Vụ tai nạn trong ngành dệt may Bangladesh với 1.127 người chết là một
hồi chuông cảnh tỉnh cho các nước cạnh tranh bằng lao động giá rẻ. Phải
chăng công nghiệp dệt may và da giày Việt Nam có chính sách tốt hơn và
an toàn hơn.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng
hội Xây dựng Việt Nam thì việc một công trình xây dựng lớn bị đổ sập sau
khi đưa vào sử dụng là hiếm thấy. Trong chiều dài ký ức của mình ông
nhớ lại vụ sập một Nhà hát ở Hà Đông gần Hà Nội vào tháng 4/1980.
“Nhà hát trong đợt biểu diễn nhưng Chủ tịch Tôn Đức Thắng mất thì đình
chỉ mấy ngày không có các hoạt động, cũng may trong lúc ấy dàn kèo trên
mái bị gãy sập xuống nhưng may không có ai bị thiệt mạng. Vụ này là lớn
nhất”
TS Phạm Sỹ Liêm nói với chúng tôi là giám sát chất lượng công trình của
Việt Nam theo qui định xây dựng chung, chứ chưa đặt ra những điều kiện
đặc biệt cho các công trình phục vụ đông người. Ông nhấn mạnh:
“Tai nạn xảy ra ở Bangldesh đưa đến cho chúng ta một cảnh giác. Tôi tin
rằng Bộ Xây dựng sẽ rút kinh nghiệm để kiểm tra lại không những về mặt
quản lý mà cả trong thực tiễn xây dựng có những thiếu sót gì. Ở đây có
một chuyện, ở Bangladesh là sập nhưng ở Việt Nam vấn đề cháy mới là nguy
hiểm, nếu những lối thoát hiểm mà quá chật chội không đủ điều kiện cũng
gây hại không kém nhất là những chỗ đông người. Cho nên vấn đề cứu hỏa
của các công trình cần phải được hết sức quan tâm. Vừa rồi là bị sập
nhưng trên thế giới nhiều tòa nhà bị cháy làm chết hàng trăm người cũng
đã xảy ra, không phải ở những nước như Bangladesh mà ngay ở Nga cháy
những hộp đêm mà lại thiếu lối thoát nạn.”
Việt Nam có ngành công nghiệp dệt may da giày thu dụng 2 triệu công nhân
với kim ngạch xuất khẩu 2012 trị giá 17,2 tỷ USD. Trong khi đó
Bangladesh có 3,6 triệu công nhân ngành may, kim ngạch xuất khẩu quần áo
trị giá 20 tỷ USD, xếp thứ nhì thế giới. Tai họa của ngành may mặc
Bangladesh và sự lạm dụng lao động ở nước này đã khiến ngành may mặc
Việt Nam được đánh giá khá tích cực.
Được biết giá gia công trung bình một sản phẩm may mặc ở Việt Nam là 6
USD trong khi ở Bangladesh chỉ khoảng 2,5 USD. Do vậy công nhân may
Bangladesh có mức lương tối thiểu 38 USD/tháng so với mức gần 100
USD/tháng của công nhân may Việt Nam. Trên thực tế, không ít thợ may
công nghiệp lành nghề hưởng lương 5-6 triệu đồng một tháng chưa kể các
phúc lợi khác. Vụ sập tòa nhà 8 tầng với nhiều xưởng may ở gần Dhaka thủ
đô Bangladesh hồi cuối tháng 4 với số công nhân thiệt mạng được xác
nhận hơn 1.100 người, đã làm cho ngành dệt may các nước Á châu trở thành
đối tượng để so sánh. Thông tấn xã Pháp AFP ghi nhận giới chuyên gia
đánh giá Việt Nam là điển hình cho một công nghiệp dệt may lành mạnh, kỷ
luật tốt và mức lương tương xứng. Nhiều thương hiệu lớn như H&M,
Mango và Zara đều có sản phẩm Made in Vietnam.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp Hội Da giày Việt Nam, Phó
Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, các xưởng dệt may Việt Nam được
thiết kế xây dựng chỉ 1 hoặc 2 tầng nên an toàn hơn:
“Chúng tôi cho rằng trước hết về phần xây dựng cơ bản nhưng bên cạnh đó
phần quan trọng nhất là những giải pháp để cho an toàn cho người lao
động đã được thực hiện. Đây không phải cá nhân tôi nói hay người lao
động nói mà là đánh giá của rất nhiều thương hiệu trên thế giới họ đã
đưa ra khi họ đến Việt Nam. Một trong những lý do chọn lựa là vì Việt
Nam là một trong những nước thực thi các chính sách về lao động, chính
sách về an toàn và trách nhiệm xã hội tương đối là cao hơn so với nhiều
nước trong khu vực, đặc biệt như với Bangladesh chẳng hạn.”
Trong dịp nói chuyện với chúng tôi, ông Diệp Thành Kiệt nói rằng nếu
doanh nghiệp dệt may Việt Nam cạnh tranh bằng giá rẻ hơn, thi nhau xuống
giá hoặc làm ăn gian dối không tạo điều kiện cho người lao động thì
cuối cùng cái giá phải trả sẽ rất là lớn.
“Đã đến lúc Việt Nam không thể sử dụng chính sách giá rẻ, lao động giá
rẻ, tất cả những gì giá rẻ để cạnh tranh với các nước, mà Việt Nam phải
cạnh tranh bằng một giải pháp bền vững trong đó điều thứ nhất là phải
chứng minh cho thế giới là mình làm ra những sản phẩm có chất lượng cao,
trong đó hàm lượng chất xám ngày càng cao và người lao động được làm
việc trong những môi trường ngày càng an toàn và ổn định.”
Ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2013 đạt 19 tỷ USD so
với mức 17,2 tỷ của năm 2012. Chỉ tiêu này được đặt ra trước khi có tai
họa cho ngành dệt may Bangladesh và khiến nước này có thể bị mất nhiều
hợp đồng với khách hàng phương tây. Tuy vậy doanh nghiệp không hy vọng
có sự chuyển dịch mạnh vì giá gia công của dệt may Việt Nam đắt gấp 3
lần Bangladesh.
Một hạt lúa cõng bao nhiêu phí?
Ở ngay vựa lúa lớn nhất Việt Nam - đồng bằng sông Cửu Long - mỗi hạt gạo
cõng nhiều món nợ mà người nông dân phải trả: từ phân bón, thuốc bảo vệ
thực vật đến chi phí hạ tầng, thủy lợi, đê điều... Trong khi chờ giấc
mơ “lãi 30%” chưa biết khi nào trở thành hiện thực, nông dân vẫn đang
thiếu vốn sản xuất.
Gánh nặng đi vay
Khi cánh đồng ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Tế, thị xã Châu
Đốc (An Giang) vừa gieo sạ xong, ông Phạm Văn Thiện đến đại lý vốn là
mối ruột mua “thiếu” mấy bao phân và chai thuốc diệt cỏ. Ông Thiện kể vụ
nào cũng thường mua... ghi sổ để đó chờ thu hoạch bán lúa xong mới có
tiền trả. Nhiều vụ trả không hết phải ghi nợ tiếp, hẹn mùa tới trả, cứ
vậy lâu nay.
Chúng tôi thắc mắc sao không vay ngân hàng, ông bảo tuy
có vay nhưng chỉ đủ mua giống, thuê máy làm đất và để gia đình chi tiêu
lặt vặt. “Làm chục công ruộng mà lâu nay nợ cứ chồng nợ, đã bán hết 3
công đất, vừa cầm cố thêm 3 công nữa mà trả vẫn chưa dứt” - ông than
thở.
Bị tính giá cao, kê lãi
Mất nguồn lợi phụ
Xưa kia mùa lũ cũng là lúc nông nhàn, nông dân đánh bắt
cá trên những cánh đồng ngập nước kiếm thêm thu nhập, đời sống tạm ổn.
Ông Lê Công Tánh (Tân Hội, Hồng Ngự, Đồng Tháp) kể hồi trước dù chỉ có
chục công ruộng nhưng nhờ giăng lưới kiếm thêm tôm cá nên gia đình ông
sống thoải mái, nhưng từ khi nơi nơi đều lên đê bao, lũ không còn tràn
đồng, cơ hội mưu sinh này không còn.
|
Trong cuốn sổ đại lý ghi những vật tư mà ông Thiện mua
thiếu từ vụ đông xuân vừa qua, giá chai thuốc diệt cỏ Taco là 140.000
đồng, bao phân đạm Trung Quốc 520.000 đồng, DAP của Philippines 880.000
đồng, phân TE hiệu “Đầu trâu” 860.000 đồng... Nếu so với giá mua kiểu
tiền trao cháo múc ở các đại lý thì giá bán này bị “kê” lên khá cao, vì
giá từng loại theo thứ tự nêu trên chỉ 120.000 đồng, 460.000 đồng,
780.000 đồng và 750.000 đồng.
Xem lại phần ghi nợ bấy lâu nay rồi đối chiếu với giá
bán ở từng thời điểm đều thấy giá phân luôn cao hơn từ 11% trở lên, còn
thuốc bảo vệ thực vật trung bình cao hơn 15%. “Mua thiếu thì đại lý nào
cũng kê lên như vậy hết, nhiều chỗ khác còn cao hơn” - ông Thiện nói.
Thật vậy, đến một số đại lý vật tư chúng tôi thấy nông
dân mua vật tư ghi nợ như ông Thiện khá nhiều, giá mua thiếu thường cao
hơn mua trả tiền ngay gần 15%. Chẳng hạn, ông Lê Văn Thạnh, xã Vĩnh
Châu, thị xã Châu Đốc, mua thiếu tại một đại lý gần nhà chai thuốc Sofit
diệt cỏ 180.000 đồng, Abasuper 175.000 đồng, Arivit (loại 1L) 160.000
đồng, Rocksai & physan 170.000 đồng... Trong khi giá bán lẻ mỗi thứ
đó chỉ 140.000-150.000 đồng.
Xem kỹ từng cuốn sổ ghi nợ chúng tôi phát hiện thêm:
nếu bà con thanh toán tiền ở cuối vụ thì đại lý còn tính thêm lãi suất
3%/tháng. Cũng từ đó chúng tôi được biết trung bình những hộ làm chục
công ruộng, mỗi vụ thường phải trả tiền mua phân, thuốc và lãi từ 20
triệu đồng trở lên. Theo các cán bộ khuyến nông, trong cơ cấu giá thành
hạt lúa ở trường hợp này thì chi phí cho phân và thuốc bảo vệ thực vật
chiếm tỉ trọng cực khủng: 80%!
Ông Ngô Văn Trung, phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Tế, cho
hay toàn xã có chừng 1.200 hộ trồng lúa, trong đó 60% hộ phải mua thiếu
vật tư. Ông Lê Phạm Trường Vũ, trưởng Phòng kinh tế thị xã Châu Đốc,
tiết lộ thêm ở địa bàn nông thôn sâu con số ấy còn cao hơn. Một số đại
lý còn là nơi cho vay khi nông dân cần tiền mặt để chi xài, mua sắm, làm
tiệc giỗ hay trả tiền thuê máy gặt, nhân công... với lãi 3-5%/tháng.
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An
Giang, cho biết chuyện mua thiếu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bị tính
giá cao, kê thêm lãi suất vốn tồn tại lâu nay. “Trừ những hộ có từ chục
hecta đất qua nhiều năm tích lũy được vốn liếng hay những hộ có thêm cơ
sở kinh doanh làm ăn khác, còn lại hầu hết hộ trồng lúa đều mua thiếu ở
các đại lý và phải “gánh” mức giá cao 20-25% so với mua tiền mặt” - ông
Nhị nhận định.
Giới kinh doanh vật tư nông nghiệp cũng khẳng định phần
lớn đại lý đều có bán thiếu giá cao và kê lãi như thế. Mỗi vụ lúa hai
bên thỏa thuận mua sổ ghi nợ trong bốn tháng, khi tới hạn mà trả chưa
dứt thì phần nợ còn lại tiếp tục bị tính lãi 3-4%/tháng. Theo họ, nếu
mua trả tiền ngay thì đại lý đều bán đúng giá gốc, thậm chí còn rẻ hơn
giá bán công ty đưa ra do giữa các đại lý cạnh tranh với nhau không kém
phần khốc liệt.
Tuy nhiên với nông dân mua thiếu ghi nợ thì phải nâng
giá, kê lãi trên cơ sở dựa theo lãi suất ngân hàng 1,5-1,8%/tháng, cộng
thêm các khoản chi phí khác, và phải tính cả tới... yếu tố rủi ro. “Bán
thiếu dễ bị đứt vốn như chơi, bởi rất nhiều hộ trồng lúa thua lỗ không
thể trả nổi cứ nợ kéo dài” - bà Lê Thu Thủy, bán vật tư ở Vĩnh Phú,
Giang Thành (Kiên Giang), giải thích.
Đói vốn triền miên
Theo một số cán bộ khuyến nông, trung bình một vụ lúa
tổng chi phí cho canh tác, thu hoạch trên 1 công ruộng là 2,2-2,5 triệu
đồng, giá trị chuyển nhượng trên thị trường 40-50 triệu đồng, trong khi
ngân hàng cho vay đối với trồng lúa chỉ ngoài 1 triệu đồng/công. Ngân
hàng giải thích mức cho vay đó là “Thực hiện theo quy định của ngành,
đảm bảo sử dụng đúng mục đích và hiệu quả vốn vay” và “Định mức này dựa
trên cơ sở chi phí sản xuất do ngành nông nghiệp đưa ra” - như lời ông
Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Ngân hàng NN&PTNT An Giang, giải thích. |
Theo nhiều cán bộ nông nghiệp, tình trạng này phổ biến
khắp các địa phương ở ĐBSCL. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết những đơn
vị sản xuất cung ứng thuốc bảo vệ thực vật nắm rõ việc mua thiếu nợ vật
tư nên đã tận dụng để... quảng cáo bằng cách in sổ ghi chép tặng các
đại lý ghi nợ. Ngoài bìa những cuốn sổ ấy thường gắn tên, logo, sản phẩm
của doanh nghiệp với nhiều màu sắc, nhưng nông dân chỉ có một tên gọi:
sổ đen.
“Sổ đỏ là giấy đất. Còn gọi nó là sổ đen bởi đại lý kê
lãi suất cao như tín dụng đen, nhiều hộ ngập trong nợ nần phải cầm bán
đất rồi thân phận trở nên... đen đủi” - ông Lê Văn Chẩm, người đang làm
13 công ruộng, mỗi vụ thường mua thiếu nợ vật tư 25 triệu đồng, ở xã Tân
Công Chí, Tân Hồng (Đồng Tháp), giải thích.
Ông Nguyễn Văn Vằn, chủ tịch UBND xã Tân Công Chí, cho
biết người trồng lúa đều được vay ngân hàng và ở xã này nhiều hộ nhờ
canh tác diện tích lớn nên có tích lũy vốn, tuy nhiên vẫn còn 50-60% hộ
vẫn phải mua thiếu nợ vật tư giá cao, bị tính lãi như thế. “Do chi phí
trồng lúa tăng, khoản vay ngân hàng không đủ để sản xuất” - ông Vằn giải
thích.
Theo ông Nguyễn Chí Linh - trưởng Phòng NN&PTNT
huyện Tân Hồng, nếu canh tác dưới 20 công ruộng thì lợi nhuận không đủ
đắp đổi, trong khi mọi khoản chi tiêu và chi phí sản xuất ngày càng
tăng, phần lớn hộ trồng lúa vơi dần vốn liếng, lúc nào cũng rất “đói”
tiền mặt. Thực tế lâu nay bà con vay ngân hàng chủ yếu để tiêu dùng theo
kiểu... ăn trước trả sau, xong vụ bán lúa trả rồi vay để tiêu dùng
tiếp, còn vật tư sản xuất thì mua sổ ghi nợ ở các đại lý.
“Tại vùng sâu, các đại lý bán thiếu nợ vật tư giá cao
rồi kê thêm lãi từ 5%, do thiếu vốn sản xuất nên nông dân đành cam chịu”
- ông Linh nói. Ông Vương Minh Mẫn, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kiên
Lương (Kiên Giang), cho hay hộ trồng lúa ở đây thường phải mua thiếu nợ
vật tư bởi thiếu vốn lưu động, có đi vay ngân hàng thì mỗi công đất chỉ
được vay ngoài 1 triệu đồng/công, đủ thuê máy làm đất, mua giống.
Ông Phạm Thành Tâm, phó Phòng NN&PTNT huyện An Phú
(An Giang), kể thêm trước kia do khó vay ngân hàng nên nông dân phải nhờ
đại lý bán thiếu vật tư cho mình, rồi dần dà từ thân chủ gắn bó chuyển
sang lệ thuộc. Việc vay vốn ngân hàng gần đây có phần “dễ thở” hơn trước
do có thêm các ngân hàng thương mại nhưng thủ tục vẫn rườm rà, chuyện
phải chạy vạy, thậm chí biết điều với nhân viên tín dụng... ở đâu cũng
vậy.
Định mức vay cũng rất thấp, không đủ cho sản xuất nên
hầu hết nông dân vẫn tiếp tục “nương” vào đại lý. Vòng luẩn quẩn ký sổ
nợ - kê giá bán cao vô tội vạ - nợ kéo dài - kê lãi càng cao... cứ thế
lặp đi lặp lại. “Không thể dứt ra được” - ông Tâm nói.
|
Sổ nợ của một nông dân. Làm 15 công ruộng mà ở vụ hè
thu vừa qua tổng số tiền phải trả cho đại lý gần 25 triệu đồng - Ảnh:
Đức Vịnh |
Trồng lúa chi phí cao nên lợi nhuận không đủ đắp đổi, vậy mà nông dân
vẫn phải gánh nhiều khoản phí, khoản huy động xây dựng cơ sở hạ tầng
nông thôn...
Gần đây, để tăng thêm sản lượng lúa, các địa phương đã mở rộng diện tích
trồng lúa vụ ba, buộc nông dân đóng góp xây dựng đê bao, làm cống bửng.
Thế rồi hệ thống đê bao khép kín để tăng vụ ấy càng làm tăng thêm chi
phí trong canh tác, thu hoạch. Gánh nặng cứ thêm chất chồng.
Trồng lúa khó có lời
Vụ lúa đông xuân vừa được thu hoạch xong trên cánh đồng xã Ô Long Vĩ,
huyện Châu Phú (An Giang) mà đã nghe nông dân than vãn “khó tiêu thụ”.
Đây là vụ lúa trồng giống hạt dài theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp
nhưng năng suất chỉ đạt 6 tấn/ha. Đã vậy, do đê bao khép kín, ghe không
thể vào đồng mua lúa nên phải thuê xe chở lúa ra, rồi lại thuê ghe nhỏ
chở tiếp ra tận đầu kênh mới bán được cho bạn hàng mà giá chỉ
4.300-4.400 đồng/kg. “Lỗ nặng” - ông Nguyễn Văn Sách kêu.
Ông Sách cùng một số nông dân ngồi trên bờ ruộng tính hết các khoản chi
phí trồng lúa cho mỗi công đất, tổng cộng hết 2,56 triệu đồng. “Vụ thu
đông trước cũng ở mức đó. Đồng này vốn màu mỡ, đất mới chuyển qua làm ba
vụ. Tụi tui được tập huấn, tuân thủ đúng kỹ thuật trồng lúa, hạn chế
xài phân thuốc và mua vật tư tiền mặt không bị tính giá cắt cổ mà chi
phí làm ra hạt lúa đã cao như vậy rồi. Với giá bán dưới 5.000 đồng/kg
khó thể có lời” - nhóm nông dân này nói.
Giá thành hạt lúa theo cách tính của các nông dân ở xã Ô Long Vĩ gần
bằng mức giá thành sản xuất vụ đông xuân mà một số tỉnh ĐBSCL vừa tạm
công bố. Theo nhiều cán bộ nông nghiệp, trong cơ cấu giá thành đó, chi
phí mua vật tư chiếm tỉ trọng khá cao.
GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết để đảm bảo an ninh lương thực và cung ứng
cho xuất khẩu nên khâu chọn giống và phát triển trồng lúa ở ĐBSCL tập
trung theo hướng tăng năng suất, sản lượng. Một khi trồng giống lúa cao
sản và tăng vụ ắt phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
“Làm ra nhiều lúa gạo thật nhưng chủ yếu nhờ sử dụng nhiều vật tư. Nói
nôm na, giống như biến chúng thành lúa gạo để xuất khẩu. Chi phí vật tư
khá lớn mà giá lúa gạo không cao khiến lợi nhuận của nông dân mình thấp,
gặp lúc mất giá thì lỗ” - ông phân tích.
GS.TS Bùi Chí Bửu - viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền
Nam - cũng cho rằng lợi nhuận trồng lúa thấp bởi giá các loại vật tư chi
phí đầu vào sản xuất quá cao, khâu tổ chức tiêu thụ, chế biến, xuất
khẩu gạo lại chưa đảm bảo phân chia lợi nhuận hài hòa cho nông dân, giá
trị gạo xuất khẩu vẫn thấp.
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, kể ông “thấu rõ
hơn hết tình cảnh nông dân”, bởi sau khi về hưu ông cũng làm 20 công
ruộng. “Ai bảo trồng lúa có lãi chứ tôi thấy khó, nếu có cũng chẳng bao
nhiêu, gặp những lúc rớt giá thì lỗ nặng” - ông Nhị khẳng định.
Phí chồng thêm phí
Nhưng không chỉ có phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mới “đè” lên hạt lúa.
Còn những khoản phí, khoản huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng
nông thôn mà tiếng là được “vận động”, thật ra gần như bắt buộc.
Tại An Giang, giai đoạn 2000-2004 huyện Thoại Sơn thực hiện hai đề án
xây dựng đê bao thủy lợi và bêtông hóa giao thông nông thôn với tổng
kinh phí 143 tỉ đồng, trong đó dân đóng góp 60%. Giai đoạn 2005-2009
huyện thực hiện thêm đề án xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động từ dân gần
60 tỉ đồng.
Ngoài ra, mỗi hộ phải nộp thêm phí an ninh trật tự, xây dựng hệ thống
đèn đường, phí tiền điện chiếu sáng, rồi là các quỹ đền ơn đáp nghĩa, xã
hội từ thiện, khuyến học, xây dựng ký túc xá sinh viên... Mấy năm gần
đây các khoản đó đã bỏ, nhưng địa phương vẫn tiếp tục vận động làm cầu
đường nông thôn, đê bao để trồng lúa vụ ba...
Nhiều địa phương khác cũng có đề án tương tự, cứ xong đề án này lại làm
tiếp đề án khác. Từ những đề án đó, đối chiếu với các biên lai thu tiền
mà người dân còn lưu giữ, chúng tôi thấy mỗi hộ có đất nằm dọc tuyến
đường nông thôn thì thường tổng các khoản phải nộp hàng triệu đồng mỗi
năm.
Nếu có đất canh tác trong khu vực lên đê bao trồng lúa ba vụ thì trung
bình mỗi công ruộng phải đóng gần cả triệu đồng, chưa kể hằng năm còn
nộp thêm khoản gia cố đê, tưới tiêu, nạo vét kênh mương, sử dụng đường
nước... Nhiều nông dân ở Đồng Tháp, Kiên Giang sau khi cộng lại các
khoản thu từ xấp biên lai thu tiền thì nói: “Nếu tính hết thì nay mỗi
công đất ruộng “gánh” các khoản phí và đóng góp trên 20 triệu đồng”.
Để thu bằng được các khoản ấy, chính quyền nhiều địa phương gây áp lực
đủ cách. Cách thường thấy là khi dân đến UBND xã phường làm bất kỳ loại
giấy tờ gì, cán bộ đều rà soát, bắt họ nộp đầy đủ các khoản rồi mới chịu
xác nhận. Phường Tân Hưng, Thốt Nốt (Cần Thơ) đang mở rộng đường với
kinh phí gần 3 tỉ đồng, trong đó huy động từ dân 60% theo hình thức mỗi
hộ có đất dọc hai bên đường phải đóng 135.000 đồng cho mỗi mét chiều
dài.
Nhiều gia đình phải đóng bạc triệu, ai chưa nộp thì khó xin được con
dấu, chữ ký của phường khi cần. Khi chúng tôi nêu chuyện này, ông Võ
Khắc Huy, phó chủ tịch UBND phường, thừa nhận nếu không làm vậy thì
không thể nào... huy động được?!
Cánh thương lái mua lúa cho hay ở nhiều nơi, cứ mỗi kỳ thu hoạch lúa xã
lại cho lực lượng xuống tận ruộng đòi các khoản đóng góp, gây áp lực
buộc dân phải nộp bằng cách chặn ghe không cho vào đồng mua lúa. Ông
Phạm Văn Dư, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú (An Giang), có 13 công ruộng,
vợ chồng ông làm thêm đủ nghề mà vẫn không lo nổi con cái ăn học, hai
đứa đầu đành nghỉ học sớm.
Ông Dư kể cứ mỗi đợt địa phương kêu xáng múc đất dưới kênh đổ lên làm
đường thì gia đình ông lại phải trả tiền. “Làm bốn đợt như vậy, tổng
cộng đóng hết 15 chỉ vàng, phải đi hỏi đi vay. Sau đó vay thêm ngân hàng
5 triệu đồng, ba năm sau mới trả xong nợ” - ông Dư thở dài.
Gần đây, ngoài một số loại quỹ, xã lại kêu đóng góp chục triệu đồng làm
đê bao sản xuất vụ ba, nhưng giờ dù bị đòi liên tục gia đình ông cũng
không thể nào xoay xở nổi.
“Mỗi vụ lúa tui mua thiếu khoảng 20 triệu đồng vật tư nên bị đại lý tính
giá cao, rồi kê lãi thêm 3%. Muốn vay vốn ngân hàng để mua tiền mặt cho
đỡ bị “cắt cổ” nhưng khổ nỗi để xã chịu ký xác nhận vào hồ sơ thì phải
nộp đủ tiền đê bao, hoặc khi phát vay xã sẽ liên hệ với ngân hàng chặn
lấy để trừ các khoản đóng góp. Bị chặn thu như vậy thì tới hạn lấy gì
trả nợ cho ngân hàng đây? Nên tui cần vốn lắm mà chẳng dám vay” - ông Dư
kêu khổ.
Không ít nơi người dân cũng gặp tình cảnh tương tự. Ông Phạm Thành Tâm,
phó Phòng NN&PTNT huyện An Phú (An Giang), cho rằng đây là một lý do
nữa thêm vào chuyện nông dân cam chịu mua thiếu nợ vật tư ở đại lý với
giá “cắt cổ”, bởi khi còn nợ những khoản đóng góp thì không thể vay vốn
ngân hàng.
Chi phí (tạm tính) cho mỗi công ruộng ở xã ô long vĩ, châu Phú, An Giang:
- Giống, ủ hạt giống và thuê máy xới, bừa đất tốn 500.000 đồng.
- Sau khi gieo sạ một tuần phải phun thuốc diệt cỏ, bơm
nước vô ruộng, bón phân. Kể từ đó đến khi lúa chuẩn bị làm đòng phải
bón bốn cữ phân, bốn cữ thuốc phòng các loại sâu bệnh. Lúc lúa vừa trổ
cần bón phân thuốc dưỡng hạt, phòng trừ đạo ôn, rầy mò... Chi phí phân
bón và thuốc bảo vệ thực vật tốn 1,6 triệu đồng.
- Đóng phí sử dụng đường nước 140.000 đồng
- Lúc thu hoạch phải thuê máy gặt 200.000 đồng.
- Thuê xe công nông chở lúa từ trong ruộng ra bờ đê
60.000 đồng, thuê ghe chở tới đầu kênh để bán cho thương lái tốn thêm
120.000 đồng/tấn.
Tổng cộng: 2,56 triệu đồng/công ruộng.
|
Vòng luẩn quẩn
Một số nhà khoa học cho rằng trồng lúa cao sản ngoài
chi phí sản xuất cao thì việc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực
vật còn giết hệ vi sinh vật có lợi, có tác dụng cải tạo đất dẫn tới đất
canh tác sớm bạc màu, mất dinh dưỡng. Gần đây do tăng vụ ba, gối vụ
không có thời gian để cày phơi ải khiến cỏ dại và sâu bệnh có điều kiện
phát triển.
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, khi canh tác liên tục ba vụ lúa
trong điều kiện ruộng thường xuyên bị ngập nước sẽ phát sinh polytinol.
Chất này kìm giữ dinh dưỡng trong đất lại, không cho cây lúa hấp thu,
nhưng thấy cây lúa còi cọc thì nông dân lại bón thêm phân. “Sử dụng phân
hóa học nhiều thì kích thích sâu bệnh nên phải dùng nhiều thuốc bảo vệ
thực vật hơn. Khi đó thiên địch có lợi bị tiêu diệt, sâu rầy càng sinh
sôi, lại càng dùng thuốc nhiều hơn nữa. Đây là vòng luẩn quẩn làm gia
tăng gánh nặng chi phí sản xuất”.
|
__________
Cần thêm nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp
|
Ông Võ Hùng Dũng - Ảnh: Đức Vịnh |
Cho
rằng rất khó giảm giá thành sản xuất lúa trong bối cảnh sản xuất lúa đi
theo hướng thâm canh, tăng vụ, ông Võ Hùng Dũng - giám đốc Phòng Thương
mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ - đề nghị tập trung
tháo gỡ khó khăn về vốn cho nông dân.
Ông Dũng cho rằng Nhà nước đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ
tầng nông thôn cũng là cách gián tiếp làm giảm bớt các chi phí trung
gian trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ...
* Thế nhưng các địa phương vẫn tiếp tục mở thêm diện tích trồng lúa ba vụ để tăng sản lượng?
- Nhiều nhà khoa học khẳng định sản xuất tăng vụ sẽ làm
tài nguyên đất suy kiệt, phải sử dụng thêm nhiều vật tư khiến chi phí
sản xuất cao dẫn tới lợi nhuận từ trồng lúa càng giảm thêm. Với tình
hình thị trường gạo thế giới đang có nhiều quốc gia cạnh tranh, xuất
khẩu gạo của VN gặp khó thì ĐBSCL không nên gia tăng mà nên giảm sản
lượng lúa.
Ngân hàng Thế giới đã nghiên cứu khá công phu, từng
khuyến cáo chúng ta nên giảm diện tích trồng và sản lượng lúa. Tới đây,
mức độ cạnh tranh xuất khẩu gạo càng gay gắt sẽ làm hạ giá lúa gạo. Thế
nhưng chúng ta làm điều ngược lại là cứ gia tăng sản lượng. Cứ tiếp tục
tăng diện tích làm vụ ba thì nguồn cung lúa gạo dồi dào hơn, giá bán sẽ
càng giảm, chi phí sản xuất cứ tăng thì nông dân còn thua lỗ dài dài.
Lợi nhuận từ trồng lúa vốn đã không đủ trang trải cuộc
sống, làm vụ ba lại phải đóng góp làm đê bao, thủy lợi... càng chất
chồng thêm khó khăn cho nông dân. Theo tôi, các bộ ngành trung ương cần
quy hoạch, khống chế diện tích trồng lúa vụ ba ở ĐBSCL.
Nông dân làm ra hạt lúa để bảo đảm an ninh lương thực,
cung ứng cho xuất khẩu để thu ngoại tệ về cho đất nước nhưng họ chưa hề
được đảm bảo về mức thu nhập tối thiểu để trang trải cuộc sống. Họ đã
chịu quá nhiều thiệt thòi, Nhà nước còn nợ, xã hội còn nợ họ nhiều lắm.
Ngân sách đầu tư cho nông nghiệp nông thôn vốn đã thấp lại cứ teo tóp
dần, lẽ ra ngân sách trung ương cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản
xuất nông nghiệp, hạ tầng nông thôn, chứ không nên để nông dân phải đóng
góp.
* Theo ông, có cách nào tháo gỡ tình trạng thiếu
vốn sản xuất, phải mua nợ vật tư nông nghiệp giá cao, lại còn chịu lãi
suất khủng của nông dân hiện nay?
- Phải nói là định mức vay vốn ngân hàng hiện nay chưa
đủ để sản xuất. Chính vì nông dân tiếp cận vốn vay còn khó nên mới tồn
tại tình trạng này. Thực tế là mọi thứ tiêu xài, chữa bệnh đến lo con
cái học hành... người trồng lúa đều phải dùng nguồn vốn phi chính thức
như tín dụng đen.
Vay để tiêu dùng, mua sắm thì ngân hàng cho vay nhiều,
còn vay để trồng lúa thì quá thấp, như vậy rõ ràng tồn tại sự bất bình
đẳng trong quan hệ tín dụng với nông dân. Theo tôi, cần chính sách vay
vốn bình đẳng không phân biệt đối xử và nên cung ứng dòng vốn lãi suất
thấp để phục vụ người trồng lúa sản xuất.
Dù nhận định mô hình cánh đồng mẫu lớn (liên kết sản
xuất lúa chất lượng cao qua cung ứng vật tư giá ổn định, bao tiêu sản
phẩm) là “lời giải cho bài toán khó lâu nay là tiết giảm chi phí sản
xuất lúa”, song Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng cho biết
mô hình này vẫn chưa thể nhân rộng, diện tích cả năm 2012 chỉ đạt
15.000ha.
Theo ông Năng, muốn phát triển chuỗi liên kết sản xuất
trước hết cần Chính phủ hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ
sản xuất nông nghiệp. Khi thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn đòi hỏi
vốn đầu tư rất lớn, nhưng hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ cho doanh
nghiệp. Mặt khác, việc cho vay theo nghị định 41/2010/NĐ-CP phục vụ phát
triển nông nghiệp nông thôn vẫn chưa thực hiện được bởi chưa có hướng
dẫn cụ thể.
|
Theo TS Đặng Kim Sơn - viện trưởng Viện Chính sách và
chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn VN, lâu nay đầu tư của Nhà
nước đã ít ỏi mà thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp cũng hạn chế. Đáng
nói là ngay cả thành phần kinh tế có tiềm lực ở nông thôn cũng không
tham gia đầu tư ở đấy, khi tích lũy được vốn họ đem đầu tư ở thành thị,
mua đất đai, chuyển về định cư, làm ăn ở thành phố.
Nhà nước cần tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng
nông thôn, đồng thời có thêm chính sách thu hút nhiều nguồn lực khác
nhau đầu tư vào nông nghiệp, tạo kênh thu hút vốn đầu tư vào nông thôn.
|
Thực hiện: ĐỨC VỊNH
(Tuổi trẻ)
Vĩnh Phúc kết luận vụ quan tài diễu phố
Vụ việc xảy ra hồi tháng Ba năm nay.
Truyền thông Việt Nam đưa tin Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã có kết luận
điều tra vụ "quan tài diễu phố" và nói con rể Chủ tịch tỉnh “không liên
quan”.
“Trong vụ án này, dư luận cũng dấy lên thông tin các bị can có liên
quan đến ông Trần Khánh Dũng là con rể Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Vĩnh
Phúc.
“Tuy nhiên, kết luận điều tra cho thấy không có tài liệu nào chứng minh
ông Dũng có liên quan trực tiếp tới vụ án mạng này”, báo
Người Lao Động trích dẫn kết luận điều tra.
Được biết 8 bị can được chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm Sát Nhân Dân để truy tố, trong đó 6 bị can bị truy tố tội giết người.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, "Ngày 14 tháng Ba, sau khi hết giờ
làm việc buổi chiều, anh Nguyễn Tuấn Anh, 27 tuổi, đi uống rượu, hát
karaoke cùng đồng nghiệp và sau đó đi ăn đêm vào khoảng 23 giờ cùng
ngày.
"Tại đây, anh Tuấn Anh và một người bạn gặp 6 người khác và sau khi
xảy ra to tiếng thì sáu người này đã đuổi đánh và truy sát anh".
Kết luận của cơ quan điều tra nói "Anh Tuấn Anh ngã chúi đầu đầu xuống
mương nước sâu và những người tấn công còn lấy thêm gạch, đá ném xuống
cống mương".
Đã xảy ra một cuộc biểu tình của hàng trăm, có tin nói hàng ngàn người,
đã kéo dài trong nhiều tiếng ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc hôm
17/3/2013 dẫn tới tắc nghẽn giao thông.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã phải huy động lực lượng công an đông đảo và cấm đường
trong thành phố Vĩnh Yên nhằm tránh một cuộc biểu tình lớn khác.
Một trong những lý do khiến người thân của anh Tuấn Anh mang quan tài
tới trung tâm thành phố Vĩnh Yên để đòi công lý là nghi ngờ công an
tỉnh Vĩnh Phúc giảm nhẹ tính nghiêm trọng của vụ án do nó có liên quan
tới con rể của Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc.
Báo Tuổi Trẻ ngày 28/3 đưa tin ‘Con rể chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh
Phúc, ông Phùng Quang Hùng, có quan hệ thân thiết với bị can’.
Báo này còn cho biết người con rể được báo nêu tên là Trần Khánh
Dũng này đã từng ‘có tiền án’ và từng vào tù ra khám nhưng
không nói rõ bị tù về tội gì và bao nhiêu năm.
Ông Dũng đã quen các nghi phạm khi ở tù và sau khi mãn hạn đã nhận
những người này về làm việc cho công ty khai thác cát của ông, theo báo
Tuổi Trẻ.
Trong khi đó báo Thanh niên vào tháng Ba nói khi
vụ hành hung anh Tuấn Anh xảy ra, các nghi phạm đã chạy vào nhà
của ông Dũng ở gần đó để lấy vũ khí.
Bản thân chủ tịch UBND tỉnh Phùng Quang Hùng
từng thừa nhận với BBC là nhóm thanh niên tham gia ẩu đả có chạy vào một
ngôi nhà mà ông nói gần nơi con rể và con gái ông "đang ngủ" trong đêm
xảy ra sự cố chết người.
Sáu bị can bị truy tố hành vi “Giết người”, gồm
Nguyễn Văn Tình (Sinh năm 1988), Nguyễn Văn Định (1983), Phùng Đắc Tú
(1994), Phùng Mạnh Tuấn (1992), Đặng Quốc Tú, và Nguyễn Văn Bình (1997)
Hai bị can khác là Nguyễn Văn Hiệp (1986) và bị
truy tố về hành vi Không tố giác tội phạm và Nguyễn Anh Tuấn (1992) bị
truy tố về hành vi Che giấu tội phạm.
(
BBC)
Chuyện nghề của Đạo diễn Trần Văn Thủy (Kỳ 2)
Những cuộc giải cứu minh bạch
Bỗng một hôm, ông Nguyễn Việt Dũng, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
(Hội đồng Bộ trưởng), gọi điện đến hãng phim, yêu cầu mang phim Hà Nội
trong mắt ai lên chiếu. Lãnh đạo hãng trả lời:
|
Tổng bí thư
Nguyễn Văn Linh (thứ tư từ trái sang) trò chuyện với đạo diễn Trần Văn
Thủy (thứ ba từ trái sang) và các văn nghệ sĩ vào ngày 7-10-1987 - Ảnh
tư liệu |
- Ðã có lệnh của cấp trên là không được chiếu!
Thủ tướng Phạm Văn Ðồng: Chiếu ngay lập tức cho nhân dân xem
Ngày 15-10-1983, Văn phòng lại gọi xuống, vẫn bị từ chối với lý do:
“Phim đang được cắt ra để sửa”. Nhưng từ đầu dây bên kia, ông Dũng nói:
- Chúng tôi biết phim ấy có thể chiếu được hay không. Ðây là chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng!
Kế hoạch chiếu phim Hà Nội trong mắt ai cho Thủ tướng Phạm Văn Ðồng xem
được ấn định lúc 3g chiều 18-10-1983. Tôi đề nghị được đi cùng, giám đốc
Bùi Ðình Hạc từ chối:
- Ði sao được. Vào đấy phải qua “cổng đỏ”, người ta điểm danh!
- Anh Hạc ơi! Anh cứ cho tôi đi cùng vì tôi muốn nghe bằng chính tai của tôi xem ông Ðồng nói gì.
Thế nhưng ông Hạc không đồng ý.
Gần đến giờ hẹn, tôi lẻn lên “con” Lada trắng của giám đốc, ngồi sẵn ở
ghế sau bên cạnh năm hộp phim. Ðến nước ấy thì ông Hạc đành chấp thuận.
Tới nơi, bảo vệ từ chốt gác hỏi vọng ra:
- Xe nào đấy?
- Xe xưởng phim vào chiếu phim cho ông Ðồng xem!
Cái barie được kéo lên, vẫn cái giọng ấy vọng ra:
- Vào đi!
Tôi bảo ông Hạc:
- Ðấy, có kiểm tra giấy tờ, điểm danh gì đâu!
Tôi bê năm hộp phim vào phòng khách. Gần 30 phút sau Thủ tướng bước vào. Ông bực mình nói ngay:
- Muốn xem một bộ phim mà khó thế à? Nếu khó quá thì tôi không phiền các đồng chí nữa.
Có ai tưởng tượng nổi không: Thủ tướng đã phải chờ ngót nửa tháng kể từ lúc yêu cầu xem bộ phim...
......
Khi hết phim đèn bật sáng, ông Ðồng vẫn ngồi lặng lẽ, đầu hơi cúi, tay
đặt lên trán. Những người có mặt trong phòng cũng im lặng, nghe rõ tiếng
quạt trần quay nhè nhẹ trên đầu.
Ông trầm ngâm hồi lâu và nói:
- Tôi không nghĩ sự thể lại quan trọng đến mức này. Ý kiến thứ nhất của
tôi là: Nếu đã là anh em văn nghệ với nhau thì phải biết thương yêu, bảo
vệ nhau. Các anh mà không bênh vực nhau thì còn ai bênh vực các anh? Ý
kiến thứ hai của tôi, anh Dũng ghi vào biên bản để gửi sang Văn phòng
Ban Bí thư: Tổ chức chiếu công khai bộ phim này cho nhân dân xem, chiếu
càng rộng càng tốt, càng nhiều càng tốt. Chiếu ngay lập tức! Nếu phát
hiện cái gì sai thì sửa!
Trước khi chúng tôi ra về, ông còn ân cần dặn riêng tôi nếu có chuyện gì không hay thì tìm mọi cách chủ động liên hệ với ông.
Không biết có phải vì bức xúc trước số phận của bộ phim và tình cảnh của
tôi hay không mà tại buổi khai mạc Ðại hội điện ảnh toàn quốc lần thứ
II diễn ra tại Cung Thiếu nhi chỉ hai ngày sau khi xem phim Hà Nội trong
mắt ai, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đến rất sớm và đã có bài phát biểu hơn
một giờ đồng hồ trước hơn 500 nghệ sĩ điện ảnh toàn quốc.
Ông nói rất kỹ, rất mạnh mẽ, rất sâu sắc về cách thức quản lý, lãnh đạo
văn nghệ: “Ðừng bắt anh em văn nghệ sĩ phải chui qua một cái lỗ kim,
theo một khuôn mẫu có sẵn...”.
Lại biến khỏi màn hình!
Không ai ngờ, chỉ vài ba tháng sau kể từ khi Thủ tướng Phạm Văn Ðồng can
thiệp, Hà Nội trong mắt ai lại biến khỏi màn ảnh. Chỉ biết là không
được chiếu, bị cấm. Cứ thế mà thi hành. Chẳng ai trả lời cho có đầu có
đuôi, cho ra ngọn ra ngành.
Ðối với một tác phẩm hay tác giả, lệnh cấm có thể là một biên bản hội
nghị hẳn hoi được truyền đạt nội bộ, hoặc có khi chỉ là một câu nhắn
nhe, một cú phôn và thường là không thời hạn...
Giờ đây khi thì trả lời phỏng vấn, khi thì trên diễn đàn, tôi đã nói lời
gan ruột: tôi chẳng hào hứng gì phải nhắc lại cái thời làm phim Hà Nội
trong mắt ai, tôi cũng không muốn xem lại bộ phim và kể lại những chuyện
lằng nhằng vinh nhục xảy ra sau đó nữa.
Bởi nhiều lẽ:
- Chuyện này ai cũng biết rồi, nói đi nói lại thành lắm lời.
- Ba mươi năm qua rồi, xem lại thấy ngượng về nghề, về thủ pháp, chẳng
có ấn tượng gì đáng kể, chỉ là những cảnh đơn sơ lắp ghép lại, được dẫn
dắt bởi lời bình mang tính ẩn dụ.
- Cuốn phim quay bằng phim nhựa ORWO color 35mm màu sắc phai nhạt, xước
xát, chẳng còn một bản nào nghiêm chỉnh đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.
- Phần kết phim đã bị sửa một cách ngớ ngẩn. Thời ấy trong một tình thế
lúc nào cũng có thể bị bắt, tôi đã phải thêm vào một đoạn cuối cảnh
quảng trường Ba Ðình vào những ngày lễ lạt. Toàn bộ đoạn ấy xuất hiện
trong phim nằm ngoài ý muốn của tôi.
Tôi muốn nói thêm rằng bộ phim này nổi tiếng không phải vì thông tuệ
hoặc hay ho tài giỏi gì mà vì nó gây ra sự tranh cãi ồn ĩ một thời gian
dài. Người ta đã chen nhau xếp hàng mua vé đi xem chỉ vì nó... bị cấm,
bị đưa lên thớt, bị quy thành vấn đề chính trị: chống Đảng, dạy Đảng cầm
quyền, kêu gọi mọi người xuống đường, sau lưng đạo diễn là một lực
lượng chính trị...
Chung quy nó nổi tiếng vì sự đa nghi thái quá, mẫn cán thái quá của một số người có chức quyền thời đó.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh: Chỉ thế này thôi, tại sao lại cấm?
Thế rồi phải mấy năm sau, ngày 15-12-1986 Ðại hội VI khai mạc. Ông Nguyễn Văn Linh được bầu là tổng bí thư.
Ðây là một đại hội vô cùng quan trọng, nó quyết định cho sự đổi mới và đã nêu ra những khẩu hiệu:
“Nhìn thẳng vào sự thật, phản ánh đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật”.
“Hãy cởi trói cho văn nghệ sĩ”.
“Văn nghệ sĩ hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”.
“Ðừng bẻ cong ngòi bút, phải viết cái điều mình nghĩ”.
Có một nghị quyết vô cùng quan trọng đối với giới văn nghệ sĩ trí thức
lúc đó là nghị quyết 05 của Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam về lãnh
đạo, quản lý văn hóa văn nghệ với nội dung sửa đổi, chấn chỉnh lề lối,
cách thức lãnh đạo trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ.
Tháng 5-1987 ông Nguyễn Văn Linh trực tiếp xem phim Hà Nội trong mắt ai.
Ông rất ngỡ ngàng vì những đồn thổi bấy lâu nay về bộ phim.
Ông thành thật hỏi chúng tôi:
- Bộ phim này nó chỉ có thế thôi à các anh?
- Vâng, bộ phim nó chỉ có thế thôi ạ!
- Nếu chỉ có thế này thôi thì tại sao lại cấm? Hay vì trình độ có hạn mà tôi không hiểu được?
Câu nói giản dị ấy làm tôi xúc động và bị ám ảnh mãi tận sau này. Tiếp
đó ông đã cho tổ chức chiếu lại Hà Nội trong mắt ai ở hội trường Nguyễn
Cảnh Chân, mời những người có trọng trách, những người lãnh đạo văn hóa
văn nghệ, phụ trách các hội văn học nghệ thuật đến xem và bỏ phiếu thuận
hay chống.
Tất cả đã bỏ phiếu thuận. Có nghĩa là bộ phim sẽ được ra công chúng.
Ngày 26-9-1987, Văn phòng Trung ương đã ra văn bản yêu cầu Ban Văn hóa
văn nghệ, Ban Tuyên huấn, Bộ Văn hóa công chiếu phim Hà Nội trong mắt
ai.
Ngày 7 và 8-10-1987, ông Nguyễn Văn Linh tổ chức một cuộc họp với hơn
200 văn nghệ sĩ, trí thức lớn ở hội trường Nguyễn Cảnh Chân.
Mở đầu hội nghị, ông nói: “Các đồng chí, hôm nay mời các đồng chí đến
đây để các đồng chí bộc bạch, kể cho nghe tất cả những quan tâm, những
sự trăn trở trước đường lối, trước những cách thức đối với văn hóa văn
nghệ để chúng ta có thể làm việc một cách tốt hơn với nhau. Tôi đến đây
để nghe chứ không phải đến đây để nói...”.
Sau đó ông ngồi xuống và bắt đầu nghe mọi người nói. Thời kỳ đó còn có
những cây đại thụ như Nguyễn Khắc Viện, Cù Huy Cận, Nguyễn Ðình Thi,...
tất cả những văn nghệ sĩ trí thức lớn nhất của phía Bắc, các nhà nghiên
cứu đều có mặt.
Buổi họp đầu tiên (7-10-1987) chuông reo, nghỉ giải lao, mọi người tản
ra sân. Tôi đang nói chuyện với nhà văn Nguyễn Khải. Trong bộ phim
Chuyện tử tế, tôi có dẫn những câu chữ của Nguyễn Khải nhưng tôi không
nói hẳn ra là của ông. “Một nhà văn từng viết: con người là một sinh vật
không bao giờ chịu sống thúc thủ, nó luôn muốn vươn tới cái tuyệt vời,
cái vô biên, cái vĩnh cửu là những mục tiêu mãi mãi không bao giờ đạt
tới”. Thời gian đó Chuyện tử tế chưa được công chiếu, tôi mới chỉ thì
thầm cảm ơn ông Nguyễn Khải.
Lưu Quang Vũ đến bên và nói: “Ông Nguyễn Văn Linh bảo mình gọi cậu ra nói chuyện một tí”.
Tôi ra gặp và chụp ảnh chung với ông Nguyễn Văn Linh, Trần Ðộ, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Văn Hạnh... Ông Nguyễn Văn Linh nói với tôi:
- Ðến bây giờ tôi đã hiểu tại sao người ta cấm bộ phim ấy.
Có thể thấy việc này đã ám ảnh ông đến như thế nào (ông xem bộ phim này từ tháng 5-1987!).
Ông nói:
- Tôi đề nghị anh nên làm tập 2.
Nghe ông nói vậy, tôi đã nghĩ đến phải làm cái gì rồi.
Khi đó, bộ phim Chuyện tử tế đã làm xong cũng để đấy bởi vì bộ phim Hà
Nội trong mắt ai vẫn bị cấm. Không có cách gì để quảng bá Chuyện tử tế
hoặc mang bộ phim này ra để duyệt, để phát hành và công chiếu được.
Chuyện đó là không tưởng. Còn bây giờ là thời cơ!
Tan họp, tôi về hãng phim gặp họa sĩ Trịnh Quang Vũ, nhờ anh viết thêm
cho tôi chữ “Tập 2” dưới cái tên Chuyện tử tế, ngụ ý đây là tập 2 của Hà
Nội trong mắt ai được làm theo ý của Tổng bí thư. Tôi rất biết làm thế
là không phải với ông Nguyễn Văn Linh, nhưng tình thế buộc tôi phải hành
xử như vậy. Tôi nghĩ việc cầm cân nảy mực quốc gia đại sự là việc của
bề trên, còn việc làm phim như thế nào là bổn phận của chúng tôi. Như
vậy là nhờ cái vía của ông Linh mà Chuyện tử tế ra đời, tồn tại và lang
thang khắp nơi khắp chốn...
“Hồi Hà Nội trong mắt ai bị cấm, một lần sau khi chiếu phim cho gia đình
đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xưởng phim tài liệu. Xem xong, đang ngồi
uống trà thì mất điện, trời đã chạng vạng tối, đại tướng đứng với tôi
rất lâu, ông hỏi: “Mất ngủ lắm hả?” rồi choàng tay ôm, vỗ vỗ vào lưng
tôi và nói: “Cuộc sống là mẹ của chân lý”...”.
Một câu nói dễ hiểu và dễ trơn tuột đi với những người vô tâm hoặc nông
cạn, nhưng chỉ có những người đã qua nhiều trải nghiệm trên đường đời
mới hiểu được sâu sắc và càng trải nghiệm thì càng hiểu sâu sắc hơn. Hẳn
là trong câu nói đó có cả trải nghiệm của chính vị tướng già sau bao
năm chinh chiến.
Trần Văn Thủy
Kỳ tới: Chuyện tử tế tìm người tử tế
(Tuổi trẻ)