Lê Duẩn, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam là một khuôn mặt về mưu mô
và thao lược có lẽ chỉ đứng sau ông Hồ Chí Minh. Đó là một trong những
lý do Hồ Chí Minh chọn ông làm Bí thư thứ nhất sau cuộc cải cách ruộng
đất nhiều tai tiếng. Là một người cộng sản, Lê Duẩn kiên trì theo đuổi
đường lối của Hồ Chí Minh là thống nhất Việt Nam và đặt cả nước dưới chế
độ cộng sản. Ông đã chống lại một cách có kết quả chính sách của Mao
Trạch Đông không muốn thấy miền Bắc chiếm miền Nam dù bằng hiệp thương
bầu cử hay bằng vũ lực. Đối với Trung quốc một Việt Nam chia đôi, miền
Bắc không thể mạnh để thành một mối lo cho Trung quốc, đồng thời làm
trái độn ở biên giới phía Nam tránh sự tiếp cận với các lực lượng quân
sự Hoa Kỳ.
Từ khi bị áp lực của Trung quốc ký Hiệp định Geneve chia đôi dất nước,
Lê Duẩn thấy rõ chính sách của Trung quốc đối với Việt Nam trong hơn một
ngàn năm qua không có gì thay đổi, và nếu có thay đổi chăng là thay đổi
lối nói mồm miệng, từ “thiên triều và thuộc quốc” thành “anh em trong
khối xã hội chủ nghĩa” môi hỡ răng lạnh giả dối.
Theo hồi ký “
Cuối đời nhớ lại” của ông Nguyễn Thành Thơ
một đảng viên từng có chân trong Trung ương đảng ghi lại rằng, khoảng
cuối năm 1978 khi tình hình biên giới Việt – Kampuchia và Việt –Trung
căng thẳng, quân lính Kampuchia thường vượt biên giới cướp của và giết
người mà Việt Nam không có đối sách gì. Trong một dịp Tổng Bí thư Lê
Duẩn đi thăm huyện Cần Giờ tháp tùng bởi Huyện ủy và 30 cán bộ cao cấp
khác, Nguyễn Thành Thơ ghi:
“Lê Duẩn nói ‘Các anh có gì hỏi tôi giải đáp’ . Anh em phấn khởi rộ
lên ‘Xin hỏi K nó quấy rối biên giới ta, tàn sát cướp phá rất dã man
điên cuồng, sao ta đối phó rất lôi thôi, chúng tôi khó hiểu’. Anh Lê
Duãn trả lời ‘Các đồng chí hỏi đúng là một tình hình cả nước đều quan
tâm, chúng tôi đau đầu lắm ngủ không được, không phải là vấn đề Khmer
đỏ, vấn đề Pôn Pốt mà là vấn đề ai đằng sau Khmer đỏ, Pôn Pốt. Lần này
ta có đưa đại quân đâu, bọn nó làm sao chống ta nổi, nhưng ta đánh nó,
Trung quốc đánh ta thôi, nhưng ta không chiếm K, Trung quốc cũng không
chiếm ta.”
(
Cuối Đời Nhớ Lại của Nguyễn Thành Thơ)
Nhưng để hiểu trọn vẹn cái nhìn của Lê Duẩn đối với Trung quốc trong
suốt thời gian từ những năm 1949 sau khi Mao chiếm Trung hoa lục địa
thành lập Cộng hòa Nhân Dân Trung quốc, chúng ta cần đọc
bài nói
chuyện của Lê Duẩn với các tướng lãnh quân đội cộng sản Việt Nam (?)
vào một thời điểm trong năm 1979 sau khi Trung quốc tấn công vào biên
giới Việt Nam. Bài nói chuyện này được lưu trữ tại Thư viện Quân đội Nhân dân ở Hà Nội và do Christopher Goscha có được và dịch ra Anh ngữ cho Chương trình
Thu thập Tài liệu về Chiến tranh Lạnh (Cold War International History Project – CWIHP) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Woodrow Wilson ở Washington D.C.
[
TBN: 1. giáo sư Gosha tốt nghiệp tiến sĩ sử học đại học Sorbonne, Paris chuyên nghiên cứu lịch sử cận đại các nước Đông Nam Á.
2. Chúng ta đang nghiên cứu một bài nói chuyện của một Tổng bí thư
đảng cộng sản Việt Nam, nên ngôn từ trong những đoạn trích dẫn sau là
ngôn từ của một lãnh tụ cộng sản Việt Nam sau khi vừa chiến thắng Hoa
Kỳ, có lúc rất tự phụ, và không phải là ngôn từ và cách nhìn bây giờ của
đại đa số. Cốt lõi ở đây là chắt lọc cái nhìn của ông Lê Duẩn đối với
Trung quốc để rút ra những kinh nhiệm đáp ứng trong hoàn cảnh Việt Nam
đang bị áp lực nặng nề của Trung quốc]
Lê Duẩn cho biết sau Hiệp định Geneve và sau khi không có hiệp thương
chuẩn bị bầu cử như Hiệp định dự liệu, Trung quốc gây sức ép cho Bắc
Việt Nam không được khởi động cuộc chiến tranh tại miền Nam, nhưng đảng
cộng sản Việt Nam vẫn cương quyết phát động cuộc chiến. Lê Duẩn không
nói ra, nhưng ai cũng biết đảng cộng sản Việt Nam có thể làm vậy vì có
hậu thuẫn của Liên xô. Lê Duẩn nói với các cán bộ :
“Khi chúng ta ký Hiệp Định Geneve, rõ ràng là Chu Ân Lai đã [ép]
chia đất nước ta làm hai. Sau đó ông ta gây sức ép buộc chúng ta không
được làm gì đối với miền Nam Việt Nam. Họ ngăn chúng ta đứng lên nhưng
họ không thể làm gì để ngăn cản chúng ta”
Theo Lê Duẩn, sau khi miền Bắc đã phát động chiến tranh du kích tại miền
Nam, biết không ngăn được nên Mao Trạch Đông đổi cách suy nghĩ, lợi
dụng cuộc chiến tại miền Nam để đưa quân vào Bắc việt dòm ngó chuẩn bị
cho chương trình xâm lấn Việt Nam về sau:
Trích bài nói của Lê Duẩn:
“
Sau khi chúng ta chiến đấu và Trung Quốc nhận ra rằng chúng ta có
thể chiến đấu hiệu quả, đột nhiên Mao có suy nghĩ mới. Ông ta nói rằng,
vì Mỹ đánh chúng ta, ông ta sẽ đưa quân đội đến giúp chúng ta xây dựng
đường sá. Mục tiêu chính của ông ta là tìm hiểu tình hình đất nước ta để
sau này ông ta có thể tấn công chúng ta và từ đó mở rộng xuống khu vực
Đông Nam Á. Không có lý do nào khác.
Chúng ta biết rõ ý đồ này, nhưng phải cho phép họ vào. Tôi yêu cầu
họ chỉ gửi người, nhưng quân lính của họ đã đến cùng với súng đạn. Tôi
cũng phải chịu điều này.
Sau đó, Mao bắt chúng ta phải nhận 20.000 quân của ông ta đến xây một
con đường từ Nghệ Tĩnh vào Nam Bộ. Tôi từ chối. Họ tiếp tục yêu cầu
nhưng tôi không nhượng bộ. Họ gây áp lực với tôi cho quân của họ vào
nhưng tôi đã không chấp thuận. Họ tiếp tục gây sức ép nhưng tôi vẫn
không chịu. Tôi đưa ra những ví dụ này để các đồng chí thấy họ có âm mưu
cướp nước ta từ lâu và âm mưu đó ác độc như thế nào.”
Năm 1960 khi chiến tranh du kích tại miền Nam bắt đầu có cường độ, tại đại hội 3 của đảng cộng sản Việt Nam, [
TBN:
từ 5-10/9/1960 tại Hà Nội, Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất đảng
cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh vẫn giữ danh vị Chủ tịch đảng.]
Trung quốc đã thuyết phục đảng cộng sản Việt Nam khuyến cáo Pathet Lào
trả hai tỉnh giáp biên giới Việt Nam cho chính phủ Vientaine, nói là để
tránh Mỹ đổ quân vào Lào, nhưng ý đồ thật của Mao là cắt tay cắt chân
của Việt Nam, và sau này dùng chi viện phủ phê mua chuộc Lào bủa một
gọng kềm bên trái cùng với gọng kềm bên phải của căn cứ hải quân Yulin
nằm ở cực nam đảo Hải Nam làm hai gọng kềm kẹp Việt Nam vào giữa.
Lê Duẩn nói với các cán bộ của mình:
“Khi chúng ta chuẩn bị chiến tranh du kích tại miền Nam sau khi ký
Hiệp định Geneve, Mao Trạch Đông đã nói với Đại hội Đảng của chúng ta
rằng, ngay lập tức, chúng ta phải buộc Lào chuyển hai tỉnh đã được giải
phóng cho chính phủ Viêng Chăn. Nếu không, người Mỹ sẽ tiêu diệt hai
tỉnh này, một tình huống rất nguy hiểm theo cái nhìn của Trung Quốc! Mao
đã bức hiếp chúng ta và chúng ta đã phải làm điều đó.”
Lê Duẩn giải thích sở dĩ Hoa Kỳ đổ quân vào miền Nam Việt Nam vì Liên xô
và Trung quốc bất hòa nhau, và chính sách của Liên xô và Trung quốc về
Việt Nam đối nghịch nhau. Liên xô muốn Hà Nội khởi động chiến tranh tại
miền Nam, Trung quốc thì không muốn. Lê Duẩn dẫn chứng năm 1961 khi Liên
xô, Trung quốc, Việt Nam còn là một khối (dấu hiệu bất hòa chưa hiện ra
bên ngoài) tổng thống Kennedy đã không dám can thiệp vào Lào nên cùng
với Nga và Trung quốc trung lập hoá Lào và lập chính phủ liên hiệp quốc
cộng tại Vientaine. Hoa Kỳ và Trung quốc có cùng mục tiêu trong việc
trung lập hóa Lào, chủ yếu là chắn con đường tiếp vận quan trọng từ bắc
Việt Nam vào miền Nam để giảm thiểu khả năng xâm lăng miền Nam của Bắc
việt.
Lê Duẩn nói:
“Nếu Trung Quốc và Liên Xô thống nhất với nhau, không chắc Hoa Kỳ có
dám đánh chúng ta hay không. Nếu hai nước thống nhất và liên kết với
nhau để giúp chúng ta, không chắc Hoa Kỳ có dám đánh chúng ta cái cách
mà họ đã đánh. Họ sẽ do dự ngay từ đầu. Họ sẽ do dự như thời Kennedy.
Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô, tất cả đã giúp Lào và ngay lập tức Mỹ
ký một hiệp ước với Lào. Họ không dám gửi quân Mỹ sang Lào, họ để cho
Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tham gia chính phủ ngay lập tức. Họ không
dám tấn công Lào nữa.
Sau đó, khi Liên Xô và Trung Quốc xung đột với nhau, Mỹ được Trung
Quốc thông báo là họ có thể tiến tới và tấn công Việt Nam mà không sợ sự
trả đũa của Trung Quốc.”
Trong một đoạn khác Lê Duẩn phán đóan rằng nếu không có sự đồng ý của
Trung quốc, Hoa Kỳ đã không dám gài mìn phong tỏa hải cảng Hải phòng mùa
hè năm 1972 và dùng B52 bỏ bom Hà Nội tháng 12 năm đó.
Lời Lê Duẩn:
“… Tuy nhiên, Trung quốc và Hoa Kỳ đã thảo luận làm thế nào để đánh
chúng ta mạnh hơn, gồm các cuộc tấn công bằng bom B-52 và phong tỏa cảng
Hải Phòng. Rõ ràng là như thế..”
Buổi nói chuyện của Lê Duẩn đã giải thích tại sao Hà Nội phát động cuộc
chiến tranh vào các thành phố và trung tâm dân cư miền Nam trong dịp Tết
Mậu Thân. Cường độ và địa bàn tấn công, gồm cả tòa đại sứ Hoa Kỳ tại
Sài gòn đã làm cho bộ tham mưu của tướng Westmoreland ngạc nhiên. Ngạc
nhiên không phải vì không đoán trước Bắc việt sẽ tấn công. Tình báo Hoa
Kỳ đã ghi nhận sự chuyển quân của Bắc việt. Ngạc nhiên vì tướng
Westmoreland và Bộ quốc phòng Hoa Kỳ nghĩ rằng bộ đội cộng sản sẽ đánh
các đơn vị quân đội Mỹ sau Tết [TBN:
Victory At any Costs by Cecil B. Currey, page 266-267].
Ngoài ra song hành với cuộc tấn công Mậu Thân nhiều sư đoàn thiện chiến
của Bắc việt bao vây căn cứ Khe Sanh, và các chiến lược gia Hoa Kỳ vẫn
còn bình luận về mục tiêu chính của Bắc việt là thu đoạt một thắng lợi
dứt điểm tại Khe Sanh như họ đã thắng trước đây tại Điện Biên Phủ hay
tấn công đồng loạt vào các trung tâm dân cư để tạo một cuốc nổi dậy. Lê
Duẩn cho thấy Hà Nội không có ảo tưởng hạ căn cứ Khe Sanh trước hỏa lực
của Hoa Kỳ. Bao vây Khe Sanh chỉ là kế “điệu hổ ly sơn” [
TBN: đúng hơn là “điệu trâu lên rừng”].
Hà Nội cũng không có ảo tưởng gì nhân dân miền Nam sẽ nổi dậy. Vào năm
1967 Hoa Kỳ có hơn 500 nghìn quân tại Việt Nam. Quân đội chính quy Bắc
việt đã chạm trán với quân đội Hoa Kỳ trong thung lũng Ia Drang trong
năm 1965 và phải trốn qua biên giới Lào để khỏi bị tiêu diệt nên biết
rằng không thể đụng trận mãi với các sư đoàn quân Hoa Kỳ được. Lê Duẩn
và Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam tính rằng nếu Hoa Kỳ đưa thêm
quân vào Việt Nam thì trước sau Bắc việt cũng thất bại. Nên chiến lược
của Lê Duẩn là đánh một trận xả láng vào các thành thị miền Nam bất chấp
quy ước, chấp nhận mọi tổn thất để tạo xúc động tâm lý tại Hoa Kỳ để
Hoa Kỳ ngưng tăng quân và dọn đường thương thuyết. Mục tiêu của Lê Duẩn
đã đạt được. Bắc Việt đã tổn thất nặng nề về mặt quân sự, nhưng thắng
lợi hoàn toàn về mắt chính trị. Tổng thống Johnson đã không gởi thêm
quân theo yêu cầu của tướng Westmoreland và đề nghị thương thuyết. Trớ
trêu là lúc đó Trung quốc ngăn cản không cho Hà Nội thương thuyết. Trung
quốc hứa sẽ gởi thêm súng đạn, đồng thời xúi dục Hoa Kỳ đổ thêm quân
vào. Trung quốc muốn Việt Nam đánh để kiệt quệ đến người lính cuối cùng.
Lời Lê Duẩn:
“Sau khi Mỹ đưa hàng trăm ngàn quân vào miền Nam Việt Nam, chúng ta
đã phát động cuộc tổng tấn công vào năm 1968 để buộc họ giảm leo thang.
Để đánh bại Hoa Kỳ, một điều cần phải biết là làm thế nào để họ từ từ
giảm leo thang. Đó là chiến lược của chúng ta. Chúng ta chiến đấu chống
một kẻ thù lớn, kẻ thù với dân số 200 triệu người và thống trị thế giới.
Nếu chúng ta không thể làm cho họ giảm leo thang từng bước, thì chúng
ta sẽ thất bại và không thể tiêu diệt kẻ thù. Chúng ta phải đấu tranh để
làm nhụt ý chí họ để buộc họ phải đi đến bàn đàm phán với chúng ta mà
không cho phép họ đưa thêm quân.
Đến lúc Hoa Kỳ muốn thương lượng với chúng ta, đại sứ Trung quốc tại Hà Nội Ho Wei đã viết một bức thư cho chúng tôi, nói rằng: “
Các anh không thể ngồi xuống đàm phán với Hoa Kỳ. Các anh phải dụ quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam để đánh với họ”
. Ông ta gây áp lực với chúng ta làm cho chúng ta bối rối vô cùng. Đây không phải là vấn đề đơn giản mà rất mệt mỏi.
Chúng ta không nghe lời của Ho Wei. Chúng ta ngồi xuống ở Paris. Trong thời gian đó, Trung Quốc đã thông báo với Mỹ: ‘
Nếu các ông không tấn công tôi, tôi sẽ không tấn công các ông. Các ông muốn đưa vào Việt Nam bao nhiêu lính, tùy các ông’.
Lê Duẩn cho biết rằng có một lần Mao giả vờ không nhớ sử để cảnh cáo Lê
Duẩn rằng, quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh bị Việt Nam đánh bại,
nhưng quân Mao sẽ thôn tính Việt Nam, và Lê Duẩn đã phản ứng bằng cách
cảnh giác rằng Việt Nam cũng sẽ đánh thắng quân Mao.
Lê Duẩn thuật lại cho các cán bộ nghe một mẫu chuyện giữa ông ta có mặt
Trường Chinh với Mao và Đặng Tiểu Bình tại Bắc Kinh năm 1963.
“
Trước khi chúng tôi ra về, Mao gặp anh Trường Chinh và tôi. Mao
ngồi xuống trò chuyện với chúng tôi và cuối cùng ông ta tuyên bố: “Các đồng chí, tôi muốn nói cho các đồng chí biết điều này. Tôi là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á”.
Ra ngoài, tôi nói với anh Trường Chinh: “Đó anh thấy đó, âm mưu chiếm nước ta và Đông Nam Á bây giờ đã rõ rồi“. Họ dám tuyên bố điều đó như thế. Họ nghĩ chúng ta không hiểu. Đúng là không lúc nào họ không nghĩ đến đánh Việt Nam!
Cũng trong dip đó:
Mao hỏi tôi: Ở Lào, có bao nhiêu cây số vuông đất?
Tôi trả lời: Khoảng 200.000 cây số vuông.
Mao hỏi: Dân số của họ bao nhiêu?
Tôi trả lời: Khoảng 3 triệu!
Mao nói: Như vậy là không nhiều! Tôi sẽ đưa dân tôi đến đó, thật mà!
Mao hỏi: Có bao nhiêu cây số vuông đất ở Thái Lan?
Tôi trả lời: Khoảng 500.000 cây số vuông.
Mao hỏi: Có bao nhiêu người?
Tôi trả lời: Khoảng 40 triệu!
Mao nói: Trời! Tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc có 500.000 cây số
vuông, nhưng có tới 90 triệu người. Tôi cũng sẽ đưa một số người dân của
tôi tới Thái Lan!
Mao không hỏi thẳng về Việt Nam, nhưng gián tiếp hỏi tôi.: “Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta hỏi: “Có phải cũng chính người của đồng chí đã đánh bại quân Thanh?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta nói: “Và quân Minh nữa, phải không?”
Hiểu ý của Mao, tôi nói: “Đúng, và cả các ông nữa. Chúng tôi đánh các ông luôn. Các ông có biết điều đó không?”
Qua bài nói chuyện của Lê Duẩn chúng ta thấy Trung quốc, dù thuộc thể
chế nào, vương triều, dân chủ hay cộng sản đều có mộng thôn tính Việt
Nam. Và Việt Nam dù thuộc thể chế chính trị nào cũng cảnh giác manh tâm
của Trung quốc.
Quá trình cảnh giác của người cộng sản Việt Nam bắt đầu từ những năm
1954 khi Trung quốc ép ông Hồ Chí Minh ký Hiệp Định Geneve chia đôi đất
nước. Và chính quyền hiện nay cũng có sự cảnh giác cao độ. Tuy nhiên
không gian xoay xở mỗi thời mỗi khác, và cách đáp ứng của chính quyền
hiện nay chưa được xem là thích ứng với hoàn cảnh.
Thời đại của Hồ Chí Minh Hà Nội dễ xoay xở hơn vì có Liên xô đối trọng
với Trung quốc. Và cho đến năm 1975 Trung quốc còn yếu kém về cả hai mặt
kinh tế và quân sự so với Hoa Kỳ.
Bối cảnh hôm nay khác hẵn. Liên xô sụp đổ Hà Nội phải dựa vào Trung quốc
hơn để tồn tại. Kinh tế Trung quốc hiện chỉ thua Hoa Kỳ, với một lực
lượng quân sự hùng mạnh gấp nhiều lần quân đội cộng sản Việt Nam. Về mặt
lãnh đạo, Lê Duẩn vừa có tài thao lược vừa có quyền quyết định (ngay cả
khi ông Hồ Chí Minh còn sống vì được Hồ Chí Minh tin cậy) nên tuy có
lúc ông phải nhượng bộ áp lực Trung quốc, ông vẫn rất cứng rắn trước các
đòi hỏi của Trung quốc mà ông cho là thiệt hại cho sự vẹn toàn của đất
nước. Sau khi Lê Duẩn chết, các Tổng bí thư kế tiếp không ai có mưu lược
và có nhiều quyền quyết định như Lê Duẩn. Nhất là từ đại hội 9 năm 2001
khi Nông Đức Mạnh lên Tổng bí thư, sự lãnh đạo tại Hà Nội càng ít bén
nhạy hơn, và hiện nay với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không có gì
khá hơn.
Về mặt chiến lược từ tháng 4/2006 Hà Nội đã tìm cách xích lại gần Hoa Kỳ một cách dè dặt để tìm thế đối trọng với Trung quốc. (
Quan Hệ Việt Trung 1991-2008).
Nhưng về mặt chiến thuật cung cách đối đáp của Hà Nội trước áp lực của
Trung quốc không thích hợp và được xem là nhu nhược đến độ người ta nghi
ngờ Trung quốc đã nắm trọn Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam trong
tay.
Nước nhỏ cạnh nước lớn cẩn trọng về ngoại giao là cần, nhưng không được
để cho sự cẩn trọng làm quốc gia bại liệt. Phải biết phản ứng khi cần
thiết. Không thể để cho Trung quốc bắn giết ngư dân hay cấm đánh cá
trong vùng biển quốc tế mà không mạnh mẽ lên tiếng hay đưa nội vụ ra
trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc dù biết Trung quốc sẽ dùng phiếu
phủ quyết. Không thể để cho tàu hải giám Trung quốc húc chìm thuyền đánh
cá của ngư dân Việt Nam mà không dám minh danh tố cáo Trung quốc mà chỉ
nói là “tàu lạ”. Không thể nể Trung quốc mà không đưa vụ tranh chấp
Hoàng Sa, Trường Sa ra trước tòa án quốc tế trong khi Việt Nam có nhiều
bằng chứng pháp lý chủ quyền, dù biết rằng tòa án quốc tế không thể thụ
lý vì Trung quốc sẽ không đồng ý kiện về chủ quyền đất đai. Việt Nam cần
nghiên cứu các án lệ kiện chủ quyền đất đai trên thế giới để chuẩn bị
cần làm gì để có nhiều may mắn thắng trước tòa quốc tế. Việc chính quyền
Hà Nội vì tế nhị ngoại giao không lên tiếng chính thức và kịp thời
trước các vụ lấn đảo lấn biển của Trung quốc có thể là một bất lợi về
sau. Và lệnh cấm nhân dân biểu tình chống hành động xâm lấn của Trung
quốc cũng có thể là một bất lợi pháp lý khác.
Trong bài nói chuyện Lê Duẩn có nói đến khung cảnh quốc tế mới để chứng
minh rằng Trung quốc không thể đánh Việt Nam mà không bị phản ứng của
thế giới. Ông nói:
“Bây giờ Trung Quốc có âm mưu đánh nước ta để mở rộng xuống phía
Nam. Nhưng trong thời đại hiện nay họ không thể đánh một cách dễ dàng.
[Đầu năm nay] Trung Quốc chỉ đánh Việt Nam có vài ngày mà cả thế giới đã
hét lên: “Không được đụng đến Việt Nam”! Thời đại hiện nay
không giống như thời xưa. Bây giờ cả thế giới đang gắn chặt với nhau.
Loài người vẫn chưa hoàn toàn đi vào giai đoạn xã hội chủ nghĩa, nhưng
đây là lúc mọi người đều muốn độc lập và tự do. Ngay cả trên các đảo
nhỏ, người dân cũng muốn độc lập, tự do.”
Ông Lê Duẩn nói đúng. Nhưng quan hệ giữa Liên xô và Hoa Kỳ bấy giờ và
bây giờ đối với Việt Nam khác nhau. Năm 1979 Việt Nam có Hiệp ước an
ninh vừa ký với Liên xô và Liên xô là một đồng minh tin cậy được. Khi
Trung quốc đánh Việt Nam Liên xô đã đưa hạm đội đến đóng ngoài khơi
Thanh Hóa Nghệ An, và Hồng quân Liên xô sẵn sàng mở mặt trấn biên giới
phía bắc Trung quốc nếu Trung quốc tiến sâu hơn vào Hà Nội.
Hiện nay Việt Nam chỉ có quan hệ lỏng lẻo với Hoa Kỳ. Nhưng dù có liên
minh chặt chẽ Hà Nội cũng không thể hoàn toàn tin cậy vào quyết tâm của
Hoa Kỳ. Hai nước vừa đánh nhau (1965-1975) và bài học của Việt Nam Cộng
Hòa còn nóng hỗi. Giả thuyết Hoa Kỳ và Trung quốc chia đôi thiên hạ để
cùng thống trị thế giới không phải chỉ là một giả thuyết suông. Nó có
thể trở thành hiện thực và Việt Nam sẽ là con bò sữa làm lễ tế thần.
Nhưng nếu vào thập niên 1970, Việt Nam Cộng Hòa bó tay chịu chết khi
Nixon và Kissinger nói chuyện với Mao và Chu Ân Lai trên đầu mình, thì
hiện nay Hà Nội có thế xoay xở hơn.
Trước hết Hà Nội cần liên minh chặt chẽ và cụ thể với Hoa Kỳ. Sau đó Hà
Nội có thể mở một mặt trận ngoại giao và “lobby” để cảnh giác Hoa Kỳ
rằng nếu Hoa Kỳ thông đồng với Trung quốc để bỏ Việt Nam thì ngày đó
cũng là ngày tàn của siêu cường Hoa Kỳ. Tương quan Hoa Kỳ – Trung quốc
của thế kỷ 21 khác với tương quan đầu thập niên 1970 thế kỷ trước.
Đối nội các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam cần huy động nội lực của
nhân dân qua một chương trình cải tổ chính trị và chỉnh đốn vũ trang
với chiến thuật du kích trên không, trên biển và đất liền.
Hoàn cảnh Việt Nam hôm nay có khó, nhưng không phải Việt Nam không có
đường thoát ra khỏi nanh vuốt Trung quốc. Những anh hùng như Trần Hưng
Đạo, Lê Lợi, Quang Trung thời nào cũng có.
Trần Bình Nam
Sept. 1, 2011
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com