. Một số người biểu tình trong đó có những thiếu nữ đã bị tra tấn. Người dân Hà Nội bênh vực đồng bào miền núi cũng bị ngăn cản. Tại sao có chuyện trớ trêu như vậy và vì sao công an Hà Nội lại thẳng tay đàn áp người Hmong, cưỡng bách họ trở về nhà ? Để tìm hiểu nguồn cội vấn đề, RFI đặt câu hỏi với ông Vũ Quốc Dụng, nguyên Tổng thư ký Hiệp Hội Quốc Tế Nhân Quyền ở Frankfurt, Đức.
1)Tại sao người H'mông tiếp tục trở lại Hà Nội để biểu tình, mặc dù bị đánh đập và bắt đưa trở về quê quán?
Chúng ta biết người H’Mông thường tránh đụng chạm với chính quyền. Trong thập niên 80 và 90, khi chính quyền đàn áp dã man đạo Tin Lành thì người H’Mông cũng chỉ đến cầu cứu nhà thờ Tin Lành Hà Nội. Lần này các người dân tộc H’Mông bị đàn áp quá lâu và quá mức nên ra Hà Nội để cầu cứu trung ương. Lý do là các chính quyền địa phương tại 4 tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Cạn đã phá bỏ nhà tang của họ (có nơi gọi là "nhà táng", "nhà đòn"). Khoảng 25 năm nay người H’Mông ở đó đã thay đổi tục lệ chôn cất.
Trước đây họ treo xác chết trong nhà rồi bày tiệc ra ăn uống với người chết trong 7 ngày. Sau đó mới đem xác đi chôn không có hòm ván. Bây giờ họ xây nhà tang chung để đưa quan tài vào đó cho thân nhân đến thăm viếng trong vòng 24 tiếng rồi đem chôn. Họ cho rằng làm như vậy là sạch sẽ và vệ sinh hơn, giống như người miền xuôi đang làm. Thế nhưng chính quyền địa phương lại đem quân đến phá nhà tang của họ, đánh đập, bắt bỏ tù họ và bắt họ trở lại phong tục cũ.
Họ về Hà Nội để đòi phải cho họ lập nhà tang, trả tự do cho những người bị bắt và phục hồi danh dự cho người đã dạy họ theo nếp sống mới là ông Dương Văn Mình. Nhưng sau mấy ngày họ kết luận là trên dưới cùng một giuộc cả, nghĩa là cấp trung ương, cấp tỉnh, huyện và xã đều chủ trương đàn áp giống nhau. Họ quyết tâm ở lại Hà Nội để đòi cho được một tờ giấy bảo đảm việc chấm dứt đàn áp.
Vụ này khá nghiêm trọng. Khoảng 100 người dân tộc H’Mông kéo về Hà Nội vào giữa tháng 10/2013 để biểu tình thì công an đến giải tán. Họ bị bắt và một số bị đánh mang thương tích nặng. Cô Hoàng Thị Vàng bị đánh đến nỗi 10 ngày sau vẫn không đi nổi một mình. Một số bị đưa đi mất tích. Có một số người Hà Nội đến phường Thụy Khuê để đòi lại tài sản của những người H’Mông đã bị công an đánh dã man, thí dụ ông Trương Văn Dũng bị đánh gẫy 3 xương sườn. Sau khi bị bắt đưa về nơi trú quán vào đêm ngày 23/10 vừa rồi thì có tin là người H’Mông đã trở lại Hà Nội.

2) Nỗi bức xúc của họ có liên quan gì đến đạo Dương Văn Mình không? đạo Dương Văn Mình như thế nào?
Theo những thông tin mà tôi tổng hợp được từ các nguồn của chính quyền và của người theo đạo Dương Văn Mình thì đây là một nhánh đạo tin vào Thiên Chúa và Thiên Sứ của người H’Mông ở các tỉnh cực Bắc Việt Nam. Về thực hành, đạo Dương Văn Mình chủ trương thay đổi một số điều mà đạo này cho là hủ tục như ma chay, ép hôn, lễ lạc tốn kém. Chính quyền Việt Nam không công nhận đạo Dương Văn Mình, xem là "tà đạo“ vì không phải Tin Lành mà cũng chẳng là Công giáo. Chính quyền không cho người dân H’Mông chôn cất theo kiểu đạo Dương Văn Mình dạy họ và bắt họ trở về phong tục cũ là phải treo thây ma 7 ngày 7 đêm, phải bón cơm cho xác chết, phải mổ bò mổ trâu ăn uống với xác chết trong 7 ngày rồi vác xác chết đi chôn không quan tài, rồi 13 ngày sau lại phải mổ trâu để cúng tà ma. Ban đầu chính quyền tịch thu đồ đạc để trong nhà tang, đưa quân đến các buổi lễ tang ở đó để giải tán, đánh đập và bắt giữ người tham dự. Sau này chính quyền đem quân đến san thành bình địa các nhà tang được xây dựng trong vùng rừng núi hoặc giữa ruộng nương, đánh đập và bắt giữ những người H’Mông đứng xung quanh để bảo vệ nhà tang. Tôi được xem nhiều video clip cho thấy người dân tỏ ra rất ôn hòa, kiên nhẫn và chỉ chống cự bằng cách xô đẩy khi bị công an và dân quân dùng vũ lực kéo họ đi. Hiện còn ít nhất 3 người trong đạo này đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ là các ông Dương Văn Mình , Thào Quán Mua và Hoàng Văn Sang.

3) Việc đàn áp các người Hmông này có phải là đàn áp tôn giáo không? Với qui mô thế nào?
Thoạt nhìn người ta có thể nghĩ việc can thiệp vào chôn cất là một vấn đề về văn hóa phong tục. Tôi được đọc chỉ thị về việc "vận động đồng bào dân tộc H‘Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới giai đoạn 2013 – 2015“ của tỉnh Yên Bái. Chỉ thị này chỉ trích các tập tục không phù hợp với nếp sống văn minh như không đưa người chết vào quan tài, tổ chức đám tang rườm rà, lộn xộn, tốn kém và kể thành tích là đã khiến người H‘Mông rút ngắn thời gian tổ chức đám tang (từ 6 - 7 ngày xuống còn 3 - 4 ngày), đưa thi hài vào hòm trong vòng 12 tiếng, chôn cất trong vòng 24 tiếng và giảm việc giết mổ nhiều trâu bò. Tôi nghĩ đạo Dương Văn Mình đáng phải được khen vì đã đi đúng và đi nhanh hơn chính sách mong muốn của nhà nước. Thực tế không được như vậy.
Cho nên việc bắt người H’Mông phải trở về các hủ tục trong cái gọi là "cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” hoặc "Quy ước nếp sống văn hóa của người Mông” chỉ là cái cớ và là phương tiện để "ngăn chặn, xóa bỏ“ tôn giáo Dương Văn Mình.
Bằng chứng rõ rệt nhất là chính quyền các cấp bắt người H’Mông phải ký giấy bỏ đạo Dương Văn Mình. Đây là sự xâm phạm đến quyền tự do có tôn giáo là một trong những nhân quyền tuyệt đối mà Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính Trị không cho phép chính quyền được giới hạn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chính quyền Việt Nam đã cho thành lập "Ban chỉ đạo 160“ để điều động bộ đội, công an và các đoàn thể trong MTTQ bắt ép người dân phải bỏ đạo tập thể. Theo một báo cáo của Tỉnh ủy đảng Cộng sản ở tỉnh Cao Bằng vào ngày 8/10/2012, chỉ trong vòng 4 tháng thực hiện chỉ thị của tỉnh ủy thì đã có 17 trong số 32 xóm ở Cao Bằng chịu "ký cam kết không theo Dương Văn Mình“. Ai không ký thì "chính quyền có biện pháp gọi hỏi, răn đe và xử lý nghiêm“. Đó là lý do khiến nhóm Cao Bằng là nhóm đông người nhất trong đoàn biểu tình H’Mông ở Hà Nội.
4) Việt Nam đã nộp đơn ứng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ. Việc đàn áp này có ảnh hưởng gì đến việc ứng cử không?
Muốn làm thành viên của Hội đồng nhân quyền LHQ thì Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ nhân quyền cao nhất. Do đó chính quyền Việt Nam phải thay đổi toàn bộ chính sách đối với các tôn giáo của người H’Mông. Cụ thể Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do có tôn giáo và quyền tự do thực hành tôn giáo của họ bằng cách chấm dứt mọi hình thức bắt giam, truy tố, sách nhiễu, phá nhà táng, và quan trọng hơn hết là chấm dứt chính sách bắt bỏ đạo đối với các tôn giáo họ như Vàng Chứ, Dương Văn Mình, … Rất tiếc tôi hiện chưa thấy Việt Nam có thiện chí này.
Việc đàn áp tôn giáo Dương Văn Mình nằm trong một loạt các vi phạm nhân quyền trầm trọng từ hồi đầu năm ngoái tức là từ khi Việt Nam loan báo ý định muốn ứng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ. Chỉ trong khoảng 18 tháng trong lãnh vực tự do tôn giáo đã có 70 tín đồ của các đạo như Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn, Công giáo, Tin Lành, Phật giáo, Phật giáo Khmer Krom và Phật giáo Hòa Hảo bị xử tổng cộng một án tù chung thân, 532 năm tù và 200 năm quản chế. Đó là những bằng chứng không thể chối cãi về thành tích nhân quyền rất tồi tệ của Việt Nam.
Trong phiên họp của Đại hội đồng LHQ vào ngày 12/11/2013 tới đây ở New York các thành viên của LHQ nên cân nhắc xem họ có nên bỏ phiếu cho một ứng cử viên có nhiều hành động thách thức quốc tế trong thời gian chuẩn bị nộp đơn như vậy không.
Xin cảm ơn ông Vũ Quốc Dụng
(RFI)
 

Một nghịch lý cần tự vấn

QĐND - Cách đây quãng 10 năm, trong cộng đồng người Việt tại Mỹ bất ngờ xuất hiện một “tiếng nói lạc lõng” khi dám đưa những tin tức xác thực về tình hình Việt Nam giữa một cộng đồng còn mang nặng tư tưởng hận thù chính trị và suy nghĩ cực đoan về đất nước. Đến nay thì những tiếng nói tích cực như vậy đã không còn lạc lõng, góp phần tạo ra thay đổi trong cách tư duy của một bộ phận cộng đồng người Việt hải ngoại. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với những người dám nói lên tiếng nói ấy - Chủ nhiệm (CN) tuần báo hải ngoại Vietweekly Lê Vũ và Tổng thư ký tòa soạn (TTKTS) Etcetera Nguyễn.
Chủ nhiệm tuần báo hải ngoại Vietweekly Lê Vũ
Sự lựa chọn "liều lĩnh"!
Phóng viên (PV):  Được biết Vietweekly đang xúc tiến các thủ tục để mở văn phòng đại diện tại Hà Nội. Xin cho biết vì sao Vietweekly lại đi tiên phong trong việc này vì đến nay chưa có tờ báo hải ngoại nào mở văn phòng đại diện tại Việt Nam?
CN Lê Vũ: Lý do chính là chúng tôi muốn phục vụ nhu cầu của độc giả bên đó rất muốn tìm hiểu về tình hình thực tiễn của đất nước đang phát triển, đổi thay từng ngày, từng giờ, nhưng còn thiếu những thông tin khách quan. Chúng tôi cũng thấy rằng, cần thiết phải có sự tiếp cận nhiều hơn nữa giữa cộng đồng hải ngoại và trong nước, mà trước tiên cần phải thông qua báo chí truyền thông.
TTKTS Etcetera Nguyễn: Cách làm của chúng tôi lâu nay là chỉ đơn thuần trích đăng lại các tin tức về Việt Nam trên các báo mạng trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của độc giả. Những hình ảnh, đoạn video và bài viết của tôi sau chuyến trở về Việt Nam tác nghiệp lần đầu tiên vào năm 2006 khi Việt Nam đăng cai Hội nghị APEC và gần đây nhất là chuyến ra Trường Sa tác nghiệp của tôi đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm, theo dõi của cộng đồng người Việt ở Mỹ nói chung cũng như ở Nam Ca-li-pho-ni-a, nơi đặt trụ sở của Vietweekly, nói riêng. Việc này khiến chúng tôi thấy cần phải có cách làm mới, đó là phải về tận nơi, quan sát tận mắt để phản ánh.
PV: Sự lựa chọn con đường đi ngay từ đầu của Vietweekly như vậy liệu có phải là "liều lĩnh" khi đối tượng phục vụ là cộng đồng còn mang tư tưởng bảo thủ, nhất là khoảng thời gian 10 năm trước đây?
CN Lê Vũ: Quả thực, nhìn vào cộng đồng người Việt bên đó, do thừa hưởng di sản nặng nề từ chiến tranh, mang nặng thiên kiến chính trị nên đã có thời kỳ gần như hoàn toàn không cho phép sự tồn tại của những tiếng nói khác biệt, có khuynh hướng tiếp cận thông tin trong nước như chúng tôi. Tôi cho đó là sự xung đột về tư tưởng, nhưng rất tiếc đã không diễn ra ở mức độ trao đổi, tranh luận văn minh mà xảy ra ở mức độ chống đối, biểu tình, triệt phá và gây tổn hại. Vietweekly đã phải chuyển một phần từ báo in sang báo điện tử để tiếp tục tồn tại vì mất nguồn thu từ quảng cáo địa phương do các thế lực cực đoan đe dọa các khách hàng quảng cáo của chúng tôi. Song khó khăn này đối với chúng tôi lại là cơ hội để chứng minh và thuyết phục cộng đồng rằng, con đường lựa chọn của chúng tôi là đúng đắn vì thực tế đang diễn ra cho thấy xu hướng sinh hoạt đa chiều, bao gồm tư tưởng phản biện là điều tốt cho cộng đồng. Tư tưởng bảo thủ chỉ gây thiệt hại cho cộng đồng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ có mối quan hệ ngày càng phát triển về mọi mặt. Nhiều bà con trong cộng đồng đã hiểu được giá trị đó và ủng hộ chúng tôi.
TTKTS Etcetera Nguyễn: Cách đây 10 năm, lựa chọn của Vietweekly quả là liều lĩnh. Nhưng thời gian đã chứng minh lựa chọn của chúng tôi là đúng đắn. Đất nước Việt Nam và cộng đồng bên đó cũng giống như phần gốc cây và ngọn cây cần phải được nối lại. Dù ra đi vì lý do này hay lý do khác nhưng sự liên kết nguồn cội thì không bao giờ đứt được. Nhất là khi đất nước đang đi theo một lộ trình phát triển hợp lý và ngày càng khẳng định được vị thế thì không có lý do gì mà cộng đồng lại tách ra, không trở về và góp phần vào nỗ lực phát triển chung ấy của đất nước.
Tổng thư ký tòa soạn Etcetera Nguyễn
Tiếng nói phản biện-“làn gió mới”
PV: Vậy “làn gió mới” ấy có tạo ra được điều gì khác biệt không?  
CN Lê Vũ: Chúng tôi đã tạo ra được diễn đàn mở để bà con tham gia tranh luận về những vấn đề mà trước đây không hề được đề cập hoặc không dám nói tới. Một trong những đề tài được tranh luận nhiều là có nên mở rộng tư tưởng trong cộng đồng, cụ thể là có nên tiếp cận với thực tế Việt Nam nhiều hơn hay không. Lần đầu tiên họ thấy một tờ báo cởi mở như vậy trong cộng đồng và cảm nhận một không khí thoải mái hơn khi mọi người có thể thẳng thắn trao đổi nhiều vấn đề khác nhau, kể cả những đề tài tối kỵ. Họ cũng ngộ ra rằng, bấy lâu nay đang bị sống trong sự ngột ngạt, bị áp đặt về tư tưởng chính trị.
Chúng tôi nhận thấy rằng, từ khi có tiếng nói của Vietweekly, và sau này là một số cơ quan báo chí hải ngoại có cách tiếp cận trung thực, khách quan về tình hình Việt Nam, đã góp phần làm thay đổi về căn bản cách tư duy của cộng đồng người Việt bên đó. Ngay cả những người cực đoan cũng đã chấp nhận tiếng nói phản biện. Và ngày càng có nhiều người suy nghĩ và có tiếng nói phản biện hơn. Họ thấy được những người có ý kiến phản biện vẫn sống và sinh hoạt trong cộng đồng bình thường mà không gặp sự uy hiếp nào đáng kể. Chính điều này đã giúp một số người thoát khỏi cái vỏ thụ động, sợ hãi để tự tin hơn và bắt đầu nói những tiếng nói ngược lại và có cách nhìn xác thực hơn về tình hình trong nước.
PV: Các ông có lo ngại việc các đoàn thể chính trị cực đoan trong cộng đồng lợi dụng diễn đàn trên Vietweekly để phục vụ các mục đích riêng?
CN Lê Vũ: Chúng tôi chủ trương tạo diễn đàn cho mọi người tham gia, kể cả những người cực đoan hay ôn hòa… Tất nhiên trong đó có việc họ bày tỏ lập trường bảo thủ của mình. Nhưng tôi nghĩ tranh luận là phương pháp báo chí để làm sáng tỏ sự thật. Hiện tại, người dân ở hải ngoại đang sống trong một vòng mù mờ về thông tin do có nhiều nguồn tin mang tính tuyên truyền chính trị nhằm mục tiêu đả kích Việt Nam hơn là phục vụ nhu cầu thông tin trung thực của xã hội. Công cụ diễn đàn sẽ giúp cho mọi người chia sẻ và thấy rõ hơn về một Việt Nam đang phát triển hôm nay.
Vào năm 2007, có một cuộc biểu tình lớn chống Vietweekly của các thành phần cực đoan với lý do chúng tôi phỏng vấn Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết trong dịp ông công du nước Mỹ và viếng thăm quận Cam. Phản ứng trước các hành động chống đối việc làm của Vietweekly, tôi đã thách đấu một cuộc tranh luận trực tiếp phát thanh trên đài với người lãnh đạo cuộc biểu tình là ông Nguyễn Chí Thiện. Sau đó, tôi được biết nhiều người tham gia biểu tình chống đối Vietweekly đã bỏ cuộc vì cuộc tranh luận đã giúp họ hiểu công việc của chúng tôi đang làm là mang tính chất báo chí, cung cấp cho độc giả những thông tin trung thực, khách quan. Những cuộc tranh luận kiểu này trong cộng đồng đã làm cho xu hướng ôn hòa được phát triển hơn và thay thế xu thế cực đoan.
TTKTS Etcetera Nguyễn: Sự thật thì không ai có thể phủ nhận. Tôi đã về Việt Nam tác nghiệp như một phóng viên thường trực của Vietweekly 4 tháng qua. Những hình ảnh về đất nước, con người và xã hội Việt Nam sinh động, tươi mới và phát triển như ngày nay được chuyển tải qua trang báo của chúng tôi sẽ là những bằng chứng sống, tự nó có giá trị bác bỏ những suy nghĩ và hành động chưa đúng, xác thực về Việt Nam.
Với công cuộc Đổi mới ở Việt Nam - kết quả của tự do kinh doanh và hội nhập với thế giới đã làm sự tự do, quyền con người, và tinh thần dân chủ ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Khoảng cách khác biệt về ý thức hệ giữa cộng đồng hải ngoại và Việt Nam vì thế đã dần lu mờ. Tuy nhiên, các hội đoàn chính trị và làng báo hải ngoại đa số vẫn giữ hình thức chủ trương chống Việt Nam một cách cực đoan như cũ. Nhưng hình thức đó không còn mang tính đại diện cho tập thể cộng đồng nữa, vì sự chống đối Việt Nam đã giảm đi rất nhiều. 
Nghịch lý “e dè và cởi mở”
PV: Về Việt Nam tác nghiệp đối với các ông là những trải nghiệm như thế nào?
CN Lê Vũ: Tôi không có cảm nhận rằng, Việt Nam là một đất nước đang có đàn áp tôn giáo và nhân quyền như nhiều nguồn tin từ hải ngoại. Trái lại, tôi thấy ở đất nước có thật nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn, có môi trường tác nghiệp tốt và đa dạng cho báo chí. Tôi có nghe sự than phiền về những nhũng nhiễu hành chính, nhưng theo tôi, đó không phải vấn đề nhân quyền mà là tất yếu khó tránh tại bất kỳ nước nào đang ở giai đoạn phát triển chuyển tiếp cũng vấp phải. Và sự thật là những tiếng nói phản biện trong nước ngày càng được xuất hiện và được lắng nghe hơn bao giờ hết. Tôi cho rằng, Việt Nam đang đi trên một lộ trình đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam. Điều này cần phải được nói ra để mọi người thông hiểu và chia sẻ.
TTKTS Etcetera Nguyễn: 4 tháng qua làm việc tại Việt Nam, tôi có cơ hội tự mình tìm hiểu, khám phá. Có cơ hội tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau từ các giới chức chính quyền đến người dân bình thường cũng như tìm hiểu nhiều vấn đề. Tôi rút ra được kết luận là cần phải quan sát, tìm hiểu cặn kẽ vấn đề, đưa nhiều ý kiến khác nhau để xem sự thật nằm ở đâu. Phần lớn những nhà báo và tổ chức chính trị trong cộng đồng thường quy chiếu dưới góc độ chính trị và quyền lợi. Họ có bao giờ về Việt Nam hay sống ở Việt Nam đâu. Nhân quyền, tự do, dân chủ là vấn đề dễ nói ra nhưng bản chất vấn đề cần phải xem xét và nhìn nhận cho đúng và khách quan.
Chuyến đi tác nghiệp ở Trường Sa năm 2012 thực sự đã để lại cho tôi nhiều xúc cảm. Ở hải ngoại có nhiều luồng thông tin, thậm chí tổ chức các hội thảo để quy chụp Việt Nam bán đất bán biển. Thời điểm đó, tình hình Biển Đông đang khá căng thẳng. Trước những luồng thông tin trái chiều, nhu cầu tìm hiểu sự thực trong cộng đồng là rất lớn. Việc Việt Nam tổ chức chuyến ra Trường Sa cho đoàn kiều bào, bao gồm đoàn nhà báo hải ngoại như chúng tôi cho thấy sự cởi mở và sẵn sàng mời các nhà báo độc lập về Việt Nam để tìm hiểu sự thực về vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhưng tiếc là một số nhà báo hải ngoại đến phút cuối lại từ chối tham gia chuyến ra Trường Sa.
PV: Theo các ông thì đâu là nguyên nhân khiến họ hành động như vậy?   
TTKTS Etcetera Nguyễn: Trước sự thực không thể chối cãi, có lẽ vì họ lo ngại khi trở về sẽ phải đối phó với luồng dư luận đã xác quyết, giống như “bịt mắt” là Việt Nam đã bán đất bán biển. Cuộc triển lãm “Trường Sa trong mắt chúng tôi” mà chúng tôi tổ chức sau chuyến đi Trường Sa quả thực có sức thuyết phục. Những hình ảnh, bằng chứng xác thực về lịch sử, nỗ lực bảo vệ, gìn giữ hải đảo của những người lính Trường Sa… thực sự đã thúc đẩy lòng tự tôn dân tộc, vượt lên cả sự bất đồng chính kiến. Tới triển lãm, nhiều bà con đã bày tỏ thiện cảm trước nỗ lực rất lớn nhằm bảo vệ, gìn giữ chủ quyền biển, đảo của chính quyền Việt Nam.
Sự e dè đó cho thấy một nghịch lý cần phải tự vấn là những người làm báo tự do như họ vẫn tự nhận đang “đấu tranh” cho một mô hình xã hội mở, giờ lại sợ tiếp cận với một xã hội đang được mở ra. Và rõ ràng là xã hội Việt Nam ngày càng có xu hướng “mở” ra, trong khi cộng đồng hải ngoại ngày càng có dấu hiệu “đóng” lại, mặc dù cộng đồng hải ngoại là những người luôn chứng tỏ mình đang hành động cổ vũ cho một xã hội Việt Nam mở. 
PV: Vietweekly có muốn chia sẻ điều gì với một số tờ báo hải ngoại đang rất muốn về Việt Nam tác nghiệp nhưng còn e dè, phân vân vì một số lý do?
TTKTS Etcetera Nguyễn: Tôi muốn nói rằng, không thể chỉ sống giữa một cộng đồng hạn hẹp cả về không gian và tư tưởng để làm công việc tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về hình ảnh quê hương, đất nước. Tôi cũng biết có những đồng nghiệp ở hải ngoại trở về Việt Nam tác nghiệp nhưng không dám công khai vì e ngại các lý do chính trị. Tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm rút ra sau 10 năm tồn tại và phát triển của Vietweekly, đó là nếu đi đúng đường, vì động cơ lành mạnh, trong sáng thì không lo gì không tồn tại. Thậm chí, càng đi càng phát hiện thấy sức mạnh ghê gớm và sức tác động của sự thật đối với xã hội, nhất là đối với một xã hội thu nhỏ như cộng đồng bên đó. Chúng tôi cũng không gặp trở ngại nào khi tác nghiệp tại Việt Nam, thậm chí còn được tạo những điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận các vấn đề như kinh tế, xã hội, tới mọi vùng sâu, vùng xa và biên cương, hải đảo, gặp gỡ nhiều người khác nhau để tác nghiệp một cách tốt nhất.
PV: Xin cảm ơn hai ông!
MỸ HẠNH (thực hiện)
(QĐND)
 

Hoàng Ngọc Diêu - Giả dạng lãnh đạo?

Dân Luận: Hình ảnh trên đây là trang web NguyenTanDung.org, một trong nhiều trang "giả mạo" trang web chính thức của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Những trang web này đã tồn tại khá lâu, nhưng cơ quan chức năng dường như không bận tâm và không chủ động đính chính công khai về tính chính danh của chúng. Chuyện gì xảy ra nếu các trang web này một ngày kia đăng tải những thông tin vu khống hay thiếu trung thực về các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước kia? Ảnh hưởng của những thông tin này tới dư luận ra sao, nếu họ không biết rằng đây là những trang web giả mạo?
Như phân tích của chuyên gia bảo mật Hoàng Ngọc Diêu dưới đây, thì đằng sau các trang web này là cùng một tổ chức, với kinh phí khá lớn cho cơ sở hạ tầng (chưa kể là nhân sự). Họ là ai và mục đích của họ là gì?

Sáng nay rảnh, ngồi táy máy một tí các trang "lãnh đạo" thì thấy khá nhiều điểm lý thú.

1. Tên miền:

Dựa vào trang khởi đầu là nguyentandung.org, lần theo những đường dẫn đến hàng loạt các trang khác như: trandaiquang.net, nguyenthiennhan.net, nguyensinhhung.net, truongtansang.net, nguyenphutrong.net, nguyenbathanh.net. Tất nhiên các tên miền trong "bộ" như. com,. org,. biz,. info,. biz, thậm chí. us cũng có đầy đủ cho hầu hết các tên miền trên (ngoại trừ nguyentandung chỉ có. biz và. info, có lẽ ai đó thuổng mất mất tên miền "đẹp" của đồng chí X trước đó rồi). Tính ra ngót nghét gần 50 cái tên miền (thật sự bao nhiêu thì chưa rõ). Nếu tính theo "giá thị trường" thì cỡ $7 / năm, suy ra "ngân sách" cho tên miền không cũng phải là $7 x 7 x 6 # $294 / năm. Đó là chưa kể có vài tên miền đăng ký sẵn 2, 3 năm. Kinh phí chỉ cho tên miền chừng vài trăm đô la là chuyện nhỏ ;).

2. Thử đào sâu thêm thì thấy:

nguyenphutrong.net
173.212.212.196
184.82.202.136

trandaiquang.net
173.212.212.197
184.82.202.137

nguyentandung.org
173.212.212.198
184.82.202.130

truongtansang.net
173.212.212.200
184.82.202.132

nguyensinhhung.net
173.212.212.201
184.82.202.133

nguyenthiennhan.net
184.82.50.86
64.191.87.66

nguyenbathanh.net
184.82.50.82
64.191.87.117

Nhìn xuyên qua thì thấy:

- Những trang này nhất định do 1 nhóm quản lý vì không có cách gì nhiều nhóm mà có những IP sát nhau như vậy được. Nếu thuê mướn VPS thì chắc chắn không thể có IP liên tiếp sát nhau mà phải là những IP trải rộng ra.

- Những trang ở trên được host trên ít nhất là 4 dedicated servers mỗi server có một chuỗi 5 hoặc 6 IP thuộc mạng 173.212.212., 184.82.202., 184.82.50. và 64.191.87.

- Mỗi site được cân bằng tải bằng 2 IP khác nhau.

Với 4 con dedicated servers thế này, giá bèo lắm mỗi tháng phải $60 / con nhưng thực tế cần phải share ra nhiều site và mỗi site có hàng chục triệu "page view" như thế thì chắc chắn không phải là loại $60 / tháng mà phải là loại $150 - $200 / tháng là tối thiểu. Cứ cho trung bình 1 con là $ 175 / tháng thì:

$175 x 4 x 12 = $8400 / năm.

3. Thử xem "static" contents thì thấy:

cdn9.trandaiquang.net CNAME cdn.trandaiquang.net.
184.82.202.21
64.120.131.24

cdn9.nguyenthiennhan.net CNAME cdn.nguyenthiennhan.net.
184.22.148.22

cdn9.nguyensinhhung.net CNAME cdn.nguyensinhhung.net.
184.82.202.25
64.120.131.19

static9.nguyentandung.org CNAME static.nguyentandung.org.
173.212.204.116
184.82.202.22
184.82.167.100
64.120.131.22
64.120.231.132

cdn9.truongtansang.net CNAME cdn.truongtansang.net.
64.120.131.25
184.82.202.24

cdn9.nguyenphutrong.net CNAME cdn.nguyenphutrong.net.
184.82.202.20
64.120.131.18

cdn9.nguyenbathanh.net CNAME cdn.nguyenbathanh.net.
184.22.148.18

Điều này cho thấy, ngoài các con servers ở trên, hệ thống này có có những con dedicated servers chứa static contents, ít nhất là 5 con ở 5 mạng: 184.22.148., 64.120.131., 184.82.167.100, 64.120.231.132, 173.212.204.116.

Thường các con servers chạy static contents thì không cần cấu hình cao nhưng để phục vụ cho ít nhất 7 sites với hàng chục triệu "page view" cho mỗi site như thế thì mỗi con cũng phải ít lắm là $100 / tháng. Vậy thì:

$100 x 5 x 12 = $6000 / năm.

Tổng cộng 1, 2 và 3: $294 / năm + $8400 / năm + $6000 / năm = $14,694 / năm.

Bọn amateur nào mà lắm tiền thế? Đó là chưa kể thời gian thu thập hình ảnh, viết bài, đăng bài, copy bài, chăm sóc sites v.v... Kinh phí này là bao nhiêu?
______________________

- Điều lý thú là tất cả các sites trên, kể cả những trang chứa static contents tiếp diện với Internet hoàn toàn chạy trên nginx. Các trang chính có vẻ như chạy trên nền wordpress và sử dụng một template tương tự nhau.

- Tất cả các tên miền đều sử dụng chức năng "privacy" để che giấu danh tính của người đăng ký và quản lý tên miền. Tại sao phải che giấu?

- Đặc biệt tên miền nguyenthiennhan.net thì có thông tin whois như sau:

Registrant Contact Details:
PrivacyProtect.org
Domain Admin (contact@privacyprotect.org)
ID#10760, PO Box 16
Note - Visit PrivacyProtect.org to contact the domain owner/operator
Nobby Beach
Queensland,QLD 4218
AU
Tel. +45.36946676

đây là "chữ ký" đặc thù đã được phân tích trên trang hvaonline.net về việc hvaonline bị tấn công từ chối dịch vụ nặng nề trong khoảng giữa năm 2011 (http://www.hvaonline.net/hvaonline/posts/list/39641.hva). Những "masters" chứa khẩu lệnh cho botnet tấn công hvaonline hầu hết sử dụng cùng "chữ ký" trên.

Những dấu tích, biểu hiện của những thông tin trên làm tôi phải nhớ đến các "anh hùng" STL một thời lừng lẫy.

a. Tiền ở đâu ra và nhân lực ở đâu ra mà STL đã duy trì hàng loạt các tên miền, các máy chủ? Và tiền ở đâu ra, nhân lực ở đâu ra mà các vị "lãnh đạo" ở trên duy trì hàng loạt các tên miền, các máy chủ như trên?

b. Tại sao cũng là nginx? Trong quá trình phân tích mã của những "sản phẩm" [mã độc] của Sinh Tử Lệnh (STL) ở trên diễn đàn HVA từ 2010 đến 2011, TẤT CẢ những cơ sở hạ tầng của mà STL dùng đều chạy trên nginx. Có lẽ họ nghĩ rằng nginx bảo mật, khó tấn công.

c. Tại sao cũng là che đậy danh tính người đăng ký và quản lý tên miền?

d. Tại sao cũng là "chữ ký" Nobby Beach, Queensland AU" mà lại có số điện thoại của Đan Mạch?

e. Tại sao cũng là bơm thổi chế độ và những trò "bạch hoá" sặc mùi như nhau?
Hoàng Ngọc Diêu
Theo FB Hoàng Ngọc Diêu 

Ngân sách thu thấp nhất trong vòng nhiều năm

Nguồn vốn cho Ngân sách quốc gia sau 10 tháng đầu năm chỉ đạt kết quả thu nhấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây, theo Bộ Tài chính.
Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách 10 tháng đầu năm của Bộ Tài chính cho biết, tình hình thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn.
Tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 618.290 tỉ đồng, chỉ bằng 75,8% dự toán, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 406.050 tỉ đồng, bằng 74,4% dự toán, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2012; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 115.160 tỉ đồng, bằng 69,2% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Tuy nhiên, riêng việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước qua kênh trái phiếu vẫn là điểm nhấn tích cực, hỗ trợ nhiều cho ngân sách. Kho bạc Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 10, cơ quan này đã phát hành được 162.208 tỉ đồng, bằng 84% kế hoạch được giao (193.000 tỉ đồng) của năm nay.
Dù trái phiếu chính phủ đã giảm bớt độ hấp dẫn nhưng trong tháng 10, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 4 phiên đấu thầu qua Ngân hàng Nhà nước và 4 phiên đấu thầu qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Kết quả phát hành được 17.396 tỉ đồng, bằng 176,2% so với tháng 9-2013 (9.872 tỉ đồng).
Theo Bộ Tài chính, từ nay đến cuối năm tối đa có thể tổ chức được 17 phiên đấu thầu tín phiếu, trái phiếu, tuy nhiên việc huy động vốn sẽ không thuận lợi. Lý do bởi thanh khoản của hệ thống ngân hàng không còn dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng nhẹ. Lãi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp có xu hướng tăng.
Bộ Tài chính cho biết đang tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng cường quản lý thu ngân sách, khai thác tăng thu cho ngân sách nhà nước, tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, tập trung chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ nợ đọng đến cuối năm không quá 5% số thực hiện thu.
(TBKTSG Online)
 

Từ anh lái xe lôi thành “kẻ hủy diệt” 30 cán bộ ngân hàng

Từ một thanh niên chạy xe lôi máy, ông Khuân gặp phải thời vận kinh doanh rồi trở thành đại gia trước khi trốn sang Mỹ bỏ lại khoản nợ trên 1.500 tỷ đồng tại quê nhà và hàng loạt cán bộ ngân hàng trước vành móng ngựa.

Những ngày qua giới kinh doanh thủy sản miền Tây xôn xao khi hàng loạt cán bộ ngân hàng ở Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu và Hậu Giang bị khởi tố và đề nghị truy tố về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong các hoạt động tín dụng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, có gần 30 cán bộ bị điều tra liên quan đến các khoản cho vay tại Công ty cổ phần thực phẩm Phương Nam ở Sóc Trăng và Công ty TNHH An Khang ở Cần Thơ.

Nếu đưa lên cân thì số nợ vay tại An Khang chỉ bằng “một phần tám” so với Phương Nam. Vì vậy, vụ án tại Phương Nam được xem là một trong 10 “đại án” tham nhũng lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Theo nhiều đại gia ở Sóc Trăng, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Phương Nam Lâm Ngọc Khuân trước đây là một thanh niên lái xe lôi tuyến Trà Cuông – Sóc Trăng với gần 30 km. Sau khi rời quê Trà Cuông ở xã Thạnh Qưới, của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) về thành phố Sóc Trăng lập nghiệp, ông Khuân lái xe lôi rồi kinh doanh bột mì, xăng dầu, xe gắn máy trước khi chuyển qua mở công ty thủy sản.

Sáu năm trước, Công ty Phương Nam là một trong những doanh nghiệp thủy sản hàng đầu Việt Nam. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Phương Nam là Mỹ, Nhật, EU, Canada và Trung Đông. Năm 2011 công ty này đạt giá trị xuất khẩu đạt trên 74 triệu USD. Với con số này, thủy sản Phương Nam được xếp thứ 9 trong top 10 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu tiêu biểu năm 2011.
Dinh thự của ông Khuân ở Sóc Trăng đã được chủ nợ Công ty Phương Nam cho thuê mở nhà hàng khách sạn
Dinh thự của ông Khuân ở Sóc Trăng đã được chủ nợ Công ty Phương Nam cho thuê mở nhà hàng khách sạn
Nhưng từ đầu năm 2012, người dân Sóc Trăng bắt đầu thấy ông Khuân ít xuất hiện. Nhiều nhà thầu xây dựng Nhà máy thủy sản KM Phương Nam (công ty con của Phương Nam) tại huyện Kế Sách nhiều lần liên hệ với Chủ tịch HĐQT không được khiến không ít đối tác làm ăn với ông Khuân lo lắng.

Cuối năm 2012, khi Công ty Thủy sản Bình An ở Cần Thơ được tái cơ cấu thành công, ngành thủy sản miền Tây bắt đầu xôn xao về “đại gia” thứ 2 lún vào nợ nần với số tiền lên đến nghìn tỷ.

Bộ Công an cử cán bộ ra vào Sóc Trăng thường xuyên cho thấy thủy sản Phương Nam thật sự đứng bên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, không nhà báo nào tiếp cận được nếu như không có cuộc đối thoại giữa người được ông Khuân ủy quyền điều hành công ty là ông Huỳnh Phúc Quế (33 tuổi) với các nhà thầu xây dựng KM Phương Nam vào ngày 21/9/2012.

Từ đây, hàng loạt con số nợ nần liên quan đến Phương Nam bắt đầu lộ ra. Lúc này, từ Mỹ ông Khuân gửi thư về Việt Nam với lời “xin lỗi” vì bị bệnh mà không về nước được. Vậy là các ngân hàng khẩn trương ngồi lại với nhau để “chia thịt đại gia” nợ trên 1.500 tỷ đồng.

Trong đó có đến 1.462 tỷ đồng là vốn vay ngắn hạn, còn lại là trung hạn và dư nợ cho vay vốn nhận từ các tổ chức, cá nhân khác. So sánh giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp, Công ty Phương Nam đang mất cân đối khoảng 860 tỷ đồng.

Đáng chú ý là có ngân hàng cho vay đến 548 tỷ đồng nhưng giá trị tài sản thế chấp hiện chỉ còn khoảng 50 tỷ đồng, chủ yếu là giá trị quyền sử dụng đất. Ngoài ra, nhà chức trách còn phát hiện trong khoảng 700 tỷ đồng liên quan đến tài sản thế chấp là tài sản hàng tồn kho nhưng lượng hàng trong kho thực tế vào cuối năm 2012 chỉ có vài chục tỷ đồng.

Từ đó, Bộ Công an khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Phương Nam.

Đầu năm 2013, người dân Sóc Trăng càng giật mình hơn khi được bước chân vào dinh thự của ông Khuân xây cạnh công ty Phương Nam. Tại đây, ngoài 8 phòng nghỉ, còn mở dịch vụ karaoke, tiệc cưới, ăn uống do một doanh nghiệp thuê lại của ngân hàng chủ nợ Phương Nam để mở nhà hàng khách sạn.

Hiện nay công ty Phương Nam đã đổi chủ, ông Khuân có khả năng sẽ không thể về Việt Nam vì bị “truy nã đỏ”.

Nhiều cán bộ ngân hàng ở miền Tây vẫn còn đứng ngồi không yên, thay đổi số điện thoại vì cho rằng “xui xẻo” khi vướng vào “đại gia” Lâm Ngọc Khuân.

Hàm Yên
  (Một thế giới) 

Hội đồng Liên Hiệp Quốc không nên có các nước lạm dụng quyền con người

Trong vài tuần gần đây, một nhà hoạt động nhân quyền và ca sĩ nhạc rap người Cuba, Angel Yunier Remon hay còn được gọi là “El Critico”, đã tuyệt thực để chống lại việc anh bị giam giữ và gần mất mạng. Anh là một nghệ sĩ sáng tạo với số lượng người hâm mộ khá đông, đa phần là giới trẻ Cuba nghèo khổ. Anh đã bị lực lượng của Castro dàn dựng bắt giam tại tư gia ngày 26 tháng Ba, 2013 nhằm buộc anh phải im lặng. Nhưng thay vào đó, anh đã kiên quyết và chống lại việc bị bắt giam tùy tiện này.

Gần đây, bạn bè và những người ủng hộ Remon đã tổ chức các chiến dịch trên mạng xã hội nhằm kêu gọi thế giới chú ý đến hoàn cảnh của anh. Nhưng những vụ bắt giam và đàn áp ở Cuba vẫn không ngừng lại. Ủy ban về Nhân quyền và Hòa giải Quốc gia Cuba báo cáo rằng chỉ riêng trong tháng Mười đã có đến 909 vụ bắt giữ liên quan đến chính trị, số cao nhất trong nhiều tháng qua. Nhiều người trong số những người bị bắt giữ có liên quan đến phong trào “Những phụ nữ trắng”, những người vợ và các bà mẹ của các tù nhân chính trị đã bị bắt giữ vào các ngày Chủ nhật khi họ đi bộ đến và về từ Mass.

Trong một biểu hiện đạo đức giả, Cuba đang tìm kiếm một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc gồm 47 nước thành viên. Đại Hội đồng sẽ bỏ phiếu vào ngày 12 tháng Mười một để bầu chọn 14 nước thành viên mới.



Nếu các nước này được vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thì sẽ gửi đi những thông điệp như thế nào đến phần còn lại của thế giới?


Gần đây, Rosa Maria Paya – con gái của người bất đồng chính kiến nổi tiếng người ​​Cuba Oswaldo Paya – người đã qua đời trong một tai nạn xe hơi đáng ngờ hồi năm ngoái, đã kêu gọi các nước thành viên không nên bầu chọn Cuba. Bà cũng lưu ý các nước rằng những mối đe dọa giết người, bắt giữ tùy tiện và bạo lực thường được sử dụng để đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Theo một nghị quyết Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, các ứng cử viên vào Hội đồng Nhân quyền được cho là những quốc gia “duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền”. Nhưng Cuba không đáp ứng được tiêu chí đó. Một số các chế độ khác dựa vào sự tàn ác và bạo lực bởi vì họ thiếu tính hợp pháp chính trị cũng đang ứng cử vào hội đồng này. Phải thừa nhận rằng, hội đồng không phải là lực lượng hiệu quả nhất, nhưng tại sao phải cho phép cho các nước thành viên – những nước cai trị thô bạo và vi phạm nguyên tắc cơ bản về phẩm giá con người, đại diện cho hội đồng?

Có nên cho Trung Quốc, một nước không cho phép các tổ chức chính trị khác thách thức quyền lực và sự độc quyền của Đảng Cộng sản cũng như giam giữ hàng loạt các tù nhân chính trị và là nơi kiểm duyệt Internet lớn nhất thế giới, được ngồi vào hội đồng để phán xét về nhân quyền? Nhiều người không muốn nói ra bởi vì quyền lực kinh tế khổng lồ của Trung Quốc. Điều này thật đáng xấu hổ.

Nga cũng vậy. Nước này cũng muốn có một ghế trong hội đồng. Nhưng trình độ chuyên môn của Nga là gì? Hai phụ nữ trẻ thuộc nhóm nhạc nữ Pussy Riot vẫn còn bị giam cầm vì dàn dựng một cuộc biểu tình tại một nhà thờ; cả chục người bị truy tố vì tham gia vào các cuộc biểu tình ở Quảng trường Bolotnaya; ông trùm dầu mỏ Mikhail Khodorkovsky đang bước vào năm thứ 10 sau song sắt; và một làn sóng thoái lui trong hệ thống pháp luật đang tiếp tục gây sức ép lên phong trào xã hội dân sự.

Tương tự, Việt Nam cũng đang ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Việt Nam trong thời gian qua đã liên tục trấn áp những nhân vật bảo vệ nhân quyền, những người bất đồng chính kiến​, luật sư, nhà báo, các blogger, những người ủng hộ dân chủ, các nhà hoạt động tôn giáo và nhiều người khác.

Ngoài ra, Saudi Arabia cũng muốn một ghế trong hội đồng này mặc dù chính phủ nước này đã thường xuyên ném người vào tù mà không cần thông qua xét xử. Hà khắc hơn, chính quyền Saudi Arabia còn cấm phụ nữ lái xe.

Nếu các nước này được vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thì sẽ gửi đi những thông điệp như thế nào đến phần còn lại của thế giới? Những người như El Critico hoặc những người dũng cảm dám đứng lên chống lại sự đàn áp?

Editorial Board - The Washington Post
Thanh Ngân chuyển ngữ


Nguồn Tạp Chí Phía Trước.

Keep the human rights abusers off U.N. council

Việt Nam: Ba kịch bản Hội đồng nhân quyền

Ngày 12/11/2013, Nhà nước Việt Nam sẽ tràn trề cơ hội được “lên thớt” - như cách nói trào phúng xen giễu cợt của giới sinh viên trong nước trước khi bước vào cuộc khảo nghiệm vấn đáp trên giảng đường.

Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc. Courtesy un.org
“Cái thớt” đó chính là Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc. Trong lịch sử tồn tại của mình, giới cầm quyền ở Việt Nam chưa bao giờ được đặt chân lên bục danh dự của tổ chức danh giá này. Và đây có thể là lần cuối cùng, thuộc về chu kỳ cuối cùng của lịch sử tồn tại, hầu mong nhận được tấm bằng danh dự.

Hồi hộp và âu lo về kết quả thi vấn đáp là tâm trạng không tránh khỏi, đặc biệt ứng với những quốc gia không đủ tự tin vào tâm thế “nói đi đôi với làm”.

Kẻ áp bức không thể làm quan tòa!

Từ những năm 2009 - 2010, cùng thời gian với điểm khởi xướng chiến dịch vận động tham gia vào bữa tiệc đứng Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), tầng lớp “muốn làm bạn với tất cả các nước” cũng bắt đầu quan tâm đến khái niệm “nhân quyền quốc tế” một cách thực chất hơn là thái độ bài bác trong nhiều năm trước đó. Tháng 5/2009 cũng là thời điểm Nhà nước Việt Nam khởi động cho vẻ khiêm nhường đầu tiên bằng vào cuộc “tự phê bình” định kỳ về nhân quyền.

Song hành với phạm trù quyền lực, tham vọng danh xưng là khó có điểm dừng.

Trong nhiều năm trước, Nhà nước Việt Nam đã không có nhiều cơ hội để mơ màng về một vị thế đáng kể trong Hội đồng bảo an hay bất cứ hình thức hội đồng nào đó của Liên hiệp quốc - những cơ may có thể làm tăng giá trị ngoại giao và kéo theo một số vận hội về kinh tế song phương và đa phương quốc tế.

Chỉ sau khi quan hệ cựu thù Việt - Mỹ được chính thức bình thường hóa vào năm 1995, mọi chuyện mới hơi hé mở. Nhưng cũng phải với độ trễ 5 năm, tức đến năm 2000 khi Hiệp định song phương Việt - Mỹ được ký kết, những người đã tham gia ký kết Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị trước đó đến 18 năm mới nhận ra cơ hội có thể “sánh ngang với các cường quốc năm châu” nếu bộ mặt công tác bảo vệ nhân quyền ít ra phải tỏ ra hồng hào hơn.

Nhưng vẫn còn một độ trễ khác chờ đón, bởi người Mỹ không cho không ai cái gì. Phải mất đến 6 năm sau khi thương mại hai chiều Mỹ - Việt được nhân lên 6 lần, cánh cửa phòng Bầu dục mới lần đầu tiên mở ra cho một nguyên thủ quốc gia Việt Nam - ông Nguyễn Minh Triết. Chính cuộc hòa đàm này đã khiến cho hy vọng về một cái ghế trong Hội đồng nhân quyền bắt đầu manh mún trong não trạng một nước nhỏ.

Chính sách “lobby hành lang” cho một chỗ ngồi trong Hội đồng nhân quyền cũng vì thế đã được khởi xướng, thông qua những cuộc ngoại giao con thoi “vừa kiên định vừa mềm mỏng”, cùng chủ trương đối ngoại “vừa đấu tranh vừa tranh thủ”. Hành vi này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi từ năm 2006, Nhà nước Việt Nam được người Mỹ nhấc khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo (CPC), đồng thời nền kinh tế đất nước này lại có cơ hội “nâng lên một tầm cao mới” khi được chấp thuận trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới.

Đáng lý ra, Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc đã trở thành một món trang sức dễ thương cho giới lãnh đạo đầy tham vọng của Việt Nam, nếu không xảy ra quá nhiều rắc rối liên quan đến bắt bớ, xử án và giam cầm chính trị ở đất nước này trong ít nhất 6 năm qua. Bởi ngay sau khi được thỏa mãn những ước muốn về ngoại giao và kinh tế, giới cầm quyền Việt Nam lập tức bị Mỹ, Tây Âu và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích quyết liệt về thái độ bất nhất khi tiến hành “nhập kho” hàng loạt nhân vật lãnh đạo của các tổ chức bất đồng chính kiến. Một số tôn giáo như Công giáo, Tin lành, Phật giáo hòa hảo, Phật giáo Việt Nam thống nhất cũng không thoát khỏi tình cảnh bị chèn ép trở lại.

Đó là lý do vì sao vào cuối năm 2012, cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt - Mỹ bị Hoa Kỳ đột ngột ngưng lại. Không ít thất vọng đã được Washington bày tỏ trước “thành tích nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam”.

Chỉ sau chuyến công du bất ngờ của người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng đến Vatican và Nghị viện châu Âu vào đầu năm 2013, không khí mới bớt căng thẳng. Tháng 4/2013, cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ được nối lại, nhưng chỉ ở cấp phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ.

“Tôi nghĩ rằng điều cực kỳ quan trọng phải nói ra, là chúng tôi xem họ như đối tác, trên lĩnh vực chính trị cũng như kinh tế. Kể cả việc nếu họ muốn, chúng tôi có thể hậu thuẫn họ làm thành viên Hội đồng nhân quyền năm tới. Nhưng trước hết họ phải làm tròn các tiêu chuẩn, có nghĩa là họ phải tôn trọng nhân quyền, mà hiện nay thì họ đàn áp quá dữ dội” - Bernt Posselt, một dân biểu thuộc Đảng Bình dân Châu Âu (EPP), trần tình đầy cảm xúc với báo giới vào tháng 4/2013.

Ông Lê Hoài Trung, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Đại diện thường
trực Việt Nam tại Liên hợp quốc trình thư ủy nhiệm lên Tổng
thư ký Ban Ki-Moon (vietnam +.vn)
Người Mỹ và châu Âu cũng không quên chiếu lại bộ phim có đến nửa trăm nhân vật bị nhà nước Việt Nam tống giam vào năm 2012 vì hành động dại dột dám công khai bày tỏ chính kiến.

Có lẽ đó cũng là một trong những xúc động khó kìm nén được tỏ bày từ những nghị sĩ như Bernt Posselt, khi được giới truyền thông hỏi về thái độ có hay không sự ủng hộ đối với Nhà nước Việt Nam: “Hiển nhiên là không hậu thuẫn ! Chắc chắn là không hậu thuẫn! Điều này có nghĩa là quốc gia vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới về tự do ý kiến, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo sẽ trở thành một trong những quan tòa xét xử những tự do này. Không thể có được chuyện đó. Kẻ áp bức không thể làm quan tòa!”.

“Chiếu cố”

Nhưng kẻ áp bức vẫn có quyền “vận động” quan tòa, như điều thường thấy trong hệ thống tư pháp ở Việt Nam.

Vào những ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, báo chí lề đảng đã một lần nữa gióng lên giai điệu “Việt Nam muốn đóng góp tích cực hơn vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới”, và “Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực vào công việc chung của Hội đồng”.

Nhưng khác với nhịp điệu khá dồn dập trong chiến dịch ứng cử vào TPP, vào lần này tiếng nói báo đảng trở nên đơn độc hơn nhiều. Cho đến nay, vẫn chủ yếu là các tờ Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Đại Đoàn Kết, Sài Gòn Giải Phóng đóng vai trò tiền hô và một ít tờ báo khác hậu ủng. Tuy nhiên, con số này là quá ít ỏi so với gần 1.000 báo in và điện tử có mặt tại Việt Nam, và cũng hoàn toàn chưa xứng đáng với những cố gắng không mệt mỏi của Ban Tuyên giáo trung ương trong chỉ đạo và định hướng tuyên truyền cho một ráng hồng từ cái ghế sắp được ngồi.

Tình thế trên cho thấy nếu xem công luận là một trong những đại diện tiêu biểu nhất để có thể đánh giá khách quan về tương quan chính trị tại Việt Nam, đã chỉ có chưa đầy vài phần trăm ấn phẩm báo chí tỏ ra “trung thành tuyệt đối”, trong khi tuyệt đại đa số báo giới công khai phơi bày thái độ bàng quan chính trị hoặc âm thầm hơn là “bất tuân dân sự”.

Thái độ trên còn có thể hàm ý về tư cách “phi lề đảng” của báo giới nói chung.

Và mối tương quan hoàn toàn bất cân xứng trên cũng là một tham khảo đắt giá cho khả năng và thực chất việc Nhà nước Việt Nam ứng xử với cái ghế của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc.

Trong trường hợp may mắn nhất - được “đặc cách” xét tuyển, tức không kém đồng cảm với yêu cầu “linh động” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tha thiết đề nghị tại New York vào tháng 9/2013 về cơ chế cho Việt Nam tham gia vào TPP - nhà nước Việt Nam sẽ nghiễm nhiên có được một chỗ ngồi trong căn phòng nhân quyền quốc tế mà không đến mức phải cải thiện quá nhiều hành vi đối xử tại quốc nội.

Có vẻ ngẫu nhiên, Việt Nam có đôi chút hy vọng được xếp vào một trong 4 chiếc ghế khuyết của khối Á Châu-Thái Bình Dương.

Chỉ bởi lý do không có quá nhiều ứng cử viên. Hoặc giống như một cuộc bầu bán bỏ túi.

Với 4 ghế của khối châu Á - Thái Bình Dương cần được bầu lại, danh sách ứng cử viên chính thức của khối này gồm có Trung Quốc, Jordani, Maldives, Ả Rập Xê Út và Việt Nam.

Theo một đánh giá của giới quan sát, nếu cho là Jordani và quần đảo Maldives là xứng đáng hơn và sẽ trúng cử, cuối cùng Liên Hiệp Quốc sẽ phải chọn thêm 2 trong 3 nước “bất xứng”. Hoặc “trường hợp xấu nhất” là cả 3 ứng cử viên bất xứng Trung Quốc, Ả Rập Xê Út và Việt Nam đều trúng cử.

“Thế lực thù địch” trong giới quan sát quốc tế còn chêm vào một lối so sánh chết người: “trường hợp xấu nhất” trên là sự chọn lựa giữa bệnh dịch hạch hoặc bệnh dịch tả.

Nhưng nếu “căn bệnh” trên biến thành hiện thực, gần như đoan chắc một vị trí trong TPP cũng nằm trong tầm với của nền kinh tế còn lâu mới được coi là “thị trường” theo nghĩa hoàn chỉnh, nền kinh tế được đại diện bởi các tập đoàn phủ chụp bởi tính từ “xã hội chủ nghĩa” nhưng thân thể lại phì nộn đến mức không thể chấp nhận được đối với dân chúng Việt.

Hiện thực đó có thể xảy đến ngay vào năm tới.

Ứng với giả thiết tốt đẹp này, hoạt động dân chủ và những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam sẽ được hé mở thêm một góc sân, thậm chí một vài phong trào dân sự còn có thể hình thành mà không phải chịu rủi ro theo cách “xã hội dân sự là một thủ đoạn của diễn biến hòa bình” như giới tuyên giáo vẫn quay quắt trước đây.

Nhưng có lẽ tất cả những gì được xem là “cởi mở” sẽ chỉ đóng khung ở góc sân nhỏ bé đó. Bài học từ năm 2006 sau khi Nhà nước Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo vẫn còn nóng hổi. Vì ngay sau năm 2006, hàng loạt nhân vật cách tân đã bị bắt giữ và xét xử. Các tôn giáo cũng chịu chung cảnh ngộ.

“Lưu ban”

Không có quá nhiều ứng cử viên không có nghĩa là Nhà nước Việt Nam không thể không bị loại. Trước đây, các khối khu vực thường đưa ra số lượng ứng cử viên vừa vặn với số ghế khuyết nên quốc gia nào được khối của mình đề cử thì cũng chắc chắn sẽ thắng cử. Nhưng gần đây, các thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã cứng rắn hơn. Nếu thấy một ứng cử viên quá bất xứng, họ nhất định không bầu cho ứng cử viên đó và yêu cầu khối khu vực liên hệ phải đưa ra một ứng cử viên mới.

Ngoài ra theo thể thức bỏ phiếu riêng và kín đối với từng ứng cử viên, muốn trúng cử, mỗi ứng cử viên phải đạt được số phiếu tuyệt đối trên tổng số 192 thành viên của Liên hiệp quốc, nghĩa là phải có ít nhất 97 phiếu thuận.

Dường như để tiền trạm cho tinh thần thuận thảo ấy, ngày 27/8/2013, phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã công bố 14 lời hứa về nhân quyền của Chính phủ Việt Nam trước chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc, trong đó có lời hứa quan trọng nhất: “Thông qua các chính sách và các biện pháp để đảm bảo tốt hơn tất cả các quyền căn bản về kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị theo thông lệ quốc tế đã công nhận”.

Nhưng cũng theo cái nhìn đầy mẫn cảm và còn hơn cả trải nghiệm của giới quan sát phương Tây, ứng với trường hợp Việt Nam, lời hứa là một câu chuyện khá khác biệt với hành động thực tế.

Một lời hứa khác được kín đáo bắn tin vào tháng 4/2013, sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ, khi một quan chức ngoại giao cao cấp của Việt Nam nói với một nghị sĩ châu Âu “Hãy cho chúng tôi thời gian”. Nhưng dù thời gian từ đó đến nay đã đủ lâu, đặc biệt là độ trễ sau cuộc gặp Trương Tấn Sang - Obama tại Washington đã đủ dài, phía Mỹ vẫn chưa phát ra một tín hiệu hài lòng đối với sự chậm trễ phụ thuộc vào nhiều nguyên do trong - ngoài, kể cả không ít đồn đoán về thế chia ba của giới “tam quyền phân lập” tại Việt Nam.

Chuyến làm việc mới nhất của Quyền phó trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Scott Busby ở Hà Nội và Sài Gòn đã dường như chỉ gây thêm ức chế cho những người chủ trương tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do cho xã hội dân sự và chẳng cần phải bắt bớ mới làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Nói cách khác, mọi việc vẫn gần như giẫm chân tại chỗ.

Đó cũng là lý do để cuộc bỏ phiếu kín tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc vào ngày 12/11/2013 cũng có thể sẽ diễn biến theo hướng rất không thuận lợi cho ứng cử viên Việt Nam. Nếu sự đồng lòng của các nước phương Tây và gần gũi với phương Tây được thể hiện cao độ và đủ chín, cánh cửa của Hội đồng nhân quyền chắc chắn sẽ được đóng chặt, cho dù trước đó những người rất tự tin về thành tích nhân quyền đã tưởng như thò lọt một chân vào trong.

Trong trường hợp này, không loại trừ một trong những tật xấu của người Việt sẽ phản ứng tức thời: siết lại hoạt động dân chủ và gia tăng bắt bớ.

Một nhà hoạt động dân chủ trong nước thở dài: “Không ăn được thì đạp đổ! Họ vẫn có thể làm thế cho bõ ghét”.

“Thi lại”

Kịch bản cuối cùng, mang tính dung hòa nhất và cũng có thể làm tất cả các bên hoặc tạm hài lòng, hoặc chưa đến mức tuyệt vọng, là cuộc bỏ phiếu kín ngày 12/11 sẽ chỉ mang tính “sơ khảo”.

Với những lý do có thể tuyên bố cũng như không thể nói ra, một phương án có thể xảy đến là các quốc gia trong Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc sẽ ban bố một thời gian “ân hạn” cho nhà nước Việt Nam về chủ đề nhân quyền, cũng như 5 quốc gia trong khối TPP mới đây đã đề xuất thời gian ân hạn 5 năm cho Việt Nam để cải cách kinh tế quốc doanh, thay vì phải “trả bài” ngay lập tức.

Trong trường hợp phải “thi lại” này, mọi chuyện lại phải có độ lùi không mong muốn. Cái ghế nhân quyền trong căn phòng hội đồng vẫn còn để trống và ai muốn ngồi vào cái ghế đó lại cần có thêm thời gian để chuẩn bị tốt hơn cho vòng “chung khảo”.

Theo cách nhìn của giới quan sát, sự chuẩn bị tốt hơn cũng có nghĩa là thái độ phải được xem là “thành tâm chính trị”.

Cũng theo giới phân tích, năm 2011, những chính khách Miến Điện đã thành thực hơn giới lãnh đạo Việt Nam giờ đây rất nhiều. Và đó là lý do vì sao thể chế Miến Điện đang giữ được quyền lực, tài sản và còn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Ở vào thế quá khó về kinh tế, xã hội và cả về chính trị từ thời điểm 1975 đến nay, giới cầm quyền tại Việt Nam có lẽ không có lối ra nào khác nếu không muốn bị “lưu ban” hoặc “thi lại”.
Lại “chiếu cố”

Tín hiệu mới nhất về phương án “chiếu cố” vừa xuất hiện: ngày 7/11/2013, phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hiệp quốc ra thông cáo báo chí cho biết Việt Nam đã trở thành thành viên mới nhất của Công ước Liên Hiệp Quốc chống Tra tấn và những hình phạt hoặc sự đối xử tàn ác, hạ nhục nhân cách.

Việc nhà nước Việt Nam ký kết công ước trên cũng là một trong những điều kiện nằm lòng về nhân quyền mà người Mỹ đặt ra từ ròng rã nhiều năm qua.

Kịch bản “chiếu cố” cũng vì thế đang dần chiếm ưu thế.

Phạm Chí Dũng
Theo Đài RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét