Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Ai không tin ta hạnh phúc nhì thế giới, mời xem đây: - Tiểu Cẩm Linh hay thói hợm hĩnh của quan chức Trung Quốc

Ai không tin ta hạnh phúc nhì thế giới, mời xem đây:

Quechoa

Võ Văn Tạo
Xem bài: Chui vào tú ni lông để… qua suối.
NQL: “Bộ GTVT sẽ cho triển khai xây cầu treo để phục vụ các thầy cô, học sinh và người dân” – Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã thông báo như vậy sau khi đọc bài “Chui vào túi nilông để… qua suối” và hình ảnh cô giáo, học sinh ở bản Sam Lang (X. Nà Hỳ, H. Nậm Pồ, Điện Biên) vượt suối bằng túi nilông vào mùa lũ.
Hoan hô bộ trưởng Đinh La Thăng!  Nhưng đấy chỉ là một cầu, còn hàng trăm nơi khác, rất mong Bộ trưởng quan tâm đến điều này, nó còn lớn lao cấp thiết hơn hàng trăm việc khác mà Bộ GTVT đã và đang làm.
Tháng 6-2012, báo chí các “lề” rầm rộ đưa tin: theo đánh giá của Quỹ Kinh tế mới (NEF), Việt Nam đứng nhì thế giới về chỉ số hạnh phúc, chỉ sau mỗi Costa Rica! Nhân sự kiện này, các báo “lề đảng” “nhảy cẫng” đồng loạt tán dương. Báo “lề dân” lại có dịp dè bỉu, công kích báo “lề đảng”. Người dân ù cả tai, hoa cả mắt, chẳng biết đâu mà lần.
Ngót 2 năm thu thập thêm thông tin và nghiền ngẫm đề tài này, nhân sự kiện vừa được báo Tuổi Trẻ phát hiện và đăng tải (phóng sự kèm videoclip người thật việc thật ở bản Sam Lang -Điện Biên) về câu chuyện học trò, cô giáo, người dân hàng ngày vượt suối lũ bằng cách chui vào… túi bóng (nilon), nhờ thanh niên khỏe mạnh kéo qua, người viết bài này đã có thể rút ra được kết luận khó phản bác: NEF và báo “lề đảng” chuẩn không cần chỉnh (xin nói thêm, NEF là tổ chức quốc tế hẳn hoi, mặc dù tên gọi của nó có gợi lại thảm họa “kinh tế mới” – chẳng mấy hạnh phúc với hàng triệu gia đình). Báo “lề dân” chỉ được cái xuyên tạc, thiếu thiện chí.
Xin chứng minh:
Qua sông bằng đu dây cáp
Này nhé, ai phủ nhận được luận điểm: chỉ những người dư dả tiền bạc mới có thể đi du lịch?
Này nhé, ai dám phản bác kết luận: chỉ những người có sức khỏe thể chất và tinh thần thật mạnh mẽ, lạc quan mới dám tham gia các môn thể thao mạo hiểm như leo núi, chèo xuồng vượt thác ghềnh… ?
Này nhé, nếu không có sức khỏe hạng A, đố bạn hàng ngày cuốc bộ đường rừng từ vài cây số đến hàng chục cây số.
Này nhé, ai dám bảo việc đi rừng hằng ngày không cho ta duy trì sức khỏe dẻo dai?
Này nhé, ai dám nói việc vượt suối bằng túi bóng không mạo hiểm bằng các trò leo núi, chèo thuyền vượt thác ghềnh?
Này nhé, du lịch mạo hiểm đâu chỉ có ở Sam Lang? Bạn có thể thấy hàng ngày ở khắp nơi trên đất nước ta tươi đẹp. Từ Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên (đu dây vượt suối), đến đồng bằng sông Cửu Long (cầu tre, cầu khỉ), dọc quốc lộ 1A cùng hàng trăm tuyến đường bát nháo khác…
Này nhé, người dân vùng sâu, vùng xa, vốn dĩ được nhà nước xếp vào dạng nghèo khó, lạc hậu… còn hạnh phúc đến mức hàng ngày vẫn có điều kiện thực hành du lịch mạo hiểm, thử hỏi người dân ở đô thị còn hạnh phúc đến cỡ nào?
V.V.TTác giả gửi Quê Choa

Trung Quốc không tán thành hành động của Nga đối với Ukraina

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.

Scott Stearns  -VOA

Trong lúc các nước Tây phương áp đặt các biện pháp chế tài đối với Nga vì vấn đề Crimea, một số nước đồng minh của Moscow cũng nêu nghi vấn về những hành động của Nga ở Ukraina. Thông tín viên Scott Stearns của đài VOA tại Bộ Ngoại giao Mỹ có bài tường thuật về ảnh hưởng của vụ giằng co này đối với các mối quan hệ giữa Nga với Trung Quốc và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Trong cuộc nội chiến Syria, Trung Quốc và Nga đã cùng nhau ngăn chặn những hành động cứng rắn hơn đối với Tổng thống Bashar al-Assad. Moscow và Bắc Kinh đều cho rằng sự hậu thuẫn của nước ngoài đối với phe nổi dậy là một hành động xâm phạm chủ quyền của Syria.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã ngấm ngầm chia rẽ với Nga về Crimea – vì cùng một lý do là vấn đề chủ quyền.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phát biểu như sau về lập trường của Bắc Kinh.
“Trung Quốc luôn tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả mọi nước trên thế giới. Vụ khủng hoảng Crimea phải được giải quyết bằng đường lối chính trị trong khuôn khổ của luật pháp và trật tự. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh và tự chế để tình hình căng thẳng không leo thang thêm nữa.’
Giáo sư Keith Darden của Đại học American Univeristy ở Washington cho biết Trung Quốc không muốn thấy sự việc nào làm cho những phong trào đòi ly khai ở nước họ trở nên mạnh mẽ hơn.
“Trung Quốc có chính sách Một Nước Trung Hoa, một chính sách rất cứng rắn chống lại chủ nghĩa ly khai. Họ đòi quốc tế hậu thuẫn cho lập trường của họ đối với vấn đề Đài Loan. Ý tưởng cho rằng thông qua việc tiến hành những cuộc trưng cầu dân ý, một phần nào đó của một nước nào đó có thể quyết định tách ra khỏi nước đó mà không có sự chấp thuận của chính phủ trung ương, là một ý tưởng mà Trung Quốc không bao giờ tán thành. Vì vậy Nga đang tự cô lập bằng hành động này.”
Khi Nga phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về vấn đề Crimea, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng và tuyên bố là cần phải làm nhiều hơn nữa để làm cho vụ khủng hoảng này bớt căng thẳng.
Các giới chức Hoa Kỳ mô tả hành động của Nga ở Crimea là vượt khỏi các chuẩn mực hành xử quốc tế. Họ cho biết họ đang tham khảo ý kiến chặt chẽ với Trung Quốc về vấn đề Ukraina để tìm cách làm cho Nga bị cô lập nhiều hơn nữa.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki phát biểu như sau.
“Chúng tôi tiếp tục hy vọng là nhiều thành viên của cộng đồng quốc tế, kể cả Trung Quốc, đang phối hợp với nhau và hợp tác với nhau về những hành động bất hợp pháp mà Nga đã thực hiện trong vụ này và áp lực cần được tạo ra không phải chỉ từ Hoa Kỳ mà còn từ các nước khác trên khắp thế giới.”
Việc binh sĩ Nga chiếm quyền kiểm soát tại một nước thuộc Liên Xô cũ cũng nêu lên nghi vấn là Nga có muốn duy trì hiện trạng của thời hậu Chiến tranh Lạnh hay không. Về việc này, giáo sư Darden cho biết như sau.
“Như Kazakhstan chẳng hạn. Nước này chắc chắn là rất lo ngại trước ý tưởng cho rằng những khối dân nói tiếng Nga có quyền quyết định về vấn đề có tách ra để trở thành một phần của Liên bang Nga hay không. Bên trong Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, Nga đã khẳng định rất rõ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, và đó chính là lý do tại sao Nga đã có được những mối quan hệ khá tốt đẹp với Kazakhstan và một số các nước láng giềng. Việc phá vỡ nguyên tắc đó sẽ tạo ra rất nhiều thiệt hại cho các mối quan hệ đó.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng vụ khủng hoảng Crimea không do Nga gây ra. Ông yêu cầu Cộng đồng các Quốc gia Độc lập tổ chức một cuộc họp vào đầu tháng tư để thảo luận về vụ khủng hoảng ở Ukraina.

Máy bay Malaysia : Trung Quốc, kẻ nổi tiếng mờ ám lại đòi minh bạch

Thụy My – RFI blog

(AFP 18/03/2014) Trung Quốc đả kích Malaysia vì thiếu minh bạch sau vụ chuyến bay MH370 mất tích. Nhưng sự phẫn nộ của Bắc Kinh lại tương phản với chính thái độ mờ ám của họ về những thảm họa xảy ra ngay trên đất Trung Quốc.

Công an tuần tra tại sân bay quốc tế Bắc Kinh sau khi chiếc máy bay Malaysia mất tích, ngày 13/03/2014.
Hôm thứ Hai 17/03/2014 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã lạnh lùng yêu cầu người đồng nhiệm Malaysia phải cung cấp các thông tin « đúng lúc, cụ thể và toàn bộ » về chiếc Boeing của Malaysia Airlines bị mất tích cách đây mười ngày với 239 người trong đó có 153 người Trung Quốc.
Từ một tuần qua, các phương tiện truyền thông Nhà nước liên tục đưa ra các bài xã luận dữ dội, đả kích chính quyền Malaysia là thiếu minh bạch ; rồi đến việc loan báo chậm trễ sự kiện máy bay bị chuyển hướng một cách « có chủ ý », khiến việc tìm kiếm quay sang hẳn một hướng khác.
Tuy vậy chính bản thân Trung Quốc lại khó đóng nổi vai trò minh bạch – như đã được chứng minh trong buổi họp báo thường lệ của Bộ Ngoại giao nước này hôm thứ Hai.
Trung Quốc có loại trừ khả năng chiếc máy bay đã bay vào không phận của mình hay không ? Cuộc điều tra có chú ý đến các hành khách người Trung Quốc ? Bắc Kinh chỉ tiến hành tìm kiếm trên biển hay còn cả trên đất liền ? Và các khu vực như Tân Cương hay Tây Tạng có nằm trên đường bay dự đoán của chiếc phi cơ hay không ?
Trước hàng loạt câu hỏi của báo chí ngoại quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi đã nhất định từ chối trả lời, chỉ nhắc lại là Bắc Kinh « hợp tác tích cực với Malaysia ».
Mãi cho đến hôm nay mới có một bản tin ngắn của Tân Hoa Xã, loan báo rằng việc tìm kiếm trên lãnh thổ Trung Quốc « đã bắt đầu », và không có yếu tố nào trong cuộc điều tra liên quan đến các hành khách Trung Quốc.
Nhưng lại một lần nữa Hoàng Huệ Khang (Huang Huikang), đại sứ Trung Quốc tại Malaysia được dẫn lời trong bản tin, cũng không muốn đưa thêm nhiều chi tiết : « Sẽ không phù hợp nếu cuộc điều tra này được công khai ». Và trong cuộc họp báo mới ngày hôm nay, ông Hồng Lỗi tự bằng lòng với việc xác nhận thông báo sơ sài của Tân Hoa Xã, mà không cho biết chi tiết bổ sung nào.
Hẳn là chính quyền Trung Quốc hồi tuần rồi đã phổ biến các hình ảnh vệ tinh về những đồ vật phát hiện nổi lập lờ trên biển, nhưng không hề giải thích vì sao các tấm ảnh này đến ba ngày sau khi chụp mới được công bố.
Còn truyền thông Trung Quốc thì được yêu cầu đưa tin hoàn toàn theo Tân Hoa Xã – theo nguồn tin từ giới báo chí. Một sự kiểm soát mà Liên đoàn Nhà báo Quốc tế cho rằng « vô cùng đáng tiếc ».
Nhưng nếu thái độ này mâu thuẫn với những lời đả kích mãnh liệt về phía Malaysia, sự ngần ngại của Bắc Kinh trong việc tiết lộ những thông tin của chính mình không hề gây ngạc nhiên cho các chuyên gia. Sự kiện chiếc máy bay Malaysia mang tính chất địa chính trị nhạy cảm đối với các quốc gia trong khu vực.
James Brown, nhà phân tích quốc phòng của Lowy Institute for International Policy ở Sydney nhận định, các hoạt động tìm kiếm trong những ngày đầu tại Biển Đông đã gợi lên « một sự triển khai rộng rãi các phương tiện quân sự trong thời bình cho thấy tính chất nguy hiểm trong trường hợp xung đột ». Mỗi bên « trong khi sục sạo hết sức chú tâm đến năng lực và hiệu quả của nước khác, trong khi thận trọng không phô ra những điểm yếu của mình ».
Trung Quốc nổi bật hơn hẳn mọi quốc gia khác về thái độ mập mờ trong những sự cố và thảm họa xảy ra trên nước mình. Bắc Kinh luôn tìm cách bóp nghẹt thông tin, tăng cường kiểm duyệt và gây áp lực lên truyền thông.
Sau trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, khi những trường học sụp đổ vùi chết hàng ngàn trẻ em, các nhà hoạt động đặt nghi vấn về chất lượng tồi tệ của các ngôi trường. Kết quả là các vụ bắt giữ và đánh đập các công dân quá tò mò.
Một xì-căng-đan khác ba năm sau đó : sau tai nạn xe lửa làm chết nhiều người ở Ôn Châu, cả một toa tàu đã bị vội vã chôn lấp tại chỗ với cái cớ « bảo vệ các bí mật công nghệ của đất nước ».
Vào tháng 10/2013, báo chí được lệnh không được công cố các thông tin độc lập về vụ tấn công vào Thiên An Môn ở Bắc Kinh, cũng như vụ tấn công ở Vân Nam vào đầu tháng Ba với khoảng 170 người bị đâm.
Theo tổ chức phi chính phủ Human Rights in China có trụ sở tại Hoa Kỳ, Bắc Kinh « sử dụng một định nghĩa mơ hồ, phức tạp và hết sức rộng đối với khái niệm ‘bí mật Nhà nước’, để bịt miệng những tiếng nói ly khai hay chỉ trích, về chính trị, môi trường cũng như những chủ đề khác ».
Một tình trạng mà nhiều cư dân mạng Trung Quốc trong những ngày gần đây đã không ngần ngại kêu ca về thái độ nhát gan, trốn tránh trách nhiệm của báo chí chính thức. Một người trên mạng Vi Bác đã mỉa mai : « Malaysia và Trung Quốc đã đơn giản chứng tỏ nạn quan liêu, vô trách nhiệm, khi đưa ra những thông tin không chính xác và thiếu mạch lạc », trong khi báo chí Nhà nước « lập cập chạy theo sau truyền thông nước ngoài ».

Tiểu Cẩm Linh hay thói hợm hĩnh của quan chức Trung Quốc

Một bằng chứng đơn cử cho sự "hợm hĩnh" của giới nhà giàu Trung Quốc
Một bằng chứng đơn cử cho sự “hợm hĩnh” của giới nhà giàu Trung Quốc -REUTERS

Trọng Nghĩa  -RFI

Chính quyền một huyện xa xôi vùng ngoại ô Bắc Kinh đã xây dựng một khu công sở được mệnh danh là Tiểu Cẩm Linh. Với tường sơn màu trắng, trên nóc lổm chổm những mái vòm tròn màu vàng óng ánh, khu công sở này đã quay cóp kiểu kiến trúc của điện Kremly tại Mátxcơva. Sự kiện đó đã bị cư dân mạng Trung Quốc vừa nhạo báng – vì đã thể hiện tâm lý hợm hĩnh của những kẻ giàu mới – vừa đả kích – vì đã lãng phí công quỹ một cách vô tội vạ.
Các bức ảnh được tờ Thanh niên Nhật báo Bắc Kinh công bố vào cuối năm 2013 đã cho thấy những mặt tiền khác nhau của khu công sở rộng lớn đó, mà các mái vòm « mạ vàng » hay các tháp chuông bóng loáng đã gợi lên hình ảnh của các nhà thờ ở khu vực điện Kremli, với những « củ hành tây » vàng chóe trên nóc. Có điều là xa phía sau, trong hậu cảnh các bức hình, người ta nhận thấy rõ các chùm khói đen bốc lên từ các nhà máy gần đấy.
Tòa nhà – mà theo chính quyền địa phương được dùng làm nơi đặt các cơ quan chính quyền chịu trách nhiệm về khí tượng, địa chấn, cấp nước và cây cảnh – có chi phí xây dựng từ 9,3 cho đến 21 triệu nhân dân tệ (1,1 – 2,5 triệu euro).
Đây là một khoản tiền không phải là nhỏ đối với chính quyền của huyện Môn Đầu Câu (Mentougou) một huyện xa xôi vùng nông thôn ngoại thành Bắc Kinh. Chính vì thế mà chỉ ít lâu sau bài báo của tờ Thanh niên, trên các mạng xã hội Trung Quốc, những lời mỉa mai châm biếm đã rộ nở.
Cư dân mạng đều ghi nhận thực tế là các địa phương Trung Quốc đã phải oằn lưng gánh chịu các món nợ khổng lồ, trong lúc chính quyền trung ương lại đã ra lệnh cấm xây dựng các cơ sỏ hành chánh mới, khuyến khích các cấp thắt lưng buộc bụng.
Theo hãng tin Pháp AFP, một cư dân mạng đã tự hỏi : « Làm sao mà họ dám xây dựng một tòa nhà như thế trên vùng đất của kinh đô ? Cứ như là hoàng đế hôm đó đã đi vắng ! ». Một người khác thì tỏ ý bất bình : « Hỡi các quan chức huyện Môn Đầu Câu. Làm sao mà các người có thể ngủ yên vào buổi tối được ? ».
Thói hợm hĩnh thể hiện qua « công trình kiến trúc » kể trên không phải là hiếm hoi. Giới nhà giàu mới tại Trung Quốc đã cho xây cất tại khắp nơi trên lãnh thổ Trung Quốc đủ loại cung điện hoa hòe hoa sói khác nhau, bắt chước nào là kiến trúc châu Âu, nào là các tòa lâu đài được vẽ lên trong chuyện cổ tích… Nhưng thể hiện sự hợm hĩnh đó trong một khu công sở thì quả là điều quá đáng.
Một người đã viết trên mạng Vi Bác : « Khi nhìn thấy các bức hình này, tôi cứ cho rằng đó lại là một kiểu chơi ngông của một tay trọc phú nào đó ! Làm sao mà tôi có thể tưởng tượng ra rằng đấy chính là một cơ quan nhà nước ! ».
Trên nguyên tắc, chính quyền Bắc Kinh đã nghiêm cấm việc xây dựng các cơ quan chính phủ mới trong thời hạn năm năm. Thế nhưng mới đây, chính quyền tỉnh An Huy, một trong địa phương nghèo nhất tại Trung Quốc, đã gây chấn động khi xây cho mình một không gian văn phòng với diện tích còn lớn hơn cả Lầu Năm Góc tại Washington.

Ngày 19/3/2014 - TÍNH HÁO DANH VỤ LỢI NHỎ MỌN CỦA NGƯỜI VIỆT

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

TÍNH HÁO DANH VỤ LỢI NHỎ MỌN CỦA NGƯỜI VIỆT


Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ, đông bậc nhất thế giới nhưng là nước nghèo nàn đội sổ bậc nhất thế giới, và cũng có đông người làm thơ nhất cỡ ít ra cả triệu nhà thơ nhưng không thấy tác phẩm lớn mà chỉ thấy các mẩu vụn vẫn được gọi là “thơ hắt hơi”, những thứ bé hơn cả chuồng gà chuồng vịt. Tại sao? Bởi vì người Việt chỉ háo danh hão huyền nhắm vào vụ lợi “tham bát bỏ mâm” gắp cho mình, nên đất nước mới nghèo nàn lạc hậu và thi ca chỉ là chiếu rách à ơi mua vui bên chén rượu nhạt hay chén trà trong chốc lát. Hôm nay tôi xin bàn vào việc này.
Số lượng hơn 24.000 tiến sĩ Việt, kết quả thế nào? Nếu mỗi tiến sĩ chỉ cần viết một bài tiểu luận, thì chúng ta sẽ có ngần ấy bài, và in được khoảng 240 cuốn sách dầy dặn với mỗi cuốn có 100 bài. Nhưng than ôi, làm gì có ai thấy hơn hai trăm cuốn sách đó, mà 24 cuốn cũng không?
Chúng ta nghĩ gì khi một tiến sĩ không viết nổi 1 bài tiểu luận? Vậy thì 1 luận án bảo vệ tiến sĩ của người ta dầy hơn một trăm trang A4 lại không hơn một tiểu luận chỉ nghìn chữ thôi sao? Có một vụ án đã vỡ lở tại Việt Nam, một kẻ vừa tốt nghiệp đại học ra trường đã dịch vụ làm luận án cho hơn trăm tiến sĩ bằng cách vào các thư viện sao chép các đoạn tài liệu. Điều đó nói lên cái gì? Đó là những tài liệu vô hồn, chỉ có số liệu mà không có phán đoán, nhưng như vậy cũng đủ cho một bằng tiến sĩ. Ở Việt Nam, tôi được biết trong nhiều khoa người ta chấm lẫn cho nhau để có 100% thạc sĩ, người nào cũng nhận điểm suýt soát tối đa “nắm phải chim” tức là “chín phẩy năm”.
Chính vì tiến sĩ của ta đa số là chép tài liệu, đẩy đít như không cần có ngoại ngữ, hoặc ú ớ mấy từ, không cần biết phán đoán cá nhân, mà như nhân gian nói, chúng ta chỉ là “tiến sĩ giấy”, có thể ăn được, nói được, chém gió rất tài, nhưng lại không làm được. Việc viết được luận án tiến sĩ ư? Đó chỉ là trong khoa, trong trường chấm “nội bộ” lẫn nhau, nhưng việc viết một bài tiểu luận hay một cuốn sách chuyên luận là rất khó, bởi lẽ việc đó phải hiện diện trước công luận, chứ không phải thứ úm ba la chém gió trong nhà. Ngành văn học là dễ thấy nhất, có cả triệu người đã học trình độ đại học, nhưng cả nước không có đủ chục người có khả năng viết phê bình văn học. Còn các ngành khác? So với Nhật Bản hay Hàn Quốc, các chuyên gia tính, số đăng ký bản quyền phát minh ở Việt Nam kém hơn cả nghìn lần. Than ôi, lượng tiến sĩ của mình thì đông gấp năm lần người ta, nhưng bằng phát minh thì chưa được một phần nghìn. Nghĩa là chúng ta chỉ có bằng giấy không thể nào ra quả được.
Ở đời ai cũng khát danh vọng, bởi vì cái đó là biểu hiện của vinh quang cũng như sự tôn trọng. Đó là điều chính đáng! Một viên sỏi ném xuống nước còn sủi bọt lên, làm người mà vô tăm tích như bèo trôi trên sông không để lại dấu vết gì thì cũng thật buồn. Nhưng như người Việt nói “Thế gian chuộng của chuộng công/ Nào ai có chuộng người không bao giờ”. Còn người phương Tây có phương ngôn “Người ta được quí trọng ngang với những gì cống hiến cho mọi người”. Nếu ta không cống hiến hay hy sinh cái gì cho người khác, thì làm sao muốn người ta trọng thị mình? Anh vĩ đại ư? Nhưng anh đã làm gì để thành vĩ đại? Thi hào Goethe nói cụ thể: “Mọi vinh quang phải đi kèm với công lao”. Nằm ngủ gãi háng để rồi vinh quang sẽ rơi xuống như nhện rơi từ trần nhà xuống người mình ư? Trong tự nhiên, cũng có cả qui luật huyền bí, đó là nhện sẽ không bao giờ rơi xuống kẻ vô tích sự, bởi vì “nhện sa sà đón xin đừng vội lo”.
Người phương Tây họ cũng háo danh, nhưng háo danh bằng cách nhảy thác Niagara, nghĩa là đem cả mạng sống mình để đổi lấy sự nổi tiếng còn hơn phải chết buồn trong cuộc đời buồn tẻ không phát xạ bất cứ đốm sáng nào khác thường. Rồi người ta đăng ký các kỷ lục Guinness từ tâng bóng, đến đá cầu hay ăn ớt… Đó chí ít là vinh quang cụ thể mà người ta làm được. Nhưng còn các tiến sĩ ở ta? Họ tung mọi tiền bạc ra chạy cán đích có phải để ẵm chiếc bằng là vinh quang chữ nghĩa? Không, cái bằng đó là thứ để đổi lấy một cấp bậc cụ thể hay mức lương nào đó. Có cả các vị quan đã cho cả người đi học hộ mình mong lĩnh bằng cho việc thăng chức.
Còn việc làm thơ? Có phải người Việt rất yêu thơ không? Không hề! Vì một người yêu âm nhạc hay ca khúc, nghe tiếng nhạc họ liền nhún nhảy hát theo, không cần để ý bài hát đó là của ai sáng tác. Ngược lại người làm thơ xứ ta, yêu thơ đến độ chỉ thích đọc thơ mình, thơ của ai dù hay mấy cũng bị bỏ ngoài tai. Thực ra đó chỉ là người bán hàng, muốn giật loa khỏi tay người khác để quảng cáo cho sản phẩm của mình. Nhưng đây là bi kịch lớn nhất của thơ Việt, sau khi giật được loa, chiếm được sàn diễn trên báo, ngồi ì cả mấy chục năm nhưng không biết quảng cáo sản phẩm của mình có gì.
Làm thơ ở Việt Nam chỉ là cách để người ta háo danh nhanh nhất và lười biếng nhất. Cụ thể, một câu lạc bộ thơ bên phía bắc sông Hồng, sau thời gian đua nhau ra các tập thơ mỏng như tờ rơi, họ liền tiến vào báo văn nghệ của thủ đô, làm vài trang ra mắt chào mừng, liên hoan với nhau mấy can bia to tướng cùng lạc luộc. Điều ấy có vui không? Có! Nhưng nếu chỉ có vậy thì không sao? Đừng này sau khi đăng báo, mấy vị thơ nhà quê lại trách móc, tại sao thơ của chúng tôi không được các nhà phê bình khen như thể thơ đã leo lên báo. Chao ơi, thơ từ bùn đất quê nhà được leo lên báo thủ đô quả là quãng đường của phi công Phạm Tuân bay lên vũ trụ, mà không được bình phẩm sáng láng lại chìm xuồng như bia lạc chui vào dạ dầy rồi lại chui ra ư?
Đấy chúng ta thử nhìn cách sống, cách nghĩ, cách sáng tạo của người Việt. Ở Việt Nam không có một chiếc thuyền thúng nào được đặt tên cả. Còn khi đã đóng một con tầu, thì nó phải được đặt tên rồi mang số hiệu. Muốn làm một con tầu thì sao? Nó phải có ý tưởng lớn đầu tiên như đi dường dài hay vượt biển. Rồi phải được lắp đặt bằng các chi tiết nhỏ nhất bằng kỹ thuật. Một người mới loanh quanh trong sân, nghê nga mấy câu thơ sau lũy tre làng, lại là lúc nông nhàn, sao lại khao khát mình nổi danh là nhà thơ thiên hạ. Làm thơ ít ra phải như Nguyễn Du sôi kinh nấu sử, mang “Thanh Tâm Tài Nhân” của Tầu xa vạn dặm về nhà sao chế mới mong “tầu vượt biển” có danh chứ, đằng này chữ nghĩa chưa hết cấp ba, nông binh còn đượm mùi bùn, sao lại đòi ẵm vương miện vinh quang của chữ nghĩa? Như vậy chẳng là ảo mộng hão là gì?
Tất cả mọi người đều khao khát vinh quang! Tôi cũng không nằm ngoài số đó. Chỉ có điều chúng ta nên nhớ “vinh quang phải ngang bằng công lao”, mấy vần thơ cảm xúc trong ao nhà không cách gì đóng hộ chúng ta một chiến hạm khổng lồ để vượt đại dương đâu?! Nếu chúng ta không sửa soạn đóng tầu với những khung giàn thép khổng lồ, thì đừng có mơ, con thuyền lá tre bé tẹo dù có xinh xắn mấy của ta bỗng chốc trở thành tầu chạy năng lượng hạt nhân lướt sóng đại dương vù vù. Người đời khuyên “biết mình biết ta”, để tránh ảo tưởng về mình, mỗi chúng ta nên biết phản tỉnh để nhận ra khả năng của mình. Một người nông dân làm thơ để vui chơi, không sao cả, nhưng người đó muốn nằm mơ thành thi hào xuất chúng thì không tốt. Càng dở hơn nếu người đó có người chống lưng mong ước hộ mình, câu lạc bộ thơ làng ta sẽ lên báo hết, và sau bữa bia lạc chúng ta sẽ trở thành các nhà thơ được giới phê bình tung hô. Những chiếc thuyền thúng đừng nên nghĩ có một phép lạ nào để nhập nhèm đứng cạnh khoe vóc dáng với tầu sân bay.
Muốn nước nhà hùng mạnh, chúng ta nên có tư duy làm tầu lớn từ khung thép đến sàn tầu. Còn nhanh và tiện như làm thuyền thúng ư, một triệu cái thuyền thúng vẫn chỉ là thứ bé bỏng vô danh mà thôi.
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
THEO BÀ ĐẦM XÒE

Trình độ học vấn của bộ trưởng Việt Nam - Có chăng một Nhà thơ Hồ Xuân Hương ?!

Trình độ học vấn của bộ trưởng Việt Nam


Mấy năm trước tôi có làm một cái đếm số thành viên nội các VN và trình độ học vấn, và kết quả cho thấy 13/26 người có bằng tiến sĩ (*tuanvietnam.net/2010-08-08-trinh-do-hoc-van-bo-truong). Từ ngày có nội các mới tôi chưa đếm, nhưng nay thì người làm danh sách, nên tôi đếm tiếp. Nội các năm nay có 27 người, trong số này có 11 (41%) người có bằng tiến sĩ, 5 thạc sĩ, và 11 người là cử nhân.

Trong số 16 người trong Bộ Chính trị, có 8 người (50%) có bằng tiến sĩ. Tính tương đối, trình độ học vấn của Bộ Chính trị còn cao hơn cả Nội các Chính phủ.

Nhiều người phàn nàn rằng VN có quá nhiều tiến sĩ, mà phần lớn họ không giảng dạy hay nghiên cứu. Những số liệu này cho thấy quả thật trong nội các cũng có nhiều tiến sĩ. Số bộ trưởng có bằng tiến sĩ cao gấp 2 lần số có bằng cử nhân! Tôi chưa so sánh với Mĩ, nhưng tôi nghĩ chắc số tiến sĩ không cao như ở VN. Nội các Úc lần này hình như không có ai là tiến sĩ. Rất có thể với cơ cấu này, trình độ học vấn của nội các VN là cao nhất nhì thế giới. Trình độ bộ trưởng cao mừng hay lo là chuyện khác.

====
Danh sách cụ thể dưới đây:
Danh sách thành viên nội các và trình độ học vấn (tôi chú thích BS = cử nhân, MS = cao học / thạc sĩ, PhD = tiến sĩ)
1. Nguyễn Tấn Dũng: BS
2. Nguyễn Xuân Phúc: BS
3. Hoàng Trung Hải: MS
4. Vũ Văn Ninh: MS
5. Phạm Bình Minh: MS
6. Vũ Đức Đam: PhD
7. Phùng Quang Thanh: BS
8. Trần Đại Quang: PhD
9. Hoàng Tuấn Anh: BS
10. Nguyễn Thái Bình: BS
11. Nguyễn Văn Bình: PhD
12. Phạm Hải Chuyền: BS
13. Hà Hùng Cường: PhD
14. Trịnh Đình Dũng: MS
15. Nguyễn Văn Nên: BS
16. Vũ Huy Hoàng: PhD
17. Phạm Vũ Luận: PhD
18. Cao Đức Phát: PhD
19. Giàng Seo Phử: BS
20. Nguyễn Minh Quang: BS
21. Nguyễn Quân: PhD
22. Nguyễn Bắc Son: PhD
23. Đinh La Thăng: PhD
24. Nguyễn Thị Kim Tiến: PhD
25. Huỳnh Phong Tranh: BS
26. Bùi Quang Vinh: BS
27. Đinh Tiến Dũng: MS
Danh sách uỷ viên Bộ Chính trị
1. Nguyễn Phú Trọng: PhD
2. Trương Tấn Sang: BS
3. Nguyễn Tấn Dũng: BS
4. Nguyễn Sinh Hùng: PhD
5. Lê Hồng Anh: BS
6. Phùng Quang Thanh: BS
7. Lê Thanh Hải: PhD
8. Tô Huy Rứa: PhD
9. Phạm Quang Nghị: PhD
10. Trần Đại Quang: PhD
11. Tòng Thị Phóng: BS
12. Ngô Văn Dụ: BS
13. Đinh Thế Huynh: PhD
14. Nguyễn Xuân Phúc: BS
15. Nguyễn Thị Kim Ngân: MS
16. Nguyễn Thiện Nhân: PhD
Nguyễn Văn Tuấn 
  Theo FB Nguyễn Văn Tuấn

Có chăng một Nhà thơ Hồ Xuân Hương ?!

Đoàn Hữu Hậu

Trong làng thơ Nôm đã thể hiện bấy lâu những bài thơ tinh tế và sống động của một tác giả mà nhiều người vẫn gọi là : Bà Hồ Xuân Hương. Sự thật thì tiểu sử của tác giả vẫn chưa đủ căn cứ để thoả mãn chúng ta về sự hiện diện của người. Thơ nằm sờ sờ ra đấy mà tác giả là ai?

Ta hãy nghe Dương Quảng Hàm giải bày trong Littérature Annamite: “ …Bà là con gái ông Hồ Phi Diễn, người làng Quỳnh Đôi, huyện Huỳnh Lưu, xứ Nghệ An. Nhân ông Diễn dạy học ở Hải Dương. Lấy người thiếp ở đấy sinh ra bà…” Có đúng vậy không? Nhiều sách viết khác nhau, nhiều giai thoại khác nhau về bà.

Thân thế của bà không có sách nào chép rõ. Người ta chỉ xét thơ của bà mà biết được đại khái. Phần đông người ta tin rằng tiểu sử bà như thế này: Bà ở về đời Lê mạc, Nguyễn Sơ. Cha mất sớm, mẹ cho đi học. Học giỏi, thường lấy các văn thơ thử tài các văn nhân thi sĩ thời bấy giờ. Có lẽ vì sự thách thức kén chọn ấy, nên duyên phận long đong. Sau bà lấy lẽ một ông Thủ khoa làm quan đến Tri Phủ Vĩnh Tường ( Vĩnh Yên). Nhưng được ít lâu thì ông Phủ mất ( Khóc ông Phủ Vĩnh Tường) Sau vì gia cảnh nên lấy người cai Tổng, tục danh là Cóc. Không bao lâu ông Tổng cũng chết ( Khóc ông Tổng Cốc). Từ bấy giờ hình như bà chán nản nỗi số phận hẩm hiu nên thường đi chơi các nơi thắng cảnh và ngâm vịnh thơ ca để khuây khỏa nổi buồn. Có lần hình như bà cũng muốn đi tu, nhưng một người tài tình như bà không thể giam mình chốn thâm sơn cùng cốc nên bà lại thôi. Trong Việt Nam văn học sử yếu có viết: “ Bà sinh vào khoảng Lê mạt cùng thời với Phạm Đình Hồ tức Chiêu Hổ ( 1768 – 1839)…”

Chúng ta thấy về bà Hồ Xuân Hương vẫn còn mơ hồ. Không ai khẳng định rõ ràng, mà chỉ xét thơ văn mà viết đại khái, với những từ nghi vấn“ có lẽ” “hình như”…Điều nầy khiến chúng ta không thể quả quyết rằng Hồ Xuân Hương có một cuộc đời như thế.

Trong Nam Thi Hợp Tuyển tác giả Nguyễn văn Ngọc viết rằng : “ Nàng sinh vào đầu nhà Nguyễn không chắc rõ quê quán ở đâu? Có kẻ truyền tụng rằng nàng gốc tích ở Nghệ An…” Đã không chắc rõ mà lại còn nghe theo lời truyền tụng thì làm sao tránh được những sai lạc?!

Tiếp sau là những giai thoại: “…Nàng định kén chồng, nhân gặp khoa thi, nàng mở một ngôi hàng nước để tiếp các danh sĩ vào làm thơ, người nào “trúng tuyển” thì mới chịu kết hôn. Nhiều người làm thơ đều thất bại cả. Sau kỳ thi, người đỗ Thủ khoa, đi cùng người em trai xin được vịnh thơ nàng,. Nàng ra đề là Thạch Liên Thiên. Ong Thủ khoa ngậm bút hồi lâu nmới viết được bốn chữ “ Tiên thạch nguyên lai” rồi lại ngẫm nghĩ mãi không ra được chữ gì nữa. Nàng sai thị tỳ ra bảo: “ Không làm được thì về sao lại cứ ngồi ngậm bút mãi” Ong Thủ khoa nghe nói chết cứng cả người…Nghe đâu chính ông nầy sau làm Tri Phủ Vĩnh Tường, tên gì không rõ” (?!)

Một người đàn bà,có can đảm mở ngôi hàng để kén chồng thì không phải là tay vừa. Về tài của bà thì không thấy nói tới, chẳng lẽ bà lại làm toàn những bài “thơ tục” hiện đang truyền tụng hay sao? Còn về sắc thì cụ Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến tả trong Giai Nhân Dị Mặc như sau: “ Hồ Xuân Hương mặt hơi rỗ hoa, da hơi ngâm đen, không đẹp mà có duyên thầm… có thiên tài lại giàu tình cảm…” Không hiểu cụ căn cứ vào đâu để tả thực như thế? Có điều như thế nghĩa là không đẹp? Mà xấu thì câu chuyện cụ Nguyễn văn Ngọc đã kể trên cũng vô lý nốt.

Xem đó, tiểu sử tác giả, những tài liệu lờ mờ trên không đủ để minh xác sự hiện diện của một người đàn bà tên thật là Hồ Xuân Hương.

Thế nhưng, trong khi tiểu sử chưa xác định, nhiều học giả chủ quan đã vội vàng bình luận với thiên kiến của mình. Chẳng hạn như ông Nguyễn văn Hanh người đầu tiên áp dụng phương pháp bệnh lý vào việc khảo cứu văn học, khi đọc qua thuyết Tâm phân học của Freud, ông viết: “ Người ta ai cũng có sẳn tình dục. Nếu để tự nhiên theo sự nảy nở của cơ thể thì không sau, nhược bằng vì một lý do nào đó mà phải kiềm chế, thì có thể xảy ra bệnh lý gọi là “ẩn ức tình dục”, khiến con bệnh sinh ra những ý nghĩ, ngôn ngữ, hành động đặc dục tình…” Rồi khi đọc những giòng tả Hồ Xuân Hương: “….Mặt hơi rỗ hoa,da ngăm đen, không đẹp mà có duyên thầm…”thì ông vội tin ngay là người con gái kia vốn đa tình nhưng vì kém sắc nên không được chuộng đến phải ẩn ức mà phát ra cái loại thơ kinh khủng “đặc dục tình kia” (?!) Đó là giải thìch về nguồn gốc, còn về công dụng thì học giả Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm căn cứ vào vào lời thơ có vẻ “đàn bà” và dựa trên lập trường đấu tranh giai cấp, ông đã khoát cho thi sĩ một chiếc áo cách mệnh. Ong cho rằng thơ Hồ Xuân Hương là lợi khí của phụ nữ chống chế độ phong kiến, chống nam quyền. Đàn bà chống đàn ông thống trị và áp bức. Khẩu hiệu nghe thì hay lắm. Nhưng bà chống ở điểm nào? Chống ở chổ Nho giáo phong kiến bắt người ta phải cưới xin hẳn hoi rồi hãy có chửa. Thật là vô lý. Cái vô lý đó bị nhân dân xỉ vả:

“ Không chồng mà chửa mới ngoan
Có chồng mà chửa thế gian sự thường”

Cái sự thường đó đã thể hiện qua bài thơ:

Cả nể cho nên sự dỡ dang
Nỗi niềm chàng có biết hay chăng?
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc?
Phận liễu sao đà nảy nét ngang.
Cái tội trăm năm chàng chịu cả.
Mảnh tình một khối thiếp xin mang!
Quản bao miệng thề lời chênh lệch
Những kẻ không mà có, mới ngoan”
(Chửa hoang)

Hồ xuân Hương cách mệnh, Hồ Xuân Hương cải tạo xã hội, Hồ Xuân Hương chống nam quyền bằng cách cổ động cái hành vi sinh lý lên trên đạo lý. Không biết con đường cách mệnh ấy sẽ đưa nhân loại tới đâu?

Tóm lại, một khi tài liệu chưa đầu đủ để minh xác cuộc đời của tác giả, thái độ cần thiết là nên sưu cứu để chứng minh hay phủ nhận chứ không thể căn cứ vào thơ văn để tô son điểm phấn hay lợi dụng.

*
Phải nhìn nhận rằng “thơ Hồ Xuân Hương” hiển hiện như một hào quang trong bóng tối đọa đày của một nền văn học ngoại dịch. Không ai chối cãi về sự sự hiện diện của loại thơ đã được hầu hết các giới hoan nghênh và suy tụng. Thơ Hồ Xuân Hương nằm ngang ra đó. Nhưng ai là tác giả? Ai đã phóng “ám khí” vào văn học?

Rất có thể đó là “Nho sĩ”. Nghĩa là đàn ông làm ra chứ không phải là của một bà tên gọi là Hồ Huân Hương, dù là bà đó ẩn ức tình dục, bị ám ảnh bởi cái giống, hay cách mệnh cũng thế.

CHỨNG CỨ: VỀ PHƯƠNG DIỆN TÂM LÝ, TA TÌM GẶP LÒNG TỰ TÔN VÁ TÍNH XỎ XIÊNG CỦA NHO SĨ ĐỐI VỚI PHỤ NỮ.

Trong Việt Sử và khẩu truyền, các công nghiệp của nam giới thường được các cụ tô điểm bằng những nét thật hùng tráng và anh dũng. Nhưng khi viết về phụ nữ thì có ý xem nhẹ hơn, thiên kiến vai trò phụ nữ. Đại Nam quốc sử diễn ca đã chép nguyên do cuộc khởi nghĩa của bà Trưng:

“ Bà Trưng quê ở Phong Châu
Giận người tàn bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…”

Trưng Vương vì thù chồng mà đứng lên…Chứ không phải vì yêu nước, thương non… Đến như bà Triệu Ẩu các cụ viết đau lòng hơn. Khi Tướng Ngô là Lục Dận mang quân dày xéo non sông, không có lấy một người đàn ông lo việc đối kháng, để cho nhi nữ phải ra tay. Vị nữ anh hùng đem thắng lợi cho nước nhà đã được các cụ ghi vào lịch sử với một chi tiết tiếu lâm: “ Bà vú dài ba thước” ! Thêm vào đó cái chết của bà không kém phần bi thảm, nhục nhã. Số là Lục Dận bị thua mãi cho điều tra cái danh Triệu Trinh Nương ( người con gái trong trắng họ Triệu) và thiết kế cho ba trăm tên quân loã thể ra trận. Thoạt trông thấy cảnh nhơ bẩn, bà bưng mặt chạy dài, và rút gươm tự vận. Vị nữ tướng bách chiến giai thành, lại thảm bại trong trường hợp dễ dàng và đơn giản như thế?! Không tin được. Rỏ ràng có sự xuyên tạc của người chép sử.

Đấy là lịch sử về Nữ Tướng, còn trong văn chương?

Vua Quang Trung và Ngọc hân
Ai đọc qua bài thơ Tự thán của Ngọc Hân Công chúa em vua Chiêu Thống, vợ vua Quang Trung, đều kính phục lòng thâm thiết của nữ thi sĩ. Trang quốc sắc ấy vâng mệnh Phụ hoàng là vua Cảnh Hưng kết duyên cùng với Bắc Bình Vưong Nguyễn Huệ khi ngài ra bắc diệt Trịnh phù Lê. Khi vua Quang Trung băng hà, Gia Long đoạt lấy cơ đồ Tây Sơn. Việc đầu tiên của Gia Long là trị tội bọn” Ngụy triều”, đào mã Quang Trung lấy sọ xiềng xích đem giam vào ngục tối, lại dùng thốc độc giết chết ba con nhỏ của Công chúa với Quang Trung. Lúc bấy giờ Công chúa cải trang làm thường dân trốn vào Quảng nam, để không gặp mặt kẻ giết chồng hại nước.

“ Trằn trọc suốt đêm sâu ngày tối
Biết cùng ai dập nỗi bi thương
Trông mong luống những mơ màng
Mơ hồ bằng mộng bàng hoàng như say
Khi trận gió hoa bay thấp thoáng
Ngỡ hương trời bãng lãng còn đâu
Vội vàng sửa áolên chầu
Thươngôi quạnh quẻ trược lầu nhện giăng
Khi bóng trăng là inlấp lánh
Ngỡ tàn vàng nhớ cảnh ngự chơi
Vội vàng dạo bước tới nơi
Thương ôi, vắng vẽ giữa trời tuyết sa…”

Một mối tình tha thiết như vậy mà từ lâu, sử cũ vẫn chép là bà đã kết duyên với vua Gia Long sau khi y đã quật mộ chồng và giết hết con mình. Sự ám muội đó phải đợi tới năm 1949 mới được Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm cải chính trong “Văn học Tây Sơn”. Đó là những chứng cứ rõ ràng trong lịch sử. Nó biểu hiện khuynh hướng trọng nam khinh nữ của các cụ thời ấy.

Trong giới văn học ta có được bao nhiêu văn nhân khả dĩ dám so với bà Đoàn Thị Điểm? Ngay như tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn cũng không được phổ biến bằng bản dịch của nữ sĩ HồngHà. Tác phẩm dịch không cô động được cả một vươn lên của văn nôm toàn thịnh mà cuộc đời dịch giả cũng biểu lộ một nếp sống tài đức kiêm toàn. Thế mà vị nữ sĩ đó lại được ghép đi đôi với Trạng Quỳnh, tên Nho sĩ vô hạnh,phản ảnh tinh thần phóng túng, vô đạo của các cụ. Ví dụ vài chi tiết: Một hôm bà Điểm tắm, Trạng Quỳnh đòi vào bà ra câu đối khi nàoTrạng đối được thì cho vào : “ da trắng vỗ bì bạch”. Trạng không đối được bỏ đi. Lần khác,vua tiếp sứ tàu. Vì muốn bịp sứ giả,Vua sai Trạng giả làm lái đò và bà Điểm làm cô hàng nước. Chuyện Sứ tàu địt rồi nói… lái đò đái xuống sông, rồi nói… giữa sứ tàu và Trạng Quỳnh chắc ai cũng biết. Khi vào quán, thấy đôi mắt cô hàng đong đưa, tình tứ, có ý lả lơi, Sứ tàu ghét ra câu đối: “An nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh” bà Điểm liền đối ngay : “Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất” Sứ tàu sợ quá, cho rằng tên lái đò, cô hàng nước còn giỏi như thế, đến bọn nho sĩ còn giỏi tới đâu! Trước đây, đọc truyện trên, tôi phục về tài mẫn tiệp của bà Đoàn thị Điểm hết sức. Nhưng bây giờ nghỉ lại mới ngán cái lối xỏ ngọt đàn bà của các cụ. Mỗi khi đọc những câu:

“ Hoa giải nguyệt, nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng
Trước hoa, dưới nguyệt trong lòng xiết đau”

Ta vẫn thấy lời thơ tình tứ thật, nhưng đâu đến nổi “ đong đưa, lả lơi” như khi tiếp Sứ Tàu!

Xem đó ta thấy các cụ đã tự tô vẽ với những nét thật tươi và kể chuyện đàn bà với những lời thật ác. Từ đó mà suy, ta có thể nghĩ rằng trong khi các cụ cố thiên về lý trí ( tư vô tà) cố không nghĩ tới điều xằng bậy, thì tình cảm và bản năng đã khiến hiện ra loại thơ tục, và vì sợ mang tiếng tiểu nhân, các cụ gán luôn cho đàn bà với cái biệt hiệu là Hồ Xuân Hương. Vậy Hồ Xuân Hương là tên một loại thơ, thể thì rất luật mà hơi thì rất ca dao, chứ vị tất là tên của người đàn bà?!...

MỘT CHỨNG CỨ THỨ HAI NỮA LÀ CÁC NHO SĨ THƯỜNG TRỌNG HÁN MÀ KHINH NÔM MỘT CÁCH QUÁ ĐÁNG

Trong khi khảo cứu văn học Việt Nam, một vị linh mục người ngoại quốc có phát biểu: “ Văn học Việt Nam mà bỏ hết phần Hán văn thì thật không còn gì nữa” Đứng trên địa vị một người ngoài, vị linh mục kia đã cho ta thấy một nhận xét tuy quá đáng nhưng không phải là hoàn toàn vô lý. Nếu ngày trước những học giả yêu tiếng Việt vào thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ - Hà Nội hay Quốc Tử Giám - Huế để tìm tài liệu thì hẳn đều nhận thấy những tác phẩm nôm rất lơ thơ và vô căn cứ. Ngày xưa , bao nhiêu tâm lực của các ccụ đều phóng cả vào việc từ chương khoa cử, nếu không thì cũng dồn toàn lực vào sáng tác bằng chữ Hán. Văn Nôm chỉ là một lối chơi trong lúc trà dư tửu hậu. Trong lịch sử chỉ có hai triều đại văn nôm được trọng dụng là đời Hồ Quý Ly và Quang Trung, nhưng tiếc cả hai triều đại trên đều quá ngắn ngủi, cho nên việc phổ biến cũng chỉ le lói rồi tắt phụt.

Mang danh “ nôm na là cha mách qué” các cụ không bỏ được mặc cảm khinh rẽ chữ nôm. Đã không ưa thì dù có sự thúc giục của bản năng dân tộc, các cụ có làm ra thì cũng chối bỏ. Không mấy khi tên tác giả được ghi theo tác phẩm, cho nên có việc sách ghi “ Nôm khuyết danh” .Và xảy ra cái việc thường xuyên là “ tam sao thất bổn” đem râu ông nọ cắm càm bà kia. Mãi cho tới cuộc quật khởi năm 1789 của Quang Trung văn nôm mới khá được để ý và bộc phát chói lọi trong thời Nguyễn sơ cho tới ngày nay.

Xét đó mà biết, vậy thì cái loại thơ “tục tĩu” của Hồ Xuân Hương, hay thì hay thật nhưng thử hỏi Nho sĩ có dám đặt tên mình vào đó chăng? Đã chối bỏ, đã lợi dụng đề tài và địa vị của đàn bà để sáng tác cho dễ, thì Nho sĩ còn ngại ngùng gì mà không đặt cho loại thơ ấy một tên hiệu có vẽ đàn bà là Hồ Xuân Hương?!.

CÁI CHỨNG CƠ THỨ BA ĐỂ TRẢ LẠI LOẠI THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG CHO NHO SĨ LÀ SỨC ĐÀN ÁP CỦA LUÂN LÝ NHO GIÁO

Tâm hồn cá nhân được xây dựng trên 3 yếu tố căn bản : bản năng, tình cảm và lý trí. Đạo Nho lấy lý trí vụ luân lý ( Trai : tam cương, ngũ thường, Gái: tam tòng , tứ đức) để chế ngự bản năng và hướng dẫn tình cảm cho hợp với đạo thánh hiền. Ai theo lý trí Nho giáo là quân tử, ai theo bản năng, tình cảm là tiểu nhân. Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói trung thành của tình cảm dồi dào của dục vọng sôi nổi, xây dựng trên một đề tài nhất trí là sinh lý, cái phần mà Nho sĩ cho là tệ hơn cả trong dục vọng loài người. Đã thế bản năng và tình cảm là hai “thằng giặc” khó trị, thường hay xuất phát bất ngờ. Chiến thắng nghìn vạn quân địch dễ, tự thắng ta mới khó. Thế nên trong một phút xiềng xích lý trí Nho giáo lỏng lẽo, tình năng đã hiển hiện ra huy hoàng trong loại thơ kia. Sực tỉnh cơn mê thì sự đã rồi, Nho sĩ liền chối bỏ vì không muốn tiểu nhân, vì rằng:

“Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân cũng muốn trèo”

Sống theo tình cảm bản năng là sống theo tự nhiên, sống theo luân lý là sống theo khuôn khổ. Tất nhiên không chịu sự thái quá nào đó của tâm hồn. Thiết nghỉ ba chứng cứ trên cũng đủ cho ai tin tưởng về chủ nhân của loại thơ Hồ Xuân Hương. Nhưng ở đây một vấn đề khác được đặt ra là: Tác giả loại thơ nầy là một hay nhiều người?

Đã là một loại thơ thì phải là của nhiều người. Nhưng có một điều lạ, là tính cách nhất trí về đề tài khiến ta lại có ảo tưởng là sản phẩm của một cá nhân, một Nho sĩ nào đó. Thơ Hồ Xuâ Hương có loại tự tình khóc than vì thiếu chăn gối; loại xã hội chế diễu là những kẻ ngứa nghề, những tay đạo đức giả không dám để sinh lý trên luân lý;loại hoạt cảnh tả thú vui vật chất,loại tĩnh vật và loại phong cảnh thì chuyên tả cái hình ảnh “kín đáo” của phụ nữ. Dù đề tài có khác từ một vật vô tri giác như “ cái quạt” cho tới phong cảnh như “ Đèo ba dội” ý tưởng trong thơ đều biến hoá, thoát hình để trở về với đề tài vô trung sinh thữ mà thôi. Thế nhưng lý lẽ nầy không vững khi ta đọc bài Vịnh cánh hoa đào sau đây:
“ Trời đẻ trời muông trời phải dạy
Dẫu rằng bé bỏng khéo kiêng khem
Trải bao đêm vắng cùng mưa móc
Vẫn một màu son với chị em
Cười trận gió đông hăng hái thổi
Thương con bướm trắng phất phơ thèm
Xin ai thương đến đừng ham mó
Hể mó tay vào ố nhọ nhem”
Giọng thơ đặt Hồ Xuân Hương nầy chính là của Tản Đà. Đấy, sau bao nhiêu năm, một nhà nho thất thế còn làm được bài thơ trên, thử hỏi ngày trước trong không khí ngột ngạt của Nho giáo thì sao? Có người nói: “ Thơ Hồ Xuân Hương là sản phẩm thời Lê mạt, pản ảnh thời đại cực loạn trong lịch sử Việt Nam. Chính trị thối nát, đất nước bị xé ra dưới bàn tay của các lãnh chúa: Trịnh, Nguyễn, Mạc, Tây Sơn , Lê, Trương Phúc Loan, Kiêu binh…Cả một hệ thống tổ chức xã hội cũ đão lộn, trí thức lẫn nho sĩ phân tán tinh thần, xu hướng đến cực độ. Chính hoàn cảnh trên đã đã đẻ ra loại thơ “ quỹ quái” đó”

Vâng cũng đúng một phần. Nhưng chúng ta đừng quên rằng: “ Với thần trí và hồn tính vững vàng dân tộc Việt đã trào phúng thường xuyên, bất chấp thời loạn, hay thời bình ” Hãy đọc vài vế trong bài “ Ngã Ba hạc phú” của Nho sĩ Nguyễn Bá Lân ( 1701 – 1785)

“ Vui thay Ngã ba hạc vui thay! Ngã ba hạc
Dưới họp một giòng trên chia ba ngác
Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp; dòng biếc lẫn dồi dào
Lênh láng dễ biết nông sâu; nước đen pha nước bạc
…Ba góc bờ chia vành vạch, huyệt kim quy hẻm đá rộng hông hênh

Hai bờ cỏ mọc lâm râm, hang Anh vũ giữa giòng huyếch hoác

Mọi thú mọi vui, mỗi chiều một khác
Lơ thơ đầu ông Lã thả cần, trần trụi mặc Chữ Đồng ngâm nước
Bè khách thương hạ bến, cắm neo quỳ gối lắc cày xuôi

Thuyền ngư phủ thuận giòng, giương nách khom lưng chèo tếch ngược

Dùi điểm thùng thùng trống gọi, cửa tuần rộn rã khách chen vai; chày đâm văng vẳng chuông đưa, nền phật tự lao xao người rén bước…

Ai hữu tình ngắm lại mà coi; kể làm cực nhân gian chi khoái lạc.

*

Duyệt qua những hoài nghi, những chứng cớ, những lý do trên, mục đích chúng tôi không gì hơn là kêu gọi các học giả uyên thâm xúc tiến việc minh định văn học cho hoàn bị và đặt ra những giả thuyết trên cũng để mong được xét lại, riêng cho Hồ Xuân Hương và chung cho cảVăn học sử Việt Nam./.

© Đoàn Hữu Hậu

Đoàn Hữu Hậu,

Đoàn Hữu Hậu
Là nhà văn, nhà báo được đào tạo tại Phân viện Báo chí và Tuyên truyền TP Hồ Chí Minh, hiện đang sống và làm việc tại Rạch Giá - Kiên Giang, Việt Nam....