Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Ngày 18/6/2014 - Sứ thần công du An Nam

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Sứ thần công du An Nam

Nguyễn An Dân
Bối cảnh chuyến thăm
Hai ngày nay dư luận có nhiều đồn đoán xung quanh việc Ủy Viên Quốc Vụ Viện- Trưởng Ban Đối Ngoại Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Tôi cũng xin đóng góp một số nhận định về chuyến thăm này.
Trươc hết, cần đặt bối cảnh Việt Nam- Trung Quốc trong một tháng rưỡi nay hầu như chưa có cuộc gặp cấp cao nào sau khi giàn khoan HY-981 gây căng thẳng hai bên. Có thể nói ngay rằng đây là chuyến đi của một quan chức cấp cao của Trung Quốc qua Việt Nam nhằm xử lý vấn đề cho hậu giàn khoan thì đúng hơn là lý do mà phía Trung Quốc đưa ra là “họp mặt thường kỳ ban chỉ đạo Việt-Trung”.
Trước tiên, có một điều làm dư luận ít chú ý là ngày 07/05/2014, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam đặc trách Trung Quốc là Hồ Xuân Sơn đã được cử đi Bắc Kinh. Cần nhớ là vai trò của ông Hồ Xuân Sơn trong bang giao hai nước Việt Nam-Trung Quốc khá quan trọng, khi chính ông Sơn đã đại diện cho chính phủ Việt Nam trong chuyến đi cùng ông Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc vào tháng 10/2014, và cùng ông Nguyễn Phú Trọng ký thỏa thuận “những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa CHXHCN Việt Nam – CHND Trung Hoa”. Tuy không công bố nội dung và kết quả của việc ông Sơn đi Trung Quốc vào ngày 07/05/2014 vừa qua nhưng chúng ta có thể chắc chắn một điều là mục đích của chuyến đi của ông Sơn thất bại, bằng chứng là sau ngày 08/05/2014 thì căng thẳng của hai bên càng leo thang hơn, mà đỉnh điểm là việc Việt Nam thay vì chỉ phản đối chiếu lệ qua phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao, đã làm bùng nổ sự kiện qua việc cho tàu ra ngăn cản, đồng thời thổi bùng ngọn lửa chống Trung qua việc bật đèn xanh cho dân biểu tình 1 ngày, và từ đó dẫn đến phát ngôn leo thang của quan chức hai bên trên các diễn đàn quốc tế.
Trong một diễn biến khác, ai cũng biết quốc tế đều lên tiếng chỉ trích Trung Quốc là thủ phạm gây ra căng thẳng, nhưng một quốc gia đồng minh lâu nay của Việt Nam là Campuchia lại im lặng sau chuyến đi của Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc qua nước này. Tuy vậy, giờ đây có một diễn biến đáng chú ý là sau chuyến đi của Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Việt Nam Đỗ Bá Tỵ sang Campuchia thì đột nhiên mấy ngày gần đây Campuchia lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề giàn khoan. Cần nhớ là Đỗ Bá Tỵ cũng là người đã qua thăm Mỹ trước đây. Hay là Campuchia, sau khi tiếp ông Đỗ Bá Tỵ, nhìn thấy Mỹ sẽ nhảy vào Đông Nam Á để hậu thuẫn cho Việt Nam “thoát Trung” nên bắt đầu hòa ca với Việt Nam ? Liệu có phải Đỗ Bá Tỵ là đặc phái viên của phe thân Mỹ của Việt Nam sang thuyết phục Campuchia trở giáo chĩa vào Trung Quốc?.
Cần nhận ra một điểm khác biệt nữa giữa lần thăm viếng này với các lần trước. Những lần trước, khi quan hệ của Việt Nam- Trung Quốc du có vấn đề gì nhưng nếu quan chức Trung Quốc qua Việt Nam thì truyền thông Việt Nam cũng giữ im lặng. Nhưng lần này vấn đề giàn khoan vẫn nóng lên trên báo chí và một kênh truyền thông quan trọng là đài truyền hình VTC. Cho đến ngày hôm nay (18/06/2014) khi Ông Dương Khiết Trì đã có mặt tại Việt Nam, truyền thông “lề phải” vẫn không ngừng “nóng lên” về vấn đề giàn khoan.
Nhìn bề ngoài thì có vẻ Trung Quốc đang thắng, nhưng tại sao đàn em Campuchia lại không triệt để theo mình dù được hứa cho tiền (*), và phía Việt Nam truyền thông chính thống vẫn dấy lên luồng dư luận chống Tầu? Trong khi đó thì Trung quốc đã ra lệnh cấm các công ty của mình đấu thầu tại Việt Nam. Vậy tại sao Dương Khiết Trì lại qua Việt Nam vào lúc này? Và qua để làm gì?
Ý đồ thâm độc của Trung Quốc
Trong khung cảnh thiếu thông tin minh bạch trong quan hệ Việt-Trung như từ trước đến nay, chúng ta thử dự đoán xem Dương Khiết Trì qua Việt Nam có một số sứ mạng nào trong các sứ mạng sau đây.
1/ Về công khai, nói là để tiếp tục công việc của ban chỉ đạo Việt Trung, nhưng trong bối cảnh nói trên thì chắc chẳng có gì để làm, nên nhiệm vụ này chúng ta không cần bàn đến.
2/ Khảo sát xem tình hình nội bộ Việt Nam thế nào, nếu phe thân Tàu bên trong Việt Nam có khả năng thua phe thân Mỹ thì ngay sau chuyến đi này Trung Quốc sẽ có đối sách.
3/Công bố cho phe thân Tàu biết một số chủ trương ủng hộ tài chính của Trung Quốc dành cho Việt Nam trong tương lai, dùng để thu phục nhân tâm của nhóm trung lập trong đảng cầm quyền Việt Nam. Kinh tế Việt Nam chưa thoát đáy được nếu không có ngoại lực bơm tiền vào để làm cú hích. Ai rót tiền vào Việt Nam lúc này sẽ có vai tró quyết định trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
4/ Tạo sự hoài nghi của dư luận là toàn thể nội bộ lãnh đạo cao cấp Việt Nam đều vẫn thân Tàu, các phản ứng của Việt Nam chỉ là “đóng trò với dân”. Để vô hiệu hoá phe thoát Trung nếu phe này đang mạnh dần lên.
5/ Hòa dịu với Việt Nam bằng các thủ thuật vừa dụ dỗ vừa răn đe nhằm “bình thường hóa” vụ giàn khoan và sự hiện diện của Tầu tại Hoàng Sa, Trường Sa và cả vùng biển đông, theo chiến thuật “cứt trâu để lâu hóa bùn”.
Theo tôi điểm 3, 4 và 5 trên đây có thể gom lại thành 1 ý đồ bao trùm và thâm sâu là: giữ vững Việt Nam trong vòng kiềm tỏa của mình bằng “bàn tay sắt bọc nhung”. Ý đồ thâm độc của Trung quốc đã lộ rõ qua việc họ công bố ra thế giới, ngay trước khi Dương Khiết Trì qua Việt Nam, 5 “tài liệu” để chứng minh là Việt Nam đã công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung quốc. Những “tài liệu” này đều là những chỗ “hở sườn” của lãnh đạo Việt Nam trong thời kỳ “môi hở răng lạnh”, “núi liền núi sông liền sông”, “vừa là đồng chí vừa là anh em”, của thời kỳ “quốc tế vô sản”. Nay thấy đàn em nhiều đứa không mấy mặn mà lại còn mon men đến gần Mỹ, đàn anh liền đánh vào chỗ sườn hở mà không thương tiếc.
Cái thâm độc của Tầu ở đó mà cái dại dột, “vì đảng hơn vì nước”, vì độc quyền chính trị hơn vì quyền lợi dân tộc của lãnh đạo đảng và nhà nươc Việt Nam cũng ở chỗ đó. Cái thâm độc của Tầu chính là ở chỗ đặt giàn khoan vững vàng, rồi “lật mặt lạ” lãnh đạo Việt Nam, làm cho lãnh đạo Việt Nam mất hết uy tín trước nhân dân và trước quốc tế, xong rồi đến Việt Nam để chìa bàn tay “hữu nghị” trở lại, tất nhiên lần này với các điều kiện mà chắc chắn Việt Nam sẽ khó còn cơ hội thoát Trung –cho đến khi nước Tầu hiện nay tan rã, như LX trước đây.
Lãnh đạo Việt Nam phải làm gì?
Nhân dân đồn rằng lãnh đạo cao nhất nước chưa thống nhất chính sách đối với Trung quốc, rằng trong Trung ương đảng và Bộ Chính trị có thành phần thân Tầu, chống lại việc đi với Mỹ, ngăn cản việc kiện Trung quốc, vì sợ mất đảng, mà đúng ra là sợ mất quyền và lợi. Đây là lúc cho nhân dân thấy rõ ai bán nước và ai không bán nước. Nhân dân ngoài đường phố đang tỏ bầy giữa ban ngày rằng “Nước không bán”. Nhân dân mong rằng đảng và nhà nước học được bài học từ 5 “tài liệu” mà Trung quốc đã công khai hóa cho quốc tế, những bài học cay đắng nhưng đều là do đảng và của đảng, không phải do nhân dân và của nhân dân.
Học bài học đó để thấy rằng ngày nào còn chưa dứt khoát thoát Trung thì ngày đó vòng kim cô “Thành Đô” và vòng kim cô “quốc tế vô sản”, “Mác-Mao muôn năm”, hão huyền mà thâm độc, còn đè lên đầu lên cổ cả lãnh đạo lẫn nhân dân Việt Nam, tệ hại và nhục nhã gấp nhiều lần hơn thời phong kiến. Thì ngày đó “thời mê sảng” cộng sản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa vẫn chưa thật sự chấm dứt, dù rằng chính Trung quốc đã chẳng cần đến chủ nghĩa nào, từ 20 năm trước, từ khi “mèo trắng mèo đen” gì cũng được.
Để tránh được điều tủi nhục đó, thì, ngoài nhiều điều khác phải làm ngay, riêng với chuyến thăm của Dương Khiết Trì, ban lãnh đạo đảng và nhà nước hãy minh bạch hóa nội dung mọi buổi làm việc với phía Trung quốc, cho báo chí thông tin về các buổi họp, trả lời phỏng vấn của báo chí trong nước và quốc tế. Đừng để 5, 10 năm nữa lại phải học lại những bài học đắng cay như vừa qua. Hãy tựa vào dư luận trong nước và quốc tế, tựa vào nhân dân mình, trong cuộc chiến chính trị gay go hiện nay, cuộc chiến mà ta mạnh hơn địch vì địch xâm lăng ta, địch vi phạm luật pháp quốc tế, địch không có chính nghĩa, nhưng ta yếu vì bên trong lãnh đạo yếu hèn, không dứt khoát. Chỉ có cách minh bạch hóa cuộc đàm phán mới có được tổng lực trong ngoài, mới có thể vô hiệu hóa ý đồ thâm độc của Trung Quốc. Vì nhân dân và quốc tế sẽ đứng về phía chúng ta.
Còn nếu vẫn im ỉm đi mọi nội dung đàm phán, nếu vẫn thỏa thuận “ngầm” với Trung quốc, như từ trước đến ngày có giàn khoan, với kẻ Đại Hán mới đã lộ rõ nguyên hình xâm lược, thì không những sẽ thất bại với bắc phương, vòng kim cô lưỡng diện “Thành Đô”+ Mác-Mao sẽ tiếp tục chụp xuống đầu cả lãnh đạo lẫn nhân dân –và kết cục sẽ đi vào lịch sử như những Trần Ich tắc, Lê Chiều Thống thời đại.
Chúng ta hãy chờ xem cuộc cờ do các tay cờ lãnh đạo sẽ đưa vào hồi kết cục như thế nào.
Nguyễn An Dân
(3h sáng ngày 18/06/2014)
(*)http://nguyentandung.org/campuchia-chinh-thuc-len-tieng-ve-tinh-hinh-bien-dong.html
LTS:  Tác giả gửi trực tiếp cho Chuyển Hóa. Bài viết phản ảnh quan điểm của tác giả.