Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Dân biểu tình, tòa hủy phiên xét xử ông Thào Quán Mua theo điều 258 BLHS vào phút cuối

Giữa người với người

(TNO) Đêm đó tôi cùng một đồng nghiệp theo các anh công an phường X đi bắt gái mại dâm. Mặc đồ dân sự, đi xe máy, mang theo còng, thẻ ngành và súng, các anh chở chúng tôi ngồi sau, lượn ra các ngã tư nơi gái mại dâm thường đứng chờ khách.

Gái mại dâm “di động” tại TP.HCM - Ảnh: Nghĩa Phạm

Có em vừa cất tiếng hỏi "Đi hông anh" là bị vài cảnh sát chụp còng tay lôi lên xe liền, nhưng cũng có em vừa nhìn thấy mấy chiếc xe máy trờ tới đã vụt phóng chạy. Chạy sao nổi với đôi giày cao gót, các em té sấp ra đường, tấm thân mỏng mảnh bị mấy thanh niên lao tới đè dí, cảnh tượng thật thảm hại. Người đi đường thoạt nhìn chẳng thể biết vì sao các em lật đật phóng chạy, và cái đám thanh niên đang không phi xe máy xuống rượt người ta rồi đè sấp ra còng chặt tay lôi lên xe máy chở đi...  là những ai, đang làm cái gì.

Về đồn. Hôm đó bắt được khá nhiều nhưng tôi nhớ nhất một em khai 16 tuổi, phổng phao, xinh đẹp, quê ở Đồng Nai, trốn nhà đi bụi và một thiếu phụ khoảng 45 tuổi, người đầy đặn, nét mặt hiền hậu. Đó cũng là lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến một buổi lấy cung trong nhục hình của công an phường X.

Các công an lấy cung bắt em gái chụm tay đặt phần ngón lên bàn. Rút thắt lưng, chập đôi lại, vừa hỏi gằn từng câu vừa quật thẳng cánh xuống các đầu móng tay sơn đỏ. Chỉ chốc lát, nước mắt cô gái giàn giụa lem luốc hết khuôn mặt phấn son, tóc rũ ra, người giật lên sau mỗi lần chiếc thắt lưng quật xuống.

Còn thiếu phụ nọ không ngồi trên ghế mà ôm đầu ngồi dí xuống sàn. Người hỏi cung rất thành thạo túm từng nhúm tóc bên thái dương chị ta giật mạnh. Không khai. Anh ta thẳng chân đá mạnh vào hạ bộ chị nọ.  Hết cú này đến cú khác. Mỗi cú đá, chị ta gập mình lại rên rỉ, nước mắt lấp lánh trên mặt.

Tôi run hết cả người, quên hết mình đang ở đâu, quên hết mình đang làm gì. Đang đứng trong một nhóm công an bên ngoài, tôi nhao lên. Thì người đồng nghiệp tôi giữ chặt lại và nói thầm: "Đừng". Tôi cảm thấy ruột gan trào ra ngoài. Tôi cảm thấy muốn nôn ọe.

Lát sau, anh đội trưởng mời tôi ra uống trà. Anh xin lỗi tôi, hỏi tôi có làm sao không, rồi giải thích: "Không làm thế, những người này không khai ra bọn tú bà. Họ bị bắt rất nhiều lần rồi, đưa lên trại hết thời hạn lại quay về, ra đường đứng tiếp. Nhiều khi cứ vài tháng lại bắt lên trại một lần. Công an đi bắt quá nhiều lần, quen mặt hết trơn, biết cả gia cảnh. Nhưng nếu không khui ra được đường dây (đường dây tổ chức bán dâm - NV) thì dù biết rõ ràng (họ được chăn dắt) cũng không thể làm gì hơn. Bắt vô trung tâm một tuần, có người lên bảo lãnh là nó được ra. Như con nhỏ này. Đi đứng đường tiếp, có lúc thấy anh em còn cười. Anh em cảm thấy công việc của mình như bắt cóc bỏ dĩa, hết sức mệt mỏi. Nhưng không làm thì không được".

Đêm đó anh chở tôi đi lòng vòng những con đường trên địa bàn quận 3 mà gái mại dâm hay đứng, chỉ từng người nói vanh vách họ tên gì, bao nhiêu tuổi, đã bị bắt bao nhiêu lần. Tôi hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy những phụ nữ mặc áo bà ba, quần đen, tóc đen mượt búi một búi to sau gáy, xách cái giỏ nhựa đi chợ, nhìn đoan trang như bà nội trợ của một gia đình khá giả nền nếp, mà lại có tuổi nghề bán dâm dài thượt. Lại có cả bà cụ trên 70 tuổi bị bắt bao nhiêu lần vẫn quay lại "hành nghề". Riết chán, công an làm lơ, không thèm bắt bà nữa.

Có một thứ cảm xúc có thật gọi là "chai lì" trong nghề nghiệp, mà nghề nghiệp nào hình như cũng vậy. Khi suốt nhiều năm phải đi bắt các phụ nữ bán dâm và phá các đường dây bán dâm, mà là bắt đi bắt lại, phá đi phá lại, thì trong con mắt các anh công an, những cô gái điếm thậm chí không được coi là những con người bình thường chứ đừng nói đến việc như những phụ nữ. Hoặc những phụ nữ trẻ. Hoặc những phụ nữ trẻ và đẹp.

Vì thế, mặc dù khêu gợi, mặc dù là phụ nữ, mặc dù trẻ và đẹp, nhưng các cô gái bán dâm lúc này tuyệt nhiên không gây được cảm xúc nhân tính nào với các anh công an, ngoài việc chỉ là những đối tượng của công việc. Mà hơn nữa, đó là những đối tượng ranh ma, lì lợm, khiến các anh tốn thời gian, tốn công sức nhưng vô vọng. Sự "cứng đầu" của những kẻ phạm tội cộng với sự rối rắm và thiếu hiệu quả của pháp luật khiến các anh công an trút nỗi tức giận, sự bất lực và mệt mỏi từ công việc vào những cú đấm đạp. Không còn người phạm tội mà chỉ là bằng chứng của sự khinh thị hiển nhiên. Không còn vị đại diện của pháp luật mà là một cỗ máy mù mắt đang gầm thét.

Tôi nghĩ nó như một sự "giận cá chém thớt", xả stress một cách vô thức.

Khoảng 2 giờ đêm, cuối cùng, khi kết thúc màn nhục hình và lấy cung, hoàn tất biên bản, chúng tôi áp giải các cô gái bán dâm lên trung tâm (trung tâm giáo dục - dạy nghề phụ nữ, các cô gái mại dâm được đưa vào đây để học nghề) ở Thủ Đức. Trên xe, hầu hết thời gian chúng tôi im lặng. Ra khỏi nội thành, cả công an và các cô gái mại dâm hình như đều trở thành những người khác. Đôi mắt quắc lên hung hãn, đôi tay từng chập đôi chiếc thắt lưng quật không thương tiếc vào những ngón tay con gái để móng dài sơn đỏ...  không còn. Các anh công an tháo mũ, vuốt mái tóc đẫm mồ hôi ra dưới làn gió đêm, kéo chiếc áo sắc phục ra khỏi thắt lưng một chút, ngả người trên lưng ghế. Các cô gái nhạt hết son phấn và vẻ đong đưa bán chác, tóc xổ ra được quấn gọn sau gáy, ngồi kẹp hai tay vào đùi, bỗng chân chất như con Nụ cái Thắm dưới quê, thời chưa trôi sông lạc chợ. Và đó là lúc thỉnh thoảng vài câu hỏi phá tan bầu không khí im lặng.

Anh công an hỏi, bé X (con của cô gái điếm) giờ gởi ai (mẹ nó phải vào trại một thời gian). Cô gái điếm đáp chắc nhỏ bạn coi giùm. Anh công an nói gởi nó về ông bà ngoại đi, nó lớn rồi, phải lo đi học. Cô gái điếm im lặng. Lát sau cô chắc lưỡi nói, chắc kỳ này em cũng phải tính vậy.

Vài hơi thở dài.

Chỉ có vậy.

Không một câu nào khuyên nên hoàn lương, nên học lấy nghề nghiệp nào đó, cũng không hề có câu nào kiểu thôi cố gắng cải tạo tốt nhé, chóng trở thành công dân lương thiện...

Và tôi nghĩ những mẩu đối thoại đó mới chính là đối thoại giữa người với người.
Hoàng Xuân
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là người viết báo tự do đang sống tại TP.HCM.
(Thanh niên) 

Blogger Hà Nội biểu tình trước Bộ Công An đòi trả tự do cho Bùi Thị Minh Hằng

Theo tin từ blog Lê Thị Phương Anh, chiều ngày hôm nay, 18/3/2014, các blogger và nhà hoạt động xã hội tại Hà Nội đã cùng con trai và con gái bà Bùi Thị Minh Hằng, là Trần Bùi Trung và Đặng Thị Quỳnh Anh, tới trước cửa Bộ Công An biểu tình phản đối hành vi bắt giữ người trái phép của công an huyện Lấp Vò.

Bà Bùi Thị Minh Hằng cùng 20 người bạn khác đã bị đánh đập và tạm giữ tại Lấp Vò hôm 21/2, khi đang trên đường tới hỗ trợ một nhà hoạt động nhân quyền khác, và là một cựu tù nhân lương tâm, ông Nguyễn Bắc Truyển, và vợ chưa cưới ở tỉnh Đồng Tháp, cả hai người này đã bị lực lượng công an gây khó dễ từ 9/2/2014. Một ngày sau đó, 18 người trong nhóm đã được trả tự do, chỉ còn 3 người trong đó có bà Bùi Hằng bị giam giữ cho tới nay. Đến nay đã quá hạn tạm giữ 9 ngày như theo Luật Tố Tụng Hình Sự, và luật sư cùng gia đình không được tiếp xúc với bà kể từ lúc bị bắt giữ, một điều hết sức vô lý khi tội danh nguời ta gán cho bà là điều 245 Bộ Luật Hình Sự: "Gây rối trật tự công cộng", một điều luật không quá nghiêm trọng để phải giam giữ và điều tra lâu như vậy.

Được biết bà Bùi Hằng đã tuyệt thực trong tù từ ngày bị bắt, sức khỏe hiện nay không biết ra sao. Cả 18 người được thả ra trước đó sẵn sàng làm chứng trước tòa về việc cơ quan công an là người gây rối trật tự công cộng khi chặn xe, đánh và bắt giữ người một cách trái pháp luật.

Bà Bùi Hằng là một nhà hoạt động nhân quyền làm việc không mệt mỏi vì các nạn nhân của những vụ cưỡng chế đất đai, hay “dân oan”. Bản thân bà cũng là một dân oan ở Việt Nam. Bà đã cổ vũ cho các dân oan cũng như đã tham gia các hoạt động thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, và tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam.

Được biết anh Trần Bùi Trung đến Bộ Công An để nộp đơn khiếu kiện công an huyện Lấp Vò bắt giam người trái phép, và 5 bà con Phật giáo Hòa Hảo khác cũng đâm đơn kiện việc công an huyện Lấp Vò đã mớm, ép cung họ bắt khai Bùi Hằng đứng đầu vụ Lấp Vò và khai Bùi Hằng chống người thi hành công vụ. 

1979260_240938499445659_1177167041_o.jpg
1618021_240938479445661_419569008_o.jpg
1911096_240938536112322_1428425468_o.jpg
1980331_240938589445650_1855577822_o.jpg
(Dân luận) 

Dân biểu tình, tòa hủy phiên xét xử ông Thào Quán Mua theo điều 258 BLHS vào phút cuối

Hôm nay, 18/03/2014, tòa án huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang dự định xét xử ông Thào Quán Mua (dân tộc H'Mong) theo điều 258 Bộ Luật Hình sự.

Được biết, trước đó, ngày 14/03, ông Hoàng Văn Sang đã bị tòa án này kết án 18 tháng tù, cũng theo điều 258 BLHS.

Theo lịch ngày 20 tháng 3 sẽ xét xử ông Lý văn Dinh và Dương Văn Tu.

Tuy nhiên, vào hồi 07h sáng nay, từ 4 tỉnh phía Bắc, hàng trăm đồng bào dân tộc H'Mong đã kéo về tòa án huyện Yên Sơn, Tuyên Quang để phản đối phiên tòa phi pháp này. Đồng bào đã đi thành một đoàn người dài, căng biểu ngữ đòi trả tự do cho ông Thào Quán Mua.

Ngay sau đó, vì lý do "đau bụng" đột xuất của Thẩm phán phiên tòa, phiên tòa đã được hoãn lại. Dự kiến lịch xét xử mới sẽ là ngày 27/03/2014.

Đây là một số hình ảnh của bà con H'Mong được lấy từ fb Sinh Ma Van. Chúng ta có thể nhìn thấy được sức mạnh của tập thể, sự đồng lòng vì đồng bào mình ở trong đó.

524532_612597225461964_1381642133_n.jpg
1017153_612597228795297_241351793_n.jpg
1465383_612597258795294_1234695897_n.jpg
1511457_612597318795288_1940322348_n.jpg
1911096_240938536112322_1428425468_o_0.jpg
1972254_612597178795302_1491323034_n.jpg

(Dân luận)

Một năm cầm quyền của Tập Cận Bình

tapcanbinh11
Tập Cận Bình hiện có quyền lực tuyệt đối ở Trung Quốc?

Chuyến thăm Viện dưỡng lão Tứ Quý Thanh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 12 lúc đầu chỉ được xem là một chuyến thị sát thường lệ để cánh phóng viên có cơ hội chụp những bức ảnh đẹp.

Trong vòng chưa tới một giờ đồng hồ ở đó, ông Tập đã tham quan phòng đọc sách và phòng ăn trước khi đảo qua phòng văn nghệ để hòa giọng vào điệp khúc của một ca khúc cách mạng.

‘Hiệu ứng Tập Cận Bình’

Nhưng kể từ khi tin tức về chuyến thăm của ông Tập được loan ra thì nhà dưỡng lão này lại trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch.

Trong nhiều tuần, điện thoại ở đây cứ reo liên tục, một nhân viên văn phòng ở đây cho biết, mọi người đều muốn đi lại ‘Tour Tập Cận Bình’.

"Chúng tôi đưa khách tham quan theo hành trình của Tập Chủ tịch," cô cho biết, "Nhiều người yêu cầu đến đúng những căn phòng mà ông đã đến và gặp đúng những người mà ông đã gặp".

Hãy xem đây là hiệu ứng Tập Cận Bình. Khi nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc đến một nơi nào đó thì danh tiếng nơi đó sẽ nổi như cồn.

Gần 7.000 người sẽ đến thăm viện dưỡng lão này trong năm nay, trong khi danh sách chờ đến lượt được giới hạn ở mức 5.000 người.

Sau khi đến thăm viện dưỡng lão này, ông Tập đã dừng chân ở một nhà hàng bánh bao bên đường để ăn một bữa trưa dường như là ngẫu hứng.

Kể từ đó, ‘Suất ăn của Tập Chủ tịch’, bao gồm bánh màn thầu và phá lấu, đã trở thành món bán chạy nhất ở nhà hàng này. Thậm chí một công ty du lịch Bắc Kinh còn đưa nhà hàng này vào danh sách các điểm đến ở Bắc Kinh.

Trước khi ông Tập lên nắm quyền, nhiều người đã nghi ngờ liệu ông có thể lãnh đạo đất nước hiệu quả. Vào lúc đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc dường như bị tê liệt với sự đấu đá nội bộ.

Nhưng điều này không ngăn cản được Tập Cận Bình. Ông lên nắm quyền lãnh đạo tối cao của Đảng một cách thoải mái.

Chỉ trong vòng một năm, ông Tập với sự tự tin của mình đã có những bước dài đáng kinh ngạc. Ông đang ở tuyến đầu của các kế hoạch cải cách kinh tế và xã hội tham vọng nhất của Trung Quốc trong nhiều thập niên.

Trung Quốc cũng có một tầm nhìn mới mà ông Tập gọi là ‘Giấc mơ Trung Hoa’ - nghĩa là người dân Trung Quốc có thể đưa đất nước của mình đến vinh quang nếu họ hòa thành một khối thống nhất.

Một chiến dịch bài trừ lãng phí và quan liêu trở thành tiêu đề chính trên các báo hàng ngày.

Uy quyền tuyệt đối?

tapcanbinh12 Ông Tập được cho là đang chi phối hoàn toàn Thường vụ Bộ Chính trị

Nhưng không phải tất cả những thay đổi mà ông Tập khởi xướng đều tích cực. Kiểm duyệt truyền thông và Internet bị thắt chặt dưới uy quyền của ông, và những cải cách được trông đợi, chẳng hạn như xem xét toàn diện chính sách một con hay việc sử dụng các trại lao cải, dường như vẫn dậm chân tại chỗ.

Chính sách đối ngoại quả quyết của ông Tập đã làm gia tăng sự mất lòng tin với các nước láng giềng, nhất là những nước có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, nỗ lực cải cách là không ngừng nghỉ.

"Ở Trung Quốc, chúng tôi luôn nói rằng một tân lãnh đạo cần làm điều gì đấy khác biệt với người tiền nhiệm để có được sự ủng hộ và lòng tin của công chúng trong năm đầu tiên nắm quyền," nhà nghiên cứu Lý Thành ở Viện Brooking ở Washington nói.

"Và trong đầu ông Tập cũng đã có kế hoạch," ông Lý giải thích. Chỉ trong ba năm nữa, theo quy chế của Đảng thì ba trong số bảy cộng sự thân cận nhất của ông Tập trong Thường vụ Bộ Chính trị phải nghỉ hưu. Do đó, ông Tập cần phải khẩn trương cải cách.

Có thể thấy là ưu tiên số một của ông Tập là củng cố quyền lực.

Trong vòng hai thập kỷ qua, Trung Quốc được điều hành tập thể bởi Thường vụ Bộ Chính trị. Giờ đây, ít ai nghi ngờ rằng ông Tập đã nâng mình lên cao hơn tất cả những người khác như cái cách của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Khi chính quyền Trung Quốc loan báo các cuộc cải cách tại Hội nghị Trung ương 3 hồi tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường được cho là người đóng vai trò chủ chốt trong việc hoạch định cải cách vì theo thông lệ Thủ tướng Trung Quốc phụ trách các vấn đề trong nước - nhất là các chính sách kinh tế.

Thay vào đó, tên của ông Tập Cận Bình xuất hiện liên tục trong bản báo cáo cải cách.

Đáng lưu ý, ông Tập đã đưa mình vào những ủy ban quan trọng mới phụ trách an ninh quốc gia và công cuộc tái cơ cấu. Ba tuần trước, chính quyền cũng loan báo rằng ông Tập sẽ lãnh đạo một ủy ban giám sát Internet.

‘Cùng phe cánh’

tapcanbinh13 Ông Tập đang tìm cách giảm vai trò của Thủ tướng Lý Khắc Cường?

Những vị trí mới này là nỗ lực để củng cố cơ sở quyền lực của ông Tập, ông Bạc Trí Duyệt, một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.

"Điều mà ông ấy làm là mở rộng chiếc bánh quyền lực để ông ấy có nhiều quyền hơn," Tiến sỹ Bạc cho biết, "Ông ấy cho mở những ủy ban mới và tạo ra vị trí mới cho bản thân và do đó ông ấy không ảnh hưởng đến vị trí của người khác".

"Giờ đây ông ấy có nhiều chức danh quan trọng".

Tập Cận Bình có cái lợi là xung quanh ông là những người thuộc cùng phe với ông trong Đảng Cộng sản.

"Tập Cận Bình nắm đa số trong Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo tối cao," ông Lý Thành nói, "Chỉ có Thủ tướng Lý Khắc Cường thuộc về phe phái khác vì ông này là người được cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bảo trợ".

"Tỷ lệ sáu chọi một thật sự đã đảm bảo quyền lực của ông Tập và cho phép ông làm bất cứ điều gì ông muốn".

Tuy nhiên, nguy cơ ở chỗ ông Tập muốn đứng một mình trên đỉnh quyền lực.

"Ông ấy đang mạo hiểm khi muốn làm suy yếu vai trò của Lý Khắc Cường," ông David Zweig, giáo sư về khoa học xã hội ở Đại học Khoa học Kỹ thuật Hong Kong.

"Ông ấy không thể đổ lỗi cho ai cả," ông nói.

Nếu điều đó có thể làm cho ông Tập lo lắng thì nó cũng không ngăn được ông tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt nhằm vào các cán bộ cao cấp.

Cho đến nay, có 40.000 quan chức chính quyền đã bị kỷ luật, 10.000 quan chức khác đã bị cách chức và chính quyền thu hồi được 65 tỷ Mỹ kim.

Nhiều người trong số những quan chức này chỉ là ‘ruồi’ - tức là cán bộ cấp thấp có ít quyền lực, nhưng cũng có một số con ‘hổ’, tức quan chức cấp cao, cũng bị sờ đến. Hiện có tin đồn rằng đối thủ của ông tập, cựu Bí thư Ủy ban Chính pháp Chu Vĩnh Khang, cũng là đối tượng bị điều tra.

‘Bảo vệ tương lai Đảng’

chuvinhkhang01 Chu Vính Khang được cho là đang bị ông Tập cho điều tra

Nỗ sợ bất ổn chính trị đã thúc đẩy công cuộc làm trong sạch Đảng. Tập Cận Bình vừa củng cố quyền lực nhưng cũng vừa bảo vệ cho tương lai của Đảng.

Ông được các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc tin tưởng giao cho nhiệm vụ cứu Đảng, David Zweig giải thích. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang trong tình trạng tham nhũng tràn lan và ông Tập đang đánh cược rủi ro về kinh tế để bài trừ tham nhũng.

"Họ thật sự đang tiến hành chống tham nhũng triệt để với cái giá là ảnh hưởng đến kinh tế. Tăng trưởng GDP sẽ giảm," ông Zweig nói.

"Một trong yếu tố quan trọng góp phần vào chi tiêu ở Trung Quốc mà mọi người thường không tính đến là chi tiêu của chính quyền, bao gồm tiệc tùng, quà cáp và du lịch," ông giải thích.

Nỗi lo sợ về bất ổn của ông Tập cũng giải thích tại sao ông không khoan nhượng trước đối lập chính trị. Trước khi ông lên nắm quyền, nhiều người tự do ở Trung Quốc hy vọng ông sẽ cho phép tranh luận cởi mở hơn vả cho tự do ngôn luận nhiều hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế dường như là ngược lại.

Nhiều nhân vật bất đồng chính kiến đã bị bắt bớ và sách nhiễu. Bà Lưu Hà, vợ của ông Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải Nobel Hòa bình hiện đang bị Trung Quốc cầm tù, vẫn bị chính quyền quản chế tại gia bất chấp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng của bà.

"Họ thật sự đang tiến hành chống tham nhũng triệt để với cái giá là ảnh hưởng đến kinh tế. Tăng trưởng GDP sẽ giảm".

David Zweig, giáo sư về khoa học xã hội ở Đại học Khoa học Kỹ thuật Hong Kong.

Nhà nghiên cứu luật Hứa Chí Vĩnh bị kết án tù bốn năm sau khi yêu cầu quan chức công khai tài sản. Đàn áp tôn giáo vẫn diễn ra khốc liệt ở Tân Cương và Tây Tạng.

Tốc độ mà ông thâu tóm quyền lực và sự thoải mái sử dụng quyền lực của ông có thể bắt nguồn từ gia thế của ông, ông Lý Thành nhận định. Tập Cận Bình thuộc hàng ‘Thái tử Đảng’, con trai của một những nhà sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

"Người thuộc Thái tử Đảng có suy nghĩ rằng họ sở hữu đất nước này," ông Lý nói, "Trong khi cả Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, những người đã lãnh đạo đất nước trong vòng 10 năm trước, có xuất thân bình dân".

Hai ông Hồ và Ôn được xem là ‘quản gia’, trong khi ‘chủ nhân’ của chế độ này sẽ dễ dàng sửa chữa những thiếu sót của nó, cũng theo lời ông Lý Thành. Chẳng hạn họ có quan hệ chặt chẽ với những người điều hành các tập đoàn nhà nước đầy quyền lực của Trung Quốc.

"Do đó họ có thể buộc người của họ từ bỏ một số quyền lực và do đó mở cửa hệ thống kinh tế của Trung Quốc và thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế," ông nói.

Mới đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhân vật số hai của Trung Quốc, đã khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên với bài diễn văn dài hai tiếng đề ra kế hoạch của chính phủ trong năm nay. Sau đó, ông đã chủ trì một buổi họp báo trước hàng trăm nhà báo sau phiên bế mạc Quốc hội.

Nhưng ít người nghi ngờ rằng người đứng trong hậu trường là Chủ tịch Tập Cận Bình. Chỉ trong vòng một năm, ông đã định hình lại cơ cấu chính trị của Trung Quốc, đưa nó trở về với cội rễ cộng sản lúc đầu.

Một lần nữa, chỉ một người ngồi trên đỉnh quyền lực.

Celia Hatton, BBC News, Bắc Kinh
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét