(viết cho các bạn trẻ trong CLB con dượng)
Dượng Tony thích dùng hàng hóa có nguồn gốc từ nông sản Việt, như uống
nước trái cây của Le Fruit, và mới ăn thử Chocolate Vietnam do 2 bạn Tây
ba lô sản xuất. Trong 1 lần du lịch sang nước ta, 2 cậu phát hiện ra
Việt Nam trồng được cây ca-cao. Khác với cà phê có thể tự rang, tự xay
để uống, thì từ hạt cacao, để làm thành sô-cô-la là quá trình hết sức
phức tạp, phải ủ lên men mất mấy tháng, nên người trồng chẳng có giải
pháp nào khác ngoài việc bán nguyên liệu thô. Thế rồi 2 cậu Tây quyết
định ở lại, mày mò chế biến sô-cô-la thủ công như ở châu Âu thế kỷ
trước. Và đặt tên theo vùng trồng, như Bến Tre hay Lâm Đồng….với hàm
lượng cacao tinh chất gấp mấy lần loại sô-cô-la cao cấp nhất trên thị
trường. Giờ thành công lắm, xuất khẩu đi nhiều nước.
Và các bạn
trẻ, nếu thất nghiệp, nghiên cứu sản xuất cái này xem sao. Thị trường
mênh mông, mấy nước xứ lạnh như Hàn, Nhật, Âu, Mỹ….trồng đâu có được, mà
họ ăn uống sô-cô-la kinh lắm. Riêng bán cho Trung Quốc thôi thì nông
dân mình trồng trối chết cũng không đáp ứng đủ nhu cầu nữa. Hãy lao vào
làm đi, đừng ngồi ôm cái Iphone lap-top thở dài. Học ngành gì không quan
trọng, xin việc đúng ngành không được thì cứ đi làm theo đam mê của
mình, chờ đợi thì đến bao giờ. Nghề chọn người. Thất nghiệp là do mình
dở, chứ hận chi cha mẹ, hận chi thầy cô, hận chi cái trường. Mình chăm
chỉ học hành, ngoại ngữ tốt, văn hóa sâu, mọi kỹ năng mềm đều thành
thạo, tính tình vui vẻ, nhân hậu nhân văn…thì mắc mớ gì không có việc.
Nếu trí tuệ mình thật sự cao siêu thì học lên, còn không, đi học nghề.
Thể loại không làm việc nhà, không giúp đỡ ai, ngồi học từ mờ sáng đến
khuya để làm thủ khoa, thì chẳng có ý nghĩa gì. Toàn định lý, tiên đề,
bảng tuần hoàn, công thức của mấy ông Tây Niu-tơn, Đác Uyn,
Men-đơ-lơ-ép, Anh-xtanh…phát minh ra mấy trăm năm trước, giờ ngồi viết
ra y chang vậy thì có gì là giỏi? Thủ khoa hay loại giỏi mà thất nghiệp,
tiếp tục ép cha mẹ bóp mồm bóp miệng dưới quê gửi lên thành phố nuôi
nữa, sao mình bất tài vô dụng vậy? Quan điểm của dượng là, nên học càng
nhiều càng tốt, dượng khuyến khích mọi người học đại học, rồi cao học,
tiến sĩ…nhưng phải tự kiếm việc làm thêm để trang trải chi phí chứ không
phải xin tiền cha mẹ. Từ năm hai ĐH, dượng đã tự kiếm tiền để ăn học
miết đến tiến sĩ rồi. Dượng thích học lắm. Học để mà biết làm chứ không
vì bằng cấp.
Có bạn ngồi đọc những bài như vậy và tặc lưỡi, giá
như, giá như, rồi nhắn tin “ dượng ơi, dượng đã ở đâu trong suốt 4 năm
con học đại học?”. Có bạn đọc được mấy bài truyền cảm hứng, thì cũng háo
hức, nhưng được mấy phút thì hết. Có 2 người bạn của Tony, một tốt
nghiệp ngoại thương, một kinh tế quốc dân, từng nói là “bọn tôi chỉ ở Hà
Nội, hoặc cùng lắm là vào Phú Mỹ Hưng”. Sau đó năm 2007 sạt nghiệp vì
chứng khoán, chạy ăn từng bữa. Nghe lời Tony, vượt qua tự kiêu hãnh gì
đó không rõ của người thủ đô, 1 bạn về Cà Mau, xin vào phòng xuất khẩu
một công ty thủy sản, 1 bạn về Lâm Hà ( Lâm Đồng), xin vào làm kế toán
cho 1 nông trường cà phê. Lúc ra đi, bạn bè họp ở cà phê Hàng Mành trề
môi khinh bỉ, nói phải đi tha hương cầu thực à, nhục nhỉ. Mới có 7 năm
thôi, dù cực khổ vất vả chút, nhưng chăm chỉ và có đầu óc nên 2 bạn ấy
tích lũy mua đất nuôi tôm, trồng bơ, …..thành những nông trường lớn. Hôm
bữa nhận thiệp mời sinh nhật, thấy ghi “mời Tony đến nhà hàng số….đường
Orchard Road,Singapore để dự sinh nhật của bà tôi vào lúc…”. Con cái
tụi nó đều học trường quốc tế, mùa thu thì cả gia đình đi châu Âu ngắm
lá vàng, mùa hè thì đi câu cá bên bờ biển Caribe, đời sống phong lưu
tuyệt đỉnh. Tony nói kẹt tiền là mang lên cho mượn 1 tỷ liền. Đem hết bà
con ngoài ấy vào, giờ thành những danh gia vọng tộc. Còn đám bạn có cái
-môi –hay- trề hôm bữa, kiên quyết đeo bám 5 cửa ô, ngõ nhỏ- phố nhỏ-
tâm hồn nhỏ. Cứ sáng sáng ngồi uống chè, đút 2 cái tay vào đùi, hít hà
cãi nhau chuyện cái trứng hay con gà có trước, chuyện gì cũng biết, cũng
nói được…nhưng chỉ có làm thì lại không được. Tối tối tự sướng bên đĩa
thịt chó và mấy lá mơ lông, nuốt rượu ừng ực trong tiếng chì chiết
chuyện tiền nong của vợ con.
Có tài năng thật sự là phải sáng
tạo ra cái mới, phải tạo ra việc làm cho người khác. Hàn Quốc có 50
triệu dân thôi, mà xe hơi có mấy hãng, điện tử có mấy hãng, xe máy có
mấy hãng, mỹ phẩm, hóa dầu, công nghệ…Còn mình tới 90 triệu bộ óc, cũng
ô-mê-ga-tê-cộng-phi, cũng sin cũng cos, mà có mỗi chiếc xe máy Made In
Vietnam vẫn phải ngồi mơ. Trong khi ai cũng sở hữu 1 chiếc xe máy và
ngày nào cũng leo lên nó, nhưng toàn nhãn hiệu Honda, Daelim, Susuki,
Yamaha, Lifan, Piaggio,….hẻm thấy xe máy hiệu Cây Dừa, Con Vịt. Toàn
giành nhau vào ngồi mấy trường ngoại thương kinh tế bách khoa, tự hào
tôi thi 27 điểm, vào trường tốp đầu của Việt Nam, có gì đâu mà tự hào?
Cử nhân ngoại thương mà chẳng giúp đất nước tìm kiếm thị trường xuất
khẩu gì cả, cứ lo xin vô mấy công ty đa quốc gia làm marketing kiếm
tháng mấy trăm đô la. Học cơ khí điện tử mà 5 năm ngồi ghế giảng đường,
không có công trình, đề tài gì có thể ứng dụng, cầm cái bằng kỹ sư ấy về
nhà nói mẹ cha có quen ai thì xin việc cho con. Rồi xin không được thì
ngồi khóc.
Người Nhật phát triển xe máy Honda, sau đó ớn quá đem
qua Hàn Quốc, Đài Loan. Người Hàn, người Đài phát triển ngay với thương
hiệu Daelim, SYM…Người Nhật phát minh ra bột ngọt Ajinomoto, sau đó đem
qua sản xuất ở Hàn, người Hàn, bắt chước tự sản xuất bột ngọt Miwon,
người Đài bắt chươc sản xuất bột ngọt Vedan. Người Nhật cũng mang qua
Việt Nam, nhưng người Việt không bắt chước xây dựng được nhà máy và
thương hiệu nào của mình cả.
Khi Trà Lipton sản xuất ở Srilanka,
người Srilanka đã tự mình xây dựng thương hiệu trà Dilmah. Người Phi tự
hào vì có Jolibee, Sanmiguel…lừng lẫy. Học tập từ mô hình của nước
ngoài, và xây dựng một nền sản xuất Việt, cái gì mình cũng sản xuất
được, cũng made in Vietnam. Xã hội nên có những quỹ Hành Bổng bên cạnh
mấy cái quỹ Học Bổng. Vì sản xuất là cốt lõi của một nền kinh tế hùng
cường.
Và phải đi. Đi du lịch, đi du học, đi đó đi đây, đi tỉnh
xa khởi nghiệp. Ngày xưa tụi Tây còn giong buồm bằng vải thô sơ đi ra
khơi xa, hải trình đầy bất trắc vì không biết sóng gió thế nào, mua bán
giao thương với những con đường tơ lụa. Đến Hội An, bạn sẽ thấy người
Hoa, người Nhật, người Hà Lan… đã đến từ mấy trăm năm trước, bằng những
chiếc thuyền bé tẹo vượt đại dương. Để gia đình, dân tộc họ giàu có. Còn
mình cứ ru rú không dám đi đâu, như đám “gà què ăn quẩn cối xay”, canh
me coi có rớt hột thóc nào thì nhặt hột đó. Mà bây giờ, công nghệ xay
xát đỉnh cao, dễ gì rớt nhiều như hồi xưa nữa. Đành rằng nó bị què, nó
mới kiếm ăn quanh cối thóc, mình lành lặn thể trạng và trí óc, mắc mớ gì
suốt ngày cũng quanh quẩn giành thóc với mấy con gà què tội nghiệp vậy?
Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ….hãy còn nhiều cơ hội!
Phải lao ra đồng xa mà bươi đất kiếm ăn, xây dựng những nông trại,
những nhà máy mang tên mình. Sống có 1 cuộc đời thôi, sao chết vô danh
vậy?
Trong
năm 2013, tôi có trao đổi với nhiều người về việc làm toán ứng dụng ở
Việt Nam. Những cuộc trao đổi này đem đến cho tôi nhiều câu hỏi hơn là
câu trả lời, nhiều quan điểm tưởng chừng như không thể dung hoà được.
Tôi có cảm tưởng rằng lý do một số người có những quan niệm hơi cực
đoan là bản thân họ không làm toán ứng dụng, những gì họ phát biểu phản
ánh mong ước của họ chứ không phải kinh nghiệm thực tế. Tôi có chia sẻ
những băn khoăn của mình với anh Ngô Quang Hưng, một người làm toán
ứng dụng đúng nghĩa, hiện công tác tại Khoa Khoa học Máy tính, Đại học
Bang New York ở Buffalo. Tôi thấy cuộc trao đổi này đã rất bổ ích cho
tôi và vì thế muốn chia sẻ nó với độc giả của Tia sáng.
1) Hè năm ngoái (2013), ở VIASM* đã có
một cuộc tranh luận khá căng về việc làm toán ứng dụng ở Việt nam. Qua
cuộc tranh luận này, tôi nhận ra rằng nhận thức chung về toán ứng dụng
còn rất yếu, chủ yếu ở mức định kiến của những người không làm toán ứng
dụng nghĩ về toán ứng dụng. Anh Hưng có thể chia sẻ hiểu biết, kinh
nghiệm của mình trong việc làm toán ứng dụng ở Mỹ được không?
Mỗi lần đọc các tranh luận về Toán ứng dụng,
Toán thuần tuý, và ứng dụng toán, tôi lại nhớ đến một tranh biếm hoạ ở
xkcd (trang tranh biếm hoạ rất nổi tiếng trong đám làm máy tính). Tranh
đại khái nói thế này: anh tâm lý học bảo chị xã hội học là xã hội học
chẳng qua là tâm lý ứng dụng, chị sinh vật học bảo tâm lý học chỉ là
sinh học ứng dụng, anh hoá học nói sinh học thì là hoá học ứng dụng, chị
vật lý bảo tất nhiên hoá học là vật lý ứng dụng, và nhà toán học trố
mắt nhìn nhà vật lý.
Nếu ta vẽ ra cái đồ thị ảnh hưởng lẫn nhau
giữa các dòng tư duy thì ta có một cái rừng khổng lồ của tri thức nhân
loại. Ta không thể lấy một cái cây ở đầu tây, và một cái cành ở đầu đông
của rừng, xong rồi đặt câu hỏi và thảo luận về ảnh hưởng của cây tây
sang cành đông.
Tôi nghĩ một vấn đề cốt lõi là một sự lệch
pha giao tiếp giữa các nhà Toán học, các nhà khoa học, các doanh nghiệp,
nhà quản lý, và công chúng nói chung. Chuyện này không có gì đáng ngạc
nhiên khi mà bản thân giới Toán học cũng có những tranh luận về Toán
thuần tuý và Toán ứng dụng. Ví dụ, cho đến những năm 50, 60 của thế kỷ
trước thì không ít nhà Toán học còn không cho Toán tổ hợp là Toán “thật
sự". Tình hình này đến nay đã được cải thiện phần nào, do Toán tổ hợp
cộng các phương pháp xác suất đã có … ứng dụng nhiều nơi cả trong lẫn
ngoài Toán.
Trách nhiệm chính để chỉnh pha giao tiếp nằm
ở những người như anh và tôi: những người làm Toán, làm Toán ứng dụng,
và ứng dụng Toán. Chúng ta cần tìm cách truyền đạt ba ý chính một cách
thuyết phục.
Ý thứ nhất là Toán học và Khoa học nói chung
(thế giới hay Việt Nam) sẽ phát triển phong phú nhất khi từng cái cây
trong rừng tri thức được tự thân phát triển một cách hữu cơ, hay nói như
anh trong hội thảo sơ kết là "Khoa học phát triển chủ yếu từ nội lực
của nó". Một cách rộng hơn thì một xã hội sẽ vận hành hiệu quả khi nhiều
người có cơ hội theo đuổi tự do sở trường và sở thích của họ. Khi anh
được giải Fields, tôi đã thấy những câu hỏi kiểu như "thế công trình của
anh Châu có ý nghĩa gì trong cuộc sống"? Một cách hơi khập khiễng, câu
hỏi này có tinh thần giống như câu hỏi "tại sao Gary Kasparov lại không
thi bơi với Michael Phelps?"
Ý thứ hai là lịch sử 2500 qua cho thấy sự
phát triển hữu cơ -- tưởng chừng như bất định hướng -- của Toán học, lại
có những ứng dụng kỳ diệu. Nhà Vật Lý Eugene Wigner đã tóm tắt sự kỳ
diệu này trong một bài luận nổi tiếng hồi 1960, đề tựa tạm dịch là “Hiệu
lực phi lý của Toán học trong các Khoa học Tự nhiên". Một ví dụ tuyệt
vời là sự phát triển của số phức. Từ Cardano cho đến thậm chí cả Euler,
căn bậc 2 của số âm là một thao tác hình thức. Thế mà số phức lại trở
nên một thành tố không thể thiếu của điện từ, xử lý tín hiệu, cơ học
lượng tử, v.v. Chúng ta không có điện thoại di động nếu không có số
phức. Các ví dụ gần gũi hơn thì ta có thể đọc Richard Hamming trong bài
“Hiệu lực phi lý của Toán học". Trong Khoa học Máy tính có vô vàn ví dụ.
Những tranh luận mang đậm tính triết học về nền tảng của Toán học hồi
đầu thế kỷ 20 đã dẫn đến công trình của Godel và Turing, đến lý thuyết
hàm đệ qui, là nền tảng cho lý thyết tính toán, thuật toán, và cho nhiều
ngôn ngữ lập trình. Có thể nói không ngoa là “trò chơi” phân loại các
tập hợp vô hạn của Cantor lại góp phần không nhỏ vào sự thành lập mạng
xã hội. Thế nên sẽ khá oái oăm khi người ta lên Facebook bằng iPhone,
rồi hỏi Toán có ứng dụng gì trong cuộc sống không?
Ý thứ ba là nhiều người ngoại đạo không hiểu
tầm quan trọng của Toán học vì thiếu một tư duy Toán, và điều này góp
phần không nhỏ đến sự lệch pha. Ở đây trách nhiệm nằm ở hệ thống giáo
dục từ phổ thông đến đại học, và hoàn toàn không phải là vấn đề riêng
của Việt Nam. Cách trình bày Toán kiểu Bourbaki dẫn đến hai vấn đề. Thứ
nhất là những học sinh có tư duy logic tốt vẫn thao tác hình thức để làm
bài được, nhưng đến khi “ra đời" thì không biết dùng các thao tác hình
thức này vào các vấn đề cụ thể, kể cả khi thật sự có thể áp dụng được.
Thứ hai, những học sinh thấy trò thao tác hình thức này là khô khan thì
hoặc là chán không học, hoặc thậm chí phát triển một tâm lý sợ toán.
(Tất nhiên ở đây ta loại ra các học sinh như anh Châu, cảm được mỹ học
trong các patterns tưởng như chỉ có tính hình thức -- và do đó anh mới
thành nhà Toán học!) Do thiếu tư duy Toán nên người ta không nhận thức
được giá trị của Toán, và có rất nhiều vấn đề thường nhật đáng lý có thể
giải quyết bằng Toán học thì họ cũng không nhận ra nốt. Xin lấy ví dụ,
tôi đã nghe không ít lần các bạn làm quản trị nói rằng công việc hàng
ngày của họ không cần đến giải phương trình bậc hai, cho nên mấy năm phổ
thông è cổ tính đạo hàm tích phân thật là phí phạm. Thật đáng tiếc, và
các anh chị bên ngành Khoa học Quản lý chắc phải nhăn nhó lắm khi nghe
điều này: họ dùng phương trình vi phân để xây dựng mô hình kinh doanh
hàng hoá, quảng cáo, giá cả, họ dùng quy hoạch tuyến tính và quy hoạch
nguyên cho các vấn đề vận trù trong công ty, dùng các phương pháp thống
kê hiện đại để phân tích dữ liệu khách hàng, dự toán kế hoạch marketing
tương lai. Không thể có một doanh nghiệp tầm cỡ Amazon nếu họ không biết
giải quyết các bài toán vận chuyển, đóng gói, và phân tích dữ liệu
khách hàng bằng các công cụ Toán học và công cụ máy tính.
2) Trong cuộc thảo luận, tôi nhớ anh Hồ
Tú Bảo có nói rằng cần phân biệt giữa toán ứng dụng và ứng dụng của
toán. Trong toán ứng dụng, ta vẫn phải ấy ý tưởng mới độc đáo làm trọng
tâm, công bố làm chỉ tiêu để đánh giá.Trong khi đó, đối vơi ứng dụng của
toán, thì lại phải đánh giá bằng sự tiếp nhận của thị trường. Nếu đặt
anh Hưng vào địa vị người quản lý khoa học, thì anh có phân biệt rạch
ròi như thế không? Có thể chỉ đánh giá công trình toán ứng dụng chỉ bằng
công bố hay không?
Thành thực mà nói, tôi không thích cụm từ
“Toán ứng dụng". Người làm Toán khám phá ra chân lý và cái đẹp trong thế
giới Toán học tuỳ theo sở thích. Việc chọn đề tài tuỳ vào cả sở trường
lẫn thị hiếu Toán học. Thị hiếu Toán học thường được phát triển từ năng
khiếu thẩm mỹ cá nhân và ảnh hưởng của dòng chảy tri thức chung của nhân
loại. Và do đó, những đóng góp quan trọng bao giờ cũng có “ứng dụng",
đối với người này thì là ứng dụng hình học đại số vào giải quyết một vấn
đề số học, còn với người khác là ứng dụng số học để tạo ra bitcoin.
Trong các ứng dụng như vậy, người làm Toán thường phải sáng tạo ra những
kỹ thuật mới, định nghĩa mới, định lý mới, đóng góp vài nhánh cây vào
cái rừng tri thức. Đối với tôi, vấn đề có phải là “Toán ứng dụng" không
hoàn toàn không quan trọng. Cái quan trọng là bài toán và lời giải có
“đẹp" không. Như Hardy từng nói: “không có chỗ vĩnh hằng cho Toán xấu
xí". Cái đẹp và sự độc đáo có phần giao rất lớn, nhưng không hẳn là bằng
nhau.
Nếu đặt tôi vào vị trí người quản lý, thì
tôi sẽ nghiên cứu rất kỹ báo cáo của Vannevar Bush hồi 1945. Số là, cuối
1944, tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt (FDR) viết một bức thư gửi
tiến sĩ Vannevar Bush, nguyên giám đốc phòng nghiên cứu và phát triển
khoa học của chính phủ Mỹ. Trong thư, FDR đề nghị Bush viết một báo cáo
chiến lược cho nhà nước Mỹ về việc làm thế nào để kích thích cách hoạt
động nghiên cứu phát triển cả công lẫn tư, làm thế nào để cho các đầu tư
nghiên cứu công tư hoạt động đồng bộ, kích thích các tài năng trẻ theo
đuổi nghiên cứu khoa học cơ bản cũng như ứng dụng vào cải thiện cuộc
sống. Không may là tổng thống FDR qua đời vàng tháng 4 năm 1945 do xuất
huyết não. Phó tổng thống Henry Truman kế nhiệm. Tiến sĩ Vannevar Bush
hoàn tất bản báo cáo và gửi cho Truman.
Tất nhiên câu trả lời của tôi đã lạc đề, đi
ra ngoài vòng “Toán ứng dụng" mà nói đến đầu tư khoa học nói chung.
Nhưng tôi tin rằng hai vấn đề này là một. Tôi thấy bản báo cáo của
Vannevar Bush là một tuyệt tác, trả lời rốt ráo câu hỏi của anh.
Một trong những ý tưởng quan trọng nhất của
bản báo cáo là “xem trọng nghiên cứu cơ bản”, “biết phân biệt nghiên cứu
cơ bản và phát triển ứng dụng công nghệ”. Nhiều công ty lớn sau đó đã
được tổ chức theo ý này: thành lập cả phòng nghiên cứu cơ bản và nuôi
các khoa học gia làm “chuyện trên trời”. Ví dụ cụ thể là các nhà khổng
lồ AT&T, IBM, Microsoft, hay Xerox, đều có các phòng nghiên cứu cực
mạnh. Bell Labs của AT&T thắng 6 giải Nobel với các phát kiến như
laser và con transistor. IBM có 3 giải Nobel. Palo Alto Research Centre
của Xerox sáng chế nhiều thành phần không thể thiếu của máy tính cá nhân
(con chuột, giao diện đồ hoạ, Ethernet). Đó là từ các doanh nghiệp tư.
Còn từ đầu tư công thì bản báo cáo này đã đề nghị thành lập, và sau đó
trực tiếp dẫn đến sự thành lập của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (National
Science Foundation, viết tắt là NSF) dựa trên National Science
Foundation Act. Phần lớn các ngành nghiên cứu khoa học cơ bản của Mỹ đều
dùng tiền của quỹ này là chính, mặc dù nó chỉ đóng góp khoảng 20% tổng
số ngân quỹ liên bang tài trợ khoa học. (NIH, DARPA, DoD, DoE, v.v. đóng
góp 80% còn lại. Riêng NIH, dành cho các ngành y sinh học, có ngân sách
cực lớn, khoảng 30 tỉ USD một năm.) Đầu tư công vào nghiên cứu khoa học
đã góp phần lớn dẫn đến sự ra đời của Internet.
Một cách ngắn gọn hơn cho câu hỏi của anh,
giới chuyên môn đánh giá một công trình Toán học (“ứng dụng” hay không)
bằng thẩm mỹ Toán học. Còn các nhà tài trợ, công hay tư, họ có cách đánh
giá riêng của họ khi tài trợ cho đề tài. Anh A thì dùng thị phần, chị B
thì dùng chỉ số ảnh hưởng, chuyện đó không nhất thiết là có liên quan
đến chân trị của công trình Toán học.
3) Giả sử một đề tài ứng dụng rất tốt,
rất hiệu quả,được thị trường tiếp nhận, tôi vẫn hơi băn khoăn về sản
phầm đầu ra. Ví dụ như đó là một phần mềm có thể đem đi bán được, thì
liệu việc dùng tiền ngân sách để làm ra một sản phẩm rồi sản phầm đó lại
sinh ra lợi nhuận cho bản thân người làm đề tài thì có gì là mâu thuẫn
không? Các nước khác người ta giải quyết vấn đề này như thế nào.
Tôi nghĩ không có gì mâu thuẫn cả. Kể cả khi
ta tài trợ cho một nhà Toán học làm Toán thuần tuý thì cũng sinh lợi
cho cá nhân nhà Toán học. Vấn đề là ta đánh giá lợi ích công thế nào khi
nhà nước đầu tư vào một đề tài.
Nếu tính về lợi ích công thì giữa thành phẩm
là một công ty tư nhân thành đạt (dùng tài trợ phần nào của nhà nước)
hay thành phẩm là một định lý toán học mới, thì có lẽ công ty có lợi hơn
cho xã hội (ít nhất là trong thời hạn ngắn, do thúc đẩy kinh tế và tạo
công ăn việc làm). Vì thế, ở Mỹ người ta có chương trình SBIR/STTR để
kích thích thương nghiệp hoá cho các công ty nhỏ cần những nghiên cứu
rủi ro cao. Do các nghiên cứu có rủi ro cao (nghĩa là xác suất thành
công thấp), các công ty nhỏ này khó tìm tài trợ từ các nhà đầu tư tư
nhân. Trong khi đó, vai trò của nhà nước, cũng giống như trong việc tài
trợ các nghiên cứu khoa học cơ bản, là giúp kích thích các nghiên cứu
này để tạo các công nghệ mang tính khai phá (disruptive technologies).
Các chương trình SBIR/STTR ở Mỹ được kế
hoạch rất cẩn trọng, chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên ít tiền,
khoảng 150 nghìn usd trong 6 tháng, là để các cty minh chứng rằng ý
tưởng của họ có khả năng khả thi. Giai đoạn hai, nếu minh chứng tốt
trong giai đoạn 1, là phát triển ý tưởng chín hơn. Giai đoạn 3 là thương
mại hoá sản phẩm thì không dùng tiền SBIR nữa mà họ sẽ đi tìm các nhà
đầu tư tư nhân. Năm 2010, tổng đầu tư SBIR/STTR của các tổ chức chính
phủ Mỹ như NSF, DARPA, DoE, vân vân, tổng cộng lên đến khoảng hơn 2 tỉ
đô. Công ty bảo mật Symantec ra đời từ tiền SBIR.
Nội dung ngành công nghệ nào có SBIR thì tuỳ
vào từng cơ quan tài trợ của nhà nước: họ xem ngành công nghệ nào họ
cần công nghệ mới hoặc cần một ngành công nghiệp mới phát triển thì họ
sẽ viết lời kêu gọi (solicitation) cho đề tài/công nghệ đó. Đây là một
cách để nhà nước định hướng phát triển nghiên cứu R&D, đồng thời cho
cơ hội thương mại hoá và kích thích kinh tế. Nhiều tiểu bang Mỹ cũng có
các chương trình SBIR riêng để kích thích phát triển công nghệ và kinh
tế địa phương.
Trong hoàn cảnh Việt Nam ta, còn có những
cách khác. Ví dụ, một hợp đồng SBIR made in Vietnam có thể yêu cầu công
ty đó phải mở mã nguồn sản phẩm của họ, hoặc để nhà nước đồng sở hữu
bằng phát minh. (Điều này ở Mỹ cũng làm.)
4) Một người bạn làm bên dệt may có hỏi
tôi tại sao VIASM không tổ chức nhóm nghiên cứu về bài toán xếp lịch
công nhân. Ở các xưởng may, công nhân làm việc theo kíp, phải đủ kíp
khoảng 10 người thì mới làm được, mỗi kíp phải một số công nhân thạo
những công đoạn khác nhau. Mỗi khi công nhân nghỉ ốm làm quản lý nhức
đầu. Bài toán này có lời giải tổng quát không, liệu có thể là một đề tài
khoa học nghiêm túc hay không?
Những bài toán kế hoạch hậu cần kiểu này
(logistic planning, operations) là những bài toán cực kỳ phổ biến trong
tất cả các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp như hãng dệt may nọ. Về
mặt lý thuyết thì bài toán tổng quát là NP-khó, nhưng như vậy không có
nghĩa là nó không có lời giải -- chỉ là lời giải có thể phải cần nhiều
tài nguyên và thời gian tính toán. Các hãng máy bay chẳng hạn, luôn luôn
phải giải quyết các bài toán scheduling với nhiều ràng buộc như thế, và
vấn đề của các hãng máy bay lớn phức tạp hơn bội phần. Ngoài ra, ta có
thể thêm vào các vấn đề về thống kê và dự báo rất cơ bản mà doanh nghiệp
nào cũng cần. Tôi nghĩ đây là một đề tài nghiên cứu rất thú vị và hữu
ích, làm minh hoạ tuyệt vời cho sự liên kết của Toán Ứng dụng, Khoa học
Máy tính, Xác suất thống kê và Vận trù học (operations research).
Ví dụ, ta có thể chia bài toán thành ba
thành phần: phần giao diện người dùng, phần ngôn ngữ khai báo, và phần
giải quyết bài toán.
Phần giao diện người dùng sẽ bao gồm một
chương trình máy tính được thiết kế cụ thể cho từng công ty tại vì từng
tổ chức có các yêu cầu khác nhau về bài toán họ cần, với các ràng buộc
và giao diện khác nhau. Phần này sẽ phải được “khách hàng hoá”
(customize) tối đa thì người dùng mới dùng được.
Phần ngôn ngữ sẽ có một ngôn ngữ dạng khai
báo (declarative language) bao gồm cả thành tố của những ngôn ngữ ràng
buộc (constraint programming language), ngôn ngữ xác suất (probabilistic
programming) và các ngôn ngữ khác tuỳ theo ứng dụng. Phần này được
thiết kế để cung cấp một ngôn ngữ máy tính cấp cao -- người bảo máy cái
gì cần làm chứ không bảo máy là làm sao để làm. Ngôn ngữ này đóng vai
trò trung gian, chuyển các yêu cầu của người sử dụng từ từ giao diện
sang một ngôn ngữ thống nhất.
Phần ngôn ngữ cho phép ta “dịch" bài toán
của người dùng thành một bài toán tối ưu, tìm kiếm, hay thống kê. Từ đây
thì các nhà Toán học sẽ áp dụng hoặc sáng tạo các phương pháp tối ưu,
thống kê, thiết kế thuật toán mới để giải quyết các bài toán này, và
hiển thị lại kết quả cho người dùng.
Phần ngôn ngữ và phần giải quyết bài toán
hoàn toàn có thể là sản phẩm công, mã nguồn mở. Phần giao diện có thể do
các lập trình viên làm cho từng hãng xưởng. Đây sẽ là một dự án bao gồm
từ những nghiên cứu cơ bản nhất của toán học đến giao diện ứng dụng.
Những ai làm phần ngôn ngữ máy tính, toán tối ưu, thống kê, và thuật
toán sẽ có thể đăng tạp chí như bất kỳ nghiên cứu khoa học cơ bản nào
khác. Các tạp chí và hội nghị hàng đầu rất cần những phương pháp và thí
nghiệm có dữ liệu thật, giải quyết các bài toán thật!
Tóm lại, câu hỏi của bạn anh không những có
thể phát triển thành một đề tài nghiên cứu nghiêm túc, mà còn có thể
thành một chương trình nghiên cứu nghiêm túc, miễn là ta nghĩ ra ngoài
cái hộp là một hãng dệt may có 10 công nhân.
5) Qua câu trả lời của anh, tôi bắt đầu
mường tượng được cách triển khai của một đề tài ứng dụng với những phân
đoạn khác nhau, từng phân đoạn có sản phẩm với đặc thù riêng, hoặc là
công bố khoa học, hoặc là sản phẩm công nghiệp. Nhưng tôi vẫn còn rất
thắc mắc ở khâu đầu tiên: làm thế nào để đặt ra được đề bài đúng ngay từ
đầu. Chắc chắc có rất nhiều bài toán mà thực tế sản xuất và cuộc sống
đặt ra cho các nhà toán học, nhưng tôi ngờ rằng, không biết có đúng
không, đa số các bài toán thực tế là không giải được, ít nhất là với mặt
bằng khoa học Việt nam hiện nay. Tôi nghĩ rằng cần tìm ra những bài
toán có thể không phải là bài toán cấp thiết nhất, nhưng trông ra có thể
làm được, anh có đồng ý như thế không? Nếu có thì làm thế nào mà chọn
ra được những bài toán như thế?
Trong một cuộc phỏng vấn, Picasso có nói đại
ý rằng “máy tính thì hay ho gì, bọn nó chỉ có câu trả lời!” Hay như anh
Sơn nói trong bài anh phỏng vấn anh Sơn: “hai kỹ năng cơ bản của người
làm khoa học là tìm ra vấn đề hay và giải quyết được vấn đề".
Nói cách khác, anh có câu hỏi mấu chốt: chọn đề tài thế nào?
Ở đây, chúng ta có một điểm may mắn. Mặc dù
đúng là đa số các bài toán thực tế là các bài toán khó -- có thể là quá
khó -- nếu muốn giải quyết rốt ráo, nhưng câu trả lời cho chúng thường
là một cái phổ rất rộng. Ở một bên của phổ là những lời giải cóp nhặt,
vụn vặt, mang tính cơ bắp, giải quyết một góc vấn đề. Ở bên còn lại là
một hệ thống lời giải đẹp, mang tính phổ quát và ứng dụng vào được nhiều
lĩnh vực khác.
Anh lo lắng về cực khó của phổ. Tôi lo về
cực dễ của phổ. Tôi lo rằng, nếu không có một quá trình chọn lựa và bình
duyệt đề tài tốt, thì có thể chúng ta tiêu tốn vào những đề tài nghe
choang choang nhưng lại có rất ít tính sáng tạo khoa học. Ví dụ, khi tôi
tham gia các nhóm duyệt đề tài cho NSF, những đề tài trong phân ngành
hẹp của tôi thì tôi biết ngay là dễ hay khó, đóng góp có độc đáo hay
không, hay chẳng qua chỉ là một đề tài bổ củi. Thế nhưng đi xa khỏi phân
ngành hẹp của mình thì bình duyệt một dự án trở nên khó khăn hơn. Các
nhà nghiên cứu đã trở thành chuyên gia tung hứng từ ngữ, dùng những danh
từ to tát, “nóng", như những anh bán hàng để hòng loè người không
chuyên.
Ngược lại, khi ai nói là làm cái này cái kia
“dễ” lắm, ta cũng nên nghi ngờ. Có rất nhiều thứ dễ trên giấy tờ nhưng
không dễ trên thực tế. Lập trình một cấu trúc dữ liệu đã tồn tại 40 năm
trong sách giáo khoa sao cho tốt là một vấn đề dễ trên giấy tờ, nhưng
chỉ có những ai chưa từng làm điều này thì mới cho là nó dễ trên thực
tế. Nói như thế có nghĩa là, anh rất nên nghi ngờ câu trả lời của tôi về
đề tài hãng dệt may :-). (Về điều này thì tôi nói có cơ sở. Tôi đang
cộng tác với một công ty làm một sản phẩm tương tự như tôi mô tả, về
phần ngôn ngữ ràng buộc và phần giải quyết bài toán tối ưu.)
Vì những lý do trên, để chọn một đề tài ứng
dụng cho tốt thì theo tôi ta cần ít nhất hai thành phần. Thành phần thứ
nhất là việc xác lập một phạm vi ứng dụng, viết ra thành một chương
trình kêu gọi đề tài (solicitation). Ví dụ, anh có thể xem một chương
trình của DARPA về ngôn ngữ xác suất cho học máy (probabilistic
programming for machine learning). Tôi lấy ví dụ chương trình của DARPA
vì nó có tính ứng dụng cao hơn các chương trình nghiên cứu cơ bản của
NSF. Thành phần thứ hai là một đội ngũ bình duyệt đề án hài hoà, bao gồm
cả những người làm lý thuyết tốt (để biết bài toán dễ hay khó trên giấy
tờ), những người làm thực hành có kinh nghiệm (để biết bài toán dễ hay
khó trên thực tế), và có thể cả đại diện của ngành công nghiệp có liên
quan (để biết bài toán có đáng giải quyết hay không). Xong rồi để cho họ
cãi nhau ba ngày bốn đêm.
Thành phần thứ nhất khó hơn thành phần thứ
hai, vì để xác định những chương trình nghiên cứu có giá trị, có cả tính
ứng dụng cao lẫn giá trị khoa học phổ quát, thì ta cần một cá nhân có
viễn kiến.
6) Theo anh thì các doanh nghiệp Việt
Nam cần làm gì, chọn hình thức đầu tư nào, để vừa phục vụ cho lợi ích
của mình, vừa phát triển khoa học công nghệ trong đó có toán học? Tôi có
cảm tưởng là hiện tại các doanh nghiệp vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tiếp
thu sản phẩm công nghệ, chế biến cho hợp nhu cầu của thị trường Việt nam
hoặc đầu tư vào những thứ có thể gây tiếng vang.
Câu hỏi này quá tầm của tôi, nên chỉ bàn tán lan man hai ý.
Ý thứ nhất, tôi nghĩ câu hỏi này liên quan
đến tư duy Toán học tôi đề cập ở câu hỏi thứ nhất. Điều mà một doanh
nghiệp có thể làm là cải thiện kiến thức của họ về khả năng ứng dụng kỳ
diệu của Toán học. Họ có thể làm điều này bằng cách tài trợ và tham dự
các seminars, workshops, hay hội nghị Toán ứng dụng liên quan đến ngành
công nghiệp của họ, để biết “trên thế giới này có cái gọi là A, B, C" có
khả năng cải thiện nhiều khía cạnh trong doanh nghiệp của họ. Ví dụ,
liên quan đến công nghệ thông tin, các hội nghị như SIGMOD (cơ sở dữ
liệu), SIGGRAPH (đồ hoạ), SIGCOMM (mạng máy tính) có cực kỳ nhiều các
nhà tài trợ là các công ty hàng đầu về cơ sở dữ liệu, mạng, hay đồ hoạ
máy tính. Họ rất thường gửi nhân viên của họ đi báo cáo và tham dự, học
hỏi thêm ở những hội nghị này. Nếu không tính việc học hỏi được gì, thì
ít nhất họ cũng có cơ hội tìm nhân viên tốt ở những hội nghị như vậy.
Ý thứ hai, liên quan đến sự lệch pha tôi đề
cập ở câu hỏi 1, các doanh nghiệp, trường đại học, và viện nghiên cứu
nên có thêm nhiều kênh giao tiếp, trao đổi các vấn đề của nhau, học hỏi
các giải pháp của nhau. Không nhất thiết là ta phải có hội nghị, báo cáo
rình rang đăng báo tốn tiền. Ta có thể có các buổi gặp gỡ thân mật,
không bia bọt, thuần tuý chia sẻ kiến thức. Sự giao thoa các sở thích và
sở trường sẽ là một môi trường tuyệt hảo để phát triển ý tưởng, phát
triển các công trình cộng tác giữa các bên.
7) Anh có lời khuyên nào cho tôi trong công việc triển khai nghiên cứu toán ứng dụng ở VIASM không?
Vấn đề này rất dễ trên giấy tờ và rất khó trên thực tế. Dù đã tin chắc anh sẽ thành công, vẫn thân chúc anh thuận buồm xuôi gió!
Những người tập Pháp Luân Công biểu diễn thiền định tại New York. (Ảnh: Edward Dai)
Đây quả là một giai đoạn thú vị
của ngành khoa học thần kinh. Chúng ta đã có được bước nhảy vọt trong
hiểu biết về bộ não con người thông qua kỹ thuật chụp cộng hưởng từ chức
năng (FMRI – Functional Magnetic Resonance Imaging). Bây giờ, chúng ta
có thể quan sát được những thay đổi trên bộ não với thời gian thực khi
não bị kích thích, hay đang trong trạng thái nghỉ ngơi.
Mới đây, có một chủ đề đã khuấy động sự
quan tâm của nhiều nhà thần kinh học, đó là phương pháp thực hành cổ xưa
về thiền chánh niệm. Thiền chánh niệm là trạng thái thanh tĩnh, mà vẫn ý
thức sự việc xung quanh. Nó hoàn toàn khác với trạng thái nhập định khi
bạn đánh mất đi ý thức của mình.
Vậy tại sao những nhà thần kinh học lại
bị cuốn hút bởi thiền định như vậy? Câu trả lời nhanh là: chất xám trong
não của bạn đã thực sự phát triển và phục hồi khi bạn thiền thường
xuyên. Điều này được thêm vào cùng với hàng trăm tác động tích cực khác
cho cả cơ thể và bộ não của bạn.
Những nghiên cứu mới về thiền định đang
được tiến hành, tiết lộ những lợi ích mới mẻ và tuyệt vời của môn thực
hành này. Dưới đây chỉ là một vài lý do cho thấy thiền định rất tốt để
mọi người luyện tập.
Hạnh phúc được tăng lên do tỉ lệ hoạt
động não trái / não phải . Tỉ lệ này cao hơn cũng có nghĩa là bạn hồi
phục nhanh hơn sau áp lực căng thẳng và chấn thương.
Chức năng nhận thức nhanh hơn, óc phán đoán rõ ràng hơn và đưa ra quyết định tốt hơn.
Kỹ năng đàm phán tốt hơn thông qua khả năng thấu cảm và lập luận được nâng cao.
Tâm trạng tốt hơn và ổn định, nghĩa là ít lo lắng hơn.
Tăng cường hệ miễn dịch.
Làm chậm lại và thuyên giảm những ảnh hưởng của bệnh thoái hóa thần kinh.
Nâng cao tính sáng tạo và khả năng tư duy đột phá.
Giảm thiểu cao huyết áp.
Làm giảm trầm cảm và cảm giác trống trải, đơn độc.
Làm tăng khả năng kiềm chế sự tham lam và ham muốn.
Tăng ngưỡng chịu đau.
Danh sách còn nhiều hơn nữa, bạn có thể tự tìm kiếm thêm.
Người ta nói rằng chẳng hề có thuốc tiên
nào cho sức khỏe, nhưng thiền định có thể giúp bạn nâng cao khả năng tự
kiểm soát và có trách nhiệm với bản thân hơn. Thiền định giống như là
cầm cương chú ngựa mang tên Sức khỏe và Hạnh phúc. Và cuộc hành trình
bắt đầu với bạn!
Theo visiontimes
Hãy giúp cơ thể phòng tránh Alzheimer (mất trí nhớ) từ hôm nay!
Bệnh mất trí nhớ Alzheimer (Ảnh: mayoclinic.org)
Bệnh Alzheimer là tình trạng
thoái hóa não bộ không phục hồi, căn nguyên chưa rõ ràng. Bệnh Alzheimer
tiến triển không chỉ kéo theo tình trạng mất trí dài hạn mà còn mất khả
năng ngôn ngữ, suy giảm chức năng của giác quan… và không thể phục hồi
được.
Bệnh có xu hướng xuất hiện ở những người
trên 65 tuổi, và tỉ lệ mắc bệnh tăng cao khi tuổi càng nhiều. Do việc
điều trị Alzheimer tỏ ra không hiệu quả, nên sử dụng các biện pháp phòng
tránh là rất quan trọng.
Những nghiên cứu khoa học gần đây cho
thấy chế độ ăn uống hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh
Alzheimer cũng như chứng suy giảm nhận thức. Thường xuyên áp dụng chế độ
ăn ít béo, giàu chất chống oxy hóa (vitamin E, C…) hay uống trà xanh
mỗi ngày sẽ giúp bạn phòng tránh được căn bệnh này.
Chế độ ăn ít chất béo, đường
Nhiều nghiên cứu cho thấy những người ăn
nhiều đường, chất béo có nguy cơ mắc Alzheimer cao hơn hẳn. Một nghiên
cứu trên chuột cho thấy một trong những yếu tố ảnh hưởng đến bệnh
Alzheimer – biến thể ApoE4 điều khiển sự sản xuất ra Apolipo protein E –
bị tác động bởi chế độ ăn nhiều đường, béo. Vì thế, hãy lựa chọn thịt
ít mỡ, thịt gia cầm, đặc biệt là cá, nhiều rau xanh, trái cây cho bữa ăn
của gia đình bạn.
Chế độ ăn giàu vitamin E, vitamin C
Vitamin E, C được cho là có khả năng
chống lại các phản ứng ôxy hóa có hại do các gốc tự do gây ra làm tổn
thương tế bào, do đó có thể bảo vệ cơ thể khỏi bệnh Alzheimer. Tuy
nhiên, một số nghiên cứu đã chứng minh rằng việc uống bổ sung vitamin E,
C hầu như không mang lại hiệu quả. Cách tốt nhất để có được những lợi
ích bảo vệ trên là bổ sung vitamin từ thực phẩm.
Vitamin E có nhiều trong rau lá xanh,
các loại hạt (hạt hướng dương), dầu thực vật, đậu tương, giá đỗ, vừng,
lạc, mầm lúa mạch… Vitamin C có nhiều trong cam, chanh, bưởi, ổi, rau,
ngót…
Chế độ ăn giàu vitamin B
Các vitamin nhóm B (B6, B9, B12) có thể
giúp kiểm soát lượng homocystein – hợp chất làm tăng nguy cơ mắc
Alzheimer và cả bệnh tim. Chính vì thế mà bệnh nhân Alzheimer thường
thiếu vitamin B.
B6 có nhiều trong gan bê, thịt gà, ngũ
cốc, đậu… Vitamin B9 (folate, axit folic) có nhiều trong măng tây, rau
xanh sẫm như bông cải xanh, rau chân vịt… B12 có nhiều trong gan bò, quả
hạnh nhân, cải xoong, dưa bắp cải, sữa tươi, sữa bột, sữa chua, sữa đậu
nành và một số hải sản (cá hồi, cá sardin)…
Chế độ ăn giàu magie
Magie cũng là một vi chất quan trọng đối
với chức năng não bộ. Việc suy giảm mức magie trong cơ thể dẫn đến việc
kích thích quá độ các nơ ron thần kinh của não bộ, không cho não bộ
nghỉ ngơi dễ gây nên tình trạng mệt mỏi, stress, mất ngủ, hay quên, lẫn
lộn, suy giảm khả năng nhận thức… Hơn nữa, magie còn cần thiết cho quá
trình chuyển hóa sinh năng lượng, thiếu magie, não thiếu năng lượng sẽ
gây ảnh hưởng đến các chức năng bình thường của não bộ.
Magie có nhiều trong ngũ cốc nguyên cám, rau xanh hoặc các loại hạt…
Uống trà xanh hàng ngày
Chất chống oxy hóa trong trà xanh có thể
ngăn chặn sự phát triển của sợi amyloid – loại protein bất lợi đối với
cả bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson.
Ngoài các yếu tố dinh dưỡng, các chuyên
gia khuyến cáo mọi người nên rèn luyện để có một thói quen sống lành
mạnh, duy trì đều đặn luyện tập thân thể và tinh thần, tránh xa rượu bia
thuốc lá để việc phòng tránh Alzheimer có hiệu quả nhất.
Hoài Lâm
15 cách để bảo vệ thận của bạn
(Ảnh: getty images)
Theo Trung y, thận tàng tinh.
Tinh hoa của ngũ cốc được vị thu nhận, hóa, tàng chứa nơi thận. Tinh hoa
của mọi tạng phủ cũng được tàng chứa nơi thận.
Thận còn là “gốc tiên thiên, nguồn gốc
của sự sống”, trung y nhìn nhận rằng khí tiên thiên được tích trữ trong
tạng thận. Tạng thận theo Trung Y còn bao gồm cả tuyến thượng thận, và
buồng trứng của phụ nữ, tinh hoàn ở đàn ông. Do đó tạng thận không chỉ
có chức năng lọc máu, cân bằng dịch và cân bằng pH trong máu, mà còn
kiểm soát cả chức năng sinh sản, sinh dục của cơ thể.
Trong Trung Y, mỗi tạng đảm nhận một mặt
cảm xúc nhất định. Một người khỏe mạnh, thận cân bằng sẽ thể hiện ra
ngoài với tính cách hòa nhã, suy nghĩ có lý trí và thông thái. Trái lại,
khi thận hư sẽ khiến người ta cảm thấy sợ hãi, thiếu tự tin, thiếu ý
chí, giảm trí nhớ ngắn hạn, hành động không lý trí. Hãy giữ cho thận
khoẻ mạnh bằng cách tuân thủ một số điều sau trong cuộc sống của bạn,
kèm theo sử dụng thực phẩm bổ thận trong chế độ ăn.
Hãy bảo vệ thận của bạn với 15 cách sau đây:
Vị mặn có thể tốt cho thận, nhưng quá mặn lại không tốt.
Tránh hoặc giảm uống cà phê, ăn sôcôla, đường và các chất kích thích.
Tránh dùng nhiều thực phẩm lạnh và đồ uống lạnh.
Giảm hoặc không uống nước ép trái cây đã qua tiệt trùng, trừ nước ép
nam việt quất không đường, là thức uống tốt cho cả thận và bàng quang.
Nước hầm xương làm từ xương động vật nuôi ăn cỏ có thể giúp bổ thận.
Uống 8-10 ly nước mỗi ngày. Lượng nước này có thể ở dưới dạng súp, trà, nước, cơm, và rau luộc.
Nên dùng tăng thêm muối biển và dầu ăn vào những tháng mùa đông.
Thêm thực vật biển và các thực phẩm biển khác vào khẩu phần ăn của bạn.
Đảm bảo nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.
Tránh ăn quá nhiều hay ăn lúc khuya muộn.
Bữa ăn hàng ngày hài hòa giữa protein, cacbonhydrate và chất béo lành mạnh (dầu oliu, dầu cá).
Tuân theo chế độ ăn giàu khoáng bao gồm có rau biển và vi tảo.
Vì cảm xúc gắn liền với tạng thận là sợ hãi, hãy làm điều gì đó khiến bạn sợ và hãy bước ra khỏi nỗi sợ của bạn.
Dùng thiền đình như một phương pháp để đối mặt nỗi sợ và tống khứ chúng.
Trên thế giới có rất nhiều loại
củ cải khác nhau, từ củ cải đỏ với hình cầu nho nhỏ, củ cải trắng với
hình dạng thuôn thuôn như củ cà rốt đến củ cải đen có vị cay đặc biệt
được ưa chuộng tại các quốc gia Đông Âu,…
Ở Việt Nam, từ trước tới nay, nhắc tới
củ cải chúng ta thường nghĩ ngay đến củ cải trắng với các món quen thuộc
như luộc, kho thịt, muối dưa,… Ngày nay, chúng ta đã dần biết đến củ
cải đỏ. Theo các nghiên cứu hiện đại, kết hợp với y học cổ truyền thì dù
ăn loại củ cải nào cũng rất tốt cho sức khỏe. Với đặc tính kháng khuẩn
và chống nấm, củ cải được sử dụng để điều trị các vấn đề y tế khác nhau,
từ ho, đi tiêu bất thường đến các vấn đề về dạ dày và ký sinh trùng
đường ruột. Củ cải còn là một phương thuốc hiệu quả cho chứng rối loạn
gan, các bệnh về hô hấp, sỏi thận, sỏi mật, ung thư…
Ăn củ cải rất tốt cho gan và túi mật. Nó giúp cho quá trình khử độc và làm sạch máu.
Bằng cách kiểm soát sự hủy diệt của tế
bào hồng cầu, gia tăng cung cấp bổ sung oxy trong máu, củ cải rất hữu
ích trong hỗ trợ điều trị bệnh vàng da. Củ cải còn giúp loại bỏ
bilirubin – sắc tố màu da cam (C33H36N4O6) có trong máu, mật, nước tiểu.
Củ cải đen có tác dụng nhiều nhất đối với căn bệnh này. Lá của củ cải
cũng hữu ích trong điều trị vàng da.
Củ cải là nguồn cung cấp dồi dào loại
chất xơ cơ thể không tiêu hóa được. Chất xơ này hỗ trợ tích cực cho quá
trình tiêu hóa thức ăn, giúp giữ lại nước và chữa táo bón, do đó giúp
phòng ngừa bệnh trĩ.
Bằng cách gia tăng sản xuất nước tiểu,
củ cải giúp lợi tiểu. Nước ép củ cải rất có tác dụng trong điều trị
chứng bí tiểu do tích nhiệt. Là loại thức ăn lợi tiểu, là chất tẩy rửa
và thuốc khử trùng, củ cải giúp chữa các rối loạn về thận. Tính lợi tiểu
giúp rửa sạch các chất độc tích lũy trong thận. Tính tẩy rửa giúp làm
sạch thận và giảm tích tụ chất độc trong máu, do đó giảm nồng độ của các
chất độc này trong thận. Đặc tính khử trùng bảo vệ thận khỏi nguy cơ
nhiễm trùng . Vì vậy, xét một cách tổng thể, củ cải tốt cho thận.
Với các rối loạn hô hấp, viêm phế quản
và hen suyễn, ăn củ cải cũng có tác dụng tốt. Củ cải có khả năng chống
sung huyết, do đó làm giảm sự tắc nghẽn của hệ thống hô hấp bao gồm mũi,
họng và phổi do lạnh, nhiễm trùng, dị ứng và các nguyên nhân khác. Đặc
tính khử trùng của củ cải còn bảo vệ các cơ quan hô hấp khỏi nhiễm
trùng.
Củ cải giúp giảm cân rất tốt. Lượng
calo trong củ cải rất thấp, hàm lượng nước và chất xơ lại cao. Do đó, ăn
củ cải cảm thấy no nhưng lại không gây béo.
Là một tác nhân khử độc tự nhiên, là
nguồn chất chống oxy hóa như vitamin C và anthocyanin, củ cải giúp chữa
trị nhiều loại ung thư, đặc biệt là bệnh ung thư đường ruột, dạ dày,
ruột kết và thận. Củ cải trắng giúp ngăn chặn sự hình thành của hoá chất
nguy hiểm trong cơ thể. Củ cải đỏ giàu lycopen có thể làm giảm nguy cơ
gây ung thư.
Hạt giống củ cải nghiền thành bột, ngâm
dấm rồi bôi lên các mảng da bị trắng sẽ hữu ích trong việc điều trị bệnh
bạch bì. Ăn củ cải cũng hỗ trợ điều trị căn bệnh này.
Lượng vitamin C, phốt pho, kẽm và
vitamin B6 trong củ cải giúp duy trì độ ẩm của da, ngăn ngừa mụn. Do đó,
củ cải được sử dụng trong điều trị những rối loạn về da.
Củ cải có đặc tính chống ngứa, nó có thể
được sử dụng như một điều trị hiệu quả cho côn trùng cắn, ong đốt. Nước
ép củ cải giúp cho việc làm dịu các vùng bị đau và sưng.
Tuấn Long
Mẹo chống say xe không dùng thuốc
(Ảnh: internet)
Nỗi khổ vì say tàu, xe như thế
nào thì chỉ có người trong cuộc mới có thể thấu hết được. Cơn say có thể
vắt cạn sức lực và làm bạn mất sạch hứng thú để làm bất kỳ việc gì vào
lúc đó, thậm chí vài ngày sau vẫn chưa hết dư âm. Thông thường, phải chủ
động phòng say xe từ trước, còn khi nó đến thì có lẽ bạn chỉ còn cách
là chịu trận.
Có bị say xe hay không phụ thuộc rất
nhiều vào thể trạng của bạn trước khi khởi hành. Sức khỏe tốt, tâm thái
vui vẻ thoải mái và tự tin sẽ giúp bạn rất nhiều để loại bỏ từ sớm nguy
cơ say xe. Do vậy, bạn nên dành một chút thời gian để chuẩn bị cho
chuyến đi của mình, chặng đường đi càng xa, đường càng xấu thì lại cần
chuẩn bị tốt hơn nữa.
Ăn no, ngủ kỹ trước khi khởi hành
Vừa lên xe vừa thở gấp không phải là
trạng thái lý tưởng để phòng say xe. Nên tránh vắt kiệt sức mình cho đến
sát nút giờ khởi hành với hy vọng sẽ nghỉ ngơi bù lại khi lên xe. Nếu
đó là một chuyến đi khá xa thì hãy lên lịch chuẩn bị mọi thứ từ trước để
bạn không lâm vào cảnh bị động vào giờ chót. Lao tâm khổ tứ chuẩn bị
hành trang và thiếu ngủ từ mấy ngày trước dồn lại sẽ làm bạn dễ bị chùng
xuống và khuất phục trước cơn say xe.
Cần đảm bảo rằng bạn không lên xe với
cái dạ dày lép kẹp. Tuy nhiên, cũng đừng ăn quá no hoặc quá sát giờ xe
chạy, hãy dành chút thời gian để bạn kịp “xuôi cơm”. Các loại thực phẩm
gây cảm giác khó chịu cần bị loại ra khỏi danh sách, ví dụ đồ ăn nhiều
dầu mỡ, đồ ăn có mùi vị lạ, gây ợ chua, hoặc ngang bụng. Nhiều người dự
trù sữa hộp nước lên xe nhưng đây không phải là thực phẩm lý tưởng cho
người có vấn đề say xe. Lý do là thường ngày bạn không có thói quen uống
sữa, do đó sữa có thể mang lại cảm giác khó tiêu.
Chọn vị trí đắc địa trên xe
Nếu được, hãy chọn cho mình một vị trí
tương đối thoải mái trên xe. Tránh ngồi ở phía cuối xe, hoặc vị trí ngay
chỗ phía trên bánh xe. Nên ngồi ở phía trên của xe và gần cửa sổ. Nếu
vị trí đó có thể lấy được chút “khí trời” thì càng tốt. Tránh những vị
trí mà gió từ máy lạnh có thể thổi thẳng vào người. Một kinh nghiệm nữa
là không nên ngồi cạnh những người dễ say xe. Khi thấy người bạn đồng
hành bên cạnh bị say, nôn ọe… thì bạn cũng bắt đầu lo lắng và rồi khó mà
chế ngự được.
Khi ngồi trên xe, nên tránh nhìn theo
các cảnh bên đường. Không nên xem sách báo, đọc thông tin trên điện
thoại hoặc xem bản đồ… Khi mắt bạn phải điều tiết liên tục, bạn dễ rơi
vào cảnh hoa mắt chóng mặt và dẫn đến say xe.
Tạo không khí thoải mái
Những câu chuyện hứng thú với người xung
quanh, máy nghe với những bản nhạc yêu thích… có thể giúp bạn quên đi
cảm giác đang ở trên xe, đánh lạc hướng tập trung của bạn, do vậy sẽ
giúp tránh được cơn say. Ngoài ra, nếu bạn có thể “ngủ vùi” thì cũng là
một cách tốt để tránh bị tác động bởi cảm giác say xe.
Một số “nguyên liệu” có tác dụng áp chế cơn say:
Vỏ quýt
Bạn có thể mang theo mình một vài quả
quýt, hãy bóc lấy vỏ khi cần thiết, bóp cho tinh dầu quýt tỏa ra ngoài,
tốt nhất là gần chỗ mũi mình. Tinh dầu cùng hương thơm nhẹ từ vỏ quýt sẽ
giúp bạn đỡ say và cảm thấy tỉnh táo dễ chịu hơn.
Dầu gió
Khi ngồi trên xe, bạn có thể lấy dầu gió
bôi lên thái dương để tránh bị say. Cũng có thể nhỏ vài giọt dầu gió
xung quanh chỗ bạn ngồi để át những mùi lạ khó chịu trên xe, tạo ra một
vùng dễ thở hơn.
Gừng tươi
Cắt một lát gừng tươi cầm trên tay, lúc
ngồi trên xe ôtô, bạn hãy đặt ở dưới lỗ mũi để cho mùi hăng và cay bay
vào trong mũi. Ngoài ra, trà gừng cũng là một phương pháp hữu hiệu. Bạn
có thể uống trước trà gừng khi đi. Ngậm kẹo gừng cũng là một giải pháp,
tinh dầu gừng sẽ giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn.
Tránh xa các mùi khó chịu
Tránh xa mùi thuốc lá, mùi nước hoa hay
các chất tạo mùi khó chịu trên xe. Vì khói thuốc lá sẽ khiến cho tình
trạng say xe của bạn trở nên tệ hơn.
Hãy dùng khẩu trang để ngăn các mùi khó chịu, mùi xăng, khói xe…tiếp xúc trực tiếp với khứu giác.
Trên đây là một số giải pháp chống say
xe tạm thời để bạn “bỏ túi” khi phải đi xa. Để hạn chế và dẫn đến cắt
hẳn các tình trạng say xe, bạn cần lưu tâm đến việc nâng cao sức khỏe
tổng thể của mình bằng cách chú ý đến chế độ ăn uống, tập thể thao…
Thiền định cũng là một phương pháp có thể mạng lại cho bạn rất nhiều lợi
ích tuyệt vời cho sức khỏe trong thời gian ngắn.
Mạnh Lạc
Uống nhiều sữa tốt cho xương: sự thật hay lời nói dối xuyên lục địa?
“Uống sữa tốt cho xương, uống
sữa giúp phòng ngừa gãy xương…” là các thông điệp mà các giới chức của
bộ ngành y tế sức khỏe, các chuyên gia dinh dưỡng, và đặc biệt là các
nhà sản xuất và kinh doanh sữa vẫn đang ngày đêm tiếp tục quảng bá tại
nhiều nước. Điều này đã trở thành hiển nhiên đúng với nhiều triệu người
trên trái đất. Nhưng các nghiên cứu mới đây cho thấy, đó có lẽ chỉ là
chiêu thuật để đẩy mạnh tiêu thụ sữa trong dân chúng.
Thực ra thì tiếng to tiếng nhỏ, nghi ngờ
những khả năng phòng chống loãng xương, gãy xương…của sữa đã có từ lâu
nhưng chưa có được các nghiên cứu nào đủ trọng lượng để khẳng định.
Trong khi đó giới công nghiệp thì vừa nhiều tiền, giỏi ăn nói và quan hệ
công chúng, lại “lobby” chính trị tốt nên luôn chiếm ưu thế trên các
phương tiện truyền thông, đặc biệt lại càng áp đảo trước các nhà khoa
học có thói quen “rụt rè” trong các kết luận của mình.
Sau khi tổng hợp hàng loạt nghiên cứu
khác nhau, phỏng vấn những người trong ngành, kết quả các điều tra thì
nhà báo khoa học chuyên nghiên cứu về sữa và công nghiệp sữa, ông
Thierry Soucar đã cung cấp rất nhiều thông tin và phân tích trong cuốn
sách nổi tiếng của mình, “Lait, mensonges et propagand” (tạm dịch: Sữa, lời dối trá và tuyên truyền).
Ông cho rằng, những “diễn văn” của các nhà sản xuất và kinh doanh sữa
khuyến cáo nên nạp từ 3 đến 4 phần sữa mỗi ngày, ví dụ: 1 ly sữa, 1 cái
yaourt, 1 miếng phomai, 1 chén ngũ cốc trộn sữa) để tốt cho xương…chỉ
đơn thuần là lời tuyên truyền. Nếu dùng quá nhiều sẽ tăng khả năng bị ung thư tiền liệt tuyến ở nam, ung thư buồng trứng ở nữ, và bệnh Parkinson ở cả hai giới.
Cuộc tranh luận tẩy chay thông điệp này
lại càng nóng lên sau khi các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard công bố
kết quả thu được khi cố gắng tìm hiểu mối liên hệ giữa sự tiêu thụ sữa
của những người vị thành niên và mối nguy gãy xương sau đó trong đời.
Đây là một nghiên cứu quy mô rất lớn, thu thập số liệu của 22 năm và có
sự tham gia của trên 96.000 người cả nam lẫn nữ (1).
Kết quả cho thấy, thêm một ly sữa hàng
ngày ở tuổi vị thành niên là gắn với một mối nguy cơ bị gãy xương háng
cao hơn ở đàn ông. Đối với phụ nữ thì uống sữa không liên quan đến việc
tăng hay giảm mối nguy này.
Kết luận của các nhà nghiên cứu là:
tiêu thụ sữa ở tuổi vị thành niên không giúp giảm nguy cơ gãy xương mà
thậm chí còn làm tăng nguy cơ gãy xương ở đàn ông.
Thêm vào đó, theo một nghiên cứu công bố vào năm 2012 trên American Journal of Epidemiology, nếu người nào dùng nhiều sữa và lúc tuổi vị thành niên, thì sẽ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt (2).
Thực thế nhiều khảo sát ở những nước
phát triển, tiêu thụ nhiều các sản phẩm sữa cho thấy tỉ lệ các vấn đề
xương khớp không sai biệt gì đáng kể so với những nước kém phát triển,
nơi mặt hàng sữa vẫn còn thuộc loại xa xỉ. Mọi người thường hay liên hệ
đến canxi khi nói đến sức khỏe của xương, nhưng thực ra các yếu tố dinh
dưỡng khác cũng vô cùng quan trọng, đó là phốt pho, kali, các chất
khoáng khác, đạm và vitamin. Cần đa dạng hóa thực phẩm để không bị thiếu
hoặc dư thừa một chất nào đó.
Ở Việt Nam có lẽ cũng rất khó để thực
hiện được những nghiên cứu bài bản và khách quan như trên. Tuy nhiên
chúng ta cũng không có quá nhiều các sản phẩm sữa để dùng đến 3 – 4 phần
mỗi ngày nhất là khi giá sữa luôn treo ở “trên cây”. Khi uống sữa, nếu
bạn cảm thấy khó tiêu, đầy bụng, tiêu chảy, ợ hơi…thì cũng đừng nên ép.
Hãy coi sữa cũng giống như các thực phẩm thông thường khác thì mọi
chuyện đơn giản hơn nhiều.
Việc các doanh nghiệp luôn tìm cách rót
vào tai người tiêu dùng những công dụng tuyệt vời đã được đánh bóng (đôi
khi là không có thực) và thổi phồng lên là chuyện thường tình. Do vậy
tự mỗi người phải tìm ra được chế độ dinh dưỡng phù hợp với cơ thể và
túi tiền của mình.
Hỏi:Quỹ
tiền tệ quốc tế IMF vừa cho biết, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành
nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó, GDP Trung Quốc tính theo phương
pháp ngang giá sức mua (PPP) sẽ đạt 17.600 tỷ USD năm, vượt mức GDP của
Mỹ hiện tại là 17.400 tỷ USD. Trong những cuộc trao đổi với chúng tôi
nhiều chuyên gia ở các cơ quan nghiên cứu lo ngại rằng với sự phát triển
như thế Trung Quốc sẽ có một thế hệ công nghệ cao hơn và tất yếu họ sẽ
tuồn công nghệ lạc hậu sang các nước kém phát triển hơn. Do đó Việt Nam
cần phải cảnh giác vì rất dễ trở thành bãi thải công nghệ. Ông đánh giá
như thế nào về khả năng kinh tế Trung Quốc vượt mặt Mỹ và những hệ lụy
của chuyện này? Trả lời: Tôi rất ngạc nhiên
khi thấy nhiều người quá quan tâm đến những chuyện như thế này. Có một
thời kỳ chúng ta rất phấn khởi khi nghe thấy kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ,
còn bây giờ nghe thông tin như vậy thì chúng ta lại quá lo lắng. Với tư
cách là một người Việt Nam tôi không hiểu tại sao chúng ta lại quá quan
tâm đến những thông tin này và cố gắng tìm cách để lo lắng cho có lý.
Trên thực tế công nghệ lạc hậu của Trung Quốc đã đến Việt Nam một cách
liên tục từ lâu. Trước khi có những nhà máy xi măng hiện đại, chúng ta
đã phải vất vả đối phó với các địa phương trong việc tiếp quản các nhà
máy xi măng lò đứng của Trung Quốc. Tất cả các nhà máy đường của nền
công nghiệp hương chấn Trung Quốc đã chuyển vào Việt Nam từ lâu. Tôi đã
đến Quảng Ngãi, đã được nghe người ta khoe về những nhà máy đường như
vậy vào những năm 1990-1991.
Có lẽ những nỗi lo của chúng ta hiện
nay ít liên quan đến kinh tế học mà liên quan nhiều đến tình cảm dân
tộc. Khi chúng ta không thích Mỹ thì chúng ta chào đón việc Trung Quốc
tăng trưởng mười mấy phần trăm và có khả năng vượt Mỹ với một sự phấn
khởi. Còn bây giờ thì ngược lại, chúng ta quan tâm đến chuyện Trung Quốc
vượt Mỹ như một nỗi lo. Nói tóm lại là chúng ta để cho tình cảm dân tộc
chi phối sự chú ý chính trị của mình đến hiện tượng kinh tế này. Tôi
không thích cách đặt vấn đề như vậy. Nói như thế không thật lòng lắm đối
với nền kinh tế vì không ý thức được về những nỗi lo thật sự.
Nỗi
lo thật sự về kinh tế chính là chúng ta tiếp nhận sự phát triển của nền
kinh tế Trung Quốc bằng cách nào để có lợi nhất cho Việt Nam. Đáng ra
phải đặt những câu hỏi như thế. Câu hỏi của chúng ta hiện nay thể hiện
một thái độ giống anh chồng luôn luôn lo anh hàng xóm đẹp trai, to lớn
quá thì vợ mình đi với nó mất. Trước đây chúng ta xem anh hàng xóm đẹp
trai ấy là người Mỹ, chúng ta luôn luôn lo về diễn biến hòa bình. Báo
chí của chúng ta chạy theo trào lưu diễn biến hòa bình để phản ánh một
tình cảm chính trị, và tình cảm ấy lấn át năng lực nhận thức của xã hội
về mặt kinh tế. Bây giờ, sau những việc xảy ra ở Biển Đông, chúng ta lại
thay thế anh hàng xóm Mỹ tạo ra diễn biến hòa bình bằng anh hàng xóm
sát bên cạnh sắp vượt Mỹ. Về mặt báo chí tôi muốn góp ý với các bạn là
cách đặt câu hỏi này bộc lộ toàn bộ nhược điểm nhận thức của người Việt
Nam và của báo chí Việt Nam về vấn đề chính trị khổng lồ là sự tăng
trưởng kinh tế như vũ bão của Trung Quốc.
Câu hỏi của các bạn đặt
ra như một khẳng định mà không cần phải suy nghĩ nữa, đấy là một quan
niệm sai của người Việt khi đối phó với sự phát triển như vũ bão của nền
kinh tế Trung Quốc, dù sự phát triển ấy là chất lượng hay số lượng.
Chúng ta chỉ để ý đến chuyện họ thải công nghệ mà không hề để ý đến
chuyện chúng ta có cách nào để tạo ra chính sách tốt hơn, phù hợp với
đặc điểm phát triển của một nền kinh tế chắc chắn là ảnh hưởng đến chúng
ta và biến ảnh hưởng ấy trở thành ảnh hưởng tích cực. Tôi nghĩ các bạn
nên đặt ra vấn đề như tôi vừa gợi ý để tránh bộc lộ tình cảm dân tộc,
bởi vì tình cảm ấy rất không có lợi. Kể cả những dân tộc lớn như Nhật
Bản cũng phải thu xếp tình cảm dân tộc của mình. Cách đây vài hôm Thủ
tướng Sinzo Abe đã bắt đầu thay đổi thái độ với Trung Quốc. Thậm chí ông
ấy còn phải đi xem kịch với Lý Y Lâm, người lãnh đạo của một tổ chức
hữu nghị của Trung Quốc để thu xếp quan hệ với Trung Quốc cho yên ổn.
Đáng
ra chúng ta phải phản ánh được những thông tin như vậy để hiểu rằng
thái độ của tất cả các nước trên thế giới đối với Trung Quốc đều có
những diễn biến hết sức phức tạp mà người Việt Nam cần phải đề phòng với
tư cách là kẻ hứng chịu trực tiếp tất cả những ảnh hưởng có thể tiêu
cực từ Trung Quốc. Chúng ta không phản ánh được cho nên sự chú ý chính
trị của chúng ta đối với vấn đề Trung Quốc là lệch. Lệch do sự hướng dẫn
của chủ nghĩa dân tộc đơn giản. Hỏi: Do ảnh hưởng của những phân tích của các chuyên gia, từ đầu đến giờ chúng tôi luôn nhìn nhận vấn đề này như một nỗi lo ngại. Trả lời:
Các cụ có những câu rất khôn “Gần nhà giàu đau răng ăn cốm”. Nó phát
triển có chất lượng thì tức là nó sẽ trở thành nhà giàu. Nếu nói Trung
Quốc chung chung thì chúng ta nghĩ rằng mình ở cạnh một nền kinh tế lớn.
Nhưng phân tích địa kinh tế thì chúng ta thấy mình ở cạnh bộ phận lạc
hậu nhất Trung Quốc là Quảng Tây và Vân Nam. Vấn đề miền Tây Nam Trung
Quốc là một vấn đề của sự phát triển của Trung Quốc. Sự phát triển có
chất lượng của nền kinh tế Trung Quốc đương nhiên sẽ lan đến các vùng
lạc hậu của nó. Vậy thì thay vì tiếp cận với một khu vực lạc hậu của nền
kinh tế Trung Quốc, Việt Nam sẽ có triển vọng tiếp cận với những khu
vực kinh tế phát triển dần lên về mặt chất lượng. Tại sao chúng ta không
đón lõng pha chất lượng của nó mà lại chỉ chú ý lo lắng về sự thải hồi
các công nghệ lạc hậu của nó? Nhận thức như vậy mới thành trí thức được.
Trí thức không phải là người lo nỗi lo quần chúng. “Tiên thiên hạ tri
ưu như ưu”, trí thức là người lo trước cái lo của thiên hạ. Bây giờ kinh
tế Trung Quốc đã đi hết giai đoạn bản năng của sự phát triển tự nhiên,
bắt đầu thay đổi từ phát triển chiều rộng sang phát triển có chiều sâu.
Vậy thì câu hỏi đặt ra là kinh tế của Vân Nam và Quảng Tây có triển vọng
phát triển về chất lượng không và chúng ta tiếp cận với vấn đề đó như
thế nào. Hỏi:Chúng tôi đã trao đổi với một số
chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc. Họ cũng chia sẻ nỗi lo trong dòng
suy nghĩ chung của xã hội. Hầu hết đều nghĩ rằng khi Trung Quốc bước lên
như thế thì đương nhiên công nghệ của họ cao hơn, trình độ của công
nhân và quản lý của họ cũng cao hơn. Vậy thì những công nghệ thấp hay
lạc hậu của họ trước đây sẽ được tuồn đi đâu. Các chuyên gia nghiên cứu
về Trung Quốc cho rằng dòng chảy ấy hướng về những vùng trũng như Vân
Nam, Quảng Tây, đồng thời nó cũng sẽ được chuyển ra nước ngoài. Việt Nam
là một nước ở ngay bên cạnh, có nền công nghệ kém phát triển nên có
nguy cơ hứng dòng chảy ấy. Nhận xét của ông về hướng suy nghĩ này? Trả lời:
Nỗi lo ấy rất quan liêu. Còn lâu chúng ta mới tương đương với Quảng Tây
và Vân Nam. Chúng ta kém hơn nhiều vì chúng ta hầu như không có công
nghiệp. Vậy Việt Nam nhập những công nghệ ấy để sản xuất rồi bán cho ai?
Nỗi lo ấy là không có thật. Việt Nam không phải là thị trường tiêu thụ
công nghệ. Người Trung Quốc bán hàng hóa sang đây chứ không bán công
nghệ. Việt Nam có một giai đoạn do ảnh hưởng của quan niệm kinh tế cũ
nên nhập thiết bị, nhập công nghệ, nhưng bây giờ thì không. Người Việt
sính ngoại, người Việt rất phấn khởi chuẩn bị tiền để thích ứng với giai
đoạn cung cấp các hàng hóa cao cấp từ Trung Quốc. Họ không dùng hàng
hóa do chính người Việt Nam sản xuất bằng các thiết bị hoặc công nghệ
lạc hậu của Trung Quốc .
Giai đoạn người Việt Nam trở thành những
nhà công nghiệp, những nhà sản xuất hàng hóa qua rồi. Tôi vừa viết một
bài trên báo Đại đoàn kết, trong đó tôi nói rằng Chúng ta sẽ không có
triển vọng để có thể cấu trúc ra một nền kinh tế. Bây giờ ngay cả khát
vọng trở thành một nước công nghiệp cũng không còn nữa. Buôn bán bất
động sản và buôn bán chứng khoán đã thay thế tất cả những chuyện như
vậy.
Nỗi lo nhập công nghệ lạc hậu là của những năm 80-90. Với
tham vọng hiện nay của các tập đoàn nhà nước, người ta không nhập loại
công nghệ ấy. Các tập đoàn bây giờ chơi sang, nhập những công nghệ tiên
tiến của phương Tây. Với một tinh thần dân tộc như thế này sức mấy mà
chúng ta chấp nhận nhập thiết bị Trung Quốc. Nỗi lo ấy là của những
người nhận thức lạc hậu về các nguy cơ.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc “gây sốc” Hỏi: Ông nói tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước thích nhập công nghệ mới. Nhưng những ví dụ như ụ nổi của Vinalines thì sao? Trả lời:
Các bạn nhầm lẫn giữa chuyện bây giờ mới xử với bây giờ mới nhập ụ nổi.
Ụ nổi diễn ra từ thưở hàn vi của các quan chức ăn cắp vặt, còn bây giờ
họ nhiều tiền rồi, họ không chơi những trò như thế, họ mở casino, họ tổ
chức thi hoa hậu, họ xây dựng nhiều địa điểm thành những nơi ăn chơi.
Chúng ta đã đi qua giai đoạn nhập thiết bị cũ lâu rồi, bây giờ Việt Nam
gần như không có quy hoạch công nghiệp nên không sợ nhập thiết bị lạc
hậu. Nỗi lo mà bạn nói là nỗi lo dựa theo một logic không có thật. Nó là
sự suy tưởng một cách quan liêu đối với các nguy cơ của nền kinh tế
Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam có các nguy cơ nhưng không phải nguy cơ
như bạn nêu.
Nếu bạn nói thế này thì sẽ gần với thực tế hơn: Trung
Quốc sẽ thải hồi một số thiết bị, một số công nghệ lạc hậu đến mức trở
thành phế liệu. Việc tiếp nhận vào và phá bỏ những thứ ấy sẽ biến Việt
Nam thành một bãi tái chế các phế liệu. Trên báo chí vừa rồi có đề cập
đến chính sách nhập tàu biển cũ vào để phá dỡ. Các bạn phải lo đúng với
thực tế. Người Việt sẽ nhập khẩu các thiết bị và công nghệ cũ của Trung
Quốc vào để phá dỡ và sẽ làm ô nhiễm môi trường Việt Nam. Trung Quốc
cũng chỉ lừa bán thiết bị cũ được một lần thôi. Bây giờ thế giới không
bị mắc lừa như thế nữa. Hỏi: Giả sử không đặt
ra nỗi lo ấy nữa mà chỉ nhìn vào vấn đề của hai nền kinh tế là Trung
Quốc và Mỹ, ông nghĩ gì về khả năng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ theo đánh
giá của IMF? Trả lời: Chúng ta phải luôn
luôn hiểu rằng Trung Quốc vượt lên thành nền kinh tế số một là một tất
yếu. Vì họ có 1.3 tỷ người, những con người ấy không ngu đi mà ngày ngày
thông minh lên thì chắc chắn nền kinh tế chứa đựng 1.3 tỷ người ấy sẽ
tăng lên. Quy mô của nó sẽ tăng lên một cách tự nhiên, một cách khách
quan và không định thi đua với Mỹ. Lỗi của IMF là nhìn hiện tượng này
như một cuộc thi đua kinh tế. Đừng nghĩ rằng IMF thì không có những sơ
xuất, vì đưa ra những dự báo kiểu này là khích lệ một sự ganh đua không
cần thiết. Tôi cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc vượt lên trên nền kinh
tế Hoa Kỳ về mặt quy mô là một tất yếu, sớm hay muộn điều ấy cũng xảy
ra. Sự vượt lên ấy không có gì đáng ngạc nhiên và cũng không có gì đáng
mừng. Người Trung Quốc không nên mừng về điều ấy. Đấy là chuyện bình
thường bởi vì người Mỹ không định thi đua với người Trung Quốc. Chính vì
người Mỹ không định thi đua với người Trung Quốc cho nên các nhà đầu tư
Mỹ mới bỏ tiền vào Trung Quốc.
Sự so sánh này rất vô nghĩa. Sự
vượt lên trên Mỹ của Trung Quốc về kinh tế được tạo ra bằng đầu tư của
Mỹ có nghĩa là người Mỹ không ngán gì quy mô ấy. Nếu không kiếm được
mười đồng trong việc đầu tư vào Trung Quốc thì người Mỹ sẽ không bỏ ra
một đồng. Người Mỹ khai thác thị trường Trung Quốc và người ta không
ngán việc nền kinh tế Trung Quốc vượt lên nền kinh tế của họ. Bởi vì họ
không sống bằng sự vượt lên mà sống bằng sự phát triển tự nhiên của nền
kinh tế. Còn chúng ta giống như kẻ đi xem chạy thi, không bao giờ có địa
vị nào trong cuộc thi.
Tóm lại, sự vượt lên của nền kinh tế Trung
Quốc về mặt quy mô đối với nền kinh tế Mỹ là một tất yếu. Người Trung
Quốc không cần phải sốt ruột dùng phương pháp ngang giá sức mua để so
sánh. Ngay cả so sánh tuyệt đối thì dần dần cùng với thời gian Trung
Quốc cũng sẽ vượt Mỹ, bởi vì nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế của
1,3 tỷ người, còn Mỹ là nền kinh tế của 300 triệu người thôi. Sự phát
triển vượt bậc, vượt cả Mỹ về quy mô của kinh tế Trung Quốc là một tất
yếu, tuy nhiên, để bằng Mỹ về mặt chất lượng, nhất là đầu tư chuyên sâu,
thực sự vì đời sống con người thì hàng trăm năm nữa người Trung Quốc
cũng chưa làm được như người Mỹ. Hỏi:Thời
gian qua có hai hiện tượng, một là một số Doanh nghiệp chuyên về gia
công rút khỏi thị trường Trung Quốc và đầu tư vào thị trường Việt Nam,
hai là những nhà đầu tư chuyên về công nghệ cao lại đầu tư vào Trung
Quốc những dự án rất lớn. Ví dụ như tập đoàn Intel của Mỹ chuẩn bị đầu
tư khoảng 1,5 tỷ đô la vào Trung Quốc. Tập đoàn GM cũng dự tính đầu tư
vào khoảng 14 tỷ đô la. Phải chăng Trung Quốc đang bước lên giai đoạn
phát triển công nghệ cao hơn? Trả lời: Nó
luôn luôn phát triển cho nên nó bước lên, chỉ có chúng ta là không bước
lên, hoặc có bước lên chút ít nhưng bước chuệnh choạng. Tôi không ngạc
nhiên khi Intel đầu tư vào Trung Quốc. Intel sản xuất các con chip,
nhưng họ sản xuất để bán lại cho các hãng điện tử tiêu dùng khác. Trung
Quốc đang phát triển như thế thì đương nhiên họ phải chuẩn bị nguồn
nguyên liệu cho sự lắp ráp. Các con chip là nguyên liệu cơ bản cho tất
cả các sự lắp ráp điện tử tiêu dùng.
Hỏi: Nhưng để sản xuất con chip đòi hỏi
phải có công nghệ cao và phức tạp. Những nhà sản xuất lớn đầu tư vào
Trung Quốc như vậy cho thấy biểu hiện gì của thị trường Trung Quốc? Trả lời:
Điều đó cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu tham gia vào thị trường sản xuất
các thiết bị có chất lượng cao. Đấy là sự phát triển của nền kinh tế
Trung Quốc và đấy là một sự thật. Dù chúng ta có không thích điều đó, có
“khấn Trời, khấn Phật” để Trung Quốc lạc hậu mãi cũng không được. Không
ai khấn mà làm người khác lạc hậu được, làm như vậy chỉ khiến cho mình
lạc hậu đi mà thôi. Hỏi: Trước những bước chuyển của nền kinh tế thế giới thì cơ hội phát triển của nền kinh tế Trung Quốc sẽ như thế nào? Trả lời:
Cuối những năm 1980 đầu những năm 1990 tôi đến Mỹ thăm các bang làm
công nghiệp như Pennsylvania, nhìn thấy nhiều nhà máy bỏ không. Các quan
chức ở đó nói với tôi rằng những vùng ấy là kết quả của sự phát triển
kinh tế của Trung Quốc. Vốn đầu tư và công nghệ đã được chuyển dần sang
Trung Quốc và làm hoang vắng các vùng công nghiệp của nước Mỹ. Trung
Quốc là một hố đen về mặt kinh tế, nó hút cả thế giới, không ai cưỡng
lại được. Đó là sức hút của 1,3 tỷ dân. 1,3 tỷ dân ấy đi từ trạng thái
cửu vạn đến công nhân áo xanh và tiếp đến là phát triển thành công nhân
cổ cồn. Đó là lộ trình phát triển tất yếu của bất kì một nền kinh tế nào
có một chương trình phát triển cụ thể. Trung Quốc là một quốc gia có
chương trình phát triển cụ thể, họ sẽ đi đến trạng thái đó. Chúng ta
không nghĩ đến việc tận dụng tình thế ấy như thế nào. Chúng ta chỉ ngồi
cầu khấn, chờ họ trì trệ. Những tình cảm dân tộc chủ nghĩa đơn giản đã
sinh ra những phản ứng và cả những dự báo khoa học vô lý. Hỏi: Lâu
nay khi đề cập đến Trung Quốc người ta hay nói đến lợi thế về nhân công
giá rẻ hay thị trường tiêu thụ cực kì rộng lớn. Vậy khi Trung Quốc có
những bước chuyển từ kinh tế công nghệ thấp sang kinh tế công nghệ cao,
những lợi thế này sẽ được khai thác như thế nào? Trả lời:
Chúng ta nói thế cứ như là một bài thơ đang diễn ra ở Trung Quốc, nhưng
không phải vậy. Chuyển đổi từ nền kinh tế cửu vạn sang nền kinh tế công
nghệ cao là một cuộc chuyển đổi cực kì đau đớn, nó làm giãn khoảng cách
giàu nghèo ở Trung Quốc. Đảng cộng sản Trung Quốc, Chính phủ trung Quốc
sẽ phải giải quyết những bài toán cực kì khốc liệt trong quá trình
chuyển đổi chất lượng phát triển từ nền kinh tế công nghiệp giá rẻ với
lao động giá rẻ sang nền kinh tế công nghiệp chất lượng cao. Đây là một
bài toán chính trị- kinh tế- xã hội cực kì phức tạp. Chúng ta sớm hay
muộn cũng sẽ phải đối mặt với những bài toán như vậy. Chúng ta phải xem
xét nghiên cứu để học, để rút kinh nghiệm từ các bước mà Trung Quốc đã
đi qua. Bây giờ Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc phải
giải quyết những thứ như vậy cả về phương diện lý luận chính trị lẫn
cách thức điều hành nền kinh tế Hỏi: Theo ông họ đang giải quyết bài toán ấy như thế nào? Trả lời:
Họ giải quyết dần dần, giải quyết một cách thực tế. Các thiết bị cũ giữ
nguyên hay chuyển? Nếu chuyển thì chuyển cho ai? Đó là một bài toán.
Nếu người ta vẫn tiếp tục sử dụng phương thức lừa đảo trước đây ở những
năm 80-90 để bán cho những quốc gia như Việt Nam thì họ sẽ thấy ngay
rằng đó là một hình thức quảng bá tính tiêu cực của Trung Quốc. Cho nên,
thay vì chuyển cho chúng ta thì họ sẽ cho không dưới tất cả các hình
thức hữu nghị. Và xã hội chúng ta sẽ rất dễ bị lừa nếu không được thức
tỉnh trước. Cũng có thể họ bán được những thiết bị ở qui mô nhỏ với giá
rẻ. Khả năng này rất dễ xảy ra ở khu vực tư nhân vì tư nhân mới ham rẻ,
còn nhà nước thì không. Hỏi: Ông có nói rằng
tư nhân là khu vực dễ bị lừa vì họ ham rẻ, nhưng tư nhân khi bỏ tiền ra
để mua công nghệ về họ cũng phải cân nhắc xem hiệu quả kinh tế ra sao,
lời lãi như thế nào chứ? Trả lời: Tư nhân
thì quy mô sản xuất nhỏ, họ sẽ mua những thiết bị nhỏ, những dây chuyền
nhỏ, những công nghệ nhỏ để sản xuất hàng hóa rẻ tiền. Bởi vì sức mua
của thị trường Việt Nam không tăng nhanh, nhu cầu hàng rẻ vẫn còn, mà
Trung Quốc không cung cấp hàng rẻ nữa thì khu vực cung cấp hàng rẻ của
Việt Nam sẽ thay thế. Tất cả những chuyện ấy đều có thể diễn ra để kéo
dài sự cung ứng hàng hóa phù hợp với tình trạng tăng trưởng sức mua chậm
của xã hội Việt Nam.
Bằng những câu hỏi bạn vừa phản ánh, có thể
thấy một thực tế là trong tương lai chúng ta không thể tăng trưởng được.
Tăng trưởng đầu tiên phải từ báo chí. Động lực của sự phát triển kinh
tế bắt đầu từ sự chú ý của báo chí, từ tiếng nói của báo chí. Nhưng báo
chí đang thể hiện nỗi lo của những kẻ đứng ngoài sự việc. Những nỗi lo
thật thay đổi cùng với thời gian và các chuyên gia cũng phải thay đổi
nhận thức cùng với thời gian. Còn bây giờ họ vẫn đang nhắc lại nỗi lo
của những năm 80. Hỏi: Như ông nói thì sẽ
không có chuyện những doanh nghiệp nhà nước rước những công nghệ lạc hậu
của Trung Quốc về vì họ có tiền, có nhiều lựa chọn? Trả lời:
Đương nhiên, nhưng không phải họ có tiền, có nhiều lựa chọn mà do “tính
chơi sang”. Tính chơi sang công nghệ của các xí nghiệp nhà nước đang
trở thành một nguy cơ đối với đất nước. Nợ công phát triển do tính chơi
sang của các xí nghiệp nhà nước. Bây giờ chúng ta đã có sân bay Tân Sơn
Nhất nhưng chúng ta vẫn bàn về việc xây dựng thêm sân bay khác ở Đồng
Nai. Đó là biểu hiện của tính chơi sang. Hỏi: Như vậy lo ở đây phải là lo ở khối doanh nghiệp tư nhân? Trả lời:
Về chuyện này nếu có gì đáng lo thì phải lo ở khối tư nhân. Vì sự phát
triển không phải diễn ra ngay một lúc mà nó bắt đầu bằng các tâm phát
triển. Các tâm phát triển mà có chất lượng cao như vậy thì sẽ gây lo
ngại cho những khu vực lạc hậu của nền kinh tế Trung Quốc. Khi đó, các
khu vực lạc hậu của nền kinh tế Trung Quốc sẽ tìm cách liên minh với nền
kinh tế lạc hậu là Việt Nam. Họ sẽ chuyển những công nghệ lạc hậu sang
Việt Nam để sản xuất, thậm chí chuyển bằng cách cho không như một sự hợp
tác hữu nghị. Bởi vì nhân công Trung Quốc không rẻ nữa trong khi nhân
công Việt Nam vẫn tiếp tục rẻ. Quy luật là như thế nhưng về mặt hình
thức nó không diễn ra giống như nỗi lo của các chuyên gia mà bạn đề cập. Hỏi: Có nghĩa là ông cho rằng nỗi lo không phải về phía các doanh nghiệp nhà nước mà nên lo ở khu vực tư nhân? Trả lời:
Cũng không thể rạch ròi đến mức ấy. Doanh nghiệp nhà nước bản thân nó
cũng là một khái niệm rất phức tạp. Các tập đoàn và các xí nghiệp của
nền công nghiệp địa phương là khác nhau, cho nên tôi không tuyệt đối hóa
khái niệm nhà nước. Các xí nghiệp địa phương Việt Nam cũng có những vấn
đề của nó, các xí nghiệp tư nhân cũng có vấn đề của nó. Hỏi: Như
vậy chuyện Trung Quốc tìm cách đẩy công nghệ lạc hậu sang vẫn là nguy
cơ có thật, theo ông chúng ta phải có những rào chắn gì? Trả lời:
Chúng ta có Bộ Khoa học và Công nghệ để làm gì? Bộ Khoa học Công nghệ
có nhiệm vụ dựng hàng rào kĩ thuật đối với các vấn đề công nghệ. Hỏi: Liệu rào chắn kĩ thuật có đủ không ? Trả lời:
Tất cả các hiệp định quốc tế về thương mại đều dựa trên các hàng rào kĩ
thuật. Đấy là công cụ để cân bằng lợi ích quốc gia. Hàng rào khoa học
kĩ thuật thì phải do những người phụ trách khoa học kĩ thuật làm, nhưng
những người ấy còn đang bận nói chuyện triết lý, nói chuyện phần mềm… Hỏi:Ngoài rào chắn kĩ thuật người ta cũng nói đến việc xây rào chắn chống tham nhũng? Trả lời:
Tôi không nói đến những chuyện như thế. Làm gì có rào chắn chống tham
nhũng, mà nếu có rào chắn ấy thì nó cũng chỉ được dựng lên cho oai thôi,
đến khi cần thì nó được nhấc ra ngay. Hỏi: Với
những bước chuyển của Trung Quốc như vậy thì Việt Nam cần phải có chính
sách như thế nào nhằm tận dụng được sự phát triển của Trung Quốc như
vấn đề ông đặt ra ban đầu? Trả lời: Chúng ta
cần phải học hỏi người Nhật Bản và người Hàn Quốc trong việc tận dụng
ưu thế ở cạnh nền kinh tế Trung Quốc. Cần phải tìm cách khai thác nền
kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn mới là giai đoạn chất lượng của nó.
Trước đây chúng ta đã khai thác giai đoạn lạc hậu của nó bằng hình thức
phi mâu dịch qua biên giới, tạo ra sự giàu có cho khối người ở Việt Nam.
Những nhà buôn tư nhân Việt Nam giàu có đều do kết quả của việc buôn
bán hàng hóa Trung Quốc. Thậm chí việc buôn bán ấy tạo ra cả những tỷ
phú của Việt Nam. Chúng ta đã lợi dụng pha thứ nhất của nền kinh tế
Trung Quốc như những kẻ buôn lậu. Bây giờ, chúng ta phải có chính sách
như thế nào đó để tận dụng pha thứ hai, pha có chất lượng của nền kinh
tế Trung Quốc với tư cách là các lực lượng chính thống. Hỏi: Hiện tại Việt Nam đã tận dụng được chút nào chưa? Trả lời:
Tất cả những sự giàu có ở các tỉnh biên giới, sự giàu có ở phố Hàng
Đào, ở quận 5 thành phố Hồ Chí Minh… từ đâu ra nếu không phải là sự tận
dụng một cách bất hợp pháp toàn bộ thành tựu của nền kinh tế Trung Quốc ở
pha thứ nhất, pha sản xuất hàng rẻ tiền mau hỏng? Chúng ta có nghiên
cứu điều đó đâu. Người Việt Nam đã tận dụng một cách vô cùng xuất sắc
nền kinh tế Trung Quốc bằng con đường buôn lậu. Vì sao? Vì Việt Nam còn
lâu mới có được ngành công nghiệp đạt chất lượng như nền công nghiệp rẻ
tiền mau hỏng của Trung Quốc. Hỏi:Còn khi Trung Quốc chuyển sang giai đoạn phát triển công nghệ cao chúng ta vẫn chưa tận dụng được gì? Trả lời: Không phải chúng ta chưa tận dụng được mà chúng ta chưa có ý thức về nó. Chúng ta vẫn đang chờ xem liệu nó có thế thật không.