Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Xã hội của mọi loại tin đồn

Xã hội của mọi loại tin đồn

000_Hkg10092773.jpg
Áp phích trên một tòa nhà ở Hà Nội với hàng chữ - ... Sừng tê giác chỉ giống như sừng trâu, tóc hay móng tay con người. Đừng lãng phí tiền của bạn - chụp hôm 28/8/2014 

Xã hội Việt Nam hiện nay tràn ngập tin đồn từ kinh tế cho đến chính trị mà trong nhiều trường hợp gây nhiều hoang mang hoặc thiệt hại vật chất lớn lao. Vì thiếu thông tin chính xác, thông tin bị che giấu hay trình độ dân trí thấp khiến cho các loại tin đồn có đất sống.
Việt Nam có hệ thống truyền thông rất lớn với 800 cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình nhưng thông tin được định hướng. Do vậy người dân ít tìm thấy những thông tin chính trị kinh tế nhạy cảm trên truyền thông lề phải. Với những người quan tâm, các mạng xã hội, blog, facebook hiện nay là nguồn thông tin thay thế, qua kênh thông tin này những tin đồn loan truyền với tốc độ chóng mặt. Tin đồn thì có thể gần đúng hoặc vẫn chỉ là đồn thổi và rồi thời gian sẽ làm cho nó đi vào quên lãng.
Tại sao xã hội Việt Nam tràn ngập tin đồn, nhất là những tin đồn nhạy cảm chính trị? Nhà báo Lê Phú Khải từng nhiều năm phục vụ truyền thông nhà nước từ TP.HCM phát biểu:
“Theo tôi mọi sự nó đều là không có thật…chỉ có mỗi một sự thật ở đất nước Việt Nam này đó là sự dối trá.”
Gần đây nhất, dư luận Hà Nội râm ran tin ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng Trưởng ban Nội chính Trung ương bị ung thư máu vì nhiễm phóng xạ và qua đời hôm 29/8. Tin đồn này tràn lan trên mạng và râm ran ở quán cà phê, len lỏi vào mọi ngõ ngách ở các đô thị lớn. Đến thời điểm ngày 29/8/2014 tức sau hai tuần im lặng, lúc ấy báo chí Việt Nam mới khéo léo xác nhận ông Nguyễn Bá Thanh đang ở Hoa Kỳ để chữa bệnh, mặc dù không nói là ông Thanh bị bệnh gì, mục đích chỉ để khẳng định là ông còn sống.
Một số ý kiến cho rằng, ông Nguyễn Bá Thanh là một cán bộ cao cấp  Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội Chính, Phó ban chỉ đạo chống tham nhũng Trung ương, như vậy ông là một nhân vật chính trị một người của công chúng. Việc ông đi nước ngoài chữa bệnh nếu loan báo ngay từ khi ông lên đường sẽ tránh được những lời đồn thổi; đặc biệt trong trường hợp ông Thanh vốn được dư luận cho là không thuộc nhóm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và không được vào Bộ Chính trị.
    Nên công bố, cũng là có cái lợi để người ta biết tại vì nhiều người quan tâm… người bình thường thì không ai để ý nhưng người của công chúng nhiều người quan tâm hơn thì nên công bố, nó đỡ đồn đại, đỡ bị bóp méo.  - Tiến sĩ Bác sĩ Đinh Đức Long
Trả lời chúng tôi, Tiến sĩ Bác sĩ Đinh Đức Long người vừa công khai rời bỏ Đảng Cộng sản từ Saigon cho rằng, vấn đề công bố thông tin cán bộ đi nước ngoài chữa bệnh không nằm trong Luật. Tuy vậy ông góp ý:
“Nên công bố, cũng là có cái lợi để người ta biết tại vì nhiều người quan tâm… người bình thường thì không ai để ý nhưng người của công chúng nhiều người quan tâm hơn thì nên công bố, nó đỡ đồn đại, đỡ bị bóp méo. Nhiều người cho rằng nên cung cấp thông tin chủ động, tôi nhớ ông John McCain ứng cử Tổng thống Mỹ, người ta cũng đồn là ông ấy bị bệnh nọ bệnh kia và phải công khai hồ sơ về y khoa. Công khai ra ông này bệnh đã chữa khỏi rồi không ảnh hưởng gì và vẫn đủ điều kiện để trở thành ứng cử viên tổng thống mặc dù ông ấy không trúng. Nhưng tôi nghĩ ở Việt Nam chưa có luật.”
Nhắc lại năm 2013, khi ông Nguyễn Bá Thanh thuyên chuyển từ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng về làm Trưởng ban Nội chính Trung ương, tin tức ngoài luồng râm ran việc ông Bá Thanh và ông Vương Đình Huệ tân trưởng Ban Kinh tế Trung ương bị phe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngăn trở không cho vào Bộ Chính trị dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cử. Tin đồn này sau đó tỏ ra là chính xác và hai người vào Bộ Chính trị là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Lúc đó nhà phản biện TS Nguyễn Quang A đã nói với truyền thông nước ngoài là đáng lẽ Đảng nên công khai các nội dung tranh luận.
Những thông tin được cho là nhạy cảm chính trị liên quan đến đảng Cộng sản Việt Nam luôn bị che giấu. Phải mãi đến năm 2012, lần đầu tiên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới hé lộ kiểu thông tin nửa chừng khi ông nói với người dân rằng, Trung ương Đảng đã không kỷ luật một Ủy viên Bộ Chính trị mà ông gọi là đồng chí X. Khi thông tin như thế, đây là một dịp cho các loại tin đồn phát triển. Dư luận sôi nổi về việc nhận diện đồng chí X là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Hậu quả từ tin đồn
Trong vài năm gần đây, bên cạnh tin đồn chính trị nở rộ qua Internet, tình trạng tin đồn liên quan đến kinh tế-tài chính- ngân hàng nhiều khi đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng nói chung và một số ít người trục lợi. Nhắc lại, vào ngày 21/2/2012 có tin đồn Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV bị bắt, cùng lúc có tin đồn tăng giá xăng. Hai thông tin không đúng sự thật này đã làm sàn gia dịch chứng khoán TP.HCM bốc hơi 34.000 tỷ đồng trong ngày hôm đó. Tình trạng hoạt động kinh tế tài chính ngân hàng thiếu công khai minh bạch là cơ hội cho các loại tin đồn thổi có đất sống. Ngoài ra pháp luật chế tài chưa đủ nghiêm minh đối với những kẻ đạo diễn tung tin đồn thổi để mưu lợi riêng.
Tiến sĩ Bác sĩ Đinh Đức Long nhận định:
“Nó phụ thuộc nhiều yếu tố lắm, nói cho cùng là trình độ dân trí, trình độ của dân chúng và trình độ của người cầm quyền. Ở Việt Nam nhiều khi có tâm lý bày đàn liên quan tới dân trí. Tại sao anh tin một cách dễ dàng như thế. Theo tôi đầu tiên nhà nước pháp quyền phải có luật, trị dân bằng luật chứ không bằng nghị quyết của Đảng mà phải bằng luật. Đã là luật thì nhà nước và nhân dân cùng bình đẳng đều chấp hành như nhau và nếu ai sai thì cứ theo luật mà xử.”
Dân trí thấp thì tin đồn dễ được nghe theo, ngoài ra chính quyền cai trị đất nước trong vai trò của mình phải loại bỏ những nguy cơ có thể phát sinh tin đồn, bất kể là tin đồn chính trị hay các lĩnh vực khác. Để làm được điều đó, thì mọi cấp mọi ngành phải cung cấp thông tin minh bạch và kịp thời. Rõ ràng trong trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh đi chữa bệnh ở Hoa Kỳ, các Ban Đảng và Chính quyền đã không làm công việc phải làm.
Nam Nguyên
(RFA)

Thời chuyển biến

000_Hkg9227507-305.jpg
Ảnh chụp từ bên trong hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn ở TPHCM hôm 19/11/2013.
Không phải là chính sách kích cầu bằng tín dụng, hay kích cung bằng biện pháp giảm thuế, một động lực chủ yếu của công cuộc phát triển kinh tế quốc gia chính là sức sáng tạo của thị trường. Với nhiều phát minh mới trong kinh doanh tại các nước tiên tiến, sức sáng tạo ấy có đà gia tốc ngày một cao hơn vì thế giới đã bước qua "thời chuyển biến". Diễn đàn Kinh tế phân tích sự thể này qua phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
 
Cách giải phóng tiềm lực sản xuất

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, kỳ trước, khi nói về những trái bom nổ chậm tại Việt Nam, ông nêu vấn đề là việc kích thích kinh tế bằng tín dụng có hậu quả là gia tăng vay nợ và dẫn tới núi nợ xấu khiến kinh tế có thể bị khủng hoảng tài chính. Kỳ này, chúng tôi xin tiếp tục hỏi thêm là người ta còn có những cách gì để giải phóng tiềm lực sản xuất của một quốc gia?
 
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là để hiểu vấn đề ta cần nhìn vào bối cảnh hơi có vẻ lý thuyết về kinh tế chính trị học rồi mình mới tìm ra một giải đáp thỏa đáng.
    Thực tế kinh tế là xã hội con người là điều gì đó quá phức tạp, và ngày càng phức tạp hơn. Cho nên chẳng ai có thể mô tả thực tế đó.
    -Nguyễn-Xuân Nghĩa

Thật ra còn quá trẻ vì mới chỉ có hơn 200 năm trong cả vạn năm hiện hữu của xã hội con người, môn kinh tế học không là khoa học có khả năng mô tả thực tế một cách chính xác để từ đó tìm ra các đòn bẩy có thể kích thích sản xuất hay đà tăng trưởng để đưa tới phát triển. Trong sự dọ dẫm đó, loài người có cải tiến cách đo đếm và đề nghị một số giải pháp với kết quả thật ra giới hạn và những người đề nghị các giải pháp ấy chỉ có lý được năm bảy năm mà thôi. Vì vậy, một bài học của khoa kinh tế chính là sự khiêm nhường về khả năng tác động, là điều mà người làm chính sách lại ít khi công nhận. Đấy là ta chưa nói đến loại hậu quả bất lường và tai hại của khả năng tác động này, mà mình sẽ tìm hiểu sau.

Trên đại thể, người ta nghiệm thấy là sinh hoạt kinh tế có những giai đoạn thăng giáng trong ngắn hạn giữa những chu kỳ thịnh suy dài hạn hơn. Khi kinh tế tăng trưởng chậm hơn, hoặc bị suy trầm hay thậm chí suy thoái và khủng hoảng, thì người ta tìm cách điều chỉnh và kích thích.

Vì thiếu am hiểu, ban đầu người ta nghĩ đến giải pháp kích thích số cầu như kinh tế gia John Maynard Keynes đã chủ trương từ 80 năm trước, và ngày nay nhiều nơi còn áp dụng với hậu quả thường xảy ra là nạn bội chi ngân sách và lạm phát, trong khi nhà nước bành trướng sự can thiệp của mình mà không muốn thu lại nữa. Sau đó từ nửa thế kỷ nay, một trường phái khác lại cho yếu tố ổn định tiền tệ mới quan trọng và nên kích thích số cung, như nên giảm thuế cho giới sản xuất và nhà nước giữ gìn quân bình ngân sách để bảo vệ trị giá của đồng bạc. Cuộc tranh luận giữa hai loại giải pháp ấy dẫn tới sự khác biệt giữa xu hướng can thiệp bên cánh tả và tự do bên cánh hữu, trong khi thực tế kinh tế lại không hẳn là gọn gàng đơn giản như vậy.

Vũ Hoàng: Thực tế kinh tế ấy là gì thưa ông?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thực tế kinh tế là xã hội con người là điều gì đó quá phức tạp, và ngày càng phức tạp hơn. Cho nên chẳng ai có thể mô tả thực tế đó với một mô hình xuất phát từ khoa vật lý để dựa trên các thông số rất trừu tượng như một phương trình toán học mà đòi tác động vào yếu tố này hay yếu tố kia với kết quả rất máy móc.
000_Hkg9777025-400.jpg
Hình minh họa chụp tại Bạc Liêu hôm 2/5/2014. AFP PHOTO/Duy Khoi.
Tôi xin lấy một ví dụ cụ thể là phạm trù sản lượng hay khái niệm GDP đang được thảo luận tại Việt Nam. Mọi quốc gia trên thế giới đều gặp bài toán biểu trưng ấy và thường xuyên cải sửa để tìm một cách diễn tả trung thực hơn. Điều nguy hiểm là khi con người ta mắc bệnh duy ý chí mà tin vào cách mô tả quá hời hợt và thiếu chính xác này để đề cao giải pháp thần diệu của mình.

Karl Marx là người tiêu biểu cho tinh thần trừu tượng ấy khi giải thích sự vận hành của kinh tế và xã hội, lại mắc bệnh duy ý chí khi cho là mình có kế hoạch thần diệu để giải quyết bài toán khan hiếm của nhân loại. Tiếp theo, Lenin còn tệ hơn và có tội với nhân loại khai triển tư tưởng của Marx với lý luận khiên cưỡng và tổ chức chuyên chính. Ngày nay, một số quốc gia lạc hậu vẫn còn lấy chủ nghĩa Mác-Lenin này làm cơ sở hành động, với hậu quả là làm quốc gia không phát triển mà chỉ để bảo vệ chế độ độc tài và duy trì quyền lợi cho tay chân.

Nếu dưới địa ngục cũng có các giải thưởng của quỷ dữ thì Marx và Lenin đáng được Giải Nobel về Kinh tế và Stalin, Mao Trạch Đông hay Hồ Chí Minh được Giải Nobel Hòa bình về thành tích tàn sát và phá hoại trong khi các nước áp dụng lý luận này đều lụn bại. Ta sẽ thấy ra điều ấy khi nói tới động lực thật của phát triển, nó không phải là kích cầu hay kích cung, tập trung quản lý hay tự do thị trường mà nó là khả năng sáng tạo.
 
Cản trở sự sáng tạo

Vũ Hoàng: Ông bắt đầu ra khỏi bối cảnh mà đi vào cốt lõi của vấn đề là sự sáng tạo. Đấy là gì vậy, thưa ông?

 
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là vào thời phôi thai của kinh tế học, người ta thấy yếu tố góp phần tăng gia sản xuất gồm có tư bản và lao động, tức là đất đai, máy móc và sức làm việc của con người. Nếu gia tăng lượng tư bản và lao động thì người ta có tăng trưởng kinh tế. Nhưng sự gia tăng ấy không diễn biến theo đường thẳng, giả dụ như nếu đầu tư bằng cách nâng mức tư bản và lao động gấp đôi thì sản lượng chẳng vì vậy mà tăng gấp hai. Ngược lại, nhìn về dài thì hiệu suất đầu tư đó lại giảm và Marx giải thích sai cái hiện tượng tiệm giảm này bằng lý luận hàm hồ.

Cách nay 90 năm, một kinh tế gia người Nga là Nikolai Kondratieff nghiệm thấy là xã hội con người tiến hóa theo chu kỳ và trải qua nhiều giai đoạn thăng giáng lên xuống khá đều đặn kéo dài khoảng năm sáu chục năm. Sau đó người ta mới giải thích được hiện tượng ấy ở những phát minh lớn từ cuối thế kỷ 18, qua thế kỷ 19 và 20. Các phát minh đó, như nhà máy chạy bằng hơi nước, đường xe lửa, thiết bị kim loại rồi điện năng hay điện thoại, v.v.. đã đảo lộn quy trình sản xuất của xã hội, tạo ra phương thức mới với hiệu suất cao hơn mà đào thải nhiều lề lối cũ. Người ta coi đó là sự tiến bộ, mà cũng thấy tiến trình đảo thải ấy có gây ra vấn đề và làm nhiều người cưỡng chống. Đây không là bài toán kinh tế mà là hiện tượng xã hội đã có từ ngàn xưa, đó là sự đối nghịch giữa cái cũ và cái mới, với sự tiến bộ chuyển dịch rất chậm trong lịch sử.

Vũ Hoàng: Phải chăng vì đã có từ ngàn xưa nên nhiều người mới tìm ra lý luận để cưỡng chống sự thay đổi ấy vì muốn bảo vệ nguyên trạng và quyền lợi của họ trong hình thái sinh hoạt cũ?
    Khi nhà nước và tay chân cố tình bảo vệ trật tự cũ bằng sự cấm đoán thì mặc nhiên cản trở sự sáng tạo và làm cho quốc gia khó phát triển được.
    -Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng như thế và yếu tố đáng chú ý ở đây là sự tiến bộ có mặt trái tất yếu là sự đào thải. Một kinh tế gia người Mỹ gốc Áo nói đến "sự hủy diệt của sáng tạo" và xã hội nào muốn tránh sự hủy diệt ấy thì cũng cản trở sự sáng tạo, tức là từ chối tiến hóa.

Chuyện rắc rối là đến gần đây hơn, người ta lại nghiệm thấy một điều mới hơn nữa. Đó là các phát minh xuất hiện dồn dập hơn, khiến một chu kỳ thịnh suy không kéo dài năm sáu chục năm như trước đó mà chỉ vài chục năm là lại có thay đổi hay hủy diệt. Ngày nay, qua thế kỷ 21, người ta cho là cứ mươi, 15 năm là lại có một làn sóng phát minh mới làm đảo lộn quy trình sản xuất hay lời lãi và đòi hỏi sự thích ứng hay ứng phó của xã hội. Người ta gọi đó là "Thời Chuyển Biến". Chuyển là có thay đổi, nhưng thay đổi nhanh hơn nên mới gọi là "biến". Vì sợ cái biến, nhiều doanh nghiệp không chuyển được nên mới bị đào thải, nhiều xã hội thì bị tụt hậu.

Vũ Hoàng: Độc giả của chúng ta có thể mường tượng ra điều ấy khi thấy là các nước tiên tiến đang sử dụng những phương tiện sinh hoạt hay sản xuất rẻ hơn và chưa hề có trước đó 15 năm, trong khi các xã hội lạc hậu thì vẫn nghèo và không áp dụng được cái mới trong đời sống.
 
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là đúng vậy và người Việt có thể nghĩ đến kinh nghiệm Nam Hàn để so sánh. Nửa thế kỷ trước, Nam Hàn chỉ là một nước đang phát triển, với xe hơi hay đồ gia dụng kém phẩm chất nếu so với sản phẩm của Nhật Bản hay Âu-Mỹ. Ngày nay, họ trực tiếp cạnh tranh với khối công nghiệp hoá và trở thành một nước tiên tiến với nhiều sản phẩm của sáng tạo làm thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi luôn cách đo đếm tư bản và lao động.

Trong một thế giới mà sự sáng tạo đang có đà gia tốc rất cao, cứ dăm ba năm lại có sản phẩm mới, từ dược phẩm đến máy tính, cách thông tin liên lạc hay thiết bị sản xuất thì bài toán kinh tế quả thật đã bị đảo lộn. Hậu quả là khoảng cách lợi tức giữa các quốc gia có sáng tạo và các nước khác lại càng mở rộng mà người ta không thể giải thích sự khác biệt bằng lý luận bóc lột được. Có chăng thì đấy là sự bóc lột của một thiểu số có quyền trong các nước lạc hậu vì nhân danh những điều hàm hồ mà đòi kiểm soát sinh hoạt của người dân và cản trở sự sáng tạo.

Vũ Hoàng: Chúng ta đi tới phần kết luận. Thưa ông, thế nào là cản trở sự sáng tạo?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ bối cảnh đến yếu tố chủ yếu của phát triển là sự sáng tạo thì ta thấy ra vài quy luật sau đây.

Thứ nhất là trong một chu kỳ sinh hoạt kinh tế, việc kích thích kinh tế ở vế cung hay vế cầu đều cần thiết, nhưng với hậu quả có khi bất lợi mà người làm chính sách tức là nhà nước phải cẩn trọng và thấy trước để tránh những liều thuốc đổ bệnh hay quả bom nổ chậm. Thứ hai là trong sinh hoạt của xã hội, nhà nước cũng phải can thiệp để giữ gìn trật tự và nhất là bảo đảm cho mọi người dân đều có quyền bình đẳng như nhau, chứ không một thiểu số nào lại có ưu thế lấn áp người khác để trục lợi riêng, là điều xảy ra tại các nước độc tài.

Quan trọng nhất, trước đà gia tốc của sự sáng tạo trong cái mà ta gọi là "Thời Chuyển Biến", khi nhà nước và tay chân cố tình bảo vệ trật tự cũ bằng sự cấm đoán thì mặc nhiên cản trở sự sáng tạo và làm cho quốc gia khó phát triển được. Người ta có nhiều cách cản trở sự sáng tạo khi kiểm soát sinh hoạt kinh tế, khi quyết định là thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và khi bắt cả nước phải theo chân lý nhảm bằng kiểm soát tư tưởng và giáo dục ngu dân về chủ nghĩa Mác-Lênin.

Hồi nãy, sở dĩ tôi nhắc đến Lenin với giải Nobel của quỷ dữ vì ông ta đặt nền móng cho chế độ toàn trị khi đưa ra nguyên tắc "dân chủ tập trung" đầy gian trá, khi giải thích sự tiến hóa bằng chủ nghĩa đế quốc, khi quy định một cách tiên thiên rằng lý luận này mới đúng, lý luận kia là sai và đàn áp những ai đòi xét lại chân lý của nhà nước. Ngày nay, nhiều quốc gia kể cả Việt Nam, vẫn chưa giải được cái ách đó mà tiếp tục chà đạp tự do và cản trở sự sáng tạo nên sẽ không thể phát triển được.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về lối phân tích này.
Vũ Hoàng
(RFA)

Tô Văn Trường - Cái tâm đang bị ... bỏ quên

Sức mạnh phát triển đất nước chính là “nhân”- là con người, là nhân tâm.  Phải có nhân hòa thì mới có nội lực. Làm thế nào để có nhân hòa?
Người ta thường nói tới "Sự thông minh của trái tim", chính là để nói về cái tâm. Vì cái tâm đó, Việt Nam đã đánh thắng những đế quốc mạnh nhất, bởi đã tìm ra những phương án thông minh, mà chính TS Henry Kissinger (đã từng làm việc cho 03 đời Tổng thống Mỹ) cũng đã phải thú nhận.
Cái tâm chỉ còn là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm?
Nhưng phải nói sau chiến tranh, và nhất là từ khi bước vào kinh tế thị trường, cái “chữ tâm” đó đang nhạt dần và bị… bỏ quên.
Ts Tô Văn Trường
Hầu hết khi phân tích chiến lược, người ta sử dụng phương pháp phân tích SWOT (Strength-Weakness-Opportunity-Threats: Mạnh, yếu, cơ hội và thách thức). Nhìn rộng ra một đất nước thì vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, con người, hệ thống thể chế thuộc về nội lực, còn thời cơ và thách thức chính là ngoại lực.
Nội lực đúng là toàn bộ nguồn lực bên trong, sẽ được bổ sung tự nhiên hay tổn thất trong quá trình xây dựng và phát triển, tùy thuộc vào hiệu quả vận hành tương tác với nguồn lực bên ngoài. Nhưng nội lực phải coi là yếu tố quan trọng nhất, mang ý nghĩa quyết định sự thành bại của quá trình này.
Ngày trước, trong sách Tam quốc, nói đến Tôn Quyền có địa lợi, Tào Tháo có thiên thời, Lưu Bị chỉ có nhân hòa mà cũng ngang ngửa thiên hạ. Đủ biết nội lực, trong đó, con người với chữ tâm quan trọng dường bao.
Những yếu tố làm nên nội lực, gồm nhiều thứ nhưng có lẽ cơ bản nhất vẫn là con người và thể chế gắn những con người đó với nhau. Tài nguyên tất nhiên là một phần của nội lực nhưng không phải là cái quan trọng nhất. Ở các nước OECD thì 80% tài nguyên của họ là con người.Thiên thời là một cái gì đó khách quan gồm cơ hội hoặc thách thức.
Cũng có ý kiến cho rằng nội lực của Việt Nam, phần cứng là  tài nguyên thiên nhiên, phần mềm là con người hay nói cách khác nội lực Việt Nam chính là thiên thời, địa lợi nhân hòa.
Theo thiển nghĩ của người viết bài, phần mềm còn là tư tưởng chi phối xã hội  và hệ thống thể chế gắn kết xã hội, văn hóa… như một  hệ điều hành (ví dụ như  thể chế kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự hoặc tam quyền phân lập).
Lâu nay, ta dùng các hệ điều hành làm chủ tập thể, kinh tế quốc doanh là chủ đạo, đất đai là sở hữu toàn dân, tư duy lợi dụng nhiệm kỳ hay còn gọi tư duy trục lợi (tư duy thò lò), chuyên chính vô sản, để vận hành đất nước. Sự phát triển đất nước hiện nay là kết quả, là sản phẩm của hệ điều hành này.
Có điều, trong quá trình phát triển, tự lúc nào, trong kinh tế, đã xuất hiện lợi ích nhóm, mang tính chất đặc quyền đặc lợi, rất ảo nhưng cái di hại lại rất cụ thể. Khi đó, cái tâm con người chỉ còn ý nghĩa là… lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm của mình.
Chính nhóm đặc quyền, đặc lợi này nhờ hệ điều hành còn có những khuyết tật, lỗ hổng ấy mới muốn níu giữ nó vì rời nó ra là họ khó sống.
Đừng quên rằng, chính cố Tổng Bí thư Trường Chinh khi còn sống, là một trong những lãnh đạo rất ủng hộ Đổi mới phát biểu tại Đảng bộ Hà Nội 19/10/1986 đã chỉ rõ “Lãnh đạo đã phạm những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn. Nguyên nhân là do tả khuynh, ấu trĩ, duy ý chí, trái quy luật khách quan… đã mắc sai lầm lại bảo thủ, trì trệ, không dũng cảm sửa chữa…”  (Văn kiện Đảng toàn tập; Tập 47, trang . 270.)
Để đấu tranh chống bá quyền, bành trướng, đưa dân tộc vượt qua những cam go, thách thức hiện nay, Việt Nam  phải phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Ý kiến khác nhau, quan niệm khác nhau là một tất yếu khách quan, có tính quy luật. Nhưng nếu để kéo dài thực trạng đó một cách không bình thường, kéo dài thực trạng lợi ích nhóm sẽ dẫn đến phá vỡ sức mạnh đoàn kết toàn dân.
Dựa vào đâu?
Việt Nam không thể dựa vào tài nguyên thiên nhiên để phát triển được vì tài nguyên khoáng sản của nước ta rất nhỏ bé, manh mún. Thậm chí không có khoáng sản nào có lợi thế để cạnh tranh có hiệu quả (nhập khẩu còn rẻ hơn khai thác), trừ than, dầu, khí, nước ngọt, cát, đá, sỏi và đất. Than, dầu khí thì sắp hết (30 năm nữa là đóng cửa bể than Quảng Ninh). Nước ngọt 70% phụ thuộc nguồn nước đầu nguồn xuất phát từ cao nguyên ở Vân Nam của Trung Quốc (hệ thống sông Hồng và sông Cửu Long).
Đất, chủ yếu là nông nghiệp, phụ thuộc thiên nhiên, nguồn tưới phụ thuộc nước ngọt của các hệ thống sông cũng không phải nhiều. Ngay cả đá vôi làm xi măng, trữ lượng khai thác được và có hiệu quả cũng chỉ có khoảng 2 tỷ tấn. Còn lại chỉ làm đá rải đường. Tài nguyên sinh học (flora & fauna) cũng nhỏ bé, lại đang ngày càng "teo" đi nhanh chóng.
Điều đó là một hạn chế nhưng có đáng sợ không? Thế giới, không thiếu những nước tài nguyên khoáng sản nghèo nàn, nhưng đã trở thành nước rất giầu có, nhờ cái tâm con người cũng rất .. giầu. Có thể thấy như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan , Hồng Công vv…
Ngược lại cũng có những nước giầu có khoáng sản nhưng đã không giữ được uy thế đó của mình. Như Hà Lan chẳng hạn. Cho dù vẫn là quốc gia phát triển, nhưng Hà Lan đã không duy trì được vị trí đứng đầu thế giới về phát triển công nghệ điện tử, chỉ vì ỷ lại quá nhiều vào dầu ở biển Bắc (hiện thua xa Nhật Bản  và Hàn Quốc ). Cái gọi là "căn bệnh Hà Lan" ngày xưa cũng chính là "lời nguyền của tài nguyên khóang sản" ngày nay.
Đủ hiểu, sức mạnh phát triển đất nước chính là “nhân”- là con người, là cái nhân tâm.  Nhưng phải có nhân hòa thì mới có nội lực. Làm thế nào để có nhân hòa? Xưa, Vua Trần Nhân Tông đã là một tấm gương sáng về tập hợp lòng dân chống giặc ngoại xâm, và hòa giải, đoàn kết dân tộc sau chiến thắng, làm nên một Đại Việt hùng cường.
Nước Nhật, người Nhật chẳng hề được ưu đãi chút nào từ cái “thiên và địa”, những họ đã chẳng hề mảy may ca thán về những rủi ro, bất hạnh. Nước Nhật không có rừng vàng, biển bạc, chỉ có sức mạnh từ lòng yêu nước và tự trọng của người Nhật. Đầu hàng Mỹ và chịu nhận Mỹ làm đồng minh ngay sau khi thua trận đại chiến thế giới lần thứ hai là một quyết định sáng suốt của Nhật Hoàng, với sự ưng thuận của toàn bộ nội các Nhật. Và việc không truy cứu trách nhiệm Nhật Hoàng trước chiến tranh cũng thông minh không kém, từ cả phía người Nhật và người Mỹ.
Nội lực của người Nhật chính là tự cường, chính là “nhân hòa”.
“Nhân hòa” trong nội lực nước Việt
Thể chế văn minh là mảnh đất và môi trường để nội lực đất nước phát triển. Để người Việt có thể tìm thấy hạnh phúc bằng chính lao động chân chính được gieo trên mảnh đất này
Bàn về cái nhân, là thứ “nhân định” mà chúng ta hoàn toàn có thể tạo lập được. Người viết bài chỉ xin nêu ra những cái khiếm và những cái khuyết để có thể cùng nhau khắc phục.
Chuyển hướng nhận thức chính mình
Để có được nội lực, trước hết người Việt phải chuyển hướng nhận thức của chính mình, để thoát khỏi óc nô lệ - nô lệ vào cái dốt, cái yếu kém, cái  viển vông, mơ hồ  và cả nô lệ vào học vấn. Vì cái gì cũng có giới hạn, chỉ có sự ngu dốt, nếu không chịu học hỏi là… vô giới hạn!
Chiến lược Nhà nước cho sự phát triển 05 hay 10 năm tới không phải khó lắm. Khó nhất là đạt được bằng cách nào? Như Mác nói đại ý «Thời đại này khác thời đại trước không phải sản xuất ra được cái gì, mà là dùng cái gì để sản xuất ». Bây giờ, mở rộng ý tưởng ấy là hợp tác với ai để có vốn, công nghệ, nguyên liệu để sản xuất và bán cho thị trường nào? Đó là “nhiệm vụ chính trị” số một.
Xác định ta, bạn, thù, đối tác cũng phải trên cơ sở đó mà nhìn nhận. Nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt, quốc gia nào cũng phải thực hiện, không chỉ có VN. Nước Việt đang hội nhập thế giới văn minh, hiện đại mà xem tư bản là kẻ thù thường xuyên thì chuyện xác lập quan hệ đối tác chiến lược sẽ ra sao? Ta mà còn không tin thì làm gì "cả hai ta" đều có "niềm tin chiến lược".
Một nhược điểm rất rõ, là đa phần giới có trình độ học vấn, thì mắc bệnh “hàn lâm”, chỉ chăm nhằm vào những cái đích rất cao siêu, rất oách như kỹ thuật na-nô, những thứ siêu việt mà giới khoa học thế giới đang ồn ào, trong khi nội hàm năng lực, hoàn cảnh và phương tiện đều thiếu thốn và yếu kém.
Trong khi thực tiễn đất nước đòi hỏi người Việt, nhất là tầng lớp trí thức, có học vấn cần moi đầu, vắt óc nhắm vào những thứ thật bình thường, bình dị như hạt lúa, củ khoai, con cá … xem có cách nào cho tốt hơn, cho bà con nông dân được nhờ.
Đó là những  những thứ bình thường mà chẳng tầm thường chút nào.
Vậy nên, có người đã nói theo kiểu “cười ra nước mắt”: Cái sự khoa học ở xứ ta đang trở thành khóa hóc (!) – chẳng mở được gì cả, đặc biệt là khoa học về các lĩnh vực công nghệ, khoa học kỹ thuật, khoa học chính trị xã hội.
Hiện tượng “có đoàn mà không có kết” cũng khá phổ biến khắp mọi lĩnh vực. Mạnh ai nấy làm, giống như bàn tay xòe ra, bẻ ngón nào gãy ngón nấy, chẳng chịu cụm lại thành nắm đấm cho đủ sức mạnh và vững chắc. Ở xứ người, nhiều cộng đồng các dân tộc càng đông càng mạnh, còn cộng đồng người Việt ở nước ngoài thì sao? Nếu người Việt chỉ gắng sức từng bộ phận mà không có sự phối hợp đồng bộ, tổng thể thì bị … chuột rút (vọp bẻ) cũng là lẽ đương nhiên!
Anh hùng tạo nên thời thế
Nhân hòa ở nước Việt thời nay còn là cái phải nỗ lực, và giải quyết tốt các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình vận động và phát triển mới hy vọng nội lực nước Việt mạnh lên. Mâu thuẫn giữa lợi ích nhóm và lợi ích của đa số nhân dân. Mâu thuẫn giữa những người muốn cách tân đất nước và những người thủ cựu, gắn với lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm là một trong những “vật cản” mà nước Việt phải chiến đấu lâu dài và chế ngự.
Lê Nin nói: "Đào xuống, lật ra, xới tung lên những hàng chữ dầy đặc đủ thứ lý thuyết, ta sẽ thấy đằng sau đó lồ lộ hiện ra cái gốc quyền lợi  trơ trọi, thô thiển!". Cái cần đào đó, cũng đang nằm sâu trong lòng xã hội nước Việt.
Nước Việt đang rất cần những anh hùng tạo nên thời thế.
Hai thứ đầu tiên là “thiên và địa” vốn dĩ là những thứ nằm ngoài “nhân”, nên chỉ có thể lựa theo, nương theo quy luật khách quan của nó để thích nghi, để mà tạo lợi thế cho “nhân hòa”, không thể can thiệp, tác động vào được.
Còn “nhân hòa” là  yếu tố cơ bản của nội lực, thì không ai khác, người Việt, những những có trọng cách, phải tạo được ra. Lâu nay, ta nói nhiều về “lỗi hệ thống” và tính lạc hậu, xơ cứng của tư duy phát triển, nhưng nói cho cùng thì hệ thống và tư duy xơ cứng đó là của chúng ta…. tạo ra.
Vì vậy, nếu muốn đất nước phát huy được nội lực thì mỗi người Việt Nam, trước tiên là các nhà lãnh đạo phải quyết tâm vượt qua chính mình chứ không phải ngồi chờ sự thay đổi. Sự vượt qua chính mình đó, đòi hỏi cả trí tuệ, ý chí, bản lĩnh và sự kiên trì, lòng tin ở những giá trị văn minh, văn hóa.
Lợi ích dân tộc, chủ quyền quốc gia, Nhà nước pháp quyền, xã hội dân chủ, đất nước giầu mạnh là mục tiêu trên hết. Thể chế văn minh là mảnh đất và môi trường để nội lực đất nước phát triển. Để người Việt có thể tìm thấy hạnh phúc bằng chính lao động chân chính được gieo trên mảnh đất này.
Tô Văn Trường
(Quê Choa)

Khoan dung - động lực để chấn hưng đất nước

Công cuộc chấn hưng đất nước không thể tách rời triết lí khoan dung. Có thể nói rằng, đất nước đang cần sự khoan dung hơn bao giờ hết.
    
1.Nếu phải chỉ ra một đặc điểm nổi bật của dân tộc Việt Nam, tôi sẽ lựa chọn tính đa dạng (diversity). Có thể bạn sẽ nghĩ khác, nhưng tôi có lí do riêng: Kỳ thực, dân tộc Việt Nam được cấu thành trên sự đa dạng. Nếu thử quan sát đất nước mình, từ mọi góc nhìn, chúng ta đều thấy toát lên vẻ đa dạng, như nguồn gốc, thành phần tộc người, địa lí, sinh thái, khí hậu, ngôn ngữ và văn hóa ... Vì thế, tính đa dạng không chỉ là đặc điểm nổi bật, mà còn là đặc tính tự nhiên của dân tộc ta.

Đặc tính này đòi hỏi một triết lí phát triển phù hợp, đảm bảo tính thống nhất về lãnh thổ và lí tưởng chính trị mà không làm phương hại tính đa dạng về tự nhiên và văn hóa. Câu hỏi được đặt ra, triết lí ấy là gì vậy? Lịch sử Việt Nam để lại một gợi ý, cũng là một bài học sâu sắc và thiết thực, những nhà nước thành công nhất đều mang gương mặt khoan dung (tolerance).

Khoan dung là giá trị nền tảng của kỉ nguyên Lý – Trần rực rỡ. Khoan dung cũng là giá trị động lực làm nên sự nghiệp mở nước vẻ vang của các chúa Nguyễn ở phương Nam .

2. Có lẽ, cần nhắc lại đôi điều về đường lối trị nước của các vị vua anh minh triều Trần. Từ kho tàng trí tuệ bao la của Phật giáo, triều Trần đã tiếp nhận, chọn lọc và xây dựng nên một đường lối quản trị đậm đà khoan dung. Từ lúc còn rất trẻ, vua Trần Thái Tông – người khai sáng triều Trần đã khảng khái tuyên bố: “Ta xem ngai vàng như chiếc giày rách, bỏ đi lúc nào cũng được”. 
khoan dung, động lực, đất nước, chấn hưng, Hoàng Giang, phát triển, tính đa dạng
Ảnh: Lê Anh Dũng
Câu nói này, cùng với thái độ ứng xử của một số vua Trần sau đó đã bộc lộ một nhận thức sâu sắc về bản chất của quyền lực, xét đến cùng, quyền lực chỉ là phương tiện để người đứng đầu đất nước thực hiện lí tưởng quốc thái, dân an.

Vì thế, thay vì chìm đắm, “mắc kẹt” trong quyền lực, ông vua cần tùy cơ mà quyết định sử dụng hay buông bỏ nó. Bấy giờ, trong tinh thần khoan dung, Phật giáo tuy được xem là quốc giáo nhưng cùng cộng sinh bình đẳng với Nho giáo và Lão giáo. Nhà Trần đãi ngộ nhân tài và sĩ phu rất kính cẩn, cho nên người giỏi xuất hiện khắp nơi và đều tụ về triều đình.

Nhận xét về giới sĩ phu đời Trần, trong Kiến Văn Tiểu Lục, Lê Quý Ðôn đã viết: "Bởi vì nhà Trần đãi kẻ sĩ một cách khoan dung, không hẹp hòi, hòa vị mà có lễ phép, cho nên nhân sĩ thời ấy ai cũng biết tự lập, anh hào tuấn vĩ vượt ra ngoài lưu tục, làm cho quang vinh cả sử sách, không thẹn với Trời Ðất, há phải đời sau kịp được đâu" ...

3. Ngày nay, khoan dung là một vấn đề mang tính thời sự toàn cầu. Nó được đặt ra trong bối cảnh tính đa dạng ở từng quốc gia và trên toàn thế giới đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi các quan điểm chính trị, tôn giáo cực đoan, hẹp hòi. Thực tế cho thấy, việc mù quáng từ chối hay triệt tiêu tính đa dạng chỉ càng làm cho các xã hội trở nên đơn điệu hơn, cạn kiệt hơn, bất ổn hơn và bần cùng hơn.

Bởi vậy, vì  hòa bình, hạnh phúc và tự do của con người, khoan dung trở thành một cam kết quốc tế. Ngày 16-11-1995, tại hội nghị toàn thể lần thứ 28, UNESCO đã khởi xướng Ngày Khoan dung Quốc tế với chữ ký đồng thuận của 185 nước thành viên. Hội nghị cũng thông qua bản Tuyên bố về các nguyên tắc khoan dung.

Trong bản Tuyên bố, khoan dung được định nghĩa là “tôn trọng, chấp nhận và cảm thông đối với tính đa dạng của các nền văn hóa trên thế giới, các hình thức biểu hiện và các cách thức tồn tại của con người. Lòng khoan dung được nuôi dưỡng bởi kiến thức, sự cởi mở, sự giao tiếp, sự tự do tư tưởng, khả năng nhận thức và đức tin. Khoan dung là hài hòa trong khác biệt. Khoan dung vừa là một bổn phận đạo đức, vừa là một đòi hỏi pháp lý và chính trị” .

Rõ ràng, định nghĩa của UNESCO hàm chứa một ý niệm mới mẻ về lòng khoan dung. Theo UNESCO, khoan dung không chỉ là một lối hành xử có văn hóa giữa các cá nhân trong một cộng đồng, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác. Quan trọng hơn, khoan dung còn là một nghĩa vụ chính trị mà tất cả các nhà nước đều phải có trách nhiệm thực hiện.

Từ góc độ nhà nước, khoan dung có nghĩa là xây dựng một không gian pháp lý dân chủ và nghiêm cẩn, công khai và minh bạch nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể khác nhau cùng bình đẳng tham gia vào quá trình kiến tạo xã hội, cùng tiếp cận các cơ hội phát triển và cùng thụ hưởng các giá trị văn hóa. Trong môi trường chính trị khoan dung, mọi người dân đều được công khai, bình đẳng bày tỏ ý kiến của mình về các sự vụ công cộng của xã hội.

Ở đó, không một quyết định lớn nào được đưa ra mà không trải qua một quá trình tham vấn, đối thoại giữa nhà nước với người dân nhằm lựa chọn các phương án chính sách khả thi nhất. Nhờ vậy, con người có điều kiện vượt ra khỏi kiếp sống luẩn quẩn với những nhu cầu, những mối bận tâm vụn vặt, tầm thường để tồn tại trong tâm thế năng động, tự chủ của một người công dân hiện đại.

4. Sau gần 30 năm Đổi mới đất nước, Việt Nam đã giành được một số thành tựu trong phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Nhưng Việt Nam vẫn đang thiếu rất nhiều điều kiện để trở thành một quốc gia phồn thịnh, văn minh. Trong bối cảnh hiện tại, công cuộc chấn hưng đất nước không thể tách rời triết lí khoan dung. Có thể nói rằng, đất nước đang cần sự khoan dung hơn bao giờ hết.

Chỉ trong tinh thần khoan dung, chúng ta mới có thể khơi dậy, phát triển, chuyển hóa tính đa dạng của thực tế xã hội thành các nguồn lực dồi dào cho đất nước. Chỉ trong tinh thần khoan dung, chúng ta mới có thể hình thành một khuôn mẫu ứng xử mới mẻ, văn minh: Không lựa chọn ứng xử thô bạo, mà lựa chọn phương thức đối thoại bình đẳng, cởi mở để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Lịch sử Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới đương đại càng chứng tỏ rằng, lựa chọn triết lí khoan dung là lựa chọn cấp bách và tất yếu của dân tộc Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Hoàng Giang
(Tuần Việt Nam)

Không có tù nhân chính trị được đặc xá 2/9 năm nay?


Chưa thấy dấu hiệu có tù nhân chính trị nào được thả trong đợt đặc xá 2/9 năm nay, một trong những dịp phóng thích tù nhân lớn nhất đánh dấu Lễ Độc lập của Việt Nam.

Mọi năm, trước ngày 2/9, truyền thông nhà nước thường công bố tổng số tù nhân được Chủ tịch nước ký lệnh ân xá.

Tuy nhiên năm nay, dù đã qua Ngày Quốc Khánh lần thứ 69, nhưng nhà nước vẫn chưa loan báo số liệu chính thức về những người được phóng thích trên cả nước, chỉ thấy ghi nhận lác đác thống kê ở vài tỉnh-thành.

Tới nay, hy vọng về việc có tù nhân lương tâm được thả dịp này dường như phi thực tế dù gần đây xuất hiện nhiều đồn đoán rằng một trong những nhân vật bất đồng chính kiến được nhiều người biết đến, blogger Điếu Cày, có thể được trả tự do trước thời hạn giữa bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực điều đình để gia nhập Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP do Mỹ dẫn đầu và kêu gọi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận võ khí sát thương.

Nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Việt Nam, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, người được vinh danh Giải thưởng Nhân quyền Robert F. Kennedy 1995 từng bị Hà Nội tuyên án tù 20 năm vì các hoạt động cổ xúy dân chủ, cho rằng sở dĩ chưa có tù nhân chính trị được phóng thích trong đợt ân xá 2/9 lần này là do Việt Nam chưa đạt được những điều mong muốn trong các cuộc thương lượng TPP:

“TPP tới nay vẫn chưa hoàn tất các cuộc đàm phán và có nhiều điều kiện Việt Nam chưa đạt được. Đấy là lý do chính vì sao đợt 2/9 này chưa có tù nhân lương tâm nào quan trọng được nhắc đến là thả và cũng không có một công bố gì.”

Hà Nội trước nay vốn bị chỉ trích về việc dùng tù nhân lương tâm để mặc cả, đổi chác quyền lợi trong các cuộc thương lượng gia nhập sân chơi quốc tế. Giáo sư Hoạt, người được phóng thích dịp 2/9/1998, lên án việc này:

“Năm 1998 nhà nước có đợt đặc xá đặc biệt cho 8 tù nhân lương tâm được quốc tế quan tâm. Đó là đợt đầu tiên thả tù nhân lương tâm đông như vậy vì lúc đo quan trọng nhất là có thể nối lại được quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Việt Nam đáp ứng áp lực của Hoa Kỳ, thả 8 tù nhân lương tâm trong đó có tôi, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, và Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Từ đợt đó tới nay, nhà nước Việt Nam vẫn luôn luôn sử dụng tù nhân lương tâm, những người được thế giới quan tâm, để trao đổi trong các quan hệ quốc tế. Chúng tôi hết sức phản đối hình thức coi tù nhân lương tâm là con tin để trao đổi.”
Nhà hoạt động dân chủ Đoàn Viết Hoạt chia sẻ thêm về những trải nghiệm của bản thân trong lần được phóng thích cách đây đúng 14 năm:
Giáo sư Ðoàn Viết Hoạt.
Giáo sư Ðoàn Viết Hoạt.
 “Khoảng 6 tháng trước đợt thả, một phái đoàn đến làm việc với tôi nhiều lần. Lần nào họ cũng yêu cầu tôi phải làm đơn xin đặc xá vì lý do sức khỏe trong đợt 2/9. Tôi hoàn toàn bác bỏ việc làm đó. Tôi nói tôi hoàn toàn không có tội, nhà nước bắt giữ tôi là vi phạm nhân quyền và các Công ước quốc tế về nhân quyền. Cho nên, tôi không có lý do gì để làm đơn xin đặc xá. Đến lần thứ 3, họ nói tôi không làm đơn xin đặc xá thì họ không thể thả tôi trong nước, tôi phải xuất ngoại. Họ nói sẽ để tôi đi Mỹ để đoàn tụ với gia đình tôi. Tôi cũng từ chối. Tôi nói nếu tôi muốn đi Mỹ, tôi có thể đi từ lâu rồi, không phải đợi đến lúc đó. Tôi nhất định cũng không chấp nhận yêu cầu đó. Sau đó, họ có cho nhà tôi từ Mỹ về, với điều kiện vào trại giam gặp tôi. Khi nhà tôi về đến Hà Nội, họ đưa thẳng vào trại giam ở Thanh Hóa, gặp tôi. Nhà tôi đã yêu cầu tôi xuất ngoại đoàn tụ với gia đình. Tôi chấp nhận đề nghị của gia đình. Trên Bộ họ lại xuống bắt tôi làm đơn để họ có thể làm thủ tục xuất ngoại. Tôi làm Đơn xin xuất ngoại để chữa bệnh. Họ bắt tôi phải đề là Đơn xin đặc xá để xuất ngoại chữa bệnh. Tôi lại gạch đi và viết lại Đơn xin xuất ngoại để chữa bệnh. Như vậy đến 3 lần. Lần thứ ba, tôi bảo ‘Đây là lần cuối cùng tôi làm đơn. Nếu quý vị không chấp nhận, tùy quý vị quyết định.’ Cuối cùng, họ đưa tôi về trại tạm giam Thanh Liệt ở Hà Nội. Sau đó 3 ngày, họ thả tôi. Tôi ra khỏi nước ngày 1/9/1998.”

Blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) đang thọ án 12 năm tù về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ trại giam số 6, Thanh Chương (Nghệ An) cũng được yêu cầu tương tự như trường hợp của ông Hoạt 14 năm trước.

Hôm 28/8, ông thông báo với gia đình đã từ chối đề nghị của trại giam yêu cầu ông viết đơn xin tha tù trước thời hạn.

Bà Dương Thị Tân, vợ blogger Điếu Cày, cho biết:

“Ông từ chối vì ông không phải là người vi phạm pháp luật. Ông nói ông không có tội và ông không xin tha. Nếu có phải làm đơn, ông sẽ làm Đơn yêu cầu thả tù, vì ông vô tội. Sau đó, họ có đưa một đơn khác với nội dung, như ông nói nhưng phải thêm 3 chữ ‘Xin tha tù,’ nhưng ông không làm.”
Bà Tân khẳng định gia đình và bản thân blogger Điếu Cày không kỳ vọng ông sẽ được phóng thích trước thời hạn vì tinh thần đấu tranh và thái độ cương quyết của ngòi bút chống tham nhũng và phản đối Trung Quốc xâm lược chủ quyền Việt Nam, không chấp nhận yêu cầu của nhà cầm quyền về việc ‘nhận tội’ và ‘xin khoan hồng.’

“Rất nhiều hy vọng mọi người nói tới dựa vào diễn biến gần đây về tình hình Việt Nam và thế giới. Mọi người đặt nhiều hy vọng, nhưng gia đình chúng tôi khẳng định chúng tôi không hề tin tưởng vào bất kỳ sự hứa hẹn nào từ phía họ. Họ đã từng hứa hẹn với rất nhiều người. Họ cũng có thể đưa ra yêu sách để gia đình động viên, khuyên nhủ để những tù nhân lương tâm ký vào yêu cầu của họ. Nhưng gia đình tôi, ngay từ ông Hải, không đặt niềm tin gì vào những chuyện họ hứa hẹn hay dụ dỗ.”

 Dịp 2/9 năm nay cũng gợi nhớ tới Yêu sách 8 điểm do ông Nguyễn Tất Thành và những người trong Hội An Nam Yêu nước đưa ra năm 1919, yêu cầu chính quyền thực dân Pháp thời bấy giờ phải tôn trọng các quyền căn bản của người dân An Nam bản xứ, mà điều đầu tiên trong Yêu sách 8 điểm đó chính là phóng thích tù nhân chính trị.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt nhận xét:

“Chế độ hiện nay còn tồi tệ hơn cả thời Pháp thuộc. Họ là thực dân đến để chiếm đóng đất nước chúng ta, họ đàn áp nhân dân chúng ta là dĩ nhiên. Thế nhưng, chế độ hiện nay do người Việt Nam lãnh đạo và cai trị nhưng cũng đàn áp nhân dân. Tất cả các quyền tự do đáng lẽ nhân dân phải có đều không có, cụ thể nhất là tự do báo chí. Thời Pháp thuộc ở Nam kỳ còn được hưởng quyền tự do báo chí và có báo chí tư nhân như có tờ Gia Định báo, có quyền tự do lập đảng chính trị nữa như Đảng Lập hiến của ông Bùi Quang Chiêu chẳng hạn. Rõ ràng hiện nay chúng ta không có được không khí như vậy. Mọi người thấy chế độ hiện nay trong thực tế đã tước đoạt của nhân dân các quyền tự do căn bản nhất, từ tự do lập hội, đến tự do báo chí, tự do phát biểu ý kiến bất đồng với nhà cầm quyền. Một chính quyền trong thế kỷ 21 này vẫn còn dùng những tiểu xảo trong việc đối xử với nhân dân và vẫn không dám chấp nhận những tiếng nói đối lập, dù đó là tiếng nói của những trí thức ôn hòa, hoàn toàn không có võ khí gì có thể lật đổ được chính quyền cả, đến như vậy thì làm sao đưa được đất nước tiến lên được. Họ đặt đảng cộng sản độc quyền cai trị lên trên tất cả mọi sự tự do của người dân cũng như sự phát triển của đất nước.”

Việt Nam thường bị các chính phủ Tây phương và các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới lên án về thái độ không dung chấp những tiếng nói bất đồng chỉ trích nhà nước và việc đàn áp có hệ thống các nhân quyền căn bản của công dân.

Trong số các nhân vật bất đồng chính kiến bị giam tù trong những năm gần đây vì điều mà Hà Nội cáo buộc là ‘chống phá nhà nước’ có hàng chục nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các blogger..
Trà My
(VOA)

Trung Quốc tuyên bố không theo đuổi bá quyền trong khu vực

Ông Vương Gia Thụy, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Trung Quốc
Ông Vương Gia Thụy, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Trung Quốc
Một quan chức cấp cao Trung Quốc hôm thứ Tư (3 tháng 9) cảnh báo các nước láng giềng châu Á chớ ngả theo một "đại cường" để tìm cách làm đối trọng với Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp lãnh hải cao của họ, một cảnh báo dường như nhắm vào Mỹ.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời ông Vương Gia Thụy, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Trung Quốc, nói rằng nước ông sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ bất kể Trung Quốc sẽ hùng mạnh ra sao.

Phát biểu tại một diễn đàn của Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh, ông Vương nói mối lo ngại của các nước láng giềng về sự gia tăng sức mạnh quân sự và chính trị của Trung Quốc trong khu vực là “hoàn toàn không có cơ sở.”

Ông Vương nói việc Trung Quốc trở nên hùng mạnh không nhất thiết là sẽ mang tới vấn đề cho những nước láng giềng.

Trung Quốc gần đây đã trở nên quyết đoán hơn trong việc đòi chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông Trung Hoa và Biển Đông.

Mấy tháng trước, căng thẳng bùng lên giữa Việt Nam và Trung Quốc khi Bắc Kinh hạ đặt một giàn khoan dầu trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Dẫn ra chuyến thăm của đặc sứ Việt Nam Lê Hồng Anh đến Bắc Kinh để cải thiện quan hệ sau vụ căng thẳng, ông Vương nói rằng Trung Quốc và các nước láng giềng "có thể giải quyết xung đột thông qua các cuộc họp cấp cao và tham vấn hòa bình.”

Tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh bị Washington, Seoul và Tokyo phản đối mạnh mẽ sau khi đơn phương tuyên bố một khu vực nhận dạng phòng không trên biển Đông Trung Hoa.
Nguồn: Yonhap/Global Post
(VOA)

Hội Nhà báo Độc lập: Chưa có gì gọi là “tan rã”

1. Thật rõ là một số trong giới dư luận viên - những người thiếu thực tâm và cũng chẳng mấy quan tâm đến tố chất trung thực khi thông tin - rất đắm đuối về điều mà họ gọi “cuộc tranh giành quyền lực”, hoặc “tranh chấp quyền lợi”, hay vì lý do ‘đấu đá nội bộ” liên quan đến Thông báo số 5 của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (Hội NBĐLVN) về FB VNTB và cá nhân ông Ngô Nhật Đăng - xảy ra vào đúng ngày 2/9 kỷ niệm lễ quốc khánh và gần tròn hai tháng trải nghiệm của Hội NBĐLVN.
Chỉ trước đó một tuần, báo Quân Đội Nhân Dân đã gián tiếp đòi hỏi Hội NBĐLVN phải “tự giải tán” qua bài “Những âm mưu đen tối núp bóng “tự do báo chí””, phỏng vấn Thiếu tướng công an Lê Đình Luyện, Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ. Mặc dù toàn bài phỏng vấn khá dài này không một lần đề cập trực tiếp đến tên Hội NBĐLVN hay một nhân sự nào của tổ chức dân sự này, nhưng bối cảnh, ngữ cảnh, từ ngữ và cách thức đặt vấn đề đều cho thấy Hội NBĐLVN đang là một cái tên có vẻ khó được Đảng và chính quyền “khoan dung” về sự ra đời không xin phép của nó.
Theo lẽ đó, gần 50 bài trên các trang dư luận viên và một số ít báo nhà nước như Petrotimes, Nhà báo và Công luận, Lâm Đồng, Biên Phòng đã được “cấp phép” để công kích tối đa Hội NBĐLVN, trong đó không hề kiêng dè thủ pháp quy chụp, vu khống về quan điểm chính trị, kể cả đào bới chuyện riêng tư và xúc phạm cá nhân một số thành viên trong Hội NBĐLVN.
2. Nhưng tạm gác lại mọi lời quy chụp một chiều truyền thống, chi tiết đáng bàn hơn cả là bài phỏng vấn ông Lê Đình Luyện đã lần đầu tiên đề cập đến giải pháp “đối thoại”, gián tiếp với Hội NBĐLVN. Có thể xem hành động này, dù chưa biết có xảy ra hay không, diễn ra dưới hình thức “gọi hỏi” hay cởi mở hơn, nhưng đã chưa từng được nêu ra trước đây đối với các tổ chức hội đoàn dân sự độc lập.
Sắc thái “đối thoại” trên, dù mới nhen nhóm, song cũng phác ra một bức tranh không đến nỗi quá tăm tối: về thực chất, từ cuối năm 2013 và cùng với sự kiện Nhà nước Việt Nam được tham gia vào Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, để sau đó là chuyến công du Hà Nội của ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, chính thể Việt Nam đã dần phải chấp nhận sự tồn tại của Xã hội dân sự như “một trong những điểm thú vị nhất trong mối quan hệ giữa hai quốc gia” - lời lẽ tràn cảm xúc của bà Wendy Sherman, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách chính trị, tại Hà Nội vào tháng 3/2014.
Cơ hội “đối thoại”, dù chưa biết dưới hình thức nào, đã hé mở giữa Hội NBĐLVN nói riêng, các tổ chức dân sự độc lập nói chung với chính thể đương nhiệm.
Cơ hội đó cũng mặc nhiên dần phủ nhận các thủ thuật và thủ đoạn “tuyên truyền xám” và ‘tuyên truyền đen” của một số dư luận viên về Hội NBĐLVN và những thành viên của tổ chức dân sự này.
Và hẳn nhiên, cơ hội đó là triển vọng đáng bàn hơn nhiều so với những hiểu lầm còn lại của vài ba hội viên Hội NBĐLVN hay một số người quan tân đến Hội, liên quan vụ việc Thông báo số 5 vừa qua.



3. Tính chính nghĩa, tiếng nói phản ánh quyền lợi và quyền lực nhân dân sẽ chứng minh sự tồn tại dai dẳng của Hội NBĐLVN là làm dấu chấm hết cho niềm hy vọng sẽ làm cho hội này phải “tự giải tán”, hoặc ít nhất cũng làm suy yếu nội bộ Hội trong thoáng chốc.
Đã và sẽ chẳng có sự tan rã nào cả - Thời gian là nhân chứng trung thực nhất cho dự báo này. Chẳng thể có bất cứ hậu quả dư luận nào xảy ra với Hội NBĐLVN bởi tính trong sáng còn gìn giữ cho đến bây giờ của nó. Và vì chẳng thể có một cuộc tranh giành quyền lực hay tiền bạc nào trong Hội, mấu chốt còn lại chỉ là yêu cầu tuân thủ nguyên tắc làm việc mà bất cứ tổ chức nào, dù nhà nước hay hội đoàn dân sự, cũng phải duy trì và tuân theo.
Song vẫn còn một thực tồn đáng xấu hổ cần trung thực thừa nhận: một trong những điểm yếu nan giải nhất của Xã hội dân sự còn nguyên vẹn manh nha ở Việt Nam là công tác tổ chức và những thiết chế khá lỏng lẻo của nó. Một người đấu tranh dân chủ không phải lên đường chỉ với hành trang tâm nguyện tranh đấu, mà còn phải dần được trang bị kiến thức tổng hợp, trong đó có những nguyên tắc hành chính trong tổ chức.
Điểm yếu trên càng có cơ hội lộ rõ khi những tổ chức dân sự phải hình thành trong không chỉ không khí áp chế của chính quyền, mà bởi chính yêu cầu đa nguyên của chính họ. Một khi chưa được trang bị đầy đủ về nguyên tắc tổ chức và nguyên tắc làm việc, lại chưa có đủ ý thức tuân thủ các nguyên tắc ấy, nhiều thành viên của tổ chức dân sự sẽ dễ dàng va chạm, xung đột với nhau bởi các luồng quan điểm khác biệt, dẫn đến kết quả là họ chia tay nhau dễ dàng không kém lúc đầu vồ vập.
Sự việc không mong muốn xảy ra ở Facebook Việt Nam Thời Báo - trang báo đã từng là một sản phẩm của Hội NBĐLVN - là một minh họa điển hình. Thái độ rất thiếu tôn trọng của người được phân công điều hành trang FB này đối với người phụ trách trực tiếp trang FB và cả với ban lãnh đạo Hội NBĐLVN nói chung đã dẫn đến tình trạng như dân gian thường đúc kết: trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.
Nhưng nếu chỉ như vậy, hậu quả vẫn chưa quá nghiêm trọng. Tương lai đáng sợ hơn là thái độ và phong cách điều hành bất chấp điều lệ hoạt động của Hội có thể khiến nảy sinh những mâu thuẫn đủ lớn mà hoàn toàn có thể dẫn đến hậu quả suy yếu cơ thể Hội và để “người ngoài” lợi dụng gây chia rẽ, làm nảy sinh nguy cơ mất an toàn cho toàn thể hội viên.
Hẳn đó phải là bài học đầu lòng của mọi tổ chức dân sự trong thời buổi khai sinh xã hội dân sự ở Việt Nam. Nếu nhược điểm chết người này không được cải thiện một cách đáng kể, nhiều tổ chức dân sự, trong đó có Hội NBĐLVN, sẽ rơi vào tâm thế “không đánh mà tan”.
Đó chính là nguyên do sâu xa và đủ nghiêm túc mà sau một số lần cố gắng thuyết phục nhưng không thành công, cũng không còn hy vọng thu hồi FB VNTB từ ông Ngô Nhật Đăng, ban lãnh đạo Hội NBĐLVN với thành phần chủ chốt là các nhà báo Bùi Minh Quốc, Nguyễn Tường Thụy, Lê Ngọc Thanh và Phạm Chí Dũng đã phải họp bất thường, sau đó lấy ý kiến thống nhất đa số để buộc phải thông báo công khai về những vi phạm có hệ thống của ông Ngô Nhật Đăng về việc để trang FB VNTB thể hiện quan điểm trái với Điều lệ Hội, gây chia rẽ nội bộ và làm suy yếu tính đoàn kết trong Hội, đồng thời không còn chấp nhận trang FB này thuộc về Hội nữa.
Vấn đề tư cách hội viên của ông Ngô Nhật Đăng sẽ được toàn thể hội viên Hội NBĐLVN đưa ra xem xét trong một cuộc họp gần nhất, nếu hoạt động sinh hoạt công khai của tổ chức hội đoàn này không bị cấm cản từ phía chính quyền theo tư duy "Xã hội dân sự là thủ đoạn của diễn biến hòa bình".
4. Hôm nay, tròn hai tháng ngày thành lập Hội NBĐLVN, điều có thể đáng an tâm là vẫn chưa một thành viên nào của hội này bị bắt bớ như phần đông dư luận thường lo ngại.
Hoặc không thể bị bắt.
Thậm chí, số lượng hội viên của Hội còn vượt gấp hơn hai lần so với nhân số ban đầu.
Hoàn toàn phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước Việt Nam ký kết năm 1982, không hề vi phạm Hiến pháp Việt Nam, Hội NBĐLVN cần được xem là tổ chức hợp pháp và có thể “đối thoại” với các cấp chính quyền về những chính sách và cách thức quản lý xã hội bất cập, bất công, bảo vệ quyền lợi người dân và đặc biệt là bảo vệ những nạn nhân đất đai, môi trường, lao động…
Chưa có gì đáng gọi là “tự tan rã”.
Mọi chuyện vẫn phát triển bình thường với mức cẩn trọng cần thiết. Ngay cả điều mà một số dư luận dị nghị về tính chất “ô hợp” của Hội NBĐLVN thật ra cũng không đáng phải quá lo ngại: không nằm ngoài quy luật hình thành, vận động và phát triển của nhiều thế hệ hội đoàn dân sự, Hội NBĐLVN cần giai đoạn khởi đầu “ma sát thô” để sau đó mới tiến đến thời kỳ vận hành suôn sẻ.
Khác hẳn với tư thế những cá nhân “tự do tuyệt đối” trước đây, tất cả chúng ta đều cần học để biết cách cùng làm việc trong một tổ chức, vì lý tưởng và mục đích chung.
Những ai chỉ biết chăm sóc cái tôi của mình, không tự biết cách hòa mình vào tập thể Hội, không muốn đặt cái chung trên cái riêng, không tự ý thức về nỗi an nguy của các đồng sự…, sẽ khó lòng tiếp tục đứng chân trong tổ chức của các nhà báo độc lập.
Hãy nhìn vào kinh nghiệm của các tổ chức dân sự ở Miến Điện: chỉ trong 3 năm, họ đã đủ sức tập hợp và tác động đến chính quyền. Thậm chí vào năm 2014, họ còn thành công trong việc đòi hỏi chính quyền phải chấm dứt một dự án xây dựng đường sắt có giá trị đến vài tỷ đô la của Trung Quốc vì dự án này gây ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường và dân sinh.
Nếu không ý thức tuân thủ những nguyên tắc tối thiểu trong tổ chức, đến bao giờ Xã hội dân sự Việt Nam mới tiếp bước người dân Miến Điện?
Phạm Chí Dũng
(Việt nam Thời báo)

Bùi Minh Quốc - Về danh xưng “nhà dân chủ”

(VNTB) - Những năm gần đây, ở ta xuất hiện nhiều người được gọi (hoặc gọi lẫn nhau) là nhà dân chủ.Thật mừng.Lại xuất hiện nhiều tổ chức với thành viên là hàng chục, hàng trăm nhà dân chủ, với cả cơ quan ngôn luận công khai trên thế giới ảo internet hoặc photo truyền tay. So với cái thời một ai đó chỉ mới cất lên một tiếng nói độc lập, cầm trong tay bản photo một tài liệu về dân chủ để nghiên cứu là lập tức bị làm khó dễ, bị sách nhiễu, thậm chí bị quản chế, bị tù đày, thì quả là cuộc đấu tranh cho dân chủ đã ở một vị thế khác trước nhiều.
Tuy nhiên, mừng mà cũng lo.
Lo chút xíu thôi.
Chút xíu lo này là ở cái chữ nhà.

Bởi khi nói đến nhà dân chủ, mọi người thường hình dung đó là những con người có tầm trí tuệ chiến lược và nhân cách đáng tin cậy trong sự nghiệp dân chủ hóa đất nước. Mà với kiểu nêu danh xưng dễ dãi đậm màu trình diễn như thế, e rằng lại góp phần làm tăng thêm tình trạng nhiễu loạn các giá trị vốn đã quá nhiễu loạn trong xã hội Việt Nam ta hiện nay.
Từ một người dám nói tiếng nói phản kháng trước áp bức bất công đến một nhà dân chủ, khoảng cách là khá xa, rất xa.
Thiết nghĩ nên gọi một cách giản dị các “nhà” ấy là các chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ, gọi tắt là chiến sĩ dân chủ.
Vâng, chỉ là một chiến sĩ dân chủ thôi, bình dị mà vinh hạnh, nhưng để xứng đáng với cái danh xưng vinh hạnh ấy cũng không phải dễ.
Vậy một chiến sĩ dân chủ cần phải có những phẩm chất gì?
Xin mạo muội nêu ra mấy điểm sau đây để được cùng trao đổi ý kiến rộng rãi :
Một là phải có cái tâm trong sáng, hoàn toàn thật lòng vì dân vì nước, vì tự do dân chủ, không vương bợn mảy may mưu tính cá nhân. Điểm này cực kỳ quan trọng, cần nêu lên hàng đầu, bởi vì khi dân chủ ngày càng trở thành nhu cầu bức thiết hàng ngày của toàn dân, khi cuộc đấu tranh cho dân chủ càng phát triển, và thế lực độc tài toàn trị càng rệu rã thì tất yếu sẽ xuất hiện cũng ngày càng nhiều những phần tử cơ hội dân chủ lợi dụng cuộc đấu tranh để kiếm chác. Do vậy, mỗi chiến sĩ dân chủ khi đã xuất hiện công khai cần phải minh bạch ngay về nhân thân, minh bạch và nhất quán trong lời nói và việc làm. Tất nhiên khi tự giới thiệu tiểu sử cá nhân mà lại tự tô hồng hoặc tô hồng lẫn nhau thì sẽ nhận lấy hiệu quả ngược (như đã thấy ở nhiều trường hợp).
Hai là, phải có ý chí kiên cường, kiên định đón nhận, chịu đựng và vượt qua một cách dũng cảm và khôn ngoan những thử thách thế nào cũng xảy đến với nhiều cung bậc, nhiều kiểu cách, không chỉ một vài lần, một vài tháng, một vài năm, mà sẽ rất dai dẳng trong cuộc đấu tranh lâu dài này. Nếu có lúc nào đó lỡ gục ngã trước thử thách, thì dù không ai biết, cũng không giấu diếm mà phải thành khẩn với các chí hữu thân thiết về sự “trót dại” của mình để cùng bàn nhau tìm cách vượt qua.
Ba là, mỗi lời nói và việc làm đều cần nhắm đến tính khả thi, tính hiệu quả trong thực tiễn xã hội chính trị kinh tế văn hoá Việt Nam hiện nay, tuyệt đối tránh xa lối “trình diễn dân chủ”, đồng thời phải luôn nhớ rằng còn có biết bao chiến sĩ dân chủ thầm lặng đang kiên trì vận đông quần chúng, thức tỉnh quần chúng từng ngày từng giờ, hướng dẫn quần chúng những phương pháp đấu tranh linh hoạt, sinh động nhằm đạt tới hiệu quả cao nhất với tổn thất ít nhất, và cũng nên nhớ rằng những chiến sĩ dân chủ thầm lặng ấy có mặt ngay cả trong chốn quan trường, họ âm thầm chịu nhục ở cái chốn tởm lợm đó để chiến đấu.
Tính khả thi, tính hiệu quả là tối quan trọng đối với một phương án ; nếu không ý thức nghiêm cẩn được điều này mà cứ tha hồ ngồi nghĩ ra, tạo ra những việc làm rất “giật gân” nổi đình nổi đám nhưng không thực chất, thì không chừng sẽ chuốc lấy hiệu quả ngược. Không rút kinh nghiệm mà cứ tự bỏ qua sai lầm, không dám công khai tự nhận sai, không chịu kiên nhẫn tìm hiểu và phân tích thực tiễn một cách tỉnh táo khách quan mà lại tiếp tục nghĩ ra những “sáng kiến” ảo tưởng khác thì cuối cùng sẽ làm cho quần chúng thấy nhàm chán, mất lòng tin vào lực lượng dân chủ.
Xem vậy thì muốn làm một chiến sĩ dân chủ chân chính thật không dễ, nói chi đến nhà nọ nhà kia ?
Mấy điều lo lắng nhỏ bé xin được thành tâm bộc bạch.
Bùi Minh Quốc
(Việt nam Thời báo)

Ls. Trần Thu Nam: Phiên xử bà Bùi Hằng sai phạm nghiêm trọng Luật tố tụng hình sự

VRNs (02.09.2014) – Sài Gòn – “Trong phần đối đáp, các Luật sư (Ls) đưa ra nhiều chứng cứ cho thấy, Hồ sơ trong vụ việc này có dấu hiệu sai lệch Hồ sơ, như sự sắp đặt các lời khai của các nhân chứng mà là công an, công an giao thông; Cơ quan điều tra có dấu hiệu sắp đặt Hồ sơ, chế biến Hồ sơ mang tính chất bất lợi cho các bị cáo; Sai phạm rất nhiều trong thủ tục tiến hành tố tụng như không triệu tập người làm chứng, không đối chất, không làm rõ các tình tiết mà bị cáo khai ra, ví dụ như khai ra những người đánh đập các bị cáo tại hiện trường ngày 11.02; Sự việc tố cáo cơ quan điều tra đánh đập, ép cung. Có những chứng cứ rõ ràng. Rồi bà Bùi Thị Minh Hằng tố cáo các cơ quan điều tra của huyện Lấp Vò có hành vi đánh bà trong hiện trường ngày 11.02. Bà làm nhiều đơn tố cáo khiếu nại và cho đến khi phiên tòa diễn ra, chưa có sự trả lời của một cơ quan tiến hành tố tụng nào. Như vậy đã vi phạm nghiêm trọng [Luật tiến hành tố tụng].” Ls Trần Thu Nam, một trong những Ls bào chữa cho bà Bùi Hằng, nhận định về vụ án bà Bùi Hằng, cô Thúy Quỳnh và ông Văn Minh.

Sau đây xin mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn giữa phóng viên VRNs với Ls Trần Thu Nam.

Huyền Trang, VRNs:Thưa Ls, ông có thể chia sẻ cho mọi người được biết diễn tiến của phiên tòa bà Bùi Hằng, cô Thúy Quỳnh và ông Văn Minh như thế nào ạ?
clip_image001

Ls Trần Thu Nam: Phiên tòa ngày 26.08 là một phiên tòa có nhiều cảm xúc. Thứ nhất, phiên tòa mang một cái riêng biệt, nó không giống như các phiên tòa bình thường, tuy rằng tội danh xét xử các bị cáo không liên quan đến tội an ninh chính trị. Thế nhưng điều đầu tiên việc an ninh được thắt chặt, tất cả những người không được phép thì không được vào phiên tòa. Trong 3 bị cáo chỉ có 2 bị cáo là anh Văn Minh và chị Thúy Quỳnh có người nhà. Anh Minh có vợ [bà Diễm Thúy] đồng thời là người làm chứng có mặt trong phiên tòa. Mẹ của chị Thúy Quỳnh được vào tham dự. Còn con của chị Bùi Hằng không được vào tham dự phiên tòa. Điều thứ hai, các Ls không được mang máy tính vào trong phiên tòa. Tất cả việc đi ra đi vào phiên tòa được giám sát kỹ lưỡng, Ls phải đi qua cổng từ để kiểm tra xem có thẻ kim loại, máy ghi âm, hay ghi hình gì hay không. Tôi thấy phiên tòa này không bình thường ở chỗ là việc an ninh bị giám sát rất chặt chẽ.

Thứ hai, khi khai mạc phiên tòa, thiếu nhiều nhân chứng – biết rõ sự việc và đi cùng với các bị cáo hôm xảy ra sự việc vào ngày 11.02 – nhưng đã vắng mặt. Tôi không hiểu lý do vì sao họ lại vắng mặt. Một số nhân chứng là anh Huỳnh Anh Tú và anh Phạm Nhật Thịnh có đi cùng với các Ls, nhưng sau đó chỉ có anh Thịnh được vào còn anh Tú không được, dù rằng các Ls đã kiến nghị Hội Đồng Xét Xử (HĐXX) cho anh Tú vào nhưng kiến nghị đó không được xem xét. Sau khi các luật sư thấy vắng mặt nhiều nhân chứng, sẽ không đảm bảo khách quan, các Ls đã kiến nghị hoãn phiên tòa để mời các nhân chứng vào, thì HĐXX hội ý trong vòng 10 phút nhưng HĐXX quyết định tiếp tục phiên tòa chứ không hoãn phiên tòa. Đây là điểm đặc thù, chúng tôi có thể thấy rằng, phiên tòa sẽ không được đảm bảo khách quan.

Thứ ba, ngay khi bị cáo Bùi Thị Minh Hằng vừa xuống xe, bà có những thái độ điềm đạm, chững chạc và tươi cười. Khi bị cáo Bùi Hằng đi vào bên trong phiên tòa, có hát một bài hát liên quan đến một người mẹ, một người phụ nữ nhưng tôi lại không nhớ rõ nội dung lắm. Sau khi kết thúc phiên tòa, bà cũng không có phản ứng tiêu cực như la hét, chửi bới nhưng bà luôn nở một nụ cười trên môi. Bà Bùi Hằng tuyên bố sẽ tiếp tục kháng cáo, tiếp tục tuyệt thực để phản đối bản án [bất công] của tòa án tỉnh Đồng Tháp. Khi bà từ vòng mánh ngựa [đi ra] xe tù thì bà lại tiếp tục hát một bài hát. Đó là những cảm xúc mà Ls cảm thấy không gặp được bất kỳ trong một phiên tòa nào.

Huyền Trang, VRNs:Thưa Ls, xin Ls có thể chia sẻ phần diễn biến nội dung của phiên tòa ra sao ạ?

Ls Trần Thu Nam: Sau khi kết thúc phần xét hỏi, bắt đầu nổ ra những sự việc mà Hồ sơ chưa được đề cập đến, như có nhân chứng nói, công an không mặc sắc phục [có hành vi] giựt đồ, xét đồ của bị cáo Hằng. Một nhân chứng đã trả lời như vậy sau khi Ls hỏi.

Trong phần đối đáp, các Ls đưa ra nhiều chứng cứ cho thấy, Hồ sơ trong vụ việc này có dấu hiệu sai lệch Hồ sơ, như sự sắp đặt các lời khai của các nhân chứng mà là công an, công an giao thông; Cơ quan điều tra có dấu hiệu sắp đặt Hồ sơ, chế biến Hồ sơ mang tính chất bất lợi cho các bị cáo; Sai phạm rất nhiều trong thủ tục tiến hành tố tụng như không triệu tập người làm chứng, không đối chất, không làm rõ các tình tiết mà bị cáo khai ra, ví dụ như khai ra những người đánh đập các bị cáo tại hiện trường ngày 11.02; Sự việc tố cáo cơ quan điều tra đánh đập, ép cung. Có những chứng cứ rõ ràng. Rồi bà Bùi Thị Minh Hằng tố cáo các cơ quan điều tra của huyện Lấp Vò có hành vi đánh bà trong hiện trường ngày 11.02. Bà làm nhiều đơn tố cáo khiếu nại và cho đến khi phiên tòa diễn ra mà vẫn chưa có sự trả lời của một cơ quan tiến hành tố tụng nào. Như vậy đã vi phạm nghiêm trọng [Luật tiến hành tố tụng].

Thứ hai, các Ls đã kiến nghị phải xem xét các vi phạm tố tụng của các cơ quan điều tra trong quá trình bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, và nhờ người khác bào chữa cho bị can bị cáo, cũng như quyền thực hiện của các Ls không được đảm bảo bởi vì các Ls không nhận được kết luận điều tra của cơ quan điều tra, nhưng mọi sự vẫn rơi vào yên lặng. HĐXX cho các Ls tranh luận một cách rất thoải mái, nhưng cuối cùng các ý kiến của các Ls không được xem xét. Cho nên bản án đưa ra rất bức xúc và bất ngờ.

Huyền Trang, VRNs:Vậy thưa Ls, phản ứng của bà Bùi Hằng, cô Thúy Quỳnh và ông Văn Minh với kết quả của tòa tuyên ra sao? Và ông bình  luận như thế nào về kết quả bản án này ạ?

Ls Trần Thu Nam: Kết quả bản án làm cho các Ls rất bất ngờ. Phản ứng của bà Bùi Hằng rất bình tĩnh, điềm đạm, nở một nụ cười trên môi. Sau khi kết thúc phiên tòa, bà Bùi Hằng hát một bài hát khi đi từ vành móng ngựa ra xe tù. Cô Thúy Quỳnh im lặng và tỏ ra sự bình tĩnh, đón nhận kết quả đó. Còn anh Văn Minh nói với vợ rằng, không có vấn đề gì cả, 2 năm 6 tháng nhanh thôi. Sự thật là một bản án nhục nhã nhưng người ta có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, chắc chắn ba người sẽ kháng cáo. Phiên tòa chưa dừng lại ở phiên sơ thẩm mà sẽ còn diễn ra ở phiên tòa phúc thẩm.

Huyền Trang, VRNs:Thưa Ls, vào lúc 13 giờ 30 ngày 26.08, phiên tòa tái tục thì Tòa án cũng chỉ cho triệu tập 2/17 nhân chứng (bà Thùy Trang và ông Thịnh) vào tham dự phiên tòa. Việc này ảnh hưởng như thế nào đến phần xét xử và phần tranh luận của Tòa án ạ? Những nhân chứng này có được mời phát biểu tại tòa không? Và họ đã nói gì?

Ls Trần Thu Nam: Có ba nhân chứng được tham dự phiên tòa. Ban đầu chỉ có hai nhân chứng là vợ của anh Văn Minh là bà Diễm Thúy và cô Thùy Trang. Sau đó, anh Thịnh được vào tham dự phiên tòa. Ba nhân chứng này được tòa hỏi về sự việc và họ trình bày diễn biến sự việc cũng giống như ba bị cáo là không gây rối trật tự, có những người khác đánh đập họ và ngăn chặn họ. Thế nhưng, tất cả những lời khai của các nhân chứng có lợi cho bị cáo không được xem xét, không được nhắc đến trong bản án. Cũng như ngay từ ban đầu không được nhắc đến trong kết luận điều tra và trong bản cáo trạng của Viện kiểm sát.

Huyền Trang, VRNs:Thưa Ls, việc Tòa án gửi giấy triệu tập cho 10 nhân chứng nhưng chỉ hai người vào tham dự là bà Diễm Thúy và cô Thùy Trang, sau đó là ông Thịnh không có giấy triệu tập lại được vào tham dự phiên tòa vào khoảng hơn 10 giờ sáng ngày 26.08, còn các nhân chứng khác không được tham dự phiên tòa, theo Luật sư thì hành vi vi phạm Luật Tố Tụng Hình Sự, bất chấp cả đề nghị của Ls, thì mang ý nghĩa gì ạ?

Ls Trần Thu Nam: Nó mang ý nghĩa là một phiên tòa không công bằng. Nói một cách đơn giản là một phiên tòa có một bản án không công bằng.

Huyền Trang, VRNs:Thưa Ls, xin ông có thể tóm tắt nội dung vụ án bà Bùi Hằng, cô Thúy Quỳnh vào ông Văn Minh là như thế nào ạ?

Ls Trần Thu Nam: Theo lời khai của những người đi cùng với Đoàn, gồm có 21 người đi từ An Giang sang huyện Lấp Vò để đến nhà ông Nguyễn Bắc Truyển thì khi đi đến đoạn đường [nông thôn liên xã thuộc khu vực cầu Nông Trại, xã Mỹ An Hưng, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp], mọi người [bị cáo và các nhân chứng] khai rằng, đã gặp một nhóm người không mặc sắc phục lao ra, ngăn chặn, cướp điện thoại, đánh đập những người đi cùng với Đoàn. Sau đó, công an đến quay phim, chụp ảnh và bắt tất cả những người này về công an huyện. [Tại đó công an] lập biên bản, thả 18 người và bắt giữ 3 người. Sau đó, họ [công an] khởi tố vụ án và bị can, điều tra về việc phạm tội “gây rối trật tự công cộng”.

Huyền Trang, VRNs: Xin chân thành cám ơn Ls Trần Thu Nam

Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 26.08, bà Bùi Thị Minh Hằng bị kết án 3 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Minh bị kết án 2 năm 6 tháng tù giam và cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh bị kết án 2 năm tù giam với tội danh “gây rối trật tự công cộng”theo Điều 245, Bộ Luật hình sự, tại tòa án nhân Dân tỉnh Đồng Tháp.

Được biết, Trong vụ án của bà Bùi Hằng có 17 nhân chứng quan trọng (thực tế là 18 nhân chứng nhưng ông Huỳnh Anh Trí – một trong những nhân chứng đã qua đời) nhưng chỉ có 10/ 17 nhân chứng nhận được giấy triệu tập.

Huyền Trang, VRNs
Nguồn:chuacuuthe.com

Ngày 4/9/2014 - Việt Nam muốn vay 1 tỷ đôla để đảo nợ?

  • Obama: 'Mỹ không sợ IS' (BBC) - Tổng thống Barack Obama nói Mỹ không run sợ, sau khi Nhà nước Hồi giáo công bố video chiếu cảnh chặt đầu nhà báo Mỹ.
  • Thời chuyển biến (RFA) - Không phải là chính sách kích cầu bằng tín dụng, hay kích cung bằng biện pháp giảm thuế, một động lực chủ yếu của công cuộc phát triển kinh tế quốc gia chính là sức sáng tạo của thị trường. Với nhiều phát minh mới trong kinh doanh tại các nước tiên tiến, sức sáng tạo ấy có đà gia tốc ngày một cao hơn vì thế giới đã bước qua "thời chuyển biến".
  • Dân chủ Hong Kong đi về đâu? (BBC) - Những người đòi bầu cử dân chủ có thể làm được gì để phản kháng quyết định của Bắc Kinh?
  • Cựu Đệ nhất tình nhân tung hồi ký: Đòn đau cho Tổng thống Pháp (RFI) - Trong cuốn sách mới ra đời mang tên« Merci pour le moment» (tạm dịch:« Giờ thì xin cảm ơn»), sẽ phát hành ngày mai 04/09/2014, bà Valérie Trierweiler, người từng được mệnh danh là Đệ nhất tình nhân đã vẽ ra một chân dung không lấy gì làm đẹp đẽ của Tổng thống Pháp. T
    heo người tình bị phản bội,ông François Hollande ngày càng thiếu đi tính nhân bản, theo với quá trình vươn lên đỉnh cao quyền lực củaông.
  • Xã hội của mọi loại tin đồn (RFA) - Xã hội Việt Nam hiện nay tràn ngập tin đồn từ kinh tế cho đến chính trị mà trong nhiều trường hợp gây nhiều hoang mang hoặc thiệt hại vật chất lớn lao. Vì thiếu thông tin chính xác, thông tin bị che giấu hay trình độ dân trí thấp khiến cho các loại tin đồn có đất sống.
  • Chuyện anh Bốn Thôi (RFA) - Người dân ở đâu cũng thế, đều muốn có một cuộc sống bình yên, được tính việc cá nhân và gia đình trong một khoảng thời gian dài, một trăm năm chẳng hạn, không có những thay đổi lớn trong lối sống, trong công ăn việc làm, trong các giá trị, đặt biệt là giá trị của đồng tiền.-Nguyễn Khải
  • Ấn Độ và Nhật Bản muốn lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (RFI) - Trong ngày cuối cùng của chuyến công du Nhật Bản năm ngày từ 30/8 đến 03/09/2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra lời tuyên bố khẳng định diện mạo của thế kỷ 21 phụ thuộc vào sự hợp tác Ấn– Nhật. Hai nước mong muốn thiết lập được quan hệ đối tác toàn diện chiến lược, với hy vọng trở thành đối trọng trước Trung Quốc.
  • Đỗ Thị Minh Hạnh bị tạm giữ tại phi trường Nội Bài (RFA) - Lúc 8 giờ sáng ngày 3/9, nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh đã bị công an giữ lại tại phi trường Nội Bài và tịch thu hộ chiếu trong khi cô lên đường thăm mẹ là bà Trần Thị Ngọc Minh đang bị bệnh tại Áo.
  • Nhà nước Hồi giáo tung video hành quyết con tin Mỹ thứ hai (RFI) - Trung tâm của Mỹ giám sát các trang mạng Hồi giáo cực đoan thông báo, Nhà nước Hồi giáo hôm qua 02/09/2014 lại tung thêm một video lên internet nhận đã chặt đầu con tin thứ hai của Mỹ, Steven Sotloff. Nhà Trắng hôm nay đã xác nhận vidéo về vụ hành quyết là có thực.
  • Kế hoạch bảy điểm của Putin (BBC) - Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ông hy vọng sẽ có thỏa thuận hòa bình vào thứ Sáu tuần này giữa Ukraine và ly khai.
  • Ukraina : Ba kịch bản xâm lược của Putin (RFI) - Hồ sơ xung đột Ukraina của Libération vạch ra một số kịch bản mà Matxcơva dự định nhằm kiểm soát Ukraina. Theo kịch bản tối đa, Nước Nga mới sẽ bao gồm toàn bộ miền Đông, tức tả ngạn sông Dniepr, xuyên đến tận Transnistria, một dẻo đất nằm lọt giữa Ukraina và Moldavia.
  • Pháp ngưng giao chiến hạm Mistral đầu tiên cho Nga (RFI) - Điện Elysée hôm nay 03/09/2014 tuyên bố, các điều kiện để Pháp cho phép giao chiến hạm đầu tiên trong số hai chiếc Mistral cho Nga« hiện nay chưa hội đủ», trong bối cảnh tình hình tại Ukraina đang trở nên nghiêm trọng.
  • Ukraina: Kiev thông báo đạt thỏa thuận ngừng bắn, Matxcơva phủ nhận (RFI) - Hôm nay 3/9/2014, Kiev thông báo Tổng thống Petro Porochenko và Tổng thống Vladimir Putin đã đạt thỏa thuận ngừng bắn thường trực tại miền đông Ukraina. Ngay lập tức, Matxcơva phủ nhận thông tin với giải thích Nga không phải là một bên tham chiến để có thể đưa ra quyết định như vậy. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ và Liên Hiệp ChâuÂu đón nhận thông tin một cách thận trọng.
  • Apple bác tin bị xâm nhập an ninh (BBC) - Apple xác nhận tài khoản iCloud của một số nhân vật nổi tiếng đã bị đột nhập, nhưng cũng nói không có bằng chứng cho thấy hệ thống an ninh của công ty bị tấn công.
  • HRW: ISIS đã hành quyết hơn 500 binh sĩ Iraq (VOA) - HRW cho biết có bằng chứng cho thấy các phần tử cực đoan Nhà Nước Hồi giáo đã hành quyết hơn 560 người, phần lớn là binh sĩ chính phủ tại thành phố Tikrit
  • Liên hiệp Quốc quan ngại về nhân quyền ở Thái Lan (RFA) - Trong thông cáo mới phổ biến sáng nay tại Bangkok, Văn Phòng Nhân Quyền ĐNÁ của LHQ cho biết rất quan ngại về những quy định gắt gao mà chính phủ quân sự Thái đã ban hành với mục đích ngăn cản quyền tự do của người dân
  • Nhật cải tổ nội các, 5 phụ nữ làm Bộ trưởng (RFI) - Hai mươi tháng sau khi lên nắm quyền, hôm nay 3/9/2014, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thông báo cải tổ nội các lần đầu với mục tiêu thúc đẩy các cải cách. Thành phần chính phủ mới được thay thế hai phần ba với sự góp mặt của 5 nữ Bộ trưởng.
  • Indonesia : Thêm một Bộ trưởng bị cáo buộc tham nhũng (RFI) - Ủy ban diệt trừ tham nhũng tại Indonesia (KPK) hôm nay 03/09/2014 loan báo Bộ trưởng Năng lượng bị nghi ngờ là chiếm dụng công quỹ và lạm dụng quyền lực. Đây là thành viên thứ ba trong chính phủ Indonesia liên can đến tham nhũng.
  • Trung Quốc đưa giàn khoan Khải Hoàn 1 đến biển Hoa Đông (RFI) - Theo tờ South China Morning Post của Hồng Kông hôm nay 03/09/2014, Bắc Kinh đã đưa một giàn khoan mới đến thăm dò tại biển Hoa Đông, khu vực bao gồm cả vùng biển tranh chấp với Nhật Bản. Trang web của chính phủ Trung Quốc cũng đưa tin« Giàn khoan Khải Hoàn 1 đi vào hoạt động tại biển Hoa Đông».
  • Tổng thống Mỹ cam kết bảo vệ Estonia (RFI) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đặt chân đến Estonia hôm nay, 03/09/2014, để nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ bảo vệ các nước vùng Baltic, vào lúc mà khối NATO lênán những hành động quân sự bất hợp pháp của Nga ở Ukraina.
  • Trung Quốc không dung thứ đối lập ở Hồng Kông (RFI) - Việc Trung Quốc không cho người dân Hồng Kông quyền bầu cử lãnh đạo theo thể thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp cho thấy là Bắc Kinh muốn kiểm soát hoàn toàn Hồng Kông về mặt chính trị và không dung thứ bất cứ hình thức đối lập nào ở đặc khu hành chính này.

Việt Nam muốn vay 1 tỷ đôla để đảo nợ?


Hai lần phát hành trái phiếu quốc tế gần đây nhất của Việt Nam là các năm 2005, 2010

Giới chuyên gia cảnh báo hậu quả việc lấy nợ mới để trả nợ cũ sau khi chính phủ Việt Nam thông báo có thể sẽ phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu quốc tế.

Hôm 28/8, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên được các báo trong nước dẫn lời xác nhận rằng "chính phủ đang tính toán vay một khoản khác tương đương với lãi suất thấp hơn" do khoản vay khoảng 1 tỷ đôla trước đây lãi cao".

Nếu kế hoạch được thông qua, đây sẽ là lần thứ ba chính phủ Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế.

Hồi năm 2005, chính phủ Việt Nam cũng đã phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường chứng khoán New York để vay 750 triệu đôla, với kỳ hạn 10 năm và lãi suất 7,125%/năm, theo báo điện tử Bấm VnEconomy.

"Số trái phiếu này sẽ đến hạn trả nợ gốc và lãi vào năm 2016. Tuy nhiên, do Chính phủ cho Vinashin vay lại toàn bộ số trái phiếu nói trên và khoản vay đã không được sử dụng hiệu quả, nên Vinashin hầu như không có khả năng trả nợ cho Chính phủ."

"Trong năm 2010, chính phủ Việt Nam tiếp tục phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore với lãi suất 6,75%/năm, báo này cho biết thêm. Số tiền này sau đó được Chính phủ cho một số tập đoàn kinh tế lớn như Dầu khí, Điện lực, Vinalines... vay lại", báo này cho biết.

'Kinh nghiệm cay đắng'
"Vai trò của Quốc Hội trong khoản vay không hề nhỏ này cũng cần được làm rõ, cho đến nay chưa biết thông tin Chính phủ đã báo cáo với Quốc Hội hay chưa" - Kinh tế gia Lê Đăng Doanh
Trả lời BBC ngày 3/9, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng kế hoạch này đang làm dấy lên sự quan tâm rộng rãi của dư luận, trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang tăng với tốc độ cao nhất từ khi bắt đầu Đổi Mới đến nay và nghĩa vụ trả nợ cũng đạt tỷ lệ cao nhất trong chi ngân sách từ trước đến nay.

"Một mặt, việc chính phủ vay đảo nợ trên thị trường quốc tế khi lãi suất đang ở mức thấp được coi là một bước đi hợp lý và khôn ngoan để giảm bớt gánh nặng lãi suất cao trước đây. Hơn thế nữa, mới đây, Moody's đã nâng xếp hạng tài chính của Việt Nam cũng là một tín hiệu thuận lợi", ông Doanh nói.

"Mặt khác, việc sử dụng khoản vay này như thế nào, ngoài việc đảo nợ, là điều được quan tâm để tránh việc lặp lại kinh nghiệm cay đắng của khoản vay 750 triệu đôla đã được trao hết cho Vinashin mà nay nhà nước đang phải trả nợ thay cho tập đoàn này."

Toàn bộ 750 triệu đôla trái phiếu hồi năm 2005 đã được chính phủ Việt Nam chuyển sang cho Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và tập đoàn này đã không có khả năng trả nợ cho chính phủ do làm ăn thua lỗ.

"Về mặt kỹ thuật, ngoài lãi suất, phí thu xếp khoản vay của các ngân hàng tham gia thu xếp khoản tín dụng này cũng không phải thấp cũng cần phải được xem xét một cách cẩn trọng," ông Doanh nói.

"Vai trò của Quốc Hội trong khoản vay không hề nhỏ này cũng cần được làm rõ, cho đến nay chưa biết thông tin Chính phủ đã báo cáo với Quốc Hội hay chưa."
'Lỗi cực kỳ lớn' 
Trả lời BBC trong cùng ngày 3/9, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng việc chính phủ giao toàn bộ tiền vào tay Vinashin mà không cần có các dự án cụ thể để giải ngân là "lỗi cực kỳ lớn".

"Theo tôi nhận xét thì việc nhà nước vay 750 triệu đôla về rồi đưa thẳng cho Vinashin mà không yêu cầu Vinashin trình ra các dự án kinh doanh để dùng số tiền đó thì đó là một lỗi cực kỳ lớn trong quản lý tài chính quốc gia," ông nói.

"Không thể nào đưa hết một số tiền như vậy cho một doanh nghiệp mà chưa có các dự án cụ thể để giải ngân."

"Vinashin sau khi nhận được số tiền đó không biết làm gì, dự án thì chưa có, mà phát triển thì theo kế hoạch 5 - 10 năm, nhận một đống tiền như thế rồi đi đầu tư dàn trải ngoài chức năng của mình."

"Đó là lỗi của chính phủ chứ không phải của riêng Vinashin," ông Thành nhận định.

"Bộ Tài chính phải giữ số tiền đó và giải ngân theo tiến độ chứ không thể nào đưa hết một lần như vậy."

"Nhà nước phải quản lý chặt chẽ hơn vấn đề tài chính của nhà nước và chỉ giải ngân cho doanh nghiệp những dự án doanh nghiệp trình lên và phê duyệt theo tiến độ, không thể giải ngân bừa bãi như vậy được."
'Đảo nợ biểu hiện sự yếu kém'
"Nếu nhà nước Việt Nam cần vay tiền để trả nợ cũ thì nó thể hiện một yếu thế của nhà nước" - Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành
Ông Bùi Kiến Thành cho rằng việc lấy nợ mới để đắp vào nợ cũ là một bước đi thể hiện sự yếu kém về nguồn lực và sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trước quốc tế.

"Nếu nhà nước Việt Nam cần vay tiền để trả nợ cũ thì nó thể hiện một yếu thế của nhà nước," ông nói.

"Nó cho thấy nhà nước không đủ phương tiện để thanh toán nợ khi đáo hạn mà phải lấy nợ mới để trả nợ cũ."

"Điều này không được thị trường tài chính quốc tế đánh giá cao, vì nó biểu hiện cho sự yếu kém của hệ thống tài chính và sẽ ảnh hưởng hệ số tín nhiệm của Việt Nam khi đi vay trên thị trường quốc tế."

Theo ông, cách duy nhất để chấm dứt việc đảo nợ là thúc đẩy nền kinh tế phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh.

"Nếu nền kinh tế phát triển tốt, doanh nghiệp phát triển tốt, không phải chết hàng loạt như lúa sau đợt bão như hiện nay thì doanh nghiệp sẽ có tiền trả thuế cho nhà nước, giúp nhà nước có khả năng thanh toán nợ, giúp nền kinh tế phát triển tốt, tăng dự trữ ngoại hối và giải quyết nợ", ông nói.
(BBC)

Trần Kỳ Trung - Thoát Đảng

Nếu nói, vào đảng để phụng sự tổ quốc, phụng sự đồng bào, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết. Là đảng viên phải tuyệt đối gương mẫu trước dân, người dân nhìn vào đó để tin tưởng. Là đảng viên nói đi đôi với làm, không sống giả dối, không lừa nhân dân, thực hiện tốt  tất cả những điều người dân yêu cầu…v.v… và v.v…

         Còn không phải như thế, anh không là đảng viên.
      
Căn cứ như những điều như vậy, nhìn vào thực tế, tôi tự nhận thấy  có một số lượng đảng viên rất lớn đã “ thoát đảng”.

        Ở đây tôi không đề cập đến những đảng viên công khai viết đơn đề nghị được ra khỏi đảng, vì như họ nói, đảng cộng sản hiện nay không phải là đảng cộng sản như lúc họ được kết nạp. Tất cả chỉ còn cái vỏ bên ngoài, còn bên trong đã thay đổi bản chất.  Tôi không muốn đề cập đến những đảng viên về hưu lặng lẽ bỏ sinh hoạt đảng vì nhiều nguyên nhân, dưới nhiều hình thức, nếu thống kê cụ thể, sẽ có con số không nhỏ.

        Với bài viết ngắn này tôi chỉ đề cập đến những người tự nhận là “đảng viên”, nhưng trên thực tế họ đã “ thoái đảng”, “ thoái đảng” một cách tiêu cực, nhân dân lên án.

          Biểu hiện, có rất nhiều đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền. Những người này nói, viết về lý tưởng của đảng rất hay, nhưng trên thực tế lại làm ngược lại, họ chỉ biết thu lợi cho cá nhân, gia đình dưới nhiều hình  thức, như tạo ê kíp trong lãnh đạo, liên kết các nhóm lợi ích với nhau hòng có điều kiện dễ dàng tham nhũng trong những ngành quan trọng của kinh tế. Hoặc như lợi dụng vị trí lãnh đạo của mình đưa con cháu vào chiếm  vị trí yết hầu trong chính quyền để tự do  lũng đoạn, tự do sai khiến…

             Trong con mắt người dân, những người này không phải là đảng viên.

           Lại có loại đảng viên, bên ngoài luôn tỏ nghiêm túc, đứng đắn như chăm chỉ học nghị quyết, lớp bồi dưỡng, viết bản kiểm điểm nghiêm túc… trên thực tế lại là một kẻ cơ hội, ăn chơi sa đọa, sống giả dối với đồng nghiệp, vợ con,  kết cấu với xã hội đen để dễ bề đục khoét, thao túng, tham nhũng. Vận mệnh đất nước họ không quan tâm… Với người dân, những người này đâu phải là đảng viên, trên thực tế họ đã bỏ đảng.  Đảng viên chỉ còn danh nghĩa.

             Tiếp đến là đảng viên “ thoái đảng” là loại ác với dân. Họ là loại người không có văn hóa nhưng lại nhân danh đảng, nhân danh chính quyền… luôn cho mình là “ đúng”, là “ nhất ” không nghe dân, không cho dân nói, thậm chí có lúc hành xử với dân còn ác hơn hành xử với giặc, không hề có tình người, từ chuyện quy hoạch đất đai đến chuyện giải quyết khiếu kiện…

           Với việc làm như vậy, trong suy nghĩ của người dân, những người đảng viên này đã ra khỏi đảng, còn thẻ đảng viên họ đang giữ trong người chỉ là “hàng mã”.

           Lại có loại đảng viên mang danh “trí thức” nhưng  chỉ biết ăn theo, nói theo, viết theo những gì mà lãnh đạo yêu cầu, đồng ý, cho phép. Họ đã thủ tiêu ý chí của mình, với ngòi bút, trở thành một kẻ “nô lệ” hèn hạ để hưởng bổng lộc mà những người có chức, có quyền nhân danh đảng, nhà nước ban phát.   

           Trong con mắt người dân và đồng nghiệp có lương tâm, những người này đâu có phải là đảng viên, đâu có phải là người trí thức chân chính.



           Chỉ mới nêu một vài ví dụ nhỏ như trên, thử hỏi trong đảng, hiện nay, còn bao nhiêu người là đảng viên chân chính???     

            Nếu không sửa đổi, với một đảng như vậy, liệu có đủ uy tín để lãnh đạo đất nước???
    Trần Kỳ Trung
(Blog Trần Kỳ Trung)

Tuấn Khanh - Nhớ và quên

IMG_1061.JPG

 Có một câu chuyện tôi chưa từng kể với ai. Câu chuyện vẫn thỉnh thoảng gợi nhớ về những ngày đầu tiên tôi bị lôi xềnh xệch vào một xã hội chính trị, lôi vào một thế giới mà tôi luôn loạng choạng đứng ở lằn ranh mong manh, giữa những điều vĩ đại nhất hoặc ô trọc nhất.
1997, lần đầu tiên tôi bị an ninh đưa đi làm việc vì những lá thư mà tôi chuyển giùm cho mẹ của một người bạn. Nhiều năm sau tôi mới ý thức rõ hơn tầm quan trọng của người phụ nữ ấy, bà Trần Thị Thức, phu nhân của ông Đoàn Viết Hoạt. Đó là một trong những vụ án chính trị đầu tiên của Việt Nam những ngày đầu mở cửa, có cái tên là vụ án Diễn Đàn Tự Do. So với facebook hôm nay, cái bản tin chia sẻ tin tức xã hội chính trị ấy chỉ là hạng chấm phẩy. Nhưng vào năm tháng đó, nó là một trái bom.
Tôi biết lờ mờ những cái tên Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc… qua những bì thư mà tôi được nhờ đi gửi minh bạch qua bưu điện thay cho cô Thức và những người bạn của cô. Có khi đó là một phần của tờ Thông Luận, hoặc một tâm thư của ai đó trong Câu Lạc Bộ Kháng Chiến cũ. Tôi coi mọi thứ đó là chuyện thư tín bình thường, cũng như cô Thức đơn giản chỉ là mẹ của người bạn cùng tên, nhỏ tuổi hơn mà chúng tôi gặp nhau trong khoa Anh ngữ, Đại học Tổng Hợp lúc đó.
Không ít lâu sau, tôi đối diện với việc một đợt điều tra của an ninh Việt Nam về những bức thư đó. Sau nhiều ngày thẩm vấn, do cuối cùng nhận ra tôi chỉ là một thằng nhóc sinh viên không đảng phái, thích làm chuyện bao đồng, phía an ninh dịu giọng và chuyển tôi vào dạng giáo dục tư tưởng. Hồ sơ tiết lộ tôi là một sinh viên khoa báo chí, nên phía an ninh quyết định để tôi nói chuyện với một người lớn tuổi hơn, cùng trong nghề báo.
Cuộc gặp gỡ diễn ra ở số 258 Trần Hưng Đạo, quận 1, Sài Gòn. Người chủ trì là anh Hải, đại uý PA25, còn người đến để giáo dục tư tưởng cho tôi là nhà báo Đoàn Thạch Hãn, lúc đó là cây viết của báo Công An TP với số ấn bản ngất trời 500.000 số/kỳ.
Hôm đó, phía công an nói rất ít, nhường lời cho anh Hãn, một người dáng thô, khoẻ, nói giọng miền Trung Việt Nam.
Anh Hãn nói với tôi rất nhiều thứ về chính trị, tư tưởng, mà thật lòng, tôi bỏ ngoài tai hầu hết. Chỉ đến khi anh hỏi rằng “Em có biết trước đây anh là gì không?”. Câu chuyện trở thành phần giới thiệu về anh Hãn, là người sống trong chế độ miền Nam Việt Nam Cộng Hoà, từng là một cây viết của báo Điện Tín. Sau này tôi còn được biết thêm anh Hãn, với ngày 30-4-75 là cột mốc tác động nhiều thứ đến đời anh, kể cả tù tội, khiến hôm nay anh như thế này.
Anh Hải, công an quê ở Củ Chi có đôi mắt đẹp và giọng nói mềm mỏng xin ngắt lời anh Hãn, và kể rằng vào giờ phút anh Hãn tuyệt vọng nhất, cán bộ cách mạng tìm thấy anh ở đường rầy xe lửa như định chọn cái chết. Cán bộ thuyết phục và khuyên giải nên anh Hãn đã hồi tâm và hôm nay trở thành một công dân tốt, phục vụ cho chế độ, đất nước. “Em nên coi chuyện anh Hãn như một tấm gương để sống và phục vụ cho tổ quốc”, anh Hải nói.
Tôi nhìn sang anh Hãn, hai ánh mắt chạm nhau im lặng, vô hồn. Anh không nói gì, tôi cũng không nói gì. Tôi không biết câu chuyện đó của anh Đoàn Thạch Hãn có thật hay không, nhưng trong suy nghĩ của tôi lúc đó chỉ là không biết buổi làm việc hôm nay có kịp cho tôi lao đến Đại học Tổng hợp sau giờ lên lớp chiều, rồi qua Nhạc Viện cho giờ học kế hay không.
Nhiều năm sau đó, tôi không gặp lại nhà báo Đoàn Thạch Hãn, mà chỉ thấy qua các bài viết của anh trên báo Công an TP. Là một người có máu văn nghệ, tôi đọc rất nhiều các bài viết của anh về Khánh Ly, về Duyên Anh… Thậm chí cả những bài viết hoàn toàn đầy chính trị về những người không chấp nhận Cộng sản mà ra đi. Trong giai đoạn chỉ có một tờ báo với một giọng điệu nói mà không có nơi phản hồi, anh là một cây viết sáng giá, lấp lánh như một bảo đao. Văn của anh lạnh và khinh miệt khi nói về những người cùng thời với mình. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, bỏ nhiều thời gian để đi tìm hiểu về sự sắc bén của anh Hãn, để cuối cùng tâm nguyện rằng, dù phải chết, tôi cũng không chọn nghề viết, như cách của anh.
Có lẽ đã phí thời giờ của anh Hãn vào một ngày của năm 1997, năm mà rất nhiều người Hồng Kông đã không xuất ngoại vì bị thuyết phục rằng Trung Cộng sẽ đối xử với vùng đất của mình tử tế, rất tiếc, tôi muốn mình khác.
Bất ngờ tôi nghe tin nhà báo Đoàn Thạch Hãn mất vào một ngày tháng 9/2014. Đời người vinh quang hay tủi nhục có lúc rồi cũng đến điểm cuối cùng là phu du, vô nghĩa. Tất cả những kỷ niệm của tôi bật ra. Trên các trang blog hay facebook, tôi đọc nhiều điều tranh cãi về anh, có lẽ vì anh là một nhà báo lớn hoặc anh có quá nhiều bạn bè lẫn kẻ thù. Trên đất nước này, cũng có hàng triệu người như nhà báo Đoàn Thạch Hãn nằm xuống và lại gây tranh cãi – bởi đất nước của chúng ta là một phác đồ của nghịch cảnh, phác đồ của mỗi cá nhân bị buộc phải chịu trách nhiệm thay cho các nền chính trị đã điều khiến dân tộc này, chưa thấy đủ yêu thương đã ngập hận thù.
Tất cả chúng ta đã hoặc đang là nạn nhân của chính trị. Nhưng chắc chắn chúng ta cũng có một phần trách nhiệm, không thể chối cãi trong những bước đi của đời mình. Tôi cũng vậy, và anh cũng vậy.
Trên facebook của nhà báo Huỳnh ngọc Chênh, tôi thấy anh ghi lại một mẩu trò chuyện với nhà báo Đoàn Thạch Hãn rất thú vị. Trong đó, câu nói đáng nhớ của anh Hãn rằng “mình rất tiếc đã tự bôi đen đời mình quá nhiều”, khi nhắc đến những gì đã làm, đã viết. Trong ký ức cỏn con ập về, tôi nhớ lại những bài báo của anh Đoàn Thạch Hãn viết về văn nghệ sĩ đã tị nạn, về những cộng đồng Việt ngoài Việt Nam với khả năng nhuần nhuyễn của ngợi ca và phỉ báng. Tôi cũng nhớ đến đất nước này, với nhiều con người tự thú điều bí mật vào những phút cuối đời. Tôi cũng nghĩ về một ngày rất cũ, rằng không biết anh có thật sự muốn tôi học bài học ngày hôm ấy, trước mặt viên sĩ quan PA25 hay không. Nhưng mẩu đối thoại từ facebook của anh Huỳnh Ngọc Chênh, là phần kết quý báu của bài học mà tôi nhận được từ nhà báo Đoàn Thạch Hãn, cho việc chọn một lẽ sống đúng trên đất nước này.
Người Việt hay nói đến câu “nghĩa tử là nghĩa tận” để bày tỏ sự hoà ái cho một người đã ra đi. Nhưng “tận” không hoàn toàn có nghĩa là hết hẳn. Nếu chúng ta im lặng và chối bỏ những gì đã có, và chôn vào quên lãng tất cả là giả dối và khốn nạn với lịch sử con người. Đúng là có những thứ cần phải quên, nhưng có những thứ cần phải nhớ. Thậm chí chính người đã mất cũng ước muốn chúng ta phải nhớ.
Nhớ, để đó là một bài học dành cho chúng ta về kiêu hãnh hay điếm nhục trong cuộc sống, nhưng hãy quên, vì độ lượng thứ tha trong trái tim của mỗi con người, để chia sẻ về những điều cay đắng thầm kín của người dành lại, trong gia tài khốn khó của quê hương này.
Tuấn Khanh
(Blog Tuấn Khanh)