Theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản, tâm bão ngày 10.11 sẽ rơi vào khoảng
18°00′ (18.0°)N, 107°05′(107.1°) E, tốc độ gió gần tâm bão lên tới
40m/s, tiến thẳng vào vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng tới các tỉnh miền Bắc
Việt Nam. Vùng bão này được dự đoán với xác xuất khoảng 75%.
Cùng nhận định, Trung tâm Không quân và Hải quân Mỹ cũng dự báo bão
Hải Yến sẽ đổ bộ vào Việt Nam lúc 12:000 GMT ngày 10.11 (khoảng 7h sáng
ngày 11.11 theo giờ Hà Nội), ở vĩ độ 18,1 N , 107,4 E. Đáng lưu ý, khi
cơn bão đổ bộ vào đất liền lại vẫn giữ sức gió bền khá lớn khoảng
175km/h (119mph).
Tuy không đánh thẳng vào miền Trung, song theo các chuyên gia cảnh
báo, siêu bão Hải Yến vẫn gây ra mưa lớn ở đây. Hãng tin CNN (Mỹ) dự
đoán, riêng Đà Nẵng sẽ có mưa lớn kéo dài hơn 1 tuần kể từ tối ngày 9.11
đến ngày 18.11.
Trước đó, tâm bão liên tiếp được các hãng truyền thông trong và ngoài
nước dự báo có thể sẽ hướng thẳng vào miền Trung Việt Nam, trực tiếp
nhất là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế.
Hướng di chuyển của cơn bão nhìn từ vệ tinh theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản
Tại Sao Việt Nam … Lại Như Vậy… “Không Giống Ai”
Phải nói là buồn…thật là
buồn, khi nghe nói các quầy ăn Viking ( all you can eat ) ở Thái Lan nơi
có các đoàn du khách Việt Nam thường đến đã phải ghi chú là…sẽ phạt
tiền nếu…“khách lấy quá nhiều mà ăn không hết”, cũng như tại Nhật những
nơi có nhiều cư dân Việt thì các siêu thị phải đặt bảng nhắc nhở là
nếu…“ăn cắp thì sẽ bị cảnh sát bắt”. Những nơi này người ta có thường
gặp các đám người Việt Nam tụ tập ăn nói lôi thôi, nhiều khi tục tắn…rất
khó mà dám đến gần để nhìn nhận là đồng bào.
Phải chăng là có phải vì
mình đã bị quá “ngoại hóa” chăng.. vì đã xa rời đất nước quá lâu rồi
chăng, đến nỗi có cái cảm giác kỳ lạ như vậy. Thật ra, thỉnh thoảng cũng
nghe thấy một số người Việt Nam sống ở nước ngoài, hay cả từ trong nước
ra nước ngoài, cũng cho biết có cái cảm giác kỳ lạ này. Cái cảm giác
không muốn nhìn nhận mình là đồng bào Việt Nam khi nhìn gặp nhau.
Trong khi đó các dân tộc
khác thì dù không quen biết nhau trước cũng thường mừng rỡ bắt chuyện
hỏi han nhau khi gặp nhau ở nước ngoài, hay ít nhất cũng không phải lánh
xa nhau.. Họ sẵn sàng cho biết quốc tịch một cách bình thường và sẵn
sàng bắt chuyện hàn huyên với nhau trông rất tâm đầu ý hợp. Trong khi
đó, ở người Việt Nam thì chuyện này rất khó có được..
Dù sao đi nữa cũng phải nói
là buồn…thật buồn…Có thể là ở mỗi người Việt Nam có những đặc tính quá
cá biệt quá đặc thù đến nỗi phải ngại ngùng để tránh đụng chạm khi bắt
chuyện hỏi han nhau, nhất là ở nước ngoài, một khi chưa được quen biết
nhau trước.
Nhưng một khi có được dịp để
tiếp chuyện nhau thì lại thường có lối xưng hô quá nịnh bợ kiểu cách
nhiều khi đến phải nực cười. Một anh bạn Việt Nam nói cho biết là một bà
Phó Chủ Tịch Nước đến Nhật Bản lại xưng “em” với anh ấy, dù anh này chỉ
là một người bình thường hoàn toàn xa lạ. Như vậy không biết khi gặp
các cao cấp nước khác các viên chức cao cấp của Việt Nam như bà ấy sẽ
xưng hô với họ như thế nào.
Thế nhưng khi đọc báo chí ở
Việt Nam thì thấy có nhiều bài viết chê bai các nước Á Phi khác như nào
là…Myanmar kém ta 30 năm (?) v.v…Và không thiếu gì bài viết tâng bốc
Việt Nam theo kiểu …đại gia này nọ sắm xe khủng hay máy bay riêng, hoa
hậu Việt Nam rực rỡ sáng ngời …hay một cầu thủ Việt Nam xứng đáng danh
xưng …dù chỉ đến Nhật Bản để đá ở một đội hạng nhì và chỉ lâu lâu mới có
dịp đươc vào đá thay thế mà thôi. Vậy mà sao phải “thổi phồng” lên như
vậy.
Ở Việt Nam, vì vậy, người ta
thường cho tán tụng sùng bái những người có quyền có của…nên đã tạo ra
một tình trạng tham quyền tham tiền dù có phải làm những điều gian dối
ác đức “không giống ai” mà không phải lo sợ “lương tâm cắn rứt”(?).
Cũng vậy người ta thường
thấy ở Việt Nam có “hiện tượng tự ca ngợi”… nào là “dân tộc mình anh
hùng” đánh đuổi nước này nước nọ…và luôn tự khen mình “là ngon là
giỏi….với danh tướng này nọ ”. Điều này thường khó thấy ở các nước khác.
Đau buồn hơn nữa là hai nước
Nga và Tàu lại không ca ngợi “Việt Nam anh hùng” cho lắm dù đã là nguồn
cung cấp súng ống bom đạn chính yếu cho cuộc chiến chinh mấy mươi năm
nay.
Rồi từ đó có sự ca ngợi đất
nước Việt Nam là văn minh tiến bộ dưới sự lãnh đạo sáng suốt anh minh
(?) nhưng du khách đến Việt Nam mà đi đứng lớ ngớ là tức khắc bị cướp
giựt, vào các quán ăn uống là có thể bị “tính giá trên trời dưới đất”,
đồ đạt để xuống mà không chú ý coi chừng là hình như nó có chân bò đi
đâu không biết. Ra ngoài đường phố thì xe cộ chạy tứ tung đến nỗi nhiều
du khách đã phải bỏ mạng khi đi qua đường trước tình trạng “tự do dân
chủ” này.
Thật ra Việt Nam không thiếu
gì chuyện tốt để mà phát huy để người ta khen thưởng cho như biết bao
phong cảnh mỹ miều ở ba miền Bắc Trung Nam, tình cách đa dạng của đa văn
hóa do nhiều thành phần dân tộc hiện diện, có vũ khúc, âm nhạc và kịch
nghệ loại cỗ điển truyền thống tự lâu đời, có các món ăn bình dị rẽ tiền
mà ngon miệng, Và có cả các đền thành với kiến trúc của nhiều thời đại
đáng xem. Nhưng những “món này” lại ít được cho tận tình phát huy.
Còn phải nói là Việt Nam
thiếu hẳn một sự niềm nở chào đón du khách như một số các nước khác.
Trái lại du khách khi đến đất nước này thì tinh thần phải luôn luôn đặt
trong tình trạng căng thẳng báo động…sợ cướp giựt, sợ tai nạn v.v….
Nhưng người ta vẫn thấy báo chí ở đây ca ngợi tình hình du lịch Việt Nam
và các viên chức trách nhiệm ban ngành này vẫn hãnh diện với tình trạng
này. Và cũng chẳng ai đoái hoài đến làm gì.
Buồn là như vậy. Đến nỗi ở
các trận đá bóng của cả học sinh, sinh viên đi nữa thì… hầu như là có
đánh nhau không thương tiếc. Hình như cả dân tộc đều bị cái ảnh hưởng
“anh hùng” nên rất thích đánh nhau, nhiều khi đánh ghen xé quần xé áo…ở
ngoài đường phố.
Buồn là việc phụ nữ Việt
Nam, chỉ vì nghèo khó, phải đứng ra phô bày lõa thể để cho những người
nước ngoài đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc xem mà lựa chọn đem về
làm vợ sau khi chỉ phải trả một số tiền nào đó cho gia đình đàng gái.
Chuyện như thời buôn bán nô lệ mấy trăm năm về trước. Người vợ được mua
bằng tiền như vậy thì chắc chắn không thể nào được tôn trọng sau đó.
Không biết đến khi nào thì
người Việt Nam mới có thể ra nước ngoài nói “tôi là người Việt Nam” một
cách hãnh diện như người Nhật Bản khi tự giới thiệu. Có lẽ họ làm được
như vậy vì đất nước họ không có những cái “không giống ai” như ở Việt
Nam.
Dù kỹ cương quy cũ đã có từ
lâu, nhưng nay Nhật Bản vẫn phải đang cho phát động tinh thần
“Omotenashi” (Niềm nở hiếu khách) để sửa soạn cho Thế vận hội Tokyo 2020
sắp đến. Bởi vì họ, tất cả dân tộc, không muốn người nước ngoài chê bai
Nhật Bản
Điều này đang không có ở
Việt Nam. Và cũng không được chú trọng trong các chương trình giáo dục
từ căn bản trong nước. Tại sao vậy? Có lẽ bởi vì Việt Nam chỉ thích
“không giống ai” mà quên đi bài học văn từ thời xưa cũ .
“An-di ơi, ngày nay còn bé
con chưa hiểu thế nào là lòng yêu nước. Rồi một ngày nào đó khi nghe
người nước khác nói nhục mạ đất nước con và làm cho con phải nóng mặt.
Đó là lòng yêu nước…”
Vì vậy, trước hết là Việt
Nam đừng có làm những điều những chuyện làm cho người nước khác phải mở
miệng chê bai. Đó là điều chính yếu vậy.
Tác giả Võ Ngọc Phước
Theo www.erct.com
Sự thật phũ phàng sau thành công của ông Dũng “lò vôi”
Ông Huỳnh Uy Dũng (tức ông Dũng “lò vôi”) phải “dứt áo” ra đi
khỏi tỉnh này để chuyển hộ khẩu về TP.HCM, trở thành một nhà đầu tư
“bất đắc dĩ” tại tỉnh Bình Dương.
Mấy ai ở đời biết được một đại gia có tiếng tăm lừng lẫy trong giới
kinh doanh, là chủ của nhiều Khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2, 3, nhiều
khu dân cư, Khu du lịch Đại Nam và là nhân vật có nhiều đóng góp rất lớn
cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương như ông Huỳnh Uy Dũng
(tức ông Dũng “lò vôi”) lại phải “dứt áo” ra đi khỏi tỉnh này để chuyển
hộ khẩu về TP.HCM, trở thành một nhà đầu tư “bất đắc dĩ” tại tỉnh Bình
Dương. Sự thật phũ phàng sau sự thành công của ông Dũng “lò vôi” đã dần
hé lộ…
“Quả đắng” bị bội tín của ông Dũng “lò vôi”
Ông Dũng “lò vôi” nhớ lại thời điểm đầu năm 2004, tỉnh Bình Dương gặp
nhiều khó khăn với món nợ khổng lồ cả 1.000 tỷ đồng đến hạn phải trả
cho Bộ Tài chính nhưng không đủ khả năng gồng gánh món nợ phải trả này
nên đã vận động ông mua lại khu đất trong Khu liên hợp công nghiệp –
dịch vụ – đô thị Bình Dương (sau đây xin gọi tắt là Khu liên hợp) để một
mặt khi thấy ông vào đầu tư thì thu hút thêm nhiều nhà đầu tư khác cùng
nhảy vào và mặt khác cũng để tỉnh có thêm tiền trả nợ đúng hạn.
“Thật tình lúc đó tôi không muốn làm nữa, cộng thêm vì đã đuối sức do
đang làm Khu du lịch Đại Nam. Muốn mua khu đất mà tỉnh vận động thì tôi
phải vay ngân hàng hơn 400 tỷ đồng, một số tiền rất lớn vào thời điểm
đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần phải giúp tỉnh trong những lúc khó khăn như
thế này nên cuối cùng tôi cũng đồng ý” – ông Dũng “lò vôi” nhớ lại.
Lâu nay, người ta cứ nghĩ ông Dũng “lò vôi” được tỉnh Bình Dương ưu
ái trong mọi hoạt động kinh doanh chứ có ai ngờ đâu ông Dũng “lò vôi”
lại đâm đơn tố cáo ông chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung? Trao
đổi với chúng tôi, ông Dũng “lò vôi” bảo rằng, ông bị một “quả lừa” của
UBND tỉnh Bình Dương trong việc mua lại đất trong Khu liên hợp.
“Hồi đó, trước khi mua khu đất, tôi đã hỏi và tỉnh bảo với tôi đất
này của tỉnh nên tôi mới mua để giúp tỉnh Bình Dương giữ “chữ tín”, có
tiền trả nợ Bộ Tài chính 1.000 tỷ đồng, chứ tôi mà biết sau này tỉnh
giao lại cho Becamex làm chủ đầu tư Khu liên hợp thì một đồng tôi cũng
không mua vì trên đầu một DN chỉ có chính quyền chứ không thể là một DN
khác cùng ngành nghề được. Tuy nhiên, sau khi có tiền trả nợ cho Bộ Tài
chính 1.000 tỷ đồng thì UBND tỉnh Bình Dương đã “bội tín”, quay ngoắt
lại, giao cho Becamex làm chủ đầu tư Khu liên hợp”.
Đó là mốc thời gian khởi đầu cho những “tấn bi kịch trò đời” trong
kinh doanh mà ông Dũng “lò vôi” phải gánh chịu. Ở đời, “được chim quăng
ná, được cá quăng nôm” cũng là lẽ thường tình. Sau khi chủ đầu tư KCN
Sóng Thần 3 là Công ty Cổ phần phát triển KCN Sóng Thần (công ty của ông
Dũng “lò vôi”, sau này đổi tên là Công ty Cổ phần Đại Nam, sau đây xin
gọi tắt là công ty) thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, UBND tỉnh Bình
Dương đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 KCN Sóng Thần 3
thuộc Khu liên hợp.
Theo định hướng của tỉnh cần giảm bớt diện tích KCN chuyển sang phát
triển dịch vụ để đảm bảo cảnh quan cho khu hành chính của tỉnh Bình
Dương (tại thông báo số 11/TB –UBND ngày 17.1.2008 của UBND tỉnh Bình
Dương), chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 đã có văn bản xin UBND tỉnh Bình
Dương chấp thuận cho điều chỉnh, chia tách KCN Sóng Thần 3 thành 2 dự
án: Khu dân cư đô thị Đại Nam và KCN Sóng Thần 3. Và đây cũng chính là
thời điểm mà nhiều nhà đầu tư hiện có mặt trong Khu liên hợp chịu chung
số phận tương tự như ông Dũng “lò vôi”. Tuy nhiên, sau một thời gian chờ
đợi không được phê duyệt, ông Dũng “lò vôi” đã từ bỏ ý định chia tách,
chỉ đề nghị làm đúng như những gì tỉnh đã phê duyệt tại quy hoạch chi
tiết 1/2000.
“Ngâm” quy hoạch chi tiết 1/500
Khu công nghiệp Sóng Thần 3.
Tại thời điểm mà đoàn kiểm tra của tỉnh đến làm việc, có lập biên bản
làm việc vào ngày 25.8.2009, ông Huỳnh Uy Dũng kiến nghị: “Chủ đầu tư
chính thức đề nghị thực hiện theo quy hoạch được duyệt, không đề nghị
chuyển đổi một phần đất KCN thành đất ở, không chuyển đổi mục đích sử
dụng đất”.
Sau khi kiểm tra, Sở Xây dựng đã có báo cáo kết quả (số 2021/BC-SXD
ngày 4/9/2009) cho UBND tỉnh Bình Dương. Theo đó, Đoàn kiểm tra thống
nhất việc thỏa thuận góp vốn của chủ đầu tư là phù hợp với quy định của
pháp luật. Trong văn bản này, Sở Xây dựng nêu rõ như sau: Kiến nghị UBND
tỉnh chỉ đạo Công ty Cổ phần Đại Nam lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ
lệ 1/500 cho khu đất hành chính – dịch vụ – kho bãi và khu ở trong KCN
với diện tích 71,388ha (chủ đầu tư đã đồng ý nội dung này tại buổi làm
việc với Đoàn kiểm tra ngày 26.8.2009).
Xin nhấn mạnh lại là lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho khu đất hành
chính – dịch vụ – kho bãi và khu ở trong KCN với diện tích 71,388ha
(đúng với quy hoạch chi tiết 1/2000 mà tỉnh Bình Dương đã phê duyệt cho
chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3). Sau kiến nghị này, ngày 21.10.2009, ông Lê
Thanh Cung (thời điểm đó là phó chủ tịch thường trực, nay là chủ tịch
UBND tỉnh Bình Dương) đã ban hành văn bản 3184/UBND – KTTH trong đó có
nội dung: “Yêu cầu chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 khẩn trương lập và trình
cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đối với khu
chức năng (hành chính – dịch vụ, kho bãi và khu ở), đến tháng 12.2009
phải hoàn thành để làm cơ sở triển khai thực hiện đúng mục đích”.
Sau chỉ đạo này 1 ngày, chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 đã có văn bản (số
341/CV.ĐN) về việc xin phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 Khu hành chính
– dịch vụ – kho bãi và khu ở trong KCN Sóng Thần 3 (không phải quy
hoạch chi tiết 1/500 cho Khu dân cư Đại Nam như trả lời của tỉnh tại
cuộc họp nói trên) với tổng diện tích 136,6 ha nhưng vẫn đảm bảo đúng
như quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được phê duyệt chứ không hề thay đổi.
Dù chủ đầu tư đã đáp ứng mọi yêu cầu của tỉnh đề ra nhưng kể từ đó đến
nay, quy hoạch chi tiết 1/500 KCN Sóng Thần vẫn chưa được UBND tỉnh Bình
Dương phê duyệt.
Kiểu này, 100 ông Dũng “lò vôi” cũng chết!
Ông Dũng “lò vôi” bức xúc cho biết: “Khu đất có diện tích 61,49ha đã
có chủ quyền trong KCN của chúng tôi được tỉnh Bình Dương công nhận là
đất ở và được phép sử dụng lâu dài nhưng từ khi ông chín Cung (tức ông
Lê Thanh Cung – thời điểm này là phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình
Dương) về làm lãnh đạo tỉnh, ông ta đã ban hành một văn bản cấm chuyển
nhượng dưới bất cứ hình thức nào là trái với luật đất đai 2003 và đồng
nghĩa với việc giết chết một doanh nghiệp”.
Do bị “giam hãm” quy hoạch chi tiết 1/500, gần 50% CBCNV tham gia góp
vốn đã đòi lại tiền. Chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 đã phải trả lại toàn bộ
số tiền góp vốn kể cả lãi suất ngân hàng gần 400 tỷ đồng. Suốt nhiều
năm chờ đợi cái quy hoạch chi tiết 1/500, đến nay vẫn chưa được UBND
tỉnh Bình Dương phê duyệt, với lãi suất ngân hàng cho số tiền vay 400 tỷ
đồng là một con số không nhỏ đối với một doanh nghiệp.
“Nếu không đủ uy tín và tiền bạc thì 100 Công ty cổ phần Đại Nam, kể
cả 100 ông Dũng “lò vôi” cũng chết dưới tay của ông Lê Thanh Cung và
Becamex. Chúng tôi đã làm văn bản kiến nghị nhiều lần nhưng hình như họ
không nghe thấy gì!” – ông Dũng “lò vôi” bức xúc nói.
Vụ việc đã lên cao trào, những vướng mắc, khó khăn, bức xúc đã không
còn là chuyện của cá nhân ông Dũng “lò vôi” nữa mà hàng vạn doanh nghiệp
trong cả nước cũng đang “sống dở chết dở” vì “cái lệ” ở địa phương đè
nặng. Sau khi ông Dũng “lò vôi” gửi đơn tố cáo lên Thủ tướng Chính phủ,
ông Vũ Đức Đam – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay, Thủ
tướng Chính phủ đang xem xét đơn tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng để xử lý
theo quy định của Luật tố cáo. Quan điểm của Chính phủ là sẽ xử lý
nghiêm nếu phát hiện cá nhân nào có sai phạm để đảm bảo môi trường đầu
tư thật sự lành mạnh.
“Cái tát” cho UBND tỉnh Bình Dương
Ngày 23.10, UBND tỉnh Bình Dương đã gửi thư mời ông Dũng “lò vôi” đến
“Họp giải quyết các vấn đề vướng mắc dự án KCN Sóng Thần 3”. Tuy nhiên,
sau khi nhận được giấy mời này, ông Dũng “lò vôi” đã chính thức từ chối
không đến dự.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dũng chia sẻ: “Nếu trước đây nhiều năm,
tôi nhận được một thư mời như thế này thì tôi “trăm trân nghìn trọng”
UBND tỉnh Bình Dương. Còn bây giờ, sau nhiều năm chờ đợi không hồi âm đã
hết kiên nhẫn tới mức tôi phải làm đơn tố cáo gửi đến Thủ tướng Chính
phủ. Có lẽ vì vậy mà UBND tỉnh Bình Dương mời tôi đến gặp để giải quyết
vướng mắc khó khăn. Tôi xin cảm ơn sự quan tâm này. Tuy nhiên, sự quan
tâm của UBND tỉnh Bình Dương đã quá muộn màng.
Chúng tôi chờ đợi mòn mỏi đã nhiều năm nay rồi thì có chờ thêm một
thời gian nữa cũng không sao. Tôi nghĩ rằng, nếu không có đơn tố cáo của
tôi và công luận lên tiếng mấy ngày qua, liệu UBND tỉnh Bình Dương có
“trân trọng” mời chúng tôi đến họp bàn giải quyết các vấn đề vướng mắc,
khó khăn trong triển khai dự án KCN Sóng Thần 3 hay vẫn tiếp tục im lặng
một cách khó hiểu như nhiều năm nay?
Tôi mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ, tháo gỡ “cái
lệ” lâu nay đã đè nặng lên hàng vạn doanh nghiệp, chứ không riêng gì
tôi. Vì thế, nó không còn là chuyện của cá nhân tôi nữa. Đó là lý do tôi
từ chối lời mời họp giải quyết vướng mắc của UBND tỉnh Bình Dương. Việc
từ chối của ông Dũng “lò vôi” được dư luận bình phẩm đó như một “cái
tát” vào UBND tỉnh Bình Dương. Nó phơi bày một sự thật phũ phàng mà ông
Dũng “lò vôi” đã chịu đựng nhiều năm qua, góp phần đưa đẩy ông rời khỏi
tỉnh Bình Dương – mảnh đất mà ông luôn cho rằng đó là một phần máu thịt
của mình.
THEO DÂN VIỆT
Giữ quyền tự do tăng giá xăng dầu tới 7%
Trong chỉ đạo mới nhất xây dựng Nghị định mới về kinh doanh
xăng dầu, doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh giá bán lẻ
theo biên độ hiện hành, được tự quyết tăng tới 7%, không “co” lại mức
5%.
Một lần được tăng tới 7%
Hôm 28/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp
về vấn đề chính sách xăng dầu. Đại diện Bộ Công Thương cho hay, cuộc họp
đã thống nhất, nguyên tắc điều hành giá bán lẻ xăng dầu sẽ vẫn tiếp tục
thực hiện quy định thương nhân đầu mối điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu
trong biên độ như pháp luật hiện hành.
“Điều này có nghĩa, đề xuất co lại biên độ tăng, giảm giá bán lẻ xăng
dầu từ mốc 7, 12% hiện hành xuống các mốc biến động 5% và 8% như trong
dự thảo Nghị định mới do Bộ Công Thương trình đã bị bác bỏ”, vị đại diện
này cho biết.
Nghị định 84 hiện nay quy định, khi các biến động đầu vào làm tăng
giá cơ sở so với giá bán lẻ xăng dầu trong phạm vi 7% thì DN sẽ được
quyền tự quyết định tăng giá tương ứng.
Nếu các biến động đầu vào làm giá cơ sở tăng từ 7% đến 12% so với giá
bán lẻ, các doanh nghiệp sẽ được tăng trong phạm vi 7% cộng với 60% của
khoảng chênh lệch từ 7-12%, 40% mức chênh giá tiếp theo sẽ được bù đắp
từ Quỹ bình ổn giá. Nếu giá thành xăng dầu tăng trên 12%, Nhà nước sẽ
công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá, thông qua các công cụ như
thuế, phí, quỹ bình ổn.
Ngược lại, khi giá thành xăng dầu giảm trong phạm vi 12%, doanh
nghiệp phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Nếu giá thành xăng dầu giảm tiếp
trên 12%, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp điều tiết tài chính.
Có thể thấy, việc giữ nguyên các biên độ điều hành giá bán lẻ như vậy
là nhằm đảm bảo khoảng không gian đủ rộng để giá xăng dầu trong nước
diễn biến theo cơ chế thị trường. Nếu co lại biên độ này, nghĩa là quyền
định giá của doanh nghiệp sẽ co lại theo và mức độ can thiệp của Nhà
nước sẽ sâu hơn, sớm hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia giá kinh tế lo ngại, khi giữ nguyên biên độ
điều chỉnh giá như hiện nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước chắc chắn
sẽ tăng rất mạnh.
Ví dụ, với mức giá 23.880 đồng/lít xăng hiện nay, giả thiết giá cơ sở
chênh lệch lên 7%, doanh nghiệp sẽ được phép chủ động tăng tương ứng
tới 1.671 đồng/lít. Còn nếu áp dụng tỷ lệ 5% như đề xuất trong dự thảo
của Bộ Công Thương, doanh nghiệp chỉ được tăng tối đa 1.194 đồng. Phần
chênh lệch còn lại, Nhà nước sẽ tính toán điều tiết. Khi đó, người tiêu
dùng sẽ được lợi hơn.
Giãn tần suất điều chỉnh giá lên 15 ngày
Cũng tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý thay
đổi tần suất điều chỉnh giá xăng dầu, từ 10 ngày hiện nay tăng lên 15
ngày. Dự trữ lưu thông xăng dầu vẫn tiếp tục áp dụng là 30 ngày, trong
đó, 20 ngày dự trữ theo yêu cầu của Nhà nước để đảm bảo an ninh năng
lượng ,10 ngày là dự trữ lưu thông bắt buộc của thương nhân.
Giãn tần suất điều chỉnh giá đồng nghĩa, người dân sẽ có lợi khi giá
xăng dầu thế giới tăng lên, giá trong nước chưa phải tăng sớm. Tuy
nhiên, khi giá xăng dầu thế giới giảm, người tiêu dùng cũng sẽ chịu
thiệt vì các doanh nghiệp sẽ được ‘neo giá’ tới nửa tháng mới giảm.
Nói cách khác, khi khoảng thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá càng
dài, cơ hội được hưởng mức giá thật sự bám theo thị trường của người dân
cũng sẽ thấp đi nhưng bù lại, người dân được hưởng mức giá ổn định hơn,
ít biến động. Sau cuộc họp này, Bộ Công Thương cũng sẽ phải nghiên cứu
lại cả công thức tính giá cơ sở, chu kỳ tính giá để phù hợp với nguyên
tắc trên.
doanh nghiệp xăng dầu, giá xăng dầu, lọc dầu, tăng giá xăng
Một vấn đề mới đã được các Bộ thảo luận và được Phó Thủ tướng Hoàng
Trung Hải thông qua, đó là hệ thống phân phối lưu thông xăng dầu sẽ có
thêm hình thức nhà phân phối mua đứt bán đoạn của thương nhân đầu mối,
thay vì, các hệ thống phân phối bán lẻ bắt buộc phải theo mô hình chiều
dọc, hưởng chiết khấu.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, với mô hình này, các nhà phân phối
xăng dầu có thể được mua sản phẩm của nhiều thương nhân đấu mối khác
nhau. Quy định này sẽ mở hơn rất nhiều so với chính sách phân phối xăng
dầu hiện nay. Các Tổng đại lý và đại lý chỉ được phép mua xăng dầu của
một doanh nghiệp đầu mối.
Như vậy, thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ hình thành 2 mô hình hệ
thống phân phối khác nhau, qua đó, giúp thị trường bán lẻ xăng dầu cạnh
tranh hơn.
Cùng đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải còn yêu cầu phải có định hướng
quy hoạch thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo nâng cao
năng lực cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh trong hoạt động
kinh doanh xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới chỉ đáp ứng được
30% nhu cầu trong nước, 70% xăng dầu nhâp khẩu từ bên ngoài, do 13 doanh
nghiệp đầu mối thực hiện. Tương lai, khi Việt Nam tự chủ được xăng dầu
thì vấn đề nhập khẩu xăng dầu tiêu dùng sẽ phải tính toán lại.
Việt Nam đã có tới 7 dự án nhà máy lọc dầu, bên cạnh nhưng nhà máy đã
nằm trong chiến lược của ngành dầu khí như Nghi Sơn, Long Sơn, còn có
nhiều dự án của các nhà đầu tư nước ngoài. Tới năm 2020, Việt Nam không
chỉ tự chủ xăng dầu và còn dư thừa sản lượng dầu. Khi đó, chắc chắn, các
doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu hiện nay sẽ phải cạnh tranh gay
gắt để tồn tại. Và chắc chắn sẽ có những tiêu chuẩn cao hơn về số lượng
và năng lực doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
THEO VEF
Quỹ rỗng sao lại đẩy trách nhiệm sang Bộ Công thương?
Tiền về quỹ nhưng rừng vẫn mất?
Làm thế nào để tiền về quỹ là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp.
Tại sao lại đẩy sang Bộ Công thương? – Ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng Cục
trưởng Tổng cục Năng lượng cho hay.
PV: – Tại buổi họp báo Bộ Công thương chiều 4/11, ông cho biết,
Bộ Công thương đang thực hiện chế tài để yêu cầu các chủ đầu tư phải nộp
trả số tiền trồng hoàn gần 20.000ha rừng chuyển đổi làm thủy điện. Thưa
ông, việc đó Bộ đã thực hiện tới đâu rồi?
Ông Lê Tuấn Phong: – Bộ Công thương có làm đâu, phải là chủ đầu tư với địa phương và Bộ NN&PTNT làm chứ.
Việc quy hoạch trồng rừng là việc của Bộ NN&PTNT. Nếu các địa
phương không có quỹ đất thì Bộ NN&PTNT phải có trách nhiệm thu tiền
từ các địa phương đưa vào quỹ để trồng hoàn rừng ở nơi khác.
Bộ Công thương chỉ có trách nhiệm quản lý các dự án và nhắc nhở chủ đầu
tư nộp đủ, nộp đúng số tiền và thực hiện nghiêm chỉnh việc trồng hoàn
rừng với địa phương. Bộ Công thương không liên quan tới Quỹ Bảo vệ và
phát triển rừng.
PV: – Trách nhiệm nhắc nhở các chủ đầu tư nộp đúng, nộp đủ nhưng
tới nay rừng không trồng, tiền không về quỹ, Bộ Công thương sẽ xử lý thế
nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm, thưa ông?
Ông Lê Tuấn Phong: – Đó là do quy chế quản lý giữa tỉnh với địa
phương và Bộ NN&PTNT là chưa chặt chẽ. Về phía chủ đầu tư đã nộp
cũng khá nhiều rồi.
Làm thế nào để tiền về quỹ là việc của Bộ NN&PTNT. Nếu kêu ca
không có tiền về quỹ chứng tỏ Bộ NN&PTNT đã không làm hết chức năng,
nhiệm vụ của mình.
PV: – Vậy, số tiền đã nộp về cho quỹ trồng hoàn rừng là bao nhiêu, thưa ông?
Ông Lê Tuấn Phong: – Tôi khẳng định, trong năm 2012, hầu hết các địa
phương có các dự án thủy điện lớn, đều thu được hàng trăm tỉ đồng từ các
dự án thủy điện. Những địa phương có thủy điện vừa và nhỏ như Sơn La,
các tỉnh miền núi phía Bắc cũng thu được hàng chục tỉ đồng. Số tiền này
đều nộp về quỹ phát triển rừng của địa phương.
Chỉ có một số ít thủy điện nhỏ do gặp khó khăn về tài chính nên họ khất nợ. Tôi khẳng định, không ai có thể trốn được nợ.
PV: – Số tiền hàng trăm tỉ chủ đầu tư đã nộp được thực hiện, chi trả thế nào, thưa ông?
Ông Lê Tuấn Phong: – Toàn bộ số tiền này đã được địa phương chi trả cho người dân để trồng lại rừng, phát triển rừng.
PV: – Vậy tại sao 20.000ha rừng chuyển đổi làm thủy điện mới
trồng hoàn rừng được 1.000ha. Vậy số tiền đó đi đâu? Với những chủ đầu
tư không nộp tiền, Bộ Công thương sẽ xử lý như thế nào?
Ông Lê Tuấn Phong: – Tôi đã nói, hầu hết các chủ đầu tư đều đã nộp
tiền rồi. Hàng mấy trăm tỉ. Không có chuyện các chủ đầu tư không nộp,
chỉ có một số thủy điện nhỏ do họ gặp khó khăn về tài chính. Nhưng hiện
Bộ Công thương đã có chế tài tính vào giá nên chắc chắn là phải nộp.
Việc tại sao 20.000ha rừng chuyển đổi lại chỉ trồng được 1.000ha rừng
là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT. Bộ Công thương không trồng rừng
thay.
Bộ NN&PTNT phải có trách nhiệm quy hoạch điều phối cho doanh
nghiệp họ trồng lại rừng ở đâu. Làm thế nào để tiền về quỹ là trách
nhiệm của Bộ NN. Tại sao lại đẩy sang Bộ Công thương?
PV: – Nhưng, trước đó tại buổi họp báo ông cho rằng đây là số
tiền Bộ NN&PTNT đã có công văn yêu cầu EVN và các doanh nghiệp thủy
điện phải trả 300 tỉ tiền phí môi trường chứ không phải tiền trồng hoàn
gần 20.000ha rừng, thưa ông?
Ông Lê Tuấn Phong: – Đó không phải phí môi trường. Đó là số tiền trồng hoàn rừng các chủ đầu tư đã nộp cho địa phương.
PV: Vậy, cụ thể là những chủ đầu tư, những địa phương nào đã thực
hiện nghĩa vụ nộp số tiền trồng hoàn rừng này, Bộ Công thương có thể
công khai danh sách đó được không?
Ông Lê Tuấn Phong: – Không phải danh sách. Đó là số liệu Bộ Công
thương đã thực hiện điều tra và đã có cả các con số chủ đầu tư nộp cho
địa phương và con số địa phương đã chi trả cho người dân trồng rừng rồi.
PV: – Cụ thể là những địa phương nào và diện tích trồng hoàn rừng ở từng địa phương là bao nhiêu thưa ông?
Ông Lê Tuấn Phong: – Thôi, thôi. Danh sách nó dài lắm. Phía Bộ Công
thương chỉ có trách nhiệm nhắc nhở các chủ đầu tư thực hiện đúng nghĩa
vụ của mình. Còn việc trồng rừng là Bộ NN&PTNT và cái quỹ đó cũng là
do Bộ NN&PTNT quản lý chứ có phải ai đâu.
Phát ngôn bất nhất:
Trước thông tin của Bộ NN&PTNT cho rằng, EVN và các chủ đầu tư
xây dựng thủy điện chưa đóng hàng trăm tỉ phí sử dụng môi trường, cùng
với con số hàng ngàn ha rừng chuyển đổi sang làm thủy điện không được
trồng hoàn lại, nhưng cũng không chịu nộp tiền về quỹ. Trong chuyện này
có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong đó có Bộ Công
thương.
Tại buổi họp báo Bộ Công thương ngày 4/11, ông Đinh Thế Phúc, Phó cục
trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công thương), giải thích EVN đã hoàn
trả hết nợ, các doanh nghiệp khác thuộc quản lý của địa phương.
“Con số nợ đọng 300 tỷ phí sử dụng môi trường rừng của EVN và nhiều
chủ đầu tư xây dựng thủy điện khác đã được hoàn trả cho Quỹ bảo vệ và
phát triển rừng từ đầu năm 2012. Đồng thời EVN cũng cam kết sẽ thực hiện
nghiêm chi phí phát sinh nếu có theo đúng hợp đồng”, ông Phúc cho hay.
Với trách nhiệm của Bộ Công thương, ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng Cục
trưởng Tổng cục Năng lượng khẳng định: “Bộ NN&PTNT đang thực hiện,
Bộ Công thương cùng phối hợp thực hiện những chế tài để buộc các chủ đầu
tư phải hoàn trả số tiền trồng hoàn rừng tương ứng với diện tích rừng
bị chuyển đổi sang làm thủy điện”.
Ông Phong cho biết thêm, hiện đã có hàng trăm tỉ phí môi trường đã
được các chủ đầu tư dự án thủy điện nộp về quỹ phát triển rừng của địa
phương.
THEO ĐẤT VIỆT
Trả món nợ của Vinashin bằng cách nào?
Trước việc tái cơ cấu Vinashin, đổi tên thành Tổng Cty Công
nghiệp tàu thủy (SBIC) và giảm đầu mối từ hơn 240 DN xuống còn 8 DN thì
câu hỏi mà dư luận đang rất quan tâm là liệu SBIC có đảm đương được
chiến lược phát triển ngành công nghiệp tàu thủy VN, hay chỉ là chuyện
“bình mới rượu cũ” và làm thế nào để trả được khoản nợ 86.000 tỉ đồng
của Vinashin?
Vẫn đủ năng lực đóng tàu
Đó là khẳng định của Vụ Quản lý DN – Bộ GTVT khi nói về năng lực của
SBIC. Bởi 8 DN thành viên của TCty đang nắm giữ phần lớn năng lực đóng
và sửa chữa tàu thủy của cả nước. Đây là những DN có truyền thống, đã
được đầu tư kết cấu hạ tầng, dây chuyền công nghệ, thiết bị nâng hạ, gia
công cơ khí và một số công nghiệp phụ trợ tương đối đồng bộ.
Những DN này trong thời gian tới sẽ duy trì ở mức độ phù hợp, có thể
đóng được tàu đến 70.000 tấn và nhiều loại tàu chuyên dùng, sửa chữa
được tàu trọng tải đến 200.000 tấn. Mục tiêu dài hạn, các DN này sẽ đáp
ứng yêu cầu mở rộng, tăng năng suất lao động, đảm bảo phát triển trong
tương lai khi thị trường phục hồi.
Theo Vụ trưởng Vũ Chiến Thắng, khẳng định được vấn đề nêu trên là do
Bộ GTVT dựa trên cơ sở đánh giá lại thực trạng của 8 DN được giữ lại với
các lợi thế như: Mặt bằng, luồng lạch, độ sâu tự nhiên, khả năng sa
bồi; cơ sở hạ tầng; phương tiện, thiết bị, công nghệ; nguồn nhân lực;
năng lực quản lý và tổ chức sản xuất… qua đó lựa chọn phương án sản phẩm
phù hợp với nhu cầu thị trường, có khả năng cạnh tranh.
Thực hiện chuyên môn hóa sản phẩm đối với từng DN, đóng tàu theo
loạt, gia công tổng đoạn và mở rộng hợp tác liên doanh, liên kết với
nước ngoài. Bộ GTVT cũng chỉ đạo một số DN chuyển hướng vào lĩnh vực sửa
chữa tàu, gia công cơ khí, tiếp cận các đối tác tìm kiếm cơ hội liên
doanh, liên kết, gia công các tổng đoạn, … để tận dụng năng lực cơ sở
vật chất kỹ thuật và tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Trả nợ “khủng” bằng cách nào
Trả lời câu hỏi của PV Báo Lao Động về việc SBIC sẽ có trách nhiệm
giải quyết như thế nào khoản nợ của Vinashin (86.000 tỉ đồng), Vụ trưởng
Vụ Quản lý DN – Bộ GTVT cho biết: ”Với kết quả tái cơ cấu tài chính đã
đạt được trong thời gian qua, TCty đang tiếp tục đàm phán, thỏa thuận,
thống nhất với các tổ chức tín dụng, các khách hàng để tái cơ cấu các
khoản nợ nhằm mục tiêu giảm nợ, giảm lãi suất, kéo dài thời gian trả nợ
phù hợp với tình hình tài chính của doanh nghiệp”.
Được biết, tại buổi họp báo công bố phát hành thành công trái
phiếu quốc tế để tái cơ cấu khoản nợ 600 triệu USD hôm 10.10.2013, ông
Nguyễn Ngọc Sự – Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin – đã cho biết:
“600 triệu USD trái phiếu phát hành từ năm 2007 là món nợ nhức
nhối và khó khăn nhất với Vinashin suốt mấy năm qua, vì đây là
nợ nước ngoài”.
Được biết, món nợ nước ngoài và lãi (tổng cộng 626 triệu USD)
đã được hoán đổi lấy trái phiếu do Cty mua bán nợ và tài sản tồn đọng
của doanh nghiệp (DATC) thuộc Bộ Tài chính phát hành, được lưu ký
tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán New York và niêm yết tại sàn
chứng khoán Singapore. Số trái phiếu này có thời hạn trả gốc là 12 năm
với lãi suất 1%/năm.
Cũng tại thời điểm này, lãnh đạo tập đoàn đã khẳng định: “Hết năm
2014 cơ bản sẽ cơ cấu xong nợ của Vinashin” – điều đó cũng có
nghĩa là 86.000 tỉ đồng nợ đã cơ cấu xong”.
Nói rõ thêm về các biện pháp khắc phục số nợ của Vinashin, lãnh đạo
Vụ Quản lý DN cho biết: Sau tái cơ cấu tài chính, các khoản nợ của SBIC
cơ bản sẽ được giảm nợ, xóa lãi, giảm lãi suất.
Một số khoản nợ sẽ được SBIC thực hiện mua lại nợ, số nợ còn lại cơ
bản được kéo dài, gia hạn thời gian trả nợ đến năm 2023 và 2025. Trong
quá trình tái cơ cấu, SBIC sẽ tích lũy để trả nợ từ các nguồn thu từ tái
cơ cấu, sắp xếp lại (bán, chuyển nhượng, chuyển giao, thoái vốn …) 236
DN không nằm trong mô hình của TCty.
SBIC cũng sẽ lấy nguồn thu từ chuyển giao DN sang Tập đoàn Dầu khí
quốc gia Việt Nam và TCty Hàng hải Việt Nam; thu từ kết quả hoạt động
sản xuất kinh doanh của SBIC (khấu hao tài sản, lợi nhuận doanh nghiệp,
bán, thanh lý tài sản, dự án…); thu từ cổ phần hóa 8 DN thuộc TCty. Theo
tính toán của Bộ GTVT thì tổng cộng các nguồn thu cơ bản đáp ứng được
kế hoạch trả nợ của SBIC.
Tuy nhiên, ngoài khoản nợ được
tái cơ cấu thành trái phiếu quốc tế để trả nợ, cho đến nay Vinashin vẫn
chưa công bố đã trả được khoản nợ nào trong khối nợ ”khủng” nêu trên.
Hầu như những gì liên quan đến tài chính của Vinashin cho đến thời điểm
này vẫn chỉ là đảo nợ, xóa nợ, hoãn, dãn… nợ mà thôi.
THEO LAO ĐỘNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét