Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Có nên hân hoan trước “Trận pháp Putin”? - Bàng hoàng vì chuyện “chỉ có ở Việt Nam”

Hà Văn Thịnh - Có nên hân hoan trước “Trận pháp Putin”?

Những đảo lộn dữ dội, nhanh chóng và tiềm chứa vô số hệ lụy của “bàn cờ” Crimea – Ukraina trong mấy tuần qua đã và đang đặt sự tiến bộ của nền văn minh hiện đại trước những thách thức nghiêm trọng. Thế nhưng, trong rất nhiều bình luận của báo chí nước ta gần đây, có không ít những bài viết tỏ ra “khách quan” một cách nông nổi khi hân hoan, vui mừng thật sự trước “thắng lợi” của TT Nga Putin và thất bại thảm hại(?) của Mỹ và phương Tây trước cái gọi là “cuộc trưng cầu dân ý” ở Crimea và ngay sau đó là việc TT Putin ký sắc lệnh công nhận Crimea độc lập!!!

Điển hình trong loạt quan điểm trên là bài báo của tác giả Đặng Vương Hạnh (ĐVH) trên Tienphong Online, 06:31 ngày 18.3.2014.


Tác giả bài báo đã dùng những ngôn từ mà chỉ cần đọc lướt qua, ai cũng biết tác giả rất sung sướng, hả hê vì Putin đã làm cho Mỹ, EU “bối rối, bị động” đến mức không biết làm gì khác hơn ngoài chuyện “gỡ gạc thể diện”. Đi xa đến mức liều lĩnh, ĐVH còn gợi ý (sung sướng thật sự) cho TT Nga cách thức phá hủy công lý và nền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina bằng thứ ngôn từ không ai hiểu nổi: “Dùng chính vũ khí phương Tây đã sử dụng ở Kiev, đẩy các khu vực thân Nga rơi vào động loạn, bị chia cắt, thậm chí nội chiến và nước Ukraine thống nhất sẽ vỡ vụn trước mắt phương Tây. Không nước EU nào, kể cả Mỹ sẵn sàng đổ máu vì sự toàn vẹn của Ukraine”?!

Đọc câu “gợi ý” đắc chí trên, không một người có lương tâm nào không đặt câu hỏi rằng, tại sao tác giả bất chấp các giá trị luân thường đạo lý, cho rằng chính phủ Nga có toàn quyền hành động để “bảo vệ lợi ích chiến lược” ích kỷ của mình?

Tại sao tác giả không chịu hiểu rằng hành động của Putin là một tiền lệ nguy hiểm mà phần thắng luôn thuộc về những nhóm nhỏ khát khao quyền lực độc tài bất chấp đến sự sống an lành của hàng triệu người dân vô tội? Ngày mai, ngày kia trong tương lai xa và gần, chẳng lẽ bất cứ cường quốc nào cũng tự cho mình quyền kéo xe tăng, đại bác tới bất kỳ vùng lãnh thổ có chủ quyền nào để “bảo vệ” công dân nước mình bị đe dọa? Cái cớ để tạo nên sự “đe dọa” (ví dụ lu loa lên rằng 6.000 công nhân TQ – đa phần lao động chui bất hợp pháp - ở Vũng Áng bị phân biệt đối xử) dễ lắm, ĐVH có biết không? Hoặc giả, người ta tổ chức cho hàng trăm dân thường TQ “trưng cầu dân ý” ở Hoàng Sa về chủ quyền – giống như một giả định tinh tế trong một bài viết trên mạng hôm qua, 17.3) thì nỗi đau này thuộc về 90 triệu người dân Việt Nam và, chắc chắn rằng, không có tên ĐVH!

Là một nhà báo, lương tâm của người cầm bút để đâu khi ĐVH lờ đi sự thực lịch sử cách đây 60 năm: Dưới thời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô Nhikita Khrushov, năm 1954, Krimea đã chính thức được chuyển giao cho nhân dân Ukraina quản lý, đúng như thực tiễn hàng ngàn năm trước? Nếu ca ngợi Putin hôm nay là chính nghĩa(!), tại sao ĐVH không xỉa xói “sai lầm nghiêm trọng” của đảng CS Liên Xô? Không thể có chuyện cả hai đều đúng, nhất là, quyết định năm 1954 đã được toàn thể các đảng viên CS trong Xô Viết Tối cao Liên Xô thông qua? Chẳng lẽ cộng sản Liên Xô đúng và Putin cũng không sai sao?

Ít người không biết sự phụ thuộc nặng nề về dầu khí (hơn 30%) và than (gần 25%) của EU từ nguồn cung là Nga; thị trường lớn thứ tư thế giới của công nghiệp xe hơi Đức cũng là Nga…, đã làm cho EU lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan nhưng hả hê với ý muốn vô lý của độc tài ích kỷ của Putin là điều không thể chấp nhận. Ném sinh mệnh của hàng triệu dân thường vô tội, thậm chí hy sinh cả lợi ích dân tộc để tạo nên “nền móng” cho những cái ghế quyền lực là sự vô đạo đức không thể biện minh. ĐVH không chỉ là một nhà báo (thật xót xa khi phải dùng hai chữ ‘nhà báo’) hoang tưởng a dua theo quyền lực mà còn phạm tội hoang ngôn a dua với quyền lực khi bất chất căn cứ xác thực, tự mình khẳng định khơi khơi rằng “Có thể phương Tây đã tạm “dẫn bàn” bằng việc lật đổ ông Viktor Yanukovych”(!) Căn cứ vào đâu để ĐVH khẳng định phương Tây lật đổ TT tham nhũng vô liêm sỉ Yanukovych? Phải chăng cái máu sợ “diễn biến” làm tội nghiệp cho chủ nghĩa độc tài đã làm ĐVH xót xa?

Vì nhiều lý do, đã lâu lắm rồi tôi không viết, nhưng hôm nay, do không thể chịu nổi sự vô lương tâm của một bài viết xúc phạm đến hàng triệu con người đang phải rên xiết dưới ách độc tài của Putin (cựu đảng viên ĐCSLX, cựu KGB khét tiếng), buộc tôi phải lên tiếng. Rất mong ông ĐVH tranh luận vì biết đâu tôi đã sai?

Thay lời kết, xin dẫn ra đây đoạn văn đầy đe dọa (đối với thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng) của ĐVH trong bài “Trận pháp Putin”: “Ai cấm Nga hợp tác với Trung Quốc sản xuất vũ khí siêu thanh tấn công toàn cầu, cung cấp các loại vũ khí công nghệ cao và giúp nước này hoàn thiện chiến lược “chống tiếp cận”, đánh thẳng vào chiến lược “xoay trục” châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ?” (tôi nhấn mạnh chữ ĐÁNH THẲNG và TẤN CÔNG TOÀN CẦU vì hình như ý của ĐVH là là ủng hộ sự đánh thẳng – tức là cổ xúy, phát động chiến tranh thế giới, không chỉ vào Mỹ mà là bất cứ dân tộc nào khát khao công lý, dân chủ, tự do?).
Huế, 09h, 18.3.2014.
  Hà Văn Thịnh
 (Quê choa)

Bàng hoàng vì chuyện “chỉ có ở Việt Nam”

Được đăng tải trên một tờ báo vào sáng làm việc đầu tuần, đoạn clip dài chưa đầy 5 phút đã gây bàng hoàng cho bất cứ ai xem.
1. Mỗi người chui vào một bao nilon, ngồi lọt thỏm trong đó cho miệng bao trùm kín quá đầu. Rồi những thanh niên biết bơi sẽ túm gọn miệng bao và kéo chiếc bao “đựng” người bơi vượt qua con suối mùa lũ đang băng băng chảy xiết.
Một cảnh tượng có thể nói là thót tim.
Nhưng không phải từ một cuộc thi Vượt qua thử thách, hay một trò chơi mạo hiểm kiểu nuốt kiếm, phun lửa… nào. Mà đó là cách thầy trò ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên vượt suối để đến trường.
Được đăng tải trên một tờ báo vào sáng làm việc đầu tuần, đoạn clip dài chưa đầy 5 phút đã gây bàng hoàng cho bất cứ ai xem. Bởi có lẽ chẳng đâu trên thế giới này lại có cách vượt suối “độc nhất vô nhị” đến thế. Biết bao nguy hiểm rình rập mà giá phải trả có thể là cả tính mạng: nếu cái túi thủng, nếu ngồi trong túi ngạt, nếu nước lũ cuốn trôi, nếu v.v…
cầu treo, thác lúc, Việt Nam
Đu dây qua sông Pô Kô để đến trường. Ảnh: Tuổi trẻ
Tất cả vì thiếu một cây cầu kiên cố, chống chịu được nước lũ.
Ở thành phố, có thầy cô kể lại khi chưa hết bồi hồi rằng, đã đưa ngay đoạn clip đó cho học trò mình xem. Để các em biết rằng, bạn bè đồng lứa không phải ai cũng có được may mắn “hôm qua em tới trường, mẹ dắt tay từng bước” – được cha mẹ đưa đón, chăm lo từ cái nhỏ nhất.
Nhưng có lẽ, chính những thầy cô đứng trên bục giảng ở thành phố, hay những khu vực có “điều kiện” cũng rất cần xem đoạn clip này. Để bớt đi những “sân, si” trong nghề, khi giờ đây không ít những lời than phiền về sự xuống cấp trong nghiệp trồng người, cả về đạo đức cũng như lòng yêu nghề.
Nhưng có lẽ, chính những thầy cô đứng trên bục giảng ở thành phố, hay những khu vực có “điều kiện” cũng rất cần xem đoạn clip này. Để bớt đi những “sân, si” trong nghề, khi giờ đây không ít những lời than phiền về sự xuống cấp trong nghiệp trồng người, cả về đạo đức cũng như lòng yêu nghề.
“Qua sông thì phải lụy đò”, còn ở đây, những cô giáo mang trọng trách “chở đò” lại đang phải lụy… túi nilon để qua được suối. Mà đâu chỉ “lụy”, họ đang đặt cược cả sinh mệnh để mang được con chữ khó nhọc vào thôn bản xa xôi.
Nhớ lại, hồi tháng 5 năm 2010, chúng ta cũng từng sửng sốt khi báo chí đăng tải hình ảnh những người dân ở một làng không tên tại Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vượt sông Pô Kô bằng cách… đu dây.
Khi ấy, tại nghị trường, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, việc người dân “đu dây” qua sông Pô Kô là sáng tạo “không ngờ tới”. Bộ trưởng cũng nhận khuyết điểm ở khía cạnh không phát hiện được sự việc, do địa phương thì không đề cập, còn sau này khi ông hỏi, tỉnh cũng không nắm được.
Kiểu “sáng tạo” đó giờ dường như càng vượt xa ngoài tưởng tượng, từ đu dây đã chuyển sang ngồi trong túi nilon. May mắn là phản ứng của lãnh đạo ngành đã kịp thời hơn trước. Ngay trong sáng nay, trao đổi với Tuổi trẻ, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay "sẽ cho xây cầu treo để phục vụ dân".
Song, vẫn tiếc nuối, giá như ông hay các cán bộ dưới quyền là những người phát hiện ra sự việc chứ không phải báo chí. Mặt khác, các chính sách cần có tầm phổ quát, thay vì mỗi khi "lộ" ra một sự vụ nào đó mới rốt ráo tìm cách giải quyết.
2. Ngày hôm qua,  rất nhiều người hảo tâm đã lựa chọn kêu gọi và đóng góp để có quỹ xây cầu cho bản Sam Lang. Nỗi bàng hoàng, xót xa đã nhanh chóng biến thành nghĩa cử.
Người viết chợt nhớ đến một bài báo cũng dịp tháng 3 năm ngoái, về nghĩa cử rất đẹp của một người đàn ông đã bỏ số tiền định dành xây nhà để… xây cầu cho dân làng qua lại. Người đàn ông tên Lê Tất Dũng ấy chẳng phải đại gia, tài sản vung vinh, thừa tiền sắm siêu xe, siêu giường thì xây cầu chơi. Suốt 20 năm quần quật của ông đã góp hết vào cây cầu. Gia tài còn lại chỉ là căn chòi lợp tôn, tứ bề dột nát, cùng chiếc tivi nội địa và bộ đồ nghề sửa xe máy.
Có những người “rút ruột” từ những cây cầu để sống vương giả cho đời mình, đời con cháu mình. Nhưng cũng có những con người – dù hiếm hoi - lại tự “rút ruột” chính mình để xây cầu cho người khác.
Những tấm lòng như ông Dũng hay bao người hảo tâm đang cùng chung tay đóng góp dựng cầu thật đáng trân quý. Đó là sự tương thân, tương ái, giúp đỡ những đồng bào thiệt thòi, khó khăn mà thời nào đất nước cũng cần.
cầu treo, thác lúc, Việt Nam
Vượt qua nước lũ dữ bằng cách chui vào… nilon. Ảnh: Tuổi trẻ
Đó là đạo lý, tình cảm của “người trong một nước” với nhau. Song, trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất để lo cho những người dân như ở Sam Lang  hay ở bất cứ nơi nào khác còn khó khăn, thì vẫn phải thuộc về Nhà nước, mà đại diện là các nhà lãnh đạo và chính quyền các cấp.
Bởi được sống an toàn là quyền của người dân nơi đây, họ không thể phải phụ thuộc vào lòng hảo tâm, phải kêu gọi để được thực hiện quyền của mình.
Chúng ta có thể nói rằng đất nước còn khó khăn nên chưa thể lo an sinh tốt nhất cho người dân, chưa thể xây cầu ở tất cả những nơi cheo leo hiểm trở để những “sáng kiến” túi nilon, dây đu… “hết đất” sống.
Nhưng cách giải thích đó liệu có đủ làm an lòng, khi mà người dân vẫn đang chứng kiến những vụ việc kiểu công trình ngàn tỷ phơi sương, vài trăm tỷ đắp chiếu, vali cho 1 lần hối lộ chứa cả nửa triệu đô-la, v.v…
Năm 2010, theo tính toán, để xây một cây cầu cho người dân qua sông Pô Kô tốn khoảng 1,5 tỷ đồng. Đối với những người dân bình thường, chắc hẳn không nhiều người được “chạm” đến tiền tỷ để hình dung nó nhiều ít ra sao. Nhưng, cứ thử nhẩm tính, chỉ một công trình phơi sương, chỉ số tiền trong một vụ tham nhũng… đủ xây bao nhiêu cây cầu như thế.
... Vậy mà ở đâu đó tiền vẫn “phơi” sương hoặc âm thầm chảy vào những cái túi không đáy. Còn ở đâu đó, như bản Sam Lang này, sinh mệnh con người lại “phơi” dưới trời. Bập bềnh cùng nước lũ.
Chỉ vì thiếu một cây cầu kiên cố…
Hải Tâm

Gặp người lính ở bên kia biên giới

Dean Peng, một nhà báo với 17 năm cầm bút và là bloger rất nổi tiếng ở Bắc Kinh nhắn: "Trong 3 ngày 5, 6, 7 tháng 3 này, cựu binh Trung Quốc sẽ tưởng niệm những người bạn đã chết của họ ở chính nơi xảy ra trận chiến, có thể chúng ta sẽ nói chuyện được với vài người trong số đó.


Nghĩa trang Bình Biên, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

"Tôi sẽ đi từ Bắc Kinh xuống, chúng mình đón nhau ở biên giới. Tiểu đoàn này tham chiến từ ngày 5/3/79 và chỉ trong 3 ngày đó gần 2/3 bị chết và thương vong," ông Peng nhắn tôi.
Tính chất bi thảm này lập tức làm tôi chú ý, họ bị chết 10 ngày trước khi cuộc chiến chấm dứt, chỉ có ba ngày chuẩn bị, tôi vội vàng gọi điện cho một bạn trẻ sinh năm 1978, giỏi tiếng Anh và ham tìm hiểu lịch sử, đặc biệt là cuộc chiến tranh hầu như bị quên lãng này.

Vội vàng lên sứ quán Trung Quốc làm visa "khẩn cấp" và hai anh em vác ba lô lên đường.

Dean đón chúng tôi với vẻ mặt thất vọng, anh nói: "Đến phút cuối cả chính quyền và cựu chiến binh đều rút lui, một vài người nói họ chưa chuẩn bị tinh thần để gặp cựu chiến binh Việt Nam, tôi cũng đang bế tắc".

Chúng tôi kéo nhau đến địa điểm xảy ra cuộc chiến. Không có ai, cây cầu nhỏ dẫn xuống bãi đất ven sông Hồng nơi tiểu đoàn đó tập trung trước khi đổ bộ sang Việt Nam có mấy cảnh sát Trung Quốc đứng gác ngăn cản không cho người đi xuống.

Quay về khách sạn Dean bàn, "hay từ ngày mai chúng ta đi đến các nghĩa trang, biết đâu lại gặp cựu binh nào đó đến tưởng niệm đồng đội của họ".

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đến một nghĩa trang tại Hà Khẩu. Nghĩa trang rộng lớn với hàng ngàn ngôi mộ, được chăm sóc cẩn thận nhưng vắng tanh không một bóng người.

Dean nói: "Đi Bình Biên, nơi đó có một khu tưởng niệm khá lớn". Chúng tôi lại lên đường.
Nghĩa trang Bình Biên
 

Các nghĩa trang liệt sĩ ở tỉnh Vân Nam khá vắng lặng

Hà Nội vẫn đang mưa rét, nhưng cao nguyên Vân Nam đã bừng ánh nắng và hoa nở khắp nơi, nhất là cây hoa gạo người Trung Hoa gọi là "mộc miên" dọc con đường sắt Hà Nội - Vân Nam tung lên bầu trời những đóa hoa đỏ như máu. Nó làm tôi nhớ lại mùa hoa này những ngày tháng 2/79 cũng nở dọc đường Cao Bằng đón chúng tôi trên đường ra trận.

Bình Biên là thị trấn thanh bình nằm trong một thung lũng nhỏ.

Dean dẫn chúng tôi đến nghĩa trang, anh chỉ tấm biển ghi tên con đường dẫn đến nghĩa trang nói, "nó được đổi tên thành "Đường Vệ Quốc" sau tháng 2/79".

Nghĩa trang nằm ở cả hai bên con đường lớn, trập trùng bia mộ nằm khắp triền đồi. Có 4, 5 người đàn ông đang đứng nghe chim họa mi hót trong những chiếc lồng treo trên cây.

Hỏi chuyện họ chúng tôi được biết họ chính là những người trông coi, chăm sóc nghĩa trang. Một người đứng tuổi nói ông ta đã làm ở nghĩa trang này từ năm 79, ông kể, "có những ngôi mộ không có hài cốt, chúng tôi chỉ chôn xuống đó một bộ quần áo và tấm biển tên người đã chết".

Chúng tôi hỏi có biết những người này chết ở đâu và vì sao lại chết thì họ trả lời: "Chết ở Việt Nam và không biết vì sao họ chết".

Có mấy bạn trẻ cả nam và nữ đứng quanh đó, một bạn lên tiếng, "họ sang giúp Việt Nam đánh Mỹ và hy sinh ở đó". Một bạn khác chen vào: "Họ đánh nhau với Việt Nam".

Dean hỏi có biết vì sao lại đánh nhau với Việt Nam không thì bạn đó lắc đầu. Dean hỏi tiếp: "Nếu bây giờ lại đánh nhau với Việt Nam, bạn có sẵn sàng cầm súng?". Bạn trẻ lắc đầu kiên quyết: "Pú tả" (không đánh) vì chúng ta đâu có hận thù".

Khi biết chúng tôi là người Việt Nam họ ồ lên và đồng ý chụp ảnh chung.

Lên đến gần đỉnh đồi, có một ngôi mộ được dán tờ giấy ép plastic, đó là bài thơ đề ngày 17/1/2014.

Dean dịch cho chúng tôi nghe bài thơ đó, tim tôi như bị bóp lại, vinh quang hay anh hùng phải trả với giá xương máu thế này sao?

Tôi nhớ lời kể của một cựu tù chính trị ở Việt Nam nói với tôi:"Chú là tù chính trị nên bị giam ở xà lim riêng, một lần có người gửi cho chú một điếu thuốc lá, trong đó có mẩu giấy nhỏ ghi dòng chữ "Người ta nghiêng mình trước một người anh hùng đã chết, nhưng một tráng sỹ còn sống đáng quý hơn.""

Cả đêm đó chúng tôi thao thức, tôi và anh bạn trẻ bàn nhau sáng sớm hôm sau quay lại nghĩa trang gỡ bài thơ trên mộ mang theo cuộc hành trình.
Từ chối gặp 


Bài thơ bằng tiếng Trung trên một nấm mộ ở nghĩa trang Bình Biên

Hôm sau chúng tôi quyết định đi Mã Lật Pha vì nơi đó gần Lão Sơn nơi chiến tranh kéo dài đến 10 năm.

Trên đường đi tình cờ một kỹ sư trẻ đang công tác tại đường cao tốc Côn Minh đồng ý tìm giúp chúng tôi những người cựu binh sống ở Mã Quan (quê của anh), chúng tôi dừng ở Mã Quan chiều hôm đó, nhưng rồi cũng không gặp được.

Anh bạn kỹ sư lại giới thiệu tiếp người thợ ảnh tại Mã Lật Pha, anh nói, “anh ấy là cựu binh và nhiều năm nay chuyên chụp ảnh các cựu chiến binh đưa lên mạng internet”.

Dean gọi điện cho người thợ chụp ảnh, người thợ đồng ý sẵn lòng gặp chúng tôi và sẽ giới thiệu các cựu binh khác bạn của anh. Chúng tôi bàn nhau khi xong việc ở Ma li pho tôi sẽ về Việt Nam (cách biên giới Hà Giang - Việt Nam hơn 30km) còn Dean sẽ quay về Bắc Kinh.

Tối hôm đó, khi đến nhà người thợ ảnh, anh lại cho biết những người cựu chiến binh khác gửi lời xin lỗi vì không gặp chúng tôi được, họ sợ và “chưa chuẩn bị cho tình huống này”.

Anh thợ ảnh tặng tôi một cuốn sách tường thuật cuộc chiến năm 79 có rất nhiều ảnh tư liệu và nói: “Bây giờ chưa bàn đúng sai, tôi nghĩ những người lính cả hai bên đã nằm xuống cần được nhớ tới và tưởng niệm, nếu có dịp đến Việt Nam tôi cũng sẽ đến các nghĩa trang liệt sỹ để tường niệm họ”.

Tối đó khoảng 2200 (giờ địa phương) chúng tôi bị một nhóm cảnh sát vũ trang đến tại phòng kiểm tra giấy tờ.

Sáng hôm sau khi xuống sảnh khách sạn, một nhóm người mặc thường phục đã chờ sẵn, họ hỏi tôi vài câu nhưng vì tôi không biết tiếng Trung nên không hiểu, một người rút máy ảnh chụp tôi rất ngang nhiên, khi Dean xuống anh tranh cãi với họ một hồi rồi quay sang tôi: “Họ bảo nếu hôm nay muốn đi đâu họ sẽ có xe chở chúng ta đi”.

Tôi đồng ý và bảo chờ chừng 10 phút để tôi lên phòng mang theo máy quay và máy ảnh. Khi quay lại thì họ đã bỏ đi, Dean cười, “khi biết anh mang theo máy quay phim, họ bỏ đi rồi, tôi bảo họ: ”Sao lại bỏ đi, các ông làm chúng tôi mất một cơ hội tiết kiệm tiền taxi hôm nay rồi"”.

Chúng tôi đều cười vui vẻ. Dean nói: “Ra nghĩa trang thôi, ông quản lý nghĩa trang nói mẹ ông ta sẵn sàng cho chúng ta phỏng vấn, bà làm ở đây từ năm 79”.
Theo dõi 


Bức tượng tưởng nhớ lính Trung Quốc bên ngoài nghĩa trang Mã Lật Pha

Không ngờ khi đến nơi nhóm người buổi sáng đã chờ sẵn nhưng có thêm 2 cô gái, khi tôi chụp ảnh cô nói bằng tiếng Việt “Quản lý nghĩa trang chỉ cho phép tham quan mà không được chụp ảnh” và họ đi theo chúng tôi chỉ cách vài chục mét.

Đây là nghĩa trang rộng lớn, địa thế đẹp và được chăm sóc kỹ lưỡng, nó giống một công viên hơn là một khu nghĩa trang, khi hỏi về số lượng mộ, người của nghĩa trang cho chúng tôi một con số giật mình: 9.060 người.

Tiến về phía cô gái tôi hỏi:

- Bọn anh có giống người xấu không?

-Không giống đâu.

- Vậy tại sao anh lại có cảm giác đang bị theo dõi?

Cô xua tay nói lớn:

- Không phải thế đâu, không phải thế anh ơi!

- Vậy em giải thích cho anh xem tại sao lại có hiện tượng này?

Cô ngập ngừng một chút rồi nói:

- Lần đầu tiên có người Việt Nam đến đây.

À ra vậy, tôi nói mình là bộ đội Việt Nam có tham gia chiến tranh tháng 2/79 và lý do tìm đến đây.Cô gái nói:

- Hai nước giao lưu thì tốt mà, nhưng anh em trong nhà cũng có lúc cãi nhau, đánh nhau mà? - Cô khoa tay chỉ một vòng và tiếp:

- Nhắc lại làm gì, đau lòng lắm.

Tôi gặng:

- Tại sao không nhắc, anh nghĩ nhắc lại để cho con cháu chúng ta không bao giờ làm những việc đau lòng như vậy nữa càng tốt chứ sao? Còn hơn là giả vờ quên.

Cô cười và trả lời thật thú vị:

- Em không biết đâu, việc đó là để cho đàn ông làm thôi.

Chúng tôi cùng cười và trao đổi thêm mấy câu riêng tư về gia đình nghề nghiệp.

Rồi cô quay lại nhóm mấy người đàn ông, chắc là kể lại cuộc trao đổi với tôi. Khi chúng tôi ra về thì họ không theo nữa.

Cậu em đi cùng cười khùng khục: “Em lén ghi âm lại cuộc nói chuyện của anh với cô bé đó rồi”. Cách làm này không đẹp nhưng sự quyến rũ có được những tư liệu đó cũng khó cưỡng.

Anh bạn Bắc Kinh thông báo, "có mấy cựu chiến binh đồng ý gặp nhưng chúng ta phải quay lại Văn Sơn, anh tính sao?"

Trời! Ông ma xó này, còn chần chờ gì nữa, chúng tôi lập tức lên đường.
Hố sâu lịch sử 


Từ trái sang: Dean Peng, Tian Yue (từng là lính bộ binh), Ngô Nhật Đăng, Xie Yong Gui (lính pháo binh)

Chúng tôi đến Văn Sơn vào buổi chiều, hai cựu binh Trung Quốc đến khách sạn tìm, một là lính pháo binh và người kia là bộ binh, một người nói, "người bạn quân y xin lỗi không đến được, anh ấy chứng kiến quá nhiều cái chết và thương tật của bạn bè, rất sợ gợi lại những ký ức kinh hoàng ấy".

Như mọi người lính, chúng tôi ôm nhau rất chặt như từng đã quen biết. Anh bạn bộ binh mở cho chúng tôi xem blog của anh ấy, có ảnh thời mới nhập ngũ, một chàng trai trẻ khoác trên người cả một băng đạn đại liên. Và thật thú vị có cả ảnh anh tham dự Buổi gặp mặt truyền thống trung đoàn của Việt Nam.

Chúng tôi rủ nhau đi thăm thành phố, chụp ảnh lưu niệm và trong bữa cơm chúng tôi nói với nhau rất nhiều. Từ chuyện chúng tôi được nghe những gì từ truyền thông vì sao chúng tôi lại bắn giết nhau đến mức tàn nhẫn như thế, bạn bè nào của nhau đã ngã xuống vĩnh viễn. Toàn những chuyện kinh khủng nhưng nói ra được cũng làm nhẹ lòng.

Chúng tôi được nghe về sự xâm lăng tàn bạo của Trung Quốc, giết người, hãm hiếp, tàn phá… Tôi cũng được chứng kiến những đống hoang tàn của các thành phố, làng mạc Việt Nam sau khi Trung Quốc rút quân.

Các bạn đều được tập trung hai ngày trước khi ra trận để xem những cuốn phim về “Việt Nam bài xích người Hoa”, được nghe các chính trị viên kể họ đã trực tiếp chứng kiến từ bên kia biên giới cảnh bộ đội Việt Nam tàn sát Hoa kiều man rợ ra sao. Tất cả đều khóc ròng và căm thù sôi sục.

Chúng tôi đã cầm súng lao vào nhau như đối với kẻ thù không đội trời chung như vậy đó.

Chúng tôi kể chuyện gia đình, kể việc mưu sinh sau khi giải ngũ, khoe nhau ảnh gia đình, vợ con, cháu ngoại, người lính bộ binh thì đã ly dị, anh trầm ngâm uống rượu.

Anh bạn pháo binh nói, "chúng ta đang sống, nói cười như người bình thường, chỉ một tiếng kèn hiệu ta bỗng biến thành người khác.

"Chúng ta đã bị lừa dối, bị biến thành công cụ. Không có ai khao khát hòa bình như những người lính. Vạn nhất sau này có xảy ra chuyện đó một lần nữa, chúng ta là những người phải kiên quyết chống lại dù phải hy sinh mạng sống của mình."

Chúng tôi đứng nghiêm chào nhau theo tư thế người lính một cách trang trọng.



Câu thơ của Âu Dương Tu viết lại bằng tiếng Trung được chụp ảnh 'lia lịa'

Chưa bao giờ trong đời tôi uống nhiều rượu như thế, tôi đọc câu thơ của Âu Dương Tu: “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” (tri kỷ gặp nhau uống ngàn chén còn ít).

Anh bạn Bắc Kinh viết lại câu đó bằng tiếng Hoa, đặt trước ngực hai chúng tôi chụp lia lịa.

Anh bạn bộ binh nâng cốc nói, “có những thằng chết đi mà chưa từng nắm tay phụ nữ. Hãy uống cho những thằng may mắn còn sống sót”.

"Chúng tôi muốn sang Việt Nam đi thăm nghĩa trang Trường Sơn. Chúng ta hãy lập một công ty toàn là cựu chiến binh hai nước, hãy cùng nhau kiếm tiền, bất cứ thằng nào trong chúng ta mà làm bậy thì…"

Anh uống cạn chén rượu, bàn tay chặt mạnh vào không khí, mồm kêu: “Pập”.

Trên đường về Việt Nam trong đầu tôi cứ vương vất câu nói của anh kỹ sư trẻ trên đường cao tốc Côn Minh, "với tình hình căng thẳng hiện nay giữa hai nước, chiến tranh khó có thể xảy ra nhưng trở thành bạn bè thì cũng khó".

Một nhà Sử học Việt Nam cũng coi cuộc chiến năm 79 là “một vết hằn lịch sử trong quan hệ hai nước”.

Tôi thì nghĩ, đó không chỉ là một vết hằn mà là một hố sâu, thay vì quên nó đi (mà chắc gì quên được) tại sao ta không nghĩ cách lấp nó lại. Vâng, rất khó nhưng chẳng lẽ lại không làm.
  Ngô Nhật Đăng
  (BBC)

Nguyễn Du với Từ Hải trong Truyện Kiều

Đoàn Hữu Hậu

Một danh nhân người Pháp nói: "Ở một nhà văn, ước vọng là hiện thân của tính khí thực, bị dồn ép không được quyền phát triển." Căn cứ vào nguyên tắc ấy, ta thử xem xét cái mộng Từ Hải của Nguyễn Du đã tố giác những yếu tố nào của tính khí Nguyễn Du - Đại thi hào.

Từ Hải có lẽ là nhân vật Nguyễn Du yêu thích nhất trong tieu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

Nguyên Từ Hải trong lịch sử trung Quốc chỉ là một tên giặt bể. Theo sách Ngu-Sơ Tân Chí của Dư Hòai thì Từ Hải rủ bọn ngụy nô vào cướp đất Giang Nam vào năm Gia tỉnh triều Minh. Trong lúc kéo quân vào Giang Nam, Từ Hải có bắt được mấy người con hát trong đó có Thúy Kiều. Thúy Kiều là một người con gái đẹp, đàn giỏi hát hay. Từ Hải yêu Kiều và lấy làm vợ. Sau vì muốn về quê nhà nên Kiều xúi Từ Hải ra hàngquân Triều đình. Bị mắt mưu Hà Tôn Hiến, Từ chết giữa trận tiền. Kiều không bằng lòng lấy HàTôn Hiến nên tự tử ở sông Tiền đường.Còn một vài truyền thuyết khác, nhưng nhìn chung đều xem Từ Hải là một tên giặc làm loạn.

Dưới ngọn bút của Thanh Tâm Tài Nhân, Từ Hải đã biến ra vị anh hùng hào kiệt tài hoa , đương đầu với triều đình nhà Minh. Cốt cách là bậc trượng phu cái thế mà tâm hồn lại đa tình như một thi nhân. Khi đọc được Kim-Vân- Kiều truyện, Nguyễn Du có tình cảm ngay với viên danh tướng phong tình Từ Hải. Đã có một thời gian chìm nổi, Nguyễn Du cũng muốn sống một tình yêu cuồng phóng như thế. Nên đến lượt mình, Đại thi hào Nguyễn Du đã xây dựng hình tượng Từ Hải lên một bước mới, một vị anh hùng trong tưởng tượng, thể hiện nguyện vọng thầm kín của mình. Vị anh hùng ấy, ngòai thói đa tình kia lại còn hai đức tính đặc biệt khác nữa là, lòng kiên hãnh, chí độc lập ngang tàng. Không ai có thể tự phụ và kiên hãnh hơn được Từ Hải trong truyện Kiều. Tính tự phụ thái quá nầy do đức tự tin thái quá sinh ra. Từ Hải sớm biết mình là vị anh hùng ngay từ lúc còn trong bước phong trần. Từ tin rằng thế nào mình cũng thắng trong cuộc chiến với triều đình, cho nên cái ý thức của Từ Hải về tài năng và vận mệnh mình rất là phong phú, sáng sủa.

Lúc gặp Thúy Kiều lần đầu, Từ Hải đem ngay cái tự phụ của mình đối chọi với cái tự phụ của người kỹ nữ, vốn nổi tiếng là hay bắt bậc làm cao trong việc "chọn đá thử vàng".

Lời mở đầu câu chuyện của Từ với Kiều mạnh và sắc như một mũi kiếm bậc thầy đâm thẳng vào họng đối phương:

Từ rằng tâm phúc tướng cờ
Phải người trăng gió vật vờ hay sao?
Bấy lâu nghe tiếng má đào
Mắt xanh chẳng để ai vào đó không?
Một đời được mấy anh hùng
Bỏ cho cá chậu chim lồng mà chơi.
Rõ là khẩu khí của một người hiểu rõ mình, Kiều đáp:
Thưa rằng lượng cả bao dung
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen

Kiều có ngụ ý mong mỏi và tin tưởng Từ Hải sẽ được hiền hách như Đường Cao Tổ hưng vương ở Tấn Dương.

Từ Hải hòan tòan là hiện thân của tính kiêu hãnh. Nhưng đây là thứ kiêu hãnh xứng đáng, đang hòang, thứ kiêu hãnh của những người tự tạo ra cuộc đời hiển hách của mình, thứ kiêu hãnh giúp con người vượt lên ý tưởng " túi cơm giá áo". Thứ kiêu hãnh giúp cho tính thần vượt lên những "bụi bặm" của cuộc đời ô trọc.

Không phảiTừ Hải chỉ tự phụ lúc chưa hiển đạt, không phải Từ Hải chỉ kiêu hãnh lúc thành công, Từ Hải còn kiêu hãnh cả lúc nguy biến, lúc sa cơ, lúc chết:

Tử sinh liều ở trận tiền
Dạn dày cho biết gan lì tướng quân
...Khí thiêng khi đã về thần
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng
Trơ như đá, vững như đồng
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời

Từ Hải thất bại nhưng đã chiến đấu. Từ Hải chết nhưng chết đứng - chết với lòng kiêu hãnh khôn cùng. Chết mà vinh hơn kẻ thành công mà nhục. " Từ Hải chết đứng" là một pho tượng hào hùng tiết ra một luồng sáng vụt ngang mày kẻ phản trắc. Cái chết gan lì của kẻ anh hùng chiến đấu đến phút cuối cùng, cái chết yên lặng không một tiếng kêu, không một giọt lệ, không một cái thở dài. Cái chết phi thường ấy là sự kết liễu tất nhiên của một con người có tâm hồn đầy dũng khí, đầy tin tưởng, đầy thành thật. Cái chết đứng của Từ Hải là một lời nguyền rủa ngàn đời ném vào mặt những kẻ sống bằng lừa lọc, bằng mưu mô xảo trá.

Từ Hải là một tượng trưng rất trong trẻo của tính đa cảm, của đức tự tin của lòng kiêu hãnh tuyệt đối. Có thể nói suốt cả truyện Kiều, Nguyễn Du miêu tả các nhân vật, không ai đẹp bằng Từ Hải, dễ quyến rũ bằng Từ hải. Từ Hải tự phụ mà ta kính yêu, Từ Hải kiêu ngạo mà ta mến phục. Lâm vào cái chết đáng thương mà ta không được phép thương, mắc vào lưới mưu kẻ thù mà ta không được phép chê. Vì thử hỏi trong chúng ta, đã dễ mấy ai tự phụ được chết như Từ Hải?!...Đó là cái chết vì "tình yêu". Hãy đọc kỹ mà thấy, trong ái tình, trong sự nghiệp, trong biến cố, Từ Hải lúc nào cũng thẳng thắn hồn nhiên như một sức sống thuần túy giữa trời đất.

Được như vậy là bởi Từ Hải có một đặc tính mà không phải bất kỳ ai cũng có được. Đó là chí độc lập ngang tàng. Bình sinh Từ Hải vẫn không chịu được sự khuất phục:

Giang hồ quen thói vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo

Tính độc lập của Từ Hải chỉ có thể thua một sức mạnh tinh thần khác cũng ở trong tâm hồn. Sức mạnh ấy là ái tình.

Từ Hải chết có phải mắc mưu Hồ Tôn Hiến đâu. Từ Hải chết vì quá yêu Thúy Kiều, quá tin Thúy Kiều. Từ Hải chết vì cái say sưa của trái tim mình. Từ Hải chết vì tình. Chí độc lập của Từ Hải chỉ có thể siêu đổ được vì ... tình. Lúc chết đứng giữa trận tiền, cái chân cứng đờ của Từ Hải cũng chỉ ngã xuống vì tình. Cái thân mà " ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời" đó chỉ rơi xuống vì tiếng khóc của Kiều mà thôi.

Khóc rằng: " trí dũng có thừa
Bởi nghe lời thiếp đến cơ hội nầy
Mặt nào trông thấy nhau đây
Thà liều sống chết một ngày với nhau"
... Lạ thay! oan khí tương triền
Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra

Chí ngang tàng, lòng kiêu hãnh, tình yêu say đắm đó là ba tính cách nền tảng của tâm hồn Từ Hải. Đó cũng là ba tính cách nền tảng của tâm hồn thi sĩ Nguyễn Du. Có điều ở nguyễn Du, ba tính cách ấy không được phát triển dồi dào như ở Từ Hải. Ở nguyễn Du ba tính cách ấy bị kiềm chế, dốn ép... Trong đời Nguyễn Du, chỉ được lóe ra một phút rồi bị dập tắt ngay. Biết mình bất lực, đành chấp nhận làm một kẻ thất chí, ông đành xếp kiếm cung vào một gánh, xếp chí ngang tàng vào một túi, rồi một bóng một hình " nghêu ngao vui thú yên hà, Mai là bạn cũ, hạc là người thân" . Tuy thất bại nhưng Nguyễn Du vẫn tự cao, tự đại về địa vị quý tộc của mình. Ông vẫn tin rằng ông thanh cao gấp trăm gấp ngàn lần những kẻ cong lưng quỳ gối đề mua chút vinh hoa phú quý lúc đương thời. Nguyễn Du miêu tả khí tiết Từ Hải cũng là để nói lên quan điểm của mình:

Phong trần mài một lưỡi gươm
Những phường giá áo túi cơm ra gì.

Nói lên sự suy nghỉ của Từ hải, lúc Hồ Tôn Hiến dụ hàng, Nguyễn Du nói lên tâm sự của mình:

Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu
Áo xiêm trói buộc lấy nhau
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?

Nguyễn Du khinh bỉ bọn nho sĩ, không liêm sĩ, ra làm quan cho"ngụy triều" ( Triều đại Tây Sơn) . Ở cái khinh bỉ ấy, nảy nở ra sự kiêu hãnh của kẻ "cô trung độc tỉnh".

Khi Gia Long lên ngôi Hòang đế cho mời ông ra làm quan thì ông lại không giữ nổi thái độ cô trung lúc trước. Ông ra làm quan cho triều Nguyễn và bị nhóm Nho sĩ khinh bĩ chê bai thậm tệ. Người ta liệt ông vào hạng Bá Di, Thúc Tề vì đói quá không ăn được rau đắng ở núi, phải bò ra ăn gạo nhà Chu. Suốt thời gian phục vụ triều đình nhà Nguyễn ( 18 năm) lòng kiêu ngạo của ông bị dồn ép, bị đè nén, bị chà đạp... cho đến khi ông đọc được Từ hải trong cuốn tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Từ đó Nguyễn Du liền phóng cái kiêu ngạo thầm kín ấy vào con người, vào khẩu khí, vào hành động của Từ Hải.

Nguyễn Du bằng lòng để Từ Hải chết là để thỏa mãn được ước vọng thầm kín của trái tim ( muốn chết như Từ Hải để trọn danh tiết một kẻ thất thế) vừa thỏa mãn được bản ngã trí thức, hợp với thời đại và đẳng cấp. Từ Hải chết cũng như tinh thần cô trung của Nguyễn Du chết. Cho nên trong cái sống vinh hoa của phần cuối đời, ông luôn hòai niệm đến chí ngang tàng thuở cũ... Hòai niệm để ân hận và để xót xa ...

Ở cái chết vì tình của Từ Hải, thể hiện sự ao ước được chết hơn là sống trong cảnh giàu sang của Nguyễn Du. Tôi nghỉ, theo ông, chỉ có cái chết mới tinh khiết hóa được con người. Ông đã sống sung sướng bằng cái chết của vai trò. Ông đã tiết ra hết được cái ước vọng,khí chất của mình bằng cái cử chỉ oanh liệt của nhân vật Từ Hải.

Tôi thích nhân vật Từ Hải, kính phục, thông cảm với Nguyễn Du, nên viết lên những dòng này, góp vui cùng bạn đọc./.

© Đoàn Hữu Hậu,


Đoàn Hữu Hậu
Là nhà văn, nhà báo được đào tạo tại Phân viện Báo chí và Tuyên truyền TP Hồ Chí Minh, hiện đang sống và làm việc tại Rạch Giá - Kiên Giang, Việt Nam....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét