Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Tha bổng Trương Duy nhất sẽ là phán quyết có lợi cho Đảng và nhà nước Việt Nam - Việt Nam vội điều tra vụ sập cầu treo vì tiền viện trợ

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Ai bỏ tiền ra mua, mua cái gì? là cả một vấn đề khổng lồ

Vào thời điểm này, khi chỉ còn 2 năm cuối của nhiệm kỳ Chính phủ, thông điệp mạnh mẽ được đưa ra về tái cấu trúc nền kinh tế mà cụ thể là cổ phần hoá 432 doanh nghiệp nhà nước trong 2 năm 2014-2015, liệu có phải là một cuộc chạy đua có tính lịch sử bù lại cho sự chậm trễ trước đó (từ năm 2007 đến nay chỉ có trên 300 doanh nghiệp được cổ phần hoá)? Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt trong cuộc trò chuyện tuần này với báo Đại Đoàn Kết đã phân tích thấu đáo và đưa ra những kiến giải rất riêng xung quanh việc tái cấu trúc nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết của một tinh thần khác, một phương thức khác để cổ phần hoá DNNN.
 
 
Cổ phần hoá 432 doanh nghiệp nhà nước là một thách thức
 
Ông Nguyễn Trần Bạt
PV: Thông điệp đưa ra của Chính phủ là rất mạnh mẽ, quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ rất cao khi đặt ra áp lực: Ai chậm trễ cổ phần hoá thì đi làm việc khác. Thưa ông Nguyễn Trần Bạt, nhìn ở góc độ một nhà nghiên cứu, ông thấy việc trong vòng 2 năm tới cổ phần hóa 432 DNNN liệu có khả thi?
 
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Trước hết phải nói Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đang đưa ra một kế hoạch rất thách thức. Chắc chắn với kế hoạch như vậy sẽ buộc xã hội phải thảo luận, hay nói đúng hơn là đang lôi kéo xã hội vào các cuộc thảo luận về chương trình tái cấu trúc khu vực kinh tế Nhà nước, trong đó lấy chính sách trung tâm là cổ phần hóa. Tôi nghĩ rằng đây là một bài toán thách thức, một bài toán khó đối với tất cả những cơ cấu triển khai, thực thi. Cũng có bộ trưởng nói đến chuyện cần phải ép tất cả các cơ cấu bên dưới, các giám đốc, các thứ trưởng phụ trách trực tiếp phải thế nọ, thế kia. Tôi nghĩ rằng, bản thân sự "hơi dọa một tí” như vậy đã là một bước cổ phần hóa, tức là cổ phần hóa nỗi sợ sự không cổ phần hóa được.
 
Làm thế nào để phân loại được sản phẩm bán ra của khu vực kinh tế nhà nước trong quá trình cổ phần hoá? Tức là thưa ông, đó là một quá trình không thể đơn giản bằng cách "hơi dọa một tí”, bởi vì mục tiêu tái cấu trúc khu vực kinh tế nhà nước không thể đạt được nếu vẫn trở lại tình trạng cổ phần hoá những năm qua?
 
- Cổ phần hóa trước đây đã tạo ra một sản phẩm kinh tế xã hội rất đau đầu, đó là sở hữu chéo, tức là các DNNN này bán cổ phần của mình cho các DNNN khác, và nó tạo ra một tình trạng sở hữu rất "nhức đầu” xét về mặt quản lý. Vậy thì phải đặt ra câu hỏi: Lần này chúng ta cổ phần hóa có theo tinh thần như cũ không?
 
Tôi nghĩ rằng, lần này Chính phủ đang đưa ra mục tiêu đạt tới gần với bản chất của quá trình cổ phần hóa hơn 400 DNNN của nền kinh tế Việt Nam. Như vậy khách hàng của quá trình cổ phần hóa lần này có khác với khách hàng của quá trình cổ phần hóa trước đây không? Tôi chưa nhìn thấy sự phân biệt này ở những bộ trưởng đang hăng hái thúc đẩy quá trình cổ phần hoá.
 
Phải nhận thức được rằng đây là một vấn đề khổng lồ, bởi nếu các nhà đầu tư, những người bỏ tiền để thực thi quá trình cổ phần hóa này là tư nhân thì làm thế nào để bán được cho họ và công cụ gì để giúp các nhà đầu tư phân loại các xí nghiệp được bán ra. Đó là những xí nghiệp làm ăn yếu cần phải huy động vốn thông qua thị trường để tái cấu trúc lại sức sống của nó, hay là các thực thể kinh tế đã chết rồi? Làm thế nào để xã hội phân loại được các sản phẩm được bán ra của khu vực kinh tế Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa này là bài toán khó nhất hiện nay. Bởi tiền tuân theo định luật bảo toàn vật chất, nó không đi đâu cả, nó quanh quẩn trong xã hội. Những ai bỏ tiền ra, bỏ tiền ra lúc nào, mua cái gì để thực thi quá trình cổ phần hóa này của Chính phủ là một vấn đề khổng lồ.
 
Cổ phần hóa là tất yếu, nhưng quan trọng là ai sẽ nắm quyền sau đó
 
Chuyên gia NGYỄN TRẦN BẠT:
Trước hết phải nói Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đang đưa ra một kế hoạch rất thách thức buộc xã hội phải thảo luận, đó là chương trình tái cấu trúc khu vực kinh tế Nhà nước.
Không giải quyết được bài toán nợ chéo là không giải phóng được tiền
 
Thưa ông, nếu tiến trình cổ phần hoá suôn sẻ, thì thị trường đầu tư ở Việt Nam có ảnh hưởng gì, tác động gì từ cổ phần được bán ra từ hơn 400 DN, và khả năng thu hồi nguồn lực của Nhà nước như thế nào?
 
- Bản chất giai đoạn hiện nay của cổ phần hóa là phải thay đổi chủ sở hữu. Nếu chúng ta vẫn thực thi các quá trình cổ phần hóa giống như trước đây chúng ta làm, với kinh nghiệm mà những người trước đây làm thì thực chất là tạo ra nợ chéo, tạo ra sở hữu chéo. Xí nghiệp nhà nước A mua cổ phần của xí nghiệp nhà nước B, tức là Nhà nước là chủ sở hữu chéo, hay nói cách khác, Nhà nước hiện nay là chủ của toàn bộ cơ cấu nợ chéo. Như vậy thì không giải quyết được bài toán nợ chéo. Không giải quyết được bài toán nợ chéo có nghĩa là không giải quyết được bài toán tiền, không giải phóng được tiền. Mà muốn cổ phần hóa thì phải có tiền. Bán cho ai để lấy tiền, và cái gì trong số những cái cần phải bán ấy có thể bán được, tôi không thấy sự phân tích kinh tế học nào cho các đối tượng bán được, và cũng không có phân tích kinh tế học nào cho đối tượng có tiền để mua được.
 
Giai đoạn tới cổ phần hóa chắc chắn là không thể làm giống như giai đoạn trước, mà về bản chất nó phải khác. Nó khác ngay từ tuyên bố của Bộ trưởng Đinh La Thăng đối với các DN của Bộ Giao thông Vận tải là cổ phần hoá để thu tiền về làm cảng hàng không quốc tế Long Thành, tức phải bán lấy tiền. Chính vì thế nên chỉ cần sắp xếp xong cổ đông chiến lược là thành công. Tôi rất ngạc nhiên là làm thế nào có thể sắp xếp được cổ đông chiến lược trong khu vực kinh tế ngoài Nhà nước?
 
Chúng ta buộc phải làm cẩn thận, không phải chúng ta không làm được, nhưng phải rất công phu, không nói dễ được. Bây giờ ai nói quá dễ về quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đều phạm khuyết điểm là làm PR một cách ngược cho toàn bộ khuynh hướng tích cực. Đây là bài toán khó thật sự đối với tất cả những người làm nghề chuyên nghiệp. Chúng tôi thấy ngay cái khó và cũng rất dị ứng với sự nói dễ. Việc nói dễ ấy không còn nữa trong giai đoạn sắp tới, giai đoạn mà Thủ tướng nhận thấy sự cấp bách của nó.
Doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá phải là một thực thể kinh tế lành mạnh
 
Ngoài cách hiểu thông thường cổ phần hoá là giảm tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước, ông cho rằng mục tiêu lớn hơn, lớn nhất của tái cấu trúc kinh tế hiện nay cần đạt được là gì?
 
- Chúng ta phải lưu ý, mục tiêu của cổ phần hoá không phải chỉ là quá trình bán cổ phần của các DNNN mà Nhà nước không cần phải giữ. Bởi làm giảm nhẹ vai trò tỷ trọng của khu vực kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế quốc dân chỉ là một mục tiêu. Chủ trương của Chính phủ hiện nay là tái cấu trúc lại nền kinh tế Việt Nam, có nghĩa là khi chúng ta cổ phần hóa các DN quốc doanh rồi thì bản thân các DN ấy sau khi được cổ phần hoá vẫn phải là một thực thể kinh tế lành mạnh. Còn nếu không thì cổ phần hoá tức là "rũ bỏ” vai trò nhà nước đối với các DN tức là chúng ta lành mạnh hóa được khu vực kinh tế Nhà nước thì lại làm hỏng các khu vực kinh tế khác. Chúng ta đã hút vốn xã hội để "bành trướng” khu vực kinh tế Nhà nước trong giai đoạn trước đây, bây giờ chúng ta lại hút vốn một lần nữa, và chúng ta thải các thực thể kinh tế yếu kém sang các khu vực kinh tế khác. Ai phải gánh gánh nặng ấy nếu không phải là Chính phủ? Cuối cùng Chính phủ vẫn phải gánh gánh nặng ấy sau khi đã cổ phần hóa.
 
Đa phần các ý kiến thể hiện ra hiện nay, chỉ mới nói đến câu chuyện giảm nhẹ cơ cấu quốc doanh để làm cho nền kinh tế của chúng ta cân bằng. Nhưng nó có cân bằng thật không nếu các xí nghiệp được thải ra ấy không phải là những thực thể kinh tế lành mạnh. Nó có thể tạm thời lành mạnh trong một giai đoạn nào đó, nhưng nó có lành mạnh thật bằng nguồn vốn mới hay không, bằng những lực lượng quản trị mới hay không, và cơ cấu nào, luật nào điều chỉnh? Hiện nay chúng ta sửa Luật Doanh nghiệp, nhưng mới chỉ thêm một Chương về DNNN, chưa có chương nào điều chỉnh các doanh nghiệp nửa nhà nước, nửa tư nhân sau khi đã cổ phần hóa. Cái đấy là một khối lượng khổng lồ trong tỷ trọng cấu trúc của nền kinh tế quốc dân. Đấy là việc thứ hai cần phải làm rõ.
 
Thứ ba là chúng ta đang giải quyết nợ xấu. Nợ xấu là một đặc trưng môi trường hết sức có vấn đề của toàn bộ cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Nợ xấu chắc chắn nằm trong những khu vực mà Chính phủ định cổ phần hóa. Thoái vốn cũng bắt đầu từ các xí nghiệp này. Cổ phần hóa cũng là một cách để thoái vốn. Vậy trong quá trình cổ phần hoá, Chính phủ giải quyết vấn đề nợ xấu như thế nào? hay là bán những thực thể kinh tế mang nợ ấy ra ngoài xã hội. Vậy ai sẽ gánh cái này, và liệu nó có ảnh hưởng đến toàn bộ môi trường kinh tế mà Chính phủ có trách nhiệm điều hành một cách vĩ mô hay không. Tôi không thấy nhà lý luận nào giải quyết vấn đề này. Cho nên đây là một bài toán rất khó về phương diện vĩ mô và phải đề phòng cả những thất bại. Tiền nào mà mua, đấy là cả một vấn đề.
 
Khu vực kinh tế nhà nước không làm hỏng chất lượng của một nền kinh tế thị trường, nhưng điều hành sai khu vực kinh tế nhà nước thì làm hỏng chất lượng của nền kinh tế thị trường. Cho nên sự điều hành sai, sự hiểu sai, sự nhận thức sai về vai trò của kinh tế nhà nước, tạo ra sự hỏng của chất lượng thị trường chứ không phải bản thân nó tạo ra.
Nỗi lo lớn là không tái cấu trúc lại các khu vực khác nhau của nền kinh tế
 
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng cũng rất lưu ý sự minh bạch trong quá trình cổ phần hoá. Thưa ông, tôi vẫn muốn trở lại câu chuyện, nguồn lực nhà nước thu được từ việc cổ phần hóa thế nào?
 
- Trước đây, trong khi cổ phần hóa chúng ta rất chú ý đến câu chuyện phải làm thế nào tránh thất thoát tài sản quốc gia, tôi nghĩ giai đoạn hiện nay cái đấy vẫn còn nhưng nó không phải là nỗi lo chính. Nỗi lo chính là chúng ta không giải quyết triệt để vấn đề tái cấu trúc, tức là chúng ta vẫn tiếp tục duy trì một trạng thái sở hữu chéo giữa các công ty Nhà nước với nhau và nấp dưới tình trạng mù mờ của thị trường chứng khoán. Bởi các công ty cũng bỏ tiền ra để mua cổ phần, nhưng đấy là các công ty Nhà nước mua cổ phần thì tình trạng sở hữu chéo chỉ được gián tiếp hóa thông qua các thị trường chứng khoán chứ nó chưa giải phóng thực sự tài sản quốc gia ra khỏi khu vực Nhà nước. Tức chúng ta không tái cấu trúc lại được các khu vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân.
 
Giả sử có nguồn tiền tư nhân họ cũng không yên tâm đầu tư vào khi lãnh đạo DN vẫn thế, ngay cả sau khi cổ phần hoá vì tỷ lệ sở hữu nhà nước do các DN bỏ tiền nhà nước sở hữu lẫn nhau?
 
- Điều đó là đương nhiên, nếu không có thị trường đầu tư thật, chỉ có thị trường liên xí nghiệp nhà nước hoặc thị trường liên ngân hàng như chúng ta vẫn nói. Đấy là những biểu hiện khác nhau của cái gọi là thị trường bán nội bộ, cho nên nó rất có thể tạo ra nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa một cách tiêu cực. Coi chừng nếu chúng ta không làm cẩn thận thì định hướng xã hội chủ nghĩa từ ý nghĩa tích cực trở thành ý nghĩa tiêu cực. Chúng ta không giải quyết được vấn đề rất căn bản của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam là đi tìm kiếm động lực của các khu vực kinh tế.
 
 
Cái tôi lo ngại là chủ quyền kinh tế có thể mất, nếu chúng ta bán một cách không có kiểm soát cho các nhà đầu tư nước ngoài, sau quá trình cổ phần hóa một cách không cẩn thận. Đó là điều phải cảnh báo.
Phải xây dựng được thị trường mua bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước
 
Thưa ông, để cho bài báo có sức thuyết phục hơn, ông có thể đưa ra quan điểm của cá nhân về giải pháp hiệu quả cho quá trình cổ phần hoá hiện nay? Bởi vì "tiền đâu để mua” là câu hỏi lớn nhất ông đặt ra từ đầu câu chuyện đến giờ.
 
- Tôi là người chủ trương luôn có thái độ thân thiện đối với các chương trình hành động của Chính phủ. Bởi vì chỉ có sự phân tích khoa học hơn, sự cảnh báo xác đáng và không chỉ trích, thì Chính phủ mới có thể tiếp thu được. Còn cứ chỉ trích, rồi chê bai thì người ta không tiếp thu được, mà không tiếp thu được thì chúng ta thiệt, chắc chắn xã hội Việt Nam thiệt.
 
Tôi nghĩ rằng, phải làm thế nào để có thị trường mua bán cổ phần của các DNNN. Phải làm rõ chuyện này, phải xây dựng thị trường này, không phải bắt đầu từ việc sắp xếp các cổ đông chiến lược. Cổ đông chiến lược là giải quyết nhiệm vụ của phía người bán. Hiện nay tất cả các yếu tố tham gia để cấu trúc ra chiến lược cổ phần hóa đều có vấn đề của nó, những vấn đề về môi trường vĩ mô như sở hữu chéo, nợ xấu và các vướng mắc của khu vực ngân hàng và tài chính. Thế thì bây giờ phải tìm yếu tố mới. Có nhiều người nói đến các nhà đầu tư ngoại. "Ngoại” thì bao giờ cũng mới nhưng tất cả các căn bệnh của thời kỳ hiện đại này đều đến từ yếu tố "ngoại”, từ H5N1 đến dịch SARS. Tôi nghĩ là cái đó phải rất cẩn thận. Suy cho cùng để có một thị trường tử tế thì người ta phải phân tích các yếu tố cấu trúc ra thị trường ấy một cách thường xuyên. Phải làm lành mạnh hóa từng lực lượng một, trên cơ sở đó các lực lượng đã được lành mạnh hóa tham gia vào quá trình cổ phần hóa, mới làm cho nền kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế lành mạnh.
 
Chúng ta buộc phải làm cẩn thận, không phải chúng ta không làm được, nhưng phải rất công phu, không nói dễ được. Bây giờ ai nói quá dễ về quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hoá DNNN đều phạm khuyết điểm là làm PR một cách ngược cho toàn bộ khuynh hướng tích cực. Đây là bài toán khó thật sự, đối với tất cả những người làm nghề chuyên nghiệp. Chúng tôi thấy ngay cái khó và rất dị ứng với sự nói dễ. Việc nói dễ ấy không còn nữa trong giai đoạn sắp tới, giai đoạn mà Thủ tướng nhận thấy sự cấp bách của nó.
 
Tôi muốn nhấn mạnh là phải xây dựng thị trường, cái đó vô cùng quan trọng, không vội và cũng không nói dễ được. Đây là một bài toán rất khó. Tôi đồng ý với Thủ tướng là quá trình này rất khó.
 
Chủ quyền kinh tế có thể mất, nếu chúng ta bán cổ phần một cách không có kiểm soát cho các nhà đầu tư nước ngoài
 
Ông có thể phân tích kỹ hơn về sự lo ngại của ông với yếu tố "các nhà đầu tư ngoại”, có phải như có chuyên gia cho rằng, nếu để các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, chúng ta sẽ mất thương hiệu Việt?
 
- Không. Thứ nhất là thương hiệu Việt Nam không là cái gì, người ta mua thương hiệu là để người ta make up lên để bán. Bản thân thương hiệu là phải có giá sẵn, có thị trường của nó, chúng ta chưa có gì để có thị trường thì người ta mua không phải vì thương hiệu. Cái tôi lo ngại là chủ quyền kinh tế có thể mất, nếu chúng ta bán một cách không có kiểm soát cho các nhà đầu tư nước ngoài, sau một quá trình cổ phần hóa một cách không cẩn thận. Đó là điều phải cảnh báo.
 
Động lực cổ phần hoá lần này đã khác
 
Theo ông, lý do bản chất nhất khiến cổ phần hoá chậm chạp và trì trệ tới mức Thủ tướng phải đưa ra áp lực với lãnh đạo các doanh nghiệp như vừa rồi?
 
- Cổ phần hoá chậm không phải là do sự không tích cực của các hệ thống quản lý. Sắp tới khi cắt vòi bao cấp, cắt vòi tín dụng của nhà nước, cắt các hợp đồng, cắt đầu tư công, thì tất cả hệ thống quản lý doanh nghiệp không tích cực sẽ hăng hái cổ phần hóa. Sở dĩ họ nấn ná không cổ phần hóa là họ bú dòng sữa dễ dãi kia. Bây giờ cắt cái đó là hết, họ sẽ tích cực, họ tích cực để giải thoát mình ra khỏi trách nhiệm mà chắc chắn 100% là không "hạ cánh” được.
 
Tôi nói lại cổ phần hoá lần này là một quá trình có bản chất không giống quá trình cổ phần hóa trước đây, bởi vì trước đây chúng ta cổ phần hóa là để gọi vốn. Bây giờ chúng ta cổ phần hóa để rũ bớt gánh nặng tài chính mà Đảng và Nhà nước, và đặc biệt là Chính phủ trực tiếp phải lo để điều hành, để hà hơi thổi ngạt cho cả một khu vực kinh tế rộng lớn này. Động lực cơ bản của hai quá trình này là khác nhau, phương thức chắc chắn là khác nhau, đối tượng tham gia vào quá trình là khác nhau. Cho nên công nghệ điều hành là khác nhau.
 
Càng nhộn nhịp cổ phần hoá, tính phức tạp về đạo đức càng tăng lên
 
Ở trên ông có nói quá trình cổ phần hóa thành công là phải làm trong sạch các khu vực kinh tế, vậy thì cổ phần hoá có tác dụng gì trong việc chống tham nhũng?
 
- Tất cả các chiến dịch kinh tế nếu chỉ để làm sạch sẽ về mặt đạo đức các khu vực khác nhau của nền kinh tế, thì về mặt bản chất động cơ của nó sai. Càng nhộn nhịp bao nhiêu về cổ phần hóa, càng thị trường hóa bao nhiêu thì tính phức tạp về đạo đức càng tăng lên. Và đòi hỏi năng lực quản lý của nhà nước về mặt đạo đức kinh doanh còn phải tăng lên nữa.
 
Càng thị trường hóa thì tất cả các trạng thái đạo đức càng phức tạp, và nhiệm vụ quản lý đạo đức kinh doanh càng rắc rối hơn. Đấy chính là đòi hỏi tự nhiên của thị trường đối với năng lực quản lý nhà nước. Bởi vì, quản lý về đạo đức kinh doanh cũng là một đòi hỏi quản lý, xưa nay chúng ta chỉ nói đến hiệu quả mà chúng ta không nói đến đạo đức. Vì chúng ta quên mất rằng chất lượng đạo đức của một khu vực kinh tế quy định triển vọng của nền kinh tế ấy. Chúng ta xem đạo đức là một yếu tố chính trị, chúng ta quên mất rằng đạo đức là một yếu tố thị trường, bởi nếu không có đạo đức thị trường ấy không có tín nhiệm. Thị trường không có tín nhiệm thì mọi thứ ở trong đó đều không bán được một cách thỏa đáng. Đây là một vấn đề chúng ta không chỉ có thể thảo luận như là vấn đề quản lý kinh tế, chúng ta hoàn toàn có thể tạo lập như một vấn đề bản chất đường lối kinh tế của Đảng.
 
Bán cho ai để lấy tiền, và cái gì trong số những cái cần phải bán ấy có thể bán được, tôi không thấy sự phân tích kinh tế học nào cho các đối tượng bán được, và cũng không có phân tích kinh tế học nào cho đối tượng có tiền để mua được.
Kinh tế nhà nước không sai, chỉ có điều hành sai ở khu vực kinh tế nhà nước thì làm hỏng nền kinh tế thị trường
 
Thưa ông, có gì mâu thuẫn không giữa khu vực kinh tế nhà nước nắm giữ và nền kinh tế thị trường khi vừa qua rất nhiều chuyên gia luôn cho rằng, nhà nước không nên cạnh tranh với nhân dân về mặt kinh doanh? Và coi việc càng cổ phần hoá triệt để, giảm hoàn toàn tỷ trọng kinh tế nhà nước trong nền kinh tế càng tốt?
 
- Quan điểm của tôi là hai điều này không mâu thuẫn với nhau. Rất nhiều quan điểm cứ xem hễ có khu vực kinh tế nhà nước là nó mâu thuẫn với bản chất của thị trường, không phải như thế. Điều hành không tốt khu vực kinh tế nhà nước làm hỏng các yếu tố thị trường, chứ không phải bản thân khu vực kinh tế nhà nước làm hỏng nền kinh tế thị trường.
 
Nhiều chuyên gia nhầm lẫn giữa hoạt động sai của quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế quốc doanh, với chức năng tự nhiên của quản lý nhà nước. Bởi vì nếu chúng ta nói rằng các khu vực kinh tế khác nhau được đối xử bình đẳng về mặt pháp luật trong quan hệ đối với nhà nước thì tự nhiên không còn nội dung tiêu cực nữa.
 
Tôi xin nhắc lại là khu vực kinh tế nhà nước không làm hỏng chất lượng của một nền kinh tế thị trường, nhưng điều hành sai khu vực kinh tế nhà nước (mà rất dễ điều hành sai khu vực kinh tế nhà nước) thì làm hỏng chất lượng của nền kinh tế thị trường. Cho nên sự điều hành sai, sự hiểu sai, sự nhận thức sai về vai trò của kinh tế nhà nước, tạo ra sự hỏng của chất lượng thị trường chứ không phải bản thân nó tạo ra.
 
Trân trọng cảm ơn ông!
  Cẩm Thuý (thực hiện)
 (Đại Đoàn Kết)

GSTS Nguyễn Đăng Hưng - Tha bổng Trương Duy nhất sẽ là phán quyết có lợi cho Đảng và nhà nước Việt Nam

Tôi quen với nhà báo Trương Duy Nhất cũng mới đây thôi. Tôi và ông có dịp gặp gỡ hai lần khi tôi về Đà Nẵng thăm bè bạn. Tôi đã chủ động liên lạc với ông vì trước đó khá lâu, tôi chú ý đến trang blog truongduynhat.vn với “Một góc nhìn khác” rất ấn tượng. Ông thường đặt những vấn đề thời sự liên quan đến đời sống chính trị, xã hội Việt Nam. Ông có những phản biện, những phê phán trực diện, mạnh mẽ, lắm khi khá gai góc có thể làm đối tượng khó chịu. Đối tượng của ông thường ở lề phải, là đảng cầm quyền, là thành viên chính phủ, ngay cả người có chức vụ cao nhất, là những chính khách quốc tế. Nhưng đôi khi cũng có những nhân vật lề trái như Cù Huy Hà Vũ, Bùi Hằng. Đối với họ, ngòi bút của ông cũng sắc bén, không chút nương tay. Ông cũng đã từng tháp tùng Chủ tịch nước đi Mỹ, là người có giao thiệp gắn bó với lãnh đạo Đảng Cộng sản tại Đà Nẵng, Hội An.

Ông quả là một blogger hiếm hoi tại Việt Nam, có phong cách riêng biệt độc đáo, một hiện thân đậm chất Quảng Nam, thẳng tính và can cường.
clip_image003

Tôi hỏi ông:

- Như vậy anh có bị cơ quan chức năng “thổi còi” không?

Ông trả lời rất tự tin và bản lĩnh:

- Có chứ. Nhưng tôi vẫn tiếp tục. Lý do là vì blog tôi công khai, chủ blog có rõ địa chỉ nhà ở, địa chỉ e-mail. Tôi không hề tránh né trách nhiệm của tôi. Tôi chỉ là nhà báo độc lập ngán ngẩm làm báo lề phải, nay lập blog để giải tỏa những bức xúc của một nhà báo với ý thức trách nhiệm của mình trước tình hình đất nước.

Tôi hơi bất ngờ về câu trả lời trên. Tôi không hiểu ông học hỏi ở đâu (lúc ấy chưa xuất ngoại) mà ông có một lập trường bảo vệ tự do ngôn luận cho chính mình khá rạch ròi như thế. Thật vậy, tại Bỉ chỗ tôi đã định cư hơn 50 năm, việc ra báo và tán phát ngôn luận là quyền của mọi công dân đã được hiến định. Trước năm 1975, tôi đã từng là tổng biên tập của hai tờ tạp chí có nội dung chống chiến tranh cục bộ của Mỹ tại Việt Nam. Bỉ là nước thân cận của Hoa Kỳ tại Châu Âu, thủ đô Brussels là địa bàn của tổng hành dinh Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà khi ra báo chống Mỹ can thiệp tại Việt Nam (tôi là Tổng biên tập, người đưa in (roneo), người tán phát và cũng là người chu cấp chi phí làm báo), tôi chỉ cần ghi tên và địa chỉ. Luật Bỉ chỉ đòi hỏi trên tờ báo phải ghi tên, địa chỉ của Người Trách Nhiệm (Editeur responsable), thế là đủ!

Tháng 5 năm ngoái, tôi đã rất đỗi nhạc nhiên nghe tin ông bị bắt tại Đà Nẵng rồi chuyển ra Hà Nội. Lần cuối cùng tôi thấy ông trên mạng là hình chụp trên đây.

Tôi giữ yên lặng vì không biết đằng sau “Một góc nhìn khác” có gì khuất tất khác mà tôi không được biết. Trên mạng có người bảo có lẽ việc đưa ra thăm dò tín nhiệm đại biểu, thành viên chính phủ, quan chức Đảng là giọt nước tràn ly? Nhưng việc thăm dò dư luận qua mạng, blog Trương Duy Nhất đã làm từ lâu mà?

Nay đọc 5 trang cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cơ quan chức năng cao nhất, sau chín tháng bị giam giữ, tôi lại ngạc nhiên không kém.

Đằng sau nhà báo Trương Duy Nhất chẳng có gì là khuất tất, chẳng có thế lực thù địch nào bảo trợ, chẳng có chứng cớ gì về những liên đới tài chính với bất cứ ai, trong cũng như ngoài nước.

Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao đã sử dụng kết luận giám định của cơ quan Thông tin và Truyền thông, theo đó chứng cứ chỉ có 12 bài đăng trên blog, trong đó 11 bài của ông Nhất, 01 bài của người khác. Bản cáo trạng tuy khá dài nhưng phán quyết khá mơ hồ chung chung:

“Nội dung 12 bài viết này không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước”

Ta có thể tự hỏi nội dung nào không đúng sự thật, chính sách nào của Đảng đã bị xuyên tạc và cá nhân nào của nhà nước đã bị bôi nhọ, bôi nhọ bởi câu nào, lời nào, ở sự kiện nào? Và nếu có thật như vậy thì thiệt hại của những nạn nhân ra sao?

Nếu Trương Duy Nhất nói không đúng sự thật, gây hoang mang trong dân chúng, làm ảnh hưởng đến lòng tin ở lãnh đạo Đảng và nhà nước thì các cơ quan truyền thông đại chúng trong tay nhà nước đã hay sẽ cải chính, thảo luận, trao đổi công khai để sự thật được sáng tỏ, lòng tin của nhân dân được củng cố, chứ sao lại đi vùi dập, bỏ tù tác giả? Chính quyền đã bao lần khuyến khích công dân tham gia phản biện, góp ý kiến cho nhà nước mà.

Tôi cho rằng ngay cả đứng trên khía cạnh quyền lợi chính trị của nhà cầm quyền, việc đưa Trương Duy Nhất ra tòa trừng trị là một sai lầm đáng tiếc.

Chính biện pháp này mới làm mất uy tín nhà nước Việt Nam.

Và bản thân điều 258 về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” cũng rất không ổn, cũng đã làm tôi rất nhức nhối từ lâu. Thực vậy, luật này phủ nhận quyền căn bản của công dân Việt Nam đã được ghi trong hiến pháp, đã vi phạm bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, điều khoản về quyền tự do tư tưởng, tự do thu nhận, quảng bá tin tức và truyền đạt ý kiến mà Việt Nam đã ký kết.

Tuyên ngôn Độc lập được cụ Hồ đọc trước quốc dân đồng bào năm 1945  có câu (lấy từ Tuyên ngôn Độc lập Mỹ): “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, đã chỉ rõ quyền tự do của công dân là thiêng liêng. Vậy một chế độ do dân và vì dân phải khuyến khích dân ý thức và thực thi quyền ấy chứ?

Tại sao lại thêm vào khái niệm vi hiến quái lạ, lạc lõng “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”?

Theo tôi, Trương Duy Nhất vô tội.

Tha bổng Trương Duy nhất sẽ là phán quyết có lợi cho Đảng và nhà nước Việt Nam.

Nhất là nay Việt Nam đã có tư cách là thành viên của hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Nhất là sau phiên UPR tại Thụy Sỹ (Kiểm định Phổ quát Định kỳ về Nhân quyền), các nước bạn trên thế giới đã chân thành nhắc nhở Việt Nam về những thiếu sót về nhân quyền hiện hữu.

Nhất là hiện nay Quốc hội Việt Nam đang chuẩn bị những sắc luật mới, trong đó quyền công dân và quyền con người sẽ được xác định sáng tỏ hơn.

Nhất là Việt Nam đang chuẩn bị tích cực cho việc gia nhập  “Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)”, một cơ hội mới cho việc phát triển kinh tế và củng cố vị thế toàn cầu.
Tp Hồ Chí Minh ngày 2/2/2014 GSTS Nguyễn Đăng Hưng
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Việt Nam vội điều tra vụ sập cầu treo vì tiền viện trợ

Chi phí xây dựng cầu Chu Va ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu được lấy từ nguồn viện trợ của Đan Mạch và đó có thể là lý do khiến nhà cầm quyền tích cực khác thường. 

Một cây cầu treo ở Đăk Lăk. Tuy nguy hiểm cho tính mạng dân chúng nhưng nhà cầm quyền không thèm đoái hoài. (Hình: báo Phụ nữ TP.HCM)

Cây cầu này dài 51 mét, bề ngang 1.5 mét, chỉ mới đưa vào sử dụng hồi năm 2012, đột nhiên bị sập hôm 24 tháng 2 năm nay do gãy ốc neo cáp, đúng vào lúc có một đám tang băng qua cầu, khiến 9 người thiệt mạng, 35 người bị thương.

Trò chuyện với BBC, ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam tiết lộ, chi phí xây dựng cầu Chu Va được lấy từ Qũy Danida (Quỹ Hợp tác phát triển của Bộ Ngoại giao Đan Mạch). Tiền viện trợ được chuyển cho Bộ Tài chính CSVN. Việc phân bổ và sử dụng nguồn viện trợ này do nhà cầm quyền Hà Nội thực hiện và chịu trách nhiệm. Ông Nielsen nói thêm rằng, khi viện trợ, Đan Mạch yêu cầu Việt Nam phải có đánh giá và cam kết về việc dùng tiền vào mục đích gì. Theo lời Đại sứ Đan Mạch thì tại huyện Tam Đường, tỉnh Lạng Sơn, còn vài cây cầu nữa được xây từ bằng nguồn tiền do quỹ Danida cung cấp.

Chuyện cầu Chu Va được xây bằng tiền do Đan Mạch viện trợ có thể là nguyên nhân khiến chính quyền Việt Nam phản ứng tích cực một cách khác thường so với những vụ sập cầu khác.

Chu Va không phải là cây cầu treo đầu tiên bị sập. Năm 2012, cầu treo Buôn Khanh, tọa lạc ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk LắK bị sập. Năm ngoái, thêm một cầu treo khác bắc ngang thị trấn Krông Kmar, cũng thuộc huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục sập làm một người bị thương nặng chẳng được ai quan tâm.

Đến vụ sập cầu Chu Va thì nhà cầm quyền Hà Nội vội vã điều động trực thăng đưa nhân viên y tế từ Hà Nội lên Lai Châu cấp cứu cho các nạn nhân. Bộ Giao thông - Vận tải CSVN tổ chức thanh tra ngay lập tực những vấn đề có liên quan đến việc xây dựng cây cầu treo này. Còn Bộ Xây dựng ra lệnh kiểm tra toàn bộ cầu treo trên toàn quốc. 

Nhà cầm quyền không thèm làm cầu nên dân chúng huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum phải đu dây vượt sông như đứa trẻ trong ảnh. Ở huyện này, có ba xã (Đăk Nông, Đăk Ang, thị trấn Plei Kần) mà dân tự căng cáp để đu dây sang bên kia sông. (Hình: VnExpress)

Theo báo chí tại Việt Nam, đa số cầu treo tại Việt Nam đều trong tình trạng không an toàn, nguy hiểm cho tính mạng của người qua lại. Chẳng hạn tỉnh Đăk Nông hiện có 164 cầu tạm, cầu treo làm bằng gỗ, không có lan can, khi có người qua lại thì rung bần bật. Tỉnh Đăk Lăk cũng có hàng chục cầu treo không biết sẽ sập lúc nào. Quảng Nam cũng có vài chục cầu treo giống như “bẫy của tử thần” ở hai huyện Bắc trà My và Nam Trà My.

Một điểm đáng chú ý khác là theo báo chí Việt Nam, đa số cầu treo tại Việt Nam do dân chúng tự làm, tự bảo trì, nhà cầm quyền không thèm đoái hoài. Nhiều vùng do không có cầu treo, cầu treo bị sập không được bắc lại nên từ người già tới trẻ con phải đu dây khi muốn vượt sông.

Cầu Chu Va sập chắc chắn sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho chế độ Hà Nội khi xin viện trợ từ các chính phủ và tổ chức quốc tế. Việt Nam vốn đã có nhiều tai tiếng vì ăn chặn viện trợ và do vậy, đã có nhiều dự án, kế hoạch phải bỏ dở bởi bị cắt viện trợ. Hồi tháng 8 năm ngoái, một thống kê chính thức tiết lộ, có tới 40% vốn ODA cho các chương trình xây dựng trường học, đường sá, hạ tầng bị ăn chặn nhưng những cá nhân có liên quan chỉ bị cảnh cáo.

ODA là ba chữ viết tắt của Official Development Assistance (hỗ trợ phát triển chính thức). ODA có thể là các khoản cho vay không tính lãi hoặc tính lãi thấp với thời gian vay dài. Đôi khi ODA là viện trợ không hoàn lại. Mục tiêu của ODA là trợ giúp để phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi ở quốc gia nào đó. Tuy nhiên ODA luôn là một nguồn béo bở để các viên chức từ trung ương đến địa phương xà xẻo, bỏ túi riêng.

Năm ngoái có khá nhiều scandal liên quan tới ăn chặn ODA bị phơi bày. Chẳng hạn, trong các năm từ 2009 đến 2010, sau khi Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam loan báo sẽ viện trợ không hoàn lại để một số tỉnh xây dựng trường học, đường sá, hạ tầng, một phụ nữ mà báo điện tử VietNamNet không dám nêu tên, chỉ cho biết là cư ngụ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, đã liên lạc với lãnh đạo nhiều xã ở Hà Tĩnh để đặt vấn đề “chạy dự án”, với điều kiện khi thành công, phải “cắt” cho bà ta 40%.

Sau đó, nguồn vốn ODA vừa kể được rót về ba xã: Gia Phố (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), Cẩm Minh (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), Cẩm Quang (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Trong đó, xã Gia Phố được nhận 80,000 USD để xây dựng trường Tiểu học Đông Hải và chính quyền xã này đã lấy 8,000 USD chia cho nhau, rồi lấy thêm 24,000 USD chi cho người phụ nữ làm môi giới. Chuyện tương tự cũng xảy ra tại hai xã thuộc huyện Cẩm Xuyên, chỉ có một khác biệt là người phụ nữ làm môi giới được chia tới 40% “hoa hồng”.

Do bị ăn chặn, các cơ sở giáo dục, đường sá ở ba xã vừa kể đều phải giảm quy mô và chất lượng tất nhiên cũng giảm. Chẳng hạn trên giấy tờ, trường Tiểu học Đông Hải ở xã Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh là một khu nhà hai tầng với 6 phòng học nhưng trên thực tế chỉ là một dãy nhà cấp 4 với ba phòng học.

Điểm đáng chú ý là dù ăn chặn trắng trợn như thế nhưng khi sự việc đổ bể, không rõ tại sao hệ thống tư pháp CSVN lại lờ đi, không xem xét trách nhiệm hình sự của bất kỳ ai. Người phụ nữ làm môi giới dự án vẫn là một nhân vật không ai rõ tên tuổi, không hiểu vì sao bà ta chạy dự án và các viên chức cấp xã tham gia ăn chia vốn ODA chỉ bị cảnh cáo.

Trong quá khứ, Nhật – quốc gia dẫn đầu về cấp ODA cho Việt Nam – đã từng tuyên bố cắt nguồn ODA, đòi Việt Nam phải điều tra, xử lý các viên chức tham nhũng sau khi vụ tham nhũng ở dự án “Đại lộ Đông – Tây” tại Sài Gòn bị đổ bể.

Hồi cuối tháng 5 năm 2012, Đan Mạch – một trong những quốc gia dẫn đầu trong nhóm cấp ODA cho Việt Nam, cũng đã dừng việc cấp ODA để thực hiện ba dự án tài trợ cho Việt Nam, sau khi phát giác có dấu hiệu gian lận và lãng phí từ phía Việt Nam. Lúc đó, ông Christian Friis Bach, Bộ trưởng Phát triển của Đan Mạch tuyên bố rằng, cần phải tìm ra những tổ chức và cá nhân sử dụng sai mục đích nguồn vốn viện trợ của Đan Mạch để làm rõ hậu quả. Ông Bach nhấn mạnh: “Những hành vi gian dối đó phải bị chặn đứng và trừng phạt”.

Tuy không đề cập chi tiết nhưng theo báo chí Đan Mạch thì các dự án bị dừng có liên quan tới việc nghiên cứu biến đổi khí hậu, do qũy Danida cấp vốn. Lý do khiến Đan Mạch ngưng cấp ODA là vì phát giác phía Việt Nam chi quá nhiều cho các dịch vụ đáng ngờ. Số tiền bị nghi là tham nhũng được ước đoán khoảng 550 ngàn USD. Phía Đan Mạch đã chính thức yêu cầu chính phủ Việt Nam hỗ trợ điều tra nhưng đến nay, kết quả vẫn chưa được công bố.
(Người Việt) 

Ván cờ Nga – Mỹ tại Ukraine

Tổng thống Barack Obama gọi điện cho Tổng thống Vladimir Putin

Hôm thứ Bảy, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, kêu gọi Nga không can thiệp vào Ukraine.

Quốc hội Nga đã bỏ phiếu cho phép quân Nga có thể tiến vào Ukraine.

Thủ tướng tạm quyền của Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã gọi việc Nga triển khai quân đội tại Crimea là hành động khiêu khích để dẫn đến một cuộc "xung đột vũ trang".

Nhà Trắng nói ông Obama có thông điệp thẳng thắn với ông Putin trong cuộc điện đàm 90 phút.

Nhưng yêu cầu của Mỹ có vẻ không được nghe. Điện Kremlin tuyên bố ông Putin nhấn mạnh với Obama rằng có đe dọa thực sự cho công dân Nga ở Ukraine, và rằng Nga có quyền bảo vệ công dân tại đó.

Quân đội Nga đang kiểm soát Crimea, trong khi quốc hội Nga hôm thứ Bảy cho phép tổng thống có thể đưa quân vào Ukraine để bảo vệ công dân.

Nhà Trắng tuyên bố: “Hoa Kỳ lên án sự can thiệp quân sự của Nga vào lãnh thổ Ukraine.”

Giới phân tích nói ông Obama đối diện thử thách là liệu ông có quân cờ nào để buộc Moscow nhượng bộ.

Trong cuộc điện đàm, Obama nói với Putin rằng Mỹ sẽ tạm ngừng việc chuẩn bị cho hội nghị G8 mùa hè này ở Sochi, Nga.

Nhưng Putin có vẻ tính toán rằng sự sẵn lòng can thiệp của Obama không thể bằng quyết tâm của Nga khẳng định ảnh hưởng ở một đất nước mà Nga có nhiều duyên nợ.

Cộng hòa tự trị Crimea, còn thuộc Nga cho đến năm 1954, là vùng duy nhất tại Ukraine có đa số dân là người Nga.

Nga có căn cứ hải quân lớn ở thành phố Sevastopol thuộc Crimea, nơi đặt Hạm đội Biển Đen.

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói Tổng thống Putin xem khủng hoảng hiện nay như cuộc chiến tranh Lạnh.
Nga nói phải bảo vệ công dân của họ ở Crimea

“Việc Mỹ có vẻ yếu thế trên thế giới đã khuyến khích ông ta,” ông McCain nói.
Lựa chọn

Chính quyền Obama dường như không có nhiều lựa chọn để phản kích Nga.

Phía Mỹ đã nói Washington và châu Âu, mặc dù đã bác bỏ khả năng dùng quân sự, vẫn có thể gây áp lực lên Moscow bằng cách chứng tỏ Nga có nhiều điều để mất.

Nhà Trắng, trong thông cáo, đe dọa Nga có thể chịu “cô lập chính trị và kinh tế”.

Tuy vậy, đến nay Washington vẫn đang dùng các biện pháp ngoại giao.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã nói chuyện với người tương nhiệm của Nga hôm thứ Bảy.

Liên minh châu Âu, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Mỹ đều đang cân nhắc giúp đỡ tài chính cho chính phủ mới ở Kiev.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (Nato) tổ chức họp khẩn cấp hôm Chủ nhật.

Tổng thư ký Nato nói Nga đã vi phạm luật bằng hành động quân sự ở Ukraine.

Ukraine chưa phải là thành viên Nato, vì vậy Mỹ và châu Âu không có nghĩa vụ bảo vệ.

Một số người nói bước đi khả dĩ nhất cho Mỹ là gửi một vài tàu chiến vào Biển Đen theo tư cách đơn phương.

Nhiều thành viên trong Nato và EU phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Điều này khiến họ muốn duy trì quan hệ tốt với Moscow.

Tuy vậy, nếu Mỹ và EU không thành công trong áp lực với Nga, nó có thể để lại hậu quả lâu dài.

Mỹ liệu có buộc được Nga thoái lui ở Ukraine?

“Nếu Nga chiếm Crimea, nó sẽ sỉ nhục phương Tây, cho thấy đấy chỉ là hổ giấy,” Tim Ripley, từ tạp chí quốc phòng Jane’s Defence, nói.
(BBC)
 

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI