Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Bản đồ đường lưỡi bò được bày... trong phòng họp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Bản đồ đường lưỡi bò được bày... trong phòng họp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Trong bản tin thời sự 19h ngày 17/03/2014, khi nói về việc thủ tướng Malaysia liên lạc nói chuyện với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chiếc máy bay mất tích, máy quay cho thấy một bản đồ Việt Nam với đường "lưỡi bò" của Trung Quốc. Đường "lưỡi bò" này gồm chín đoạn thể hiện chủ quyền mà Trung Quốc đơn phương áp đặt trên biển Đông. Không biết vì lý do gì nó được treo trong phòng họp của Thủ tướng:

538012_700107370051578_1223159672_n.png

Ảnh chụp từ bản tin thời sự
3-chot-t3-ngay-23-1-ttg-lam-viec-voi-cac-chuyen-gia-kt-3b578.jpg

Còn đây là một tấm ảnh khác chụp cùng một góc độ vào ngày 22/1/2014, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với nhóm chuyên gia tư vấn Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia.

Vào ngày 3/1/2014, một cặp vợ chồng người Trung Quốc đã bị cảnh cáo và buộc rời khỏi Việt Nam vì đã điều khiển xe tự chế có dán tấm bản đồ lớn in hình "đường lưỡi bò", cùng nhiều bản đồ vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên hành trình du lịch qua 100 nước. Trong trường hợp của Văn phòng Chính Phủ, cơ quan chức năng sẽ phải xử lý ra sao đây?
  (VTC) 

Bộ trưởng Thăng có dám vi hành qua suối bằng bao nilon?

Những hình ảnh sống động của các cô giáo và học trò ở Điện Biên vượt sông mùa lũ đến trường học bằng cách...chui vào bao nilon nhanh chóng được chia sẻ trên các trang mạng xã hội ngày hôm nay, 17/3.
Theo tường thuật của phóng viên Tuổi Trẻ, có lẽ chưa ở đâu trên thế giới này có kiểu qua suối kỳ lạ như thế.
Clip do cô giáo Tòng Thị Minh, giáo viên mẫu giáo đang dạy ở điểm trường Sam Lang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) quay lại. Con suối trong clip là suối Nậm Pồ, đoạn giáp ranh giữa hai bản Lai Khoang và Sam Lang, trên trục đường từ trung tâm xã vào tận đường biên giới Việt - Lào.
Cô giáo Minh đã tặng lại các phóng viên báo Tuổi Trẻ những clip này khi các phóng viên đi thực tế cho chương trình xây dựng điểm trường "Tháng ba biên giới".
"Bao giờ thì có những cây cầu treo dân sinh vượt suối trên tuyến Nà Hỳ - Sam Lang cho các thầy cô và học sinh có thể an tâm tới trường, cho người dân bình an lên nương? Chúng tôi nghĩ chắc sẽ còn lâu mới có thể xây ở đây những cây cầu vượt suối" - tác giả bài báo trên Tuổi Trẻ viết.
"Chưa có clip nào, bài báo nào mà bạn đọc chia sẻ nhanh, nhiều đến thế. Không hiểu các nhà chức năng suy nghĩ điều gì! Rất mong hãy mọi người cùng chia sẻ vơi những gì khó khăn nơi đây" - một bạn đọc là từng là thầy giáo, rồi cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ.
Liên tưởng tới những chuyến vi hành đi xe khách, đi xe buýt của các quan chức gần đây, môt bạn đọc khác bình luận: Liệu các Bộ trưởng như Đinh La Thăng, Phạm Vũ Luận, hay Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị có nghĩ đến phương án vi hành như thế này?
(VNN)

Ai bật đèn xanh cho côn đồ “làm loạn” Kiến Xương-Thái Bình?

Sáng 12/3, tại Nhà máy gạch tuy-nen Vũ Bình (Thái Bình), rất đông các đối tượng “lạ mặt” bất ngờ xuất hiện, “đánh chiếm” nhà máy, khiêng giám đốc ném ra sân...

Giám đốc bị ném ra sân

Ngay sau khi sự việc xảy ra, ông Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng và Phát triển nông thôn (Công ty Nông Thôn) - chủ sở hữu hợp pháp Nhà máy gạch tuy-nen Vũ Bình (thôn Mộ Đạo, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đã có đơn tố cáo và kêu cứu khẩn cấp gửi các cơ quan chức năng và báo chí.

Theo trình bày của ông Đoàn, khoảng 8h15 ngày 12/3, hơn 50 người “lạ mặt” bất ngờ tập trung ở vực nhà ăn của nhà máy gạch.

Khi ông Đoàn lên tiến phản đối, hàng chục người đã xúm vào xô đẩy, đấm đá ông gục ngã xuống sân trước cửa văn phòng làm việc. Liền sau đó, 5 người đàn ông to khỏe đã túm đầu, chân, tay ông Đoàn, khiêng ra khỏi khu vực văn phòng và ném ra sân.


GĐ C.ty sở hữu Nhà máy gạch tuy-nen Vũ Bình bị những kẻ "lạ mặt" khiêng ném ra ngoài

Trước sự áp đảo quyết liệt, không còn cách nào khác ông Đoàn phải tháo chạy, trốn vào trong xe ô tô riêng. Sau đó, khu vực nhà máy đã bị những người lạ mặt phong tỏa.

Toàn bộ cán bộ quản lý tại nhà máy này cũng bị các đối tượng trên đe dọa, buộc phải rời khỏi công ty.

Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết: “Những người lạ này dùng vũ lực đe dọa, ép toàn bộ cán bộ, nhân viên công ty phải ra khỏi nhà máy. Sau đó, khoảng hơn 10 người đến phòng làm việc ép tôi phải làm biên bản bàn giao cho họ trụ sở, hồ sơ giấy tờ và toàn bộ tài sản thuộc dự án Nhà máy gạch tuy-nen”.

Sau "cưỡng chế" nhà máy, đuổi giám đốc đi, những người này đã tự ý niêm phòng tài sản

Một trong những người có mặt trước cửa nhà máy gạch tuy-nen Vũ Bình trước đây từng là cổ đông, nhân viên của nhà máy

Cùng ngày, những người lạ mặt đã chỉ đạo, ép buộc công nhân thuộc các phân xưởng sản xuất đang làm việc theo hợp đồng lao động với Công ty Nông Thôn phải kí hợp đồng lao động với Công ty Cổ phần vật liệu và xây dựng Đất Nước.

Trong khi đó, theo xác minh của phóng viên, ngày 13/2/2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Bình đã ra kết luận thanh tra khẳng định, C.ty Nông Thôn là chủ đầu tư hợp pháp của dự án. Kết luận trên còn chưa kịp ráo mực thì các đối tượng lạ mặt đã kéo đến chiếm giữ trái phép nhà máy.

Vắng bóng công an

Liên quan đến vụ việc, chiều 14/3, trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, Trung tá Nguyễn Xuân Hải - Trưởng công an huyện Kiến Xương (Thái Bình) xác nhận, có việc những người lạ đã cưỡng chế và hiện đang tiếp quản, kinh doanh khai thác tại nhà máy gạch tuy-nen Thái Bình. Ngay sau đó, lực lượng công an huyện đã cử trinh sát xuống nhà máy để nắm tình hình.

Gạch của nhà máy bị nhóm người lạ mặt mang đi bán

Theo ông Hải, vụ việc xảy ra do có sự tranh chấp, mâu thuẫn giữa công ty Nông Thôn với Công ty CP vật liệu và xây dựng Đất Nước trong việc đầu tư tại dự án.

Ông Hải cho biết thêm, công an huyện đã triệu tập 11 người được cho là tham gia “khống chế” nhà máy đến cơ quan công an để làm việc.

“Chúng tôi đang điều tra, xác minh. Kiên quyết xử lí nghiêm, không bao che cho hành vi sai trái” – ông Hải khẳng định.

Đây không phải là lần đầu tiên Nhà máy gạch tuy-nen Vũ Bình bị người lạ “tấn công”. Trước đó, ngày 30/11/2013, một nhóm người cũng đã đến bao vây, phong tỏa nhà máy nhiều ngày khiến cho mọi hoạt động tại đây bị ngưng trệ.

Sự việc hôm 12/3 chỉ là “giọt nước làm tràn ly”. Tuy diễn ra rầm rộ, náo loạn cả một vùng quê nhưng Trưởng công an huyện Kiến Xương - Nguyễn Xuân Hải cho biết, thời điểm đó công an không nhận được thông báo (?).

Một việc “động trời” xảy ra ở một vùng đất thuần nông Thái Bình qủa thực khiến cho nhiều người không khỏi bàng hoàng. Giờ đây, điều khiến dư luận băn khoăn hơn cả đó là việc, phải chăng có một thế lực nào đó đứng sau “bật đèn xanh” cho nhóm côn đồ trên làm bậy, gây náo loạn Kiến Xương - Thái Bình?

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong quá trình đầu tư và xây dựng nhà máy gạch tuy-nen Thái Bình, Công ty Nông Thôn đã thỏa thuận với 1 số công ty khác để cùng chung vốn làm ăn. Tuy nhiên sau đó đã xảy ra mâu thuẫn giữa công ty Nông Thôn với các đối tác. Hiện phía Công ty Nông Thôn đã gửi đơn ra tòa án yêu cầu khởi tố vụ việc.

Viết Cường
(GDVN)

Dân Biểu Ed Royce đệ trình dự luật chế tài viên chức CSVN

Dân Biểu Ed Royce. (Hình: Noel Celis/AFP/Getty Images)
WASHINGTON DC 16-3 (NV) - Nên hạn chế nhập cảnh, cư trú, cấm tham gia các giao dịch tài chính, phong tỏa tài sản tại Hoa Kỳ đối với những viên chức cán bộ CSVN xâm hại nhân quyền. 

Đó là nội dung chính của Dự Luật HR 4254 do Dân Biểu Ed Royce, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ, vừa đệ trình.
Theo một thông cáo báo chí do Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ đưa ra hôm 14 Tháng Ba, dự luật này được soạn nhằm áp đặt những biện pháp trừng phạt dành riêng cho những viên chức Việt Nam được xác định “đồng lõa trong những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân Việt Nam”.
Thông cáo này cho biết HR 4254 là một dự luật lưỡng đảng và những viên chức bị xem là “đồng lõa trong những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân Việt Nam” bao gồm cả các viên chức chính phủ, công an lẫn những cá nhân thực hiện các hành vi xâm hại nhân quyền đối với những người phản kháng một cách ôn hòa.
Nếu được thông qua, chính phủ Hoa Kỳ sẽ lập và cập nhật danh sách các “đồng lõa trong những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân Việt Nam” và các cá nhân có tên trong danh sách này sẽ không được nhập cảnh hay quá cảnh ở Hoa Kỳ, không được cấp bất kỳ quy chế di trú hợp pháp nào. Họ cũng sẽ không được phép nộp đơn hay các thỉnh nguyện liên quan đến những nội dung vừa kể.
Về tài chính, các cá nhân có tên trong danh sách “đồng lõa trong những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân Việt Nam” sẽ bị phong tỏa tài sản, bị hạn chế hoặc bị cấm giao dịch tài chính, cấm đưa tài sản vào hay ra khỏi Hoa Kỳ.
Trên thực tế, có rất nhiều viên chức CSVN đã hoặc đang tìm đủ cách để thụ hưởng quy chế thường trú tại Hoa Kỳ, chuyển tiền từ Việt Nam sang Hoa Kỳ để mua bất động sản, đầu tư vào các cơ sở thương mại dưới tên vợ con, thân nhân, thân hữu.
Theo Dân Biểu Ed Royce, mục tiêu của HR 4254 nhằm hỗ trợ tiếng nói phản kháng của những người dũng cảm lên tiếng chống lại chính quyền Cộng Sản ở Việt Nam.
Ông cho rằng, giữa lúc chế độ Hà Nội đang gia tăng đàn áp những tiếng nói bất đồng và chính quyền Hoa Kỳ im lặng trước những vi phạm nhân quyền, thì HR 4254 nhằm khẳng định để “người dân yêu tự do của Việt Nam biết rằng Quốc Hội Hoa Kỳ đứng về phía họ”.
Trước nay, Dân Biểu Ed Royce vẫn là một trong những người tích cực cổ xúy cho cuộc tranh đấu đòi tự do, dân chủ tại Việt Nam. Ông Ed Royce từng soạn thảo, đệ trình dự luật H. Res.128 để đưa Việt Nam vào lại danh sách những quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC). Ông cũng là một trong những người bảo trợ Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam từng được Hạ Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua hồi năm 2013 nhưng bị chặn lại ở Thượng viện.
(Người Việt) 

Biệt kích Mỹ tấn công giành quyền kiểm soát chiếc tàu dầu treo cờ Bắc Triều Tiên

Theo tin chính thức từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, khoảng 2 giờ sáng – giờ quốc tế - hôm nay 17/03/2014, một đơn vị biệt kích hải quân Mỹ (Navy Seal) đã đột kích lên một chiếc tàu chở dầu mang cờ Bắc Triều Tiên ở ngoài khơi đảo Síp. Đó là chiếc tàu mang tên Morning Glory, chở theo dầu thô mua tại một bến cảng do phiến quân Libya kiểm soát ở miền đông nước này.
Trong một bản thông báo, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Chuẩn Đô đốc John Kirby cho biết là theo yêu cầu của cả chính quyền Libya và Síp, lực lượng Mỹ tung chiến dịch đột kích và « giành quyền kiểm soát chiếc tàu Morning Glory, một chiếc tàu không có quốc tịch vừa bị ba phần tử võ trang người Libya chiếm giữ vào đầu tháng này ».
Cảng Lybia Es Sider, thành phố  Ras Lanuf, dưới quyền kiểm soát của phiến quân. Ảnh chụp ngày 11/03/2014. Tàu  Morning Glory, treo cờ Bắc Triều Tiên mua dầu thô tại đây.
Cảng Lybia Es Sider, thành phố Ras Lanuf, dưới quyền kiểm soát của phiến quân. Ảnh chụp ngày 11/03/2014. Tàu Morning Glory, treo cờ Bắc Triều Tiên mua dầu thô tại đây.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, chiến dịch đã được chính Tổng thống Barack Obama đồng ý, và đã được thực hiện tại « vùng hải phận quốc tế ở phía đông nam đảo Síp ». Mọi việc đều diễn ra êm thắm, không một ai bị thương, và chiếc tàu sẽ sớm được một thủy thủ đoàn Mỹ đưa về một hải cảng ở Libya.
Giải thích về nguyên nhân khiến Mỹ phải can thiệp, Lầu Năm góc xác định là chiếc Morning Glory « đang chở theo một lô dầu thuộc sở hữu của Công ty dầu khí quốc gia Libya. Cả con tàu lẫn hàng hóa đều đã bị chiếm dụng bất hợp pháp tại cảng As - Sidra của Libya ».
Theo các nguồn tin báo chí, trước khi rời cảng As - Sidra ở miền Đông Libya, hiện do lực lượng phiến quân chống lại chính quyền Libya chiếm giữ, chiếc Morning Glory đã nạp ít nhất là 234.000 thùng dầu thô.
Ngay sau khi vụ việc bị tiết lộ, hôm 12/03 vừa qua, Bình Nhưỡng đã bác bỏ mọi sự dính líu của họ đối với con tàu này, cho dù chiếc Morning Glory treo cờ Bắc Triều Tiên.
Theo hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA, thì chiếc tàu do một công ty Ai Cập điều hành, và đôi khi được Bình Nhưỡng cho phép tạm treo cờ Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên Bình Nhưỡng đã « hủy bỏ và xóa tên » chiếc tàu trong sổ sách của Bắc Triều Tiên , vì chiếc tàu đã vi phạm luật lệ về đăng ký tàu thuyền của Bắc Triều Tiên, cũng như hợp đồng « nghiêm cấm chuyên chở hàng buôn lậu ».Hãng tin KCNA kết luận : « Do đó, con tàu không dính dáng gì với Bắc Triều Tiên, và nước này « không có bất kỳ trách nhiệm nào đối với chiếc tàu ».
Năm ngày sau tuyên bố kể trên của Bắc Triều Tiên, Biệt kích Mỹ đã ra tay đánh chiếm chiếc tàu để giao lại cho chính quyền Tripoli.
(RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét