Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Hiện tượng kinh tế Trung Quốc vượt kinh tế Mỹ

Tưởng Hồng Ninh thực hiện
16/04/2015
Hỏi:Quỹ tiền tệ quốc tế IMF vừa cho biết, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó, GDP Trung Quốc tính theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP) sẽ đạt 17.600 tỷ USD năm, vượt mức GDP của Mỹ hiện tại là 17.400 tỷ USD. Trong những cuộc trao đổi với chúng tôi nhiều chuyên gia ở các cơ quan nghiên cứu lo ngại rằng với sự phát triển như thế Trung Quốc sẽ có một thế hệ công nghệ cao hơn và tất yếu họ sẽ tuồn công nghệ lạc hậu sang các nước kém phát triển hơn. Do đó Việt Nam cần phải cảnh giác vì rất dễ trở thành bãi thải công nghệ. Ông đánh giá như thế nào về khả năng kinh tế Trung Quốc vượt mặt Mỹ và những hệ lụy của chuyện này?
Trả lời: Tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều người quá quan tâm đến những chuyện như thế này. Có một thời kỳ chúng ta rất phấn khởi khi nghe thấy kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ, còn bây giờ nghe thông tin như vậy thì chúng ta lại quá lo lắng. Với tư cách là một người Việt Nam tôi không hiểu tại sao chúng ta lại quá quan tâm đến những thông tin này và cố gắng tìm cách để lo lắng cho có lý. Trên thực tế công nghệ lạc hậu của Trung Quốc đã đến Việt Nam một cách liên tục từ lâu. Trước khi có những nhà máy xi măng hiện đại, chúng ta đã phải vất vả đối phó với các địa phương trong việc tiếp quản các nhà máy xi măng lò đứng của Trung Quốc. Tất cả các nhà máy đường của nền công nghiệp hương chấn Trung Quốc đã chuyển vào Việt Nam từ lâu. Tôi đã đến Quảng Ngãi, đã được nghe người ta khoe về những nhà máy đường như vậy vào những năm 1990-1991.
Có lẽ những nỗi lo của chúng ta hiện nay ít liên quan đến kinh tế học mà liên quan nhiều đến tình cảm dân tộc. Khi chúng ta không thích Mỹ thì chúng ta chào đón việc Trung Quốc tăng trưởng mười mấy phần trăm và có khả năng vượt Mỹ với một sự phấn khởi. Còn bây giờ thì ngược lại, chúng ta quan tâm đến chuyện Trung Quốc vượt Mỹ như một nỗi lo. Nói tóm lại là chúng ta để cho tình cảm dân tộc chi phối sự chú ý chính trị của mình đến hiện tượng kinh tế này. Tôi không thích cách đặt vấn đề như vậy. Nói như thế không thật lòng lắm đối với nền kinh tế vì không ý thức được về những nỗi lo thật sự.
Nỗi lo thật sự về kinh tế chính là chúng ta tiếp nhận sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc bằng cách nào để có lợi nhất cho Việt Nam. Đáng ra phải đặt những câu hỏi như thế. Câu hỏi của chúng ta hiện nay thể hiện một thái độ giống anh chồng luôn luôn lo anh hàng xóm đẹp trai, to lớn quá thì vợ mình đi với nó mất. Trước đây chúng ta xem anh hàng xóm đẹp trai ấy là người Mỹ, chúng ta luôn luôn lo về diễn biến hòa bình. Báo chí của chúng ta chạy theo trào lưu diễn biến hòa bình để phản ánh một tình cảm chính trị, và tình cảm ấy lấn át năng lực nhận thức của xã hội về mặt kinh tế. Bây giờ, sau những việc xảy ra ở Biển Đông, chúng ta lại thay thế anh hàng xóm Mỹ tạo ra diễn biến hòa bình bằng anh hàng xóm sát bên cạnh sắp vượt Mỹ. Về mặt báo chí tôi muốn góp ý với các bạn là cách đặt câu hỏi này bộc lộ toàn bộ nhược điểm nhận thức của người Việt Nam và của báo chí Việt Nam về vấn đề chính trị khổng lồ là sự tăng trưởng kinh tế như vũ bão của Trung Quốc.
Câu hỏi của các bạn đặt ra như một khẳng định mà không cần phải suy nghĩ nữa, đấy là một quan niệm sai của người Việt khi đối phó với sự phát triển như vũ bão của nền kinh tế Trung Quốc, dù sự phát triển ấy là chất lượng hay số lượng. Chúng ta chỉ để ý đến chuyện họ thải công nghệ mà không hề để ý đến chuyện chúng ta có cách nào để tạo ra chính sách tốt hơn, phù hợp với đặc điểm phát triển của một nền kinh tế chắc chắn là ảnh hưởng đến chúng ta và biến ảnh hưởng ấy trở thành ảnh hưởng tích cực. Tôi nghĩ các bạn nên đặt ra vấn đề như tôi vừa gợi ý để tránh bộc lộ tình cảm dân tộc, bởi vì tình cảm ấy rất không có lợi. Kể cả những dân tộc lớn như Nhật Bản cũng phải thu xếp tình cảm dân tộc của mình. Cách đây vài hôm Thủ tướng Sinzo Abe đã bắt đầu thay đổi thái độ với Trung Quốc. Thậm chí ông ấy còn phải đi xem kịch với Lý Y Lâm, người lãnh đạo của một tổ chức hữu nghị của Trung Quốc để thu xếp quan hệ với Trung Quốc cho yên ổn.
Đáng ra chúng ta phải phản ánh được những thông tin như vậy để hiểu rằng thái độ của tất cả các nước trên thế giới đối với Trung Quốc đều có những diễn biến hết sức phức tạp mà người Việt Nam cần phải đề phòng với tư cách là kẻ hứng chịu trực tiếp tất cả những ảnh hưởng có thể tiêu cực từ Trung Quốc. Chúng ta không phản ánh được cho nên sự chú ý chính trị của chúng ta đối với vấn đề Trung Quốc là lệch. Lệch do sự hướng dẫn của chủ nghĩa dân tộc đơn giản.
Hỏi: Do ảnh hưởng của những phân tích của các chuyên gia, từ đầu đến giờ chúng tôi luôn nhìn nhận vấn đề này như một nỗi lo ngại.
Trả lời: Các cụ có những câu rất khôn “Gần nhà giàu đau răng ăn cốm”. Nó phát triển có chất lượng thì tức là nó sẽ trở thành nhà giàu. Nếu nói Trung Quốc chung chung thì chúng ta nghĩ rằng mình ở cạnh một nền kinh tế lớn. Nhưng phân tích địa kinh tế thì chúng ta thấy mình ở cạnh bộ phận lạc hậu nhất Trung Quốc là Quảng Tây và Vân Nam. Vấn đề miền Tây Nam Trung Quốc là một vấn đề của sự phát triển của Trung Quốc. Sự phát triển có chất lượng của nền kinh tế Trung Quốc đương nhiên sẽ lan đến các vùng lạc hậu của nó. Vậy thì thay vì tiếp cận với một khu vực lạc hậu của nền kinh tế Trung Quốc, Việt Nam sẽ có triển vọng tiếp cận với những khu vực kinh tế phát triển dần lên về mặt chất lượng. Tại sao chúng ta không đón lõng pha chất lượng của nó mà lại chỉ chú ý lo lắng về sự thải hồi các công nghệ lạc hậu của nó? Nhận thức như vậy mới thành trí thức được. Trí thức không phải là người lo nỗi lo quần chúng. “Tiên thiên hạ tri ưu như ưu”, trí thức là người lo trước cái lo của thiên hạ. Bây giờ kinh tế Trung Quốc đã đi hết giai đoạn bản năng của sự phát triển tự nhiên, bắt đầu thay đổi từ phát triển chiều rộng sang phát triển có chiều sâu. Vậy thì câu hỏi đặt ra là kinh tế của Vân Nam và Quảng Tây có triển vọng phát triển về chất lượng không và chúng ta tiếp cận với vấn đề đó như thế nào.
Hỏi:Chúng tôi đã trao đổi với một số chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc. Họ cũng chia sẻ nỗi lo trong dòng suy nghĩ chung của xã hội. Hầu hết đều nghĩ rằng khi Trung Quốc bước lên như thế thì đương nhiên công nghệ của họ cao hơn, trình độ của công nhân và quản lý của họ cũng cao hơn. Vậy thì những công nghệ thấp hay lạc hậu của họ trước đây sẽ được tuồn đi đâu. Các chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng dòng chảy ấy hướng về những vùng trũng như Vân Nam, Quảng Tây, đồng thời nó cũng sẽ được chuyển ra nước ngoài. Việt Nam là một nước ở ngay bên cạnh, có nền công nghệ kém phát triển nên có nguy cơ hứng dòng chảy ấy. Nhận xét của ông về hướng suy nghĩ này?
Trả lời: Nỗi lo ấy rất quan liêu. Còn lâu chúng ta mới tương đương với Quảng Tây và Vân Nam. Chúng ta kém hơn nhiều vì chúng ta hầu như không có công nghiệp. Vậy Việt Nam nhập những công nghệ ấy để sản xuất rồi bán cho ai? Nỗi lo ấy là không có thật. Việt Nam không phải là thị trường tiêu thụ công nghệ. Người Trung Quốc bán hàng hóa sang đây chứ không bán công nghệ. Việt Nam có một giai đoạn do ảnh hưởng của quan niệm kinh tế cũ nên nhập thiết bị, nhập công nghệ, nhưng bây giờ thì không. Người Việt sính ngoại, người Việt rất phấn khởi chuẩn bị tiền để thích ứng với giai đoạn cung cấp các hàng hóa cao cấp từ Trung Quốc. Họ không dùng hàng hóa do chính người Việt Nam sản xuất bằng các thiết bị hoặc công nghệ lạc hậu của Trung Quốc .
Giai đoạn người Việt Nam trở thành những nhà công nghiệp, những nhà sản xuất hàng hóa qua rồi. Tôi vừa viết một bài trên báo Đại đoàn kết, trong đó tôi nói rằng Chúng ta sẽ không có triển vọng để có thể cấu trúc ra một nền kinh tế. Bây giờ ngay cả khát vọng trở thành một nước công nghiệp cũng không còn nữa. Buôn bán bất động sản và buôn bán chứng khoán đã thay thế tất cả những chuyện như vậy.
Nỗi lo nhập công nghệ lạc hậu là của những năm 80-90. Với tham vọng hiện nay của các tập đoàn nhà nước, người ta không nhập loại công nghệ ấy. Các tập đoàn bây giờ chơi sang, nhập những công nghệ tiên tiến của phương Tây. Với một tinh thần dân tộc như thế này sức mấy mà chúng ta chấp nhận nhập thiết bị Trung Quốc. Nỗi lo ấy là của những người nhận thức lạc hậu về các nguy cơ.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc “gây sốc”
Hỏi: Ông nói tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước thích nhập công nghệ mới. Nhưng những ví dụ như ụ nổi của Vinalines thì sao?
Trả lời: Các bạn nhầm lẫn giữa chuyện bây giờ mới xử với bây giờ mới nhập ụ nổi. Ụ nổi diễn ra từ thưở hàn vi của các quan chức ăn cắp vặt, còn bây giờ họ nhiều tiền rồi, họ không chơi những trò như thế, họ mở casino, họ tổ chức thi hoa hậu, họ xây dựng nhiều địa điểm thành những nơi ăn chơi. Chúng ta đã đi qua giai đoạn nhập thiết bị cũ lâu rồi, bây giờ Việt Nam gần như không có quy hoạch công nghiệp nên không sợ nhập thiết bị lạc hậu. Nỗi lo mà bạn nói là nỗi lo dựa theo một logic không có thật. Nó là sự suy tưởng một cách quan liêu đối với các nguy cơ của nền kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam có các nguy cơ nhưng không phải nguy cơ như bạn nêu.
Nếu bạn nói thế này thì sẽ gần với thực tế hơn: Trung Quốc sẽ thải hồi một số thiết bị, một số công nghệ lạc hậu đến mức trở thành phế liệu. Việc tiếp nhận vào và phá bỏ những thứ ấy sẽ biến Việt Nam thành một bãi tái chế các phế liệu. Trên báo chí vừa rồi có đề cập đến chính sách nhập tàu biển cũ vào để phá dỡ. Các bạn phải lo đúng với thực tế. Người Việt sẽ nhập khẩu các thiết bị và công nghệ cũ của Trung Quốc vào để phá dỡ và sẽ làm ô nhiễm môi trường Việt Nam. Trung Quốc cũng chỉ lừa bán thiết bị cũ được một lần thôi. Bây giờ thế giới không bị mắc lừa như thế nữa.
Hỏi: Giả sử không đặt ra nỗi lo ấy nữa mà chỉ nhìn vào vấn đề của hai nền kinh tế là Trung Quốc và Mỹ, ông nghĩ gì về khả năng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ theo đánh giá của IMF?
Trả lời: Chúng ta phải luôn luôn hiểu rằng Trung Quốc vượt lên thành nền kinh tế số một là một tất yếu. Vì họ có 1.3 tỷ người, những con người ấy không ngu đi mà ngày ngày thông minh lên thì chắc chắn nền kinh tế chứa đựng 1.3 tỷ người ấy sẽ tăng lên. Quy mô của nó sẽ tăng lên một cách tự nhiên, một cách khách quan và không định thi đua với Mỹ. Lỗi của IMF là nhìn hiện tượng này như một cuộc thi đua kinh tế. Đừng nghĩ rằng IMF thì không có những sơ xuất, vì đưa ra những dự báo kiểu này là khích lệ một sự ganh đua không cần thiết. Tôi cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc vượt lên trên nền kinh tế Hoa Kỳ về mặt quy mô là một tất yếu, sớm hay muộn điều ấy cũng xảy ra. Sự vượt lên ấy không có gì đáng ngạc nhiên và cũng không có gì đáng mừng. Người Trung Quốc không nên mừng về điều ấy. Đấy là chuyện bình thường bởi vì người Mỹ không định thi đua với người Trung Quốc. Chính vì người Mỹ không định thi đua với người Trung Quốc cho nên các nhà đầu tư Mỹ mới bỏ tiền vào Trung Quốc.
Sự so sánh này rất vô nghĩa. Sự vượt lên trên Mỹ của Trung Quốc về kinh tế được tạo ra bằng đầu tư của Mỹ có nghĩa là người Mỹ không ngán gì quy mô ấy. Nếu không kiếm được mười đồng trong việc đầu tư vào Trung Quốc thì người Mỹ sẽ không bỏ ra một đồng. Người Mỹ khai thác thị trường Trung Quốc và người ta không ngán việc nền kinh tế Trung Quốc vượt lên nền kinh tế của họ. Bởi vì họ không sống bằng sự vượt lên mà sống bằng sự phát triển tự nhiên của nền kinh tế. Còn chúng ta giống như kẻ đi xem chạy thi, không bao giờ có địa vị nào trong cuộc thi.
Tóm lại, sự vượt lên của nền kinh tế Trung Quốc về mặt quy mô đối với nền kinh tế Mỹ là một tất yếu. Người Trung Quốc không cần phải sốt ruột dùng phương pháp ngang giá sức mua để so sánh. Ngay cả so sánh tuyệt đối thì dần dần cùng với thời gian Trung Quốc cũng sẽ vượt Mỹ, bởi vì nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế của 1,3 tỷ người, còn Mỹ là nền kinh tế của 300 triệu người thôi. Sự phát triển vượt bậc, vượt cả Mỹ về quy mô của kinh tế Trung Quốc là một tất yếu, tuy nhiên, để bằng Mỹ về mặt chất lượng, nhất là đầu tư chuyên sâu, thực sự vì đời sống con người thì hàng trăm năm nữa người Trung Quốc cũng chưa làm được như người Mỹ.
Hỏi:Thời gian qua có hai hiện tượng, một là một số Doanh nghiệp chuyên về gia công rút khỏi thị trường Trung Quốc và đầu tư vào thị trường Việt Nam, hai là những nhà đầu tư chuyên về công nghệ cao lại đầu tư vào Trung Quốc những dự án rất lớn. Ví dụ như tập đoàn Intel của Mỹ chuẩn bị đầu tư khoảng 1,5 tỷ đô la vào Trung Quốc. Tập đoàn GM cũng dự tính đầu tư vào khoảng 14 tỷ đô la. Phải chăng Trung Quốc đang bước lên giai đoạn phát triển công nghệ cao hơn?
Trả lời: Nó luôn luôn phát triển cho nên nó bước lên, chỉ có chúng ta là không bước lên, hoặc có bước lên chút ít nhưng bước chuệnh choạng. Tôi không ngạc nhiên khi Intel đầu tư vào Trung Quốc. Intel sản xuất các con chip, nhưng họ sản xuất để bán lại cho các hãng điện tử tiêu dùng khác. Trung Quốc đang phát triển như thế thì đương nhiên họ phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho sự lắp ráp. Các con chip là nguyên liệu cơ bản cho tất cả các sự lắp ráp điện tử tiêu dùng.

Hỏi: Nhưng để sản xuất con chip đòi hỏi phải có công nghệ cao và phức tạp. Những nhà sản xuất lớn đầu tư vào Trung Quốc như vậy cho thấy biểu hiện gì của thị trường Trung Quốc?
Trả lời: Điều đó cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu tham gia vào thị trường sản xuất các thiết bị có chất lượng cao. Đấy là sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc và đấy là một sự thật. Dù chúng ta có không thích điều đó, có “khấn Trời, khấn Phật” để Trung Quốc lạc hậu mãi cũng không được. Không ai khấn mà làm người khác lạc hậu được, làm như vậy chỉ khiến cho mình lạc hậu đi mà thôi.
Hỏi: Trước những bước chuyển của nền kinh tế thế giới thì cơ hội phát triển của nền kinh tế Trung Quốc sẽ như thế nào?
Trả lời: Cuối những năm 1980 đầu những năm 1990 tôi đến Mỹ thăm các bang làm công nghiệp như Pennsylvania, nhìn thấy nhiều nhà máy bỏ không. Các quan chức ở đó nói với tôi rằng những vùng ấy là kết quả của sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Vốn đầu tư và công nghệ đã được chuyển dần sang Trung Quốc và làm hoang vắng các vùng công nghiệp của nước Mỹ. Trung Quốc là một hố đen về mặt kinh tế, nó hút cả thế giới, không ai cưỡng lại được. Đó là sức hút của 1,3 tỷ dân. 1,3 tỷ dân ấy đi từ trạng thái cửu vạn đến công nhân áo xanh và tiếp đến là phát triển thành công nhân cổ cồn. Đó là lộ trình phát triển tất yếu của bất kì một nền kinh tế nào có một chương trình phát triển cụ thể. Trung Quốc là một quốc gia có chương trình phát triển cụ thể, họ sẽ đi đến trạng thái đó. Chúng ta không nghĩ đến việc tận dụng tình thế ấy như thế nào. Chúng ta chỉ ngồi cầu khấn, chờ họ trì trệ. Những tình cảm dân tộc chủ nghĩa đơn giản đã sinh ra những phản ứng và cả những dự báo khoa học vô lý.
Hỏi: Lâu nay khi đề cập đến Trung Quốc người ta hay nói đến lợi thế về nhân công giá rẻ hay thị trường tiêu thụ cực kì rộng lớn. Vậy khi Trung Quốc có những bước chuyển từ kinh tế công nghệ thấp sang kinh tế công nghệ cao, những lợi thế này sẽ được khai thác như thế nào?
Trả lời: Chúng ta nói thế cứ như là một bài thơ đang diễn ra ở Trung Quốc, nhưng không phải vậy. Chuyển đổi từ nền kinh tế cửu vạn sang nền kinh tế công nghệ cao là một cuộc chuyển đổi cực kì đau đớn, nó làm giãn khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc. Đảng cộng sản Trung Quốc, Chính phủ trung Quốc sẽ phải giải quyết những bài toán cực kì khốc liệt trong quá trình chuyển đổi chất lượng phát triển từ nền kinh tế công nghiệp giá rẻ với lao động giá rẻ sang nền kinh tế công nghiệp chất lượng cao. Đây là một bài toán chính trị- kinh tế- xã hội cực kì phức tạp. Chúng ta sớm hay muộn cũng sẽ phải đối mặt với những bài toán như vậy. Chúng ta phải xem xét nghiên cứu để học, để rút kinh nghiệm từ các bước mà Trung Quốc đã đi qua. Bây giờ Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc phải giải quyết những thứ như vậy cả về phương diện lý luận chính trị lẫn cách thức điều hành nền kinh tế
Hỏi: Theo ông họ đang giải quyết bài toán ấy như thế nào?
Trả lời: Họ giải quyết dần dần, giải quyết một cách thực tế. Các thiết bị cũ giữ nguyên hay chuyển? Nếu chuyển thì chuyển cho ai? Đó là một bài toán. Nếu người ta vẫn tiếp tục sử dụng phương thức lừa đảo trước đây ở những năm 80-90 để bán cho những quốc gia như Việt Nam thì họ sẽ thấy ngay rằng đó là một hình thức quảng bá tính tiêu cực của Trung Quốc. Cho nên, thay vì chuyển cho chúng ta thì họ sẽ cho không dưới tất cả các hình thức hữu nghị. Và xã hội chúng ta sẽ rất dễ bị lừa nếu không được thức tỉnh trước. Cũng có thể họ bán được những thiết bị ở qui mô nhỏ với giá rẻ. Khả năng này rất dễ xảy ra ở khu vực tư nhân vì tư nhân mới ham rẻ, còn nhà nước thì không.
Hỏi: Ông có nói rằng tư nhân là khu vực dễ bị lừa vì họ ham rẻ, nhưng tư nhân khi bỏ tiền ra để mua công nghệ về họ cũng phải cân nhắc xem hiệu quả kinh tế ra sao, lời lãi như thế nào chứ?
Trả lời: Tư nhân thì quy mô sản xuất nhỏ, họ sẽ mua những thiết bị nhỏ, những dây chuyền nhỏ, những công nghệ nhỏ để sản xuất hàng hóa rẻ tiền. Bởi vì sức mua của thị trường Việt Nam không tăng nhanh, nhu cầu hàng rẻ vẫn còn, mà Trung Quốc không cung cấp hàng rẻ nữa thì khu vực cung cấp hàng rẻ của Việt Nam sẽ thay thế. Tất cả những chuyện ấy đều có thể diễn ra để kéo dài sự cung ứng hàng hóa phù hợp với tình trạng tăng trưởng sức mua chậm của xã hội Việt Nam.
Bằng những câu hỏi bạn vừa phản ánh, có thể thấy một thực tế là trong tương lai chúng ta không thể tăng trưởng được. Tăng trưởng đầu tiên phải từ báo chí. Động lực của sự phát triển kinh tế bắt đầu từ sự chú ý của báo chí, từ tiếng nói của báo chí. Nhưng báo chí đang thể hiện nỗi lo của những kẻ đứng ngoài sự việc. Những nỗi lo thật thay đổi cùng với thời gian và các chuyên gia cũng phải thay đổi nhận thức cùng với thời gian. Còn bây giờ họ vẫn đang nhắc lại nỗi lo của những năm 80.
Hỏi: Như ông nói thì sẽ không có chuyện những doanh nghiệp nhà nước rước những công nghệ lạc hậu của Trung Quốc về vì họ có tiền, có nhiều lựa chọn?
Trả lời: Đương nhiên, nhưng không phải họ có tiền, có nhiều lựa chọn mà do “tính chơi sang”. Tính chơi sang công nghệ của các xí nghiệp nhà nước đang trở thành một nguy cơ đối với đất nước. Nợ công phát triển do tính chơi sang của các xí nghiệp nhà nước. Bây giờ chúng ta đã có sân bay Tân Sơn Nhất nhưng chúng ta vẫn bàn về việc xây dựng thêm sân bay khác ở Đồng Nai. Đó là biểu hiện của tính chơi sang.
Hỏi: Như vậy lo ở đây phải là lo ở khối doanh nghiệp tư nhân?
Trả lời: Về chuyện này nếu có gì đáng lo thì phải lo ở khối tư nhân. Vì sự phát triển không phải diễn ra ngay một lúc mà nó bắt đầu bằng các tâm phát triển. Các tâm phát triển mà có chất lượng cao như vậy thì sẽ gây lo ngại cho những khu vực lạc hậu của nền kinh tế Trung Quốc. Khi đó, các khu vực lạc hậu của nền kinh tế Trung Quốc sẽ tìm cách liên minh với nền kinh tế lạc hậu là Việt Nam. Họ sẽ chuyển những công nghệ lạc hậu sang Việt Nam để sản xuất, thậm chí chuyển bằng cách cho không như một sự hợp tác hữu nghị. Bởi vì nhân công Trung Quốc không rẻ nữa trong khi nhân công Việt Nam vẫn tiếp tục rẻ. Quy luật là như thế nhưng về mặt hình thức nó không diễn ra giống như nỗi lo của các chuyên gia mà bạn đề cập.
Hỏi: Có nghĩa là ông cho rằng nỗi lo không phải về phía các doanh nghiệp nhà nước mà nên lo ở khu vực tư nhân?
Trả lời: Cũng không thể rạch ròi đến mức ấy. Doanh nghiệp nhà nước bản thân nó cũng là một khái niệm rất phức tạp. Các tập đoàn và các xí nghiệp của nền công nghiệp địa phương là khác nhau, cho nên tôi không tuyệt đối hóa khái niệm nhà nước. Các xí nghiệp địa phương Việt Nam cũng có những vấn đề của nó, các xí nghiệp tư nhân cũng có vấn đề của nó.
Hỏi: Như vậy chuyện Trung Quốc tìm cách đẩy công nghệ lạc hậu sang vẫn là nguy cơ có thật, theo ông chúng ta phải có những rào chắn gì?
Trả lời: Chúng ta có Bộ Khoa học và Công nghệ để làm gì? Bộ Khoa học Công nghệ có nhiệm vụ dựng hàng rào kĩ thuật đối với các vấn đề công nghệ.
Hỏi: Liệu rào chắn kĩ thuật có đủ không ?
Trả lời: Tất cả các hiệp định quốc tế về thương mại đều dựa trên các hàng rào kĩ thuật. Đấy là công cụ để cân bằng lợi ích quốc gia. Hàng rào khoa học kĩ thuật thì phải do những người phụ trách khoa học kĩ thuật làm, nhưng những người ấy còn đang bận nói chuyện triết lý, nói chuyện phần mềm…
Hỏi:Ngoài rào chắn kĩ thuật người ta cũng nói đến việc xây rào chắn chống tham nhũng?
Trả lời: Tôi không nói đến những chuyện như thế. Làm gì có rào chắn chống tham nhũng, mà nếu có rào chắn ấy thì nó cũng chỉ được dựng lên cho oai thôi, đến khi cần thì nó được nhấc ra ngay.
Hỏi: Với những bước chuyển của Trung Quốc như vậy thì Việt Nam cần phải có chính sách như thế nào nhằm tận dụng được sự phát triển của Trung Quốc như vấn đề ông đặt ra ban đầu?
Trả lời: Chúng ta cần phải học hỏi người Nhật Bản và người Hàn Quốc trong việc tận dụng ưu thế ở cạnh nền kinh tế Trung Quốc. Cần phải tìm cách khai thác nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn mới là giai đoạn chất lượng của nó. Trước đây chúng ta đã khai thác giai đoạn lạc hậu của nó bằng hình thức phi mâu dịch qua biên giới, tạo ra sự giàu có cho khối người ở Việt Nam. Những nhà buôn tư nhân Việt Nam giàu có đều do kết quả của việc buôn bán hàng hóa Trung Quốc. Thậm chí việc buôn bán ấy tạo ra cả những tỷ phú của Việt Nam. Chúng ta đã lợi dụng pha thứ nhất của nền kinh tế Trung Quốc như những kẻ buôn lậu. Bây giờ, chúng ta phải có chính sách như thế nào đó để tận dụng pha thứ hai, pha có chất lượng của nền kinh tế Trung Quốc với tư cách là các lực lượng chính thống.
Hỏi: Hiện tại Việt Nam đã tận dụng được chút nào chưa?
Trả lời: Tất cả những sự giàu có ở các tỉnh biên giới, sự giàu có ở phố Hàng Đào, ở quận 5 thành phố Hồ Chí Minh… từ đâu ra nếu không phải là sự tận dụng một cách bất hợp pháp toàn bộ thành tựu của nền kinh tế Trung Quốc ở pha thứ nhất, pha sản xuất hàng rẻ tiền mau hỏng? Chúng ta có nghiên cứu điều đó đâu. Người Việt Nam đã tận dụng một cách vô cùng xuất sắc nền kinh tế Trung Quốc bằng con đường buôn lậu. Vì sao? Vì Việt Nam còn lâu mới có được ngành công nghiệp đạt chất lượng như nền công nghiệp rẻ tiền mau hỏng của Trung Quốc.
Hỏi:Còn khi Trung Quốc chuyển sang giai đoạn phát triển công nghệ cao chúng ta vẫn chưa tận dụng được gì?
Trả lời: Không phải chúng ta chưa tận dụng được mà chúng ta chưa có ý thức về nó. Chúng ta vẫn đang chờ xem liệu nó có thế thật không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét