Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Hiến pháp hay Đảng pháp? & Nên 'giải tán Quốc hội'

Hiến pháp hay Đảng pháp?

Luật sư Vũ Đức Khanh
Viết cho BBCVietnamese.com từ Canada
Biểu quyết tại Quốc hội (ảnh minh họa)

Lúc 9:53:09 sáng ngày 28/11/2013, Quốc hội Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới 2013 với 486 phiếu thuận, 2 phiếu trắng và không có phiếu chống trong tổng số 488 đại biểu có mặt đã bỏ phiếu tại Hội trường Quốc hội.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam cho biết các vị đại biểu đồng loạt đứng lên vỗ tay mừng “giờ phút lịch sử” sau khi có kết quả như lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Cũng cần nói thêm rằng trên 90% đại biểu Quốc hội hiện nay là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN).

Hiến pháp 2013 vừa được thông qua có tổng cộng 11 chương, 120 điều, sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014, trong đó tiếp tục tái khẳng định vai trò độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN về cả 2 mặt chính trị và kinh tế.

Đảng lãnh đạo, định hướng xã hội chủ nghĩa

Theo lời phát biểu của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu với báo giới thì “Báo cáo của Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội sáng nay (28/11) đã khẳng định bản Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng,” “… Hiến pháp chúng ta sửa đổi lần này vẫn tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của ĐCSVN …”

Và ông còn cho biết thêm: “Đây là bản kết tinh giữa ý Đảng, lòng dân, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân … đáp ứng nhu cầu bảo vệ phát triển đất nước.”

Vì thế cho nên điều 4 Hiến pháp 2013 là hết sức cần thiết để tái khẳng định ĐCSVN là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Về kinh tế, ông Phó chủ tịch Quốc hội kết luận rằng “Để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nền kinh tế, việc quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là cần thiết, khẳng định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Cho nên mới có quy định tại điều 51 khoản 1 Hiến pháp 2013 rằng “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; (trong đó) kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
"Chẳng lẽ cần hiểu rằng “Nhà nước là Ta; Hiến pháp là Ta; Pháp luật cũng chính là Ta”. Và cái “Ta” đó là Đảng Cộng sản? Nếu thế thì đâu cần gọi là Hiến pháp; phải gọi là “Đảng pháp” mới đúng!"
Nhưng như vậy thì định hướng XHCN trong Hiến pháp đó là gì khi ngay chính ông Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng cách đây không lâu cũng đã thổ lộ rằng “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.

Đảng CSVN luôn đòi độc quyền lãnh đạo đất nước, dựng ra cái “thiên đường XHCN” đã hơn nửa thế kỷ nay và bắt nhân dân đi theo mà nay lại bảo rằng đi thêm một thế kỷ nữa có thể vẫn chưa tới? Và tại sao lại còn đưa định hướng quái gở đó vào Hiến pháp?

“Đảng pháp”

Điều 119 khoản 1 Hiến pháp 2013 quy định như sau: “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.”

Vậy cái “Cương lĩnh của Đảng” mà ông Phó chủ tịch Quốc hội nói đó là gì? Nó có phải là một văn bản pháp luật không? Và nếu “không” thì nó thực sự có giá trị gì trong hệ thống pháp luật Việt Nam? Hoặc giả nếu “có” thì sao?

Ông TBT Nguyễn Phú Trọng cho biết như sau: “Hiến pháp … là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng!”

Thật sự không ai hiểu nổi ông TBT muốn nói gì và càng ngạc nhiên hơn khi ông Phó chủ tịch Quốc hội cũng tuyên bố rằng “Bản Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng.”

Chẳng lẽ cần hiểu rằng “Nhà nước là Ta; Hiến pháp là Ta; Pháp luật cũng chính là Ta”. Và cái “Ta” đó là Đảng Cộng sản? Nếu thế thì đâu cần gọi là Hiến pháp; phải gọi là “Đảng pháp” mới đúng!

Đảng CSVN cuối cùng đã hất một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt nhân dân.
Nhưng Đảng thực sự đã lầm to! Nhân dân đưa quý vị lên được thì nhân dân cũng có thể hạ quý vị xuống được.

Đảng CSVN hôm nay có thể hân hoan vỗ tay trong “giờ phút lịch sử” trọng đại nhưng nên nhớ rằng việc biểu quyết Hiến pháp hôm nay đang đưa đất nước này và chính Đảng CSVN vào ngõ cụt, bế tắc.

Các đại biểu Quốc hội sẽ phải trả lời trước lịch sử, trước Tổ quốc, trước nhân dân cho hành động hôm nay khi ngày phán xét đến.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một luật sư sống tại Canada.

Nên 'giải tán Quốc hội'

Quang cảnh họp Quốc hội hôm 21/10/2013
Đại đa số đại biểu thông qua Hiến pháp sửa đổi

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nói Quốc hội nên "giải tán" sau khi thông qua Hiến pháp sửa đổi giữ nguyên sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản nhưng lại không cho người dân tư hữu đất đai và Quân đội Nhân dân lại trung thành với Đảng thay vì với nhân dân.

Nói chuyện với BBC hôm 29/11, một ngày sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua với hơn 97% số phiếu, ông Thắng nói:

"Quốc hội này không đại diện cho ý chí, nguyện vọng của tôi nữa nên cá nhân tôi là tôi muốn giải tán Quốc hội này.

"Tôi đang muốn làm thế nào để có một Quốc hội khác, đại diện cho ý chí của nhân dân."

Mặc dù vậy ông Thắng thừa nhận rằng có thể những người phản đổi Hiến pháp mới thông qua chỉ là thiểu số trong một đất nước mà Đảng Cộng sản kiểm soát toàn bộ hệ thống truyền thông.

Ông cũng nói thêm: "Hoàn toàn chưa có cách nào [để giải tán Quốc hội].

"Nhưng trong thực tiễn thì tất cả mọi chuyển đổi...đều bắt đầu từ thiểu số."

Không đồng tình

Nói về bản Hiến pháp sửa đổi, ông Thắng cho biết:

"Có mấy điểm tôi không đồng tình.

"Điểm thứ nhất là Điều 4 của Hiến pháp [giữ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản].

"Điểm thứ hai là quy định về quyền sở hữu, không tôn trọng cái quyền sở hữu tư nhân về đất đai.

"Và một điều nữa liên quan tới quân đội. Tôi không chấp nhận cái chuyện quân đội phải trung thành với Đảng.

"Quân đội theo tôi phải trung thành với nhân dân."

Một điểm khác gây tranh cãi là chuyện kinh tế nhà nước vẫn được xác định đóng vai trò chủ đạo cho dù điều này không có trong dự thảo Hiến pháp hồi đầu năm nay.

Với các vụ bê bối Vinalines và Vinashin bên cạnh xung đột ở Tiên Lãng và Văn Giang, sở hữu nhà nước đối với các công ty và đất đai gây nhiều tranh luận.

Thêm vào đó sự bao trùm không gian xã hội của Đảng Cộng sản cũng bị chỉ trích.

Hội phản đối

Ông Thắng cũng là một trong những người sáng lập Hội những người không đồng ý Hiến Pháp mới được quốc hội thông qua trên mạng Facebook.

Tính tới tối 29/11, Hội đã thu hút được 1.500 thành viên sau 24 giờ xuất hiện trên mạng xã hội Facebook.

Ông Thắng nói mục tiêu của Hội là thăm dò ý kiến của công dân mạng, tăng cường nhận thức của người dân và nói thêm:

Ông Nguyễn Lân Thắng
Ông Thắng hy vọng sẽ tạo ra sự "bất tuân dân sự và tẩy chay Hiến pháp"

"Cái việc hành động thế nào tiếp phụ thuộc vào ý chí của nhóm này... nó đòi hỏi những người hoạt động thực tế bởi vì những người tham gia hội nhóm trên mạng nó cũng rất là ảo, nó chưa biến được thành chuyển biến trên thực tiễn cuộc sống.

"...Điều này là sự phát huy trí tuệ tập thể bởi vì khi tham gia một nhóm sẽ có rất nhiều ý kiến. Khi người ta cùng chung lý tưởng, cùng chia sẻ giá trị thì người ta sẽ đưa ra những sáng kiến.

"Khi một sáng kiến của một cá nhân trong nhóm mà hay thì chắc chắn những người khác nếu người ta nhận thấy nó hợp lý thì nó sẽ được đưa vào hành động thực tiễn."

Ông Thắng nói Hội hy vọng sẽ nâng cao sự hiểu biết của người dân và dẫn tới phong trào "bất tuân dân sự và tẩy chay Hiến pháp."

Nhà hoạt động này cho rằng các hoạt động của những người ủng hộ dân chủ ở Việt Nam sẽ giúp thay đổi nhận thức nhưng sẽ khó tạo ra thay đổi "ngay lập tức" mà cần có "điều kiện xã hội thuận lợi".

Ông cũng nói ông và nhiều nhà hoạt động khác đã sẵn sàng trả giá cao hơn so với mức phạt 100 triệu đồng mà Việt Nam vừa quy định trong Nghị định 174 được ban hành hôm 13/11 về phạt hành vi "tuyên truyền chống Nhà nước ...; phá hoại khối đoàn kết dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự".

Mới đây ông Thắng đã bị lực lượng công an Việt Nam giam qua đêm khi về tới sân bay Nội Bài sau một thời gian tham gia những hoạt động vì dân chủ ở nước ngoài.
(BBC)

Tuyên bố về Hiến pháp sửa đổi


Quốc hội khóa XIII, tại kỳ họp thứ 6, ngày 28-11-2013 đã thông qua và ra nghị quyết thực hiện bản Hiến pháp vẫn giữ nội dung cơ bản của thể chế chính trị như Hiến pháp 1992, mặc dù đã nhận được yêu cầu của nhiều người nặng lòng vì nước đòi dừng việc thông qua Hiến pháp sửa đổi, trả quyền hiến định cho nhân dân. Quốc hội khóa XIII đã thông qua một bản hiến pháp thể chế hóa cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), coi thường nguyện vọng của đông đảo nhân dân muốn xây dựng một hiến pháp làm nền tảng cho một chế độ dân chủ với nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân và vì dân. Như vậy, Quốc hội khóa XIII đã tự chứng tỏ không đại diện cho nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc; hiến pháp này không thật sự là hiến pháp của nhân dân và người dân có thể sử dụng quyền bất tuân dân sự của mình.
Hiến pháp mới được thông qua trên thực tế vẫn tiếp tục giữ cho ĐCSVN đứng ngoài và đứng trên pháp luật, duy trì một thể chế tập trung mọi quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm duy trì sự lãnh đạo tuyệt đối độc quyền của ĐCSVN đối với toàn xã hội, tiếp tục giữ đất đai thuộc sở hữu toàn dân, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, lực lượng vũ trang phải trung thành với ĐCSVN. Nhiều quyền công dân và quyền con người tuy được ghi nhận, song vẫn giữ cụm từ được thực hiện “theo quy định của pháp luật,” tạo điều kiện cho việc vô hiệu hóa các quyền này bằng các văn bản pháp quy dưới luật như đã thể hiện rõ trong thực tiễn nhiều năm qua.
Chúng tôi đòi Quốc hội, Chính phủ và cơ quan lãnh đạo ĐCSVN tôn trọng các quyền tự nhiên của con người và quyền tự do dân chủ của công dân, trước hết là quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền lập hội, quyền biểu tình, quyền bầu cử và ứng cử. Đặc biệt chúng tôi yêu cầu ngay từ bây giờ phải làm mọi việc cần thiết cho một cuộc bầu cử trung thực Quốc hội khóa XIV để Quốc hội thực sự đại diện cho dân, có năng lực và thực quyền đáp ứng được trách nhiệm của mình.
Chúng tôi kêu gọi những người có lương tri trong giới cầm quyền cùng với nhân dân cả nước và đồng bào ở nước ngoài nhận rõ thực trạng hiện nay của đất nước, không nản lòng mà tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước kiên cường, đoàn kết và hợp sức đấu tranh bằng các phương thức ôn hòa để thực hiện các quyền con người và quyền công dân của mình, để thúc đẩy tiến trình cải cách chính trị nhằm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng và lạc hậu, phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
Ngày 29-11-2013
Những người khởi xướng, hưởng ứng kiến nghị 72* và đã ký lời kêu gọi dừng việc thông qua Hiến pháp sửa đổi gửi Quốc hội ngày 15-11-2013
* Kiến nghị ngày 19-1-2013 về sửa đổi Hiến pháp, mang chữ ký trực tiếp của 72 người và tiếp đó có gần 15 nghìn người ký hưởng ứng
(BVN)

Ông Dương Trung Quốc giải thích về lý do không bấm nút

clip_image002

Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Một Thế Giới về quyết định ấn nút “không biểu quyết” thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ngày 28.11, ĐB Dương Trung Quốc cho biết: “Tôi không có sự lựa chọn nào khác giữa “tán thành" và “không tán thành”.

Được biết, ông là một trong hai đại biểu không biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sáng 28.11 tại Quốc hội, ông có thể chia sẻ thêm lý do ông lại không biểu quyết?

Bỏ phiếu “không biểu quyết” tôi muốn thể hiện quan điểm của “một bộ phận nhân dân vẫn còn một số ý kiến khác với một số nội dung của Hiến pháp” mà Chủ tịch Quốc hội đã nêu trong lời mở đầu phiên họp. Tôi đánh giá cao thái độ tôn trọng đối với những người có ý kiến khác biệt mà ông Chủ tịch Quốc hội đã thể hiện trong  phát biểu của mình.

– Nếu chưa thực sự hài lòng về Hiến pháp, tại sao nút bấm không phải là "Không tán thành" mà lại là "Không biểu quyết"? Có phải điều mà ĐB Bùi Thị An phát biểu trước đó: "Không bấm nút thì không được mà bấm nút thì áy náy” là có thật nên ông đã chọn không bấm nút?

Áy náy” chỉ là một cách nói. “Không biểu quyết” là cách ứng xử khi không có sự lựa chọn nào khác giữa “tán thành” và “không tán thành”, nói cách khác là chưa thoả mãn cho một sự tán thành, nhất là với một vấn đề hệ trọng như Hiến pháp.

– Điều gì mà ông vẫn còn đang "lăn tăn" về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này?

Hiến pháp là một văn kiện được coi là Bộ luật Mẹ, luật gốc định hướng cho sự phát triển bền vững và lâu dài của một quốc gia, dân tộc. Nhiều quốc gia, Hiến pháp có sức sống tồn tại hàng trăm năm nhờ những định hướng có mục tiêu lâu dài.

Ở nước ta, trừ Hiến pháp 1946 mang giá trị “lập quốc” với sự lựa chọn thể chế “Dân chủ - Cộng hoà” đã đặt nền tảng cho một tiến trình phát triển lâu dài. Nhưng dường như do những biến động quá khắc nghiệt của chiến tranh, lại chịu tác động chính trị quốc tế khiến Hiến pháp của chúng ta luôn phải thay đổi “ứng biến theo thời cuộc” để rồi đến nay chỉ còn là ý chí của Đảng cầm quyền (ý Đảng lòng dân), trở thành văn bản nhằm “thể chế hóa cương lĩnh chính trị” của Đảng trong một thời kỳ lịch sử. Với bản Hiến pháp sửa đổi lần này là “cương lĩnh thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Cái khiến tôi băn khoăn là trong lịch sử lập hiến của nước ta, đây là lần đầu tiên trong lời nói đầu của Hiến pháp viết thẳng quan niệm Hiến pháp chỉ là “thể chế hoá cương lĩnh” của Đảng và kế thừa những Hiến pháp có trước. Và cũng vì thế, nhiều vấn đề mà quá trình thảo luận trong quá trình sửa đổi Hiến pháp còn chưa ngã ngũ thì cái nguyên tắc “thể chế hóa" khiến mọi sửa đổi không thể vượt qua những quy định của Cương lĩnh tựa như “kỵ húy”, ví như các vấn đề sở hữu, vị thế của kinh tế nhà nước...

Đó là chưa kể tới những vấn đề liên quan đến hệ thống chính quyền địa phương, chính quyền đô thị, hội đồng nhân dân các cấp quá trình thảo luận còn chưa rõ ràng thì thời hạn phải thông qua khiến cho có nhiều nội dung chưa thật rõ ràng trong một văn kiện quan trọng như Hiến pháp... thì làm sao không “áy náy".

– Trong quá trình thảo luận tại Quốc hội, ĐB Trương Trọng Nghĩa đã phát biểu: "Hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa XIII khi thúc đẩy hay cản trở sự phát triển của lịch sử dân tộc". Bản Dự thảo Hiến pháp chưa khiến ông hài lòng, vậy theo ý kiến của ông, bản Hiến pháp 1992 sửa đổi lần này có làm chậm lại sự phát triển của dân tộc như ĐB Nghĩa đã lo lắng trước đó không?

Ý kiến của luật sư Trương Trọng Nghĩa là nói thay cho tôi và chắc cũng của nhiều người khác.

Trước đó, ông có kiến nghị gì với Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này không? Ví dụ như nếu chưa thảo luận thấu đáo thì nên dành thêm cho nó một thời gian nữa để biểu quyết vẫn chưa muộn chẳng hạn?

Tôi là người được Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp 1992 mời tham gia một số công việc cụ thể và tham gia các hoạt động của Ủy ban. Vì thế, với công việc của một đại biểu QH, tham gia các hoạt động của cơ quan biên soạn và biên tập tôi có thể nói rằng lần Sửa đổi này  không chỉ diễn ra trong một thời gian dài (hơn 2 năm), huy động đông đảo những nguồn lực trí tuệ xã hội, đương nhiên cũng tốn kém tài lực... tạo ra mối quan tâm xã hội như một cuộc vận động nhận thức chính trị rộng lớn chưa từng có.

Trong bối cảnh ấy, tôi cũng có rất nhiều cơ hội để thể hiện quan điểm, đưa ra những kiến nghị cụ thể trong những phiên thảo luận ở Quốc hội, các cuộc hội thảo, các cuộc họp của Ủy ban sửa đổi và các văn bản kiến nghị cá nhân hay chuyển các ý kiến đóng góp của cử tri, v.v.

Tôi ghi nhận là những ý kiến của mình luôn được xử lý nghiêm túc, có cái được ghi nhận, có cái không được chấp nhận và đều được trả lời rõ ràng. Tôi cũng nhận thấy tính nghiêm túc trong quá trình thảo luận, xử lý các ý kiến khác nhau, nỗ lực tiếp cận những ý kiến khác biệt... của những người có trách nhiệm trong quá trình sửa đổi, không khí trong thảo luận là dân chủ, không giới hạn...

Đã có lúc Ủy ban đã đưa ra một Dự thảo mà theo đánh giá của riêng tôi là rất “cấp tiến” hiểu theo nghĩa là rút ngắn nhất những khoảng cách khác biệt, kể cả những vấn đề mà mọi người đều quan tâm như sự lựa chọn liên quan đến “quốc hiệu” (Dân chủ Cộng hòa hay Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa). Nhưng rất tiếc là những thay đổi cuối cùng để trình ra bản dự thảo để Quốc hội thông qua thì đã có nhiều “điều chỉnh” lại để tránh những gì bị coi là không phù hợp với Cương lĩnh.

Cũng có ý kiến cho rằng cần có thêm thời gian làm rõ và hoàn thiện dự thảo. Nhưng mọi người đều biết rằng công việc sửa đổi Hiến pháp đã khởi động từ tháng 8.2011 đến nay cũng là một thời gian không ngắn, với cơ chế này thì có kéo dài thảo luận nữa cũng chẳng làm thay đổi được.

...Có thể trong một bộ phận nhân dân (trong đó có tôi) cho rằng sau 20 năm phát huy của Hiến pháp 1992 (đã có một lần sửa) những trải nghiệm của công cuộc Đổi mới, nhất là Hội nhập đã bộc lộ những bất cập... Một kiến nghị cuối cùng được viết thành văn bản sau lần thảo luận cuối cùng ở Quốc hội trước ngày “bấm nút” tôi đã nêu rõ quan điểm của mình về việc lời nói đầu Hiến pháp viết thẳng ra rằng “Thể chế hóa Cương lĩnh” là nguyên lý đầu tiên (tiếp theo mới là kế thừa các Hiến pháp trước đó) liệu có phải là một bước tiến trong nhận thức về lập hiến hay không? Tôi cũng đề nghị phải đặt việc “ứng phó với biến đổi khí hậu” ở vị thế hệ trọng hơn tương xứng với tầm quan trọng như một nhân tố tác động lâu dài và khắc nghiệt đối với tương lai của dân tộc ta. Những đề nghị ấy đều có hồi âm nhưng vẫn đề nghị “giữ nguyên như dự thảo”.

Tại sao ông lại vẫn biểu quyết thông qua Nghị quyết về thực hiện HP ngay sau đó chỉ vài chục phút?

Khi thông qua tôi đã “không biểu quyết” nhưng với nghị quyết của Quốc hội sau khi đã được tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội thông qua thì việc tán thành của tôi là lẽ đương nhiên. Không chỉ là “thiểu số phục tùng đa số” mà là trách nhiệm đối với cử tri. Vả lại cũng cần đánh giá rằng, tuy có thể “một bộ phận” chưa thoả mãn nhưng Hiến pháp sửa đổi lần này cũng chứa đựng rất nhiều những sửa đổi rất tích cực trên nhiều lĩnh vực liên quan đến quyền của dân và sự phát triển của đất nước.

Sau cuộc biểu quyết, đại biểu Trương Trọng Nghĩa khi trao đổi với tôi rằng chỉ cần thực hiện nghiêm túc những gì đã viết trong Hiến pháp sửa đổi này thì cũng đã tạo ra rất nhiều thay đổi tích cực cho dân, cho nước rồi. Bây giờ là lúc Quốc hội phải thực hiện quyền giám sát hành pháp và nâng cao năng lực lập pháp để bản Hiến pháp sửa đổi này “đi vào cuộc sống”.

Dẫu sao đây mới là Sửa đổi Hiến pháp 1992, cũng có nghĩa là Hiến pháp 1992 đã  vượt kỷ lục “tuổi thọ” so với các Hiến pháp 1946, 1959, và 1980 nhờ đó luôn được “sửa đổi” và ai cũng biết rằng thời kỳ quá độ sẽ rất dài lâu như dự báo của các nhà lãnh đạo, cho nên có lẽ sẽ có nhiều lần sửa đổi tiếp theo khi thực tiễn đòi hỏi. Phải chăng đó cũng là một nét riêng trong việc Lập Hiến ở nước ta?!

Tuấn Ngọc (thực hiện)
10 ĐBQH vắng mặt trong “thời khắc lịch sử”
Ngoài 2 đại biểu không bấm nút, hôm qua có 10 đại biểu vắng mặt trong khi Quốc hội biểu quyết thông qua Hiến pháp sửa đổi.
Việc thông qua Hiến pháp, được đánh giá là sự kiện quan trọng nhất của kỳ họp thứ 6 – Quốc hội khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh, đó là “thời khắc lịch sử”.
Quốc hội khóa XIII có 498 đại biểu trong danh sách. Tuy nhiên vào “thời khắc lịch sử” biểu quyết thông qua Hiến pháp sửa đổi ngày hôm qua 28.11, có 10 đại biểu đã vắng mặt, chỉ còn 488 đại biểu tham gia bấm nút biểu quyết. 486 đại biểu đồng ý, chiếm 97,59%.
Ngay sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp, có 491 đại biểu tham gia biểu quyết, vẫn thiếu 7 đại biểu so với danh sách thực tế.
Trong suốt kỳ họp thứ 6, người dân vẫn nhìn thấy những ghế trống trong lúc Quốc hội bàn các vấn đề, các dự luật quan trọng.
Ngày 4.11, khi bàn về chống lãng phí tại Quốc hội, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng nên tiết kiệm thời gian họp Quốc hội vì “mỗi phút ngồi hội trường, Nhà nước phải bỏ ra 2 triệu đồng, như vậy mỗi ngày họp mất khoảng 1 tỷ đồng.
Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khoá 13 được tổ chức tại Hội trường Bộ Quốc phòng. Theo ĐB Bùi Thị An, trên bàn họp có 5 nút bấm để các ĐB biểu quyết các vấn đề quan trọng trong chương trình làm việc của Quốc hội.
Các nút bấm này bao gồm: Điểm danh, Không biểu quyết, Không tán thành, Tán thành và Quay lại.
ĐB Dương Trung Quốc cùng một ĐB khác đã bấm vào nút "Không biểu quyết".
T.N.

Bao nhiêu ý kiến của nhân dân đã được quan tâm tiếp thu tại bản Hiến pháp mới?

Bao nhiêu ý dân đã được tiếp thu vào Hiến pháp?
Nhiều câu hỏi về Hiến pháp mới được đặt ra tại buổi họp báo sau khi bế mạc kỳ họp Quốc hội thứ 6...
Bao nhiêu ý kiến của nhân dân đã được quan tâm tiếp thu tại bản Hiến pháp mới? Đó là câu hỏi được đặt ra với Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại cuộc họp báo ngay sau khi kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa 13 kết thúc vào cuối chiều 29/11.

Với sự kiện Hiến pháp mới vừa ra đời, cuộc họp báo thường lệ cũng kéo dài hơn mọi lần và sự quan tâm của báo chí cũng tập trung chủ yếu vào sự kiện này.

Trả lời câu hỏi nói trên, Phó chủ tịch Quốc hội đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Uông Chu Lưu nói, việc đếm cụ thể bao nhiêu góp ý của người dân đã được tiếp thu cũng không phải khó, “nhưng không cần thiết đếm chi ly như vậy”.

Phó chủ tịch nhấn mạnh rằng, sau khi đã nhận trên 26 triệu lượt ý kiến góp ý, đến 30/9/2013 còn nhận được gần 700 văn bản đóng góp cho dự thảo. Trong quá trình chắt lọc nghiên cứu, các ý kiến xác đáng thì tiếp thu ngay, ông Lưu trả lời.

Các bản Hiến pháp trước chỉ “sống” được khoảng từ 10 - 20 năm, Hiến pháp lần này, được đánh là phù hợp tình hình thực tiễn và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước, vậy có thể hình dung Hiến pháp giá trị trong thời gian bao nhiêu lâu? Đó là câu hỏi tiếp theo được đặt ra với Phó chủ tịch.

Nhận xét câu hỏi rất thú vị, song Phó chủ tịch nói, ông chưa thể trả lời chính xác được. Đây là bản Hiến pháp phản ánh được nguyện vọng của đông đảo nhân dân và phù hợp với yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, còn câu hỏi trên thì thời điểm này thì không thể nói chuẩn xác được.

Phó chủ tịch cũng nhấn mạnh, "Hiến pháp chỉ có ý nghĩa sửa đổi trong quá trình là dự thảo, còn sau khi Quốc hội thông qua, đây chính thức là Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nước Việt Nam chỉ có một bản Hiến pháp".

Kết quả biểu quyết, theo Phó chủ tịch là đã thể hiện sự đồng thuận cao. Còn 2 đại biểu không biết quyết, đó là quyền của đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng như Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp không áp đặt bất cứ vấn đề gì.

Thu hồi đất sẽ rất chặt chẽ

Liên quan tới dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua sáng 29/11, có mặt tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng trả lời về việc điều chỉnh lần chót Điều 62 quy định về thu hồi đất phục vụ dự án phát triển kinh tế xã hội trong bản dự thảo trình Quốc hội thông qua.

Cụ thể, cơ quan soạn thảo đã sửa quy định này theo hướng đảo nội dung “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội” lên trước, đưa cụm từ “vì lợi ích quốc gia, công cộng” xuống vế sau như một điều kiện để ràng buộc.

Quy định như vậy, tinh thần cơ bản vẫn giữ nguyên như trước nhưng điều luật chặt chẽ hơn. Điều đó có nghĩa, dự án phát phát triển nào mà vì lợi ích quốc gia, công cộng thì mới được thu hồi đất. Quy định như vậy để loại bỏ những dự án đơn thuần vì lợi ích nhà đầu tư thì không được áp dụng thu hồi đất, Bộ trưởng giải thích.

Ông cũng quả quyết, vấn đề thu hồi đất sau này sẽ rất chặt chẽ, sẽ khắc phục được tình trạng tràn lan, phức tạp như vừa qua.

Chưa có cơ sở nói Quốc hội họp một ngày tốn 1 tỷ đồng

Nhận được câu hỏi của báo chí về công việc hậu cần khi dẫn lời một vị đại biểu nói khi thảo luận tại nghị trường là mỗi ngày Quốc hội làm việc tốn 1 tỷ đồng, trong khi thời gian có thể rút ngắn hơn 5 -6 ngày, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói chưa có cơ sở để khẳng định con số đó.

"Quốc hội họp tại Hội trường Bộ Quốc phòng là địa điểm được cho mượn, không tính chi phí, kể cả vấn đề phục vụ của đội ngũ an ninh, hậu cần… Theo đó, vấn đề cần phải lo chỉ là chi phí ăn ở, đi lại cho đại biểu về họp như tiền khách sạn, xe đưa đón", ông Phúc giải thích.

Không khẳng định con số 1 tỷ đồng, nhưng người phát ngôn của Quốc hội cũng không đưa ra một con số khác khi báo chí đề nghị, vì kỳ họp này chưa kết toán và mỗi kỳ có số chi phí khác nhau.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng khẳng định không thể bỏ nội dung nào trong chương trình nghị sự kỳ này. Kỳ họp thứ 6 kéo dài hơn vì có nội dung công tác nhân sự. Mà làm nhân sự phải chặt chẽ, cẩn trọng, đúng quy trình. Vì vậy, dù đại biểu mong muốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tìm hướng giảm thời lượng họp nhưng không được.
(VnEconomy)

Tin nóng: Công an bắt giữ TS Phạm Chí Dũng

9 giờ sáng ngày 29/11 anh Lê Quốc Quyết (em trai LS Lê Quốc Quân) cùng TS Phạm Chí Dũng chuẩn bị đến thăm TS Nguyễn Thanh Giang thì bị nhiều chục công an bố ráp và bắt giữ.

TS Phạm Chí Dũng (thứ hai bên phải) cùng bạn hữu trong lần đi Long An thăm hai sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha trước đây.
Để biết nguyên nhân của vụ việc, mời quí vị nghe cuộc trao đổi của Vũ Hoàng với ông Nguyễn Thanh Giang, trước hết ông Giang cho biết lý do có cuộc gặp mặt của ông với TS Phạm Chí Dũng:

TS Thanh Giang: Cách đây 2 hôm, nhà báo, nhà văn, TS Phạm Chí Dũng từ trong Sài Gòn ra có gọi điện thoại cho tôi và có hẹn 9 giờ sáng hôm nay đến thăm tôi. Lâu nay tôi cũng được biết tiếng, nhưng chúng tôi chưa gặp nhau bao giờ, tôi đã đọc bài của anh Phạm Chí Dũng rất nhiều và tôi rất quý kiến thức của anh ấy về kinh tế cũng như các nhận định xã hội và anh ấy lại là một lớp trẻ so với chúng tôi. Cho nên, tôi cũng thông báo mời một số bạn bè của tôi ở Hà Nội tới để trò chuyện cùng anh Phạm Chí Dũng.


∇ Nghe tường trình
Không ngờ, 9 giờ sáng, một lực lượng công an khá lớn phải đến vài chục người có xe cộ bao vây quanh nhà tôi và chặn ở đầu ngõ cách nhà tôi khoảng 60 mét, tất cả mọi người đều bị đuổi về. Người nằn nì cũng không được ở, người cáu bực, cãi cọ, lý sự với họ, mấy ông già cáu quá, quát mắng công an, nhưng họ cũng lì ra, không giải thích gì cả và nói hôm nay không được vào, đuổi về tất cả. Có một vài người lọt vào được đến nhà tôi thì bị 5-6 công an duyệt, người nhà tôi ra thì bị cấm không được mở cổng. Lúc tôi ra mở cổng ra, mời cả mấy anh em công an cùng các bác vào trong nhà xơi nước, chứ đứng ngoài rùm beng rồi mang tiếng tôi với hàng xóm. Nhưng họ không vào và cũng không cho ai vào cả, họ bắt mọi người về. Mọi người được ra về, riêng anh Lê Quốc Quyết là em Lê Quốc Quân cùng với anh Dũng thì bị bắt lên đồn công an ở cách nhà tôi hơn 1 cây số.

Bắt người không lý do 

Vũ Hoàng: Thưa ông Giang, lực lượng công an cảnh sát có nói lý do vì sao họ bắt giữ anh Quyết và anh Dũng không ạ?




Họ đưa ra một quyết định cảnh cáo như vậy và anh Phạm Chí Dũng hỏi họ vì sao thì họ cũng không đưa ra một lời giải thích vì sao cả.

» TS Nguyễn Thanh Giang
TS Nguyễn Thanh Giang: Cho đến bây giờ cũng không hiểu vì sao, cách đây khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ tôi có gọi được điện thoại cho anh Phạm Chí Dũng thì được biết là sau khi lên đấy, họ chỉ hỏi qua loa một số câu và họ thả anh Lê Quốc Quyết. Còn anh Phạm Chí Dũng thì bị giữ đến 3 giờ chiều để thẩm vấn nhiều chuyện suốt 6 tiếng đồng hồ, anh Phạm Chí Dũng nói là quá sức mệt mỏi. Tôi hỏi là họ hỏi những gì, họ hỏi nhiều chuyện, nhưng cuối cùng chốt lại họ đưa ra một quyết định cảnh cáo là anh Phạm Chí Dũng không được gặp 3 đối tượng: Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Văn Hải và Lê Thị Công Nhân. Họ đưa ra một quyết định cảnh cáo như vậy và anh Phạm Chí Dũng hỏi họ vì sao thì họ cũng không đưa ra một lời giải thích vì sao cả. Điều đó hoàn toàn vô lý vì anh Nguyễn Văn Hải và Lê Thị Công Nhân thì đang thụ án tù, chứ còn tôi đi với cách mạng suốt từ nửa thế kỷ trước, cho đến bây giờ, tôi chưa hề bị một cái án nào cả, không những thế, trong suốt cuộc đời làm công tác tôi cũng chưa bao giờ bị kỷ luật hay cảnh cáo gì cả, tôi làm ăn rất tử tế, tham nhũng dứt khoát là không. Những đóng góp của tôi đối với đất nước cũng không phải là nhỏ. Tôi không có khuyết điểm gì cả, mà mọi người coi tôi như một đối tượng đen xấu của xã hội, không cho tôi tiếp xúc với ai cả và không ai được tiếp xúc với tôi, thì điều đó hết sức vô lý.

Họ vừa nói họ thông qua Hiến pháp, họ thừa nhận quyền lãnh đạo của Đảng, Đảng có quyền lãnh đạo, nhưng Đảng phải sống theo Hiến pháp, pháp luật. Họ làm việc này là hoàn toàn vô lý, hoàn toàn chà đạp lên Hiến pháp, pháp luật, rồi họ vào Hội đồng nhân quyền LHQ thế mà họ chà đạp lên quyền sống của tôi. Tôi là ông già gần 80 tuổi rồi, tôi cũng cần có bạn bè, cũng cần được giao lưu với anh em, họ tước quyền sống tối thiểu của tôi thì hỏi rằng họ có xứng đáng là Ủy viên của Hội đồng LHQ không.

Vũ Hoàng: Xin được hỏi ông là trong những thông tin chúng tôi nhận được thì có nói là công an có khoảng 50 người đến bố ráp, lúc đó, ông Giang có chứng kiến được việc công an bắt người không?

TS Nguyễn Thanh Giang: Họ vây ráp cách nhà tôi từ đầu ngõ, cách nhà tôi chừng 60-70 mét, tôi cũng không ra được đến ngoài, tôi chỉ ở trong nhà thôi. Khi tôi mở cổng, tôi cũng không được bước ra và mọi người cũng không được cho vào, thành thử những gì xảy ra ngoài đó tôi cũng không được biết, chỉ có mấy ông già mô tả lại cho tôi, họ đông lắm, mấy cậu công an nhỏ tuổi, đáng tuổi con tuổi cháu nhưng nói rất hỗn xược, khăng khăng đẩy mấy ông ấy ra ngoài và không thèm giải thích điều gì cả.

Vũ Hoàng: Khi ông Thanh Giang nói là mời mấy người bạn tới thì ông có biết là bao nhiêu người bạn được mời tới không ạ?

TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi mời dây chuyền, tôi nhắn một vài người, để rồi họ nhắn lan rộng ra, thành ra tôi cũng chưa biết là đến bây giờ có bao nhiêu người bị đuổi về và có ai bị giam giữ nữa không thì tôi cũng không biết.

Vũ Hoàng: Vâng, xin được hỏi ông Giang câu cuối là khi ông nói ông liên lạc được với anh Phạm Chí Dũng có nghĩa là anh Phạm Chí Dũng đã được thả rồi hay vẫn còn đang bị tạm giữ?

TS Nguyễn Thanh Giang: Anh ấy được thả rồi và anh Phạm Chí Dũng đang phải ra sân bay để trở về Sài Gòn.

Vũ Hoàng: Cám ơn TS Giang rất nhiều ạ.

TS Nguyễn Thanh Giang: Dạ, không có gì.
Vũ Hoàng,
phóng viên RFA
Theo RFA

Phạm Chí Dũng - Global Witness cho Việt Nam: Hãy hành động!

tdcsvn-campuchia-305.jpg
Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN phá rừng để trồng cao su ở Campuchia.
Courtesy Global Witness
Con sóng Global Witness

Khác với sự kiện bản dự thảo sửa đổi lần cuối cho hiến pháp được Quốc hội mặc định một  cách khó có thể cực đoan hơn, năm 2013 lại đánh dấu mốc thời điểm không phải những doanh nghiệp quyền biến và tráo trở của Việt Nam có thể mặc tâm xâm hại môi trường sống và môi trường tự nhiên.

Cuộc theo đuổi không khoan nhượng của Global Witness - một tổ chức phi chính phủ lớn trên thế giới có trụ sở tại Anh - đối với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là một bằng chứng không hề mờ nhạt cho thấy xã hội dân sự trên thế giới đang và sẽ tiêu điểm hóa hình ảnh thụt lùi pháp trị của pháp quyền Việt Nam.

Vào trung tuần tháng 11/2013, Global Witness tiếp tục ra tuyên bố về việc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức không tuân thủ các cam kết về giải quyết xâm phạm môi trường và nhân quyền liên quan tới các khu rừng trồng cao su ở Campuchia và Lào.

Tuyên bố của Global Witness gần như đã nhập tâm: “Mặc dù HAGL đã cam kết giải quyết những vấn đề cấp bách này, nhưng đến nay hầu như vẫn chưa có bằng chứng cho thấy có bất kỳ sự thay đổi nào ở nơi diễn ra sự việc”.

Trước đó vào giữa năm 2013, Global Witness đã tạo nên một cơn chấn động chưa có tiền lệ về tác động của tổ chức phi chính phủ quốc tế đối với hoạt động vi phạm môi trường đã trở nên cố tật xấu xí của doanh nghiệp Việt Nam.

Vào lần này, Global Witness đi xa hơn một bước với đánh giá HAGL đang đem tới một mối rủi ro về tài chính và uy tín cho các nhà đầu tư của công ty, bao gồm ngân hàng Deutsche Bank của Đức và Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC). Như một hậu sự không thể tránh khỏi, Global Witness đồng thời đưa ra khuyến nghị các nhà đầu tư hãy thoái vốn khỏi HAGL.

Bà Megan MacInnes, một thành viên của Global Witness, còn không thiếu vẻ mỉa mai: “Hoàng Anh Gia Lai rất giỏi đưa ra các cam kết, nhưng rất kém trong việc giữ lời hứa. Công ty đã liên tục nói với chúng tôi và những người khác là sẽ nghiêm túc thay đổi cách thức làm việc, nhưng các bằng chứng thực tế cho thấy, việc đốn gỗ vẫn tiếp diễn và những người dân mất đất nông nghiệp vẫn đang phải vật lộn để kiếm sống”.

rubber-barons
Quang cảnh phá rừng do tập đoàn HAGL, trong phim tài liệu của Global Witness- GW documentary film
Trong một “thỏa ước” vào giữa năm nay, Global Witness đã cho HAGL thời gian 6 tháng để giải quyết các vấn đề bị cáo buộc. Sau cuộc họp đầu tiên với Global Witness vào tháng Sáu, HAGL tuyên bố sẽ có 4 tháng ngừng phá rừng và trồng cao su tại các khu vực đã thuê đất, đồng thời nhất trí sẽ tới thăm tất cả các khu làng bị ảnh hưởng để thảo luận và giải quyết những vấn đề mà người dân địa phương đang phải đối mặt.

Nhưng những phân tích độc lập về hình ảnh vệ tinh chụp khu vực rừng trong các diện tích mà HAGL thuê đất trong tháng 7-8/2013 cũng cho thấy rừng vẫn tiếp tục bị phá.

Vào tháng 8/2013, Global Witness đã phỏng vấn người dân ở 7 khu làng xung quanh các khu vực HAGL thuê đất ở Campuchia. Tại 3 trong số 7 khu làng này, người dân nói rằng HAGL vẫn chưa tới thăm làng của họ, còn ở 4 khu làng còn lại, người dân nói là lãnh đạo của HAGL từ chối thảo luận vấn đề tranh chấp đất đai hoặc rừng. Tại 6 trong số 7 khu làng này, người dân nói rằng, HAGL tiếp tục đốn gỗ tại và xung quanh các khu rừng trồng cao su của công ty trong thời gian mà công ty cam kết là dừng các hoạt động này.

Những bằng chứng khó bác bỏ do người của Global Witness trưng ra đã khiến không chỉ HAGL mà cả giới quan chức chính phủ đầy rẫy quan liêu và bao che của Việt Nam bắt đầu nhuốm cảm giác thiếu an toàn ngay trong nhà của mình.

Cùng với con sóng xã hội dân sự đang tràn đến như một xu thế khó cưỡng lại, xã hội phi chính phủ hiển nhiên đang dằn vặt thói ăn vặt chính sách đến mức mục nát độc tài ở Việt Nam.
Hoại tử giai đoạn cuối

Xã hội mục nát Việt Nam đang cần có ngay những Global Witness.

Hoặc nếu chưa thể có, môi trường ở đất nước đã bị tàn phá đến cạn kiệt nguồn tài nguyên này đang rất cần một sự hỗ trợ không chỉ bằng lời nói của xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ trên thế giới.

Đã đến lúc các tổ chức quốc tế về môi trường và nhân quyền cần lên tiếng từ chính cảm xúc và đủ mạnh mẽ của họ về quyền bảo vệ môi trường, quyền bảo vệ thân thể và quyền khiếu nại tố cáo của người dân Việt Nam đối với sự tàn hại môi trường cùng an lành dân sinh. Tác động của các tổ chức quốc tế và tốt hơn thế, nếu có được một phong trào dân sự về môi trường ở Việt Nam, sẽ khiến rút ngắn tuổi thọ của các “đày tớ” vô trách nhiệm, nhưng lại giúp cho người dân kéo dài được cuộc sống bớt băng hoại bởi cơn ung thư ác tính.

Hoàng Anh Gia Lai chỉ là một trong rất nhiều minh họa về tàn phá môi trường và khiến tiêu cực cho đời sống dân sinh. Những năm trước, cơn ác mộng xả chất thải ra sông Đồng Nai của Công ty Vedan và đặc biệt hơn - một sản phẩm được kết tinh từ chất liệu của Đảng là bà đại biểu quốc hội kiêm giám đốc Công ty Sonadezi Long Thành - đã biến môi sinh dân lành thành cơn ung thư giai đoạn cuối.

Vào tháng 11/2013, vụ xả lũ đồng loạt từ 15 hồ thủy điện ở miền Trung lại nằm trong chuỗi “giết sống” hơn bốn chục người dân một cách có hệ thống trong mùa mưa bão.

hagl-cambodia
Một khu rừng ở Campuchia được giao cho tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khai phá để trồng cao su.
Người dân nghèo Việt Nam giờ đây đang phải nhận những hậu quả không thể tưởng tượng gây ra bởi những chính sách vô trách nhiệm cùng giới điều hành vô đạo đức. Hàng trăm dự án thủy điện đã quét đi hơn 50.000 hecta rừng, hàng ngàn hecta đất ở, đất trồng trọt của người dân… khiến dân chúng phải chuyển nhà, chuyển cửa, mất nghề và khốn đốn trong sinh hoạt.

Cùng lúc và trên tất cả, nguồn cơn được nhiều người dân xem là “nguồn gốc tội ác” mà đã gây ra nạn cường hào ác bá cướp bóc đất đai chính là chế độ sở hữu đất đai toàn dân, cho đến nay vẫn không được các nhà lập pháp “ngủ gật” tỉnh ngộ chút nào trong hiến pháp, bất chấp quá nhiều kiến nghị của các nhóm trí thức trong nước, hải ngoại và kêu gào của lớp dân chúng dưới đáy.

Ngay cả quốc nạn mà dân oan rên siết khắp nơi về việc thu hồi đất đối với “các dự án kinh tế - xã hội” vẫn tiếp tục được Quốc hội và các cơ quan liên quan của Chính phủ gìn giữ một cách không thể không nghi ngờ về động cơ chia chác. Gần đây, những tờ báo trong nước đã phải hé lộ về những vụ “lobby” chính sách nào đó của các nhóm lợi ích bất động sản kết hợp với các nhóm thân hữu chính trị.

Cũng đã mấy tháng trôi qua kể từ thời điểm vụ chôn hóa chất độc xuống lòng đất của Công ty Nicotex Thanh Thái ở Thanh Hóa – dù đã bị người dân và báo chí tố cáo về chuyện kiến tạo nên những làng ung thư xung quanh, song thái độ và hành động gần như khuất lấp của chính quyền Thanh Hóa đang khiến cho dư luận đặc biệt nghi vấn về những thủ thuật bao che nào đó của cơ quan này cho Nicotex Thanh Thái. Cũng thật đáng nói thêm là thái độ này là rất gần gũi với các điều 182 và 182a của Bộ Luật hình sự.
Hãy hành động!

Tội ác đã trở nên không thể dung thứ ở Việt Nam. Những cái chết vẫn đang liên tiếp xảy ra và có quá nhiều hứa hẹn sẽ vẫn tiếp diễn, nếu không được một bàn tay nào đó ngăn chặn.

Với tất cả tội ác ấy, mọi việc đều có thể đặt lên bàn khởi kiện, nếu không nói đến việc truy tố là hoàn toàn nằm trong tầm tay các cơ quan pháp luật. Nhưng gương mặt vô cảm, vô trách nhiệm và biểu cảm đồng lõa của các cơ quan pháp luật đã dồn hết trách nhiệm vào nỗi đau xót của người dân.

Nhưng sau tất cả nỗi đau xót ấy, điều kỳ lạ là cho đến nay vẫn chưa có nổi một phong trào dân sự nào về môi trường ở Việt Nam. Tất cả vẫn chỉ dừng ở hình thức đơn thư khiếu nại và những cuộc biểu thị không người dẫn dắt.

Nhưng kinh nghiệm không kỳ lạ của xã hội phi chính phủ trên thế giới là dân chúng không thể thụ động trông chờ thái độ cải hóa và sự cải tiến tự thân của các cấp chính quyền, mà phải tạo được hành động tác động đối với chính quyền nhằm thay đổi chính sách bất công và những vấn đề liên quan.

Người dân cũng sẽ không thể có được quyền lợi gì nếu tự họ không đứng ra làm một điều gì đó để tự bảo vệ.

Trong xã hội Việt Nam đương đại và mềm yếu, luồng ý kiến cho rằng “con kiến kiện củ khoai” chỉ phơi bày tâm thế thụ động và hèn kém của số đông người dân Việt.

Ngược lại, nhân dân hoàn toàn có ít nhất một thứ quyền là bày tỏ thái độ phẫn nộ của mình. Thái độ đó có thể hiểu thị bằng những đơn kiện tập thể, đơn thư đòi truy tố trách nhiệm hình sự và cả những cuộc biểu tình như người dân huyện Tư Nghĩa ở Quảng Ngãi đã bùng phát vào tháng 11/2013.

Hành động của người dân ít nhất sẽ mang lại cho họ những kinh nghiệm ban đầu về kiến thức pháp luật và phương pháp tổ chức biểu thị sự bất bình. Bất công và tội ác sẽ không ngừng tiếp diễn trong những năm tới, còn người dân sẽ không có đường lùi nếu họ không tự tổ chức một xã hội dân sự của họ - điều có thể đem lại dân chủ trong một cảnh huống quá thiểu năng về tâm não của thể chế.

Chỉ khi chính những nạn nhân và những người bị tổn thương bởi tác hại môi sinh môi trường đứng ra hành động, dư luận trong nước và quốc tế mới có thể quan tâm đến họ một cách đầy đủ và sâu sắc hơn.

Để đến một lúc nào đó, khi người dân nhiều vùng đã được trang bị phương pháp đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình, sẽ không còn một chế độ độc tài chính trị và tham nhũng nào có thể ức hiếp được họ nữa.

Phạm Chí Dũng, Việt Nam 28-11-2013
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA

LS Nguyễn Văn Đài bị cản trở gặp đại diện ngoại giao Pháp, nhà báo Phạm Chí Dũng bị câu lưu

Luật sư Nguyễn Văn Đài (T) và nhà báo Phạm Chí Dũng
Luật sư Nguyễn Văn Đài (T) và nhà báo Phạm Chí Dũng (DR)

Thụy My (RFI)

Ngay sau khi Việt Nam mới được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đã liên tiếp xảy ra một số sự kiện cho thấy có vẻ như vẫn chưa có gì thay đổi đối với các nhà bất đồng chính kiến và các cây bút bình luận độc lập.

Hôm qua luật sư Nguyễn Văn Đài bị ngăn trở tiếp xúc với ông Jean-Philippe Gavois, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, và hôm nay 29/11/2013 đến lượt nhà báo tự do Phạm Chí Dũng bị câu lưu nhiều tiếng đồng hồ.

Trả lời RFI Việt ngữ, luật sư Nguyễn Văn Đài ở Hà Nội kể lại chi tiết sự việc :

∇ LS Nguyễn Văn Đài by Thụy My

LS Nguyễn Văn Đài : Tôi có hẹn trước với ông Bí thư thứ nhất của đại sứ quán Pháp tại Hà Nội là Jean-Philippe. Theo lịch hẹn thì khoảng 10 giờ sáng ngày 28/11 chúng tôi sẽ gặp nhau tại quán cà phê Gecko ở trên địa bàn Bách Khoa. Bởi vì từ khi tôi ra tù ngày 06/03/2011 thì hiện nay tôi vẫn đang bị quản chế, nên không thể ra khỏi khu vực của mình, và hầu hết các cuộc gặp giữa tôi với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài đều trong phạm vi phường Bách Khoa.

Từ sáng sớm tôi đã biết tin là cơ quan an ninh theo dõi chặt chẽ các buổi gặp này. Đúng 10 giờ tôi đến và chờ ông Jean-Philippe ở đó. Khi ông tới nơi, tôi có chỉ cho ông xem những nhân viên an ninh đang quây xung quanh khu vực chúng tôi đứng, và hỏi ông có ngại khi gặp tôi không. Ông nói là không có vấn đề gì cả, tôi cũng muốn xem cơ quan an ninh Việt Nam sẽ đối xử với chúng ta như thế nào, bởi vì cuộc gặp này là hoàn toàn hợp pháp.

Rất nhiều nhân viên an ninh dùng máy điện thoại chụp ảnh chúng tôi, thì ông Bí thư thứ nhất cũng lấy điện thoại của ông ra chụp ảnh lại họ. Sau đấy chúng tôi lên trên quán ngồi nói chuyện.

Cuộc gặp mới diễn ra được chừng khoảng bảy, tám phút gì đó thì người chủ quán đến nói là trưởng công an phường Bách Khoa đã gọi điện thoại cho anh, gây sức ép với anh là phải đuổi chúng tôi đi khỏi quán. Không được bán hàng và không cho phép ngồi tại chỗ, nếu không thì quán này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh.

Tôi nói rằng chúng tôi còn chờ một người bạn nữa tới rồi sẽ đi, chúng tôi không muốn để anh bị phiền hà. Chúng tôi ngồi thêm được ít phút nữa thì anh ta lại đến nài nỉ nói là bây giờ không đi không được, bởi vì công an gây sức ép rất lớn. Họ nói là không đi thì họ sẽ đóng cửa quán của anh ấy.

Đúng lúc đấy, ngoài tôi ra còn có anh Phạm Chí Dũng, là một blogger đồng thời là người bất đồng chính kiến rất nổi tiếng ở Saigon ra, cũng tham dự cuộc gặp này. Sau đấy chúng tôi đi tìm những quán khác cũng trong địa phận phường Bách Khoa để tiếp tục câu chuyện.

Khi vào một quán gần đó, mới ngồi khoảng ba, bốn phút thôi – trên đường đi thì công an và an ninh đã đi theo phía sau rồi – ngay lập tức công an nói với chủ quán là không được phép bán hàng hay phục vụ cho chúng tôi. Chúng tôi bèn trao đổi với nhau là ngồi nói chuyện thôi chứ không cần phải dùng đồ uống ở đây, và khi kết thúc cũng sẽ trả tiền cho chủ quán mặc dù họ không phục vụ.

Thế nhưng cũng chỉ được hai phút thì chị chủ quán chạy từ dưới tầng một lên tầng hai. Chị nói : « Chúng tôi không biết các anh là ai, nhưng công an họ ép chúng tôi phải đuổi các anh đi, nếu không họ sẽ phá hểt cả quán của tôi ». Và hiện giờ công an đã đến để tịch thu tất cả bàn ghế của họ ở trong quán rồi.

Chúng tôi trao đổi rất nhanh với nhau, thôi thì sẽ dời cuộc gặp này sang một thời gian thích hợp. Trong thời gian ngắn thì chúng tôi cũng đã kịp nói với nhau những vấn đề quan trọng nhất rồi, và làm quen với nhau.

Khi chúng tôi xuống thì thấy phía bên ngoài quán rất nhiều công an mặc thường phục cũng như sắc phục đang tịch thu những đồ đạc của quán đó. Sau đấy chúng tôi chia tay nhau. Ông Bí thư thứ nhất lên xe trở về sứ quán còn tôi và anh Phạm Chí Dũng quay về nhà.

Ông Nguyễn Văn Đài cho biết thêm :

LS Nguyễn Văn Đài : Tôi cũng nghe câu chuyện là Phạm Chí Dũng sáng nay có đi gặp bác Nguyễn Thanh Giang, cùng với một số bác cán bộ lão thành cách mạng có tư tưởng dân chủ, thì một số người cũng bị cơ quan an ninh bắt và câu lưu.
Lúc nãy trước khi anh Phạm Chí Dũng lên máy bay, tôi có nói chuyện với anh. Anh nói rằng họ đã lập biên bản cảnh cáo anh, vì anh đã có cuộc gặp với Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và một số người khác ở Hà Nội.

Tôi rất ngạc nhiên ! Việc công dân Việt Nam gặp nhau và chuyện hết sức bình thường. Thậm chí còn có quyền hội họp và rất nhiều quyền khác, mà tại sao cơ quan an ninh Việt Nam lại cảnh cáo công dân khi họ tiếp xúc với các công dân khác, dù luật pháp Việt Nam không có điều nào cấm các công dân gặp nhau.

Không những không bị cấm, mà còn là quyền của con người, được ghi nhận trong Hiến pháp, trong pháp luật cũng như Công ước quốc tế. Đó là một điều rất nực cười !

Việt Nam vừa được bầu và trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đến ngày 01/01/2014 sẽ chính thức có hiệu lực. Nhưng không hiểu sao cơ quan an ninh lại có những hành động rất là vi phạm nhân quyền như vậy, xâm phạm trực tiếp đến quyền của người dân Việt Nam. Tôi không hiểu là khi trở thành thành viên chính thức rồi thì những chuyện gì sẽ xảy ra, người dân chúng tôi vẫn chưa biết được.

Về phần cây bút bình luận Phạm Chí Dũng sau khi được trả tự do, khi đang chờ lên máy bay trở về Saigon đã cho chúng tôi biết như sau :

∇ Nhà báo Phạm Chí Dũng by Thụy My

Nhà báo Phạm Chí Dũng : Sáng nay, ngày 29/11 tôi có hẹn với tiến sĩ địa vật lý Nguyễn Thanh Giang. Ông rất nhiệt tình mong tôi tới chơi, và tôi cũng muốn đến thăm, vấn an sức khỏe của ông vì lâu nay chưa có cơ hội. Tôi hy vọng được gặp ông Giang lần đầu tiên.

Sáng nay tôi đi cùng với anh Lê Quốc Quyết, là em ruột của luật sư Lê Quốc Quân. Khi chúng tôi đến theo đúng hẹn 9 giờ sáng thì đã thấy có những nhân viên an ninh mặc thường phục lẫn sắc phục đứng ở cửa. Họ đề nghị chúng tôi không vào. Khi chúng tôi hỏi tại sao thì họ không nói lý do, và ngay lập tức họ mời chúng tôi đến đồn công an Trung Mỗ, xã Trung Văn huyện Từ Liêm để làm việc.

RFI : Theo như trên mạng thì lúc đó có đến khoảng gần 50 nhân viên công an ?

Nhà báo Phạm Chí Dũng : Thật ra lúc đó tôi không quan sát kỹ, nhưng tôi thấy trước mặt mình khoảng sáu, bảy người. Và khi đưa về đồn Trung Mỗ làm việc với tôi, có lẽ phải lên tới mười một, mười hai người.

Bộ phận an ninh làm việc với tôi ngày hôm nay tự xưng là cơ quan an ninh điều tra của công an Hà Nội, tức là PA 24. Sau đó có một người tự xưng là người của Cục Bảo vệ Chính trị 7 Bộ Công an, thì tôi mới nhớ ra Cục này cũng chính là cơ quan đã phối hợp với công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt tôi vào tháng 7/2012.

Khi đến đó, một lúc sau anh Lê Quốc Quyết được cho về. Còn tôi thì phải làm việc suốt từ 9 giờ sáng cho tới 3 giờ chiều. Họ hỏi rất kỹ tôi ra Hà Nội làm gì, gặp gỡ những người nào, và có ý đồ… gì không.

Tôi cũng nói rất rõ, tôi ra kỳ này có mục đích khảo sát về xã hội dân sự. Vì xã hội dân sự hiện nay theo tôi là một quan niệm khá rõ ràng, và tận dụng được những mặt mạnh của xã hội dân sự thì thể chế chỉ có tốt lên mà không yếu đi. Và tôi muốn gặp gỡ một số nhân vật để khảo sát. Đây là giai đoạn một của tôi, khảo sát những nhân vật ngoài đảng và giai đoạn hai nếu có thể được thì năm sau tôi sẽ khảo sát, thăm dò ý kiến những nhân vật trong đảng về xã hội dân sự.

Mục tiêu là tôi sẽ viết một cuốn sách nghiên cứu về xã hội dân sự ở Việt Nam. Theo tôi biết, cũng đã có những tín hiệu Nhà nước Việt Nam đang chủ động nghiên cứu và vận dụng xã hội dân sự vào những điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Tôi cho đó là một điều rất bình thường. Và việc gặp gỡ những nhân vật này, nhân vật kia, cho dù trước đây những nhân vật đó có thể đã bị bắt, nhưng sau đó cũng không có vấn đề gì và theo tôi thấy thì những nhân vật đó cũng ôn hòa thôi.

Nhưng cuối cùng sau cuộc làm việc, cơ quan an ninh đã làm một biên bản cảnh cáo tôi, liên quan tới việc gặp gỡ những người như ông Nguyễn Thanh Giang, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân.

Thực tình cảm giác của tôi, tôi cho là việc họ làm việc và giữ tôi trong vòng sáu tiếng đồng hồ cũng là bình thường thôi. Đối với tôi đó là chuyện nho nhỏ, không đáng kể. Có điều tôi vẫn ngạc nhiên là tại sao Nhà nước Việt Nam mới được chấp nhận vào Hội đồng Nhân quyền nhanh đến thế và hào hứng đến thế, mà lại hạn chế quyền đi lại và thăm hỏi của người dân.

Đó là một câu hỏi mà tôi nghĩ có thể là Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nên đặt ra đối với Nhà nước Việt Nam, đối với trường hợp những người như tôi hoặc như luật sư Nguyễn Văn Đài và kể cả những người khác nữa, có phải là thái độ tôn trọng nhân quyền hay không.
 

Viết tiếp những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bỏ dở

Đôi lời: Tựa bài do chúng tôi đặt lại cho đúng với tinh thần bài viết.

Thế nhưng, một câu hỏi cần đặt ra, là có phải HCM đã viết … ĐÚNG, và giờ thì chúng ta cứ vậy mà viết tiếp?

Có một mâu thuẫn quá lớn, chưa bao giờ được trao đổi công khai, tới cùng cho tường minh về cái hư ảo trong con người HCM, như thể trong ông có hai con người. Thế nhưng, tiếc rằng có không ít người vẫn muốn dựa dẫm vào bóng dáng hư ảo đó để tranh đấu với đám “học trò xuất sắc của Người”. Cách thức tranh đấu của họ là phân đôi một cách rất đơn giản con người HCM ra làm hai, một là nhà dân tộc, một là lãnh tụ cộng sản, để rồi đề cao cái chất “dân tộc” trong đó.

Như trong bài viết này, chỉ nhắc tới một HCM chống thực dân, phát xít để giành độc lập tự do, và mong muốn “viết tiếp” trang sử ông đang viết dở, mà như cố quên đi rằng khó có thể phủ nhận thực tế chính ông đã dính dự vào việc sổ toẹt những gì mình đang viết dở.

Đó chính là bi kịch của những người vẫn đinh ninh mình và toàn dân đang sống trong cái gọi là “thời đại Hồ Chí Minh”!

BT

Hồ Ngọc Nhuận - Viết tiếp

Lịch sử không để viết lại.

Nhưng lịch sử có thể bị bắt dừng lại, kéo lui. Mà độ lùi không chỉ tính bằng năm hay bằng nhiều chục năm.

Như ở nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên “anh em”, với đương kim “chủ tịch cháu nội”, Kim Jong-un nguyên soái, thì phải dừng lại bao nhiêu năm? Để toàn dân toàn quân Triều Tiên khóc đứng khóc ngồi trước cái chết của “chủ tịch cha” Kim Jong Il, y chang như đã từng khóc đứng khóc ngồi “chủ tịch ông nội” Kim Nhật Thành, chết cách đó 17 năm? Và để bất cứ cái gì, từ cái đi, cái đứng, đến cái tiếng hét trên các làn sóng điện, đều phải y chang những thứ cách đây hơn nửa thế kỷ?

Đó là chỉ tính theo ngày thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, tức từ năm 1948 cho đến nay là 65 năm. Chớ nếu tính trên tước vị của “chủ tịch ông nội” Kim Nhật Thành thì lịch sử nước này phải lùi về thời Tam Quốc Triều Tiên cổ đại đã thống trị bán đảo Triều Tiên trong hầu hết Thiên niên kỷ 1, và dừng lại cho tới hết đời “ông chủ tịch cháu nội” hiện nay và nhiều đời con cháu ông ta nữa. Để cho “chủ tịch ông nội” trở thành “Chủ tịch vĩnh cửu” theo hiến pháp của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Trước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ba năm, trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đọc tại Hà Nội ngày 02 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án bọn thực dân Pháp như sau: …Hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào… Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân… Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn…Chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật…”.

Lời kết án đanh thép đó vang lên đã hơn 68 năm rồi mà cứ ngỡ như mới hôm nay.

Như mới hôm nay, cũng đang có một đám người liên tục muốn bắt lịch sử, đất nước, dân tộc ta phải lùi lại, để sống kiếp sống mà bọn thực dân, bất chấp nhân đạo và chính nghĩa, đã “ban bố” cho ông cha ta trong ngót 80 năm.

Hơn 68 năm về trước, “về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”, chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án bọn thực dân như vậy đó. Còn bây giờ, suốt 68 năm qua, về chính trị, có ai được một chút tự do dân chủ nào, xin cho biết? Cả những đảng viên cộng sản? Cả ông Đại tướng khai quốc công thần, và tất cả các ông tướng? Có ai tự do độc lập ứng cử đắc cử vô các Hội đồng, vô cái Quốc hội của Đảng, ngoài các đảng viên được Đảng cầm quyền chỉ định? Có bao nhiêu người yêu nước, kể cả các đảng viên cộng sản, đã bị thẳng tay đàn áp? Có một tổ chức chính trị nào được tồn tại, ngoài Đảng cầm quyền? Có một tổ chức văn hóa, xã hội, chuyên môn, nghề nghiệp… nào không bị Đảng cầm quyền nắm trong tay?…

Hơn 68 năm về trước, “chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân”. Còn bây giờ, suốt 68 năm qua, ai độc quyền trói buộc tư tưởng văn hóa, với mạng lưới các ban tư tưởng văn hóa bao trùm lên khắp nước? Ai nắm hết các báo chí, các phương tiện truyền thông, các cơ sở phát hành, in ấn, kể cả sách giáo khoa, kể cả kinh bổn tôn giáo? Tuyệt đối, khắc nghiệt… hơn cả bọn thực dân? Bởi chế độ thực dân còn để cho “người An Nam” làm báo, viết báo tự do. Còn bây giờ, 68 năm sau, có người Việt Nam độc lập nào ở đây được tự do làm báo, viết báo? Ai miệng nói xây dựng dân chủ mà giựt sập không chừa một cây cột nào của tòa nhà dân chủ, hàng đầu là cây cột tự do báo chí, là Quyền Thứ Tư của nền Dân Chủ? Ai miệng nói Nhà nước Pháp quyền mà “vo tròn nhập cục” ba Quyền Nhà nước làm một trong tay một đảng độc tôn cầm quyền duy nhất? Ai đang thi hành chính sách ngu dân hơn cả mọi chế độ phong kiến? Bởi phong kiến còn biết huy động, tận dụng người tài.

Hơn 68 năm về trước, “chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu”. Còn bây giờ, suốt 68 năm qua, hầm mỏ, nguyên liệu do các tập đoàn nước ngoài nào được thả cửa cho tha hồ khai thác? Ruộng đất nào thuộc về “người cày có ruộng”? Ruộng đất nào “thuộc về toàn dân” để bị “bọn chúng cướp không” đến nỗi người dân phải tự thiêu, tự xử?

Hơn 68 năm về trước, “chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”. Còn bây giờ, suốt 68 năm qua, có anh chị lao công, lao động nào… được có nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng? Có anh chị công nhân nào được các công đoàn nhà nước bênh vực khi bị các tập đoàn tài phiệt trong ngoài nước hà hiếp, bóc lột?

Hơn 68 năm về trước, “… hành động của bọn thực dân… áp bức đồng bào ta… là trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Còn bây giờ, hành động của những ai đang muốn kéo lùi lịch sử, kéo lùi đất nước, để dân tộc này, gồm già trẻ gái trai người Việt Nam của thế kỷ 21, phải sống trở lại kiếp sống “không có chút tự do dân chủ” nào, như dưới ách nô lệ thực dân cả 100 năm trước, là trái hẳn với mọi thứ đạo lý làm người.

Một dân tộc vừa liên tục trui rèn qua bốn cuộc chiến thảm khốc trong vòng 40 năm, luôn được ca ngợi là anh hùng, và không chỉ một lần anh hùng, thì sao lại xứng đáng bị nắm ót kéo lui để sống kiếp sống cúi đầu như một dân tộc bị mất nước?

…Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm… dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!… Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự hào tuyên hứa.

Dân tộc đó cũng quyết không để bị ai kéo lùi lịch sử của mình lại.

Mà phải viết tiếp. Viết gì?

Viết những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bỏ dở.

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đọc tại Hà Nội ngày 02 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ” còn có một lời “bất hủ” khác, tiếp theo. Mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bỏ dở. Đó là: “Để bảo đảm cho các quyền đó, các chính quyền được thiết lập giữa mọi người, và quyền hành của họ phải được xuất phát từ sự đồng thuận của những người họ quản lý. …” [1].

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ chí Minh cũng đã viết: “Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. (Điều 1)

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được…

Nhưng bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:

Điều 2: Mục đích của mọi tổ chức chính trị là bảo tồn các quyền tự nhiên và tuyệt đối của con người. Các quyền đó là quyền tự do, quyền sở hữu, quyền an ninh và quyền chống lại sự áp bức.

Điều 16: Xã hội nào không bảo đảm các Quyền con người, cũng không quy định rõ sự phân chia ba Quyền(Quyền Lập Pháp, Quyền Hành Pháp, Quyền Tư Pháp) thì xã hội đó không có Hiến pháp [2].

Đây cũng là những lẽ phải không ai chối cãi được. Và phải được mọi người dân Việt thời đại Hồ Chí Minh và mọi thời đại viết tiếp. Để cùng nhau xây dựng cho mỗi người và mọi người một xã hội, một thế giới, một ngày nay, một ngày mai xứng đáng với con người.
TP Hồ Chí Minh, 28-11-2013

Hồ Ngọc Nhuận
Theo Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự



Chú thích:

(1) IN CONGRESS, July 4, 1776. The unanimous Declaration of the thirteen united States of America,

“… We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their

Creatorwith certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness.

That to secure these rights, Governments are instituted among Men, deriving their just powers from the consent of the governed

(2) Déclaration des droits de l’homme et du Citoyen du 26 août 1789. La Déclaration des droits de l’homme et du Citoyen de 1789 a été placée en tête de la Constitution de 1791.

Le préambule de la Constitution du 4 octobre 1958 a remis en vigueur les dispositions de la Déclaration de 1789, comme l’avait fait lepréambule de la Constitution du 27 octobre 1946

Article premier. – Les hommes naissent et demeurent libres et égaux en droits. Les distinctions sociales ne peuvent être fondées que sur l’utilité commune.

Article 2. – Le but de toute association politique est la conservation des droits naturels et imprescriptibles de l’homme. Ces droits sont la liberté, la propriété, la sûreté et la résistance à l’oppression.

Article16. – Toute Société dans laquelle la garantie des Droits n’est pas assurée, ni la séparation des Pouvoirs déterminée, n’a point de Constitution.”

Đặng Huy Văn - Xin cô đừng gào lên trên biển Đài Loan như thế!

Đặng Huy Văn: Năm 1972, trường chúng tôi có một thời gian sơ tán về huyện Việt Yên, thuộc tỉnh Bắc Giang ngày nay để tránh máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội. Tôi đã tình cờ quen một cậu học trò tiểu học khoảng mười tuổi hiền lành tên là Chấn thỉnh thoảng đi học về có qua chỗ chúng tôi đang dạy học để chơi. Tôi rất mến cậu ấy vì trông cậu ấy buồn buồn và rất dễ thương. Nhưng cuối năm đó chúng tôi về Hà Nội và hình ảnh cậu trò nhỏ hiền lành đó đã đi vào quên lãng. Rồi hơn 30 năm sau, tôi đọc báo biết tin về vụ án “giết người, cướp của, hiếp dâm” Nguyễn Thanh Chấn tại Bắc Giang chợt tôi ngờ ngợ về cái tên “em Chấn” ngày nào? Tôi đã phải về tận Việt Yên để dò hỏi tin tức thì chính xác Nguyễn Thanh Chấn, “cậu em” ngày đó của tôi chính là “thủ phạm” khiến tôi rất buồn!


Hôm nay, mọi oan ức của “cậu em Chấn” vừa được giải tỏa thì tôi đọc mạng mới biết được cô con gái thứ hai của ông Nguyễn Thanh Chấn tên là Nguyễn Thị Quyền đang lao động tại Đài Loan khi biết tin bố được ra tù đã tranh thủ lúc được nghỉ ra biển Đài Loan gào lên: “Bố đã được tự do rồi!” để giải tỏa mọi đau đớn đằng đẳng 10 năm, thì tôi đã bật khóc! Và tôi đã viết bài viết mộc mạc này để nhờ các trang mạng xã hội gửi sang Đài Loan cho cô ấy. Tôi xin trân trọng cám ơn các trang mạng đã chuyển giúp tôi “bức thư” này tới cô Nguyễn Thị Quyền, cô con gái của ông Chấn đang lao động tại xứ Đài.

Chị Nguyễn Thị Quyền, con gái ông Nguyễn Thanh Chấn, hiện đang lao động tại Đài Loan

XIN CÔ ĐỪNG GÀO LÊN TRÊN BIỂN ĐÀI LOAN NHƯ THẾ!
(Thân gửi cô Quyền, con gái ông Chấn đang lao động tại Đài Loan)

Xin cô đừng gào lên trên biển Đài Loan như thế!(1)
Làm dân Đài Loan sẽ “hiểu nhầm” đảng cộng sản thì sao
Nỗi oan của ông Chấn bố cô chẳng qua cũng chỉ là giọt nước(2)
Sao so được “công ơn trời biển” của đảng ta với dân tộc đồng bào?

Quốc Hội VN họp đã giành cả ngày để thảo luận về ông Chấn(3)
Là con gái yêu của ông mà cô không cảm thấy “tự hào” sao?
Ông Chấn đã bị oan, nhưng còn có biết bao người oan nữa
Cả vạn lương dân bị bắn “nhầm”, mà có ai nhắc đến đâu!

Bố cô bị án chung thân nhưng còn được đưa ra xét xử
Còn trước đây người bị án tử hình chỉ là mệnh lệnh suông
Nghe nói lệnh truyền xuống từ một xứ xa xôi ngoài lãnh thổ
Oan khiên chồng oan khiên từ trên trời, đâu phải tự trung ương!

Họ bắn bác tôi, một thầy giáo hiền lành, một người dân mẫu mực(4)
Rồi bắt tôi đứng xem người bác thân yêu tim phọt máu óc trào!
Tôi nhắc lại để cô hiểu được rằng đảng ta ngày nay đã khác
Cũng là họ trước đây nhưng giờ không ác đến thế đâu!

Nghe nói trong kỳ họp tới, Quốc Hội ta sẽ đưa ra thảo luận
Về các vụ án oan như Điếu Cày, Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân…
Vì chính phủ ta nay đã là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ
Lẽ nào lại bắt giam tràn lan những người đòi các quyền sống của công dân?

Nhưng việc đảng nói, Quốc Hội họp thường kỳ, thảo luận là thảo luận
Việc bố cô bị ép cung, bức cung chỉ là lỗi của các chú điều tra viên
Ai sẽ ra làm chứng cho bố cô để các chú điều tra viên nhận tội?
May mẹ cô tìm ra hung thủ, nếu không bố cô vẫn oan khiên!

Từ nay cô đừng bao giờ gào lên trên biển Đài Loan như thế nữa!
Cô có thương mẹ cha thì hãy chăm làm để tranh thủ kiếm thêm tiền
Vì theo ông TBT thì đất nước mình hết thế kỷ này sẽ ra sao chưa ai rõ
Còn các vụ án oan sai thì càng gào to, chúng sẽ càng phát triển thêm lên!

Các cô nếu có thời gian, hãy cố gắng đến thăm Miêu Lật, Đồng La một chuyến
Có sách viết rằng “cha già của dân tộc ta” cũng là người sắc tộc Khách Gia(5)
Tôi không tin vì thiếu xét nghiệm ADN, nhưng đã ở Đài Loan thì nên đến
Hãy thắp hương cho “tổ tiên”, vì nhỡ may đó là nhà thờ tổ của “cha”?

Tôi thương bố cô lắm, đã coi ông như người em trai của tôi lúc bé
Vào năm 1972, khi trường tôi sơ tán về Việt Yên, bố cô mới lên mười
Đã phải đi chăn bò, bắt cá mò cua, nhặt thóc lép để phụ thêm giúp đỡ mẹ
Và ông rất hiền, biết vâng lời nên chẳng ai ngờ ông chỉ còn mình mẹ, cô ơi!

Ở bên đó, các cô chớ bắt chước dân Đài Loan đòi bình quyền bình đẳng
Mà về Việt Nam lại gian nan như mẹ con cô Trần Thị Nga ở Hà Nam(6)
Phải gắng học cách sống của dân Bắc Triều Tiên và Trung Cộng
Vì họ cũng như ta “vạn lần dân chủ hơn tư bản” tại Đài Loan!

Tôi thân chúc cô sớm có đủ tiền để về thăm anh em và bố mẹ
Khi về đến Làng Me dù quá vui, tôi mong cô hãy đừng có thét gào
Hãy đợi đến ngày nước non đạt được niềm vui chung của toàn dân tộc
Lúc đó hãy gào vang trời cho hả lòng 68 năm sống khổ nhục thương đau!

Hà Nội, 29/11/2013

Đặng Huy Văn

Bài do tác giả gởi. TTHN biên tập và minh hoạ.

GHI CHÚ & TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(1). Con gái ông Chấn từ Đài Loan: 'Tôi đã chạy ra biển và gào lên'
(2). Xung quanh vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn bị xử “oan”: Xét xử và kháng nghị tái thẩm đều sai?
(3). Chánh án TANDTC trả lời chất vấn vụ án Nguyễn Thanh Chấn
(4). Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam – Wikipedia tiếng Việt
(5). e-ThongLuan - Hồ Chí Minh sinh bình khảo (Hồ Tuấn Hùng)
(6). Trần Thị Nga bị bắt, bị đánh khi đến phòng tiếp dân | Nguyễn TườngThụy

Ngày 30/11/2013 - Luật Đất đai (sửa đổi): Vẫn cho phép thu hồi đất để xây khu đô thị mới

  • "Vùng phòng không" Trung Quốc : Cơ hội vàng cho Mỹ (RFI) - Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không tại Biển Hoa Đông là chủ đề được nhiều báo Pháp chú ý. Le Monde có bài << ''Chiến lược xoay trục'' về Châu Á của Mỹ bị thách thức bởi căng thẳng tại vùng Biển Hoa Đông >>. Mở đầu bài viết với nhận định : << Nếu Barack Obama cần một cuộc khủng hoảng để chứng minh cho chiến lược xoay trục về Châu Á, thì các cơ hội đã đến>>.
  • Hàn Quốc sẽ tham gia TPP ? (RFI) - Hàn Quốc vừa tiến thêm một bước trong việc tham gia khối tự do thương mại mang tên Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà 12 quốc gia trong ...
  • Biểu tình Bangkok 'có thể sắp giải tán' (BBC) - Thủ tướng Yingluck Sinawatra nói với BBC rằng sẽ không có bầu cử sớm để chấm dứt biểu tình chống chính phủ trong ngày biểu tình thứ sáu liên tục.
  • 'Số đông chưa phải là chân lý' (BBC) - Như trông đợi, Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi với tỷ lệ bỏ phiếu thuận lên đến 97%.
  • 'Quốc hội khóa 13 có tội với dân tộc' (BBC) - Giáo sư Tương Lai nói Quốc hội Việt Nam đã thông qua một hiến pháp 'đẩy lùi sự phát triển của dân tộc' và nói sẽ đến lúc người dân thôi giữ im lặng.
  • Ý kiến: Nên 'giải tán Quốc hội' (BBC) - Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nói Quốc hội nên "giải tán" sau khi thông qua Hiến pháp sửa đổi giữ nguyên sự lãnh đạo của Đảng.
  • Dân khổ khi thủy điện xả lũ? (BBC) - Tác giả bàn về truyền thông hướng dư luận về chuyện thủy điện và gợi ý giải pháp khắc phục lụt lội do xả lũ.
  • B-52 của Mỹ sẽ trở lại Biển Đông? (BBC) - Ý kiến rằng B-52 bay qua vùng nhận dạng phòng không của TQ ở Hoa Đông giúp một phần dư luận Việt Nam đỡ lo hơn về Biển Đông.
  • Vùng “chết” của máy bay (BaoMoi) - Trung Quốc mới thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông vào ngày 23-11 vừa qua, gây căng thẳng với Nhật Bản. Bất kỳ máy bay nào vào ADIZ khi không được phép đều là một mối đe dọa, bị đối xử như máy bay của kẻ thù
  • Đài Loan sẽ “nói cứng” với Bắc Kinh về vùng phòng không (BaoMoi) - (TNO) Cơ quan lập pháp Đài Loan ngày 29.11 đã chỉ trích vùng nhận dạng phòng không mới được Trung Quốc thiết lập trên biển Hoa Đông (ECSADIZ). Các dân biểu của vùng lãnh thổ này đã ra tuyên bố chung, đòi người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu bày tỏ sự "phản đối nghiêm khắc" với Bắc Kinh.
  • Hàn, Nhật xem xét mở rộng vùng nhận dạng phòng không (BaoMoi) - (TNO) Hãng thông tấn Yonhap ngày 29.11 đưa tin, Hàn Quốc đang xem xét mở rộng vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của nước này khi căng thẳng tiếp tục dâng cao trong khu vực.
  • Hàn Quốc hối thúc Trung Quốc điều chỉnh "vùng không phận" (BaoMoi) - Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 28/11 ra tuyên bố cho biết, việc Trung Quốc đơn phương định ra vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông không ảnh hưởng tới việc Hàn Quốc sử dụng đảo I eo, thuộc cực Nam đảo Jeju của Hàn Quốc.
  • Hàn Quốc cân nhắc mở rộng Vùng Nhận dạng Phòng không (BaoMoi) - Hãng Yonhap ngày 29/11 đưa tin Seoul đang cân nhắc mở rộng Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của nước này (KADIZ) trên biển Hoa Đông, sau khi Trung Quốc từ chối thay đổi vùng ADIZ mà Bắc Kinh tuyên bố mới đây theo hướng tránh xa KADIZ.
  • Thế giới 24g: Trung Quốc thách Nhật bỏ vùng phòng không (BaoMoi) - (MegaFun) - Trung Quốc và Nhật vẫn tiếp tục căng thẳng vì vấn đề Trung Quốc lập vùng phòng không của nước này trên biển Đông; Ít nhất tám người chết và 59 người bị thương trong trận động đất ở Iran... là những tin nóng trên thế giới 24g qua.
  • Trung Quốc “sa lầy” giữa hai biển lớn (BaoMoi) - PN - Trong hơn một tuần qua, Trung Quốc (TQ) đã có một số động thái thể hiện chính sách “gây hấn” trên cả hai biển lớn phía Đông và phía Nam nước này và bị cộng đồng quốc tế kịch liệt lên án.
  • Cô giáo mầm non xoạc chân tạo dáng trên cổ học sinh (BaoMoi) - (Tin tức 24h) - Cộng đồng mạng Trung Quốc đang vô cùng phẫn nộ với một cô giáo mầm non ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam sau khi bức ảnh cô này xoạc chân tạo dáng trên đỉnh một tháp người do chính những học sinh bé nhỏ đang oằn mình tạo nên được tung lên mạng.
  • Mon men ra xa bờ, Liêu Ninh rất dễ bị “hạ sát” (BaoMoi) - ANTĐ - Sáng 26-11, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã khởi hành từ Thanh Đảo xuống khu vực biển Đông, đi theo làm nhiệm vụ hộ tống cho nó là 2 tàu hộ vệ và 2 tàu khu trục, mang theo một số máy bay trực thăng. Tuy nhiên, chừng đó vẫn là chưa đủ, Liêu Ninh rất dễ bị hạ vì thiếu máy bay cảnh báo sớm, máy bay chống ngầm, trong khi J-15 chưa có khả năng tác chiến.
  • Tàu sân bay Liêu Ninh có thể neo đậu tại Hải Nam (BaoMoi) - (Petrotimes) – Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân ngày hôm qua (28/11) cho biết, cảng hải quân ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, phía Nam nước này có đủ khả năng cho tàu sân bay Liêu Ninh neo đậu.
  • TQ âm mưu biến không phận quốc tế thành không gian hàng không nội địa (BaoMoi) - (GDVN) - "Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập ADIZ ở Hoa Đông và những gì họ làm là nhằm biến một khu vực không phận quốc tế thành không gian hàng không nội địa của Trung Quốc. Đó là hành vi xâm phạm quyền tự do của các chuyến bay trong không phận quốc tế và gây ảnh hưởng đến an toàn của các hãng hàng không dân dụng", Ngoại trưởng Philppines nói.
  • Bài học Vùng thông báo bay Hoàng Sa, nguy cơ "nhận diện PK" Biển Đông (BaoMoi) - (GDVN) - Thủ đoạn của TQ áp dụng nhìn bề ngoài thường mang tính chất kĩ thuật, thương mại mà họ vẫn làm trong lĩnh vực hàng không, địa chất, khí tượng….nhưng bản chất lại nhằm để giành lấy sự công nhận mặc nhiên hay vô tình của các tổ chức quốc tế, thậm chí là các nước có liên quan về cái gọi là "chủ quyền" của TQ ở các khu vực tranh chấp. Tôi cho rằng đó mới là tính toán, thâm ý của Trung Quốc.
  • Trung Quốc đủ trình độ kiểm soát ADIZ (BaoMoi) - (Kienthuc.net.vn) - Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc tuyên bố, những tiến bộ về hệ thống kiểm soát và giám sát trên không của họ thừa sức giúp Bắc Kinh quản lý ADIZ trên Biển Hoa Đông.

Luật Đất đai (sửa đổi): Vẫn cho phép thu hồi đất để xây khu đô thị mới

(TNO) Với tỷ lệ 89,96% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội vừa thông qua luật Đất đai (sửa đổi) sáng nay 29.11.

Các đại biểu Quốc hội trong phiên họp ngày 28.11- Ảnh: Ngọc Thắng
Trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự luật, Quốc hội đã biểu quyết riêng về 3 điều, gồm 26, 126 và 166, liên quan đến bảo đảm của nhà nước đối với người sử dụng đất; về đất sử dụng có thời hạn; và quyền chung của người sử dụng đất, cũng với đa số phiếu thuận.

Với nội dung có nhiều ý kiến góp ý nhất của dự luật là quy định về thu hồi đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra đọc Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật đất đai (sửa đổi) cho hay, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhiều đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại Điều 62 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong các trường hợp như sau:

Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất; thực hiện các dự án do Thủ tướng chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất như: dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp quốc gia. Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải.

Trường hợp thứ 3 về thu hồi đất là nhằm thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, bao gồm: Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương. Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải. Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng. Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản.

Luật hóa việc thuê tư vấn định giá đất

Với nội dung về giá đất, luật Đất đai (sửa đổi) tại Điều 113 quy định: Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 114 cũng được tiếp thu góp ý để bổ sung theo hướng: UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể.

Việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp. Căn cứ kết quả tư vấn giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình UBND cùng cấp quyết định.

Hội đồng thẩm định giá đất gồm Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch và đại điện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất.

Ngoài ra, tiếp thu đề nghị quy định kết quả tư vấn của tổ chức tư vấn định giá đất là một trong các căn cứ để UBND cấp tỉnh quy định, quyết định giá đất, luật Đất đai (sửa đổi) tại Khoản 4 Điều 115 được chỉnh lý lại: Giá đất do tư vấn xác định là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định giá đất.

Luật Đất đai (sửa đổi) với 14 chương, 212 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2014.
Bảo Cầm
(Thanh niên)

Uy tín của báo Văn Nghệ

Chuyện không thể lãng xẹt hơn: Một nhân viên sân golf tại một khu du lịch bị truy tố về tội trộm cắp tài sản của khách. Một nhà thơ, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa, phóng viên báo Văn Nghệ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, kiêm luật gia, hội viên Hội Luật gia Việt Nam, ông Phùng Thế Dũng, bị gia đình bị cáo – thông qua một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Khánh Hòa – phát giác đã nhận 70 triệu đồng với lời hứa sẽ dàn xếp, lo trọn gói để bị cáo được giảm án và hưởng án treo, nhưng thất hứa. Vụ chạy án không thành, bị cáo vào tù và nửa năm sau ông Dũng bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Gần một năm rưỡi sau, quyết định khởi tố bị hủy bỏ.
Nhưng đoạn kết thì có phần thú vị: Văn phòng đại diện báo Văn Nghệ tại Nam Trung bộ có công văn yêu cầu Đoàn Luật sư Khánh Hòa chỉ đạo đăng tin xin lỗi công khai trên báo tỉnh vì đã “làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của báo Văn Nghệ và nhà báo Phùng Thế Dũng“. Song thay vì chỉ đạo xin lỗi, Đoàn Luật sư Khánh Hòa lại công khai từ chối yêu cầu của báo Văn Nghệ.
Chạy là bản năng sống còn và mệnh lệnh tồn tại ở Việt Nam thời đại chuyên chế vô chính phủ này, là động từ quan trọng nhất trong tiếng Việt hiện đại, là hành vi xã hội chủ đạo, là con đường nhận thức thế giới hiệu quả nhất và trải nghiệm nhân sinh sâu sắc nhất của chúng ta. So với những “tử hình chạy chung thân, chung thân chạy đặc xá” chẳng hạn thì chuyện chạy cái án treo với cái giá 70 triệu khá khiêm tốn quả thật không có gì đáng để mất danh dự. Nếu mất thì cả một xã hội đang đồng lòng và đồng lõa chạy đã mất cả rồi. Song công cuộc đi đòi danh dự của ông Dũng vẫn đáng quan tâm, ít nhất để xác nhận rằng ở những chỗ bất ngờ nhất, công lí ở Việt Nam vẫn có thể rình rập.

Còn uy tín của báo Văn Nghệ? Giấy nhận tiền của gia đình bị cáo do ông Dũng, Phó trưởng Văn phòng Đại diện của báo này tại Nam Trung Bộ, viết tay (xem hình kèm theo, vốn đăng trên trang Công an Nhân dân) gồm 67 chữ kể cả tên người và địa danh cho thấy 22 lỗi chính tả và lỗi chấm câu, chưa kể lỗi diễn đạt và hình thức trình bày như thường thấy ở người ít học.
Chính tả tuy vô dụng trong các cuộc chạy, song ít nhất cũng là phép lịch sự với ngôn ngữ. Những người phụ trách cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn như ông Phùng Thế Dũng nên biết sử dụng tiếng Việt ở mức tối thiểu. Trước khi tiếp tục yêu cầu ai đó chỉ đạo xin lỗi để khôi phục một uy tín xã hội nào đó đã sứt mẻ, báo Văn Nghệ nên tự khôi phục uy tín chuyên môn của mình.
Tháng 11 29, 2013
Phạm Thị Hoài
© 2013 pro&contra 

Global Times : Nhật phải là mục tiêu chính của vùng phòng không

Bản đồ vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc đơn phương thiết lập (ảnh internet)
Bản đồ vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc đơn phương thiết lập (ảnh internet)

Thụy My (RFI)

Nhật báo Global Times của Trung Quốc hôm nay 29/11/2013 khẳng định, Nhật Bản phải là « mục tiêu chủ yếu » của vùng nhận dạng phòng không do Bắc Kinh quy định. Tờ báo nổi tiếng là dân tộc chủ nghĩa cho rằng tình hình căng thẳng dâng cao thậm chí có thể dẫn đến một cuộc « chiến tranh lạnh ».

Global Times viết : « Chúng ta phải không ngần ngại sử dụng những biện pháp đối phó đúng lúc khi Nhật từ chối tuân thủ vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc quyết định ».

Cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc hôm qua đều khẳng định đã gởi phi cơ bay qua vùng này mà không báo cho chính quyền Trung Quốc, sau phi vụ của hai chiếc B-52 của Mỹ vào đầu tuần. Nhưng theo Global Times, thái độ của Hoa Kỳ và Hàn Quốc có thể được bỏ qua, vì Nhật Bản mới là « mục tiêu chủ yếu » trong khu vực.

Tờ báo nhấn mạnh : « Nếu Hoa Kỳ không đi quá xa, chúng ta sẽ không nhắm vào họ trong vùng nhận dạng phòng không của ta. Điều mà ta phải làm hiện nay là kiên quyết chống lại mọi hành động khiêu khích của Nhật Bản ».

Tương tự, những đả kích từ Úc « có thể được ngó lơ trong lúc này » vì hai nước « không có những bất đồng thực sự ». Bắc Kinh « không cần thay đổi thái độ đối với Seoul », vì Hàn Quốc cũng đang có quan hệ căng thẳng với Nhật Bản.

Được đơn phương tuyên bố vào thứ Bảy tuần trước, vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc bao trùm một phần lớn biển Hoa Đông và phủ lên khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bắc Kinh quy định các phi cơ bay ngang qua vùng này phải trình kế hoạch bay, cho biết quốc tịch và giữ liên lạc vô tuyến với chính quyền Trung Quốc. Những đòi hỏi trên đã gây ra một trận bão ngoại giao trong khu vực.

Hôm qua Trung Quốc đã cho các phi cơ chiến đấu bay lên tuần tiễu vùng này. Global Times cảnh cáo : « Nếu cứ tiếp tục, có thể sẽ có những vụ va chạm và đối đầu (giữa Trung Quốc và Nhật Bản), và tình hình căng thẳng trên không tương tự như cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trước đây ».

Kinh tế Nhật trên đường thoát giảm phát

Một cửa hàng tạp phẩm tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 13/11/2013
Một cửa hàng tạp phẩm tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 13/11/2013 (REUTERS)

Mai Vân (RFI)

Theo số liệu do Bộ Nội vụ Nhật Bản thông báo hôm nay, 29/11/2013, giá bán lẻ ở Nhật trong tháng 10 vừa qua đã tăng theo tỷ lệ chưa từng thấy trong nhiều năm nay. Theo giới quan sát, dấu hiệu lạm phát ló dạng này là một tin vui đối với Thủ tướng Shinzo Abe, mà một trong những ưu tiên trong chính sách kinh tế là chống giảm phát đã bắt rễ tại Nhật từ 15 năm qua.

Nếu không tính những mặt hàng mau hư, chỉ số giá hàng tiêu thụ đã tăng 0,9% tính trên một năm, tăng như thế liên tiếp trong 5 tháng, một đà tăng nhanh nhất từ 5 năm qua. Việc tăng giá như hiện nay đã được Nhật chờ đợi từ hơn một năm nay.

Thủ tướng Abe đã ép được Ngân hàng Trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ để ngăn chặn đà giá cả giảm sụt, làm nản chí giới sản xuất không còn muốn đầu tư.

Mục tiêu từng được Ngân hàng Trung ương nêu lên là thúc đẩy lạm phát lên 2% trong hai năm tới. Tuy nhiên, theo đánh giá giới chuyên gia kinh tế, mục tiêu này không dễ đạt được và Ngân hàng Trung ương Nhật cần phải nới lỏng chính tiền tệ của mình hơn nữa.

Các chuyên gia cũng nêu bật là hiện tượng giá cả tăng hiện nay chủ yếu do giá nhiên liệu : Xăng tăng mạnh, 7,1% trên một năm, điện tăng 8,2% ; khí đốt tăng 3,9%.

Tuy nhiên, chính phủ Nhật vẫn tỏ ra tin tưởng về đà vươn lên của kinh tế. Trong tháng 10, sản xuất công nghiệp đã tăng 0,5%, tính theo nhịp độ thường niên là 4,7%. Bộ Công nghiệp hôm nay dự kiến đà tăng sẽ vẫn tiếp tục.

Theo số liệu chính phủ, thất nghiệp vẫn ổn định và ở mức thấp 4%, trong lúc mức chi tiêu của các hộ gia đình nhìn chung đã tăng 0,9%, chủ yếu là mua xe hơi.

Theo các chuyên gia, điểm yếu là lương nhân viên vẫn không tăng, khiến họ chi tiêu dè xẻn hơn. Nếu lương tăng, đó sẽ là một trong các chìa khóa thành công của chính sách kinh tế của ông Abe.
 
  • Clean energy fueling the future (Washington Post) - Natural gas and renewable energy are poised for boom times in China over the coming decades, and they'll be key factors in the development of the nation's economy, a global energy agency said on Wednesday.
  • Nation tipped to be largest oil importer (Washington Post) - China is expected to overtake US to become the world's largest oil importer in the 2020s as emerging economies will claim most of energy supplies.
  • First Web monopoly case opened (Washington Post) - The Supreme People's Court heard China's first Internet anti-monopoly case Tuesday in which Qihoo, an antivirus software developer, accused Tencent.
  • Steel firms to relocate capacity abroad (Washington Post) - To combat overcapacity in the steel sector, China will relocate some factories and encourage more companies to invest in overseas projects.
  • US move to break off ITA talks criticized (Washington Post) - China on Monday accused US of being "irresponsible" in suspending negotiations to expand an international agreement on reducing tariffs for a wide range of IT products.
  • Nuclear power 'to fall short of demand' (Washington Post) - China's need for nuclear power is likely to exceed its long-term development target as the nation strives to lower its reliance on coal-fired power and cut air pollution, industry insiders said on Monday.
  • Bitter pill for traditional Chinese medicine (Washington Post) - In London's Chinatown, a poster in Chinese urges customers to stock up on traditional and other patent Chinese medicines before an impending ban on patented TCM products from next year.
  • COMAC lands on US soil (Washington Post) - Commercial Aircraft Corporation of China (COMAC) launched its first overseas company COMAC America Corporation on Saturday at Newport Beach, California.
  • Feeding Asia's art (Washington Post) - Experts see professional biennials as a way to elevate the continent's defining contemporary artists, Xu Jingxi reports from Guangzhou.
  • Holiday plans stir up complaints (Washington Post) - China's holiday office announced three vacation options, and in each option, the number of legal holidays would remain at 11 days.
  • Tea time (Washington Post) - Tea plays an important role in many cultures, from being part of religious ceremonies in Japan, to being a daily ritual for people in England. A new documentary explores how the drink affects the lives of millions of people. Sun Li reports in Xiamen, Fujian province.
  • Turtle power propels Qinzhou (Washington Post) - An advertisement with the tagline "Raising turtles can make you a fortune" changed an orange farmer's life.
  • Doggy, please be my ears and listen for me (Washington Post) - Guide dogs for the hearing impaired are now available in China, serving as good ears for those without hearing ability. More than 60 primary and middle school students in Beijing witnessed how intelligent and useful these dogs are.
  • Lacoste, so French, so chic (Washington Post) - French label Lacoste's boutique on New York's Fifth Avenue has had a new window design since September. Each window has an independent image, representing a different decade's fashion and style.
  • Talking chocolate with a master (Washington Post) - "You don't look like a chocolatier. Usually, a chocolatier is plump, with a big belly," a reporter says when she meets Philippe Daue, chef chocolatier for the Pacific Rim and China at Godiva, the Belgian luxury chocolate brand.
  • Pacts to boost economic cooperation (Washington Post) - A series of agreements that aim to improve regional connectivity, economic ties and security co-op among SCO members are expected to be signed Friday.
  • Air zone 'not aimed at civilian flights' (Washington Post) - China's newly announced air defense identification zone does not target "normal" flights by international airliners, as Chinese fighter jets patrolled the zone.
  • China calm in face of US overflight (Washington Post) - China stressed on Wednesday its ability to "effectively manage and control" its newly declared air defense identification zone.
  • Li looks to closer relations (Washington Post) - China and Central and Eastern European countries have vowed to double their trade in five years and will discuss plans to build a new railway link between them.
  • China set to loosen airspace restrictions (Washington Post) - China will simplify flight-approval procedures for general aviation aircraft, substantially loosening its tight control of the country's airspace.
  • China, Romania seal deals (Washington Post) - Romania is planning to build a high-speed railway using Chinese technology, the two countries announced on Monday.
  • Li heads west on opening-up tour (Washington Post) - Premier Li Keqiang begins a visit to Romania and Uzbekistan on Monday, as he promotes China's new opening-up policies and seeks new economic opportunities.