Nếu bạn
nghĩ rằng từ 'wickie' là từ môn cricket hoặc tên một trang web nổi
tiếng, nhiều khả năng bạn là một trong số rất nhiều người mò vào công sở
để làm việc ngay cả khi bệnh nặng.
Wickie - có nghĩa là đi làm khi đang bệnh - không phải là điều giúp bạn ghi điểm ở văn phòng.
Những
nghiên cứu gần đây cho thấy việc đi làm khi đang bệnh tác động đến hiệu
suất của bạn trong công việc, khiến bạn ít thận trọng và dễ phạm lỗi
hơn. Bạn cũng dễ làm cho các đồng nghiệp khó chịu bởi những cơn ho hay
tiếng xì mũi liên tục.
Nhưng mặt khác, có những người thường xuyên giả bệnh - 'sickie' - và phàn nàn ngay cả khi họ không phải đang bệnh.
Hầu hết
chúng ta đều được chia ra làm hai loại nói trên. Thế nhưng đứng trước
những áp lực quanh ta - khi những đồng nghiệp được tán dương vì đi làm
khi bị bệnh, hoặc những sếp ra tuyên bố thẳng thắn rằng việc nghỉ bệnh
không được hoan nghênh - bên cạnh những lo ngại về công việc cũng như
thu nhập ổn định, việc quyết định khi nào bạn đủ bệnh để nghỉ ở nhà
không phải luôn luôn là điều dễ.
Liệu có cách nào để biết khi nào là lúc hợp lý để nghỉ bệnh?
Vấn đề tâm lý
Vì sao
người ta cảm thấy có trách nhiệm phải đi làm khi đang bệnh? Đó là sự kết
hợp của tính cạnh tranh trên thị trường việc làm, sự căng thẳng và tâm
lý bất an trong công việc, theo Đại học East Anglia.
Bạn nên ở
nhà khi cảm thấy đang bệnh - đó là điều tưởng như dễ hiểu, thế nhưng
sếp của bạn không phải lúc nào cũng có cùng suy nghĩ.
Bên cạnh
đó, việc không có một thước đo khách quan nào giúp chỉ ra khi nào thì
một người bệnh đủ nặng để ở nhà, cũng khiến việc đưa ra quyết định trở
nên khó khăn hơn.
"Tôi nhận
ra rằng những người đam mê công việc thường ít khi nghỉ bệnh, dù bệnh
nặng tới mức nào đi nữa," Gail Kinman, giáo sư về tâm lý sức khoẻ nghề
nghiệp tại Đại học Bedfordshire, Anh quốc, nói.
Chúng ta thường phải noi gương sếp trong vấn đề nghỉ bệnh.
"Nếu
người quản lý của bạn là người thường xuyên đi làm dù bị bệnh, họ có thể
sẽ có cùng kỳ vọng đối với nhân viên và những người dưới cấp có thể
ngại nghỉ bệnh hơn," Kinman nói.
Đây là lý
do những sếp khó tính thường ít thông cảm hơn. Nếu sếp bạn là một người
như vậy, bạn sẽ ít khả năng nghỉ bệnh hơn, ngay cả khi đó là điều cần
thiết.
Tuy
nhiên, dựa trên một nghiên cứu từ Đại học East Anglia, những người bị
nhiều áp lực từ đồng nghiệp hoặc sếp sẽ thường đi làm ngay cả khi bị
bệnh. Các nhân viên thường xuyên bị phân biệt đối xử hoặc quấy rối cũng
ít khi dám xin nghỉ bệnh.
Có thể
bạn đang tự nhủ rằng mình chỉ bệnh nhẹ. Và thế rồi bạn ráng lết mình vào
văn phòng. Thế nhưng trên thực tế nếu cảm thấy hơi bệnh, tốt nhất là
bạn nên ở nhà để nghỉ ngơi trước khi bệnh nặng hơn.
Michael
Tam, thuộc bộ phận nhân sự tại Fairfield Hospital, Sydney, Úc, khuyến
cáo bạn nên nghỉ bệnh khi mới bị cảm, nhất là khi bạn làm việc trong
ngành yêu cầu tiếp xúc nhiều với người khác, ví dụ như chăm sóc y tế.
Ngay cả khi bạn làm việc trong văn phòng, Tam cũng khuyến cáo nên tránh tiếp xúc với người khác để đề phòng lây bệnh.
Vấn đề về lương
Ở nhiều
quốc gia, luật pháp quy định bạn được trả lương khi nghỉ bệnh đối với
các công việc toàn thời gian và một số công việc bán thời gian.
Một số quốc gia khác, ví dụ như Hoa Kỳ và các nước châu Á, người lao động có ít quyền lợi hơn.
Khi thù
lao của bạn phụ thuộc vào việc có mặt ở nơi lao động, nhiều khả năng bạn
sẽ đi làm dù bị bệnh, theo nghiên cứu của Kinman.
Ngay cả ở
nhiều quốc gia phát triển nơi có nhiều bộ luật bảo vệ quyền lợi cho
người lao động, như Singapore, người lao động không được trả lương cho
ngày nghỉ bệnh nếu họ chưa làm được ít nhất là 3 tháng.
"Có nhiều
trường hợp người lao động không được trả lương khi nghỉ bệnh nếu tổ
chức của họ bị thiếu nhân sự hoặc áp dụng chính sách nghỉ bệnh bừa bãi,
hoặc nếu họ làm những công việc như chăm sóc sức khoẻ", Kinman nói.
Đây là
điều khó xử mà nhiều lao động tự do hoặc lao động theo hợp đồng đang
phải đối mặt. Tại Úc, khoảng 24% lao động là theo hợp đồng. Một nghiên
cứu bởi Công đoàn Lao động Tự do tại Hoa Kỳ cho thấy 35% lao động ở nước
này là lao động theo hợp đồng hoặc lao động tự do.
"Nếu bạn không có mặt, bạn sẽ không được trả lương," Sean Newman, một thợ xây dựng ở London, nói.
Trong khi
đó, Nicole, một công chức tại Sydney, Úc, nói khi bị cảm, bà thường cảm
thấy có thể làm nửa ngày ở nhà, nhưng không thể làm cả ngày ở văn
phòng.
Việc sử
dụng phương tiện công cộng để đi làm và phải ngồi họp khi bản thân cảm
thấy không thể đứng vững có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Thế nhưng
quản lý của bà nói với tất cả mọi người rằng 'ai bệnh thì ở nhà và chỉ
vào văn phòng khi cảm thấy khoẻ mạnh', bà nói.
Những quy
định như vậy khiến các nhân viên khó mà giữ vững hiệu suất, bà nói.
"Cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ đen và trắng."
Georgina Kenyon